Sơ nét tìm hiểu Kinh Hoa Nghiêm
經華嚴
Avataṃsaka Sūtra
***
Nội dung
1. Tổng quan về kinh Hoa Nghiêm.
1.1. Ý nghĩa tên gọi kinh Hoa Nghiêm.
1.2. Nguồn gốc của kinh Hoa Nghiêm.
1) Truyền thuyết và hiện thực của kinh Hoa Nghiêm.
2) Phiên dịch kinh Hoa Nghiêm.
1.3. Bố cục kinh Hoa Nghiêm.
1.4. Ý nghĩa tổng quát về kinh Hoa Nghiêm
1)Kinh Hoa Nghiêm nghiên cứu về Pháp giới (= mọi sự vật hiện tượng) và cách phát khởi trí tuệ để thể nhập Pháp giới.
2) Kinh Hoa Nghiêm triển khai Chân lý khách quan Duyên khởi. Đó là Vô tận Duyên khởi hay Trùng trùng Duyên khởi.
3) Kinh Hoa Nghiêm nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi sự vật hiện tượng qua hai hình thái sau:
- Lý Sự vô ngại pháp giới - Sự Sự vô ngại pháp giới.
2. Những vấn đề chính trong kinh Hoa Nghiêm.
Giáo lý Hoa Nghiêm tông là hệ thống đúc kết những vấn đề chính của kinh Hoa Nghiêm.
2.1. Lịch sử Hoa Nghiêm tông.
2.2. Bố cục giáo lý Hoa Nghiêm tông.
Ngũ thời giáo: Sơ giáo, Thủy giáo, Chung giáo, Đốn giáo, Viên giáo.
2.3. Nội dung giáo lý Hoa Nghiêm tông.
1) Tứ pháp giới. 2) Lục tướng.
3) Thập huyền môn. 4) Phương pháp tu học.
5) Quả vị tu chứng.
Bài đọc thêm
1. Tương tức – Tương nhập.
2. Mối liên hệ giữa kinh Nguyên thủy và kinh Hoa Nghiêm.
NBS: Minh Tâm 8/2020
1. Tổng quan về kinh Hoa nghiêm.
1.1. Ý nghĩa tên gọi kinh Hoa Nghiêm.
Avatamsaka Sutra - Wikipedia
Kinh Hoa Nghiêm – Wikipedia tiếng ...
Kinh Hoa Nghiêm(經華嚴; S: Avataṃsaka Sūtra; E: The) gọi tên đủ là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (經大方廣佛華嚴; S: Buddhāvataṃsaka-mahāvaipulya Sūtra), là một bộ kinh của Phật giáo Bắc truyền, lập nên giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông (華嚴宗; E: Hua Yen sect), có nhiều ảnh hưởng ở Đông Á.
Tựa “Hoa Nghiêm” của kinh có thể phân tích sau:
- Hoa華 có nghĩa là hoa của cây cỏ // phần tinh yếu, tinh túy của sự vật (như tinh hoa).
- Nghiêm嚴 có nghĩa là kín chắc, chặt chẽ.
Qua một số tài liệu thì loài hoa nơi kinh Hoa Nghiêm nói đếnlà hoa sen, hàm ý vũ trụ được mô tả như là một hoa sen với nhiều cánh hoa, mỗi cánh cũng là một hoa sen với đầy đủ những cánh hoa. Khi nhìn sâu vào hoa, chúng ta có thể thấy toàn bộ vũ trụ chứa trong đó. Một cánh hoa là toàn bộ bông hoa, là toàn bộ vũ trụ. Và Một hạt bụi là nhiều vùng đất Phật. Bởi tất cả đều đồng một Thể tính (= bản chất thực), đó là Duyên khởi tính.
Theo đó, kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh nói đến những tinh túy cao tột của đạo Phật, là thế giới trí tuệ của chư Phật, đặc trưng bằng một triết lý về tương quan tương thuộc (thâm nhập lẫn nhau), đó là chân lý Duyên khởi.
1.2. Nguồn gốc của kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm được xem là bài thuyết pháp trên thiên giới bởi Phật Thích Ca Mâu Ni ngay sau khi Ngài đạt được Phật quả.
1) Truyền thuyết và hiện thực của kinh Hoa Nghiêm.
Về nguồn gốc xuất xứ của bộ kinh này, có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chung quy chỉ có 3 giả thuyết được ghi lại rõ ràng trong sử sách.
Nagarjuna - Wikipedia
Long Thụ – Wikipedia tiếng Việt
1/. Giả thuyết thứ nhất: Sau khi thành đạo Vô thượng Chánh giác, đức Thích Ca Mâu Ni với Pháp thân Tỳ Lô Giá Na cùng chư đại Bồ tát chứng đạo giải thoát như Văn-thù, Phổ Hiền... tuyên thuyết kinh Hoa Nghiêm này tại Bồ-đề đạo tràng. Hàng chúng sanh căn trí thấp, nghe lời giảng của đức Phật không ai hiểu được. Vì thế, đức Thế Tôn nói kinh A Hàm (Ayamas) và các giáo lý khác cho chúng sanh là những người mới học đạo dễ nghe, dễ hiểu hơn.
Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng hơn 600 năm, ngài Long Thụ [龍樹; S: Nāgārjuna (thế ký thứ 1–2)] chỉnh đốn giáo nghĩa tư tưởng Đại thừa, nên kinh Hoa Nghiêm được viết bằng Phạn văn này mới được lưu truyền. Toàn bộ kinh chữ Phạn có 100.000 bài kệ chia làm 48 phẩm. Tiếp theo sau:
+ Đại sư Thật Xoa Nan Đà đời nhà Đường, từ nước Vu Điền mang bản kinh đến Trung Quốc dịch sang Hán văn, nhưng chỉ dịch được 39 phẩm. Từ phẩm “Thế Chủ Diệu Nghiêm” đến phẩm “Nhập Pháp Giới.
+ Pháp sư Bát Nhã Kế đó dịch thêm phẩm “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” thành phẩm thứ 40 của bộ kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh 40 phẩm này đã được Hòa thượng Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt.
2/. Giả thuyết thứ hai: Khoảng 600 năm sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, ngài Long Thụ [龍樹; S: Nāgārjuna (thế ký thứ 1–2)] sau khi chứng ngộ mới dùng thần thông hiện đến Long Cung tìm thấy nơi ấy có cất giữ ba bản kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên, trong đó có hai bản nghĩa lý quá sâu xa huyền diệu, trí huệ của người đời không thể hiểu nổi. Ngài liền xem qua bản thứ ba, thấy có một trăm ngàn bài kệ, chia làm 48 phẩm (có thuyết nói là 38 phẩm), nghĩa lý có thể truyền dạy cho người đời được, liền mang về Ấn Độ.
Bộ thứ nhất nội dung gồm nhiều bài kệ, số nhiều như nguyên tử trong mười phương thế giới. Bộ thứ hai có tất cả 498.800 bài kệ được phân làm 1200 chương. Bộ nhỏ nhất có thể vừa tầm hiểu biết của chúng ta, có 100.000 bài kệ được phân làm 48 chương. Vì bộ thứ nhất và thứ hai quá nhiều, giáo lý quá cao siêu, vượt ngoài tầm kiến thức của con người nên không lưu truyền được. Chỉ có bộ thứ ba có 100.000 bài kệ được lưu truyền cho tới ngày nay. (Từ điển Phật học, trang 208, Đoàn Trung Còn, Sài Gòn 1968 tập 2).
3/. Giả thuyết thứ ba: Có một số học giả cho rằng ngài Mã Minh [馬鳴; S: Aśvaghosa (80-150)] là tác giả của bộ kinh Hoa Nghiêm, và ngài Long Thụ là sơ tổ của Hoa Nghiêm tông ở Ấn Độ, còn ngài Đỗ Thuận là sơ tổ Hoa Nghiêm tông ở Trung Hoa.
Theo tài liệu của Binyiu Nanjco trong Catalogue of the Buddhist Tripitaka:
- Ngài Mã Minh đã sáng tác 7 tác phẩm, trong đó có 2 bộ luận lớn là “Đại Tông Địa Truyền Văn Bổn Luận” (Mahāyanā Bhūmiguhyava-Kāmūla Śāstra) và “Đại Trang Nghiêm Kinh Luận” (Sūtralankāra-Śāstra).
- Ngài Long Thụ sáng tác đến 24 tác phẩm khác nhau, trong đó có 2 bộ luận nổi tiếng là “Trung Quán Luận” (Madhyāmika Śāstra) và bộ “Thập Nhị Môn Luận” (Dvādasa Mikāya Śāstra).
Trong bốn bộ luận nêu trên có nhiều điểm trùng hợp với nội dung kinh Hoa Nghiêm” (theo Từ điển Phật học, trang 208, Đoàn Trung Còn - 1968 tập 2).
Qua 3 sử liệu trên, chúng ta thấy hầu hết các môn đồ của Phật cho rằng kinh Hoa Nghiêm tuy đã được đức Phật nói ra, nhưng cho mãi đến năm 643 sau công nguyên, kinh Hoa Nghiêm mới được chư tổ gieo trồng vào Trung Quốc. Từ đó, bộ kinh này đâm chồi nẩy tược sang các nước khác như Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam.
Ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy kinh Hoa Nghiêm trong dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần chữ Hán được dịch trong thế kỉ thứ 5.
2) Phiên dịch kinh Hoa Nghiêm.
Bộ kinh Hoa Nghiêm bằng Phạn văn được truyền vào Trung Quốc khoảng 300 năm sau Tây lịch và được dịch 3 lần sang chữ Hán.
1/. Lần 1: Một bản cựu dịch dưới thời Đông Tấn (317-419 TL.) do ngài Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra: Giác Hiền) ), người Bắc Thiên Trúc dịch, gồm 60 quyển, 36 phẩm, 36.000 bài tụng, gọi là Lục thập Hoa Nghiêm.
2/. Lần 2: Một bản tân dịch dưới đời Đường (618-907 T.L.) do ngài Thức Xoa Nan Đà (Giksananda - Hỷ Học) người nước Vu Điền (KoTan) tái dịch bản cũ, gồm 80 quyển, 39 phẩm, 45.000 bài tụng, hơn bản cựu dịch trên 9.000 bài tụng, gọi là Bát thập Hoa Nghiêm .
3/. Lần 3: Một bản nữa dưới đời Đường, do ngài Bát Nhã (Prajñā) người nước Kế Tân (Kaboul) dịch, gồm 40 quyển, được gọi là Tứ thập Hoa Nghiêm hay Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Bộ này chỉ dịch một phần của bộ kinh là phẩm Nhập Pháp Giới (kể truyện Thiện Tài Đồng tử) nên gọi là sao dịch. Tuy chỉ là sao dịch nhưng cũng đứng ngang hàng với hai bản dịch trên.
Trong ba bản dịch đó thì bộ Bát Thập Hoa Nghiêm hoàn bị hơn cả, nhưng xưa nay bộ Lục Thập Hoa Nghiêm vẫn được lưu truyền rộng rãi và được coi như điểm tựa của Hoa Nghiêm tông.
Tại Việt Nam, bộ kinh Hoa Nghiêm được truyền vào trong nước không rõ từ thời nào, nhưng bộ Bát Thập Hoa Nghiêm đã được Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng việt từ bản Hán văn gồm 80 quyển, xếp thành một bộ 8 quyển, gồm 40 phẩm, khoảng 5600 trang, năm 1965.
1.3. Bố cục kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm
(Bát Thập Hoa Nghiêm)
Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch Việt
(8 tập)
Kinh Hoa Nghiêm - Thích Trí Tịnh
Mục Lục Chi Tiết
Xem thêm:
-Kinh Hoa Nghiem - Dharma Site
- Tìm hiểu Kinh Hoa Nghiêm - Nhantu.net
- Yếu chỉ Kinh Hoa Nghiêm | Duy Lực Thiền
- Ý nghĩa Kinh Hoa Nghiêm - Phatgiao.org.vn
- Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm - Thư Viện Hoa Sen
- Gioi thieu kinh Hoa Nghiem - Đạo Phật Ngày Nay
- Mối liên hệ giữa kinh Nguyên thủy & kinh Hoa nghiêm
- Nghiên Cứu Về Kinh Hoa Nghiêm - Avatamsaka (Sanskrit)
- LƯỢC GIẢI KINH HOA NGHIÊM - CAO ĐÀI - ĐẠI ĐẠO TAM
- Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm - Tam Tạng Kinh Điển - Hoavouu ...
- Bốn Pháp Tu Chứng Kinh Hoa Nghiêm - Trung Tâm Phật Giáo ...
- Kinh Hoa Nghiem: Ly tuong Bo tat va Phat - Kinh Hoa Nghiêm ...
VIDEO
- Những đặc thù của Kinh Hoa Nghiêm (1/2)
- Những đặc thù của Kinh Hoa Nghiêm (2/2)
- Tu Tịnh Độ theo triết lý kinh Hoa Nghiêm (phần 1/2)
- Tu Tịnh Độ theo triết lý kinh Hoa Nghiêm (phần 2/2)
- Thay Hang Truong - Dai Cuong Kinh Hoa Nghiem(1/2)
- Thay Hang Truong - Dai Cuong Kinh Hoa Nghiem (2/2)
- Cốt Lõi Phép Tu Theo Kinh Hoa Nghiêm - Từ Sự nhập vào Lý (1/2)
- Cốt Lõi Phép Tu Theo Kinh Hoa Nghiêm - Từ Sự nhập vào Lý (2/2)
- Khai Tâm - Bốn Cách Nhìn Của Kinh Hoa Nghiêm Về Sự Tu Hành (1/2)
- Khai Tâm - Bốn Cách Nhìn Của Kinh Hoa Nghiêm Về Sự Tu Hành (2/2)
1.4. Ý nghĩa tổng quát về kinh Hoa Nghiêm.
Dưới đây là một số ý chính về giáo lý nơi kinh Hoa Nghiêm.
1) Kinh Hoa Nghiêm không do đức Phật Thích Ca trực tiếp truyền dạy. Theo truyền thuyết, trong hội truyền dạy kinh này, Phật nói rất ít, mà là phát biểu của của Pháp thân (thuộc hệ Tam thân) . Sự im lặng của đức Phật Thích Ca biểu hiện Không tính trong việc truyền dạy giáo pháp giác ngộ.
Tương truyền kinh này rất khó hiểu, chỉ các Đại Bồ-tát mới lĩnh hội được, với cách thức tu luyện qua mười giai đoạn của trí tuệ [= 10 địa (bhūmi) của Bồ-tát] để đi vào thế giới Hoa Nghiêm (= thế giới Phật: Niết-bàn) từ thế giới Ta-bà (Sahā) của chúng ta đang sống.
Phẩm Hoa Nghiêm (Gaṇḍavyūha) của bản kinh tương đương với bộ 40 quyển (Tứ Thập Hoa Nghiêm) của Pháp sư Bát Nhã, thường được xem là toàn bộ kinh Hoa Nghiêm. Phẩm này còn được gọi là phẩm "Nhập Pháp giới" (入法界; S: Dharmadhātupraveṣa).
Phẩm Hoa Nghiêm dài nhất và quan trọng nhất của bộ kinh, được xem là Phật Thích Ca thuyết tại thành Xá-vệ (S: Śrāvastī), tả cảnh Thiện Tài đồng tử (S: Sudhanakumāra) đi tìm đạo dưới sự hướng dẫn của ngài Văn Thù Sư Lợi (S: Mañjuśrī). Thiện Tài đồng tử tham vấn 53 vị Thánh nhân, kể cả Bồ-tát Di Lặc (S: Maitreya) là vị Phật tương lai. Cuối cùng Thiện Tài gặp được ngài Phổ Hiền (S: Samantabhadra), được vị này giáo hoá và đạt Bồ-đề. Đoạn cuối của phẩm này trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của một đời sống Bồ-tát. Phẩm này trở thành giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông.
-------
Chú thích:
Pháp giới(法界; S: Dharma-dhātu): Là thế giới vạn pháp, tức mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Lưu ý rằngPháp giới có nhiều nghĩa sau:
1)Tên của sự vật khi nói chung cả Lý lẫn Sự.
2)Chân lý Duyên khởi chỉ ra cách mà vạn pháp sanh ra. Đây là một trong 18 pháp giới (6 căn +6 trần + 6 thức).
3)Pháp giới trong Mật giáo bao gồm Thai Tạng giới (Garbhadhatu: vật chất) và Kim Cang giới (Vajradhatu: bất hoại).
4)Pháp giới còn có nghĩa là xá lợi Phật (A relic of the Buddha).
5)Trong Pháp giới hay thế giới hiện tượng, có ba thế giới là Dục, Sắc và Vô sắc. Hết thảy các loài tạo vật, cả Thánh lẫn phàm, Nhân và Quả, đều ở trong Pháp giới đó. Chỉ có Phật là ở ngoài Pháp giới.
6)Pháp giới có đến hai nghĩa:
a) Vũ trụ hiện thực (the actual universe).
b) Niết-bàn tịch diệt vừa có nghĩa là sự biến diệt của thể xác con người (theo nghĩa tiêu cực), và vừa là sự đoạn diệt các điều kiện sinh tử (theo nghĩa tích cực)
7)Theo Giáo Sư Junjiro Takakusu trong Cương Yếu Triết Học Phật Giáo, Pháp giới trong ý nghĩa vừa là cảnh giới của Lý tắc vừa là cảnh giới của tất cả Sự tướng, đồng nghĩa với Như Lai tạng hay vũ trụ hoặc thế giới hiện thực.
8)Theo triết học Trung Quán, Pháp giới cũng có nghĩa là Chân như hoặc Thực tại hay Niết-bàn. Ở đây chữ ‘Giới’ có nghĩa là bản chất thâm sâu nhất, hay bản chất tối hậu nội tồn trong mỗi người.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Nhập Pháp giới có nghĩa là một pháp dù nhỏ đến đâu và một pháp dù lớn đến đâu vẫn luôn hàm chứa một Thể tính như nhau, đó là Duyên khởi tính (= Phật tính, Không tính, Tự tính, …). Thể tính của chúng sanh, vũ trụ và Phật đều không sai khác.
2) Kinh Hoa Nghiêmtriển khai Chân lý khách quan Duyên khởi, là chân lý tối thượng mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ dưới cội Bồ-đề. Đó là sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các sự vật hiện tượng (= pháp – dharmas) như trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddaka-nikāya), tập 1, Chân lý Duyên khởi được tóm tắt như sau:
Cái này có vì cái kia có
Cái này không vì cái kia không
Cái này sinh vì cái kia sinh
Cái này diệt vì cái kia diệt.
Imasmim sati idam hoti
Imasmimasati Idamna hoti
Imassuppãdã idam uppajjati
Imassa nidrdhãidam nirujjhati
此有故彼有 Thử hữu tắc bỉ hữu
此生故彼生 Thử sinh tắc bỉ sinh
此無故彼無 Thử vô tắc bỉ vô
此滅故彼滅 Thử diệt tắc bỉ diệt
Chân lý Duyên khởi diễn đạt tính tương quan tương thuộc hay tương sinh tương khởi của các pháp, nghĩa là “Cái này có là nhờ cái kia, cái kia có là nhờ cái này. Cái này và cái kia tương quan tương duyên, lớp lớp không cùng tột”; cho nên một cách hình tượng hơn, các nhà nghiên cứu kinh Hoa nghiêm thường gọi tên chân lý này là Y tha khởi hay Vô tận Duyên khởi hoặc Trùng trùng Duyên khởi. Với cách trình bày này, Hoa Nghiêm tông nhằm giúp hành giả tu tập có một tầm nhìn bao quát và đúng thật về thực tại.
Khi giảng về giáo lý Hoa Nghiêm, có lần vị tổ thứ ba của Hoa Nghiêm tông là Hiền Thủ Pháp Tạng nhận thấy đại chúng còn hoang mang không hiểu, trong đó có hoàng đế Võ Tắc Thiên vào khoảng năm 700. Ngài liền sai mang đến một số gương soi, các gương đều quay vào nhau. Rồi Pháp Tạng để một tượng Phật ở chính giữa buồng cùng với một ngọn đuốc bên cạnh tượng.
Thật là kỳ diệu, các gương phản chiếu lẫn nhau, trùng trùng điệp điệp. Trong mỗi tấm gương sẽ thấy phản chiếu lại các gương khác, với hình đức Phật và ngọn đuốc trong đó. Và gương nào cũng phản chiếu lại trung thực như vậy. Cho thấy tất cả đều dung thông, dung nhiếp lẫn nhau. Một là tất cả, tất cả là một. Cái lý Trùng trùng Duyên khởi đã được chứng minh, và đại chúng liền nhận ra được thế nào là tính chất tương quan của vạn vật trong toàn thể Pháp giới.
3) Kinh Hoa Nghiêmnhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi sự vật hiện tượng qua hai hình thái sau:
1/. Lý-Sự vô ngại (Bản chất-Hiện tượng vô ngại): Là biểu hiện mọi sự vật hiện tượng tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn “tương hợp” nhau, theo Thể tínhthường nhiên (= Duyên khởi tính) của các pháp hữu tình và các pháp vô tình.
Quan điểm này được vị tổ thứ ba của Hoa Nghiêm tông là Hiền Thủ Pháp Tạng trình bày qua các ẩn dụ nổi tiếng, để thấy rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế gian đều diễn ra theo cái lý đó.
- “Sư tử vàng”: Sư tử biểu hiện cho thế giới sự vật hiện tượng (Sự). Vàng biểu hiện cho bản chất (Lý), vàng ở dạng nào cũng được nhưng không có một dạng riêng tư, phải xuất hiện dưới một dạng nhất định như là một toàn thể. Mỗi một bộ phận của con sư tử đều bằng vàng. Trong mỗi bộ phận đều có cái toàn thể và ngược lại, cái toàn thể hiện lên trong mỗi bộ phận. Mỗi sự vật hiện tượng đều là thể hiện của một cái lý duy nhất và mỗi sự vật hiện tượng nói lên tất cả mọi thứ khác. Vàng và sư tử hiện diện đồng thời, phụ thuộc lẫn nhau, bao hàm lẫn nhau.
- “Sóng nước”: Trên thực tế, sóng (Sự) là hiện tượng của nước và nước (Lý) là bản chất của sóng. Điểm mà sóng khác với nước là sự biểu hiện lên xuống liên hồi của sóng theo tác động của gió (Duyên). Do đó, về mặt hiện tượng, sóng và nước có vẻ như hai, tức là sóng khác với nước, nhưng về mặt Thể tính, sóng và nước là một, vì cả hai có cùng một thể, đó là nước.
2/. Sự-Sự vô ngại (Hiện tượng-Hiện tượng vô ngại): Đó là biểu hiện mọi sự vật hiện tượng tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn “tương hợp” nhau theo Tự tính(= Duyên khởi tính) của các pháp hữu tình và các pháp vô tình. Do đó, có thể thấy rằng con người, vũ trụ vạn sự vật và Phật là đồng Tự tính.
Hình ảnh một hoa sen với nhiều cánh hoa, mỗi cánh cũng là một hoa sen đầy đủ những cánh hoa (Xin xem lại mục 1.1. giải thích tựa kinh “Hoa Nghiêm”) đã minh họa cho lý này.
Với tính vô ngạinày, hành giả có thể ly vọng hoàn chân, toàn triệt lý viên dung vô ngại nơi vạn pháp trong tương quan của chủ vàkhách, trong tương quan của lớn vànhỏ, trong tương quan của tâm vàcảnh, trong tương quan của sinh vàdiệtqua cấu trúc Nhân-Duyên-Quả. Quan điểm này được Thiền tông nhấn mạnh, và vì thế kinh này cũng thường được Thiền tông nhắc đến.
Hai bài kệ quan trọng của kinh Hoa Nghiêm đã được HT. Duy Lực dịch như sau:
Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật tam thế
Phải quán tính Pháp giới
Tất cả do tâm tạo.
***
Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Ý căn thanh tịnh như hư không
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ
Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại
Xem thêm:
- Đại ý Hoa Nghiêm tông - Nhantu.net
- Hoa Nghiêm Sư Tử Chương - Bồ Đề Tâm
- Biển và Sóng : Đọc lại Văn Hóa Phật Giáo
-Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải - Di Da Nguyen Hai xxx
- Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh - Tinh Tong Hoc Hoixxx
- Tín Và Chứng Trong Hoa Nghiêm - Phật Học - THƯ VIỆN ...
- Ý nghĩa chân tâm và bản tính như thế nào? - Phatgiao.org.vn
2. Những vấn đề chính trong kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm là nền tảng của Hoa Nghiêm tông, cho nên những vấn đề chính trong kinh Hoa Nghiêm cũng chính là giáo lý của Hoa Ngiêm tông. Dưới đây là vài nét chính về Hoa Nghiêm tông.
2.1. Lịch sử Hoa Nghiêm tông.
Hoa Nghiêm tông (華嚴宗; E: Hua Yen sect) là một tông phái được thành lập vào khoảng đời nhà Tùy cho đến đầu nhà Đường. Tông xây dựng giáo lý dựa trên tư tưởng của kinh Hoa Nghiêm. Theo cách nhìn truyền thống thì có hai thuyết là Thất Tổ Ấn-Trung hay Ngũ Tổ Trung Hoa gồm:
1/.Mã Minh (馬鳴; S:Aśvaghoṣa khoảng 85-150).
2/.Long Thọ (龍樹; S: Nāgārjuna, khoảng 150-250)
Hay
1/. Sơ Tổ Ðế TâmÐỗ Thuận (帝心杜順; 557-640).
2/. Nhị Tổ Vân HoaTrí Nghiễm (雲華智儼; 602-668).
3/. Tam Tổ Hiền ThủPháp Tạng(賢首法藏; 643-712).
4/. Tứ Tổ Thanh LươngTrừng Quán (清涼澄觀; 737-820). Tổ phát triển mạnh tông phái, và được xem là một hiện thân của Văn Thù Sư Lợi (S: Mañjuśrī).
5/. Ngũ Tổ Khuê PhongTông Mật (圭峰宗密; 780-841). Tổ là một Pháp sư kiêm Thiền sư xuất sắc, đã đề ra 4 phương pháp Niệm Phật của Tịnh Độ tông.
Ở Trung Hoa, sau thời Tông Mật thì Hoa Nghiêm tông bắt đầu suy yếu dần. Năm 671 có Nghĩa Sương (義湘), người đồng hàng sư huynh của Pháp Tạng, đã truyền tông này sang Tân La (新羅, tức Triều Tiên); và vào năm 736 thì Thẩm Tường (審祥), môn hạ của Pháp Tạng, truyền tông này sang Nhật Bản.
Bên cạnh căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm tông của Nhật Bản còn chú trọng đến kinh Phạm Võng (經梵綱), thành lập tông ở Đông Đại Tự (東大寺; J: Tōdai-ji). Ðại sư người Nhật đầu tiên của Hoa Nghiêm tông là Lương Biện (良辨; J: Roben – 689-772).
2.2. Bố cục giáo lý Hoa Nghiêm tông - Ngũ thời giáo.
Ngũ thời giáo五時教của Hoa nghiêm tông chia giáo pháp của đức Phật Thích Ca ra nhiều thời kì, đó là năm thời giáo:
1/. Thời Sơ giáo: Nội dung giáo pháp chứa đựng trong các kinh A-hàm (阿含; S: Āgama – tương đương với các kinh P: Nikāya) , dùng để tiếp nhận những người sơ cơ, căn trí kém, với những điều chỉ dạy dễ hiểu, dễ tiếp nhận, có ý nghĩa giúp người xa dần các tư tưởng ác và hướng nhiều hơn đến các điều lành.
2/. Thời Thủy giáo: Nội dung giáo pháp dạy về Không tính của các pháp, tức mọi pháp tuy có nhưng không thực có vì chúng dựa trên nhau mà có (Duyên khởi). Nói cách khác, mọi pháp đều là Không, tức chấp nhận sự trình hiện của chúng trên mặt tương đối. Giáo pháp này nhằm giúp hành giả lìa bỏ những kiến chấp hạn hẹp.
3/. Thời Chung giáo: Nội dung giáo pháp là Phật tính. Tất cả chúng sinh đều tương đồng với chư Phật, và do đó mà xác quyết rằng bất cứ ai cũng có thể thành Phật trong tương lai.
4/. Thởi Ðốn giáo: Nội dung giáo pháp là dạy về khả năng đốn ngộ, hay giác ngộ tức thời, nghĩa là “Giáo pháp đạt được do sự đốn ngộ mà ra”. Đây là phần giáo lý dành cho các bậc thượng căn thượng trí.
5/. Thời Viên giáo: Đây là phần giáo pháp được xem là rốt ráo, trọn vẹn nhấtcủa Hoa Nghiêm tông, cũng như một cái vòng tròn, không thể thêm vào hay bớt đi bất cứ một điểm nào trên đó mà làm mất đi tính chất tròn trịa của nó.
Dù ở thời nào, kinhHoa nghiêmcũng nhắc ta: “Chánh tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”.
2.3. Nội dung giáo lý Hoa Nghiêm tông.
Hoa Nghiêmtông xem mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ (= Pháp giới: 法界; S: Dharma-dhātu) cùng xuất hiện đồng thời, đều bình đẳng, đều liên hệ qua lại, đều tương tác lẫn nhau, đều phụ thuộc lẫn nhau, chứ không có pháp nào tồn tại độc lập. Giáo pháp này được gọi là Pháp giới Duyên khởi, nghĩa là tất cả đều từ Một, đó là một nguyên lý, là chính chân lý khách quan Duyên khởi mà ra. Nói cách khác, mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ chẳng qua chỉ là sự hình thành từ một nguyên lý chân lý Duyên khởi vậy.
Tất cả mỗi pháp đều có tính chất là cùng lúc tồn tại hai mặt tĩnh (Lý) và động (Sự), xuyên suốt vào nhau, không ngăn ngại. Quan điểm này được Tam tổ Hiền Thủ Pháp Tạng trình bày qua ẩn dụ nổi tiếng “sư tử vàng” và “sóng nước” (Xin xem chi tiết ở mục 1.3. Ý nghĩa tổng quát về kinh Hoa Nghiêm) : Sư tử hay Sóng biểu hiện cho thế giới hiện tượng (Sự), còn Vàng hay Nước biểu hiện cho bản chất (Lý).
Hoa Nghiêm tông xem mọi sự vật trong thế gian được lý giải trong Tứ pháp giới và Lục tướng.
1) Tứ pháp giới:
Theo kinh Hoa nghiêm, Pháp giới tức vạn pháp vận hành được biểu hiện qua 4 dạng gọi là Tứ pháp giới四法界như sau:
1/.Sự pháp giới (事法界): Là thế giới hiện tượng,biểu hiện của mọi sự vật hiện tượng hiển lộ bên ngoài.
2/.Lí pháp giới (理法界): Là thế giới bản thể, biểu hiệnThể tính chung của của mọi sự vật hiện tượngtiềm ẩn bên trong. Đó là Duyên khởi tính, biểu hiện chân lý của vũ trụ vạn sự vạn vật.
3/.Lí Sự vô ngại pháp giới (理事無礙法界): Là biểu hiện mối liên hệ giữa hiện tượng và bản thể, sinh thành lẫn nhau, đại diện cho nhau không hề chướng ngại. Hai thế giới hiện tượng và bản thể không khác và biến hóa hòa điệu không ngăn ngại nhau (= tương tức - tương nhập-相即相入: viên dung và dung thông) như sóng và nước. Đó là “Tất cả là Một, Một là tất cả”.
4/.Sự Sự vô ngại pháp giới (事事無礙法界): Là biểu hiện sự vật hiện tượng tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn tương hợp nhau, dựa lên nhau mà sinh sinh hóa hóa. Thế giới hiện tượng luôn vận động và ảnh hưởng hòa điệu nhau(tương tác tương thuộc- 相作相屬haytương quan tương duyên-相關相缘) trùng trùng vô tận,như nước và sữahay vật chất và tinh thần. Đó là “Trùng trùng Duyên khởi Pháp giới ”.
Duyên khởi, trong thực tại, là một hiện tượng trùng trùng các duyên. Một sự vật có mặt có nghĩa là tất cả các duyên trùng trùng ấy có mặt, tất cả Pháp giới có mặt. Nói khác đi, không thể có một Ngã tướng nào có mặt ngoại trừ Pháp giới Duyên khởi.
Về toà "Ðại lâu các Trang Nghiêm tạng" (Vairochana Vyūha Alankara-garbha) mà đức Di-lặc hóa hiện ở kinh Hoa Nghiêm, Tôn giả Thiện Tài đã phát biểu: "Ðại lâu các này là trú xứ của những ai đã hiểu ý nghĩa Không, Vô tướng và Vô nguyện (Vô dục), của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết thảy các pháp vốn là vô sinh. Ðây là trú xứ, nơi thường thích ở đối với những ai biết rằng hết thảy các pháp đều không riêng tự tánh, đối với những ai không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào...".
Như vậy, rõ ràng những gì mà Duyên khởi đã nói, "Ðại lâu các" chính là Pháp giới Duyên khởi vậy.
2)Lục tướng:
Dựa theo kinh Hoa Nghiêm, Tổ Thế Thân đã làm ra bộ Thập Địa Luận để giải thích nghĩa lý của Lục tướng 六相. Lục tướng này được gọi là viên dung(圓融: không dính mắc, không câu nệ chấp trước), vì nó có những đức tính viên mãn (圓滿: đầy đủ) và dung thông (融通: hòa tan vào nhau) vô ngại.
Theo Hoa Nghiêm tông, trong Pháp giới, sở dĩ Sự Sự vô ngại, dung thông là đều do các pháp có đủ Lục tướng (Sáu tướng) và Thập Huyền môn (Mười lý huyền diệu).
Theo Tam tổ Hiền Thủ Pháp Tạng, Luc tướng là sáu dạng xuất hiện, là sáu mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái riêng lẽ trên ba mặt Thể, Tướng, Dụng [體相用: Ba phương diện của mọi pháp, đó là bản thể (Thể), hiện tượng (Tướng) và tác dụng (Dụng)].
Lục tướng gồm ba cặp đối xứng đặc trưng của tất cả các Pháp (S: Dharma), đó là toàn thể và riêng biệt; giống nhau và khác biệt; hoà nhập và riêng tư.
1/. Tổng tướng (總相): Tổng tướng là cái tướng trạng toàn phần (tổng hợp).
2/. Biệt tướng (別相): Biệt tướng là nói cái tướng trạng đơn phần (chi tiết).
=> Như khi ta nói đến cái nhà, thì cái nhà là Tổng tướng. Tất cả các chi tiết của cái nhà (như cột, kèo, tường mái, đá, gạch …) là Biệt tướng. Nhiều Biệt tướng cộng lại thành Tổng tướng.
3/. Ðồng tướng (同相): Ðồng tướng là cái tướng chung (hình dạng chung)
4/. Dị tướng (異相): Dị tướng là cái tướng riêng (hình dạng riêng). Cái này cái kia, hình dạng (= hình tướng) không giống nhau, nhưng chúng vẫn cùng nhau dung hòa để có được hình dạng chung.
=> Như khi ta nói đến cái nhà, thì hình dáng cái nhà là Đồng tướng. Tất cả hình dáng các chi tiết (như cột, kèo, tường mái, đá, gạch …) là Dị tướng. Nhiều Dị tướng cộng lại thành Đồng tướng.
5/. Thành tướng (成相): Thành-tướng là cái tướng thành tựu với công dụng nào đó.
6/. Hoại tướng (壞相): Hoại tướng là cái tướng độc lập cho một hợp dụng.
=> Như khi ta nói đến cái nhà, thì công dụng của cái nhà dùng để ở là Thành tướng. Tất cả các công dụng của các chi tiết (như cột, kèo, tường mái, đá, gạch …) dùng hợp thành cái nhà dùng để ở là Hoại tướng.
Lục tướng này còn phân ra làm ba đối, gọi là Tam đối lục tướng.
- Tổng, Biệt cùng đối nhau thuộc về Thể體.
- Ðồng, Dị cùng đối nhau thuộc về Tướng 相.
- Thành, Hoại cùng đối nhau thuộc về Dụng用.
Khi chúng ta nói đến Tổng, Ðồng, Thành là nói về phương diện bình đẳng của bản thể vũ trụ. Khi chúng ta nói đến Biệt, Dị, Hoại là nói về phương diện sai biệt của hiện tượng giới, trong đò mỗi mỗi sự vật đều phơi bày tính riêng rẽ khác nhau.
Theo kinh Hoa Nghiêm thì các tướng Tổng, Ðồng, Thành thuộc về môn viên dung (bình đẳng); còn các tướng Biệt, Dị, Hoại thuộc về môn hàng bố (sai biệt). Nhưng bình đẳng và sai biệt vẫn viên dung vô ngại tương tức – tương nhập.
Tương tức nghĩa là cái này tức cái kia (viên dung), như nước tức là sóng; tương nhập nghĩa là hòa nhập vào nhau (dung thông), như mặt gương này và mặt gương kia phản chiếu vào nhau không cùng mà không cản trở gì nhau.
Vì tương tức – tương nhập, nên lìa Tổng tướng thời không Biệt tướng, lìa Đồng tướng thì không Dị tướng, lìa Thành tướng thì không Hoại tướng. Tóm lại, viên dung (bình đẳng) không lìa hàng bố (sai biệt), hàng bố không lìa viên dung, viên dung tức hàng bố, hàng bố tức viên dung. Hết tháy các pháp đều đủ 6 tướng ấy, không một pháp nào là không viên dung dung thông, tương tức tương nhập, tự tại vô ngại. Vì thế Lục tướng còn gọi là Lục tướng viên dung. Ðó là ý nghĩa huyền diệu cúa Hoa Nghiêm.
3) Thập huyền môn.
Thập huyền môn 十玄門hay Thập huyền Duyên khởi hay Thập huyền diệu pháp,cũng gọi là Vô tận Duyên khởi pháp môn là mười lý huyền diệu của các pháp bổ sung cho giáo lý Lục tướng nói trên, mà bộ kinh Hoa Nghiêm sớ sao và bộ Tham Huyền Ký của Tam tổ Hiền Thủ Pháp Tạng giải thích như sau:
1/. Đồng thời cụ túc tương ưng môn(同時具足相應門: Môn đồng thời đầy đủ các pháp tương ứng):
Nghĩa là trong mỗi một pháp đồng thời cũng có đủ, hàm chứa tất cả các pháp khác trong vũ trụ. Như một giọt nước có đủ khí vị của các sông hay các biển.
2/. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn (廣狹自在無礙門: Môn rộng và hẹp tự tại không ngại):
Nghĩa là một vật gọi là lớn, chưa hẳn là lớn, vật gọi là nhỏ chưa hẳn là nhỏ. Ðây muốn nói rằng, trong pháp giới, sự sự đã vô ngại, dung thông, thì quan niệm về sự rộng hẹp, lớn nhỏ đều là những tương đối, những giả danh, không có biên giới nhất định giữa một vật này với một vật khác:
Một vật nhỏ như vi trần có liên quan đến vũ trụ; một vật lớn như vũ trụ có liên quan đến một vi trần. Cho nên kinh Hoa-Nghiêm có chép: Trong một mảy trần, hết thảy cỏi nước rộng rãi an tụ. Để giải thích ý nghĩa này, kinh thường dạy: "Sự Lý mà được dung thông, tự tại không ngăn ngại".
3/. Nhất đa tương dung bất đồng môn (一多相容不同門: Môn "một và nhiều dung nhau không đồng"):
Nghĩa là về số lượng, một và nhiều vật có thể dung nạp lẫn nhau, mà vẫn không phá hoại cái tướng riêng biệt của mỗi vật (an lập). Ví như muôn ngàn ngọn đèn thắp sáng trong một gian nhà, ngọn này ngọn kia lẫn hiệp với nhau, nhưng ngọn nào vẫn có ánh sáng riêng của nó
4/. Chư pháp tương tức tự tại môn(諸法相即自在門: Môn "các pháp tương tức tự tại"):
Nghĩa là các pháp cùng dung, cùng tức, không ngăn ngại nhau. Ví như một pháp khi bỏ mình đồng với các pháp khác, thì toàn thể đều nơi pháp kia; nếu một pháp nhiếp thâu các pháp đồng về mình, thì hết thảy các pháp kia lại về một nơi pháp thâu nhiếp ấy. Cũng ví như chất vàng với sắc vàng, hai pháp ấy không rời nhau.
5/. Ẩn mật hiển liễu câu thành môn (隱密顯了俱成門: Môn "ẩn mật tỏ rõ đều thành"):
Nghĩa là một pháp có nhiều phương diện, khi phương diện này hiển thì phương diện kia ẩn; khi phương diện kia ẩn, thì phương diện này hiển; trong ẩn có hiển; hiển ẩn đắp đổi nhau mà thành tựu. Sự ẩn hiển cũng không nhất định cái nào sau cái nào trước, cũng không ngăn ngại, chống đối nhau. Như một pho tượng bằng vàng, khi chú ý đến vàng thì không thấy cái đẹp của pho tượng, khi chú ý đến pho tượng thì không thấy vàng. Tóm lại, khi cái đẹp hiển thì vàng ẩn, khi vàng hiển thì cái đẹp ẩn.
6/. Vi tế tương dung an lập môn (微細相容安立門: Môn "vi tế dung nhau, an lập"):
Nghĩa là nhỏ nhiệm (= vi tế) mà rõ ràng. Một vật nhỏ nhiệm này mà bao trùm một vật nhỏ nhiệm khác, mà không cản trở nhau, không phá hoại cá tướng của nhau. Như một hạt nước bao gồm nhiều hạt nước, mỗi hạt nước gồn nhiều hóa chất, mỗi hóa chất gồm nhiều nguyên tử, mỗi nguyên tử gồm nhiều điện tử, giữa những điện tử có cái nhân: Mỗi thứ đều dung nhau và an lập trong nhau.
7/. Nhân đà la võng cãnh giới môn (因陀羅網法界門: Môn "cảnh giới tướng võng nhơn-đà-la"):
Nghĩa là trong mỗi pháp có nhiều pháp khác, trong nhiều pháp khác lại có nhiều pháp nữa. Cứ thế nhân mãi lên cho đến vô cùng tận. Kinh Hoa-Nghiêm có chép; "Hết thảy thế giới đều như màn lưới Nhơn-đà-la" [Nhơn-đà-la (Indra) là cõi trời Ðế Thích].
8/. Thác sự hiện pháp sinh giải môn (託事顯法生解門: Môn "nhân việc rõ pháp, sanh trí hiểu biết"):
Nghĩa là nhờ Sự mà hiểu được Lý; nhưng khi Lý đã rõ, thì Lý lại lan rộng làm cho chúng ta hiểu rộng sâu xa qua nhiều Sự khác. Ðây muốn nói trí hiểu biết lan rộng dung thông qua sự vật, như vết dầu lan trên mặt nước, chỉ một tia lửa là bừng cháy tất cả.
9/. Thập thế cách pháp dị thành môn (十世隔法異成門: Môn "mười đời cách pháp dị thành"):
Nghĩa là thời gian mặc dù cách biệt nhau từ quá khứ đến hiện tại qua tương lai, nhưng chính nhờ thế mà các pháp được thành tựu một cách dễ dàng. Tuy nhiên theo kinh thì thời gian được chia thành mười thời mà không chia làm ba thời vì muốn chia một cách rốt ráo, tinh vi,
Trong kinh chia mười đời như sau: Trong quá khứ cũng gồm có quá khứ, hiện tại và tương lai; trong hiện tại cũng gồm như thế và trong tương lai cũng vậy. Như thế có ba thời, mỗi thời chia ba nên tổng thành chín. Nhưng nếu chia nhỏ như thế mà không có ý niệm tổng quát so sánh liên hệ với nhau thì cũng không có được ý niệm về thời gian. Vì thế cho nên về chín niệm ấy, còn cộng thêm một niệm tổng (tổng quát) nữa, thành ra mười.
10/. Chủ bạn viên minh cụ đức môn (主伴圓明具德門: Môn "chủ và bạn nương nhau làm đầy đủ công đức sáng suốt hoàn toàn"):
Nghĩa là các pháp nương nhau mà thành. Nếu ta lấy một pháp làm chủ, thì các pháp khác là bạn. Chủ và bạn nương nhau làm đầy đủ công đức, lớp lớp không cùng tận, như mặt trăng sáng trên không, chung quanh những vì sao nhấp nháy, rồi trên mặt đất bao nhiêu sông ngòi, ao hồ lại phản chiếu ánh sáng trăng sao ở trên không, làm cho cảnh vật ở khắp nơi rạng rỡ.
Tóm lại, Thập huyền môn này cùng với Lục tướng nói trên nơi các pháp là nguyên nhân giải thích vì sao "Sự Sự được vô ngại" trong pháp giới, nghĩa là giải thích một cách đầy đủ giáo lý "Trùng trùng Duyên khởi" mà Hoa Nghiêm tông chủ trương.
4) Phương pháp tu học.
Phương pháp tu học của Hoa Nghiêm tông tựu trung trong ba pháp quán về Pháp giới được xem là trọng yếu và có hiệu quả rốt ráo nhất:
1/. Chân Không quán 真空觀.
- Chân 真: Có nghĩa là chân thật khách quan, không hư vọng.
- Không 空: Có nghĩa là không bị sắc tướng chi phối, ngăn ngại.
Đó là bản chất Không tính nơi các pháp.
Pháp quán này dựa trên "Lý pháp giới" mà lập ra. Mục đích của pháp quán này là dứt vọng tình, rõ chân tính, khiến cho hành giả thấy sắc mà không bị sắc ngăn ngại và nhận được rằng toàn thể là Chân Không, chứ không là đoạn không, không là cực đoan “không” trong cơ cấu đối đãi không-có. Tóm lại, pháp quán này nhìn thấu qua được sự đối đãi, hư dối của không-có, để nhận rõ được cái chân lý của vũ trụ.
2/. Lý Sự vô ngại quán 理事無礙觀: Pháp quán này dựa theo lý "Lý Sự vô ngại pháp giới" mà lập ra. Lý và Sự, tức bản chất và hiện tượng không phải hai phạm trù chống nhau, ngăn cách nhau, mà trái lại, dung thông nhau. Lý Sự thấu suốt, viên dung không ngăn trở nên gọi là "Lý Sự vô ngại quán".
Theo pháp quán này, hành giả quan sát cái sắc tướng của một mảy trần mà khám phá ra được chân lý của vũ trụ. Nghĩa là qua cái tướng hư giả của sự vật mà thấy được cái chân tính sáng suốt.
3/. Châu biến hàm dung quán 周變涵容觀(= Sự Sự vô ngại quán 事事無礙觀): Pháp quán này dựa trên cái lý " Sự Sự vô ngại pháp giới" mà lập ra.
- Châu biến 周變(Châu 周: cùng khắp; Biến 變: thay đổi – biến hóa變化): Là lan ra, biến hóa cùng khắp tất cả.
- Hàm dung 涵容(Hàm涵: bao gồm; Dung 容: thu nạp, chứa đựng): Là bao gồm, thu nhiếp và dung thông tất cả.
Châu biến hàm dung quán là pháp quán nhằm mục đích nhận chân được rằng các pháp lớn và nhỏ, một và nhiều tương tức tương nhập không ngại nhau, mà dung nhiếp lẫn nhau, lớp lớp không cùng tận trong toàn vũ trụ.
Theo pháp quán này, hành giả quan sát cái Lý nơi một Sự, rồi do một Sự ấy mà mỗi mỗi Sự khác cũng đều thấy rõ. Hành giả lại quán mọi Sự nơi Lý, rồi theo Lý ấy mà mỗi mỗi Sự đều dung thông.
5) Quả vị tu chứng.
Theo Hoa Nghiêm tông, hành giả giác ngộ giải thoát vẫn không phá hoại thế gian tướng; nói một cách khác, không phải phủ nhận thế gian tướng mà có thể tìm thấy giải thoát ở một nơi nào khác. Ngay trong thế gian này, một khi hành giả thấy được chân vọng, đoạn trừ điên đảo, khiến cho tâm thanh tịnh cùng với thực tại (= chân lý): Ðó là giải thoát.
佛法在世间 Phật pháp tại thế gian
不离世间觉 Bất ly thế gian giác
离世觅菩提 Ly thế gian mịch bồ đề
恰如求兔角 Kháp như cầu thố giác
Phật pháp trên thế gian
Không thể rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ
Lục tổ Huệ Năng
Quan niệm về giải thoát của Hoa Nghiêm tông này không khác với Thiên Thai tông, nghĩa là đều chủ trương một cách đạt quan rằng chúng sanh và Phật không sai cách: Không nhận chân được lý “Trùng trùng Duyên khởi, Sự Sự vô ngại pháp giới”, là chúng sanh; giác ngộ được chân lý trên là Phật.
Giáo pháp của Hoa nghiêm tông có một điểm quan trọng khác với các trường phái Ðại thừa còn lại, đó là Hoa Nghiêm tông chuyên nghiên cứu mối liên hệ giữa hiện tượng và hiện tượng, chứ không phải giữa hiện tượng và bản thể. Tông này cho rằng mọi hiện tượng đều tồn tại hoà hợp với nhau, vì chúng là phát biểu của một bản thể duy nhất. Chúng như những đợt sóng của một biển duy nhất. Vì thế mọi thế giới và mọi hiện tượng trong mỗi thế giới là hiện thân của một thực thể và đồng thể, đó là Phật tính (= Duyên khởi tính).
Điện chính củaĐông Đại Tự, Nara, Nhật Bản
VIDEO
- 奈良 「東大寺」Todaiji Temple in Nara
- Todaiji Temple Daibutsuden(GIANT BUDDHA) in Nara Park, Japan
Thánh Vũ Thiên Hoàng (J: Shōmu, 724-748) là người muốn trị nước theo nguyên công án của Hoa Nghiêm tông. Ông cho xây Chùa Ðông Ðại ở Nại Lương (Nara), sau đổi tên là Chùa Hoa Nghiêm, trong đó có một tượng Phật Ðại Nhật (Vairocana). Ngày nay chùa này vẫn là một trung tâm của Hoa Nghiêm tông Nhật Bản. Hoa Nghiêm tông đóng một vai trò quan trọng trong nền triết lý Phật giáo tại Nhật và kinh Hoa Nghiêm được diễn giải để bảo vệ cho quan điểm thống nhất quốc gia.
Xem thêm:
-Mười giáo của tông Hoa Nghiêm – Làng Mai
- ĐI VÀO KINH HOA NGHIÊM – Thiện Tri Thức
- Chung toi hoc Kinh Hoa Nghiem (1) Tam Minh
- Tứ Pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm - Phatgiao.org.vn
- Phật Học Phổ Thông.V.54 Hoa Nghiêm Tông- layphat
VIDEO
- Tính chất của Lý và Sự
- Nguồn Gốc của Lý và Sự
- Áp dụng Lý và Sự vào đường tu
- Bồ Tát Đạo Hoa Nghiêm -TT Thích Trí Siêu
- Hoa Nghiêm Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới - TT. Sakya Minh-Quang
Bài đọc thêm
1. Tương tức – Tương nhập.
1) Nguyên lý Duyên khởi.
Cũng cần nhắc lại rằng Duyên khởi là giáo lý căn bản của nhà Phật, là Lậu tận trínhư trong kinh Tương Ưng 3 đã ghi:
Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được Pháp.
Ai thấy được Pháp, người ấy thấy được Duyên khởi.
(Pháp = Chân lý)
Nguyên lýDuyên khởi chỉ ra 3 tính chất hệ trọng, gọi là Duyên khởi tính, như sau:
+Tính thường trú: Nghĩa là tất cả pháp trong quá khứ cũng do duyên mà khởi, hiện tại cũng do duyên mà khởi, vị lai cũng do duyên mà khởi; nơi này cũng do duyên mà khởi, nơi kia cũng do duyên mà khởi. Do đó, mọi pháp vốn là duyên khởi mà tính thường trú (= Duyên khởi tính – bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào) luôn là thực tính của tất cả pháp.
+Tính quyết định: Nghĩa làtính hiện hữu và không hiện hữu(tồn tại hay không tồn tại) của tất cả pháp. Nếu đủ duyên thì các pháp sinh khởi, không đủ duyên thì các pháp phân tán. Nói cách khác, nếu không có duyên, thì không có một pháp nào tự thân nó sinh khởi được.
+Tính y tha 性依他: Nghĩa là tính nương tựa lẫn nhau để sinh khởicủa tất cả pháp. Do tính này, nên các pháp không bao giờ có sự tồn tại độc lập nếu có chăng là có ở cách nói, chứ không bao giờ thực sự có ở bản chất. Vì tự bản chất của chúng là hỗ tương, là nương tựa, là tác động qua lại lẫn nhau để sinh thành và hủy diệt, nên một sự hủy có thể kéo theo muôn ngàn sự hủy, một sự sinh có thể kéo theo muôn ngàn sự sinh.
Thiết thực hơn trong đời sống, bằng cách quán triệt Duyên khởi, có thể thấy rằng rất nhiều vấn đề của chúng ta trước đây, giờ bỗng không còn căng thẳng hay nghiêm trọng nữa, và nhất là sẽ có rất nhiều người quanh ta bỗng trở nên hiền hòa, dễ mến, hoặc ít ra cũng không còn đáng ghét như trước đây!
2) Tương tức – Tương nhập.
Kinh Hoa nghiêm, nói một cách đơn giản, là bộ kinh nghiên cứu về Pháp giới và cách phát khởi trí tuệ để thể nhập Pháp giới. Trong Pháp giới có Lý Sự vô ngại và Sự Sự vô ngại.
- Lý Sự vô ngạicó nghĩa là mỗi pháp bao gồm toàn thể các pháp.
- Sự Sự vô ngạicó nghĩa là các pháp tương tức tương nhập (= hỗ tức hỗ nhập).
Tương tức và Tương nhập là hai ý niệm của kinh Hoa Nghiêm.
Tương相= Hỗ 互: qua lại lẫn nhau // hỗ tương 互相: dựa vào nhau.
Tức即: chính là.
Nhập入: vào trong, đối lại với Xuất 出ra ngoài.
Theo đó:
1.Tương tức (相即; E:inter-are,interbeing, mutual identity) có nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này.Tương tức nói lên sự bình đẳng của vạn pháp. Các pháp tuy có sai biệt khác nhau hay tương phản nhau, nhưng đều có tính bình đẳng, ví như “Sóng tức là Nước, Nước tức là Sóng” hay “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.
2. Tương nhập (相入;E: inter-penetration, interpenetration, mutual penetration) có nghĩa là cái này nằm trong cái kia, cái kia nằm trong cái này hoặc cái này đi vào cái kia, cái kia đi vào cái này. Tương nhập nói lên sự hòa hợp của vạn pháp. Các pháp tuy có sai biệt khác nhau hay tương phản nhau, nhưng luôn dung chứa nhau, ví như nhiều ánh đèn hòa lẫn vào nhau.
Trong kinh Hoa nghiêm, Duyên khởi có nghĩa là hiện khởi tương tức tương nhập vô ngại. Vì là Duyên khởi nên bản thể và hiện tượng bao hàm dung nạp lẫn nhau, đồng và dị trở thành hòa hợp, Lý và Sự tương tức tương nhập. Phép quán “Lý Sự viên dung vô ngại” làm sáng tỏ ý nghĩa “Ta là Phật”. Vì Lý Sự dung thông nên mọi pháp đều là Phật.
Quán chiếu cho tường tận thì ta có thể thấy ý niệm một và nhiều chỉ là một trong các phạm trù ý thức mà ta sử dụng để nắm lấy thực tại, cũng như những chai lọ mà ta sử dụng để đựng nước uống. Ta thoát được phạm trù một và nhiều thì cũng như chiếc xe lửa thoát khỏi đường rầy xe lửa để trở thành chiếc máy bay bay liệng tự do trên không gian. Cũng như nhờ thấy được rằng ta đứng trên một trái đất tròn đang quay chung quanh nó và chung quanh mặt trời, ta thấy ý niệm về trên và dưới ngày xưa của ta bị phá vở, nhờ thấy được tính cách tương tức và tương nhập của mọi hiện tượng, ta thoát được ý niệm về một và nhiều.
-----------
Ghi chú:
1) Tương tức - Tương nhập(相即相入; E:mutual identity& mutual penetration) => Lý Sự vô ngại Pháp giới理事無礙法界hay Tất cả là Một, Một là tất cả(như sóng và nước dung thông không ngăn ngại nhau).
2)Tương tác - Tương thuộc相作相屬hayTương quan - Tương duyên 相關相缘=> Sự Sự vô ngại Pháp giới事事無礙法界hay Trùngtrùng Duyên khởiPháp giới重重緣起法界(như nước và sữa hay vật chất và tinh thầntrùng trùng không ngăn ngại nhau,). Trong đó :
- Tương 相= Hỗ 互: qua lại lẫn nhau.
- Tác 作: kết hợp, phối hợp. - Thuộc 屬: nối liền, nối kết,gắn bó
- Quan 關: liên hệ, dính líu. - Duyên 缘: hoà hợp, hòa điệu.
2. Mối liên hệ giữa kinh Nguyên thủy và kinh Hoa Nghiêm (MỐI LIÊN HỆ GIỮA KINH NGUYÊN THỦY & KINH HOA NGHIÊM).
[Bài giảng ngày 3-3-2019 của HT Thích Trí Quảng tại Học viện Phật giáo]
Xét về mặt học thuật, có thể nói tạng Nguyên thủy là nguồn gốc của Phật giáo, nhưng xét về sự tu chứng thì kinh Hoa nghiêm được coi là bộ kinh đầu tiên Phật nói. Vì vậy, làm sao chúng ta kết hợp hai tư tưởng này với nhau.
Đầu tiên chúng ta học kinh Nguyên thủy, nhận thấy chủ yếu Đức Phật giảng pháp cho các Tỳ-kheo và các Phật tử tại gia, nghĩa là Đức Phật nói pháp cho loài người. Nhưng kinh Nguyên thủy hay kinh Đại thừa đều khẳng định rằng ngoài loài người còn có tứ sanh lục đạo là các loài khác. Và khi Đức Phật thuyết pháp cho các loài khác, chúng ta không nghe được, nên không ghi chép được.
Và trên tứ sanh lục đạo có tam Hiền, thập Thánh mà kinh Nguyên thủy cũng ghi nhận sự hiện hữu của họ. Tam Hiền thập Thánh cũng là người, nhưng điểm ưu việt của họ về trí tuệ, đức hạnh, phước báu, đạo lực, tu chứng… vượt hơn những người khác. Thật vậy, thực tế cho thấy tuy cùng là người, nhưng cũng có sự khác biệt, có người thông minh, có người chậm hiểu, có người học cũng không hiểu. Thậm chí những người cùng học một trường, cùng học một lớp, việc học hoàn toàn giống nhau, nhưng mỗi người đạt kết quả khác nhau, vì khác ở hiểu biết, khác khả năng tiếp thu, nhận thức… Vì vậy, trong hàng xuất gia cũng chia làm ba cấp bậc là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Hàng chưa học mà hiểu là Bồ-tát. Hàng Duyên giác học ít hiểu nhiều và hàng Thanh văn, học bao nhiêu hiểu bấy nhiêu. Điều này thể hiện rõ nét trong hàng đệ tử của Đức Phật. Điển hình như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai người bạn thân, nhưng hai vị này có hiểu biết khác nhau, hoặc sở tu sở chứng của Ưu Ba Ly không giống Ca Diếp… Nói chung, các vị Thánh La-hán có quả vị La-hán đồng nhau, nhưng tuệ lực thì khác nhau.
Cần có tầm nhìn xa hơn mới thấy được sự tu chứng trong đạo Phật là điều chính yếu, chứ không hạn hẹp ở sự hiểu biết suông về lý thuyết. Từ yếu lý này, nhiều điều mà tạng Nguyên thủy không ghi, hay chỉ ghi nhận sự kiện thực tế thôi, nhưng với huệ nhãn hay pháp nhãn của người có trình độ chưa học mà đã hiểu thì thấy khác, thấy sâu xa hơn.
Khởi đầu, kinh Nguyên thủy ghi Đức Phật ngồi ở cội bồ-đề thành Vô thượng Chánh đẳng giác là Ngài biết được tất cả kiếp quá khứ của Ngài, biết được tất cả hiện tượng xảy ra trong cuộc đời và Ngài biết cả những diễn biến trong tương lai. Thành Phật phải có sự hiểu biết chính xác và trọn vẹn như vậy. Ngoài ra, thành Phật cũng là con người đó, nhưng khác với lúc chưa thành Phật. Kinh Nguyên thủy ghi rằng đầu tiên Phật đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Nhưng quan trọng là chúng ta thấy thêm yếu lý tiềm ẩn trong sự kiện vật chất, đó là điều mà Đại thừa triển khai.
Khi Phật tới, năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng không cần tiếp đón Sa-môn Cù Đàm, vì người này không tu nổi, đã ăn uống bình thường và còn nói chuyện với đám con nít.
Họ định không tiếp Phật, nhưng điều này được kinh Đại thừa triển khai rằng họ làm lơ, không tiếp Phật trên thực tế, nhưng các ông nhìn hướng nào cũng thấy Phật, nghĩa là Phật này đã ở trong tâm các ông. Vì vậy, tâm các ông nghĩ không đón tiếp Sa-môn Cù Đàm, nhưng nghĩ như vậy là hình ảnh thánh thiện của Phật đã lọt vô lòng các ông rồi. Nói cách khác, đó là sự yên lặng như Chánh pháp. Từ yếu nghĩa này, Đại thừa thường đề cập đến thuyết pháp trong thiền định, không nói mà nói, không nghe mà nghe. Không nói mà nói là nói trong thiền định và không nghe mà nghe là nghe bằng tâm mới là điều quan trọng nhất đối với người tu.
Thực tế cho thấy nhiều khi giảng đường chỉ có vài chục Phật tử mà họ ồn ào nói đủ thứ chuyện. Trong khi Đức Phật ngồi ở tịnh xá có hàng ngàn người nghe pháp. Vua A Xà Thế tới thấy hội trường hoàn toàn yên lặng, vì các Tỳ-kheo đang ngồi thiền, đang nhập định; bấy giờ thầy trò gặp nhau trong định, nên Phật thuyết pháp trong định rất quan trọng. Nếu ngồi thiền mà không nghe được pháp âm bị Tổ quở là than nguội củi mục, không đạt được kết quả tốt đẹp. Cốt lõi của Phật giáo Nguyên thủy là các thầy ngồi thiền phải có Chánh niệm mới có Chánh định mới nghe Phật thuyết pháp trong định.
A Xà Thế thấy hàng ngàn Tỳ-kheo yên lặng, Phật cũng yên lặng, bấy giờ Đại thừa nghĩ thêm chẳng lẽ Phật và đại chúng ngồi không. Nếu rơi vào tình trạng ngồi không thì chúng ta thấy trong thực tế có các đạo tràng tu mà không chứng, nên ngồi thiền một lúc họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không muốn ngồi thiền nữa. Nhưng thực tu vào định, nghe Phật thuyết pháp được và sống với niềm hỷ lạc đó.
Tôi có trải nghiệm này, nhiều năm trước ở chùa chỉ có một thầy một trò trong đêm thanh vắng, tôi nghe tiếng tụng kinh. Tôi hỏi Hòa thượng: Con không thấy ai, nhưng nghe tiếng tụng kinh. Hòa thượng nói Tổ tụng kinh. Trên bước đường học đạo, trong cảnh thanh vắng, tâm chúng ta cũng thanh vắng và chúng ta vào Chánh định nên bắt gặp được âm thanh của người trụ Chánh định. Vì vậy, Tổ và Phật nhập định cả ngàn năm, nhưng khi chúng ta vào Chánh định cũng nghe được các Ngài.
Nghe Phật thuyết pháp mới quan trọng. Trí Giả nói không nghe ngôn ngữ nhưng nghe pháp ngữ nghĩa là bình thường chúng ta nghe Giáo thọ sư giảng dạy bằng ngôn ngữ chỉ để gợi ý cho chúng ta và trở về phòng, khi chúng ta vào Chánh định thì những yếu nghĩa tự sáng ra trong tâm trí mình. Trí Giả phát hiện lý này, ngài nói hội Linh sơn chưa tan, dù ngài sống cách xa Phật đã 1.000 năm, vì trong Chánh định, ngài thâm nhập được hội Linh Sơn mới nghe được Phật Thích Ca thuyết pháp, nên ngài nói không nghe mà nghe là nghe bằng tâm yên tĩnh, tức có Chánh niệm, Chánh định mới nghe pháp âm Phật.
Theo Trí Giả, có các trường hợp nghe như sau. Một là các thầy nghe mà không nghe nghĩa là không để ý nghe, không lóng nghe, ngồi trong lớp nghe bằng tai nhưng không nghe bằng tâm. Nếu nghe bằng tai và thấy bằng mắt là không thấy Phật và không nghe được pháp thì tu cả đời vẫn là phàm phu. Vì vậy, cái nghe thứ hai quan trọng hơn, chúng ta nghe bằng tai và những gì nghe được đều chui vào tâm mình. A Nan thuộc hạng này, ngài nghe Phật nói pháp bằng tai và ghi nhớ, lưu trữ toàn bộ trong tâm, nên ngài kiết tập được lời Phật dạy không sót, được tôn kính là bậc đa văn đệ nhất.
Riêng tôi nhờ thực tập pháp tu này, phát huy được tuệ giác. Tất cả những gì tôi học đều trở thành đề tài lớn mà suốt đời tôi luôn suy nghĩ, trong yên lặng tôi vẫn suy nghĩ, tìm ra những yếu lý của pháp Phật.
Chúng ta là Thanh văn nhờ nghe pháp bằng tai và lưu giữ được trong tâm để tiến tu đạo hạnh. Còn nghe pháp không vô tâm thì xếp vào hạng chỉ nghe ngôn ngữ, không nghe pháp ngữ, nên khi lời giảng dạy của Giáo thọ sư chấm dứt thì pháp cũng bay mất, quả là uổng phí đời tu và cô phụ sự giáo dưỡng của thầy, tổ.
Và cái nghe thứ ba của Bồ-tát không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe được pháp ngữ là nghe trong thiền định. Hai nhà sư đắc thiền nói với nhau trong thiền định chính xác hơn là nói bên ngoài. Điển hình là sự gặp gỡ tương thông kỳ diệu giữa Phật Triết và Hạnh Cơ. Ngài Phật Triết là nhà sư Việt Nam đã đóng bè tre sang Nhật truyền đạo. Đúng ngày giờ bè tre của ngài tấp vô bờ biển thì đã có Bồ-tát Hạnh Cơ đứng đón. Hai vị này không nói với nhau bàng ngôn ngữ nhưng đã truyền thông cho nhau bằng tâm. Ngài Hạnh Cơ mong ngài Phật Triết sang làm lễ khai quang tượng Tỳ Lô Giá Na và ngài Phật Triết tự vượt trùng dương đến Nhật cũng để làm tốt việc này.
Vào thời đó, Thiên hoàng Nhật ra lệnh ai có đồ đồng phải đem nộp để đúc pho tượng Tỳ Lô Giá Na lớn nhất mà chỉ Nhật Bản có được. Pho tượng lớn đến mức bàn tay của Phật rộng có thể chứa được 16 người ngồi thiền. Nhưng pho tượng chỉ có thể đúc đến vai thôi, phần đầu không thể đúc được, ngài Phật Triết đã chỉ đạo cho việc đúc tiếp đầu pho tượng Phật thành công, ngài đã khai quang pho tượng và làm lễ tán hoa cho lễ hộiPhật giáo Nhật. Công đức của ngài Phật Triết đã được khắc ghi trên tấm bia ở chùa Đại An, Nhật Bản.
Qua việc làm nói trên, có thể khẳng định rằng ngài Phật Triết và ngài Hạnh Cơ không sử dụng ngôn ngữ, nhưng hai vị này đã sử dụng thiền ngữ và pháp ngữ. Đối với thầy tu, thiền ngữ quan trọng nhất, nghĩa là hiểu trong lòng. Hai huynh đệ hiểu nhau không cần nói bằng lời, nhưng hiểu sâu sắc về nhau; trên bước đường tu, chúng ta gặp được bạn tri thức là như vậy, gọi là linh sơn cốt nhục, tức bạn chân linh. Chân linh ta và chân linh bạn hỗ trợ nhau để tiến tu; thiếu bạn này thì khó tu. Tôi thành đạt được nhờ gặp nhiều thiện tri thức như vậy.
Trở lại vấn đề Phật giáo Nguyên thủy đã có pháp hành, pháp tu được Phật dạy ban đầu là Thiền Tứ niệm xứ tiến tu đến thành tựu Bát Chánh đạo. Thực tập pháp này theo Nguyên thủy sẽ thành tựu quả vị Thánh La-hán. Thật vậy, tất cả pháp Phật dạy nhằm giúp chúng ta xóa nghiệp phàm phu. Mình là phàm tăng nương theo đức của đại tăng mà xóa lần nghiệp phàm và đưa pháp Phật vào, lần lần trở thành Hiền Thánh là đã có sự khác biệt gọi là tâm hình dị tục.
Người đời toan tính đủ thứ mới sanh tham sân si, phiền não, tự ái và khổ đau. Còn mình tu hành, tâm khác người đời. Họ cần kiếm ăn ngon, nhưng mình tu, thức ăn chính là thiền thực và pháp thực thú vị hơn. Tôi đọc sách thấy hay quá, nên quên đói, quên ăn. Từ sở đắc này, tôi phát hiện chúng ta phải thích thú trong việc ngồi thiền mới quên ăn, quên ngủ, quên đói.
Có thể nói thiền thay cho ngủ. Nhưng có người ngồi thiền ngủ gục, phải nhờ thầy gõ nhẹ vào lưng cho thức. Tôi hỏi tại sao ngủ, họ nói ngủ từ trong ruột là nghiệp trần quá nặng, nhưng tu hành phải có thay đổi tốt hơn. Có lần tôi họp ở Mỹ, thấy các thầy Việt Nam, Nhật, Trung Quốc đều luôn gật đầu đồng ý tất cả những gì diễn giả nói! Các thầy nói sao buồn ngủ quá, vì 2 giờ chiều ở Mỹ, Hội đồng Tôn giáo họp, ở nước mình là 2 giờ khuya là giờ ngủ.
Thiền Tào Động ở Nhật tập 1 giờ đêm bắt đầu thức và tập quen như vậy, nên tôi không buồn ngủ.
Mệt mới ngủ, nên người tu lấy thiền thay cho ngủ. Nhưng phàm tăng ngủ dậy rồi vẫn còn ngáp và mặt bơ phờ. Còn thiền sư thì khác, họ không mệt, không buồn ngủ, vì họ thiền là cơ thể đã nghỉ ngơi. Tu có ngộ, có chứng cuộc sống phải khác người thường.
Khởi đầu theo Nguyên thủy kinh điển được ghi chép thành văn và từ đó ý nghĩa sâu xa của Phật dạy được suy nghĩ rộng ra, triển khai thành kinh điển Đại thừa trong đó có kinh Hoa nghiêm. Theo Trí Giả, Đức Phật nói kinh Hoa nghiêm 21 ngày trong thiền định, kế tiếp Phật nói kinhA-hàm 12 năm, kinh Phương đẳng 8 năm, kinh Bát-nhã 22 năm và kinh Pháp hoa, kinh Niết-bàn được Phật nói sau cùng 8 năm. Như vậy là trọn cuộc đời thuyết pháp của Đức Phật 49 năm, nhưng Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Đức Phật thuyết pháp trong 45 năm.
Theo tôi, thời gian 45 năm, hay 49 năm Đức Phật thuyết pháp không quan trọng. Vì kinh Pháp hoa nói rằng chư Phật có đời sống có thể thu 60 kiếp thành nửa ngày, đó là thời gian tâm lý khác với thời gian thực tế. Thí dụ điều gì chúng ta mong đợi sẽ cảm thấy nó đến rất chậm, điều gì chúng ta lo sợ thì thấy nó đến rất nhanh. Hoặc đối với người bị án tù 10 năm, thời gian một ngày trôi qua rất chậm, còn phạm nhân bị tuyên án tử hình, họ thấy một ngày qua mau.
Theo Nguyên thủy, sau khi Đức Phật thành đạo, Phật bắt đầu nhìn lại quá khứ Ngài từng là rong rêu, gỗ đá tiến lên làm nai, làm sư tử, làm muông thú cho đến làm người, làm trưởng giả, làm vua, làm thầy tu… Nói chung, Đức Phật biết rõ từng kiếp quá khứ của Ngài và của các bạn thân hay thù mà trong đời hiện tại tất cả có mặt đầy đủ theo lý nhân duyên. Thể hiện ý này, Phật nói quá khứ và hiện tại là một.
Người thương là thiện duyên và người ghét là nghịch duyên cũng kéo tới. Như trường hợp vua A Xà Thế và Tần Bà Sa La, họ từng là kẻ thù của nhau trong kiếp quá khứ, nên A Xà Thế tái sanh làm con để trả mối thù với Tần Bà Sa La. Vì vậy, khi hoàng hậu mang thai A Xà Thế, bà đã có thèm muốn rất đáng sợ là muốn hút máu vua. Điều này cho thấy dù còn là bào thai, A Xà Thế đã muốn uống máu kẻ thù là vua cha.
Hiểu lý này, tôi quan sát người thương hay người ghét để sắp đặt việc tu hành, tăng trưởng quyến thuộc Bồ-đề và hóa giải ác duyên, đó chính là thể hiện ý nghĩa quán nhân duyên, không phải chỉ đọc suông vô minh duyên hành, hành duyên thức….
Các thầy phải quán các pháp để thấy nhân duyên. Quán là cái thấy trong thiền định và trở lại thực tế, thấy cũng giống như thấy trong thiền định là đúng. Nếu chưa Chánh niệm, còn tà niệm là bị vô minh, nên thiền thấy vậy, nhưng thực tế thì phũ phàng là không đắc đạo, thấy sai.
Quán nhân duyên theo Nguyên thủy qua kinh Hoa nghiêmvẽ bản đồ rõ ràng lộ trình tu của chúng ta. Giáo sư Sakamoto vẽ bản đồ này cho biết quá trình tu từ ngũ ấm sanh quốc độ và quốc độ sanh chúng sanh. Nghĩa là sự hiện hữu của tất cả quốc độ và sự hiện hữu của tất cả các loài gọi là chúng sanh khởi nguyên từ ngũ ấm gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật cũng dạy các Tỳ-kheo quán ngũ ấm. Trước hết quán sắc, tức thân vật chất không phải là ta, vì nó luôn sinh diệt, biến đổi không ngừng. Thật vậy, ta từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành cho đến già, đến chết thì "Ta” này luôn thay đổi, cho nên người tu không bám víu vào sắc ấm. Kế tiếp quán thọ ấm cho đến thức ấm cũng thay đổi luôn. Quán thuần thục sẽ nhận thấy ngũ ấm là không, là vô ngã. Ý này được Hòa thượng Thiện Siêu diễn tả vô ngã là Niết-bàn.
Còn chúng ta chỉ nói, hay quán nhưng vẫn thấy ngũ ấm hiện hữu thực là chưa được. Trên bước đường tu, từ nói lý thuyết cho đến quán sát các pháp và phải chứng đắc thì sanh tử mới không trói buộc chúng ta nữa, đó là yếu lý mà Đại thừa triển khai quá trình hình thành tam thế gian khởi đầu từ ngũ ấm thế gian cho đến quốc độ thế gian và chúng sanh thế gian.
Từ ngũ ấm không thực qua giai đoạn hai là quốc độ. Quốc độ là vật chất. Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật cũng nói Ngài từng làm đá, làm cây, làm thảo mộc, nhưng kinh Đại thừa triển khai thêm một bước là bắt đầu có đá, có nước, có không khí, có lửa… mới hình thành nên sự sống của quốc độ. Và đến giai đoạn ba, có chúng sanh hiện ra. Thật vậy, Phật nói Ngài từng là sinh vật nhỏ bé ở dưới nước, tiến lên làm côn trùng, làm dã thú cho đến có thân người với cấu trúc cơ thể đặc biệt. Vì vậy, Phật nói chỉ loài người mới tu thành Phật được.
Ngày nay chúng ta được mang thân người là hàng cao nhất trong tứ sanh và cao nữa được gặp Phật pháp lại được xuất gia làm Sa-môn. Chỉ có con người được làm Sa-môn, nhưng không phải làm người mà ai cũng được xuất gia làm Sa-môn, vì còn có giá nạn. Hơn thế nữa, tu hành suông sẻ từ nhỏ đến già rất khó, nên không ít người tu rồi hoàn tục rồi lại tu nữa.
Từ người làm Sa-môn, làm Thanh văn cũng phải có đủ tiêu chuẩn làm Thanh văn, nói rõ là đắc đạo; không phải ai cũng đắc đạo. Nhưng nếu không đắc đạo cũng phải giữ thân người để kiếp sau tu nữa, đừng để rớt xuống làm thú vật rất khó tu.
Làm Sa-môn đúng nghĩa được Phật nói cho vua A Xà Thế nghe trong kinh Sa-môn quả. Gặt hái được từ quả thứ nhất đến quả cuối cùng của Sa-môn là ai cũng muốn thấy ta, nghe ta, gần gũi ta, vì nương theo ta, họ học được, có được cuộc sống an lành và được giải thoát.
Vì vậy, Sa-môn đúng nghĩa phải có đời sống giải thoát thực sự. Muốn được như vậy, phải có quá trình tu chuyển hóa từ thân ngũ ấm theo phàm phu trở thành Pháp thân trang nghiêm giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến mới thực sự tỏa sáng nếp sống thảnh thơi, giải thoát. Và từ nền tảng kiên cố này mới đi sâu vào thiền quán, mới thấy đúng như thật lý nhân duyên sanh các pháp để từng bước dìu dắt những người hữu duyên cùng hành Bồ-tát đạo với mình cho đến thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!
***
Huy Thai gởi
|
|