Mumbai là một trong những thành phố có giao thông đông đúc nhất thế giới (Ảnh; Shutterstock)
Đây được xem là động thái mới của cảnh sát giao thông Mumbai nhằm nâng cao nhận thức của người dân thành phố đông đúc này.
Theo đó, đèn đỏ sẽ ngay lập tức thay đổi thời lượng chờ sang mức chờ dài hơn thậm chí… chạy lại từ đầu, nếu thiết bị đo cường độ âm thanh tại ngã tư đường nhận thấy người tham gia giao thông đang bấm còi quá to.
Hệ thống bao gồm màn hình cảnh báo với khẩu hiệu “Honk More Wait More” (càng bấm còi, càng đợi lâu), một thiết bị đo cường độ âm thanh nối với đèn tín hiệu giao thông. Khi tiếng ồn từ còi xe vượt quá 85 decibel – mức độ có hại cho con người nếu phải chịu đựng trong thời gian dài – thời gian chờ đèn đỏ sẽ đếm ngược lại từ 90 giây.
(Ảnh chụp/video)
Tại các ngã tư có “cột đèn trừng phạt”, cảnh sát sẽ đặt thông báo để người dân hiểu rõ hậu quả của việc bấm còi quá nhiều.
Chia sẻ với truyền thông, người đứng đầu lực lượng cảnh sát giao thông Mumbai – ông Madhukar Pandey nói: “Thật đáng buồn là nhiều người dân Mumbai lại thường xuyên bấm còi, không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn và còn gây tổn thương màng nhĩ, tăng nhịp tim, gây căng thẳng và khiến giao thông hỗn loạn”.
“Với hệ thống này, chúng tôi hy vọng có thể nâng cao tính kỷ luật của người dân, và đảm bảo không tiếng ồn, không gây căng thẳng trên đường phố Mumbai.”
Được xem là một trong những thành phố ồn ào nhất thế giới, gần đây Mumbai cũng đứng thứ 4 trong số các thành phố tắc nghẽn hàng đầu thế giới. Các tài xế ở đây mất trung bình 8 ngày và 17 tiếng kẹt xe mỗi năm vì tắc đường.
Ngày 31/1 vừa qua, cảnh sát thành phố Mumbai đã đăng tải video về “cột đèn trừng phạt” này lên mạng xã hội nhằm phổ biến tới những người tham gia giao thông.
Trong video, một cảnh sát nói: “Chào mừng đến với thủ đô bấm còi của thế giới. Người dân ở đây bấm còi ngay cả khi đang dừng đèn đỏ bởi họ nghĩ có thể điều này sẽ khiến đèn chuyển sang màu xanh nhanh hơn…? Với tư cách là cảnh sát Mumbai, chúng tôi cảm thấy mình cần phải hành động trước tình trạng này”.
“Cứ thoải mái bấm còi, nếu bạn không ngại đợi lâu”, người cảnh sát tươi cười nói. Đoạn clip được thực hiện với phong cách hài hước với mong muốn người dân có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với động thái mới này. Sau khi đăng tải, đoạn clip đã ngay lập tức nhận được hơn 53.000 lượt “like”.
Nhà nghiên cứu ô nhiễm tiếng ồn nổi tiếng Sumaira Abdul Ali cho biết: “Chúng tôi chưa từng nghe về một điều như vậy ở bất cứ đâu trên thế giới và tôi hết lòng chúc mừng cảnh sát giao thông Mumbai vì đang nỗ lực thực hiện một giải pháp cụ thể để giúp thành phố bớt ồn ào hơn và cuối cùng là không có tiếng ồn”.
Ông Madhukar Pandey cũng cho biết sáng kiến đã được thử nghiệm vào tháng 11 và 12/2019, nhưng sẽ chưa được thực thi ngay lập tức.
Sáng kiến “cột đèn trừng phạt” sẽ tiếp tục được thử nghiệm ngẫu nhiên trong vài tháng tới. Khi thu thập đủ phản ứng từ người dân, cảnh sát sẽ căn cứ vào đó để xem có nên “biến” nó thành quy định chính thức hay không.
Theo NDTV,
Nguyễn Hoàng
Chủ Nhật, 23/02/2020
usaelection gởi