Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Sẽ rất nguy hiểm nếu đánh giá thấp Triều Tiên
 
 
Sự can thiệp của Kim Jong Un vào cuộc chiến Ukraine phản ánh một bước ngoặt nguy hiểm trong cách Bình Nhưỡng nhìn nhận thế giới.
 
“Bước đầu tiên dẫn đến chiến tranh thế giới.” Đó là cách Volodymyr Zelenskyy mô tả sự xuất hiện của quân đội Triều Tiên trên tuyến đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
 
Suốt nhiều tháng, các quan chức an ninh phương Tây đã cảnh báo về sự hợp tác ngày càng tăng giữa một “trục đối thủ,” bao gồm Nga, Triều Tiên, Iran, và Trung Quốc. Và cho đến nay, sự ủng hộ của Triều Tiên đối với Nga là bằng chứng rõ ràng nhất về hành động của trục này.
 
Trong bốn đối thủ, Triều Tiên có lẽ là nước ít được chú ý nhất ở phương Tây. Họ đã không còn được chú ý sau khi nỗ lực hòa giải giữa Donald Trump và Kim Jong Un, nhà độc tài Triều Tiên, thất bại vào năm 2019.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia về Triều Tiên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều tháng. Hồi tháng 1, hai nhà quan sát hàng đầu về Triều Tiên, Robert Carlin và Siegfried Hecker, đã cảnh báo: “Kim Jong Un đã đưa ra quyết định chiến lược là tiến hành chiến tranh.
 
Carlin từng điều hành đội ngũ chuyên về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiều thập kỷ, còn Hecker là cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos. Cả hai đều đã đến thăm Triều Tiên nhiều lần. Trong một bài viết chung, họ cảnh báo rằng Kim đã từ bỏ nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ để ủng hộ chính sách đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ. Họ kết luận một cách ảm đạm: “Triều Tiên có một kho vũ khí hạt nhân lớn… nhiều khả năng lên đến 50 hoặc 60 đầu đạn… Những lời nói và hành động gần đây của [Kim] cho thấy khả năng xảy ra một giải pháp quân sự sử dụng kho vũ khí đó.”
 
Xuyên suốt năm nay, các dấu hiệu của sự cực đoan hóa trong chính sách của Triều Tiên đã xuất hiện ngày một nhiều. Vào tháng 6, Nga và Triều Tiên đã ký một hiệp ước phòng thủ chung. Triều Tiên cũng đã chính thức từ bỏ mục tiêu thống nhất sau cùng với miền Nam, và thay vào đó chỉ định Hàn Quốc là kẻ thù không thể hòa giải. Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng còn cho nổ tung các con đường nối liền hai miền Triều Tiên.

Giống như Tập Cận Bình và Putin, Kim Jong Un dường như tin rằng Mỹ đang suy yếu trong dài hạn. Ông có lẽ đã cảm nhận được cơ hội lịch sử để chiến thắng kẻ thù của mình, như một phần của sự tái sắp xếp toàn cầu rộng hơn mà Tập ca ngợi là “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ.”
 
Người ta tin rằng Trung Quốc đang lo ngại về sự gần gũi ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên, theo đó làm giảm đòn bẩy của Bắc Kinh đối với cả hai nước. Nhưng Trung Quốc vẫn là đồng minh hiệp ước của Triều Tiên – mà Trung Quốc vẫn xem là vùng đệm quan trọng chống lại Mỹ ở Châu Á.
 
Trung Quốc cũng biết rằng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến Mỹ khó bảo vệ Đài Loan hơn. Nhiều nguồn lực quân sự của Mỹ đang được sử dụng để cam kết bảo vệ cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc. Thật vậy, một số nhà phân tích của Washington đã suy đoán về khả năng xảy ra xung đột đồng thời trên Bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan.
 
Có một xu hướng đáng tiếc ở phương Tây là xem Triều Tiên như một trò đùa – một vùng đất với những bộ vest không vừa vặn và những kiểu tóc xấu xí, nơi có nhiều khả năng sẽ phát hành một meme truyện tranh hơn là phóng một vũ khí hạt nhân.
 
Bên cạnh việc xem nhẹ nỗi thống khổ của người dân Triều Tiên, việc xem chế độ của Kim như một trò đùa thực sự đánh giá thấp năng lực của họ. Sự nghèo đói ở Triều Tiên không có nghĩa là chế độ này lạc hậu về mọi mặt. Thay vào đó, nó chỉ chứng minh rằng Kim hoàn toàn xem thường phúc lợi của người dân và tập trung ủng hộ phát triển quân sự. Bất chấp việc bị cô lập, chế độ này đã thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân – điều mà các quốc gia giàu có và có quan hệ tốt hơn như Iran và Syria đã không làm được. Người Triều Tiên cũng đã phát triển tên lửa đạn đạo và khả năng tấn công mạng đáng kể.
 
Kim đã chuyển hàng triệu quả đạn pháo cho Nga, giúp chế độ của Putin giành lợi thế trong cuộc chiến pháo binh với Ukraine. Giờ đây, quân đội Triều Tiên dường như đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến. Suy đoán ban đầu của phương Tây là họ có thể hoạt động bên trong nước Nga – có thể là chống lại lực lượng Ukraine đã chiếm đóng một số khu vực của vùng Kursk, hoặc chỉ hoạt động trong vai trò hỗ trợ.
 
Nhưng các phân tích của phương Tây đã liên tục đánh giá thấp chủ nghĩa cực đoan và sự hung hăng của cả Putin lẫn Kim. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không tham gia vào chiến dịch tấn công của Nga bên trong Ukraine.
 
Trong một cuộc chiến mà người ta tin rằng hơn 600.000 quân Nga đã bị giết hoặc bị thương, thì sự xuất hiện của khoảng 10.000 lính đặc nhiệm Triều Tiên có lẽ là không đủ để thay đổi cán cân. Nhưng Triều Tiên có 1,3 triệu quân nhân đang hoạt động, lực lượng lớn thứ tư trên thế giới. Phần lớn trong số đó là những tân binh được đào tạo kém và trang bị kém. Nhưng Putin luôn có thể sử dụng nhiều bia đỡ đạn hơn cho các chiến dịch tấn công kiểu “máy xay thịt” của mình.
 
Vậy thì Kim được lợi gì? Suy đoán hiện tại tập trung vào việc chuyển giao công nghệ và tiền từ Nga. Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể đang hướng tới một cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai trên Bán đảo Triều Tiên. Nếu ông ủng hộ Nga trong một cuộc chiến ở châu Âu, liệu một ngày nào đó Nga có đáp lại trong một cuộc xung đột ở châu Á hay không?
 
Tất cả những điều này đặt ra những câu hỏi rất khó cho Mỹ, EU, và Hàn Quốc. Họ đều đang tìm cách tránh leo thang, cả ở Ukraine và trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng họ có thể sớm phải đối mặt với một sự lựa chọn. Cho phép Nga đánh bại Ukraine với sự hỗ trợ của Triều Tiên – và sau đó suy ngẫm về bức tranh an ninh đã thay đổi ở Châu Âu và Châu Á. Hoặc tăng mạnh sự ủng hộ đối với Ukraine và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi đối đầu với một trục đối thủ.
 
Nguồn: Gideon Rachman, “The west underestimates North Korea at its peril,” Financial Times, 28/10/2024
 
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

_____________


Đỗ Hứng gởi