Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Sơ nét về Như Lai Tạng
如來藏
Tathāgata-Gabbha - Tathāgata-Garbha
Essential Nature
(2024)
***

Nội dung

1. Khái quát về Như Lai Tạng.
Như Lai Tạng(如來藏;  P: Tathāgata-Gabbha;  S: Tathāgata-Garbha;  E: Buddha-nature, Buddha-essence, Essential nature).
2. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Như Lai Tạng.
          Pháp thân thường trụ  → Phật tính thường trụ  →  Như Lai Tạng
3. Tư tưởng Như Lai Tạng qua các kinh-luận Bắc truyền.
          1) Như Lai Tạng kinh (如來藏經).
                    1. Đại phương đẳng Như Lai Tạng kinh(大方等如來藏經).
                    2. Đại phương quảng Như Lai Tạng kinh(大方廣如來藏經).
          2)Bất Tăng Bất Giảm kinh (不增不减經).
3)Thắng Man kinh (勝鬘經;  S: Śrīmālā-siṃha-nāda sūtra;  E: Lion’s Roar of Queen Śrīmālā).
4)Lăng Già kinh (楞伽經;  S: Laṅkāvatāra sūtra;  E: Discourse of the Descent into Liṅga).
5)Viên Giáckinh (圓覺經;  S: Mahāvaipulyapūrṇa-buddhasūtra-prasannārtha sūtra;  E: Sutra of Perfect Enlightenment).
6)Khởi Tín luận. (起信論;  S: Śraddhotpāda śāstra;  E: Treatise on the Awakening of Faith → luận “Phát khởi niềm tin”).
7)Phật tính luận (佛性論;  S: Buddhatā śāstra;  E: Treatise on the Buddha-nature).
4. Như Lai Tạng duyên khởi(如來藏緣起).
          Như Lai Tạng duyên khởi (如來藏緣起) = A-lại-da duyên khởi (阿賴耶緣起) = Chân Như duyên khởi (真如緣起) = Pháp Giới duyên khởi  (法界緣起)
NBS:  Minh Tâm (3/2024)
 
1. Khái quát về Như Lai Tạng.

Trong Phật giáo Bắc truyền có ba học thuyết chính làm nền tảng  là:
Không Tính (空性;  S: Śūnyatā).
Duy Thức (唯識;  S: Vijñapti-Mātratā).
Như Lai Tạng (如來藏;  S: Tathāgata-Garbha).
        Tuy nhiên, cốt lõi của cả ba học thuyết này vẫn là từ học thuyết Duyên khởi (縁起;  P: Paṭicca-samuppāda;  S: Pratītya-samutpāda;  E: Dependent origination, Dependent arising)mà ra.  Do đó, mọi giải thích về chúng cần tương hợp và gắn liền với Duyên khởi.
Như Lai Tạng(如來藏;  P: Tathāgata-Gabbha;  S: Tathāgata-Garbha;  E: Buddha-nature, Buddha-essence, Essential nature):
- → Người đã đi như vậy), One who has thus come ( → Người đã không đi như vậy).
Điều này được giải thích biểu thị rằng Như Lai vượt ngoài mọi sự đến và đi, vượt khỏi mọi hiện tượng nhất thời. Nó còn hàm ý rằng lời dạy được thốt ra bởi một người đã vượt qua thân phận con người, tức là vượt ra ngoài Khổ (苦; P: Dukkha; S: Duḥkha; E: Unhappiness, Suffering).
Trong kinh Tương Ưng Bộ I, Chương Chư Thiên, phẩm Cây Lau, đức Phật trả lời câu hỏi của vị Thiên:
- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?  [bộc 瀑: thác nước; lưu 流: dòng nước → bộc lưu là dòng chảy của thác nước]
- Này Hiền giả, không dừng lại, không bước tới, Như Lai vượt khỏi bộc lưu.
- Thưa Tôn giả làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
- Này Hiền giả, khi Như Lai đứng lại, thời Như Lai chìm xuống. Này Hiền giả, khi Như Lai bước  tới, thời Như Lai trôi dạt; do vậy này Hiền giả, không dừng lại, không bước tới, Như Lai vượt khỏi bộc lưu.
Vị Thiên tán thán:

Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.

Vị Thiên nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được:”Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
Lúc sinh thời, đức Phật Thích-ca-mâu-ni sử dụng thuật ngữ này để tránh sử dụng đại từ ngôi thứ nhất "ta", "tôi" hoặc “chính tôi” hoặc các vị Phật khác trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp, để thể hiện sự khiêm tốn.

Tạng[藏;  P: Gabbha;  S: Garbha;  E: Womb (Trung tâm), Essence, Essential nature (Bản chất, Bản chất tinh yếu)]
- Như Lai Tạng theo nghĩa hẹp là chỉ cho tất cả tạng kinh do đức Phật tuyên thuyết.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Người nào chuyên tâm trì tụng kinh Tăng Nhất tức là tổng trì Như Lai Tạng”.
- Như Lai Tạng theo nghĩa rộng hình thành vào thời kỳ Phật giáo Phát triển mà ý nghĩa của nó được hiểu như sau:    

Như Lai Tạng là cách nói khác của Pháp thân Như Lai (= Chân lý khách quan tự nhiên “Duyên khởi”) xưa nay vốn tồn tại vô thủy vô chung, là tự tính (= tính chất tự nhiên) trong mọi chúng sinh và vạn vật, không bị phiền não làm ô nhiễm. Những ai nhận ra tự tính này được gọi là Như Lai.
Tự tính này không gì khác hơn là Duyên khởi tính, tức Vô ngã tính và Vô thường tính luôn luôn đồng thời hiện diện ở Danh và Sắc, tức Tâm và Thân hay Vô hình Và Hữu hình.

Tất cả hiện tượng trọc nhiễm hay thanh tịnh đều do Duyên theo Như Lai Tạng mà sinh khởi, gọi là Như Lai Tạng Duyên khởi (Xin xem bên dưới).  Ví như nước vốn có các phân tử H2O là tự tính, còn nước trong hay đục với nhiều màu sắc pha vào trộn vào (trọc nhiễm). Trong các kinh luận, tư tưởng này thường được dùng để nói rõ về ý nghĩa ngộđối lập trong con người.

2. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Như Lai Tạng.
Như Lai Tạng (S: Tathāgata-Garbha) là từ kết hợp của Tathāgata và Garbha, hai từ vốn đã có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo được Phật giáo tiếp nhận và phát triển thành hệ tư tưởng đặc thù.                                                                                                            
Thuyết Như Lai Tạng hình thành vào thời trung kỳ Phật giáo Bắc truyền, đó là một quá trình thừa kế, phát huy và hoàn thiện trong lịch trình diễn tiến tất yếu của lịch sử tư tưởng Phật giáo Bắc truyền nói chung và học thuyết Như Lai Tạng nói riêng, có thể khái lược như sau:
Thuyết Như Lai Tạng lấy Như Lai làm vấn đề trọng tâm. Như Lai ban đầu chỉ cho đức Phật Thế Tôn sống động ở nhân gian mà hàng đệ tử được ở chung, được nghe ngài thuyết pháp. Sau khi Như Lai diệt độ, các đệ tử kính nhớ chỉ còn biết nương tựa vào giáo phápgiới luật làm thầy dẫn đường và xem giáo pháp là Pháp thân, tức Pháp thân thường trụ  là thân bất diệt của Như Lai.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Thầy của chúng ta là Đức Thế Tôn xuất hiện với thọ mạng ngắn ngủi ở thế gian, nhục thân của Ngài tuy đã mất, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn còn.”
Giáo pháp kia kỳ thực cũng chỉ là phương tiện để trực nhận ra sự thật Duyên khởi (Vô ngã + Vô thường) vốn tồn tại vô thủy vô chung nơi mọi sự mọi vật trong vũ trụ này.
Trong kinh Tăng Chi Bộ cũng như trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã xác định rằng :
Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.

Không bao lâu sau Pháp thân thường trụ, đã chuyển tiến đến quan điểm Phật thân thường trụ, rồi tiếp tục phát triển thành quan điểm Phật tính thường trụ tiềm ẩn nơi mỗi một chúng sinh. Tuy nhiên không dừng lại ở đó mà phát triển thành học thuyết Như Lai Tạng, và hoàn thiện của học thuyết này là tư tưởng kinh Lăng-già và kinh Mật-nghiêm đã điểu hòa và kết hợp tư tưởng Như Lai TạngA-lại-da giải quyết trọn vẹn cả 2 chiều giải thoát quan và sinh tử quan.

Vì thế mà Lữ Trừng đã nhận định: “Lăng-già kinh và Mật-nghiêm kinh xuất hiện, dùng thái độ điều hòa 2 thuyết kể trên nói rằng A-lại-da và Như Lai Tạng chỉ có tên gọi bất đồng còn pháp thể là một, nghĩa lý cũng là một, cho rằng A-lại-da không chỉ có nhiễm mà còn có tịnh, như thế là có ý đem hai thuyết tổng hợp lại.”
Theo Như Lai Tạng duyên khởi thì “Như Lai Tạnglà thể(thực thể), còn A-lại-da là tướng (biến tướng)

Ở Ấn độ, tư tưởng Như Lai Tạng được thành lập sớm hơn thuyết Duy Thức và khác với tư tưởng của Trung quán, Duy thức. Nhưng người đời sau không lập riêng Như Lai Tạng ngoài thuyết Duy thức, mà lại bàn về Như Lai Tạng trong thuyết Duy thức.
Ở Trung quốc thì Địa Luận tông cho Như Lai Tạng là cứu cánh, rồi lập ra thuyết “Tịnh Thức Duyên khởi”.  Thiên Thai tông thì cho rằng Như Lai Tạng tức là Thực tướng và coi là diệu pháp bất khả tư nghị.        

3. Tư tưởng Như Lai Tạng qua các kinh-luận Bắc truyền.

1) Như Lai Tạng kinh(如來藏經).
Như Lai Tạng kinh có 4 bản dịch ra chữ Hán, nhưng hiện nay chỉ còn bản dịch thứ 3 và thứ 4. Bản đầu tiên do ngài Pháp Cự dịch vào đời Tây Tấn, cứ đó suy ra ta có thể biết kinh Như Lai Tạng đã được truyền vào Trung quốc khoảng thế kỉ III Tây lịch. Vì kinh này giải thích rõ về Như Lai Tạng nên gọi là Như Lai Tạng kinh.

Nội dung nói rõ mặc dù chúng sinh sống trong phiền não khổ đau, nhưng Như Lai Tạng cũng không vì thế mà bị nhiễm ô; đồng thời kinh dùng 9 thứ thí dụ để thuyết minh tự tính thanh tịnh của Như Lai Tạng. Phần thí dụ này chiếm phần lớn bộ kinh. Về hình thức thì sau mỗi đoạn văn trường hàng (văn xuôi) đều có kệ trùng tụng (văn vần lập lại ý chính trong đoạn văn xuôi).

Nội dung kinh chỉ nhấn mạnh đến Như Lai Tạng chứ không nói rõ về mối quan hệ giữa Như lai tạng và thức A lại da. Cứ theo hình thức nội dung và niên đại phiên dịch mà suy đoán, thì kinh này là tác phẩm xuất hiện sớm nhất trong số các kinh luận nói về Như Lai Tạng. Ý chỉ cốt lõi của Như Lai Tạng là tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Hai bản dịch kinh 3 và 4 có lại ra chữ Hán là:

1. Đại phương đẳng Như Lai Tạng kinh (大方等如來藏經), do ngài Phật-đà Bạt-đà-la (S: Buddhabhadra:  Giác Hiền * 359-429) dịch vào năm Nguyên Hy thứ 2 (420) đời Đông Tấn, được thu vào Đại chính tạng tập 16.

2. Đại phương quảng Như Lai Tạng kinh (大方廣如來藏經), do ngài Bất Không Kim Cương (S: Amoghavajra * 705-774) dịch vào khoảng năm Đại lịch (746-771), đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 16.
Trong 2 bản kinh trên có nêu 9 thí dụ để giải thích rõ ý nghĩa Như Lai Tạng ẩn giấu trong phiền não, như: Trong hoa sen có hóa Phật, mật ngọt trong rừng rậm, vàng ròng rơi vào chỗ nhơ bẩn, tượng vàng bọc trong giẻ rách, cô gái nghèo hèn mang thai quí tử...
Hai bản dịch trên đây chỉ khác nhau chút ít, nhưng nội dung bản dịch của ngài Bất Không tương đối phong phú và rõ ràng hơn bản dịch của ngài Phật-đà Bạt-đà-la. Ngoài ra, hiện còn có bản dịch Tây tạng.

2) Bất Tăng Bất Giảm kinh (不增不减經).

Kinh này tuy ngắn nhưng hàm chứa những ý nghĩa rất quan trọng. Chủ đề của nó xoay quanh quan điểm là dù sự khai ngộ của chúng sinh có tăng giảm nhưng Chúng sinh giới và Pháp giới không tăng không giảm. Bởi vì, hai giới này thực chất chỉ là một giới (界;  S: dhātuḥ;  E: realm of perception), Chúng sinh giới không ngoài Pháp giới, Chúng sanh giới tức Pháp giới.

Chúng sinh vì không nhận thức được sự thật này nên cứ ôm giữ tà kiến, chìm đắm trong sanh tử luân hồi. Một Pháp giới này, dưới ánh sáng tuệ giác của Phật, nó là Đệ nhất nghĩa đế. Đây cũng là Chúng sinh giới, Như Lai Tạng, đồng thời không nằm ngoài Pháp thân Như Lai. Vì vậy, Như Lai Tạng cũng là Chúng sinh giới.

3) Thắng Man kinh (勝鬘經;  S: Śrīmālā-siṃha-nāda sūtra;  E: Lion’s Roar of Queen Śrīmālā).
Có thể nói đây là bô kinh nói về ý nghĩa Như Lai Tạng khá hoàn chỉnh.
Liên quan đến Như Lai Tạng, kinh này nói:
•  Chương “Tự tính thanh tịnh” cho rằng:  “Tự tính muôn vật đều là tự tính Như Lai, nên gọi là Như Lai Tạng”.  Tương tự:
        Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ đã bày tỏ sự trực ngộ như sau:
何其自性本自清凈       Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh,            
何其自性本不生滅       Hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt,             
何其自性本自具足       Hà kỳ tự tính bản tự cụ túc,                   
何其自性本無動搖       Hà kỳ tự tính bản vô động dao,            
何其自性能生萬法       Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp...

Nào ngờ Tự tính vốn tự thanh tịnh,
Nào ngờ Tự tính vốn chẳng sanh diệt,
Nào ngờ Tự tính vốn tự sẵn đủ,
Nào ngờ Tự tính vốn không lay động,
Nào ngờ Tự tính sinh ra muôn pháp ...

•  Chương “Không nghĩa ẩn phú chân thật” cho rằng Như Lai Tạng có thể chia làm 2 loại: 
1. Như Lai Tạng vượt ngoài phiền não, hoặc chẳng giống với phiền não, tức trong Như Lai Tạng, phiền não là không, nên gọi là Không Như Lai Tạng.     
2. Như Lai Tạng đầy đủ tất cả pháp mà chẳng lìa, chẳng thoát, chẳng khác với phiền não, gọi là Bất không Như Lai Tạng.        
Chương “Pháp thân” nói: “Pháp thân Như Lai không lìa phiền não, ẩn tàng trong phiền não, gọi là Như Lai Tạng”.
Như Lai Tạng còn có thể chia làm 2 loại:
1. Tại triền:  Ở trạng thái bị phiền não trói buộc (tại triền), bao hàm Không Như Lai TạngBất không Như Lai Tạng.
2. Xuất triền: Ở trạng thái đã thoát ra khỏi sự trói buộc của phiền não (xuất triền).  
Như Lai Tạng luôn hàm tàng hai cặp phạm trù trái ngược nhau như:  Mê – Ngộ, Thiện – Bất thiện, Sanh tử – Niết-bàn…

4) Lăng Giàkinh (楞伽經;  S: Laṅkāvatāra sūtra;  E: Discourse of the Descent into Liṅga).
Trong kinh này, vấn đề Như Lai Tạng được đề cập từ khía cạnh khác nhau trong những đoạn khác nhau.
1.  Về Chánh kiến(正見;  P: Sammā-diṭṭhi;  S: Samyag-dṛṣṭi), như đức Phật trình bày trong kinh, khi đạt được Chánh kiến, từ Chánh kiến sẽ khiến tâm được tịch diệt, “tâm tịch diệt gọi là nhất tâm, nhất tâm chính là Như Lai Tạng”.  :
- Kinh viết:  “Này Lăng Già vương! Tất cả pháp là chẳng phải pháp, không thể nghe, không thể nói. Này Lăng Già vương! Tất cả pháp thế gian đều như huyễn, nhưng kẻ ngoại đạo phàm phu thì không biết. Này Lăng Già vương! Nếu có thể thấy như vậy gọi là Chánh kiến, nếu thấy khác đi thì là Tà kiến”.

Giáo pháp của Phật cũng chỉ ra rằng Chánh kiến là thấy được sự thật, thấy ra lẽ thật; đó là nhận thực Vô ngã và Vô thường, là lẽ thật Duyên khởi vậy.
- Kinh viết:  “Ta từ đêm chứng được Chánh giác Tối thượng, cho đến đêm nhập Niết-bàn, ở khoảng giữa thời gian đó, thậm chí Ta không hề thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết hay đang thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết  *  我從某夜得最正覺。乃至某夜入般涅槃。於其中間乃至不說一字。亦不已說當說。不說是佛說。* Ngã tòng mỗ dạ đắc tối chính giác, nãi chí mỗ dạ nhập bát Niết-bàn, ư kỳ trung gian nãi chí bất thuyết nhất tự, diệc bất dĩ thuyết, đương thuyết. Bất thuyết thị Phật thuyết.”
Đoạn kinh văn trên có thể được xem là thông điệp xuyên suốt kinh Lăng Già, và là hành trang cần thiết để chúng ta đi vào cõi “thánh trí tự chứng ”.

2. Về A-lại-da thức(阿賴耶識;  P: Ālaya-viññāṇa;  S: Ālaya-vijñāna):  Một vấn đề quan trọng khác trong kinh trình bày là sự liên quan giữa A-lại-da thức và Như Lai Tạng. Như Lai Tạng chính là A-lại-da thức, hàm chứa chủng tử thiện (P;S: sādhu) và ác (P;S: agha), ngoài ra trong bản thân nó không có cái gì để gọi là tự ngã hay linh hồn.
Sự nhận thức đạt được khi căn, cảnh và thức hoà hợp. Ngoại đạo vì không hiểu điều này nên chấp chặt vào ý niệm và cố gắng đi tìm một nguyên nhân duy nhất cho sự sinh khởi các pháp.

5) Viên Giáckinh (圓覺經;  S: Mahāvaipulyapūrṇa-buddhasūtra-prasannārthasūtra; E: Sutra of Perfect Enlightenment)= Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh大方廣圓覺修多羅了義經.
Viên Giác (圓覺) là giác tính viên mãn, nghĩa là lý tính do Như Lai chứng được có đầy đủ muôn đức, tròn đầy cùng khắp, linh diệu sáng tỏ. Hơn nữa, hết thảy chúng hữu tình đều có bản giác, từ vô thỉ đến nay thường trú thanh tịnh, sáng rực không mê mờ, rõ ràng thường biết; nếu nói về thể thì đó là nhất tâm; nếu nói về nhânNhư Lai Tạng; nói về quảViên Giác; cùng đồng nhất với Chân Như, Phật tính, Pháp giới, Niết-bàn, Bồ-đề, v.v.

Trong chương Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát của kinh Viên Giáccó chép:
Kinh giác liễu nghĩa của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng!*  修多羅教, 如標月指。 若復見月,了知所標, 畢竟非月。* Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ. Nhược phục kiến nguyệt, liễu tri sở tiêu, tất cánh phi nguyệt. ”

Giáo pháp của Phật cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Người muốn thấy mặt trăng thì phải nhờ ngón tay mà xem, khi thấy mặt trăng (chân lý) rồi thì phải quên ngón tay (phương tiện). Nếu cố chấp nơi ngón tay (phương tiện) thì người ấy không bao giờ thấy mặt trăng chân lý.
Trong Viên Giác Kinh Lược Sớ Tự Chú (圓覺經略疏序注, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 10, No. 256) của Ngũ tổ Hoa Ngiêm tông là Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密, 780-841) có chú giải rằng:

萬法虛僞              Vạn pháp hư ngụy       
緣會而生、         Duyên hội nhi sanh     
生法本無、                    Sanh pháp bổn vô       
一切唯識、                    Nhất thiết duy thức      
識如幻夢、                    Thức như huyễn mộng
但是一心、                    Đản thị nhất tâm          
心寂而知、                    Tâm tịch nhi tri             
目之爲圓覺.         Mục chi vi Viên Giác              

Muôn pháp không thật,
Do Duyên gặp mà sinh,
Pháp sinh ra vốn Không,
Hết thảy chỉ có biết,
Biết như huyễn mộng,
Chỉ là Nhất tâm,
Tâm lặng mà biết,
Mắt thấy nên Viên Giác

6) Khởi Tín luận. (起信論;  S: Śraddhotpāda śāstra;  E: Treatise on the Awakening of Faith → luận “phát khởi niềm tin”).
Đây là bộ luận quan trọng bậc nhất trong Phật giáoBắc truyền, bởi lẽ các học phái sau này đều dựa trên nó để phát triển. Đây là một bộ luận trình bày hai khái niệm Chân Như và Như Lai Tạng.
Chân Như (真如;  P: Tathatā;  S: Tathātā;  E: Thusness, or Suchness → referring to the nature of reality free from conceptual elaborations and the subject–object distinction) 
- Chân 真:  Có nghĩa là thực, thật ; là Chân lý 真理.
- Như 如:  Có nghĩa là theo đúng.
Theo đó:
Chân Như có nghĩa là theo đúng Chân lý, theo đúng lẽ thật, theo đúng sự thật. Đây là một thuật ngữ được sử dụng trong Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, đề cập đến bản chất của thực tại thoát khỏi sự tạo dựng khái niệm, đặc biệt là sự khái niệm phân biệt chủ thể-khách thể (= đối tượng).
Trong đạo Phật, bản chất của thực tại là Duyên khởi, là chân lý Duyên khởi với thực tại là “Vô ngã và Vô thường”. Vì thế, nói đến Chân Như là nói đến bản chất “Vô ngã và Vô thường” vậy.Tri kiến được Chân Như tức là Giác ngộ. Chân như đồng nghĩa với Như Lai Tạng, Phật tính, Pháp thân.
Luận nói: “Nếu biết tất cả pháp, tuy diễn tả nhưng không có sự diễn tả nào có thể diễn tả được nó, tuy ý niệm nhưng không có một ý niệm nào có thể ý niệm được nó thì được tuỳ thuận. Nếu thoát li tất cả ý niệm [về nó] thì được chứng ngộ ”.
Chân Như là vô ngôn, không thể dùng cái không thật của ngôn ngữ mà diễn tả một cái chân thật được. Một pháp hữu vi sinh diệt (chân thật) được diễn tả bằng không sinh diệt (ngôn ngữ) thì sẽ là sai lầm nghiêm trọng. Chân Như còn nằm ngoài mọi lý luận nhận thức, vượt ra khỏi thế giới nhị nguyên.
Theo luận, về mặt ngôn ngữ mà nói, thì Chân Như có hai nghĩa: “Một là như thật không, vì nó hoàn toàn là hiện thật, rõ ràng; Hai là như thật bất không, vì nó có tự thể với đầy đủ các công năng vô lậu”.
- Về “không” ở đây được hiểu là từ vô thỉ đến nay Chân Như này không hàm chứa trong nó tính nhiễm ô, và nó không tương ưng với bất cứ pháp nhiễm ô nào khác. Do đó, luận nói tự tính của Chân Như là lìa Tứ cú phân biệt (S: catuṣkoṭikā) về tướng: có, không, vừa có vừa không, chẳng phải có cũng chẳng phải không.
- Về “bất không” là khi lìa được tất cả vọng niệm thì thể “không” chân thật sẽ hiện ra. Thể này không phải là vọng mà là chân thật. Nó không chút nhiễm ô nên gọi là “bất không”. Thể này cũng vô tướng nên không thể khái niệm và khi thoát li tất cả ý niệm thì được tương ưng với nó.
Chân Như này, với chúng sanh, cộng trú cùng pháp nhiễm ô gọi là Như Lai Tạng hay A-lại-da thức. Luận cứ này trong kinh Lăng Già và Bảo Tính luận cũng đã trình bày tương tự.

7) Phật tínhluận(佛性論;  S: Buddhatā śāstra;  E: Treatise on the Buddha-nature).
Trong Phật tính luận quyển 2, phẩm Như Lai Tạng, thì Như Lai Tạng (= Tạng)có 3 nghĩa, đó là: Sở nhiếp, Ẩn phú, Năng nhiếp.
1. Sở nhiếp tạng: Hết thảy chúng sinh đều được thu nhiếp vào trong trí Như Lai.
2. Ẩn phú tạng: Pháp thân Như Lai bất luận ở Nhân vị hay Quả vị đều không thay đổi, nhưng chúng sinh bị phiền não che lấp nên chẳng thấy được.
3. Năng nhiếp tạng: Quả đức Như Lai đều thu nhiếp trong tâm phàm phu.
Trong Phật tính luận quyển 2, phẩm Tự Thể Tướng và trong Thắng Man kinh, chương Tự tính thanh tịnh, thì Như Lai Tạng (= Tạng)có 5 nghĩa, đó là: Tự tính, Nhân, Chí đắc, Chân thực và Bí mật.
1. Tự tính tạng:  Muôn vật đều là tự tính Như Lai, đó là nói theo nghĩa tự tính, nên gọi là Như Lai Tạng.
2. Nhân tạng:  Tạng này là đối cảnh do Thánh nhân tu hành Chánh pháp mà sinh ra, đó là nói theo nghĩa trở thành nhân của cảnh giới, nên gọi là Chánh pháp tạng, hoặc Pháp giới tạng.
3. Chí đắc tạng:  Tin tưởng Tạng này có thể đạt được quả đức Pháp thân Như lai, đó là nói theo nghĩa chí đắc (đạt được), nên gọi là Pháp thân tạng.
4. Chân thực tạng: Tạng này vượt ra ngoài tất cả sự hư dối của thế gian, đó là nói theo nghĩa chân thực nên gọi là Xuất thế tạng, hoặc Xuất thế gian thượng thượng tạng.
5. Bí mật tạng: Tất cả pháp nếu thuận theo Tạng này thì được thanh tịnh, trái lại thì trở thành ô trọc, đó là nói theo nghĩa bí mật, nên gọi là Tự tính thanh tịnh tạng. Năm tạng nêu trên được gọi là Ngũ chủng tạng.

4. Như Lai Tạng duyên khởi(如來藏緣起)
Cũng gọi Chân Như duyên khởi. Chỉ cho tự tính thanh tịnh của Như Lai Tạng sinh khởi hết thảy muôn pháp, loại thứ 3 trong 5 loại duyên khởi (*). Tư tưởng Duyên khởi luận này được nói rõ ràng trong kinh Lăng già và kinh Mật nghiêm. Nghĩa là Như Lai Tạng một mặt thường trụ, đồng thời mặt khác lại tùy duyên khởi động mà biến sinh ra muôn vật.
Tiến trình Như Lai Tạng tùy duyên mà khởi động: Trước hết, Như Lai Tạngbị ác tập của vô minh từ vô thủy đến nay huân tập (xông ướp) mà thành A-lại-da thức (= Tàng thức), kế đó là từ A-lại-da hiện khởi muôn vật, nhưng bản tính của Như Lai Tạngvẫn không bị tổn hại, mà lại trở thành mối quan hệ “Như Lai Tạnglà thể(thực thể), còn A-lại-da là tướng (biến tướng).
Thực thể của Như Lai Tạng lại có 2 nghĩa là Chân Như môn và Sinh Diệt môn.
- Đứng về phương diện Chân Như môn mà nói, thì thể của Như Lai Tạnglà nhất vị bình đẳng, tính không sai khác.
- Đứng về phương diện Sinh Diệt môn mà nói, thì Như Lai Tạngtùy duyên nhiễm-tịnh mà sinh khởi các pháp, như theo duyên nhơ nhớp mà sinh ra 6 nẻo, theo duyên trong sạch mà biến hiện ra 4 Thánh v.v...
---------------
(*)     Chân lý Duyên khởi vốn là tư tưởng đặc hữu do đức Phật đã chứng ngộ, điều mà các tôn giáo, tư tưởng, triết học khác chưa từng có. Hệ thống lý luận về Duyên khởi đã hoàn chỉnh và đầy đủ từ thời Phật giáo Nguyên thủy.
Các luận sư đời sau lấy chân lý Duyên khởi làm giáo lý căn bản và dần dần phát triển thành các giáo thuyết thuộc hệ thống Duyên khởi luận như : Nghiệp Cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân Như duyên khởi, Pháp Giới duyên khởi, Lục Đại duyên khởi v.v...

1.Nghiệp Cảm duyên khởi (業感緣起):  Đây là thuyết được hình thành từ luận Câu Xá, cho rằng Duyên khởi của các pháp là do Nghiệp lực thiện hoặc ác chiêu cảm, mang lại quả báo thiện hoặc ác; quả báo này cũng là Nghiệp, cho nên lại tiếp tục chiêu cảm quả báo, cứ như thế Nhân Quả nương nhau quay vòng không dứt. Thập Nhị Nhân Duyên được lý giải theo thuyết này.
Vô Minh duyên khởi  là giáo lý chỉ dạy bao quát về con đường dẫn dắt chúng sinh vào trong lục đạo luân hồi. Còn Nghiệp Cảm duyên khởi là giáo lý cho thấy vai trò quan trọng của Nghiệp trong luân hồi. Nhưng Nghiệp ấy hình thành, duy trì và hoạt động như thế nào, giải quyết vấn đề nầy có A-lại-da duyên khởi.

2. A-lại-da duyên khởi (阿賴耶緣起):  Đây là thuyết được Pháp Tướng tông xây dựng từ các kinh luận như kinh Giải thâm mật, luận Du-già sư địa, luận Thành duy thức v.v... làm nền tảng, cho rằng Nghiệp lực là do chủng tử (hạt giống) được tích chứa trong A-lại-da thức của chúng sinh, có đủ duyên thì phát khởi hiện hành, rồi lại huân tập (xông ướp) chủng tử (gọi là Tân huân chủng tử: hạt giống mới được ươm), sau đó gặp duyên lại sinh khởi hiện hành, rồi từ hiện hành lại huân chủng tử, cứ như thế làm Nhân làm Quả lẫn nhau xoay vòng bất tận. Cho nên A-lại-da thức là nguồn gốc phát sinh tất cả muôn pháp. [A-lại-da thức được xem là cách nói khác của Thức uẩn, còn Mạt-na thức là Hành uẩn].

3. Chân Như duyên khởi (真如緣起):  Đây là thuyết căn cứ vào Khởi Tín luận, cho rằng A-lại-da thức (= Tạng thức) của chúng sinh tuy là nguồn gốc sinh khởi hết thảy hiện tượng trong vũ trụ, nhưng tìm đến căn nguyên thì nó chính là Chân Như (= Như Lai Tạng). Các pháp vốn là Chân Như 真如, vì duyên “Vô Minh 無明” mà khởi động, giống như nước biển vốn tự phẳng lặng(= Chân Như), nhưng vì gió thổi(= Vô minh) mà sinh ra muôn nghìn đợt sóng cuồn cuộn chuyển vần(A-lại-da thức) [Xin xem thêm mục từ Chân Như].

4. Pháp Giới duyên khởi  (法界緣起):  Đây là thuyết của Hoa Nghiêm tông lấy kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng để thành lập, cho rằng muôn pháp dung thông lẫn nhau, lấy một pháp làm thành tất cả pháp, lấy tất cả pháp làm thành một pháp, chủ-khách đầy đủ, tương nhập tương tức, cùng tồn tại không trở ngại nhau và trùng trùng vô tận.
Đứng về mặt lý thì Chân Như ở trạng thái tịnh, nhưng đứng về mặt sự thì Chân Như thuộc dạng động. Vì những công năng tịnh và động này, nên Chân Như luôn bảo toàn vạn hữu, và từ đó hình thành Pháp Giới duyên khởi.

5. Lục Đại duyên khởi  (真如緣起):  Đây là thuyết của Mật tông, cho rằng hết thảy các pháp đều do sáu nguyên tố (lục đại) : đất, nước, lửa, gió, không, thức  gặp duyên mà sinh khởi.
Xem thêm:
- Như Lai Tạng
- Triết Học Như Lai Tạng - Thích Nhuận Thịnh
- Triết học Như Lai Tạng -Thích Nghiêm Quang
- Khái quát lịch sử Như Lai Tạng - Phatgiao.org

VIDEO

- TT. Thích Nhật Từ - KINH LĂNG GIÀ 04 (2014)
- TT. Thích Nhật Từ - KINH LĂNG GIÀ 15 (2014)
- TỪ NHƯ LAI ĐẾN NHƯ LAI TẠNG - LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
- VẠN PHÁP Là Biểu Hiện Của NHƯ LAI TẠNG 
- NGŨ UẨN LÀ HIỆN TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TẠNG
- MƯỜI HAI XỨ LÀ HIỆN TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TẠNG
 
 
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!

***


Huy Thai gởi