Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 393
 Coronavirus và XHCH
 


Trước mắt, hiện nay nước Mỹ đang có hai mối đe dọa: coronavirus, hay COVID-19, và chủ nghĩa xã hội.
 
Coronavirus (gây nóng sốt, ho, sưng phổi nặng, nghẹt thở) khởi phát từ Vũ Hán, Trung Cộng, vào cuối tháng 12. 2019, tới nay, đầu tháng 3,  sau hơn hai tháng đã làm thiệt mạng hơn 2,600 người tại nước Tàu, theo báo cáo tới ngày 25 tháng 2, và hơn 20 người tại vài nước khác.
 
Riêng tại Hoa Kỳ, cùng trong khoảng thời gian nói trên, có 57 trường hợp bị nhiễm COVID-19, và không ai chết, nhưng không khí sợ hãi đã lan truyền rất nhanh, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của mọi người, mọi ngành trên nước Mỹ. Bằng chứng là Thị trường Chứng khoán đã mất giá với tốc độ chưa từng thấy chỉ trong vài ngày giữa cơn hoảng sợ.
 
Thực ra, với con số 57 người mắc bệnh và cộng thêm một người chết được loan báo vào ngày 29 tháng 2, không phải là điều đáng phải hoảng sợ như đã diễn ra, do truyền thông báo chí Mỹ thổi phồng lên và do một số dân biểu nghị sĩ đã “chính trị hóa” sự việc khi Tổng thống Trump bị cáo buộc đã  không có kế hoạch để đối phó với coronavirus, thậm chí bị tờ New York Times gọi là “Trumpvirus”.
 
Nếu mọi người được biết theo ước tính của cơ quan kiểm dịch Mỹ CDC (Centers for Disease and Prevention) thì trong mùa cảm cúm giữa hai năm 2018-2019 đã có 35.5 triệu người bệnh, với hơn 16.5 triệu lượt đi khám bệnh, 490,600 người phải vào bệnh viện, và đã có 34,200 người chết?
 
Không kể bệnh tật, mỗi ngày có khoảng 100 người chết vì tai nạn giao thông đâu đó trên xa lộ toàn nước Mỹ (36,500 người mỗi năm), và không biết bao nhiêu người nữa chết vì súng đạn?
 
Vậy thì tại sao tại sao phải hoảng sợ khi có 57 người mắc bệnh do lây nhiễm COVID-19?
 
Ngày 28 tháng 2 vừa qua, Tiến sĩ Larry Kudlow, cố vấn kinh tế tại Tòa Bạch Ốc, đã làm giảm nhẹ tác hại của coronavirus và quả quyết rằng nó sẽ không lôi kéo nền kinh tế Mỹ xuống tình trạng suy thoái.
 
Trước hàng ngàn người tại cuộc hội thảo CPAC (Conservative Political Action Conference) 2020, ông Kudlow nói:
-         Con vi khuẩn này sẽ không nhận chìm nền kinh tế Mỹ. Cái có thể nhận chìm nền kinh tế Mỹ là chủ nghĩa xã hội đang do những người bạn của chúng ta ở phía bên kia lằn ranh đảng phái mang tới. Đó mới là nỗi lo sợ lớn nhất mà chúng ta có hôm nay. Chủ nghĩa cộng sản nguy hiểm hơn là coronavirus.
 
Trước đó, ngày 26 tháng 2, TT Trump đã mở một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, khi vừa trở về sau chuyến công du Ấn-Độ. Ông đã trấn an dân Mỹ không nên hoảng sợ, những bệnh nhân của coronavirus tại đây đang trên đường bình phục và những biện pháp được chính quyền của ông áp dụng nhằm ngăn chặn coronavirus đã là sự trả lời cho những chỉ trích vô trách nhiệm nhằm mục đích chính trị.
 
Trong cuộc họp báo này, TT Trump cũng đã loan báo một ban đặc cử đã được thành lập do Phó Tổng Thống Mike Pence đảm trách để chống lại căn bệnh mới này.
 
Ông Pence có mặt trong cuộc họp báo, cùng với Bộ trưởng Y Tế Alex Azar, và các viên chức hữu trách khác đã lần lượt phúc trình mọi vấn đề liên quan đến chiến dịch phòng chống coronavirus.
 
Ông Trump nhìn nhận coronavirus đã tác hại lên thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng ông tiên đoán sẽ mau chóng phục hồi, đặc biệt là nếu ông tái đắc cử tổng thống.
 
Mặc dù nhận định lạc quan của ông tổng thống, các viên chức đứng bên cạnh ông đã lặp lại những trù liệu của họ rằng có thể có thêm nhiều trường hợp coronavirus tại Mỹ. Bà Anne Schuchat, một phó giám đốc CDC, nói: “Chúng tôi chờ đợi có thêm những trường hợp bệnh nữa, và đây là thời điểm tốt để chuẩn bị.”
 
Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc bệnh truyền nhiễm tại Viện Y khoa Quốc gia, tiên đoán coronavirus mới sẽ có thể trở lại vào những mùa trong tương lai, do đó các nhà khảo cứu sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm cho việc bào chế thuốc chủng ngừa.
 
Nói về việc yêu cầu Quốc Hội cấp ngân khoản cho toàn thể chương trình phòng chống coronavirus toàn cầu, ông Trump đã trách cứ bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về việc nghi ngờ khả năng của ông để đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Ông nói trong lúc các đảng phái cần ngồi lại với nhau thì bà Peolosi lại “cố tình tạo ra sự hốt hoảng” và “đây không phải là lúc tìm lợi thế chính trị, trong khi chúng tôi đang cố làm điều phải.”
 
 Nhưng, những đối thủ của ông Trump trong đảng Dân Chủ đã không nghe lời kêu gọi của ông. Mấy ứng cử viên Bernie Sanders, Joe Biden, Michael Bloomberg… đã gay gắt đả kích mọi việc làm hay không làm của ông tổng thống.
 
Tỉ phú Bloomberg còn bỏ ra bạc triệu thực hiện một cái quảng cáo trên truyền hình toàn nước Mỹ vào ngày 26 tháng 2 mang tựa đề “Pandemic” (bệnh dịch lớn) cáo buộc ông Trump đã không chuẩn bị. Cái quảng cáo khởi đầu với những tin báo chí về việc bán ra ồ ạt trên thị trường chứng khoán Wall Street bắt đầu trong tuần, trong lúc lời một thuyết trình viên nói rằng: “Các chuyên gia y tế cảnh cáo: Hoa Kỳ đã thiếu chuẩn bị. Vì việc Tổng thống Trump bất cẩn cắt tiền của Trung tâm Kiểm dịch và việc loại bỏ những biện pháp bảo vệ sẵn có sau trận dịch Ebola, Hoa Kỳ đã thiếu chuẩn bị cho coronavirus.” Tiếp theo là lời tuyên bố của ban vận động tranh cử của Bloomberg: “Trump đặt sinh mạng dân Mỹ trong sự nguy hiểm từng ngày, bất chấp khoa học, và bảo rằng con vi khuẩn sẽ biến đi một cách kỳ diệu  vào tháng tư và nhờ khí hậu ấm áp để chấm dứt sự truyền nhiễm.” Cuối cùng, cái quảng cáo khoe rằng tỉ phú Bloomberg đã chứng tỏ với thành tích về đối phó với các cơn khủng hoảng khi ông ta làm thị trưởng thành phố New York tiếp sau vụ khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9, 2001.
 
Tỉ phú Bloomberg đã “đốt” hơn 400 triệu đô-la tiền túi để quảng cáo khoe tài nhưng vẫn lẹt đẹt phía sau trên bảng xếp hạng các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân Chủ.
 
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden vừa thắng cuộc bầu cử sơ bộ tại South Carolina hôm thứ bảy 29 tháng 2, ngày hôm sau, chủ nhật 1 tháng 3 cũng xuất hiện trên ABC để buộc tội ông Trump thiếu chuẩn bị để đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, và chỉ trích quyết định cử Phó Tổng thống Pence đảm trách công việc này mà ông ta gọi là “cách thức điều hành đáng xấu hổ của họ”. Ông Biden nói: “Đây không phải là sự bịa đặt của đảng Dân Chủ. Đây là sự bất lực về phần tổng thống Hoa Kỳ mà đất nước này và thế giới phải trả giá.”
 
Nghị sĩ Elizabeth Warren cũng nhắm vào ông Pence để đả kích qua một cái tweet hôm chủ nhật: “Mike Pence quan tâm tới chính trị hơn là khoa học và đã làm cho cuộc khủng hoảng y tế tại Indiana xấu hơn một cách nặng nề. Tôi không nghĩ ra một con người tệ hại hơn để giao trách nhiệm đối phó với coronavirus.”
 
Không biết cái tweet của bà Warren có tới mắt ông Pence hay không, vì hôm chủ nhật ông phó tổng thống cũng đang xuất hiện trên các hệ thống truyền hình để giải độc và ca ngợi những quyết định của Tổng thống Trump trong tháng trước đã đình hoãn mọi chuyến bay chở du khách đến từ nước Tàu trong khi loan báo về việc 15 ngàn thùng thử nghiệm coronavirus đang được chuyển tới toàn quốc. Ông Pence nói trong chương trình “State of the Union” trên CNN: “Tôi nghĩ những điều tổng thống nói vào đầu tuần này và  trách nhiệm mà ông ấy giao phó cho tôi là để nhắc nhở dân Mỹ rằng sự đe dọa rủi ro là thấp, là để bảo đảm với dân Mỹ rằng chúng tôi đã sẵn sang, nhưng cũng để nói rằng, như tổng thống đã nói, việc này không có thì giờ cho chính trị.”
 
Ngày thứ sáu, 28 tháng 2, Donald Trump Jr., con trai TT Trump, cũng “xuất trận” và xuất hiện trên “Fox & Friends” để nói rằng: “Bất cứ điều gì họ có thể dùng để gây hại cho Trump, họ sẽ làm. Với những người này thì để chống lại một bệnh dịch sẽ giết hàng triệu người, do đó họ có thể chấm dứt chuỗi dài thắng lợi của Trump, đó là một mức độ mới của sự bệnh hoạn.”
 
Bình luận trên đây đã được Jake Tapper của CNN dùng để hỏi ông Pence: “Tôi không trông đợi ông chỉ trích người con trai của tổng thống, nhưng có phải ông không nghĩ rằng những người đảng Dân Chủ muốn mọi người mắc bệnh này, phải không?”
 
Đây là câu trả lời của ông Pence: “Tôi nghĩ đó là quan điểm của Don Jr’s, đó là do có vài lời lẽ rất bỉ ổi và quá khích nhắm thẳng vào tổng thống do vài thành viên trong Quốc Hội và những người bình luận chính trị.”
 
Khi xuất hiện trên NBC, ông Pence lại bị Chuck Todd yêu cầu đưa bằng chứng về việc này, và ông phó tổng thống đã dẫn chứng một bài đăng trên tờ New York Times mới đây của Gail Collins có cái tựa đề là “Let’s call it Trumpvirus.”
 
Phó TT Pence nói thêm: “Khi ông thấy những tiếng nói từ phía chúng tôi đẩy lui trở lại những lời lẽ quá khích vô trách nhiệm từ phía bên kia, tôi nghĩ đó là điều quan trọng, và tôi nghĩ việc đó được biện minh.”
 
Biện minh rõ rệt và mạnh mẽ nhất là thị trường chứng khoán đã phục hồi và tăng vọt lên cao kỷ lục vào hôm thứ hai, 2 tháng 3, sau một tuần suy trầm vì tâm trạng hoảng sợ coronavirus trong dân gian.
 
Ông Trump đã đúng và lại thắng nữa! Thắng coronavirus, và thắng những kẻ chỉ trích ông, xúc phạm ông.         
 
Thế còn chủ nghĩa xã hội?
 
Sau cuộc bầu sơ bộ trong đảng Dân Chủ tại South Carolina ngày 29 tháng 2 với chiến thắng của cựu Phó Tổng Thống Joe Biden (48% phiếu bầu), thế thượng phong của cụ xã nghĩa Bernie Sanders sau ba cuộc bỏ phiếu trước đó đã bị lung lay, và kết quả của cuộc bỏ phiếu tại 14 tiểu bang vào ngày thứ ba 3 tháng 3 (Super Tuesday) tuần này sẽ cho thấy ai sẽ được đảng Dân Chù chọn để đánh hạ Tổng thống Trump, chiếm lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 năm nay.
 
Hiện đang có chia rẽ và tranh cãi trong đảng Dân Chủ. Giới lãnh đạo đảng và những người ủng hộ ông Biden cảnh cáo rằng nhiệt tình của Sanders với đường lối dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ đưa tới một cuộc tàn sát trong ngày bầu cử.
 
Những người này lo sợ Sanders sẽ làm mất cơ hội để đánh bại Tổng thống Trump và xóa bỏ khối đa số của đảng Dân Chủ tại Hạ viện và mất thêm nhiều ghế ở Thượng viện.
 
Sanders phản bác rằng ông ta đã tạo được một phong trào quần chúng có thể tràn ngập Trump, và ông ta chỉ ra những cuộc thăm dò cho thấy ông ta hạ ông tổng thống trong tất cả các trường hợp.
 
Sanders nói: “Hãy xem kết quả của 60 cuộc thăm dò trên toàn quốc đã được thực hiện. Bernie hạ Trump 56 trong 60 lần. Hãy nhìn vào vài ‘poll’ tại những tiểu bang tranh chấp như Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Bernie hạ Trump.
 
Sanders cũng khoe khả năng gây quỹ vô song. Ông ta cho biết đã gây quỹ được 46 triệu trong tháng 2 vừa qua.
 
Sanders có vẻ đầy lạc quan. Nhưng theo thăm dò mới đây của Rasmussen, ông Trump được sự ủng hộ của 50% trong những người sẽ đi bầu so với 43% ủng hộ Sanders. Ông Trump chiếm được 84% phiếu bầu của cử tri phe Cộng Hòa trong khi Sanders được 75% phiếu bầu của cử tri phe Dân Chủ.
 
Rasmussen cho biết ông Trump dẫn trên cụ xã nghĩa Sanders 2 con số trong nam giới, nhưng đều nhau với cử tri nữ giới.
 
Giữa coronavirus và XHCN, dân Mỹ sợ cái nào hơn?
 
 
Ký Thiệt

(Đời Nay ra ngày 6.3.2020)


usaelection gởi