Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
SƠ LƯỢC CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP TU HÀNH GIÁC NGỘ CỦA THÁI TỬ KIM KIỀU GIÁC
 
(ỨNG HOÁ THÂN CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG)


 
 

Mỗi năm vào tháng 7 mọi người đến núi Cửu Hoa để tiến hương chẳng biết bao nhiêu mà kể. Bởi vì ngày 30 tháng 7 là ngày thành đạo và niết bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Nhân duyên tôi có dịp đến đây một lần, nên trình bày về Sự tích Bồ tát Địa Tạng ứng thân cũng như sự kiện thành lập đạo tràng của Ngài Địa Tạng tại núi Cửu Hoa. Xin mọi người hãy xem mà ghi nhớ mãi trong lòng:

Sau khi Phật diệt độ 1.240 năm. Về hướng Đông Bắc nước ta (Trung Quốc), có nước Tân La (Silla) còn gọi là Cao Ly (Đại Hàn). Thái tử Kim Kiều Giác (Kim Kyo–Gak) con vua nước ấy sanh vào thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn.

Mặc dù sống trong nhung lụa cao sang, cung vàng, điện ngọc, thế nhưng tánh tình thái tử lại thích đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi nếp sống vương giả phong lưu hưởng thụ, ngài chỉ chăm lo học hỏi và ham đọc sách Thánh hiền. Với đức tướng trang nghiêm và lòng Từ bi thuần hậu của ngài khó có ai sánh kịp.

Vào năm Vĩnh Huy thứ tư, đời Đường Cao Tông. Sau khi tham khảo hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia Chư tử, ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho giáo, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với nguyện lực của ta”. Sau đó thái tử thực hành hạnh Bồ tát mong cứu khổ ba đường và lập chí xuất gia năm 24 tuổi.

Vào một đêm trăng sáng, Thái tử mang theo một con chó ngao trắng, âm thầm lên thuyền dong buồm rời bến Nhân Xuyên (Incheon), vượt biển về phía Tây, đến huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sau nhiều ngày lang thang, ngài tìm đường lên quần thể núi Cửu Hoa, thấy phong cảnh hữu tình, trang nghiêm tú lệ, bèn ngồi nhập định trên đỉnh Cửu Tử suốt bảy mươi lăm năm. Sơn thần và các loài vượn khỉ thường dâng hoa quả cúng dường.

Đến triều Đường Huyền Tông khai nguyên năm thứ mười sáu. Vào đêm 30 tháng 7 ngài tỏ ngộ chân tâm, thành tựu trí giác. Lúc ấy dưới chân núi Cửu Hoa, có một vị hào phú, làm chủ cả vùng núi này, người ta gọi là Mẫn công (Ông già họ Mẫn), ông còn có tên là Văn Cát lão nhân. Đã nhiều năm ông chăm làm việc thiện, thường phát nguyện cúng dường cơm chay cho một trăm Sư Tăng quanh vùng, nhưng lần nào cũng chỉ có chín mươi chín vị, còn vị Tăng duy nhất là ngài Kim Kiều Giác tức Bồ tát Địa Tạng ứng thân chưa được cung thỉnh vì ngài ẩn cư chuyên sâu thiền định trên ngọn núi cao.

Cho nên khi đêm Bồ tát thành đạo, hào quang rực sáng một vùng, sơn thần báo mộng cho Mẫn Công biết, sáng hôm sau ông cho người lên núi thỉnh ngài hạ sơn để cúng dường cho tròn đủ duyên phước. Ngài từ trên núi xuống, đến nhà Mẫn Công chứng trai. Sau đó ngài xin gia chủ một miếng đất bằng tấm Y (Ca sa). Mẫn Công nói: “-Tại núi Cửu Hoa toàn bộ là đất của tôi. Xin ngài cứ tùy ý chọn lựa”. Lúc ấy Bồ tát bèn nắm chiếc y tung trải trùm khắp chín ngọn hoa sơn. Mẫn Công thấy thế rất lấy làm hoan hỷ. Vậy là núi Cửu Hoa được dâng tặng cho Bồ tát.

Mẫn công cũng có người con trai vì cảm mến đạo hạnh của ngài bèn xin xuất gia và được ngài ban cho pháp hiệu là Đạo Minh. (Sau hai mươi lăm năm) Mẫn Công cũng bỏ tục xuất gia tu Phật. Bởi cớ xuất gia có trước có sau theo Hạ lạp (tuổi đạo), nên ông phải lạy lại con của ông và tôn làm sư phụ. Do đó về sau Thánh tượng Bồ tát Địa Tạng theo hầu phía bên trái có vị Tăng trẻ tức Đạo Minh, phía bên phải một vị Trưởng lão, đó là Mẫn công. Còn con chó ngao đạo hiệu là Thiện Thính. Bồ tát về sau lại nhập định suốt hai mươi năm. Người ta cho rằng thời gian này ngài xuống chốn u minh thuyết pháp hóa độ cho những kẻ bị đọa đày trong cảnh khổ địa ngục.

Năm Chí Đức thứ nhất (TL 765), có danh sĩ Gia Cát Tiết, ngụ tại một làng dưới chân núi, hướng dẫn các kỳ lão trong làng lên núi thưởng ngoạn. Khi đến vùng đất bằng trên núi, thấy từng áng mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh với ánh nắng chan hòa ấm áp, tiếng suối reo róc rách từ khe núi chảy ra, tiếng chim hót líu lo trên cây rừng râm mát, khiến cho mọi người bị phong cảnh tú lệ làm mê hoặc, đi dần vào rừng sâu, chợt thấy có một vị Thiền sư đang tọa thiền trên mõm đá bên cạnh dòng suối, nhắm mắt lim dim trong trạng thái nhập định. Bên cạnh là một cái đảnh lư ba chân xưa cũ đã gảy mất một chân, trong đó còn chút ít gạo trộn lẫn với đất sét trắng. Một lát sau, vị Thiền sư xuất định, lấy gạo trộn đất nấu chín rồi ăn. Ăn xong, ngài lại tiếp tục tĩnh tọa tham thiền. Những người trong nhóm thấy thế, vô cùng cảm động bèn đến thưa với ngài: “Kính bạch sư phụ! Ngài tu khổ hạnh như vầy, đây là lỗi của dân làng chúng con!” Chẳng bao lâu, mọi người trong làng cùng nhau xây cất một ngôi Thiền đường rộng lớn, quanh năm đều cúng dường thực phẩm không hề gián đoạn.

Năm Kiến Trung thứ nhất (TL. 780), vị Quận thú Trương Nghiêm, nhân vì kính ngưỡng đạo hạnh cao quý của ngài, bèn tâu lên Hoàng đế Đức Tông, ban sắc dụ chính thức kiến tạo Tự viện. Bấy giờ Đạo tràng của ngài Địa Tạng mới thực sự hùng vĩ trang nghiêm.

Lúc ấy, các vị Tăng sĩ nước Tân La (Silla) nghe danh, có khoảng vài trăm người tìm đến hầu cận tu học với ngài. Dần dần, số người càng lúc càng đông, thực phẩm trở nên thiếu thốn. Một hôm, ngài ra phía ngoài chùa, cho đào rất nhiều đất sét trắng nhuyễn như bột, để bổ túc vào phần ăn như ngài đã từng làm.

Mọi người trong chùa, cảm mến bởi đức hạnh của Ngài, đều cùng nhau lên tiếng: “Chúng con nguyện dùng pháp hỷ thực và Thiền duyệt thực nuôi sống tuệ mạng, không dùng vật thực để nuôi sống thân mạng vô thường này”.

Một hôm vào ngày đầu Thu năm Trinh Nguyên thứ mười (TL. 795), Ngài triệu tập Tăng chúng vào Chánh điện để dặn dò từ giả. Mọi người cảm thấy hoang mang không rõ lý do gì. Lúc ấy, các ngọn núi phát ra tiếng gào thét thảm thiết của muông thú. Những tảng đá lớn ầm ầm rơi xuống vực sâu, khắp nội ngàn cây cỏ héo sầu, mây giăng phủ kín. Đất trời đều rung chuyển, mùi hương thơm lan tỏa khắp vùng. Ngài an tọa kiết già thị tịch vào ngày 30 tháng 7, năm Chánh Đức thứ hai, 795 sau TL. Trụ thế 99 Xuân Thu.

Có tài liệu nói rằng sau khi thị tịch, nhục thân của Ngài được tôn trí trong một động đá, nhưng ba năm sau, Tăng chúng khai mở thạch động thấy nhục thân vẫn duy trì nguyên vẹn như một pho tượng. Đại chúng rước nhục thân đến Bảo tháp trên ngọn Thần Quang Lãnh. Dọc đường, nghe văng vẳng như có tiếng tích trượng khua vang theo bước chân của mọi người.

Như vậy cuộc đời và sự nghiệp tu hành, giác ngộ của Ngài giống như hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng (Ksitigarbha) mà trong kinh Bổn Nguyện đức Phật đã tuyên thuyết tại cung trời Đao-lợi. Vì vậy, thời bấy giờ người Trung Quốc tôn vinh ngài là Thánh Tăng, ứng thân của Bồ tát Địa Tạng. Từ đó núi Cửu Hoa, tỉnh An Huy đã trở thành đại đạo tràng của Bồ tát Địa Tạng. (Phần này được dịch theo sách và trích thêm từ sử liệu Phật Giáo Hàn Quốc.)


(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Vấn Đáp,
Lý Viên Tịnh trước thuật tiếng Hoa,
Pháp sư Ấn Quang giám định.)


Hoang Nguyen gởi