QUÊ NỘI
Tôi sinh ra ở một làng chài ven biển .Từ nhỏ,tôi đã nghe mọi người nói quê nội tôi ở xa,xa lắm.Nơi ấy cao thật cao,xa thật xa,ở tận trên mây.Và cứ thế,đầu óc non nớt trẻ thơ,tôi cứ nghĩ quê nội tôi ở trên mây.
Bước chân phiêu bạc rồi cũng mỏi,ba tôi quyết định đưa cả gia đình tôi về quê nội. Ôi, trời ơi! Con đường về nội sao mà xa quá.Đi mãi,đi mãi mà chưa đến.Lúc đầu thì đi xe to,rồi phải sang xe nhỏ,nhỏ như con cóc(xe Minh Tâm)thì mới len lỏi được những con đường vắt lưng chừng núi . Đường đi thì ngoằn ngoèo.Hết nghiêng bên trái lại sang bên phải.Tôi cứ nhắm mắt để người lắc lư uốn lượn quanh co theo từng độ cua của con đường.Mệt quá,tôi mở mắt nhìn.Bầu trời quay tít,cây xanh quay tít.Tôi ko thấy nhà, tôi ko thấy người, chỉ thấy trên bầu trời mây lỡ lững trôi.Cứ thế tôi bồng bềnh tận hưởng cảm giác lâng lâng của một người đi trên mây….Khi cơ thể tôi cảm nhận được cái lạnh thật lạnh bủa vây thì cũng là lúc tôi đặt chân đến quê nội.
Khi đến nơi,tôi mới biết ông bà không còn nữa.Nơi tôi ở là một căn nhà gỗ nhỏ lấp ló dưới rặng thông.Nhà cửa ở đây không giống như bao nơi khác .Nhà thì trên đồi cao muốn đến phải đi qua con dốc quanh co,vắng lạnh.Nhà thì lưng chừng đồi phải đi bao nhiêu bậc thang mới tới.Nhà thì ở giữa xung quanh toàn trồng rau và rau...Cứ thế màu xanh của cỏ cây,hoa lá,vườn tược bao quanh.Người rất ít,cỏ cây lại nhiều. Buổi sáng ông mặt trời thức dậy rất muộn.Bảy,tám giờ nhưng sương mù vẫn còn bao phủ.Ra khỏi nhà, tay cầm áo ấm khoát vào người,tay cầm mũ len,chân xỏ đôi giày.Lâu dần trở thành phong cách riêng của người xứ tôi.Ban đêm,bảy, tám giờ tối sương giăng mờ lối,cái lạnh tràn ngập không gian ,nhà nào cũng đóng cửa.Không phải vì sợ trộm,không phải vì sợ cướp mà một nỗi sợ hoang vu,kỳ quặt và ma quái nên ít ai ra đường .
Còn con người sao lạ quá ! Họ không nói cùng một giọng.Người nói giọng Bắc,người giọng Huế,người giọng Quảng ...Ôi ! Thật khó nghe !Cứ thế ra đường gặp nhau,họ phải nói từ tốn,nhỏ nhẹ,dịu dàng để người đối diện dễ nghe.Lâu dần hình thành một giọng nói chung thật dễ thương.Đặc biệt ở đây,tuổi thơ của tôi đầu tiên nhìn thấy.Đó là những người quần áo của họ chỉ che những chỗ cần che trên cơ thể.Họ để da thịt phơi trần cùng sương gió,tự nhiên và vô tư như đất trời cao nguyên.Lưng đeo gùi,tay cầm "xà gạt " vác lên vai và họ chỉ đi hàng một.Khi cần trao đổi họ mới tụ tập nói vài câu và sau đó hàng một họ lại đi tiếp.Sau này tôi mới biết đấy là dân bản địa- đồng bào của mình.
Rồi một ngày- tôi nhớ như in,trường tôi tổ chức lễ "kỉ niệm ngày Hai Bà Trưng " .Sân trường đang đông vui,tấp nập, bao nhiêu trò chơi đang diễn ra...Bỗng trường xôn xao có tin " mấy ổng về tới nơi rồi " Tôi không hiểu"mấy ổng" là ai và cũng chẳng biết vì sao cả trường tung bỏ chạy.Theo dòng người,tôi ùa ra cổng thì đã thấy ba tôi dáo dát đứng chờ sẵn.Như sợ con gái mình lạc mất,ba tôi nắm tay tôi đi thẳng một mạch về nhà nội.Cả nhà nội đang bàn tán,xôn xao chuyện"tản cư".Tôi nghe ba tôi nói" Mấy cô chú có đi đâu thì đi chứ ba má nằm đây anh không đi đâu hết".À ra vậy! Giờ tôi đã hiểu vì sao mãnh đất mới mẻ,hoang vu,vắng vẻ,lạnh ngắt đầy sương và mây này là quê nội của tôi- Đà Lạt- mảnh đất "phố trong rừng và rừng trong phố".
Thế rồi Đà Lạt cùng với cả nước được giải phóng.Tôi không biết người ở đâu mà về đây sinh sống đông thật đông.Nhà cửa xây lên san sát,nhà liền nhà, phố liền phố.Đông đúc,chật chội,chen chúc.Có mảnh đất nào trống,từ sân trường,đồi thông,vườn tược đều được phân lô để trao tặng hoặc bán cho người dân xây nhà.Thế là phố núi quê tôi cũng giống như bao phố phường,đô thị khác :nhà cửa đồ sộ,cao ngất, san sát nhau.Núi rừng, vườn tược dần bị đẩy xa khỏi khu đô thị.Muốn tận hưởng sương hoặc ngắm mây phải đi xa thật xa để "săn".Nói về lý,về tình thì đều đúng.Về lý thì"dân có quyền có chỗ ở" .Về tình thì "còn mảnh đất trống"mà cô,dì,chú,bác ... ở quê còn khó khăn quá nên đưa vào ở gần cho vui.Chỉ tiếc rằng họ có tâm nhưng chưa có "tầm " nên Đàlat quê tôi mất đi đặc trưng của phố núi.
Lịch sử đã đi qua,thế hệ trẻ ngày nay được học hành bài bản,được đi đông đi tây.Đất nước đã có những khu đô thị mới như: Quận 2(TP.HCM),Mũi né (Bình Thuận)...Tôi cũng có quyền mơ một Đàlat xưa cũ được xây dựng lại để Đalat còn giữ mãi nét đặc trưng của "TP núi", " TP sương mù", "TP buồn" hay " một TP châu âu " giữa lòng đất nước Việt Nam.
Người Đà Lạt
____________
Đỗ Hứng gởi