Sau khi cướp được nước VNCH (30-4-1975), CS Bắc việt còn cướp thêm được rất nhiều thứ nữa
Chuyện TT. Nguyễn Văn Thiệu Và 16 Tấn Vàng
Tháng Tư Đen có nhiều kỷ niệm đau thương uất hận để nhớ đời và để nhắc nhở đám hậu sinh.
Riêng chúng tôi không có cao vọng ấy, chỉ xin cống hiến bạn đọc một hồ sơ cũ:
Vụ 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa mà cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:
Người đã từng bị vu khống, cáo buộc là đã cuỗm ra ngoại quốc khi gia đình ông phải lưu vong lúc Tháng Tư 1975.
Tối 21 Tháng Tư 1975, chiến trường Miền Nam Việt Nam sôi động. Do áp lực nặng nề cả về mặt quân sự lẫn chính trị, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đọc một bài diễn văn tố cáo Hoa Kỳ phản bội đồng minh, sau đó tuyên bố từ chức.
Ngày 26/4/1975, ông Thiệu bỏ nước, di tản sang Đài Loan .Ông Thiệu vừa rời khỏi nước, trong nước rộn lên “những lời đồn đại từ ‘đài phát thanh Catinat’ quả quyết là “ông Thiệu đã mang theo 16 tấn hàng gồm cả một bộ sưu tập đá quý và đồ cổ đánh cắp ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia và 4 tỉ vàng nén.”
Báo chí thiên tả ở Sài Gòn lúc bấy giờ do bọn Cộng sản nằm vùng chiếm lĩnh đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác làm nhục chí chiến đấu các chiến sĩ quốc gia và gây hoang mang trong quần chúng Miền Nam Việt Nam.
Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, CSVN tiếp tục kích động báo chí thổi phồng “huyền thoại” cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ăn cướp 16 tấn vàng chẳng những gây thêm công phẫn lâu dài trong lòng người dân đối với cá nhân ông Thiệu, mà còn nhân rộng lòng oán thù đối với chính thể VNCH.
Mãi đến 31 năm sau (năm 2006), bức màn bí mật về 16 tấn vàng mới hé mở.
Kẻ gian hùng giấu mặt và 16 tấn vàng
Báo Tuổi Trẻ ngày 26/4/2006 bắt đầu đăng một loạt phóng sự về vụ 16 tấn vàng mà người ta rêu rao là đã bị ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cướp đoạt, mang ra nước ngoài.
Loạt bài này làm sáng tỏ một vấn đề: Không hề có chuyện ông Nguyễn Văn Thiệu hay bất cứ viên chức nào của chính quyền VNCH chuyển 16 tấn vàng ra ngoại quốc!
Tờ báo ghi nhận: “16 tấn vàng – đó là khoản tài sản dự trữ còn lại của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4/1975, trị giá khoảng 120 triệu đô-la Mỹ vào lúc đó, tức khoảng 320 triệu đô-la Mỹ thời điểm hiện nay”.
Tờ Tuổi Trẻ khẳng định: “Không có chuyện 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn (chờ chở đi) và lại càng không có chuyện “số vàng ấy nằm ở sân bay khi quân của tướng Dũng [Văn Tiến Dũng] tràn vào Tân Sơn Nhất”. 16 tấn vàng vẫn nằm nguyên vẹn dưới tầng hầm [kho dự trữ vàng quốc gia] ở số 17 Bến Chương Dương, Sài Gòn”…
Chiều 30-4-1975, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trụ sở Ngân Hàng Quốc Gia VNCH vẫn còn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhân viên ngân hàng và các cảnh sát viên, dưới sự chỉ huy của một thiếu tá. Họ đã không rời vị trí vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn kho tiền và vàng dự trữ, không để nó bị xâm nhập, cướp phá giống như nhiều tòa nhà và trụ sở lân cận. Họ cố thủ trụ sở Ngân hàng cho đến khi bộ đội CS xuất hiện.
* Nhân Chứng thứ nhất: người tiếp nhận (Hoàng Minh Duyệt)
Người tường thuật chi tiết về vụ 16 tấn vàng là Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị Cộng sản tiếp quản Ngân hàng Quốc gia. Ông Duyệt nói: “Tôi chỉ biết được tầng hầm chứa vàng ở đây khi tham gia nhóm kiểm kê. Nhóm kiểm kê lúc đó có tôi, anh Lân và anh em trong đơn vị; về phía Ban kinh tài có anh Huỳnh Kỳ Thanh, cô Tiếp… Về phía Ngân Hàng Quốc Gia có hai anh viên chức cũ ở đây là anh Huỳnh Bửu Sơn và anh Lê Minh Kiêm”.
Ông Duyệt mô tả: “Tầng hầm chứa vàng sáng choang, khá rộng, rộng đến mức có thể… đá bóng được. Tiền và vàng được cất giữ trong những tủ sắt đặt trong các hầm. Mỗi cửa hầm đều có ổ khóa riêng, sau lớp cửa đó là cửa hầm tự động với khóa bằng mã số. Lần đầu tiên tôi thấy vàng nhiều như thế, thấy được những thỏi vàng như thế. Tôi lại thấy nhiều loại đồng tiền vàng rất đẹp, rất lạ và nghe nói rất quí, cả những cúc áo bằng vàng thật độc đáo”.
Ông Duyệt tâm sự: “Chúng tôi nhìn rất thích nhưng chẳng ai “xơ múi” dù chỉ một đồng tiền vàng. Mà thật ra không ai trong chúng tôi có ý nghĩ gì bậy bạ, bởi mọi người đều rất vô tư và trong sáng. Cả những anh em viên chức cũ của ngân hàng cũng vậy, như anh Huỳnh Bửu Sơn chẳng hạn”.
Báo Tuổi Trẻ cho biết người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn – lúc bấy giờ làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát Hành Ngân Hàng Quốc Gia. (Vào năm 2006 khi Tuổi Trẻ đưa lên loạt bài phóng sự này thì Huỳnh Bửu Sơn đang là giám đốc đối ngoại Pepsi Co. tại Việt Nam).
* Nhân Chứng thứ hai: người bàn giao (Huỳnh Bửu Sơn)
Huỳnh Bửu Sơn kể: “Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân Hàng Quốc Gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân Hàng Quốc Gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát Hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát Hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm – chánh sự vụ – là người giữ mã số của các hầm bạc.
“Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia”.
Bài báo ghi tiếp: “Theo ông Sơn, số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất.
“Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép.
Ông Huỳnh Bửu Sơn còn xác nhận: “Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó.
“Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ”.
* Nhân chứng quan trọng thứ ba: Lữ Minh Châu
Trên đây chỉ mới là chứng từ của hai viên chức cấp nhỏ và lời nhận định của một luật sư. Báo Thanh Niên phát hành ngày 03/10/2006 trong bài “Trở lại câu chuyện 16 tấn vàng ngày 30/4/1975”, có nêu ra nhân chứng thứ ba là Lữ Minh Châu, bí danh Ba Châu. Ông Châu là người, “ngày 30/4/1975, với tư cách Trưởng ban Quân quản các Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định, đã tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ Sài Gòn cũ”.
Năm 1986, ông làm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (nay là Thống đốc), chức vụ tương đương với chức Bộ trưởng.
Hoàng Hải Vân, phóng viên báo Thanh Niên, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với ông Lữ Minh Châu.
Trước khi nêu câu hỏi, nhà báo đặt vấn đề: “Chuyện Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu mang theo 16 tấn vàng hồi đó được báo chí loan tin, sau này người nói có người nói không. Gần đây BBC lại đề cập đến thông tin này. Mới đây nhất, báo Tuổi Trẻ có một loạt bài dẫn lời các nhân chứng nói rằng không có chuyện đó. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Nhà nước về vấn đề này.
Anh Phóng viên hỏi ông Châu có chuyện đó không. Ông Châu đáp: “Hoàn toàn không có. 16 tấn vàng vẫn còn nguyên vẹn trong kho của ngân hàng.”
PV lại hỏi: “Nguyễn Văn Thiệu không lấy vàng đi, tại sao lâu nay Nhà nước mình không nói lại cho rõ?”
Ông Châu đáp: “Mình biết rất rõ là số vàng đó vẫn còn, đã được kiểm kê cẩn thận và đưa vào tài sản quốc gia, nhưng không đính chính vì đó là tin đồn đăng trên báo chí, có ai đặt câu hỏi chính thức với Nhà nước đâu”.
Rõ ràng là ngụy biện! Đâu phải đợi có người “đặt câu hỏi chính thức” mới đính chính! 16 tấn vàng! Một khối tài sản khổng lồ của đất nước, một chiến lợi phẩm cực kỳ to lớn!
Im lặng để mặc “tin đồn đăng trên báo chí” hẳn phải có hậu ý! Hậu ý gì thì không rõ, nhưng khi thiên hạ đinh ninh rằng thằng chạy là thằng ăn cắp, thì cái thằng nắm quyền chủ kho kế tiếp tất tự tung tự tác, ngốn hết miếng ngon, món bở… Có ai bắt tội thì cứ thằng ăn cắp trốn chạy kia mà truy, nào liên can gì tới cái thằng mới tiếp nhận chìa khóa kho này!!!
* Một luật sư ở VN nhận định
Phản hồi loạt bài phóng sự của Tuổi Trẻ, Luật sư Lê Công Định trình bày nhận định của ông qua bài viết “Liệu có vụ tham nhũng kinh khủng nào theo kiểu PMU 18 đối với 16 tấn vàng hay không?”
Ông luật sư đặt vấn đề:
“Câu chuyện thêu dệt, bất kể vì dụng ý gì, về việc cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu “đánh cắp” 16 tấn vàng, đã kết thúc. Người trong cuộc đã được giải oan, ít nhất ở khía cạnh tham nhũng và ăn cắp của công.”
Vâng! Người trong cuộc, cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, kẻ bị gán tội cướp đoạt tài sản quốc gia, nay được giải oan.
Cũng giống như luật sư Lê Công Định, người dân không còn thắc mắc về ông Thiệu, nhưng vẫn phân vân về số phận của 16 tấn vàng:
“Sau 1975 toàn bộ 16 tấn vàng đó đã được sử dụng như thế nào? Lẽ nào số trữ kim to lớn ấy không giúp ích gì cho quốc gia để đến nỗi 10 năm sau 1975 nền kinh tế đất nước phải rơi vào khủng hoảng liên tục và đồng tiền mất giá không kìm hãm được?”
Từ đó, chắc chắn nhiều người dân đồng ý với nhận định của Luật sư Định rằng 16 tấn vàng ấy đã rơi vào túi kẻ tham nhũng sau 30/4/1975. Người ta cũng tán thành lời Ls Định cảnh báo:
“Kẻ tham nhũng tất nhiên có thể đã xa chạy cao bay để tránh né sự trừng phạt của luật pháp, song như một định mệnh ở khắp nơi, nhân dân và lịch sử rồi cũng sẽ lôi tuột họ trở lại để đòi hỏi công lý dù sau 10, 20 hay 30 năm chăng nữa! Đời cha không trả thì đời con phải trả. Lưới trời lồng lộng”.
Trở lại cuộc phỏng vấn của báo Thanh Niên với ông Lữ Minh Châu. Phóng viên hỏi ông Châu:
– Khi tiếp quản, liệu tiền, vàng có bị thất thoát không?
Ông Châu trả lời:
– Theo tôi thì không thể. Ngân hàng của chính quyền cũ quản lý rất chặt, ta cũng chặt.
Hỏi:
– Số vàng đó sau này đi về đâu?
Đáp:
– Nó trở thành tài sản quốc gia, được quản lý theo luật pháp của chính quyền cách mạng, sau đó là của Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Quản lý theo luật pháp của chính quyền cách mạng ư? Chính quyền cách mạng sau 30/4/1975 tại Miền Nam Việt Nam làm gì có luật pháp!
Mặt khác, cái "chính quyền" ấy không những chỉ lấy được vàng và tiền trong Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, mà còn thu hồi “hơn 100 triệu USD, tiền gửi của ngân hàng cũ ở nước ngoài” như ông Lữ Minh Châu tiết lộ.
Số tiền này, dân cả nước sau 30/4/1975 chẳng hề nghe biết, mải sau hơn 3 thập niên mới nghe ông Lữ Minh Châu đề cập đến, nghĩa là làm sao?
Vả lại, khi bảo rằng “chính quyền cũ quản lý rất chặt, ta cũng chặt,” phải chăng ông Lữ Minh Châu muốn chơi chữ?
Chúng ta thử đọc kỹ lại câu: “Chính quyền cũ quản lý rất chặt, ta cũng chặt.”
Thâm thúy lắm! Ông Lữ Minh Châu đâu dám nói “ta cũng QUẢN LÝ RẤT chặt, chặt như chính quyền cũ.” Phải chăng ông Châu biết rõ chuyện “hậu trường” nhưng không dám bộc bạch? Để mặc ai muốn hiểu sao hiểu! Hay là ông có ngụ ý nói: Vàng và tiền ấy là "chiến lợi phẩm"! Phe TA CHẶT rồi! Chôm rồi! Chỉa hết rồi! Chia chác cả rồi! Đừng ai thắc mắc về cái chuyện 16 tấn vàng và hơn 100 triệu đô-la của thời 30/4/1975 nữa! Lịch sử đã sang trang !!!???
Lê Thiên
-----------------------------------------------------
Nhân chứng Huỳnh Bửu Sơn: Bọn Việt cộng chóp bu Hà Nội ăn cắp chia chác 16 tấn vàng tài sản quốc gia VNCH.
Kể Lại Về 16 Tấn Vàng VNCH 2 Ngày Kiểm Kê, Giao VC Giữ:
Câu chuyện thật về 16 tấn vàng đầy huyền thoại của Kho Bạc VNCH đã được tiết lộ bởi chính người ký giấy bàn giao, theo một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai.
Bài viết nhan đề “Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4-1975 — Kỳ cuối: Người giữ chìa khóa kho vàng” của ông Hùynh Bửu Sơn đã nói rõ về chuyện bàn giao kho tàng.
Tác giả được giới thiệu như sau: “Người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn – làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia…”
Bài viết trên tờ Tuổi Trẻ trích đoạn như sau:“… Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan…. Tôi đến trình diện tại Ngân hàng Quốc gia và được phân công tác tại Vụ Phát hành và kho quĩ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh…. Lần kiểm kê cuối cùng
Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm – chánh sự vụ – là người giữ mã số của các hầm bạc.
Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.
Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.
Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia. Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.
Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.
Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán (computer) của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.
Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay. Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng.
Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.
Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền và vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách điện toán từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia…”
Tác giả Huỳnh Bửu Sơn cũng liệt kê từng tủ và từng Hầm kho tàng. Và cuối bài viết, ông ghi: “Tổng cộng: 1.234 thoi vàng.”
Lê Thiên
_____________
Đỗ Hứng gởi