Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Sau 48 Năm Xâm Lăng Miền Nam, GDP Việt Nam tăng 13 lần, Dân vẫn “chạy tiền” để mua một “suất ô-sin”
 
 
Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 13 lần, so với 22 năm trước, nhưng số người ở 14 Tỉnh chen lẫn trong 100 triệu dân vẫn sống ở mức nghèo so với thế giới . . . Có đến 60% dân chúng nông thôn vẫn “đầu xuống, trôn lên”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời”; nhọc nhằn cả ngày để hàng đêm vẫn phải trằn trọc trong túp lều rách nát. Dân bị cưỡng chế đất đai chỉ vì muốn thay đổi cách khai thác mảnh vườn của chính mình . . . Cuối cùng không chống chịu được với sức ép cán bộ địa phương, dân phải bán tài sản để mua lấy “một suất” tha phương cầu thực, nhiều người phải bỏ cả mạng sống. . . Nhưng vẫn còn nghe đâu đây lời hứa của csVN chẳng bao lâu nữa người dân sẽ có thu nhập bằng Singapore!
 
Toàn dân thê thảm bắt nguồn từ “cách mạng sắt máu” nhuộm đỏ cả nước vào cuối tháng 4 năm 1975. Từ đó cả Miền Nam bị đọa đầy: ngoài 1 triệu quân, cán chính bị đày ải lao động khổ sai hàng chục năm, người Miền Nam còn chịu chính sách bần cùng hóa mất sạch tài sản không còn gì để sống khiến cả triệu người liều chết vượt thóat biển cả để tìm Tự Do. Cũng từ đó cả nước rơi vào đói nghèo, soi mói đấu tố lẫn nhau, đời sống như một trại súc vật khổng lồ.
 
Năm 1986 Gorbachev ép Ba-Đình rút quân khỏi Campuchia và báo trước sẽ cắt giảm viện trợ dành cho Hà-nội. Từ đó, mô hình Xô-Viết xem như phá sản buộc đảng csVN phải bỏ Kinh Tế Kế Hoạch thường gọi là thời bao cấp (1976-1986), và triệt thoái hoàn toàn khỏi xứ Chùa Tháp năm 1989.
 
Đổi mới Kinh Tế từ năm 1986 theo mô hình Tầu cộng duy trì độc tôn lãnh đạo đối với thị trường và toàn xã hội. Từ đó cán bộ mọi ngành thi nhau trấn áp dân, cưỡng chế đất đai tài sản khiến đời sống dân chúng vô vàn lầm than. Để lừa bịp dân, cả hệ thống tuyên truyền của Nhà Nước được lệnh “đánh bóng” chế độ “Việt Nam là nước hạnh phúc” xếp hạng cao trên thế giới:
 
Năm 2012 truyền thông đồng loạt ca tụng: Việt Nam được đánh giá là nước hạnh phúc thứ 2 trên Thế Giới, chỉ sau Costa Rica trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index – HPI) do Quỹ Kinh Tế Mới (New Economics Foundation- NEF) thực hiện.
 
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) được xếp sau Costa Rica thì có gì danh giá mà khoe khoang! Ngay từ năm 1904 nhà báo Olivier Henry đã mô tả Costa Riaca là “Cộng Hòa Chuối – banana republic” (https://vanhoimoi.org/?p=16585). Trong khoa Chính Trị Kinh Doanh, từ ngữ “banana republic” chỉ để miêu tả một nước có nền chính trị và kinh tế không ổn định; bị lệ thuộc vào xuất cảng tài nguyên thiên nhiên, sức lao động con người và luật lệ thì tuỳ tiện trong tay nhóm đầu sỏ cầm quyền để cấu kết với ngoại bang nhằm cùng trục lợi trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.
 
Đến tháng 3 năm 2021, vẫn báo Nhà Nước lại khoe: Việt Nam đã vượt qua Bhutan đất nước Phật Giáo để trở thành nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và thứ 2 tại châu Á Thái Bình Dương. [1]
 
CSVN xây dựng đời sống vật chất dựa trên chủ thuyết Mao; lấy bạo lực và đấu thanh giai cấp làm phương pháp đạt đến thành công khiến hình thành một xã hội có hố phân cách giầu, nghèo rất lớn. Những tiêu chuẩn này không tương đồng với Bhutan để làm một cuộc so sánh giữa hai quốc gia. Bởi vì chỉ số Hạnh Phúc Quốc Gia (Gross National Happiness – GNH) của Bhutan dựa trên 4 tiêu chí: tình yêu thương, lòng trắc ẩn, buông bỏ, và nghiệp nhân quả. Quốc Vương Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck quan niệm rằng “Tổng Hạnh phúc Quốc gia còn quan trọng hơn Tổng Sản phẩm Quốc nội”.
 
Hạnh phúc trên trang báo của csVN thì 60% nông dân chưa từng nếm thử, họ đã phải trải nghiệm cái đau lòng không được làm gì ngoài “quy định” trên chính đất nông nghiệp của mình. Khi sản xuất ra lúa gạo, nhà nông bị Nhà Nước ấn định gía bán, chỉ cho lời 30%, nếu trừ mọi chi phí thì nông dân chả còn gì, khiến lợi tức nông dân tại Đồng Bằng Cửu Long luôn kém hơn mức thu nhập trung bình toàn quốc khoảng 19%. Trong khi cùng mặt hàng lúa gạo đó, Nhà Nước lại cho phe nhóm trung gian hay nhà làm xuất cảng được tự do chọn thị trường và giá cả cao nhất để hưởng lợi.
 
Do vậy, nông dân muốn chuyển sang chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế tốt hơn như đào ao nuôi tôm, cá, dựng trại nuôi heo, gà hay nuôi nấm. . . Nhưng pháp luật về đất đai hiện nay lại trói buộc không cho dân được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
 
Luật buộc họ phải xin phép trong khi “cơ chế xin cho” trồng chéo phức tạp, viện dẫn những yếu tố mơ hồ như đất đã quy hoạch với mục tiêu trồng lúa để xuất cảng thì không cho làm gì khác . . . khiến cho hành lang pháp lý thay vì là cơ chế bảo vệ quyền lợi nông dân thì đó lại là thử thách lớn nhất mà người dân phải vượt qua để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
 
Cán bộ địa phương dựa vào quy luật sử dụng đất, cưỡng chế phá xưởng chăn nuôi hay sản xuất, buộc phải tiếp tục trồng lúa hoặc lấy cớ sử dụng đất sai quy định để chiếm đoạt luôn đất của nông dân, trong khi họ không còn phương thế sinh nhai thì đẩy nông dân vào cùng đường là lối hành xử bế tắc vô trách nhiệm.
 
Dân không còn sống được như một con người, đã phải cầm cố, vay nợ, thậm chí phải bán cả nhà cửa ruộng vườn gom đủ tiền “chạy một suất” làm “ô-sin” hay lao động nước ngoài. Theo Cục Quản lý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nội năm 2022 cả nước có hơn 142.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 316,87 % so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2021. Mỗi năm, Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Việt kiều lao động ở các nước muốn xin giấy tờ ở các Tòa Đại Sứ Việt Nam phần lớn bị các Sứ Quán lạm thu trắng trợn đến nỗi nạn nhân phải biểu tình phản đối nhiều nơi ở Đông Âu.
 
Mãi cho đến nay, nhiều người muốn rời xứ mà không có tiền “chạy” đi chính thức phải kiếm cách đi “chui”. Cơ man con người vẫn còn ước ao đến nước khác để làm mướn dù phải trả giá rất đắt, kể cả mất mạng. Đầu tháng 4, Hải Cảnh Đài Loan tìm thấy 12 người Việt trốn trong hầm tầu đánh cá. Trước đó họ xác đinh 7 xác người Việt trôi giạt ở bờ biển Đài Loan cuối tháng 03! Cuối tháng 10 năm 2019, đai BBC thuật dư luận Quốc Tế chau mày rơi lệ cho thân phận 39 thi thể người Việt chết ngạt trong xe tải trên hành trình vạn dặm xuyên quốc gia mong nhập cảnh lậu vào nước Anh.
 
Tháng 7, năm 2022, Hoa Kỳ xếp csVN vào danh sách hạng 3 về buôn người – hạng tệ nhất trong tệ nạn buôn người trên thế giới. Hậu quả về đầu tư, csVN có thể bị các công ty mới bước chân đến “ngắm nghía” thị trường Việt Nam, họ đã e ngại mang tiếng là làm ăn với một chính quyền bị liệt vào hạng buôn bán sức cần lao tệ nhất toàn cầu. [2]
 
Trong các năm bị đại dịch CoVid hoành hành, dân lao động ở nước ngoài muốn về sống chết ở nhà liền bị 9 cơ quan liên hệ của đảng csVN thi thố khả năng phục vụ “bén nhậy” tổ chức 2000 chuyến bay đưa lao động về nước. Truyền Thông Nhà Nước vào cuộc khoe khoang các chuyến bay giải cứu là “niềm tự hào và ngạo nghễ Việt Nam”!  Trên 100 doanh nghiệp muốn đưa công nhân về nước bằng chuyến bay “nhân đạo chưa từng có” phải chi từ 50-200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000-1.500.000 đồng một hành khách, tùy thời điểm. Không kể vụ Kit-test Việt Á, tổng số tiền dân chúng phải cống nạp cho 54 “đồng chí” có thứ bậc cao trong đảng csVN thực hiện 2000 chuyến bay đã trên 170 tỷ đồng.[3]
 
Từ hàng chục năm qua, cán bộ mọi cấp lợi dụng Luật Đất Đai để cưỡng chế tịch thu tài sản dân, đẩy hàng triệu gia đình lâm cảnh dân oan khiếu kiện khắp nơi.
 
Luật Đất Đai mới đã thu thập ý kiến xong hồi giữa tháng 03, nhưng đã từ chối “không tiếp thu” những ý kiến trái với “chủ trương, đường lối của đảng”. Tháng 10 sắp tới sẽ được đưa ra Quốc Hội thông qua. Nhưng giới chuyên ngành cho biết, dù là luật mới, cũng đã được đảng csVN vẽ ra “làn ranh đỏ” không thể vượt qua quan niệm “đất dân quyền quan” như ý muốn của csVN. Trường hợp luật Đất Đai tu chính vẫn gần như cũ, thì điểm nghẽn rất lớn cho nền Kinh Tế vẫn còn nguyên và cũng là “quy mô của guồng máy thối nát” không thể sửa chữa.
 
Theo báo cáo từ Ban Nội chính Trung ương, chỉ trong quý 1 năm 2023, đã có hơn 500 vụ án mới, với 1.280 bị can về tội tham nhũng bị khởi tố.
 
Tổng sản phẩm quốc nội, tức GDP, của Việt Nam năm 2022 được Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố là 409 tỷ Mỹ kim. Năm 2000 GDP của Việt Nam chỉ có 31 tỷ Mỹ kim. Như thế sau 22 năm quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng trên 13 lần.
 
Việt Nam hơn được Phi Luật Tân và đứng hàng thứ 5 trong các nước Đông Nam Á (ĐNA) về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, lần lượt tính bằng Mỹ kim như sau: Singapore 79.000; Brunei 43.000; Malaysia 13.000; Thái Lan 7.600; Nam Dương 4.700 Mỹ kim; Việt Nam 4.110 và Phi luật Tân 3.600. Tính ra Việt Nam thua kém Singapore gần 20 lần, Brunei trên 10 lần và Malaysia trên 3 lần.
 
Báo Nhà Nước huênh hoang rằng, mặc dù các nước vừa kể thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam, nhưng TA lại “danh giá” hơn người rất nhiều, vì nước TA có “đỉnh cao trí tuệ loài người”; số lượng công dân TA có văn bằng Tiến Sỹ cao nhất các nước ĐNA và gấp 5 lần Nhật Bản! [4]
 
Tính đến tháng 11/2022, quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của cả nước là 88.243 học viên cao học và 8.933 nghiên cứu sinh ở tất cả các lĩnh vực và ngành đào tạo. Số người Trẻ học cao rất nhiều, nhưng người có tay nghề vững chãi để làm việc trong các xí nghiệp lại thiếu: 88% dân lao động mất việc là người không có tay nghề, trong đó 31% có bằng cử nhân – chữ đầy mình mà không biết làm gì, đành chịu “laid off”.
 
Tại một đât nước mức độ phân cách giàu nghèo trong xã hội rất nghiêm trọng: từ năm 2016-2022 đã có đến 5 triệu dân lao động làm không đủ ăn, phải rút bảo hiểm một lần để giải quyết tạm bợ. Đời sống thôn quê phải chui rúc trong những túp lều xiêu vẹo; còn thành thị thì xếp lớp trong những xóm ổ chuột. Trong khi những cán bộ và thân nhân lại dư tiền thừa mứa đầu tư xây dựng những khu nhà sang trọng để trống:
 
Hôm 22/03 báo điện tử VietnamNet xác nhận nhiều dự án đô thị “hoành tráng” đếm không xuể như ở Vườn Cam, Lideco, Dương Nội, Nam An Khánh, Mê Linh được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều phải chung cảnh ngộ bị bỏ hoang ít nhất đã chục năm qua.
 
Đổi mới đã 37 năm, 14 Hiệp Đinh Thương Mại Tự Do đang hiệu lực, xuất cảng cao ngất . . . nhưng dân chúng vẫn lầm than, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn lẹt đẹt áp chót trong các nước Đông Nam Á là do những gì như trên trình bầy. . . Ngoài ra, nhìn vào đời sống xa hoa của cả triệu đảng viên có siêu xe, biệt phủ, con cháu du học và tài sản làm ăn của họ mọc rễ lâu ngày ở các nước Tư Bản. . . Tất cả những thứ họ có đều moi từ túi dân. Như thế, nguồn lợi quốc gia còn lại trong nước rất ít.
 
Đảng csVN hứa hẹn, đến mốc 100 năm ngày thành lập đảng, tức 2030, Việt Nam sẽ có mức thu nhập trung bình cao và đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có mức thu nhập cao, bằng với Singapore và các nước Tây phương.
 
Do những yếu tố trình bầy trong bài này, giới chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại so với thập niên 1990 và 2000. Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức giảm sâu nhất trong cùng kỳ các năm trong giai đoạn kể từ năm 2011. Do đó, Việt Nam sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao để vượt qua bẫy thu nhập trung bình để tiến lên thành nước có thu nhập cao.
 
Bẫy thu nhập trung bình là tiêu chuẩn do các tổ chức Tài Chánh Quốc Tế dùng đánh giá thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia đã vượt qua được mức thu nhập thấp, nhưng không thể vượt ngưỡng 12.000 Mỹ kim mỗi người một năm để bước vào ngưỡng quốc gia có mức thu nhập cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đang còn ở 4.110 Mỹ kim mỗi năm, nhưng 20 triệu người ở Đồng Bằng Cửu Long thu nhập thấp hơn mức trung bình khoảng 19%.
 
Trong bối cảnh này, viễn tượng Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để sánh bước ngang hàng với các quốc gia phát triển có thu nhập cao như chế độ hứa hẹn là “đội đá vá trời”.
 
Nếu dân chúng sống quá lầm tham lâu ngày, có thể đưa đến nhiễu loạn trong xã hội. Viễn ảnh này là mối đe dọa rất lớn cho chế độ chuyên quyền. Để đối thích ứng với thời đại “Techno-Politic”, có thể Ba-Đình đang tính việc dùng ngân sách quốc gia để thuê công nghệ Hikvision (Trung cộng) – từng dựng mạng lưới giám sát rộng lớn toàn nước Tầu – bao gồm cả Tân Cương[*]. Đồng thời huấn luyện đội ngũ đông đảo dư luận viên kỹ thuật điện toán để rình rập nhằm trấn áp nhân dân Việt Nam bằng theo dõi từng cá nhân trên bình diện không gian, vị trí, chữ viết, ý kiến trên mạng, sinh hoạt hằng ngày…
 
Dù cộng sản tàn bạo và trăm mưu, ngàn kế “cũng không thể bịt được khói”.
 
Trần nguyên Thao
Dịp 30 tháng 4

_______________


Alice Dupond gởi