Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Sáng Mắt




Khi “hòa bình” lập lại năm 75 ông giáo Quờn làm đơn xin trở về nguyên quán ở kinh mười hai cách Cai Lậy chừng12 cây số trên đường đi Mộc Hóa. Nhà cửa ruộng vườn vẫn còn nguyên do người em trông coi và chăm sóc trong mấy năm chiến tranh khi ông tản cư ra chợ. Thay vì được tiếp tục dạy học ở chợ quận ông lại xin thuyên chuyển về trường tiểu học Mỹ Hạnh Trung cho gần nhà. Vợ và các con vẫn còn ở ngoài thị trấn Cai Lậy như trước vì mấy đứa nhỏ đã quen sinh hoạt ở chợ nên không muốn về quê. Hơn nữa từ Cai lậy về nhà cũng gần, đường lộ tráng nhựa rất dễ đi.

Trước đây muốn về nhà phải qua đò ngang ở chợ rất bất tiện. Nay chính quyền đã cho bắc một cây cầu sắt ngang kinh nên giao thương rất dễ dàng xuống tận các xã  giáp ranh vùng nước trũng phèn trong miệt Đồng Tháp. Dọc theo hai bên bờ cạnh cây cầu sắt, nhà cửa mọc lên san sát. Chợ mới xây đối diện với bến đò, sinh hoạt rất nhộn nhịp sầm uất. Ghe xuồng tấp nập ngày đêm.


Ngoài công việc dạy học ở trường ông giáo còn phụ chăm lo việc đồng áng. Thóc lúa vụ đầu trúng đậm. Sau đó một thời gian, bà giáo thấy mọi việc đều khấm khá bèn dẫn hết mấy đứa con nhỏ về lại chợ kinh mười hai cất một ngôi nhà gần cây cầu sắt, mở tiệm hàng xén mua bán. Nhờ mọi người ở đây đều quen biết với ông giáo nên cửa tiệm ngày càng đông khách.


Ông giáo sinh ra và lớn lên ở làng quê Mỹ Hạnh Trung từ thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ rất hiếm người đi học, nghèo đã đành rồi, còn giàu có thì con cái lại sống sung sướng như công tử, học hành chi cho cực thân. Thậm chí chính quyền thuộc địa kiểm kê dân số bắt buộc phải có người đi học thì các gia đình đại điền chủ lại thuê người đi học thế. Ông thuộc gia đình nghèo khó nên cha mẹ thuận theo giao ước của chủ điền cho con đi học thế để được miễn tô 20 giạ lúa hằng năm.


Chi phí ăn học do chủ điền lo, kể cả áo quần và tiền bút mực, sách vở. Thỉnh thoảng còn trợ cấp gạo và ít khô mắm để cho đứa nhỏ hăng hái mà học hành. Cho đến khi thi đậu được bằng tiểu học và ra đời làm nghề giáo hơn 20 năm nay. Ông dạy chỉ duy nhất ở một trường Tiểu Học Cai Lậy và thường hay đi lại bằng chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ có từ thời xa xưa.


Ông dạy học bấy nhiêu năm thì chiếc xe đạp cũng từng ấy tuổi. Hình ảnh một người trung niên cỡi chiếc xe đạp đòn dông màu đen hiệu en-xông (Alcyon) có túi dết bằng da sờn mép cong queo đựng sách vở cột phía sau ba-ga là hình ảnh quen thuộc của một ông thầy giáo làng đã ăn sâu vào trong trí tưởng của nhiều lớp học sinh Cai Lậy trước ngày đất nước “hòa bình”.


Ông thường hay nhắc lại chuyện cũ năm xưa, đi học thế cho con nhà giàu, để dạy dỗ con cái rằng chỉ có “vất vả, nghèo khổ, chịu khó học hành mới nên người.”

       
Gia đình ông không có ai tham gia chính quyền cũ và được xếp vào loại gia đình trong sạch có nghĩa là ưu tiên chỉ sau những gia đình có công với cách mạng cho nên cũng không có sự phân biệt đối xử khắc nghiệt nào đến độ phải kêu ca hay ta thán mỗi khi có đơn xin xác minh lý lịch để đi học hay làm ăn mua bán. Trong thời chiến tranh chỉ vì sợ gia đình bị trúng bom đạn nên tản cư ra chợ cho yên thân. Nhân nghĩa tại tâm. Ông không theo phe nào. Vậy thôi.


Đến năm chính quyền thi hành chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, tất cả các hộ nông dân đều phải vào hợp tác xã. Nhất nhất mọi ngành nghề mưu sinh đều sinh hoạt giống nhau với danh xưng là “hợp tác xã” đủ loại từ mua bán, cơ khí, xây cất cho đến tận các tổ hợp gia công, đan lát…v…v… Gia đình ông tham gia và động viên mọi người tích cực ủng hộ.


Ban đầu cũng phát động rầm rộ, tuy huê lợi có kém đi nhưng mọi người ai nấy cũng nghĩ “hòa bình” rồi thì từ từ mọi việc cũng sẽ khá hơn. Nhưng lâu dần hoạt động ngày càng suy yếu không phải vì bất hợp tác hay lao động kém mà là vì những người thuộc bộ phận chính quyền hay những người theo đuôi hô hào đã dở không làm gì cả mà càng ngày lại càng giàu có, nhà ngói khang trang xây cất ở những khu đắc địa, trong khi người dân thì càng lúc càng khó khăn hơn, thậm chí có ruộng và làm cật lực mà vẫn thiếu ăn. Ngành nghề gì thu nhập cũng kém cỏi.


Chưa bao giờ có cảnh công nhân lao động và giáo viên tập trung xếp hàng lãnh lương thực theo tem phiếu hàng tháng tính theo đầu người chỉ có hơn chục ký gạo và thịt heo xẻ ra chia từng ký lô. Vải vóc phát phiếu được mua vài mét một năm … v…v… Nhìn quang cảnh chia chác hàng tháng ở trường mà ông giáo thật là ngán ngẫm. “Không biết họ làm ăn, tính toán ra sao?


Cho đến khi chiến tranh lan tràn qua bên Miên trai tráng trong làng bị bắt đi nghĩa vụ qua bên đó chết và bị thương rất nhiều thì tình hình lại càng khó khăn hơn. Có nguy cơ chết đói đến nơi. Đã thế công an còn hoạnh hẹ, kiểm tra bắt bớ những người đi luôn lẻ vài  ba túi gạo hay ít cân thịt lậu. Có khi chỉ là đi tiếp tế cho con cái đang sống ở thành phố mà thôi.


Trong khi đó cũng có nhiều người bất mãn sống chịu không nổi bèn tìm kiếm cách vượt biển vượt biên mà đa số là dân chúng thuộc vùng quốc gia kiểm soát trước đây. Chính quyền phát loa hằng ngày ở chợ kết tội họ thuộc thành phần phản quốc. Công an khám xét từng nhà trong xã để kiểm kê những người vắng mặt và nêu rõ tên tuổi, buộc các chủ hộ phải làm tờ trình báo cáo lý do vắng mặt. Chính quyền còn răn đe, dọa là sẽ xử án thật nặng nếu bị bắt.


Sau đó ít năm trong xã số người đi vượt biên mất tích không biết là bao nhiêu nhưng số người bị bắt lại rất nhiều và thân nhân xin đi thăm tù vượt biển vượt biên đã thành phong trào.“Con nuôi cá hay Má nuôi con.” Hình như gia đình nào cũng có người liên hệ đến thành phần phản quốc nầy. Ban đầu còn lên án sỉ nhục nhưng rồi dần dần sau đó lắng xuống vì công an cũng dính dáng đến các tổ chức đưa người vượt biên trái phép. Chuyến đi nào trót lọt cũng có công an bảo kê.


Tình hình bớt căng thẳng hơn kể từ khi Năm Phương vượt biên thành công và sau đó công khai hàng tháng người nhà đều nhận được những thùng quà có giá trị ngang bằng với trúng mùa 3 công lúa ruộng thì cả khu chợ mới nầy gia đình nào cũng dò hỏi đường dây vượt biên vượt biển ở đâu mà Năm Phương đi lọt. Chợ kinh mười hai lúc bấy giờ lại nổi lên nhiều quán cà phê không có bảng hiệu gọi là cà phê chui chủ yếu là phục vụ khách vãng lai. Xì xầm cũng truyền tai nhau toàn là chuyện vượt biên.


Từ chợ kinh mười hai đi tàu đò qua Miên chỉ độ hơn 4 tiếng đồng hồ. Dân đi buôn lậu qua lại hàng ngày tương đối rất dễ dàng. Chợ trời biên giới hoạt động rất thịnh hành với các mặt hàng chủ yếu lúc bấy giờ là thuốc Tây, vải vóc và thuốc lá. Thỉnh thoảng cũng có lưa thưa một số người ban đầu đi buôn lậu sau đó mất tích luôn cho tới khi tới được trại tỵ nạn Thái lan thì mới có tin về là còn sống và đang chờ đi Mỹ.

       
Trước đây chuyện vượt biên vượt biển còn giấu kín chỉ to nhỏ đồn đại với nhau thôi nhưng kể từ khi có chương trình đi Mỹ thuộc diện bão lãnh ODP thì công khai kể cả công an cũng đều vui vẻ làm ăn, vòi vĩnh chút tiền khi cần giấy tờ xác minh hay hộ khẩu địa phương. Nhưng rộ lên nhất là từ khi có chương trình H.O tất cả đã trở thành phong trào đua nhau đi Mỹ rầm rộ và ồ ạt.


Đặc biệt nhất là những tay cò mồi xuất ngoại làm dấy lên phong trào mua con lai để làm hồ sơ đi Mỹ theo diện con lai lan rộng khắp nơi. Họ môi giới lập hồ sơ đủ loại có bộ phận dịch vụ “tận ngoài Hà Nội” lo trót lọt. Hết con lai rồi tới ghép con nuôi với các gia đình đi diện H.O. Hôn thú giả, thiệt tràn đồng kể cả giấy ra trại cải tạo đủ 3 năm thiệt hay giả họ đều có cả từ khắp nơi trên miền Nam. Giá cả mua được tương đối cũng rẻ hơn giá vàng đóng để đi vượt biên lúc trước.


Đến khi bắt đầu có Việt kiều ở Mỹ về thì quà cáp và đô la tuôn về tận làng quê hàng tháng như nước đổ. Nhà nào có người đi Mỹ thì bất luận trước đây làm nghề gì và sinh hoạt khó khăn đến mấy cũng phất lên như hồi mấy năm thời Cộng hòa khi lính Mỹ vừa mới sang đây. “Mỹ đi rồi Mỹ lại về.” Sinh hoạt mua bán trao đổi hàng ngoại rất thịnh hành ở chợ hay ở những địa điểm nào mà gia đình có nhiều người ở Mỹ.


Thế rồi có một hôm cô con gái thứ của ông đang là giáo viên ở Mỹ Tho chưa lập gia đình về nhà xin tiền vàng để tham gia chuyến vượt biên do người bạn dạy học cùng trường tổ chức. Ban đầu ông còn lưỡng lự, không phải vì không có tiền. Lý do chính là đi đâu, ở đâu sao bằng quê hương “ở ngay dưới chân mình.” Ông vẫn thường hay nói vậy với mọi người, còn bây giờ đến lượt là người trong gia đình muốn vượt biên, ông bèn nói tránh đi bằng cách khác:


- Đã lớn tuổi rồi đi nước ngoài có học hành làm được việc gì đâu?

- Sang bên đó để có cuộc sống bình thường Ba ạ.

- Ở đây làm thầy không muốn lại muốn đi làm thợ.


Nhưng bà giáo lại đồng ý và còn khuyến khích con gái nên cẩn thận xem đường dây vượt biên có an toàn hay không mà thôi. Bà giấu ông về việc cầm thế căn nhà ở chợ kinh mười hai cho đứa con nộp vàng đi vượt biên.


May mắn chuyến đi trót lọt và có thư về là đã đến đảo tỵ nạn chờ thanh lọc để đi Mỹ hay bất cứ một quốc gia thứ ba nào cũng được.


Bẵng đi một thời gian, cô con gái ông đã đến nước Mỹ và có công ăn việc làm trong một xưởng đóng đồ hộp trái cây. Cô lập gia đình với người bản xứ. Dĩ nhiên là cô có đủ tiền để gởi về cho gia đình chẳng những chuộc lại căn nhà cũ mà còn mua thêm vài căn phố ở chợ.


Nhưng bà giáo không cần chỉ mong con gái bảo lãnh cho cả gia đình kẻ trước người sau được đi Mỹ để lo tương lai cho các con cháu. Cô con gái hứa là tất cả gia đình sẽ đoàn tụ ở Mỹ. Riêng ông giáo không chịu nộp đơn và nhất quyết bám trụ ở lại quê nhà.


Vì có thân nhân vượt biên sống ở nước ngoài nên ông bị cho nghĩ việc ngang xương có nghĩa là không được lãnh tiền hưu theo chánh sách. Ông cũng không buồn và vẫn luôn tin rằng rồi ra mọi sự cũng sẽ đổi thay tốt đẹp. Nói không theo phe nào là ngoài mặt chứ trong lòng ông lúc nào cũng nghiêng về phía Việt Minh từ thời trước và Cộng sản Việt Cộng sau nầy.


Lịch sử đất Cai Lậy nầy ông biết rất rõ từ thời Hai Oanh cho đến Chín Kiên theo Việt Minh bị bắt đày đi Côn Đảo và chết rũ trong tù. Các con của Chín Kiên cả nhà đều theo mặt trận giải phóng là Năm Khinh, Bảy Cát, Thanh Tâm đều là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh. Cùng là con nhà nghèo với nhau nên ông giáo giao du thân tình với gia đình Chín Kiên. Những năm sau hòa bình 54 Năm Khinh còn ra chợ Cai Lậy lợp nhà cho ông và khi mặt trận nổi lên, Năm Khinh đi theo và đã hy sinh rất sớm trong khoảng những năm đầu thập niên 60. Ông có dự lễ truy điệu Năm Khinh (Chỉ huy Huyện đội Cai Lậy)một cách bí mật. Ông còn nhớ Năm Khinh người đen như hắc ín có tài quân sự biến hóa khôn lường nên có biệt danh là ông Thần Đen ở xã Long Khánh.


Nói chung là ông sống ở vùng quốc gia kiểm soát và làm việc hưởng lương chính phủ quốc gia nhưng tư tưởng lại có cảm tình với Cộng sản. Ông không theo hẳn phía nào nhưng luôn mong sẽ có một ngày hòa bình thống nhất đất nước dù là Cộng hòa hay Công sản. Cho nên ông rất vui mừng khi “hòa bình” được lập lại năm 1975. Ông tham gia và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương và đường lối của chính quyền mới…


Thế rồi kể từ sau khi nghỉ dạy ông giáo trở về căn nhà cũ canh tác 3 công ruộng lúa. Lúc bấy giờ chợ kinh mười hai cũng bắt đầu dở phá, xây dựng lại lớn hơn và giải tỏa toàn bộ khu vực xung quanh cho đến tận bờ kinh để “lên phố” thành thị trấn. Căn nhà sát bờ kênh, bên cạnh cầu sắt ông cất hồi mới trở về quê bị phá dở và nếu muốn thì đóng tiền trị giá 5 cây vàng để được cấp một căn phố mới ở chợ hoặc được đền bù tiền theo thời giá lúc bấy giờ. Ông có trình bày với chính quyền nhưng được trả lời là chờ cứu xét.


Ông chờ mấy năm mà cũng không đi đến đâu cho đến khi xã thông báo là nhà ông thuộc diện đền bù. Lúc trước còn là công nhân viên chức ông được miễn các khoản đóng góp ở địa phương. Nay thì ông đóng đủ mọi loại tiền ngoài tiền thuế hằng năm còn thêm phần tự quản tại xã như sửa chửa đường xá, tiền thuê lao động xã hội chủ nghĩa v…v… Nhưng đau buồn nhất là căn nhà ở chợ được đền bù với giá không đúng với thời giá. Đặc biệt là các căn phố mới xây đều do các viên chức chính quyền làm chủ hoặc sang nhượng lại cho người ở các nơi khác về làm chủ lấy tiền sai biệt.


Tự trong thâm tâm ông rất buồn khi không còn được ai kính trọng hay ít ra cũng nể nang như người cố cựu ở xứ sở nầy. Câu nói làm ông đau nhói lòng là thời bây giờ sự kính trọng chỉ đặt trên căn bản tiền và quyền thế. Ông như người hết thời nói không ai nghe.


Mới đó mà cũng đã gần 20 năm. Từ một khu dân cư hiền hòa, làng xóm yên bình nay trở thành khu phố thị đông đúc, người mới đến đem theo đủ thứ tệ nạn. Xã hội ngày càng nhiễu nhương, cướp bóc hoành hành. Mọi giá trị đạo đức không còn chuẩn mực nào nữa. Ăn nhậu khắp mọi nơi, tụ điểm ăn chơi trác táng mọc lên như nấm. Thuần phong mỹ tục không còn ai quan tâm Bọn cường hào ác bá cán bộ công an cấu kết với côn đồ xã hội đen lộng hành hơn cả thời Pháp thuộc. Càng lúc ông càng thấy không còn hy vọng gì để thay đổi hay đóng góp được gì nữa cả.


Cho đến khi chính quyền xã phát động chương trình “Việt kiều yêu nước” đóng góp xây dựng xứ sở giàu đẹp và trợ giúp các tổ chức nhân đạo ở xã thì ông là người được khuyến cáo tham gia đầu tiên. Ông từ chối, viện lý do là già yếu neo đơn. Cán bộ giải thích:


- Bác có thể hứa đóng góp theo mức qui định và xã sẽ thu hằng tháng.

- Làm gì ra tiền mà đóng.

- Bác thuộc diện có thân nhân đông đảo ở nước ngoài.


Ông giáo im lặng và sau đó chính Bí thư xã đến vận động khéo hơn. Chỉ là tự nguyện tham gia ủng hộ bao nhiêu cũng được, giống như thời chống Mỹ cứu nước vậy thôi. Tình hình nói chung là xã đang cố gắng phấn đấu để được công nhận là Thị trấn tiên tiến. Nghe tới đó, ông nghĩ thầm chỉ có căn nhà hai tầng bên sông của ông bí thư xã là xứng đáng trở thành dinh thự ở Thị trấn tiên tiến kinh mười hai nầy. Thời Pháp thuộc dinh quận Cai Lậy cũng không bằng.


Thêm vào đó gia đình bà giáo cùng các con ở bên Mỹ sống yên ổn, làm ăn bình thường và học hành tiến triển khả quan. Thơ từ, hình ảnh là bằng chứng làm ông nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần. Đến khi nhìn thấy qua ảnh chụp đứa con trai út của ông tốt nghiệp kỹ sư đàng hoàng danh giá thì ông không còn gì để luyến tiếc nữa bèn âm thầm nộp đơn xin đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Vì mở lại hồ sơ cũ nên mất nhiều thời gian xác minh.


Ông giáo mòn mỏi chờ đi Mỹ cho tới khi mắt càng ngày càng mờ dần và chừng hai năm sau khi có giấy gọi đi phỏng vấn thì đôi mắt ông đã không còn thấy đường. Ông đi diện đoàn tụ gia đình nên khi lên phái đoàn Mỹ phỏng vấn họ không có hỏi câu nào cả và cho ông đậu ngon lành. Về xứ, chính quyền và công an xã hỏi ông “đi Mỹ để làm gì. Ông trả lời:


- Đi Mỹ mỗ cườm cho “sáng mắt”.


Ông giáo tiếc là không đi sớm hơn vì có khi không còn kịp để chữa trị.

       

Trần Bạch Thu




usaelection gởi