Quê Hương tổng hợp
Vừa rời Việt Nam, CEO Apple nói muốn xây nhà máy ở Indonesia
RFA
17/4/2024
CEO Tim Cook trong cuộc gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 16/4
AP
Công ty Apple sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất ở Indonesia, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty cho biết hôm thứ Tư sau khi gặp Tổng thống Joko Widodo, người hy vọng gã khổng lồ công nghệ sẽ tăng hàm lượng nội địa bằng cách hợp tác với các công ty trong nước.
Hãng tin Reuters cho biết, ông Tim Cook đã đến Jakarta vào thứ ba sau khi có chuyến thăm hai ngày ở Việt Nam. Ông đã gặp Jokowi, vị tổng thống được nhiều người biết đến, và sẽ khánh thành học viện phát triển thứ tư trên đảo Bali.
“Chúng tôi đã nói về mong muốn của tổng thống là muốn thấy hoạt động sản xuất trong nước và đó là điều chúng tôi sẽ xem xét”, ông Cook nói với các phóng viên sau cuộc họp.
Apple không có cơ sở sản xuất ở Indonesia, nhưng kể từ năm 2018, hãng đã thành lập các học viện phát triển ứng dụng, bao gồm cả học viện mới có tổng chi phí là 1,6 nghìn tỷ rupiah (99 triệu USD).
Bộ trưởng công nghiệp Indonesia, Agus Gumiwang Kartasasmita, người cũng tham dự cuộc họp, nói với các phóng viên rằng nếu Apple quyết định xây dựng cơ sở sản xuất ở Indonesia, họ sẽ có đủ năng lực sản xuất để xuất khẩu.
Apple đặt phần lớn hoạt động sản xuất iPad, AirPods và Apple Watch chính tại Việt Nam; Các nhà cung cấp linh kiện cho MacBook cũng đang đầu tư vào nước này.
Trong cuộc gặp với Tim Cook hôm 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Apple tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, phát triển xanh, sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.
Ông cũng mong công ty này sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và coi Việt Nam là "cứ điểm" để tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, đa dạng hóa thị trường.
Người đứng đâu chính phủ cũng cho biết, sẽ thành lập tổ công tác để hỗ trợ Apple ngày càng phát triển hiệu quả tại Việt Nam.
Đáp lại, CEO của Apple nói ông mong muốn thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Ngoại giao nhà nước CS Việt Nam tiếp tục phản đối báo cáo nhân quyền Việt Nam
Nguyễn Huỳnh/VNTB
17/4/2024
(VNTB) – Tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hiệp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch.
Vào ngày 7-5 tới đây, đoàn Việt Nam sẽ tham dự phiên đối thoại về báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Chiều 15-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.
“Báo cáo Quốc gia UPR chu kỳ IV trình bày tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trên tất cả lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và chúng tôi cũng rà soát một cách toàn diện việc thực hiện những kiến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, tính đến tháng 1-2024. Trong số 241 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị chiếm 86,7%; thực hiện một phần là 30 khuyến nghị, chiếm 12,4% và còn hai khuyến nghị chúng tôi đang xem xét thực hiện vào một thời điểm phù hợp”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ một số thông tin có trong báo cáo. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 11-2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, gia nhập Công ước 105 của ILO về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).
Kể từ 2019 đến nay, GDP tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92% năm 2022. Các phương tiện truyền thông, báo chí, Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, của các tổ chức xã hội, và là công cụ giám sát thực thi chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có khoảng hơn 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với năm 2019; số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu, tăng 38% so với năm 2019. Hiện nay, có khoảng 72000 hội đang hoạt động ở Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết Báo cáo đã được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp kiến của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, đối tác phát triển và người dân, các ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo tham vấn do Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành tổ chức hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại giao.
“Với những cách làm như vậy, có thể nói Báo cáo Quốc gia Việt Nam là sản phẩm chung của các bên liên quan có trách nhiệm trong việc triển khai các khuyến nghị UPR cũng như thụ hưởng thành quả của quá trình này”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói.
Trong khi đó thì theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hợp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như là cách của Việt Nam tiến hành đối với Báo cáo Quốc gia của Việt Nam.
Có một tình tiết được Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết là “toàn văn báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Việt đã được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao”, thế nhưng theo kiểm chứng của người viết thì trên trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyên mục “Tổ chức – Diễn đàn quốc tế”, tính đến tối ngày 15-4-2024 vẫn không tìm thấy được nội dung này, mà chỉ có “Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 _ bản pdf”.
Ứng viên số 1 chức Tổng bí thư, Vương Đình Huệ sẽ dừng cuộc chơi?
Lê Văn Đoành
16/4/2024
Vương Đình Huệ bắt tay Tập Cận Bình tại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 8-4-2024. Nguồn: Vietnam News Agency
Mặc dù Võ Văn Thưởng đã bị loại khỏi vị trí A2, nhưng chính trường Việt Nam xem ra vẫn chưa hạ nhiệt. Những cuộc so găng tranh giành vị trí chóp bu trong đảng Cộng sản Việt Nam từ bây giờ cho tới Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra đầu năm 2026, vẫn tiếp tục gay cấn, đầy kịch tính và hấp dẫn cho đến phút cuối.
Cho đến sáng ngày 7-4-2024, là ngày đầu tiên trong chuyến đi năm ngày của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc, nhiều người chắc chắn rằng Vương Đình Huệ sẽ thay Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế A1, làm lãnh tụ tối cao, Tổng bí thư khoá 14. Thế nhưng, đời luôn có chữ “nhưng” cay nghiệt…
Chiều 12-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Ngay khi vừa bước ra khỏi máy bay, ông Phạm Thái Hà, thành viên trong phái đoàn đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an mời về trụ sở làm việc.
Xem như Phạm Thái Hà đã bị bắt, nhưng Bộ Công an chưa công bố trên cổng thông tin Bộ Công an.
Phạm Thái Hà phạm tội gì?
Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hà có học vị tiến sĩ kinh tế; là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hà hiện nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo thông tin chúng tôi có được, Phạm Thái Hà bị khởi tố bắt giam với hai tội danh: Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự; và tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Được biết, số tiền mà Phạm Thái Hà nhận hối lộ và thu nhập bất chính, có thể lên đến con số hơn một ngàn tỷ đồng.
Chân dung Phó chủ nhiệm VP quốc hội Phạm Thái Hà. Nguồn: QHVN
Để hiểu thêm nội tình, cần trở lại các diễn biến của những ngày trước đó.
Sáng 7-4-2024, phái đoàn Vương Đình Huệ ra sân bay đi Trung Quốc, thì chiều tối cùng ngày, Bộ Công an đã “tóm” Nguyễn Duy Hưng và một số thuộc cấp của Hưng. Dù bị bắt từ hôm 7-4, nhưng tám ngày sau, chiều 15-4-2024, Bộ Công an mới công bố thông tin bắt giữ Nguyễn Duy Hưng.
***
Nguyễn Duy Hưng, sinh năm 1974, quê Nghệ An. Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An. Hưng bị khởi tố bắt giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 3, Điều 222 và khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Nhiều năm qua, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo cho hai thuộc hạ là Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đứng ra bảo kê, giúp các công ty, doanh nghiệp khác thắng các gói thầu khủng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhận thầu dự án đã đưa cho “nhóm Thuận An” số tiền hối lộ hàng chục đến trăm tỷ đồng, tuỳ theo tổng vốn dự án đầu tư. Tiền nhận được, “nhóm Thuận An” chuyển cho ông chủ Nguyễn Duy Hưng.
Về phần Nguyễn Duy Hưng, Hưng bỏ túi một phần trong số tiền khủng kia, phần còn lại Hưng chỉ đạo “nhóm Thuận An” hối lộ cho Phạm Thái Hà. Đổi lại, Phạm Thái Hà dùng quyền lực, cùng với các mối quan hệ cấp cao, tác động các chủ dự án, các ban quản lý đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vốn từ nhà nước, để cho “nhóm Thuận An” trúng thầu.
Ảnh: Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Thuận An Group. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Tập đoàn Thuận An, trước đây là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập từ năm 2004, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Duy Hưng, có địa chỉ tại số 141 đường Trường Chinh, tổ 20, phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Vốn điều lệ của Thuận An tính đến tháng 8-2020 là 300 tỷ đồng.
Dù là công ty có quy mô nhỏ, với số vốn khiêm tốn, nhưng Thuận An trong vai trò trực tiếp hoặc liên danh với các nhà thầu khác để trúng các gói thầu hoặc được chỉ định thầu các dự án có vốn trăm tỷ, ngàn tỷ, thậm chí lên đến vài chục ngàn tỷ.
Các dự án cầu, đường vành đai, đường cao tốc Bắc – Nam, từ Lào Cai, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội… vào đến Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk, Nha Trang, TP HCM, Cần Thơ, đều có sự tham gia của Thuận An Group. Các cây cầu nổi tiếng như Rạch Miễu 2, Vĩnh Tuy 2… đều ghi tên Thuận An.
So sánh Thuận An Group với Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu, thì Phúc Sơn chỉ là “muỗi”. Dư luận trong và ngoài ngành công an đang bàn tán, cho rằng số tiền 64 tỷ đồng mà Đặng Trung Hoành, em họ của Võ Văn Thưởng, nhận của Phúc Sơn 12 năm trước, cũng chỉ là “tiền lẻ” so với con số ngàn tỷ mà Phạm Thái Hà nhận từ Thuận An.
Câu hỏi đặt ra là, ông trợ lý Phạm Thái Hà đã sử dụng số tiền khổng lồ đó vào đâu?
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ bị gọi tên
Phạm Thái Hà là đệ tử ruột của Vương Đình Huệ. Hà theo Huệ suốt gần 20 năm qua như hình với bóng, từ khi Huệ mới chỉ là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Phạm Thái Hà từng kinh qua các chức vụ: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; hàm Vụ trưởng, thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ; trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Quá trình công tác và thăng tiến của Phạm Thái Hà luôn song hành với các nấc thang quyền lực của họ Vương. Với chuỗi sai phạm, nhúng chàm của Phạm Thái Hà, ông Huệ khó chối bỏ được trách nhiệm. Vương Đình Huệ đang rơi vào tình cảnh của Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam lúc trước, và của Võ Văn Thưởng gần đây.
Phạm Thái Hà là “tay hòm chìa khoá” của Vương Đình Huệ. Dù cho Hà có kiên quyết không khai ra những ai đã được chia dòng tiền do Hà nhận hối lộ, thì vị Chủ tịch Quốc hội cũng không thể vô can.
Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ là Uỷ viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với trách nhiệm nêu gương, nếu có vấn đề sức khỏe không bảo đảm, hay uy tín giảm sút thì xin thôi và cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ được giao của cán bộ cấp cao.
Dự đoán Vương Đình Huệ sẽ viết đơn xin nghỉ. Nếu không làm như vậy, Huệ chắc chắn sẽ hứng tiếp “seri đòn” từ phía Bộ Công an để biến thành “củi”. Đến lúc đó, e rằng mọi thoả hiệp sẽ không còn giá trị. Khi vòng tố tụng mở rộng, nhắm đến cái tên Vương Đình Huệ, xem ra cái kết sẽ cay đắng hơn nhiều.
Không phải bây giờ Vương Đình Huệ mới bị tấn công. Nhiều năm trước cho đến hôm nay, nghi án Huệ có con với nữ ca sĩ Hương Tràm, khiến cô ta trốn biệt ở Mỹ, không dám về Việt Nam, vẫn còn mang tính thời sự. Ngoài ra, tên của các “bóng hồng” khác có quan hệ đáng ngờ với Vương Đình Huệ như: Giáng Hương – em gái hoa hậu Giáng My; Tống Diệu Hằng – một fashionista nổi tiếng; Phạm Phương Thảo – ca sĩ dân ca; Phan Thị Thuý Linh – Uỷ viên Thường trực Ban Thư ký Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Thư ký…
Có lẽ do không đủ hồ sơ, chứng cứ vụ “gái gú” để buộc tội Vương Đình Huệ về vi phạm “đạo đức và lối sống”, nên đối thủ chính trị đã nhắm đến Phạm Thái Hà và Nguyễn Duy Hưng, “đánh bao vây” nhằm buộc Huệ phải giương cờ trắng.
Cuối ngày hôm nay, thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, Vương Đình Huệ đã viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ trong đảng và chức Chủ tịch Quốc hội.
Như vậy Vương Đình Huệ có thể là nhân vật thứ ba trong “tứ trụ” khoá 13, sau Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, bị hạ bệ, truất phế. Huệ sẽ trở thành người thứ 5 trong Bộ Chính trị khoá 13 bị bức ép phải làm đơn xin “về vườn” khi còn hai năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.
Vương Đình Huệ bên Nguyễn Phú Trọng tại một sự kiện. Nguồn: TTXVN
Nguyễn Phú Trọng hiện đang ôm đầu. Chiến dịch “đốt lò”, “không có bất kỳ vùng cấm” của ông Trọng đã cho “hổ” Tô Lâm quyền năng vô đối. Giờ ông Trọng bó tay, chịu trận. Các đồ đệ do ông dìu dắt, giới thiệu, bồi dưỡng, lần lượt biến thành “củi tươi”, bê bối và rơi rụng.
Ông Trọng học tập Trung Quốc để duy trì sự cai trị của đảng cộng sản, nhưng ông quên rằng Tập Cận Bình không bao giờ chia ghế Ủy viên Bộ Chính trị cho bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Công an, chứ đừng nói gì đến các vị trí chóp bu trong Thường vụ Bộ Chính trị.
Chiếc ghế A1, vị trí tối cao trong đảng luôn là mơ ước, tham vọng quyền lực của bất kỳ nhân vật nào trong đảng. Nhiều nhân vật đã phải chết hoặc “dở sống dở chết” khi tranh giành ngôi vị cao nhất này. Vương Đình Huệ sẽ bị phế truất bởi Huệ quá cao ngạo, xem thường tất cả, kể từ khi được ông Trọng đích thân quy hoạch ghế A1, nhiệm kỳ 2026-2031.
Ủy viên Bộ Chính trị “kinh qua một nhiệm kỳ” hiện tại chỉ còn bốn nhân vật: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm. “Minh chủ võ lâm” của đại hội khoá 14 đã bắt đầu lộ diện!
Sợ bị kiểm tra và tịch thu, hàng loạt tiệm vàng ở TP.HCM đóng cửa
Liên Thành
Tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) đóng cửa. (Ảnh: TTO).
Sợ bị kiểm tra và tịch thu, hàng loạt tiệm vàng ở TP.HCM đồng loạt đóng cửa để né quản lý thị trường.
Theo ghi nhận của VnExpress, hôm thứ Ba (ngày 16 tháng Tư), một số tiệm vàng tập trung ở khu vực quận 5 đóng cửa, thậm chí có cửa hàng treo biển báo dừng hoạt động hơn nửa tháng.
Đường Nguyễn Duy Dương, Bùi Hữu Nghĩa, An Dương Vương hay khu vực chợ An Đông, quận 5 vốn là nơi kinh doanh vàng bạc sầm uất của TP.HCM cũng xuất hiện một số tiệm vàng đóng cửa, nghỉ bán.
Tình trạng trên diễn ra sau khi Thủ tướng ra công điện yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng. Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra nhiều cửa hàng buôn bán vàng ở các địa phương và phát hiện vi phạm.
Một chủ một tiệm vàng giấu tên tại quận 5 tiết lộ với báo Tuổi Trẻ rằng, lý do nhiều tiệm vàng tạm đóng cửa để “tránh bão”, vì nếu có kiểm tra chắc chắn sẽ phát hiện sai phạm, đặc biệt hai lỗi điển hình là sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền như Chanel, Cartier, LV, Bulgari… dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền…
Lỗi thứ 2 là nguồn gốc xuất xứ vì hiện nay các tiệm hầu hết mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường nên rất khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Vì vậy, theo lời của chủ tiệm vàng nói trên: “Một khi bị phát hiện lập biên bản mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và bị tịch thu, niêm phong sản phẩm không biết khi nào có thể lấy hàng về nên tạm thời các tiệm vàng đối phó bằng cách tạm đóng cửa”.
Một tiệm vàng khác tại TP.HCM cũng cho hay đã tạm đóng cửa 1 tuần nay vì thấy bất an.
Được biết, ngoài việc kiểm tra tại tiệm vàng, thời gian qua cơ quan quản lý thị trường đã theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội.
Đơn cử như trong vụ tiệm vàng Kim Hương Dinh (một tiệm vàng lớn ở An Giang bị kiểm tra hồi đầu tháng), tổ chuyên trách về thương mại điện tử âm thầm theo dõi hai tháng, trong quá trình này họ đã phát hiện nhiều trang sức có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier…
Khi thông tin này được báo chí đăng tải, nhiều tài khoản bán vàng trên mạng xã hội cũng tìm cách đối phó.
Theo đó, thay vì live bán hàng như trước, nhiều tài khoản đã trưng các biển thông báo được viết tay là không bán các sản phẩm nhái các nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền như Chanel, Cartier, LV, Bulgari…
Thiên tử cầu mưa
Hiền Vương/VNTB
17/4/2024
(VNTB) – Mỗi khi gặp hạn hán thì vua quan đều phải xem lại bản thân mình có làm gì sai không, làm biểu tạ tội với trời đất, thật tâm sửa lỗi, từ đó việc cầu đảo mới linh ứng.
Đại Việt Sử ký Toàn thư và các sử liệu khác có ghi chép, người xưa kính trời kính đất, mỗi khi gặp thiên tai đều cho rằng đó là cảnh báo của thiên thượng. Vì thế mỗi khi gặp hạn hán thì vua quan đều phải xem lại bản thân mình có làm gì sai không, làm biểu tạ tội với trời đất, thật tâm sửa lỗi, từ đó việc cầu đảo mới linh ứng.
Vào năm 1449, khi có đại hạn, vua Lê Nhân Tông khi “đảo vũ ở cung Cảnh Linh; lại sai Bùi Cầm Hổ đến núi Tản Viên và núi Tam Đảo làm lễ cầu mưa nhưng đều không ứng nghiệm”, nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.
Bài chiếu đại lược nói: “Luôn mấy năm nay hạn hán, thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán! Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?.
Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng? Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng? Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng? Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo, bóc lột chăng? Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?
Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng? Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ hư văn, làm cho ơn trách không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?
Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng? Người làm chủ súy đạo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng? Chằm (đầm) đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng? Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng? Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa thuận của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?” – trích ghi chép của Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển XI.
Trong chương “Ái dân”, sách “Minh Mệnh Chính Yếu” (đây là bộ sách lớn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn gồm 25 quyển, 22 thiên; nội dung trích những văn kiện, ghi những việc làm thiếc yếu dưới triều vua Minh Mệnh: sinh hoạt cung đình, hình luật, lễ nhạc, ngoại giao, trị an, khai hoang, khẩn hoá…) có đoạn về chuyện mùa hè năm 1824 hạn hán, trời lâu ngày không mưa, vua sai các quan làm lễ cầu đảo nhưng mưa không xuống. Vua lo lắng nói với các quan rằng:
“Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, không ngày nào là chẳng lấy sinh dân làm lo, sao lại gặp hạn này vậy. Hay là về chính trị có thiếu sót chăng? Trẫm thấy các vua đời trước, gặp tai biến thì xuống chiếu trách mình và cầu lời nói thẳng. Ôi! Lỗi của mình thì mình tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu; đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn. Trẫm ngày thường vẫn mong những thần hạ đều được nói hết lời, há phải đợi đến có thiên biến rồi mới cầu lời nói thẳng hay sao?”…
Mượn xưa nói nay, liệu có phải vận nước đang vào hồi suy kiệt đối với chính khách từng được ví là “Minh quân” ở thế kỷ 21 của Việt Nam? Về tâm linh, việc hạn hán kéo dài hiện nay liệu có phải là cảnh báo của trời đất cho đường lối trị quốc của Tổng bí thư?
______________
Đỗ Hứng gởi