Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 

             Quan điểm của ngài Long Thọ về đạo trị quốc và xây dựng một nền chính trị bền vững

 
Ngài Long Thọ đưa ra tiêu chí quan trọng cho một thiết chế giáo dục: không được thiết lập trong sự phụ thuộc, để phục vụ riêng cho giới thượng lưu của xã hội đương thời, hay chỉ chuyên cung cấp sự rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp và truyền bá tư tưởng. Người thầy và học trò phải sống một đời sống trong sạch, coi trọng chân lý hơn tất cả các lợi ích cá nhân. 
Một trong những nhà lãnh đạo chính của phong trào Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ là đạo sư- tăng sĩ Long Thọ. Ngài là bậc sáng lập nên truyền thống Trung Đạo. Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, ngài từng hướng đạo cho nhiều vị vua ở xứ Ấn trong đạo trị quốc.

Vua Udayi Shatavahana là một trong số đó, ông là vị vua vĩ đại của một triều đại ở Nam Ấn, người đã cai trị vùng cao nguyên Deccan kéo dài từ Bombay thời nay đến Andhra Pradesh (khoảng từ năm 150 tới năm 200 sau công nguyên).  Những lời khuyên mà ngài Long Thọ đã ban cho vua Udayi được giữ trọn vẹn trong bộ kinh văn nổi tiếng Jewel Garland of Royal Counsel (Tràng hoa Bảo báu những Khai thị cho Hoàng gia), được ghi chép lại vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai sau công nguyên. (Jewel Garland of Royal Counsel, Jeffrey Hopkins dịch từ tiến Phạn, London, Allen and Unwin pub., 1975). 
 
Ngài Long Thọ đã khai thị cho vị vua những điều thiết yếu mang lại sự giải thoát và hạnh phúc đích thực của chính bản thân ông. Trên cơ sở đó, ngài khuyên vua Udayi những nguyên tắc cơ bản của việc trị quốc dựa trên lòng nhân ái, tình yêu thương và sự đồng cảm vĩ đại: “Hỡi bậc đế vương, cũng như quý Ngài luôn suy xét,
 
Làm những gì để lợi ích bản thân, 
Vậy nay hãy luôn suy xét,
Phải làm gì để lợi ích tha nhân!”
 
Ngài Long Thọ thông qua những câu kệ trên đã nêu lên quan điểm cơ bản của mình về một nhà lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo, đó là cần phải có lòng nhân ái phổ quát, có tâm từ và tâm bi vĩ đại. Theo quan điểm Phật giáo trong đời sống xã hội, người tham dự cần phải có một cam kết kiên định chuyển hóa tự thân và chuyển hóa thế giới bên ngoài. Trong Phật giáo Nguyên thủy, mong nguyện chuyển hóa nội tâm là điều kiện tiên quyết để chuyển hóa xã hội bên ngoài. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong lý tưởng và công hạnh Bồ tát đạo. Đây là những quan điểm của ngài Long Thọ trong những khai thị cho vị vua Udayi  triều đại Sanvatahaa hùng mạnh vùng Nam Ấn.
 
Tất cả những đàm luận của ngài Long Thọ được gói gọn trong 45 câu kệ của tác phẩm. Phần thứ nhất bắt đầu với một số lời khuyên mà ngài cho là hữu ích tuy nhiên lại có vẻ khó nghe, đặc biệt là đối với một vị vua hùng mạnh, đầy quyền lực và sang giàu, người thường luôn được quan thần xung quanh tâng bốc và có lối suy nghĩ, hành xử riêng của mình. Vị vua được khuyến cáo là hãy dung thứ cho những ngôn từ “lợi lạc nhưng khó chịu” và hãy xem đó như những lời nói chân thành không bắt nguồn từ sân giận mà từ tình thương và lòng bi mẫn, do đó rất cần để được nghe, giống như nước giành để tắm vậy. "Nhận ra rằng tôi đang chia sẻ với quý ngài những điều hữu ích ngay bây giờ và mãi về sau. Hãy làm theo để lợi mình và lợi người”.
 
Những người đang nắm giữ quyền lực thường luôn như nhau. Trong thực tế trong lịch sử và xã hội đương đại, có rất nhiều người có quyền lực và sang giàu, họ có điều kiện được sử dụng, tiêu thụ những thứ mình mong muốn. Do dễ dàng thỏa mãn điều kiện vật chất, họ thường không để tâm tới những thứ đang diễn ra hàng ngày nhưng lại khá khó chịu như cái chết, đau ốm, tật bệnh và nghèo đói. Họ không muốn nghe những điều như: vạn vật đều vô thường, đời sống này về bản chất là khổ đau và không thanh tịnh. Họ không muốn thừa nhận rằng tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng giống như chính họ và những người họ hàng, thân thích của họ, tất cả đều đáng trân trọng. Họ rất khó chấp nhận quan điểm, không có một cái tôi nào tồn tại thực sự cả và không có một tài sản tuyệt đối, một thứ quyền lực nào tồn tại tuyệt đối mãi mãi. Sự thờ ơ, vô cảm và thiếu hiểu biết đặc biệt của tầng lớp lãnh đạo là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới các cuộc khủng hoảng ngày nay. Do vậy việc đưa ra và tranh luận về các quan điểm về nguồn gốc thực sự của quyền lực, sự sang giàu hay nghèo đói, nghĩa vụ của mỗi người đối với người khác, với các loài khác, và với cả bản thân môi trường tự nhiên là điều rất quan trọng. 
 
Lời khuyên đầu tiên của Long Thọ đối với vị vua đi thẳng vào vấn đề quan điểm về tài sản và sự sang giàu. "Nếu quý ngài không có đóng góp gì vào phần của cải thu được từ vị vua đời trước, mà chỉ tham đắm tài sản, không biết cách trân trọng và tri ân, quý ngài sẽ không thể sang giàu trong tương lai.”
 
Lời khuyên trên chỉ ra sự tự lợi, ích kỷ chính là nguyên nhân của đói nghèo, và tấm lòng rộng lượng, biết bố thí chính là nhân của sự sang giàu. Trước hết sự giàu có của một cá nhân bắt nguồn từ những đời trước hay từ những việc làm trước ngay trong đời này. Thứ hai, sự giàu có của một người là do bởi sự bố thí, lòng hào hiệp của người khác mang lại, và như vậy vì bất kỳ lý do nào, người đó cũng phải luôn tri ân họ. Đặt vấn đề về cuộc sống đời trước là không dễ chấp nhận đối với con người xã hội hiện đại, mặc dù trên thực tế rằng những người giàu ngày nay thường được thừa hưởng từ các thế hệ trước đã làm việc chăm chỉ và mang lại tương lai cho chính họ.
 
Một vị vua ở đỉnh cao quyền lực và sự sang giàu nhưng nếu biết nhìn theo lý nhân duyên hay sự tương tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa các sự vật hiện tượng, sẽ thấu hiểu được sự sang giàu, quyền lực của mình phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Quyền lực, sự sang giầu của nhà vua là do kế thừa từ đời trước, là do sự ủng hộ của quan lại và trên hết là do tiền thuế của người dân đóng góp vào ngân khố quốc gia. Nếu không có những điều kiện ấy, nhà vua không thể có được quyền lực, sự sang giầu. Bởi vậy là một nhà cầm quyền phải biết trân trọng, tri ân những điều kiện, những người dân đã mang lại địa vị cho mình, bằng cách biết tạo ra những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho người dân để đền đáp lòng tốt của họ. Một lối sống chỉ biết hưởng thụ và tích lũy cho riêng mình, cho dòng tộc mình sẽ chỉ sớm kết thúc ở đói nghèo và khổ đau. Những suy nghĩ thiển cận, tâm lý luôn bất mãn, luôn tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, sự tham lam đều là những kẻ thù thật sự. Ngược lại lòng khoan dung sẽ giúp tất cả mọi người thành bằng hữu. Sự trân trọng, tri ân, biết rộng lượng và bố thí là cội rễ của đời sống bởi nó mang lại hạnh phúc đích thực. Một thứ hạnh phúc vượt trên những thói quen cố hữu thông thường, thói quen chỉ hướng tới cái tôi ích kỷ.
 
 
Điểm quan trọng nhất của sự bố thí hay lòng hào hiệp là không chỉ là cho đi những tài sản vật chất, mặc dù nó là một phần tự nhiên của tâm quảng đại. Giá trị lớn nhất đối với con người là tự do, đức hạnh. Những phẩm hạnh này chỉ có thể đạt được bằng cánh cửa của giáo pháp, chân lý siêu việt về lòng vị tha, tính không, sự cởi mở và v.v... Do đó, ngài Long Thọ đã khuyên vị vua nên biết mang lại cho xã hội một hệ thống giáo dục. Với ông, hệ thống giáo dục của một xã hội không phải thuần túy để phục vụ xã hội hay đơn thuần tạo ra những công nhân, viên chức chuyên nghiệp. Hệ thống giáo dục là ngưỡng cửa giúp mỗi cá nhân đi tới giải thoát và hạnh phúc đích thực. Đây là bộ não của thiết chế chính trị. Xã hội không có mục đích gì khác là thúc đẩy giá trị này. Đó là ngưỡng cửa đi tới giải thoát và hạnh phúc đích thực của xã hội. Bằng cách ban tặng cho mọi người món quà của giáo dục, họ sẽ có được sự tự do, tự chủ, sự hiểu biết, sự lựa chọn, tất cả được tóm gọn trong ngôn từ giác ngộ. Sự tiến hóa của con người được xem xét trong sự biến đổi về giáo dục. Xã hội trở nên có ý nghĩa khi nuôi dưỡng giáo dục. Cuộc sống thật đáng sống khi coi trọng giá trị giáo dục. Và do đó, theo ngài Long Thọ, "hoàng gia" trước hết cần phải hỗ trợ nền giáo dục phổ cập, toàn diện, không giới hạn bất kỳ cá nhân hay nhóm người nào. Ông đã đưa ra một tiêu chí cụ thể của hệ thống giáo dục, "thiết lập các trung tâm giáo dục, các tổ chức theo tiêu chí của 3 ngôi Tam bảo, bởi mục tiêu và các phẩm chất theo tiêu chí này mang lại hạnh phúc đích thực.”
 
Ở đây ông không đề cập đến việc tạo ra "các trung tâm Phật giáo" theo nghĩa như một trung tâm tôn giáo. Vấn đề không phải là biểu tượng cho một loại chủ nghĩa bảo trợ nào đó mà có chức năng mang lại sự giải thoát và hạnh phúc đích thực. Long thọ nhấn mạnh nhiều lần một cách rõ ràng rằng, "các hệ thống đức tin", "quan điểm giáo điều", "tư tưởng cuồng tín", v.v..., là những căn bệnh cần được chữa bằng toa thuốc tính Không. 
 
Đó không phải là những trung tâm truyền giáo cho bất kỳ "hệ thống niềm tin" cụ thể nào, thậm chí nếu có mang mác nhãn là "Phật giáo”. Thay vào đó, ông muốn không gian xã hội tràn đầy những cánh cửa để đi tới chân lý đích thực,  được trang bị bằng giáo pháp và sự thực hành, ở đó "những sự vật", "những bổn phận", "pháp luật", "tôn giáo", "học thuyết" v.v..., có thể được suy xét, đánh giá, chỉ trích và sử dụng. Những thiết chế này được thiết lập theo tiêu chí của ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng. Bằng hướng luận giải không theo phương thức tôn giáo, hoàn toàn phù hợp với văn phong Trung đạo của mình, ngài Long thọ lập luận rằng, ba ngôi Tam bảo mang lại lợi lạc tối đa ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong xã hội thế tục. Trong phạm vi xã hội nói chung, đức Phật là lý tưởng của những người có học vấn, người đã khai mở đầy đủ tiềm năng bản thân, hoàn toàn  biết đủ và có năng lực mang lại sự hài lòng cho những người khác. Phật không phải là một vị trời, không phải là một đối tượng thờ cúng, nhưng một đối tượng kính ngưỡng, là nguồn cội của giáo pháp mang lại hạnh phúc đích thực. Ngài là một tiêu chuẩn của sự thành tựu. Pháp là giáo pháp, chân lý mang lại hạnh phúc đích thực mà chính ngài đã thể nghiệm và tất cả mọi người khi được giáo dục theo giáo pháp đó cũng đều có thể đạt được hạnh phúc tương tự. Tăng đoàn là cộng đồng của những người cống hiến để thực hành giáo pháp này với mong muốn sẽ trở thành Phật và luôn giúp đỡ tất cả mọi người đạt tới hạnh phúc đích thực. Theo nghĩa hẹp, Tăng đoàn là những người không sở hữu tài sản, họ không tham gia vào các hoạt động xã hội thế tục như: kinh doanh, ngành nghề, gia đình, và v. v... Tuy nhiên, điều Long Thọ bàn ở đây chủ yếu theo nghĩa rộng. Tăng đoàn ở đây là những con người biết điều chỉnh, làm chủ được thân tâm mình, họ luôn biết đặt lợi ích của tha nhân lên trên hết trong mọi suy nghĩ, việc làm của mình. Với những phẩm chất đó, họ cũng tham gia vào các mô hình sinh hoạt đời sống thế tục, có thể là những chuyên gia trong giảng dạy và thực hành hay bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội mà không nhất thiết phải sống đời sống tự viện. 
 
Các thiết chế được thiết lập theo các tiêu chí đó và với những con người như vậy sẽ có nhiều người tới học hỏi bởi họ hiểu được rằng, đó thực sự là những ngưỡng cửa dẫn tới một lối sống cao quý hơn, một sự nhận thức cao quý hơn, sự cảm nhận đầy đủ hơn và một nền tri thức có giá trị hơn. Họ giành được sự tôn trọng tối đa bởi là những người đã phát triển và nuôi dưỡng các phẩm chất cao quý trong mình, đã từ bỏ các thói quen, tập khí tiêu cực được huân tập trước đây của bản thân một cách tự nhiên, và một cách tràn đầy tình yêu thương, nhân ái, họ mang lại sự trợ giúp quý báu cho sự tiến bộ của tha nhân tuỳ theo khả năng và khuynh hướng của mỗi người.
 
Tiếp đến ngài Long Thọ đưa ra tiêu chí quan trọng cho một thiết chế giáo dục: không được thiết lập trong sự phụ thuộc, để phục vụ riêng cho giới thượng lưu của xã hội đương thời, hay chỉ chuyên cung cấp sự rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp và truyền bá tư tưởng. Người thầy và học trò phải sống một đời sống trong sạch, coi trọng chân lý hơn tất cả các lợi ích cá nhân. Họ phải mạnh mẽ phê phán tất cả các lầm sai, lừa đảo, si mê, giả danh. Vì vậy, các bài luận, những lời dạy của họ phải rõ ràng và thẳng thắn hướng tới tất cả các thành phần người trong xã hội, từ những người thấp kém tới giới thượng lưu và cả nhà nhà vua, làm sao để họ đều phải biết sợ hãi khi nhận thấy những hậu quả do sự lừa dối và lỗi lầm của họ, đồng thời khích lệ họ sống và hành động một cách trong sạch và minh bạch. Nếu những thiết chế này không được vận hành tự do như vậy thì không nên thiết lập chúng làm gì.
 
Ngài Long Thọ cũng coi trọng vấn đề kinh tế trong lĩnh vực này, khi nhấn mạnh tới ưu tiên phân bổ cho giáo dục, ông đã giành cho 5 câu kệ tiếp theo để thuyết phục nhà vua rằng, tài sản không nên chỉ để tích trữ cho những nhu cầu chưa thiết yếu, và vị vua nên tìm cách hỗ trợ giáo dục bậc cao. Ông liên tục nhắc nhở về cái chết của nhà vua trong tương lai, làm thế nào những đóng góp như vậy sẽ là một sự đầu tư cho phát triển tương lai của chính nhà vua, những cách thức mà người kế vị ngôi vua sẽ có thể lãng phí ngân khố quốc gia, làm thế nào hạnh phúc sẽ tới từ việc sử dụng rộng lượng, bố thí tài bảo, chứ không phải từ việc tích trữ và lãng phí, và sẽ như thế nào nếu cuối cùng nhà vua không thực thi những điều đó ngay bây giờ khi còn trẻ và còn kiểm soát được các quan lại dưới quyền. Quan lại có thể sẽ không tôn trọng mong muốn đó của vua ngay khi nhìn thấy rõ ràng về cái chết của ông đến cận kề. 
 
“Đến khi quý ngài phải rời bỏ đời sống này 
Đó là lúc cũng phải rời bỏ tất cả tài sản
Tất cả các tài sản của vị vua trước
Đều dưới sự kiểm soát của vị vua kế nhiệm,
Trong số những tài sản của vị vua trước,
Đâu là thứ được dùng cho hạnh phúc 
hay chỉ cho danh tiếng của ông ta?
Chỉ khi biết xả bỏ, bố thí tài sản, 
Mới có hạnh phúc ngay tức thời và trong tương lai
Lãng phí tài sản mà không bố thí 
Sẽ chỉ nhận lấy khổ đau khôn cùng
Bằng cách nào để có hạnh phúc?
Bởi vì bất lực lúc hấp hối,
Quý ngài sẽ không thể lệnh ban tặng 
Tài sản thông qua các quan đại thần
Họ sẽ không ngại ngùng vứt bỏ lòng tôn kính lên quý ngài,
Và chỉ sẽ tìm cầu làm vừa lòng vị vua mới.
Bởi vậy, trong khi sức khỏe còn dồi dào,
Hãy lập Trung tâm Giáo dục bằng tài sản của mình,
Bởi quý ngài cũng đang sống giữa bao nguyên nhân dẫn tới cái chết
Giống như ngọn đèn trước cơn gió mạnh.
Những chính điện và Trung tâm giáo dục được thiết lập bởi các vua đời trước cũng cần tiếp tục được duy trì.”
 
Từ những nguyên tắc xây dựng đất nước với trọng tâm là phát triển giáo dục, ngài Long Thọ đi tới các nguyên tắc của việc quản lý bộ máy quan lại, đặc biệt với vấn đề bổ nhiệm các quan lại như tể tướng, quan văn, quan võ, quan tòa, và cảnh báo về những điều kiện thực sự của vương quốc.
 
Sự lựa chọn các quan lại như tể tướng, thượng thư, các tướng văn, tướng võ cần được xác định bởi tiêu chí họ có thực hành giáo pháp hay không, và họ có thể hiện tính trung thực, rộng lượng, lòng nhân ái và thái độ, hành vi đối xử không phân biệt trong đời sống, trong công việc hay không. Ngay cả với những người như vậy, người cai trị nên tiếp xúc thường xuyên với họ và không ngừng nhắc nhở họ về mục đích tổng thể và mục đích của các quốc gia: đó là giáo pháp, thực chứng, sự thực hành chân lý mang lại hạnh phúc đích thực. "Nếu vương quốc của ngài tồn tại vì chân lý, chứ không vì mục đích danh vọng, sự sang giầu hay lối sống tiêu thụ thì sẽ vô cùng lợi lạc; nếu không tất cả cuối cùng sẽ vô ích" Trong điều kiện ngày nay, những quan điểm này vẫn phù hợp với các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải là những người có tầm nhìn rộng mở, có năng lực mang lại lợi ích cộng đồng, tổ chức mình nhưng đồng thời cũng biết tôn trọng lợi ích cho các tổ chức, cộng đồng khác. Biết đặt bản thân, cộng đồng mình trong mối tương quan với các cộng đồng, tổ chức khác. Một nhà lãnh đạo, quản lý cũng phải là người biết gương mẫu trong lối sống, trong công việc. Đó không thể là một người có lối sống ích kỷ, hưởng thụ. Một quan điểm tự lợi, ích kỷ trong lối sống và công việc sẽ chỉ đưa cá nhân người lãnh đạo và tổ chức đó đi tới thất bại.
 
Về vấn đề công lý, ngài Long Thọ nói với nhà vua nên bổ nhiệm quan tòa có kinh nghiệm, có trách nhiệm, được giáo dục tốt, có đức hạnh và dễ chịu, và ngay cả như vậy, vua vẫn nên can thiệp để quan tòa thực thi lòng từ và bi đối với tội phạm. "Ngay cả khi họ đã đưa ra hình phạt công minh trừng trị tội phạm thì ngài vẫn nên đối xử với tâm từ và bi, luôn chăm sóc tới người phạm tội. Hỡi đức vua, với tâm từ và bi, ngài nên luôn khởi phát một thái độ giúp đỡ, đối với tất cả, thậm chí là những người đã từng phạm tội ác khủng khiếp nhất. Đặc biệt hãy hướng tâm từ và bi tới những kẻ mắc tội sát nhân, tội ác của họ vô cùng tàn khốc; những người mà bản chất bị đánh mất cần nhận được lòng từ bi của những người có phẩm chất vĩ đại". Ngài Long Thọ đi vào vấn đề trung tâm liên quan tới bạo lực và bất bạo động trong một xã hội, các vấn nạn sát nhân và sự trả thù. Lấy đi mạng sống của người khác là hành động bạo lực tồi tệ nhất, đặc biệt là ở các quốc gia coi trọng giá trị giải thoát và giác ngộ, nơi mà đời sống làm người báu giá được trân quý. Nhưng vì thế mà lại tiếp tục lấy đi một đời sống nữa để trừng phạt thì có nghĩa là bạo lực chất thêm bạo lực, và vì vậy hình phạt tử hình cần nên được bãi bỏ. Hình phạt cũng có nghĩa là làm sao để giúp mang lại cho họ một đời sống có ý nghĩa. Hình thành nguyên tắc này có thể được ghi lại sớm nhất trong lịch sử nhân loại. “Trong trường hợp người tù chưa được trả tự do, họ nên được trang bị một hệ thống phục vụ tốt như: được tắm rửa, thực phẩm, đồ uống, thuốc men và quần áo. Cũng như những đứa con trai thiếu phẩm hạnh đã bị trừng phạt nhưng xuất phát từ một mong muốn giúp chúng thiết lập lại giá trị làm người, bởi vậy hình phạt cần được thực thi với tâm từ và bi chứ không phải bắt nguồn từ hận thù hay những quan tâm về tài sản. Một khi đã xem xét những kẻ sát nhân và phán xử chúng một cách chính xác, ngài nên xét xử chúng mà không áp dụng tử hình hay sử dụng các nhục hình với tội phạm này.”
 
Việc đối xử bất bạo động với tội phạm, thậm chí kẻ sát nhân như thế là phù hợp với mọi nguyên tắc giáo lý Phật giáo. Thứ nhất, dựa trên tâm từ và bi, ở đây tâm từ bi cần phải được mở rộng tới tất cả các đối tượng, đặc biệt các đối tượng rất khó khởi phát lòng yêu thương; hơn nữa đối với xã hội, hành động trừng phạt bằng tử hình, tức là sát hại, một cách gián tiếp tạo ra ví dụ xấu. Thứ hai, giáo lý vô thường, trong đó tâm thức của mọi chúng sinh có thể chuyển hóa, và một hành động xấu ác trên thực tế không nhất thiết có nghĩa một thói quen bất biến luôn làm điều xấu. Thứ ba, vị tha ngụ ý tin tưởng tuyệt đối vào sự phục hồi nhân phẩm của bất kỳ cá nhân nào. Thứ tư, dựa trên sự tôn quý và giá trị của đời sống, đặc biệt là cuộc sống làm người.
 
Trong thời hiện đại, nhiều thiết chế trong các xã hội hiện đại cuối cùng đã bãi bỏ án tử hình.Tương tự như vậy, cũng có nhiều tranh luận, nhiều áp lực về chính trị và xã hội một cách mạnh mẽ đòi duy trì hoặc khôi phục lại hình phạt này. Trong một bối cảnh đó, thật đáng kinh ngạc khi ngài Long Thọ đã đặt ra nguyên tắc rõ ràng này gần 2 ngàn năm về trước trong điều kiện thực tế cụ thể như vậy.
 
Ngài Long Thọ đã đưa ra lời khuyên cụ thể liên quan đến chính sách xã hội phổ quát: "Hãy mang lại các điều kiện cho người mù, người bệnh, người nghèo, những người không được bảo vệ, những kẻ khốn cùng, người tàn tật, tất cả đều có được thức ăn và đồ uống mà không bỏ sót một ai." Ông không bàn chi tiết về các chính sách cụ thể cho vấn đề này. Tuy nhiên có thể thấy ông cho rằng hiển nhiên nhà vua phải có nghĩa vụ phải chăm sóc cho tất cả mọi người dân trong vương quốc của mình.
 
Điều này hoàn toàn đúng trong các thiết chế chính trị nào, người lãnh đạo, nhà cầm quyền phải có bổn phận, có đầy đủ năng lực xây dựng, duy trì hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu của bất kỳ người dân nào, của bất kỳ nhóm xã hội nào. Nhà lãnh đạo cũng không thể vì lợi ích của bất kỳ một nhóm thiểu số nào mà lãng quên hay lạm dụng các chính sách xã hội phục vụ người dân. 
 
Long Thọ cũng cảnh báo về kiểu “chủ nghĩa lý tưởng không thực tế" có xu hướng cản trở những lời khuyên này. Vì vậy ở câu kệ kết thúc, ông đã đưa ra một vấn đề rất thực tế. "Hãy duy trì sự kiểm soát và giám sát vương quốc thông qua những con mắt của các kênh trung gian; một cách cẩn trọng và tỉnh thức, hãy luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên lý đã nêu ở trên". Một hệ thống kết nối, liên lạc giữa vua và người dân là rất cần thiết. Nhà vua phải biết những gì đang thực sự diễn ra trong vương quốc của mình để ngăn cản những sự lạm dụng các thảm họa. Trong điều kiện hiện đại, ngài Long thọ đề cập đến các kênh trung gian để thu thập những thông tin chính xác về tình trạng của người dân. Về mặt lý thuyết, nếu các nhà lãnh đạo có trách nhiệm của tất cả các quốc gia thực sự có đầy đủ các thông tin về các kết quả các hành động của mình, họ chắc chắn sẽ dễ dàng chấm dứt hành chính sách sai lầm, tự hủy hoại bản thân mà họ hiện đang thực thi. Khi ấy họ cũng sẽ dễ dàng đưa ra các chính sách thực tế, đáp ứng đúng được nhu cầu của người dân.  
 
Ngài Long Thọ tóm tắt lời khuyên thiết thực của mình bằng một ẩn dụ dễ chịu: "Người dân giống như những chú chim sẽ đậu xuống cái cây hoàng gia đang bóng mát của lòng khoan dung, nó nảy nở với những bông hoa của danh dự, và cung cấp các loại trái cây rộng rãi như những phần thưởng tuyệt vời.” Khoan dung, sự bình đẳng và lòng hào hiệp không chỉ đơn thuần là lý tưởng xa vời, một loại "siêu nghĩa vụ" chỉ có ở một vài vị thánh và hiện thân ở những anh hùng, mà đó là những thành phần thiết yếu của bất kỳ chính sách xã hội thực tế nào. Các nhà cầm quyền hay chính phủ phải thể hiện các phẩm chất đó trước hết thông qua các chính sách xã hội, và đồng thời mỗi người dân cũng phải nỗ lực để nuôi dưỡng các phẩm chất đó. Vì thói quen kết tập nhiều đời sẽ không tự động có xu hướng chuyển ngay lập tức ra khỏi sân giận, si mê, và tham lam theo hướng khoan dung, công lý, và lòng hào hiệp nên những đức tính này cần phải được nuôi dưỡng dần dần từng bước một. Mỗi cá nhân phải thực hiện những đức tính cho lợi ích của chính bản thân mình. Khi ấy hòa bình sẽ thể hiện đúng bản chất là biểu hiện của lòng khoan dung; giáo dục phổ cập là sự biểu hiện của xã hội trí tuệ và bình đẳng; và sự chia sẻ tài sản là sự thể hiện của lòng hào hiệp và đức bố thí trong xã hội.
 
Ngoài ra, ngài Long Thọ cũng cho rằng nếu một người cầm quyền không thể thực thi một nền chính trị như vậy thì người đó nên từ bỏ địa vị để theo đuổi sự giải thoát trước đã. Lời khuyên này có điểm khác với nhiều quan điểm của các hệ thống chính trị khác, coi sự cai trị, quản lý và công việc của nhà cầm quyền là quan trọng nhất. Họ cho rằng “bổn phận thiêng liêng" của nhà vua, "trách nhiệm tối cao" của người đứng đầu, nhà vua phải đặt lợi ích, nhu cầu của tập thể lên trước nhu cầu, lợi ích của mình, triệt tiêu lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể, và trong tiến trình đó phải đảm bảo rằng tất cả các cá nhân trong xã hội ít quan trọng hơn so với ý chí tập thể. Đây thực chất là quan điểm của nhà nước toàn trị khi mà lợi ích và sự viên mãn của cá nhân bị đè nén dưới danh nghĩa sự giải thoát cho tất cả người dân nhưng mấu chốt là không phải mỗi cá nhân đơn lẻ được giải phóng. Đối với ngài Long Thọ, không có cách nào để giải phóng mọi người nếu mỗi người không được giải phóng, và trong một vương quốc, sự giải phóng phải bắt đầu trước hết từ chính cá nhân nhà cầm quyền.
 
Trên thực tế, ý nghĩa của lời khuyên này không phải là không coi trọng lợi ích của tập thể. Nhưng các lợi ích tập thể là không là gì khác ngoài tổng thể các lợi ích cá nhân. Dù cho phạm vi một xã hội có được bao nhiêu vinh quang hay tài sản nhiều đến cỡ nào đi nữa thì mỗi cá nhân trong đó cũng vẫn sẽ trải qua bệnh, tuổi già và chết đi. Tập thể không thể giúp mỗi cá nhân vượt trên cái chết. Chỉ bằng sự trí tuệ của cá nhân mỗi người về bản chất chân thực của mình và thế giới, sự tự do khỏi một quan điểm về cái tôi bất biến, thì khi đó mỗi người mới làm lợi ích thực sự cho xã hội. Hơn hai phần ba nội dung của kinh văn chứa các hướng dẫn về điều này.
 
Bằng cách kết hợp quan điểm sâu sắc về bản chất của cá nhân với  trách nhiệm chung với cộng đồng, ngài Long Thọ đã đưa thêm một chiều hướng mới về mặt tư tưởng không chỉ cho sự phát triển của Phật giáo mà còn cho sự phát triển của bản thân xã hội Ấn Độ đương thời.

Tiến sĩ Robert Thurman
La Sơn Phúc Cường, dịch từ Nagarjuna’s Guidelines for Buddhist social ations, Robert Thurman, Engaged Buddhist Reader, Paralax press, 1996.



Trương Nga gởi