QUÁ TRÌNH THÀNH ĐẠO
CỦA PHẬT THÍCH CA
Một hôm vì quá kiệt sức, Thái tử Tất-Đạt-Đa ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên (Neranjara) và khi tỉnh dậy Ngài mới tỉnh ngộ mà nhận thấy rằng lối tu này chỉ hành hạ thân xác mà không giải thoát được gì. Thái tử nghĩ rằng những rối rắm và những căn nguyên của sự đau khổ không phải là từ bên ngoài mà chính là khả năng để từ bỏ những dục vọng từ trong tâm. Vì nhận thức như vậy, Thái tử quyết định chọn một con đường mới để đi tìm sự giải thoát và Ngài gọi nó là con đường trung đạo. Dựa theo con đường trung đạo này, Ngài đã dùng Giới, Định, Tuệ để tiêu diệt những ô nhiễm ở trong tâm thức và sau cùng trừ hết các căn bản bất thiện tức là ly dục, ly bất thiện pháp. Khi Thái tử quyết định như thế, năm nhà tu khổ hạnh trước đây theo Ngài đã từ bỏ Ngài và gọi Ngài là người bỏ cuộc vì không tiếp tục tu hành theo như trước. Sau 5 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, Ngài nhận thấy rằng sức mạnh của cơ thể là một điều rất cần thiết cho thiền định nên Ngài liền xuống sông Ni Liên tắm rửa và bắt đầu trì khai khất thực. Mặc dù tấm thân tứ đại là vô thường, nhưng Ngài vẫn cần nó như là chiếc thuyền để đưa Ngài đến bên kia bến bờ Giác ngộ.
Sau khi thọ bát cháo sữa do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sức khỏe của Ngài lần hồi khôi phục. Rồi Thái tử đi đến dưới gốc cây Tát-bạt-la (Pippala: sau nầy được gọi là cây Bồ-đề, có nghĩa là cây Giác ngộ), ngồi tỉnh tọa dưới cây Bồ-đề trên một nắm cỏ khô, tham thiền và thề rằng:
“Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.
Rồi Thái Tử bắt đầu tư duy: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ“.
Trước khi vào định của sơ thiền, hành giả thực tập “Ly dục ly bất thiện pháp” nghĩa là phải sống đời đạo hạnh, lìa xa ái dục và những tham vọng của thế gian để tâm được an tịnh. Ly dục là thoát ly những đối tượng của ái dục, tức là thân viễn ly. Còn “ly bất thiện pháp” là từ bỏ những cấu uế (dục vọng) của tâm tức tâm viễn ly. Nói cách khác, ly dục là thanh tịnh thân nghiệp, ly bất thiện pháp là thanh tịnh ý nghiệp. Sau đó, hành giả thực hành pháp quán niệm hơi thở, theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra dài ngắn như thế nào và biết rõ như vậy nghĩa là lúc ấy hành giả đang ý thức và nhận biết chính mình. Hơi thở đối với sự sống con người là tối quan trọng. Con người có thể nhịn ăn, nhịn uống trong một thời gian dài, nhưng mạng sống sẽ kết thúc nếu thiếu thở trong vài phút đồng hồ. Chúng ta thở suốt ngày suốt đêm, nhưng ít khi chúng ta nắm bắt được hơi thở của mình. Con người vì quá bận bịu lo cho cái ăn, cái mặc mà quên đi tính diệu dụng của hơi thở. Hơi thở vô hấp thụ theo dưỡng khí và từ đó tim sẽ chuyển dưỡng khí đi nuôi khắp thân thể, sau đó thán khí sẽ chuyển ngược về tim và phổi sẽ đẩy nó ra ngoài khi chúng ta thở ra. Vì vậy, hít vô, thở ra chính là sự sống của con người. Khi lo lắng, cáu giận làm cho tim đập nhanh, phổi khó hấp thu không khí, thì chính lúc này việc nắm bắt hơi thở là rất quan trọng giúp ta lấy lại trạng thái bình tĩnh của tâm và điều hòa của thân. Khi hơi thở và thân thể được điều hòa thì trạng thái an tịnh của thân sẽ sanh khởi.
Thật ra, việc hít vào, thở ra sâu cạn chưa phải là điều quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là ta có ý thức được trong khi thở. Đức Phật dạy khi hít vào, thở ra chúng ta phải ý thức theo dõi hơi thở ấy. Hơi thở ra dài, ngắn thì phải biết là dài, ngắn thật sáng suốt và tỉnh táo. Ngày nay trong cuộc sống văn minh hiện đại, con người hoạt động như con thoi trong khung cửi. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực tập pháp quán niệm hơi thở để đem lại sức khỏe cũng như năng suất công việc. Ở mức độ cao hơn, nó giúp hoàn thiện và phát triển trí lực.
Ngày xưa Đức Phật dùng phương pháp Quán Niệm Hơi Thở để có thể nhập và xuất định. Nhờ phương pháp Quán Niệm Hơi Thở, Đức Phật chứng ngộ Niết Bàn và sau khi thành đạo, Ngài đã giảng dạy phương pháp này cho tất cả mọi người cho đến khi Ngài nhập diệt. Lý do thực hành Quán Niệm Hơi Thở là vì chúng ta muốn chứng nghiệm thực tại tối hậu. Khi chú tâm vào hơi thở, chúng ta khám phá những gì mà chúng ta chưa biết về mình nghĩa là tìm ra ý thức những gì hãy còn trong vô thức. Nói cách khác, pháp môn Quán Niệm Hơi Thở có thể như là cây cầu nối tâm ý thức và tâm vô thức bởi vì hoạt động của hơi thở vừa có tính cách ý thức và vừa có tính cách vô thức. Khi vào định, chúng ta có thể kiểm soát hơi thở hoặc điều khiển hơi thở theo ý muốn của mình. Cao hơn nữa, hành giả có thể ngừng thở một thời gian. Nhờ duy trì ý thức về hơi thở, tự nhiên chúng ta bắt đầu ý thức được các chức năng hoạt động của thân thể mà trước đây chúng ta không hề hay biết (vô thức). Nhờ đó, chúng ta thật sự thâm hiểu sự vận hành trong ta (danh, sắc) nhằm giải thoát khỏi tham, sân, si bằng cách ý thức chúng rất rõ ràng. Do đó, hơi thở phản ảnh rất rõ tâm trạng của con người. Khi tâm bình yên, thanh thoát, hơi thở đều và nhẹ. Ngược lại, khi tâm bị các trạng thái tiêu cực xâm chiếm, hơi thở nặng nề, thô tháo. Vì thế khi tâm bất an, lo lắng, buồn phiền chỉ cần ngồi yên lặng, hít thở thật mạnh vài lần rồi sau đó thở đều và nhẹ thì mọi buồn phiền sẽ lắng diệu ngay, giúp ta lấy lại trạng thái bình tĩnh của tâm và điều hòa của thân. Khi hơi thở và thân thể được điều hòa thì trạng thái an tịnh của thân sẽ sanh khởi.
Đề Mục Thiền Quán niệm hơi thở (Theo Kinh Satipaṭṭhāna-sutta):
Thân niệm xứ:
1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.
2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.
3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.
4. Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
Thọ niệm xứ:
5. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.
6. Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.
7. Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.
8. Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
Tâm niệm xứ:
9. Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.
10. Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.
11. Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.
12. Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.
Pháp niệm xứ:
13. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
14. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
15. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
16. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.
Sau khi hơi thở đã đều đặn, hành giả có thể chọn hai con đường: một là đi theo thiền định (Samadhi Meditation) hay là đi theo thiền quán (thiền trí tuệ)(Insight Meditation)(Vipassana Meditation). Ở đây Đức Phật chọn thiền định tức là đi vào Tứ thiền định. Sau khi đắc Tứ thiền, Đức Phật mới thực hành Thiền quán. Đức Phật là người đầu tiên của nhân loại đã khám phá ra thiền quán và từ đó thiền quán được xem như là cốt lõi về hành thiền mà Đức Phật đã dạy cho đệ tử trong suốt 45 năm hành đạo của Ngài.
Từ đó, Thái Tử thiền định suốt 49 ngày đêm, chứng tứ thiền như sau:
1)Sơ thiền (First Jhana): “Này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. ”
Tiến trình thực tập bài kinh “Quán niệm hơi thở”: Trước hết hành giả chuẩn bị tư thế ngồi, điều chỉnh thân thể, điều chỉnh hướng Tâm và sau cùng là thực tập và kiểm soát hơi thở. Hơi thở vô dài hay hơi thở ra dài, nhận biết chúng. Hơi thở vô ngắn hay hơi thở ra ngắn nhận biết chúng.
Khi tâm cột chặt vào hơi thở thì Đức Phật gọi giai đoạn này là “Định có Tầm có Tứ” “Savitakka savicara Samadhi”. Tầm là hướng tâm vào đối tượng và Tứ là bám chặt tâm trên đối tượng ấy. Đối tượng mà Đức Phật nói ở đây chính là bám chặt lấy hơi thở của chính mình cho đến khi không còn vọng tâm thì bây giờ hành giả có Tầm có Tứ. Vì còn bám vào hơi thở nên tâm vẫn còn biết nhưng chỉ biết có một niệm nên Đức Phật gọi là “Đơn niệm biết” nghĩa là chỉ biết “khi thở ra tôi biết tôi thở ra, khi hít vào tôi biết tôi hít vào” ngoài ra tâm không còn biết bất cứ niệm nào nữa nghĩa là tâm không còn vọng tưởng. Nói cách khác, cái biết này Đức Phật gọi là “Biết như thật” nghĩa là hít vào tôi biết tôi đang hít vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.
Khi đang ở trong tầng định này thì tâm đang ở trình trạng khách quan nghĩa là tâm không còn thương ghét, không còn dính mắc quá khứ, tương lai ngay cả hiện tại cũng không còn dính mắc bởi vì lúc bấy giờ tâm chỉ biết mình đang hít thở ngoài ra không còn biết bất cứ chuyện gì xảy ra trong tâm hay ở ngoài thân.
Ở trong định này hành giả cảm nhận hỷ lạc dâng lên. Hỷ là niềm vui (joy) còn lạc là hạnh phúc (happiness). Hỷ lạc là niềm vui phát sinh tự trong tâm. Cái niềm vui này là do hành giả thực hành đứng đắn “Ly dục ly bất thiện pháp” nghĩa là hành giả phải có đời sống trong sạch và đạo hạnh, làm tất cả các việc lành và tránh xa các việc bất thiện. Nếu hành giả không sống đời “Ly dục ly bất thiện pháp” thì khó vào tầng thiền định này được. Vì vậy tiến tình này mới gọi là “Giới sanh Định” và cứu cánh sau cùng là “Định sanh Tuệ”.
Một khi hành giả làm chủ được các tầng thiền định thì người đó có thể đạt đến trạng thái hỷ lạc này bất cứ lúc nào họ muốn và có thể kéo dài cảm giác ấy theo ý thích. Trên con đường tu tập, Định đóng vai trò quan trọng là tạo sự an vui vì thế Thái tử đã nói rằng:”Đây là lạc (hạnh phúc) ta được hưởng”. Vì tâm của chúng ta chỉ có thể thực hiện một hành động ở một thời điểm hoặc là chúng ta mong cầu, theo đuổi việc gì hoặc là muốn tâm được an định. Vì thế, nếu chúng ta không quấy nhiễu tâm, để nó tự vận hành, thì nó sẽ tự đi vào định. Đây là một yếu tố tự nhiên của tâm. Hành giả có thể an trú trên tầng thiền định thứ nhất, nhưng cứu cánh là hành giả phải tiến đến tầng thiền định thứ nhì. Thái tử sau khi an trú ở sơ thiền khoảng một tuần thì Ngài bắt đầu chuyển sang nhị thiền.
2) Nhị thiền (Second Jhana): “Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.”.
Tuần lễ thứ nhì, Thái tử bắt đầu đi vào tầng thiền định thứ hai.
Qua đến tuần lễ thứ nhì, Thái tử không còn chú tâm vào hơi thở nữa, nhưng Ngài vẫn tiếp tục an trú trong Định. Cái khác nhau là Thái tử bây giờ vẫn an trú trong Định mà không còn hướng tâm và bám chặt tâm vào hơi thở nghĩa là Định mà Thái tử có bây giờ là Định không Tầm không Tứ. Tuy Thái tử không còn chú tâm đến hơi thở như trong Sơ thiền, nhưng Ngài vẫn còn biết một cách thầm lặng hơi thở ra vào đều đặn nghĩa là hít vào Ngài biết hít vào, thở ra Ngài biết mình đang thở ra. Khi tâm của Thái tử còn nhận biết hơi thở ra, vào là do tánh xúc chạm nơi mũi tức là cảm thọ. Đây là tầng định quan trọng nhất trong tất cả bốn tầng thiền định vì từ đây hành giả chỉ thêm bớt đề mục thì sẽ chuyển qua tầng thiền định kế tiếp.
Đến đây, Thái tử diễn tả là Ngài có nhiều hỷ lạc do Định sanh hơn tầng thiền thứ nhất. Khác với sơ thiền, có hỷ lạc là do Ly dục ly bất thiện pháp, còn hỷ lạc của nhị thiền là do Định phát sinh. Ngày nay khoa học có thể giải thích sự hỷ lạc này cũng giống như chất Dopamine làm cho con người có những giây phút lân lân, khoan khoái, sung sướng. Định của Phật giáo là do công phu tu tập mà có trong khi dùng hóa chất để kích thích sẽ làm cho hệ thống não bộ càng ngày càng suy yếu, thân tâm suy nhược. Khi con người dùng cocaine, methamphetamine…thì những hóa chất này sẽ kích thích hệ thống não bộ tiết ra chất Dopamine làm cho họ có những cảm giác lân lân (high), đê mê trong thời gian ngắn. Nếu muốn tiếp tục hưởng những cảm giác đó thì họ trở thành người nghiện ngập, biến cuộc sống trở thành điên đảo, vô định hướng. Ngược lại, hành giả vào các tầng thiền định cũng cảm nhận những niềm vui, cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Lý do Thái tử thành công nhanh chóng vào sơ thiền và nhị thiền là do những kinh nghiệm mà Ngài đã thu thập thiền từ khi còn bé, khi Ngài còn tu khổ hạnh và sau cùng là Ngài có cuộc sống trong sạch, đạo đức, không dính mắc gì trong cuộc đời. Đó là những yếu tố giúp Ngài chuyển từ sơ thiền sang nhị thiền một cách nhẹ nhàng, không có gì khó khăn cả.
Tóm lại, sau khi chứng và an trú sơ thiền, bây giờ hành giả tiếp tục hành trì bằng cách diệt tầm diệt tứ. Hành giả lúc đó sẽ chìm vào trong trạng thái định và tâm rất an bình mà không cần bám víu vào bất cứ đề mục nào nữa. Lúc ấy hành giả chứng và an trú vào tầng thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh và dĩ nhiên không tầm, không tứ nghĩa là lúc đó hành giả sẽ không còn bất cứ điều gì suy nghĩ trong đầu cả tức là ý thức bị diệt, buông xả tất cả. Đến đây hành giả sẽ đạt được trạng thái nội tĩnh nhất tâm.
3) Tam thiền (Third Jhana): “Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.”.
Ở tầng thiền thứ hai, Thái tử cảm nhận hỷ lạc do Định sanh mà hỷ lạc là do cảm thọ mà có được, nhưng từ Thọ sẽ chuyển qua Tưởng và sau đó Tưởng tức là tri giác sẽ trở thành Tầm tức là trở lại tầng thiền thứ nhất. Do đó, muốn tiến xa thì Thái tử bây giờ phải buông hỷ lạc, không để ý đến niềm vui nữa và từ đó Ngài mới bước qua tầng thiền định thứ ba. Khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi…những đối tượng bên ngoài thì tâm phát sinh ý niệm. Bây giờ, nếu không thấy, không nghe, không ngữi thì chúng ta dặp tắt những ý niệm từ bên ngoài rất dễ dàng. Tuy nhiên, Tưởng là cảm thọ từ bên trong nội tâm nên rất khó buông xuống. Khi ngồi thiền, tâm lắng đọng thì hành giả sẽ biết được những cảm thọ từ bên trong khiến vọng tưởng dấy khởi tức là hành giả bị dính mắc nơi cảm thọ.
Vì tầm quan trọng đó, nên đến đây Thái tử phải chấm dứt mọi cảm thọ. Và đến tuần thứ ba, Thái tử bước sang tầng thiền định thứ ba.
Đến tầng thiền thứ ba này, Thái tử không còn Tầm không còn Tứ mà Ngài chú tâm để loại bỏ hết mọi cảm thọ. Thái tử thực hành “Ly hỷ Trú Xả” nghĩa là gạt bỏ niềm vui trong tâm, không có thích thú nữa, trú xả có nghĩa là không chấp bất cứ ý niệm nào, chỉ biết những biến hành trong thân của mình một cách trung thực chẳng hạn như trạng thái lạc thì biết rằng thân mình có lạc hoặc trạng thái khổ thì biết rằng thân mình có khổ, nhưng đến tầng thiền này thì trạng thái khổ sẽ không còn nữa mà chỉ có lạc. Vì vậy tầng thiền định này gọi là Chánh niệm Tỉnh giác. Ở đây chúng ta gọi Chánh Niệm, nhưng trên thực tế thì Kinh điển chỉ gọi là Niệm tức là cái biết rõ ràng đầy đủ. Nói cách khác, lúc bấy giờ mình nhận biết tất cả những biến hành bên ngoài và bên trong tâm của mình nhưng không dính mắc bất cứ cái gì cả. Tỉnh giác là luôn luôn thức tỉnh để quan sát và hiểu biết chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể của mình. Tỉnh giác cần phải có chánh niệm bởi vì nếu niệm bây giờ nghiêng về tà niệm thì lúc đó chánh định sẽ biến mất mà trở thành tà định vì thế tỉnh giác cần đi đôi với chánh niệm. Thân của hành giả sẽ có sự lạc thọ phát sinh và ở tầng thiền thứ ba này và cơ thể của hành giả sẽ không còn đau đớn, không còn bực bội, không còn mỏi mệt mà cơ thể hoàn toàn ở trạng thái thoải mái, khinh an, thanh thoát. Kinh điển gọi trạng thái này là xả niệm tức là bỏ hết ý niệm, lạc trú tức là trú trong an lạc và hành giả lúc ấy chứng và an trú tầng thiền thứ ba.
Điều quan trọng nhất ở tầng thiền thứ ba là Thái tử phải làm chủ cảm thọ. Ở ba tầng thiền định, hỷ lạc càng lúc càng tăng, nhưng Thái tử không dính mắc vào cảm thọ hỷ, lạc nghĩa là biết có hỷ lạc nhưng không dính mắc. Ngoài ra, từ đầu Thái tử đã thực hành pháp quán hơi thở mà hơi thở là do xúc chạm ở thân cho nên đến đây Ngài không để ý đến hơi thở nữa. Nhắc lại ở tầng thiền định thứ nhất và thứ hai Ngài còn chủ động hơi thở nghĩa là hít vào Ngài biết Ngài đang hít vào, thở ra Ngài biết Ngài đang thở ra. Hoặc Ngài thở hơi dài hay hơi ngắn Ngài đều có thể chủ động hơi thở của mình được. Đến tầng thiền định thứ ba thì Ngài bắt đầu buông hơi thở nghĩa là Ngài không còn chủ động hơi thở của mình nữa. Đến đây hơi thở bắt đầu nhẹ nhàng, nhỏ lại. Dần dần nhỏ lại đến một thời điểm nào đó lá phổi cảm nhận thiếu dưỡng khí (O2) cho nên lá phổi gởi tín hiệu lên trên hệ thống thần kinh não bộ. Từ đó hệ thống thần kinh não bộ khiến các tế bào của phổi hoạt động (co giản) để đưa dưỡng khí vào phổi. Đến khi đủ dưỡng khí thì nó ngừng và cứ thế mà nó tiếp tục cung cấp dưỡng khí mỗi khi phổi gởi tín hiệu lên phần não bộ. Nên nhớ trong giai đoạn này, Thái tử không còn chủ động hơi thở của mình nữa cho nên Thái tử gọi thời gian này là Tịnh tức nghĩa là hơi thở yên tịnh.
4) Tứ thiền (Fourth Jhana): “Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.”.
Đến đây Thái tử hoàn toàn bất động nghĩa là thân, tâm hoàn toàn bất động cho nên tứ thiền còn gọi là Định bất động. Định bất động nghĩa là ba hành không động.
–Ngôn hành: Bất cứ cái gì cấu tạo nên lời nói đều nằm ở trong đầu tức là Tầm và Tứ. Nhưng Thái tử đã diệt Tầm và Tứ trong tầng thiền định thứ hai rồi. Do đó kết quả của tầng thiền định thứ nhì là ngôn hành không động nghĩa là không còn nói.
–Ý hành: Cấu tạo của ý là Thọ và Tưởng, nhưng Thái tử đã làm chủ cảm thọ cho nên Thọ và Tưởng yên lặng ở tầng thiền định thứ ba vì vậy đến đây trong tâm của Ngài không có ý thức phát hiện.
–Thân hành: Ở tầng thiền thứ tư thì có thêm thân hành cũng không động. Thân hành không động ở đây có nghĩa là không còn hơi thở chớ từ tầng thiền định thứ nhất thì Thái tử đã ngồi thật yên lặng, không nhút nhích rồi. Đến đây hơi thở của Thái tử cũng yên lặng luôn nên gọi là Tịnh tức.
Trong tầng thiền định này hỷ lạc còn nhiều hơn nữa nhưng Ngài không dính mắc vào nó.
Tóm lại, ở tầng thiền thứ nhì hành giả có hỷ, lạc rồi đến tầng thiền thứ ba hành giả bỏ hỷ mà chỉ có lạc. Đến tầng thiền thứ tư hành giả phải bỏ luôn lạc, bỏ luôn khổ nghĩa là phải bỏ hết, đừng cảm thọ những lạc thọ của thân nữa và ngay cả những cảm giác khổ nào ở trong thân thì cũng bỏ đi, diệt hỷ, diệt ưu (tuy niềm vui, hay đau buồn đã được bỏ ở tầng thiền thứ nhì, nhưng nếu hành giả không chú ý thì nó sẽ trở lại cho nên ở tầng thiền thứ tư hành giả phải bỏ hết) do vậy hành giả sau khi xả lạc, xả khổ rồi còn phải diệt cả hỷ, diệt cả ưu để cho hết các cảm thọ của thân, tâm. Nói chung, hành giả phải bỏ hết, không bám víu vào hạnh phúc, không đau khổ bực tức vì nghịch cảnh, không còn cảm thọ của thân và cảm thọ của tâm. Đến đây hành giả không khổ, không lạc, không hỷ, không ưu, xả niệm thanh tịnh (buông bỏ hoàn toàn tất cả ý niệm nghĩa là nếu có lạc đến thì hành giả cứ bình thản, nếu có khổ, có hỷ hay có ưu đến thì hành giả vẫn bình thản lúc nào cũng ở trạng thái xả) thì hành giả chứng và an trú tầng thiền thứ tư. Đến đây thân, tâm của hành giả hoàn toàn trong sáng, không lạc, không khổ, không hỷ, không ưu, nhưng hành giả vẫn biết với tâm rất thanh tịnh, thanh thoát, nhẹ nhàng.
Thế thì dựa theo tiến trình trên, Thái tử trước hết ly dục ly bất thiện pháp, buông xả tất cả, tâm của Ngài hoàn toàn trong sáng, không lạc, không khổ, không hỷ, không ưu và sau cùng Ngài đắc tứ thiền, tâm hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng đối với Phật giáo, Định không phải là mục đích sau cùng bởi vì cứu cánh tối thượng của đạo Phật vẫn là Trí tuệ (wisdom). Tiến trình Giới (đạo đức) – Định (thanh tịnh) – Tuệ (trí tuệ) thì trong đó Định đóng vai trò cũng quan trọng, nhưng việc đạt được Định không đưa lại sự giải thoát vì Định chỉ có thể thanh lọc tâm ở những trạng thái bình thường chớ không thể phá vỡ những tập khí, hành động hay phiền não núp sâu thẳm trong tâm. Vì thế, vào thời Đức Phật còn tại thế, ngoài Phật giáo ra còn nhiều tôn giáo khác có thể đưa hành giả vào định đắc Tứ thiền, xa hơn nữa có rất nhiều ngoại đạo cũng luyện được năm thần thông, nhưng họ đâu có giải thoát. Do đó, một hành giả chứng tứ thiền, có thần thông nhưng chưa chắc đã đắc một Thánh quả nào. Vì thế đối với thế gian khi thấy một người có thể đi trên nước, bay trên không, độn thổ, đi xuyên qua tường, qua núi…thì chúng ta nghĩ rằng họ là Thánh thần hay tiên giáng thế. Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì những thần thông kia không có gì quan trọng vì họ cũng chỉ là phàm nhân mà con đường giải thoát giác ngộ mới thật sự là cứu cánh tối thượng đưa hành giả trở thành Thánh nhân.
Đến đây, Thái tử đã chứng Tứ thiền, nhưng trong Phật giáo Tứ thiền không phải là Thánh giả hay người giải thoát mà hành giả phải tiếp tục loại bỏ 10 kiết sử và sau cùng mới đắc Thánh quả được.
Làm thế nào Thái tử Tất-Đạt-Đa đắc Tứ Thánh quả?
Đây là điểm đặc thù mà chỉ có Phật giáo mới có và Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã khám phá ra Thiền quán để hóa giải tất cả 10 kiết sử đã cột chặt con người vào trong thế giới khổ đau. Đọc 16 Đề Mục Thiền Quán ở phần sau.
Vậy thế nào thiền quán?
Thiền quán là con đường đơn giản và trực tiếp để nhận biết “thế giới hiện thực như nó đang là” tức là “thực tánh pháp” nghĩa là cái thấy biết trung thực, không bị bóp méo bởi những tư tưởng hay định kiến của con người. Nói cách khác, Thiền trong Phật giáo không phải quán chiếu để tìm những phát minh cho thế giới vật chất mà hành giả xoay ngược vào tâm để quán chiếu về mặt tâm linh và trí tuệ để thấy biết rốt ráo con người thật của mình.
Muốn trở thành Thánh giả trong Phật giáo, hành giả có thể đi qua hai con đường:
1)Nếu hành giả đắc Tứ thiền và đọan trừ 10 kiết sử bằng cách tu theo 16 Tuệ Minh Sát của Thiền quán thì trở thành bậc A la hán và có lục đại (sáu) thần thông.
2)Nếu hành giả không qua Tứ thiền mà tu theo thiền Trí Tuệ với 16 tuệ Minh sát, đoạn trừ 10 kiết sử thì cũng trở thành bậc A-la-hán, nhưng vị này không có thần thông.
Nói chung trong Phật giáo, có 10 kiết sử (chướng ngại) là:
_Thân kiến (sakkàya-ditthi): tin rằng ngũ uẩn là Ta và tin cái ngã thật sự hiện hữu.
– Hoài nghi (vicikicchà): không tin vào Chánh Pháp của Đức Phật.
– Giới cấm thủ (silabata-paràmàsa): tin tưởng và thực hành sai lầm vào giáo điều cực đoan.
– Tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga): Ngũ dục là năm thứ ham muốn của thế gian:
Tài dục: tham muốn cho có nhiều tiền bạc, của cải, vàng ngọc, tài sản vật chất.
Sắc dục: đắm say, đam mê sắc đẹp mỹ miều.
Danh dục: tham muốn địa vị, quyền cao chức trọng, danh thơm tiếng tốt.
Thực dục: tham muốn ăn uống cao lương mỹ vị.
Thùy dục: tham muốn ngủ nghỉ nhiều.
– Sân hận (vyàpàda): tức giận, thù hằn.
– Tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga): đam mê vào cõi chúng sinh có thân và tâm.
– Tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga): đam mê vào cõi chúng sinh không có thân, họ sống bằng Thức.
– Mạn (màna): tự phụ cho mình là cao quý, giỏi hơn người hoặc là mình thua kém người khác ở một phương diện nào đó nhưng vẫn không chịu thua và còn cho mình là bằng người…
– Trạo cử vi tế (uddhacca): Thân tâm lăng xăng, xao động không yên. Đồng thời, nó là một trong năm triền cái, ngăn trở công phu thiền định. Nó cũng gọi là trạo hối. Vì hối hận nên thân tâm không yên. Hối hận vì đã làm điều gì không phải, bất thiện hoặc là hối hận vì đã không làm điều phải, điều thiện.
– Si vi tế (avijjà): những si mê sâu thẳm núp sâu tận trong tâm thức của con người.
Thánh giả dựa theo Phật giáo là người có thể vượt qua những kiết sử ở trên và tùy theo khả năng đoạn trừ các lậu hoặc mà có bốn tầng Thánh như sau:
1)Thánh quả Tu–đà–hoàn (Sotāpanna) hay Quả Nhập Lưu: là tầng Thánh đầu tiên vì vị này đã “Mở con mắt của Pháp” hay gọi là “Pháp nhãn” bởi vì vị ấy đã có thanh tịnh về quan kiến và trực nhận rõ ràng Chánh Pháp của Đức Phật sau khi vị ấy đã diệt trừ ba kiết sử đầu tiên là thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ. Lúc bây giờ, vị ấy sẽ không còn nghĩ mình là một bản thể riêng biệt và thường tồn về cả hai phương diện sắc thân và tâm thức. Vị ấy sẽ không còn hoài nghi về Chánh Pháp và về sự giác ngộ của Đức Phật cũng như con đường mà Đức Phật đã vạch ra để hướng về giải thoát giác ngộ. Đức Phật lúc nào cũng khuyến khích chúng sinh biết tư duy, luận giải và chứng nghiệm để thấy, biết rõ ràng sự lợi ích của Phật Pháp vì đạo Phật là đạo đến để thấy, biết chớ không phải đến để tin. Loại trừ Giới cấm thủ ở đây không có nghĩa là thái độ phóng túng, không giữ gìn giới hạnh mà chỉ xem giới luật như là một phương thức để luyện tâm, nhưng đừng quá mù quáng lệ thuộc vào các hình thức giáo điều. Vì thế người đã phá bỏ được giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, luôn sống thảnh thơi trong giới đức trong sạch đó nhưng không xem giới đức là gánh nặng trên con đường hành trì của họ.
2)Thánh quả Nhất lai Tư–đà–hoàn (Sakadāgāmi): Sau đó, vị ấy tiếp tục trừ khử bớt (giảm nhẹ) tham dục (tham dục trong giai đoạn này là tham đắm vào dục giới tức là thế giới ham muốn mà chúng ta đang sống) và sân hận thì vị đó đắc quả Nhất lai nghĩa là vị ấy chỉ có thể tái sinh trong đời này một lần nữa.
3)Thánh quả Bất lai A–na–hàm (Anāgami): Đến đây nếu vị Thánh giả ấy loại bỏ hoàn toàn hai kiết sử tham dục và sân hận ở trên thì vị ấy chứng quả Bất lai nghĩa là vĩnh viễn không còn tái sinh nữa. Lý do con người còn tái sinh là vì chúng ta còn tạo nghiệp cho dù là thiện hay bất thiện. Còn tạo nghiệp là còn nguyên nhân để tái sinh mà thọ lãnh hạnh phúc hay khổ đau do chính họ đã gieo trong kiếp quá khứ. Vì thế nếu hành giả thật sự loại bỏ hết tham dục và sân hận trong cõi đời này thì cái nguyên nhân để tạo nghiệp chấm dứt. Không còn nghiệp thì vị ấy đã tự mình chặt đứt dây sinh tử luân hồi.
Tóm lại, một hành giả nếu loại trừ năm kiết sử đầu là “Thân kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, Tham đắm vào cõi dục và Sân hận” thì vị ấy trở thành Thánh giả A–na–hàm. Năm kiến sử đầu tiên này còn có tên là “hạ phần kiết sử” (orambhàgiya-samyojana) trói buộc con người trong cõi dục này (thế giới đầy hấp lực mà chúng ta đang sống).
4)Thánh giả A–la–hán (Arahant): Bây giờ nếu vị ấy tiếp tục hành trì thanh lọc tâm ý và tinh tấn loại trừ năm kiết sử còn lại là “Tham đắm vào cõi sắc, Tham đắm vào cõi vô sắc, Mạn, Trạo cử vi tế, Si vi tế” thì vị ấy trở thành Thánh giả A–la–hán. Năm kiết sử này gọi là “thượng phần kiết sử” (uddhambhàgiya-samyojana) cột trói con người vào cõi sắc và cõi vô sắc.
Bốn tầng thiền cõi sắc (Jhana with form) là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. (Xem phần trên).
Bốn tầng thiền của cõi vô sắc (Jhana without form) là:
–Không vô biên xứ (The Sphere of Infinite Space): Sự tương quan giữa tầng thiền đầu tiên trong thế giới vô sắc và sơ thiền trong thế giới dục lạc là những chứng nghiệm về những dục lạc phát khởi từ thân. Vì thế trong thiền định vấn đề tương quan về sự hiện hữu giữa thân và tâm sẽ được nhận biết. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn giữ gìn cho thân, lo lắng cưng chìu cho thân và cố gắng thỏa mãn những đòi hỏi, nhu cầu của nó. Nhưng ở đây, khi hành giả đi sâu vào thiền định thì họ sẽ đánh mất những cảm nhận về thân như là một cá thể riêng biệt. Đó là sự nhận thức về một cảm giác của không gian vô tận mà trong đó không có thân của một cá nhân nào hay thân của của ai khác được cảm nhận rõ ràng. Nói cách khác, trong không gian vô tận, vô cùng thì hành giả nhận biết rằng lòng tin vào cái thân cá biệt này hay vào thân các cá nhân khác chỉ là ảo tưởng. Cũng như bong bóng nổi lên từ mặt biển. Ban đầu chúng ta có cảm giác rằng trong đại dương rộng lớn kia có vô cùng vô tận những bong bóng nổi lên. Khi đang nổi lên trên mặt biển, bong bóng sẽ nghĩ rằng mình là một cá thể riêng biệt, nhưng chúng quên đi rằng chúng nổi lên từ đại dương vô tận và sẽ chìm trở về lòng đại dương đó với sự hiện hữu ngắn ngủi giới hạn. Vì thế, trong không gian vô tận này, không có gì ngoài không gian cho nên nếu tin vào thân cá biệt này hay thân của các cá nhân khác chỉ là ảo tưởng, không bao giờ có thật.
–Thức vô biên xứ (The Sphere of Infinite Consciousness) nghĩa là thức vô tận. Ở tầng thiền trên hành giả cảm nhận được không gian vô tận thì đến tầng thiền này hành giả sẽ cảm nhận thức cũng là vô tận. Thức vô biên khiến hành giả cảm nhận rằng không có một tâm thức cá biệt nào hiện hữu. Không có một cá nhân nào với tâm và thân riêng biệt. Thức vô biên cho ta một chứng nghiệm khi ta không còn bị chi phối bởi ý niệm về “Ngã”. Sự chứng nghiệm của Thức vô biên khiến cho ta không còn chi phối ý niệm về “Ngã” cho nên chúng ta sẽ không phải là gì, sẽ không hoàn thành điều gì, sẽ không phải biết, sẽ không hành động và dĩ nhiên sẽ không phải trở thành gì cả. Nói cách khác, những áp lực về “Ta” (bản ngã) lúc đó sẽ không còn nữa và sự phát triển của tâm thức sẽ không còn những ý niệm riêng tư nào cho riêng “Ta”. Ý thức duy nhất bây giờ là sự nhận biết, biết tất cả nhưng nó không phải là của “Tôi”.
–Vô sở hữu xứ (The Sphere of No-thingness): Ở tầng thiền định này đưa hành giả vào cõi “Không” nghĩa là hành giả nhận thấy rằng không những không có người nào, mà cũng không có “vật” gì. Tính “Không” ở đây là nó không hiện hữu vào thời điểm nào đó khi hành giả quán sát, chớ không phải nó không bao giờ có, đồng nghĩa với không rỗng toét. Thí dụ trước khi đi làm thì trong phòng khách chưng bày đầy đủ nào là ghế này tủ kia đủ màu đủ sắc, nhưng trong khi chúng ta đi làm có người ăn trộm chở hết tất cả đồ đạt đem đi. Khi chiều về đến nhà thì cũng căn phòng đó, chúng ta thấy đồ đạc biến mất, không còn cái gì cả. Vì thế không là nó không có vào thời điểm đó, nhưng trước đó nó vẫn có. Trong Không vô biên xứ cũng như trong Thức vô biên xứ, không có gì mà ta có thể nắm bắt hay níu giữ; không có một thể khối rắn chắc nào trong vũ trụ. Hành giả sẽ nhận ra rằng cái Không mà hành giả đang chứng nghiệm là hoàn toàn vắng lặng mọi cảnh, không có gì ở đó để cho ta bám víu cái này là của Tôi để giữ chặt bên mình.
–Phi tưởng phi phi tưởng xứ (The Sphere of Neither Perception nor Non-perception): nghĩa là không phải tưởng cũng không phải không tưởng. Dù hành giả tưởng thân tâm là rỗng tếch, nhưng đây vẫn là tưởng. Sau cùng tiến lên đến chỗ không có tưởng mà không phải không tưởng. Đến tầng thiền định này thì cái tưởng về an tịnh của tứ thiền cũng không còn mà thay thế bằng sự vắng lặng như là một trạng thái tâm đang ngưng đọng và lúc đó hành giả sẽ cảm thấy tâm tràn đầy năng lượng. Đến đây hành giả sẳn sàng buông bỏ cái ngã của mình, buông bỏ mọi chấp kiến về “Ngã” đó là bây giờ Ta là ai, sẽ là ai và có thể sẽ là ai? Khả năng buông bỏ dù chỉ là trong khoảng khắc vẫn là sự tập luyện tối cần thiết trên con đường dẫn tới giải thoát, an tịnh hoàn toàn.
–Tầng thiền thứ chín là Diệt Tận Định: Đến đây không còn tưởng thô, tưởng không, tưởng thức mà chỉ có tưởng vi tế, tức là tưởng rỗng tếch. Còn cái tưởng đó cũng phải bỏ mới qua Diệt Tận Định. Diệt Tận Định là ở trong định mà hành giả không có cảm thọ và không có tri giác tức là không có sự hiện diện của thọ và tưởng. Đây là tầng thiền định duy chỉ có Phật giáo mới có. Đó là vô tướng tâm định nghĩa là ở đó tâm nó không có tướng. Nếu hành giả an trú và chứng được tầng thiền định này thì gọi là vô tướng tâm định mà Phật giáo gọi là diệt Thọ Tưởng định. Nói cách khác, ở trong tầng thiền này hành giả diệt mọi cảm thọ, diệt Tưởng. Bấy giờ hành giả chỉ có Sắc, Hành và Thức mà thôi. Diệt tận định đôi khi cũng được gọi là tầng thiền định thứ 9.
Tóm lại, có tất cả 9 tầng thiền định, 4 tầng cho cõi sắc, 4 tầng cho cõi vô sắc và sau cùng là thiền định sau khi đã diệt sạch những cảm thọ và tư tưởng trong tâm.
16 Đề Mục Thiền Quán
Tuệ quán hay còn gọi là Thiền quán, Thiền Minh Sát là một tiến trình tu tập rất phức tạp cho nên Tôn giả Xá Lợi Phất diễn tả trong Tiểu Bộ Kinh rất chi tiết về 73 loại trí vì thế sự giác ngộ vào thời Đức Phật còn tại thế là sự tu tập viên mãn các loại trí đó. Trí có thể được hiểu như là khi tuệ đã hoàn mãn. Dựa theo pháp tu Thiền Quán (Thiền Minh Sát)(Thiền Trí Tuệ) (Vipassana) muốn phát triển trí, có 16 Tuệ Minh Sát cần phải tu tập để đạt đến tứ quả Thánh bởi vì Trí tuệ là yếu tố trực tiếp đưa đến giải thoát giác ngộ sau cùng trong khi đó Giới và Định chỉ đóng vai trò gián tiếp. 16 tuệ đó là:
1)Tuệ phân tích Danh Sắc: quán chiếu thân và tâm đều vô ngã, không có cái Ta.
2)Tuệ phân tích nhân quả: quán rằng mình muốn đi. Tâm muốn đi là nhân, chân bước đi là quả nghĩa là Tâm muốn là Danh, chân đi là sắc cho nên Danh là nhân và Sắc là quả.
3)Tuệ suy xét thấy danh sắc vô thường, khổ, vô ngã: Ở tầng tuệ này là do sự suy xét mà thấy chớ không phải thấy bằng trí tuệ. Suy xét thấy thân ngày nào tráng kiện mà giờ đây lưng mỏi gối mòn da nhăn má hóp. Khi còn trẻ thấy đâu nhớ đó, bây giờ nhớ trước quên sau thế thì thân và tâm đều vô thường, hoại diệt. Bất cứ ai sống trền đời cũng đều phải đối diện với biết bao nỗi khổ của sinh, già, bệnh, chết. Vào thời Đức Phật còn tại thế, có những vị Tỳ kheo đến những bải tha ma hoang vắng hoặc những chỗ thiêu xác người để chính họ tự quán sát sự hoại diệt vô thường của thân xác. Khi thấy xác chết cháy từ từ, từng phần từng phần trở thành tro bụi thì họ sẽ tự ngộ, tự giác thế nào là vô thường, thế nào là vô ngã và sau cùng tại sao cuộc đời có quá nhiều khổ đau. Đây là thiền quán thực tiển nhất đưa hành giả đến chỗ giải thoát giác ngộ. Ngày nay, muốn giảm bớt tánh tham, tật đố thì chúng ta nên đến nghĩa địa để quán sự sống chết của một đời người. Cho dù trong cuộc sống, chúng ta có tranh giành, hơn thua để đem lợi về cho mình thì đến khi xuôi tay nhắm mắt, của thế gian cũng phải trả lại hết cho thế gian. Chúng ta đến thế gian này với tấm thân trần trụi và khi ra đi cũng với hai bàn tay trắng. Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc, bây giờ hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười nghĩa là ta phải sống sao cho đáng sống, sống sao cho khi ta chết đi, ta có thể thanh thản, mỉm cười nơi chín suối.
Cuộc đời thì mơ ước mong đợi từ tất cả mọi lãnh vực. Có khi mơ ước thành sự thật thì hạnh phúc quá mong manh, chợt đến chợt đi rốt cuộc rồi lo lắng, buồn phiền. Còn ước mơ mà không được thì dĩ nhiên quá khổ. Đó là chưa kể cái khổ này chưa hết nỗi khổ khác lại đến…Thế gian, nhân sinh vũ trụ đều là sự cấu hợp của biết bao nhân duyên cho nên vạn vật không có tự thể tức là vô ngã. Nếu tuệ này mạnh thì có mười vi tế phiền não phát sinh làm cho Thiền Minh Sát ô nhiễm hay lu mờ khiến cho hành giả không biết đó là phiền não mà ôm lấy nó cho là vật cao quý, dính ở đó, không tiến tới được. Do tâm ái dục, ngã mạn, tà kiến, cho mình đã đắc đạo quả nên không tiến tới và bị kẹt ở tẩng tuệ thứ 3 này thì gọi là phiền não vi tế. Có 10 vi tế phiền não: Ánh sáng, Phỉ lạc, Sự an vui, Tịnh, Đức tin, Tinh tấn, Trí nhớ, Tuệ, Xả, Vọng.
–Ánh sáng: Khi ngồi tham thiền hay đi kinh hành, ánh sáng phát sinh, có khi yếu ớt như đom đóm, có khi sáng lòa như đèn pha, xẹt qua xẹt lại khiến cho hành giả lầm tưởng rằng mình đắc quả.
–Phỉ lạc: hành giả có thể thấy màu đỏ, ánh sáng bình minh, ngứa ngáy, thân mình lúc lắc, nghiêng qua, nghiêng lại, hất tay, hất chân…Phải niệm “ngứa ngáy…” cho mất phỉ lạc nếu không thì hành giả sẽ dính mắc ở đó.
–Sự an vui: Đây là sự an vui của chư Thiên. Vì chưa từng thấy, hành giả lầm tưởng cho đây là Niết bàn rồi dính kẹt ở đó.
–Tịnh: Lúc niệm thiền quán, hành giả thấy từ từ nhẹ nhẹ, rồi mất, như mê vậy. Hành giả lầm tưởng mê là tịnh, là chứng Niết bàn. Tịnh là thiện pháp, nhưng bởi do hành giả còn tham dục, ngã mạn, tà kiến…cho nên gọi là vi tế phiền não.
–Đức tin: Lúc hành giả đang hành tầng tuệ thứ 3, đức tin phát sinh khiến tâm lo lắng quá nhiều cho tương lai hay quan tâm cho quá khứ mà quên đi giây phút hiện tại cho nên hành tuệ không đến nơi đến chốn. Vì thế đức tin biến thành vi tế phiền não.
–Tinh tấn: Quá sức tinh tấn, không biết mệt mỏi, không nghỉ ngơi, quá sức lại ít ngủ khiến cho hành giả kém trí nhớ, có hại cho sức khỏe thì cũng là vi tế phiền não.
–Trí nhớ: Hành tầng tuệ thứ 3 làm cho trí nhớ phát sinh khiến hành giả thấy mình sáng suốt, hiểu biết nhiều. Rồi từ đó nhớ những chuyện viễn vông ở quá khứ, lơ là không tiếp tục thiền quán cho đến nơi đến chốn thì cũng là vi tế phiền não.
–Tuệ: Trong lúc thiền quán thì trí tuệ phát sinh để biết rằng Danh Sắc đều trống không, không phải là Ta hay là của Ta. Hành giả nghĩ rằng sau này mình sẽ thông thái, biện tài vô ngại mà quên đi hành thiền. Đó cũng là vi tế phiền não.
–Xả: Khi thực hành xả, hành giả thấy mình có tâm bình thản, không buồn, không vui. Thấy thế sự dửng dưng, không thỏa thích cũng không giận hờn khiến hành giả nghĩ mình đã đắc đạo vì không còn phiền não khuấy động. Nghĩ như vậy là không đúng vì hành giả chưa đắc gì cả.
–Vọng: Trong khi thực hành thiền quán, hành giả muốn thấy lại những hình ảnh. Thí dụ người có tâm tham, thường thấy cảnh đẹp đẽ. Người có tánh si thường thấy những cảnh lu mờ, không sáng tỏ. Hoặc những người có tánh sân thường thấy thú dữ, hay những cảnh đáng ghê sợ. Những hình ảnh đó đều là vi tế phiền não chớ không phải đắc đạo.
Nói chung, trong 10 loại vi tế phiền não trên, hành giả có khi chỉ có 1 hay vài, ít khi có đủ 10 loại.
4)Tuệ thấy về sinh và diệt của Danh, Sắc: Thân thì càng ngày càng cỗi rồi sau cùng hoại diệt. Còn tâm thì không thật cho nên tâm luôn sinh diệt trong ta. Ý niệm, cảm thọ, hành tác luôn biến đổi sinh diệt. Vì sự vô thường hoại diệt của Danh Sắc cho nên Đức Phật dạy rằng: “Người thấy Pháp Sanh-Diệt của Danh Sắc, dù là có sanh mạng chỉ trong một ngày, cũng quí báu hơn kẻ không thấy pháp Sanh Diệt của Danh Sắc, sống đến trăm tuổi”. (Kinh Pháp Cú).
5)Tuệ quán sự hoại diệt: quán về sự hoại diệt của thế gian, vạn vật.
6)Tuệ sợ hãi: quán thâm sâu những nỗi lo sợ, tận gốc rễ.
7)Tuệ bất toại nguyện: Thế gian này không có gì thật sự là của Ta cho nên càng có nhiều thì càng lo nhiều, giữ dùm cho thế gian cho nên đến khi nhắm mắt của cải thế gian phải trả lại hết cho thế gian. Ngũ uẩn thì sinh diệt cho nên có thân thì phải chịu các bệnh tật, khổ não, không bao giờ hài lòng, thỏa nguyện.
8)Tuệ chán ghét: quán Danh Sắc vô thường vô ngã cho nên cuộc đời luôn bất toại ý.
9)Tuệ ham muốn giải thoát: quán thế gian là vô thường vô ngã cho nên khổ nhiều hơn vui, hạnh phúc có đó rồi mất đó cho nên hành giả muốn hướng về giải thoát, không còn phiền não khổ đau.
10)Tuệ suy tư: tuệ này ôn lại các tuệ trước cho đến khi thấy biết rõ ràng rốt ráo.
11)Tuệ hành xả: quán chiếu sự buông xả để không buồn, không vui, không đam mê ngũ uẩn mà cũng không còn sợ ngũ uẩn. Nếu thiếu tuệ này, không thể đi đến Niết bàn.
12)Tuệ thuận thứ: tuệ này còn có tên là tuệ “Hướng về Niết bàn”. Tuệ hành xả và tuệ thuận thứ quan hệ và giúp đở cho nhau. Đến đây hành giả phải cân bằng ngũ căn là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn.
Tín căn phải đi đôi với tuệ căn bởi vì nếu Đức tin phát sinh nhiều hơn Trí tuệ thì sinh ra tà kiến. Còn Tuệ căn nhiều mà Tín căn ít thì sinh ra hoài nghi.
Tấn căn phải đi đôi với Định căn bởi vì nếu Tinh tấn nhiều hơn Định thì sinh ra phóng tâm. Còn Định nhiều mà Tinh tấn kém thì sinh ra ngủ gục. Tuệ này còn được gọi là tuệ “Ôn lại” từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11. Đến đây tâm hành giả phát sinh 37 Pháp chứng quả Bồ đề (Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo). Tam tướng phát sinh: đến đây hành giả thấy tam pháp ấn “Vô thường, khổ, Vô ngã” cùng phát sinh một lúc. Đức Phật dạy rằng khi hành giả thấy vô thường thì cũng thấy khổ não, vô ngã. Khi thấy khổ não thì cũng thấy vô thường và vô ngã. Khi thấy vô ngã thì cũng thấy vô thường và khổ não. Nhưng tùy duyên, tùy nghiệp khiến cho hành giả chú ý cái nào nhiều hơn thì thấy cái đó rõ rệt hơn hai cái kia.
13)Tuệ cắt đứt dòng phàm còn gọi là tuệ chuyển tộc: Sau khi quán chiếu từ tuệ thứ 1 đến đây thì hành giả chỉ biết Niết bàn một chút thôi mà nhà Phật gọi là chuyển tánh. Cũng như người đu dây muốn nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia. Khi chân vừa chạm đất của bờ bên kia là cảm biết Niết bàn, nhưng chưa hoàn toàn đạt được cảnh giới đó bởi vì tay vẫn còn nắm dây đu nghĩa là tâm chưa hoàn toàn lìa phàm giới.
Từ tuệ thứ 1 đến tuệ thứ 12 là phàm tuệ.
Từ tuệ thứ 13 đến tuệ thứ 16 là Thánh tuệ.
14)Tuệ đạo: Đến đây mọi phiền não bị cắt đứt. Trong 8 cái tham diệt được 4 còn 4. Trong 2 cái Si diệt 1 còn 1. Trong 2 cái Sân còn nguyên chưa diệt được cái nào. Đến tầng tuệ thứ 14 này thì mọi hoài nghi mới thật sự chấm dứt cho nên hành giả sẽ không còn hoài nghi về tội phước, về thiên đường, địa ngục hay về luân hồi nhân quả.
15)Tuệ quả: Đến đây hành giả đắc quả Tu Đà hoàn hay Nhập lưu. Khi chết sẽ không còn sợ phải đi vào 4 đường ác đạo.
16)Tuệ phản kháng hay xem xét lại còn được gọi là Tuệ “quay nhìn lại” hay “ôn lại” tức là Tuệ kiểm soát phiền não và Tuệ Niết bàn. Đến đây hành giả xem xét lại trong tất cả 12 loại phiền não gồm có 8 tham, 2 sân và 2 si thì cái nào diệt cái nào còn.
Đây là tiến trình liên tục và thứ tự bắt đầu từ tuệ Danh Sắc cho đến khi hành giả trực nhận tuệ Thuận thứ (tuệ thứ 12) và tuệ chuyển tộc (tuệ thứ 13) thì hành giả nhận biết Niết bàn và trở thành bậc thánh thứ nhất Nhập lưu.
Bây giờ hành giả lập lại từ tuệ thứ 1 cho đến tuệ thứ 15 trừ tuệ thứ 12 là Tuệ chuyển tánh để loại thêm phiền não thì lúc đó hành giả đắc quả Tư–đà–hàm.
Sau đó hành giả quán trở lại từ tuệ thứ 1 cho đến tuệ thứ 15 để tiếp tục loại bỏ thêm phiền não, hành giả sẽ đắc quả A–na–hàm.
Sau cùng, hành giả thực hành trở lại một lần nữa từ tuệ thứ 1 cho đến tuệ thứ 15, loại hết hoàn toàn phiền não thì chứng quả A–la–hán. Đến đây chấm dứt 16 Tuệ Minh Sát đưa hành giả đến giải thoát giác ngộ.
Tóm lại, khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, một vị A–na–hàm sẽ chứng quả A–la–hán nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Vị ấy đã thực hành trọn vẹn Giới, Định, Tuệ và hành trì toàn phần đoạn tận 10 kiết sử. Vị A–la–hán là bậc trí tuệ viên mãn, giải thoát hoàn toàn khổ đau sinh tử luân hồi nghĩa là vị ấy vĩnh viễn sẽ không còn tái sinh nữa cho nên: “Sanh đã tận, phạm hạnh dĩ thành, bất thọ hậu hữu: “Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being”.
Đến đây, kinh Saccaka tiếp tục diễn tả lại cuộc hành trình đưa Thái Tử đắc tam minh như sau:
1)Trước nhất Ngài đắc Túc Mạng Minh:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.
Túc là đời trước, mạng là sinh mạng còn minh là sáng suốt. Do đó túc mạng minh là sáng suốt để thấu biết rõ ràng những đời trước của mình. Đây là lời giải đáp câu hỏi con người chúng ta từ đâu mà đến? Đức Phật đã thấy rõ vô số tiền kiếp của mình như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài là ai? Tên gì? Và sống ở đâu? Từ đó vô số kiếp hiện ra trước mắt Ngài, một kiếp qua đi thì kiếp khác lại đến.
2)Rồi tiếp theo Ngài đắc Thiên Nhãn Minh:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.
Thiên nhãn minh là con mắt sáng suốt thấy rõ ràng những gì rất xa một cách tường tận. Ngài đã thấy sự sanh tử của chúng sinh dựa trên căn nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp đi tái sinh và thọ báo những nghiệp quả mà chính họ đã gieo từ kiếp trước. Đây là câu trả lời cho nghi vấn rằng sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.
Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng:”Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa”. Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ (vô lượng) kiếp quá khứ. Thật vậy, nghiệp chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, khỏe mạnh hay đau yếu, thông minh hay khờ dại…của con người trong kiếp sống này là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ, chớ không do bất cứ sự thưởng, phạt của Thượng đế hay Diêm Vương nào cả. Chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý Nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Đó là khi gặp nghịch cảnh đau thương thì chúng ta không than Trời, oán Phật và khi thuận duyên hạnh phúc đến thì chúng ta cũng chẳng hân hoan reo mừng bởi vì đó đều là những vận hành của Nghiệp, do chính chúng ta tác tạo. Bây giờ, nếu chỉ nhìn nghiệp bằng một góc độ nhỏ của nhân quả thì luật nghiệp quả của đạo Phật có vẻ như là một số mệnh sắp đặt sẵn bắt buộc con người phải nhắm mắt, xuôi tay chấp nhận.
Nghiệp có thể chuyển được chăng?
Sự huyền diệu của luật Nghiệp quả là nghiệp có thể chuyển cho nên con người mới có thể chuyển từ phàm sang Thánh hoặc từ phàm biến thành ra ác quỷ. Nếu nghiệp không chuyển được thì không ai tu để làm gì? Nếu nghiệp không chuyển được thì Thái Tử Tất–Đạt–Đa làm sao tu thành Phật? Vì ta là chủ nhân của Nghiệp thì ta có thể sai khiến Nghiệp của mình chớ không phải là nô lệ để Nghiệp sai khiến.
Luật nhân quả đã xác định rõ ràng rằng: ”nhân + duyên =quả” (Cause + Conditions = Effect) cho nên nhân tác tạo trong đời quá khứ nếu không kết với những duyên bất thiện hiện tại thì sẽ không tạo thành quả dữ để đưa con người vào cảnh khổ. Cũng như gạo (nhân) mà không nấu (nước và lửa là duyên) thì không thể thành cơm (quả). Do vậy, con người hằng ngày trong cuộc sống, chính mình có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách tạo nhiều thiện duyên và tránh xa duyên ác thì những quả phước thiện đó sẽ đè nén tất cả quả bất thiện khác hoặc nếu quả xấu có hiện hành đi chăng nữa thì nó cũng trở thành nhỏ, không đáng kể, không nguy hại. Cho dù hiện tại chúng ta cảm nhận nhiều nghịch cảnh đau thương vì nó là kết quả của những nhân bất thiện từ đời quá khứ nay đã trổ thành quả. Nếu sống tiêu cực chúng ta chỉ than Trời, trách đất rồi những quả đau thương khác vẫn cứ tiếp tục đến khiến cho cuộc sống thêm khổ đau, chẳng có lợi ích gì. Bây giờ nếu thấu hiểu giáo lý Nghiệp thì bắt đầu chuyển cuộc sống từ tiêu cực sang tích cực nghĩa là chính ta phải tác động chống lại chớ không chịu chấp nhận an phận thủ thường. Nói thế có nghĩa là từ nay con người phải nhận thức sự tai hại và tốt đẹp của nghiệp và nghiệp quả để vun bồi, tác tạo thêm nhiều thiện duyên thì chắc chắn cuộc sống của mình sẽ thăng hoa, hạnh phúc. Nghiệp bất thiện ví cũng như viên thuốc độc, nếu uống vào thì chắc chắn chúng ta sẽ chết. Nhưng nếu bây giờ chúng ta gầy dựng thật nhiều thiện nghiệp ví cũng như tự mình đào một hồ nước rộng, cho dù có bỏ viên thuốc độc đó vào hồ nước rồi múc nước kia uống thì vẫn không hề hấn gì.
Con người từ trong đời quá khứ đã tạo biết bao căn Nghiệp, mà cứ mỗi nghiệp chính là một nét vẽ, một vết mực điểm tô dần dần để hoàn thành bức tranh cho cuộc đời của họ ở đời sau. Một lời nói thiện vừa thốt ra thì lập tức một niềm vui đã hình thành và ngược lại một hành vi ác vừa thực hiện xong thì Luật Nghiệp Quả vô hình cũng lập tức kiến tạo một nỗi khổ để sắp đặt cho họ phải thọ lãnh ở đời sau. Do đó bao nhiêu hạnh phúc, khổ đau, cay đắng hay vinh quang đều đã được hình thành xong từ kiếp trước. Thật vậy, khi con người vừa mới kết tinh vào noãn bào của người mẹ thì hài nhi đã cưu mang một định mệnh do chính nó tạo ra từ kiếp trước. Cái định mệnh vô hình nầy sẽ quyết định mọi thưởng phạt cho cuộc đời của nó khi nó lớn lên. Nhưng đây là một định mệnh không do thần linh áp đặt mà do chính nó tự tạo lấy cho mình. Vậy con người có thể thay đổi được cái định mệnh nầy không? Hay là với những nghiệp đã hình thành, con người bị sức mạnh của nghiệp cuốn trôi khó mà chống lại?
Để trả lời nghi vấn nầy, trong kinh A Hàm, Đức Phật có dạy rằng:
“Người gây nhân bất thiện, dù đời trước hay sau, nếu họ biết tu tâm, tu thân và tu giới thì quả sẽ đổi thay. Còn nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu tâm, tu thân và tu giới thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy. Đó là nhân nào quả nấy và nếu gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng đổi thay”.
Chính Đức Phật đã cho chúng ta một nhận định rõ ràng về cuộc sống để chúng ta không còn bận tâm về sự may rủi thành bại trong đời. Nhưng làm thế nào để chuyển nghiệp?
Tâm hồn của chúng ta đã tích lũy biết bao khuynh hướng vị kỷ, tham lam, thù hận, đố kỵ, hơn thua…từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Vì chúng nó là Ý nghiệp của đời quá khứ nên đời hiện tại tất cả những khuynh hướng bất thiện nầy thúc đẩy chúng ta tiếp tục tạo tác những hành vi bất thiện để đưa chúng ta mãi mãi vào con đường tối tăm tội lỗi. Vậy muốn chuyển nghiệp chúng ta phải cố gắng chuyển hóa nội tâm của mình trước đã, rồi hành động và hoàn cảnh sẽ dần dần thay đổi theo sau.
–Tu Tâm: Trong xã hội có nhiều người nhận thấy cuộc đời của họ không được may mắn, khổ nhiều hơn vui và thường gặp cảnh trái ý nghịch lòng. Vì tin sâu vào luật Nghiệp Quả nên họ công nhận rằng trong đời quá khứ họ ít làm việc phước mà tạo nhiều nghiệp bất thiện. Vì khao khát muốn chuyển nghiệp, họ đi chùa cầu nguyện sự gia bị của thần thánh. Họ cúng dường một mà muốn hưởng phước đức tới mười. Họ cũng chịu khó làm những việc thiện khác, nhưng nội tâm tham lam, ích kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Đối với họ thì làm việc thiện vì muốn quả báo tốt cho chính họ chứ không phải tình thương chân thật đối với con người. Chính họ đã xây lâu đài phước thiện trên bãi cát vì nó không xuất phát từ nội tâm thuần thiện nào cả. Theo luật Nghiệp Quả thì đời sau họ sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng trong họ bản chất tham lam, ích kỷ vẫn còn và chính bản chất tham lam ích kỷ nầy sẽ thúc đẩy họ làm các việc bất thiện khác.
Vậy tu tâm hay chuyển hóa nội tâm là cố gắng kiềm chế cho được lòng tham lam, tính sân hận, tật si mê và chấp trước…Tham thì có nội tham như tham ăn, tham uống, tham mặc, tham sống lâu…và ngoại tham như tham tiền, tham sắc, tham danh, tham lợi…Ăn thì lúc nào cũng muốn ăn ngon, ăn no đủ, còn ngủ thì phải ngủ cho đủ giấc, hay nệm ấm gường êm… Ai đụng đến chút tự ái là nổi điên và hễ thấy vật đẹp, cao quý thì muốn chiếm lấy. Chấp trước có nghĩa là những gì đi ngược lại với những sở thích của bản ngã. Trên thế gian này, dựa theo tinh thần Phật giáo, không có gì thật sự là hạnh phúc hay khổ đau cả bởi vì nếu chúng ta thỏa mãn cho bản ngã thì chúng ta gọi đó là hạnh phúc, ngược lại nếu làm việc gì không thỏa mãn những đòi hỏi của bản ngã thì chúng ta gọi nó là khổ đau chớ hạnh phúc hay khổ đau tự nó không bao giờ có. Đây là tâm trạng chung của con người vì tham, sân, si đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Do đó, chuyển hóa nội tâm là phải can đảm từ bỏ dần dần tham, sân, si và chấp trước để tâm được sáng suốt. Một khi tâm được sáng suốt thì thân, khẩu, ý trở thành thanh tịnh và từ đó con người sẽ không còn tạo nghiệp nữa.
–Tu Thân: Đức Phật dạy tu thân là thân nầy không làm điều ác dù lớn hay nhỏ đều phải tránh xa. Còn làm điều thiện thì phải cố gắng hoàn thành.
–Tu Giới: Còn tu giới là người Phật tử phải giữ tròn năm giới, đó là không được sát sanh, không được trộm cướp, không được vọng ngữ, không được uống rượu và không được tà dâm. Tuy nói tu tâm, tu thân và tu giới nhưng chủ yếu vẫn là tu tâm. Nếu chúng sinh tu tâm được viên mãn thì mọi nghiệp chướng không còn do đó nghiệp khổ sẽ chấm dứt và cuộc đời sẽ được an vui tự tai.
Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói một cách khác chính lòng tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem đến những sự lo âu sầu muộn và bất mãn. Con đường chuyển hóa nội tâm thiết thực là chúng ta phải biết giữ mình theo Giới, Định, Tuệ để có thể giảm bớt hoặc loại trừ tham, sân, si thì đời sống sẽ được tự tại bởi vì tu Giới là thực hành sống đời đạo đức thì lòng tham sẽ giảm. Tu Định thì tâm sẽ thanh thoát, nhẹ nhàng, an tịnh từ đó tánh sân hận, tâm đố kỵ sẽ giảm dần. Sau cùng nếu có chánh kiến, phát triển trí tuệ thì những si mê, lầm lạc sẽ biến mất.
Một số người nói rằng điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khỏe, có tiền tài và có địa vị trong xã hội, nhưng một đời sống hạnh phúc chân thật chưa chắc đã hoàn toàn dựa vào những điều kiện vật chất như thế. Chẳng hạn như một người mạnh khỏe lại dùng sức mạnh của mình làm những điều tội lỗi thì chẳng được ích lợi gì. Còn người giàu sang mà sống bỏn xẻn, ích kỷ, tham lam vô độ thì chính họ chẳng tìm được hạnh phúc cho chính mình mà còn làm hại đến kẻ khác. Người có địa vị lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù mà thôi. Như thế thì tiền tài, danh vọng chưa phải là yếu tố chính cho một đời sống hạnh phúc mà điều kiện tiên quyết để đem lại an vui là phải có tinh thần sáng suốt và lành mạnh. Được tinh thần sáng suốt lành mạnh nầy thì sẽ không còn bị dục lạc, oán thù hay mê loạn chi phối. Vì thế Đức Phật lại dạy rằng:
“Người tùy theo thế tình thức là chạy theo tham cầu danh vọng. Khi được công danh hiển đạt, thì thân thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời mà không lo học đạo thì chỉ uổng công nhọc xác mà thôi. Ví như cây hương đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm thì thân hương đã hóa thành tro bụi, vì lửa nung đốt cháy liền thân hương vậy”.
Muốn chuyển hóa nội tâm được chu toàn thì trước hết chúng ta phải xoay lại quán chiếu “cái bản ngã” của mình tức là Phản quang tự kỷ, cho nên khi làm việc lợi ích cho người thì làm với một tâm niệm vô tư, không dính mắc. Có nghĩa là khi làm việc thiện thì đừng nghĩ đến lợi lạc cho mình mà hướng tâm về sự lợi lạc cho chúng sanh do đó việc thiện đó sẽ mang nhiều thiện quả về sau. Vì thế dựa theo tinh thần Phật giáo, chúng ta nên làm việc phước đức với lòng vô ngã vị tha, tức là làm việc thiện mà không cần quả báo cho mình hay hướng lòng từ bi về người khác, thì Luật Nhân Quả chẳng những sẽ đền bù cho ta nhiều phước đức ở đời sau mà còn tạo cho ta một nhân cách cao thượng và một tâm hồn trong sáng để tiếp tục hưởng phước thiện và làm việc thiện. Phước là làm lợi ích cho người mà có, còn Đức là cái tốt của tâm hồn mình (tự tâm). Do đó, người gieo Phước Đức là người làm việc lợi ích cho thế gian với tâm hồn cao thượng nghĩa là làm lợi ích cho người mà không mong cầu có sự đền đáp tức là “Thi ân bất cầu báo” vậy.
Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác vì người khác nổi bật sẽ làm chúng ta bị lu mờ. Chúng ta thờ ơ trước những ưu điểm của kẻ khác và vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người vì người lu mờ thì ta sẽ nổi bật. Do tâm vị kỷ chúng ta dễ dàng rơi vào cạm bẩy “tán kỷ, hủy tha”, tức là chê người, khen mình. Đây là cội nguồn phát sinh ra phiền não và tạo nghiệp cũng tại vì cái ngã mạn mà thôi. Phải đổi tính vị kỷ nầy bằng tinh thần vị tha (vì người) thì cuộc sống sẽ an vui tự tại. Thấy người giỏi thì khen, thấy người giàu thì mừng, thấy người khổ giúp đỡ thì tâm không còn phiền não và lòng từ bi xuất hiện để giúp chúng ta tạo thêm thiện nghiệp.
Có người khoe rằng vì nhờ tu thiền hay niệm Phật nên có thể xuất hồn đi ngao du khắp thế giới hay gặp được Phật và Bồ Tát…Ngày xưa trong số đại đệ tử của Phật không ai giỏi thần thông bằng tôn giả Mục Kiền Liên, nhưng thần thông đâu có thắng nghiệp lực cho nên chính tôn giả cũng phải bị bọn ngoại đạo đâm cho đến chết. Do đó chúng ta không quan tâm đến chuyện xuất hồn đi ngao du sơn thủy bởi vì nếu phiền não chưa dứt thì dù có ngao du ở đâu rồi cũng phải trở về trần gian để thọ lãnh quả báo đau khổ như thường.
Do đó người tu Phật không cần phép mầu cao siêu huyền bí, mà điều căn bản là phải tự xét mình để thấy rằng thân làm, khẩu nói và ý tưởng suy nghĩ của mình có hợp với Phật pháp hay không? Nói cách khác khi đối diện với nghịch cảnh thì chúng ta luôn luôn tự hỏi nếu việc đó có hợp với chánh pháp thì chúng ta làm, còn nếu không đúng với chánh pháp thì chúng ta đừng nghĩ tới. Không làm điều ác tức là không gây nghiệp, mà không tạo nghiệp thì khỏi lo đau khổ và chặt đứt dây luân hồi.
Chuyển nghiệp có nghĩa là chuyên làm việc thiện và tránh xa điều ác và cố gắng giải thoát cái bản ngã vị kỷ thấp hèn để có một đời sống đạo đức xả kỷ, quên mình để sống trọn vẹn vì mọi người chung quanh.
Ở Trung Hoa đời nhà Đường có nhà thơ rất nổi tiếng là Lý Bạch. Vì nghe danh Thiền Sư Ô Sào là một cao tăng đắc đạo nên tìm tới tham vấn. Ô Sào có nghĩa là con quạ đen vì thiền sư thích ngồi trên cháng ba của một cây cổ thụ trên một nắm cỏ giống như một ổ quạ nên từ đó người đời gọi Ngài là Thiền Sư Ô Sào.
Nhà thơ Lý Bạch đứng dưới đất nhìn lên hỏi:
–Bạch Hòa thượng, xin Hòa Thượng dạy cho tôi một phương pháp tu ngắn và gọn để tôi có thể tu được.
Thiền Sư Ô Sào ở trên nói xuống:
Chư ác mạc tác
Chứng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Có nghĩa là:
Tất cả các nghiệp ác chớ có làm
Nên làm tất cả các việc lành
Cố gắng làm cho tâm ý được thanh tịnh
Đó là lời dạy của chư Phật.
Lý Bạch nghe qua, cười và nói:
–Hòa Thượng nói bài kệ đó con nít tám tuổi cũng thuộc lòng, vậy Hòa Thượng đem dạy tôi để làm gì?
Thiền Sư Ô Sào nói:
–Ông nói đúng, con nít tám tuổi cũng thuộc nhưng ông già tám mươi tuổi làm cũng chưa xong.
Tuy đạo Phật là đạo ban vui cứu khổ, nhưng con người phải sáng suốt để chọn con đường sống cho mình. Con đường thiện mang đến sự an lạc, hạnh phúc và ngược lại con đường ác dẫn đến sự phiền não, khổ đau. Khi xưa chúng ta làm việc thiện với hy vọng quả báo tốt ngày sau cho mình thì dĩ nhiên kiếp sau chúng ta sẽ được hưởng phước báu nhưng tâm vẫn còn nặng tính tham lam, ích kỷ để dẫn dắt chúng trở lại làm việc ác. Ngày nay chúng ta cũng làm nhiều việc thiện nhưng với tâm hồn trong sáng, vị tha. Chúng ta thi ân mà không cần quả báo, làm việc thiện chỉ cầu lợi ích cho chúng sanh chớ không cầu phước riêng cho mình thì tinh thần vô ngã, vị tha của nhà Phật đã nẩy nở rộng lớn để che lấp chỗ tham lam, ích kỷ trong tâm chúng ta.
Sự hạnh phúc và khổ đau của chúng ta trong đời nầy chẳng qua chỉ là Nghiệp Quả mà chúng ta đã tạo ra trong đời quá khứ. Cái định mệnh vô hình nầy không phải là do thần linh sắp đặt, hay là ông trời áp xuống mà chính là do tự tay chúng ta tạo ra. Mỗi nghiệp chúng ta đã tạo ra từ đời trước chính là niềm vui hay nỗi khổ mà chúng ta nhận lãnh ở đời nầy. Thế thì nếu mình tạo nghiệp được thì chính mình có thể sửa nghiệp được, nhưng muốn chuyển nghiệp thì trước hết phải chuyển tâm. Tâm có trong sáng thì hành động mới thanh cao, ngược lại tâm ngã mạn thì hành động đen tối. Người tu Phật là người sáng suốt để lìa xa mọi hành vi bất thiện và không làm việc ác bởi vì sống trong thế gian nếu gặp thuận cảnh thì con người sẽ nổi tánh tham còn gặp nghịch cảnh thì lòng sân nổi dậy. Do đó cho dù chúng ta có gặp thuận duyên hay nghịch duyên thì đó cũng chỉ là cách tăng thượng duyên cho chúng ta. Nếu gặp cảnh khó khăn thì cứ nghĩ đây là sự thử thách của Phật thì tâm của chúng ta sẽ thanh tịnh. Do đó chúng ta luôn luôn làm việc lành, việc tốt, tránh xa việc ác, việc xấu và cố giữ tâm ý của mình cho được thanh tịnh là chúng ta đã tự giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy đau khổ của thế gian để tìm về cảnh giới an vui, tự tại và hạnh phúc viên mãn.
Đối với Phật giáo, sám hối là để tự răn và tự hứa với chính mình sẽ không tái phạm điều ác nữa. Nói thế có nghĩa là từ đây mình không tái phạm việc bất thiện đó, nhưng cái nhân bất thiện đã thành tựu rồi chớ đâu có mất. Do vậy sám hối không bao giờ làm biến mất được những nghiệp bất thiện mà chuyển nghiệp là độc lộ để thăng hoa cuộc đời. Thí dụ lỡ tạo một nghiệp xấu, cho dù có sám hối bao nhiêu thì nghiệp xấu kia vẫn tồn tại trong tâm của mình. Bây giờ nếu tạo nhiều thiện nghiệp, cứu giúp nhiều chúng sinh thì những thiện nghiệp đó sẽ bù đắp lại cho nghiệp xấu kia. Nói thế không có nghĩa là nghiệp xấu bị xóa mà những thiện nghiệp sẽ xoa diệu tâm hồn khiến cho cuộc sống hết ray rứt khổ đau. Kết quả, người có nhiều phước báo cho dù gặp tai nạn lớn lao như rớt máy bay, hay bị xe đụng vẫn sống sót, gọi là số may mắn. Người có phước báo ít hơn phải chịu thương tích nhẹ. Còn người không có phước thì lãnh đủ quả báo.
Có người cả đời làm những điều bất thiện, gây tang tóc đau thương cho người khác. Đến cuối cuộc đời, ăn năn, sám hối, đúc chuông, xây chùa, đúc tượng Phật, làm từ thiện thì có xóa hết những tội lỗi cũ được không? Dựa theo tinh thần nghiệp báo của Phật giáo, dĩ nhiên là không được. Nếu gieo nghiệp bất thiện thì chính bạn phải thọ lãnh hậu quả của những ác nghiệp đó một khi duyên đến. Tuy nhiên nếu bạn gieo nhiều thiện nghiệp thì một ngày nào đó chính bạn sẽ gặt hái những kết quả lành do bạn gieo. Nếu nghiệp có thể xóa được thì cả đời người chúng ta cứ sống thỏa thích theo ái dục, ăn chơi trác táng, giết hại chúng sinh. Đợi đến gần cuối cuộc đời mới sám hối để xóa hết những tội nghiệp đã gây ra. Nhưng tại sao con người cần thức tỉnh, sống đời đạo hạnh, tu nhân tích đức, tu tâm dưỡng tánh, dừng các nghiệp bất thiện ngay từ bây giờ chớ đâu phải đợi đến gần chết mới tu? Vì thế giáo lý nghiệp báo nhân quả rất công bằng, không thiên vị. Vì thế, “Con người là chủ nhân duy nhất có đầy đủ quyền năng quyết định cuộc đời theo ý muốn của mình cho nên thiên đàng hay địa ngục, đau khổ trầm luân hay giải thoát an lạc tùy thuộc vào sự chọn lựa nghiệp nhân của mỗi người. Mình tạo nhân gì thì chính mình sẽ thọ lãnh quả báo đó chớ không phải trời hành hay Phật đọa gì cả và dĩ nhiên trong càn khôn vũ trụ này (tuyệt đối) không ai có đủ quyền năng để xóa nghiệp, ban thưởng hay trừng phạt cho kẻ khác được”.
Do vậy, nếu một ngày nào đó nhân xấu kia trổ thành quả mang lại sự đau đớn, bất hạnh thì mình cứ an nhiên chấp nhận rồi nó sẽ qua đi. Nên nhớ bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời này đều là kết quả (hay hậu quả) do chính mình đã tạo nghiệp nhân từ trước cho nên bây giờ phải thọ nhận nghiệp quả (nghiệp báo). Nếu việc may mắn đến thì đây là phước báo do việc thiện lành chính mình đã gieo. Ngược lại, việc không may (bất hạnh) xảy đến thì đó là quả báo cũng do việc bất thiện chính mình đã gieo trong quá khứ.
Kinh Pháp Cú câu 127 (The Dhammapada, The Buddha’s Path of Wisdom) Đức Phật dạy rằng:
“Không trên trời, giữa biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp”.
Do đó đối với Phật giáo, một khi nhân đã thành quả cho dù có trốn trong núi cao, có bay lên mây xanh, có lặn tận đáy biển thì vẫn phải trả nghiệp như thường.
Chuyện kể rằng, một hôm Đức Phật cùng các đệ tử đi đến một vùng quê nhỏ. Sáng sớm hôm ấy, ánh nắng chan hòa, chim muông hót vang, hương thơm dìu dịu. Đức Phật và các đệ tử ngồi lại trên thảm cỏ bên bờ sông, cùng ngắm vạn vật đua chen sức sống. Bỗng có một đệ tử cất tiếng hỏi Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có nhiều thần thông và từ bi, cớ sao trên đời vẫn còn quá nhiều chúng sinh chịu khổ vậy?
Đức Phật thoáng nhìn người đệ tử, mỉm cười đầy từ bi rồi ôn tồn giảng:
“Ta dẫu có thần thông lớn ngần nào nhưng cũng có bốn điều ta không thể làm được”.
Các đệ tử vô cùng băn khoăn: “Thưa Đức Thế Tôn, đó là những việc gì ạ?”
Đức Phật trầm ngâm một hồi, đoạn nói: “Bốn điều ấy chính là:
Thứ 1: Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay. Nhân quả là định luật thiên nhiên của vũ trụ do Đức Phật khám phá ra chớ không phải của Đức Phật vì thế ngay cả Đức Phật cũng bị chi phối bởi định luật này.
Thứ hai: Trí tuệ không thể cho, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu học. Nghĩa là ai tu người ấy chứng, một người ăn thì một người khác không thể no được.
Thứ ba: Diệu pháp không thể diễn tả được, chỉ có thể dựa vào sự thực chứng mà thôi. Nghĩa là “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” tức là chỉ có người uống nước mới biết nước nóng, lạnh thế nào!
Thứ tư: Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ. Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước; Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên. Tuy Đức Phật là bậc giác ngộ, nhưng nếu có người không thích nghe thì giáo pháp giải thoát huyền diệu đó cũng không ích gì.
Các đệ tử nghe xong ai nấy đều bừng ngộ.
Cư sĩ Minh Tùng
________________
usaelection gởi
|
|