Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
QUÉT RÁC VƯỜN TÂM
 
Quang Minh
 
Như thường lệ, sáng sớm chú tiểu An Tâm dậy sớm tụng kinh niệm Phật và sau khi ăn sáng xong thì chú tiểu An Tâm quay lại với công việc hằng ngày của chú là quét lá sân chùa. Và nếu chú tiểu An Tâm mà không quét lá ngày nào thì ngày đó sân chùa sẽ toàn lá cây, bụi bặm không được sạch sẽ. 
 
Hằng ngày ta cứ loay hoay quay quầng bận rộn lo lắng trong bao mối suy tư, lo lắng, buồn khổ về gia đình, học tập, công việc, sự nghiệp...làm cho Tâm ta không được bình an. Tâm ta có khi bứt rứt khó chịu, có khi buồn khổ ảo não, hay lo lắng nghĩ suy, mà có lúc bi sầu thiếu tự tin, có lúc buông xuôi chẳng thiết kiểu chán đời...Nguyên nhân đau khổphiền não là do mình tiếp thu quá nhiều thông tin, chấp thủ, chấp niệm, chấp việc, chấp cảnh, chấp tình, chấp mộng tưởng tương lai, chấp ký ức quá khứ....Sự chấp đó cũng như rác trong lòng mỗi lúc một nhiều như lá rơi sân chùa mà nếu ta lại không lo quét dọn hằng ngày thì sự nhơ nhớp do rác làm sân chùa trong lòng không được sạch sẽ, không được thanh tịnh

Sự bám chấp vào sự vật sự việc thay đổi, chấp vào pháp vô thường thế gian, chấp niệm vọng trong Tâm thì sự chấp đó làm mê mờ tâm trírối loạn thân tâm, gây nên phiền não và nghiệp chứng. 
 

Hằng ngày ta nên hãy dành thời gian mà "phản quan tự kỷ", quay lại trong ta quán sát xem ta hôm nay có lầm lỗi gì không? Có điều gì làm chưa tốt hay chưa? Việc gì cần làm mà chưa làm hay không? Hay quán vọng niệm nghĩ suy coi vọng niệm đó là chánh hay tà niệm, vọng niệm từ đâu sinh khởi...qua đó cho ta biết điều gì tốt thì duy trì và phát huy,mà điều bất thiện thì dứt sạch, từ bỏ, cũng như quán vọng niệm để không bám chấp vào niệm vọng, cho niệm niệm tương tục không gián đoạn, không thọ nhận bất cứ điều gì thì sự ràng buộc, dính mắc không còn. Qua việc " phản quan tự kỷ", quay nhìn lại chính mình để mà rèn cái Chí, tu cái Đức, phát triển Tâm từ, bi, hỷ, xả. 

Ta hãy học tập theo chú tiểu An Tâm, là luôn quét rác vườn Tâm, cái gì không cần thì xả bỏ quét dọn đi, để nhiều thì nặng đầu mà không quét thì nặng lòng. 

Trong tu học cũng vậy, những gì cần thì nên ghi nhớ để áp dụng tu hành, nắm lấy những gì cốt lõi để áp dụng vào tu hành, còn những gì chưa cần hay không cần thì buông xả cho nhẹ lòng sẽ được An Tâm. Mà tâm an thì bình khí, khí bình thì thân an, an thân thì tĩnh lặng trong lòng, từ đó trí huệ sinh. Vì trí huệ sinh ra trong tĩnh lặng và thanh tịnh. Từ đó giúp ta bước lên nấc thang hướng về sự giải thoát thân tâm.

An Tâm là không bám chấp vào pháp vô thường trần lao, nhằm đưa tới trong Tâm hành giả một trạng thái an nhiên, tĩnh lặng, giải thoát mọi sự ràng buộc của thế gian phiền não. Hãy sống tĩnh lặng, bình dị trong từng giây phút hiện tại để thấy ta chỉ là ta trong bóng hình của thời gian và không gian hư vọng nơi trần thế và đó là niềm an vui chân thật.