quỷ bức thiền sư
H.T Tuyên Hoá giảng ngày 15/02/1987
Ngồi thiền trước tiên phải học nhẫn nại, phải giữ gìn quy cụ. Cho nên "Vô quy cụ bất thành phương viên". Nếu không giữ quy cụ thì làm bất cứ việc gì cũng không thành tựu, phải nhẫn chịu đau chân, lưng ê. Trong lúc tâm bạn không bình tĩnh thì cũng phải làm cho vọng tưởng lắng xuống. Tốt nhất là có thể ngồi kiết già, còn gọi là "kim cang tọa". Tư thế ngồi kim cang rất dễ nhập định. Ma quỷ thấy bạn nhập kim cang định này sẽ khởi tâm cung kính, không dám nhiễu loạn.
Khi nghe đánh ba tiếng mõ thì đó là lúc "Chỉ tĩnh". Lúc này không thể nói chuyện hoặc gây ồn ào. Ðừng nói chi đến người, hộ pháp, quỷ thần cũng không dám làm ồn. Lúc này phải tâm bình khí hòa, nếu ngồi được tư thế kiết già thì tốt nhất. Bây giờ xin kể về chuyện Quỷ Bức Thiền Sư.
Quỷ Bức Thiền Sư vốn là một Hòa Thượng chuyên đi tụng đám, tụng Kinh cho người chết. Ngày ngày siêu độ vong linh, vì làm như thế thì kiếm được tiền. Nếu ngồi thiền thì không có người cúng tiền. Một đêm nọ, Ngài vừa độ đám xong, trên đường về đi qua nhà người nọ, bị chó sủa, Ngài nghe người đàn bà trong phòng nói :"Mau ra nhìn xem, phải chăng là kẻ trộm ?" Lại nghe tiếng đàn ông trong phòng nói :"Ðó là con quỷ đi tụng đám chứ ai". Ngài nghe rồi suy nghĩ :"Làm gì mà cho tôi một cái tên khó nghe như thế ? Tôi vì người chết tụng Kinh, họ kêu tôi là quỷ !" Lúc đó trời đang mưa, Ngài bèn chạy đến dưới cầu núp mưa, thuận tiện cũng tập ngồi thiền, ngồi tư thế kiết già. Lúc đó có hai con quỷ đến, một con nói :"Chỗ này sao lại có tháp bằng vàng ?" Con quỷ kia nói :"Trong tháp vàng có Phật xá lợi, chúng ta đảnh lễ mau lên !" Hai con quỷ đảnh lễ không ngừng. Ngài ngồi được một lúc, chân bắt đầu đau, bèn bỏ một chân xuống, ngồi bán già. Một con quỷ nói :"Sao tháp vàng hốt nhiên biến thành tháp bạc ?" con quỷ kia nói :"Bất cứ tháp vàng, hay tháp bạc, đều có Phật xá lợi bên trong, chúng ta phải đảnh lễ", lại tiếp tục đảnh lễ.
Vị Hòa thượng đó lại ngồi thêm một lúc thì cảm thấy chân đau, không chịu được nữa, cho nên hai chân duỗi ra, ngồi tùy tiện. Lúc đó hai con quỷ đồng thanh nói :"Sao tháp bạc lại biến thành đống bùn ? chúng ta mau đá nó". Hòa thượng nghe được lập tức liền thu chân lại, ngồi kiết già. Hai con quỷ liền kêu lên :"Bây giờ không phải là bùn, mà đã biến thành tháp vàng", hai con quỷ tiếp tục lạy.
Lúc đó trời còn mưa, vị Hòa thượng tự nghĩ :"Ta ngồi kiết già thì là tháp vàng, ngồi bán già thì là tháp bạc, tùy tiện ngồi thì biến thành bùn, quái lạ !" Từ đó về sau, Ngài không đi đám nữa, chỉ chuyên tu hành, không lâu liền khai ngộ, tự hiệu là "Quỷ Bức", nhân vì quỷ bức Ngài tu hành.
Do đó chúng ta ngồi thiền phải có tâm nhẫn nại, đừng sợ khổ. Lúc tâm không bình tĩnh, phiền toái thì cũng làm cho bình tĩnh lại, đừng bị vọng tưởng làm lay chuyển.
Bạn ngồi được kiết già thì đủ thấy bạn có công phu, ngồi không được, tức không có công phu. Công phu thì "Nước trong trăng hiện". Nước không trong thì trăng không thể hiện ; nước lắng trong thì trăng mới hiện. Cũng đồng lý ấy, trong tâm chúng ta lắng trong thì trí huệ quang liền hiện tiền. Tại sao chúng ta ngu si ? Vì trí huệ quang chúng ta vốn có không hiện tiền. Chúng ta không biết dùng trí huệ vốn có, suốt ngày chỉ dùng phiền não vô minh, đố kị chướng ngại, cho nên không có trí huệ. Nếu muốn mở trí huệ thì phải tĩnh tọa, hiểu biết bộ mặt thật của ta trước khi cha mẹ sinh ra. Nhận thức được bộ mặt thật liền có trí huệ.
Tại Vạn Phật Thành, mọi người đều ngồi kiết già, trừ khi quá mập. Nhưng rất ít người mập béo. Vì mỗi ngày chỉ ăn một bữa, có mập cũng không thể mập tới mức đó. Tại Vạn Phật Thành có những người có thể ngồi kiết già suốt hai mươi tiếng mà không đổi chân. Có người có thể ngồi một hơi mười tám tiếng, còn như một lần năm, sáu tiếng rất bình thường. Chúng ta đang âm thầm gieo giống.
Hiện tại vì phương tiện kiều bào và người Mỹ, cho nên mới mở khóa thiền. Cơ hội này có bao nhiêu tiền cũng mua không đặng, không giống như hiện nay trước mặt các siêu thị quảng cáo các lớp khí công, lớp phong thủy .v.v., để chiêu học sinh, đều viết rõ học phí bao nhiêu. Tại đây mở khóa "Tọa thiền khí công", không thu học phí, nghe Kinh cũng không cần tiền. Nếu từ sáng đến tối nói về tiền thì có thể gọi là "Khóa tiền". Thứ này đa số thuộc tính chất thế gian, mục đích là làm ăn.
Gia phong của Vạn Phật Thành, không đi độ đám, nếu có người muốn siêu độ cha mẹ, lục thân quyến thuộc. Nếu có hiếu tâm thành kính, thì chùa có thể thế người đó làm công đức, nhưng không nói giá tiền. Vậy thì cứu kính cần bao nhiêu tiền để làm "Một đường pháp sự ? (cúng giỗ)".
"Nói với bạn, một đồng cũng không phải ít, một trăm vạn cũng không hiềm nhiều". Tại sao lại nói như thế ? Vì phần đông muốn làm công đức, nhưng họ không có tiền, nhưng nếu không làm tức không thỏa mãn tâm nguyện. Ngược lại có những người có tiền, nếu nói với họ giá tiền ít, thì họ cho công đức này không đáng tiền, do đó mà khinh thường. Do đó tùy khả năng phát tâm của các vị, quan trọng nhất là có tâm thành, nếu không thành tâm thì có cúng một trăm vạn cũng không làm. Vạn Phật Thành là chân chánh hành trì Phật pháp, đạo tràng hoằng dương chánh pháp. Tác phong không giống một số người xuất gia khác.
Nói về thiền, người đến trước thì ngồi phía trước, đến sau thì ngồi phía sau, không nên trước trước sau sau, không trật tự. Ngồi thiền thì không nhất định phải dùng bồ đoàn. Phải luyện tập đến giai đoạn tùy thời tùy lúc đều có thể ngồi được, tương lai bạn đi đâu không nhất thiết phải mang theo mình cái bồ đoàn, tùy thời tùy nơi hoặc trên đá, trên cây, trên đất, đều có thể ngồi được. Hiện tại bắt đầu luyện, tương lai nếu ngồi trên đá, khiến đá cũng mềm ; ngồi trên đinh, đinh cũng không thể đóng vào được. Luyện đến "Gân đồng cốt sắt", cái gì cũng không sợ, đó là công phu. Ngồi thiền với luyện võ thuật không khác mấy. Ðại hiệp khách ngày xưa, đều ngồi thiền luyện khí. Cho nên "Trong thì luyện hơi thở, ngoài thì luyện gân cốt da". Luyện đến dao đâm không thủng, không sợ người đánh. Giống như Hải Ðăng Pháp Sư, toàn võ thuật Trung Quốc đều biết danh, tức là đem công phu tham thiền và võ thuật nung tại một lò, luyện đến mức võ thuật tinh thâm, không sợ người đánh, đồ đệ cũng lại như thế.
Tải về xem