Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
SAIGON ƠI ĐỪNG KHÓC



Saigon có gì phải khóc? Thì Saigon đang phát triển từng ngày, như người ta thường nói, Saigon đang thay da đổi thịt. Đố ai tìm thấy nét thanh lịch của một Saigon trong quá khứ, một Saigon tao nhã, hiện đại và hài hòa trong kiến trúc. Trong tình yêu và nỗi nhớ của bao trái tim luôn hướng về Saigon thân thương.

Saigon bây giờ mang nhịp sống hối hã của những cuộc đời đang quyết bương lên bằng mọi giá, bất chấp mọi thứ, trong một nền kinh tế hoàn toàn tự phát mặc dù vẫn luôn được gắn cho slogan thật kêu : “ Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN “ ( sic ! ).

Saigon bây giờ với một kiến trúc nhìn có vẽ hiện đại không kém gì các nước tiên tiến phương tây nhưng kỳ thực lại phát triển hết sức lộn xộn, nhìn nhứt cả mắt và vô hình trung thành những khối bê tông dầy đặc, lồi lõm không đều, gây mất mỹ quan , góp phần làm tăng lượng dân ngụ cư gây kẹt xe nặng, gây ngập khi mưa về vì không còn mãng xanh và hồ để thoát nước... dù quy hoạch đã được thông qua từ rất lâu là không phát triển mới ở khu vực Saigon mà chuyển qua thành phố mới ở Thủ Thiêm, Quận 2 và các vùng phụ cận...

Saigon bây giờ thiếu vắng những con người dễ thương, tao nhã, thanh lịch và đầy tính nhân văn trong cuộc sống đời thường lẫn trong văn hóa-văn nghệ. Chẳng trách gì bây giờ người ta đua nhau hát lại những bài hát cũ. In lại những quyển sách cũ. Bởi vì ca từ va lời văn sao mà hay đến thế, kể cả những bài hát ngày xưa vẫn bị chê là sến. Con người thì lịch thiệp, hào hoa, biết thương yêu, biết nhường cơm sẻ áo, và nhất là, biết tôn trọng pháp luật, đất lề quê thói...

Saigon bây giờ ra đường là thấy lộn xộn. Con người lộn xộn. Xe cộ lộn xộn. Cuộc sống lộn xộn. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, nào bị giựt dọc, trộm cướp, tai nạn đủ kiểu chực chờ. Người ta lừa nhau đủ kiểu. Người ta hại nhau đủ kiểu. Văn hóa thì xuống dốc, nạn đạo văn thì đầy dẫy. Văn chương đọc nghe thô ráp,có khi thô tục. Giáo dục thì chạy theo thành tích, trẻ thơ bây giờ hết còn là trẻ thơ, mà đã thành những ông cụ non lẩm cẩm và ngu ngốc từ khi bước vào trường học với nạn học vẹt, đạo văn, sa đà vào các trò chơi game đến mụ mị do cha mẹ không muốn làm phiền tới mình. Những đứa trẻ khi hết năm học đã quên hầu hết những bài đã học, không như thời chúng tôi trước năm 75, rất nhiều bài học vẫn còn theo chúng tôi đến tận bây giờ...

Saigon một thời là cái nôi của nền văn hóa non trẻ mà giản dị, chất phát, hiền hòa, rộng lượng và đầy tính vị tha của miền Nam lục tỉnh kết hợp với tính thâm trầm, sâu sắc, tài hoa của những người dân miền Bắc di cư vào năm 1954 nên đã sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học và con người luôn dễ mến, nhân văn. Còn Saigon sau năm 1975 đã sinh ra một tầng lớp cơ hội mới, thêm một tầng lớp phải luôn luồn lách, lươn lẹo để mưu sinh và tồn tại bằng mọi giá. Để giữ mình, và để sống, người ta không ngần ngại triệt tiêu lẫn nhau ( điều dể thấy nhất trong các cơ quan nhà nước bắt đầu từ thời bao cấp cho đến tận về sau ). Và cũng giữ mình, người ta luôn phải cố gắng chạy theo thành tích để đừng bị để ý, từ cái khôi hài nhất là “ gia đình văn hóa “, “ khu phố ( ấp ) văn hóa “,... đến các danh hiệu khi làm ở tập thể hay cơ quan nhà nước nhằm để giữ biên chế...

Tính cơ hội đã ăn thâm căn cố đế vào nhiều thành phần trong xã hội, dẫn đến tệ nạn ăn cắp, từ ăn cắp thời gian đến ăn cắp những thứ lặt vặt để làm nhẹ gánh nặng cho gia đình đến ăn cắp của công và tài sản xã hội, nói nôm na là tham nhũng...

Nhiều lắm, nhiều không kể xiết, nhưng nói chung cái Saigon tính hầu như không còn. Cài bình yên trong từng con người, trong từng cuộc sống và của cả xã hội đã dần dần mất đi. Cái Saigon trơ trọi, bê tông cốt sắt và lẻ loi trong cái hồn dân tộc hình như cũng đang tự vấn mình.Saigon ngập lụt là vì thế. Saigon nóng gắt là vì thế. Saigon với mỗi ngày, với kẹt xe, với đâm chém giựt dọc, giết người hết sức man rợ, ma túy, tham nhũng, làm giả hàng hóa kể cả thuốc tây coi nhẹ mạng sống con người, thậm chí lạnh lùng quăng đinh trên đường mặc cho sống chết con người, chưa kể người thân ruột thịt tranh nhau từng tất đất đến nỗi chẳng thèm nhìn mặt nhau,có nơi còn gây ra án mạng... đầy dẫy trên báo lề phải lẫn trái...

Saigon của tôi – Saigon ơi đừng khóc, dẫu cho người ta vẫn khoe rằng chúng ta đang sống trong một đất nước hạnh phúc ( hic hic ! ). Thì hạnh phúc thật đấy. hạnh phúc khi có tiền. Còn mọi thứ thì mặc kệ.

Saigon vẫn đang phát triển trong một đất nước phát triển, mặc dù mỗi người chúng ta từ người già đến trẻ mới sinh đều phải đang gánh nợ công vài chục triệu đồng.

Saigon từ một nơi đầy tính nhân văn, nhưng bây giờ những việc làm và con người nhân văn trở thành của hiếm, khi được phát hiện đã được báo đài ca ngợi hết lời, mà lẽ ra đó là những việc bình thường hồi đó.

Saigon ơi đừng khóc, khi tâm hồn con người không còn chỗ để thương nhớ một Saigon trong ký ức mấy mươi năm.

Đừng khóc nhé Saigon ơi !


TÂM NGUYỄN


Hoang Nguyen gởi