Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Sổ Tay Phật Học 1/5
佛教手冊
The Buddhist Handbook

***

Nội dung
A – G
1/5
*A Di Đà   *A-la-hán   *A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề    *A-tu-la   *Ái   *Ăn chay   *Ân   *Ấn [X. Mật]   *Bách pháp (100 pháp)   *Ba-la-mật-đa (Thập Ba-la-mật, Lục Ba-la-mật)   *Bản lai diện mục   *Bát bất   *Bát Chánh Đạo   *Bát phong   *Bất khả tư nghì   *Bất khả đắc   *Bất Nhị [X. Trung đạo]   *Bình đẳng – Công bình   *Bố thí   *Bồ-tát   *Cam lồ   *Cầu nguyện - Phát nguyện - Thệ nguyện   *Căn - Trần - Thức   *Chánh niệm   *Chánh-Tà & Chân-Vọng   *Chánh tín   *Chân đế - Tục đế   * Chân Không-Diệu Hữu (X. Hữu-Không)   *Chân lý   *Chân ngôn [= Thần chú - X. Mật]   *Chân như   *Chân – Thiện – Mỹ   *Chấp trước (= Chấp thủ)   *Chữ Vạn   *Chứng & Đắc   *Chướng   *Công án   *Công đức và Phúc đức   *Cúng dường   *Dị thục   *Dục   *Duyên khởi   *Duyên khởi luận - Thực tướng luận   *Đại Thủ Ấn   *Đạo   *Đạo đức Phật giáo   *Đế [X. Chân lý]   *Địa Tạng   *Giác ngộ – Giải thoát   *Giáo dục   *Giới luật.    

H – L
2/5
*Hành   *Hạnh phúc   *Hiếu trong Phật giáo   *Hộ niệm   *Hộ trì   *Hữu-Không = Sắc-Không = Không tính   *Hữu thần - Vô thần   *Hữu thời và Phi thời [X. Thời gian]    *Hữu vi pháp - Vô vi pháp   *Kết sử (= Kiết sử)   *Khổ   *Không tính [X. Hữu-Không]   *Kiêu mạn   *Kinh điển Phật giáo   *Kinh A Di Đà   *Kinh Bát Đại Nhân Giác   *Kinh Hoa Nghiêm   *Kinh Kim Cương   *Kinh Lăng Nghiêm   *Kinh Pháp Hoa   *Kinh Phật thuyết – Kinh Tổ thuyết [X. Kinh điển Phật giáo]    *Kinh Tâm (Tâm kinh)   *Kinh Viên Giác   *Lậu hoặc   *Lễ   *Lo sợ   *Luân hồi   *Lục Diệu Pháp Môn   *Lục đạo   *Lục hoà kính.

L – Q
3/5
*Ma   *Mạn [X. Kết sử]   *Mật   *Mộng   *Ngã   *Nghi   *Nghiệp   *Ngũ căn – Ngũ lực   *Ngũ giới   *Ngũ đình tâm quán   *Ngũ minh   *Ngũ nghịch   *Ngũ nhãn   *Ngũ phần hương   *Ngũ uẩn   *Nhân cách   *Nhân Quả   *Nhẫn   *Nhị chướng   *Như Lai   *Như lý tác ý   *Như thị (X. Thập Như thị)   *Niềm tin   *Niệm   *Niệm Phật   *Niết-bàn   *Pháp   *Pháp giới   *Pháp học – Pháp hành – Pháp thành   *Pháp tướng và Pháp tính   *Phật   *Phật kỳ   *Phật lực [X. Tự lực và Tha lực]   *Phật Thích Ca   *Phật tính   *Phiền não   *Phiền não tức Bồ-đề [X. Trung đạo – Bất nhị]   *Quả báo   *Quán   *Quán Thế Âm   *Sám hối   *Sen.  

S – T
4/5
*Sinh tử   *Sư tử hống   *Tam Bảo   *Tam chướng   *Tam độc   *Tam giải thoát môn   *Tam giới   *Tam học (= Giới – Định – Tuệ)   *Tam minh   *Tam Pháp Ấn   *Tam tạng [X. Kinh điển Phật giáo]   *Tam thân   *Tam thiên đại thiên thế giới   *Tam tôn   *Tam thập thất bồ-đề phần [= 37 Phẩm trợ đạo]   *Tam tuệ (= Văn – Tư – Tu)   *Tam tự tính   *Tăng   *Tâm   *Tâm linh   *Thần thông-Phép lạ   *Thập giới (= Thập thiện)   *Thập lực   *Thập Mục Ngưu Đồ   *Thập Nhị Nhân Duyên   *Thập như thị   *Thập tùy niệm   *Thất Giác Chi   *Thất Thánh tài   *Thất tình [X. Dục]   *Thể Tướng Dụng   *Thiên đàng & Địa ngục   *Thiền   *Thiền định   *Thiền Như Lai (= Thiền Phật giáo Nguyên thủy)   *Thiền Tổ Sư (= Thiền Phật giáo Phát triển)   *Thiền tuệ (= Thiền quán “Tứ Niệm Xứ”)   *Thoại đầu [X. Công án].

T – X
5/5
*Thời gian   *Thượng Đế   *Tín - Giải - Hành - Chứng [X. Tam tuệ]   *Tịnh độ   *Tịnh Độ tông   *Tội   *Tôn giáo   *Tông phái Phật giáo   *Trai tịnh   *Triền cái và Thiền chi   *Trung đạo   *Trường cửu thí   *Tu học   *Tuệ giác (= Tuệ giải thoát, Tuệ vô lậu, Trí tuệ giác ngộ)   *Tùy (Tùy duyên – Tuỳ pháp hành – Tùy tín hành – Tùy hỷ – Tùy niệm – Tùy miên – Tùy phiền não)   *Tứ ân   *Tứ bất khả khinh   *Tứ chánh cần   *Tứ chúng   *Tứ cú   *Tứ Diệu Đế   *Tứ đức Niết-bàn   *Tứ liệu giản   *Tứ nhiếp Pháp   *Tứ niệm xứ   *Tứ oai nghi   *Tứ pháp giới [X. Kinh Hoa Nghiêm]   *Tứ sơn   *Tứ Thần Túc   *Tứ thực [X. Trai tịnh]   *Tứ vô lượng tâm [X. Vô lượng]   *Tứ vô ngại (= Biện tài vô ngại)   *Tứ y pháp   *Từ Bi và Trí Tuệ   *Tử thư Tây Tạng   *Tự do   *Tự lực và Tha lực   *Tự tại   *Tự tứ   *Tương tác - Tương thuộc   *Tương tức - Tương nhập   *Tướng   *Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm [X. Kinh Kim Cương]  *Văn-Tư-Tu (X. Tam tuệ)   *Vãng sinh tịnh độ – Siêu sinh [X. Tịnh Độ tông]   *Viên thông   *Vô   *Vô ký   *Vô lậu   *Vô lượng   *Vô ngã   *Vô sinh   *Vô thường   *Vô tướng   *Vô vi [X. Hữu vi pháp - Vô vi pháp]   *Xá-lợi   *Xá-lợi-phất   *Xả   *Xuất gia.

o0o

Lời dẫn nội dung.

-Trong các kinh Trung Bộ I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48 nói rõ:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp(= Chân lý). Ai thấy Pháp(= Chân lý),người ấy thấy Duyên khởi”.
Hay:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp(= Chân lý). Ai thấy Pháp(= Chân lý),người ấy thấy Như Lai (= Phật)”.

-Trong kinh Tăng Chi Bộcũng như trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã xác định rằng :
Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
- Trong kinh Đại duyên (Mahanidana sutta), tr. 50-51, hay trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm đã nêu rõ bản chất của vũ trụ vạn vật là Duyên khởi, là Không làm nền tảng cho việc tu học:

Sâu sắc là giáo lý Duyên khởi! Thậm thâm là giáo lý Duyên khởi! Vì không giác ngộ và thâm nhập giáo lý Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại sống trong cảnh giống như ổ kén lộn xộn, cuộn chỉ rối ren, ... không thể nào vượt qua khỏi khổ cảnh, ác thú, đoạ xứ, luân hồi”.
Như Lai dạy cho các tỳ-kheo giáo pháp này, thánh thiện, siêu việt, có liên hệ đến  Không tính và phù hợp với giáo lýDuyên khởi”.

Nguyên lý Duyên khởi là sự chứng ngộ thành đạo của đức Phật, là đặc trưng lớn nhất của đạo Phật khác hẳn với các tư tưởng, triết học và tôn giáo khác, là chân lý khách quan  tự nhiên của vũ trụ, khác với các chân lý chủ quan  xem như được chế tác bởi con người nơi các tôn giáo khác.
Nguyên lý Duyên khởi được dùng để giải thích nguồn gốc của thế giới, xã hội, nhân sinh và sự sản sinh của những hiện tượng tinh thần, kiến lập nhân sinh quan và thế giới quan.

Nguyên lý Duyên khởiđược xem là cốt lõi, là chiếc chìa khóa để mở kho tàng Pháp bảo Tam tạng (Nam tạng hay Bắc tạng). Ý nghĩa khái quát của nó trông có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực Duyên khởi không những là phương tiện tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ vô thượng, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo.

Pháp phương tiện “Duyên khởi” dẫn hường cho việc học Phật và tu Phật
1. Duyên khởi = Trung đạo-Duyên khởi.
2. Duyên khởi tính = Phật tính = Không tính = Tự tính.
3. [Văn tuệ Duyên khởi + Tư tuệ Duyên khởi]  =>  Tu tuệ Duyên khởi.

Đạo Phật là đạo giải thoát, giúp chúng sinh tự rèn luyện mình để đạt tới một nội tâm sáng suốt, và từ đó tự làm chủ chính mình, chứ không mê hoặc chúng sinh phải lệ thuộc vào một thần quyền ảo tưởng nào cả. Phương tiện để dẫn dắt chúng sinh chính là Nguyên lý chân lý Duyên khởi đã được đức Phật Thích Ca khám phá ra và truyền đạt lại cho nhân loại trên suốt 45 năm.   

Có thể nói rằng ngôi nhà Phật pháp được xây dựng trên nền móng vững chắc của chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi. Vì thế, các vấn đề học Phật dưới đây sẽ được cố gắng phân tích lý giải theo sự soi sáng của Duyên khởi để phần nào tránh đi sai sót do những suy nghĩ chủ quan.
“Sổ tay Phật học” này chỉ là bước đầu tìm hiểu về đạo Phật.  Hy vọng rằng những cóp nhặt nơi “Sổ tay Phật học” sẽ được nhiều đóng góp sửa đổi, để ngày càng hoàn thiện.

NBS:  Minh Tâm 3/2022

A Di Đà.

Phật A Di Đà
         
1) A Di Đà(阿彌陀;  S: Amitābha) là tên gọi của một vị Phật rất quan trọng trong Phật giáo Bắc truyền, đặc biệt là Tịnh Độ tông.

Phật A Di Đà lần đầu tiên được nhắc đến trong kinh Vô Lượng Thọ, được cho là được Phật Thích Ca thuyết khi còn tại thế. Tuy nhiên, các bằng chứng khảo cổ chỉ tìm thấy kinh Vô Lượng Thọ (無量壽經;  S: Sukhāvatīvyūha sūtra) và các ghi chép về Phật A Di Đà vào khoảng thế kỷ 1 trước công nguyên, nên nảy sinh nhiều tranh cãi về nguồn gốc của sự kiện này.

Và thực ra, ngày vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm thực ra là ngày sinh của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904- 975) đời Tống, Tổ sư đời thứ 6 của 13 vị Tổ thuộc Tịnh Độ tông của Phật giáo Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Ngài được xem là ứng hoá thân của Phật A Di Đà.

Phần giải thích lịch sử về nguồn gốc Phật A Di Đà ở Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam cho rằng truyền thống niềm tin vào Phật A Di Đà là sản phẩm của các học giả Phật giáo của thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, do đó không có cơ sở nào chứng minh được có thật sự là đức Phật Thích Ca nói về Phật A Di Đà hay không, hay Phật A Di Đà chỉ là một sản phẩm của các học giả.

Có giải thích cho rằng Phật A Di Đà chỉ là một cách diễn đạt về Phật Thích Ca, bởi Phật là biểu tượng chung cho sự giác ngộ chân lý khách quan của vũ trụ.
         
2)Ý nghĩa A Di Đà:

Theo nguyên bản Sanskrit có hai chữ mô tả, đó là: Amitābha (阿彌多婆- Vô lượng quang 無量光) và Amitāyus (阿彌多廋- Vô lượng thọ 無量壽), nên A Di Đà được xem như bao hàm cả hai, là vị Phật “Vô lượng quang - Vô lượng thọ”. Theo đó, biểu tượng triết lý A Di Đà (阿彌陀;  S: Amitābha + Amitāyus) được mô tả như sau:
1/.Vô lượng quang (無量光;  S: Amitābha ;  E: Infinite light):  Ánh sáng vô lượng,  hàm ýchân lý khách quan chứng ngộ của đức Phật Thích Ca là “Duyên khởi” có chân giá trị vượt mọi không gian.
2/. Vô lượng thọ (無量壽;  S: Amitāyus;  E: Infinite life):  Thọ mệnh vô lượng, hàm ý chân lý khách quan chứng ngộ của đức Phật Thích Ca là “Duyên khởi” có chân giá trị vượt mọi thời gian.
Có lẽ về sau A Di Đà có thêm nghĩa là Vô lượng công đức, với ý nghĩa sau:
Vô lượng công đức(無量功德;  P: Guṇa-appamaññā;  S: Guṇa-apramāṇa;  E: Infinite merit):  Là những việc làm thiện (= thiện sự 善事) có giá trị vô cùng lớn. Đây là khái niệm về giá trị của việc làm thiện nơi một hành giả, có giá trị vô hạn khi hành thiện với một nội tâm Vô ngã,có nghĩa là hành thiện theo tinh thần của chân lý Duyên khởi [Xin xem thêm mục từ Duyên khởi, Vô ngã].
3/.Tự tính Di Đà.
          Tự tính Di Đà (自性彌陀;  S: Svabhāva-Amitābha;  E: Self-nature Amitabha):  Là tính chất Vô lượng quang và Vô lượng thọ luôn hiện hữu một cách tự nhiên nơi mọi pháp (= vạn sự vạn vật).
          Nói rõ hơn, Tự tính Di Đà chính là tính chất Duyên khởi luôn hiện hữu một cách tự nhiên nơi mọi pháp (theo tiếng Tàu thì “Di Đà tính = Duyên khởi tính)
Trong tín ngưỡng tại Tây Tạng, Phật A Di Đà được xem như hai vị Phật, đó là Phật Vô Lượng Quang và Phật Vô Lượng Thọ; nếu ai mong cầu có trí tuệ thì quy y Phật Vô Lượng Quang, ai mong cầu tuổi thọ và phước lạc thì quy y Phật Vô Lượng Thọ.  Trái lại, trong tư tưởng Mật giáo, A Di Đà được xem như là Diệu Quang Sát Trí của Đại Nhật Như Lai (大日如來;  S: Vairocana).

Đại Nhật Như Lai

3) Chánh niệm “A Di Đà”.
          Tu là sửa, tu trong Phật giáo là tu tâm, là sửa chữa tâm như sau:
    Tâm loạn động   =>  Tâm ổn định.             (thực hành tâm Định)
    Tâm mê lầm      =>   Tâm tỉnh sáng.         (thực hành tâm Tuệ)
          Thực hành tu tâm chính là thực hành Chánh niệm. Theo Tịnh Độ tông Chánh niệm là Niệm Phật, có 2 phương pháp niệm Phật chính:      
          1/. Niệm Phật định = Niệm Phật Tam-muội, nhằm giúp tâm ổn định bằng việc thực hành Trì danh niệm Phật, hoặc Quán tượng niệm Phật, hoặc Quán tưởng niệm Phật.
          Hành giả thông thường thực hành câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” với ý nghĩa là “Kính ngưỡng đức Phật A Di Đà”.  Trong đó, A Di Đà được xem là một vị Phật cổ xưa tương tự như đức Phật lịch sử Thích Ca.
          2/. Niệm Phật tuệ = Niệm Phật Ba-la-mật, nhằm giúp tâm tỉnh sáng (giác ngộ chân lý) bằng việc thực hành Thực tướng niệm Phật.
          Hành giả thông thường thực hành câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” với ý nghĩa là “Hãy nương tựa vào chân lý giác ngộ Duyên khởi” hay “Hãy hiểu sâu và hành đúng theo chân lý Duyên khởi”.  Trong đó, A Di Đà được hiểu là “Vô lượng quang +Vô lượng thọ (= chân lý Duyên khởi)” như đã giải thích ở mục 2) bên trên.
          [Xin xem thêm mục từ Niệm Phật – Giải thích chữ Nam-mô]

o0o

A-la-hán.
         
A-la-hán (阿羅漢;  P: Arahat, Arahant;  S: Arhat, Arhant) theo Phật giáo Nguyên thủy là “người đã đạt tới Niết-bàn”, “người hoàn hảo” hay “người xứng đáng", cụ thể là:
- Bậc đã hoàn toàn chứng ngộ chân lý.
- Bậc chủ động trong sinh tử luân hồi.
- Bậc xứng đáng được cúng dường.
          Để có thể đạt quả vị A-la-hán, thông thường hành giả tu học chân lý và đạo đức theo lộ trình tu học Văn-Tư-Tu, đạt các thành tựu là Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ, thể hiện qua các phẩm chất Giới-Định-Tuệ, tức Đắc giới – Đắc định – Đắc tuệ.
          Tất cả các vị A-la-hán đều có những phẩm chất tốt căn bản và có nét riêng biệt. Liệt kê sau tiêu biểu những vị có vài nét riêng này. Điều này cho thấy tính bình đẳng giới tự nhiên dưới ánh sáng chân lý Duyên khởi.

Tiêu biểu mười vị Thánh A-la-hán Tăng:

1. Sāriputta (Xá-lợi-phất):                              Trí tuệ đệ nhất.
2. Moggallāna (Mục-kiền-liên):              Thần thông đệ nhất.
3. Upāli (Ưu-bà-li):                                         Giới luật đệ nhất.
4. Pūraṇa (Phú-lâu-na):                        Thuyết Pháp đệ nhất.
5. Mahākassapa (Ma-ha-ca-diếp):         Đầu-đà đệ nhất (khổ hạnh).
6. Kātyāyana (Ca-chiên-diên):              Biện luận đệ nhất.
7. Subhūti (Tu-bồ-đề):                         Giải “Không” đệ nhất.
8. Rāhula (La-hầu-la):                          Mật hạnh đệ nhất (Ba-la-mật hạnh).
9. Anuruddha (A-na-luật):                     Thiên nhãn đệ nhất.
10. Ānanda (A-nan-đà):                        Đa văn đệ nhất (nghe và nhớ).
 
Tiêu biểu mười vị ThánhA-la-hán Ni:
1. Khema:              Trí Tuệ đệ nhất.
2. Uppalavaṇṇa:     Thần Thông đệ nhất.
3. Paṭācārā:           Giới luật đệ nhất.
4. Dhammadinna:   Thuyết Pháp đệ nhất.
5. Kisagotami:        Đầu đà đệ nhất. (Khổ hạnh)
6. Kudalakesa:       Biện luận đệ nhất.
7. Nanda:               Thiền Định đệ nhất
8. Sonā:                 Tinh Tấn đệ nhất.
9. Sakula:               Thiên nhãn đệ nhất.
10. Sumānā:           Chánh tín đệ nhất
Trong kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17, đức Phật nói có chín dấu hiệu để nhận diện một vị Thánh A-la-hán:
          “Chư Hiền, có Tỳ-kheo là lậu tận A-la-hán, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch các kết sử của hữu, với chánh trí đã giải thoát; vị ấy không làm chín việc. Những gì là chín?
- Một là không giết.
- Hai là không lấy trộm.
- Ba là không dâm.
- Bốn là không nói dối.
- Năm, không xả đạo.
- Sáu, không bị dục chi phối.
- Bảy, không bị sân chi phối.
- Tám, không bị sợ hãi chi phối.
- Chín, không bị nghi chi phối.
 Chư Hiền, ấy là vị lậu tận A-la-hán đã làm xong điều cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch kết sử của hữu, chánh trí giải thoát, xa lìa chín sự”.
Pháp thoại này cho thấy, người trần cũng có thể dựa vào những biểu hiện bên ngoài để nhận biết một vị Thánh. Bậc Thánh A-la-hán ngoài các phẩm chất tuệ sáng, tâm sạch bên trong rất khó thấy thì hành vi và ứng xử trọn lành lại dễ dàng nhận ra.
Tuy nhiên theo các tông phái khác trong Phật giáo Phát triển, thì thuật ngữ này để chỉ những người đã tiến rất sâu trên con đường giác ngộ, tuy cũng chủ động trong sinh tử luân hồi nhưng chưa hoàn toàn viên mãn, nói cách khác là chưa đạt Phật quả.
Về cơ bản, đức Phật khi xưa cũng đã tự cho mình là một A-la-hán, cách mà Phật đi đến giác ngộ cũng giống hệt những vị A-la-hán khác, nhưng vì trong vô số kiếp trước Phật đã tạo dựng nhiều công đức dấn thân làm lợi ích cho chúng sinh, thực hành Bồ-tát hạnh nên khi đắc đạo ngài có thần thông, trí tuệ, dung mạo, công đức ... cực kỳ cao quý, phi phàm, vượt xa những A-la-hán đệ tử sau này. 
Nhưng càng về sau, nhiều luận bản xuất hiện và làm cho khoảng cách giữa từ "Phật" và từ "A-la-hán" càng cách xa. Thậm chí nhiều luận bản còn có ý chê bai quả vị A-la-hán là kém cỏi. Đây là điều trái ngược với quan điểm ban đầu của Phật.
Thời đức Phật tại thế không có chuyện chia tông lập phái như về sau. Xưa kia, khi một vị đắc quả A-la-hán, Phật không nói người này đã tinh tấn (chăm chỉ) tu theo pháp môn này hay pháp môn kia, mà giải thích rằng trong nhiều tiền kiếp người đó đã hết lòng tạo dựng nhiều công đức. Vì thế, người tu Phật không nên phân biệt Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cương thừa.

Ten Principal Disciples -Wikipedia
 Thập đại đệ tử – Wikipedia tiếng Việt
 

Sixteen Arhats - Wikipedia
Thập Lục La hán – Wikipedia tiếng Việt
 

Eighteen Arhats - Wikipedia
Thập Bát La hán – Wikipedia tiếng Việt
 
          Trong các kinh điển Phật giáo sơ kỳ của Ấn Độ, có chi tiết ghi chép nói về 4 vị A-la-hán nguyện trụ tại thế độ sinhsau khi Phật Thích Ca diệt độ. Tuynhiên,theo truyền thuyếtvề sau, số lượng A-la-hán được mô tả là 10 đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni.
Tiếpvề sau, qua tác phẩm Pháp Trụ ký (法住記;  S: Nandimitrāvadāna) của Đại sư người Sri Lanka Nandimitra, được dịch bởi pháp sư Huyền Trang sang chữ Hán, số lượng A-la-hán tăng dần lên 16, bao gồm cả nhân vật có thật và hư cấu, nhờ đó danh tự của 16 vị La hán được ghi nhận.
Vào khoảng thời kỳ cuối đời Đường và đầu Ngũ đại Thập quốc, có thêm 2 vị A-la-hán nữa được thêm vào danh sách này, tăng lên thành 18 vị. Do điều này, hình tượng 18 A-la-hán phổ biến tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến cả Việt Nam, nhưng lại có nhiều dị bản. Tuy nhiên ở Nhật Bản và Tây Tạng, vẫn tiếp tục phối vị 16 A-la-hán.
o0o
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề[阿耨多羅三藐三菩提;  P: Anuttarā Sammā Saṃbodhi;  S: AnuttarāSamyakSaṃbodhi)
- A-nậu-đa-la (Anuttarā):  Vô thượng – Cao tột không gì hơn.
- Tam-miệu (Sammā,Samyak):  Chính đẳng – Chân chính, bình đẳng.
- Tam-bồ-đề (Saṃbodhi):  Chính giác – Giác ngộ.
Hợp lại thành: Vô thượng Chính đẳng Chính giác (無上正等正覺) hay Vô thượng Chính chân đạo (無上正眞道), Vô thượng Chính biến trí (無上正遍智).
o0o
A-tu-la.
A-tu-la (阿修羅;  P: Asura;  S: Aśurā) là một loài trong lục đạo luân hồi, còn gọi là loài Vô đoan chánh (無端正- Không cân đối) hay loài Phi thiên (nghĩa là có phước mà thiếu đức). Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy do hay hiếu thắng, ưa tranh cãi mà được sanh.
Tuy chúng sinh A-tu-la làm thành một Pháp giới, nhưng không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh có chỗ gọi A-tu-la là loài Ngũ đạo hoặc Ngũ thú.  Bất luận ở đâu trong lục đạo, hễ có chúng sinh nào hiếu thắng thích đấu tranh - tranh chấp - tranh cãi, thích ăn hiếp chèn ép đồng loại, thích chỉ huy kẻ khác, thích cai quản kẻ khác (mà không thích bị ai chỉ huy, cai quản), thì đó đều là biểu hiện của A-tu-la.
Gọi là nữ A-tu-la, loài có tướng mạo đẹp, nhưng lại ham thích đấu tranh bằng tình cảm, tức là dùng tánh đố kỵ, ganh tỵ, ghen tuông gây nên phiền não chướng ngại.
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có nói về mười nghiệp phải chịu quả báo làm A-tu-la:
Một là thân làm các việc ác nhỏ.
Hai là miệng làm các việc ác nhỏ.
Ba là ý làm các việc ác nhỏ.
Bốn là nổi lên kiêu mạn.
Năm là nổi lên ngã mạn
Sáu là nổi lên tăng thượng mạn.
Bảy là nổi lên mạn lớn.
Tám là nổi lên mạn tà.
Chín là nổi lên mạn quá mạn.
Mười là đem các thiện căn hồi hướng về đường A-tu-la.
Theo kinh Chánh Pháp Niệm diễn rộng. Chúng sinh phần nhiều do ba loại nghiệp nhân sân, mạnnghi nên chịu quả báo sinh vào đường A-tu-la ấy[Xin xem giải thích mạn nơi mục từ Kết sử).
o0o
Ái.
Ái (愛;  P: Taṇhā;  S: Tṛṣṇā;  E: Desire, Craving, Thirst) có nghĩa thông thường là yêu thương, yêu quý.  Bản chất của yêu là kết nối, gắn bó.  Trong đạo Phật, Ái hàm ý là tâm dính mắc.
1/. Ái là 3 dạng dính mắc theo thói quen
Ba dạng dính mắc này được gọi là Tam độc, mỗi dạng lại chia thành 3 cấp định lượng tăng dần như sau:
- Tham ái -  Đó là dính mắc vào Tham (Ưa thích => Ham muốn => Chiếm giữ)
-Sân ái-Đó là dính mắc vào Sân (Chê ghét => Bực tức => Loại trừ).
-Si ái -  Đó là dính mắc vào Si (Không thấy biết lẽ thật => Thấy biết sai lẽ thật => Chấp thủ thấy biết sai lẽ thật).
Trong Thập Nhị Nhân Duyên, chi Vô minhđược xem là Si ái, còn chi Áiđược xem là Tham ái và Sân ái. Đoạn tận Vô minh và Ái bằng việc quán triệt Duyên khởi, tức đoạn tận Tham Sân Si và thành tựu Niết-bàn.
2/.  Ái là 3 dạng dính mắc theo kiến giải.
- Dục ái(欲愛;  P: Kāmataṅhā;  S: Kāmatṛṣṇā;  E: Thirst for sense-pleasures):  Đây là dạng dính mắctheo những ham muốn của 6 căn (lục dục) nơi cõi Dục.
- Hữu ái(有愛;  P: Bhavataṅhā;  S: Bhāvatṛṣṇā;  E= Thirst for existence and becoming):  Đây là dạng dính mắc vào kiến giải tồn tại (thường kiến)
- Vô hữu ái  (非有愛;  P: Vibhavataṅhā;  S: Vibhāvatṛṣṇā;  E: Thirst for non-existence or self-annihilation):  Đây là dạng dính mắcvào kiến giải không tồn tại (đoạn kiến).
3/.  Ái chi phối trong 3 cõi (= 3 giới):
- Dục ái(欲愛;  P: Kāmataṅhā;  S: Kāmatṛṣṇā):  Đây là dạng dính mắc (Ái) trong cõi Dục (Dục giới 欲界;   P;S: Kāmaloka), từ những cảm thọ của 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (da), ý (não bộ) mà đối tượng của nó là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (ý tưởng).
-Sắc ái(色愛;  P: Rūpataṅhā;  S: Rūpatṛṣṇā):  Đây là dạng dính mắc (Ái) trong cõi Sắc  (Sắc giới 色界;  P;S: Rūpaloka), là những cảm thọ vi tế của tinh thần – đó là hỷ, lạc, xả của các tầng thiền định.
-Vô sắc ái(無色愛;  P: Arūpataṅhā;  S: Arūpatṛṣṇā):  Đây là dạng dính mắc (Ái) trong cõi Vô sắc (Vô Sắc giới 無色界;  P;S: Arūpaloka), là những cảm thọ phát sanh do chán các sắc – sắc tướng, sắc pháp. Hành giả chán luôn cái thân sắc vật chất dù thô hay tế, mà chỉ muốn sống bởi các ý niệm, khái niệm trừu tượng mà thôi. Tương ứng với loại ái dục này là từ bỏ các thiền sắc giới để tu tập các thiền vô sắc giới. Hành giả không còn các cảm thọ thô tháo nữa mà chỉ còn trạng thái xả và định.

__________________

Chú thích
1)Dục ái (欲愛;  P: kāmataṅhā;  S: kāmatṛṣṇā):  Là sự dính mắc vì ham muốn  của cõi Dục (Dục giới). Theo đó, Sắc áiVô sắc ái là sự dính mắc vì ham muốn  của cõi Sắc (= Sắc giới)vàcõi Vô sắc (= Vô sắc giới). Nội dung của Dục ái là 6 loại ham muốn (Lục dục), nên có 6 dính mắc (Ái) trên 6 ham muốn này.
           
2) Ái dục (愛欲;  P;S: kāma):  Là sự ham muốnnhục cảm.  

o0o

Ăn chay.

Nội dung
I. Bản chất ăn chay trong Phật giáo.
II. Giới “không sát sinh”.
III. Thực hành ăn chay trong Phật giáo.
I. Bản chất ăn chay trong Phật giáo.

Ý nghĩa việc ăn chay trong Phật giáo cũng như các tôn giáo khác như đã được xác định ban đầu, đó là nhằm dọn sạch thân để trang nghiêm những sự kiện sự việc về đời sống nội tâm tinh thần.  Theo ghi nhận này, có thể xem việc ăn chay như là một phạm trù tục đế, bởi nó có tính tương đối mà con người từng bản địa có thể chấp nhận và cảm thấy dễ chịu là được.
Thật vậy, theo các hiểu biết của khoa học ngày nay, trong thực tế,con người sống trong cuộc đời này không thể nào sống mà không sát sinh. Vì nhu cầu đi lại là hình thức sát sinh, dùng lửa nấu ăn cũng phải sát sinh… nói cách khác, nhất cử nhất động của con người không nhiều thì ít đều có sát sinh dù là vô tình hay cố ý.
          Thật ra, điều kiện quyết định cho sự giác ngộ-giải thoát tùy thuộc vào vai trò của trí tuệ, không phải tùy thuộc vào hình thức không sát sinh, nếu giác ngộ giải thoát tùy thuộc vào yếu tố không sát sinh thì một số loài động vật không ăn thịt đã giác ngộ-giải thoát, không cần đức Phật phải khổ nhọc đi tìm chân lý, con người cũng không cần phí sức tu học Phật pháp.
Lẽ tất nhiên người đã giác ngộ giải thoát là người có lòng từ bi, không có tâm giết hại chúng sinh, nhưng nó không đồng nghĩa người đó hoàn toàn không có sát sinh, vì dù đã chứng ngộ nhưng còn thân người thì vẫn còn nhu cầu ăn uống đi lại, như vậy vẫn còn có sự sát sinh vô ý. Đây chính là ý nghĩa câu: ‘Vô tâm bất phạm’, có nghĩa là hành vi ác, nhưng không cố ý thì không phạm tội. Đây chính là lý do tại sao đạo Phật đặc biệt chú trọng vai trò ‘Ý nghiệp’ trong 3 nghiệp Thân-Khẩu-Ý:
          Trong kinh Jātaka (Bổn Sanh) kể về tiền thân đức Phật, có lần là vị thuyền trưởng “Áo đen” phát hiện tên cướp định giết hại 500 vị thương nhân, vốn là 500 vị A-la-hán tương lai. Thuyền trưởng là người con Phật, giữ giới cấm sát sanh, nhưng vì thương tên cướp sẽ bị đọa địa ngục Vô gián mà ra tay giết chết tên cướp để cứu người, dù biết rằng hành vi ấy sẽ gây nhân rơi vào cõi thấp. Song, nhờ Chánh tư duy như vậy mà sau khi hậu quả xảy ra, vị thuyền trưởng ấy không những không gánh chịu nghiệp quả mà còn tăng công đức hàng trăm lần.
Thời đức Phật tại thế, cũng có lần người thợ săn hỏi Phật: “Có thấy con nai vừa chạy qua đi hướng nào chăng?” Phật có thấy nhưng Ngài từ tốn đứng lên và trả lời: “Từ lúc đứng lên, Ta không thấy con nai nào chạy qua đây!”. Lần đó, đức Phật đã khéo léo sử dụng Chánh tư duy khiến lời nói của Ngài vừa không sai sự thật vừa góp phần cứu được nai con.
          Trong Trung A Hàm, kinh Ngũ Chí Vật Chủ,  một cách tương tự, đức Phật không đồng tình với dị học sa môn Văn Kì Tử, khi ông cho rằng: Thân không tạo các nghiệp ác, miệng không nói lời ác, sống không tà mạng là người thiện, là bậc phạm hạnh. Đức Phật đã phủ nhận quan điểm này bằng câu hỏi: “Nếu như quan điểm ông là đúng thì đứa trẻ vừa mới sinh có phải là người thiện, bậc phạm hạnh chăng ? Vì trẻ sơ sinh cũng  không sát sinh, trộm cắp …
          Trong kinh Jīvaka, Majjhima Nikaya 55,  Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) vì thấy thói đời quý trọng những khổ hạnh, muốn lợi dụng tâm lý ấy để tranh “ngôi Giáo chủ” với Phật, ông đã đệ lên đức Phật xin ban hành thêm 5 giới luật của hàng xuất gia:
1/. Tỳ-kheo phải sống trọn đời trong rừng;
2/. Tỳ-kheo phải sống đời du phương hành khất;
3/. Tỳ-kheo phải đắp y may bằng những mảnh vải rách lượm ở các đống rác hay trong nghĩa địa;
4/. Tỳ-kheo phải sống dưới gốc cây;
5/. Tỳ-kheo phải ăn chay không thịt suốt đời.
Đức Phật đã không phê chuẩn và tuyên bố rằng các đệ tử của Ngài được tự do hành động về 5 điều này, muốn theo hay không tùy ý.
Vì thế, ăn chay vốn là trai(齋: Có nghĩa là giữ trong sạch, ngăn tham dục),làđạo đức, có bản chất là tục đế, rất cần một trí tuệ linh hoạt hơn để không quên mục tiêu đạt tới tịnh(淨: Có nghĩa là tâm thanh khiết, tinh sạch) là chân đế, bởi đạo Phật vốn là đạo phá chấptrên nền tảng tuệ giác chứ không bất chấphay cố chấp theo lối mòn suy nghĩ.

II. Giới “không sát sinh”.

Animals in Buddhism - Wikipedia
Động vật trong Phật giáo –Wikipedia tiếng Việt
[Hình ảnh đức Phật là cây bồ đề ở giữa, với các loài động vật, Sanchi vihara.]
 
1) Lý do hình thành giới “không sát sanh”.
Không sát sanh(= Bất sát 不煞;  P: Panavadha;  S: Pranatipata) trong Phật giáo là một trong 5 điều đạo đức (Ngũ giới 五戒;  P;S: Pancasila;  E: Five Precepts;  F: Cinq Préceptes) được hình thành bởi nhiều lý do:
1/.Lý do thứ nhất:  Chúng ta, ai cũng xem sinh mạng của mình là quý, nếu bị hại thì chống trả quyết liệt để bảo vệ sinh mạng. Bản thân đã biết quý trọng  thân mạng mình, tại sao ta lại cướp đoạt mạng người? Trên thực tế, các loài vật cũng biết quý trọng sinh mạng của chúng. Vì vậy, Phật giáo cấm sát sanh để thể hiện thiết thực tôn trọng sự công bằng.
          Người Phật tử không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như voi, ngựa, trâu, bò v.v…, cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến v.v… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn các loài. Người Phật tử cũng không bảo người khác, không bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sanh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản.
2/.Lý do thứ hai:  Đức Phật không đồng ý cho đệ tử sát hại sinh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bởi vì đem tâm sát hại sinh mạng là biểu hiện lòng độc ác cực độ, khiến tâm Từ Bi bị bóp chết. Nhẫn tâm làm cho người và vật khác phải khổ đau, giãy dụa, rên xiết, quằn quại trong máu đào, trong lệ nóng trước hơi thở cuối cùng, là tự giết lòng Từ Bi của mình, là bóp chết các mầm thương yêu quý báo trong tâm hồn của mình. Vì vậy, Phật giáo cấm sát sanh để nuôi dưỡng lòng Từ Bi.
3/.Lý do thứ ba:  Khi ta giết một người hay một con vật, thì sự oán giận của chúng tràn trề khó dập tắt được; chúng vì cô thế, vì sức yếu, nên ta giết hại ! Trong khi ấy, chúng ôm lòng oán hận chờ dịp báo thù,như vậy nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt.  Vì vậy, Phật giáo cấm sát sanh, để tránh nhân quả báo ứng!
          Từ trước đến nay, loài người đã bằng đủ thứ phương tiện, đủ thứ mưu mẹo để giết hại rất nhiều loài cầm thú và nhất là để giết hại con người lẫn nhau.  Người giữ giới không sát sinh luôn luôn có nội tâm an ổn, thân tướng hiền hòa. Nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới có lẽ không còn chiến tranh giết hại nữa.
          Trong thực tế tu tập, người Phật tử cần thực hành Từ Bi để hỗ trợ cho sự giữ giới không sát sanh được trọn vẹn.
          2) Điều kiện phạm giới “không sát sanh”.
          Gọi là phạm giới “không sát sanh” khi hành động đó hội đủ các chi phần sau.  Nếu chưa hội đủ thì gọi là bất tịnh giới không sát sanh.
  1. Đối tượng bị hại là sinh vật có thức tính.
  2. Kẻ giết biết rõ đối tượng là sinh vật.
  3. Có tâm sát hại.
  4. Hành động sát hại.
  5. Đối tượng bị chết vì sự sát hại ấy.
Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm giới sát sanh.
3) Động cơphạm giới “không sát sanh”.
          Phạm giới “Không sát sanh” được xem là xuất phát từ động cơ của Ý làm chủ đạo chi phối Thân và Khẩu, đó là tham-sân-si.
  1. Do tham dục mà sát sanh:  Vì tham vị ngon, tham lợi nhuận, hoặc do đền đáp ân huệ mà sát sanh.
  2. Do sân hận mà sát sanh:  Vì muốn báo thù-rửa hận, vì buồn thẹn-phẩn nộ, vì trừ khử chướng ngại, hoặc vì tâm lý sợ hãi-ám ảnh ở quá khứ mà sát sanh.
3.  Do si mê mà mà sát sanh:  Vì tế lễ quỷ thần, hoặc vì cầu phước báu mà sát sanh.
III. Thực hành ăn chay trong Phật giáo.
Một trong các khía cạnh tu tập của Phật giáo là làm tăng trưởng lòng Từ Bi, đó là biết thương yêu người đồng loại và ngay cả muôn loài vật khác. Bởi khi đã có lòng Từ Bi, thì người tu không nỡ giết loài cầm thú, vì thế lại càng khó có thể giết người.  Đây có lẽ là lý do đạo đức và hòa bình cho thế giới sinh vật mà đức Phật đã hình thành giới cấm:  ‘không sát sinh’, là một trong 5 điều đạo đức cơ bản của đạo Phật.  Và cũng có lẽ chính giới cấm này đã là nhân tố hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.
Tuy nhiên, trong Đạo Phật có hai trường phái lớn có 2 cách ăn chay khác nhau, đó là cách ăn chay không kiêng thịt của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền ở Tây Tạng và Nhật Bản, và cách ăn chay kiêng thịt của Phật giáo Bắc truyền bao gồm Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.
Sau đây chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa ăn chay qua 2 trường phái này.

 
1) Quan điểm ăn chay không kiêng thịt.
Truyền thống ăn chay theo Phật giáo Nam Tông được xem là theo lời dạy trong kinh Jivaka (Jivaka sutta) số 55  trong Kinh Trung Bộ, tập 2, với nội dung và ý nghĩa được mô tả như sau:
Này Jivaka, những ai nói như sau: “Vì Sa môn Gotama, họ giết hại sinh vật. Sa môn Gotama biết thế mà vẫn thọ dụng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của ta, họ xuyên tạc ta, không như chân, như thật.
Này Jivaka ta nói trong 3 trường hợp thịt không được thọ dụng: Thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong 3 trường hợp, thịt được thọ dụng: Không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, ta nói trong 3 trường hợp này, thịt được thọ dụng.”
Ở đây, đức Phật phủ nhận lời xuyên tạc, và 3 trường hợp thịt được thọ dụng – tam tịnh nhục, có thể được hiểu như sau:
1/. Thịt không thấy giết:  Có nghĩa là thịt ăn mà không thấy người khác giết hại sinh vật.  Khi thấy người khác giết hại sinh vật mà không ngăn cản, lại thọ dụng loại thịt đó, như thế là vi phạm.
2/. Thịt không nghe giết:  Có nghĩa là thịt ăn mà không nghe thấy tiếng kêu la của sinh vật bị giết.  Khi nghe tiếng kêu la của các loài sinh vật bị giết, mà không tìm cách ngăn cản hành vi giết hại, lại ăn những loại thịt này, như thế là vi phạm.
3/. Thịt không nghi giết:  Có nghĩa là thịt ăn mà không nghi ngờ ai đó giết hại sinh vật vì mình và cho mình ăn. Khi hoài nghi người nào đó có ý định giết hại sinh vật, nhưng lại không tìm cách ngăn cản, thịt đó không được thọ dụng.
Ngoài ra, còn một trường hợp nữa, thịt cũng không được thọ dụng là tự mình giết hại.  Nói chung, những loại thịt nào không cố ý giết, không bảo người khác giết, không đồng thuận người khác giết, tức những loại thịt không có tác ý giết này, chư tăng được thọ dụng.
Khi còn tại thế, đức Phật và Tăng đoàn đều ăn chay theo nguyên tắc này. Trước kia và hiện giờ cũng vậy, Tăng đoàn không được phép trồng tỉa lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng các vị dùng bữa của mình bằng cách sử dụng bất kỳ thứ gì các Phật tử đã tự nguyện dâng cúng cho họ. Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như là thực dược để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích. Kết quả là chư Tăng chỉ nhận các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng.
2) Quan điểm ăn chay kiêng thịt.
          Quan điểm ăn chay kiêng thịt được cho là khởi xướng tại Trung hoa do Phật giáo truyền đến Trung Quốc đã kết hợp với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Tư tưởng Từ Bi của Phật giáo, đã tạo thành cách ăn chay mới hoàn toàn không thịt. Một số quan điểm văn hóa của đất nước Trung Quốc được xem là có liên quan đến vấn đề ăn chay của nước này như sau:
Ở Ấn Độ, văn hóa khất thực được người dân Ấn Độ xem đó là hình ảnh cao quí, là người có đạo đức trong xã hội, do vậy người dân rất tôn kính những người hànhviệckhất thực. Thế nhưng, người Trung Quốc có quan niệm ngược lại, họ cho rằng, người hànhviệckhất thực là người ăn xin (= cái bang 丐帮). Người ăn xin không thể là người thanh cao, có tài có đức trong xã hội. Do vậy truyền thống khất thực của Phật giáo không thể phát huy tại Trung Quốc, và đời sống Tăng già phải chuyển sang hình thức định cư và được các Phật tử cúng dường tại chỗ.
          Một điểm văn hóa khác nữa là trong hệ thống triết học Trung Quốc, Đạo gia đề cao cõi Tiên. Từ đó đưa ra quan điểm, ai muốn thành Tiên, người ấy cần phải tiết dục, kiêng cữ rượu thit, nên ăn những thức ăn là những loại thảo mộc, để thân thể được nhẹ nhàng, dễ bề thăng Thiên. Có lẽ đó cũng là lý do góp phần hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Trung Quốc.
          Trong tác phẩm “Trung Quốc Phật giáo sử” của nhà sử học Quách Bằng nơi chương thứ 3 là chuyên đề thảo luận về: “Vua Lương Võ Đế (502 ~ 536) và vấn đề ăn chay”. Tác giả trích dẫn một số sắc lịnh của nhà vua, từng ban hành bắt buộc Tăng Ni phải triệt để ăn chay kiêng thịt:  “Lương Võ Đế vốn là nhà vua rất thuần thành tín ngưỡng Phật giáo, ông là người có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc, lập đàn tràng trai tăng chẩn tế, còn thay mặt Tăng già giảng kinh nói pháp, ngay cả việc chú giải kinh điển. Một quan điểm đặc biệt của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế là đề xướng vấn đề ăn chay không thịt. Vì muốn toàn thể Tăng Ni triệt để thực thi, cho nên nhà vua đã ban ra tổng cộng 4 sắc lịnh, với nội dung bắt Tăng Ni phải triệt để ăn chay. Trong đó có đoạn ông viết: “Nay, các Tăng Ni, các vị trụ trì, cần phải cảnh giác, nghiêm dạy chúng tăng không được ăn thịt. Nếu giải đãi, không tuân lệnh…sẽ trị tội” hay “Nếu Tăng chúng không tuân lệnh…vẫn còn ăn thịt, đệ tử (Lương Võ Đế) sẽ căn cứ theo pháp lệnh trị tội”.
Từ đó, Tăng Ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Có lẽ đó chính là lý do để lý giải tại sao Phật giáo ở Trung Quốc lại ăn chay kiêng thịt. Nó khác với một số nước Phật Giáo Tây Tạng, Mông Cổ, họ không ăn chay như Phật giáo Trung Quốc. Nhưng một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản đều ăn chay kiêng thịt.
o0o
Ân.
Nội dung
I. Khái niệm về ân.
II. Quan điểm của xã hội về ân.
III. Lễ tạ ân.
IV.  Quan điểm của Kitô giáo về ân.
V. Quan điểm của Phật giáo về ân.
I. Khái niệm về ân.
          1) Sơ dẫn về ân: 
Ân   là từ gốc Hán, là từ Ơntrong tiếng Việt, có nghĩa là sự giúp đỡ. Như hồng ân 洪恩– là ân lớn.
Ân được diễn đạt bằng sự tương tác qua lại giữa 2 đối tượng cho và nhận.  Quá trình ân thường qua 2 giai đoạn sau:
1. Giai đoạn 1: Việccho và nhận mang tính giúp đỡ. Có 2 chi tiết sau.
- Thi ân [施恩;  E: to help someone out of something (= ban ơn)]: Là làm ơn.        
- Thụ ân [受恩;  E: to receive help from someone] (= thọ ơn):  Là nhận ơn.
2. Giai đoạn2: Việc cho và nhận mang tính hồi đáp.
- Tri ân[知恩;  E: to entertain a feeling of gratitude (gratefulness) in one's heart]:  Là biết ơn người giúp đỡ. 
+ Cảm ân[感恩;  E: to thank someone for one’s help (= Cám ơn)]:  Là nhớ trong lòng sự giúp đỡ của người khác.
+ Báo ân[報恩;  E: to repay somebody for his favour]:  Là đền đáp lại ơn người giúp đỡ.                                                    
- Vô ân [無恩= Bạc ân 薄恩= Phụ ân 負恩= Vong ân 忘恩= Bội ân 背恩:  E: to be ungrateful, to be thankless]:  Là không nhớ trong lòng sự giúp đỡ của người khác, do đó không có việc đền đáp ơn người giúp đỡ.
2) Phân loại ân:
1/.Ân nghĩa [恩義;  E: help, assistance]  (nghĩa:  đúng lẽ phải, hợp đạo lí):  Sự giúp đỡ muôn loài sống tốt đẹp đúng với lẽ phải, hợp với đạo lí. 
          Ân nghĩa là một dạng tình cảmtốt đẹp của con người, gắn kết giữa con người và con người. Ân nghĩa thường chỉ cho quan hệ giữa hai đối tượng, một có hoàn cảnh tốt và một gặp hoàn cảnh xấu. Con người dù ở thời đại nào, nền văn hóa nào, bất luận Đông Tây hay Âu Á, cũng đều coi trọng ân nghĩa. Kể cả một số loài vật có trí khôn cũng biết ơn khi ta làm điều tốt cho nó.
          Ân bất nghĩa là một dạng tình cảmtốt đẹp bên ngoài tựa như ân nghĩa, nhưng lại nhằm che dấu ý đồ không tốt bên trong của người giúp đỡ. Ví như người giúp đỡ có ý lợi dụng người được giúp đỡ cho một sự việc riêng tư nào đó, thường được gọi là “mua chuộc”.
          Do đó, trước những tục ngữ thường gặp như “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn” …, chúng ta cần thận trọng xem xét tính tích cực của ân nghĩa và tính tiêu cực của ân bất nghĩa nơi hoàn cảnh.
2/.Ân sủng [恩寵;  E: grace, gift]  (sủng寵: yêu thương):  Đôi khi còn gọi là ân huệ, dùng chỉ sự giúp đỡ do yêu thương mà ban bố cho con người hay mọi loài.
          Ân sủng là một dạng tình cảmcủa một vị có quyền lực như vua chúa … ban bố cho người bên dưới, hoặc Thượng Đế trong các tôn giáo hữu thần ban bố cho con người hay mọi loài.  Sự ban bố này xuất phát từ tình cảm yêu thương riêng biệt cho một đối tượng nào đó theo cách của “người bên dưới làm hài lòng đối với người bên trên”, cho dù đối tượng này không gặp phải hoàn cảnh xấu.
          3/.Lễ tạ ân [禮謝恩;  E: thanksgiving (lễ tạ ơn)]:  Đó là nghi thức dành cho việc tri ân, cảm ân về một sự kiện nào đó, có thể thường thấy như sau:
- Ở phương Đông:  Đối với người còn sống là lễ mừng thọ (lễ sinh nhật của người lớn tuổi) dành cho cha mẹ, ông bà, thầy dạy … hoặc đối với người đã khuất là lễ cúng giỗ gia tiên, lễ cúng giỗ tổ (quốc tổ, tổ nghề), lễ cúng giỗ anh hùng dân tộc, lễ kỳ an …
-  Ở phương Tây:  Đối với người còn sống là lễ sinh nhật của người lớn tuổi. Ngoài ra còn có lễ “Ngày của Cha” (Father's Day), lễ “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) dành cho toàn xã hội. Đối với người đã khuất là lễ “Tạ ơn tổ tiên” (Thanksgiving Day), là những người đã khai sinh đất nước như ở Mỹ, ở Canada ...
-Trong tôn giáo lễ Tam hợp (Vesak), lễ Vía, lễ Húy kỵ [Húy 諱: chết;  Kỵ 忌: ngày kỷ niệm người thân (= ngày giỗ tổ)] … ở Phật giáo, hay lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ các Thánh … ở Kitô giáolà nghi thức dành cho việc tri ân.
II. Quan điểm của xã hội về ân.

Đài tưởng niệm, biểu tượng của lòng tri ân.
Trong xã hội, ân được dùng để chỉ ân nghĩatrên con người:  Đó là con người với con người, con người với xã hội, con người với đất nước. Con người và xã hội mang tính cụ thể được xem như những hợp thể hữu hình, còn đất nước hay tổ quốc mang tính tinh thần được xem như hợp thể vô hình.  Ân nghĩa có thể  được phân làm 2 loại là ân ở phạm vi rộng (vĩ mô) và ân ở phạm vi hẹp (vi mô).
          1) Ân ở phạm vi rộng(vĩ mô):
Như truyện kể về thi sĩ Lamartine trong một lần ông nằm mơ đã thấy như sau:
Có người thợ giày đến nói với ông: “Từ nay xin ông tự đóng lấy giày mà đi”.
Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với ông: “Tôi nghĩ đã đến lúc ông hãy tự làm bánh mì mà ăn”.
Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ ông hãy nuôi heo giết lấy thịt mà ăn”.
Ngay cả người giúp việc cho ông cũng thưa: “Từ nay xin ông tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”.

Thi sĩ lo sợ toát mồ hôi: “Trời ơi, nếu mọi người đều nghỉ việc thì tôi chết mất”.  Chính lúc đó ông tỉnh giấc, sự nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao, ông vô cùng mừng rỡ.
          Biết bao ca dao của người Việt thay lời người xưa kể về cuộc sống canh điền:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Ngoài ra, mỗi người được sống trong một đất nước độc lập, được an ổn, được học hành … có thể nói đó là thành quả do công lao của biết bao người trong quá khứ và hiện tại, đã hy sinh xương máu bảo vệ và ra sức xây dựng lãnh thổ của một dân tộc.
Như vậy, cuộc sống của mỗi người được xem như đã tiếp nhận một chuỗi những ân nghĩa của xã hội, của đất nước.
2) Ân ở phạm vi hẹp(vi mô):
Ân nghĩa của phạm vi hẹp được thể hiện ở một trong 4 dạng sau.
- Từ cá nhân đến cá nhân cần được giúp đỡ.
- Từ cá nhân đến nhóm người cần được giúp đỡ.
- Từ nhóm người đến cá nhân cần được giúp đỡ.
- Từ nhóm người đến nhóm người cần được giúp đỡ.
          Ân nghĩa (thi ân) từ cá nhân hay nhóm người khi:
- Dành cho đối tượng đáng kính trọng:  thì gọi là cúng dường供養[cung dưỡng # đàn na 檀那;  P;S: dana;  E: offering]. Đây là trường hợp thường gặp trong tôn giáo, người tín đồ cung dưỡng cho các tu sĩ những thứ lễ vật như thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách … hay cha mẹ nuôi con cái.
- Dành cho đối tượng gặp khó khăn:  thì gọi là làm từ thiện慈善.
3) Thi ân và Thụ ân.
 

Khi được giúp đỡ, hãy ghi nhớ; khi giúp đỡ, hãy quên đi”

(When befriended, remember it; when you befriend, forget it)

Benjamin Franklin(1706-1790).

Thi ân và thụ ân là bước đầu vô cùng quan trọng trong mối quan hệ của con người. Nếu sự việc thi ân và thụ ân được trong sáng thì mối quan hệ giữa hai đối tượng được xem như tốt đẹp. Ngược lại nếu sự thi ân và thụ ân thiếu trong sáng, thì hậu quả là cả một tai hại.  Đúc kết sự việc này là cả quá trình quan sát tinh tế tâm lý con người được phân tích sau: 
1/.Thi ân: 
Tục ngữ phương Đông của người xưa đã cảnh giác rằng người giúp đỡ (làm ơn, ban ơn) không nên cầu đáp trả từ người gặp khó khăn: Thi ân bất cầu báo施恩不求報 hay  Thi ân mạc niệm施恩漠念.  Bởi suy cho cùng, người giúp đỡ mà trong tâm tưởng mong cầu người nhận sự giúp đỡ của mình nhớ đáp trả, thì chính đó là loại làm ơn mà có mưu tính, cho dù sự việc không thô thiển thì cũng vi tế ngấm ngầm, lợi dụng cho ý đồ riêng tư, hay thỏa mãn tự tôn cái tôi của mình.  Trong thực tế, hiện tượng mua chuộc, tham nhũng, làm từ thiện …  hay lớn lao hơn là việc trợ giúp dưới danh nghĩa viện trợ từ một quốc gia này cho một quốc gia khác,là những điển hình cho việc thi ân thiếu trong sáng.
Thường thì “Thi ân” dễ làm nhục lòng tự ái của người khác, bởi kẻ làm ân hay có khuynh hướng tự hào, tự đắc... Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ, cho nên người xưa thường khuyên, nếu có thi ân cho ai thì hãy nên quên đi ân nghĩa mình đã làm cho người bằng câu “Thi ân mạc niệm”.

2/.Thụ ân: 

Hơn nữa “Thọ ân” dễ bị nhục đến lòng tự ái, tự trọng của mình, và tâm lý thông thường là người ta hay tìm cách để thoát khỏi cái nhục đó. Một trong những cách dễ thấy nhất là: bội ân, vong ân!  Mà lại bội ân, vong ân bằng đủ thứ phương cách, kể cả những phương cách hãm hại người đã thi ân cho mình! Tâm lý của loại người này được Thomas Fuller(1608-1661)ghi nhận sau: Con người ưa trả thù vì bị tổn thương hơn là đền đáp cho lòng tử tế(Men are more prone to revenge injuries than to requite kindness).

Để người thụ ân không quên việc đáp trả được lương thiện đúng nghĩa, thiết tưởng người thụ ân cần sáng suốt, không nên bị ám ảnh ràng buộc vào tập quán mang ơn-trả ơn, mà cứ nói năng và hành động theo ý muốn của người giúp đỡ mình, bất chấp sự việc đó là sai lầm tai hại cho mình hay cho mọi người. Người thụ ân phải biết cân nhắc lợi hại hành động đáp trả của mình, và cần thấy rằng việc cương quyết chối từ hành động sai trái cũng là cách báo ân chân chánh dành cho người đã thi ân cho mình vậy.

4) Tri ân và Báo ân.
1/.Tri ân.
Sự sống của mỗi con người không tự nhiên mà có, không tự mình mà nên người, không thể sống an vui mà không cùng sống và cần nhờ đến người khác. Do đó, sự tồn tại của con người không thể có được nếu từng mỗi con người không có sự tương tác đáp trả cho nhau những yếu tố cần thiết cho cuộc sống. Sự đáp trả bằng những lợi ích này chính là người biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Ngược lại, thụ động hay làm hại cho mọi người thì đây là kẻ vong ơn, phụ ơn.
2/.Báo ân.
1. Báo ân ở phạm vi hẹp
Một số tên gọi khác tùy đối tượngthông thường:
- Người tu sĩ  gọi báo ân là đền ân, sự đền ân này thường được thể hiện bằng việc truyền đạt sự hiểu biết và thực hành giáo lý của tôn giáo.
- Người con gọi báo ân được gọi là báo hiếucho cha mẹ (Xin xem mục từ Hiếu).
Một trong những tình cảm cao quý của con người sống trong xã hội, đó là lòng biết ơn đáp trả. Một cử chỉ, một lời nói, một món quà nhỏ luôn gói ghém một giá trị tinh thần biểu tượng cho bản thân của người mang ơn. Dù phần lớn người ban ân không cần người thụ ân cảm tạ, nhưng người thụ ân phải tỏ lòng biết ơn. Ðó là nhân cách  đẹp của một con người trong việc cư xử ở đời.
Đối với người xưa, lòng biết ơn và hành động trả ơn đã là một điều gì đó thiêng liêng nơi mỗi con người, và đã được Trang Tử (莊子* 369-286 tCN) dạy rằng: “Người làm ơn có thể không cần nhớ, nhưng người thọ ơn chắc chắn không được phép quên” (Thi ân mặc niệm, thụ ân mặc vong * 施恩勿念,受恩莫忘).

Tranh đá quý: Vinh Quy Bái Tổ
Vinh quy bái tổ không chỉ là vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ họ hàng, làng xóm mà còn là dịp để vị tân khoa bỏ bày lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và thầy dạy theo đúng đạo lý Việt Nam: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy
Cái ơn lớn nhất mà người Việt Nam xưa vốn coi trọng nhất thường dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ; thứ đến là thầy cô, những anh hùng xả thân vì nước, hay những người đã vất vả khó nhọc mang lại cuộc sống bình yên, đầy đủ cho mình. Người bình dân, cho dù không biết chữ, vẫn có thể thuộc nằm lòng những câu ca dao như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng” (*). Trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, trước khi xướng tên sĩ tử vào trường thi, vẫn có lệ một người lính sẽ xướng to: “Các vong hồn muốn báo ân cho sĩ tử được vào trước, các vong hồn muốn báo oán vào sau, cuối cùng mới đến sĩ tử” (Báo ân giả tiên nhập, báo oán giả thứ nhập, sĩ tử thứ thứ nhập).
Với những tiến sĩ may mắn vượt qua kỳ thi Đình dưới thời phong kiến, thì lễ Vinh Quy Bái Tổ luôn là một nghi thức không thể thiếu, một ân huệ lớn lao vua ban cho để về quê quán lạy tạ tổ tiên, cha mẹ và nhất là người thầy dạy mình. Giai thoại Việt Nam không ít lần nhắc đến chuyện các quan trạng áo gấm xênh xang, vừa về đến làng đã lật đật xuống ngựa, quỳ thụp trước thềm lạy thầy mình - dù người thầy đầu tiên ấy có khi chỉ là một ông đồ nghèo, chỉ dạy cho một số chữ hay một số điều nơi “Tam Tự Kinh” vào thuở ban đầu …
------------
(*) Chú thích:   Trong tục ngữ Việt về tinh thần trọng ân, báo ân nhưĂn trái nhớ người trồng cây, đã có không ít kẻ trồng cây gian tà mua chuộc, lợi dụng người thiếu hiểu biết và suy nghĩ làm những việc phạm pháp. Tệ hại hơn là kẻ gian tà nhồi sọ người thọ ân bằng tục ngữ  Ăn cây nào rào cây nấy, để có được những tay sai cuồng tín.

Cuộc sống phương Tây ngày nay tuy khá bận rộn, nhưng họ vẫn có thể nói cảm ơn luôn miệng hằng ngày.  Một cái thùng rác vô tri ở nơi công cộng các nước phương Tây thường có dòng chữ in sẵn: “Cảm ơn đã bỏ rác vào tôi”. Câu cảm ơn luôn xuất hiện trên môi người phương Tây bất cứ lúc nào. Đối với họ, đó là phép lịch sự, là liều thuốc giúp cuộc sống dễ chịu hơn…
Học “Biết ơn” cũng là một phần học tập của một số các trường tiểu học ở nước ngoài. Tại đây, có thể hằng cuối tuần vào ngày thứ sáu đều có một buổi chơi trò chơi: Nói về bất cứ điều gì các em cảm thấy biết ơn trong tuần qua, và suy nghĩ cách để cảm ơn bằng hành động. Cả lớp rộn ràng, ồn ào, sôi nổi. Các em bật cười thích thú khi nghe bạn nào đấy bảo rằng: “Em biết ơn bạn A đã cho em mượn cây bút chì hôm thứ hai, khi em để quên”, “Em biết ơn con siêu nhân vì nó làm em vui”, “Em biết ơn cô đã cho em điểm cao”, “Em biết ơn cô lao công đã quét lớp sạch sẽ”… Hàng loạt lời cảm ơn và cũng từ đó, hàng loạt ý tưởng bày tỏ lòng biết ơn ngộ nghĩnh ra đời. Các em giành nhau đưa tay để nói ra các ý tưởng của mình, chẳng hạn như: “Em sẽ tặng cô lao công cái kẹo của em”, “Em sẽ phụ bạn A. trực nhật để cảm ơn bạn”, “Em sẽ mang vào lớp một chậu hoa để cô được vui”…
Thật sự, nghe những ý tưởng, những lời hứa ấy, người ta có quyền tin rằng một đứa trẻ có thể quên đi nhiều kiến thức, nhưng khi bước vào đời, chúng sẽ không bao giờ quên được những giờ học “Biết ơn” sôi nổi như thế, để rồi trở thành một công dân hiện đại, lịch thiệp, sống nhân hậu và luôn biết nghĩ đến mọi người.
2/. Báo ân ở phạm vi rộng– Lòng yêu nước(Xin xem thêm mục V Ân Tổ quốc).
Một trong những ân nghĩa quan trọng cùa con người ở phạm vi rộng, đó là lòng yêu nước, là điển hình nói lên lòng biết ơn, nhớ ơn và đền ơn của công dân một nước. Yêu nước là tình yêu đất nước của một người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong sự cưu mang và đùm bọc của mọi người trong đất nước đó.  Tình yêu đất nước nói lên cảm xúc gắn bó với những tinh hoa, những truyền thống tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, tình cảm … của đất nước, của dân tộc đã hun đúc nên mình.  Tình yêu đất nước được thể hiện qua nỗ lực của cá nhân với mọi khả năng của mình, nhằm duy trì và phát triển đời sống tinh thần và vật chất tốt đẹp cho dân tộc; trong đó yếu tố văn hóa là tiêu biểu nhất cho sức sống tinh thần của một dân tộc.
Lòng yêu nước cần phải đứng trên mọi chế chế độ chính trị và mọi tôn giáo là hai yếu tố chi phối khá quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Yêu nước không thể đồng nhất là yêu chế độ chính trị hay đồng nhất là yêu một tôn giáo. Và chẳng thể bảo chỉ có riêng người công dân là yêu nước, mà ngay chế độ chính trị và tôn giáo cũng phải tỏ rõ sự yêu nước một cách đồng điệu.  Phải chăng mục tiêu của chế độ chính trị là làm lợi ích cho dân tộc và mục tiêu của tôn giáo là vì lợi ích cho loài người?  Dân tộc không thể phục vụ cho một chế độ chính trị tai hại, hay nô lệ cho một tôn giáo mù quáng và mê muội, để tự diệt vong.

 

Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái

Người chủ mưu giết Toàn quyền Đông Dương của Pháp. Gia đình đã có lần sang đây muốn di dời ngôi mộ về Việt Nam, nhưng chính phủ Quảng Châu không đồng ý. Họ giải thích rằng: Phạm Hồng Thái bây giờ là tài sản chung của nhân loại nên đã động viên gia đình để cho Phạm Hồng Thái yên nghỉ nơi này.

 
          5) Vô ân:
Tuy báo ânlà một tình cảm cao quý của con người trong cuộc sống, nhưng trong thực tế không thiếu điều trái ngược lại, đã được các tác gia sau lưu ý ghi nhận:

Marguerite  Moreno(1871-1948): “Kẻ vô ân bạc nghĩa là kẻ quên các điều người ta làm cho họ. Nhưng họ chẳng bao giờ quên các điều mà người ta không giúp họ được.”

III. Lễ tạ ân.
          Đã có nhiều xác định giải thích về nguồn gốc của lễ ở Đông cũng như Tây, đó là khởi đầu từ thời đại đồ đồng (8.000-:-1.200 tCN). Về sau với các tín ngưỡngVật tổ giáo (E: Otemism), Ma thuật giáo (E: Magicism), Bái vật giáo (E: Fetishism), Vật linh giáo (E:  Animism), Sama giáo (E: Shamanism), mà ngày nay hãy còn tồn tại.  Ví dụ có người tạ ân nải chuối, … cho thổ địa khi tìm ra vật dụng bị lẫn khuất đâu đó, hay cầu thần tài vượt qua bệnh tật, oan ức, buôn bán khó khăn bằng củ tỏi, bằng hoa quả.

Thần tài và Thổ địa
1) Lễ Tạ ơn ở phương Đông.
          Song hành với lễ tế nơi các tín ngưỡng là lễ cúng thể hiện tình cảm sâu đậm tri ân của con người dành cho các người thân, các anh hùng trong cộng đồng, các danh nhân khai sáng ngành nghề … Một số hình ảnh sau đây chỉ cho mỹ tục tri ân và báo ân của người nay tiếp nối truyền thống của người xưa, thể hiện:
Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
 
          1/.Lễ mừng thọ.
 

Lễ mừng thượng thọ Cha Mẹ

Các học trò là các nghệ sĩ Phương Quang, Kiều Sương, Phùng Ngọc Bảy, Hồng Nga chúc thọ thầy là soạn giả Viễn Châu ở tuổi 89 (2011)
 
Lễ mừng thượng thọ 90 Giáo sư Trần Văn Khê (2011).
 
2/. Lễ cúng giỗ.

Lễ cúng giỗ gia tiên
 

Lễ cúng giỗ tổ nghề thêu Lê Công Hành
 

Lễ cúng giỗ đức Thánh Trần Hưng Đạo
 


Lễ cúng giỗ Quốc Tổ Hùng Vương
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Tối ngày 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ được cả thế giới kính trọng, tôn vinh - điều làm nên cốt cách, phẩm giá từng người dân Việt.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước với niềm tin cả dân tộc có cùng chung một giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ). Trong tấm bia “Hùng Vương từ khảo” do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận:Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Theo ông Nguyễn Khắc Xương (1922-…) là con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ - cho biết hiện nay có trên 1417 đền thờ Hùng Vương trong cả nước.
Với việc đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO không chỉ muốn vinh danh đời sống tâm linh của người Việt mà còn muốn khuyến khích các dân tộc khác, qua tấm gương của Việt Nam, thực hiện việc thờ cúng tri ân tổ tiên. 
2) Lễ tạ ơn ở phương Tây.
          1/.Lễ tạ ơn thời cổ đại.
Phương Tây thường chú trọng đếnlễ tế nơi các tín ngưỡng hơn là lễ cúng dành cho tổ tiên, thầy tổ, danh nhân … như ở phương Đông. Việc chú trọng này được thể hiện nổi bật từ tín ngưỡng đa thần thời cổ đại của Hy Lạp (1100 – 323 ) tCNvà La Mã (753 tCN – 476 CN), cho đến tôn giáo độc thần như ngày nay.
Lễ tạ ơn hàng năm cho Demeter - nữ thần chăm nom mùa bắp của người Hy lạp thời cổ đại, với nhiều tiệc tùng chung vui nhau.
Lễ tạ ơn hàng năm cho Ceres – nữ thần bảo trợ mùa màng của người La Mã, gọi là Cerelia với những trò chơi, diễn hành, tiệc tùng.
Lễ tạ ơn gặt hái Sukkoth vào mùa Thu của người Do Thái vẫn còn tồn tại từ ba ngàn năm đến nay.
          Đến năm 325, hoàng đế La Mã là Constantinus (272-:-337) đã thực hiện ý tưởng của riêng mình là chính trị hóa tín ngưỡng đa thần dưới dạng tín ngưỡng độc thần của Do Thái giáo và gọi là tôn giáo (E: religion: bó ghép lại), đó là tiền thân của hệ thống Cơ Đốc giáo ngày nay.
Mọi chức năng của các vị thần được gom về một mối nơi một vị thần độc nhất, vị này có tính toàn năng (bao gồm mọi chức năng) và được gọi là Thượng Đế hay Thiên Chúa.Vì thế, người có tín ngưỡng độc thần luôn xem mọi sự kiện tồn tại của mình trong cuộc sống đều có mối liên quan đến vị thần toàn năng này. Các lễ tạ ơn các vị thần theo truyền thống Hy Lạp và La Mã trước đây, nay quy về tạ ơn cho vị thần độc nhất này.
          2/. Lễ tạ ơn tại Mỹ.
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ tạ ơn.
Theo tài liệu lịch sử Hoa Kỳ, khởi từ câu chuyện chiếc tàu buồm Mayflower. Ngày 6 tháng 09 năm 1620, một nhóm gồm 102 người, trong đó có 44 người thuộc Thanh giáo(Tin Lành giáo ở thế kỷ 16 và 17), ly khai với Giáo Hội Anh Quốc giáo, được yểm trợ đông đảo bởi 58 thành viên thuộc thủy thủ đoàn, muốn tìm đất sống mới để có quyền tự do tín ngưỡng, đã lên chiếc tàu buồm Mayflower rời cảng Plymouth ở Anh, vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ. Sau cuộc hành trình vất vả dài 65 ngày, tàu Mayflower không đến được nơi dự tính là vùng Virginia mà bị gió bão trôi giạt lên phía Bắc, đến một vùng ngày nay thuộc bang Massachusetts vào tháng 11 năm 1620.
Nhóm di dân này được gọi là Pilgrims (những tín đồ Thanh giáo), được xem là những người đầu tiên định cư trên đất Mỹ, lập ra thành phố New Plymouth ngày nay. Do không chịu nổi đói và rét của mùa Đông lạnh giá đầu tiên nơi vùng đất mới, 47 trong số những người di dân đã chết. Tới mùa xuân năm sau (1621),  họ mới liên lạc và được với thổ dân da đỏ Wampanoag giúp đỡ trong vấn đề trồng hoa mầu và cách săn bắn, và họ đã gặt hái được kết quả.  Sau đó, những người di dân sống sót quyết định làm lễ tạ ơn Trời Đất và tạ ơn những người bản xứ da đỏ đã giúp đỡ họ vì họ tin rằng nếu không có những người dân tốt bụng này thì họ không thể tồn tại được qua năm đó.
Trong số những người di dân, có William Bradford là tổ tiên của các tổng thống Roosevelt và Bush, cùng diễn viên huyền thoại của điện ảnh Hoa Kỳ là Humphrey Bogart.

Người da trắng mời người da đỏ cùng ăn.
Lịch sử ghi lại là di dân tỵ nạn đã cùng khoảng 90 thổ dân tham dự một lễ hội hòa bình suốt ba ngày. Các món ăn là gà rừng, đậu, bắp của năm đầu gặt hái được mùa, và tất cả các thực đơn chế biến pha trộn theo kinh nghiệm từ các món ăn quê hương Âu châu phối hợp với các thức ăn của thổ dân da đỏ ở Mỹ châu. Sau mỗi bữa ăn còn có các cuộc thi tài giữa hai bên. Và đây là sự kiện khởi đầu cho truyền thống Thanksgiving ngày nay của Hoa Kỳ.
Buổi Lễ tạ ơn đầu tiên dù đã mở đầu nhưng rồi tiếp theo những năm sau vì những khó khăn, thiên tai, chiến tranh nên chưa chính thức tạo thành truyền thống. Năm 1789 tức hơn 100 năm sau, với mục đích tạo dựng tinh thần đoàn kết giữa các người di dân chống lại sự đô hộ của Anh quốc, ngày 26 tháng 10 năm 1789, tổng thống Washington đã công bố ngày 26 tháng 11 hàng năm là Ngày Tạ ơn toàn quốc đầu tiên, nhưng cũng chỉ có một ngày.
Trong suốt những năm tiếp theo, nhất là từ những năm 1830, tình hình nước Mỹ bắt đầu bị chia rẽ, và các tiểu bang Miền Nam đòi ly khai. Hoa Kỳ chỉ tổ chức lễ tạ ơn trong các dịp ký hiệp ước, mừng chiến thắng trên chiến trường chứ chưa có một ngày Thanksgiving với ý nghĩa đúng đắn. Bởi các phe thù địch nội chiến đều tạ ơn cho cùng một Thượng Đếmà họ tôn thờ, đã giúp cho họ chiến thắng lẫn nhau; cũng như vị Thượng Đế này giúp họ tiêu diệt người da đỏ.
Đến năm 1863, sau khi chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước, tổng thống Lincoln mới có cơ hội tuyên bố ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm sẽ là ngày lễ tạ ơn nhằm tạo nên tình đoàn kết dân tộc và cũng muốn nhắc nhở dân Mỹ nhớ đến công ơn của những người di dân đầu tiên đã xây dựng nên nước Mỹ.
Đến năm 1941, quốc hội Mỹ đã biểu quyết ngày lễ tạ ơn là ngày quốc lễ của toàn liên bang để tưởng nhớ đến sự hy sinh, những khó khăn mà tiền nhân đã trải qua và cùng nhau sát cánh để đối đầu với những khó khăn trong hiện tại.
 
Lễ tạ ơn trải qua gần 400 năm nay đã trở  thành ngày hội truyền thống đẹp của cả quốc gia. Khác với lễ Giáng Sinh, lễ tạ ơn vượt lên trên các tôn giáo, không mang tính chất chính trị, hay để tưởng niệm một cá nhân nào. Hầu như mọi gia đình đều có thể tổ chức ngày lễ tạ ơn theo các tôn giáo khác nhau đúng như 3 ngày lễ tạ ơn của tiền nhân Bắc Mỹ vào năm 1621.  Lúc đó các di dân và thổ dân không hề có một lễ nghi tôn giáo nào khác ngoài việc ăn uống, vui chơi.
Ngày lễ tạ ơn là ngày lễ dành cho tất cả các dân tộc có mặt trên nước Mỹ, vốn là những người di dân, để họ bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với đất nước, dân tộc, văn hoá và nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Ngày lễ tạ ơn giúp người di dân có cơ hội nói lên lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân và những sự hy sinh của những người có công xây dựng đất nước.  Ý nghĩa ngày lễ này gắn liền với lòng biết ơn của con người, nên rất đáng được những người di cư đến sau, trân quý và áp dụng.
Câu chuyện sau đây nói lên óc thực tế của phần lớn người Mỹ ngày nay nhận định về lễ tạ ơn như sau:
“Vị tu sĩ nói với một nông dân Mỹ: "Năm nay được mùa, con thu hoạch tốt. Con hãy xem: Trời Đất đã thương con và giúp con như thế nào? Con hãy tạ ơn Trời Đất". Người nông dân Mỹ trả lời: "Thưa thầy, thầy hãy nhìn ra cánh đồng lúa của con, con đã đổ ra đấy biết bao mồ hôi công sức. Nói thực với thầy, nếu để cho mình Trời Đất làm việc ngoài đó thì cánh đồng lúa của con chỉ có toàn là cỏ dại."
Ngày nay, trong dịp lễ này, món ăn được cho là truyền thống gồm món gà tây nướng, khoai lang, bắp ngô và bí đỏ. Ngày lễ tạ ơn nay cũng còn được gọi là “Ngày Gà tây”,và theo thống kê cho biết mỗi năm ở Mỹ có hơn 270 triệu con gà tây bị giết làm thức ăn, trong đó có 78 triệu con lên bàn ăn vào ngày lễ tạ ơn.
Tuy nhiên, từ thời tổng thống John F. Kennedy lại có truyền thống xá tội gà tây của Nhà Trắng.  Gà tây sẽ không phải chịu kết cục trên bàn tiệc tạ ơn, mà được đưa về Mount Vernon, dinh thự của cố tổng thống George Washington ở Virginia, để trưng bày.
          3/.Lễ Tạ ơn tại Canada.

Di dân đến Canada
 
Lễ tạ ơn của Canada đầu tiên khoảng 43 năm trước lễ tạ ơn của những người Pilgrim tới Plymouth Rock năm 1620 tại Mỹ. Khoảng 1576, một nhà hàng hải người Anh Sir Martin Frobisher cập bến tại Baffin Island và tính định cư tại đó. Ông làm lễ tạ ơn tại một nơi mà ngày nay có tên là Newfoundland vì đã  sống sót sau chuyến hành trình dài trên đại dương.
Một trong những biểu tượng của sự tạ ơn là cái sừng dê, biểu tượng cho sự phồn thịnh. Cái sừng tượng trưng mùa màng tốt, là do chuyện thần thoại Hy Lạp: Zeus tặng cho Amalthea cái tù và bằng sừng dê như một cử chi biết ơn bà đã nuôi ông bằng sữa dê lúc ông còn nhỏ, và sừng này sẽ mang  lại sự phồn thịnh cho những ai bà  muốn ban phước.
Sau đó những người định cư khác đến và những buổi lễ cho những người tới nơi bình yên tại đây được tổ chức cùng ngày với ngày lễ tạ ơn mùa gặt tại Âu châu vốn đã có từ hai ngàn năm trước.
Ngày nay, lễ tạ ơn tại Canada được quy định vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ 2 vào tháng 10 (khác với Mỹ).  Tuy nhiên, người Canada lại có thể làm buổi tiệc trong bất cứ ngày nào trong ba ngày cuối tuần đó. Việc này thường dẫn đến việc ăn một buổi tiệc với nhóm người này hôm này, rồi với nhóm khác hôm kia.
IV.  Quan điểm của Kitô giáo về ân.
          Trong Kitô giáo, ân được dùng để chỉ ân sủng (恩寵;  E: grace * ân huệ, ân ban)của Thiên Chúa cho con người.  Thiên Chúa được xem là một siêu thể và con người là một hữu thể được hình thành từ siêu thể này.  Như thế, Thiên Chúa là đối tượng thi ân gồm các loại ân sủng,và con người là đối tượng thụ ân. Con người phải biết tri ân các ân sủng này và xem thái độ tạ ân đối với Thiên Chúa là điều tối quan trọng trên hết.
Trên thực tế, ân nghĩa của con người đối với con người-xã hội-đất nước trong Kitô giáo vẫn tồn tại, nhưng được xem là những ân mọn(恩𨳒;  E:very small grace). Đặc điểm này có thể  thấy rõ trong hệ thống giáo lý Kitô giáo.
          1) Phân loại ân sủng
Giáo lý Kitô giáo chỉ ra rằng ân sủng của Thiên Chúa đối với con người ở nhiều mặt và thường được phân làm 2 loại chính như sau:
          1/.Ân thường sủng (E: habitual grace), còn gọi làân công chính hóa, đó là cácơn giúp con người được thánh hóa hay được thần hóa. Ân sủng này mang tính siêu nhiên, vì nó tùy thuộc hoàn toàn vào ý muốn của Thiên Chúa, mà mọi khả năng lý trí, sức lực và kinh nghiệm con người không thể cảm nhận được.
          Một vài điển hình về ân thường sủng như sau:
-Ân tạo dựngnên con người:  Con người được Thiên Chúa ban cho hình hài và sự sống. 
-Ân cứu rỗicho con người:  Con người dù lành lặn hay tật nguyền, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu hay nghèo, sáng dạ hay ngu tối, có chức quyền hay không chức quyền … tất cả đều do ý muốn của Thiên Chúa – là ân của Thiên Chúa, nhằm thử thách sự yêu thương và sự chịu đựng của con người, trước khi con người trở về Nước Trời (Thiên Đàng) cùng Thiên Chúa đời đời hay bị hủy diệt vĩnh viễn nơi hỏa ngục.
- Ân vô giáncho con người:  Con ngườikhi cònđang sống được cho là không thể xa rời ân sủng của Thiên Chúa được,  bởi ân sủng luôn hiện hữu ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa; nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa, tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương… tồn tại cũng là do những ân sủng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!
          Ân phục sinh của Thiên Chúa là một dạng ân cứu rỗi rất ư quan trọng. Theo lời chép trong Kinh Thánh, vào ngày Chúa trở lại trần gian (ngày Chúa tái lâm) đó là sự sống lại của con người sau khi đã chết. Vì thế có nhiều nhà thờ hay hầm mộ tại châu Âu lưu giữ nhiều hài cốt là nhằm vào lời ghi chép này.
 
 
- Nhà thờ hài cốt  Sedlec Ossuary - Wikipedia, the free encyclopedia
          2/. Ân hiện sủng (E: actual grace):  còn gọi là ân tùy hoàn cảnh, đó là các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân đặc sủng (ân sủng đặc biệt dành cho Hội thánh được thiện ích), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội thánh và các trách nhiệm của đời sống.  
Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình, đó là phần lớn con người đã lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chính mình. Và theo giáo lý Kitô giáo, con người thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân nhưng không (= ân lớn cho không) của Thiên Chúa ở trong đời [hồng ân 洪恩: ân lớnnhưng không  =  miễn phí, cho không (E: free)]. Như trong Tin Mừng (Lc 17,11-19) có ghi lại câu chuyện sau:
         
          “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !”. Thấy vậy, đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Đang khi đi thì họ đã được sạch phong cùi.  Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân đức Giê-su mà tạ ơn. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch phong cùi sao ? Thế thì chín người kia đâu ?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?”  Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.”       
          2) Tạ ân:
Giáo thuyết về ân sủng đã từng được bàn đến trong Công đồng Trentô, khóa thứ sáu (13-4-1547), nói rằng Chúa Giê-su đã thường tạ ơn Chúa Cha, như khi nhân bánh và cá ra nhiều cho hơn 5.000 người ăn, hay khi lập bí tích Thánh Thể (*).
Do đó, ngày nay Thánh Thể mà Giáo Hội cử hành có nghĩa là tạ ơn, là cách thể hiện lòng biết ơn của con người đối với Thiên Chúa qua Thánh lễ.  Vì thế, đi tham dự Thánh lễ là đi tạ ơn Chúa.
-------------------
(*) Chú thíchBí tích Thánh Thể  (E: Sacrament of the Eucharist * Là điều bí ẩn mà Chúa Giêsu đã lậptrong Bữa Tiệc Ly, đã cầm bánh và rượu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước khi ra đi chịu chết, với lời như sau: “Đây là mình Thầy, sẽ nộp vì các con. Đây là chén máu Thầy – Máu giao ước mới (Tân Ước), sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Lc 22,19-20).
          Nội dung tạ ơn có thể được tóm lược như sau:
1/.Tạ ơnlà cách biểu lộđức tin:
  - Từ thời Cựu ước, tác giả Thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa như sau: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Thời kỳ Xuất hành, dân Ít-ra-en cũng đã bắt đầu truyền thống tạ ơn đức Chúa qua việc dâng lễ đầu mùa lên cho Ngài (Đnl 26,1-10).
- Đến thời Tân ước, đức Giê-su nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Chẳng hạn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-26). Đức Giê-su cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết cám ơn như khi Người nói vơi người Sa-ma-ri  vừa được khỏi bệnh phong cùi như sau: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,17-18).
   - Hội Thánh Công Giáo cũng biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa bằng việc cử hành bí tích Thánh Thể (x. Lc 22,19­) được gọi là Thánh lễ Tạ ơn. Trong Thánh lễ, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng bánh rượu là kết quả của lao công để sẽ biến thành Mình và Máu thánh Chúa Kitô. Sau đó, nhờ lễ vật rất cao trọng này, các tín hữu sẽ dâng lên Chúa Ba Ngôi cảm tạ và xin ơn.
 
2/. Tạ ơn qua nhận thức:
-Phải biết cuộc sống là một chuỗi những hồng ân của Chúa:Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban qua người khác. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi nhận được những món quà ấy ?  Thánh Bê-na-đo (1090-1153) người Pháp đã dạy: “Tôi xin anh em hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ... Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta”.
- Phải biết ơn bằng cáchtuyên dương quyền phép của Thiên Chúa: Lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động noi gương tướng Na-a-man người xứ A-ram (x. 2 V 5,14-17) – Câu chuyện được viết rằng bên xứ Ít-ra-en (Israel) có ngôn sứ Êlisa đã từng chữa trị nhiều người khỏi bệnh, vua xứ Aram viết thư giới thiệu và đưa cho tướng Na-a-man đang mắc phong cùi đến cho Êlisê cứu chữa.  Êlisê bảo Na-a-man xuống tắm 7 lần trong sông Giođan. Ban đầu Na-a-man không chịu. Nhưng do một người hầu gái thuyết phục nên sau đó Naaman làm theo. Và ông đã được khỏi bệnh cùi.  Na-a-man trở lại tạ ơn ngôn sứ Êlisê, nhưng Êlisa khuyên hãy tuyên dương quyền phép của Thiên Chúa.
- Phải biết ơn đón nhận mọi điều xảy đến: Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của mọi người, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su (1873-1897) người Pháp đã nói: "Tất cả đều là hồng ân".
- Phải tập thành thói quen cám ơn:  Cha mẹ công giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay tư khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, tất cả cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa, như thánh Phao-lô đã viết: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa (Chúa Cha) của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi đức Ki-tô Giê-su (Chúa Con)" (1 Cr 1,4).
 
3/.Tạ ơn qua lời cầu nguyện:
- Lạy Chúa Giê-su, Thánh I-nha-xi-ô, Giám mục tử đạo đã nói: “Tội lớn nhất nơi con người là tội vô ơn”. Hôm nay, Chúa dạy chúng con bài học phải biết cám ơn Chúa. Cám ơn Chúa như người cùi Sa-ma-ri biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa sau khi đã được lành sạch. Con phải cám ơn Chúa vì sự cám ơn đó mang lại ích lợi cho chính con, như lời kinh Tiền tụng trong Thánh lễ: “Việc tạ ơn không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại lợi ích cho phần rỗi đời đời của con”.
- Lạy Chúa Giê-su, đời con được dệt bằng biết bao hồng ân của Chúa mà nhiều khi con đã chưa ý thức được. Có lẽ chẳng khi nào con tạ ơn vì đã được làm người và được làm con cái Chúa. Có lẽ chưa khi nào con tạ ơn vì Chúa đã ban khí trời để thở, cơm ăn nước uống, vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp để giúp con sống vui tươi. Cũng chưa bao giờ con tạ ơn Chúa vì con đã được Chúa ban cho mạnh khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an... Quả thực, đó là những ơn to lớn mà con lại cho là chuyện đương nhiên, nên con đã tỏ ra vô ơn với Chúa. Từ nay xin Chúa cho con nhận ra những ơn lành Chúa đã thương ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân Chúa. Tri ân bằng lời ca tụng Chúa và nhất là bằng một cuộc sống luôn tuân theo thánh ý Chúa.  Hiệp cùng mẹ Ma-ri-a  –  Xin Chúa nhậm lời chúng con.
 
V. Quan điểm của Phật giáo về ân.

Đức Phật thuyết pháp lần cuối cho vua cha Suddhodana chứng đắc Thánh quả
 
Trong Phật giáo, ân được dùng để chỉ ân nghĩanhư trong quan điểm của xã hội.  Ân nghĩa trong Phật giáo được xem là tục đế (chân lý tương đối) mà con người cần gắn bó, nhằm giúp con người tạm có được cuộc sống an ổn. Vì thế, nhận thức và hành động đối với ân nghĩa như thi ân và thụ ân hay tri ân và báo ân nơi người hành đạo là hoàn toàn dựa vào nguyên tắc đạo đức Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật [Xin xem mục từ Đạo đức trong Phật giáo]
          Tính đúng đắn của một việc là ân nghĩa hay ân bất nghĩa nào đó đều có thể nghiệm lại trên nguyên tắc này.
          1) Phân loại ân: 
Phật giáo Nam truyền xem tất cả những gì liên hệ tới sự sống của con người đều là những chuỗi ân nghĩa, vì thế mà người hành đạo cần thấy ra và gắn bó với cuộc sống trong tinh thần thấm nhuần Từ bi và Trí tuệ.
Phật giáo Bắc truyền cũng không khác gì Phật giáo Nam truyền. Tuy nhiên, trong việc thích nghi với các nền văn hóa bản địa, ân nghĩa của con người ngoài mối quan hệ giữa con người với con người, con người đối với xã hội, con người với đất nước như ở quan điểm xã hội, còn có thêm điểm thứ tư mang tính tinh thần hình thành trên quan điểm xã hội, đó là Tam Bảo.
Theo kinh Tâm Địa Quán, mỗi người theo đạo Phật cần nhận ra trọng tâm của ân nghĩa (tri ân) trên 4 đối tượng, gọi là Tứ trọng ân四重恩(trình bày bên dưới). Tất cả 4 ân trên 4 đối tượng này gồm (1/. và 2/.: hữu hình) và (3/. và 4/.: vô hình) đều được xem là bình đẳng và có vai trò ảnh hưởng tương tác cho nhau.  Đặc điểm của 4 ân này có thể thay đổi thích hợp theo môi trường sống hay sinh hoạt theo như mục đích đã đề ra.
          1/.Ân cha mẹ:  Thường cha mẹ là đối tượng gần gủi nhất, gắn bó nhất trong đời của một người, mà khó có đối tượng nào có thể sánh được. Nhân cách của một người phần lớn cũng hình thành từ sự học hỏi và thực hành ngay trên đối tượng cha mẹ này. Không thể nói một nhân cách lớn thật sự khi người này đối xử tệ bạc với cha mẹ của mình.
          Báo ân cha mẹCòn được gọi là báo hiếu, đó là thực hành hạnh bố thí đối với cha mẹ gồm có:

1. Tài thí :  Là những gì đáp ứng cho đời sống vật chất, gồm có :
          - Ngoại tài : các vật thể đáp ứng ngũ quan ( ngũ căn : sắc, thinh,…, xúc ).                    - Nội tài : các vật thể thuộc thân mạng ( máu, nội tạng, các chi phần,… ).
                    Và đức Phật đã có những chỉ dẫn về tài thí cho đúng pháp như sau :
+ Trongkinh Tiểu Bộ có viết: “Phụng dưỡng cha mẹ phải  hợp pháp và đúng pháp”.                   
+ Trongkinh Trung Bộ chép rằng:“Phụng dưỡng cha mẹ là điều nên làm, nhưng vì cha mẹ mà làm điều ác thì không thể chấp nhận được. Bởi làm như thế tự thân không thể nào tránh khỏi quả báo của hành vi bất thiện và còn đem lại sự nguy hại cho cha mẹ. Vì vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng để tự cứu và bào chữa cho những hành vi bất chánh của mình”.                                                                   
Mặt khác, đức Phật cũng đã bày tỏ sự phiến diện của tài thí :
+ Trongkinh Tăng Chi Bộ 2 ghi rằng:“Nếu một bên vai cõng mẹ, môt bên vai cõng cha, nuôi dưỡng cha mẹ đủ đầy… đến trăm tuổi cũng chưa làm đủ việc trả ơn mẹ cha.            
+Trongkinh Tương Ưng có ghi: “Sữa mẹ mà mỗi người đã uống trong suốt quá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”.                                                              
          Vì thế, đức Phật đã chỉ dạy sư trọn vẹn về hiếu với yếu tố thứ hai như sau:
          2. Pháp thí :  Đó là chánh pháp thể hiện qua thân giáo và khẩu giáo của người con, giúp cha mẹ chuyển hóa nội tâm, hướng nội tâm đến giác ngộ - giải thoát (nội tâm tự do). Chính sự giác ngộ - giải thoát sẽ giúp cho cha mẹ vượt qua mọi nỗi lo sợ (vô úy), nhất là nỗi sợ hãi về già, về bệnh, về chết.
Một số hướng dẫn về pháp thí được đức Phật chỉ dạy như sau :                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   
Trong kinh Tăng Chi Bộ 2 có ghi:
- Ai đối với cha mẹ không có lòng tin nơi chánh pháp. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào chánh pháp.   
- Ai đối với cha mẹ theo ác giới. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào thiện giới.                                                                                            
- Ai đối với cha mẹ gian tham. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào niệm xả ly và hành bố thí.                                                                                   
- Ai đối với cha mẹ theo tà trí. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào chánh trí.                                                                                                                      Cho đến như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ.    
          2/.Ân chúng sinh[眾生;  P: satta;  S: sattva, bahujanya;  E: living beings]:  Chúng sinh là mọi người và mọi vật chung quanh ta.Sự sống của mỗi con người không tự nhiên mà có, không tự mình mà nên người, không tự mình có thể sống an vui mà không cùng sống và cần nhờ đến người khác. Tất cả đều liên quan mật thiết. Và do đó, sự tồn tại của con người cần có sự tương tác đáp trả cho nhau những yếu tố cần thiết cho cuộc sống.
             Báo ân chúng sinhĐó là những gì đáp trả cần thiết tùy theo các đối tượng.  Một số trường hợp  được ghi lại trong kinh Trường Bộ (Xin xem mục từ Đạo đức trong Phật giáo).

Trong tác phẩm Góp Nhặt Cát Đá viết vào cuối thế kỷ 13 của thiền sư người Nhật là Muju, câu chuyện về thiền sư Shichiri Kojun dạy tên trộm cám ơn được ghi lại như sau:
Một buổi tối, thiền sư Shichiri Kojun đang tụng kinh thì có một tên trộm đột nhập, mang theo thanh gươm bén, bảo thiền sư hãy đưa tiền cho hắn, nếu không sẽ bị giết chết.
Không chút sợ hãi, thiền sư Shichiri bảo hắn: “Đừng quấy rầy ta. Anh có thể lấy tin trong ngăn kéo ở đằng kia.” Rồi ngài tiếp tục tụng kinh.
Tên trộm giật mình vì sự đáp trả bất ngờ đó, nhưng hắn vẫn tiếp tục với công việc của mình. Khi hắn đang lấy tiền, vị Thiền Sư dừng lại và bảo: “Này, đừng có lấy hết! Ta cần một ít để ngày mai nộp thuế.
Tên trộm để lại một ít tiền và chuẩn bị rời đi. Trước khi hắn rời khỏi, thiền sư Shichiri đột nhiênbảo: “Nhận quà của người khác thì phải cảm ơn chứ, anh bạn!
Lần này, tên trộm thật sự kinh ngạc, hắn cảm ơn ngài và chuồn thẳng.
Mấy ngày sau, tên trộm bị bắt và nhận tội. Trong số những người đã bị trộm, hắn khai ra có ngài Shichiri. Khi ngài được mời đến để làm nhân chứng, ngài bảo: “Không, người đàn ông này không lấy thứ gì ở nơi tôi.  Tôi cho anh ta tin và anh ta có cảm ơn tôi rồi.”
Sau khi mãn hạn tù, người ấy tìm đến ngài Shichiri và trở thành đệ tử của ngài.
Đạo lý nhà Phật thông qua cách ứng xử của thiền sư Shichiri còn cho ta thấy rằng không phải chỉ nói điều tốt (khẩu giáo) là có thể làm cho người khác nghe theo, mà quan trọng hơn là phải tự mình làm được điều tốt (thân giáo).
                                                                     (Gõ cừa thin - Nguyên Minh dịch)
          3/.Ân tổ quốc[tổ=tổ tiên祖先quốc=đất nước],  còn gọi là ân tổ tiên, ân đất nước.  Tổ quốc biểu hiện cái không gian chứa đựng sức sống của tổ tiên, có bản sắc văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt, có khả năng tồn tại và độc lập bền vững vượt qua các đe dọa diệt vong.  Sức sống này đã sinh ra và hun đúc mình thành một con người trong cộng đồng sánh vai cùng với các cộng đồng khác trên thế giới. Tổ quốc là đặc trưng tinh thần chỉ có nơi loài người, không có nơi các loài sinh vật khác. Vì thế mỗi người cần có ý thức trân trọng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc bằng việc thể hiện lòng yêu nước của mình. (Xin xem thêm mục II về Lòng yêu nước)
          Báo ân tổ quốc
          Với nhận chân tổ quốc là sức sống và hạnh phúc của cộng đồng, tiềm tàng qua văn hóa, qua ngôn ngữ … một cách riêng, và đã được bao thế hệ xây đắp. Cho nên, báo ân tổ quốc chính là trân trọng, xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa, ngôn ngữ … này được tồn tại, bền vững và phát triển vượt qua các đe dọa diệt vong từ bên trong hay bên ngoài cộng đồng.
Tất nhiên sự bảo vệ này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Từ bi và Trí tuệ trước các kẻ thù hung bạo, nhằm mục tiêu hộ quốc an dân (giúp nước yên dân), như được trình bày trong các kinh Châu Báu (P: Ratana Sutta;  E: Jewel Discourse) từ Kinh Tiểu Bộ Tập I, và Hộ kinh Angulimala (Angulimala Paritta,  Angulimala Sutta), kinh thứ 86 trong Trung Bộ Kinh của PG Nam truyền, hay kinh Nhân Vương Hộ Quốc (gọi tắt của kinh Hộ quốc Bát-nhã Ba-la-mật đa tức kinh Phật dạy cầu hòa bình) do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đem từ Ấn Độ vào Trung Hoa, dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
          Hộ quốc an dân là việc thuộc phạm vi lớn, do đó người hoạch định việc hộ quốc đòi hỏi phải có một khả năng lớn, một trí tuệ lớn (xem mục 4.3 bên dưới).
Vào thời Nam Bắc Triều, thế kỷ thứ V, vua Minh Đế nhà Nam Tề, vua Hiến Minh nhà Bắc Ngụy đã nhiều lần thiết lập lễ Hộ quốc.  Đến thế kỷ thứ VIII, triều vua Đại Tông nhà Đường, ngài Tam Tạng Bất Không đem diễn dịch lại, và từ đó kinh Hộ Quốc mới được truyền bá rộng rãi. Từ đời nhà Đường về sau, sử sách ghi chép về lễ Hộ quốc rất nhiều.
Lễ Hộ quốc ở Việt Nam được chép rõ triều đại nhà Lý và được tổ chức long trọng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: 
Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ V (1076), mùa xuân tháng 3, nhà Tống sai Quảng Nam Tuyên vũ sứ Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó đem quân hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp xâm lược nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt dẫn quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thì quân ta thắng lớn.
Đầu tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ II, Quách Quỳ chấp nhận đề nghị hòa đàm của Lý Thường Kiệt và rút quân. Ngay sau đó, Lý Nhân Tông ra lệnh thiết lập một lễ lớn ở ngay điện Thiên An gọi là Hộ quốc hội hay hội Nhân vương. Hội tụng kinh Nhân Vương để cầu tiêu trừ tai nạn cho nước nhà.
Hơn 70 năm sau, vào tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1149), niên hiệu Đại Định năm thứ 10, vua Lý Anh Tông mở hội Nhân vương ở trước sân rồng Long Trì, ra lệnh đại xá người có tội”.
Sách sử từ thời Lê trở đi không thấy chép về lễ này nữa, phải chăng lúc đó Nho giáo đã lấn át Phật giáo nên triều đình không tổ chức lễ Hộ quốc?
Như vậy, lễ Hộ quốc thời phong kiến ở Việt Nam do triều đình tổ chức tại cung đình với nội dung tụng kinh Nhân Vương để cầu tiêu trừ tai nạn cho quốc gia, đại xá các tội nhân.  Lễ hội Huyền Trân Công chúa và cầu Quốc thái dân an tại Huế ngày nay được xem gần như là lễ Hộ quốc.
          4/. …’  khi được thực hành đúng đắn, đều có thể trở thành bậc giác ngộ - tức Phật.  Sự giác ngộ này giúp cho đời sống tinh thần của con người được lành mạnh vượt qua các khó khăn, để hài hòa cuộc sống ở các mặt vật chất, tình cảm, lý trí, tâm lý … Chân lý Duyên khởi này đã từng được đức Phật Thích Ca xác định.
Trong kinh Tạp A Hàm có chép:
Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính Duyên hình thành sinh-diệtnơi mọi sự mọi vật – (vật lý hay tâm lý) – trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
Tam Bảo là 3 yếu tố Phật, Pháp, Tăng được xem là một hợp thể vô hình là 3 duyên (theo giáo lý Duyên khởi), nhằm nâng cao đời sống tinh thần của con người nói chung và của một dân tộc nói riêng. Đặc điểm này có thể được thấy rõ sau đây:
- :  Là bậc giác ngộ, mà đại diện là đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, người đã khám phá ra chân lý vũ trụ. Sự thấu đạt và thực tập tốt theo chân lý này sẽ giúp hành giả chuyển hóa những bế tắc khổ đau triền miên nơi đời sống tinh thần của con người, đồng thời tạo nên nên một sức mạnh nội tâm phong phú và thanh thản.
          - Pháp [;  P: Dhamma;  S: Dharma;  E: Truth]:  Là chân lý vũ trụ được đức Phật khám phá, và sau đó được giảng dạy truyền trao cho con người, để bất cứ ai cho dù ở xã hội nào, thành phần nào, tôn giáo nào, … khi được thực hành đúng đắn giáo pháp này, đều có thể trở thành bậc giác ngộ như chính đức Phật.
          - Tăng [;  P;S: Sangha;  E:Buddhist]:  Là bất cứ ai cho dù ở xã hội nào, thành phần nào, tôn giáo nào, … nương nhờ giáo pháp của đức Phật và thực hành chân chánh giáo pháp này. Người tại gia hay xuất gia khi nương nhờ và thực hành chân chánh giáo pháp này đều có thể gọi là tăng: tăng tại gia  hay  tăng xuất gia.
Trong tu học, tùy theo căn tính và sự tinh tấn nỗ lực của mỗi người, không phân biệt là tăng tại gia hay tăng xuất gia, đều có thể đạt đến kết quả giác ngộ sau cùng và được gọi là thánh tăng.
Trên thực tế, dù ở vị trí nào, đã có vô số vị đạt tới quả vị giác ngộ khi thực hành giáo pháp này của đức Phật, và Tăng trong Tam Bảo hàm ý là thánh tăng [聖僧;  E:holy buddhist].
Như vậy, Tam Bảo là một cơ cấu hợp thể 3 duyên Phật-Pháp-Tăng đã đặc trưng nói lên một chân lý hiện thực với đầy đủ tính chất thiết thực của nó, bởi Phậtlà người khám phá và chứng nghiệm chân lý, Pháplà chân lý khách quan được đức Phật khám phá và truyền dạy cho mọi người học hiểu và thực hành chân lý này, Tănglà người được học hỏi và thực hành chân lý,đạt kết quả cụ thể như chính đức Phật.  Vì thế, Tam Bảo đặc trưng cho một chân lý hiện thực khách quan tích cực, chứ không là thứ chân lý suy tưởng-ảo tưởng chủ quan tiêu cực được áp đặt một cách vô điều kiện.
Theo đó, hợp thể Tam bảo được xem như vị thầy vô hình khai mở tuệ giác, sát cánh cùng 3 đối tượng “Cha mẹ-Chúng sinh-Tổ quốc”, làm cho đời sống tinh thần con người được nâng cao và thật sự tự do.  Người quán triệt được tam bảo, thì tuy sống trong thế giới đầy phức tạp của con người, nhưng vẫn vượt lên được các bế tắc, ràng buộc và khổ đau của thế giới này, đồng thời lại hài hòa cùng chính với thế giới này.
Báo ân tam bảo:
Tam bảo vốn là chân lý khách quan  hay “Tam bảo” chân đế – như đã trình bày trên, là vị thầy vô hình giúp khai mở tuệ giác cho bất cứ một ai, không phân biệt ‘giới tính,vị trí xã hội, quốc gia, tôn giáo …’  khi được thực hành đúng đắn, đều có thể trở thành bậc giác ngộ - là Phật.  Một khi được tuệ giác soi sáng, hành giả sẽ thấy rằng quá trình ân nghĩa chính là quá trình của Từ bi và Trí tuệ, và báo ân chính là thi ân. Vì thế, khi hành giả được thừa hưởng tam bảo sẽ tự truyền đi ngọn lửa chân lý này một cách hoàn hảo, chân chánh và tự nhiên.
Trong kinh Văn Thù, đức Phật đã từng chỉ dạy:
 “Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh, Ta đã chưa từng nói lời nào!”
Tuy nhiên trên thực tế ngày nay, để việc truyền đi ngọn lửa “Tam bảo” chân đế= Hiện tiền tam bảo- được lâu dài, phải tạm dựa vào “Tam bảo” tục đế = Trụ trì tam bảo.  Trụ trì tam bảobao gồm:
- Phật bảo:  Là những tranh tượng của Phật được truyền lại đến ngày nay.
- Pháp bảo:  Là những lời dạy của chư Phật trong kinh sách.
- Tăng bảo: Là những Phật tử hiện nay, những người đang tu học và thực hiện Chánh pháp.
Ngôi chùa hiện nay là đặc trưng cho trụ trì tam bảo, có nhiệm vụ dẫn dắt người Phật tử nhận chân ra hiện tiền tam bảo . Vì thế người Phật tử cần hiểu ra để có cách ứng xử về việc báo ân tam bảo một cách thiết thực và đúng nghĩa.      
o0o
Ấn.
          (Xin xem mục từ Mật:  Khế ấn – Thủ ấn)
o0o
Bách pháp(100 pháp).
Nội dung
I. Sắc pháp.
II. Tâm pháp.
III. Tâm Sở Hữu pháp.
IV.  Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp.
V. Vô Vi pháp.
Chữ “pháp” ở đây có nghĩa là mọi sự vật trong vũ trụ, cụ thể hay trừu tượng, bất cứ cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó thì gọi là “pháp”. Đức Phật nói: Tất cả pháp đều vô ngã (= không có thực thể). Tất cả pháp là những gì?  Nói tóm tắt:
- Theo Vi Diệu Phápcủa Phật giáo Nguyên thủy, , mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 202 pháp, gồm :
(1) 28 Sắc pháp, (2) 121 Tâm pháp, (3) 52 Tâm sở hữu pháp, (4) 1 Vô vi pháp [Niết bàn (P: Nibāna): Là trạng tướng tịch tịnh, chấm dứt sự sinh diệt của Danh Sắc].  

- Theo Câu-xá tông, mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp sau:
(1) 11 Sắc pháp, (2) 1 Tâm pháp, (3) 46 Tâm sở hữu pháp, (4) 14 Tâm bất tương ưng hành pháp, (5) 3 Vô vi pháp.         
- Theo Pháp Tướng tông, mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 100 pháp, gọi là Bách pháp百法gồm 5 loại như sau:
(1) 11 Sắc pháp, (2) 8 Tâm pháp, (3) 51 Tâm sở hữu pháp, (4) 24 Tâm bất tương ưng hành pháp, (5) 6 Vô vi pháp.         
Dưới đây là chi tiết 100 pháp theo Pháp Tướng tông.
I. Sắc pháp.
Sắc pháp(色法;  P: Rūpa-dhamma;  S: Rūpa-dharma):  Đây là các hiện tượng vật chất, gồm có 11 pháp:         
1. nhãn:  Mắt.        
2. nhĩ:  Tai.  
3. tị:  Mũi.    
4. thiệt:  Lưỡi.        
5. thân:  Thân.       
6. sắc:  Các loại hình tướng và màu sắc (dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, cao, thấp, ngay, xẹo, cong, sáng, tối, bóng, khói, mù, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...).
7. thanh:  Các loại âm thanh (tiếng nói, tiếng kêu, tiếng động, tiếng vang, tiếng vừa ý, tiếng không vừa ý v.v...).
8. hương:  Các loại mùi (thơm, hôi, không thơm không hôi, mùi tự nhiên, mùi chế tạo v.v...). 
9. vị:  Các loại vị (cay, đắng, chua, ngọt, mặn, lạt, bùi, béo, chát v.v...).  
10. xúc:  Các thứ cảm xúc (nhẹ-nặng, trơn-nhám, lạnh-nóng-ấm, cứng-mềm, no-đói, khát-đã khát, mạnh-yếu, v.v...)    
11. pháp:  Các ý tưởng (tức bóng dáng của năm trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc – ở trên còn lưu lại trong ý thức)      
[Tông Câu-xáchia “sắc pháp” có 11 pháp, gồm 5 giác quan, 5 đối tượng của giác quan, và 1 “vô biểu sắc” ].  
II. Tâm pháp.
Tâm pháp(心法;  P: Citta-dhamma;  S: Citta-dharma):  Đây là các hiện tượng tâm líở phương diện nhận thức. Chữ Tâm nơi đây là Vọng tâm = Thức  được Duy thức học còn gọi là Tâm vương, chính là hoạt động tâm lý của loài hữu tình. 
Tâm pháp gồm có 8 pháp – tức là 8 Vọng tâm = 8 Thức = 8 Tâm vương, đó là:     
12. nhãn thức:       Biết có cảnh vật (mắt thấy). 
13. nhĩ thức:          Biết có âm thanh (tai nghe). 
14. tị thức:            Biết có mùi hương (mũi ngửi).        
15. thiệt thức:        Biết có vị (lưỡi nếm).
16. thân thức:        Biết có cảm xúc (thân chạm – xem xúc ở Sắc pháp).
                              5 thức trên thuộc Thọ uẩn.  
17. ý thức:              Biết từ suy tưởng (luận biện – thuộc Tưởng uẩn).  
18. mạt-na thức:    Muốn (ý chí chấp thủ ngã – thuộc Hành uẩn).       
19. a-lại-da thức:    Nhớ (ký ức từ 6 thức + tiềm thức + vô thức: lưu trữ và hiện hành cái biết của vạn pháp – thuộc Thức uẩn).
[Tông Câu-xácho rằng, “tâm pháp” chỉ có 1 – tức là tâm thức, nhưng đương nhiên là nó hoạt động qua 5 ngả đường tương ứng với 5 giác quan.]
III. Tâm Sở Hữu pháp.
(= Sở hữu của Tâm vương)
Tâm Sở Hữu pháp(心所有法;  P: Cetasika;  S: Caitasika):  Đây là những pháp (hành động) liên quan đến 8 Tâm vương (biết), bao gồm những biểu cảm, nghĩ tưởng do trong tâm cảm xúc, suy tính; nói chung là các trạng thái khác nhau của tâm.
Tâm Sở Hữu pháp còn nói gọn là Tâm sở hay Hành, có 3 nghĩa:
1) Luôn luôn dựa vào Tâm vương sanh khởi.  Nếu không có Tâm vương thì Tâm sở cũng không sanh.
2) Cùng Tâm vương tương ứng.  Tương ứng là tùy thuận, không chống trái nhau. Tâm sở cùng xuất cùng nhập, cùng duyên một cảnh giới với Tâm vương.
3) Lệ thuộc vào Tâm vương.  Tâm sở liên hệ, phụ thuộc vào Tâm vương, liên hệ sít sao với Tâm vương.
Thí dụ:
- Tôi cảm thấy dễ chịu, có nghĩa là tôi biết (tâm vương “thân”) tôi có cảm giác dễ chịu (tâm sở “thọ”).
- Tôi không tham, có nghĩa là tôi biết (tâm vương “ý”) tôi không sinh lòng tham chấpưa thích khi gặp thuận cảnh(tâm sở “vô tham”).
Có 51 pháp – tức 51 Tâm sở, gồm trong 6 nhóm:     
1) Biến hành(遍行;  S: sarvatraga):  
          “Biến hành” là những hoạt động cùng với tất cả 8 thức; có 5 tâm sở:     
20. xúc:  Tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh.  
21. tác ý:  Chú ý, kích thích để phát sinh nhận thức.       
22. thọ:  Cảm thọ khó chịu, dễ chịu, hay không khó chịu cũng không dễ chịu, do cảm giác cung cấp.      
23. tưởng:  Tri giác, nhận biết đối tượng (là một người, hay một vật, hoặc một sự việc...)         
24. tư:  Quyết định. Từ đó phát sinh ra các hành động của miệng lưỡi (khẩu) và thân thể (thân), tức là tạo nghiệp.     
2) Biệt cảnh(別境;  S: vibhāvanā):    
          “Biệt cảnh” là không hoạt động cùng khắp, là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với 6 thức trước mà thôi; có 5 tâm sở:
25. dục:  Ham muốn, mong cầu.    
26. thắng giải:  Hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ.        
27. niệm:  Nhớ, kí ức.        
28. định:  Tập trung làm cho thức và các tâm sở khác chú ý vào một đối tượng, không tán loạn.   
29. tuệ:Biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là thuộc tính đặc biệt của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”; cái thấy đó tuy là sáng tỏ nhưng là cái thấy sai lầm.
(Tông Câu-xá gồm chung hai nhóm trên lại thành một nhóm gọi là “Những tâm sở có nhiệm vụ tổng quát” – biến đại địa pháp). 
3) Thiện(善;  S: kuśala):
          “Thiện” là những hoạt động tốt; có 11 tâm sở:         
30. tín:  Tin tưởng.  
31. tàm:  Biết tự thẹnxấu hổ với lầm lỗi của mình.         
32. quí:  Biết thẹnxấu hổ với ngườikhi thấy mình không trong sạch cao thượng như người.
33. vô tham:  Gặp thuận cảnh không sinh lòng tham trước.       
34. vô sân:  Gặp nghịch cảnh không sinh lòng oán giận.  
35. vô si:  Sáng suốt, thấy biết đúng với sự thật.
36. cần:  Siêng năng tu tập thiện nghiệp.  
37. khinh an:  Thư thái, nhẹ nhàng.        
38. bất phóng dật:  Không buông lung theo dục vọng.   
39. hành xả:  Tâm niệm bình đẳng, không vướng mắc, không chấp trước, không so đo phân biệt.     
40. bất hại:  Không có ý làm hại người khác.       
[Tông Câu-xáliệt kê các tâm sở “thiện” này chỉ gồm có 10 tâm sở – không có “vô sân”.]
4) Phiền não(煩惱;  S: upa-kleśa):    
          Đây là những hoạt động xấu khó diệt trừ, được gọi là các “phiền não gốc rễ”; có 6 tâm sở:
41. tham:  Muốn chiếm đoạt khi thấy gì vừa ý.     
42. sân:  Oán giận khi gặp điều không vừa ý.       
43. si:  Vô minh, không sáng suốt.  
44. mạn:  Kiêu mạn, tự cao.
45. nghi:  Ngờ vực, do dự.  
46. ác kiến:  Thấy biết sai lạc – tức là “Năm Cái Thấy Sai Lạc” như đã trình bày ở trên.
[Tông Câu-xágọi nhóm này là “đại phiền não”, và ngoại trừ “si” –  tức “vô minh”, 5 tâm sở kia hoàn toàn khác biệt, gồm có: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, và phóng dật.]
5) Tùy phiền não(隨煩惱;  S: upa-kleśa):   
          Đây là các thứ “phiền não phụ thuộc” của các phiền não gốc rễ ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở; lại chia làm 3 nhóm nhỏ:
a)Xấu nhẹ(= tiểu tùy), có 10 tâm sở:         
47. phẫn:  Nóng giận, bực tức, cộc cằn.    
48. hận:  Oán hờn.  
49. phú:  Che giấu tội lỗi.   
50. não:  Buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên.  
51. tật:  Ganh ghét. 
52. xan:  Bỏn sẻn, keo kiệt.
53. cuống:  Dối gạt. 
54. siểm:  Nịnh hót, gièm siểm.     
55. hại:  Có ý làm hại người.
56. kiêu:  Khoe khoang, tự kiêu, tự phụ.   
b) Xấu vừa(= trung tùy), có 2 tâm sở:        
57. vô tàm:   Không biết tự xấu hổ khi làm lỗi.     
58. vô quí:   Không biết tự thẹn khi tài đức không bằng người.   
c) Xấu nặng(= đại tùy), có 8 tâm sở:
59. trạo cử:  Chao động không yên.         
60. hôn trầm:  Mê muội, dật dờ, trì trệ    
61. bất tín:  Đa nghi, không tin tưởng.     
62: giải đãi:  Biếng nhác, bê trễ.    
63. phóng dật:  Buông lung, buông trôi.   
64. thất niệm:  Lãng quên, không có chánh niệm.
65. tán loạn:  Xao xuyến, rối loạn. 
66. bất chánh tri:   Hiểu lầm, biết không chính xác.       
[Tông Câu-xáliệt kê các “tùy phiền não” có 12 tâm sở, gồm trong 2 nhóm: - “đại bất thiện”, có 2 tâm sở: vô tàm và vô quí; - và “tiểu phiền não”, có 10 tâm sở: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, và kiêu.]   
6) Bất định(不定# Vô ký 無記;  S: avyākṛta):       
“Bất định” là những tâm sở không thuộc về thiện cũng không thuộc về bất thiện, hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở:
67. hối:  Hối hận về sự việc đã làm.
68. miên:  Ngủ.       
69. tầm:  Suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí. 
70. tứ:  Suy đoán, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí.       
[Tông Câu-xáliệt kê nhóm “bất định” này, ngoài 4 tâm sở trên đây còn có thêm 4 tâm sở nữa: tham, sân, mạn, nghi; tất cả là 8 tâm sở. – Như vậy, so với 51 tâm sở của tông Pháp Tướng thì tông Câu-xá chỉ liệt kê có 46 tâm sở.]
IV. Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp.
Tâm bất tương ưng hành pháp(心不相應行法;  S: viprayyuktas saṃskārāh, citta-viprayukta-dharma):  Đây là những hoạt động không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên; có 24 pháp:
71. đắc(năng lực):  Tạo được hình sắc và tính chất riêng – Ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v...; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (đạt) được một vật – ví dụ: tôi có (được) quyển sách, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt (được) quả vị giác ngộ v.v... 
72. mạng căn(năng lực):  Làm cho sinh mạng được duy trì.      
73. chúng đồng phận(năng lực): Làm cho chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất.   
74. dị sinh tánh(năng lực):  Tạo ra bản tính phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân.         
75. vô tưởng định (năng lực):  Tạo được vô tâm định để tu tập đạt được quả Vô tưởng.         
76. diệt tận định(năng lực):  Làm cho tu tập được rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán.   
77. vô tưởng quả (năng lực): Làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô tưởng, cả tâm lẫn tâm sở đều tiêu mất. 
78. danh thân(năng lực):  Tạo tên để chỉ cho sự vật.    
79. cú thân(năng lực):  Tạo được lời nói để diễn tả sự vật.       
80. văn thân(năng lực):  Tạo được văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên.    
81. sinh(năng lực):  Làm cho các pháp có được sinh thành.       
82. trụ (năng lực):  Làm cho các pháp được tồn tại.        
83. lão(dị)(năng lực):  Làm cho các pháp bị biến đổi, suy hoại. 
84. vô thường(diệt)(năng lực):  Làm cho các pháp bị tiêu mất.
85.lưu chuyển(năng lực):   Làm cho các pháp sanh khởi liên tục.
86. thứ đệ(năng lực):  Làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự.         
87. định dị (năng lực):  Làm cho mọi sự vật dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ.        
88. phươngtức phương hướng,phương vị (năng lực):  Làm cho Sắc pháp tồn tại trong không gian. Phương là dựa vào hình thể, trước sau, phải trái mà giả lập. Phương có bốn: đông, tây, nam, bắc
89. thời, tức thời gian (năng lực):  Làm cho mọi sự vật lưu chuyển xoay vần trong từng sát na của Sắc, Tâmmà giả lập. Thời có ba loại: khứ, lai, kim (quá khứ, vị lai, hiện tại).
90. tương ưng(năng lực): Làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau.          
91. thế tốc(năng lực):  Làm cho vạn pháp sinh diệt tương tục từng sát-na, di chuyển theo vận tốc.        
92. số(năng lực):  Làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được.      
93. hòa hiệp tánh(năng lực):  Làm cho sự vật hòa hợp được với nhau. 
94. bất hòa hiệp tánh(năng lực):  Làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau.
[Tông Câu-xáliệt kê nhóm “tâm bất tương ưng hành pháp” này gồm có 14 pháp – không có 11 pháp: dị sinh tánh, lưu chuyển, thứ đệ, định dị, phương, thời, tương ưng, thế tốc, số, hòa hiệp tính, bất hòa hiệp tính; nhưng thêm 1 pháp: phi đắc, cái năng lực làm cho một vật không còn thuộc sở hữu chủ của nó nữa.]
V. Vô Vi pháp.
Vô vi pháp(無爲法;  P: Asaṅkhata-dhamma;  S: Asaṁskṛta-dharma;  E: Unconditioned dharma):  Đây là những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên; Pháp hữu vi thì dụng trên thể; vô vi pháp thì thể trên dụng. Vô vi pháp còn gọi là chân Niết Bàn, Pháp Thân, Phật Tính...  Vô vi pháp có bốn ý nghĩa:
1/. Không sanh không diệt:  Pháp hữu vi thì nhờ nhân duyên sanh, nên có sanh, diệt. Pháp vô vi không nhờ nhân duyên sanh, nên không sanh diệt.
2/. Không được không mất:  Pháp hữu vi có tăng có giảm. Tăng gọi là được, giảm gọi là mất. Ở thánh không tăng, ở phàm không giảm, nên gọi là không được không mất.
3/. Không kia không đây:  Pháp hữu vi có ta, người khác nhau. Pháp vô vi, chư Phật giống nhau, nên gọi là ba đời mười phương Phật đều có cùng một Pháp thân, nên không kia không đây.
4/. Không đi không đến: Pháp hữu vi có quá khứ, hiện tại, vị lai, trong một sát na có đủ ba đời biến hóa không ngừng. Pháp vô vi thông suốt cả ba đời, thường còn không thay đổi, nên gọi không đi không đến.
          Có 6  Vô vi pháp như sau:
95. trạch diệt vô vi:  Cảnh giới Niết-bàn đạt được do sự dùng trí tuệ tiêu diệt tận cùng mọi phiền não.     
96. phi trạch diệt vô vi:  Thể tính tịch diệt vốn đã hiển nhiên – không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mà có.    
97. hư không vô vi:  Tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v... đều có giới hạn, hơn nữa, hư không thường bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v...    
98. bất động vô vi:  Thể tính của Niết-bàn là như như, tĩnh lặng.
99. tưởng thọ diệt vô vi:  Trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ – cũng tức là Niết-bàn.   
100. chân như vô vi:  Bản thân của vạn pháp.    
[Tông Câu-xáliệt kê chỉ có 3 pháp vô vi – không có 3 pháp bất động vô vi, tưởng thọ diệt vô vi, và chân như vô vi.]
Trong 5 loại của 100 pháp trên đây, 4 loại đầu (sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành) thuộc về pháp hữu vi, và loại sau cùng thuộc về pháp vô vi. “Hữu vi” là có tạo tác, có điều kiện sinh khởi, có các tướng trạng sinh (sinh thành), trụ (tồn tại), dị (tiêu mòn), diệt (hủy diệt), và tất cả đều có thể khái niệm.
o0o
Ba-la-mật-đa.

Pāramitā - Wikipedia
Ba-la-mật-đa –Wikipedia tiếng Việt
 Ba-la-mật-đa (波羅蜜多;  P: pāramī;  S: pāramitā;  E: perfection) còn được viết tắt là Ba-la-mật.  Ba-la-mật-đa được dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn (到彼岸: đạt đến bờ bên kia), Độ (度), Cứu cánh (究竟: thực tại tối hậu).
Ba-la-mật-đa đặc trưng cho hành động vượt thoát các dính mắc chấp thủ của bậc giác ngộ, nghĩa là mọi hành động của bậc giác ngộ đều gắn liền với một nội tâm Vô ngã, được gọi là Duy tác(惟作;  P: Kiriyā;  S: Kriyā;  E: Only-action).
Các hệ phái Phật giáo mà đại diện là các Tổ, đã dựa trên bản chú giải kinh Cariyāpiṭaka, đã đề ra các hạnh Ba-la-mật là những hành động tiêu biểu trong tu tập giác ngộ (tương tự như trường hợp của Tam Pháp Ấn do các Tổ đề ra), và khi hành giả thuần thục các hạnh Ba-la-mật thì đồng nghĩa là mọi hành động trong cuộc sống của hành giả đều dễ dàng được Ba-la-mật hóa, đạt tới cảnh giới giải thoát. Do đó, hành giả không phải quá quan tâm đến số lượng 6 hay 10 hạnh Ba-la-mật.
Có 10 tiêu biểu trong Phật giáo Nam truyền gọi là Thập Ba-la-mật, và 6 tiêu biểu hay 10 tiêu biểu trong Phật giáo Bắc truyền gọi là Lục Ba-la-mật và Thập Ba-la-mật, như dưới đây (Xin xem thêm mục từ Vô lượng):
1) Thập Ba-la-mật(Phật giáo Nam truyền):
Thập Ba-la-mật-đa十波羅蜜多= Thập độ度  (P: Dasa Pāramī;  S: Dasa Pāramitā ;  E: The ten perfections):  Đây là mười pháp Ba-la-mật, là 10 đại hạnh Bồ Tát  được hành giả tu tập rốt ráo để đạt đến quả vị Phật.  Mười đại hạnh này là 10 hạnh tu tập thân và tâm với một nội tâm Vô ngã, tức hành giả rèn luyện sống theo chân lý Duyên khởi.
1/.Bố thí Ba-la-mật-đa(布施波羅蜜多;  P: Dāna-pāramī;  S: Dāna-pāramitā;  E: The perfection of giving):  Rộng lượng, hiến tặngcho mọi đối tượng với một nội tâm Duyên khởi-Vô ngã.
2/.Trì giới Ba-la-mật-đa(持戒波羅蜜多;  P: Sīla-pāramī;  S: Śīla-pāramitā;  E: The perfection of morality):  Hành xử đạo đức trong cuộc sống theo đúng chân lý Duyên khởi.
3/.Xuất gia Ba-la-mật-đa(出家波羅蜜多;  P: Nekkhamma-pāramī;  S: Niṣkramaṇa-pāramitā;  E: The perfection of renunciation):  Xuất gia với hạnh nguyện sống cao cả theo đạo đức và chân lý Duyên khởi.
4/.Trí tuệBa-la-mật-đa = Bát-nhã Ba-la-mật-đa(智慧波羅蜜多;P: Paññā-pāramī;  S: Prajñā-pāramitā;  E: The perfection of wisdom): Thấy biết đúng chân lý Duyên khởi.
5/.Tinh tấn Ba-la-mật-đa(精進波羅蜜多;  P: Viriya-pāramī;  S: Vīrya-pāramitā;  E: The perfection of effort):  Cố gắng, kiên trì,nỗ lực thực hành sống theo đạo đức và chân lý Duyên khởi.
6/.Nhẫn nại Ba-la-mật-đa(忍奈波羅蜜多;  P: Khanti-pāramī;  S: Kṣānti-pāramitā;  E: The perfection of forbearance):  Nhẫn nhịn, chấp nhận, chịu đựng trên tinh thần vô ngã và hợp với chân lý Duyên khởi.
7/.Chân thậtBa-la-mật-đa(真實波羅蜜多;  P: Sacca-pāramī;  S: Satya-pāramitā;  E:The perfection of truthfulness):  Trung thực 忠实theo đạo đức và chân lý Duyên khởi.
8/.Quyết tâm Ba-la-mật-đa(決定波羅蜜多;  P: Adhiṭṭhāna-pāramī;  S: Adhiṣṭhāna-pāramitā;  E: The perfection of determination):  Quyết tâm tu học và hành động theo đạo đức và chân lý Duyên khởi.
9/. Từ Ba-la-mật-đa(慈波羅蜜多;  P: Mettā-pāramī;  S: Maitrī-pāramitā;  E: The perfection of loving-kindness or of benevolence):  Hành thiện theo đạo đức và chân lý Duyên khởi. Từ Ba-la-mật-đa chính là hạnh Từ Bitrong đạo Phật, và còn gọi là “Ban vui-Cứu khổ Ba-la-mật-đa” hay “Yêu thương Ba-la-mật-đa”.
10/. Xả ly Ba-la-mật-đa(捨离波羅蜜多; P: Upekkhā-pāramī; S: Upekṣā-pāramitā;  E: The perfection of equanimity):  Nhận thức và hành động sống hài hòa cùng thế gian, nhưng đầy đủ năng lực chủ động vượt thoát không dính mắc vào các nhận thức và hành động này từ sự soi sáng toàn triệt của Duyên khởi.
Với 1,2,3 là hành động thuộc thân, 4 -:- 10 là nhận thức thuộc tâm.
Trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-Magga) đã diễn đạt mọi hành động được Ba-la-mật hóa như sau:
Không có người hành động, chỉ có hành động.
                              Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
                              Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
                              Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.
2)Lục Ba-la-mật(Phật giáo Bắc truyền):
Lục Ba-la-mật-đa 六波羅蜜多= Lục độ六度(P: Cha-pāramī;  S: Ṣaṭ-pāramitā;  E: The six perfections):  Đây là tức sáu pháp Ba-la-mật, là 6 đại hạnh Bồ Tát được hành giả tu tập rốt ráo để đạt đến quả vị Phật.  Sáu đại hạnh này là 6 hạnh tu tập thân và tâm với một nội tâm Vô ngã, tức hành giả rèn luyện sống theo chân lý Duyên khởi.
1/.Bố thí Ba-la-mật-đa(布施波羅蜜多;  P: Dāna-pāramī;  S: Dāna-pāramitā;  E: The perfection of giving): Rộng lượng, hiến tặngcho mọi đối tượng trong và ngoài ta với một nội tâm vô ngã.
2/.Trì giới Ba-la-mật-đa(持戒波羅蜜多;  P: Sīla-pāramī;  S: Śīla-pāramitā;  E: The perfection of morality): Hành xử đạo đức trong cuộc sống theo nguyên tắc hợp với chân lý Duyên khởi.
3/.Nhẫn nại Ba-la-mật-đa(忍奈波羅蜜多;  P: Khanti-pāramī;  S: Kṣānti-pāramitā;  E: The perfection of forbearance): Nhẫn nhịn, chấp nhận, chịu đựng trên tinh thần vô ngã và hợp với chân lý Duyên khởi.
4/.Tinh tấn Ba-la-mật-đa(精進波羅蜜多;  P: Viriya-pāramī;  S: Vīrya-pāramitā;  E: The perfection of effort):  Cố gắng, kiên trì,nỗ lực thực hành sống theo đạo đức và chân lý Duyên khởi.
5/.Thiền định Ba-la-mật-đa(禪定波羅蜜多;  P: Jhāna-pāramī;  S: Dhyāna-pāramitā;  E: The perfection of meditation): Vững vàng nội tâm dưới sự soi sáng của chân lý Duyên khởi.
6/.Trí tuệ Ba-la-mật-đa = Bát-nhã Ba-la-mật-đa(智慧波羅蜜多;  P: Paññā-pāramī;  S: Prajñā-pāramitā;  E: The perfection of wisdom): Thấy biết đúng chân lý Duyên khởi.
Với 1,2 là hành động thuộc thân, 3 -:- 6 là hành động thuộc tâm.
3) Thập Ba-la-mật(Phật giáo Bắc truyền):
Thập Ba-la-mật-đa十波羅蜜多= Thập độ度  (P: Dasa Pāramī;  S: Dasa Pāramitā ;  E: The ten perfections):
Mười Ba-la-mật của Phật giáo Bắc truyềncăn cứ vào gốc là sáu Ba-la-mật, thêm vào 4 Ba-la-mật là Phương tiện, Nguyện, Lực và Tri thức. Theo Pháp Tướng tông, 10 Ba-la-mật nầy gắn liền với 10 giai vị của đạo Bồ-tát. Đó là:
1/. Bố thí Ba-la-mật-đa(施波羅蜜;  P: Dāna-pāramī;  S: Dāna-pāramitā;  E: the perfection of giving)
2/. Trì giới Ba-la-mật-đa(戒波羅蜜;  P: Sīla-pāramī;  S: Śīla-pāramitā;  E: The perfection of morality).
3/. Nhẫn nại Ba-la-mật-đa  (忍波羅蜜;  P: Khanti-pāramī;  S: Kṣānti-pāramitā;  E: The perfection of forbearance).
4/. Tinh tấn Ba-la-mật-đa(精進波羅蜜;  P: Viriya-pāramī;  S: Vīrya-pāramitā;  E: The perfection of effort).
5/. Thiền định Ba-la-mật-đa(禪波羅蜜;  P: Jhāna-pāramī;  S: Dhyāna-pāramitā;  E: The perfection of meditation).
6/. Bát-nhã Ba-la-mật-đa般若波羅蜜(P: Paññā-pāramī;  S: Prajñā-pāramitā;  E: The perfection of wisdom).
7/. Phương tiện Ba-la-mật-đa(方便波羅蜜;  P: ñāna-pāramī;  S: Upāya-pāramitā;  E: The perfection of expedient means).
8/. Nguyện Ba-la-mật-đa  (願波羅蜜;  P: Paṇidhāna-pāramī;  S: Praṇidhāna-pāramitā;  E: The perfection of the vow to attain enlightenment).
9/. Lực Ba-la-mật-đa(力波羅蜜;  P: Balaṁ-pāramī;  S: Bala-pāramitā;  E: The perfection of one's powers).
10/. Tri thứcBa-la-mật-đa(智波羅蜜;  P: Ñāna-pāramī;  S: Jñāna-pāramitā;  E: the perfection of omniscienceor of knowledge).
Thập Ba-la-mậthay Lục Ba-la-mật là 10 hay 6 hành động được chọn lọc tiêu biểu cho việc tu tập theo tinh thần Chân lý Duyên khởi.  Việc thuần thục hoàn thiện 10 hay 6 hành động này được xem là hạt nhân để hoàn thiện Ba-la-mật cho tất cả mọi hành động khác trong cuộc sống, là thành đạt Thánh quả.
o0o
Bản lai diện mục.
          Bản lai diện mục(本來面目;  E: Original face or Buddha-nature)
          Bản 本:  Là gốc gác, cội nguồn.
          Lai 來:  Là tương lai, về sau.
          Diện 面:  Là mặt (khuôn mặt).
          Mục 目:  Là thấy.
Theo đó,  Bản lai diện mục là “Gương mặt từ xưa đến nay”. Đây là một ẩn dụ nổi tiếng trong Thiền tông, được dùng để chỉ Phật tính, Chân như trong mỗi chúng sinh bằng cách vượt lên đối đãi nhị nguyên.
Dưới dạng câu hỏi “Gương mặt xưa nay của ngươi là gì?”, chư vị Thiền sư thường hay trắc nghiệm kinh nghiệm ngộ đạo của đệ tử. Thấy “gương mặt xưa nay” tức là kiến tính(= kiến Phật tính, kiến Duyên khởi tính), nghĩa là ngộ được bản tính của các pháp hữu vi, tức ngộ Đạo (Chân lý).
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Huệ Minh ngay đó đại ngộ. [X. Vô môn quan Tắc 23].
Bản lai diện mục còn gọi là Bản địa phong quang, Bản phận điền địa, Tự kỉ bản phận, Bản phận sự.  Ý nghĩa của Bản lai diện mục tương đồng với Bản giác của Hiển giáo và Bản sơ của Mật giáo.
-----------
Chú thích:
1)Hiển giáo (顯教;  E: Exoteric): thuộc tất cả các tông phái, ngoại trừ Chân Ngôn tông.
2)Mật giáo (密教;  E: Esoteric) thuộc Chân Ngôn tông (真言宗:  E:  Shingon sect). Chân Ngôn tông tu tập theo những nghi thức Du Già.
o0o
Bát bất.
Có 4 loại Bát bất thông thường sau:
1) Bát bất Trung đạo(八不中道;  E: The eight negations of Nāgārjuna) có nghĩa là tám phủ định của ngài Long Thọ (龍樹;  S: Nāgārjuna), người sáng lập ra Tam Luận tông, đó là: Bất sinh Bất diệt,Bất thường Bất đoạn,Bất nhất Bất dị,Bất khứ Bất lai.
Trong Trung Quán Luận中觀論bài kệ “Quán Nhân Duyên” –Phẩm 1, có viết:
不生亦不滅              Bất sinh diệc bất diệt
不常亦不斷              Bất thường diệc bất đoạn
不一亦不異              Bất nhất diệc bất dị
不來亦不出              Bất lai diệc bất xuất
能說是因緣                Năng thuyết thị nhân duyên
善滅諸戲論                Thiện diệt chư hí luận
我稽首禮佛                Ngã khể thủ lễ Phật
諸說中第一             Chư thuyết trung đệ nhất.
                    Không sinh cũng không diệt
                    Không thường cũng không đoạn
                    Không một cũng không khác
                    Không đến cũng không đi
Hay thuyết Nhân Duyên ấy
Khéo diệt các hí luận
Con cúi đầu lễ Phật
Bậc nhất trong các thuyết
Bát bất Trung đạo phủ nhận tất cả những chấp mắc sắc thái hiện hữu qua việc càn quét tất cả tám thứ sai lầm gắn liền với thế giới hiện thể, hay sự đào thải hỗ tương của bốn cặp thiên kiến, hay một chuỗi dài biện luận nhằm gạt bỏ từ sai lầm nầy đến sai lầm khác. Theo cách nầy tất cả những biện biệt về 'tự 自’hay 'tha他’, về 'bỉ彼’ hay ‘thử此' (ta hay người, bên này hay bên kia) đều đều bị vượt thoát.
1. Bất sinh diệc bất diệt (E: Neither birth nor death - không sinh cũng không diệt), nghĩa là không có khởi cũng không có diệt; phá ý niệm khởi bằng ý niệm diệt.
2. Bất thường diệc bất đoạn(Neither permanence nor end - không thường cũng không đoạn), nghĩa là không có trường cửu cũng không có bất trường cửu; phá ý niệm về 'thường' bằng ý niệm 'đoạn'.
 3. Bất nhất diệc bất dị (E: Neither identity nor difference - không giống cũng không khác), nghĩa là không có thống nhất cũng không có phân ly; phá ý niệm về 'nhất' bằng 'dị'.
4. Bất lai diệc bất xuất (E: Neither coming nor going - không đến cũng không đi), nghĩa là không có đến mà cũng không có đi; phá ý niệm 'đến' bằng ý niệm 'đi'.
          2)Bát bất chính kiến  (八不正見):  Đó là tám thứ thấy biết trái với lẽ chân chính, gồm: ngã kiến, chúng sinh kiến, thọ mệnh kiến, sĩ phu kiến, thường kiến, đoạn kiến, hữu kiến, vô kiến.
Theo Đại Minh Tam Tạng Pháp số quyển 33, có giải thích như sau :
1. Ngã kiến, tức chúng sinh chấp sai rằng, trong năm uẩn có cái ta và cái của ta.
2. Chúng sinh kiến, tức chấp sai rằng năm uẩn hòa hợp có thể sinh ra chúng sinh thực.
3. Thọ mệnh kiến, tức chấp sai rằng trong năm uẩn có một kì quả báo hoặc thọ mệnh dài ngắn.
4. Sĩ phu kiến, tức chấp sai rằng trong ta có cái dụng sĩ phu, đó là có khả năng làm các việc thương nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp...
5. Thường kiến, tức chấp sai rằng, cái thân năm uẩn đời này, đời sau, có thể nối tiếp mãi không dứt.
6. Đoạn kiến, tức vọng chấp rằng, thân năm uẩn đời này chết đi, đời sau không sinh ra nữa.
7. Hữu kiến, tức chấp sai rằng, các pháp do nhân duyên sinh đều là có thật.
8. Vô kiến, tức cho rằng các pháp là rỗng không, không có gì cả. [X. kinh Đại phương đẳng đại tập Q.25].
3)Bát bất tịnh vật(八不淨物) Đó là tám điều bất tịnh cho chư Tăng Ni;.
Theo Niết-bàn kinh sớ Q.6, có chép tám thứ mà chư Tăng Ni không được sở hữu:
1. Giữ vàng  (E: To keep gold).
2. Giữ bạc  (E: To keep silver or money).
3. Giữ nô lệ nam : Mướn đầy tớ nam (E: To have male slaves, or manservant).
4. Giữ nô lệ nữ : Mướn đầy tớ nữ  (E: To have female slaves, or maidservant).
5. Nuôi gia súc hay gia cầm  (E: To raise cattles, birds, or domestic animals).
6. Dự trữ bất cứ thứ gì  (E: To keep supplies of grain and silk or of anything, to   store anything other than the eight appurtenances - tám món cần dùng).
7. Buôn bán trao đổi  (E: To trade, or to do business).
8. Canh nông  (E: To own and farm the land, to own and cultivate the land).
          4)Bát bất tư nghị  (八不思議) còn gọi là A-nan bát bất tư nghị. Đây là tám việc không thể nghĩ bàn. Cứ theo kinh Niết-bàn (bản Bắc) quyển 20 chép, thì tôn giả A nan đã theo hầu đức Phật hơn hai mươi năm, có đầy đủ tám việc sau đây:
1. Không nhận lời mời riêng. Nghĩa là nhất cử nhất động, ngài A-nan đều theo chúng tăng, không nhận lời mời riêng của thí chủ, không ăn riêng, mà luôn luôn ăn với chúng tăng.
2. Không nhận áo cũ. Nghĩa là dù cho áo cũ rách của Như lai chăng nữa, A-nan cũng không dám nhận.
3. Không phải thời, không gặp. Nghĩa là A-nan tuy là người theo hầu Phật, nhưng gặp Phật phải đúng giờ giấc. Như khi đức Phật đang nói pháp, hoặc phải thay mặt chúng tăng thưa trình điều gì, thì mới đến chỗ Phật.
4. Thấy đàn bà con gái, không động lòng ham muốn, không có ý tưởng ham muốn, hoàn toàn xa lìa ái dục, không đắm trước.
5. Nghe pháp không hỏi lại. Nghĩa là A-nan nghe đức Phật nói mười hai bộ kinh, có khả năng hiểu ngay, không cần hỏi lại.
6. Biết chỗ đức Phật vào định. Nghĩa là A-nan thường biết các cõi Thiền định mà đức Như Lai đang ở trong đó, và thấy rõ Phật sẽ đối với căn cơ nào mà nói các pháp nghĩa nào.
7. Biết rõ chúng sinh nghe pháp, được lợi ích gì, chứng các tướng gì, đều có thể biết.
8. Biết hết ý đức Phật nói pháp. Nghĩa là ngài A-nan nghe các pháp Như lai nói, tuy căn khí người nghe có lớn nhỏ khác nhau, giáo pháp có nông sâu bất đồng, nhưng đều biết được hết ý kín đáo.
o0o
Bát Chánh Đạo. 
Bát Chánh Đạo  (八正道;  P: Ariya-aṭṭhaṅgikamagga;  S: Āryāṣṭāṅgamārga;  E:  The Eightfold Path) nơi kinh Chuyển Pháp Luân được xếp trong 37 Phẩm trợ đạo, bao gồm 8 nội dung Đạo đức và Chân lý – tức Giới-Định-Tuệ, là những gì cần thực hành theo lộ trình tu học Văn Tư Tu, để đi đến giác ngộ-giải thoát.


Noble Eightfold Path - Wikipedia
Bát chính đạo – Wikipedia tiếng Việt
 
Trong 8 chi phần của Bát Chánh Đạo thì Chánh kiến(= Chánh tri kiến) chính là nhận thứcnguyên lýDuyên khởi, là nhận thức nền tảng chủ đạo cho 7 chi phần còn lại (từ Chánh Tư duy  đến  Chánh Định)biểu hiện giá trị cả về Chân lý và Đạo đức trong đạo Phật –đó là chân lý Duyên khởivà đạo đứcDuyên khởi
Thành tựu Bát Chánh Đạo là đồng nghĩa với mọi hành động của hànhgiảtrong cuộc sống đều có nền tảng vững chắc trên Chánh tri kiến, là Niết-bàn hiện thực tại chính thế gian này vậy.
1) Chánh tri kiến(正知見;  P: Sammā-diṭṭhi;  S: Samyag-dṛṣṭi;  E: Right view, Right understanding):  Đó là thấy (kiến) đúng lẽ thật và hiểu, biết (tri) đúng lẽ thật.  Sự thấy-biết đúng lẽ thật được xác lập trên nền tảng của Nguyên lý  Duyên khởicủa đạo Phật – một khám phá vĩ đại của đức Phật.
Nói đơn giản, Chánh tri kiến đặc trưng cho sự thấy biết đúng đắn về Đạo đức Duyên khởi và Chân lý Duyên khởi trên mọi đối tượng quan sát và giao tiếp.
Trong kinh Tương Ưng 3 có ghi :
Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Duyên khởi “.
Hay:
Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật “.
Phápnơi đây là Chân lý khách quan tự nhiên, và Phậtlà Giác ngộ-Giải thoát vậy.
Những diễn đạt cụ thể chính yếu về Duyên khởi bao hàm Chân đế và Tục đế:
1/.  LýVô thường - Vô ngã:  (*)
- Vô thường (無常;  P: anicca;  S: anitya;  E: impermanence)
- Vô ngã (無我;  P: anattā;  S: anātman;  E:no-self, not self, non-ego)
2/. LýNhân Quả(因果;  P;S : Hetu-phala;  E: Cause and Effect).
                    Từ lý Nhân Quả, tức Nhân Duyên Quả, cấu trúc Tứ Diệu Đế  và  Thập Nhị Nhân Duyênđược hình thành.
          3/. LýTrung đạo (中道;  P: Majjhimā-paṭipadā;  S: Madhyamā-pratipad;  E: Midle Way).
          Nguyên lý chân lý Duyên khởicòn gọi là lý Không. Theo đó, Duyên khởi tính = Không tính = Trung tính là các cách diễn đạt đa dạng thích nghi với cảnh trạng.
Bài kệ 18, Phẩm 24 “Quán Tứ Đế của Trung Luận đã chỉ ra mối tương quan nhất quán giữa Nguyên lýchân lýDuyên khởi  và các cách nhìn về Trung đạo  và Không tính (= tính Không) như sau:
眾繇                             Chúng do Duyên sanh pháp
                  Ngã thuyết tức thị Không
                  Diệc vi thị Giả danh
                  Diệc thị Trung đạo nghĩa
Mọi pháp từ các Duyên
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
Trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm - đức Phật nói :
          “Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý Duyên khởi này, nên chúng sinh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò”.
Chánh tri kiến được xem là chi phần quan trọng nhất, là động lực chính trong Bát Chánh Đạo, dẫn hướng cho bảy chi phần còn lại.  Với Chánh tri kiến thì có thể chắc chắn rằng suy tưởng(tư duy) sẽ đúng lẽ thật và trong sáng, và khi suy tưởng này thuần thục thì lời nói(ngữ) và hành động(nghiệp) cũng sẽ đúng không khác.  Chánh tri kiến sẽ soi sáng sự nỗ lực(tinh tấn) có lợi cho việc nhớ nghĩ(niệm) và việc chuyên chú(định).  Tất cả đều hướng về thấy-hiểu đúng lẽ thật.
----------------
(*) Chú thích:  Vô thường và Vô ngã là hai tính chất, hai tự tính của các sự vật, hiện tượng Vật chất (= Sắc pháp) và Tinh thần (Danh pháp).  Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên thuyết các pháp Vô thường, Vô ngã dựa trên sự thấy biết như thật về Nguyên lý Duyên khởi.
- Vô thường đã được nói đến cả khi Phật chưa ra đời, nhưng với quan điểm “một số Thường hằng, một số Vô thường”, chứ không phải tất cả các pháp đều Vô thường như sự chứng ngộ và tuyên thuyết của Đức Phật.
- Vô ngã thì độc nhất vô nhị từ cổ chí kim, chỉ có đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng.
[Xin xem thêm các mục từ Vô thường, Vô ngã).
Trong kinh Đại Kinh Khổ Uẩn có đề cập tới bốn thủ là Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã luận thủ, đức Phật đã giảng giải và khẳng định rằng: Các du sĩ ngoại đạo có thể liễu tri Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ nhưng không thể liễu tri Ngã luận thủ. [Xin xem giải thích 4 thủ ở phần Thủ của mục từ Thập Nhị Nhân Duyên]
Chính vì vậy, thấy biết như thật hay liễu tri Vô thường đã là chuyện khó, thấy biết như thật hay liễu tri Vô ngã lại càng khó khăn hơn.
          2) Chánh tư duy(正思唯;  P: Sammā-saṅkappa;  S: Samyak-saṃkalpa;  E: Right thought):  Đó là suy nghĩ, suy tưởng, nghiệm xét đúng lẽ thật, hợp với Chánh tri kiến.  Nội dung có thể thực hiện như sau :
          1/.Giải trừ các ý nghiệpbất thiện tham-sân-si đã tạo tác bằng cách thực hành các ý nghiệp thiện viễn ly như bố thí, khoan dung.
                    Ý dẫn đầu các pháp                              Ý dẫn đầu các pháp
                    Ý làm chủ tạo tác                       Ý làm chủ tạo tác
                    Nếu với ý nhiễm ô                      Nếu với ý thanh tịnh
                    Nói năng hay hành động             Nói năng hay hành động
                    Khổ não bước theo sau               An lạc bước theo sau
                    Như xe theo vật kéo.                  Như bóng không rời hình.
                              Kệ Pháp Cú 1.                                      Kệ Pháp Cú 2.
          2/. Tư duy theo tinh thần của lý Từ Bi-Trí Tụê (thuộc đạo đức).
          3/. Quán chiếu “Ngoài sự tư duy đúng lẽ thật, không có người tư duy đúng lẽ thật” (thuộc chân lý).  “Như lý tác ý” là một dạng của Chánh tư duy.
          Chúng ta biết rằng tuy Tham-Sân-Si được xếp vào các độn sử (khó đoạn trừ), nhưng Si theo tinh thần của Bát Chánh Đạo là chướng ngại cần triệt phá sớm với Chánh tri kiến, nhằm để dần đoạn diệt 2 chướng ngại còn lại là Tham, Sân.  Bát Chánh Đạo vì thế có nét của phương châm “Đốn ngộ, Tiệm tu ”.
          3) Chánh ngữ(正語;  P: Sammā-vācā;  S: Samyak-vāk;  E: Right speech) :  Đó là lời nói để diễn đạt ý tưởng đúng lẽ thật, hợp với Chánh tri kiến.  Nội dung có thể thực hiện như sau: 
          1/.  Giải trừ các khẩu nghiệpbất thiện đã tạo tác bằng cách thực hành các khẩu nghiệp thiện 16 điều đạo đức [điều 4-:-7 ở phần Khẩu nơi 10 điều đạo đức – Thập thiện, được suy rộng].
          2/. Nói năng theo tinh thần của lý Từ Bi-Trí Tuệ (thuộc đạo đức).
          3/. Quán chiếu “Ngoài sự nói đúng lẽ thật, không có người nói đúng lẽ thật”(thuộc chân lý).
          4) Chánh nghiệp:  (正業;  P: Sammā-kammanta;  S: Samyak-karmānta;  E: Right action):  Đó là hành động của thân theo ý tưởng đúng lẽ thật, hợp với Chánh tri kiến.  Nội dung có thể thực hiện như sau :
          1/.Giải trừ các thân nghiệpbất thiện đã tạo tác bằng cách thực hành các thân nghiệp thiện.           
2/. Hành động của thân theo tinh thần của lý Từ Bi-Trí Tuệ (thuộc đạo đức).
3/. Quán chiếu “Ngoài sự hành động đúng lẽ thật, không có người hành động đúng lẽ thật”(thuộc chân lý). Nói cách khác, đây là hành động vượt thoát không dính mắc – Duy tác(惟作;  P: Kiriyā;  S: Kriyā;  E: Only-action).
          5) Chánh mạng:(正命;  P: Sammā-ājīva;  S: Samyag-ājīva;  E: Right livehood):  Đó là chọn nghề sinh nhai hợp với Chánh tri kiến có các nội dung có thể thực hiện như sau:
          1/.  Nghề sinh nhai không ảnh hưởng đến sự vi phạm 40 điều đạo đức (suy rộng từ 10 điều đạo đức – Thập thiện), hơn nữa lại có điều kiện thực hiện các điều đạo đức này.
          2/.  Nghề sinh nhai thuận theo tinh thần của lý Từ Bi-Trí Tuệ (thuộc đạo đức).
          Với nội dung này, có thể thấy ngay một số nghề cần tránh như buôn bán người, buôn bán vũ khí, thuốc độc, chất say nghiện…, đầu cơ tích trữ làm lũng đoạn thị trường, nghề cho vay nặng lãi, nghề lợi dụng lòng mê tín dị đoan của con người, các nghề dịch vụ bắt chẹt trên sự thiếu hiểu biết của khách hàng…
          6/. Chánh tinh tấn(正精進;  P: Sammā-vāyāma;  S: Samyag-vyāyāma;  E: Right effort) :  Đó là nỗ lực, chuyên cần trên 7 chi phần còn lại của Bát Chánh Đạo, hợp với Chánh tri kiến, biểu hịên qua 4 phạm vi sau:
1/. Nỗ lực tiêu trừ các bất thiện pháp đã gây ra các bất thiện nghiệp.
          2/. Nỗ lực ngăn ngừa, dập tắt các bất thiện pháp đang hoặc chưa phát sinh (như phòng hộ các căn).
          3/. Nỗ lực làm phát sinh các thiện pháp.
          4/. Nỗ lực làm tăng trưởng các thiện pháp đã phát sinh.
          Như vậy, Chánh tinh tấn thể hiện năng lực hướng tới làm chủ thân-khẩu-ý.
7) Chánh niệm(正念;  P: Sammā-sati;  S: Samyak-smṛti;  E: Right mindfulness):  Đó là nhớ nghĩ mang tính phòng hộ [= cảnh giác thường xuyên, bởi Chánh niệm là Nhân - Tỉnh giác là Quả ] trên 7 chi phần còn lại của Bát Chánh Đạo, hợp với Chánh tri kiến.  (Xin xem thêm mục từ Chánh niệm)..
Chánh niệm thể hiện năng lực an lập từ nhiệm vụ không quên. Chánh niệm có thể thực hiện trên mọi việc ta tiếp xúc, ở mọi lúc như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống … với nhận diện về các pháp hợp với Chánh tri kiến cả về đạo đức và chân lý, như:
          1/.Tu hướng thiệnvới ngoại cảnh (người và vật) xung quanh:  Đó là hành giả rèn luyện hoàn thiện Đạo đức bằng việc thực hành Chánh niệm “Từ bi-Trí tuệ ” với nguyên tắc chuẩn mực sau:
           “Mọi hành động đem lạilợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành. Mọi hành động đem lạilợi mình-hại người hay hại mình-lợi người hay hại mình-hại người, được xem làxấu, làác, là dữ.
          Các chi phần của Ngũ giới, Thập giới, ... đều được diễn giải theo nguyên tắc Đạo đức này. Như thế, Ngũ giới, Thập giới, ... không còn là những tín điều cứng nhắc như ở các tôn giáo khác, và hành giả sẽ tự nhiên vượt qua chướng ngại “Giới cấm thủ”.
2/. Tu hướng chânvới nội tâm hành giả:  Đó là hành giả tu tập hoàn thiện Chân lý bằng việc thực hành Chánh niệm trong tu thiền.
          - Chánh niệm trong thiền định với các đối tượng như Thập tùy niệm, Tứ vô lượng tâm, …  Chi niệm Phật  của Thập tùy niệm có ý nghĩa là niệm Phật định, đó là Chánh niệm danh hiệu của Phật, như:  “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” hay “Nam mô A-di-đà Phật”.
- Chánh niệm trong thiền tuệ với các đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp (Tứ Niệm Xứ) được soi sáng bởi các lý như Duyên khởi – Vô thường – Vô ngã, Nhân Quả, Tùy duyên, Trung đạo, ...
[Xin xem thêm các mục từ về Thiền]
Thật vậy, trong kinh Tăng Chi 4, tr. 264-:-265 có ghi như sau:
“Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói :  “Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học.  Có công đức lớn hơn  xây tu viện là thọ Tam quy Phật-Pháp-Tăng.  Có công đức lớn hơn thọ Tam quy là giữ Năm giới.  Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm Từ Bi, dù là trong giây phút.  Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý Duyên khởi – Vô thường, Vô ngã – của mọi sự vật ””.
Đạo Phật là đạo tu Tâm, và thực hành tu Tâm chính là thực hành Chánh niệm trên những đối tượng tương thích, đó là:
- Từ Tâm loạn động  =>  Tâm an lạc (khinh an và hoan hỷ) :  Chánh niệm trong Thiền định.
- Từ Tâm mê lầm     =>  Tâm sáng suốt (tuệ giác)             :  Chánh niệm trong Thiền tuệ.
          8) Chánh định(正定;  P: Sammā-samādhi;  S: Samyak-samādhi;  E: Right concentration):   Theo kinh Đại Tứ Thập – Trung Bộ III, đó là tập trung thuần nhất, vững chải trên sự thành tựu của 7 chi phần còn lại của Bát Chánh Đạo, hợp với Chánh tri kiến.
Chánh định là Định vô lậu, trái với Tứ thiền định của Sắc giới là Định hữu lậu. Chánh định còn gọi là Sát-na định (刹那定;  P: Khaṇika-samādhi;  S: Kṣaṇika-samādhi;  E: Momentary concentration), là sự định tâm trên đối tượng ở mỗi danh pháp hoặc mỗi sắc pháp trong thời gian ngắn ngủi tùy theo nhân duyên của nó.
Chánh định thuộc về pháp hành thiền tuệ. Tuệ giác về Duyên khởi, tức Vô ngã và Vô thường, là yếu tố soi sáng các Duyên sinh-diệt nơi đối tượng, vượt lên các đối đãi nhị nguyên như “đúng-sai, tốt-xấu, đẹp-xấu, hay-dở ...”, hình thành nên Sát-na định này. (Xin xem thêm mục từ Thiền định).
Khi nội tâm Vô ngã không dính mắc diễn ra, thì Chánh định nơi hành giả tự xuất hiện. Điều này có nghĩa là Định và Tuệ đồng hiên hữu nơi hành giả.
Trong kinh Đế Phân Biệt Tâm–thuộc Trung Bộ kinh, khi luận về tiến trình giải thoát, đức Phật nói : “Chánh định được tu tập cùng với 7 chi phần khác của Bát Chánh Đạo sẽ dẫn đến Chánh trí, và Chánh trí  [P: Sammā-ñāṇa – tức tu học chân lý để thành tựu Minh(明;  P: Vijjā;  S: Vidyā)]sẽ dẫn đến Chánh giải thoát (P: Sammā-vimutti)”.
Trên đây là sự thực tập trên 7 hành động được chọn lọc chính yếu, hợp với Chánh tri kiến, và cũng là bước đầu cho tất cả mọi hành động khác trong cuộc sống hàng ngày của hành giả, luôn hợp với Chánh tri kiến vậy.
Trong Tương Ưng Đạo (Tương Ưng 5.45), nói chung về Bát Chánh Đạo có ghi:
1.Bát Chánh Đạo là Pháp thừa(cỗ xe Chân lý):
Thánh đạo Tám ngành này, này Ananda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe Pháp. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.
Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.
Này Ananda, chính với pháp môn này, các ông cần phải hiểu như thế này: “Cỗ xe thù thắng, cỗ xe Pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này”.
2.Bát Chánh Đạo là con đường diệt khổ:
- Này các Tỳ-khưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông: “Này hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?” Ðược hỏi vậy, thời các ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này”.
Này các Tỳ-khưu, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này các Tỳ-khưu, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.
- Bạch Thế Tôn, thế nào là con đường đưa đến bất tử?
Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỳ-khưu, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
- Có tám pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia (P: apārāpa ramgamanāya). Thế nào là tám? Tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
- Này các Tỳ-khưu, có năm Hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm? Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục tham, Sân. Này các Tỳ-khưu, đó là năm Hạ phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm Hạ phần kiết sử này, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.
- Có năm Thượng phần kiết sử này, này các Tỳ-khưu. Thế nào là năm? Sắc tham, Vô sắc tham, Mạn, Trạo cử, Vô minh. Này các Tỳ-khưu, đó là năm Thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm Thượng phần kiết sử này, này các Tỳ-khưu, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
3.Giải thích về tám chi phần của Bát Chánh Đạo:
Này các vị tỳ-khưu,
- Thế nào là Chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.
- Thế nào là Chánh tư duy? Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.
- Thế nào là Chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.
- Thế nào Chánh nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.
- Thế nào là Chánh mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.
- Thế nào là Chánh tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.
- Thế nào là Chánh niệm? Đó là:
+Sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời;
+Sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời;
+Sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời;
+Sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời.
- Thế nào là Chánh định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện pháp:
+Chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ.
+Chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả và niệm lạc trú.
+Chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước.
+Chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh.”
o0o
Bát phong.
Bát phong(八風;  P: Aṭṭhalokadhamma;  S: Aṣṭalokadharma;  E: Eight worldly conditions) còn gọi là Bát pháp (八法;  E: Eight worldly dharmas), Bát thế phong (八世風;  E: Eight worldly winds):  Là tám ngọn gió, đặc trưng cho 8 pháp thế gian (= tám duyên thế gian) làm tâm loạn động.
Bát phong làm tâm động biểu hiện qua trạng thái tâm mong cầulo sợ : được(lợi) - mất(suy); khen(dự) - chê(hủy); vinh(xưng) - nhục(cơ); vui(lạc) - khổ (khổ).
1. Được (= Lợi 利;  P;S: Lābha;  E: Hope for gain), tức lợi ích; khi có lợi ích đối với mình, đều gọi là lợi.
2. Mất (= Suy 衰;  P;S: Alābha;  E: Fear of loss), tức suy diệt; khi có sự suy tổn đối với mình, đều gọi là suy.
3. Khen (= Dự 譽;  P: Pasaṃsā;  S: Praśaṃsā;  E: Hope for praise), tức khen ngợi, tán thán; nghĩa là khi yêu thích người nào, dù chưa hề gặp mặt, cũng lấy lời lẽ tốt đẹp mà khen ngợi người đó.
4. Chê (= Hủy 毀;  P;S: Nindā;  E: Fear of blame), tức phỉ báng; nghĩa là khi ghét người nào, thì dùng lời không tốt để nói xấu người đó.
5. Vinh (= Xưng 稱;  P: Yasa;  S : Yaśa);  E: Hope for good reputation), tức xưng dương, nêu cao; nghĩa là khi tôn trọng người nào, thì tán dương người đó trước mọi người.
6. Nhục (= Cơ 譏;  P: Ayasa;  S: Ayaśa;  E: Fear of bad reputation), tức quở trách, chê bai; nghĩa là khi ghét người nào, dù không có chuyện gì, cũng dối chê bai người đó trước mọi người.
7. Vui (= Lạc樂;  P;S: Sukha;  E: Hope for pleasure), tức vui mừng; nghĩa là nhân gặp duyên hay cảnh tốt, thì thân tâm vui mừng, hoan hỷ.
8. Khổ (= Khổ 苦;  P: Dukkha;  S: Duḥkha;  E: Fear of pain), tức bức bách; nghĩa là nhân gặp duyên hay cảnh không tốt, thì thân tâm phải chịu bức bách, khổ não.
Trong Ngô Sơn Tịnh Đoan Thiền Sư Ngữ Lục (吳山淨端禪師語錄) có đoạn rằng: “Phổ Hóa Hàn Sơn Thập Đắc chi lưu, chỉ yếu đương nhân thời thời tỉnh bộ, bất tùy Bát Phong sở phiêu, hốt nhiên nhất niệm tương ưng, tức thị đáo gia thời tiết * 普化寒山拾得之流、只要當人時時省捕、不隨八風所漂、忽然一念相應、卽是到家時節* Dòng thiền của Phổ Hóa, Hàn Sơn, Thập Đắc, chỉ cần người ấy luôn luôn tỉnh giác nắm bắt, chẳng bị Tám Gió cuốn theo, đột nhiên một niệm tương ưng, tức là đến lúc về nhà.”  –  Luôn tỉnh giác nơi đây hàm ý rằng hành giả luôn Chánh niệm “Duyên khởi tính, tức Không tính” thì sẽ dễ dàng vượt lên dính mắc nơi đối đãi.
Tương truyền thi sĩ Tô Đông Pha (蘇東坡, 1036-1101) có làm một bài thơ thể hiện chỗ sở ngộ của ông và trình lên cho Thiền sư Phật Ấn (佛印) xem, trong đó có hai câu rằng: “Bát Phong xuy bất động, đoan tọa Tử Kim Đài  * 八風吹不動、端坐紫金台, Tám Gió thổi chẳng động, ngồi yên Vàng Tía Đài.”
o0o
Bất khả đắc.
Bất khả đắc(不可得;  P: Alābha;  S: Alabdha;  E: Unattainable):  Là không thể đạt được, không thể hiểu đượcdù có tìm cầu như thế nào đi nữa.
1/.Trong đạo Phật có nêu ra bốn điều không thể đạt được bất khả đắc (Tứ bất khả đắc 四不可得;  E: The four unattainables) như sau:
1. Thường thiếu bất khả đắc (常少不可得; E: Perpetual youth): Trẻ mãi không già.
2. Vô bệnh bất khả đắc (無病不可得;  E: No sickness):  Không ốm đau bịnh hoạn.
3. Trường thọ bất khả đắc (長壽不可得;  E: Perennial life):  Sống lâu.
4. Bất tử bất khả đắc (不死不可得;  E: No death):  Không chết.
2/. Trong kinh Kim Cương,  Đoạn 18 – Nhất Thể Đồng Quán có trình bày sự không thể tìm biết sự tồn tại của tâm 心như sau:
 “Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.
Dịch nghĩa:
          “Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể tìm được, tâm hiện tại không thể tìm được, tâm vị lai không thể tìm được.
--------------------
Chú thích:  Tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại không dừng trụ, tâm vị lai chưa đến, nên trong ba đời không thể tìm tâm được[Xin xem Đức Sơn Tuyên Giám – Wikipedia tiếng Việt]
o0o
Bất khả tư nghị.
Bất khả tư nghị (不可思議;  P: aciṅteyya;  S: aciṅtya):  Nghĩa là không thể nào suy nghĩ bàn luận ra được.  Câu này dùng để tả điều mà chỉ những ai giác ngộ mới cảm biết. Cũng gọi là Bất tư nghị (不思議)
Trong kinh Tăng Chi Bộ, IV. 77),Chương IV, phẩm Không Hý Luận, phần Không thể nghĩ đến, được đức Phật khuyên: “Có bốn hiện tượng bất khả tư nghị, này tỉ-khâu, bốn trường hợp mà người ta không nên suy gẫm, đó là:
1. Năng lực của một vị Phật (P: Buddha-visaya):  Này các Tỳ-khưu, cảnh giới chư Phật là không thể nghĩ bàn đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
2.Ðịnh lực (P: jhāna-visaya):  Này các Tỳ-khưu, cảnh giới thiền định là không thể nghĩ bàn đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ.
3.Nghiệp lực (P: kamma-visaya):  Này các Tỳ-khưu, cảnh giới Quả dị thục của nghiệp là không thể nghĩ bàn đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ.
4.Suy gẫm về thế giới (P: lokaciṅtā) Đó là:
          - Thế giới này có tồn tại vĩnh viễn hay không vĩnh viễn.
          - Thế giới này có giới hạn hay không có giới hạn ...
          Này các Tỳ-khưu, cảnh giới thế giới là không thể nghĩ bàn đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ.
Đây là những điều mà ta không nên suy nghĩ viễn vông vô ích, bởi vì chúng không đưa tới kết quả giác ngộ giải thoát cho chính bản thân ta.
o0o
Bất Nhị.
          (Xin xem mục từ Trung đạo)
o0o
Bình đẳng – Công bình.
Nội dung
I. Khái niệm về  Bình đẳng – Công bình.
II. Bình đẳng–Công bình theo quan điểm Triết học-Chính trị.
III.  Bình đẳng – Công bình theo quan điểm Ki tô giáo.
IV.  Bình đẳng – Công bình theo quan điểm Phật giáo.
I. Khái niệm về  Bình đẳng – Công bình.

          1)  Bình đẳng (;  E:equality) :  Đây là từ gốc Hán, trong đó:
Bình = Bằng   :  Là đều nhau, ngang nhau;  
Đẳng  :  Là thứ hạng, cấp bậc
Theo đó, bình đẳng là khái niệm nói lên tính chất tương đương, như nhau … giữa mọi người hay giữa các loài sinh vật.  Ví dụ như sự đói, sự no, sự khát, sự thở, sự chết … luôn hiện hữu nơi mọi loài sinh vật. 
          Tính chất tương đương này có thể có một cách tự nhiên thể hiện định tínhhoặc một cách có điều kiện thể hiện định lượng(ít, nhiều: như sự no-đói, sự khát-giải khát, …).
Song song với khái niệm bình đẳng giống nhau, là bất bình đẳng khác nhau cùng lúc tồn tại nơi một sự vật.Ví dụnhư con người ngoài những điểm giống nhau kể trên, có các điểm khác nhau.  Bất bình đẳng cũng bao hàm định tính và định lượng:
Về vật chấtnhư  nam-nữ, cao-thấp, béo-gầy, lành lặn-tật nguyền, … thuộc khách quan;  như đẹp-xấu, thô kệch-duyên dáng … thuộc chủ quan.
Về tinh thầnnhư khôn-dại, tốt-xấu (đạo đức, nhân cách … ).
          Tuy nhiên, ngoại trừ số ít, con người có xu hướng cố gắng thu hẹp các khác nhau bằng nhiều cách về vật chất và tinh thần, với ước mơ là cùng ngồi chung nhau trên mặt bằng nhân bản trong cuộc sống, điển hình là vấn đề giới với bình đẳng giới và vấn đề đạo đức với bình đẳng đạo đức.  Câu chuyện ngụ ngôn  “Cò và Cáo”   gợi ý về cách ứng xử bình đẳng, được nhà văn cổ đại Hy Lạp là Aesop (620-:-564 ) tCN  trình bày sau đây, ông dù xuất thân là nô lệ nhưng rất được kính trọng:
  
Tượng Aesop và ảnh minh họa câu chuyện “Cáo và Cò”
          “ Ngày xưa, có một con cò và một con cáo. Cáo mời cò đến nhà mình ăn tối. Đồ ăn được bày ra đĩa nên cò với cái mỏ dài của mình không thể nào ăn được. Hôm sau cò lại mời cáo đến nhà mình ăn. Lần này đồ ăn được dọn ra trong một cái bình cổ dài, vì vậy cáo chỉ có cái lưỡi ngắn ngủn nên không ăn được gì ”. 
          Cái lưỡi của cáo và cái mỏ của cò đều dùng để lấy thức ăn, nhưng lại có các hình dạng khác nhau, đòi hỏi phải sử dụng những cách thức khác nhau. Câu chuyện cho thấy rằng, đôi khi có cơ hội bình đẳng (thức ăn phục vụ cho cả hai), nhưng kết quả không bình đẳng (cách lấy thức ăn không phù hợp theo từng con vật). Do đó, cần phải có các biện pháp để đạt kết quả bình đẳng, là sự no.
Tiếp theo hình ảnh này, bức tranh bình đẳng nơi con người thường được quan tâm ở 2 khía cạnh sau :
 
          1/. Bình đẳng giới (E: gender equality) :  Đây là ý niệm bình đẳng nơi con người dù rằng có những khác biệt nhau về giới (gender). Con người thông thường có 3 giới là nam giới (E: male), nữ giới (E: female), lưỡng giới (E: hermaphroditic). Cả 3 giới đều có những tính chất tương đương như nhau, cơ bản cần cho sự sống về vật chất cũng như tinh thần. Các tính chất khác như sức khỏe, tình cảm, lý trí chỉ có xu hướng vượt trội khác nhau một cách tương đối, nhưng xét cho cùng đều cùng bổ sung cho nhau, giúp cho cuộc sống được hài hòa hơn. Bởi không ít người nữ khỏe mạnh, dẻo dai và học giỏi hơn hẳn người nam khi có cùng cơ hội, như thống kê mới đây tại Mỹ cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp học vị tiến sĩ hàng năm của nữ vượt hẳn nam, ngược lại rất  nhiều người nam cũng tràn đầy lòng thương cảm, vị tha được nêu danh.
          Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay vấn đề bình đẳng giới  hãy còn nhiều trắc trở mà nữ giới hiện phải hết sức nhọc công  đấu tranh và tìm kiếm một giải pháp hợp lý trong cộng đồng xã hội.
Tôn giáo là nơi thường đề cao lý tưởng bình đẳng, nhưng vấn đề bình đẳng giới trong các cộng đồng này hiện nay hãy còn tồn tại. Qua các phân tích trên, chúng ta có thể nhận định rằng sở dĩ vấn đề bình đẳng giới gặp phải bế tắc là do – hoặc bởi ý tưởng cố chấp về hình ảnh của hoàn cảnh xã hội khách quan khi xưa trong các giai đoạn lịch sử phong kiến – hoặc bởi ý tưởng cố chấp lời dạy phương tiện hay hành động ngẫu nhiên mà cho là ý muốn thiêng liêng của các nhà sáng lập tôn giáo.               
2/. Bình đẳng đạo đức(E: moral equality) :  Đây là ý niệm bình đẳng nơi con người dù rằng có những khác biệt nhau về màu da, về giàu-nghèo, về địa vị xã hội, về trí tuệ, về tài năng (sức mạnh, khéo léo …) … mà có khi còn được gọi là giai cấp (E: class).  Ý niệm này thể hiện sự tôn trọng giữa con người và con người, đồng thời tránh đi sự phân biệt đối xử, sự khinh miệt nhau khiến thiếu vắng tính nhân văn. Bình đẳng đạo đức không chỉ được xã hội với hiến pháp và các chính sách quy định, mà các tôn giáo cũng thường có những học thuyết đề cao và kêu gọi mọi người cố gắng hiện thực ý niệm bình đẳng này.
          2) Công bình (公平;  E: justice)  cũng là từ gốc Hán trong đó:
Công :  Là không riêng tư, không thiên lệch;  
Bình = Bằng   : Là đều nhau, ngang nhau.
Theo đó, công bằng là khái niệm về sự có được cơ hội và kết quả hợp lý mang tính khách quan cho từng mỗi con người hay từng mỗi sinh vật, mỗi sự việc. Trong khi nhân quyềnthể hiện quyền lợi về ý chí của hành động, thì công bìnhthể hiện quyền lợi hay trừng phạt về vật chất hay tinh thần của hành động.
          Chính vì thế mà công bình có thể gọi là quyền bình đẳng (E: equal rights), và được xây dựng thành những định chế pháp lý như nhân quyền. Nội dung của công bình cũng  ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa bản địa và có tác động lên sự ổn định đời sống xã hội. Công bình là sự việc luôn có mặt trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội ( giáo dục, lao động, y tế, phúc lợi … ).
          - Điều 21 của Tuyên Ngôn QT Nhân Quyền xác định quyền tự do chính trị về bầu cử và ứng cử, còn quyền bình đẳng chính trị thì xác định sự không phân biệt về nam-nữ, màu da, sắc tộc … đối với sự kiện bầu cử và ứng cử này. Quyền bình đẳng bầu cử ở phụ nữ chỉ có được từ năm 1918 tại Đức ,  1920 tại Mỹ,  1944 tại Pháp.
          - Điều 23 của Tuyên Ngôn QT Nhân Quyền xác định quyền tự do lao động, còn quyền bình đẳng lao động thì xác định sự không phân biệt về nam-nữ, màu da, phúc lợi… Tất nhiên trong thực tế có thể có những điều chỉnh nào đó nhưng vẫn thể hiện tính nhân văn làm mọi người được hài lòng (do sức khỏe, năng lực, hoàn cảnh …).
Bài thơ được viết bởi một đứa bé Châu Phi và được tổ chức UNESCO bình chọn là bài thơ hay nhất.
When I born, I black
When I grow up, I black
When I go in Sun, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
And when I die, I still black
And you white fellow
When you born, you pink
When you grow up, you white
You go in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
And when you die, you grey
And you calling me colored?
 
                                                                o0o
 
Khi tôi sinh ra, tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới mặt trời, tôi màu đen
Khi tôi sợ, tôi màu đen
Khi tôi đau, tôi màu đen
Và khi tôi chết, tôi cũng màu đen
Anh nói rằng anh trắng
Khi anh sinh ra, anh màu hồng
Khi anh lớn lên, anh màu trắng
Khi anh đi dưới mặt trời, anh màu đỏ
Khi anh lạnh, anh màu xanh
Khi anh sợ, anh màu vàng
Khi anh đau, anh màu tái (lục)
Và khi anh chết, anh màu xám
Và tại sao anh lại nói tôi là da màu!
 
Vì thế:
          - Chúng ta không nên quá cố chấp sự công bằng để bị bế tắc như việc chia 4 hòn bi cho 3 đứa trẻ.
          - Chúng ta không nên quá bi quan như triết học-chính trị gia nước Anh là Thomas Hobbes cho rằng : “Đời sống con người khốn khổ và ngắn ngủi thì còn tìm đâu ra công bình cho kiếp người”.
          - Chúng ta không nên xem khái niệm bình đẳng là qui luật cho thế gian tương đối này mà tiêu cực với thái độ “há miệng chờ sung”.
          - Chúng ta không nên xem khái niệm bất bình đẳng cũng là qui luật cho thế gian tương đối này mà thụ động với “trái tim băng giá”.
II. Bình đẳng–Công bình theo quan điểm Triết học-Chính trị.
          1) Bình đẳng – Công bình theo công ước quốc tế CEDAW (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination Against Woman ):  Ngày 18/12/1979  Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn công ước CEDAW nhằm mục đích xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, xuất phát từ phân biệt giới. Theo đó nam giới và nữ giới được đối xử như nhau về các quyền tự do và quyền bình đẳng trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội … . Công ước CEDAW có 30 điều, đã chỉ ra 2 nội dung về bình đẳng giới như sau :
 
          1/. Bình đẳng thực chất :  Từ phân tích các đặc điểm về giới giữa nam và nữ qua các yếu tố sinh lý và tâm lý, cần tạo ra cơ hộitiếp cậnkết quả(= phúc lợi ) đúng mực chứ không định kiến, không sai lệch. Kết quả được bảo đảm về mặt pháp luật, chính sách.
          2/. Bình đẳng đối xử :  Không phân biệt là phụ nữ, không hạn chế số lượng phụ nữ, không loại trừ phụ nữ đối với khả năng của người nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội …  qua các hình thức sau :                                      
- Trực tiếp (= có chủ định ) :  Luôn đặt phụ nữ ở vị trí thứ cấp.                                  - Gián tiếp (= không chủ định ) :  Không tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận.
Hiện nay có trên 186/192 quốc gia là thành viên của CEDAW với cam kết :
- Thực hiện bình đẳng giới trong khuôn khổ pháp luật quốc gia.                                  - Thực hiện bình đẳng giới trong thực tế, đó là bình đẳng thực chất và bình đẳng đối xử.
Việt Nam là nước thứ 6 đã phê chuẩn công ước CEDAW vào ngày 17/2/1982.  Sau trên 30 năm ra đời, kết quả cho thấy là vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được cải thiện sáng sủa, xem báo cáo chuyên đề CEDAW của Lê Thị Quý (www.new.org.vn).
          2)  Bình đẳng – Công bình theo các học thuyết:
+  J. Borda( 1733-:-1799 ) M. Concorcet ( 1743-:-1794 ) và  K. Arrow (1921-:-2017) .
  
          J. Borda và M. Concorcet là các nhà Toán-Triết-Chính trị học của nước Pháp đã dùng toán học để nghiên cứu công bình với kết quả chấp nhận được gọi là ưu tiên của đa số. Phương pháp này có những khuyết điểm vì không quan tâm tới các yếu tố đói nghèo, bệnh tật, kỳ thị … của xã hội, nên dù có  K. Arrow nhà kinh tế học người Mỹ,  Nobel kinh tế 1972  đã kế thừa và phát triển phương pháp này cũng đành thú nhận rằng “ Thực tế cho thấy là chưa có một mô hình nào về công bình có thể thỏa mãn cho đa số và được coi là thuần lý và dân chủ “.
          +  H. Varian(1947-:-…)

H. Varian là nhà kinh tế vi mô của nước Mỹ,  giáo sư ở MIT và các đại học Stanford, California, Berkeley, Michigan, kinh tế trưởng của Google cho rằng công bằng  là một ý niệm chủ quan, phức tạp và đa diện. Theo ông, trên thực tế công bằng xã hội có thể dựa trên 2 yếu tố :
          1/. Yếu tố 1 :  Giá trị lao động đóng góp cho xã hội, trong đó có lưu ý đến cá nhân bị tật bệnh hoặc hoàn cảnh mà nếu được học hành sẽ nâng cao được khả năng đóng góp.                         
2/. Yếu tố 2 :  Thu nhập có được từ sự phân phối lợi tức.                       
Theo đó, công bình xã hội giữa hai cá nhânab khi thỏa điều kiện sau :
          - Thu nhập của a/Giá trị lao động củaa= Thu nhập của b/Giá trị lao động của b.
          - Không công bằng xã hội khi đẳng thức trên trở thành bất đẳng thức và hàm ý giá trị đạo đức tốt khi bất đẳng thức tiến đến đẳng thức, ngược lại là xấu khi bất đẳng thức biểu hiện một cách biệt lớn.
          +  J. Rawls (1921-:-2002). 

J. Rawls nhà Triết-Chính trị học của nước Mỹ,  giáo sư đại học Havard. Quyển sách “Theory of Justice”của ông là công trình được hoàn thiện trong trên 20 năm, trong đó ông đã xem yếu tố định chế (E: trancendental  institutionalism) là nền tảng cho công bằng xã hội. Thuần yếu tố định chế được chỉ ra là cứng nhắc, thiếu hài hòa đối với thái độ con người (ganh tị) trong việc thể hiện công bình.
          +  A. Sen (1933-:-…).

A. Sen là nhà kinh tế học của nước Mỹ gốc Ấn Độ,  Nobel kinh tế 1998,  giáo sư ở MIT và đại học Havard.  Ông đã có những tác động lớn đến các chính sách của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng thế giới, UNDP (United Nations Development Programme) về sự phát triển xã hội, về xóa đói giảm nghèo, về bình đẳng giới, về phúc lợi … của nhiều nước.
          Quyển sách nổi tiếng “The Idea of Justice”(Tư tưởng về công bằng) của ông đã xuất bản năm 2009.  Đây là công trình lớn đưa ra lý thuyết về công bằng bao quát có tính thực tiễn cao và mang nhiều hàm ý chính sách xã hội sâu sắc, thiết thực. Nội dung của nó được diễn đạt với 2 yếu tố chính có tính tiếp cận bổ sung cho nhau như sau :
          1/. Yếu tố 1:   Xây dựng định chế hoàn hảo theo tinh thần của J. Rawls với những hiểu biết sâu sắc.                                                                       
2/.Yếu tố 2: Khảo sát đối chiếu trên thực tế(E: realisation-focused  comparison) cuộc sống xã hội qua thông tin và thảo luận công khai để tìm cách giải quyết các bất công, điều đó có nghĩa là công bằng được nâng cao. Thực tiễn giúp chúng ta hiểu đúng và thiết thực hơn về công bằng trong mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới.
          Nội dung của quyển sách còn cho thấy là  A. Sen  đã có những kế thừa và phát huy từ tư tưởng của Ấn Độ và Phật giáo như sau :
  • Ấn Độ:  Khi xưa, quan điểm về công bình có 2 khía cạnh phân biệt:
-  Niti :  Là xét đoán về vai trò các định chế và các thái độ đúng đắn chung.
-  Natya :  Là đánh giá về sự thực hiện công bình trên thực tế.
          Tư tưởng Ấn Độ đã tỏ ra biết tôn trọng Natya hơn là Niti, và sự hiện hữu của thuật ngữ Matsyanyaya là cảnh giác mọi người đối với sự việc bất công “cá lớn nuốt cá bé”.
  • Phật giáo:  Đó là 2 sự kiện lịch sử sau :                                    
Vua Chandragrupta  (là nội tổ của vua Ashoka) có quân sư Kautilya luôn đề cao vai trò định chế và những cấm đoán nghiêm minh để đạt đến công bình xã hội.                     
Vua Ashoka  (là một Phật tử) đã chủ trương giáo dục để cải thiện thái độ con người (ganh tị) quan trọng hơn là nghiêm cấm qua định chế và luật lệ.  Nhà vua đề cao sự công bình giữa các tôn giáo và cho rằng người nào biết tôn trọng tôn giáo mình mà bất kính với tôn giáo khác, thì thái độ này chính là làm tổn hại và hạ thấp tôn giáo của mình.
Một vài sự kiện hiện nay được yêu cầu cải đổi để có công bằng xã hội:   
-  Từ thiện là một biểu hiện của sự không công bằng xã hội còn tồn tại.(?)         
-  Xử lý hành chánh, xử lý nội bộ, kỷ luật, khiển trách là các biểu hiện không công bằng, là luật pháp bị uốn nắn, bị bẻ cong.(?)                                           
- Điểm thi theo lý lịch, học phí cao với đối tượng nghèo… là bất công trong giáo dục.(?)
3) Một vài ý tưởng về Bình đẳng – Công bình:
+  Không quan trọng rằng tóc tôi dài bao nhiêu, da tôi màu gì hay tôi là nam hay nữ.
     It doesn’t matter how long my hair is or what color my skin is or whether I’m a woman or a man.                                                                                                                                                                                                        J. Lennon.
 
+   Không ai nhận được từ tự nhiên quyền ra lệnh cho người khác.
      No man has received from nature the right to command his fellow human beings.          
                                                                                                  Denis Diderot.
 
+  Có lẽ sự bình đẳng là quyền của con người, nhưng không có thế lực nào trên trái đất này từng có thể biến nó thành sự thật.                  
                                                                                                                                                                                                                                                                                     H. Balzac.
+   Con người chúng ta đều bình đẳng trước cái chết.
     As men, we are all equal in the presence of death.                                 P. Syrus.
 
                                                           ***
 
+   Người nhấtnhất công bằng thật tàn nhẫn. Có ai sống trên thế gian này mà lúc nào cũng được phán xét công bằng ?
    
L. Byron.
 
+   Không công bằng nếu yêu cầu người khác làm điều mà chính mình không sẵn sàng làm.
     It is not fair to ask of others what you are not willing to do yourself.                                                                                                                                                          E. Roosevelt.
 
+   Bất cứ ai có khả năng khiến bạn tin vào những điều vô lý thì cũng có khả năng khiến bạn gây ra bất công.          
     Anyone who has the power to make you believe absurdities has the power to make you commit injustices.                                                                                                                                                                                                                                        Voltaire.
 
+   Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi là sự bất công trầm trong nhất.
     The strictest law sometimes becomes the severest injustice.                                                                                                                                                                   B. Franklin
 
+  Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực.
    An unjust law is itself a species of violence.                                                                                                                                                                     M. Gandhi.
 
III.  Bình đẳng – Công bình theo quan điểm Ki tô giáo.
          1) Bình đẳng theo Kinh Thánh và Giáo Hội:                                               Sau đây là các đoạn trích trong Kinh Thánh về các sự kiện đã được chép lại và được xem như là mô tả về khái niệm bình đẳng của Kitô giáo.

Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài (Sáng Thế Ký 2, 22–24).
          +  Sáng Thế  St 2.4 -:- St 2.24 : “ Ngày Chúa là ngày mà Thiên Chúa làm ra đất và trời…, Thiên Chúa đã lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Thiên Chúa tạo ra một vườn ở phía đông gọi là Eden với nhiều loại cây mà trông thì đẹp, ăn thì ngon, đặc biệt là có một cây cho biết điều thiện-ác và một cây trường sinh ở giữa vườn, sau đó đặt con người do mình tạo ra vào đó.  Thiên Chúa dùng đất tạo tiếp muôn thú làm trợ tá cho con người, và con người làm chủ và tự đặt tên cho chúng ( con người có thể giết và ăn thịt trợ tá thì vẫn được xem là điều thiện).  Con người cảm thấy muôn vật trợ tá mình không tương xứng (trong khi muôn vật thì tương xứng ) nên buồn bã, vì thế Thiên Chúa bèn ập giấc ngủ mê lên con người, rút một xương sườn của con người rồi lắp thịt thế vào, tạo ra một vật tợ con người và đem tới cho con người.  Con người bèn nói với vật tợ kia : “Này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, tôi gọi đây là đàn bàcòn tôi là đàn ông.Bởi thế người đàn ông sinh ra người đàn bà và gắn bó với người đàn bà, và cả hai thành một xương-một thịt. ””
Đây là quá trình làm việc của Chúa trong việc tạo dựng con người - nam (đàn ông = Adam ) và nữ ( đàn bà = Eva ) - cả hai đều có nét riêng nhưng bổ túc cho nhau, và được xem là lý do cho sự bình đẳng giới trong Kitô giáo.
          +  Ê-phê-sô  6:1-9 :  “ Vì anh em tin đức Jesus, nên hết thảy đều là con trai của đức Chúa Trời … . Tại đây không còn phân chia ra người Giu-đa (Do Thái) hay người Gờ-réc (Hy Lạp), không còn là người tớ hay người chủ, người nam hay người nữ, anh em thảy đều là như nhau”.
          Qua các sự kiện trên, Giáo Hội đã dạy rằng : “Trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau”, và rằng : “sự kiện tạo dựng vũ trụ vạn vật cùng con người cho dù không có ai chứng kiến hay mô tả ghi chép lại, nhưng đó là chuyện tả chân xác thực một trăm phần trăm” mà người tín hữu phải có đức tin (nhiều nghi vấn là phải làm gì lay chuyển cho những người rất thường ở sau lưng Thiên Chúa). Cũng vì thế mà  Giáo Hoàng Bê-na-dic-tô hiện nay trong một bài giảng đã nhắc nhở rằng chính đức tintình bạn với Thiên Chúa sẽ tạo thành ý thức bình đẳng và công bình nơi con người.
          Việc thứ đến là người theo đạo Kitô cần hiểu một cách đúng đắn và chắc chắn là vũ trụ vạn vật cùng con người  là không bình đẳng về chất liệu (E: substance) với Thiên Chúa, và đây là điều được khẳng định trong Thần học (E: theology) và Bản thể học (E: ontology) về Thiên Chúa, vì đó là 2 chất liệu riêng biệt.
          2)  Công bình theo Ý Chúa :  
          Ý  Chúa là ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này thường được cho là lời Chúa và lời này được ghi lại trong Kinh Thánh. Vì thế, người theo đạo là gắng tìm biết Ý Chúa về cuộc sống vật chất và tinh thần của mình trong hiện tại, nghĩa là phải tin tưởng và cầu nguyện Thiên Chúa để cảm nhận và tự giải thích hiện trạng đời sống của mình theo những ý tưởng nào đó trong Kinh Thánh, đồng thời xem đó là những thử thách của Thiên Chúa mà con người cần phải dấn thân (an phận hay đấu tranh) nhằm làm đẹp lòng Chúa, và nhờ đó mà có được ân sủng bên Chúa đời đời sau khi chết:
          “ Thiên Chúa phán :  ý tưởng của ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối của ta. Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng của ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng từng bấy nhiêu vậy ( E-sai 55:8-11 ) “.
          Cuộc sống của chúng ta giàu hay nghèo, khỏe hay bệnh, thọ hay yểu, vui hay buồn … , nếu bằng đức tin và cầu nguyện, chúng ta sẽ cảm nhận sự dấn thân của chính mình và chắc chắn là hành động của chúng ta đã thể hiện sự công bình đích thực, vì rằng công bình chính là bản tính của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa lập nên sự công bình cho chúng ta:
 
          “ Thiên Chúa hay làm ơn và là công bình (Thi Thiên 116:5). Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Thiên Chúa là thành tín và công bình sẽ tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:9).  Bởi đức tin mà người ta được kể là công bình (Habacuc 2:4) ”.  Vì thế, những gì mà chúng ta gọi là bất công tồn tại, thực ra chỉ là do con người chưa nhận biết được hồng ân và Ý Chúa ban cho để đạt tới Thiên Đàng.
          Một cách cụ thể, sự công bằng của Thiên Chúa có thể được diễn tả như sau:
+Những người bất hạnh, nhỏ bé, đau khổ thì được Thiên Chúa thương yêu nâng đỡ, an ủi một cách đặc biệt. Và Chúa trao cho họ muôn vàn cơ hội tuyệt vời hàng ngày để "nên Thánh", khi họ từng ngày phải đối diện và vượt qua khó khăn thử thách.
"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi " (Mt 5,5). Hóa ra mình lại là người có phúc nếu cuộc sống mình có nhiều khổ đau thử thách. Vậy cớ gì mình còn ganh tị với những điều tốt đẹp của người khác và buồn rầu cho những bất hạnh của mình ?        
+ Những người được Chúa ban cho nhiều hồng ân hơn ở đời này, cũng có con đường nên thánh khi họ biết sống sẻ chia và yêu thương.
"Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5,7). Nhưng để thực hiện được điều này quả là rất khó, chính Chúa Giêsu đã cảnh báo "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa"  (Mt 19,24).        
Một trường hợp điển hình đặt ra là tại sao Giáo Hội Kitô giáo không cho nữ giới làm Linh Mục.  Lý do được giải thích là bởi Ý Chúa, mầu nhiệm của Chúa thể hiện sự bình đẳng và công bình cho dù có trái với nguyên tắc bình đẳng giới nam-nữ đã xác lập ban đầu khi Thiên Chúa sáng thế.  Đã có những giải thích cho là do hoàn cảnh lịch sử và xã hội lúc bấy giờ mà đã có những áp đặt hạn chế khả năng của người phụ nữ.
Như thế, cho dù mình là người giàu hay nghèo, đau yếu hay khỏe mạnh, sung sướng hay bất hạnh... thì đều được Thiên Chúa yêu thương và trao ban cho những phương thế riêng để đạt tới hạnh phúc đích thực là hưởng kiến Nhan Thánh Chúa ở Nước Trời. Đó là sự công minh tuyệt vời của Thiên Chúa, còn bất công tồn tại là do con người không nhận ra được hồng ân và Ý Chúa, không biết sử dụng những phương thế Chúa ban để đạt tới Nước Trời.     
IV.  Bình đẳng – Công bình theo quan điểm Phật giáo.

           Nguyên lý Duyên khởi là khám phá trọng đại và là nền tảng của toàn bộ sự nghiệp lớn lao của đức Phật. Đức Phật đã từng khẳng định rằng :
Lý Duyên Khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính Duyên  nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý – trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện …“. (Xin xem mục từ Duyên Khởi). Thực tính Duyên nơi mọi sự mọi vật đã nói lên :
          + Thực chấtbình đẳng của mọi sự mọi vật, được biểu hiện bằng hiện tượng vô thườngbản chất vô ngã(tính biến đổi và tính không thực).                         
+ Thực chất công bình của các Duyên được biểu hiện bằng tính chủ khởi trước các tương tác (nhân) hoặc bằng tính thụ nhận Nghiệpsau các tương tác (quả) của các Duyên.
          1)  Bình đẳng theo hiện tượng:  Đặc trưng bằng một số điển hình sau:
1/. Bình đẳng qua nhận thức sự sống :  Con người ngoài một số nét chung về vật lý và sinh lý tối thiểu cần cho sự sống thì sự bình đẳng về tướng sinh diệt của quá trình đời sống nơi con người gồm thân tâm và nơi pháp tức mọi sự mọi vật là không có ngoại lệ :                                                                                                                                               Thân :     Sanh – Lão – Bệnh – Tử.                                                                               Tâm   :     Sanh – Trụ -- Dị -- Diệt.                                                                        Pháp  :     Thành – Trụ -- Hoại – Không.
2/. Bình đẳng qua phân biệt giới tính:  Được trình bày qua một số kinh điển sau :
Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn: 
“ Bản lai diện mục của con người vốn đầy đủ lẽ sống, và trong quá trình sinh sôi nẩy nở của loài người thì cả hai nam-nữ ấy đều có tác dụng và vị trí như nhau“.          
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có chép:
 “ Nếu người nữ nào có thể nhận ra rằng chính bản thân mình ắn đang hiện hữu Phật tính, nên biết đó chính là một nam tử “.                                            
          Trong  kinh Thiện Sanh, đức Phật đã chỉ dạy 5 điều lành mà người chồng cần đối xử với người vợ, đồng thời cũng là 5 điều lành mà người vợ cần đối xử với người chồng nhằm giúp cho đời sống vợ chồng được hạnh phúc.
                    –  Đối với chồng :
                              1/ Tôn trọng và khoan dung nhau.                                                                             2/ Tỏ lòng mến người thân hai bên gia đình.                                                              3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.                                                   4/ Tôn trọng chức năng làm vợ.                                                                                 5/ Quan tâm tới các vật trang sức cần thiết cho vợ.
                    –  Đối với vợ :
                              1/ Tôn trọng, khoan dung nhau.                                                                                2/ Tỏ lòng  mến người thân hai bên gia đình.                                                             3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.                                                   4/ Gìn giữ tài sản gia đình.                                                                                                  5/ Quan tâm, khéo léo, khích lệ công việc của chồng.
Có lẽ vì thế mà văn hào người Ấn Độ là Acharya  Hemachandra (1087–1172) đã có nhận xét như sau : “Theo đức Phật, tất cả tính mạnh-yếu, tốt-xấu, trí-ngu … đều có cả trong hai giới nam và nữ.  Do vậy trong giáo huấn, đức Phật đã đặt mỗi giới vào đúng vị trí của họ. Nam hay Nữ không còn là trở ngại cho việc thanh lọc thân và tâm hay phục vụ độ tha. Đấy cũng chính là tinh thần bình đẳng dành cho nữ giới trong giáo lý Phật giáo“.
3/. Bình đẳng qua phân biệt giai cấp :  Được trình bày qua các kinh điển sau:   
Trong kinh Tăng Chi Bộ có chép lời chỉ dạy của đức Phật:
–  Lời dạy 1:  “Này Paharada, có 4 giai cấp :  Sát đế lợi (cai trị), Bà la môn (tăng lữ ), Tỳ xá (nông-công-thương), Thủ đà la (nô lệ),  sau khi xuất gia và sống trong pháp và luật do Như Lai thuyết giáo, đều là những Sa môn Thích tử “.               
–  Lời dạy 2:  Câu chuyện hai người thuộc giai cấp nô lệ, một là người chăn cừu cúng dường bát sữa trước khi Phật thành đạo và một là người gánh phân được gia nhập tăng đoàn sau khi Phật thành đạo đã làm rung chuyển xã hội giai cấp khắc nghiệt thời bấy giờ bằng giáo nghĩa bình đẳng sau:  “Trong mỗi con người khi sinh ra, không mang sẵn giai cấp nơi dòng máu cùng đỏ như nhau, cũng như nơi dòng nước mắt cùng mặn. Cũng thế, nơi mỗi người không có sẵn dấu Tin-ca nơi trán, không đeo sẵn dây chuyền nơi cổ (chỉ giai cấp cai trị). Bà la môn hay Thủ đà la đều do hành vi nơi mỗi con người đó mà nên”.
4/. Bình đẳng qua tu học chứng ngộ :  Được trình bày qua các kinh điển sau: 
Trong kinhTăng Chi Bộ 3.
Đức Phật trả lời cho tôn giả Ananda :“ Này Ananda, sau khi xuất gia và sống trong pháp và luật do Như Lai thuyết giáo, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán”.
Trong kinh Trung Bộ 2:                                                       
Đức Phật trả lời cho du sĩ ngoại đạo Vaccha :“ Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm … mà còn nhiều hơn thế nữa những tỳ kheo ni đã tinh tấn tự đoạn trừ  các phiền não, và với thượng trí đã tự mình chứng ngộ giải thoát ngay trong hiện tại”.  
Trong kinh Đại Báo Ân.
“ Như cơn gió lốc thổi dồn tất cả các thứ lá. Phật pháp(= chân lý giác ngộ)bình đẳng cho mọi chúng sinh, không phân biệt giàu-nghèo, trí-ngu, sang-hèn, già-trẻ, nam-nữ, thiện-ác…”.
Trong kinh Kim Cương có chép:
“Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề * 是法平等,無有高下,是名阿耨多羅三藐三菩提* Các pháp đều bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”  
[Thuốc chẳng luận quý hiếm hay thông thường (đắt hay rẻ), miễn chữa lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng luận cạn–sâu, hóa giải được phiền não là diệu pháp.]
Tiêu biểu bình đẳng về sự chứng ngộ chân lý cụ thể như sau:
- Tiêu biểu mười vị Thánh A-la-hán Tăng:
1. Sāriputta (Xá-lợi-phất):                              Trí tuệ đệ nhất.
2. Moggallāna (Mục-kiền-liên):              Thần thông đệ nhất.
3. Upāli (Ưu-bà-li):                                         Giới luật đệ nhất.
4. Pūraṇa (Phú-lâu-na):                        Thuyết Pháp đệ nhất.
5. Mahākassapa (Ma-ha-ca-diếp):         Đầu-đà đệ nhất (khổ hạnh).
6. Kātyāyana (Ca-chiên-diên):              Biện luận đệ nhất.
7. Subhūti (Tu-bồ-đề):                         Giải “Không” đệ nhất.
8. Rāhula (La-hầu-la):                          Mật hạnh đệ nhất (Ba-la-mật hạnh).
9. Anuruddha (A-na-luật):                     Thiên nhãn đệ nhất.
10. Ānanda (A-nan-đà):                        Đa văn đệ nhất (nghe và nhớ).
 
- Tiêu biểu mười vị ThánhA-la-hán Ni:
1. Khema:              Trí Tuệ đệ nhất.
2. Uppalavaṇṇa:     Thần Thông đệ nhất.
3. Paṭācārā:           Giới luật đệ nhất.
4. Dhammadinna:   Thuyết Pháp đệ nhất.
5. Kisagotami:        Đầu đà đệ nhất. (Khổ hạnh)
6. Kudalakesa:       Biện luận đệ nhất.
7. Nanda:               Thiền Định đệ nhất
8. Sonā:                 Tinh Tấn đệ nhất.
9. Sakula:               Thiên nhãn đệ nhất.
10. Sumānā:           Chánh tín đệ nhất                                         
          2)  Bình đẳng theo bản chất :   đặc trưng bằng một số điển hình sau :
1/. Tính chất  duyên  sinh-diệt:
          Trong kinh Tiểu Bộ 1 có chép:              
Cái này có        vì     cái kia có.                                                   Cái này không   vì     cái kia không.                                              Cái này sinh      vì    cái kia sinh.                                                  Cái này diệt       vì    cái kia diệt.          
          Trong kinh Tư Ích có chép:                            
Các pháp từ duyên sinh.                                                             Tự không có định tính.                                                                Biết được nhân duyên này.                                                                    Đạt thuộc tính các pháp.                          
2/. Tính chấtnội tâm :  tính chất này được mô tả bằng nhiều cách:
1. Cảm nhậnsự vượt thoát qua các tông phái và có các tên gọi sau :
                    +  Pháp Tướng tông  :   phế thuyên,  đàm chỉ   :   miễn bàn, miễn nói.
                    +  Tam Luận tông     :   ngôn vong,  lự tuyệt     :   quên lời, bỏ nghĩ.
                    +  Thiền tông           :   bất lập văn tự             :   không dùng văn từ.
                    +  Tịnh Độ tông        :   bất khả tư nghì           :   không thể nghĩ bàn.
                    +  Chân Ngôn tông    :   xuất quá ngôn ngữ      :   vượt trên ngôn từ.
 
                    2. Cảm nhận sự tịch tĩnh: Tính chất này có các tên gọi như Hư Không,  Hư Vô, Chân Không,  Chân Không Diệu Hữu,  Không Tịch.
Trong kinh Pháp Bảo Đàncó chép:
                    Hư Không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật ”.                                                                                                                                       
                    3. Cảm nhận sự đủ đầy(viên dung) :  tính chất này có các tên gọi như  Nhất Thể, Nhất Như,  Nhất Tâm,  Như Như.
Trong kinh Duy Ma Cật có chép:  “ Ta và chúng sinh là Nhất Thể, lấy bệnh của chúng sinh làm bệnh của ta, lấy bệnh của ta làm bệnh làm bệnh của chúng sinh “.                                                                                                                                         
                    4. Cảm nhận sự chính yếu(cốt lõi) :  tính chất này có các tên gọi như  Pháp Thân,  Pháp Thể.
Trong kinh Thắng Man có chép:  “ Pháp Thân của Như Lai là chân Thường, chân Lạc, chân Ngã, chân Tịnh”                                                                      
 
                    5. Cảm nhận sự hoàn thiện:   tính chất này có các tên gọi như   Chân Như,  Chân Tâm,  Thật Tướng,  Chân Thật Tướng,  Viên Thành Thật Tướng.
Trong kinh Lăng Nghiêm có chép:  “ Vạn pháp từ Chân Tâm biến hiện “.           
 
3/.Tính chất giác ngộ :   Tính chất này được gọi là Phật tính(Phật :  giác ngộ, thấu rõ lẽ thật;    tính :  tính chất ). 
Phật tính nói lên tính bình đẳng – tính chất các Duyên sinh-diệt. Bởi chân lý Duyên khởi biểu hiện qua 2 tính chất là Vô thường tínhVô ngã tính nơi vạn sự vạn vật, đượcnói gọn là Duyên khởi tính, hay gọi cách khác là Không tính, thường được đức Phật chỉ dạy khi còn tại thế.
Phật tính là yếu tố nhận thức quan trọng và luôn được quán niệm trong thực hành tu tập, vì giá trị rất lớn trong việc chuyển hóa nội tâm.
Trong kinh Tăng Chi Bộ 4, tr. 264-:-265, có chép:.
          “ Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói : “ Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học.  Có công đức lớn hơn  xây tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng.  Có công đức lớn hơn thọ tam quy là giữ năm giới.  Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm từ bi, dù là trong giây phút.  Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý Duyên sinh – Vô thường, Vô ngã – của sự vật ””.
                                                                                        
          4)  Công bình theo Nhân và Quả :
          1/. Công bình theo nhân :  Loại công bình này thể hiện ngay khi bắt đầu một hành động,  do đó ý niệm công bình phải hình thành trước khi đi tới hành động, Từ Bi-Trí Tuệ là yếu tố có thể đáp ứng được điều kiện này[Xin xem thêm mục từ Từ Bi-Trí Tuệ].
          Trường hợp ứng dụng điển hình của loại công bình này được A. Sen nêu ra trong công trình nghiên cứu của ông,  xem mục II trên. 
          2/. Công bình theo quả

Đức Phật không thể ngăn chặn tranh chấp giữa hai nước Sakya và Koliya.
Loại công bình này thể hiện sự tiếp nhận một kết quả tương xứng tốt hay xấu  từ hành động mà ta đã thực hiện, và kết quả này được Phật giáo gọi là Nghiệp quả  (Xin xem mục từ Nghiệp).  Kết quả của hành động này có thể nhận biết được nếu nó xảy ra ở ngay kiếp sống này, hoặc không thể biết được nếu nó xảy ra ở một kiếp sống quá khứ nào đó và thường được số đông cho đó là ngẫu nhiên.
          Qua phân tích về Nghiệp, cho thấy đây là một bài toán khá phức tạp gồm nhiều thông số định tính và định lượng, hướng theo diễn biến Nhân-Quả – một biểu hiện của chân lý Duyên khởi – sẽ cho ta lời giải, là một kết quả công bình mang tính khách quan và đích thực.
o0o
Bố thí.
Nội dung
I. Tổng quan về bố thí.
II. Yếu tố người bố thí.
III.  Yếu tố sự vật thí.
I. Tổng quan về bố thí.
Bố thí  [布施;  P;S,: dāna;  E: generosity//alms//alms-giving), trong đó: 
- Bố布:  Có nghĩa là phân phát, ban phát khắp nơi, cho hết.
- Thí施:  Có nghĩa là giúp, cho.
Bố thí là một đức hạnh quan trọng để nuôi dưỡng công đức (功德;  P: puñña;  S: puṇya;  E: merit) qua hành động hiến tặng vật chất, năng lực hoặc trí tuệ cho người khác.
Bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, ích kỉ của chúng sinh, và cũng là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ qua nhận thức và hành động của Bố thí Ba-la-mật.
Trong kinh Pháp Cú, kệ 177 có viết:
Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Đời sau, được hưởng lạc.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, chương V, phẩm Sumanā, đức Phật dạy: “Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện, đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng, tăng thượng”.
Trong kinh Phân Biệt Nghiệp Báo cũng dạy:  “Thường vui tu trí tuệ mà chẳng tu bố thí, đời sau được thông minh nhưng nghèo túng không của cải; chỉ vui tu bố thí mà chẳng tu trí tuệ, đời sau được giàu sang nhưng chẳng biết gì; Bố thí và trí tuệ đều song tu, đời sau giàu sang lại có trí tuệ. Cả bố thí và trí tuệ đều chẳng tu, nhiều kiếp ngu si lại nghèo khó”.
Trong luận Đại Trượng Phu có viết:  
 “Thương chúng sinh tức là thương mình vậy”.
Đem của bố thí làm cho chúng sinh mến, đem pháp bố thí thường được thế gian kính trọng. Thí của được kẻ ngu mến, thí pháp được người trí trọng, thí của phá trừ cái nghèo cùng về của, thí pháp phá trừ cái nghèo cùng về công đức. Hai món thí này ai chẳng kính trọng. Cho của là cho vui hiện tại, cho pháp là cho vui Niết-bàn tương lai”.
Bố thí được phân tích trên 2 yếu tố là người bố thísự vật thí
II. Yếu tố người bố thí.
Có hai loại bố thí đối với người bố thí.
1) Bố thí không trong sạch(P;S: Avisudha):  Đó là bố thí với tâm vị kỷ, là bố thí với động cơ Tham-Sân-Si, đem lại danh lợi cho mình (như kiêu mạn, ganh tức, hơn thua, dụ dỗ, sợ chết …).
2) Bố thí trong sạch(P;S: Visuddhadāna): Đó là bố thí với tâm vị tha, như bố thí với động cơ đem lại lợi ích cho người, không mong cầu phước báo cho mình. Bố thí Ba-la-mật (bố thí không dính mắc) mà đỉnh cao của bố thí trong sạch.
Giá trị của bố thí trong sạch được nâng cao trong những trường hợp sau đây:
1. Người bố thí có tâm trong sạch.
2. Người bố thí  không thấy mệt mỏi hay chán nản.
3. Người bố thí đúng lúc theo nhu cầu người nhận.
4. Người bố thí có tâm kính trọng đối với người nhận thí.             
5. Sự vật được bố thí phải chân chính.
6. Người nhận thí là người có đức hạnh.

3) Bố thí Ba-la-mật(布施波羅蜜;  P: Dāna-pāramī;  S: Dāna-pāramitā;  E: Perfection of generosity).

- Bố thí  là hiến tặng.                  - Ba-la-mật là giải thoát.

Theo đó, bố thí Ba-la-mật là bố thí vượt thoát, là bố thí không dính mắc, là bố thí không chấp tướng, là bố thí vô tướng.

Thật vậy, trong bố thí có 3 đối tượng là người cho, sự vật cho, người nhận, cho nên sự bố thí là một hợp Duyên của 3 đối tượng, từng đối tượng cũng là hợp Duyên, cho nên tất cả chỉ là những tướng không thực thể, là Vô ngã.

Do đó, bố thí Ba-la-mật là sự bố thí trên nền tảng nhận thức Vô ngã của 3 đối tượng, nên còn được gọi là bố thítam luân không tịch三輪空寂(3 đối tượng không thực thể ở trạng thái Niết-bàn).

Bố thí Ba-la-mật là một hành động tiêu biểu trong tất cả mọi hành động Ba-la-mật khác của bậc giác ngộ trong đời sống và trong việc độ sinh.

Trong kinh Kim Cương có chép:

 “Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí.

 “Tu-bồ-đề! Bồ Tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng.

“Vì sao vậy? Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.

 "Vì thế, Phật dạy các vị Bồ Tát chẳng nên trụ tâm nơi hình sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên bố thí như vậy.

Trong kinh Hoa Nghiêm có nói:

Bồ-tát là nhà đại thí chủ, có bao nhiêu của cải bình đẳng thí cho chúng sinh mà không hối tiếc, chẳng mong quả báo, chẳng cầu danh vọng, chẳng cầu sinh về chỗ tốt hơn, chẳng cầu lợi dưỡng. Bồ-tát chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sinh, muốn mang lại lợi ích cho chúng sinh, muốn học theo bổn hạnh của các Đức Phật, muốn thọ trì bổn hạnh của các Đức Phật và muốn khiến tất cả chúng sinh lìa tất cả khổ, được vui rốt ráo”.

III. Yếu tố sự vật thí.
Có hai dạng sự vật thí (P;S: deya) là vật chất và tinh thần.
1) Bố thí vật chất:  Gồm 2 dạng là ngoại thínội thí, gọi chung là Tài thí(財施;  P;S: Āmisadāna;  S: Āmiṣadāna;  E: Gift of material things).
- Ngoại thí  (外施;  P;S: Bāhyadāna;  E: Outer gifts): Vật thí những đồ vật bên ngoài như: vàng, bạc, của cải, quần áo, đồ ăn thức uống ... Vật thí phải chân chính chứ không có được từ các hành vi bất thiện như trộm cắp hay cướp giật.
- Nội thí  (內施;  P;S: Ādhyātmikadāna;  E: Inner gifts): Vật thí là những gì trong thân thể của người thí như hiến máu, nội tạng, mắt, tay chân, …
2) Bố thí tinh thần:  Gồm một số các dạng sau.
1. Những hành động, lời nói chân thật hay kiến thức hữu ích có thể đem lại lợi lạc tinh thần cho người.
2. Giảng dạy Chánh pháp của đức Phật, đó là Chân lý và Đạo đức mà đức Phật đã truyền đạt. Đây gọi là Pháp thí(法施;  P: Dhammadāna;  S: Dharmadāna;  E: Offering the knowledge of the dhamma).
Dưới đây là thí dụ về bố thí tinh thần bằng hành động, lời nói hay giáo pháp giúp người vượt qua nỗi sợ hãi gọi là Vô úy thí(無畏施;  P;S: Abhayadāna;  E: Gift of fearlessness,Giving out of fear).
* Nếu có một người đi đường ban đêm sợ cướp giật, thấy thế ta liền đi theo bảo vệ cho người đó hết sợ. Hành động đi theo của ta chính là thân thí(= Tài thí), được gọi là Vô úy thí.
* Nếu có người sợ chết, sợ đọa xuống khổ cảnh, ta liền đem giáo lý an ủi họ, chỉ cho họ làm lành. Nhờ đó người này không còn sợ chết nữa. Lời lẽ (= Pháp thí) mà ta  giúp cho người này gọi là Vô úy thí.
* Nếu có người sợ chết, ta bảo họ đừng sợ chết, vì chết là hết, không có gì phải lo cả, không có địa ngục, không có nhàn cảnh. Nếu họ tin ta mà không sợ chết nữa, thì đó là Vô úy thí không chân chính (vì ta dạy họ chấp đoạn).
- Theo giáo lý Phật giáo Nam truyền thì bố thí được phân thành hai loại, đó là Tài thí và Pháp thí.
- Theo giáo lý Phật giáo Bắc truyền, thì bố thí được phân thành ba loại, đó  là Tài thí,  Pháp thí và  Vô úy thí.
3) Đối chiếu đặc điểm của Tài thí và Pháp thí.
- Tài thí (tiền của, đồ vật, …) có giới hạn, còn Pháp thí không có giới hạn, vì tiền cho lâu rồi cũng hết, còn giáo pháp cho mãi không bao giờ hết.
- Tài thí đòi hỏi nhiều công và sức lực, trong khi Pháp thí chỉ cần sự thông tuệ.
- Quả báo của Tài thí thuộc về hữu lậu, trong khi quả báo của Pháp thí thuộc vô lậu. Theo đó, phước báo của Tài thí thuộc Dục giới còn phước báo của Pháp thí có thể nằm trong Tam giới (三戒;  P: Tiloka, Tisso-dhātuyo;  S: Triloka, Trayo-dhātavaḥ - Xin xem thêm mục từ Tam giới) hoặc ngoài Tam giới.  Chỉ có bố Pháp thí mới có thể dẫn người khác đến con đường giác ngộ.
Trong kinh Bản Sự (經本事;  P: Itivuttaka sutta;  S: Itivṛttaka sūtra) có nói về hai loại bố thí này như sau:
Này các Tỳ-kheo, có hai loại bố thí: Tài thí và Pháp thí. Trong hai loại bố thí này, Pháp thí là thù thắng.”
-------------
Chú thích:
1)Thù thắng (殊勝;  P: Visesa;  S: Viśeṣa;  E: Excellence, superiority, distinction): tốt nhất.
2)Bố thí  có các cách gọi với đối tượng nhận thí:
            - Cúng dường:  Bố thí cho đối tượng đáng kính.
            - Báo hiếu:  Bố thí cho đối tượnglà cha mẹ.
- Từ thiện: Bố thí cho đối tượng kém hơn người thí.
            - Phóng sanh: Bố thí mạng sống cho đối tượng là loài vật.
o0o
Bồ-tát.  
Nội dung
I. Tổng quan về Bồ-tát.
II. Các biểu tượng của Bồ-tát.
III.  Quá trình tu tập Bồ Tát.
IV.  Nội dung tu tập Bồ-tát phàm phu.
V. Nội dung tu tập Bồ-tát thánh vị.
I. Tổng quan về Bồ-tát.

Bodhisattva - Wikipedia
Bồ Tát – Wikipedia tiếng Việt
Chân dung Bồ-tát Quán Thế Âm
Thời Kamakura (1185-1333), Nhật Bản
1) Ý nghĩa về Bồ-tát.
Bồ-tát(菩薩;  P: Bodhisatta;   S: Bodhisattva) là cách nói gọn của Bồ-đề Tát-đỏa 菩提薩埵, được dịch nghĩa theo tiếng Hán là Đại sĩ (大士;  P: Mahāpurisa;  S: Mahāpuruwa –Người học hiểu cao) hoặc Giác hữu tình 覺有情(Người làm lợi lạc chúng sinh hữu tình).  Bồ-tát là từ được sử dụng trong cả Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Trong đó:
- Bồ-đề(菩提;  P;S: Bodhi;  E: Enlightenment):  Giác ngộ.
- Tát-đỏa (薩埵;  P: Satta;  S: Sattva;  E: Being):  Hữu tình.
Theo đó, Bồ-tát được hiểu một cách đơn giản là Bậc giác ngộ đang gắn với việc độ sinh, nghĩa là đang trong hạnh nhập thế. 
          Khái niệm Bồ-tát đã từng được tìm thấy trong các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, nhất là khi nói về các tiền thân của Tất-đạt-đa Cồ-đàm trong kinh Bổn Sinh (P: Jātaka). Tuy nhiên,tư tưởng Bồ-tát bắt đầu ảnh hưởng trong các tông phái Phật giáo Ấn Độ vào những năm cuối của vương triều A-dục (Ashoka). Không lâu sau đó, khi Phật giáo Đại Chúng Bộ phát triển, tư tưởng nhập thế này đã nhanh chóng ảnh hưởng mạnh mẽ khắp Ấn Độ và truyền rộng đến các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam … Theo truyền thống tư tưởng này, có vô lượng Bồ-tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian để cứu giúp chúng sanh đang trôi lăn trong khổ đau.
Trong các kinh điển Phật giáo Phát triển (Bắc truyền), hình ảnh Bồ-tát tương tự như A-la-hán, tuy nhiên A-la-hán thường bị hiểu nhầm là tập trung chủ yếu vào sự giải thoát cho chính mình, xu hướng ít làm lợi nhiều cho chúng sinh, còn Bồ-tát thì có nguyện lực cao cả hơn nhiều, không những tu bổ trí tuệ bản thân mà còn mang lợi ích đến mọi chúng sinh trên con đường giác ngộ.
Do đó, nếu tự thân những ai đã hiểu rõ về giáo lý của đạo Phật về hai phương diện Chân lý và Đạo đức, thì đều có thể chiêm nghiệm nhận ra thâm ý của các Bậc giác ngộ, cho dù các vị này ở tầng bậc nào đi chăng nữa.
2)Các cấp độ Bồ-tát.
Hiện nay, trong Phật giáo Phát triển, khi nói đến Bồ-tát, người ta lại xem đó là tiền thân của các vị Phật tương lai, và Bồ-tát được chia làm hai dạng sau:
1/.Bồ-tát hiện thực:  Đó là những hành giả đang sống nơi thế gian này, đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả bằng cách thực hành các hạnh vượt thoát Thập Ba-la-mật  hay Lục Ba-la-mật.
Trong nhiều trường hợp khích lệ người làm việc thiện cứu giúp người tương cận như hành động theo hạnh của một vị Bồ-tát, nên cũng được gọi là Bồ-tát, và được hiểu là Bồ-tát khích lệ.
2/.Bồ-tát siêu việt:  Đó là những hành giả đã thực hành các hạnh vượt thoát (Ba-la-mật) ở mức độ rất cao, hoàn toàn bất thối chuyển (không còn thối lui), có khả năng chủ động trong sinh tử luân hồi nhưng chưa nhập Vô dư y Niết-bàn.
Các vị Bồ-tát siêu việt xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Đó là các vị được Phật tử tôn thờ và đảnh lễ, thường là các vị Bồ-tát sau:
- Quán Thế Âm (觀世音),
- Đại Thế Chí(大勢至),
- Văn Thù Sư Lợi(文殊師利),
- Phổ Hiền(普賢),
- Địa Tạng(地藏).
II. Các biểu tượng của Bồ-tát.
1) Bồ-tát – Biểu tượng con đường hướng tới Phật quả.
Phật giáo Nguyên thủy thừa nhận các vị A-la-hán là những con người thật và không có các vị Bồ-tát. Tuy nhiên khái niệm Bồ-tát thì có, khái niệm này xuất hiện trong các kinh điển Nguyên thủy, nhiều nhất là ở Tiểu Bộ kinh(P: Khuddhaka-nikāya) và Tạp A-hàm(P: Saṃyutta-nikāya;  S: Saṃyukt-āgama), để chỉ những tiền thân của đức Phật (Xin xem Jātaka: kinh Bổn Sanh), gồm những kiếp tái sinh trên con đường tu hành trước khi đạt đến quả vị Phật.

Maitreya - Wikipedi
 Di-lặc – Wikipedia tiếng Việt
Tượng đồng Bồ-tát Di Lặc trầm ngâm, khoảng thế kỷ thứ 7.
Hiện vật nằm trong danh sách quốc bảo của Hàn Quốc.
Trong kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (số 26, Trường bộ III) có nói về Bồ-tát Di Lặc (菩薩彌勒;  P: Metteyya Bodhisatta;;  S: Maitreya Bodhisattva) là vị Phật trong thời vị lai như sau:
Này các Tỳ-kheo, khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya ra đời, là vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, như Ta nay sinh ra ở đời này là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, loài trời, loài người, như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết. Vị này sẽ thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, như Ta hiện nay thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỳ-kheo Tăng đoàn, như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỳ-kheo Tăng đoàn vậy”.
Theo các kinh Tăng nhất A-hàm và kinh Di Lặc hạ sinh, Di Lặc thượng sinh (Quán Di Lặc Bồ-tát thượng sinh Đâu-suất thiên) thì Bồ-tát Di Lặc hiện đang ở cõi trời Đâu-suất thuyết pháp hóa độ chư thiên và những ai phát đại nguyện sinh về Đâu-suất Tịnh độ của Ngài. Ngài là vị Phật trong vị lai sau khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca không còn trụ thế.
Phật giáo Phát triểnsau này có lẽ đã kế thừa và phát triển khái niệm này từ thế kỷ 1tCN, làm cho Bồ-tát trở thành một hình tượng hoành tráng vừa gần gũi, vừa phi thường trên hành trình cứu độ chúng sinh và hướng tới Phật quả. Vì thế, có thể nói rằng, Bồ-tát mang nhiều ý nghĩa triết lýnào đó trong đạo Phật.
Hơn nữa, khái niệm Bồ-tát từ thế kỷ thứ 2CN về sau là nhằm chỉ danh cho bất kỳ ai đang trên con đường hướng tới Phật quả, có quyết tâm trở thành một vị Phật, hay được một xác nhận (thọ ký) hoặc dự đoán từ một vị Phật hãy đang còn sống.
2) Bồ-tát Biểu tượng triết lý về Chân lý và Đạo đức của đạo Phật.   
Trong Phật giáo Phát triển, khái niệm Bồ-tát còn được xem một cách đơn giản như là Bậc giác ngộ đang gắn với việc độ sinh, nghĩa là đang trong hạnh nhập thế.
Phật là bậc giác ngộ Chân lýDuyên khởi, biểu hiện cho sự thanh tịnh. Phật gắn liền với Đạo đứcTừ bi-Trí tuệ, biểu hiện cho việc độ sinh.  Theo đó, hình tượng văn hóa biểu hiện cho Chân lý và Đạo đức của đạo Phật là mô hình Tam Thánh, khá thích hợp để nhắc nhở cho chúng sinh tinh tấn với tinh thần Trung đạonơi các giá trị này.

    Phổ Hiền       Thích Ca          Văn Thù
    Từ bi            Thanh tịnh        Trí tuệ
               Tình cảm       Tuệ Giác           Lý trí 
          Mô hình “Thích Ca Tam Tôn”
 

   Đại Thế Chí                    A Di Đà             Quán Thế Âm
           Trí tuệ                           Thanh tịnh            Từ bi
           Lý trí                             Tuệ Giác                 Tình cảm
Mô hình “Di Đà Tam Tôn”
[Tịnh độ hiện thực]
3) Bồ-tát – Biểu tượng khuyến tấn đạo đức xã hội.
          Trong Phật giáo Phát triển, khái niệm Bồ-tát còn được mở rộng là mẫu người có nhân cách lý tưởng và cao thượng giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp. Bồ-tát như tấm gương sáng đi vào trong đời, vừa tu tập hoàn thiện bản thân và vừa làm cho cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn.
Bản chất của chư Bồ-tát là Tuệ Giác nhận thức rõ Khôngtính của tất cả các pháp, nhưng công việc Từ Bi cứu độ của họ thì không bao giờ nằm ngoài thế giới khổ đau.  Bồ-tát thể hiện lòng Từ Bi làm lợi ích chúng sanh từ động cơ trong sáng và lương thiện, bởi đólà việc thực hành các hạnh Ba-la-mật (波羅蜜;  P: pāramī;  S: pāramitā;  E: perfection), trái với mục đích bất thiện, là điều mà ta có thể thường gặp ở bất cứ nơi đâu trong đời sống xã hội hiện nay.
Điều kiện sống của Bồ-tát là ở nơi đời sống của những con người bình thường. Con đường Bồ-tát do đó không phải là con đường êm đềm phẳng lặng, vì cõi đời vốn gập ghềnh và luôn đầy những chướng ngại trên lối đi.
- Theo kinh Lăng Già (S: Laṅkāvatāra Sūtra), Bồ-tát vì muốn độ tất cả chúng sanh đạt đến Niết-bàn, nên phát nguyện ở lại thế giới nhiều khổ đau này để làm lợi ích cho chúng sanh bằng nhiều phương cách khác nhau.
- Theo kinh Hoa Nghiêm (S: Avataṃsaka Sūtra), Bồ-tát đóng chức năng như một ngọn đèn có thể soi sáng thế gian. Trong mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, hạnh thứ chín nói đến việc “hằng thuận chúng sanh”, là tùy thuận theo chúng sanh, là tùy theo căn cơ, nghiệp lực, hoàn cảnh… của mỗi chúng sanh để tuỳ nghi hóa độ.
- Theo kinh Pháp Hoa (S: Saddharmapuṇḍarīka Sūtra) – phẩm Phổ môn, Bồ-tát có thể “hóa hiện” thành những hình hài khác nhau để cứu độ chúng sanh. Bồ-tát có thể ở trong hình hài phụ nữ, trong hình hài người nam, trong hình hài cư sĩ, trong hình hài tu sĩ, trong hình hài vua quan, trong hình hài thường dân, trong hình hài người lớn tuổi, trong hình hài trẻ thơ… Nhưng dù ở trong hình hài nào, Bồ-tát cũng vì tha nhân, hy sinh bản thân và luôn sống theo những thệ nguyện cao cả của Bồ-tát đạo.
Cũng nơi kinhPháp Hoa, phép ẩn dụ hoa sen trắng thanh khiết mọc lên từ bùn lầy muốn nói rằng việc đạt lấy trạng thái tâm thanh tịnh cần thực hiện giữa cuộc đời này, hay ngay giữa xã hội loài người, dù rằng điều này không dễ. Theo cách này, Bồ-tát tuy trong sự tĩnh tại cá nhân, nhưng không bao giờ chạy trốn thực tại, và không bao giờ rời bỏ chúng sanh đang chịu đau khổ trong cuộc sống.
- Theo kinh Duy Ma Cật (S: Vimalakīrti Sūtra), lý tưởng Bồ-tát xuất phát từ một thế giới tương quan, tương duyên, tương thuộc “Tôi bệnh vì chúng sanh bệnh. Khi bệnh của chúng sanh được khỏi thì bệnh của tôi sẽ khỏi”, được thể hiện sống động cùng với giáo lý phương tiện:
Ông chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hòa trong tất cả sự nghiệp buôn bán, tuy cũng gặt hái những tài lợi thế tục, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi trên các ngõ đường để giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các luận nghị để đưa người vào Chánh giác. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu để khiến mọi người giữ vững ý chí”. Và, “Bằng gia sản bất tận của mình, ông bao bọc người cùng khổ. Bằng giới thanh tịnh, ông bao bọc người hủy phạm cấm giới. Bằng sự nhu thuận của nhẫn, ông bao bọc người sân hận hung dữ. Bằng đại tinh tấn, ông bao bọc người biếng nhác. Bằng nhất tâm, thiền định, tịch tĩnh, ông bao bọc những kẻ có tâm ý tán loạn. Bằng tuệ quyết định, ông bao bọc những hạng vô trí”.
- Theo kinh Thắng Man (S: Srimala Devi Sūtra), Bồ-tát không bao giờ thoát ly khỏi thực tại xã hội, như lời nguyện của hoàng hậu Shrimala: “Nếu tôi nhìn thấy những người cô độc bị cầm tù một cách bất công và đánh mất sự tự do, những người khổ đau vì bệnh tật, tai ách và đói nghèo, tôi sẽ không rời bỏ họ. Tôi sẽ đem lại cho họ sự an ổn cả vật chất lẫn tinh thần”.
Có thể nói xã hội dù bất cứ ở thời kỳ nào cũng luôn cần đến những mẫu người Bồ-tát như vậy, những người luôn nghĩ đến tha nhân, muốn chia sẻ những lợi ích vật chất và tinh thần cho những người đang còn chịu nhiều đau khổ trong cõi ta bà vốn uế trược và lắm bất an này.
III. Quá trình tu tập Bồ Tát.
Theo Phật giáo Phát triển, mọi người từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật đều được gọi là Bồ-tát. Điều này được xem là tư tưởng xuất phát từ  các kinh sau:
- Theo kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”.
- Theo kinh Phật Thuyết Phạm Võng, Bồ Tát Tâm Địa Phẩm: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành!”.
Phật giáo Phát triển còn cho rằng lý tưởng tu hành của Bồ-tát là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.  Muốn thành tựu lý tưởng cao cả đó, trên bước đường tu hành chư vị Bồ-tát đều phát thệ nguyện. Quyết tâm này được trình bày trong 4 lời nguyện trong tu học, gọi là Tứ hoằng thệ nguyện  như sau:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,     
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,      
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,    
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Theo kinh Hoa Nghiêm, một hành giả muốn thành một vị Bồ-tát thật thụ thì phải trải qua 50 ngôi vị công phu tu tập để hoàn thành nhiệm vụ là tự độ và độ tha, tự giác và giác tha. Trên con đường tu tập, một vị Bồ-tát phải hoàn thành cho xong thứ từ thấp đến cao, nghĩa là Bồ-tát phải khởi hành từ Nhập Môn của Thập Tín cho đến hoàn thành Thánh quả của Thập Địa.
Trongkinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp經菩薩瓔珞本業, hành giả từ Bồ-tát hiện thực đến Bồ-tát siêu việt phải trải qua 50 ngôi vị tu tập và đạt quả, được gọi là Bồ Tát Giai v(菩薩階位 –  Các giai đoạn tu hành của Bồ Tát),gồm có: Thập Tín vị, Thập Trụ vị, Thập Hạnh vị, Thập Hồi Hướng v và Thập Địa v.  [Xin xem chi tiết ở 50 ngôi vị của Bồ tát]
          Trong 50 ngôi vị tu tập của Bồ-tát, được chia làm năm thứ bậc, xếp thành 2 cấp là Bồ tát phàm phuBồ tát Thánh vị.
1) Bồ-tát phàm phu.
Chỉ danh cho Bồ-tát phàm phu là 40 cấp vị tu tập ban đầu là:
1/-Thập Tín vị:  Là 10 cấp vị thuộc về thứ bậc của Bồ Tát Nhập Môn hay Bồ Tát Ngoại Phàm.
2/-Thập Trụ vị, Thập Hạnh vị, Thập Hồi Hướng vị:  Là 30 cấp vị thuộc về thứ bậc của Bồ Tát Tam Hiền hay Bồ Tát Nội Phàm.
Bồ-tát phàm phu hiểu theo đúng nghĩa, rất khác với quan niệm Bồ-tát trong dân gian là những vị thần ban phúc, như các vị thần được thờ phục ở các đền miếu. Bồ-tát phàm phu là người, sau khi tin Phật, học Phật, phát nguyệntự độ, độ tha, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để cứu giúp người.
Bồ-tát phàm phu cũng khác biệt với Bồ-tát khích lệ nơi xã hội. Bởi trong đời sống xã hội hiện thực, có rất nhiều trường hợp cá nhân đã sáng chói từ sự cống hiến hy sinh bản thân mình một cách cao cả và vô vị lợi dành cho tha nhân, cho xã hội, …  Những người này đã làm những việc thiện cứu giúp người nghèo khổ bằng vật chất (ngoại tài), người gặp hoạn nạn, hoặc hiến máu, hiến mô, hiến tạng … (nội tài) cho những người bệnh.  Các hành động này tương cận như hành động theo hạnh của một vị Bồ-tát đang tu học, nên được khích lệ tôn vinh danh hiệu Bồ-tát. 
2) Bồ-tát Thánh vị.
Chỉ danh cho Bồ-tátThánh vị là 12 cấp vị sau cùng, đó là từ Bồ-tát Sơ địa đến Bồ-tát Thập địa, cộng thêm Bồ-tát Đẳng Giác, Bồ-tát Diệu Giác.  Thực ra:
- Bồ-tát Đẳng Giác là đại Bồ-tát sắp thành Phật. 
- Bồ-tát Diệu Giác là Phật. 
Các vị Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Địa Tạng .v.v. mà chính là biểu tượng của các đại Bồ-tát Đẳng Giác.
IV. Nội dung tu tập Bồ-tát phàm phu.
1) Thập Tín vị:
Thập Tín Vị cũng gọi là Thập Tín Tâm, nghĩa là mười tâm để tu tập của một vị Bồ Tát mà trong đó Tín Tâm đứng đầu. Đây là mười ngôi vị ban đầu của Bồ Tát Nhập Môn hay Bồ Tát Ngoại Phàm.
Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Bố thí nhiếp(Xin xem thêm mục từ “Tứ nhiếp pháp”).
1/.Tín tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm Chánh tín, để vững chắc và an vui trong sự tu tập. Bồ Tát không lay chuyển thối tâm lùi bước trước mọi trở lực của tâm Mê tín vọng tưởng nơi thế gian.
2/.Niệm tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm về sáu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Bố Thí và niệm Thiên (các cõi Trời).
3/.Tinh tấn tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm chuyên cần tinh tấn theo Bồ Tát Tạng (S: Bodistsattva Pitaka) không gián đoạn. Bồ Tát Tạng gồm có các kinh điển như:  Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm v.v...
Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Lợi hành nhiếp.
4/.Định tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm an trụ nơi sự lý của Phật Pháp. Khi tu tập Định Tâm, Bồ Tát cẩn trọng xa lìa ý niệm phân biệt về tất cả các pháp giả thô của thế gian (tà kiến).
5/.Tuệ tâm :   Nghĩa là Bồ Tát tu họctâm quán sát Bồ Tát Tạng, phải nên, xét đoán và cân nhắc một cách kỹ lưỡng về nghĩa lý của vạn pháp để nhận được tự tánh Vô Ngã của muôn pháp, tức biết các pháp không có tự tánh.
6/.Giới tâm :   Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm giữ gìn giới luật, như giữ gìn Thân Miệng Ý cho được thanh tịnh, không vi phạm. Bồ Tát nếu như có phạm lỗi thì phải sám hối.
7/.Hồi hướng tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm nguyện hướng về chúng sinh những gì mình có.
8/.Hộ pháp tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm phòng hộ không phát khởi phiền não. Bồ Tát phải tu tập:
                    - Mặc Hộ (giữ gìn sự tĩnh lặng)
- Niệm Hộ (giữ gìn Chánh niệm)
- Trí Hộ (giữ gìn Trí Tuệ)
- Tức Tâm Hộ (giữ gìn không phiền não)
                    - Ngũ Chủng Hạnh Hộ (giữ gìn năm pháp hành khác) là: Thọ Trì, Đọc, Tụng, Giải Thuyết (Giải thích và Thuyết pháp Kinh Luận) và Thơ Tả (Viết sách).
9/.Xả tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm xả ly luyến tiếc hoặc hối tiếc về sanh mạng và tài sản của mình.
10/.Nguyện tâm :  Nghĩa là Bồ Tát tu học tâm phát nguyện theo lời Phật dạy. Bồ Tát làm cho lời Phật dạy ngày càng thêm sáng tỏ và phổ biến đến cùng khắp mọi tầng lớp chúng sanh. 
2) Thập Hạnh vị:
Thập Hạnh nghĩa là mười phương pháp tu tập về công hạnh lợi tha của Bồ Tát. Thập Hạnh vị cũng gọi là Thập Tâm Hạnh.
Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Ái ngữ nhiếp.
Thập Hạnh vị là chỉ từ ngôi vị thứ 21 cho đến ngôi vị thứ 30, gồm có:
1/.Hoan hỷ hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh hoan hỷ để tùy thuận hóa độ cho chúng sanh trong mười phương cõi.
2/.Nhiêu ích hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập với hạnh khéo léo để làm lợi ích cho chúng sanh và khiến cho chúng sanh không bị mặc cảm trong sự thọ nhận lợi ích.
3/.Vô sân hận hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh nhẫn nhục với mọi công việc, không bao giờ có thái độ giận tức trước bất cứ việc trái nghịch nào, cho đến cũng không bao giờ có ý hại mình và hại người. Một vị Bồ Tát thực hành hạnh nhẫn nhục là nhún nhường cung kính mọi người và nhẫn nại mỗi khi đối diện trước oán cừu thù nghịch.
4/.Vô tận hạnh :  Cũng gọi là Vô Khuất Nạo Hạnh (Công hạnh không chùn bước). Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh độ sanh không cùng tận. Trên con đường độ sanh, Bồ Tát không giãi đãi, không chùn bước trước mọi sự khó khăn đưa đến.
5/.Ly si loạn hạnh (Lìa mê loạn tâm):  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh Chánh niệm (niệm Chánh tri kiến), để tâm không bị tán loạn và sáng suốt đối với tất cả pháp môn.
6/.Thiện hiện hạnh (Khéo thực hành công hạnh hiện tại):  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh giáo hóa chúng sanh mà không bị ràng buộc bởi một pháp nào cả.
7/.Vô trước hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh không nhiễm trước, bằng cách dùng trí tuệ tịch diệt (= Chân lý) để quán chiếu và nhận chân các pháp. Nhờ đó đối với các pháp môn, Bồ Tát không còn khởi tâm nhiễm trước.
8/.Tôn trọng hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh tôn trọng các pháp thuộc thiện căn phước đức (như những người có thiện căn), cũng như các pháp thuộc trí tuệ giác ngộ với hai lợi hạnh là: hạnh tư lợihạnh lợi tha,  nhằm thành tựu vô lượng công đức an lạc và giải thoát.
9/.Thiện pháp hạnh:  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh bảo hộ Chánh Pháp, khiến cho giống Phật không bị diệt mầm.
10/.Chân thật hạnh :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hạnh thành tựu Đệ Nhất Nghĩa Đế, đó là lời nói có thể thực hành và điều thực hành có thể diễn đạt, tức lời nói và hành động đều dung hợp với nhau, cho đến Sắc và Tâm đều hòa thuận tương đắc lẫn nhau.
Bồ Tát tu Thập Hạnh có bốn mục đích:
1. Nhận thực tính giả huyễn của các pháp hữu vi (do Nhân Duyên sinh).
2. Viên thành quả Bồ Đề và tròn đầy công đức Phật hạnh.
3. Cứu độ chúng sanh trong đời hiện tại và đời vị lại.
4. Chứng ngộ được pháp Nhứt Như Chân Thật của Phật.
Theo Kinh Luận, Thập Hạnh là một trong Tam Hiền, cũng gọi là Tư Lương Vị trong năm Ngôi Vị của Bồ Tát (Tư Lương Vị, Gia Hạnh Vị, Thông Đạt Vị, Tu Tập Vị và Cứu Cánh Vị). 
3) Thập Trụ vị:
Thập Trụ vị cũng gọi là Thập Địa trụ hay Thập Pháp trụ hoặc gọi là Thập Giải.
Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Lợi hành nhiếp.
 Thập Trụ vị gồm từ ngôi vị thứ 11 cho đến ngôi vị thứ 20, gồm có:
1/.Sơ phát tâm trụ :  Cũng gọi là Phát Ý trụ.
Bồ Tát tu tập an trụ vào khởi điểm tiến tu các Thiện căn, như không phạm (1) Thập Ác, (2) Ngũ Nghịch,  (3) Bát Đảo.
Bồ Tát cũng cần thường nghiên cứu học rộng Phật Pháp để được biết nhiều Pháp môn hướng tới an trụ nơi tánh Không.
2/.Trì địa trụ :  Cũng gọi là Trị Địa Trụ, nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào nơi hành trì sửa trị.  Bồ Tát nương theo tâm Không, tu tập để tiêu trừ nghiệp chướng.
3/.Tu hành trụ :  Cũng gọi là Ứng Hành Trụ, nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào nơi sự hành trì tu tập khắp nơi, như sự du hành để khất thực. Bồ Tát đã đầy đủ trí sáng suốt của Sơ Pháp Tâm Trụ và Trì Địa Trụ thì có thể tu tập du hành khắp mười phương mà không bị chướng ngại.
4/.Sanh quí trụ :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào tự chọn cha mẹ từ thân trung ấm nhờ diệu hạnh của Tu Hành Trụ ở trước (tức hạt giống Như Lai).
Từ 1-:-4nói trên được gọi là Bồ Tát mới vào Bào Thai của bậc Thánh – tức Thánh Thai.
5/.Trụ thành trụ :  Cũng gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ, nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào việc sử dụng các thiện căn để làm lợi ích cho mình cũng như lợi ích cho mọi người. Nhờ tu tập như thế, Thân Tướng của Bồ Tát trở nên tròn đầy tốt đẹp và dung mạo của mình lộ nét đoan trang thanh thoát.
6/.Chánh tâm trụ :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào tâm Chân chánh, là Bát Nhã để thành tựu Diệu Quan Sát Trí (= Bát nhã trí, Trí TuệDiệu Quan Sát).
7/.Bất thối trụ :  Cũng gọi là Bất Thối Chuyển Trụ. Bồ Tát tu tập an trụ vào ngôi vị Bất thối, tức để thể nhập cứu cánh Vô Sanh, là thế giới Không tướng của Chân Như, không còn dấu vết của ý niệm sinh tử nữa. Lúc đó Thân và Tâm của Bồ Tát hòa hợp lại nhau làm thành một thể. Sự hòa hợp Thân Tâm này mỗi ngày mỗi tăng trưởng thêm lớn.
8/.Đồng chơn trụ :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ vào nơi thanh tịnh trong trắng như trẻ con. Thân Tâm hòa hợp của Bồ Tát phát khởi trước sau đều chuyên nhất, không chút điên đảo mê tưởng. Nhờ đó, cùng một lúc, mười Thân Tướng linh ứng của Phật (5) liền hiện bày đầy đủ trọn vẹn.
Từ 5-:-8nói trên được gọi là Bồ Tát ở vào giai đoạn nuôi dưỡng Thánh Thai để sớm được mau lớn.
9/. Pháp vương tử trụ :  Cũng gọi là Liễu Sanh Trụ, nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ ở Thánh Thai, chấm dứt lẽ sống chết.
Pháp Vương Tử Trụ là chỉ cho Thánh Thai đã đầy đủ hình tướng để trở thành Phật.
10/.Quán đảnh trụ :  Cũng gọi là Bổ Xứ Trụ, nghĩa là Bồ Tát tu tập an trụ bước vào thế giới chư Phật, biểu hiện qua 3 tướng, đó là:
1. Độ chúng sanh:   Nghĩa là Bồ Tát đó đã đủ khả năng thi hành và có thể thành tựu được mười Chủng Trí (4) để hóa độ chúng sanh.
2. Đạt cảnh giới mầu nhiệm: Nghĩa là Bồ Tát đó đắc cảnh giới Pháp Vương Tử Trụ mà chưa biết.
3. Học rộng mười chủng trí:  Nghĩa là Bồ Tát đó thấu hiểu tường tận và rành mạch tất cả pháp.
Một vị Bồ Tát trọn vẹn ba tướng nói trên tức là đã tu tập an trụ vào Thập Trụ vị của Bồ Tát.
4) Thập Hồi Hướng vị.
Thập Hồi Hướng vị là chỉ từ ngôi vị thứ 31 đến ngôi vị thứ 40. Bồ Tát phát khởi tâm đại bi để cứu hộ tất cả chúng sanh.
Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Dồng sự nhiếp.
Thập Hồi Hướng vị gồm có:
1/.Cứu hộ hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng về sự cứu hộ tất cả chúng sinh trong tinh thần bình đẳng đối với người thân thương cũng như thù oán. Thực hành Lục Độ Ba La Mật và Tứ Nhiếp Pháp (Bố thí nhiếp, Ngôn ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng dự nhiếp).
2/.Bất hoại hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng Chân lý bất hoại – đó là Tam Bảo.  Bồ Tát dùng Tam Bảo để giáo hóa và khiến cho chúng sanh được nhiều thiện lợi.
3/.Đẳng nhứt thiết Phật hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng không rời Bồ Đề (Giác ngộ–Giải thoát), là những hành động mà chư Phật trong ba đời đã làm.
4/.Chí nhứt thiết xứ hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng cúng dường những lợi ích, cho tất cả các chúng sanh.
5/.Vô tận công đức tạng hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng thiện căn không cùng tận đã tu tập được, tùy hỷ đem ra phụng sự Phật Pháp.
6/.Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng thiện căn để bảo vệ chúng sanh một cách bình đẳng và khiến cho tất cả chúng sanh thành tựu kiên cố những thiện căn nói trên.
7/. Tùy thuận đẳng quán hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng tuỳ thuận làm tăng trưởng thiện căn cho tất cả chúng sanh.
8/.Như tướng hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng thiện căn về hòa hợp với tướng Chân Như (Phật tính).
9/.Vô phược vô trước hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng về sự giải thoát không bị trói buộc và không chấp trước. Bồ Tát ở ngôi vị này là không còn bị trói buộc cũng như không còn chấp trước tất cả pháp. Do đó Tâm của các vị đều được giải thoát hoàn toàn. Các vị Bồ Tát nói trên sở dĩ thành tựu những công hạnh vừa kể là nhờ hướng về các thiện pháp để thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền, cho nên họ được đầy đủ tất cả hạt giống công đức.
10/.Pháp giới vô lượng hồi hướng :  Nghĩa là Bồ Tát tu tập hồi hướng về vô lượng pháp giới. Bồ Tát ở ngôi vị này là đem tất cả thiện căn không cùng tận đã tu tập được nguyện cho vô lượng thế giới sai biệt đều được hết thảy công đức.
Thập Hồi Hướng trên đây là Tư Lương Vị, một trong 5 ngôi vị (Tư Lương Vị, Gia Hạnh Vị, Thông Đạt Vị, Tu Tập Vị và Cứu Cánh Vị). Thập Hồi Hướng này là một ngôi vị Hiền thứ ba trong Tam Hiền ở trước.
V. Nội dung tu tập Bồ-tát thánh vị.
Thập Địa vịlà kể từ ngôi vị thứ 41 cho đến ngôi vị thứ 50 trong quá trình tu tập hạnh Bồ Tát. Bồ Tát tu tập Thập Địa vị là bắt đầu bước lên bờ mé chứng ngộ, nghĩa là Bồ-tát đã phát sanh được Trí Tuệ Vô Lậu, tức đạt được Phật Trí để bảo hộ cũng như để giáo dưỡng cho tất cả chúng sanh trong vô lượng thế giới.
Có 3 điều kiện sau để được xem là Bồ-tát bước vào địa vị của Bồ-tát Thập Địa:
1- Tâm Đại bi (kết nối rộng lớn).
2- Tâm Bồ đề (không dính mắc).
3- Tuệ Bất nhị (không thành kiến, cố chấp cực đoan).
Thập Địa (十地;  S: Daśa-bhūmi;  E: Ten Bhumis – Mười ngôi vị) được phân làm 10 địa vị theo chứng đắc các Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát nhã, Phương tiện, Nguyện, Lực, Trí.  Thập Địa vị gồm có:
1/.Hoan hỷ địa (歡喜地;  S: Pramuditā-bhūmi - Tâm ý hoan hỷ), cũng gọi là Cực Hỷ Địa hay là Duyệt Dự Địa, [dịch nghĩa: tâm ý hoan hỷ, tức rất vui (Cực Hỷ), rất an vui (Duyệt dự)]. 
Bồ Tát ở ngôi vị này đã tu tập và đắc viên mãnBố thí Ba La Mật,chứng được Phật Tính cũng như đã giác ngộ được hai nguyên lý Nhân Không và Pháp Không để làm lợi ích cho chúng sanh, nên gọi là Hoan hỷ địa.
Tại nhất địa, Bồ-tát an trú vững chắc vào trí tuệ vô ngã, phát khởi trí tuệ trung đạo, tâm sanh hoan hỷ, chứng đắc sự thật Ngã Không và Pháp Không. Bồ-tát khởi sự đạt được Thánh tính (vào dòng Thánh).
2/.Ly cấu địa :(離垢地;  S: Vimalā-bhūmi - Xa lìa phiền não), cũng gọi là Vô Cấu Địa hay Tịnh Địa, [dịch nghĩa: địa vị tâm thoát ly hẳn bụi nhơ phiền não ô nhiễm (Vô Cấu), tâm Bồ Đề hoàn toàn thanh tịnh (Tịnh Địa)].
Bồ Tát ở ngôi vị này là đãtu tập và đắc viên mãn Trì giới Ba La Mật, tẩy sạch hết tất cả trần cấu Phiền Não ô nhiễm và giữ Tâm Bồ Đề được hoàn toàn thanh tịnh, nên gọi là Ly Cấu Địa.
Tại nhị địa, Bồ-tát an trú trong đạo lý Trung đạo, cùng hành viên mãn Giới đức, nên có thể đi vào thế giới trần lao của chúng sinh mà không dính mắc.
3/.Phát quang địa (發光地;  S: Prabhākarī-bhūmi - Trí tuệ chói sáng),cũng gọi là Minh Địa, Hữu Quang Địa hay Hưng Quang Địa, [dịch nghĩa: tâm phát sanh Tuệ sáng suốt (Hữu Quang hay Hưng Quang Địa)].
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắc Nhẫn nhục Ba La Mật, phát sanh được Tuệ sáng suốt mầu nhiệm vô biên, nên gọi là Phát Quang Địa.
  Tại tam địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnh Nhẫn nhục, đi sâu vào nội quán, phát sáng trí tuệ thoát khỏi ràng buộc của đường tu (tu đạo: S: bhāvanāmārga)
4/.Diễm huệ địa (焰慧地;  S: Arcismatī-bhūmi - Trí tuệ rực rỡ),cũng gọi là Diễm Địa, Tăng Diệu Địa hay Huy Diệu Địa. [dịch nghĩa: tâm phát sanh Tuệ rực rỡ (Huy Diệu) tăng thêm sáng suốt (Tăng Diệu).
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắc viên mãn Tinh tấn Ba La Mật, phát huy Tuệ tăng thêm sáng suốt lên mãi và phát huy cho đến khi nào lửa Tuệ đó đã đốt sạch hết tất cả phiền não của vô lượng kiếp, nên gọi là Diễm Huệ Địa.
  Tại tứ địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnh Tinh Tấn, phát triển mạnh năng lực thiền quán, nhận thức rõ ràng về bản tính vô sinh của các pháp.
5/.Nan thắng địa (難勝地;  S: Sudurjiayā-bhūmi - Vô cùng khó khăn mới đạt được),  cũng gọi là Cực Nan Thắng Địa, [dịch nghĩa: tâm vượt qua việc rất khó (Cực Nan Thắng)].
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắc viên mãnTĩnh lự Ba La Mật, thành công được trở ngại khó vượt qua. Bồ Tát đã thắng được một việc rất khó khăn là khiến cho hai Tuệ thuộc Chân Đế và Tục Đế trái ngược nhau lại hòa hợp nhau thành một thể, nên gọi là Nan Thắng Địa.
Tại ngũ địa, Bồ-tát hành viên mãn Công phu Thiền định, đầy đủ nhân duyên để an trú vào Không tính tại thế gian, trống không mọi vô minh.
6/.Hiện tiền địa (現前地;  S: Abhimukhī-bhūmi - Chân Như hiển hiện), cũng gọi là Hiện Tại Địa, Mục Kiến Địa hay Mục Tiền Địa [dịch nghĩa: tâm hiện ra trước mặt có thể nhìn thấy được (Mục Kiến hay Mục Tiền Địa)].
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắc viên mãnBát nhã Ba La Mật,giữ vững Tuệ Hữu Phân Biệt (Tuệ phân biệt) để soi sáng và phát khởi Tuệ Vô Phân Biệt của Phật (Tuệ vượt lên phân biệt) luôn luôn hiện ra trước mặt một cách rõ ràng, nên gọi là Hiện Tiền Địa.
Tại lục địa, Bồ-tát phát triển viên mãn tuệ Vô ngã, thấy như thật tính thanh tịnh của vạn hữu (bình đẳng ứng xử với tịnh và bất tịnh), biểu hịên sự quán chiếu các pháp, niết bàn và luân hồi là không hai.
7/.Viễn hành địa (遠行地;  S: Dūraṃgamā-bhūmi - Đi xa), cũng gọi là Thâm Hành Địa, Thâm Nhập Địa, Thâm Viễn Địa hay Huyền Diệu Địa, [dịch nghĩa: tâm đi rất xa (Thâm Viễn), thâm nhập vào một nơi rất huyền diệu].
Bồ Tát ở ngôi vị này là đãtu tập và đắc Phương tiện Ba La Mậtvượt qua xa thẳm của hai đạo Thế Gian và Xuất Thế Gian và đạt đến Vô Tướng, nghĩa là Bồ Tát tự tại không còn bị ràng buộc bởi những hình tướng khuôn mẫu nào cả, nên gọi là Viễn Hành Địa.
Tại thất địa, Bồ-tát đoạn tận tập khí chấp Ngã, phát triển tâm đại bi cứu độ chúng sinh, chứng đạt được trung đạo, tiến lên cảnh giới cao hơn trong mọi tâm niệm.
8/.Bất động địa (不動地;  S: Acalā-bhūmi - Không lay động):
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắcNguyện Ba La Mậtlà nhờ vận dụng được Trí Tuệ Vô Phân Biệt một cách liên tục cho nên không bao giờ bị lay chuyển biến động bởi những phiền não, những hình tướng hấp dẫn của thế gian, nên gọi là Bất Động Địa.
Tại bát địa, Bồ-tát an trú bền vững trong trí tuệ Trung đạo, đoạn tận tập khí chấp Ngã và chấp Pháp, an trú vào vô tướng mà tự tại du hành độ sinh.
9/.Thiện huệ địa (善慧地;  S: Sādhumatī-bhūmi - Trí tuệ diệu dụng)cũng gọi là Thiện Tại Ý Địa hay Thiện Căn Địa, [dịch nghĩa: trí tuệ diệu dụng].
Bồ Tát ở ngôi vị này đãtu tập và đắc viên mãnLực Ba La Mật,thành tựu Tứ vô ngại trí 四無礙智hay Tứ vô ngại biện四無礙辯(tứ biện tài vô ngại), là bốn năng lực lý giải và diễn đạt thông suốt, đó là:
1. Pháp vô ngại trí:  Thông đạt giáo pháp.
2. Nghĩa vô ngại trí:  Tinh thông tất cả các nghĩa lý uẩn áo của giáo pháp.
3. Từ vô ngại trí:  Tinh thông các ngôn ngữ, tùy nghi diễn thuyết.
4. Nhạo thuyết vô ngại trí:  Khéo thuyết giáo pháp, khiến chúng sanh dễ được tín giải, thọ trì.
Tại cửu địa, Bồ-tát thành tựu Thập lực Bồ-tát (S: Dasabalā), có khả năng thuyết pháp độ sinh rộng rãi. đem trí tuệ quán chiếu vi diệu thể nhập con đường nhận thức sáng suốt thể tính vô sinh của các pháp giới.
10/.Pháp vân địa (法雲地;  S: Dharmameghā-bhūmi - Mây pháp che khắp cả muôn loài chúng sinh), cũng gọi là Pháp Vũ Địa. Pháp Vân Địa, [dịch nghĩa: mây pháp phủ khắp muôn loài chúng sanh].
Bồ Tát ở ngôi vị này là đãtu tập và đắc viên mãnTrí Ba La Mật,chứng được Pháp Thân thanh tịnh và dùng Đại Trí kết hợp vô lượng nước công đức tạo thành đám mây Đại Pháp trong sạch che khắp cả vô lượng quốc độ và tưới mát cả muôn loài chúng sanh, nên gọi là Pháp Vân Địa.
Tại thập địa, Bồ-tát có thể thuyết pháp chỉ đường cho mọi căn cơ, như đám mây lớn cho mưa cho các loài cây lớn, cây nhỏ.
Từ Bất Động địa, Bồ-tát được tôn xưng là Đại Bồ-tát (S: Mahābodhisattvā).
Tóm lại, 50 ngôi vị tu tập đã được trình bày ở trên chính là những thứ bậc để định mức giá trị chứng đạo và trách nhiệm độ tha của một vị Bồ Tát. Một hành giả muốn thành một vị Bồ Tát thật thụ thì phải trải qua 50 ngôi vị công phu tu tập nói trên để hoàn thành nhiệm vụ là tự độ và độ tha, tự giác và giác tha. Trên con đường tu tập, một vị Bồ Tát phải hoàn thành cho xong từ thứ bậc một, phải bắt đầu từ thấp đến cao, nghĩa là Bồ Tát phải khởi hành từ Nhập Môn của Thập Tín cho đến hoàn thành Thánh Quả của Thập Địa.
o0o
Cam lồ.
          Cam lồ (甘露;  P: Amata;  S: Amṛta;  E: Immortality drink):  Chất dịch bất tử (= Bất Tử Dịch 不死液), dịch có vị ngọt như mật. Cam lồ dùng ví cho pháp vị nhiệm mầu của Phật pháp, có thể trưởng dưỡng thân tâm của chúng sinh.
Trong Mật giáo, cam lồ là nước quán đảnh của hai bộ Bất Nhị Chân Ngôn(不二真言), vàgọi là Bất Tử Cam Lồ (不死甘露).
o0o
Cầu nguyện-Phát nguyện- Thệ nguyện.
Nội dung
I. Cầu nguyện - Phát nguyện - Thệ nguyện.
II. Cầu nguyện chữa trị hậu quả.
III.  Cầu an.
IV.  Cầu siêu.
V. Cầu giác ngộ-giải thoát.

I. Cầu nguyện – Phát nguyện – Thệ nguyện.
Cầu nguyện(求願;  P: patthanā;  S: prārthanā;  E: pray)
- Cầu 求:  Có nghĩa là xin.
- Nguyện願:  Có nghĩa là mong muốn, mong mỏi, ướcmuốn, ước vọng
Theo đó, cầu nguyện (= cầu) là mong muốn hay xin có được điều gì.
Trong Phật giáo, cầu nguyện được phân thành 4 loại hay 2 căp đối nhau là thấp hèncao thượng, phòng hộ(Nhân) vàchữa trị(Quả).
Phát nguyện發願= Thệ nguyện誓願-phát發: Là gửi đi, thệ 誓: Là thề, hứa;  P:paṇidhāna;  S: praṇidhāna;  E: to arouse the vow):  Còn gọi là Phát khởi tâm nguyện, Phát đại nguyện, Phát chí nguyện, Phát vô thượng nguyện, Phát khởi thệ nguyện. Phát nguyệnthường có ý nghĩa giáo dục tự thân, đó làCầu nguyện cao thượng hay Cầu nguyện phòng hộ.  Ví dụ:
- Phát nguyện độ sinh (E: to arouse the vow to save all sentient beings).
- Phát khởi tâm nguyện đạt đến giác ngộ, hoặc vãng sinh Tịnh độ (E: To arouse the aspiration for enlightenment, or rebirth in the Pure Land).
1) Cầu nguyện thấp hèn:  Là lòng mong ước phát xuất từ lòng vị kỷ những điều bất thiện, những gì có hại cho nhân quần, xã hội, những gì đi ngược lại lợi ích của số đông. Ví dụ như cầu nguyện để được chiến thắng đối thủ.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, bài kinh nói về các hạt giống tâm thuộc bộ (A. V. 213), đức Phật đưa ra mười nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cầu nguyện thấp hèn. Mười nguyên nhân đó là:
(1)  Nhận thức sai lầm,
(2)  Tư duy sai lầm,
(3)  Lời nói sai lầm,
(4)  Hành vi sai lầm,
(5)  Lập nghiệp phi pháp,
(6)  Nỗ lực sai lầm,
(7)  Chú tâm sai lầm,
(8)  Thiền định sai lầm,
(9)  Kiến thức sai lầm,
(10) Tự do sai lầm.
Mười nguyên nhân này thực chất có nguồn gốc sâu xa từ nhận thức sai lầm, đó là Chấp kiếnngược với Chánh kiến, hay cụ thể hơn là phạm phải 5 giới cấm căn bản.

 
2) Cầu nguyện cao thượng:  Là lòng mong ước phát xuất từ tấm lòng vị tha những điều thiện, không phân biệt giới tính, giai cấp xã hội, không phân biệt thân sơ, bạn thù, những gì có lợi cho nhân quần, xã hội, những gì thuận theo lợi ích của số đông.
Cũng trong bài kinh trong Tăng Chi Bộ nói trên, đức Phật đã trình bày 10 nguyên nhân của cầu nguyện cao thượng, đó là:
(1)  Nhận thức chân chánh,
(2)  Tư duy chân chánh,
(3)  Lời nói chân chánh,
(4)  Hành vi chân chánh,
(5)  Lập nghiệp chân chánh,
(6)  Nỗ lực chân chánh,
(7)  Chú tâm chân chánh,
(8)  Thiền định chân chánh,
(9)  Kiến thức chân chánh,
(10)  Tự do chân chánh.
Mười nguyên nhân này thực chất có nguồn gốc sâu xa từ nhận thức chân chánhđó là Chánh tri kiến, nhận thức này được xem là yếu tố dẫn đầu của chín loại chân chánh còn lại.
Theo lời Phật dạy, nhận thức chân chánh là cái nhìn về con người và sự vật dưới ánh sáng của Duyên khởitương thuộc, đó chính là sinh diệt vô thường-duyên sinh vô ngã. Cầu nguyện cao thượng theo đó còn gọi là Vô nguyện(無願;  P: appanihita;  S: apranahita;  E: wishlessness), tức là ta không đặt một sự tìm cầu nào trước mặt mình từ sự nhận chân lẽ thật. Thực tại bao giờ cũng đang đầy đủ tự nhiên.
Người có nhận thức chân chánh (P: sammā-ditthi: Chánh tri kiến) sẽ làm chủ bản thân mình, không than trời trách đất về những đau khổ khách quan vì nhận thức rõ nguyên nhân của nó, vàsâu xa hơn về những hành vi tham lam, sân hận và si mê trong quá khứ hay trong hiện đời, từ nhận thức chấp thủ thường-ngã.
Vì thế, thực hành cầu nguyện trước nơi tôn nghiêm, trước hình tượng của đức Phật chính là lời nhắc nhở, là tuệ giác hãy tích cực nhận thức chân chánh, để soi sáng, tìm kiếm hiện thực các mong ước cao thượng của mình.
Người mong mỏi tiến bộ đạo đức nói chung là không quên phát triển 10 cầu nguyện cao thượng để sống an vui trong đời.

Buddhist Monks at prayer in Cambodia
Tuy nhiên đạo lý Nhân Quả khách quan về sự biến dịch của vạn sự vạn vật trong Phật giáo cho thấy rằng mong ước chân chánh và cao đẹp chỉ là bước khởi động cho những bước tiếp sau cho hành động hiện thực mong ước. Cũng nên nhớ rằngmọi thần linh nếu có cũng không sống ngoài quy luật Nhân Quả tương duyên. 
Sau đây là những đoạn kinh cho thấy rõ điều đó và không thể chỉ có những cầu nguyện suông mà thôi:
- Trong kinhTương Ưng IV, 313 :
"Nếu ai làm 10 nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy không phải rơi vào đọa xứ. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Sự thể như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ".
- Trong kinh Tăng Chi, Anguttara Nikāya, III. 47 :
"Này các vị, có năm điều sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được:  (1) Tuổi thọ (P: āyu), (2) Sắc đẹp (P: vaṇṇa), (3)Hạnh phúc (P: sukha), (4)Danh tiếng (P: yasa)(5)Sanh cõi trời (P: sagga)."
- Trong kinh Tăng Chi III A, 123vàkinh Tương Ưng III, 184 :
 "Một người không chú tâm trong sự tu tập, dẫu có khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện".
- Trong kinh Trung Bộ I, 103
Vắt sữa nơi "sừng" con bò cái 
Tìm dầu nơi thùng cát có nước 
Dầu ước nguyện cũng không thành tựu.

Có thể thấy rằng cầu nguyện đúng nghĩa trong Phật giáo là cầu nguyện cao thượng đểgiáo dục tự thântheo hướng tích cực chủ động.  Cầu nguyện cao thượng trong Phật giáo còn phân biệt rõ cầu nguyện dưới hình thức thệ nguyệnđể chỉ rõ sự cầu nguyện với một ý chí mạnh mẽ, vàphát nguyệnđể chỉ rõ sự cầu nguyện hướng tới độ sinh. Nói chung, người thực sự theo đạo Phật đều phải gắn liền nơi bản thân mình với cả 3 sự việc là cầu nguyện,  phát nguyệnthệ nguyện, đúng với tinh thần rèn luyện tự độđộ thađể đi tới Thánh quả (Xin xem Phát nguyện và Thệ nguyện bên trên).
Trong các Nghi Thức Nhật Tụng thường có 2 bài kệ nhắc nhở hành giả là Tứ Hoằng Thệ Nguyện và Hồi Hướng Phát Nguyện sau:
- Tứ Hoằng Thệ Nguyện:  Đó là những lời thệ nguyện được cho là do Lục tổ Huệ Năng truyền lại, và được hiểu như là Bồ-tát giới, là tâm nguyện cho những ai tu tập hạnh Bồ-tát.
Chúng sinh bô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
- Hồi Hướng Phát Nguyện:  Đây là ước nguyện thiện lành, khuyến tấn thực hành hạnh Từ Bi “bố thí”, đặc biệt là Pháp thí.
                    Nguyện đem công đức này
                    Hướng về khắp tất cả
                    Cho mọi loài chúng sinh
                    Đều trọn thành Phật đạo
Thực vậy, trong bối cảnh xướng tụng bài kệ, cho thấy chữ “công đức” nơi đây hàm ý Văn tuệ + Tư tuệ + Tu tuệ  mà hành giả thu hoạch được trong quá trinh tiếp cận với sự tu học.
II. Cầunguyện chữa trị hậu quả.
Cầu nguyện vốn thuộc vấn đề tâm lý, và nhiều giới khoa học ngày nay đã nghĩ rằng tâm thức của một người có thể có khả năng thiết lập mối quan hệ tương tác với tâm thức người khác, thậm chí là với các loài động vật và thực vật qua hình thức định tâm hướng tới các thông tin cầu nguyện.  Thực ra tác dụng có thật của cầu nguyện qua các nghiên cứu của Khoa học nói trên không là điều mới mẻ đối với Phật giáo, vì từ lâu giới Phật tử đều biết đến tác dụng này qua những câu chuyện hay sự kiện được ghi lại trong các kinh điển sau:
1/.Kinh Angulimala, thuộc Trung Bộ Kinh, thuật lại câu chuyện tôn giả Angulimala cầu nguyện cho một sản phụ đau đớn vì khó sinh. Chuyện kể rằng một hôm trên đường đi khất thực tôn giả Angulimala gặp một sản phụ khó sinh, đau đớn, nguy kịch, Tôn giả cảm thương trở về bạch với đức Phật.
Đức Phật dạy tôn giả đến cầu nguyện cho sản phụ đó bằng những lời cầu nguyện thế này: “Thưa chị, kể từ khi tôi tái sinh trong Thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, với sự thực ấy tôi nguyện cầu chị được an toàn và sinh đẻ được an toàn”.
Quả thật sau khi cầu nguyện xong, người sản phụ đó được mẹ tròn con vuông!
2/.Kinh Cullavagga, mục 26-27 trong Khandhaka (cuốn sách thứ hai của Kinh tạng Theravadin) ghi nhận rằng tâm thức con người có khả năng thiết lập mối tương quan giao cảm với các loài động vật. Đó là nhân sự kiện một vị tỳ kheo tu tập trong rừng bị rắn cắn chết, đức Phật nói rằng nếu vị tỳ kheo đó quán niệm từ tâm đối với các loài rắn thì chắc chắn sẽ không bị rắn cắn chết và Ngài dạy một bài kệ  để các tỳ kheo thực hành rải từ tâm đến không chỉ với loài rắn mà tất cả các sinh vật khác.
Quả nhiên, khi các vị tỳ kheo tụng đọc bài kệ đó với tâm lượng từ bi rải khắp các loài động vật thì không còn bị rắn, rết, bò cạp đến quấy nhiễu nữa.
3/.Kinh Vu Lan thuật lại trường hợp ngài Mục Kiền Liên đã nhờ đức Phật chỉ dẫn về sự hợp lực cầu nguyện của chư Tăng, mà riêng bản thân ngài dù với năng lực rất cao của tự thân, nhưng không thể làm được, để giúp mẹ của ngài là bà Thanh Đề, vốn bị đọa trong cảnh giới quỷ đói sau khi chết vì ác nghiệp, thoát khỏi cảnh giới này. Quả nhiên sau đó, vong mẫu của ông đã được thác sinh lên cõi trời.
4/. Kinh Tăng Chi, Anguttara Nikāya, III. 47 :
"Này các vị, có năm điều sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được:  (1) Tuổi thọ (P: āyu), (2) Sắc đẹp (P: vaṇṇa), (3)Hạnh phúc (P: sukha), (4)Danh tiếng (P: yasa)(5)Sanh cõi trời (P: sagga)."
Theo trên, chúng ta thấy rằng đức Phật chẳng những đã không phủ nhận mà còn chỉ dẫn những gì có thể khả thinơiviệc cầu nguyện.  Qua đó, có thể thấy rằng đức Phật đã thấu hiểu việc cầu nguyện chữa trị hậu quảlà một việc làm khá phức tạp, khó khăn, có nhiều hạn chế và không có giá trị bền vững, thay vì nên cầu nguyện phòng hộ nguyên nhânsẽ có giá trị ưu việt hơn, như đã đề cặp ở mục I.nói trên, đó là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “Bồ-tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả”.
Đạo lý Nhân Quả khách quan là nền tảng cho mọimong ước hiện thực. Cácthần linh nếu có cũng không sống ngoài quy luật Nhân Quả tương duyên.Thiết nghĩ những sự kiện “kỳ diệu và mầu nhiệm” dưới đây có thể được nghiệm lại dưới ánh sáng Nhân Quả.
Về phương diện tâm lý, cầu nguyện sẽ tạo nên sức mạnh niềm tin, mà hành động với một niềm tin mạnh mẽ có thể mang lại những thành công thần kỳ, kết quả cầu nguyện xảy ra một cách kỳ diệu mà ta thường gọi là sự linh ứng mầu nhiệm. Ví dụ có những người bệnh tật chữa hoài không hết hoặc bác sĩ đã “chê”, thành tâm cầu nguyện bậc tôn kính thì sau đó tự nhiên họ khỏe mạnh trở lại.
Tuy nhiên, chúng ta không thể cho rằng người cầu nguyện hay được cầu nguyện đạt được những kết quả như vậy là do họ thành tâm, vì ai gặp lúc hoạn nạn, nguy bách đến tính mạng đều có tâm lý chí thành cầu nguyện cả, nhưng sao người thì đạt được, người thì không!?  Chẳng hạn trongvụ tai nạn máy bay kinh hoàng xảy ra với chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Afriqiyah (Libya) bay từ Johannesburg đến Tripoli sáng 12/5/2010 đã cướp đi sinh mạng của 103 người. Duy nhất cậu bé 10 tuổi người Hà Lan thoát chết một cách kì diệu.
III. Cầu an.
          Cầu an(求安;  E: to pray for peace; momento of the living) thường có ý là cầu nguyện được sự bình an về đời sống vật chất (gồm cả về sức khỏe) và tinh thần cho người còn sống. Đây là điều mong ước của con người từ ngàn đời nay, đã từng được các danh nhân Hy Lạp thời cổ đại như nhà thơ Homer (khoảng 850 BC), triết gia Epicurus (341 BC – 270 BC) tỏ bày : “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Do đó cầu an còn có tên gọi khác là cầu phúc (miền Bắc) hay cầu phước (miền Nam).
Cầu an theo Phật giáo được đặt trên nền tảng của luật Nhân Quả.  Hiện trạng đang sống là kết quả (Nghiệp quả) tích hợp từ các nguyên nhân (Nghiệp nhân) của các kiếp sống quá khứ và kiếp sống hiện tại; một cách tương tự cho tình trạng của kiếp sống tương lai; tất cả sự sống là một chuỗi Nhân Quả liên tục.  Vì thế, mọi hình thức cầu an hay cầu phúc, cầu phước cũng chỉ là cách nhắc nhở cho người theo đạo Phật luật Nhân Quả và tích cực hành động đem đến sự bình an, sự hạnh phúc cho thế giới sống quanh ta.
Điển hình cho hành động tích cực này là thực hiện hạnh bố thí (= tặng cho), một hành động thể hiện chung cho hạnh Từ Bi-Trí Tuệ và luật Nhân Quả.
          Cầu an được thấy trong hai truyền thống Phật giáo:
          1) Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. 
Kinh Paritta(P: Paritta sutta;  S: Paritrana sutra - nghĩa là bảo vệ, hộ trì) : gồm những bài kinh tụng trong Tạng kinh Pāli, để cầu cho người bệnh hay người gặp những nghịch cảnh. Ðây là những bài kinh đã được đức Phật tán thành cho các hàng Tăng chúng tụng niệm trong những dịp trên. (Dict. Pali Proper Names. G.P. Mallasekera, Vol. Ī trang 157.)
Lời và âm thanh mà kinh Paritta tạo nên rung động và êm dịu thần kinh đưa tâm đến trạng thái thanh bình an lạc, hòa điệu với toàn thể hệ thống. Tuy nhiên, trong kinh Na-tiên(Milindapañhā),có nêu ra ba nguyên nhân làm cho kinh Paritta có thể không chiêu cảm được, đó là ;
1. Chướng ngại của Nghiệp (P: kamma-varanena).
                    2. Chướng ngại của ô nhiễm (P: kilesa-varanena).
                    3. Vô minh (P: avijjā).
Thông thường buổi lễ được tổ chức tại tư gia hay chùa chiền.
          2) Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền. 
Kinh Phổ Mônhay kinh Quán Thế Âm, là phẩm thứ 23 trong Chánh Pháp Hoa Kinh. Đây là bài kinh nói  về hạnh nguyện độ sinh của Bồ-tát Quán Thế Âm, và qua đó được sử dụng vào các dịp cầu an bệnh nhân, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ v.v...
Tuy nhiên, thâm ý của bài kinh nhằm giới thiệu phương pháp tu tập quán chiếu cuộc đời qua ngũ giác quan [quán chiếu (= Quán), cuộc đời (= Thế), ngũ giác quan (= Âm)] mới chính là cốt lõi của kinh. Nhờ quán chiếu cuộc đời theo nguyên lý Duyên khởi tương thuộc, với hai hệ quả là hiện tượng vô thường và bản chất vô ngã của vạn sự vạn vật, hành giả sẽ thoát ra được các chấp mắc về ngãvà về pháp, đạt tới một nội tâm thanh tịnh và đạt quan tích cực (không cực đoan bi quan hay lạc quan) về thế giới nhiều phiền tạp này.  Từ đó hành giả cũng sẽ tự độ  thoát chính mình khỏi các đau khổ đang hoành hành. Nói rõ hơn, khi tu tập pháp quán đó, mỗi hành giả là một Bồ-tát Quán Thế  Âmcứu chính chúng ta và tha nhân ra khỏi căn nhà lửa của khổ đau và bất hạnh.
Do đó, thọ trì kinh Phổ Môn không chỉ để được Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ, mà quan trọng hơn là để tâm đến phương pháp “quán chiếu cuộc đời” và phương thức “sống không sợ hãi” của vị Bồ-tát nổi tiếng song hành Từ bi và Trí tuệ này.
IV. Cầu siêu.
          Cầu siêu [求超;  E: to pray for the soul, to requiem for the dead; momento of the dead]  thưởng hàm ý cầu nguyện cho phần vô hình của người đã khuất vượt thoát khỏi cảnh khổ và có được một cảnh giới an lành.
Có người thắc mắc không biết cầu nguyện như thế có thực sự đem lại lợi ích cho người mất không? Có giúp phần vô hình người quá vãng đi về cảnh giới an lạc không?  Quả thật khó mà khẳng định.  Nếu nói có thì làm sao có thể chứng minh được với người sống?  Vì lẽ chưa có người chết nào trở về cho chúng ta biết rằng họ đã đi vào cõi nào.  Nếu nói không thì hoá ra chấp không, phủ nhận những lời dạy của Thánh hiền? 
Tuy không biết có được như ý nguyện không, nhưng hành động với tâm thành của người còn sống đã thể hiện một tình cảm đáng quý đối với người đã khuất; tuy nhiên, tình cảm đáng quý này quyết không là gánh nặng làm hại đến người còn sống.
Theo Phật giáo, con người chết không phải là hết. Sau khi xác thân này hư hoại thì thần thức ngoại trừ các bậc giác ngộ chủ độngtrong sinh tử luân hồi, còn con người tuỳ theo Nghiệp nhân đã gieo tạo, mà bị độngràng buộc tái sanh vào các cõi tương thích với Nghiệp quả, đó là 6 cảnh giới, từ dưới lên là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân, thiên.
Cầu siêu của Phật giáo là một hình thức có ghi lại trong một số kinh điển và có lẽ là kế thừa từ truyền thống Bà La Môn, vì theo kinh Vệ Đà trước Phật giáo thì họ luôn có những bài kinh cầu siêu, hằng mong đưa người quá vãng đến nơi an lành. Tuy kế thừa, nhưng mục tiêu của Phật giáo thì khác hẳn, đó là cơ hội đa phần vì lợi ích cho người còn sống hơn là cho người đã khuất, và không vì tập tục làm đẹp mắt, vui tai hoặc cho dễ coi đối với xã hội qua những chuyện bày biện, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
Trong kinh Tương Ưng Bộ có ghi : Một hôm Đức Thế Tôn gặp một vị trưởng lão Bà La Môn là Asibandakaputta (A Tư La Thiên), thông thuộc tất cả thiên văn, địa lý, sao trời, tướng số, và cả những bài kinh Vệ Đà. Đức Phật liền dẫn vị trưởng lão ấy ra bờ sông Hằng và truyền dạy cho ngài Sārīputta (Xá Lợi Phất) hãy bỏ một cục đá xuống bờ sông, Ngài Sārīputta làm theo và Đức Phật nói rằng: " Này trưởng lão Bà La Môn, ông hãy dùng tất cả những bài kinh hay thần chú mà ông biết, ông hãy tụng đọc để cho cục đá có thể nổi lên mặt nước !"  Vị trưởng lão ấy đã hết sức cố gắng tụng đọc để đưa cục đá nổi lên, nhưng vô ích.
Lại nữa, đức Phật chỉ dạy Ngài Sārīputta hãy bỏ một chiếc lá cây xuống sông Hằng và đức Phật nói rằng: "Này trưởng lão Bà La Môn, ông hãy dùng tất cả những bài kinh hay thần chú mà ông biết, ông hãy tụng đọc để cho chiếc lá kia có thể chìm xuống nước !"  Và lần nữa vị trưởng lão ấy cố gắng hết sức tụng đọc tất cả bài kinh mà mình biết để đưa chiếc lá chìm xuống, nhưng vẫn vô ích.
Ấy thế, đức Phật mới thuyết rằng: " Khi chúng sanh ra đi thì tất cả phải để lại cho cuộc sống này, nhưng duy chỉ có hai cái mà nó vẫn luôn luôn theo ta cho dù ta đang sống hay đã chết, đó là thiện nghiệpác nghiệp. Do theo phước báo, chúng ta phải nhận lãnh nó mà không bao giờ từ chối nó được. Và cũng không có gì có thể thay đổi nó được cho dù đó là những lời kinh và chính cả Như Lai cũng không thể dùng tay để vớt ác nghiệp lên hay dùng tay để đưa thiện nghiệp xuống."
Qua câu chuyện trên, đã giải rõ về lễ cầu siêu của Phật giáo Nam truyền.Trong lễ cầu siêu, chư Tăng sẽ tụng niệm những bài kinh như: Năm điều quán tưởng, vô thường-khổ não-vô ngã v.v… Mục đích tụng những bài kinh vừa kể là dành cho những người còn sống nghe để có thể thay đổi bản thân nhằm làm tăng thiện Nghiệp, đồng thời quán tưởng đời là vô thường, khổ não, vô ngã, chứ không phải tụng để cầu siêu cho người quá cố. Người quá cố có thể siêu độ hay không là do chính họ tạo từ khi họ còn sinh tiền.  Còn buổi lễ của tang quyến chỉ nhằm tạo phước lành để hồi hướng đến người quá cố, nhờ đó mà có thể giúp người quá vãng vơi được phần nào khổ não và tăng thêm phần phước ở nhàn cảnh mà thôi.
Xin trích một trong những bài kinh Cầu siêu của Phật giáo Nam truyền:
"Thế Tôn lời dạy rõ ràng, năm điều quán tưởng phải thường xét ra
Ta đây phải có sự già, thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
Ta đây bệnh tật phải mang, thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành
Ta đây sự chết sẵn giành, thế nào tránh thoát tử sanh đến kì
Ta đây phải chịu phân ly, nhân vật quý mến ta đi biệt mà
Ta đi với nghiệp của ta, dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng theo hình, ta thọ quả báo phân minh kết thành."

Chúng ta nhận thấy lời kinh không một chút gì gọi là để dành cho người chết. Có thể nói rằng đoạn kinh trên là quan điểm về cầu siêu với cái nhìn trung thực và đúng đắn của Phật giáo theo tinh thần của cầu nguyện phòng hộ nguyên nhân.Một so sánh đặc trưng giá trị  lợi ích giữa người sống và người chết nơi phẩm thứ 7 của kinh Địa Tạng có ghi rõ (Xin xem bên dưới). Tuy nhiên, để dần quy hướng cho người Phật tử, cầu siêu theo cáchcầu nguyện chữa trị hậu quảđã được dùng làm phương tiện bước đầu, thông qua các kinh điển Nam Bắc truyền sau :
          1) Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. 
- Kinh Apithom.
Kinh này thường được sử dụng trong Phật giáo Nam truyền thường thấy ở người Khmer Nam bộ. Lễ cầu siêu là một nghi lễ có nguồn gốc truyền thuyết từ một câu chuyện trong Phật giáo (tương tự như trong kinh Địa Tạng của Phật giáo Bắc truyền).
Chuyện kể rằng: Khi đức Phật được sinh ra được bảy ngày thì mẹ của đức Phật qua đời. Đức Phật nhận thấy rằng mẹ mình dù ở cõi trời nhưng vẫn chưa được siêu thoát do hãy còn tập khí tham-sân-si chi phối, chưa thể thanh tịnh được. Vì thế đức Phật đã đến để thuyết pháp cho mẹ của mình để bà hiểu ra những lẽ thực của cuộc sống, từ đó có thể tự giải thoát cho chính bản thân mình. 
Những lời thuyết pháp của đức Phật đó được ghi lại thành kinh Apithom và được người theo đạo Phật sử dụng để đọc trong buổi lễ cầu siêu với hi vọng thần thức của người chết sẽ được trong sạch, giải tỏa những tham-sân-si để sớm được siêu thoát.  Việc cầu siêu cho cha mẹ khi đã chết là một việc quan trọng để báo hiếu và được ghi lại trong năm bổn phận cơ bản nhất của người con đối với cha mẹ:
(1) Người con phải biết chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ để cha mẹ khỏe mạnh, đặc biệt là khi cha mẹ đau ốm lại càng phải tận tâm chăm sóc. Không được làm những việc khiến cho cha mẹ phiền lòng.
(2) Phải biết phụ giúp công việc cho cha mẹ. Con cái không được lười biếng.
(3) Phải biết gìn giữ nòi giống.
(4) Phải biết giữ gìn tài sản cho cha mẹ mình. Bản thân người con phải tự biết chi tiêu cho hợp lý, không được chi tiêu lãng phí tài sản của cha mẹ.
(5) Khi cha mẹ đã chết cần phải biết cầu siêu cho cha mẹ mình, để vong hồn cha mẹ sớm được siêu thoát, tái sinh.
2) Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền.
- Kinh Địa Tạng.
Đức Phật thuyết kinh Địa Tạng là cốt cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tự tâm, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm (Xin xem thêm mục từ ‘Địa Tạng’).
+ Phẩm thứ 8  “Chúa Tôi Xiêm La Xưng Tụng” trình bày sự kiện trong vòng 49 ngày (thất tuần), thần thức người chết như ngây như điếc, không biết đường đi lối về, nên thân nhân cầu thỉnh chư Tăng, Ni vì lòng từ bi trì tụng tôn kinh để nhắc nhở thần thức của người mới mất hướng tâm về các thiện sự đã làm hoặc thiết tha thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn.
Vì thế, cúng 49 ngày thật sự có ý nghĩa chỉ đối với những người đã mất chưa quyết là được tái sanh về cảnh giới nào, hoặc đang trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của thân trung ấm (bardo – Xin xem thêm mục từ ‘Sinh Tử’). Trong nhiều trường hợp như trong kinh  đề cập, sau khi bỏ xác thân này liền được tái sanh về các cảnh giới chư Thiên do nghiệp nhân thiện lành, hoặc lập tức bị sanh vào cảnh giới a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục vì những nghiệp nhân quá xấu ác. Như vậy, việc cúng cầu siêu cho người quá cố trong trường hợp này chỉ là để thể hiện lòng biết ơn hoặc lòng hiếu thảo của người còn sống đối với người đã khuất, đồng thời làm duyên cho con cái hoặc thân nhân đến với giáo pháp cao thượng.
+ Phẩm  thứ 7, cũng nói rõ vấn đề này, “… nếu người cư sĩ tại gia vì người chết mà cúng dường thì bảy phần công đức, người chết chỉ hưởng một phần. Sáu phần công đức còn lại những người thân nhân tổ chức cúng dường sẽ được hưởng”. Điều này rất phù hợp với tinh thần của đạo Phật: tha lực chỉ là phần hỗ trợ, Nghiệp lực của mỗi người phải tự nhận lấy, không ai có thể gánh chịu thế cho nhau được.
Tự mình, làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!
Kinh Pháp Cú, Kệ 165
- Kinh Vu Lan.
Ở Ấn Độ, khi đức Phật còn tại thế, con cháu của những người qua đời đã từng thực hiện nghi lễ cúng dường đức Phật và chư Tăng, mục đích của lễ này là nhằm cứu những vong hồn tội lỗi thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ. Sau khi lễ này du nhập vào Trung Hoa, Lương Vũ Đế 梁武帝là vị vua đầu tiên xuất gia và cũng là người đầu tiên cúng Vu Lan Bồn vào năm 538.  Lễ cúng diễn ra tại chùa Đồng Thái tỉnh Giang Tô 江蘇. Sau đó lễ này được truyền khắp Trung Hoa.
Theo Đại Việt sử Ký toàn thư 大越史記全書của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu Lan Bồn du nhập vào Việt Nam rất sớm. Từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng thiết trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Thế rồi, qua thời gian, Vu Lan Bồn dần dần trở thành đại lễ cho đến ngày nay.
Vu Lan Bồn (盂蘭盆;  S: Ullambana -giải đảo huyền) được nói gọn là Vu Lan (盂蘭: đảo huyền; S: Ullambana : ‘treo ngược’, chỉ cho sự đau khổ), một thuật ngữ có nguồn gốc từ bài Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh 佛說盂蘭盆經,kinh này đã đượcngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn (265-316). Trong Vu Lan Bồn kinh, Đức phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên 目乾連(Maudgalyāyana,) cách làm thế nào để cứu thoát mẹ của ông, người đã làm điều tội lỗi ở trần gian, sau khi qua đời đã bị đã bị chiêu cảm trong cảnh giới ngạ quỷ.
Theo lời Phật dạy, ngày 15 tháng 7 âm lịch, là ngày chư Phật hoan hỷ, oai lực chư Tăng được tăng trưởng sau ba tháng an cư, và cũng là ngày tự tứ - chư Tăng hội họp đầy đủ - Tôn giả lập đạo tràng, thỉnh chư Tăng thanh tịnh tập trung chú nguyện, tạo thành nguồn diệu lực soi sáng thần thức cho bà Thanh Đề - là mẹ của Tôn giả - được tỉnh ngộ, phá tan tư tưởng mê mờ, giải trừ kiến chấp xan tham mà siêu thoát khỏi cõi u tối, khổ đau và thanh thoát lên cõi thiện lành.
"…Rằm tháng Bảy là ngày tự tứ
Mười phương Tăng đều dự lễ này
Phải toan sắm sửa chớ chầy
Thức ăn trăm món, trái cây năm màu…".
(Kinh Vu lan)
Kinh Vu Lan là một bản kinh ngắn, đại ý của kinh gồm có 3 phần chính:
(1)  Nguyên nhân của pháp báo hiếu Vu Lan.
(2)  Phương pháp báo hiếu nhờ vào đạo đức cộng đồng.
(3)  Báo hiếu là trách nhiệm chung của những người con.
Truyền thuyết này ngày nay dần trở thành lễ cầu siêu cho cha mẹ ông bà và gọi là lễ Vu Lan, được các Phật tử lấy tháng Bảy hằng năm là Tháng báo hiếuvới việc thăm nom chúc mừng cha mẹ hiện tiền, mà còn tri ân cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ..., thân nhân quá vãng được siêu sinh. Có nơi còn lập đàn tràng cầu siêu cho những vong hồn u mê lỡ bước, do đó mà còn mang thêm ý nghĩa là Tháng xá tội vong nhânvà đã đi vào văn hóa Việt Nam. Cho nên ở Chùa nào cũng thường có thời khoa nghi để Phật tử và nhân dân đến tụng kinh,  cầu cho vong linh được siêu sinh cảnh lành.
V. Cầu giác ngộ-giải thoát.
(Cầu nguyện tâm linh)
Cầu giác ngộ-giải thoát hay còn gọi là cầu nguyện tâm linh, đó là cầu nguyện hướng tới thành tựu tuệ giác viên mãn.
Trong kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác rất ngắn, chỉ gồm tám bài kệ ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần cuối của bài kệ thứ ba cũng đủ làm kim chỉ nam và là mục tiêu tối hậu cho những ai thành tâm tu học Phật, đó là:
“ Thường niệm tri túc, giản đơn thủ đạo, duy Tuệ thị nghiệp * 常念知足,安貧守道,唯慧是業。”-  Thường nghĩ đến việc biết đủ (E: self-sufficiency), sống không cầu kỳ (E: simple living) mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác (E: perfect wisdom)làm sự nghiệp đích thực của mình.
Chính tuệ giác này sẽ soi sáng hành giả thấy biết chân thật quy luật tự nhiên vận hành của vũ trụ, của thế giới sống muôn loài, từ đó hành giả sẽ hoàn toàn chủ động sự sống của mình hợp với quy luật này.
Theo đạo Phật, chúng sinh đau khổ và bị động trong sinh tử luân hồi là do nội tâm chấp trước, biểu hiện bằng kiến chấp cực đoan. Kiến chấp cực đoan này được xem như sự trói buộc tinh thần bởi chính minh, và vì thế mà sự tháo gỡ sự trói buộc này cũng phải do tự mình tháo gỡ.  Đây chính là ý nghĩa của tư do nội tâm - tự do đích thực, là giải thoát trong Phật giáo. Do đó, có thể nói rằng cầu nguyện tâm linh theo Phật giáo chính là cầu tuệ giác – là giác ngộ-giải thoát.
Như thế có thể thấy rằng cầu giác ngộ-giải thoát là đỉnh cao của cầu an và cầu siêu, bởi một khi giác ngộ-giải thoát thì tâm hành giả tự antự siêu, chứ không một ai có thể làm cho hành giả an lành và siêu thăng được.
o0o
 
Căn Trần Thức.
Nội dung
I. Tổng quan về Căn Trần Thức.
II. Mạt-na thức và A-lại-da thức.
I. Tổng quan về Căn Trần Thức.
Trong  Phật giáo Nam truyền, Ái dục(愛欲;  P;S: kāma) có mối tương quan với các yếu tố căn, trần, thức.  Đó là hệ thống  Lục căn - Lục trần - Lục thức - Lục dục  có vai trò quan trọng trong quá trình tu học giải thoát.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy tính hỷ xả: 
"Có sáu pháp vô-thượngcác thầy cần tu. Những gì là sáu?
Mắtthấy sắc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Tainghe tiếng, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Mũingửi mùi, không ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡinếm vị, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Thânchạm xúc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ýcđối với mọi việc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.”
1)Lục căn.
Căn(根;  P;S: ajjhattikāni āyatanāni;  E: sense base, sense organ):  Căn tức là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nẩy nở, phát sinh.
Lục căn(六根;   P: Saḷāyatana;  S: Saḍāyatana;  E: Six organs;  F: Six organs).
Lục căn ở đây tức là: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn.
Lục căn còn gọi là Lục nội xứ (P: ajjhattikāni āyatanāni;  E: six internal sense bases)  là 6 gốc rễ có sức nảy sanh. Lục căn chính là sáu cơ quan của con người dùng để nhận biết sự vật, gồm:
1. Mắt =Nhãn căn  (眼根;  P: cakkhu-āyatana, cakkhāyatanaṃ;  S: cakṣur-āyatana;  E: eye base):  Là cơ quan và năng lực thị giác.
2. Tai  =Nhĩ căn  (耳根;  P: sota-āyatana, sotāyatanaṃ;  S: śrotra-āyatana;  E: ear base):  Làcơ quan và năng lực thính giác.
3. Mũi  =Tỷ căn  (鼻根;  P: ghāna-āyatana, ghānāyatanaṃ;  S: ghrāṇa-āyatana;  E: nose base):  Làcơ quan và năng lực khứu giác.
4. Lưỡi =Thiệt căn  (舌根;  P: jivhā-āyatana, jivhāyatanaṃ;  S: jihva-āyatana;  E: tongue base):  Làcơ quan và năng lực vị giác.
5. Da  =Thân căn (身根;  P;S: kāya-āyatana, kāyāyatanaṃ;  E: body base):  Làcơ quan và năng lực xúc giác.
6. Não  =Ý căn (意根;  P: mano-āyatana, manāyatanaṃ;  S: manaḥ-āyatana;  E: mind base):  Làcơ quan và năng lực tư duy.

Sơ đồ Lục căn
 
2)Lục trần.
Trần(塵;  P;S: bāhirāni āyatanāni;  E: sense object) là bụi, chỉ cho cõi thế gian. Có giải thích cho rằng cảnh là đối tượng của căn, khi chấp thủ cảnh, thì cảnh gọi là trần 塵.
Lục trần (六塵;  P: Bāhira-āyatana;  S: Bāhyu-āyatana;  E: Six objects of sense.   F: Six objets de sens).  
Lục trần còn gọi là Lục ngoại xứ(六外處; P: bāhirāni āyatanāni;  E: six external sense bases),Lục cảnh (六境;  S: ṣaḍ-viṣayāḥ)hayLục tặc六賊, Lục nhập 六入, là 6 ngoại cảnh diễn bày ra trước lục căn, làm cho lục căn sanh ra lục thức. Lục trần gồm:
1.  Sắc trần  (色塵;  P: rūpārammaṇa,rūpāyatana;  S: tadyathā-rūpam;  E: visual objects):  Làhình dáng và màu sắc để thấy.
2. Thinh trần  (聲塵;  P: sadda;  S: śabdaḥ;  E: sound waves):  Làâm thanh, lời để nghe.
3.  Hương trần (香塵;  P: gandha;  S: gandhaḥ;  E: odors):  Làmùi để ngửi.
4.  Vị  trần  (味塵;  P: rasa;  S: rasaḥ;  E: tastes):  Đồ vật ăn, uống.
5.  Xúc trần (觸塵;  P: phoṭṭhabbārammaṇa;  S: sparśaḥ;  E: tangibles):  Là đồ vật tiếp (xúc), chạm.
6.  Pháp trần (法塵;  P: dhammāyatanaṁ;  S: dharmaśceti;  E: mental objects):  Làcác suy tưởng, phânbiệt, mưu tính thực hiện dựa vào ấn tượng của 5 trần“Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc” lưu trong Thức uẩn(ký ức, trí nhớ). 
3)Lục thức.
Thức(識;  P: viññāṇa;  S: vijñāna;  E: sense consciousness) là cái biết, là cái ta nhận thức được. Khi đứng trước một đối tượng (con người, sự vật, sự việc), chúng ta vận dụng tất cả các kết nối của các giác quan và tri thức của mình để tạo ra sự nhận thức, tình cảm về đối tượng đó.
Lục thức(六識;  P: Cha-viññāṇa;  S: Ṣaḍ-vijñāna;  E: Six knowledges;  F: Six connaissances): 
Lục thức là 6 hiểu biết của con người. Lục thức có được là do Lục căn tiếp xúc với Lục trần. Lục thức gồm:
           1. Nhãn thức (眼識;  P: cakkhu-viññāṇa;  S: cakṣur-vijñana;  E: visual consciousness, eye consciousness):  Làcái biết của mắt do nhìn thấy đối tượng, nhận thức nó, phân biệt nó bởi màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng…), hình dạng (cao, thấp, vuông, tròn…), trạng thái (đi, đứng, nằm, ngồi…)…
          2. Nhĩ thức (耳識;  P: sota-viññāṇa;  S: śrotra-vijñana;  E: auditory consciousness, ear consciousness):  Làcái biết của tai do nghe được đối tượng là âm thanh, nhận thức nó, phân biệt nó ở những đặc điểm về âm điệu, cường độ, âm sắc…
          3. Tỷ thức (鼻識;  P: ghāna-viññāṇa;  S: ghrāṇa-vijñana;  E: olfactory consciousness, nose consciousness):  Làcái biết của mũi do ngửi được đối tượng là mùi, nhận thức nó, phân biệt nóở những đặc điểm là thơm, hôi hay trung tính (không thơm – không hôi).
          4. Thiệt thức (舌識;  P: jivhā-viññāṇa;  S: jihva-vijñana;  E: gustatory consciousness, tongue consciousness):  Làcái biết của lưỡi do nếm, ăn, uống về đối tượng là vị, nhận thức nó, phân biệt nó ở những đặc điểmlà: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi, ngon.
          5. Thân thức  (身識;  P: kāya-viññāṇa;  S: kāya-vijñana;  E: tactual consciousness, body consciousness):  Làcái biết của da do tiếp chạm với vật thể, nhận thức nó, phân biệt nóở những đặc điểm làtrơn-nhám, cứng-mềm, nóng-lạnh, nặng-nhẹ...)
   6. Ý thức  (意識;  P: mano-viññāṇa;  S: manaḥ-vijñana;  E: mind consciousness, mind consciousness):   Làcái biết của trí não do suy tưởng.
LỤC CĂN + LỤC TRẦN
(hữu+vô)
=> LỤC THỨC
  (vô hình)
Nhãn (=mắt)   Sắc trần   Nhãn thức
Nhĩ (= tai)   Thinh trần   Nhĩ thức
Tị (= mũi)   Hương trần   Tị thức
Thiệt (= lưỡi)   Vị trần   Thiệt thức
Thân (= da)   Xúc trần   Thân thức
Ý (= não bộ)   Pháp trần   Ý thức
 
 
4) Mối tương quan của 6 thức.
1/. Năm thức 1-:-5 kể trên chỉ thuần túy là những “cảm giác”, chúng không có khả năng phán đoán, ước lượng nghĩa là 5 thức này là 5 thức “không có suy nghĩ”.
Ví dụ: Mắt ta nhìn thấy màu xanh thì nó chỉ thuần túy là nhìn thấy màu xanh, còn để gọi tên được màu xanh đó thì cần phải có tri thức về màu xanh đó rồi. Giống như việc đứa trẻ nhìn một đồ vật màu xanh, nó chỉ đơn thuần là nhìn chứ chưa nhận biết được, người lớn chỉ vào vật đó nói và dạy cho đứa trẻ “đây là màu xanh” thì nó mới nhận thức được đó là màu xanh. Như vậy, chỉ khi có ý thức tác động thì chúng mới được phân biệt, ước lượng về tính chất, mức độ.
          2/. Thức thứ sáuý thức hình thành khi ý căn tiếp xúc với một đối tượng nhận thức là các pháp trần – tất cả những sự vật, sự việc, hiện tượng ta cảm giác được hoặc suy nghĩ tưởng tượng của ta.
 Khi mắt chúng ta không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nếm, thân thể không chạm xúc; nghĩa là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, thì ý thức của chúng ta vẫn phân biệt tính toán,nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến.
Nhờ có ý thức mà con người khác biệt so với những loài động vật khác, nhờ có ý thức mà có người thông minh có người lại ngu muội. Ý thức là nền tảng khởi phát điều hay, lẽ phải nhưng ý thức cũng là nguồn cơn sinh ra phiền não, khổ đau. Nói cách khác, cái dụng của ý thức lợi hại vô cùng; nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người; ngược lại, thân và miệng chúng ta gây nên điều bất thiện hại mình hại người vậy.
Phạm vi của ý thức được nhận diện qua hai hình thức:
- Một là ý thức được dùng bổ trợ với 5 thức trước(nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ): Cái biết sinh ra từ năm thức trước đơn thuần chỉ là cảm giác (E: sensation), khi được ý thức tác động thì nó sẽ tạo ra tri giác (E: perception). Ta gọi sự liên hiệp của 6 thức này là ngũ câu ý thức hay tri thức thuần túy. Trong đời sống, mọi “cái biết” đều được hình thành từ các giác quan và đều được ý thức làm cho sáng tỏ. Trong “Duy thức tam thập tụng” gọi chung 6 thức này là liễu biệt cảnh thức – tức là “cái biết” phân biệt rõ ràng về mọi mặt.
- Hai là ý thức đơn độc(độc đầu ý thức): Trạng thái này để chỉ ý thức tồn tại, hoạt động hoàn toàn độc lập và nó không có mối quan hệ với 5 thức trước. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì ý thức này được gọi tên là các hoạt động diễn ra trong tưởng tượng, hồi tưởng, suy tư, phán đoán trước… được gọi chung là tán vị ý thức hoặc ý thức xuất hiện khi ta nằm mơ là mộng trung ý thức, ý thức của người điên loạn là loạn trung ý thức, ý thức trong lúc ta thiền định là định trung ý thức.
Tóm lại, ý thức không chỉ giúp ta phân biệt được các sự vật hiện tượng, sự việc trong nhân gian mà nó còn “phác họa” những cái không chắc là có thật (con số, khái niệm trừu tượng, quan niệm, quá khứ, tương lai…). Ý thức giúp con người phân biệt được đối tượng bên ngoài (khách thể) và cả tâm thức bên trong (trong lòng ta nghĩ).
          5) Phòng hộ 6 căn – Sám hối 6 căn.
Phòng hộ 6 căn tức tu tập 6 căn nơi đây không có nghĩa là đóng kín 6 căn, như che mắt bịt tai ..., mà là an trú vào Luật nghi và Chánh niệm khi đối duyên xúc cảnh.
- An trú vào Luật nghi là cơ sở đầu tiên. Luật nghi là hàng rào bảo vệ, là hành lang an toàn. Sống trong sự bảo hộ của Luật nghi giúp mình không phóng túng, lơ đãng, hạn chế tối đa duyên ác.
- Chánh niệm về chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi là tức thời tỉnh giác khi căn tiếp xúc với trần, để tâm không chạy theo cảnh.
Nếu như thấy, nghe, ... mà sinh tâm yêu lấy hay ghét bỏ thì chưa khéo phòng hộ, bị lệ thuộc vào trần cảnh bên ngoài. Khi đã chạy theo cảnh trần thì lập tức tạo nên bất thiện nghiệp. Tu căn là vẫn thấy, vẫn nghe, ... nhưng cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe, không cho yêu ghét chi phối. Giữ tâm như thế gọi là phòng hộ.
          Trong kinh Tương Ưng Bộ, tập IV, thiên sáu xứ có bài kệ về phòng hộ 6 căn sau:
1
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Chính sáu xúc xứ này,
Chỗ nào không thâu nhiếp,
Chỗ ấy có đau khổ.
Những ai học biết được,
Chế ngự, phòng hộ chúng,
Với lòng tin làm bạn,
Sống thoát ly dục vọng.
2
Thấy sắc pháp khả ái,
Thấy sắc không khả ái,
Hãy nhiếp phục đường tham,
Ðối các sắc khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
“Ðối sắc, ta không thích”.
3
Sau khi nghe các tiếng,
Khả ái, không khả ái,
Chớ để tâm say mê,
Với các tiếng khả ái.
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Với tiếng không khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
“Ðối tiếng, ta không thích”.
4
Sau khi ngửi các hương,
Thơm dịu, thật khả ái,
Sau khi ngửi các hương,
Bất tịnh, thật đáng ghét;
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Ðối các hương đáng ghét,
Còn đối hương khả ái,
Chớ để dục chi phối.
5
Nếm xong vị ngon ngọt,
Và nếm vị không ngon,
Chớ có sanh tham luyến,
Khi hưởng nếm vị ngon,
Chớ nói lời chống đối,
Khi nếm vị không ngon.
6
Khi cảm thọ lạc xúc,
Chớ đắm say tham luyến,
Khi cảm thọ khổ xúc,
Chớ bị xúc động mạnh.
Ðối với cả hai xúc,
Lạc, khổ đều niệm xả,
Không thích, không chống đối,
Bất cứ loại xúc nào.
7
Ðối với các người khác,
Mê theo hý luận tưởng,
Họ mê theo hý luận,
Họ hành theo hư tưởng;
Hãy đoạn trừ tất cả,
Gia sự do ý tạo,
Hãy nhiếp các hành động,
Hướng đến hạnh viễn ly.
8
Như vậy đối sáu xứ,
Khi ý khéo tu tập,
Nếu có cảm xúc gì,
Tâm không bị dao động.
Tỷ-kheo hãy nhiếp phục,
Cả hai tham sân ấy,
Hãy đến bờ bên kia,
Vượt buộc ràng sanh tử.
Sám hối 6 cănlà thấy biết lỗi lầm 6 căn đã làm, và thật lòng sửa đổi không tái phạm về sau.  Đây là nghi thức sám hối dành cho những tội lỗi do 6 căn đã tạo nghiệp từ nhiều kiếp quá khứ đến nay.  Người sám hối phát tâm lễ Phật, bái sám nêu rõ những lỗi lầm gây ra do sự buông lung 6 căn từ nhiều đời nhiều kiếp, nguyện phòng hộ các căn để phòng ngừa tội lỗi.
          Nghi thức sám hối này do pháp sư Trí Khải (538 - 597)đời Tùy ở Trung Hoa soạn ra thực hành theo Pháp Hoa Tam Muội Sám Pháp. Tại Việt Nam có bài Sám hối Lục căn do vua Trần Thái Tông (1218-1277) biên soạn trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám-Hối, có sẵn trong bộ Khóa Hư Lục.
II. Mạt-na thức và A-lại-da thức.
          Trong Duy Thức học, là môn tâm lý học của Phật giáo Bắc truyền, có nhắc đến khái niệm “thức” với 8 hình thái khác nhau, hay còn gọi là “Bát thức tâm vương 八識心王* Tâm vương 8 thức”.
          Tâm vương bao gồm 8 thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức.  Trong đó, 5 thức đầu tiên bắt nguồn từ chính 5 giác quan của cơ thể hay còn gọi là tiền ngũ thức. Mỗi thức có một khả năng nhận thức và phân biệt khác nhau. Nói một cách dễ hiểu theo tâm lý học hiện đại thì 5 thức này tương ứng với 5 cảm giác là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.
          Nói chung trong 8 thức thì 6 thức đầu có ý nghĩa tương tự như ở phần I, chỉ thêm vào 2 thức cuối. Điều này như phân tích dưới đây cho thấy 6 thức đầu hình thành từ Sắc uẩn, Thọ uẩn và Tưởng uẩn có chức năng nhận biếtcủa thức, còn 2 thức lập thêm từ Hành uẩn và Thức uẩn không có chức năng thực sự của thức, mà chỉ được thức hóa.Với Mạt-na là thứchóaHành uẩn,có  chức năng chấp thủ cái biếttích lũyở A-lại-da”,và A-lại-da là thứchóaThức uẩn,có chức năng ghi nhớ lưu giữ cái biết ở 6 thức đầu(= ký ứchay trí nhớ).
1) Mạt-na thức(末那識;  S: Manas-vijñāna)
Trong Thành Duy Thức luận có giải thích: Mạt-na có nghĩa là “tư lương” hay “ý”, trong đó “Tư” là suy nghĩ; “Lương” là so lường. Theo đó, bản chất của Mạt-na thức là liêntục suy nghĩ, suy xét phân biệt,tính toán phân biệt, thể hiện ý chí chấp thủ.
So với thức thứ 6 – ý thức, mặc dù ý thức cũng có tính suy nghĩ, so lường nhưng ý thức lại có tính gián đoạn. Hoặc khi so sánh với 5 thức trước thì 5 thức này lại hoàn toàn không có tính phân biệt và cũng bị gián đoạn (chỉ tồn tại trong một thời điểm xác định).
Trong Phật học Phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa có giải thích về Mạt-na thức như sau: Thức Mạt-na được xem như “gốc” của ý thức (thức thứ 6). Vì thức thứ 6 cũng có khi bị gián đoạn (ví dụ khi ta ngủ sâu hay hôn mê thì ýthức thongthường không còn tồn tại nữa). Lúc này ý thức không mất hẳn mà nó chỉ tạm thời không có mặt ở đó. Trong trạng thái đó, ý thức trở về cái gốc của nó – đó chính là thức thứ 7 (Mạt-na thức), nghĩa là ý thức vẫn hoạt động qua giấc mộng. Nói cách khác, Mạt-na luôn hiện hành chấp chặt cái biết lưu giữ nơi A-lại-da, nghĩa là Mạt-na được xem như yếu tố luôn hiện diện trong mọi không gian và thời gian, khẳng định cái Ta nơi chúng sinh.
2) A-lại-da thức(阿賴耶識;  S: Ālaya-vijñāna).
Đây là thức thứ 8 trong tám thức của con người. Trong tiếng Phạn, A-lại-da có ý nghĩa là kho chứa, tích chứa,nên tiếng Hán gọi là Tàng thức hay Tạng thức 藏識.
Thức thứ 8 chứa đựng tất cả cái biết từ 6 thức đầu, mỗi cái biết được gọi là chủng tử  (種子: Hạt giống),ẩn dụ cho nhân của mọi vấn đề thiện hay bất thiện, khi gặp đủ duyên sẽ hiện hành, đồng thời sẽtrở lại làm chủng tử mới.
Trong quyển  “50 bài tụng Duy Biểu thời nay” có nhắc tới 3 nhiệm vụ của A-lại-da thức như sau:
1/.Nhiệm vụ 1: Chứa đựng, bảo tồn tất cả những “hạt giống” ta đã trải qua. Trong đó, “hạt giống” ở đây được hiểu là tất cả những hành động màta đã làm, tất cả những nhận thức màta đã có, tất cả những kinh nghiệm màta đã tích lũy được.
2/.Nhiệm vụ 2: A-lại-da thức (= Tàng thức) bản thân cũng chính là các hạt giống. Bản thân tàng thức không chỉ là “kho chứa hạt giống” mà chính nó cũng có thể là những hạt giống trong kho. Ví dụ: Cái bát chứa cơm – ta gọi là bát cơm. Nhưng khi không còn cơm trong bát thì ta không thể gọi là bát cơm được nữa. Như vậy, thức thứ 8 vừa có thể là chủ thể nhưng cũng có thể vừa là đối tượng.
3/.Nhiệm vụ 3: Chứa đựng những luyến ái (tình cảm, nhận thức) về cái Ta. Nhiệm vụ này được cho là do mối liên hệ giữa A-lại-da thức và Mạt-na thức. Mạt-na thức được xemlà sinh ra từ tàng thức, nhưng Mạt-na thức cũng ôm lấy tàng thức và coi đó là một cái Ta riêng biệt của nó. Theo Phật giáo, đa số những khổ đau của con người đều là kết quả của việc Mạt-na thức ôm lấy Tàng thức để tạo ra một cái Ta riêng biệt của chính nó.
Một ví dụ về sự hoạt động của cả 8 thức như sau: Khi ta ngủ, 5 cơ quan cảm giác không tiếp nhận thông tin, nhưng Mạt-na vẫn tiếp nhận những “tín hiệu ngầm” từ thức thứ 8. Từ đó, trong giấc mơ ta nhìn thấy bản thân mình, ta nghe thấy âm thanh, ta tiếp xúc với cảnh vật trong giấc mơ y hệt như ta đang thức vậy. Từ những nhận thức tạo ra trong tâm của ta từ giấc mơ đó, sinh ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, yêu thương, căm ghét, đau khổ, sợ hãi… Tất cả những thứ kể trên đều chỉ là một tưởng tượng do Mạt-na thêu dệt mà thành.
          Khi hành giả thành tựu Tuệ giác, thì cả 8 Thức được gọi là 8 Trí, nghĩa là Tuệ giác y cứ nơi Thức, như kinh Pháp Bảo Đàn chỉ dạy:
佛法在世间            Phật pháp tại thế gian    
不离世间觉            Bất ly thế gian giác        
离世觅菩提            Ly thế gian mịch bồ đề   
恰如求兔角           Kháp như cầu thố giác   
Phật pháp trên thế gian
Không thể rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ

          1.  A-lai-da                 - Đại viên cảnh trí                 - Vô đẳng thắng trí
            2.  Mạt-na                  - Bình đẳng tính trí               - Đại thừa quảng trí
            3.  Ý thức                   - Diệu quan sát trí                  - Bất khả xưng trí
            4.  Ngũ thức               - Thành sở tác trí                  - Bất tư nghì trí
 
          Bấy giờ, A-lại-da thức, tức Thức uẩn, chuyển hóa là Đại Viên Cảnh Trí 大圓鏡智hay Bạch Tịnh thức 白淨識.
---------------------
Chú thích: Theo Pháp tướng tông (法相宗) và Duy thức tông (唯識宗) trong Phật giáo Bắc truyền, mỗi chúng sinh đều có 8 lớp thức riêng biệt gọi là Bát thức (八識;  S: aṣṭa-vijñānāni). Theo giáo lí của tông này, năm thức đầu tiên tương ứng với 5 giác quan, thức thứ 6 (ý thức 意識) tương ứng với suy tưởng, thức thứ 7 là Mạt-na thức (末那識;  S: mānas-vijñāna;  E: defiled mental consciousness)tương ứng với ý niệm về bản ngã, thức thứ 8 là A-lại-da thức (阿賴耶識;  S: ālaya-vijñāna;  E:store-house consciousness) là kho chứa mọi dấu ấn từ kinh nghiệm của mình.
Theo Thành Duy Thức luận 成唯識論.  Thức thứ 8 được gọi là Bản thức (本識), Tạng thức (藏識) hay Chủng tử thức (種子識).
Chức năng của thức là nhận biết sự vật hiện tượng. Theo đó 6 thức đầu đã được đức Phật Thích Ca truyền dạy, thỏa đúng chức năng của thức, 6 thức này được xem là hình thành từ Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn.  Còn thức thứ 7 và thức thứ 8 được các Tổ về sau lập thêm, được xem là đã thức hóa Hành uẩnvà Thức uẩn, và cả hai đều không có chức năng của thức (là nhận biết), mà chỉ có đặc tính là chấp thủ nhận biết (Mạt-na) và lưu trữ nhận biết (A-lại-da).
Hai chức năng chấp thủ và lưu trữ này được truyền từ kiếp này qua kiếp khác, được xem là hai thành phần đóng vai trò chủ yếu trong việc tái sinh. Giải tỏa các chấp thủ lưu trữ này bằng Duyên khởi tính (tức Không tính) là cách thức đi đến giải thoát.
o0o
Chánh niệm.
Nội dung
I. Định tính về niệm.
II. Định lượng về niệm.
III.  Chánh niệm trong Phật giáo Nam truyền.   
IV.  Chánh niệm trong Phật giáo Bắc truyền.
V. Chánh niệm trong Tam học.
 

Mindfulness - Wikipedia
Chánh niệm– Wikipedia tiếng Việt
 [Mindfulness thường được hiểu là ngắn gọn của Right Mindfulness]
Niệm(;  P: Sati;  S: Smrti;  E: Mindfulness, Recollection, Memory):  Niệm hay Tâm niệm, là trạng thái của tâm trên một đối tượng. Đơn giản Niệm là nhớ nghĩ. Do đó,  Niệm bao giờ cũng phải có đối tượng, với  định tính và định lượng.
I. Định tính về niệm.
Niệm có thể là Chánh niệm  hay Tà niệm. Từ đây sẽ dẫn tới Chánh nghiệp hay Tà nghiệp, Chánh định hay Tà định, Chánh tuệ hay Tà tuệ (= Tà kiến) ...
1)Chánh niệm(正念;  P: Samma-sati;  S: Samyak-smṛti;  E:Right mindfulness): 
Chánh niệm là cách nói đơn giản của niệm Chánh tri kiến, là sự nhận thức có chủ đích.Trong Thiền tập,  Chánh niệm là phương pháp luyện tâm cho hành giả với 2 chủđích, đó là:
1/. Chánh niệm trong thiền định,nhằm giúp tâm hành giả từ loạn động sang định tĩnh, được gọi là Chánh niệm Tỉnh thức. Trong đó:
Tỉnh thức(醒識;  P: jāgarati;  S: jāgarti;  E: awareness)
Tỉnh (醒):  Là hết mê say, thôi mơ tưởng.
Thức (識):  Là nhận biết ra sự vật.
Chánh niệm Tỉnh thức(正念醒識;  P: Samma-satiJāgarati;  S: Samyak-smṛtiJāgarti;  E: Mindfulness and Awareness):  Là thiềntậpđểtâm không loạn động, được yên tĩnh nhận biết rõ sự vật.Hành giả hướng tâm tới một đối tượng là sự vật hay hành động một cách chăm chú, tức “trói” tâm liên tục vào đối tượng.(*)
2/. Chánh niệm trong thiền tuệ,nhằm giúp tâm hành giả từ mê lầm sang sáng suốt, được gọi là Chánh niệm Tỉnh giác. Trong đó:
Tỉnh giác(醒覺;  P: sampajañña;  S: saṃprajanya;  E: clear comprehension).
Tỉnh (醒):  Là hết mê say, thôi mơ tưởng.
Giác (覺):  Là nhận biết ra chân lý hay bản chất, bản tính của mọi sự vật.
Chánh niệm Tỉnh giác(正念醒覺;  P: Samma-satiSampajañña;  S: Samyak-smṛtiSaṃprajanya; E: Mindfulness and Clear comprehension“Constant thorough understanding of Dependent arising”):  Là thiềntậpđểtâm được sáng suốt, nhận biết được chân lý hay bản chất, bản tính của mọi sự vật.Hành giả quán chiếu Duyên khởi tính vào bất cứ đối tượng  là sự vật hay hành động, nhằm thấy ra thực tính Duyên khởi nơi đối tượng.
---------------------
(*) Chú thích:       
1) Khi “trói tâm” vào đối tượng là hành động thiện mới gọi là Chánh niệm Tỉnh thức. Ngược lại,khi “trói tâm” vào đối tượng là hành động bất thiện thì gọi là Tà niệm Tỉnh thức.
2) Tỉnh thứcTỉnh giác đều chung nhất ở trạng thái có ý thức, tức Tỉnh hay Tỉnh táo (E: conscious // awake, thinking, and knowing what is happening around us). Tỉnh thức hàm ý nhận biết ra sự việc sự vật, còn Tỉnh giác hàm ý nhận biết ra bản chất hay bản tính của sự việc sự vật.
          Tỉnh thứcthì hãy còn Vô mình (= Si) tà kiến, Phiền não điên đảo, Dính mắc mê đắm. Trong khi Tỉnh giác thì đã dứt đoạn Vô mình (= Si) tà kiến, dứt đoạn Phiền não điên đảo, dứt đoạn Dính mắc mê đắm.
Chánh niệm hình thành từ Văn tuệ Tư tuệ của lộ trình tu học Văn-Tư-Tu. Nội dung của Tu tuệ  trong pháp tu Thiền là Niệm Định Tuệ, tức Chánh niệm làm phương tiện chính yếu trong việc thực hành Thiền định và Thiền tuệ.
Trong kinh Trung Bộ có nêu ra thí dụ về Chánh niệm là Thân hành niệm申行念với hai đối tượng là hơi thởthân hành.
1.- Với đối tượng hơi thở, khi thực hành theo dõi hơi thở vào-ra, dài-ngắn, hay đếm hơi thở (sổ tức 數息)... thì đó là hành giả đang thực hành Thiền định đối với hơi thở:  
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú Chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn".
"Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra". “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân hành niệm”.
Khi thực hành quán chiếu Duyên khởi tính  hơi thở, hành giả nhận ra Vô ngã tính  và  Vô thường tính  là bản tính của hơi thở, thì đó là hành giả đang thực hành Thiền tuệ đối với hơi thở.
2.- Với đối tượng hành động của thân (thân hành) thuộc Tứ oai nghi “đi,đứng, nằm, ngồi, kinh viết:
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, biết rằng: "Tôi đi".Hay đứng, biết rằng: "Tôi đứng".Hay ngồi, biết rằng: "Tôi ngồi".Hay nằm, biết rằng: "Tôi nằm".Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân hành niệm”. 
Đây là cách mà hành giả đang thực hành Thiền định đối với bốn oai nghi.
3.- Với đối tượng hành động của thân thuộc Tiểu oai nghi, kinh cũng viết: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (P: saṅghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân hành niệm”.  
Đây là cách mà hành giả đang thực hành Thiền định điển hình đối với các oai nghi nhỏ.
Khi thực hành quán chiếu Duyên khởi tính  thân hành, tức nhận ra Vô ngã tínhVô thường tính  là bản tính của thân nơi các oai nghi, thì đó là hành giả đang thực hành Thiền tuệ đối với thân.
Trong luận Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) đã ghi nhận về bản tính của thân, đó là tổ hợp của Ngũ uẩn với đầy đủ Vô ngã tính và Vô thường tính:
Không có người hành động, chỉ có hành động.
                              Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
                              Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
                              Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.
Đây là cách mà hành giả đang thực hành Thiền tuệ đối với cái thân 5 uẩn, Thân hành niệmnày được xem là Thân Niệm Xứ身念處thuộc thiền quán Tứ Niệm Xứ.
Có hai loại Chánh niệm thường được kinh điển nói đến là:
- Mẫn niệm愍念:  Tức Từ Bi niệm 慈悲念, bao hàm Từ mẫn niệm 慈愍念và Bi mẫn niệm悲愍念, (Mẫn 愍có nghĩa là xót thương). Theo đó, Mẫn niệm là tâm luôn nhớ nghĩ tới Từ Bi, tức nhớ nghĩ yêu thương đến mọi lòai trên nhận thức Vô ngã (= Yêu thương Ba-la-mật).
- Hộ niệm 護念:  Còn gọi là Trợ niệm 助念, có nghĩa là nhớ nghĩ đến sự giúp đỡ mọi loài thực hành chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi. Hộ niệm cần được thể hiện cùng lúc dưới hai hình thức là Tự hộ niệm (bản thân mình) và Tha hộ niệm (từ bậc Thánh hay Thiện tri thức).  [Xin xem thêm mục từ Hộ niệm]
2) Tà niệm(邪念;  P: Micchā-sati;  S: Miṭhyā-smrti;  E:Wrong mindfulness,untruthfull mindfulness):  Tà niệm là trạng thái tâmkhông ngay thẳng, không đúng sự thật, không hợp với lẽ thật.Cụ thể, tà niệm có thể là những trạng thái tâm dưới đây:
- Tạp niệm(雜;  E: miscellaneous mindfulness):  Trạng thái tâm vặt vãnh, tạp nhạp, lung tung.
- Thất niệm(失);  E: careless mindfulness):  Trạng thái tâm lơ đễnh, bất cẩn.
- Vọng niệm(妄念;  E: misleading mindfulness):  Trạng thái tâm ngông, xằng, giả.
Ví dụ
+ Khi ta đang làm một việc gì mà tâm không tập trung vào sự việc ấy thì có thể gây bất lợi cho hành động, thì bấy giờ ta đang Thất niệm, như thiếu tập trung trong lúc lái xe, mà cứ mãi suy nghĩ về một việc khác; nếu có sự tập trung trong khi lái xe, ta đã thực hiện Chánh niệm rồi vậy.
+ Có quan niệm cho rằng “Vật dưỡng nhân” để ngụy biện cho việc sát hại bừa bãi các sinh vật hay thỏa mãn cho sự ăn uống vô độ của chính bản thân … thì đây là Tà tuệ  邪慧= Tà kiến邪見;  (P: Micchā-diṭṭhi;  S: Miṭhyā-dṛṣṭi;   E: Wrong view).
II. Định lượng về niệm.
Niệm có thể là Niệm sâu hay Niệm cạn, điều này phụ thuộc vào căn tính và công phu tu tập nơi từng hành giả. Lúc mới thực tập Chánh niệm, trong khi đi-đứng-nằm-ngồi, thì hành giả có căn tính tốt sẽ dễ dàng đạt niệm sâu; và niệm ngày càng sâu hơn khi hành giả này luôn bền bỉ trong thiền tập.  Khi thiền tập thì phải gắng sao cho thật có Chánh niệm, và tùy theo cường lực của Chánh niệm được sâu hay cạn mà định và tuệ đạt được lớn hay nhỏ.
Nói chung, Chánh niệm luôn mang trong nó hạt nhân của Chánh định và Chánh tuệ (Tuệ giác, Tỉnh giác, Chánh tri kiến). Cũng giống như một phụ nữ đang mang thai, dù chưa sinh, nhưng trong bà đã có sẵn em bé; nếu không có em bé thì người đó không thể được gọi là bà mẹ.  Trong thiền ngữ, cụm từ Chánh niệm-Tỉnh giácđể chỉ mối liên hệ nhân quả chặt chẽ này.
Lưu ý rằng Giới – Định – Tuệ  = Đạo đức – Nghị lực – Tuệ giác = Bi – Dũng – Trí  là phẩm cách của một hành giả.  Đắc giới – Đắc định – Đắc Tuệlà Thánh quả từ quá trình tu tập Niệm-Định-Tuệ, làsự hoàn thiện của hành giả về chân lý  vàđạo đức.
III. Chánh niệm trong Phật giáo Nam truyền.
1) Đối tượng của Chánh niệm trong thiền định.
Trong Thắng Pháp Tập Yếu luận, và  Thanh Tịnh Đạo luận - ngài Buddhaghosa đã hướng dẫn về các khả năng chứng đạt 40 đối tượng (= đề mục) thiền định.  Sau đây là trích dẫn những đối tượng thường phổ biến và có khả năng cho những kết quả rộng rãi về định từ sơ thiền đến tứ thiền, đó là:
1/.Thập tùy niệm(十隨念;  P: Anussatis;  S: Anusmriti).
1.Niệm Phật (念佛;  P: Buddhānussati;  S: Buddhānusmṛti):  Chuyên chú quán 1 hay cả 10 ân đức Phật (thập hiệu).  Phật tử PGNT thường niệm 2 ân đức cơ bản nhất là Ứng Cúng và Phật.
          - Như Lai (如來;  P;S: Tathāgata) :  Bậc Thánh tự tại tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng sinh.
- Ứng Cúng(應供;  P: Arahant;  S: Arhat):  Diệt tận vô minh, phiền não; hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm; vượt trói buộc sinh tử luân hồi; xứng đáng được lễ bái cúng dường.
- Chánh Biến Tri (正遍知;  P: Sammasambuddho; S: Samyaksaṃbuddha):  Giác ngộ, thông suốt thể-tướng-dụng của tục đế và chân đế.
- Minh Hạnh Túc (明行足;  P: Vijjacaranasampanno;  S: Vidyācaraṇasaṃpanna) :  Tam minh, ngũ thông  và tất cả đức hạnh viên mãn.
- Thiện Thệ (善逝;  P: Sugato;  S: Sugata) :  Đạt tới đích tốt đẹp, không còn bị thối chuyển nữa.
- Thế Gian Giải (世間解;  P: Lokavidu;  S: Lokavid):  Thông suốt tánh, tướng và hướng đi của chúng sinh trong tam giới và xuất ly tam giới.
Vô Thượng SĩĐiều NgựTrượngPhu (無上士– 調御丈夫;  P: Anuttaro-purisadamma-sarathi;  S: Anuttarapuruṣa-puruṣadamya-sārathi):  Bậc vô thượng giáo hóa người, trời, quỉ, thần khó giáo hóa.
Thiên–Nhân–Sư (天人師;  P: Sattha-deva-manussanam;  S: Śāstṛ-deva-manuṣyānāṃ):  Bậc thầy giáo hóa đem lại an lạc, giải thoát cho chư thiên và loài người.
-  Phật (佛;  P; S: Buddha) :  Bậc tự mình giác ngộ và chỉ bày con đường giác ngộ cho chúng sinh một cách viên mãn.
Thế Tôn  (世尊;  P: Bhagava;  S: Bhagavān) :  Bậc an lạc, tự tại trên thế gian không ai sánh bằng.
Theo tác giả Viên Minh thì 9 ân đức từ 2-:-10 này có thể so sánh với 16 pháp quán tưởng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ của Tịnh Độ tông.
2. Niệm Pháp (P: Dhammanussati):  Chuyên chú 1 hay cả 6 ân đức Pháp, là giáo pháp của Phật gồm Pháp học, Pháp hành, Pháp thành cao thượng, chỉ dẫn chúng sinh con đường đưa tới Thánh quả.
3. Niệm Tăng (P: Sanghanussati):  Chuyên chú 1 hay cả 9 ân đức Tăng (= Thánh tăng), là những đệ tử của Phật, hành theo Chánh pháp cao thượng, là phước điền cao quí của chúng sinh.
4.Niệm giới (P: Silanussati):  Chuyên chú về công đức trì giới.
5.Niệm thí  (P: Caganussati):  Chuyên chú về công đức bố thí, diệt tâm tham.
6.Niệm thiên  (P: Devatanussati):  Chuyên chú về 5 pháp chư Thiên nơi mình.
7.Niệm tử  (P: Maranānussati):  Chuyên chú về tính vô thường của đời người.
8.Niệm thân  (P: Kayagatanussati):  Chuyên chú về duyên hợp 32 thể trượt.
9.Niệm tức  (P: Anapananussati):  Chuyên chú về hơi thở vào ra. 
Cảm nhận hơi thở có nghĩa là tâm đã trở về với thân. Lúc đầu động tác thở còn thô (thở vô dài, thở ra dài), sau đó ngày càng nhẹ dần (thở vô ngắn, thở ra ngắn).  Thở càng nhẹ tự nhiên thì càng dễ cảm nhận được toàn bộ trạng thái của động tác thở, đó là cảm giác toàn thân  và an tịnh toàn thân, vì bấy giờ tâm không còn bị ý niệm của lý trí, của tình cảm chủ quan che lắp.  Từ đây, hành giả có thể chuyển qua thiền quán, đó là chuyên chú quan sát trung thực  thực tính của trạng thái thở, chấm dứt ảo tưởng về cái gọi là “thân ta”, đưa tới tuệ giác.
10.Niệm Niết Bàn (P: Upasamanussati):  Chuyên chú về tính tịch tĩnh của Niết Bàn.  Trong thiền quán thì đây là chuyên chú quan sát trung thực thực tính vượt thoát nơi mọi đối đãi cực đoan của sự vật và hành động.
2/.Tứ vô lượng tâm(四無量心;  P;S: Catasso appamaññāyo;  E: The four limitless minds): 
1.Niệm tâm Từ vô lượng (P: Metta-appamaññā;  S: Maitry-apramāṇa;  E: Limitless kindness).
2.Niệm tâm Bi vô lượng (P;S: Karuṇā-appamaññā:;  E: Limitless compassion).
3.Niệm tâm Hỷ vô lượng (P;S: Muditā-appamaññā;  E: Limitless joy).
4.Niệm tâm Xả vô lượng (P: Upekkhā-appamaññā;  S: Upekṣāpramāṇa;  E: Limitless equanimity).
          Đối tượng Tứ vô lượng tâm này có thể thông cả Định  và Tuệ, bởi tính vô lượng được biểu hiện thực sự ở một nội tâm Vô ngã.
          Trong kinh A Hàm có nói tới 10 công đức của người tu tập 4 phép quán này, đó là : 
1/Ngủ yên.  2/Không có ác mộng.  3/Được mọi người yêu mến.  4/Được phi nhân yêu thích.  5/Được thần phù hộ.  6/Không bị hại bởi lửa, đao kiếm, thuốc độc… 7/Nhanh chóng vào định.  8/Dung mạo sáng đẹp.  9/Khi lâm chung không hôn mê. 10/Nếu chưa đắc thánh quả, cũng được tái sanh về Phạm Thiên.
2) Đối tượng của Chánh niệm trong thiền tuệ.
Đối tượng của thiền tuệ là quán pháp với thực tính của nó, nhằm mục đích hóa giải ảo tưởng, ảo kiến về Ngã và Pháp, bởi ảo tưởng và ảo kiến chính là tâm điểm của chấp Ngã đưa đến phiền não và bị động trong sinh tử luân hồi.  Với định hướng đó, đức Phật đã chỉ dạy pháp hành Tứ Niệm Xứ(四念處;  P: Satipatthana;  S: Smrtyupasthana;  E: The four awakening foundations of mindfulness) để thấy biết được thực tính của các pháp, thông qua việc tu tập thiền quán trên 4 pháp, đó là 4 lãnh vực (= xứ 處):  thân, thọ, tâm, pháp  [Xin xem thêm mục từ Thiền tuệ - Thiền quán Tứ Niệm Xứ].
Trong thiền tập của đạo Phật, Chánh niệm luôn là:
- Pháp hànhan trú tâm trên một đối tượng, là diễn biến của thiền định.
-Pháp hành quán sát  thực tính Duyên khởi nơi mọi đối tượng đang hiện hữu, là diễn biến của thiền tuệ.
          Sự diễn biến của thiền tập là linh hoạt  và ổn định (E: stability) chứ không cứng nhắc cố định (E: rigidity).
Hành giả có: Nên sử dụng đề mục:
1. Ái dục 
(Với trí tuệ yếu kém)
 
Thân
2. Tham ái 
(Với trí tuệ mạnh mẽ)
 
Thọ
3. Tà kiến
(tâm là thường còn)
(Với trí tuệ yếukém)
 
Tâm
4. Tà kiến
(thân và tâm là ngã)
(Với trí tuệ mạnh mẽ)
 
Pháp
   
 
 
Đối tượng Chánh niệm với những mẫu người khác nhau:
 
Satipatthāna Sutta
[Kinh Tứ Niệm Xứ]
 Ānāpānasati Sutta
[Kinh Quán Niệm Hơi Thở]
Bốn cấp
 
1. Niệm thân
  1. Hơi thở dài Cấp bậc I
    2. Hơi thở ngắn
    3. Cảm nhận toàn thân thể
    4. Làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể
2.Niệm thọ
(cảm xúc)
  5. Cảm nhận sự hân hoan Cấp bậc II
    6. Cảm nhận niềm hạnh phúc
    7. Cảm nhận các sự tạo tác tâm thần
    8. Làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần
 
3. Niệm tâm
  9. Cảm nhận sự vận hành của tâm thức Cấp bậc III

 
  10. Mang lại sự hài hòa cho tâm thức

 
  11. Tạo ra sự vững vàng cho tâm thức

 
  12. Buông xả tâm thức
4.Niệm pháp
(các hiện tượng tâm thần và thế giới)
  13. Suy nghiệm về vô thường Cấp bậc IV

 
  14. Suy nghiệm về sự tỉnh ngộ

 
  15. Suy nghiệm về sự chấm dứt

 
  16. Suy nghiệm về sự buông xả
 
 
Bảng tóm lược 16 giai đoạn luyện tập về sự Chánh niệm Tỉnh giác từ 2 bài kinh.
Chánh niệm là hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong tu tập thiền của Phật giáo.  Trong văn học Phật giáo, từ Chánh niệm được dùng nhiều gấp hàng trăm lần từ thiền. Thiền sư Nyanaponika là một học giả người Đức, tác giả cuốn The Heart of Buddhist Meditation, đã luôn nói rằng  “Chánh niệm là trái tim của thiền tập Phật giáo, Chánh niệm không phải là một cái gì mà ta đi tìm kiếm ở bên ngoài. Chánh niệm có hạt giống ngay trong chính tâm của chúng ta”.
IV. Chánh niệm trong Phật giáo Bắc truyền.
Trong kinh Ðại Tập 大集, đức Phật có dạy: "Nếu thường xuyên giữ được Chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não, thì chẳng bao lâu đắc thành quả Vô thượng Bồ-đề".  Thêm nữa, nơi kinh A Hàm, Ðức Phật nói rằng: "Không hạnh phúc nào có thể so sánh với sự yên tĩnh của tâm trí".
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, đoạn 3, có dạy:  "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức * 内勤克念之功。外弘不諍之德".   Nghĩa là:  Bên trong, chúng ta cố gắng khắc phục tâm niệm lăng xăng lộn xộn, giữ gìn Chánh niệm, chăn giữ ý nghiệp, đó mới là công phu tu tập đúng Chánh pháp.
          1) Chánh niệm và Thiền tông & Thiên Thai tông.
          Nơi Thiền tông, đối tượng của niệm là Vô niệm (無念;  E: thoughtlessness, no-mind) hay cũng gọi là Vô tâm (無心;  E: free mind from self-consciousness). Vô niệm hay Vô tâm không có nghĩa là không có niệm hay không có tâm, mà là chỉ cho niệm hay tâm không bị ô nhiễm bởi chấp mắc nơi các phán đoán cực đoan đối đãi. Nói cách khác, Vô niệm hàm ý là Vô vọng niệm, và Vô tâm là Vô vọng tâm.  
          - Trong luận Đại thừa Khởi tín, ngài Mã Minh nói: “Thể của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn Vô niệm. Thế nên chúng sinh nào quán chiếu Vô niệm thì chúng sinh đó đã hướng về Trí Phật” [chữ tâmnơi đây hàm nghĩa chân lý khách quan tự nhiên “Duyên khởi” ].
          - Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy:
"Này Thiện tri thức! Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bổn tâm mình, nếu biết bổn tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Vô niệm. Sao gọi là Vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là Vô niệmDùng thì khắp tất cả chỗ mà cũng chẳng dính mắc tất cả chỗ. Chỉ thanh tịnh lấy bản tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở nơi sáu trần chẳng ô nhiễm tạp loạn. Đến đi tự do, ứng dụng thông suốt không trệ, đó là Tam Muội–Bát Nhã (= Định–Tuệ), tự tại giải thoát, gọi là hạnh Vô niệm. Còn nếu như trăm sự chẳng nghĩ đến, thường khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, cũng gọi là biên kiến
Các thiện tri thức! Ngộ pháp Vô niệm thì muôn pháp đều thông suốt. Ngộ pháp Vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật. Ngộ pháp Vô niệm thì đến đất Phật”.         
Ở một đoạn khác, ngài nói: “Vô niệm là nơi niệm mà Vô niệm… Nơi các cảnh, tâm chẳng nhiễm, gọi là Vô niệm. Ở ngay nơi niệm của mình mà thường lìa các cảnh, chẳng ở nơi cảnh mà sanh tâm. Còn như trăm sự chẳng nghĩ đến, trừ bỏ hết các tư tưởng, tư tưởng dứt hết thì chết, rồi thọ sanh nơi khác, ấy là lầm to. Kẻ học đạo cần phải suy nghĩ điều đó
Một lần nữa, chúng ta thấy thêm ý chỉ của Lục tổ: không phải cố diệt niệm là tốt, màtùy đối tượng để nhấn mạnh pháp môn Bất nhị  (= Trung Đạo) mà thôi. 
- Trongbài kệ “Cư trần lạc đạo” của Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nhằm khuyến dạy giáo lý Duyên khởi cho hàng hậu học, đã sử dụng từ Vô tâm [= Vô vọng tâm phân biệt] thay vì Vô niệm như sau:
居塵樂道且隨緣,  Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
饑則飧兮困則眠。  Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
家中有宝休尋覓,  Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
對鏡無心莫問禪。  Đối kính vô tâm mạc vấn thiền.
Ở  đời  vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh Vô tâm chớ hỏi Thiền.
Có thể nói rằng Vô niệm có những đặc điểm sau:
1- Vô niệm (hay Vô tâm) là Chánh niệm đưa hành giả tới Tỉnh giác, là Giác ngộ-Giải thoát. 
2- Vô niệm được thực hành qua việc niệm Không tính(空性;  P: Suññatā;  S:Śūnyatā;  E: Emptiness)  là thực tính, bởi các pháp đều do Duyên khởi.
3- Vô niệm hàm ý vượt lên sự đối đãi của Vọng niệm(妄念;  P: Vitathavitakka ;  S: Vitathavitarka;  E: False or misleading mindfulness).  Vì thế, trong cuộc sống, Vô niệm không cố chấp đối đãi trong sự việc, thế nên đây là Chánh niệm luôn giúp mọi việc được hanh thông tốt đẹp.
Về lý thì mục đích của Thiền tông không ngoài việc "đoạn trừ vọng tưởng". Còn về sựmuốn đoạn trừ vọng tưởng thì không có pháp nào khác hơn ngoài Chánh niệm (P: Samma-sati) là chi thứ 7 trong Bát Chánh Đạo, mà việc thực hành tu tập thì Thiền tông vẫn Chánh niệm trên các đối tượng thân thọ tâm phápnhư trong Tứ Niệm Xứ của Phật giáo Nam truyền vậy.  Và:
Đốn ngộ tuy đồng Phật               頓悟雖同佛
Đa sanh tập khí thâm                 多生習氣深
Phong đình ba thượng dũng        風停波尚涌
Lý hiện niệm du xâm.                 理現念猶侵
Dịch nghĩa là:
Đốn ngộ tuy đồng Phật     
Nhiều đời tập khí sâu      
Gió ngừng sóng vẫn đập 
Lý hiện niệm còn xâm. 

(Trích: Yếu chỉ  Thiền tông, H.T Thanh Từ)
Cho nên, đứng về phương diện đang tu học, chắc chắn không thể thiếu phương pháp tu tập quán Tứ Niệm Xứ, là nhằm tập trung tâm ý để phòng Vọng niệm và Tạp niệm từ bốn loại tập khí điên đảo nói trên sinh khởi.  Pháp quán "Tứ Niệm Xứ" của Thiên Thai tông đề ra có nội dung đặc thù sau [Xin xem Quán môn ở mục từ Lục Diệu Pháp Môn]:
1/.Thân Niệm Xứ (身念處;  P: kayekāyānupassi viharati atāpi sampajāno satimā;  S: kāya-smṛty-upasthāna), còn gọi là Thân Hành Niệm, Thân Niệm TrụhayQuán Thân Bất Tịnh:  Đó làChánh niệm về Thân, làquán và toàn chứng về thân này là tập hợp những cấu thể (các Duyên). Khi mạnh khỏe thì còn tươi vui. Khi ốm đau, tai nạn, bệnh hoạn, già nua, đến lúc tắt thở, biến hoại thì đau khổ.
          - Chánh niệm tỉnh giác về cái thân đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ là một hợp thể bốn chất: đất, nước, gió, lửa (tức thể rắn, thể lỏng, thể khí, thể plasma) chớ không có cái thân nào tự có và hằng có.
          - Chánh niệm tỉnh giác về cái thân sau khi chết sẽ trải qua những thời kỳ biến hoại tan rã chớ không có cái thân nào tự có và hằng có.
Chánh niệm tỉnh giác về thân thường được thực tập bằng việc tập trung quán sát hơi thở vào ra.
Bằng cách Chánh niệm như thế, hành giả sẽ dần sáng ra chân lý Duyên khởi qua nhận thức Vô ngã tínhVô thường tính của thân.
2/. Thọ Niệm Xứ (受念處;  P: vedanāsu vedanānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā;  S: vedanā-smṛty-upasthāna), còn gọi là Thọ Niệm Trụhay Quán Thọ thị Khổ:  Đó là Chánh niệm về Thọ, là quán và toàn chứng được bản chất hay bản tính các hình thức của cảm thọ (= cảm xúc) như vui, buồn, khổ đau (bất như ý), trung tính.
Chánh niệm tỉnh giác về sự cảm thọ là thấy rằng thọ chỉ là tập hợp từ những cấu thể (các Duyên), và hễ khi cảm thì chỉ là mối cảm đến rồi đi mà thôi, chớ chẳng phải Ta thọ. Nếu chấp vào cái Ta thọ, bấy giờ thọ ít sẽ khổ ít, thọ nhiều sẽ khổ nhiều. Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái.
Bằng cách Chánh niệm như thế, hành giả sẽ dần sáng ra chân lý Duyên khởi qua nhận thức Vô ngã tính và Vô thường tính của thọ.
3/.Tâm Niệm Xứ (心念處;  P: citte cittānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā;  S: citta-smṛty-upasthāna), còn gọi là Tâm Niệm Trụhay Quán Tâm Vô Thường:  Đó là Chánh niệm về Tâm, quán và toàn chứng được được bản chất hay bản tính của tâm.
Chánh niệm tỉnh giác cái tâm của chúng ta là thấy rằng tâm chỉ là tập hợp từ những cấu thể (các Duyên: Căn Trần => Thức), nghĩa là tâm luôn dính với cảnh trần bên ngoài (= tâm phan duyên 攀緣). Cảnh trần bên ngoài thuận ý thì ưa thích, ham muốn (bị dính mắc) => Tham. Cảnh trần bên ngoài nghịch ý thì chê ghét, bực tức (bị dính mắc) => Sân. Nếu chỉ chạy theo sự sai khiến của cái tâm Tham Sân như vậy, con người sẽ tạo tác không biết bao là chướng nghiệp khổ đau.
Chánh niệm tỉnh giác cái tâm hình thành từ các cấu thể không thực (Vô ngã) và luôn luôn thay đổi (Vô thường), mới nghĩ thế này liền nghĩ thế khác, lại có chứa chấp Tham lam hay Sân hận, Xao lãng hay Tập trung, nghĩa là lúc thì thương yêu đắm đuối, lúc thì thù hận ngập tràn, lúc thân lúc thù, lúc ưa lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc hiền thiện lúc gian tà.
Bằng cách Chánh niệm như thế, hành giả sẽ dần sáng ra chân lý Duyên khởi qua nhận thức Vô ngã tính và Vô thường tính của tâm.
"Ðối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền" trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo”  chỉ cho hành giả thản nhiên trước sự thịnh suy, thăng trầm của đời sống, bình thản trước những lời khen tiếng chê, vượt qua được sóng gió của cuộc đời; tất nhiên tâm của hành giả vì thế mà được khinh an, tự tại rồi đó vậy.
4/.Pháp Niệm Xứ (法念處;  P: dhammesu dhammānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā;  S: dharma-smṛty-upasthāna), còn gọi là Pháp Niệm Trụ hay Quán Pháp Vô Ngã:  Đó là Chánh niệm về Pháp, quán và toàn chứng được bản chất hay bản tính của vạn pháp.
Chánh niệm tỉnh giác các pháp trên thế gian này chỉ là tập hợp từ những cấu thể (các Duyên) nên đều không có thực thể thường hằng bất biến nào hết. Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến không ngừng của các Duyên, thấy đó mất đó. Chuyện gì rồi cũng đổi thay qua mau.
Bằng cách Chánh niệm như thế, hành giả sẽ dần sáng ra chân lý Duyên khởi qua nhận thức Vô ngã tính và Vô thường tính của vạn pháp.
Trong kinh A Hàm, đức Phật có dạy: "Chư pháp tùng nhân duyên sanh. Chư pháp tùng nhân duyên diệt", nghĩa là muôn sự muôn vật trên đời tùy theo nhân duyên mà sinh ra, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có cái gì, vật gì có thực tướng, không có cái gì vật gì tồn tại vĩnh viễn.
Trong kinh Pháp Cú có chép:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu.”
                                                           Bài kệ 62
“Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.”
                                                           Bài kệ5
Ngọn lửa Ngãkhông thể đốt hư không được, sẽ tự dập tắt thôi. Vô ngã chỉ đơn giản là như vậy.  Nơi Pháp, sự tỉnh giác thường được thực tập bằng cách Chánh niệm tập trung quán sát bản chất Vô ngã và hiện tượng Vô thường của các pháp là Thành–Trụ–Hoại–Không,để đoạn diệt chấp trước ái nhiễm. 
Nói chung cả bốn lĩnh vực Chánh niệm đều là Chánh niệm về Duyên khởi tính, tức Không tính  hay Tự tính  vậy.
Ngày nay, pháp tu học Chánh niệm đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh thổi nguồn sinh khí mới cho trên toàn thế giới, đặc biệt là cho xã hội và y học phương Tây với nhiều kết quả đáng trân trọng.

Thích Nhất Hạnh - Wikipedia
 Thích Nhất Hạnh – Wikipedia tiếng Việt
 
          2) Chánh niệm và Tịnh Độ tông.
          Việc tu tập của Tinh Độ tông ngày nay chọn Chánh niệm bằng cách thực hành Niệm Phật làm y cứ, được hình thành từ quá trình sau:
- Đại Sư Huệ Viễn (334-416)  là Sơ Tổ Tịnh Độ tông, khởi xướng“Niệm Phật Tam Muội”, tức “Niệm Phật Định” bằng phép Quán tưởng Niệm Phật, lấy kinh Ban Châu Tam Muội làm y cứ tu học.
- Đại sư Tông Mật (784-841), hiệu Khuê Phong, thuộc Ngũ Tổ Hoa Nghiêm tông, chứ không phải là Tổ Tịnh Độ tông, đã khởi xướng 4 phương pháp Niệm Phật bao gồm“Niệm Phật Tam Muội ”, tức “Niệm Phật Định” và “Niệm Phật Ba-la-mật” tức “Niệm Phật Tuệ”:
1/.Niệm Phật Định:Gồm có  Trì Danh Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật.  Hành giả thực hành niệm Phật, đó là Chánh niệm danh hiệu Phật "Nam mô A Di Đà Phật" hay “A Di Đà Phật, và cố gắng giữ tâm không bị loạn theo 3 cách sau:
Trì danh niệm Phật (hay Xưng danh niệm Phật):   Hành giả niệm danh hiệu Phật A Di Đà ra tiếng, hoặc có thể niệm thầm, hay khẽ động môi ở mọi nơi, mọi lúc, và ở mọi tư thế đi-đứng-nằm-ngồi.
Quán tượng niệm Phật:  Hành giả vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vừa chiêm ngưỡng hình tượng Phật A Di Đà.
Quán tưởng niệm Phật:  Hành giả vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vừa tâm tưởng toàn thân 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật A Di Đà đang phóng quang sắc vàng.
Niệm Phật theo 3 hình thức trên được gọi là Niệm Phật Tam-muội – tứcNiệm Phật Định, đó là An chỉ định (P: appanā-samādhi – Tuệ trong thiền định). Đạo Phật ở hình thái này biểu hiện tính tôn giáo, với đặc trưng vị Phật biểu tượngTịnh Độ biểu tượng.
2/.Niệm Phật Tuệ:  Gồm có  Thật Tướng niệm Phật.  Hành giả thực hành niệm Phật bằng Chánh niệm Di Đà tự tính, tức Không tính hay Phật tính, đó chính là Chánh niệm chân lý Duyên khởi– tức thật tướng của vạn pháp.
Di Đà tự tính = Vô thường tính + Vô ngã tính = Không tính = Phật tính
Hành giả hiểu rằng Tịnh độ Di Đà chính là Tịnh độ hiện thực nơi chính nội tâm của mình, đó là thế giới thanh tịnh hình thành từ sự cảm nhận sâu sắc chân lý Duyênkhởi  với bình đẳng tính“Vô thường – Vô ngã” nơi mọi sự vật, vượt lên các đối đãi tương đối.  Nói cách khác, tịnh độ Di Đà chính là thế giới thanh tịnh được hình thành từ sự giác ngộ chân lý Duyên khởi của vũ trụ.  [Xin xem mục từ A Di Đà]
IV. Chánh niệm trong Tam học.
          Tam học (三學;  P: tisikkhā;  S: tri-śikṣā;  E: the threefold training), tức Giới Định Tuệ 戒定慧. Tam học có ý nghĩa sau:
Giới (;  P: Sīla;  S: Śīla;  E: Virtue, moral conduct)         =>  Bi:  
   Là chuẩn mực về đạo đức, tức cách xử thế.
Định  (;  P: Samatha;  S: Śamatha;  E: Calm mind)       =>  Dũng
   Là chuẩn mực về một nội tâmcó nghị lựcvững vàng.                
Tuệ (慧;  P: Paññā;  S: Prajñā;  E: Perfectwisdom)           =>  Trí
   Là chuẩn mực về một nội tâm sáng suốt.                       
Đây là 3 chuẩn mực thể hiện phẩm chất của người tu học Phật. Giới Định Tuệ  có cơ cấu Đạo đức (Giới)+ Chân lý  (Định + Tuệ). Hành giả thành tựu Giới Định Tuệ tức thành tựu Đạo đức và Chân lý.   
Đỉnh cao của 3 phẩm chất này thường gọi là Đắc Giới, Đắc Định, Đắc Tuệ hay Giới vô lậu, Định vô lậu, Tuệ vô lậu. Những 3 phẩm chất cao tột này là thành tựu của Bậc Thánh giác ngộ viên mãn.
Trong khoảng 20 năm đầu sau khi đức Phật giác ngộ, nội dung của Tu của các hành giả bấy giờ là Niệm – Định – Tuệ , bởi các hành giả lúc bấy giờ có phẩm hạnh đạo đức khá tốt.  Trong đó, Niệm念, tứcChánh Niệm,  là niệm Chánh tri kiến. Hành giả lấy Văn tuệ và Tư tuệ làm nền tảng cho Chánh tri kiến để thực hành 2 dạng Chánh niệm về Định定và Tuệ 慧cho quá trình tu tập Thiền ĐịnhThiền Tuệ.
Do các hành giả về sau có căn cơ kém, đức Phật đã chế Giới  để nâng cao phẩm hạnh cho việc tu tập. Vì thế, nội dung của Tu từ đó đến nay là  Niệm – Giới – Định – Tuệ.  Theo đó, hành giả thực hành 3 dạng Chánh niệm với 3 yếu tố Giới Định Tuệ tương thích cho quá trình tu tập Đạo đức (tức Giới) và Chân lý (tức Định và Tuệ).
          1. Chánh niệm về Giới:  Hành giả thực hành Chánh niệm nguyên tắc Đạo đức đối với Ngũ giới, Thập giới, ... [Xin xem thêm mục từ Đạo đức Phật giáo]
          2. Chánh niệm về Định:  Hành giả thực hành Chánh niệm dựa vào một đối tượng chọn lọc trong Thiền định. [Xin xem thêm mục từ Thiền định]
          3. Chánh niệm về Tuệ:  Hành giả thực hành Chánh niệm dựa vào các đối tượng chọn lọc trong Thiền tuệ, chẳng hạn như quán chiếu Thân, Thọ, Tâm, Pháp trên nền tảng Duyên khởi “Vô ngã – Vô thường. [Xin xem thêm mục từ Thiền tuệ]
o0o
Chánh-Tà & Chân-Vọng.
1) Chánh=/=
-Chánh(正;  P: sammā;   S: samyak;  E: right):  Là đúng.
- (邪;  P: micchā;  S: mithyā;  E: false, wrong):  Làsai
Chánh-Tà là đúng-sai tương đối được xã hội con người chế tác, quy ước. Trong đạo Phật thì Chánh-Tà là đúng-sai theo chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Thí dụ:
Chánh kiến(正;  P: Sammā-diṭṭhi;  S: Samyak-dṛṣṭi;  E: Right view of reality).
Tà kiến(邪;  P: Micchā-diṭṭhi;  S: Mithyā-dṛṣṭi;  E: False view of reality): 
Nơi đây, thấy biết đúng (Chánh kiến) hay thấy biết không đúng (Tà kiến) được đối chiếu với chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi. Bát Chánh Đạo có các chi phần thực hành đều dựa vào Chánh kiến.
2) Chân =/= Vọng
- Chân (真;  P: sacca;  S: satya;  E: true, genuine): Là thật, xác thực, đúng thật.
-Vọng(;  P;S:vitatha;  E: untrue, mistaken):  Là giả, bịa đặt, nhầm lẫn.
Chân-Vọng là thật-giả hay xác thực-bịa đặt, đúng thật-nhầm lẫn đều có tính tương đối, được xã hội con người chế tác, quy ước. Trong đạo Phật thì Chân-Vọng là thật-giả  hay xác thực-bịa đặt, đúng thật-nhầm lẫn cũng đếu dựa trên cơ sở của chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Thí dụ:
Vọng tâm[妄心;  P;S: vitatha-citta;  E: The unenlightened mind,the illusion (deluded or misleading)-mind, which results in complexity and confusion in this world]:  Là thấy biết nhầm lẫn, không hợp với chân lý và đạo đức.
Trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tôn có câu:  “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”, thì “vô tâm” nơi đây có nghĩa là “vô vọng tâm” (= không vọng tâm)
Vọng niệm妄念= Vọng tưởng妄想 [P: Vitatha-vitakka;  S: Vitatha-vitarka;  mistaken ideas; misleading thoughts.]:  Là những thấy biết, phân biệt nhầm lẫn. Vọng Tưởng Vi Tế - Subtle delusive thoughts.
Vọng ngữ妄語= Vọng ngôn妄言= Vọng thuyết妄言[P;S: Vitatha-vādin;  E: Mistaken (nonsense or transgression) speaking, lying (either slander or deception)]:  Là nói (hay lời nói) càn bậy, giả dối để phỉ báng, khoe khoang hay lừa dối người khác.
Vọng chấp(妄執;  E: Untrue tenets // Holding on to untrue views ):  Là chấp trước hay cố giữ lấy tư tưởng (chủ nghĩa, giáo lý) hư vọng nhầm lẫn.
Vọng thức  (妄識;  E: deluded consciousness):  Là cái biết nhầm lẫn, không hợp với chân lý và đạo đức.
o0o
Chánh tín.
Nội dung
I. Tổng quan về Chánh tín.
II. Chánh tín trong các tông phái đạo Phật.
Tín (信;  P: saddhā;  S: śraddhā;  E: belief;  F: Croyance):  Là niềm tin (từ thuần Việt, trong đó: - Niềm: Có nghĩa là lòng tưởng nghĩ chuyên chú vào,  - Tin: Có nghĩa là không ngờ vực, cho là thật).

I. Tổngquan về Chánh tín.
Chánh tín(正信;  P: Samma-saddhā; S: Samyak-śraddhā;  E: Right belief;  F: Croyance juste):  Là niềm tin chân chánh.
Trong đạo Phật, niềm tin được hiểulà niềm tin có điều kiện, là mối gắn kết có điều kiện với mọi sự mọi vật, bằngsự thấy biết khách quan, minh bạch và trung thực. Điều này có ý rằng niềm tin trong đạo Phật luôn hàm chứa Chánh tri kiến,và được gọi là Chánh tín. Nói đơn giản với ý là “Có hiểu mới có tin”, ví như có hiểu sâu Nhân Quả thì mới có thể nói đến khả năng tin sâu Nhân Quả, bằng như tin mà không hiểu sẽ dễ là mê tín vậy.
Chánh tín còn hàm ý vượt lên đối đãi của thế gian là tin có và tin không, cụ thể là Chánh tín vượt lên ý tưởng tin có  cực đoan về một Thượng Đế hay một linh hồn bất tử (Thường kiến) của tôn giáo hữu thần, và tin không về mọi vật sau khi chết là mất hẳn của chủ nghĩa Vô thần cực đoan (Đoạn kiến).
Chánh tín được chia thành 2 dạng:
1) Chánh tín Tục đế(正信俗諦;  P: Sammā-saddhā Sammuti-sacca;  S: Samyak-śraddhā Saṃvṛti-satya): Đó là niềm tin trong quan hệ giữa người với người, giữa người với vạn vật,được gắn kết với Chánh tri kiến, nhằm tạo cho mối quan hệ được tốt đẹp theo chiều hướng tích cực trong xã hội. Chánh tri kiến nơi đây chính là Đạo đức Duyên khởi, lấy giáo dục Nhân Quả làm chuẩn mực, được xác định theo nguyên tắc sau:
Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”
2) Chánh tín Chân đế(正信真諦;  P: Sammā-saddhāParamattha-sacca;  S: Samyak-śraddhāParamārtha-satya):  Đó là niềm tin về mặt nhận thức bản chất của mọi sự mọi vật hiện tượng là Duyên khởi.  Chánh tín có được từ nhận thức chân lý này sẽ đem lại cho con người một đời sống tinh thần tự nhiên và trong sáng.  Có lẽ đây là một thứ sức mạnh tinh thần, thực sự có khả năng vượt qua các bế tắc trong đời sống nội tâm, cũng như dần tự sửa mình tốt lên trong đời sống xã hội.  Nói cách khác, Chánh tín Chân đế là nền tảng vững chắc để xây dựng cho Chánh tín Tục đế luôn được vững bền.
-----------
Lưu ý: 
1- Mối quan hệ của Tục đế và Chân đế là bất khả phân ly.
2- Chúng ta cần phân biệt Chánh tín của đạo Phật với Đức tin (德信– chữ Nôm;  E: Faith) trong các tôn giáo hữu thần. Đức tin trong các tôn giáo hữu thần là niềm tinkhông có điều kiện đối với việc thấy biết khách quan minh bạch, mà là một chấp nhận chủ quan, và cho rằng sự tuân thủ vô điều kiện các tín điều là việc làm tốt lành; Đức tin được tín đồ xem là một đặc ân của Thượng Đế ban cho họ.
         
-Trong Tăng Chi Bộ kinh (III. 539-43), đức Phật đã khai thị phương pháp thực hành niềm tin, thường được biết là “Bài kinh Phật thuyết cho người dân Kalama”với 10 nền tảng sau :
         “Một ngày kia, đức Phật đi qua một thị trấn nhỏ, tên là Kesaputta, thuộc vương quốc Kosala.  Người dân tại đó gọi là dân Kalama liền tới thăm đức Phật và trình bày sự hoang mang của họ trước sự kiện các sa-môn và tu sĩ Bà-la-môn đi ngang qua đây, đều đề cao tôn chỉ của mình và chê bai tôn chỉ của người khác.  Như vậy, họ đâm ra nghi ngờ, không biết người nào nói thật, người nào nói sai, không biết nên tin theo ai.
Đức Phật bèn giảng cho họ về mười nền tảng của một niềm tin tốt – niềm tin chân chánh, và khuyên họ luôn giữ tinh thần phê phán, không chấp nhận một điều gì là thật trước khi tự mình kiểm chứng và thực nghiệm...
Đức Phật nói: Này các thiện nam tín nữ Kalama, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về 10 nền tảng của niềm tin chân chánh:
1- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó thuộc về truyền thống.
2- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó thuộc về truyền thuyết.                
3- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó thuộc về lý luận siêu hình(*).
4- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó phù hợp với định kiến của mình.    
5- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó phù hợp với lập trường của mình.            
6- Chớ vội tin điều gì đó, chỉ vì nó được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
7- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở
8- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt
9- Chớ vội tin điều gì đó,chỉ vì nó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.         
       10- Chớ vội tin điều gì đó, chỉ vì nó được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.
          Có lẽ trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một triết gia hay một giáo chủ tôn giáo nào lại có một thái độ tự do, cởi mở, đề cao lý trí và thực nghiệm như vậy.  Ngoài đức Phật ra, ai có thể nói với người khác được rằng:  Đừng tin vào kinh điển, đừng tin vào lời dạy của chính mình!
- Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật cũng đã khai thị: “Chánh tín là căn nguyên của Đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”.  
-------------
(*) Chú thích:  Việc lý luận hữu hình còn có thể đánh lừa con người qua việc ngụy biện, cho nên những lý luận siêu hình lại càng dễ mê hoặc con người hơn. Ngay trong học thuyết Nhân Quả, đã bị nhiều tôn giáo hữu thần lợi dụng luận biện sự việc siêu hình để đánh lừa con người.
II. Chánh tín trong các tông phái đạo Phật.

          Sau khi đức Phật qua đời, tinh thần sùng tín và lễ nghi có nhiều phát triển, điều này đã ít nhiều làm lệch lạc đi tinh thần trí tuệ truyền thống trong đạo Phật.  Điển hình là hình ảnh được ghi lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn … về việc vua chúa các nước lân cận Kusinara – nơi đức Phật tịch diệt – đã tranh nhau di tích hoại thể của đức Phật để đem về thờ phụng.

          Sự quá sùng bái được xem là không sát với lời di huấn sau cùng của đức Phật nơi kinh Đại Bát Niết Bàn: “Sau khi ta chết đi, điều mà các con phải giữ gìn là Chánh pháp.  Chính Chánh pháp sẽ thay thế ta ở cõi đời này.  Hãy giữ gìn lấy Chánh pháp!”.  Trong tâm lý con người, có lẽ Chánh pháp là một cái gì trừu tượng, khó hiểu để mà nương tựa, trong khi một “sự vật kỳ lạ” nào đó được tô hồng cũng đủ gây nên sự sùng bái và nuôi dưỡng lòng tin.

          1) Chánh tín trong Phật giáo Nam truyền.

          Chánh tín trong Phật giáo Nam truyền có các đặc điểm sau:

+ Kinh điển:  Tam tạng Pali giản dị và tự nhiên.

                    + Thờ:  Đức Phật Thích Ca duy nhất.

                    + Sùng tín:  “Tam Bảo – Phật-Pháp-Tăng”.

          Chánh tín nơi Phật giáo Nam truyền có tính đơn giản, không quá khích và tránh vụ lợi.

          2) Chánh tín trong Phật giáo Bắc truyền.

          Chánh tín trong Phật giáo Bắc truyền có các đặc điểm sau:

                    + Kinh điển:  Tam tạng Hán văn với cách trình bày hoa mỹ, phi thường, siêu nhiên nói lên sự sùng bái.

                    + Thờ:  Đức Phật Thích Ca và chư Bồ-tát.  Đặt nặng hạnh nguyện Bồ-tát, ghép Từ bi và Đức tin cùng với Trí tuệ.

                    + Sùng tín:  “Tam Bảo – Phật-Pháp-Tăng” và Chân Như [dựa theo Khởi tín luận của Tổ Mã Minh (馬鳴; S: Aśvaghosha)].

Về tính đặc thù trong Chánh tín, mỗi tông phái lấy một hay nhiều bộ kinh trong Tam tạng Hán văn – xuất hiện sau Tam tạng Pali – làm kim chỉ nam, có vai trò quan trọng trong tu học.

Trong nhiều kinh điển của Phật giáo Bắc truyền có nêu ra lộ trình tu học tương tự như Văn-Tư-Tu, đó là Tín Giải Hành Chứng信解行證, với:
- Tín 信:  Xây dựng niềm tin Phật pháp.
- Giải 解:  Tìm hiểu rõ Phật pháp.
- Hành 行:  Gắng sức tu hành.
- Chứng 證:   Chứng ngộ đạo quả.
Có 2 giai đoạn mà hành giả cần kinh qua, đó là:
          1. Tín Giải:  Hành giả cần học hiểu Phật pháp (Chân lý và Đạo đức) để hình thành niềm tin chân chánh – là Chánh tín, làm động lực cho giai đoạn 2.
2. Hành Chứng:  Hành giả cần nỗ lực rèn luyện thân tâm sống đúng với Phật pháp để đi đến Giác ngộ-Giải thoát viên mãn.
          Dưới đây là sơ nét về Chánh niệm trong các tông phái Thiền Tịnh Mật.

1/.Thiền tông: 

1.Đặc điểm :  Lấy phương châm Chánh niệm-Tỉnh giác làm chuẩn, trong đó Chánh niệm có nội dung về Phật tính hay Không tính  của vạn pháp: 

Phật tính = Không tính = Duyên khởi tính

Phương pháp này còn gọi là phương pháp “Trực chỉ Chân tâm”, nghĩa là làm thấy biết rõ Thật-Giả, Chân-Vọng, tức Chân tâm-Vọng tâm trong toàn thể sự sống. Đối tượng tu tập là người có căn tính lý trí.

教外別傳- 不立文字
指真心- 見性成佛
Giáo ngoại biệt truyền - Bất lập văn tự
Trực chỉ Chân tâm - Kiến tính thành Phật.
(Truyền giáo pháp ngoài kinh điển - Không lập văn tự,
Chỉ thẳng Chân lý - Thấy chân tính thành Phật).

2.Kinh điển chính :  Gồm kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa – đặc biệt là Bát Nhã Tâm kinh, kinh Kim Cương, kinh Lăng Già, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Bảo Đàn …

 

          2/.Tịnh tông = Tịnh độ tông.

               Pháp môn Tịnh độ phổ biến ngày nay thực hành nguyên tắc tu học Tín – Nguyện – Hạnhcủa Nhị TổThiện Đạo (613-681), và tùy theo căn trí đối tượng mà có những ý nghĩa tương thích, trong đó Hạnh đóng vai trò trọng tâm.

          1.Đặc điểm :  Đó là phương châm Tín-Nguyện-Hạnh, nghĩa là phương pháp tu tập theo Tín tâm, Nguyện tâm và Hạnh Tâm tùy 2 loại đối tượng sau:

-Đối tượng có căn tính tình cảm(sơ cơ) :

.Tín tâm:   Đó là niềm tin về tịnh độ A-di-đà với Cửu Phẩm Liên Hoa.

. Nguyện tâm:  Đó là định hướng những phước lành vào tịnh độ A-di-đà.

.Hạnh tâm:   Đó là thực hành niệm danh hiệu "Nam mô A Di Đà Phật" để giữ tâm không bị loạn động, đó làNiêm Phật Định hay Niệm Phật Tam-muội theo 3 cách sau:

                    - Trì danh niệm Phật (= Xưng danh niệm Phật).
                    - Quán tượng niệm Phật.
                    - Quán tưởng niệm Phật.

          -Đối tượng có căn tính lý trí(nhiều căn lành) :

          . Tín tâm:   Đó là niềm tin về một tịnh độ hiện thực nơi chính mình, là cõi xứ an tịnh nơi nội tâm của mình, đó là ý tưởng “Tâm tịnh thì thế giới tịnh, Tâm bình thì thế giới bình

Trong kinh Tâm Địa Quán cóviết: 

Tâm tạo chư Phật, tâm tạo chúng sanh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục, tâm vọng động thì muôn ngàn sai biệt sanh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm không thì nhất đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành. Tự mình đạp mây mà uống nước cam lộ, hay uống máu mủ, cũng tự mình gây nên, không phải trời sanh hay đất mà có.”

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy:
若人欲了知,            Nhược nhân dục liễu tri,
三世一切佛,            Tam thế nhất thiết Phật,
應觀法界性,            Ưng quán pháp giới tính,
一切唯心造.           Nhất thiết duy tâm tạo.
Nếu người muốn biết rõ,
Hết thảy Phật ba đời,
Nên xét tính pháp giới,
Tất cả do tâm tạo.
Nhất thiết duy tâm tạo" không có nghĩa là từ núi non đến trăng sao gì cũng dotâm tạo ra,màđó làtháiđộcủa ta đối với cái thực tại đang đối mặt hằng ngày.Niết-bàn hay Địa ngục đều là thái độ của mình đối với cái thực tại này. Không phải là ta phảilàm điều gì,để đi đến cái Niết-bàn nằm ở đâu đó.

 . Nguyện tâm:   Đó là định hướng chuyển hóa từ nội tâm loạn động sang nội tâm an tịnh.

Trong kinh Pháp Cú – 165 đã chỉ dạy như sau:  

Lành-Dữ  bởi ta, chứ không ai có thể  làm lành cho ta được. Thanh tịnh-Ô động cũng bởi ta, chứ không ai có thể làm thanh tịnh cho ta được”.        

 . Hạnh tâm:  Đó là luôn ghi nhớ, nỗ lực việc thực tập chuyển hóa nội tâm bằng việc niệm Phật, làthực hành Thật tướng niệm Phật: tức Niệm Phật Tuệ hay Niệm Phật Ba-la-mật, đó là niệm Phật tính hay Tự tính để thấy Phật.

Phật tính = Tự tính = Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính

2.Kinh điển chính:  Gồm 3 bộ kinh chính là kinh A-di-đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm.

          3/.Mật tông.

1. Đặc điểm:       

Có thể nói Mật tông có hình thái về đối tượng tu học tương tự như Tịnh tông, trong đó niệm Phật được thay bằng niệm Chân ngôn đa dạng hơn,gọi là Khẩu mật.  Còn thân thì sắc tướng trang nghiêm hơn với Ấn quyết gọi là Thân mật.  Cả hai dạng này là hình thức của thiền định, là phương tiện (năng lượng thị giác và năng lượng thính giác) mang hình thức lễ nghi, tỏ rõ thái độ trân trọng tập trung, hỗ trợ cho việc tu học thiền tuệ để chuyển hóa nội tâm. 

Để chuẩn bị tốt cho việc thiền tuệ, có năm chủ đề (S: pañcavacanagrantha) quan trọng mà người tu phải được học hỏi, nghiên cứu trong một thiền viện tại Tây Tạng nhằm đạt được danh hiệu Gueshe (tương ứng với Thượng toạ tại Đông Á và Đông Nam Á, hay với bằng cấp Tiến sĩ Phật học của phương Tây) gồm các lĩnh vực sau:

- Bát-nhã-ba-la-mật-đa (S: Prajñāpāramitā)

- Trung Quán (S: Mādhyamika)

- Nhân Minh hay Lượng học (S: Pramāṇavāda)

- Vi Diệu Pháp (S: Abhidharma)

- Luật (S: Vinaya).

          2. Kinh điển chính :  Gồm kinh Bát Nhã Ba la Mật Đa, kinh Lăng Già, Trung Quán luận, Duy Thức luận.

          Đạo Phật với Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền đều có mục tiêu là sống trong chân lý, mà Tuệ giác là sự nghiệp cốt yếu (Quả), Chánh tín chỉ là phương tiện tạm (Nhân), và tất nhiên là không có chỗ đứng cho mê tín và cuồng tín.

o0o
Chân đế - Tục đế.
Nội dung
I. Tổng quan về Chân đế và Tục đế.
II. Chân đế.
III.  Tục đế.
IV.  Chân đế - Tục đế trong thực hành thiền quán.
I. Tổng quan về Chân đế và Tục đế.
Chân lý trong đạo Phật dùng soi sáng bản chất sự vật, bao hàm từ các giá trị nhận thức cao tột gọi là Chân đế真諦hay Chân lý tuyệt đối, đồng thời gắn liền và hài hòa chứ không phủ bác các giá trị trong cuộc sống  gọi là Tục đế  俗諦hay Chân lý tương đối.  Chân đế và Tục đế được gọi là Nhị đế.  Mối quan hệ của Tục đế và Chân đế là bất khả phân ly.
Trong bài kệ số 10 của Phẩm Quán Tứ Đế, Trung Luận có viết:
若不依俗諦              Nhược bất y tục đế
不得第一義             Bất đắc đệ nhất nghĩa
不得第一義             Bất đắc đệ nhất nghĩa
則不得涅槃             Tắc bất đắc Niết bàn.
Nếu không nương Tục đế
Thì không đạt Chân đế
Nếu không đạt Chân đế
Thì không chứng Niết-bàn.
Nhận thức Chân đế còn gọi là Thực tạihay Trí,và nhận thức Tục đế còn gọi là Khái niệmhay Thức. Bậc giác ngộ không phủ bác Tục đế mà có cách nhìn Chân đế như thật trên mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống nơi Tục đế, nghĩa là Thức => Trí.  Vì thế đạo Phật dung nạp và biểu hiện của một tôn giáo (tình, tình cảm) hay là một triết lý (lý, lý trí) tùy theo căn cơ của chúng sinh.
Ví dụ:
- Thấy sóng và nước là một thực tính (thực tại), còn thấy sóng và nước là hai thứ khác nhau (khái niệm).
- Đi trong đêm tối thấy “con rắn” dưới đất (khái niệm), chừng soi sáng thấy ra là sợi dây thừng (thực tại).
- Đi trong sa mạc thấy huyễn cảnh sông nước mênh mông (khái niệm).  Biết đó là ảo ảnh thị giác (thực tại).
Tổ sư Long Thọ nói rằng "... Chư Phật vì chúng sinh, y vào Nhị đế mà nói pháp, thứ nhất là Tục đế và thứ hai là Chân đế.  Nếu người nào không nhận thức được hai chân lý này, thì đối với Phật pháp sâu xa, không thể hiểu được chân nghĩa.  Nếu không nương tựa vào Tục đế, thì không thể thấy được Chân đế; nếu không thấy được Chân đế, thì không thể ngộ được Niết-bàn ...
Tổ sư Huệ Năng, cũng thế, đã nói: "Phật pháp bất ly thế gian giác",
佛法在世间            Phật pháp tại thế gian    
不离世间觉            Bất ly thế gian giác        
离世觅菩提            Ly thế gian mịch bồ đề   
恰如求兔角           Kháp như cầu thố giác   
Phật pháp trên thế gian
Không thể rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ
Như thế, giác ngộ chính là sự thấy biết chân thật bản chất của sự sống; và  cho thấy một hành giả đúng nghĩa của đạo Phật, tuy sống trong một xã hội đầy phiền tạp, nhưng không phải vướng mắc vào các chấp thủ cực đoan nơi các giá trị chế định từ các khái niệm nữa. Hành giả này luôn có những giải pháp linh hoạt hài hòa, tương thích với không gian và thời gian, sống cho chính mình và cho mọi người một cách thích nghi.
II. Chân đế.
Chân đế真諦(chân : Là thật, không hư vọng,  đế : Là lý thật, lẽ thật;  P: Paramattha-sacca;  S: Paramārtha-satya;  E: Ultimate truth;  F: Vérité ultime):  Chân đế có nghĩa là những gìdùng để bày tỏ Thực tại– sự thật hiện thựccủa mọi sự vật.
Theo đó:
1. Chân đế được gọi là Chân lý tuyệt đối, Chân lý tối thượng mà bậc giác ngộ đã chứng nghiệm.
2. Chân đế cũng còn gọi làThật đế, Đệ nhất nghĩa đế, Thắng nghĩa đế, Bản môn, Chân tâm,Chân Không, Giác tánh, Chân như ... là cách nói trực nhận bản tính của mọi sự vật hiện tượng, vượt lên HữuKhông hay vượt lên Hữu tínhKhông tính, là chẳng thể nghĩ bàn.
Với:
- Thật đế(thật :  Là thực, không hư dối).
- Đệ nhất nghĩa đế第一義諦(đệ : thứ bậc,  nhất : đứng đầu, nghĩa: hợp với lẽ phải, đúng với đạo lí)
- Thắng nghĩa đế勝義諦(thắng :  vượt hơn – theo luận Đại Tỳ-bà-sa).
- Bản môn本門(bản :  chính yếu,  môn :  cửa – theo Thiên Thai tông). (*)
-Chân như真如(như :  không nhiễm ô).
3.  Chân đế trong đạo Phật được xây dựng trên nền tảng chân lý Duyên khởi. Đây là nguyên lýnói lên sự hình thành và biến dịch mọi sự vật  tâm lý hay vật lý.
Trong Tương Ưng Bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) hay kinh Đại Duyên (Mahānidāna-sutta) có chỉ rõ về chân lý Duyên khởi như sau :
Do cái này có, cái kia có. 
Do cái này sinh, cái kia sinh. 
Do cái này không, cái kia không. 
Do cái này diệt, cái kia diệt.

Hay:
Cái này có, cái kia hình thành
Cái này hiển hiện, cái kia sinh ra
Cái này không có, cái kia không hiển hiện
Cái này chấm dứt, cái kia không sinh ra                  
 Các hệ quả của nguyên lý này như  Vô thườngtính, Vô ngãtính, Khôngtính, Phật tính, Tự tính, Di-đà tự tính,… cũng là những Chân đế.
          Áp dụng của nguyên lý này cho các loài hữu tình, đặc biệt cấu tạo nơi con người, Chân đế có thể được xác định với những kinh nghiệm cảm nhận như sau:
          1)Theo kinh nghiệm cảm nhận của giác quan. 
Con người được cấu thành bởi 2 duyênTâm(= Danh hay Danh pháp: là phần vô hình;  P;S: nāma;  E: name;  F: nom)  và  Thân(= Sắc hay Sắc pháp: là phần hữu hình;  P;S: rūpa;  E: form;  F: forme).  Chân đế là những gì ta có thể nhận biết qua sáu giác quan bằng cái thấycủa mắt,cái nghe của tai,cái ngửi của mũi,cái nếm của lưỡi,cái xúc chạm của thân, cái suy tưởng của ý (não bộ).
Nói cách khác, mỗi chúng sinh có 12 xứ (P;S: ayatana;  E: sphere, region;  F: sphère), đó là sáu giác quan mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý  và  sáu đối tượng tương thích cho mỗi giác quan. Mười hai xứ là Chân đế vì chúng ta có thể kinh nghiệm được chúng và biết chúng một cách trực tiếp, nhưng để cho đơn giản, nên thường được gọi chung là Danh-Sắc. Để kinh nghiệm Danh và Sắc là sự thật tuyệt đối, hành giả cần thông qua việc thực hành thuần thục thiền quán.
          2)Theo mục tiêu phá kiến chấp về bản ngã.
Con người được cấu thành bởi 5 duyênNgũ uẩn[蘊;  P: panca-khandha;  S: panca-skandha;  E: The five aggregates;  F: Cinq agrégats).  Năm uẩn là nhận thức Chân đế với 8 duyên gồm: 
Danh= Thọ + Tưởng + Hành + Thức (= Tâm: phần vô hình)
Sắc   = Đất + Nước + Gió + Lửa (= Thân: phần hữu hình). 
          Sắc với 4 duyên gọi là Tứ đại (四大;  P: Cattāri mahabhūta;  S: Catvāri mahabhūta;  E: The four great elements),bốn duyên này cũng là thực tại tuyệt đối – Chân đế:  
- Đất(地;  P: Paṭhavī;  S: Pṛthivī;  E: Earth):   Thể rắn. 
- Nước(水;  P: Apo;  S: Āpas;  E: Water):       Thể lỏng. 
- Gió(風;  P: Vāyo;  S: Vāyu;  E: Wind):          Thể khí.
- Lửa (火;  P: Tejo;  S: Teja;  E: Fire):            Thể plasma.
          3)Theo mục tiêu phá tà kiến về một đấng tạo hóa. 
Con người được cấu thành bởi 12 duyên(thập nhị nhân duyên), cũng được chia thành hai phần: phần vô hình và phần hữu hình.
Lẽ thật của sự vật là Chân đế được xác định bằng cái thấy biết vượt lên tâm thức(thấy biết phân biệt), tạm gọi đó là tâm trí hay giác ngộ.  Cái biết về lẽ thật này có một hấp lực tương đối trên sự kiện.  Có thể xem trạng thái của con người bấy giờ tạm gọi là tỉnh giác.
Ví dụ
– Món đồ này trông không thực đẹp (hay thực xấu). 
– Bài nhạc này nghe không thực hay (hay thực dở). 
– Có tiền thì có thể hạnh phúc hay khổ đau, không tiền thì có thể hạnh phúc hay khổ đau  …
Quán niệm theo lối tư duy này, tâm thứcsẽ dần biến hiện thành tâm trí, nghĩa là tâm không hướng theo chiều tham đắm hay sân hận. Lối sống này có thể tạm gọi là do động lực sáng suốt, dẫn dắt đến tuệ nghiệp.
Nói chung, cái thấy – cái nghe – cái ngửi – cái nếm – cái xúc – cái tư duy (còn gọi là 6 tính) của người mê hay người ngộ trong đời sống đều cùng một khởi điểm như nhau về vật lý-sinh lý.  Nhưng người mê với cái thấy biết là tâm thức tự ràng buộc (nghĩa là cái biết bị điều kiện hóa), theo đó mà kết quả là nội tâm ngày một bất an; trái lại, người ngộ với cái thấy biết là tâm trí vượt thoát thì không phải dính mắc, do đó mà nội tâm ngày một bình ổn, tốt hơn trước mọi chuyển biến của mọi sự vật (như còn-mất về danh-lợi-tình, về sinh-tử … chẳng hạn).
          Chân đế trong đạo Phật ngoài việc trình bày theo Duyên khởi (P: Paṭiccasamuppāda) nói trên, còn được trình bày theo Vi Diệu Pháp (P: Abhidhamma).
Theo Vi Diệu Phápcó bốn sự thật tuyệt đối (thực tại) của các pháp:
1.Tâm (P: Citta):  Thành phần tri giác của chúng sinh.
2.Sở hữu tâm = Tâm sở(P: Cetasika):  Thành phần xác định của tâm.
3. Sắc pháp (P: Rūpa):  Thành phần vật chất, vô tri.
4.Niết bàn (P: Nibāna): Thể tính tịch tịnh, vượt lên sự sinh diệt của Danh Sắc.
Tâm và Sở hữu tâm là thực thể vô hình, được gọi là Danh pháp hay Danh (P: Nāma), đối lại với Sắc pháp hay Sắc (P: Rūpa) là thực thể hữu hình. Danh và Sắc thuộc về thành phần do Duyên khởi nên được gọi là Chân đế hữu vi= Pháp hữu vi(P: Saṅkhāra). Trái lại Niết Bàn là sự tịch tịnh, không phải là pháp bị tạo, nên được gọi là  Chân đế vô vi= Pháp vô vi(P: Asaṅkhāra).
III. Tục đế.
Tục đế俗諦-(tục :  Là thế phàm,  đế :  Là lẽ thật;  P: Sammuti-sacca, Paññatti-sacca, Vohara-sacca;  S: Saṃvṛtti-satyatva, Saṃvṛti-satya, Prajñapti-satya;  E: relative truth;  F: vérité relative):  
Theo đó:
1. Tục đế có nghĩa là những gì mà người thường đồng ý với nhau, là sự thật của thế tình, sự thật của ngôn từ nhằm để bày tỏ khái niệm(= ý niệm chung) các sự vật như sau:
- Chế định制定:  Ngôn từ đặt ra để xác nhận sự vật gì đó.
- Mặc ước = Quy ước 規約:   Ngôn từ đặt ra để quy định sự vật gì đó.
- Thi thiết 施設:   Ngôn từ đặt ra để diễn đạt các sự vật gì đó.
2.  Tục đế được gọi là Chân lý quy ước hay Chân lý tương đối  có giá trị trong đời sống bình thường từ các hiện tượng do Duyên khởi tạo nên, không tồn tại thật sự.
3.  Tục đế còn gọi là Thế đế, Thế tục đế. Bấy giờ, Không tính là phương tiện phá chấp thủ Hữu tính.
Với:
- Giả đế假諦(giả :  không phải thật, hư ngụy).
- Thế đế世諦  hay  Thế tục đế世俗諦(thế = thế gian 世間:cõi đời,  thế tục 世俗: phong tục ở đời – từ ngữ trong luận Đại Tỳ-bà-sa).
- Tích môn(tích: dấu vết, phỏng theo,  môn: cửa – từ ngữ trongThiên Thai tông). (*)
---------------
(*) Ghi chú:  Kinh Pháp Hoa được phân chia bố cục theo như ý tưởng Tích Môn và Bản Môn của Thiên Thai tông. Thứ tự này được chia như sau:  Mười bốn phẩm đầu thuộc về Tích Môn, mười bốn phẩm sau thuộc về Bản Môn. 
4. Tục đế được xem là lẽ thật của sự vật được xác định bằng cái biết của 5 giác quan và lý trí, gọi chung là lục thức = tâm thức hay tri giác.  Cái biết về lẽ thật này có một hấp lực tuyệt đối trên sự kiện. Có thể xem trạng thái của con người bấy giờ tạm gọi là tỉnh thức.
Ví dụ
– Món đồ này trông đẹp (hay xấu). 
– Bài nhạc này nghe hay (hay dở). 
– Có tiền thì hạnh phúc, không tiền thì khổ đau …
Quán niệm theo lối tư duy này, tâm thức sẽ dần biến hiện thành tâm tham đắm chiếm đoạt hay tâm sân hận loại trừ. Lối sống này có thể tạm gọi là do động lực sai lầm dẫn dắt, đó là mê nghiệp.
PhápTục Ðế được chia ra làm hai loại:

1)Danh chế định (P: Nāmapaññatti) được phân ra làm sáu loại nhằm diễn tả một sự vật thật cụ thể haytrừu tượng:
1.Danh chân chế định (P: Sāvijjamāna paññatti):  Là những từ dùng để diễn đạtchỉ tính chất chungcủa các pháp (pháp Chân đế).
Thí dụ: Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Xứ, Giới, Ðế …
2.Phi danh chân chế định (P: Avijjamāna paññatti):  Là những từ giả lập dùng để diễn đạtphân biệt(pháp Tục đế).
Thí dụ: Chư thiên, Ma vương, cái nhà, con
3.Danh chân chế định + Phi danh chân chế định (P: Vijjāmāna avijjāmāna paññatti):  Là những từ ghép, từ trước chỉ sự vật chung nhất(pháp Chân đế), từ sau chỉ sự vật theo giả lậpđể phân biệt(pháp Tục đế).
Thí dụ: Tâm tôi, Tiếng radio, Mùi sầu riêng … Tâm, Tiếng, Mùi  là những từ chỉ sự vật chung (pháp Chân đế); tôi, radio, sầu riêng là những từ giả lập (pháp Tục đế).
4.Phi danh chân chế định + Danh chân chế định (P: Avijjāmāna vijjāmāna paññatti):  Là những từ ghép, từ trước chỉ sự vật theo giả lập (pháp Tục đế), từ sau chỉ sự vật thật (pháp Chân đế).
Thí dụ: Tôi sân, nó có tâm tham … Tôi, nó là giả danh; sân, tâm tham là những trạng thái thật.
5.Danh chân chế định + Danh chân chế định (P: Vijjāmāna vijjāmāna paññatti): Là những từ ghép, từ trước và từ sau đều chỉ những sự vật thật.
Thí dụ: Tâm Tham, Nhãn Thức, Thọ Lạc … thì Tâm, Tham, Nhãn, Thức, Thọ, Lạc đều là những sự vật chung nhất.Đây là những từ dùng để diễn đạt pháp Chân Ðế.
6.Phi danh chân chế định + phi danh chân chế định (P: Avijjāmāna avijjāmāna paññatti):  Là những từ ghép, trong đó từ trước và từ sau đều chỉ những sự vật theo giả lập. Những từ này chỉ là giả danh theo pháp Chân đế mặc dù đối với pháp Tục đế chúng hoàn toàn thật.
 Thí dụ: nhân loại, thiên hạ, trời đất, cha con, ông cháu, …
2) Nghĩa chế định (P: Atthapaññatti) gồm có bảy loại như sau nhằm diễn tả một sự vật ở mặt ý nghĩa:
1.Hình thức chế định (P: Santhānā paññatti):  Là những từ dùng để diễn đạt tính chất của sự vật như núi cao, biển rộng, hố sâu, sông dài, bàn tròn, người lanh lẹ, ….
2.Hiệp thành chế định (P: Samūha paññatti):  Là những từ chỉ các sự vật hiện hữu bởi sự tập hợp của nhiều vật khác nhau như nhà (sự kết hợp bởi rui, mè, kèo, cột …), xe (sự kết hợp bởi sườn, bánh, tay lái, …), gia đình (sự kết hợp bởi cha, mẹ, con cái …).
3.Chúng sinh chế định (P: Satta paññatti):  Là những từ dùng để chỉ những sinh vật có thức tính, mạng căn như người, trời, tiên, Phật, …
4.Phương hướng chế định (P: Disā paññatti):  Là những từ dùng để diễn đạt về phương hướng như Ðông, Tây, Nam, Bắc,
5.Thời gian chế định (P: Kāla paññatti):  Là những từ dùng để chỉ một thời điểm nào đó như buổi sáng, buổi tối, Xuân, Hạ, Thu, Ðông,
6.Hư không chế định (P: Ākāsa paññatti):  Là những từ dùng để diễn tả những chỗ trống, kẻ hở, hư không như hang, hố, huyệt, ao, đầm, ...
7.Hình tướng chế định (P: Nimitta paññatti): cũng gọi là Tiêu Biểu chế định, là những từ diễn đạt một sự vật tiêu biểu, tượng trưng như lá cờ, quốc gia, bảng hiệu, … hay các đề mục tu Chỉ Tịnh như Ðất, Nước, Lửa, Gió, xanh, vàng, …
Không nên lầm tưởng là cứ mỗi từ trong danh chế định sẽ có một từ tương đương trong nghĩa chế định, mà phải hiểu rõ rằng các từ trong danh chế định nhằm diễn tả một sự vật thật dù cụ thể haytrừu tượng. Còn các từ trong nghĩa chế định thì nhằm diễn tả một sự vật ở mặt ý nghĩa, hay nếu đi chung với danh chế định thì nhằm bổ túc thêm ý nghĩa của danh chế định đó.
Thí dụ:  Cái nhà trên phương diện Danh chế định thì nó thuộc về Phi Danh Chân chế định, nhưng theo Nghĩa chế định thì nó là Hiệp Thành chế định.
Tóm lại, mọi sự vật trong đời được diễn đạt bằng ngôn ngữ, để bày tỏ cho nhau được hiểu biết, bất cứ dưới hình thức nào, phương tiện nào đều là chế định. Ngay khi thuyết pháp để chuyển mê, khai ngộ, đức Phật cũng phải dùng pháp chế định của Tục Ðế để diễn đạt Chân Ðế.  Vì thế hành giả cần phải biết rõ thế nào là Chân Ðế và thế nào là Tục Ðế để khỏi lầm lẫn trong việc tu tập.

IV. Chân đế - Tục đế trong thực hành thiền quán.

1) Nhận thức về đề mục thiền quán Chân đế.
Là những hành giả thiền quán Vipassana, rất cần phải hiểu rõ ràng và chính xác đề mục thiền, đó là nhận biết đầy đủ sự khác biệt giữa Chân đế và Tục đế hay Thực tại và Khái niệm.
Khi thực hành thiền quán, hành giả cố gắng chú tâm thấy cho được Chân đế - là những Thực tại tuyệt đối.  Ðể thấy được Thực tại, chứ không là Khái niệm, hành giả cần áp dụng Chánh niệm, nghĩa là tâm ghi nhận đơn thuần lên đối tượng đang nổi bật trong giây phút hiện tại. Tâm ghi nhận này là một tâm vững mạnh và liên tục, chớ không là một sự ghi nhận hời hợt.  Một tâm ghi nhận nông cạn, hời hợt không thể được gọi là Chánh niệm (P: Sati), vì Sati có nguyên nghĩa là “không nổi bồng bềnh trên mặt”. Do đó, Chánh niệm là tâm ghi nhận đơn thuần đi thẳng sâu vào đối tượng, chẳng khác nào viên sỏi chìm sâu vào đáy hồ.
Với một Chánh niệm vững chắc liên tục, sắc bén và xuyên thấu như vậy, hành giả mới có khả năng xuyên vượt qua những lớp vỏ Khái niệm(= Tục đế) và đạt vào Thực tại tuyệt đối(= Chân đế), Thực tại này chính là đối tượng thực sự của thiền quán Vipassana, là đối tượng mang đặc tướng Duyên khởi “Vô thường-Vô ngã”, là đối tượng mà hành giả đang nỗ lực quán sát rõ ràng.
Một khi những Chân đế này được thực chứng, hành giả sẽ tự kinh nghiệm được những loại Chân đế khác nhau, sẽ kinh nghiệm được sự sinh diệt và thấy rõ được bản tính Vô thường-Vô ngã của chúng.
Khi nói về Thực tại, tất cả những gì mà ta thấy hoặc kinh nghiệm ngoài thiền quán đều là những ‘thực tại bề ngoài’ (E: apparent realities).  Ví dụ, khi nhìn một đàn kiến từ xa thì chúng trông chẳng khác nào một đường đen không dứt đoạn, hoặc khi một cây đuốc được xoay tròn thì nó tạo ảo ảnh một vòng lửa, hoặc một dòng cát chảy từ một túi treo trên cao tạo hình ảnh một cột cát nối liền từ túi cát đến mặt đất. 
Người ta thường hay nói “có thấy thì mới tin”.  Tuy nhiên, có rất nhiều cái thấy mà lại không đúng với thực tế, như những ví dụ nêu trên.  Chúng chỉ là những ‘thực tại bề ngoài’, chính vì chúng mà ta không thấy được sự thật tuyệt đối, chúng che lấp thực tại của sự vật, mà thực chất chúng chỉ là những Khái niệm. Chỉ khi nào ta hành thiền quán, ta mới có khả năng xuyên qua những lớp vỏ bề ngoài này và thấu suốt vào sự thật tuyệt đối của chúng.
Những lớp vỏ Khái niệm là biểu thị sự hiện hữu do những suy nghĩ và trí tưởng tượng của con người – là Tục đế.  Khái niệm không thể cho hành giả thấy được sự sinh-diệt của một đối tượng, bởi chính khái niệm thường bị bám chặt và không thể hiện tính sinh-diệt.  Khái niệm vì thế không thể giúp được hành giả nhận thức và thực chứng về bản chất, là các đặc tướng Vô thường-Vô ngã nơi sự vật.  Do đó, Khái niệm không thể làm đề mục trong thiền quán.
Khái niệm gồm có hai loại: khái niệm về tên gọi và khái niệm về sự vật.
- Khái niệm về tên gọi (E: name concept):  Là những từ được đặt ra và gán vào một vật hoặc một người. Ví dụ:  từ ‘bàn tay’.
- Khái niệm về sự vật(E: thing concept): Là một vật hay một người được gán vào bằng những từ.  Ví dụ:  những từ ‘bàn tay năm ngón’.
Chúng ta đang sống trong một thế giới của Khái niệm, biết bao Khái niệm trong cuộc sống hàng ngày của ngôn ngữ ta nói, của âm thanh ta nghe, của tư tưởng ta suy nghĩ …. Do đó, khi ta hành thiền quán Vipassana và bắt đầu có kinh nghiệm với chân lý tuyệt đối, ta thường hay bỡ ngỡ, cảm thấy khó chịu như có gì không ổn. Có cảm giác như vậy chẳng qua là vì trong giai đoạn này, Khái niệm bắt đầu mờ phai mà Thực tại thì chưa thể hiện rõ ràng.
Cũng cần lưu ý rằng, hành giả sơ cơ rất dễ lầm lộn một đối tượng do Khái niệm và nghĩ rằng mình đang quán sát một đối tượng thuộc Thực tại, hoặc có khi thì ghi nhận đối tượng do Khái niệm, có lúc thì lại ghi nhận đối tượng thuộc Thực tại, không phân biệt được rõ ràng.
Các thiền sư bên Miến Ðiện vẫn thường nói: “Khi Khái niệm được nhận thấy rõ ràng, Thực tại bị che khuất. Khi Thực tại được quán thấy, Khái niệm dần mờ phai”. Trong tiến trình tu quán niệm, tâm định càng vững trụ, Thực tại càng rõ ràng. Thực tại càng rõ ràng, Khái niệm càng phai biến.
Ví dụ 1:  (cái Thấy)  –  Chiếc ‘xe’ thoạt trông như có thật, nhưng khi ta tháo rời từng bộ phận, ta không còn cái gọi là ‘xe’ mà chỉ là những bộ phận phụ tùng rời rạc.  Cái mà ta gọi là ‘xe’, thật sự chỉ là một khái niệm, chỉ hiện hữu trong trí óc suy nghĩ tưởng tượng của ta.  Từ ‘xe’ chỉ là một khái niệm quy ước được tạo ra để giao tiếp chứ không là một thực tại hiện hữu.
Do đó, khi thấy một ‘chiếc xe’, ta phải ghi nhận và chú niệm ra sao? “Chiếc xe, chiếc xe…” hay là “Thấy, thấy…”?  Ta phải niệm “Thấy, thấy…”. Nếu ta niệm ‘chiếc xe’ là ta đang niệm về một khái niệm – một Tục đế, và ta sẽ không bao giờ thấy đặc tính Vô thường-Vô ngã nơi nó. Nếu ta niệm ‘Thấy, Thấy…’ là ta đang ghi nhận Tâm thấy.  ‘Tâm thấy’ sinh ra rồi hoại diệt.  Ðây là một sự thật tuyệt đối, một Chân đế mà ta có thể kinh nghiệm được, có thể dùng làm đề mục thiền quán.
      Lưu ý rằng tuy cái Thấy là một sự thật tuyệt đối. Nhưng nếu một người không kinh nghiệm được cái thấy (như trường hợp một người bẩm sinh bị mù), đối với người này, cái ‘thấy’ không phải là một kinh nghiệm thực chứng, không là một thực tại, mà chỉ là một điều nghe lại từ người khác hoặc học biết qua sách vở. Cái thấy này chỉ là một Khái niệm.
Ví dụ 2:(Thân: thể khí - hơi thở;  cái Nghe) – Khi hành giả theo dõi hơi thở ra vào nơi đầu mũi. Nếu cảm nhận như có một cây bút chì đang di chuyển vào ra nơi mũi, bấy giờ hành giả đang ghi nhận một Khái niệm. Chỉ khi nào hành giả cảm thấy được sự di chuyển hoặc đặc tính căng dãn của hơi thở, lúc đó sẽ có được Chánh niệm trên bản chất thật sự của hơi thở, trên chân lý tuyệt đối trong hơi thở. Khi quán sát hơi thở, ta không chú niệm vào hình dáng của hơi thở mà phải chú niệm vào đặc tính của nó – sự di chuyển hoặc căng dãn đã biểu hiện bản chất Vô thường.  Hành giả sẽ thấy được Thực tại nơi hơi thở.
Cũng như thế đối với đề mục phồng xẹp nơi bụng. Khi hành giả theo dõi được sự chuyển động, sự căng phồng và thư dãn nơi bụng, hành giả đang có Chánh niệm trên Chân đế của đối tượng đang quán sát –  đó là thể khí (phong đại).  Lúc đó hành giả cảm nhận rõ ràng sự chuyển động và căng dãn của thể khí nhưng không nhận thấy được hình dáng của bụng hoặc màng bụng. Lý do là vì tâm định của hành giả lúc này khá mạnh, có khả năng xuyên thấu vào Thực tại tuyệt đối, nên tâm không chú vào những gì thuộc Khái niệm.
Đề mục ghi nhận hơi thở ra vào nơi đầu mũi, hoặc sự phồng xẹp nơi bụng, đó là ta đang dùng Thân làm đề mục thiền, là quán Thân. Và khi một âm thanh sanh khởi, nếu ta nhận biết cái Nghe ‘Nghe, Nghe…’ thì bấy giờ ta đang niệm Tâm – Tâm nghe (= Nhĩ thức), nếu ta chú vào ghi nhận ‘Âm thanh, Âm thanh…’ thì bấy giờ ta đang niệm Thân, vì âm thanh chính là đối tượng của Tâm nghe.

Ví dụ 3:  (cái hiểu)  –  Ðọc về sách thiền, ta biết có một trạng thái tâm gọi là hỷ(P: piti).  Trong sự hiểu biết này, hỷ vẫn là một Khái niệm. Khi hành thiền và thực chứng hỷ –  tâm sở hỷ bấy giờ trở nên một thực tế đối với ta, là một Thực tại. Do đó, bất cứ chân lý nào khi chưa được thực chứng kinh nghiệm qua chính bản thân thì nó chỉ là một Khái niệm.

Ví dụ 4: (con người)– Con người cũng vậy, từ ‘con người’ là Khái niệm về tên gọi, và ‘con người bằng xương bằng thịt’là Khái niệm về sự vật. Vậy trong con người, có sự thật tuyệt đối chăng, có Chân đế chăng?
Trong ngôn ngữ, để có thể giao tiếp với nhau, chúng ta mô tả ba sự thật tuyệt đối đầu tiên bằng những cái tên khác nhau như “tôi”, “của tôi”, “đàn ông”, “đàn bà”. Nhưng khi thực tập quán chiếu và phân tích rốt ráo tột cùng về mọi chúng sinh hữu tình, chúng ta sẽ thấy biết rằng chỉ có hai tiến trình Danh-Sắc, chỉ có Tâm-Thân (hay Ngũ uẩn) là thật sự hiện hữu, là những sự thật tuyệt đối, ngoài ra không có gì khác.
Khi ta gọi anh A, theo Tục đế thì anh A là một người có một sắc tướng riêng biệt, đó là sự thật giả định để phân biệt giữa người này với người khác; theo Chân đế thì anh A là một tập hợp của Ngũ uẩn, và Ngũ uẩn đó mới chính thật là anh A.

 

 

          Với trí tuệ xuyên thấu bản chất Vô thường-Vô ngã, từng bước một, từng giai đoạn một, hành giả tiến gần đến mục tiêu tối thượng – đó là sự thực chứng Duyên khởi và các hệ quả của Duyên khởi. Vì vậy, hành giả phải nỗ lực quán niệm để thấy được Chân đế, ngay trong chính kinh nghiệm của ta, ngay trong chính thân tâm ta, và cứ vậy mà tiến mãi cho đến lúc viên thành mục tiêu tối thượng đó.

          2) Thiền sư và đề mục thiền.

          Khi hành thiền và dạy thiền, thông thường mỗi vị thầy có đề mục theo sở thích riêng. Ðề mục chẳng qua chỉ là một phương tiện để hành giả có được tâm định, càng dễ dàng và mau chóng càng tốt. Tuy nhiên cần để ý rằng đề mục ấy phải thuộc Chân đế, một thực tế tuyệt đối chứ không phải là một Khái niệm, thì đó là đề mục chính đáng của thiền quán Vipassana.
Có những thiền sư, dựa vào kinh nghiệm bản thân của riêng mình, thích hợp với một đề mục nào đó, nên khi dạy thiền, truyền dạy phương pháp đã đem kết quả cho chính mình. Những vị này suy nghiệm rằng đề mục này hợp cho mình thì có thể hợp với đa số các thiền sinh.
Do đó, hành giả có những vị thầy dạy thiền với những đề mục khác nhau và không thể cho rằng đề mục này sai hay đề mục kia đúng, miễn là đề mục đó thuộc Chân đế.  Nếu hành giả thử tu tập và thấy thích hợp với chính mình, thấy mình có được tâm định một cách dễ dàng, hành giả cứ giữ lấy và nhận biết rằng đây là đề mục tốt nhất cho chính mình.  Không có đề mục thiền quán nào tốt hơn đề mục nào, chúng đều là những đề mục mà thôi.
Có thành ngữ trong đạo Phật ví von rằng: “Thuốc chẳng luận quý hiếm hay thông thường (đắt hay rẻ), miễn chữa lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng luận cạn–sâu (thấp-cao), hóa giải được phiền não là diệu pháp ”.
o0o
Chân lý.
Nội dung
I. Khái niệm về chân lý.
II. Chân lý theo quan điểm triết học phương Đông – Dịch.
III.  Chân lý theo quan điểm triết học phương Tây.
IV.  Chân lý theo quan điểm đạo Chúa.
V. Chân lý theo quan điểm đạo Phật.
 

Truth - Wikipedia
Chân lý – Wikipedia tiếng Việt
I. Khái niệm về chân lý.
Chân lý [真理;  E: truth;  F: vérité], trong đó:
Chân :  Là thật, không giả dối
 :  Là cái điều, cái lý lẽ . Đây làcái lý lẽ mang tính quy luật về sự vận hành hay chuyển đổi của sự vật.
- Trong lịch sử loài người, tư tưởng của một ai đó được chính người này hay nhiều người khác dùng tư tưởng đó để cổ xúy cho mọi người cùng hưởng ứng hành động theo.Khi tư tưởng nàyhàm ý cái lẽ thật của mọi sự vật hay mọi sự kiện, thì tư tưởng này được gọi làChân lý.  Như thế,  chân lý hàm ý nghĩa “lý lẽ biểu hiện cho một sự vật thật, cho một hiện thực”.
- Trong sự phát triển của mỗi con người từ lúc mới sinh tới khi trưởng thành, được xem như hình thành theo các giai đoạn sau:
Vật chất  =>  Tình cảm  =>  Lý trí  =>  Chân lý
          Chân lý có nền tảng là lý trí, và đặc trưng cho một lý trí trong sáng với những lý lẽ trung thực – tức khách quan và hiện thực, mà con người có thể nhận thức xác thực ngay chính trong cuộc sống. Trái lại, những lý lẽ thiếu trung thực – tức chủ quan và ảo tưởng, áp đặt lên con người thì không gọi là chân lý được; có ngụy biện chăng thì những lý lẽ này được gọi là thứ “chân lý chủ quan” do chính một ai đó chế tác ra để lừa dối trục lợi người khác.
          Chân lý được xem là đỉnh cao của lý trí, nhưng lại vượt lên cả 3 yếu tố  Vật chất, Tình cảm và Lý trí thông thường nơi con người, đồng thời trở lại chi phối chúng, tức gắn liền và làm hài hòa cả 3 yếu tố này ngay trong cuộc sống.
- Trong ngôn ngữ hằng ngày, từ chân hay thật vào những phạm vi có những nghĩa khác nhau. Ví dụ:
- Khi nói về một sự vật,sự kiện hayý tưởng thì chânhay thậtđối lại với giả(bịa),. Như:  đồ thật - đồ giả; chuyện thật - chuyện bịa; chân lý 真理- tà thuyết ).
- Khi nói vềhành động, lời nói, ý nghĩ nơi con người, thìchânhay thậtcó nghĩa là đúng,trung thực, thành tâm, , khách quan, đối lại với sai, lầm, dối trá, che đậy, chủ quan.
Lưu ý rằng Công lý, Pháp lý, Hợp lý không phải là chân lý, vì chúng có thể đúng ở nơi này mà không đúng với nơi khác. Chúng chỉ ứng dụng trong một thời gian nhất định hay một không gian nhất định. Còn chân lý đúng nghĩa phải luôn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian-thời gian, cho nên các màn ảo thuật siêu tuyệt đánh lừa giác quan con người, không là sự thật hay chân lý.
Trong thực tế, từ “chân lý” thường bị con người lợi dụng gán ghép và sử dụng phức hợp, cho nên việc nhận thức chân lý đúng nghĩa không tùy thuộc vào số đônghay kẻ mạnh, mà thuộc về những người hiểu biết.  Vì thế, như Mahatma Gandhi đã từng nói:
Dù bạn có là thiểu số, chân lý vẫn là chân lý.
[Even if you are a minority of one, the truth is the truth]
Dưới đây, chân lý có thể tạm chia thành 2 dạng sau để phân tích.
1) Chân lý chủ quan[真理主觀;  E: subjective truth;  F: vérité subjective] :
Đây là những tư tưởng thường thấy dưới 2 hinh thức sau được cho là chân lý.
1/.Tư tưởng dựa trên tính hiện thực ở các ngành của khoa học xã hội như chính trị, xã hội, tôn giáo, triết học, giáo dục … và thường được gọi là chủ nghĩa [主義;  E;F: doctrine].
Ví dụ:  Các chủ nghĩa cộng sản (E: communism), chủ nghĩa dân tộc (E: nationalism), chủ nghĩa nam nữ bình quyền (E: feminism), chủ nghĩa nhân văn (E: humanism), chủ nghĩa phát xít (E: fascism), chủ nghĩa siêu thực (E: surrealism), chủ nghĩa vô chính phủ (E: anarchism), chủ nghĩa xã hội (E: socialism).
Một số tư tưởng dựa trên tính hiện thực mang tính chủ quan cực đoan được cho là chân lý như:
- Lý thuyết mang tính thực dụng: “Chân lý là cái gì hữu hiệu”.  Vì “cái gì hữu hiệu” thì chủ quan và tương đối (ví như cái gì bạn nghĩ hữu hiệu, hay cái gì hữu hiệu cho bạn). Chủ nghĩa thực dụng là một hình thức của chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa tương đối.
- Lý thuyết mang tính thực nghiệm:“Chân lý là điều ta có thể cảm nhận bằng giác quan”.  Tương tự như tính thực dụng, cảm nhận có-không, đẹp-xấu, hay-dở, thơm-hôi, ngon-dở, dễ chịu-khó chịu đều chủ quan và tương đối.
- Lý thuyết mang tính duy lý:“Chân lý là điều chúng ta có thể hiểu được cách rõ ràng và rạch ròi bằng lý trí” hay “Chân lý là điều chúng ta có thể chứng minh được bằng lý trí”.  Tương tự như tính thực dụng và tính thực nghiệm.
+ Nhiều chân lý không thể chứng minh được: Ví dụ, nguyên lý bất mâu thuẫn (X không tương đương với phi-X)
+ Nhiều chân lý không rõ ràng: Ví dụ, “Mọi người thì vừa tốt vừa xấu hòa lẫn vào nhau”; hay cho rằng “Cuộc sống thì đáng sống.”
- Lý thuyết mang tính kết cấu mạch lạc: “Chân lý là sự gắn kết chặt chẽ hay duy nhất hay sự hòa hợp giữa một chuỗi các ý tưởng” (không là một tương quan tương ứng giữa một ý tưởng và đối tượng ngoại biên của nó). Nói cách khác “Chân lý là một sự nhất quán, toàn thể hay tổng thể các ý tưởng”.
Lý thuyết mang tính kết cấu mạch lạc này giả định chân lý về điều gì đó giống như lý thuyết tương ứng (hay căn tính). Vì mỗi lý thuyết tuyên bố rằng nó thì thật sự đúng, và rằng các lý thuyết khác đều sai, nghĩa là, rằng chúng đã sai tương ứng với thực tại.
2/.Tư tưởng dựa trên tính siêu thực, được gọi là tín ngưỡng  [信仰;  E: faith;  F: foi] hay tôn giáo[宗教;  E;F: religion].  Đây là những tín ngưỡng tôn giáo hữu thần.
Ví dụ:           - Tín ngưỡng vật tổ giáo, vật linh giáo, …
- Tôn giáo đa thần, tôn giáo độc thần.
          Sở dĩ những tư tưởng đó được gọi là chân lý chủ quan, là vì chủ nghĩa, tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều sơ hở khi có phản biện trên nhận thức, và có nhiều lạm dụng thủ lợi cho cá nhân hay cho những nhóm người nào đó trên hành động khi dựa vào tư tưởng này. 
          Nói cách khác, chủ nghĩa-tín ngưỡng-tôn giáo mang tính giáo điềuchủ quan, thường lấy giáo dục Đứctin [德信– chữ Nôm;  E: Faith;  F: Foi]  làm chính.  Đây thường là loại giáo dục nhồi sọ cực đoan(*)rất tai hại cho con người bình thường, đặc biệt là các trẻ thơ, mà kết quả như là một thứ bệnh tinh thần. Vì thế, các luận biện của chân lý chủ quan thường phạm phải sai lầm,là ngụy biện.
---------------
(*) Chú thích:
Tuy nhiên, lưu ý rằng giáo dục nhồi sọ có ít nhiều lợi ích bằng cách ám thị tư tưởng đối kháng cho những người trưởng thành mắc phải căn bệnh chấp thủ, mà sự tồn tại của căn bệnh này phụ thuộc vào không-thời gian, cho tới chừng nào những người này lấy lại sự cân bằng trong nhận thức và tự chủ một cách khách quan tự nhiên.
 2) Chân lý khách quan[真理客觀;  E: objective truth;  F: vérité objective]:
Đây là những tư tưởng thường được con người xác minh từ các quan sát và thực nghiệm trên thế giới tự nhiên, được quy nạp và diễn dịch qua các chứng nghiệm thực tế như là những định luật, để được gọi là chân lý.  Chân lý loại này được thấy nơi khoa học kỹ thuật  và  các tôn giáo vô thần, như các định luật trong ngành vật lý cơ học, từ cơ học cổ điển cho tới cơ học hiện đại, định luật vô thường trong đạo Phật, …
Sở dĩ những tư tưởng đó được gọi là chân lý khách quan là vì chúng biểu hiện những lý lẽ mang tính quy luật về sự vận hành khách quan tự nhiên của sự vật.
Chân lý khách quan có các đặc tính sau:
1/. Tính khách quan:  Chân lý có tính phù hợp giữa tri thức và thực tại khách quan, không phụ thuộc ý chí chủ quan.
Ví dụ:  “Quả đất có hình cầu chứ không phải hình vuông. Không phải mặt trời xoay quanh trái đất mà là ngược lại, trái đất xoay quanh mặt trời” là phù hợp với thực tế khách quan. Ý tưởng này không phụ thuộc vào quan niệm truyền thống đã từng có trên nghìn năm trước vào thời Phục Hưng. 
 2/. Tính cụ thể:  Chân lý có tính điều kiện ở mỗi tri thức, phản ánh sự vật trong các điều kiện xác định không gian, thời gian, góc độ phản ánh, ...
Ví dụ:  Mọi phát biểu định lý định luật trong các khoa học kỹ thuật đều kèm theo các điều kiện đo lường với dung sai (E: tolerance) xác định nhằm đảm bảo tính chính xác của nó, như: “Trong giới hạn của mặt phẳng, tổng các góc trong của một tam giác là 2 vuông; nước sôi ở 100°C với điều kiện nước nguyên chất và áp suất 1 atmotphe (E: atmosphere), ...”. 
  3/. Tính quá trình (tính tương đối và tính tuyệt đối):  Mỗi chân lý, trong điều kiện xác định, nó mới chỉ phản ánh được một phần thực tại khách quan, gọi là chân lý tương đối. Sự phát triển quá trình nhận thức dần tới đầy đủ hơn; bấy giờ, chân lý được gọi là chân lý tuyệt đối.
Ví dụ:  Hai khẳng định sau đây đều là chân lý, nhưng chỉ là chân lý tương đối: (1) Bản chất của ánh sáng có đặc tính sóng; (2) Bản chất của ánh sáng có đặc tính hạt. Trên cơ sở hai chân lý đó có thể tiến tới một khẳng định đầy đủ hơn: ánh sáng mang bản chất lưỡng tính là sóng và hạt.
Mối quan hệ giữa chân lý khách quan và hoạt động thực tiễn là mối quan hệ biện chứng trong quá trình vận động, phát triển của cả chân lý và thực tiễn: Đó là chân lý phát triển nhờ thực tiễn và thực tiễn phát triển nhờ vận dụng đúng đắn những chân lý mà con người đã đạt được trong hoạt động thực tiễn.
Quan điểm biện chứng về mối quan hệ giữa chân lý và thực tiễn đòi hỏi trong hoạt động nhận thức con ngưòi cần phải xuất phát từ thực tiễn để đạt được chân lý, phải xem chân lý cũng là một quá trình. Đồng thời, phải thường xuyên tự giác vận dụng chân lý vào trong hoạt động thực tiễn để phát triển thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động cải biến tự nhiên và xã hội. 
Vì thế, vấn đề nhận thức chân lý khách quan có thể tóm tắt như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng để nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan”.
Chân lý trong đạo Phật – chân lý Duyên khởi, là chân lý khách quan được phân làm hai dạng gọi là Chân đế và Tục đế. Chân đế còn gọi là chân lý Thực tại hay chân lý tuyệt đối. Tục đế đế còn gọi là chân lý tương đối [Xin xem mục từ Chân đế và Tục đế].
3) Thí dụ về Chân lý khách quan và Chân lý chủ quan.
       - Thí dụ 1- Chân lý về vũ trụ :  Mọi sự vật trong vũ trụ là một hiện thực từ giác quan, mà không cần lời nói và chữ viết (ngôn tự), nên là chân.  Khi có lý lẽ “tương tác giữa các sự vật trong vũ trụ làm cho các sự vật luôn biến đổi và không có ngoại lệ”, mang tính quy luật, tức là .  Theo đó, chúng ta bảo vũ trụ vô thường; và như thế, vũ trụ vô thường được gọi là chân lý, hay vũ trụ vô thường là chân lý về vũ trụ.
       - Thí dụ 2- Chân lý về Thượng Đế:  Thượng Đế 上帝theo cách hiểu thông thường là ông vua ở trên trời có nhiều quyền năng, có quyền thưởng phạt con người và vạn vật. Đây là ý nghĩ tưởng tượng của người xưa khi chưa rõ các quy luật tự nhiên; họ đồng hóa trong thiên nhiên có một vịvua (đế 帝) ở trên trời cao (thượng 上), có sức mạnh vô song như làm mưa lut, gió bão, …  Ông vua vô hình tưởng tượng ở trên trời này tất phải lớn hơn và mạnh hơn, trùm hết cả các ông vua hữu hình ở dưới đất! (King of Kings).
       Trong tôn giáo hữu thần, Thần học là môn nghiên cứu về Thượng Đế, với lý lẽ cho rằng Thượng Đế là cái mà con người không thể cảm nhận hiện thực từ giác quan, là ngoại lệ của vũ trụ, là nguyên nhân đầu tiêntự hữu và hằng hữuchưa ai thấy biết được nhưng không được phép nghi ngờ.  Lý lẽ hoàn toàn không hiện thực về Thượng Đế vẫn được tôn giáo áp đặt cho rằng Thượng Đế là chân lý.
       Qua hai thí dụ trên, ta thấy thí dụ 1 sát với ý nghĩa gốc, còn thí dụ 2 thì hoàn toàn trái lại. Cho nên biểu hiện của thí dụ 1 nói lên ý nghĩa chân lý khách quan, bởi nó mô tả lý lẽ hợp với hiện thực mà ai ai với chút quan sát và nghĩ suy thì cũng có thể nhận ra và gần gũi đối với cuộc sống; còn thí dụ 2 được gọi là chân lý chủ quan, tức chẳng phải là chân lý theo ý nghĩa gốc, bởi nó mô tả lý lẽ hoàn toàn không hợp với hiện thực, mà có lẽ chỉ chỉ dành cho những ai lười suy nghĩ hay tâm lý yếu đuối dễ bị áp đặt mà thôi.
II. Chân lý theo quan điểm triết học phương Đông – Dịch.
1) Tổng quan về Dịch.
          Triết họcphương Đông thường gọi Đạonhằm để chỉ cho chân lý 真理. Tư tưởng triết họcDịch của người Á Đông cổ đạiđược xem là chân lý:  Đạo Dịch .
 
 
I Ching - Wikipedia
Kinh Dịch – Wikipedia tiếng Việt
Kinh DịchhayDịch kinh [易經;  E:  I Ching (Yijing);  F:  Yi Jing], trong đó:
- Kinh( jīng) có nghĩa là một tác phẩm kinh điển, trong tiếng Hán có gốc gác từ "quy tắc" hay "bền vững", hàm ý rằng tác phẩm này miêu tả những quy luật khách quan tự nhiên không thay đổi theo thời gian.
- Dịch ( ) có nghĩa là "thay đổi" của những thành tố bên trong một vật thể nào đó trở nên khác đi.
Kinh Dịch được cho là bộ sách kinh điển của Trung Hoa, trình bày hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học này cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và chuyển đổi (thay đổi). Quy luật hình thành, tương tác và chuyển đổi vạn sự vật trong vũ trụ gọi là Dịch, và theo đó Dịch được xem là chân lý.
Chân lý khách quan tự nhiên “Dịch” này đặc biệt luôn gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Sống thuận theo chân lý thì tự đạt tới hạnh phúc, ngược lại là tự chuốc lấy đau khổ.
Ban đầu, kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh ...
Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hy 伏羲. Theo nghĩa này thì ông là một nhà văn hóa, một trong Tam Hoàng của Trung Hoa thời thượng cổ (khoảng 2852-2738 tCN, theo huyền thoại), và được cho là người sáng tạo ra bát quái 八卦.
Ngày nay, tuy đa phần các văn bản và học giả xưa này đều cho rằng kinh Dịch là sản phẩm của nền văn hóa Hoa Hạ tại Trung Quốc, nhưng gần đây một số tác giả Việt Nam như Kim Định, Nguyễn Thiếu Dũng và Thích Viên Như và những người khác cho rằng kinh Dịch do người Việt sáng chế hoặc phát triển.
Khái niệm ẩn chứa sau tiêu đề chuyển đổi này là rất sâu sắc. Nó có ba ý nghĩa cơ bản có quan hệ tương hỗ, tạo nên sự chuyển đổi như sau:
1/.Giản dịch – (thực chất của mọi thực thể):  Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp. Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội.
Chí đạo chớ tìm trong biến hóa,
Lẽ trời đừng kiếm chỗ tần phiền
Chí đạo bất kỳ ư biến hóa. Giản dị nhi thiên hạ chi lý đắc.
至 道 不 期 於 變 化. 簡 易 而 天 下 之 理 得.
2/.Biến dịch – (hành vi của mọi thực thể):  Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau. Vì biến dịch, cho nên có sự sống.
Chảy trôi như thế suốt đêm ngày” 
Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. * 逝者如斯夫不舍晝夜.
3/.Bất dịch – (bản chất của thực thể):  Vạn vật trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn luôn tồn tại nguyên lý bền vững - quy luật trung tâm - là không đổi theo không gian và thời gian. Học Dịch cốt là băng qua biến thiên để trở về với bất biến, bất dịch. Vì bất dịch, cho nên có trật tự của sự sống.
Tìm được Hằng Cửu nên không đổi thay. Dịch đạo biến hóa vô thường, nhưng trong biến ảo có tìm ra được nơi bất biến, thời mới có thể nói chuyện Dịch được”.
Đắc kỳ sở cửu cố bất dịch dã. Án Dịch chi đạo, biến Dịch vô thường. Tự kỳ biến giả nhi năng tri bất Dịch chi phương, nhiên hậu khả dĩ ngôn Dịch hỹ.
王 曰: 得 其 所 久 故 不 易 也. 按 易 之 道, 變 易 無 常. 自 其 變 者 而 能 知 不 易 之 方, 然 後 可 言 易 矣.
          2) Cấu trúc biến hóa theo Dịch.
Vạch liền là Dương (▬▬). Vạch đứt là Âm (▬▬). Mỗi một vạch (liền hoặc đứt) gọi là một hào. Các thành phần này được biểu diễn trong một biểu tượng hình tròn chung (☯), được biết đến như Thái Cực đồ (☯太極圖 taijitu), nhưng nói chung người ta gọi tắt là đồ hình Âm-Dương (陰陽 yin-yang), miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của mọi thay đổi, chuyển dịch:  Khi Dương đạt tới cực đỉnh thì Âm bắt đầu phát sinh và ngược lại. Thái Cực đồ cũng là nguyên lý phát sinh Âm-Dương.
Vô Cực sinh Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng
Tứ Tượng sinh Bát Quái
Bát Quái sinh vô lượng
Trong đó:
• Vô Cực tương đương trong Lão giáo là Vô Vi - có thể coi là hư không.
• Thái Cực có thể tạm coi như trạng thái cân bằng của vũ trụ.
• Lưỡng Nghi là hai thành phần Âm và Dương, tuy đối tính nhưng hòa hợp nhau.
• Tứ Tượng là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm.
          1/.Thái cực.

Taiji (philosophy) - Wikipedia
Thái cực– Wikipedia tiếng Việt 
2/.Lưỡng Nghi.

Yin and yang -Wikipedia
Âm dương – Wikipedia tiếng Việt 
[Biểu tượng âm dương nói lên bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương]
Lưỡng Nghi là khởi nguồn của Kinh Dịch, đó là Âm và Dương, Dương được ghi lại bằng vạch liền (▬▬), còn Âm được ghi lại bằng vạch cách đoạn (▬ ▬).  Vạch còn được gọi là hào.
3/.Tứ Tượng.

 
Four Symbols(China) - Wikipedia
Tứ tượng– Wikipedia tiếng Việt
Tượng là dùng hai vạch (hào) chồng lên nhau và đảo chỗ, vì thế được Tứ Tượng.
 
4/. Bát Quái (quẻ đơn có cấu trúc 3 vạch, tức 3 hào).
     
Bagua- Wikipedia
Bát quái – Wikipedia tiếng Việt 
Tứ Tượng chỉ có hai vạch chồng lên nhau, người ta chồng tiếp một vạch nữa lên (là có ba vạch)và gọi là quẻ đơnvớitám hình thái khác nhau gọi là bát quái.
5/.Trùng quái (quẻ képcó cấu trúc 6 vạch, tức 6 hào).Trùng quái còn gọi làquẻ kép  là đem những quẻ đơn chồng lên nhau, được sáu mươi tư hình thái khác nhau, đó là Sáu mươi tư quẻ.
 
1

Bát Thuần Kiền
2

Bát Thuần Khôn
3

Thủy Lôi Truân
4

Sơn Thủy Mông
5

Thủy Thiên Nhu
6

Sơn Thủy Tụng
7

Địa Thủy Sư
8

Thủy Địa Tỷ
9

PhongThiên Tiểu Súc
10

Thiên Trạch Lý
11

Địa Thiên Thái
12
  
Thiên Địa Bĩ
13

Thiên Hỏa Đồng Nhân
14

Hỏa Thiên Đại Hữu
15

Địa Sơn Khiêm
16

Lôi Địa Dự
17

Trạch Lôi Tùy
18

Sơn Phong Cổ
19

Địa Trạch Lâm
20

Phong Địa Quan
21

Hỏa Lôi
Phệ Hạp
22

Sơn Hỏa Bí
23

Sơn Địa Bác
24

Địa Lôi Phục
25
 
Thiên Lôi Vô Vọng
26

Sơn Thiên Đại Súc
27

Sơn Lôi Di
28

TrạchPhong Đại Quá
29

Bát Thuần Khảm
30

Bát Thuần Ly
31

Trạch Sơn Hàm
32

Lôi Phong Hằng
33

Thiên Sơn Độn
34

Lôi Thiên Đại Tráng
35

Hỏa Địa Tấn
36

Địa Hỏa Minh Di
37

PhongHỏa Gia Nhân
38

Hỏa Trạch Khuê
39

Thủy Sơn Kiển
40

Lôi Thủy Giải
41

Sơn Trạch Tổn
42

Phong Lôi Ích
43

Trạch Thiên Quải
44

Thiên Phong Cấu
45

Trạch Địa Tụy
46

Địa Phong Thăng
47

Trạch Thủy Khốn
48

Thủy Phong Tỉnh
49

Trạch Hỏa Cách
50

Hỏa Phong Đỉnh
51

Bát Thuần Chấn
52

Bát Thuần Cấn
53

Phong Sơn Tiệm
54

Lôi Trạch Quy Muội
55

Lôi Hỏa Phong
56

Hỏa Sơn
Lữ
57

Bát Thuần Tốn
58

Bát Thuần Đoài
59

Phong Thủy Hoán
60

Thủy Trạch Tiết
61

Phong Trạch Trung Phu
62

Lôi Sơn Tiểu Quá
63

Thủy Hỏa Ký Tế
64

Hỏa Thủy Vị Tế
 
Quẻ kép tượng trưng cho hết mọi biến hóa, mọi tình trạng, mọi hoàn cảnh mà Vạn hữu và Nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau.  Thượng Kinh và Hạ Kinh viết lại 64 quẻ , tức là đưa ra 64 hoàn cảnh tượng trưng, để dạy con người phương pháp xử sự cho khéo léo, tùy theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.
Quẻ Kép gồm 2 quẻ đơn, ta gọi:
          - Quẻ phía dưới là  Nội quái
          - Quẻ phía trên là Ngoại quái
Vì mỗi hoàn cảnh có nhiều  khía  cạnh, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật  bị dính dấp ảnh hưởng, nên  mỗi  quẻ lại có 6 Hào.  Sáu hào cốt là để nói lên cho rõ ràng:
- Mọi khía cạnh, mọi trạng thái biến thiên của hoàn cảnh.
- Mọi giai đọan của một công trình.
- Mọi tầng lớp trong xã hội, đang cùng chia sẻ một hoàn cảnh
- Những trường hợp khác nhau, có thể xảy ra cho từng hạng người sống cùng chung một hoàn cảnh..
Bàn về mỗi quẻ Kép có:
- Tự quái. 
- Thoán từ:  Thoán từ là của Văn Vương.  Thoán từ rất vắn tắt, cô đọng, nói đại ý sự ‘hay dở’ toàn quẻ.
- Thoán  truyện:  Thoán truyện là lời của Khổng Tử, dùng để giải thích Thoán từ.  Thoán truyện nhiều khi viết có âm vận, 
- Tượng truyện. 
-  Hào  từ  và  Tiểu  Tượng truyện.
          3) Các quy luật biến hóa phổ biến của Dịch.
Lẽ biến hóa của Dịch được Quách Tượng diễn đạt : “Nói về cái lực mà không có lực, chả còn cái gì mạnh bằng cái lực của sự biến hóa. Trời đất không lúc nào là không biến đổi. Thế sự đã đổi mới mà cứ tưởng là còn mãi như cũ. Chiếc thuyền từng buổi từng đổi khác mà cứ tưởng là còn mãi như cũ.
Trái núi từng ngày từng đổi khác mà cứ xem như nó vẫn trơ trơ như trước. Hiện tay đang khoác tay mà lòng đã thay đổi, đều là ở những nơi sâu kín nhất của tâm hồn. Cái ta trước đây không còn là cái ta trong hiện tại, cả cái ta và cái hiện tại đều qua, há có thể còn giữ mãi được cái cũ mà được đâu”.
Trong lẽ biến hóa, có ba luật căn bản đặc trưng cho Dịch, đó là: - Luật tương ứng, tương cầu; - Luật tích tiệm; - Luật phản phục.Trong đó cũng theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần, luật phản phục là quan trọng nhất.
1/.Luật ứng cầu應求:Do người hay vật có cùng bản chất mà ứng hiệp nhau, cùng thân thiết tìm nhau. Luật “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu 同聲相應,同氣相求còn gọi là luật cảm ứng hay luật nhân quả. Hay như "Cương nhu giai ứng 剛柔皆應":  Cương và nhu đều thuận hợp.
          Trong khoa tâm lý, với luật cảm ứng, khi biết tánh tình, tần số về tâm lý để hiểu ý trẻ con mà dạy dỗ thì sẽ có kết quả tốt; khi biết tánh người già để săn sóc sẽ giúp họ vui và mau lành bệnh. Khi nắm được tâm lý quần chúng thì việc quản lý xã hội sẽ được an vui.
2/.Luật tích tiệm積漸:  Do chất chứa lâu dài từ từ mà đưa tới biến hóa 變化. Biến hóa từ từ, khó nhận thấy, gọi là tiệm biến 漸變, khi cuộc chuyển biến đã hoàn tất, gọi là đột biến 突變.
Trong Văn Ngôn truyện đưa một thí dụ thuộc về nhân sự.
Nhà nào tích lũy điều lành thì có thừa phúc (để đến đời sau). Nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở torng một buổi sơm buổi chiều, tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy”. (Tích thiên chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kì phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kì sở do lai giả tiệm hĩ. Do biên chi bất tảo biện dã).
3/.Luật tích tiệm積漸:   Do trở lại nơi khởi điểm, trở về cái gốc cũ.Vật  cực tắc phản  物極則反”hay “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu 易窮則變,變則通,通則久. Sự tiến triển của vạn vật không đi luôn mà sẽ trở lại., nghĩa là khi cùng cực thì trái nghịch trở về cái gốc, cái trước.
Việc đời biến hóa, thần kỳ,
Cùng rồi lại biến, biến thì mới thông.
Thông rồi bền vững, mới mong
Mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại, mặt trời mặt trăng cùng xô đẩy nhau mà có sáng. Lạnh qua thì nóng lại, nóng qua thì lạnh lai, lạnh nóng cùng xô đẩy nhau mà năm mới thành vậy * Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sanh yên. Hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên* 日往則月來, 月往則日來, 日月相推而明生焉. 寒往則暑來, 暑往則寒來, 寒暑相推而歲成焉.
          Nói chung, các quy luật biến hóa trên nhằm tạo nên sự quân bình tự nhiên trong vũ trụ, là sự quân bình 2 mặt Âm-Dương nơi vạn sự vạn vật. Bậc Thánh là người thấu đạt chân lý và sống với chân lý quân bình này, là người biết vượt thoát các cực đoan là thuần Âm hay thuần Dương; bởi các lối sống cực đoan này là đi ngược lại với quy luật tự nhiên, nên đó chính là mầm móng của các loại tật bệnh về thể xác cũng như tinh thần.
          Vì thế, xưa nay, triết lý âm dương vẫn luôn tiếp tục được nghiên cứu và ứng dụng ở nhiều lĩnh vực của đời sống, như trong lĩnh vực dưỡng sinh và y học cùng nhiều lĩnh vực khoa học khác.
III. Chân lý theo quan điểm triết học phương Tây.
Ngay từ thời cổ đại, con người đã từng bị ám ảnh không dứt bởi vấn đề chân lý đa phương diện, đa sắc thái.  Nhiều  định nghĩa chân lý đã nói lên một số trở ngại nhất định do khó lòng tránh khỏi việc áp đặt quan niệm triết lý cá nhân vào đó. Định kiến có mặt ở khắp nơi, đặc biệt trong môi trường triết học. Vì thế, chẳng cần ngạc nhiên thái quá khi các triết gia quan niệm về chân lý với những cái nhìn khác nhau. Ví dụ:
- Theo Aristotle (384–322 BC), chân lý đồng nghĩa với mối quan hệ tương thích giữa “khái niệm” và “sự vật”.
- Theo Hegel (1770 –1831), chân lý đồng nghĩa với thành quả nhận thức viên mãn.
- Theo William James  (1842–1910), chân lý đồng nghĩa với quan hệ mang đến kết quả thực tế.
- Theo George E. Moore (1873–1958), chân lý đồng nghĩa với sự tương hợp giữa “hình” với “thực”.
- Theo Martin Heidegger (1889–1976), chân lý đồng nghĩa với tự do.
- Theo Alfred Tarski (1901–1983), chân lý đồng nghĩa với khái niệm ngữ nghĩa.
Trong những thế kỷ gần đây con người không ngừng nỗ lực đúc kết một định nghĩa hoàn hảo cho khái niệm chân lý. Một số học thuyết đã được phát triển như: gắn kết, thực dụng, ngữ nghĩa và hiện sinh - đã liên tục suy tư chiêm nghiệm về bản chất tổng thể của chân lý. Từ đó, ba hướng lý giải đã được hình thành:     
1. Chân lý có tính tuyệt đối và khách quan.    
2. Chân lý có tính tương đối và chủ quan. Đây là các vấn đề thuộc về ý kiến và nhận thức của cá nhân.         
3. Chân lý - thực thể bất khả đắc tư nghì.
Để thiết lập một nền tảng chung, chúng ta hãy cùng đồng ý với nhau rằng chân lý là một nhận định phù hợp với thực tại,rằng thế giới thực tại và tri thức của chúng ta về nó là hoàn toàn tương hợp với nhau, rằng các hệ thống tư tưởng mà chúng ta hiện có, xét về mặt tổng thể, tương ứng một cách chính xác với thế giới thực tại.
IV. Chân lý theo quan điểm đạo Chúa.
1) Chân lý theo Phúc âm.
Phúc Âm (Gospel), còn được gọi là Tin Mừng (bởi Công giáo Rôma) hay Tin Lành (bởi các cộng đồng Kháng Cách).
Trong bốn cuốn sách chính đầu tiên trong kinh Tân Ước, bao gồm: Phúc Âm Mátthêu (Gospel of Matthew), Phúc Âm Máccô (Gospel of Mark), Phúc Âm Luca (Gospel of Luke) và Phúc Âm Gioan (Gospel of John),  thì cuốn sách của Gioan được cho làthuật lại cuộc đối chất về chân lý giữa Tổng trấn Philatô và Chúa Jesus.
Theo ghi chép trong Phúc Âm, lúc thẩm vấn Chúa Jesus, tổng trấn Philatô đặt câu hỏi: “Chân lý là gì”? Nhưng Chúa Jesus đã không đáp. Vì sao Chúa Jesus lại làm thinh trước một câu hỏi quan trọng như vậy?

 [Tranh Chúa Kitô trước tổng trấn Phongxiô Philatô của họa sĩ Mihály Munkácsy (1881)]
Dù không rõ ông Philatô đã đặt câu hỏi cho Chúa Jesus bằng tiếng Hy-lạp hay bằng tiếng Do thái, cũng như ý định và giọng điệu của Philatô thế nào đi nữa, trên thực tế thì Chúa Giêsu đã không có câu trả lời.
Trong toàn thể kinh Tân ước, danh từ “chân lý” xuất hiện 109 lần. Riêng Phúc Âmcủa tác giả Gioan nói nhiều về chân lý, người ta đếm tới 25 lần; và 20 lần trong ba bức thư; tổng cộng là 45 lần, tức gần một nửa nằm trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của thánh Gioan viết bằng tiếng Hy-lạp. Để hiểu rõ ý nghĩa của chân lý, cần có sự phân biệt về chân lý giữa 2 truyền thống Hy-lạp và Do-thái, ví như:
- Khi nói tới Thiên Chúa là chân lý (là sự thực), thì các triết gia Hy-lạp nói rằng Thiên Chúa là Hữu thể tuyệt đối.
- Khi nói tới Thiên Chúa là chân lý, thì người Do thái nghĩ ngay tới sự trung tín của Thiên Chúa đối với giao ước: Chúa tín trung trong mọi lời đã hứa, và không bao giờ rút lại lời thề!

 Philatô đem chúa Giêsu bị đánh đòn ra cho công chúng thành Jerusalem 
[Tranh của họa sĩ Antonio Ciseri]
Dưới đây là một số chi tiết về ghi chép của thánh Gioan:
          1/.Ở chương 1, câu 14. thánh Gioan mô tả mạc khải của đức Kitô (Ngôi Lời) như là “đầy ân sủng và chân lý”. Điều này lại có nhiều cách giải thích khác nhau.
          - Có học giả cho rằng ở đây Gioan chỉ muốn đối chiếu giữa mặc khải của Môsê với mặc khải của Chúa Kitô. Môsê chỉ công bố Luật; còn mặc khải Chúa Kitô thì mang lại ân sủng và chân lý. Sự đối chiếu còn được lặp lại ở câu 17 kế tiếp.
          -  Có học giả khác thì cho rằng đức Kitô là Ngôi Lời đã nhập thể, là Chân lý bởi vì Ngài là Thiên Chúa, như lời tuyên bố ở chương 14 câu 6: “Ta là đường lối, là chân lý ,là sự sống. Không bởi ta không ai đến được cùng Cha”. 
2/.Ở chương 3 câu 21, thánh Gioan nói “làm chân lý” (facere veritatem). Thế nào là “làm chân lý”?
          - Có ý kiến giải thích rằng chân lý không phải là cái gì đã có sẵn và mình phải tìm cách học hỏi; trái lại mình phải sáng tạo ra chân lý: chân lý thành hình nên do hoạt động của con người.
 Tuy nhiên, có lẽ thánh Gioan không có ý như vậy, mà cần hiểu rằng “làm chân lý” như là “làm đúng, làm điều phải, làm điều tốt”; đối lại với “làm điều bậy, làm điều quấy”, nghĩa là phạm tội. Chân lý không phải chỉ giới hạn trong lãnh vực tư tưởng, nhưng còn phải diễn ra hành động, diễn ra cuộc sống nữa.
          - Có ý kiến khác thì cho rằng ở đây thánh Gioan muốn nói tới việc đón nhận đức tin: “làm chân lý” có nghĩa là tin nhận đức Kitô là chân lý. 
3/.Ở chương 4 câu 23, thánh Gioan viết rằng Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samari về thời điểm thờ phượng Thiên Chúa “trong thần khí và chân lý”. Câu này có thể hiểu như là đã đến lúc phải thờ phượng Thiên Chúa thực mà đức Kitô đã mặc khải cho biết, chứ không phải thờ phượng một Thiên Chúa do đầu óc con người nặn ra. 
4/.Ở chương 8 câu 32, thánh Gioan viết “chân lý sẽ giải thoát anh em”, hoặc “chân lý sẽ làm cho anh em được tự do”. Đó là nếu ai chấp nhận lời Ngài thì sẽ biết chân lý; liền tiếp theo đó là những hậu quả của sự hiểu biết.
Tóm lại trong tiếng “giải thoát”. Các học giả đã vạch ra hai khía cạnh: một khía cạnh tiêu cực và một khía cạnh tích cực.
- Về khía cạnh tiêu cực, thì chân lý giải thoát (hay giải phóng) chúng ta khỏi ba cảnh nô lệ:
a/ nô lệ của dối trá sai lầm (nhờ chân lý của lời giáo huấn: câu 44);
b/ nô lệ của tội lỗi (nhờ chân lý của ân sủng: câu 35);
c/ nô lệ của sự chết (nhờ sự sống vĩnh cửu: câu 51).
- Về khía cạnh tích cực, chân lý làm cho mọi người được tự do, nếu khi mọi người trở nên môn đệ của đức Kitô và làm con cái Chúa (câu 42).
5/.Ở chương 14 câu 17, thánh Gioan có nói tới Thánh Thần chân lý. Như có thể đã thấy, thánh Gioan khi nói tới chân lý là nói tới là chân lý cứu độ, chân lý sự sống.
-  Chúa Kitô đã đến để mặc khải chân lý dẫn tới sự sống. Mọi người cần tiếp nhận chân lý bằng đức tin, và cần diễn tả lòng tin ấy qua cuộc sống theo chân lý.
-  Chúa Kitô được sai đến thế gian này để làm chứng cho chân lý cứu độ, đó là chân lý về Thiên Chúa tình yêu (18,37). Các môn đệ cũng được sai đi làm chứng cho chân lý nhằm giúp cho các môn đệ luôn gắn bó với chân lý “đức Kitô”. Và để làm chứng cho chân lý, thì chính Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần chân lý tới các môn đệ, để hướng dẫn họ tiến tới chân lý viên mãn (16,13) và cùng với họ làm chứng cho chân lý (15,26).
6/.Ở chương 18 câu 32, thánh Gioan viết Chúa Giêsu nói những người “ở trong chân lý, thuộc về chân lý”, đây có nghĩa là những môn đệ của đức Kitô. Trước đó, trong nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha hãy “thánh hóa họ trong chân lý” (chương 17, câu 17 và 19). Ý nghĩa của lời cầu nguyện ấy là: xin cho các môn đệ được thánh hóa nhờ việc tin vào đức Kitô là chân lý. 
Kitô giáo cho rằng câu hỏi của tổng trấn Philatô “chân lý là gì?”, tuy không được Chúa Jesus trả lời tại chỗ, nhưng có thể thấy ra nhờ vào bản văn Phúc âm thánh Gioan.
          Tóm lại, chân lý được Kitô giáo khẳng định với nội dung sau: “Chân lý trước sau gì vẫn ám chỉ đức Kitô. Đức Kitô là hằng hữu và toàn năng, toàn thiện, toàn tri tạo dựng vũ trụ vạn vật, có quyền thưởng phạt các vật thụ tạo”. Đây là điều mà người tín đồ phải giữ vững bằng niềm tin của mình, là “Đức tin”.
          2) Thực hành chân lý Kitô giáo.
Trong thực hành của Kitô giáo, việc tìm kiếm chân lý hay tranh luận thuyết phục người khác về chân lý của Kitô giáo được chỉ ra trong hai phạm trù về con người, đó là:
- Những người tin có thể giải thích những lưu ý này như những kế hoạch chiến đấu, vì họ đã chọn chân lý.
- Những người không tin có thể giải thích rằng đây như sự bố trí của một tổ chức du lịch về các chặng phía trước trên con đường đến đích Kitô giáo.
Có bốn bước phân biệt trong việc trở nên một Kitô hữu.
1/. Bước thứ nhất là tin bằng lý trí:  “Bạn không thể tìm kiếm hay đối mặt với một Người mà bạn không tin là hiện hữu. Bạn không thể cầu nguyện với một Thiên Chúa bạn cho là đã chết”. Điều này cần thiết để có thể bước kế tiếp, trừ phi đã tin nó hiện hữu.
2/. Ba bước kế tiếp là thuần đức tinvới giả thuyết chân lý thuộc về Thiên Chúa, và được Thiên Chúa ban ơn, đó là:
– Hoán cải về tội lỗi của mình.
– Giữ đức tin, đức tin không còn cảm nghiệm theo trí, chấp nhận đức Kitô như Đấng cứu thế.
– Sống niềm tin Kitô hữu.
Hãy thể hiện thực nghiệm để kiểm tra giả thiết rằng đức Kitô đang đứng sau cánh cửa và gõ cửa. Làm thế nào bạn gõ cửa? Hãy cầu nguyện! Hãy nói với đức Kitô rằng bạn đang tìm kiếm chân lý – tìm kiếm Ngàinếu Ngài là chân lý hãy yêu cầu Ngài hoàn tất lời Ngài hứa rằng ai đi tìm Ngài sẽ gặp được Ngài.
Lời cầu nguyện được cho là tạo nên một kiểm chứng công bằng về “giả thuyết” Kitô giáo – nghĩa là, đừng đặt những rào cản bất công với Thiên Chúa, như đòi hỏi một phép lạ (cách này là của bạn, không phải của Ngài) hay chắc chắn trước ngày mai (giờ của bạn chứ không phải của Ngài). Việc đòi hỏi rằng Thiên Chúa hành động như người đầy tớ của bạn thì khó là một kiểm chứng công bằng về giả thuyết rằng có một vị Thiên Chúa đấng là vua của bạn.
V. Chân lý theo quan điểm đạo Phật.
Trong đạo Phật, chữ Đế (;  P: Sacca;  S: Satya;  E: truth;  F: vérité)thường được dùng để chỉ chân lý, ví dụ như Tứ Đế 四諦.  Chân lý trong đạo Phật tức lẽ thật, sự thật về những gì được thấy biết một cách khách quan, không áp đặt. Theo đó, bất cứ một ai – không phụ thuộc tín ngưỡng tôn giáo hay thành phần xã hội, một khi thấu hiểu và áp dụng sẽ tự đem lại lợi ích thiết thực cho chính mình và cho cộng đồng.
Dưới đây là phân loại các Đế.
1) Nhất đế 一諦 –  Nền tảng chân lý nơi đạo Phật.
Nguyên lý Duyên khởi được xem là Nhất đế, là chân lý tối thượng. Nguyên lý này đã được đức Phật Thích Ca nhận thực ra sau khi thiền quán 49 ngày dưới gốc Bồ-đề, và rồi từ một phàm nhân trở thành Bậc giác ngộ – Phật. Chân lý này là khách quan-tự nhiên biểu hiện qua hai đặc tính là Vô ngã và Vô thường, mà những ai nhận thực và sống trung thực với chân lý này sẽ đều dẫn đến hạnh phúc cao thượng Niết-bàn của Bậc giác ngộ. [Xin xem mục từ Duyên khởi].
Trong kinh Thắng Man (勝鬘;  S: Śrīmālādevī-sūtra), Chương 10, Nhất đế có chép: “Bạch Thế Tôn, trong bốn thánh đế này, ba là Vô thường (Khổ đế, Tập đế, Đạo đế), một là Thường (Diệt đế = Niết-bàn). Vì sao? Vì ba đế thuộc vào tướng hữu vi. Những gì thuộc vào tướng hữu vi, là Vô thường; những gì Vô thường là pháp hư vọng. Những gì là pháp hư vọng, không phải là đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y. Do đó, Khổ đế, Tập đế, Đạo đế không phải là Đệ Nhất Nghĩa đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y.

Chân lý Duyênkhởi của đạoPhật thể hiện các tính chất sau:
1/. Chân lý là sự thật có tính khách quan–tự nhiên, nhất quán và minh bạch.
- Trong kinh Tăng Chi Bộ, cũng như trong Tạp A Hàm, đức Phật đã từng khẳng định rằng: “Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp là thế, …, là không thay đổi
- Trong Tăng Chi bộ (III, chương Tám Pháp, phẩm Lớn), đức Phật đã chỉ ra rằng:  “Ví như nước trong các đại dương đều có chung một vị mặn. Cũng thế, giáo pháp của Ta đều có chung một vị, đó là vị giải thoát” [giải thoát: Tự do về nội tâm].
Đây là tính chất giúp các hành giả không bám chặt vào ngôn tự từ các tông môn của đạo Phật, như là dấu ấn chuẩn mực, giúp chúng ta có những lý giải đúng đắn về các giáo lý và kinh điển trong đạo Phật.
- Trong kinh Di Giáo ghi lại những lời dạy sau cùng của đức Phật: “Sau khi ta tịch diệt, giáo Pháp sẽ thay ta làm thầy cho các con. Biết noi theo giáo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thậtminh bạch”.
2/. Chân lý là sự thật có tính thiết thực và hiện tại.
- Trong kinh Pháp cú 11-12 nói rằng: 
“Những gì không thật mà cho là chân thật, những gì chân thật mà cho là không thật, thì đó là tư duy và hành động sai lầm, và vì vậy mà những người này không thể đạt đến chân thật.
Những gì chân thật thì cho là chân thật, những gì không thật thì cho là không thật, thì đó là tư duy và hành động chính xác, và vì vậy mà những người này có thể đạt đến chân thật.
- Trong kinh Tương Ưng Bộ cũng nói:
Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Tại sao vậy? Này các Tỳ-kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời. Cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “có”, Ta cũng nói là “có”; cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “không”, Ta cũng nói là “không”. Đó là, người trí ở đời chấp nhận Sắc là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “có”; người có trí ở đời không chấp nhận Sắc là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “không”.
- Trong bài kinh Malunkyaputta kể về một người bị trúng mũi tên độc với những câu hỏi thuần lý, hay những câu hỏi siêu hình thiếu kiểm chứng sự thật (E: test of truth) đều không được Phật trả lời.
- Trong kinh Vương Tử Vô Úy (Abhayarājakumāra), Đức Phật cho biết rằng:
Như Lai không nói một lời mà Ngài biết là không thật, sai lầm, vô ích, và khó chịu đối với người khác.
Ngài không nói một lời mà Ngài biết là thật, hiện hữu, nhưng vô ích và khó chịu đối với người khác.
Ngài không nói một lời mà Ngài biết là thật, hiện hữu, có ích, nhưng khó chịu đối với người khác.
Ngài không nói một lời mà Ngài biết là không thật, sai lầm, vô ích, nhưng dễ chịu đối với người khác.
Ngài không nói một lời mà Ngài biết là thật, hiện hữu, vô ích, nhưng dễ chịu đối với người khác.
Ngài tuyên bố đúng thời một tuyên bố mà Ngài biết là thật, hiện hữu, có ích, thích thú và dễ chịu đối với mọi người.
Như vậy, điều mà đức Phật nói ra khi thỏa ba điều kiện là: 
- Đúng sự thật       - Lợi ích       - Đúng thời 
3/. Chân lý là sự thật có tínhlogic và thực tiễn.
- Trong bài kinh Sandaka thuộc Trung Bộ kinh là nơi mà Đức Phật đã từng bác bỏ các lập luận có vẻ logic của những giáo điều chỉ dựa trên cơ sở lập luận và tự biện đơn thuần. Ngài đã từng tuyên bố rằng:“Ta làm những gì Ta giảng nói, và giảng nói những gì Ta làm” (P;S: yathāvādī-tathākārī).
- Trong kinh Kamala (kinh này tương ứng với kinh Canki thuộc Trung Bộ), đức Phật dạy rằng: “Đừng dựa trên những điều không đáng tin cậy như truyền thống, báo cáo, hay bởi những lời đồn đoán, bởi những điều quyền uy trong kinh điển tôn giáo, hay điều thuần túy lý luận; cũng đừng dựa trên sự tin cậy của nhiều người, cũng không phải vì sự kính trọng một vị thầy mà tin.”  Thay vào đó, “Hãy tin tưởng những gì quan sát với sự kiểm chứng bằng kinh nghiệm và sự thực chứng, để tự mình xác định những gì là đúng sự thật, là thiện hay bất thiện”.
Nhà Phật học nổi tiếng người Bỉ là Louis de la Valleé Poussin đã giải thích rằng chân lý tự nó không có giá trị, mà phụ thuộc vào giá trị thực nghiệm của chúng. Điều này có nghĩa rằng điều gì đó được xem là chân lý thì điều đó phải phù hợp với thực tế và phục vụ một mục đích thiết thực hay sự lợi ích.
- Trong kinh Tăng Chi Bộ có nói về sự khác nhau giữa hai loại kinh, đó là kinh liễu nghĩa (經了義:  kinh nói rõ ý nghĩa những khía cạnh của Phật pháp) và kinh bất liễu nghĩa (經不了義:  kinh không nói rõ ý nghĩa những khía cạnh của Phật pháp). Từ căn bản này được các nhà chú giải phân biệt thành hai loại giáo pháp khác nhau và đã áp dụng chúng thành hai loại thực tại, hay chân lý đã được phát triển thành một học thuyết Nhị đếkhá phong phú sau này.
2) Nhị đế  二諦Chân đế真諦Tục đế 俗諦.
                    [Xin xem mục từ Chân đế và Tục đế]
          3) Tam đế 三諦Không đế空諦, Giả đế假諦, Trung đế中諦.
          Tam đế là ba cách nhìn chân lý của đạo Phật, được Đại Sư Trí Nghĩ 智顗(= Trí Khải * 538-597) của Thiên Thai tông triển khai từ thuyết Nhị Đế (二諦) và tư tưởng Tam Quán (三觀) gồm Không空, Giả 假, và Trung 中.
1/. Không đế (còn gọi Chân đế, Vô đế):  Trên bình diện phủ định thì tất cả các pháp do duyên sinh không có thực thểnên xem là “không”, và gọi là Không đế. Các pháp vốn không có thực thể, nhưng chúng sinh không rõ, chấp đó là thực nên sinh ra vọng kiến. Nếu dùng Không quán để đối trị thì tính chấp tự diệt, liền lìa các tướng, tỏ ngộ lý Không.
2/. Giả đế (còn gọi Tục đế, Hữu đế):  Trên bình diện khẳng định thì tất cả các pháp tuy vốn không có thực thểnhưng khi các duyên hội tụ thì hiện ra có rõ ràng; ở trong chỗ Không ấy mà giả lập tất cả pháp, cho nên gọi là Giả đế.
3/. Trung đế (còn gọi Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa đế):  Về mặt bản thể thì cả Không đế vả Giả đế đều mang tính hiện tượng cả.Nhưng các pháp xưa nay chẳng lìa2 bên, chẳng 2 bên, chẳng phải Chânchẳng phải Tục, là ChânTục, viên dung vô ngại, cho nên gọi là Trung đế hayTrung Đạo Đệ Nhất Nghĩa đế (中道第一義諦).
Thực ra Tam quán: quán Không, quán Giả, quán Trung là y cứ vào bài kệ trong Trung Quán Luận của ngài Long Thụ:
眾繇                  Chúng do Duyên sanh pháp
        Ngã thuyết tức thị Không
        Diệc vi thị Giả danh
        Diệc thị Trung đạo nghĩa
Mọi pháp từ cácDuyên
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
          4) Tứ đế 四諦(P: Cattari-ariyasaccani;  S: Catvari-aryasatyani;  E: Four Noble Truths;  F: Quatre Nobles Vérités). [Xin xem thêm mục từ Tứ Diệu Đế]
Qua các phân tích trên, có thể thấy rằng Chân lý trong đạo Phật là lý lẽ thật sự về sự vận động “hình thành – biến hoại” của mọi sự vật, trong đó có con người. Chân lý vì thế như là một quy luật tự nhiên, chi phối đời sống của mọi sự vật, cụ thể nơi con người bao gồm 3 yếu tố trọng yếu là vật chất, tình cảm, lý trí.
          Ví như một người bơi lội trong một dòng chảy, thuận dòng thì khỏe, ngược dòng thì mệt. Cũng thế, chân lý giúp chúng ta hài hòa cuộc sống, tức hài hòa đời sống vật chất và tinh thần (tình cảm + lý trí); nếu thuận với quy luật (chân lý) thì sẽ dễ chịu (hạnh phúc), bằng ngược với quy luật thì sẽ khó chịu (khổ đau).
Đạo Phật nhận định rằng, khổ đau về mặt vật chất thì có thể nhờ người khác tương trợ để vượt qua, nhưng đau khổ về mặt tinh thần thì dù có người khác khuyên nhủ, vẫn rất khó vượt qua. Đạo Phật chỉ ra rằng, muốn vượt qua đau khổ về mặt tinh thần, thì chính mỗi người phải tự nỗ lực tháo gỡ nội kết(= chấp thủ: thành kiến cố chấp) bằng chân lý do chính đức Phật Thích Ca chứng ngộ.
Căn gốc của chân lý của nhà Phật là Duyên khởi, mà các hệ luận là Vô thường, Vô ngã, Nhân Quả (Tứ Đế và Thập Nhị nhân Duyên là những cấu trúc Nhân Quả) là những phương tiện giúp mỗi người tự tháo gỡ nội kết nơi chính mình qua thực tập các cơ cấu Bát Chánh Đạo, Thập độ Ba-la-mật (hay Lục độ Ba-la-mật), … gắn liền với cuộc sống.
Kết quả của việc giải tỏa các nội kết được gọi là giải thoát, là tự do nội tâm được từng mỗi người dựa vào phương tiện Duyên khởi thực hiện, chứ không thể cầu nguyện van xin bất cứ ai ban tặng cho sự tự do này.
o0o
Chân ngôn.
          [Xin xem mục từ Mật: Chân ngôn, Chú, Thần chú – Mantra// Dhāraṇī]
o0o
Chân như.

Chân như(真如;  P; S: Tathatā, Bhūtatathatā;  E: Suchness of existence)

- Chân真:  Có nghĩa là thực, thật//tự nhiên.

          - Như如:  Có nghĩa là đồng, bằng// không ô nhiễm, vẫn trong nguyên.
Chân nhưhàmý bình đẳng tính và tự nhiên tính, biểu hiện sự vượt thoát thế giới nhị nguyên“khách thể và chủ thể”- đó chinh là Duyên khởi tính, là bản tính nơi mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Chân như vì thế còn gọi là Chân như Duyên khởi.
Nói cách khác, Chân như là tuệ giác dung chứa mọi mâu thuẫn, đối đãi: có và không, động và tĩnh, một và nhiều, như thật và như huyễn, tướng và vô tướng… đồng thời vẫn thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi các mâu thuẫn đối đãi này.
Chân như đồng nghĩa với Như, Như Lai, Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân, Pháp tính, Pháp tướng,Thật Tướng,  Chân Thật Tướng,  Viên Thành Thật Tướng .... Khái niệm này có những hiệu ứng tốt trong các phương pháp tu tập về định và tuệ.
Chân như là thuật ngữ xuất hiện trong hệ thống Bát Nhã. Trong tất cả kinh Bát Nhã đều nói về Chân như. Và trong mỗi kinh đều có thiết lập một Phẩm nói về Chân như. Trong Tíểu Phẩm Bát Nhã (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā), Phẩm XVI, luận về Chân như rất rõ ràng (bản dịch của Eđward Conze, tr. 193–199, xb năm 1973).  Trong kinh Duy Ma Cật, kinh Lăng Già, luận Khởi Tín, ... Chân như cũng được trình bày và triển khai rộng rãi.
o0o
Chân – Thiện – Mỹ.
Từ xa xưa Chân – Thiện – Mỹ là ba khái niệm cốt lõi mà nhân loại đã luôn hướng đến và nâng tầm thành lý luận triết học, nhằm tạo nền tảng cho một thế giới hoàn hảo mà con người hằng ao ước. Ba khái niệm này tuy có nội hàm không giống nhau, nhưng chúng lại luôn đồng hành với nhau trên các lĩnh vực của đời sống và được hiểu theo nhiều cách. Đôi khi chúng là chuẩn mực, thước đo cho các giá trị sống; đôi lúc lại được coi là cảnh giới cao nhất của văn chương, nghệ thuật; và ở khía cạnh nào đó thì chúng còn là mục tiêu hướng tới của mọi nền giáo dục.
1) Chân(;  E:The Truth):  Có nghĩa là thật, không phải giả.
Ở nghĩa hẹp, chân là lòng chân thành, trung thực, không giả dối, không hư ngụy. Lòng chân thành rất cần thiết đối với con người trong khởi điểm cho sự nhận thức và giao tiếp nơi cuộc sống hàng ngày.
Ở nghĩa rộng, chân là nhận thức chân lý về sự vận hành mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Nhận thức chân lý vũ trụ lại càng rất cần thiết cho con người, bởi nó có thể giúp đời sống tinh thần con người được phong phú, vượt qua những bế tắt nội tâm.
1/. Đối với đạo Phật, chân hàm chứa cả hai nghĩa hẹp và rộng này. Ở giai đoạn đầu hành giả cần rèn luyện tâm trung thực nơi cuộc sống (nghĩa hẹp).  Ở giai đoạn tiếp theo, hành giả tiếp nhận lộ trình tu học Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ để nhận thức và thực hành nhuần nhuyễn chân lý – đó là chân lý Duyên khởi.
Chân lý Duyên khởi mang tính hiện thực khách quan và tự nhiên, cụ thể như sau:
- Duyên khởi  biểu hiện chân lý tuyệt đối qua nhận thức Vô thường + Vô ngã.
- Duyên khởi  biểu hiện chân lý tương đối qua nhận thức Nhân Quả, tức Nhân Duyên Quả [phân biệt các Duyên thành Nhân (Duyên chính) và Duyên (Duyên phụ)] , với các hệ quả là Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên.
2/. Đối với các tôn giáo khác, chân được chế tác từ những ảo tưởng chủ quan. Đó là ảo tưởng về một Thượng Đế vô hình, mà con người không thể cảm nhận được, có quyền năng tạo dựng, thưởng phạt con người và vạn vật trong vũ trụ – Thượng Đế được xem là chân lý. Con người phải có niềm tin tuyệt đối về chân lý là vị Thượng Đế này mà không có quyền nghi vấn thắc mắc.
2) Thiện (善;  E: The Goodness):  Có nghĩa là tốt, lành // việc tốt, việc lành // người có đức hạnh, người tốt lành.
Thiện là điều con người nên làm, trái với Bất thiện hay Ác là điều mà con người nên tránh.  Như thế, Thiện thuộc phạm trù đạo đức. Thường thì các tôn giáo và xã hội ràng buộc con người tuân thủ theo những điều quy định được chế tác, để được xem là sống tốt, là thiện.
Thiện đối với đạo Phật không như các tôn giáo, hành giả của đạo được khuyên vận dụng linh hoạt nguyên tắc đạo đức đúng nơi đúng lúc, tức phù hợp với không gian và thời gian mà hành giả đang sống. Nguyên tắc này được xác lập dựa trên chân lý Duyên khởi, đó là Duyên khởi tính, nên được gọi là đạo đức Duyên khởi, nêu rõ:
  “Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”
          3) Mỹ(美;  E: The Beauty):  Có nghĩa là xinh, đẹp // thoải mái.
          Mỹ thường được gọi là “cái đẹp”.  Nếu cái đẹp này từ cảm quan nơi một ngoại cảnh thì cái đẹp này quả không đơn giản, bởi mỗi người một kiểu, mỗi thời một cách, mỗi phương một lối. Do đó, cái đẹp bên trong hay cái đẹp tâm hồn (= nội tâm, tinh thần) có lẽ phù hợp, tương thích với hai giá trị Chân và Thiện nêu trên.
          Theo đó, Mỹ được xem như trạng thái tâm thoải mái, trạng thái tâm tự do là hạnh phúc nơi con người. Thiết nghĩ, hạnh phúc thật sự bền bỉ lâu dài nơi một con người khi con người đó đã thành tựu được Chân và Thiện. Ta có:
Chân +Thiện  =>  Mỹ
          Trong đạo Phật, có lẽ Mỹ chính là Niết-bàn (= Giải thoát, nội tâm tự do) đối với hành giả đã hoàn thiện về nhận thức và hành động Chân lý Duyên khởi và Đạo đức Duyên khởi.
Chân lý Duyên khởi + Đạo đức Duyên khởi  =>  Niết-bàn
---------------
Chú thích:    Triết học Plato có rất nhiều vấn đề, nhưng một trong những quan điểm liên quan mật thiết đến lý luận mỹ thuật là vũ trụ quan của ông, được thể hiện rõ trong dụ ngôn Hang động mà có lẽ ai cũng biết, với ý chính:

Hình dung loài người là một bầy tù nhân bị trói chặt trong một hang động, quay mặt vào vách đá ở đáy động. Vì bị trói chặt, đám người không thể ngoái nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. (Hệ thống dây trói này là gì, sau này có nhiều kiến giải. Nhưng chí ít chúng là những hạn chế của thể xác với hệ thống giác quan của nó. Ngoài ra còn những trói buộc về tư tưởng, phong tục tập quán v.v.)
Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới. Thế giới này được Plato cho là Chân, Thiện, Mỹ. Trong thế giới đó có vô số thứ hay ho, được Plato gọi là các Ideas, ta dịch là các ý tưởng. Theo Plato thì tất cả các Ideas đều tuyệt đẹp và vĩnh cửu, bất biến.
o0o
Chấp trước.
Chấp trước(執著;  P: Abhinivesa;  S: Abhiniveśa;  E: Strong attachment // to attach) hay Chấp thủ 執取(= Thủ ;  P;S: Upādāna;  E: Clinging – thuộc Thập Nhị Nhân Duyên).
          Chấp 執:  Là  cầm, nắm giữ.
          Trước 著:  Là giữ chặt hoặc bị vướng mắc.
          Theo đó, chấp trước có nghĩa là cố chấp, câu nệ, là thiên về một ý kiến hay một việc gì đó, giữ chặt lấy nó mà không chấp nhận khác đi.
 Chấp trước là trái với với xả捨, buông xả[Xin xem mục từ Xả]. Khi chấp trước tồn tại trong lòng theo thời gian sẽ biến thành u mê, vị kỷ, nuôi dưỡng cho cái Tôi quá lớn. Người chấp trước sống chỉ biết mình với những quan điểm và tư tưởng sai lầm nhưng không hề nhận biết và cũng không quyết tâm học hỏi để sửa đổi; và khi không đạt được ý muốn sẽ nảy sinh khổ đau và phiền muộn.  
Trong kinh Kim Cương mọi chấp trước được chia làm 2 dạng:
Ngã chấp 我執;  P: atta-gāha;  S: ātma-grāha;  E: clinging to the self)  là chấp vào cái Tôi, tự ngã của Tôi (= chấp Ngã), tức cho rằng thân ngũ uẩn giả hợp
Pháp chấp(法執;  P: dhamma-gāha;  S: dharma-grāha;  E: ) là chấp vào tất cả các pháp của thế gian hay các pháp của xuất thế gian, như Phật pháp.
Chính chấp trước khiến ta day dứt những mong muốn mà không thể thực hiện được, và khó chịu trước những điều không ưa … Tất cả tạo ra những gút mắc trói buộc nơi nội tâm gọi là nội kết 內結[= kết sử (結使;  P;S: Saṃyojana;  E: Fetter) – Xin xem mục từ này], khiến chúng sinh phải bị động trong sinh tử luân hồi.
          Trong kinh Pháp Cú, viết rằng:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu.
Kệ 62
Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.
                   Kệ 66
          Trong kinhTương Ưng Bộtập V, kinh số 34: “Đến bờ bên kia” có chép:
Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ không chấp thủ.
o0o
Chữ Vạn.
Nội dung
I. Tổng quan về chữ Vạn.
II. Chiều quay chữ Vạn.
III.  Chữ Vạn trong Phật giáo.
I. Tổng quan về chữ Vạn.
1) Nguồn gốc biểu tượng chữ Vạn.

Swastika - Wikipedia
Chữ Vạn – Wikipedia
Chữ Vạn ở một số nền văn hóa khác nhau.
          Theo kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học, biểu tượng chữ Vạn hay còn gọi là chữ “Thập ngoặc” đã được tìm thấy ở hầu hết các nơi trên thế giới, với niên đại khoảng 16.000 đến 14.000 năm trước công nguyên, được vẽ trong các hang động thời kỳ đồ đá cũ. Trong năm châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc thì duy nhất chỉ có châu Úc là nơi chưa tìm thấy dấu tích khảo cổ của chữ Vạn. 
Hầu hết các nhóm, tộc người trong lịch sử đều từng biết đến mẫu hình chữ Vạn. Ngay tại Đức, các bộ tộc xưa vẫn gọi mẫu hình đó là “Cross of Thor” (chữ thập của thần Thor). Tại Anh quốc, những người dân mở đất Scandinavi cũng mang mẫu hình chữ Vạn trong văn hoá của họ đến vùng Lincolnshire và Yorkshire.
          Trong một ngôi đền cổ trên 2000 năm tuổi ở Palestine của người Do Thái, người ta cũng thấy có vẽ mẫu hình chữ Vạn này. Ở châu Mỹ, ở các di tích lịch sử của người bản địa cũng có thấy mẫu hình chữ Vạn, cả ở Bắc, Trung và Nam Mỹ.
Chữ Vạn được các nền văn minh cổ đại dùng như một biểu tượng, phù hiệu, hoặc tiêu chí của tôn giáo. Hình chữ Vạn, vốn là dấu hiệu biểu thị sự tốt lành ở Ấn Độ thời xưa, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ na giáo, đều sử dụng chữ nầy. Ngoài Ấn Độ thì Ba Tư, Hy Lạp đều có phù hiệu này, và được xem là tượng trưng cho mặt trời, ánh chớp, lửa, nước chảy; điều này có lẽ phát xuất từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời … được cho là nơi thể hiện sự phát sinh ra nguồn sống vô tận, sự vĩnh hằng…
Như vậy, có thể nói chữ Vạn không thuộc riêng về một tôn giáo hay nền văn hoá nào cả mà là một tài sản văn hoá chung của nhân loại, mặc dù rằng chữ Vạn được hình dung liên quan đến đạo Phật, và chữ Vạn của Phật giáo cũng hoàn toàn không liên quan gì đến Đức Quốc Xã.  Tuy nhiên chữ Vạn lại có dấu ấn đặc biệt tại Ấn và phổ biến ở các nơi có sự hiện diện của Phật giáo Bắc truyền.
Ngày nay, rất nhiều người có ác cảm với chữ Vạn do ảnh hưởng hậu quả của biểu tượng  Đức Quốc Xã. Thực chất chữ Vạn đã có từ rất lâu đời, còn Hitler chỉ vay mượn biểu tượng này trong khoảng hai chục năm ngắn ngủi. Nhưng hai chục năm này đã đủ làm hoen ố chữ Vạn. Trước thời kỳ phát xít Đức nắm quyền, người ta chưa hề có ác cảm gì với chữ Vạn. Cụ thể là Bách khoa toàn thư của Hy Lạp xuất bản những năm 1920, mục về chữ Vạn có viết:
          “Chữ Vạn, tiếng Sanskrit là swastika hoặc svastica, một biểu tượng trang trí cực kỳ cổ xưa, thường được coi là biểu trưng cho mặt trời, được minh hoạ bởi một chữ thập có bốn cạnh bằng nhau được gập tạo nên các góc vuông. Swastika được lưu truyền ở khắp nơi trên thế giới. Nó đã được tìm thấy trong các di chỉ của Ai Câp, trên các đồ gốm của Hy Lạp cổ đại và giai đoạn văn minh Aegean, còn ở Ấn Độ nó là một biểu tượng tôn giáo. Nó có rất nhiều biến thể về hình dạng”. Có thể thấy đó chỉ là những giải thích khách quan và thuần tuý học thuật.
2) Về chữ Vạn trong Ấn giáo.

Chữ Vạn (卐;  S: Svastika) gồm chữ  sv  và  asti  ghép lại.  Theo đó, sv(đọc là su), có nghĩa là tốt lành (E: good // well); asticó nghĩa là tồn tại (E: to be); kalà một tiếp vĩ ngữ thể hiện một sự vật hay sự việc nào đó. Vậy swastika là một sự vật hay một sự việc tồn tại tốt lành, hoặc có trạng thái tốt lành (E: well-being). 
Chữ Vạn là một biểu tượng chữ thập với các đầu mút có cánh bẻ sang phải hay sang trái và được cho là xoay ngược chiều kim đồng hồ (cánh bẻ phải) hay đồng chiều kim đồng hồ (cánh bẻ trái). Ở Ấn Độ thời xưa,  Phật giáo,  Bà La Môn giáo,  Kỳ na giáo, đều sử dụng chữ nầy.
Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng hóa với thần Tỳ Thấp Noa (S: Viṣṇu;  E: Vishnu) liên kết với thần Thấp Bà (S: Śiva;  E: Shiva) và việc thờ rắn thần Nagar.  Đầu tiên, người Ấn Độ cho rằng phù hiệu nầy là sợi lông xoắn ở ngực của Phạm Thiên (S: Brahmā;  E: Brahma), Tỳ Thấp Noa, Cát Lật Sát Noa (S: Kṛṣṇa;  E: Krishna) và thông thường coi đây là dấu hiệu của sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy.
          Theo công trình nghiên cứu của tiến sĩ Quang Đảo Đốc ở trường đại học Quốc Sĩ Quán, Nhật Bản thì chữ Vạn vốn không phải là chữ viết. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên đã thấy ghi trong đạo Bà-la-môn ở lồng ngực của thần Tỳ Thấp Noa.  Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên lại đổi tên thành Svastiko, vốn là tướng hình trôn ốc túm lông đầu con trâu, lại biến thành lông ngực của thần Tỳ Thấp Noa. Sau đó trở thành một trong 16 tướng tốt, rồi lại thành một trong 32 tướng tốt.
II. Chiều quay chữ Vạn.
1)Các dạng chữ Vạn.
Thông thường, phổ biến có 3 dạng chữ Vạn sau :
 
          1. Chữ Vạn theo hai mẫu A và B  có chữ Thập + ở giữa thẳng đứng.
- Theo mẫu A :  Chữ Vạncó cánh bẻ bên phải, được tưởng tượng có chiều quay ngược chiều kim đồng hồ (như ống phun phản lực). Đây là chiều quay cùng chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó.

Theo Ấn Độ giáo thì chữ Vạn xoay theo hướng kim đồng hồ thì tượng trưng cho Nam thần, còn xoay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ thì tượng trưng cho Nữ thần.
- Theo mẫu B :  Chữ Vạncó cánh bẻ bên trái, được tưởng tượng có chiều quay đồng chiều kim đồng hồ (như ống phun phản lực). Đây là chiều quay cùng chiều quay theo tương sanh trong Ngũ Hành. 
          2. Chữ Vạn theo mẫu C (Sauvastika or Destruction) của Đức Quốc Xã có chữ Thập x ở giữa nằm xiên.
   
Cờ và Huy hiệu đảng Quốc Xã Đức
(Flag and Emblem of German Nazi Party)
Chữ Vạn của Đức Quốc Xã được giải thích với 2 chữ viết tắt SS của tiếng Đức chỉ đội cận vệ là Schutzstaffel. 
          Có thể kết luận rằng chữ Vạn của Hitler có những điểm khác với chữ Vạn thông thường như sau:
- Nó không đứng một mình mà được đặt trong một bố cục gồm chữ Vạn đen trong hình tròn trắng trên nền cờ đỏ.
- Trong mẫu thiết kế chính thức thì nó nằm nghiêng một góc 45 độ thay vì nằm ngang, còn trong thực tế thì có lúc nằm nghiêng, có lúc nằm ngang.
          2) Chiều quay chữ Vạn theo một số nghiên cứu.  
Có nghiên cứu cho rằng:  chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh trong Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) đặt theo 4 hướng Tây, Bắc, Đông, Nam và Trung ương, và cho rằng: chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ thì cùng chiều tương sinh của Ngũ Hành, mới đem lại sự an lạc, công đức viên mãn, cát tường; còn nếu quay ngược với chiều tương sinh của Ngũ Hành thì nó thiêu hủy hết công đức, đem lại phiền não, rất nguy hại.

 
Nhưng tại sao lại liên kết chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh của Ngũ Hành? Giữa hai chiều nầy có gì liên hệ nhau? Tại sao không so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều quay của trái đất tự quay hay chiều quay của địa cầu quanh mặt trời, tức là chiều quay tự nhiên trong vũ trụ? Đây mới thực là chiều quay tự nhiên, thuận dòng Thiên lý; còn chiều tương sinh của Ngũ Hành chỉ là chiều qui ước do con người đặt ra mà thôi, không phải là chiều tự nhiên, hay chúng ta bị chữ tương sinh ám ảnh: "tương sinh" của Ngũ Hành cũng tương sinh công đức?
Có nghiên cứu cho rằng:  Tổ tiên Lạc Việt  đã cũng có đồ hình Lạc Thư để diễn tả các số Lẻ (Thời gian) và số Chẵn (Không gian) quay theo hai chiều Vãn (cùng chiều kim đồng hồ) và chiều Vạn (ngược chiều kim đồng hồ), cá biệt hóa mà sinh vạn vật. (Xem trong Lạc Thư Minh triết của Kim Định).
   
[http://www.vietnamvanhien.net/vanhoaluonghopthaihoa.html]
[http://batbai.net/@forum/threads/5315-Kim-tu-thap-chu-van-100-boc-trung-vien-tuong.html]
Có nghiên cứu cho rằng:  Khi xưa, vẽ hình chữ Vạn  quay theo chiều kim đồng hồ tượng trưng “Nhứt bổn tán vạn thù”; ngày nay là thời kỳ “Vạn thù qui nhứt bổn”, nên phải vẽ chữ Vạn  quay theo chiều ngược lại.
Có nghiên cứu cho rằng:  Chữ Vạnquay ngược chính là biểu tượng cho quỹ đạo vận động của các Thiên Hà. Hình chữ Vạn quay xuôi chính là biểu tượng cho sự tương tác của vũ trụ.
http://www.lyhocdongphuong.org.vn/van-hien-lac-viet/chi-tiet/dinh-menh-co-that-hay-khong-phan-28-641/
Có nghiên cứu cho rằng:  Chữ Vạncó chiều quay ngược sẽ tạo ra năng lượng tốt (phúc xạ). làm cho người nhìn thấy chữ Vạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Dấu hiệu này còn được dùng dể khử năng lượng xấu (ác xạ) của một vật dụng, nhất là vật dụng sử dụng điện, ví dụ như điện thoại di động, máy vi tính, TV ... Đây là hiệu ứng được xác định bằng cảm xạ học (E: radiesthesia;  F: radiesthésie).
III. Chữ Vạn trong Phật giáo.
          Cho tới thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, chữ Vạn mới được dùng trong kinh Phật.  Trong tín ngưỡng  Phật giáo, chữ Vạn cũng được xem là một trong  ba mươi hai tướng tốt của Phật. Chữ Vạn được xuất hiện trên ngực hoặc trên lòng bàn tay và gót chân.  Ở vị trí trên ngực, nó biểu thị công đức vô lượng của Phật hay tượng trưng cho lý Trung Đạo, không dính mắc vào hai cực đoan, vượt lên đối đãi.

          Chữ Vạn là phù hiệu, không phải là chữ viết. Tuy nhiên, một số nhà Phật học chưa thống nhất nhau về cánh bẻ trái hay bẻ phải ở đầu mút của phù hiệu này.
- Theo kinh Trường A Hàm, chữ Vạn là tướng tốt thứ 16 nằm trước ngực của Phật.
- Theo Đại Tất Già Ni Càn Tử Sở Thuyết kinh quyển 6, chữ Vạn là tướng tốt thứ 80 của PhậtThích Ca Mâu Ni, nằm trước ngực.
- Theo Thập Địa kinh luận quyển 12 có nói, khi Bồ-tát Thích Ca chưa thành Phật, giữa ngực có tướng chữ Vạn kim cương, biểu thị công đức trang nghiêm.
- Theo  Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 3 có nói đầu tóc của Phật cũng có 5 tướng chữ Vạn.
- Theo Hữu bộ Tỳ nại Da tạp sự quyển 29 nói : Ở lưng của Phật cũng có tướng chữ Vạn.
- Theo kinh Đại Bát Nhã quyển 381 nói rằng : Chân tay và trước ngực của Phật đều có "Cát tướng hỷ toàn" để biểu thị công đức của Phật, tức là chữ Vạn.
          Hai vị Cưu Ma La Thập và Huyền Trang dịch biểu tựơng này là chữ Đức, ngài Bồ Đề Lưu Chi thì dịch là chữ Vạn, biểu thị ý nghĩa công đức tràn đầy. Đến năm 639, thời Võ Tắc Thiên, mới đặt ra chữ này, đọc là Vạn và cho rằng chữ này có ý nghĩa là nơi nhóm hợp của muôn điều tốt lành.
1) Theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu,trang 68   và  Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN  (Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, chủ biên Kim Cương Tử, Q2, tr 1822): 
Vạn tự : Svastika hoặc Srivatsalaksara (thuật ngữ). 
          Chữ Vạn có hình dáng là: Vạn (mẫu A). Đây là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, đều sử dụng. Sớm nhất là trên tượng Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn là Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng, tức là tướng hải vân cát tường
          Các tôn sư Cư-ma-la-thập và Huyền Trang dịch là đức (). 
          Ngài Bồ Đề Lưu-Chi đời Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận quyển 12 dịch tiếng này là chữ vạn (), với nghĩa là công đức viên mãn hay không có lầm lỗi.       
          Nay chữ Vạn (mẫu A) là tướng(phù hiệu) chớ không phải tự(chữ) do tập quán thường gọi. Vậy nên có thể dịch là: cát tường hải vân tướng, tức là vạn tướng(= tướng chữ Vạn).
          Mặt khác, chữ Vạn (mẫu A)  tương tự như khi kính lễ Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi lông trắng ở giữa hai lông mày của đức Phật chuyển vòng về bên phải.  Tóm lại coi việc bẻ cong bên phải là tốt lành (cát tường). 
          Xưa nay, có khi viết là Vạn  là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21, Hoa Nghiêm Âm Nghĩa đều viết là Vạn .

          Dođó,theo Hòa Thượng Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả, hình chữ Vạn (A) làhợp lý.
2) TheoPhật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn (tr 600, Q.3): 
          Vạn tự: Svastika, chữ Vạn 卍 (cũng kêu Kiết tường). 
Ấy là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự.
          Chư Phật Thế Tôn đều có hình chữ Vạn nổi nơi ngực. Ấy là một tướng quí của các Ngài, và tóc của các Ngài cũng có hình chữ Vạn nữa.
          Vì chữ Vạn tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ ấy.
NÊN CHÚ Ý:  Không nên viết chữ Vạn ngược, vì các nhà học đạo cho là 4 cái đầu lửa, quay thuận chiều thì diệt sạch các phiền não, đem lại sự an lạc; mà quay nghịch chiều thì thiêu hủy các công đức, các thiện căn, thật rất nguy hại!
Dođó,theo tác giả Đoàn Trung Còn, hình chữ Vạn (B) đúng.
3) Theo Từ Điển Phật Học VN của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757:
          "Vạn : Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.


          Vạn là phù hiệu, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.  Nhà độc tài Phát xít Hitle cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng.
 o0o
Chứng & Đắc.
          1)Chứng (證;  E: To prove):  Là nghiệm thực, xác nhận.
1/.Chứng Đạo (證道;  P: Magga-sacchikaraṇa;  E: Understanding clearly or realizing the Path // To realise the Path):  
- Chứng 證= Chứng ngộ 證悟(= Giác ngộ 覺悟):  Là nghiệm thực và thấy được chân lý.
- Đạo 道(= Chân lý ):  Là lẽ thật mang tính quy luật.
Chứng Đạo còn gọi là Chứng Đại Bồ Đề 證大菩提, là sự lãnh hội hay nhận ra rõ ràng về Đạo (= Chân lý).
2/. Chứng đắc (證得);  P;S: abhisaṃbodha;  E: perfect enlightenment // To prove perfect enlightenme):  Nghĩa là chứng ngộ đắc pháp.
          - Chứng 證= Chứng ngộ 證悟(= Giác ngộ 覺悟):  Là nghiệm thực và thấy được chân lý.
- Đắc 得= Đắc pháp 得法= Đắc đạo 得道:  Là đạt được chân lý.
Chứng đắc còn gọi là Hiện chứng 現證, là sự nghiệm thực chân lý nơi tự thân và đạt được quả vị giải thoát nhờ tu học.
2) Đắc(得;  E: To attain, to obtain)
          1/. Đắc đạo (得道;  E: To attain the Way, To obtain the Way), cũng gọi Đắc độ (得渡),Đắc quả(得果):  Đắc đạo là chứng đắc đạo quả.
          Theo Phật giáo Nam truyền, có 4 quả vị chứng đắc sau:
          1. Sơ quả Tu-đà-hoàn初果須陀洹= Dự Lưu  (預流;  P: Sotāpanna;   S: Srotāpanna;  E:Stream-enterer).
2. Nhị quả Tư-đà-hàm二果斯陀含=Nhất Lai (一來;  P: Sakadāgāmi;  S: Sakṛdāgāmi;  E:Once-returner).
3. Tam quả A-na-hàm三果阿那含=Bất Lai  (不來;  P: Anāgāmi;  S:Anāgāmin;   E: Non-returner).
          4. Tứ quả A-la-hán四果阿羅漢= Bất Sinh(P: Arahant;  S: Arhat;  E: Complete-liberation). 
Theo Phật giáo Bắc truyền:
- Thanh Văn, Duyên Giác chứng đắc Thánh đạo vô lậu.
- Bồ Tát chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn.
- Phật chứng đắc Vô thượng bồ đề.
----------------
Chú thích:   - Thanh Văn (聲聞;  P: Sāvaka;  S: Śrāvaka;  E: Hearer)
                        - Duyên Giác (緣覺;  P: Pacceka-buddha;  S: Pratyeka-buddha;  E: Solitary enlightenment)
                        - Bồ Tát (菩薩;  P: Bodhisatta;  S: Bodhisattva;  E: Bodhisattva)
                        - Phật (佛= Phật Đà 佛陀;  P;S: Buddha;  E: Buddha)
 
Theo luận Đại Trí Độ quyển 27 nói rằng, ở pháp vị này rồi thì không còn rơi vào hàng phàm phu, gọi là người đắc đạo, các pháp thế gian muốn phá hoại tâm người này, nhưng không làm cho họ lay động được, vì họ đã đóng cửa 3 đường ác là Tham Sân Si.  
Theo luận Đại Trí Độ quyển 34 nói, thì có nhiều nhân duyên đắc đạo. Do nhân duyên chúng sinh bất đồng mà phương thức đắc đạo có khác. Vả lại, phải nhờ vào sắc thân mới có thể đắc đạo, cho nên trong 3 cõi thì chúng sinh ở cõi Dụccó đầy đủ nhân duyên đắc đạo; cõi Vô sắcvì không có sắc thân nên không được nghe chính pháp; còn chúng sinh ở cõi Sắcthì đắm trước cái vui thắng định, không có khổ thụ, không có tâm nhàm chán, cho nên cũng khó đắc đạo.
          2/. Đắc tam học:
          Tam học (三學;  P: Tisso sikkhā;  S: Tisraḥ śikṣāḥ;  E: Three studies):  Là 3 môn học chỉ ra phẩm chất của hành giảđạt được trong việc tu học, đó là Giới (= Đạo đức), Định (= Tâm định tĩnh vững vàng), Tuệ (= Tâm sáng suốt trong lành). Theo đó, đắc tam học có nghĩa là hành giả đạt đỉnh cao của Giới Định Tuệ, và được xem là phẩm chất của Bậc giác ngộ. Vì thế Tam học còn gọi là Tam vô lậu học 三無漏學.
          - Giới  (戒;  P: Sīla;  S: Śīla;  E: Virtue, moral conduct)         =>  Bi  
                    Là chuẩn mực về đạo đức, tức cách xử thế trong lành.       
- Định  (定;  P: Samatha;  S: Śamatha;  E: Calm mind)        =>  Dũng 
                    Là chuẩn mực về một nội tâm ổn định, vững vàng (nghị lực).                   
- Tuệ (慧;  P: Paññā;  S: Prajñā;  E: Wisdom)                     =>  Trí  
                    Là chuẩn mực về một nội tâm sáng suốt.                          
1.Đắc giớicó nghĩa rằng hành giả đắc giới thì dù ở trong giới mà không dính mắc vào giới.
2.Đắc địnhcó nghĩa rằng hành giả đắc định thì dù ở trong định mà không dính mắc vào định;
3.Đắc tuệcó nghĩa rằng hành giả đắc tuệ thì dù ở trong tuệ mà như không dính mắc vào tuệ.
o0o
Chướng.
          Chướng (障;  P;S: āvaraṇa;  E: hindrance):  Là những điều gây chướng ngại cho con đường tu tập giải thoát. Có 3 chướng ngại lớn (tam chướng) trên con đường giác ngộ-giải thoát là do vô minh, hành động tạo tác trong hiện tại (tạo nghiệp) và kết quả từ hành động đã làm (quả báo).
Tam chướng(三障;  S: Trīṇy āvaranāni;  E: Three hinderers) gồm:
          1/. Phiền não chướng煩惱障= Hoặc chướng惑障(S: kleśa-āvaraṇa;  E: hindrances of affliction):  Là chướng ngại gây nên bởi Tham Sân Si (dục vọng, hận thù, ngu si) thường xuyên sinh khởi. Bản tính con người vốn đầy đủ Tham Sân Si, rất khó trừ bỏ, khó dạy bảo, khó mở tỏ, khó chán lìa, khó được giải thoát.        
2/. Nghiệp chướng(業障;  S: karma-āvaraṇa;  E: hindrances of action): Là chướng ngại gây nên bởi những nghiệp ác do thân, miệng, ý tạo tác ra hay những 5 hành động bất thiện lớn (Xin xem mục từ Ngũ nghịch).
          3/. Báo chướng(異熟障;  S: vipāka-āvaraṇa;  E: hindrances of retribution):  Là chướng ngại gây nên từ những quả báo khổ do nhân xấu đã tạo ra.
          Trong “Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký ”, bài kệ hồi hướng viết rằng:
願消三障諸煩惱。  Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
                    願得智慧證明了。             Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu.
普願災障悉消除。  Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
世世常行菩薩道。  Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo.
Nguyện tiêu ba chướng não phiền,
Được nguồn trí tuệ, phá xiềng vô minh.
Nguyện trừ tội chướng điêu linh,
Hạnh lành Bồ-tát thường tinh tấn làm.
-----------------
Chú thíchỞ Như Lai thiền, có chỉ ra 5 chướng ngại của thiền định gọi là 5 triền cái, và 10  chướng ngại của thiền tuệ gọi là 10 kết sử.
o0o
Công án
Nội dung
I. Tổng quan về công án.
II. Phân loại công án.
I. Tổng quan về công án.
Công án(公案;  ja.: kōan), trong đó
- Công 公:  Có nghĩa là chung,  không riêng, không nghiêng về bên nào.
- Án 案:  Có nghĩa là vụ, vụ việc.
Công án nguyên nghĩa là một thể lệ công khai của nhà nước nhằm giải quyết các vụ việc, quyết định phải trái trong quan phủ. Thuật ngữ này được Thiền tông dùng để chỉ cho phương pháp tu tập, đó là Thiền công án, khác với cặp Thiền ‘Chỉ/Quán’(/;  P: Samatha  S: Śamatha / P: Vipassanā  S: Vipaśyanā) trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ.
Thiền công án được khởi xướng từ đời Đường, đến đời Tống thì rất thịnh hành.
1) Mục đích và ý nghĩa của Công án.
Khoảng giữa thế kỉ thứ 10, Thiền tông bắt đầu dùng công án như phương tiện để giáo hoá, và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Vì lời giải của công án thường nằm ngoài lý luận, nên thiền sinh thấy rõ giới hạn của tư duy và bị buộc phải chuyển hoá tâm thức bằng một bước nhảy mang tính trực giác, qua khỏi sự mâu thuẫn của lý luận nhị nguyên. Với tâm thức này, thiền sinh có một kinh nghiệm trực tiếp về thể tính, đó là tính chất chung nhất của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ - đó là Duyên khởi tính.
Phương tiện công án được phổ biến trong các dòng thiền Lâm Tế tông, Tào Động tông ở Trung Quốc và Nhật Bản. Người ta cho rằng, gom góp lại có tất cả khoảng 1.700 công án, nhưng ngày nay còn khoảng 500-600 được lưu hành tại Nhật. Phần lớn các công án được ghi lại trong các tập như Vô môn quan, Bích nham lục, Thong dong lục, Lâm Tế lục.
Người ta thường nhắc đến việc sử dụng công án làm phương tiện tu tập trong tông Lâm Tế, nhưng chính tông Tào Động cũng thường hay sử dụng. Các Thiền sư khuyến khích môn đệ của mình tham quán công án nhằm cản trở tâm của thiền sinh trở lại tâm thức của phàm phu sau khi đã nếm được mùi vị giác ngộ lần đầu, tức "lần đầu thấy đạo" (đó là thức=> trí). Ngoài ra, việc quán công án cũng giúp thiền sinh phát triển và mở rộng kinh nghiệm giác ngộ cho đến lúc tỉnh ngộ triệt để, được thầy ấn khả (tức tâm thức cũng chính là tâm trí ).
Khi trắc nghiệm sự chứng ngộ của môn đệ trong lúc tu tập công án cấp cao, các Thiền sư thường đặt ra những câu hỏi đặc biệt, hỏi ngang dọc, hỏi về sự liên hệ của công án (thiền sinh đang quán) với chân lý (Duyên khởi), đặt những câu hỏi mới, khác biệt (tạp tắc 雜則) song song với công án gốc (bản tắc 本則). Vì vậy, công án chính được soi sáng cùng tận bằng nhiều cách khác nhau. Điều dĩ nhiên là thiền sinh không thể tham quán tất cả 1.700 công án, nhưng một số tương đối lớn được tham quán và thiền sinh được trắc nghiệm tường tận.
Bản tắc (本則) nghĩa là "Quy tắc căn bản", là một cách gọi khác của một Công án, được sử dụng trong hai tập Bích nham lục và Vô môn quan để phân biệt với những thành phần khác của công án như "thuỳ thị (垂示)", "trước ngữ (著語)", "bình xướng (評唱)" [Xin xem  Bích nham lục– Wikipedia tiếng Việt].
 Công án có năm yếu nghĩa:
1. Làm công cụ cho sự ngộ Thiền,
2. Làm phương pháp khảo nghiệm,
3. Làm khuôn phép cho đời sau nương tựa,
4. Làm vật tin cho sự ấn chứng,
5. Làm tiêu điểm cùng tột.
2) Nội dung và hình thức Công án.
Công án có nghĩa là một câu chuyện Thiền, một vấn đề Thiền dù đó là ngắn hay dài. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến.
Công án có chung một ý là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lý, "nằm ngoài phạm vi của lý luận".
Công án không phải là "câu đố" thông thường, vì nó không hề được giải đáp bằng lý luận, hành giả muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức, đó là nhận thức vượt lên các lý luận đối đãi nhị nguyên gây nên dính mắc.
Thí dụ:
- Một ông tăng hỏi sư Động Sơn: “Phật là gì?”  -  Động Sơn đáp: “Ba cân gai” .
- Một ông tăng hỏi sư Triệu Châu: “Ý Tổ Đạt Ma từ Tây Trúc qua là thế nào?”  -Triệu Châu đáp “Cây trắc bá ngoài sân!”.
Công án trong Thiền tông Trung Hoa còn gọi là Thoại đầu話頭[Thoại :  Là nói // lời nói.  Đầu 頭:  Là trước ]  hay Nghi tình疑情, đó là những gì ở trước ý niệm về điều mà ta cần biết khi nói, nghĩa là “điều mà ta muốn hiểu muốn biết mà không thể hiểu biết được”.
Đầu 頭còn có nghĩa là đầu mút, có thể có nghĩa chỗ khởi đầu hoặc chấm dứt của một cái gì. Như thế, “thoại đầu” còn có nghĩa là “các đầu của một câu văn”.
Thí dụ:
- Đệ tử hỏi ngài Triệu Châu, “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu đáp: “Không!”  đầu mút cuối câu văn là chữ “Không” là thoại đầu của công án.
- “Ai là người đang niệm Phật?” là một câu văn. Đầu mút khởi đầu câu văn là chữ “Ai” là thoại đầu của công án. 
Tham Công án 参公案hay Tham thoại đầu参話頭hayKhán thoại đầu看話頭thường ngụ ý là cố giải quyết một vấn đề Thiền như: “Ai là người đang niệm Phật?”  hay “Tất cả các pháp quy về một, cái một ấy quy về đâu?” 
[Tham参:  Là theo đuổi, can dự, gia nhập.  Khán看:  Là trông, coi, xem, nhìn.]
Thí dụ:
- Đệ tử hỏi ngài Triệu Châu, “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu đáp: “Không!”  Nguyên câu hỏi là một công án, vớithoại đầu là “Không”. Theo đó, “Không” được gọi là tham công án hay tham thoại đầu dành cho hành giả.
- "Ai là người đang niệm Phật ?"  Nguyên câu hỏi là một công án, vớithoại đầulà “Ai”. Theo đó, “Ai” là tham công án hay tham thoại đầu dành cho hành giả: Lúc tâm chưa khởi lên chữ "Ai", thì “Ai” như thế nào? Giống như lúc đang niệm Phật, có người đến hỏi:
- Bạch Thầy! "Ai" đang niệm Phật?
Nếu đáp:
- Tôi là người đang niệm Phật.
Người đó lại hỏi:
- Thầy là người niệm Phật. Vậy miệng niệm hay ý niệm? Nếu nói miệng niệm thì lúc ngủ, sao không niệm? Nếu nói tâm niệm thì lúc thân này chết mất, sao không tiếp tục niệm?
Thông thường thì Công án không thể đem suy lý hoặc giải thích được, vì tinh thần Thiền vốn vượt lên nói năng, suy tư, cho nên thầy phải nhờ đến Công án phi luận lý tính để khơi dậy cái trực giác nằm sâu dưới lớp ý thức phân biệt của học trò để giúp học trò thể chứng chân tính (= Duyên khởi tính).
II. Phân loại công án.
1) Phân loại công án theo truyền thống Trung Hoa:
Việc đề xướng ra công án được khởi đầu dưới thời nhà Đường bên Trung Quốc, đến thời nhà Tống thì trở nên thịnh hành. Có hai loại công án là Cổ tắc công án (古則公案) và Hiện thành công án (現成公案).
1/. Cổ tắc công án:  Do thiền sự Đại Huệ (大慧) kết tập. Cổ tắc công án có nghĩa là công án hay phương tiện công phu của cổ nhân đã từng dụng công rất nhiều để dẫn dắt hành giả đạt đến sự giác ngộ chân lý.
Ví dụ như vị Thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc là Triệu Châu Tùng Thẩm (趙州從諗), người có công án bất hủ là Cẩu Tử Phật Tính (狗子佛性). Cẩu tử (狗子) nghĩa là con chó. Câu nầy có nghĩa là con chó có Phật tính hay không ? Đó là câu hỏi để trắc nghiệm hành giả. Trong kinh Niết Bàn có dạy rằng: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tính”. Như vậy ta có thể suy luận được rằng con chó kia cũng có khả năng thành Phật. Nhưng cũng có trường hợp cho rằng: “Không được, chỉ có con người mới có thể thành Phật”. Thế thì đúng sai thế nào chính là vấn đề đưa ra để trắc nghiệm hành giả. Như thế, mục tiêu thật sự Triệu Châu nhắm đến không phải là con chó, mà nương vào cái gọi là con chó ấy để trắc nghiệm xem thử việc tu hành của vị tăng đã đạt đến mức độ nào, đã giác ngộ chân lý Duyên khởi hay chưa mà thôi.
Thêm vào đó, cổ nhân đã để lại khá nhiều quy tắc, phương pháp thông qua công án để giúp hành giả đạt đến cảnh giới giác ngộ. Một số Cổ tắc công án nổi tiếng như Bích Nham Lục (碧巖錄), Tùng Dung Lục (從容錄), Vô Môn Quan (無門關).
- Bích Nham Lục là tập thâu lục 100 tắc công án của Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤) thuộc Lâm Tế tông, thầy của Đại Huệ.
- Tùng Dung Lục cũng là tập thâu lục 100 tắc công án của Vạn Tùng Hành Tú (萬松行秀) thuộc Tào Động tông.
- Vô Môn Quan là tập thâu lục 48 tắc công án của Vô Môn Huệ Khai (無門慧開) của Lâm Tế tông.
Trường hợp Đại Huệ thì cũng học theo các bậc thầy của mình, thâu tập 661 công án để hình thành nên bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng.
2/. Hiện thành công án:  Do thiền sư Đạo Nguyên kết tập.Hiện thành có nghĩa là cái hiển hiện ngay trước mắt chúng ta mà hình thành nên. Cho nên Hiện thành công án có nghĩa là tất các sự vật, hiện tượng hay các pháp mà hiển hiện và hình thành nên ngay trước mắt chúng ta đều làsự giác ngộ hay chân lý bất di bất dịch.
Núi, sông, hoa, chim, mây, gió, tuyết, mưa, v.v., đều có thể trở thành công án cả. Cho nên, theo Đạo Nguyên thì hết thảy sự vật hiện hữu trên đời nầy đều là công án. Việc Đạo Nguyên đưa ý nghĩa công án thành Hiện thành công án không phải là giải thích độc đáo của ông mà là ông muốn trả về nguyên lai ý nghĩa của công án vậy.
Việc Đạo Nguyên đưa ý nghĩa công án thành Hiện thành công án không phải là giải thích độc đáo của ông, mà là ông muốn trả về nguyên lai ý nghĩa của công án. Dưới thời nhà Tống, công án đã bị giới hạn trong khuôn khổ của ý nghĩa Cổ tắc công án, và chính việc làm của Đạo Nguyên là trả về lại vị trí nguyên sơ của công án.
Trường hợp Đạo Nguyên thì thâu tập vô số không có giới hạn công án hình thành nên bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng.
Từ đó ta có thể thấy được sự khác nhau giữa hai bản Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đại Huệ và Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên. Đại Huệ thì thông qua Cổ tắc công án do cổ nhân để lại để làm cho hành giả giác ngộ chân lý; còn Đạo Nguyên thì thông qua hết thảy sự vật hiện tượng hiển hiện và thành lập ngay trước mắt mình để dẫn dắt hành giả đạt đến giác ngộ chân lý.
Người sử dụng đầu tiên từ Công án cho đến nay chúng ta vẫn không rõ, nhưng từ này ngày xưa có nhân vật Mục Châu (睦州) đã từng dùng đến nó. Ông là vị tăng sống vào thời nhà Đường. Theo truyền ký về Mục Châu cho biết rằng nhân khi thấy có vị tăng đi đến, ông bảo rằng: “Hiện thành công án, phóng nhữ tam thập bổng” (現成公案、放汝三十棒), có nghĩa rằng đối với kẻ mà cứ thơ thẩn đây đó như nhà ngươi thì đáng lý ra phải cho ăn đòn ba mươi cây gậy, nhưng vì hết thảy vạn vật xưa nay đều giác ngộ, nên hôm nay ta tha đòn cho nhà ngươi. Qua đó ta cũng thấy được rằng, từ xưa kia người ta đã có dùng đến từ Hiện thành công án rồi.
2) Phân loại công án theo truyền thống Nhật Bản:
Trong Lâm Tế tông tại Nhật Bản, các vị thiền sư thường phân biệt năm loại công án:
1/. Pháp thân công án (法身公案;  ja.: hosshin kōan):  Gồm các loại công án có thể giúp đỡ thiền sinh chỉ một bước một là vượt thế giới nhị nguyên, lần đầu chứng ngộ trực tiếp Pháp thân (S: Dharmakāya;  ja.:hosshin), Phật tính S: Buddhatā;  ja.: busshō), mà theo Tâm kinh được nói là "Sắc tức là Không". Rất nhiều công án trong các tập danh tiếng được xếp vào loại này mà nổi danh nhất có lẽ là công án thứ nhất của tập Vô môn quan với tên "Con chó của Triệu Châu * Triệu Châu cẩu tử *  趙州狗子).
2/.Cơ quan công án (機關公案;  ja.: kikan kōan *  'cơ quan' ở đây có thể hiểu là bộ phận, dụng cụ):  Mục đích của các Pháp thân công án là thế giới bất phân biệt, nhưng thiền sinh chưa được dừng chân nơi đây. Cơ quan công án hướng dẫn thiền sinh đến một bước nữa, đó là phân biệt trong thế giới không phân biệt, ngộ được lý "Không tức là Sắc". Được xếp vào loại này là công án 17 và 37 của Vô môn quan.
3/.Ngôn thuyên công án (言詮公案;  ja.: gonsen kōan): Gồm những công án mà thiền sinh phải tham quán ý nghĩa tột cùng của ngôn ngữ mà chư vị tiền bối sử dụng hoằng hoá (ngôn thuyên 言詮có nghĩa là ngôn ngữ giải thích kĩ càng, trọn vẹn). Các vị Thiền sư sử dụng ngôn ngữ rất tài tình, đầy thi vị nhưng điểm đặc sắc nhất là các ngôn ngữ này không hề dừng bước chỉ trong khuôn khổ thẩm mĩ mà vượt qua cả nó, bao hàm ý nghĩa cùng tột, trực chỉ chân lý. Đại diện cho loại công án này chính là Bích Nham Lục của Thiền sư Viên Ngộ. Một số công án trong Vô Môn Quan cũng được xếp vào loại này (21, 24, 27, 30, 33, 34).
4/.Nan thấu công án (難透公案;  ja.: nantō kōan):  Gồm những công án rất khó (= nan 難) để lĩnh hội (= thấu 透) vì những sự đối nghịch ngay trong trường hợp được trình bày. Các công án thuộc loại này giúp thiền sinh khinh an thấu rõ được sự vô ngại của sự vật, có thể nói theo giáo lý của Hoa Nghiêm tông là Sự Sự vô ngại (事事無礙). Chính sự chinh phục, thấu hiểu lý này là yếu tố của tâm tư khinh an, tự do tự tại mà các bậc giác ngộ thụ hưởng. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc thường nhắc đến tám công án thuộc loại này mà trong đó ba công án nằm trong tập Vô Môn Quan, đó là tắc (quy tắc 则) 13, 35, 38.  Công án 38 như sau: "Ngũ Tổ Pháp Diễn hỏi chúng: Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đều lọt, sao đuôi lại chẳng lọt được?"
5/.Ngũ vị công án (五位公案;  ja.: goi kōan):  Gồm các công án cuối cùng mà thiền sinh phải vượt qua. Các công án này có liên hệ trực tiếp với vị tổ khai sáng Tào Động tông là Thiền sư Động Sơn Lương Giới. Kinh nghiệm giác ngộ của thiền sinh đạt được qua bốn loại công án trước được thử thách lần cuối.
Là một phương tiện tối trọng để đạt giác ngộ, phép quán công án đòi hỏi ba yếu tố mà thiền sinh phải đạt được, đó là: Đại tín căn, Đại phấn chí và Đại nghi đoàn.
- Đại tín căn ở đây được hiểu như là niềm tin tuyệt đối vào khả năng giác ngộ của chính mình.
- Đại phấn chí  là sự tinh tấn, kiên trì dũng mãnh.
- Đại nghi đoàn ở đây không có nghĩa nghi ngờ bình thường mà chỉ trạng thái tập trung tư tưởng tuyệt đỉnh.
Các điểm mâu thuẫn trong công án có nhiệm vụ gia tăng Đại nghi đoàn này và Thiền sư Bạch Ẩn bảo rằng: "Đại nghi - Đại ngộ * 大疑大悟", nghĩa là càng nghi nhiều, càng ngộ sâu.
Trong lời bình của công án đầu tiên của Vô Môn Quan, Thiền sư Vô Môn Huệ Khai viết như sau (Trần Tuấn Mẫn dịch):
... Hãy tận dụng ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm trở thành một khối nghi, tham ngay chữ “Không”, ngày đêm nghiền ngẫm... Bỏ hết những cái biết tệ hại trước kia, lâu ngày trở thành thuần thục, tự nhiên trong ngoài thành một khối, như kẻ câm nằm mộng chỉ một mình mình hay. Bỗng nhiên bộc phát, trời kinh đất chuyển, như đoạt được thanh đại đao của Quan Vũ, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sinh tử, đạt đại tự tại, chu du trong lục đạo, tử sinh....
o0o
Công đức và Phúc đức.
        1) Ngữ nghĩa của công đức và phúc đức.
1/.  Công đức 功德, trong đó:
- Công 功:  Là việc làm // việc đã làm được.
- Đức 德:  Là tốt, lành, thiện.
Theo đó, công đức là việc làm thiện lành, bao gồm giúp sự tu hành tinh tấn, lợi ích chúng sinh, còn gọi là thiện sự 善事.
2/.Phúc đức hay Phước đức福徳, trong đó:
- Phúc 福:  Là những sự tốt lành do ta làm (làm phúc) hay thụ hưởng (hưởng phúc).
- Đức 德:  Là tốt, lành, thiện.
Theo đó, phúc đứclàm nhiều điều tốt lànhhay hưởngnhiều điều tốt lành.
          Như vậy, công đức và phúc đức là cận nghĩa với 2 cách nói khác nhau. Vấn đề là việc làm thiện lành xuất phát từ một nội tâm Hữu ngã  hay nội tâm Vô ngã, mà có kết quả tốt lành là hữu lậu 有漏hay vô lậu無漏tương thích [Xin xem mục từ Lậu hoặc và Vô lậu].
          Theo đó:
          Công đức 功德# Phúc đức福徳(P: Puñña;  S: Puṇya;  E: Merit).
          Trong kinh Tăng Chi 4, tr. 264-:-265 khi nói về công đức, có ghi như sau:
“Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói :  “Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học.  Có công đức lớn hơn  xây tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng.  Có công đức lớn hơn thọ tam quy là giữ năm giới.  Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm Từ Bi, dù là trong giây phút.  Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý Duyên khởi – Vô thường, Vô ngã,  của mọi sự vật ””.
2) Quan niệm công đức và phúc đức trong Phật giáo Bắc truyền.

Bodhidharma - Wikipedia
 Bồ-đề-đạt-ma – Wikipedia tiếng Việt
Cuộc gặp gỡ giữa Bồ-đề-đạt-ma và vua Lương Vũ Đế được các ngữ lục ghi lại như sau:
Là một người phụng sự đạo Phật, vua Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp.
Lương Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- "Tại sao không công đức?"
- "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật."
- "Vậy công đức chân thật là gì?"
Sư đáp: "Tríphải được thanh tịnh hoàn toàn. Thểphải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được."
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của Thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là Thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Tôi không biết."
Qua câu chuyện trên đây, nhiều kiến giải cho rằng công đức là việc làm thiện lành phát xuất từ một nội tâm Vô ngã, tức phúcvô lậu, và công đức là cách nói khác của hạnh bốthí vô tướng(= bố thí ba-la-mật-đa)nơi Bậc giác ngộ chân lý; còn phúc đức là việc làm thiện lành phát xuất từ một nội tâm Hữu ngã, tức phúchữu lậu, và phúc đức là cách nói khác của hạnh bố thí chấp tướng.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy về công đức như sau:
Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức* 內勤劾念之功,外弘不争之德* Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức”.  Nghĩa là: “bên trong”  chuyên cần loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người…, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, nhún nhường, tùy hỷ công đức; còn “bên ngoài” phải thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng… Như vậy chúng ta có được trọn vẹn “công đức”.
Trong kệ Hồi hướng Phát nguyệncó viết: 
                              Nguyện đem công đức này
                              Hướng về khắp tất cả
                              Cho mọi loài chúng sinh
                              Đều trọn thành Phật đạo
Đây là ước nguyện thiện lành, khuyến tấn Từ Bi, thực hành hạnh bố thí, đặc biệt là Pháp thí. Trong bối cảnh xướng tụng bài kệ, cho thấy chữ “công đức” nơi đây hàm ý Văn tuệ + Tư tuệ + Tu tuệ  mà hành giả đã thu hoạch được trong quá trinh tiếp cận với sự tu học.
o0o
Cúng dường.
Cúng dường供養còn gọi là Cung dưỡng供養,Cung thí供施, Cung cấp供給(P;S: Pūjā;  E: Offering and sustaining//To make offerings of whatever nourishes, e.g. food, goods, incense lamps, scriptures, the doctrine etc., any offering for body or mind).  Trong đó: 
- Cúng 供:  Là cung cấp // tặng, dâng tặng, hiến tặng.
- Dường 養:  Là nuôi dưỡng, săn sóc, tu bổ.
Theo đó, cúng dường là cung cấp chăm sóc cho thân hoặc tâm như thực phẩm, hàng hóa, đèn hương, kinh sách, giáo pháp, v.v..
          Từ “pūjā” xuất phát từ gốc có nghĩa là 'một bông hoa' được dâng lên đức Phật khi Ngài đến một địa điểm cụ thể trong chuyến du hành của mình. Còn các pujas được xem là các lễ bái từ phong tục được thực hành ở Phật giáo Theravada, bao gồm đặt hoa, đèn và hương trước một biểu tượng hoặc hình ảnh của đức Phật.
          Cúng dường là cách nói của bố thí 布施đối với các đối tượng mà chúng ta ngưỡng mộ, kính trọng như đức Phật, chư Tăng, Cha Mẹ (báo hiếu), Thầy Cô (báo ân) ...
          Trong kinh Pháp Cú có dạy:
Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu,
Cúng dường vậy tốt hơn.
                                                           Kệ 107
Hơn trăm năm tế tự.
Suốt năm cúng tế vật,
Ðể cầu phước ở đời.
Không bằng một phần tư
Kính lễ bậc chánh trực               
                                                           Kệ 108
Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Ðoạn diệt mọi sầu bi.
                                                           Kệ 195
Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được.”
                                                           Kệ 196
          Trong kinh Tăng Chi 4, tr. 264-:-265, khi nói về cúng dường, có ghi như sau:
“Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói :  “Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học.  Có công đức lớn hơn  xây tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng.  Có công đức lớn hơn thọ tam quy là giữ năm giới.  Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm Từ Bi, dù là trong giây phút.  Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý Duyên khởi – Vô thường, Vô ngã,  của mọi sự vật ””.
o0o
Dị thục.
Dị thục (異熟;  P;S: vipāka) hay Dị thục quả (異熟果;  P;S: vipāka-phala).
- Dị 異:  Có nghĩa là khác.           - Thục 熟:  Có nghĩa là chín.
Theo đó, dị thục dùng để chỉ chung cho quả báo có một tính chất khác với cái nhân thiện hay ác đã tạo ra từ trước. Vì quảkhi chín (thục) thì tính chất lại khác (dị) với nhânnên gọi là dị thục. Có 3 dạng khác:
- Tướng dạng khác(Biến dị thục 變異熟):  Gieo hạt mít, thành cây, kết hoa, quả - Tức [Hạt mít => Quả mít].
          - Thời gian khác(Dị thời thục 異時熟):  Từ khi gieo hạt mít cho đến khi có quả mít, phải trải qua một thời gian dài.
          - Tính chất khác(Dị loại thục 異類熟):  Mùi vị hạt mít  có khác với quả mít.
Trong phạm vi Nhân Quả thiện ác, vấn đề thấy rõ hơn:  Tạo nhân ác thì chịu quả khổ. Quả khổ ấy không phải là ác, mà là vô ký, nghĩa là không thiện không ác.
Trong Câu-xá luận nói:‘Khi Nghiệp đã tạo đi đến thời gian cho kết quả, nó biến thái rồi mới chín, cho nên gọi là Dị thục. Nghĩa là, nghiệp sau khi được nấu chín (tức là đến lúc phát sinh quả báo), cái phát sinh từ đó được gọi là Dị thục sinh.
o0o
Dục
Nội dung
I. Dục theo quan điểm Phật giáo Nam truyền.
II. Dục theo quan điểm Phật giáo Bắc truyền.
III.  Tính dục và tôn giáo.
I. Dục theo quan điểm Phật giáo Nam truyền.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, chương Mười pháp, phẩm Tâm, đức Phật đã khẳng định: “Tất cả pháp lấy Dục(慾;  P;S:Chanda;  E: Intention, Desire to act) làm căn bản. Tất cả pháp lấy Tác ý (作意;  P;S: Manasikāra;  E: Ideation) làm sinh khởi.  Điều này có nghĩa là trong Tam giới, các pháp đều có những mong cầu.
1) Dục(欲, 慾;  P;S:Chanda): Có nghĩa là ý muốn, sự mong muốn, sự ước muốn không mang tính đạo đức, được dùng kết hợp với cảnh có thể trở thành hoặc bất thiện, hoặc thiện, hoặc không thiện cũng không bất thiện. Như vậy, Dục  có 3 loại là:
1/. Dục dục (欲欲;  P;S: Kāma-chanda): Là sự mong muốn tầm cầu năm trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) tốt đẹp hay những pháp khả ái trong Dục giới như: vua, quan đại thần, chư thiên… Dục dục là nền của những mong muốn an lạc hạnh phúc thế gian.
Trong kinh Trung Bộ - 54, kinh Potaliya có nói:
Dục dục # Lạc dục (樂欲;  E: Desire, wish, longing) được ví như khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāma được ví như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāma được ví như bó đuốc cỏ, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāma được ví như hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; v.v...
Dục dục # Tham dục (貪欲;  E: Sensory desire) chính là một trong năm pháp triền cái (P: Nīvaraṇa;  S: Nivāraṇa). Đây là một loại “mong ước xấu”, đưa đến kết quả tai hại.
Dục dục là bất thiện.
Tính dục(;  E: sexuality),  Nhục dục(肉;  E: carnal desire),  Tình dục(情;  E: sex),  Dâm dục(淫;  E: concupiscence),  Ái dụchayÁi (愛;  E : love) đều là Dục dục.
2/. Pháp dục (法欲;  P: Dhamma-chanda;  S: Dharma-chanda;  E: Desire (striving) for liberation)  là mong cầu đạt được pháp cao thượng như thiền định, đạo quả siêu thế, Niết-bàn. Chính Pháp dục là nền tảng cho sự thành tựu những thiện pháp, đồng thời làm tăng trưởng những thiện pháp ấy cho đến khi viên mãn. Pháp dục là nền của những mong muốn các pháp cao thượng.
Chư Bồ-tát dù là Bồ-tát Thinh văn, Bồ-tát Độc giác hay Bồ-tát Chánh Đẳng Giác đều xuất phát từ Pháp dục này. Chính Pháp dục này khiến Thái tử Siddhattha lìa bỏ lạc dục thế tục, xuất gia để tìm đạo thoát khổ.
Pháp dục là thiện.
3/. Tác dục (;  P: Kattukamyatā-chanda;  E: Mere wish to do something), là ý muốn làm. Đây là sự mong mỏi của vị A-la-hán đối với chúng sinh, vị A-la-hán mong chúng sinh thoát khỏi khổ, nên các ngài có ý muốn trợ giúp chúng sinh bằng cách giảng pháp, hoặc tạo điều kiện cho chúng sinh thoát khỏi khổ do sự cúng dường đến hay đảnh lễ các ngài. Tác dục là nền của những mong muốn có việc làm của vị Thánh vô lậu.
Những việc làm của các vị Thánh A-la-hán không xuất phát từ “mong cầu hưởng thụ” cũng không xuất phát từ “mong cầu được thắng đạt” mà chỉ là “ý muốn làm”.
Tác dục là không thiện cũng không bất thiện(# Duy tác).
          Trong kinh Trung Bộ - 13. Ðại kinh Khổ uẩn có nói về Dục dục gồm:
Vị ngọt của các dục, Sự nguy hiểm của các dục, Sự xuất ly của các dục như sau:
- Này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các dục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có 5 dục từ Sắc pháp do Nhãn căn, từ các Thinh do Nhĩ căn, từ các Hương do Tỷ căn, từ các Vị do Thiệt căn, từ các Xúc do Thân căn - nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm dục này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.
- Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các dục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục.
(Mong muốn có tài sản mà không được; Có tài sản mà không giữ được; Do dục làm nhân, làm duyên mà tranh đoạt lẫn nhau; Do dục làm nhân, làm duyên mà dàn trận đánh nhau; Do dục làm nhân, làm duyên mà cướp bóc rồi chịu các loại hình phạt; Do dục làm nhân, làm duyên mà làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung bị sinh vào cõi dữ. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục).
- Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly các dục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đây là sự điều phục tham dục đối với các dục, sự đoạn trừ thamdục, như vậy là sự xuất ly các dục.
2) Thiện dục và Ác dục.
Theo phương diện đạo đức, cách gọi:
1/.Ác dục惡欲:  Đó là lòng ham muốn chỉ đem lại lợi ích cho riêng mình, không phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Biểu hiện của ác dục là những nhận thức suy nghĩ và hành động có tính vị kỷ.
Các ác dục luôn là các ham muốn dính mắccủa các chúng sinh bất thiện, đó là Dục dục.
2/. Thiện dục 善欲:  Đó là lòng ham muốn đem lại lợi ích cho mình và cho người.
- Ở khía cạnh thế tục, thiện dục là các ham muốn dính mắccủa các chúng sinh hướng thiện do từ nhận thức, suy nghĩ và hành động có tính vị tha.
- Ở khía cạnh giải thoát, thiện dục dùng để chỉ các ham muốn không dính mắc của các bậc giác ngộ, đó làPháp dục  hayTác dục
3) Lục dục

 

 
Sơ đồ Lục căn và Lục trần
Lục dục (欲;  E: Six desires to act):  Lục dục là 6  điều ham muốn. Ham muốn đây hàm ý là tiếp nhận (tham) hay loại trừ (sân). Lục trần khêu gợi Lục căn, sanh ra Lục thức; Lục thức sanh ra Lục dục. Lục dục nơi đây được xem là Dục dục, gồm có:
    1. Sắc dục:                   Ham muốn nhìn thấy (hình sắc).
    2. Thinh dục:                Ham muốn nghe nói (âm thanh).
    3. Hương dục:              Ham muốn ngửi thở (mùi).
    4. Vị dục:                     Ham muốn ăn uống (vật thực).
    5. Xúc dục:                   Ham muốn tiếp chạm (bề mặt + nhiệt)
    6. Pháp dục:                 Ham muốn suy tưởng.
Bốn thứ lục căn, lục trần, lục thức, lục dục ấy liên hệ mật thiết nhau, tương tác nhau, theo bảng sau đây:
 
LỤC CĂN + LỤC TRẦN
(hữu+vô)
=> LỤC THỨC
  (vô hình)
─> LỤC DỤC
 (vô hình)
Nhãn (=mắt)   Sắc trần   Nhãn thức   Sắc dục
Nhĩ (= tai)   Thinh trần   Nhĩ thức   Thinh dục
Tị (= mũi)   Hương trần   Tị thức   Hương dục
Thiệt (= lưỡi)   Vị trần   Thiệt thức   Vị dục
Thân (= da)   Xúc trần   Thân thức   Xúc dục
Ý (= não bộ)   Pháp trần   Ý thức   Pháp dục
 
 
Con người có lục căn nên mới có lục thức, đây là những thấy biết có tính tương đối, nhưng lại xu hướng tuyệt đối hóa, cực đoan chấp thủ. Lục thức bị lục trần cám dỗ mới sanh ra lục dục – đó chính là tham-sân, là đầu mối của sự bị động trong chuỗi sinh tử-luân hồi.
Vì thế, để tránh tai hại của dục, cho dù là thiện dục là cái nên khuyến khích trong đời sống hàng ngày – vì cái mà ta cho là thiện hôm nay, đến một lúc nào đó nó có thể sẽ trở thành bất thiện.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã chỉ dạy người tu phải luôn cảnh giác để sống tốt với cuộc đời, song không phải dính mắc vào đó là đầu mối của nghiệp mà ta không ngờ được:
"Các thầy phải tu sáu pháp vô-thượng. Những gì là sáu ?
          - Mắtthấy sắc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Tainghe tiếng, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Mũingửi mùi, không ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng. 
- Lưỡinếm vị, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Thânchạm xúc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Ýsuy tưởng đối với mọi việc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.”
---------
Chú thích
1)Cụm từ  “hãy trụ tâm nơi xả” (tức tâm buông xả) cho thấy tâm vẫn biết rõ cảm giác và tri giác dễ chịuhay khó chịukhi Căn tiếp xúc với Trần (Cảnh). Tuy nhiên, khi quán chiếu cảm giác chỉ là sản phẩm của hợp Duyên, và sản phẩm này là không có thực tính, là ‘có, nhưng không thực là có, đến rồi sẽ đi’. Như thế tâm sẽ không dính mắc vào cảm xúc (= cảm thọ: Lạc – Khổ – Trung tính), nên tâm tỉnh sáng.
2) Có sự phân biệt giữa Cảnh và Trần:
- Cảnh, dùng chỉ cho ngoại cảnh được tâm cảm giác và tri giác, nhưng không dẫn đến cảm xúc (tâm không dính mắc => tâm Vô trụ).
- Trần, dùng chỉ cho ngoại cảnh được tâm cảm giác và tri giác và dẫn đến cảm xúc (tâm dính mắc => tâm Ái).  
3) Dục vọng(E: untrue desire) :  Làlòng ham muốn không đúng như thực,  ở các mặt vật chất, tình cảm, lý trí;  đây được xem là ác dục.
4) Dục chân(E: true desire) :  Làlòng ham muốn đúng như thực, ở mặt chân lý.  Ví dụ  dục như ý túc  trong  tứ như ý túc ( P,S : iddhipada )  của 37 phẩm trợ đạo;  đây được xem là thiện dục.
5) Dục còn có cách viết và nghĩa khác như sau:
- Dục欲: lòng ham muốn.
- Dục 育:  sinh, dưỡng, nuôi.  Như: giáo dục 教育,  thể dục 體育,  trí dục 智育,  đức dục 德育).
- Dục 浴:  tắm (dục Phật 浴佛)         
          4) Dục ái và Ái dục.
          Dục ái và Ái dục là những từ gốc Hán, trong đó:
          Ái  (愛;  P: taṇhā;  S: tṛṣṇā;  E: craving, thirst):  Có nghĩa là yêu thương, yêu quý.  Bản chất của yêu là kết nối, gắn bó.  Trong đạo Phật,Ái hàm ý là dính mắc.
1/.Dục ái(欲愛;  P: kāmataṅhā;  S: kāmatṛṣṇā):  Là sự dính mắcvì ham muốn  của cõi Dục (Dục giới). Theo đó, Sắc áiVô sắc áilà sự dính mắcvì ham muốn  của cõi Sắc (= Sắc giới)vàcõi Vô sắc (= Vô sắc giới).Nội dung của Dục ái là 6 dính mắc (Ái) 6 loại ham muốn (Lục dục).
          2/. Ái dục (愛欲;  P;S: kāma):  Là sự ham muốn nhục cảm. Ái dục là một dạng của Dục dục.
II. Dục theo quan điểm Phật giáo Bắc truyền.
1) Dục ở thất tình-lục dục(七情-):
          Thất tình là 7 thứ tình cảm biểu lộ ra bên ngoài và Lục dục 6 ham muốn của con người, gồm chung trong câu nói ngắn gọn là "Thất tình Lục dục".
1/.Thất tình(七情): Là bảy loại tình cảm  mà mọi người đều có. 
-Theo Phật giáo Bắc truyền, thất tình gồm:
Hỷ 喜,     Nộ 怒,     Ái 愛,     Ố 惡,     Ai 哀,     Lạc 乐,     Dục 欲
               Mừng,      Giận,     Thương,   Ghét,      Buồn,     Vui,          Muốn
- Theo Nho giáo(kinh Lễ): thất tình gồm:
Hỷ 喜,     Nộ 怒,     Ái 愛,     Ố 惡,     Ai 哀,     Cụ 懼,     Dục 欲
                Mừng,      Giận,     Thương,   Ghét,     Buồn,     S,         Muốn
 
2/.Lục dục (六欲):  Là sáu ham muốn cụ thể của con người nơi một đối tượng, đó là phân tích và phối hợp hai thứ dục cơ bản là Sắc dụcThinh dục.
Theo Đại Trí Độ luận quyển 2, Lục dục là chỉ cho 6 thứ dục vọng của phàm phu đối với người khác phái.  Lục dục này (khác với Lục dục ở mục I trên), đó là:
                    1.  Sắc dục :  trang sức, y phục đẹp.
                    2.  Hình mạo dục :  khuôn mặt đẹp, khôi ngô.
                    3.  Oai nghi tư thái dục :  dáng đi, đứng, ngồi, nằm.
                    4.  Tế hoạt dục :  làn da, phần cơ thể phô bày ra ngoài.
                    5.  Nhân tướng dục :  thân hình đẹp.
                    6.  Ngôn ngữ âm thanh dục :  lời nói khéo léo, êm dịu, thanh nhã.
2) Dục ở Ngũ dục.
Ngũ dục 五欲  theo Phật giáo Bắc truyền còn gọi là Ái dục(愛欲). Tương tự như ở Phật giáo Nam truyền, trong đó: 
Ái (;P: taṇhā;   S: tṛṣṇā;  E: love, craving) chỉ chosự hay vật (= tinh thần hay vật chất) mà ta có sự gắn bó, dính mắc.
          + Dục (;P: chanda;   S: rajas;   E: desire)  chỉ cholòng (= tâm) khát khao, ham muốn.
Ngũ dục hay Ái dục gồm có : 
- 4 dụcthuộc về vật chất :
1./ Tài dục (của cải):  động sản và bất động sản.
2./ Sắc dục (cái đẹp):  giới tính (tính dục).
3./ Thực dục (cái ăn):  món ăn, thức uống.
4./ Thùy dục (cái ngủ):  chỗ ăn ở (nhà cửa)
- 1 dụcthuộc về tinh thần :
5./ Danh dục (cái ta):  tiếng tăm.
Đây là 5 hình ảnh biểu trưng ham muốn nơi mỗi con người bình thường, mà mỗi hình ảnh là tổng hợp của 6 dục cơ bản từ Lục căn. Ngũ dục còn gọi là Ngũ độc tiển (năm mũi tên độc hại), là 5 món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến nhân, thiên, nếu ta không điều phục Ngũ căn (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) để cho sa đắm ngũ dục thì dễ sa vào nẻo ác. Tham đắm Ngũ dục tức cuộc đời bị trói buộc bởi năm thứ độc hại ham muốn.
          - Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 24 có ghi : “Trong các thứ Ái dục, không gì bằng Sắc dục.  Sự ham muốn sắc dục mạnh hơn mọi thứ khác.  Chỉ có một sắc dục như vậy, nếu có cái thứ hai giống như sắc dục thì người trong thiên hạ không có ai có thể tu tập được cả”.
- Trong kinh Niết Bàn quyển 21 chép rằng: “Bồ Tát Ma Ha Tát biết pháp Ngũ dục cho nên chẳng vui thích, chẳng tạm ngừng lại đó. Người mê theo Ngũ dục tỷ như con chó gặm xương khô, như kẻ cầm lửa đi ngược gió, như nuôi nhốt con rắn độc, như được của trong giấc mộng, như một miếng thịt cả bầy chó tranh ăn, như dấu vẽ trên nước, như bọt nước, Ngũ dục như của tạm bợ thế nên chẳng đặng lâu dài.”
(Đây có lẽ là bản dịch theo tinh thần hệ PGBT với 5 căn và 5 dục, khác với hệ PGNT thì đó là 6 căn và 6 dục như trong kinh Tăng Chi Bộđã trình bày trên).
- Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy rằng: “Tỳ Kheo các ông ! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải kềm chế Ngũ căn chẳng để buông lung theo Ngũ dục. Ví như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho tuông rông vào lúa mạ người, nếu thả lỏng Ngũ căn…chạy theo Ngũ dục… gây tai hại rất nặng,cũng như ngựa chứng chẳng dùng dây cương chế ngự chính nó sẽ đưa ta  sa vào hầm hố…”
- Trong bia chùa Linh Xứng có ghi:
Ba cõi luân hồi, bốn đời lăn lóc,
Vọng niệm sinh ra, tâm hình điên đảo.
Theo đuổi tham sân, triền miên Ái dục.”
3) Dục ở tam dục. 
Có 2 loại tam dục (三欲)sau:
1/.Tam dục của phàm phu: 
Là ba mối ham muốn:
1.Hình mạo dục : say mê ham muốn, mặt mày, hình dáng tươi đẹp của kẻ khác.
2.Tư thái dục : ưa thích dung nghi cốt cách, sang đẹp của người khác.
3.Tế xúc dục : say mê ưa thích sự đụng chạm mịn màng, mềm mại của kẻ khác.
2/.Tam dục của người tu: 
Là ba mối ham muốn độc hại làm chướng ngại việc tu hành giải thoát.
1.Ác dục :  Đó là lòng ham muốn xấu bậy, như vị Tỳ Kheo sanh lòng:
- Muốn đứng đầu tất cả Đại chúng, khiến Tăng chúng đều theo chân mình.
         - Muốn tứ bộ (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di) đều cúng dường tôn trọng mình hơn hết.         
- Muốn thuyết pháp để thính chúng đều tin thọ lời mình.
-Muốn vua quan thần dân đều cung kính mình.
- Muốn được nhiều áo quần, đồ ăn uống, thuốc men, nhà cửa to đẹp.
Những sự ham muốn này có tính cách sanh tử luân hồi, nên gọi là  ác dục vậy.
2.Đại dục :  Đó là lòng ham muốn thái quá, như vị Tỳ Kheo sanh lòng muốn rằng phải làm thế nào để cho tứ bộ chúng biết rằng ta đã đắc Sơ trụ.... hoặc Thập Trụ, đắc quả Chánh giác, quả A La Hán... hoặc quả Tư Đà Hoàn, Tứ Thiền vô ngại trí... Sự ham muốn có tính cách lợi dưỡng như vậy kêu là đại dục.
3.Dục dục:  Đó là lòng ham muốn và ham muốn nữa, như vị Tỳ Kheo muốn rằng sau khi thác mình sanh làm Phạm thiên, Ma thiên, Tự tại thiên, Chuyển luân Thánh vương, hoặc sinh vào các dòng sang quý như vua chúa, quan thần...được hưởng mọi sự khoái lạc. Lòng ham muốn này có tính cách lợi dưỡng nên kêu là dục dục.
          Trong kinh Niết Bàn có viết : “Người nào quán tưởng cái thân người, chỉ thấy là một bộ cốt, do khoang xương chống đỡ mà thôi. Quán như vậy thì toàn bộ xương cốt đều phân ly, do đó dứt Tam dục.”
III. Tính dục và tôn giáo.

1) Giới tính và Tính dục.
1/.Giới tính (;  E: gender)có thể tạm lý giải như sau:
- Giới:  Là loài, loại, phái (động-thực vật giới).  Như nam giới 男界;  nữ giới: 女界).
- Tính :  Là bản tính tự nhiên của sự vật.  Như tính chất 性質,  tính cách  性格, nam tính 男性,nữtính 女性.
          Theo đó, giới tính là tất cả những đặc điểm phân biệt người nam với người nữ.
          Quan hệ giới tính (E: gender relations), còn gọi là hành vi giới tính bao gồm quan hệ khác giới (E: heterosexuality) nam-nữ và quan hệ đồng giới (E: homosexuality) gồm nam-nam (E: gay) hay nữ-nữ (E: lesbian).  Quan hệ giới tính không hàm nghĩa phải cótình cảm yêu thương.
2/. Tính dục (性欲;  E: sexuality)có thể tạm lý giải như sau:
Tính:  Là bản tính tự nhiên của sự vật, có liên quan tới bản năng vốn có tự nhiên của người hoặc vật. Đây là nói gọn của giới tính.
Dục慾:  Là sự ham muốn. Sự ham muốn nơi đây hàm ý xung động sinh lí giữa hai giống đực và cái. 
Theo đó,  tính dục  có ý nghĩa là bản năng ham muốn giao tiếp sinh lý thể xác giữa 2 giống.
2) Tính dục theo quan điểm của tôn giáo hữu thần.
          Do Thái giáoKitô giáo và Hồi giáo hiện đại coi quan hệ tính dục như một hành động do Thượng Đế phú ban và soi sáng, và việc sinh sản là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thượng Đế. 
          “Nhãn giới Kitô giáo xác nhận thân xác và tính dục là công trình của Đấng Tạo Hóa, nó là quà tặng lớn lao đặt để trong thân xác con người khả năng sinh sản, cho con người tham dự vào năng lực sáng tạo. Tính dục như một thứ tinh thần nhập thể trong con người” (x. FC 11).
 
Dieu aime le sexe : sexe et religion, malentendu et réconciliation
Theo các tôn giáo hữu thần này, tính dục chỉ có giá trị nhân linh đích thực, nếu nó là thành phần không thể thiếu được của tình yêu, nghĩa là thể xác, tinh thần và tâm linh phải hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình – đó là tình dục.
          Hơn nữa, trong các giáo huấn, giáo hội vẫn nhấn mạnh việc sinh sản và trách nhiệm nuôi dạy với con cái. Đặc biệt, các biện pháp tránh thai nhân tạo (như dùng thuốc tránh thai, dùng bao cao su) và phá thai luôn bị kết án gay gắt, và chỉ chấp nhận tránh thai bằng biện pháp quan hệ có trách nhiệm và tiết chế. Tuy nhiên, gần đây Giáo hoàng Biển Đức XVI nói rằng việc sử dụng bao cao su có thể là hợp lý trong những trường hợp đặc biệt. Đây là dấu hiệu cởi mở hơn về vấn đề sử dụng bao cao su. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo cũng không chấp nhận vấn đề quan hệ đồng giới.
3) Tính dục theo quan điểm của tôn giáo vô thần :
          Tính dục theo quan điểm của Phật giáo có những đặc điểm sau:
1/. Phật giáo không xem thân xác và thế giới này là những gì xấu xa, và tính dục cũng thế. Thân xác thường được ví như một cỗ xe quý giá, một phương tiện đưa tâm thức đến giác ngộ, thế nhưng thân xác cũng được mô tả như một gánh nặng cho tâm thức. Tính dục liên hệ trực tiếp đến sự cảm nhận của thân xác, vì thế khi tính dục bị lạc thú dẫn dắt đến sự chiếm hữu (bám víu, ích kỷ), nó sẽ làm tâm thức bị mù quáng (vô minh) và khổ đau sẽ phát sinh. Đấy là thông điệp chính yếu của Phật giáo.
2/. Phật giáo xem hôn nhân không phải là một sự chiếm đoạt, hôn nhân cũng không mang tính cách thiêng liêng bằng các lễ nghi ban phép lành. Giáo lý nhà Phật chỉ đòi hỏi phải có sự tương kính, hy sinh cho nhau và tránh mọi hung bạo (Từ bi-Trí tuệ).
3/.  Phật giáo không quan tâm đến việc nối dõi tông đường hay hôn phối vì đấy chỉ là các thể dạng khống chế cơ cấu sinh lý và trói buộc mối tương giao giữa con người trong cuộc sống.
4/. Không tính (空性;  P: Suññatā;  S:Śūnyatā;  E: Emptiness) của tính dục được nhận thức toàn diện sẽ giúp hành giả vượt lên trên khuôn khổ giới tính của thân xác, đó là loại bỏ được mọi bám víu vào ảo giác của hiện hữu. Câu chuyện giữa ngài Xá-lợi-phất và vị nữ Thần trong kinh Vimalakirtidesasutra [Duy-ma-cật Sở thuyết Kinh, Kinh Về Sự Tự Do Siêu Việt - Theo bản dịch tiếng Pháp của Patrick CARRÉ, Fayard, 2000.] minh họa sự việc như sau:

Cakrasamvara(Hộ thần Hung tợn) Vajravarahi(Nữ thần tượng trưng cho trí tuệ)
[Tranh Tây tạng (chi tiết) thế kỷ XVI] 
“- Này nữ Thần tại sao không đổi giới tính đi, [vì] bà chỉ là một người nữ ?
- Từ mười hai năm nay ta ra sức tìm kiếm các thuộc tính của một người đàn bà,thế nhưng ta chưa nhìn thấy chúng một cách minh bạch. Vậy thì ta phải thay đổi cái gì đây ? Thí dụ như một nhà ảo thuật tạo ra một người đàn bà ảo giác và hỏi người đàn bà này sao không thay đổi giới tính, thế thì sự đòi hỏi ấy đúng hay sai ?
- Quả là sai. Một sáng tạo ảo thuật không mang những thuộc tính được xác định rõ rệt thì không thể giúp nó có thể biến đổi được.        
- Chính như thế, tất cả mọi hiện tượng đều không có thuộc tính xác định rõ rệt. Vậy tại sao ngươi lại hỏi ta sao không thay đổi thân xác?       
Tức khắc vị nữ thần sử dụng uy lực của mình chuyển đổi hình tướng của mình sang cho Xá-lợi-phất và đồng thời biến mình thành hình tướng của Xá-lợi-phất, sau đó cất lời hỏi Xá-lợi-phất đang mang hình tướng của mình như sau :      
- Này sao không thay đổi giới tính đi ? – Này Xá-lợi-phất, nếu ngươi có khả năng thay đổi được giới tính, thì tất cả đàn bà cũng làm được việc ấy. Này Xá-lợi-phất nếu ngươi không phải là đàn bà nhưng chỉ mang hình tướng bên ngoài của người đàn bà, thì tất cả đàn bà cũng thế thôi [chỉ mang hình tướng bên ngoài của người đàn ông]. Vì thế mà Đức Phật bảo rằng tất cả mọi hiện tượng đều không mang giới tính đực hay cái.      
Sau đó vị nữ thần lại dùng uy lực của mình trả lại hình tướng cho Xá-lợi-phất và cất lời hỏi :  
- Thế vẻ duyên dáng của người phụ nữ của ngươi đâu rồi ?   
- Nào tôi có cái vẻ duyên dáng phụ nữ nào đâu, nó cũng chẳng có ở bất cứ nơi nào khác ?       
- Đối với tất cả mọi hiện tượng cũng tương tợ như thế : chúng chẳng có ở bất cứ nơi nào và cũng chẳng nơi nào có chúng. Đấy là những gì Đức Phật giảng dạy.
o0o
Duyên khởi.
Nội dung
I. Tổng quan về Duyên khởi.
II. Duyên khởi tính.
I. Tổng quan về Duyên khởi.

Pratītyasamutpāda- Wikipedia
Duyên khởi– Wikipedia tiếng Việt
Duyên khởi(縁起;  P: Paṭicca-samuppāda;  S: Pratītya-samutpāda;  E: Dependent origination, Dependent arising;  F: Coproduction conditionnée). Trong đó:
- Duyên(,;  P: paccaya;  S: prātyaya;  E: cause, condition): Làđiều kiện, yếu tố, để cho một sự vật hay một sự kiện nảy sinh, hình thành. Cụ thể nơi con người, duyên là những điều kiện để cấu thành các hiện tượng về tâm cũng như thân.
- Khởi (;  P: samutthapeti; S: samupajjati;  E: raise, arise, originate):  Làphát sinh, trổi dậy.
Theo đó:
- Vũ trụ quan Duyên khởichỉ ra rằng mọi sự vật hiện tượng đều do những yếu tố và điều kiện tương tác sinh sinh hóa hóa, in tuồng như có-như không, chứ không là thực có-thực không. Biểu đạt cho vũ trụ quan Duyên khởi là lẽ Vô thườngVô ngã. Trong đó:
- Vô Ngã:  Nói lên bản chất (bản tính), không gian tính.
- Vô Thường:  Nói lên hiện tượng, thời gian tính.
- Nhân sinh quan Duyên khởichỉ ra rằng mọi sự vật hiện tượng sinh sinh hóa hóa theo nguyên tắc Nhân + Duyên => Quả, gọi ngắn là Nhân Quả. Ứng dụng Nhân Quả cho chúng sinh hữu tình là cấu trúc Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, nhằm phá chấp thủ về Ngã và Thần ngã nơi các chúng sinh này,và dẫn đến Niết-bàn.
Dưới đây là một số các đặc điểm của nguyên lý Duyên khởi:
1) Nguyên lý Duyên khởi  là chân lý khách quan tự nhiên của vũ trụ, là khám phá trọng đại và là nền tảng của toàn bộ sự nghiệp lớn lao của đức Phật. Trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã từng khẳng định rằng:
Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính  duyên nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
          Nguyên lý Duyên khởi là nền tảng của Nam tạng và Bắc tạng.  Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa để mở kho tàng Pháp bảo.  Ý nghĩa khái quát của nó trông có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực Duyên khởi không những là giáo lý tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ Vô thượng Bồ-đề, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo.
2)Nguyên lý Duyên khởiđược trình bày trong một số các kinh sau:
- Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddaka-nikàya), tập 1,  nguyên lý Duyên khởi được tóm tắt như sau:
Do cái này có, cái kia có. 
Do cái này sinh, cái kia sinh. 
Do cái này không có, cái kia không có. 
Do cái này diệt, cái kia diệt.

                       o0o
Imasmiṃ sati idaṃ hoti
Imass 'uppādā idaṃ uppajjati
Imasmiṃ asati idaṃ na hoti
Imassa nirodhā idaṃ nirujjhati
                                   [Paṭiccasamuppāda]
                       o0o
此有故彼有                Thử hữu tắc bỉ hữu
此生故彼生         Thử sinh tắc bỉ sinh
此無故彼無                Thử vô tắc bỉ vô
此滅故彼滅                Thử diệt tắc bỉ diệt
                   o0o
This being, that becomes;
From the arising of this, that arises.
This not being, that does not become;
From the cessation of this, that ceases.
- Trong kinh Tương Ưng Bộ 2 - đức Phật đã trả lời vị tỳ khưu :
          “ …Này Kaccayana, ai với trí thấy như thực - thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới này là không có.
          … Này Kaccayana, ai với trí thấy như thực - thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới này là .
          …Vị ấy không nghi ngờ, không phân vân, không duyên vào ai khác; trí ở đây là của vị ấy.  Cho đến như vậy, này Kaccayana, là Chánh tri kiến
 - Trong kinh Ðại Duyên (Trường Bộ III, tr. 56), Đức Phật nhấn mạnh hơn: "Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử".
 - Trong các kinh Trung Bộ I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48 chép lời Đức Phật:
Ai thấy Duyênkhởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấyDuyên khởi”
"Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật(= Niết-bàn)".  
Thấy Duyênkhởi là thấy Chân lý (= Pháp), và thấy Chân lý (= Pháp) là thấy Phật. Đâylà sự giác ngộ tối thượng, là thấy được thực tại tối hậu,làvượt ra ngoài mọi ràng buộc của thế giới ngã tính - bị giới hạn bởi vô minh và chấp thủcực đoan trong nhận thức và hành động theo quan niệm nhị nguyên-hữu ngã như sau:
                              Hữu(P: atthita)                  (P: natthita)
                              Thường(P: sassata)          Đoạn(P: uccheda)
                              Một(P: eketta)                  Khác(P: anna)
                              Một(P: eketta)                  Nhiều(P: puthutta)
Trong ngành Cơ học Lượng tử Tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài, đó là “thực tế khách quan, không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan”.
3) Nguyên lý Duyên khởikhông chỉ là chân lý, là qui luật chỉ rõ nguyên tắc vận hành của mọi pháp trong thế gian, tức mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, tạo nên đời sống của vạn vật, nó còn là lý thuyết đầu tiên phản bác hệ thống triết học Vệ-đà của Bà-la-môn, phủ nhận tư tưởng sáng tạo của đấng Phạm Thiên (Brahman), để hình thành tư tưởng “Tự tác tự thọ” (mình làm mình chịu), đề cao vị trí con người, con người là chủ nhân ông cho chính mình, không ai khác hơn có thẩm quyền định đoạt cuộc sống cho mình.Nguyên lý Duyên khởi vì thế thể hiện tính Nhân bản một cách sâu sắc.
Do nguyên lý Duyên khởi là chủ đạo của các học thuyết được xây dựng trên căn bản vô ngã tính, nên đối lập với:
1.Túc mạng luận, cho rằng tất cả mọi việc xảy ra trong đời này đều do hành động từ đời trước an bài, sắp xếp sẵn.
2.Thần ý luận, cho rằng mọi việc xảy ra đều là do ý muốn của thần linh.
3.Ngẫu nhiên luận, cho rằng mọi việc xảy ra đều chỉ là ngẫu nhiên, tình cờ.
Các vấn đề thuộc siêu hình học (E: metaphysics) bàn về nguồn gốc, tự thể của các hiện hữu đều được xem là hý luận đối với Duyên khởi.
4) Nguyên lý Duyên khởichỉ ra 3 tính chất hệ trọng sau:
 1/.Tính thường trú:  Nghĩa là tất cả pháp trong quá khứ cũng do Duyên mà khởi, hiện tại cũng do Duyên mà khởi, vị lai cũng do Duyên mà khởi; nơi này cũng do Duyên mà khởi, nơi kia cũng do Duyên mà khởi. Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, pháp vốn là như thế, là Duyên khởi, nên Duyên khởi là tính thường trú của tất cả pháp.
 2/.Tính quyết định:  Nghĩa là tính hiện hữu và không hiện hữu (tồn tại hay không tồn tại) của tất cả pháp. Nếu đủ Duyên thì các pháp sinh khởi, không đủ Duyên thì các pháp phân tán.  Nói cách khác, nếu không có Duyên thì không có một pháp nào tự thân nó sinh khởi được.
 3/.Tính y tha (= Y tha khởi tính 依他起性):  Nghĩa là tính nương tựa lẫn nhau để sinh khởi của tất cả pháp. Do tính chất này, nên các pháp không bao giờ có sự tồn tại độc lập, nếu có chăng là có ở cách nói, chứ không bao giờ thực sự có ở bản chất.  Vì tự bản chất của chúng là hỗ tương, là nương tựa, là tác động qua lại lẫn nhau để sinh thành và hủy diệt, nên một sự hủy có thể kéo theo muôn ngàn sự hủy, một sự sinh có thể kéo theo muôn ngàn sự sinh.
Thiết thực hơn trong đời sống, bằng cách quán triệt Duyên khởi, có thể thấy rằng rất nhiều vấn đề của chúng ta trước đây, giờ bỗng không còn căng thẳng hay nghiêm trọng nữa, và nhất là sẽ có rất nhiều người quanh ta bỗng trở nên hiền hòa, dễ mến, hoặc ít ra cũng không còn đáng ghét như trước đây!

Pháp phương tiện “Duyên khởi” dẫn hường cho việc học Phật và tu Phật
1. Duyên khởi = Trung đạo-Duyên khởi.
2. Duyên khởi tính = Phật tính = Không tính = Tự tính.
3. [Văn tuệ Duyên khởi + Tư tuệ Duyên khởi]  =>  Tu tuệ Duyên khởi.
          5) Nguyên lý Duyên khởi qua cấu trúc Chân đế không gian thời gian.
Vũ trụ quanDuyên khởi theo hướng Chân đế là những nhận thức về bản tínhcủa mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ qua cách không phân biệt các Duyên với tính Vô thường và tính Vô ngã.
1/. Vô ngã(無我;  P: Anattā;  S: Anātman;  E:No-self, Not self, Non-ego):  Đây là cấu trúc không gian của Duyên khởi. Mọi sự vật hiện tượng đều do các Duyên khởi lên hình thành hay biến hoại, chứ không tự hữucá biệt nào cả, nên gọi là Vô ngã.
          2/. Vô thường(無常;  P: anicca;  S: anitya;  E: impermanence):  Đây là cấu trúc thời gian của Duyên khởi. Mọi sự vật hiện tượng đều do các Duyên luôn tương quan tương tác và không ngừng biến đổi, chứ không hằng hữunhư một thực thể cá biệt nào cả, nên gọi là Vô thường.
          6) Nguyên lý Duyên khởi qua cấu trúc Tục đế “Nhân Duyên Quả”.
Nhân sinh quan Duyên khởi theo hướng Tục đế là những nhận thức về trạng tướng, qua cách phân biệt Nhân và các Duyên với cấu trúc Nhân-Duyên-Quả,nói gọn là Nhân-Quả, bao gồm các dạng chế định làm phương tiện, như Danh Sắc, Ngũ uẩn, Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên...
[Xin xem các mục từ liên quan Vô ngã, Vô thường // Ngũ uẩn, Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Trung đạo]
7) Nguyên lý Duyên khởi  có khi còn được gọi là:
 1/. Nguyên lý Nhân Duyên, là cách nói gọn của Nhân Duyên Quả, nhưng cần hiểu rằng Nhân(P;S: hetu;  E: cause, antecedent condition) nơi đây cũng chỉ là một Duyên, là điều kiện chính làm sinh khởi, được dùng như là phương tiện diễn đạt, chứ không là cái Nhân đầu tiên được sinh ra từ một Đấng tạo hóa và hạn chế về mặt thời gian “Nhân-Quả”. Còn Duyênlà điều kiện hỗ trợ (E: aiding condition), tác động làm cho Nhân sinh khởi.  Ví như hạt lúa là nhân của cây lúa, các yếu tố như đất, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, người gieo và chăm sóc ... là duyên để hạt lúa (nhân) nảy mầm phát triển thành cây lúa.
Trong bài kệ “Quán Tứ Đế- Phẩm 24 của Trung Quán luận đã chỉ ra mối tương quan nhất quán giữa chân lý Duyên khởi và các cách nhìn về Trung đạoKhông tính:
眾因緣生法            Chúng Nhân Duyên sanh pháp
我說即是空        Ngã thuyết tức thị không
亦為是假名            Diệc vi thị giả danh
亦是中道義            Diệc thị trung đạo nghĩa.
Các pháp từ  Nhân Duyên
Nên nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
                    Hay:
眾繇緣生法            Chúng do Duyên sanh pháp
我說即是空             Ngã thuyết tức thị Không
亦為是假名             Diệc vi thị Giả danh
亦是中道義        Diệc thị Trung đạo nghĩa
Các pháp từ nơi  Duyên
Ta nói tức là  Không
Cũng gọi là  Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
 2/. Nguyên lý Duyên Sinh(tức Duyên Sinh Diệt) hay Nguyên lý Duyên Hợp(tức Duyên Hợp Tan), nhưng cần hiểu rằng nơi đây không có cái sinh ra  hay hợp lại  và rồi diệtmất  haytan đi, mà tất cả đều sinh sinh hóa hóa vô thủy vô chung (không có bắt đầu, không có kết thúc) như hàm ý nơi các diễn đạt sau:
Pháp  :     Thành – Trụ –  Hoại – Không  (vũ trụ vạn vật).
Thân  :     Sanh – Lão – Bệnh – Tử  (các loài hữu tình)      
Tâm   :     Sanh – Trụ –  Dị – Diệt. 
Có sự phân biệt, Duyên khởi chỉ cho , còn Duyên sinh hay Duyên hợp chỉ cho pháphình thành hay biến hoại.   
II. Duyên khởi tính.
Duyên khởi tínhlả tính chất vận hành của các Duyên, đó là tính tương tác sinh sinh hóa hóa của các Duyên tạo thành chuỗi sinh diệt nơi các pháp (= mọi sự vật hiện tượng) trong vũ trụ. Ta có:
Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính = Không tính = Phật tính
- Trong kinh Lăng Nghiêm, Duyên khởi tính đã được diễn đạt: “Trên đầu một sợi lông có thể chứa đựng mười phương quốc độ” (*).
- Trong tác phẩm “Thiền Tông Việt Nam, trang 312 – HT Thích Thanh Từ, có chép hai câu kệ của thiền sư Khánh Hỷ 慶喜(1066 -1142) thời Lý, Việt Nam:
乾坤盡是毛頭上,      Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
日月包含芥子中。     Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.     
Ðầu lông trùm cả càn khôn thảy,
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.
Có nghĩa là:  “Đầu sợi tóc tuy nhỏ mà có thể để cả trời và đất lên trên đó. Một hạt cải tuy nhỏ nhưng mặt trăng và mặt trời đều có thể nằm gọn ở trong đó”.
 Cách mô tả trên hàm ý rằng bất cứ sự vật-hiện tượng nào trong vũ trụ, dù là một hạt cải, một sợi tóc, hay gì gì đi chăng nữa, cũng chứa đựng cái nguyên lý của toàn thể vũ trụ, đó là Duyên khởi tính.  Vì thế:
- Nếu như chúng ta đứng trên góc nhìn Vật lý, thì sự diễn đạt này rất ư là khó hiểu, là kỳ bí, là không thực tế.
- Nếu như chúng ta đứng trên góc nhìn Chân lý, là chân lý “Duyên khởi”, thì sự diễn đạt này rất ư là dễ hiểu, là chính xác, là thực tế.
Vì thế, việc Trang Tử nói rằng: “Đạo(= Chân lý) có trong phẩn nước tiểu” có lẽ cũng không làm tâm ta trở ngại (tức Lý Sự vô ngạiSự Sự vô ngại) dưới ánh sáng của Duyên khởi.
- Trong kinh Hoa Nghiêm, Duyên khởi tính cũng được diễn đạt:  Một là tất cả - Tất cả là một *  Nhất tức nhất thiết - Nhất thiết tức nhất * 一即一切一切即一”
Hòa thượng Thích Phước Hậu (1866 - 1949) chùa Linh Quang – Huế đã dạy chúng Tăng:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
                                       Học hành không thiếu cũng không dư
                                       Đến nay tính lại đà quên hết
                                       Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.
          Chữ Như nơi đây hàm ý tâm hành giả không ô nhiễm do thấy ra bản tính Duyên khởi từ việc tu học (Văn Tư Tu), nghĩa là hành giả không dính mắc vào văn tự kinh điển, chứ không vì bệnh lú lẫn của bệnh Alzheimer’s mà quên hết những tinh hoa nơi kinh điển.
-----------
(*) Chú thích: 
1. Không tính  [Xin xem thêm ở mục từ Hữu-Không]
2. Mười phương quốc độ 十方國土Khắp nơi ở của các chúng hữu tình[Xin xem thêm mục từ Chân như, Như Lai].
o0o
Duyên khởi luận - Thực tướng luận.
Theo truyền thuyết thì ngài Tuệ Viễn (523-592), người huyện Đôn-hoàng (tỉnh Cam-túc) sống vào đời Tùy (581-618), đã chia giáo lý của Phật giáo thành hai hệ thống lớn trông như đối nhau là Thực tướng luận và Duyên khởi luận.
1) Thực tướng luận (實相論):  Cũng gọi là Thực thể luận. Đây là luận thuyết xét thấu thực tướng bản thể của các pháp và lấy đó làm giáo lí. Thực tướng luận thuộc về Không luận, chủ trương “Chân không Tục hữu” (Chân đế không, Tục đế có), nghĩa là các pháp đều Không 空, Bất khả đắc (不可得: không thể đạt được), và chủ trương Tam đế viên dung (三諦圓融: thông suốt ba chân lý, đó là “Không đế, Giả đế và Trung đạo đế”).
Các kinh luận thuộc hệ thống Thực tướng luận gồm có: kinh Pháp hoa, kinh Bát-nhã, kinh Duy-ma, và các luận: Trung luận, Bách luận, Thập Nhị Môn luận, Thành Thực luận v.v...
Về các tông phái thì Tam Luận tông, Thiên Thai tông thuộc hệ thống Thực tướng luận.
2) Duyên khởi luận (緣起論):  Đây là luận thuyết giải thích rõ về nguyên do và các tướng trạng của muôn pháp trong vũ trụ do Duyên sinh khởi.  Duyên khởi luận lấy Pháp Ấn làm nền tảng, lấy Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo làm tư tưởng chủ yếu.
Các kinh luận thuộc hệ thống Duyên khởi luận gồm kinh Hoa Nghiêm, kinh Giải Thâm Mật, kinh Lăng Già, kinh Thắng Man và các luận như Khởi Tín luận, Bảo Tính luận, Du Già Sư Địa luận, Duy Thức luận, Câu Xá luận v.v...
Về các tông phái thì có Câu Xá tông, Pháp Tướng tông, Địa Luận tông, Nhiếp Luận tông, Hoa nghiêm tông, Mật tông v.v... thuộc hệ thống Duyên khởi luận.
Nội dung Pháp Ấn thường thấy nhất là ba Pháp Ấn trên nền tảng của Tiểu Kinh Saccaka thuộc Trung Bộ Kinh như sau:
1. Chư hành vô thường: Đứng về phương diện thời gian mà nhận xét, thì tất cả mọi sự vật hiện tượng (= pháp hữu vi, tức hành) đều sinh diệt biến hóa từng sát na, cho nên không một sự vật gì tồn tại cố định, bất biến. (*)
2. Chư pháp vô ngã: Đứng về phương diện không gian mà nhận xét, thì các pháp (gồm cả hữu vi và vô vi) theo nguyên lý Duyên khởi, nương tựa vào nhau mà tồn tại, trong đó không có thực thể của cái Ta.
3. Niết bàn tịch tĩnh: Chúng sinh điên đảo, si mê, không thấy được thực tướng các pháp, vọng chấp có Ta, của Ta, do đó mà khởi phiền não, tạo nghiệp ác, trôi lăn không ngừng. Nếu biết rõ các pháp là Vô thường, Vô ngã thì không bị mê hoặc, và thấy rõ thực tướng, thấu suốt pháp tính, được tự tại vô ngại, vượt lên vô thường-vô ngã, chứng Niết-bàn tịch lặng.
---------------
(*) Chú thíchchư hành = chư pháp” có nghĩa là “các sự vật hiện tượng”, cách nói phân biệt theo tính chất thời gian và không gian.
Chân lý Duyên khởi vốn là tư tưởng đặc hữu do đức Phật đã chứng ngộ, điều mà các tôn giáo, tư tưởng, triết học khác chưa từng có. Hệ thống lý luận về Duyên khởi đã hoàn chỉnh và đầy đủ từ thời Phật giáo Nguyên thủy.
Các luận sư đời sau lấy chân lý Duyên khởi làm giáo lý căn bản và dần dần phát triển thành các giáo thuyết thuộc hệ thống Duyên khởi luận như : Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi, Pháp giới duyên khởi, Lục đại duyên khởi v.v...
1.Nghiệp cảm duyên khởi (業感緣起):  Đây là thuyết được hình thành từ luận Câu Xá, cho rằng Duyên khởi của các pháp là do Nghiệp lực thiện hoặc ác chiêu cảm, mang lại quả báo thiện hoặc ác; quả báo này cũng là Nghiệp, cho nên lại tiếp tục chiêu cảm quả báo, cứ như thế Nhân Quả nương nhau quay vòng không dứt. Thập Nhị Nhân Duyên được lý giải theo thuyết này.
Vô minh duyên khởi là giáo lý chỉ dạy bao quát về con đường dẫn dắt chúng sinh vào trong lục đạo luân hồi. Còn Nghiệp cảm duyên khởi là giáo lý cho thấy vai trò quan trọng của Nghiệp trong luân hồi. Nhưng Nghiệp ấy hình thành, duy trì và hoạt động như thế nào, giải quyết vấn đề ấy có A-lại-da duyên khởi.
2. A-lại-da duyên khởi (阿賴耶緣起):  Đây là thuyết được Pháp Tướng tông xây dựng từ các kinh luận như kinh Giải thâm mật, luận Du già sư địa, luận Thành duy thức v.v... làm nền tảng, cho rằng Nghiệp lực là do chủng tử (hạt giống) được tích chứa trong A-lại-da thức của chúng sinh, có đủ duyên thì phát khởi hiện hành, rồi lại huân tập (xông ướp) chủng tử (gọi là Tân huân chủng tử: hạt giống mới được ươm), sau đó gặp duyên lại sinh khởi hiện hành, rồi từ hiện hành lại huân chủng tử, cứ như thế làm Nhân làm Quả lẫn nhau xoay vòng bất tận. Cho nên A-lại-da thức là nguồn gốc phát sinh tất cả muôn pháp. [A-lại-da thức được xem là cách nói khác của Thức uẩn, còn Mạt-na thức là Hành uẩn].
3. Chân như duyên khởi (真如緣起):  Đây là thuyết căn cứ vào luận Đại Thừa Khởi Tín, cho rằng A lại da thức (= Tạng thức) của chúng sinh tuy là nguồn gốc sinh khởi hết thảy hiện tượng trong vũ trụ, nhưng tìm đến căn nguyên thì nó chính là Chân Như (= Như Lai tạng). Các pháp vốn là Chân Như 真如, vì duyên “Vô minh 無明” mà khởi động, giống như nước biển vốn tự phẳng lặng(= Chân Như), nhưng vì gió thổi(= Vô minh) mà sinh ra muôn nghìn đợt sóng cuồn cuộn chuyển vần(A-lại-da thức) [Xin xem thêm mục từ Chân như].
4. Pháp giới duyên khởi  (法界緣起):  Đây là thuyết của Hoa Nghiêm tông lấy kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng để thành lập, cho rằng muôn pháp dung thông lẫn nhau, lấy một pháp làm thành tất cả pháp, lấy tất cả pháp làm thành một pháp, chủ-khách đầy đủ, tương nhập tương tức, cùng tồn tại không trở ngại nhau và trùng trùng vô tận.
Đứng về mặt lý thì Chân như ở trạng thái tịnh, nhưng đứng về mặt sự thì Chân như thuộc dạng động. Vì những công năng tịnh và động này, nên Chân như luôn bảo toàn vạn hữu, và từ đó hình thành Pháp giới duyên khởi.
5. Lục đại duyên khởi  (真如緣起):  Đây là thuyết của Mật tông, cho rằng hết thảy các pháp đều do sáu nguyên tố (lục đại) : đất, nước, lửa, gió, không, thức gặp duyên mà sinh khởi.
Tóm lại, tuy những điểm then chốt cấu thành giáo lý của hai giáo hệ lớn Duyên khởi luận và Thực tướng luận khác nhau, nhưng xét về nguồn gốc tư tưởng thì vốn chẳng trái nhau, mà là dung thông như hai mặt của một bàn tay, trợ giúp và thành tựu lẫn nhau. Bởi thế, nếu đứng trên lập trường trùng tân chỉnh hợp mà nhận xét, thì các giáo thuyết Pháp giới duyên khởi, Lục đại duyên khởi, Tam đế viên dung (*) v.v... cũng có thể xem là sự điều hòa toàn diện giữa hai giáo hệ Duyên khởi và Thực tướng. Đó cũng là nét đặc thù của sự phát triển tư tưởng giáo lý. [X. kinh Tạp a hàm Q.12; luận Đại tì bà sa Q.24; luận Câu xá Q.9; Đại thừa nghĩa chương Q.19;  Nguyên Thủy Phật Giáo, Duyên Khởi].
-------------
(*) Tam đế viên dung 三諦圓融:  Đây là giáo thuyết của Thiên Thai tông, cho rằng mỗi hiện tượng tự biểu lộ là ba chân lý trong một hòa điệu, tức Không - Giả - Trung, nghĩa là, thật thể vốn nội tại, nội tại trong lý tính và nội tại trong bản tính.  Bài kệ “Quán Tứ Đế- Phẩm 24  của Trung luận đã chỉ ra mối tương quan nhất quán giữa lý Duyên khởi chủ đạo và các cách nhìn về Không (hay về Không tính), về Giả danh, và về Trung đạo:
眾繇緣生法               Chúng do Duyên sanh pháp
我說即是空              Ngã thuyết tức thị Không
亦為是假名              Diệc vi thị Giả danh
亦是中道義              Diệc thị Trung đạo nghĩa
Mọi pháp từ cácDuyên
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
o0o
Đại Thủ Ấn.
Nội dung
I. Tổng quan về Đại Thủ Ấn.
II. Pháp học Đại Thủ Ấn.
III.  Pháp  hành Đại Thủ Ấn.
I. Tổng quan về Đại Thủ Ấn.

Mahamudra - Wikipedia
Đại thủ ấn – Wikipedia tiếng Việt
Đại Thủ Ấn(大手印;  S: Mahāmudrā;  E: Great Seal, Great Imprint), hay nói gọn là Đại Ấn大印:  
Ý nghĩa Đại Thủ Ấn được phân tích như sau:
- Đại (大;  S: Mahā):  Lớn
- Thủ 手:  Tự tay làm, đích thân làm // Tay (của Phật). Đồng nghĩa với Trì 持: Cầm, giữ, nắm.
-Ấn (印;  S: Mudrā):  Con dấu (cái ấn) // Ấn hay Tâm ấn là dấu chỉ trọng yếu cho sựchứng ngộ của hành giả đối với Không tính  (空性;  S: Śūnyatā) và giải thoát khỏi sự bị động trong Luân hồi (輪迴;  S: Saṃsāra).  Không tính và Luân hồi được xem là hai mặt không rời nhau. Chữ Ấn còn có ý nghĩa biểu thị trí vô phân biệt Nhị nguyên của Phật, là trí tối thượng, tối yếu, tối mật.
Theo đó, Đại Thủ Ấn được xem là giáo pháp lớn và trọng yếu về chân lý – đó là chân lý Duyên khởi, giúp cho chính hành giả hiện thực sự chứng ngộKhông tínhgiải thoát Luân hồi.  Chữ “Đại Thủ Ấn” có nhiều nghĩa, có khi còn gọi là Đại Biểu Tượng, nhưng nghĩa trực tiếp nhất chính là một trực nhận về thế giới và từ đây sử dụng như một bảo ấn lớn để hợp nhất “Niết-bàn và Sinh tử”, đó là trực nhận được Bất Nhị tính của vạn pháp. Đại Thủ Ấn với nghĩa này, như là một pháp đốn ngộ.
Đại Thủ Ấn được cho là biểu tượng cho “Thiền đốn ngộ Tây Tạng”, là một trong những giáo pháp cứu cánh của truyền thống Kim Cương thừa (S: Vajrayāna), nhằm thành tựu cách riêng cho hành giả vềGiới-Định-Tuệ(= thành tựu về Đạo đức và Chân lý nơi hành giả).
Bản chất của Đại Thủ Ấn (= Duyên khởi) là bao trùm vạn pháp: cả bên ngoài, bên trong tâm, nơi chính bản thân chúng ta, và tất cả chúng sinh.
Đại Thủ Ấn được truyền dạy quan trọng trong tông pháiCa-nhĩ-cư (迦爾居派;  TT (Tây tạng): Kagyupa བཀའ་བརྒྱུད་པ་;  E: Kagyu) của Tây Tạng.

Sơ đồ truyền thừaphái Ca-nhĩ-cư.
Giáo pháp Đại Thủ Ấn vốnxembiểu tượng đứcPhổ Hiền(普賢;  S: Samantabhadra) là Bản sơ Phật, là hiện thân của Pháp thân [法身;  S: Dharmakāya,thuộcTam thân (三身;  S: Trikāya)],tức Chân lý.Dần về sau đức Phổ Hiền được gọi là Dorje Chang Buddha (Phật Kim Cương Trì 佛金剛持;  S: Vajradhāra) là vị đã truyền Đại Thủ Ấn cho Đại Thành Tựu giả (大成就者;  S: Mahāsiddha) tên là Tilopa (Đế-la-ba).  Sau đó Tilopa tiếp tục truyền cho Naropa (Na-lạc-ba) ở Ấn Độ. Cho đến khi Marpa (Mã-nhĩ-ba) được chân truyền giáo pháp này và mang về Tây Tạng chỉ dạy cho Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba).         
 II. Pháp học Đại Thủ Ấn.
1) Các loại Đát-đặc-la.

Tantra - Wikipedia
 Đát-đặc-la– Wikipedia tiếng Việt
Hình ảnh Mạn-đà-la “Kim Cương giới”
Đát-đặc-la(怛特羅;  S: Tantra) có nghĩa gốc là "tấm lưới dệt", "mối liên hệ", "sự nối tiếp", "liên tục thống nhất thể". 
Thành tựu pháp(成就法;  S: Sādhana):  Là những bài chú về những phép tu thiền định, nhằm dẫn đến sự thành tựu viên mãn(= giác ngộ-giải thoát).
Hai từ Sanskrit là SādhanaTantra cũng được dịch là Nghi quỹ(儀軌), với nghĩa chung là luật tắc, luật lệ, quỹ phạm, tín ngưỡng truyền thống. Theo đó, Đát-đặc-la còn được xem là đồng nghĩa với Thành tựu pháp.
Phần thực hiện Thành tựu pháp bao gồm 3 phần là phần chuẩn bị, phần chính và phần chấm dứt.
- Phần chuẩn bị thường là Quy y Tam Bảo(= nương tựa vào chân lý Duyên khởi) và phát triển Bồ-đề tâm(= nhận thức giác ngộ về chân lý Duyên khởi).
- Phần chính thường gồm có giai đoạn bắt đầu, giai đoạn tạotáclinh ảnh của một Thần thể  (S: Iṣṭadevatā, Sādhita - những vị Phật hay Bồ-tát siêu việt  như Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Đại Thế Chí, Quán Thế Âm …) và giai đoạn xoá tanlinh ảnh. Đó là lúc mà hành giả trực nhận Không tính, Chân như (= như thật, lẽ thật, chân lý).
- Phần chấm dứt thường gồm có các lời chúc hay hồi hướng.
Đối với Phật giáo Tây Tạng thì việc tạo linh ảnh một Thần thể không hề có tính huyền hoặc hay cầu xin một đấng nào bên ngoài. Đó chỉ là phương pháp để tự đồng hoá với một nguyên lý năng lượng nơi chính mình. Các vị Phật trong hệ thống Ngũ Trí Như Lai là những hình ảnh cơ bản nhất của các linh ảnh đó.

Ngũ Trí Như Lai = Ngũ Phương Phật
Trong Phật giáo Tây Tạng, Đát-đặc-la trong nghĩa rộng nhằm chỉ tất cả các kinh sách về nhiều ngành khác nhau (như Đát-đặc-la y học, Đát-đặc-la thiên văn...). Ở nghĩa hẹp, Đát-đặc-la chỉ tất cả các sách vở nói về phép tu thiền của Kim Cương thừa và cũng được dùng để chỉ những phép tu thiền này. Phép tu thiền Đát-đặc-la có tính chất kinh nghiệm cá nhân, và thường dựa trên ba khái niệm là: Nhân, Đạo, Quả.
- Nhânhay Căn(S: Hetu) Đại Thủ Ấn:  Là nói đến đến tình trạng ô nhiễm của chính hành giả và tất cả chúng sinh. Mặc dù mọi chúng sinh luôn hiện hữu Phật tính (= Duyên khởi tính) và thanh tịnh từ vô thủy, nhưng vì vô minh chấp ngã, ác nghiệp nhiễm ô sâu dày nên không nhận ra.  Đây chính là Nhân Đại Thủ Ấnhay Căn Đại Thủ Ấn.
          -Đạo(S: Mārga) Đại Thủ Ấn:  Là phương pháp thanh lọc con người từô nhiễm đến thanh tịnh. Để thành tựu điều này, hành giả cần hạnh ngộ bậc Thượng sư đã giác ngộ Đại Thủ Ấn, để hành thiền và chứng đạt chân lý như Ngài. Đây chính là Đạo Đại Thủ Ấn.
-Quả(S: Phala) Đại Thủ Ấn:  Là trạng thái thanh tịnh tuyệt đối của hành giả chứng ngộ, là chứng ngộ Đại Thủ Ấn (= thành tựu giới-định-tuệ) một cách hoàn toàn. Đây chính là Quả Đại Thủ Ấn.
Truyền thống Tây Tạng chia Đát-đặc-la làm bốn loại tương úng với căn cơ của từng người:
1/.Tác Đát-đặc-la (S: Kriyā-tantra):  Đó là Đát-đặc-la hành động (= tác 作) nghi lễ. Hành giả tu tập Đát-đặc-la này kết đàn tràng, cúng dường, đọc chú, bắt ấn nhưng chưa quán tưởng, tu tập thiền định.
2/.  Hành Đát-đặc-la (S: Caryā-tantra): Đó là Đát-đặc-la thực hành tu luyện (= hành 行) hằng ngày, dành cho những hành giả tu tập nhưng không cần hiểu rõ lý tột cùng.
3/.Du-già Đát-đặc-la (S: Yoga-tantra):  Đó là Đát-đặc-la luyện tâm bằng phương pháp tu thiền.
4/.Vô thượng Du-già Đát-đặc-la (S: Anuttarayoga-tantra):  Đó là phương pháp luyện tâm tột cùng, thành Phật ngay trong kiếp này, với thân này.
Sự khác nhau giữa bốn cấp này xuất phát từ căn cơ của hành giả và tính hiệu quả của các phép tu. Các tác phẩm quan trọng của Vô thượng Du-già Đát-đặc-la là:
          - Bí mật Tập hội Đát-đặc-la (S: Guhyasamāja-tantra).
- Hô Kim Cương Đát-đặc-la (S: Hevajra-tantra)
- Thời luân Đát-đặc-la (S: Kālacakra-tantra).

Biểu tượng Đát-đặc-la ‘Nhị nguyên tính’
Ngoài ra, Đát-đặc-la còn nhắm tớiviệc vượt qua nhận thức Nhị nguyên tính để đạt Nhất thể tính, là một sự kiện quan trọng.  Nhị nguyên tính có khi được Đát-đặc-la diễn tả bằng sự kiện nam tính (S: upāya, khía cạnh Từ bi) và nữ tính (S: prajñā, khía cạnh Trí tuệ). Tuy nhiên, tại phương Tây không ít người hiểu lầm, cho rằng tu tập Đát-đặc-la là thuần túy liên hệ với tính dục nam-nữ.
 
2) Các loại Quán đỉnh(灌頂;  S: Abhiṣeka).

Abhiṣeka- Wikipedia

Quán đỉnh– Wikipedia tiếng Việt
Quán đỉnhcó nghĩa thông thường là rưới nước lên đầu, là một nghi thức tôn giáo trong những buổi lễ long trọng. Trong Kim Cương thừa, danh từ quán đỉnh được dùng chỉ những nghi lễ "Truyền lực" (TT: Dbang-bskur), trong đó vị Đạo sư (S: Guru;  TT: Blama) cho phép đệ tử tu tập một Đát-đặc-la.
Trong Vô thượng Du-già Đát-đặc-la, người ta kể bốn cấp quán đỉnh từ thấp đến cao:
1/.Quán đỉnhBình (S: Kalābhiṣeka:  Bình quán):  Giúp hành giả tịnh hóa ám chướng nơi Thânvà thành tựu Hóa thân (Xin xem mục từ Tam thân)
2/.Quán đỉnhBí mật (S: Guhyābhiṣeka:  Mật quán):  Giúp hành giả tịnh hóa ám chướng nơi Khẩuvà thành tựu Báo thân.
3/.Quán đỉnhTrí tuệ(S: Prajñābhiṣeka):  Giúp hành giả tịnh hóa ám chướng nơi Ý và thành tựu Pháp thân.
4/.Quán đỉnhNgữ tôn quý(S: Caturthābhiṣeka:  Quán đỉnh “thứ tư”):  Giúp hành giả tịnh hóa các ám chướng Khí vi tế và thành tựu Thể tính thân.
Thông thường trong Quán đỉnh, vị Đạo sư đọc quanghi quỹ (儀軌;  S: sādhana – đó là luật tắc tín ngưỡng truyền thống), và lần đọc này có giá trị cho phép người đệ tử tu học nghi quỹ này. Sau đó, Đạo sư bình giảng những điểm khúc mắc, khó hiểu, những bí truyền trong nghi quỹ để bảo đảm sự tu tập chính tông, đúng đắn của đệ tử.
3) Các dạng Đại Thủ Ấn.
Đại Thủ Ấnlại được chia ra làm ba thứ:
1/.Thực trụ Đại Thủ Ấn:
Hành giả trụ ở thực tướng, hợp với Trung đạo vô trụ, được khởi xướng từ Tổ Long Thụ. Pháp này không dựa theo quán Trung đạo bát bất, mà dùng bí quyết truyền khẩu để chứng được trí Không.
2/.Không lạc Đại Thủ Ấn:
Hành giả nương theo ba phương tiện là Tam muội như Da thủ ấn, Pháp thủ ấnYết ma thủ ấn mà phát sinh niềm an lạc lớn, và ngay đó mà tự chứng đương thể tức Không.
3/.Quang minh Đại Thủ Ấn: 
Pháp này thuộc về bộ Vô thượng Du-già của Mật thừa. Theo đó, hành giả cần trải qua pháp quán đỉnh mới có thể tu tập. Quang minh Đại Thủ Ấn được chia làm hai giai đoạn là Tiệm ngộ và Đốn chứng.
- Tiệm ngộ là đối với hành giả phổ thông, trước hết phải đầy đủ bốn bậc quán đỉnh rồi dần dần mới dắt dẫn họ thụ trì Đại Thủ Ấn.
- Đốn ngộ là đối với những người đặc biệt lợi căn, vị Thượng sư dùng tâm quán đỉnh và ở trong định gia bị (= hỗ trợ) cho họ, khiến trong khoảnh khảy móng tay liền được ngộ.
Ngoài hai loại Tiệm và Đốn nói ở trên, còn có loại Đại Thủ Ấntối thượng, không cần phải tu các pháp quán đỉnh, mà chỉ nên cung kính lễ bái, thừa sự thân cận bậc Thượng sư. Nhờ tâm lực cung kính tín thuận tuyệt đối mà có thể chứng ngộ tức khắc: Đây chính là nghĩa tâm truyền tối thắng của Đại Thủ Ấn.
III. Pháp  hành Đại Thủ Ấn.
1) Hành trì Đại Thủ Ấn nơi các tông phái.
Hành trì Đại Thủ Ấn được gọi là tâm hành, áp dụng trong các phái truyền thống, chủ yếu là  Gelug,  Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.  Trường phái Gelug và Kagyu có cả hai cấp độ tu tập theo Kinh điển và Vô Thượng Du Già mật điển (S : Anuttarayoga).
Tâm hành  心行là sự hoạt động của tâm, hoạt động tinh thần. Tâm hành của bậc giác ngộ là linh hoạt từ sự thấu triệt chân lý Duyên khởi, tâm hành này bao hàm hai bản tính, có ý nghĩa tổng quát sau :
- Bản tính tương đối  của tâm hành là Tục đế (俗諦- tục : thế phàm,  đế : lẽ thật;  P: Sammuti-sacca, vohara-sacca;  S: Samvrti-satya, Prajnapti-satya;  E: Relative truth;  F: Vérité relative).  Tục đế có nghĩa là những gì mà người thường đồng ý với nhau, là sự thật của thế tình, sự thật của ngôn từ nhằm để bày tỏ khái niệm(ý niệm chung) các sự vật như sau:
Chế định:  Ngôn từ đặt ra để xác nhận sự vật gì đó.
Mặc ước:   Ngôn từ đặt ra để qui ước sự vật gì đó.   
Thi thiết:   Ngôn từ đặt ra để diễn đạt các sự vật gì đó.
Vì thế, Bản tính tương đối còn có thể gọi là Chân lý quy ước hay Chân lý tương đối.  Bản tính tương đối  có các đồng nghĩa sau:
+Giả đế 假諦(giả: không phải thật, hư ngụy).
+Thế đế 世諦  hayThế tục đế 世俗諦(thế = thế gian 世間:cõi đời,  thế tục 世俗: phong tục ở đời – theo luận Đại Tỳ-bà-sa).
+Tích môn迹門(tích: dấu vết, phỏng theo,  môn: cửa – theo Thiên Thai tông).
Bản tính tương đốiđược xem là lẽ thật tương đối của sự vật được xác định bằng cái biết của 6 thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, … , Ý thức).
- Bản tính tuyệt đối  của tâm hành làChân đế(真諦;chân: thật, không hư vọng,  đế: lý thật, lẽ thật;  P: Paramattha-sacca;  S: Paramartha-satya;  E: Ultimate truth;  F: Vérité ultime).  Chân đế có nghĩa là những gìdùng để bày tỏ thực tại– sự thật hiện thựccủa mọi sự vật.
Vì thế, Bản tính tuyệt đối là  “Không tính”,  là một trạng thái tinh thần vượt qua ngôn từ và khái niệm mang tính đối đãi Nhị nguyên, còn được gọi là Chân lý tuyệt đối, là Chân lý tối thượng mà bậc giác ngộ đã chứng nghiệm.  Bản tính tuyệt đối  có các đồng nghĩa sau:
- Thật đế(thật: thực, không hư dối).
- Đệ nhất nghĩa đế 第一義諦.(đệ: thứ bậc,  nhất: đứng đầu)
- Thắng nghĩa đế勝義諦(thắng: vượt hơn – theo luận Đại Tỳ-bà-sa).
- Bản môn本門(bản: chính yếu,  môn: cửa – theo Thiên Thai tông).
- Chân như真如(như:  không nhiễm ô).
Bản tính tuyệt đốiđược xem là lẽ thật tuyệt đối của sự vật được xác định trên nền tảng chân lý Duyên khởi 縁起, là nguyên lýnói lên sự hình thành và biến dịch mọi sự vật  tâm lý hay vật lý.
 


Buddha Eyes - Wisdom Eyes, Meaning, Buddhist Symbols ...
Biểu tượng tâm hành của bậc giác ngộ là hình ảnh Mắt Phật (E : Buddha Eyes), thường được trang trí trên 4 mặt của các Bảo tháp (寶塔;   P;S: Stūpa).  Đây là nơi tôn thờ ngọc xá lợi của Đức Phật hay của các Thánh tăng.
- 2 mắt lớn ở hai bên tượng trưng cho Tục đế.
- 1 mắt tròn giữa 2 đầu mày tượng trưng cho Chân đế.
- Dấu chấm hỏi xoăn lại tượng trưng cho sự vượt thoát đối đãi Nhị nguyên (二元;  E: Dualism).
 
2) Lộ trình tu tập Đại Thủ Ấn.
Lộ trình tu tập về Ðại Thủ Ấn theo hai phương pháp:
1. Phương pháp “Sáu phép Du Già” của Naropa (Na-lạc-ba):  Phương pháp này rất phức tạp và nguy hiểm, hoàn toàn thuộc Mật giáovới tên Na-lạc lục pháp (Sáu pháp của Na-lạc-ba).
2. Phương pháp “Thiền chỉ và Thiền quán”:  Phương pháp này có cách lối như Phật giáo Nguyên thủy và có nhiều điểm tương đồng với pháp thiền của Thiên Thai tông 天台宗.
Bắt đầu bằng thực hànhThiền chỉ(禪止;  P: Samatha bhāvanā;  S: Śamatha bhāvanā) và lấy đó làm căn bản; sau đó đạt tới bền vững hơn là thực hành Thiền quán (禪觀;  P: Vipassanā bhāvanā;  S: Vipaśyanā bhāvanā), nghĩa là an trụ và quán chiếu sinh động về Tự tính của vạn pháp, nhằmbiến chuyển mọi kinh nghiệm thành sự trực ngộ Không tính(= tính chất không thực). 
Có thể thấy rằng sự thật căn bản của vạn pháp, cho dù thuộc về nội tâm như các cảm xúc phiền não hay thuộc về ngoại cảnh như hoa, cây, núi, thành phố…, tất cả đều nằm trọn vẹn trong cùng một phạm trù rất lớn là Không tính, tức Đại Thủ Ấn. Chân lý tối thượng Đại Thủ Ấn này kỳ thực là cách nói khác của chân lý Duyên khởi, là điều duy nhất mà chúng ta cần nhận ra. Nhận ra được chân lý ấy chính là giác ngộ!
Truyền thống Tây Tạng xem phép Đại Thủ Ấn dưới ba khía cạnh: kiến, tu, hành.
1/. Kiến (見;  S: darśana):  Được định nghĩa là tri kiến nhận ra rằng thể tính đích thật của tâm là sự thống nhất giữa Không tính(tính chất của vạn sự vật “có mà không thực là có” – E: emptiness) và Tịnh Quang tính(= tính chất trong suốt, ngời sáng và thanh tịnh của tâm – E: luminosity). Mỗi hiện tượng đều mang dấu ấn đặc biệt này.
2/.Tu (修;  S: bhāvanā):  Đó là tu tập thiền. Mục đích quan trọng nhất của tu tập thiền là trực nhận Thể tính(= Bản tính = Duyên khởi tính) của tâm thức.  Đó là một sự trực nhận rất tự nhiên không cần sự cố gắng nào. Có hai cách để chuẩn bị phép thiền, đó là:
          + Bốn phép tu quán chiếu gồm:
1.  Sự quý báu khi có được thân người. 
2.  Luật Vô thường.
3.  Nghiệp báo.
4.  Tính bất toàn của luân hồi.
          + Bốn phép tu đặc biệt gồm những Thành tựu pháp (S: Sādhana – Xin xem lại mục II) với những phương pháp thanh lọc Thân, Khẩu, Ý.
3/.Hành (行;  S: caryā):  Là hành động ứng dụng sau khi đã kinh nghiệm trực tiếp Đại Thủ Ấn, dẫn đến một tâm trí tự tại, siêu việt các quy ước thông thường.
Rangjung Dorje (Cát-mã-ba Nhưỡng-huýnh Đa-kiệt 攘迥多杰–  1284-1339) viết về Đại Thủ Ấn như sau:
       “1.- Điều gì phải thanh lọc ?  Đó là tâm, bản tính của tâm là Không tính, là Ánh sáng (chân lý).
2.-Ai thanh lọc ?  Đó là hành giả thực hành phép tu kim cương (vững vàng) của Đại Thủ Ấn.
3.-Cái gì được lọc bỏ ?  Vô minh hiện tiền đang lừa dối con người.
Mong thay quả vị thanh tịnh, Pháp thân diệu dụng sẽ được thực hiện! Đó là kiến giải đối trị Vô minh, là phép tu đích thật, đó là sự dẫn đến hành động vô thượng. Mong thay tín tâm nơi ba điều đó luôn luôn hiện diện.”
3) Những điểm chính của pháp tu Đại Thủ Ấn.
Đức Lạt-ma Kong Ka nói:
Tu tập thiền Đại Thủ Ấn này, trước hết nên được một Đạo sư đức hạnh đầy đủ khai thị cho. Mục đích của sự khai thị Đại Thủ Ấn là làm cho người đệ tử Tỉnh thức Thanh tịnh và Tịch chiếu (*)về Tự tính (= Bản tính).
Chỉ sau khi nhận ra“Giác tính không có gì bên trong” bẩm sinh này, người đệ tử mới có thể tu tập đúng Đại Thủ Ấn. Cho đến khi đã làm được như vậy, họ sẽ thấy khó thoát khỏi sự ràng buộc chủ-khách và đưa tâm họ lên đến cảnh giới không phân biệt và không dính mắc, nghĩa là hành giả biết buông xả những phân biệt, những suy nghĩ do thói quen “chấp nhận cái này” “từ chối cái kia” cho những sinh hoạt hàng ngày.”
--------------
(*) Chú thích:
- Tỉnh thức(醒識;  E: Awakening)
Tỉnh (醒): hết say mề, không mê muội.
Thức (識): nhận ra, nhận biết (chân lý).
            Theo đó, Tỉnh thức là sự nhận biết về chân lý, hành giả không còn si mê nữa.
- Thanh tịnh(清淨; E: Purity): Có nghĩa hẹp là trong sạch và yên lặng. Hàm ý là nội tâm ‘rỗng lặng’ không dính mắc, không bị trói buộc.
- Tịch Chiếu(寂照;  E: Nirvana-illumination; ultimate reality shining forth): Cái thể của chân lý gọi là “tịch,” cái dụng của chân lý gọi là “chiếu.” – Chỉ cho sự chứng ngộ chân lý. Bậc tu hành dứt được phiền não, trở nên tịch tĩnh và tâm trí chói rạng.
Có ba điều cốt yếu trong tu tập Đại Thủ Ấn, đó là quân bình, buông xả, tự nhiên.
1/. Quân bình:  Có nghĩa cân bằng thân, khẩu và ý. Cách cân bằng là không bám chấp hay mãi nương tựa vào bất cứ gì. Đây là cách lối tối thắng để thuần hóa thân và tâm.
2/.Buông xả:  Có nghĩa là thư giãn tâm nơi mọi sự vật, mọi ý niệm, mọi suy nghĩ. Khi toàn thể thân và tâm trở nên thư giãn, hành giả có thể ở trong trạng thái tự nhiên không gắng sức, tự nhiên không phân biệt và không phân tán.
3/.Tự nhiên:  Có nghĩa là không ‘lấy  hay bỏ  bất cứ thứ gì; như trong lời nói, hành giả không tạo ra một nỗ lực dù mong manh nhất thuộc bất cứ loại nào. Hành giả để cho tâm thức tự ngừng lại hay trôi đi, không trợ giúp cũng không hạn chế. Tu tập tự nhiên này là không dụng công mà tự phát.
Những điều nói trên có thể tóm lược như sau:
Quân bình là không bám chấp cực đoan.
Buông xả là không gắng sức phân biệt hay phân tán.
Tự nhiên là không dụng công giữ hay bỏ.
Một cách diễn đạt khác, cốt lõi của tu tập Đại Thủ Ấn gồm hai điều là ‘không dụng công và không sửa sai’. Tuy nhiên, nên biết không sửa sai có nghĩa là gì ?  Jetsun Milarepa đã giải thích rõ về điểm này:
Về tu tập ‘không sửa sai’, nên hiểu ba điều:
1. Nếu không sửa sai các tạp niệm và đam mê dục vọng, hành giả sẽ rơi vào các cõi thấp hơn.
2. Nếu không sửa sai (các chấp thủ như) Chiếu Sáng, Cực Lạc, Không-phân-biệt, hành giả sẽ rơi vào Ba cõi Sinh tử Luân hồi.
3. Với Tự tính nội tại (= Duyên khởi tính) là hành giả không cần sửa sai.
Bất cứ lúc nào trong ngày, trong khi thiền hay sau khi thiền, nên cố gắng không để mất Bản tính (= Duyên khởi tính). Nói cách khác, nên cố gắng mang kinh nghiệm tu tập thiền vào các sinh hoạt hàng ngày. Hoàn toàn có thể hiểu rằng hành giả có thể bị phân tán trong công việc làm hàng ngày, như vậy là quên mất Bản tính, nhưng nếu hành giả luôn cố gắng mang lại Tỉnh thức (= sự Chứng ngộ), và nếu thành công, Bản tính sẽ lập tức hiện ra trở lại. 
Vì thế hành giả nên cố gắng không để mất Tự Tỉnh thức dù ngày hay đêm. Không nên thất vọng nếu không thể giữ Tỉnh thức sống động cả ngày. Nỗ lực liên tục và kiên trì là chính yếu. Ai có thể làm như vậy chắc chắn sẽ mở rộng Tỉnh thức nơi chính mình.
4) Những kinh nghiệm trong tu tập Đại Thủ Ấn.
1/.Kinh nghiệm về nhận thức trong tu tập Đại Thủ Ấn.
Kinh nghiệm về nhận thức trong tu tập Đại Thủ Ấn gồm 2 điều sau:
1. Hãy giữ thân và tâm thư giãn và nhẹ nhàng, không gắng sức, không lo âu và giữ thăng bằng. Điều này không nhằm phủ bác hay từ bỏ tất cả mọi sinh hoạt, mà là nên thực hiện những hoạt động này một cách linh hoạt, thư thả, và tự phát.
2.  Hãy đồng nhất mọi sự vật với Không tính-Bất sinh, chứng ngộ trong tự nhiên và thư giãn.
- Thí dụ 1, diễn tả kinh nghiệm nhận thức về Đại Thủ Ấn:
          Một tinh cầu như hư không mênh mông vô tận.
Tỉnh thức phổ hiện như trái đất rộng lớn.
          Tâm vững vàng như núi.
          Tỉnh thức tự ngộ trong sáng như ngọn đèn.
          Thức thanh tịnh (= Trí), trong như pha lê và rỗng lặng không có ý nghĩ phân biệt.
- Thí dụ 2, diễn tả kinh nghiệm nhận thức về Đại Thủ Ấn:
        Như bầu trời không mây, tinh cầu rộng lớn và không chướng ngại.
        Như đại dương không sóng, tâm vững vàng không ý nghĩ phân biệt.
       Như ngọn đèn sáng trong đêm không gió, tỉnh giác trong sáng, vững vàng.
2/.Kinh nghiệm về cảm nhận trong tu tập Đại Thủ Ấn.
          Trong tiến trình tu tập thiền định, hành giả sẽ gặp ba kinh nghiệm chính về cảm nhận trong tu tập Đại Thủ Ấn. Đó là:  Chiếu Sáng,Cực Lạc và Không phân biệt.
Trong kinh nghiệm Cực Lạc, một vài hành giả cảm thấy một cảm giác sung sướng to lớn bao trùm toàn thân, và cảm giác không suy giảm ngay cả trong nghịch cảnh, chẳng hạn như trong thời tiết cực lạnh hay cực nóng. Một vài hành giả cảm thấy cả thân và tâm đều biến mất, họ cực kỳ hân hoan – và thường bật cười. Một vài hành giả có thể cảm thấy đầy hứng khởi và nhiệt tình, hoặc cực kỳ bình an, bằng lòng và hạnh phúc. Sự ngây ngất xuất thần có thể trở thành rất to lớn và kịch liệt đến độ hành giả có thể trở nên không ý thức về ngày và đêm.
Tuy nhiên, hành giả cần thận trọng rằng một vài kinh nghiệm về hiện tượng Cực Lạc và Chiếu sáng (Tịnh Quang) có thể  dẫn dắt hành giả đến sai lầm và nguy hiểm, vì đó chỉ là những ào giác mà hành giả không nên quan tâm.
Trong kinh nghiệm Không phân biệt, một vài hành giả có thể cảm thấy tất cả sự vật trở thành trống rỗng, hay có thể thấy sự trống rỗng của thế giới; những hành giả khác kinh nghiệm tất cả sự vật là không có tự thể, hay thân và tâm đều không hiện hữu; trong khi những hành giả khác nữa thực sự hiểu chân lý Không (= không thực có).
Hành giả không nên xem một kinh nghiệm nào trong những kinh nghiệm trên là hoàn hảo và đầy đủ, cũng không nên bám chấp vào bất cứ kinh nghiệm nào. Trong các kinh nghiệm đó, kinh nghiệm Không phân biệt là ít nguy hiểm và ít lỗi hơn hết.
Chỉ dẫn khẩu truyền tốt nhất trong tất cả những chỉ dẫn kinh nghiệm cảm nhận trong tu tập Đại Thủ Ấn là: “Hãy ném đi toàn bộ chấp trước và Bản tính sẽ lập tức hiện ra.”
3/.Kinh nghiệm về nhầm lẫn trong tu tập Đại Thủ Ấn.
1. Nếu hành giả tri giải sai lầm rằng Không tính như là sự đoạn diệt của cả những đức hạnh và ác hạnh, mà không biết rằng Bản tính của hiện hữu và Không tính là đồng nhất, và điều này bao gồm tất cả chân lý (= sự thật) và luân lý, thì sự hiểu lầm này làm lạc mất cái Thấy của Đại Thủ Ấn. Hơn nữa, nếu hành giả chỉ có một loại tri kiến nào đó về chân lý Không này, nhưng không thể kinh nghiệm nó một cách thân thiết, thì người đó cũng được xem như lạc mất sự chứng ngộ Đại Thủ Ấn.
2. Nếu một hành giả không biết rằng trong Bản tính của sự tu tập Đại Thủ Ấn (= Nhân), không khác với sự thành tựu Đại Thủ Ấn (= Quả), thì họ có thể nghĩ rằng tu tập đi trước và Chứng ngộ đến sau, như vậy Giác ngộ là sản phẩm của tu tập. Điều này có lẽ đúng ở bình diện phân biệt hàng ngày, nhưng chừng nào còn quan tâm đến cái Thấy (= Chứng ngộ), thì chừng ấy có thể nói là hành giả đã đi lạc đường.
3. Nếu hành giả có thể tạo nỗ lực chân thật trong tu tập Đại Thủ Ấn, mà thiếu hiểu biết vững chắc nơi giáo lý, thì chắc hẳn hành giả đang ấp ủ che dấu một hy vọng rằng một ngày nào đó hành giả có thể có được một giáo lý cao siêu hơn cả Đại Thủ Ấn. Đây cũng là một dấu hiệu lạc mất Đại Thủ Ấn.
4. Nếu hành giả không biết rằng cái chữa trị và cái được chữa trị, trong Bản tính, là một, lại bám vào ý niệm cho rằng tu tập Pháp (= cái chữa trị) và dục-vọng-phiền-não (= cái được chữa trị hay cái phải được chữa trị), là hai đối tượng tuyệt đối khác nhau. Đây cũng là lạc mất cái Thấy của Đại Thủ Ấn.
5. Trong tu tập Đại Thủ Ấn, về phần của hành giả yoga, luôn luôn có khuynh hướng cải chính nhiều lỗi. Ai thấy mình luôn luôn sửa các lỗi thì hầu như đã đi lạc.
4/.Kinh nghiệm về sai lầm trong tu tập Đại Thủ Ấn.
          1. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn chỉ khép kín trong nỗ lực định tâm, thì những hoạt động của tất cả sáu thức sẽ bị ngừng lại, hay lu mờ. Đây gọi là tu tập kiểu “đóng băng” và là một khuynh hướng rất nguy hại trong thiền Đại Thủ Ấn, mà hành giả cần phải tránh.
2. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn xao lãng Tỉnh thức trong sáng, mà chỉ trụ trong Vô-phân-biệt, thì sẽ không nghe hay không thấy gì khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.  Đây là lỗi lầm vì đã trở nên trì độn.
3. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn xao lãng Tỉnh thức trong sáng trong khoảnh khắc hiện tại kỳ diệu (tức khi niệm cuối đã qua, niệm kế chưa đến), sẽ rơi vào lỗi trì độn.
4. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn có thể giữ Tỉnh thức trong sáng nhưng lại nghĩ không có gì hơn nữa trong Đại Thủ Ấn thì cũng rơi vào lầm lỗi.
5. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn chỉ tu dưỡng Cực Lạc, Chiếu Sáng và Không phân biệt, mà không thấy ra Bản tâm(= quán chiếu, soi sáng bản chất của tâm: thấy ra chân lý Duyên khởi), thì không thể coi là tu tập đúng Đại Thủ Ấn.
6. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn mà phát triển sự ghét bỏ những hiện tướng thì coi như đã sai lầm.
7. Nếu hành giả tu tập Đại Thủ Ấn tập trung vào sự Tỉnh thức của mình và tu dưỡng Tự tâm Thanh tịnh Tịch chiếu, như thế hành giả tu tập Đại Thủ Ấn đúng. Tuy nhiên, nếu hành giả dụng công tập trung này có khuynh hướng cản trở tính tự phát và tự do của tâm, thì sẽ khó khai mở tâm giải thoát bao la. Vì thế, hãy không quên tu tập buông xả, tự do và tự phát.
Vậy thì, thế nào là tu tập Đại Thủ Ấn đúng?
Đáp: Tâm bình thường [T.T.:Thal.Ma.Ces.Pa.] chính là tu tập đúng; tức hành giả để cho tâm bình thường ở trong trạng thái tự nhiên của nó.
- Nếu hành giả thêm hay bớt bất cứ cái gì cho tâm này, thì đó không phải là tâm bình thường mà gọi là tâm phàm [T.T.: Yul.].
- Nếu hành giả không có chút ý định hay dụng công dù là mong manh nhất để tu tập, lại cũng không bị phân tán phút giây nào, là tu tập tâm tự nhiên đúng.
Vì thế, bao lâu còn có thể giữ được Tỉnh thức của mình, thì dù làm gì, hành giả vẫn được xem là đang tu tập Đại Thủ Ấn.
5) Tu tập Đại Thủ Ấn bằng nghịch cảnh.
Sau khi nhận ra Bản tính (= Duyên khởi tính), nên tiến hành tu tập cái gọi là những bài tập ứng dụng. Đó là hành giả nên ứng dụng một vài hoàn cảnh đặc biệt để làm tăng thêm sự Chứng ngộ.
1. Dùng phân tán và những tư tưởng phân biệt để tăng thêm Chứng ngộ:
Nơi đây không có nghĩa là hành giả cố quán xét bản tính của những tư tưởng phân biệt, cũng không thiền về Không tính, hay không phải chú tâm đến sự phân tán của tâm, mà nhằm giữ Tỉnh thức trong sáng một cách linh hoạt sống động về Bản tính của những tư tưởng phân biệt. Sự Tỉnh thức này trong trạng thái tự nhiên của nó là Đại Thủ Ấn. Nếu ban đầu có những khó khăn lớn, nên cố gắng vượt qua chúng và hòa hợp những tư tưởng phân biệt vào chân lý.
2. Dùng những phiền-não-dục-vọng để tăng thêm Chứng ngộ:
Đôi khi hành giả nên vì mục đích mà khởi động những phiền não dục vọng, chẳng hạn như ái dục, oán hận, ganh tị…, và quan sát chúng một cách sâu xa. Bạn không nên theo, bỏ, hay sửa sai chúng, mà một cách rõ ràng và Tỉnh thức ở lại trong trạng thái thư giãn và tự nhiên. Trong lúc ngủ ngon, bạn nên cố gắng hòa hợp Tỉnh thức với Vô thức mà không gắng sức. Đây là cách tốt nhất để biến Vô thức thành Ánh sáng (= Hiện thực).
3. Dùng sự xuất hiện của ma quỉ để tăng thêm Chứng ngộ:
Bất cứ khi nào có ma quỉ đáng sợ xuất hiện, hành giả nên dùng thiền Đại Thủ Ấn về sợ hãi. Đừng cố xua đuổi sợ hãi mà ở lại trên đó một cách rõ ràng và thư giãn. Trong khi làm như thế, nếu ma biến mất, hành giả nên thử một lần nữa triệu gọi ngay cả những con ma đáng kinh sợ hơn và lại dùng Đại Thủ Ấn với chúng.
4. Dùng bi mẫn và buồn phiền để tăng thêm Chứng ngộ:
Vì phân tích đến kỳ cùng, sự sống và luân hồi ám chỉ đau khổ, hành giả nên có tâm đại bi vì tất cả chúng sinh. Khi chiêm nghiệm sự đau khổ của con người, tâm đại bi sẽ khởi dậy, theo đó mà hành giả thực hành thiền Đại Thủ Ấn về nó. Khi làm thế, cả Trí và Bi của hành giả sẽ phát triển.
5. Dùng bệnh tật để tăng thêm Chứng ngộ:
Bất cứ khi nào bị bệnh, hành giả nên thực hành thiền Đại Thủ Ấn về bệnh ấy. Hành giả cũng nên quan sát thâm nhập Bản tính của bệnh nhân và chứng bệnh, như thế sẽ loại trừ Nhị nguyên của chủ và đối tượng.
6. Dùng cái chết để tăng thêm Chứng ngộ:
Hành giả có thể tu tập Đại Thủ Ấn như đã được chỉ dẫn sẽ không bị bối rối hay sợ hãi khi chết xảy ra. Rồi họ sẽ có thể đồng nhất, không sợ hãi, tất cả những thị kiến và kinh nghiệm xảy ra trong quá trình chết. Thoát khỏi bám chấp và những ước mong, lúc bấy giờ hành giả có thể hợp nhất Ánh sáng Mẹ và Con (Nhị nguyên) thành một toàn thể vĩ đại.
6) So sánh tu tập Đại Thủ Ấn và Thiền tông.
Đại Thủ Ấn và Thiền tông đều nhấn mạnh việc Lấy tâm truyền tâm // Minh tâm kiến tính // Tức thân thành Phật, nhưng trong đó cũng có vài điểm sai khác nhau.
1/. Người hướng dẫn:
Thiền tông sau khi tham ngộ phải nhờ thầy ấn chứng; còn Đại Thủ Ấn thì cầu thỉnh Thượng sư gia trì bên ngoài mà quán tưởng hòa vào tâm mình. Tức là: Thiền tông nương vào Bát Nhã đạo (con đường trí tuệ) để cầu khai ngộ, còn Đại Thủ Ấn thì nương vào Mật chú đạo (con đường Mật chú) để cầu gia trì.
2/.Quá trình tu học:
Thiền tông cần tham thoại đầu, nhận biết Bản lai diện mục, chú trọng việc đốn ngộ; Đại Thủ Ấn thì tu hành theo thứ lớp. Nói về tiến độ, thì Thiền tông chỉ nêu lên con đường hướng thượng, cho đến khi hoát nhiên khai ngộ; còn Đại Thủ Ấn thì nương theo Chuyên nhất Du-già, Li hí Du-già, Nhất vị Du-già và Vô tu Du-già mới khế hợp chí đạo (= đạo tột cùng).
3/.Phương tiện tu học:
Thiền tông chỉ thẳng tâm người, không nhờ phương tiện, nhưng công án của Thiền tông phần nhiều là những lời bí hiểm, nếu chẳng phải là bậc lợi căn thượng trí, thì không có cách nào ngộ nhập; còn Đại Thủ Ấn thì có nhiều phương tiện khéo léo để tu thân như: Gia hạnh, Chính hạnh, Kết qui cho đến bảy chi tọa và quyền pháp v.v... cho nên có thể phổ cập mọi căn cơ.
Ngoài ra, Hiển giáo cũng có Đại Thủ Ấn, tức là dùng kinh giáo để chứng ngộ Không tính; nghĩa là người tu pháp, tâm chuyên chú ở một cảnh, cứ như thế mãi mà được định, sau đó quán xét chỗ trụ (= vô sở trụ) của tâm cho đến khi không còn chỗ tìm cầu, thì ngộ tâm chẳng thật có, mà đạt tới cảnh giới Không trí giải thoát hợp nhất.
o0o
Đạo.
Đạo (;  E: Way, Path) là từ gốc Hán, có nghĩa hẹp là con đường hay đường đi, nghĩa rộng mang khái niệm trừu tượng về con đường, đó là phương hướng, phương pháp, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Có rất nhiều lý tưởng, phương hướng và nguyên tắc khác nhau về Đạo, thí dụ Thiên đạo, Nhân đạo, Trí đạo, Tâm đạo. Tuy vậy, tất cả những con đường Đạo khác nhau đó có cùng chung một nền tảng cơ bản là dựa trên tự nhiên về cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ trong sáng và lành mạnh để mưu cầu hạnh phúc và an bình cho con người.
Hiện nay khi nói đến Đạo, người ta thường cho rằng đó là vấn đề thuộc Tôn giáo dựa vào lòng tin của người theo đạo, để khuyên con người làm lành tránh dữ, cách yêu thương, dẫn dạy con người cách sống, cách hành xử.
1) Đạo theo quan niệm nhân gian.
Đạo được xem là thuật xử thế, là đạo lý làm người, là những lẽ hợp với khuôn phép, đạo đức (E: morality) ở đời. Người hiểu được Đạo là người tự biết rút kinh nghiệm khi thất bại, biết tự học hỏi khi yếu kém, biết nhận lãnh trách nhiệm khi lầm lỗi và tự biết điều chỉnh khiếm khuyết của bản thân, biết cân bằng những mong muốn vừa đủ và tìm thấy được niềm vui hạnh phúc cho bản thân.
2) Đạo theo quan niệm Kinh dịch.
Trong kinh Dịch, chương V, hệ từ thượng, luận về Đạo nói: "一陰一陽之謂道 * Nhất âm Nhất dương chi vị Đạo* Một âm Một dương gọi là Đạo", tức Đạo bao hàm hai hai yếu tố đối lập ban đầu âm và dương tác động lẫn nhau, là động lực thúc đẩy sự hình thành toàn bộ vũ trụ. Vũ trụ luôn biến hoá và phát triển vạn vật trong vũ trụ theo mô hình của âm và dương. Những ai thấu hiểu được Dịch, được xem như thông thấu được Đạo của sự vật, tất nhiên sẽ hành xử theo Đạo. Theo Nho giáo Đạo được gọi là Đạo Quân Tử.
Đạo hiện hữu khắp nơi,  không gì mà không có Đạo. Mọi vạn vật đều sinh tồn trong quy luật biến hóa của Đạo.
3) Đạo theo quan niệm Lão giáo.
Lão Tử coi Đạo là nguồn gốc của vũ trụ, là bản nguyên của Trời Đất và vạn vật, có nguồn gốc tự nhiên nhưng không biết nơi xuất phát cũng không có nơi kết thúc:
Trong Đạo Đức kinh, Chương 25, Tượng Nguyên象元, có viết:
Hán văn:
1.有物混成, 先天地生. 寂兮, 寥兮, 獨立而不改.  周行而不殆.  可以為天下母. 
2.吾不知其 名; 字之曰道, 強為之名曰大.  大曰逝. 逝曰遠.  遠曰反. 
3.故道大, 天大, 地大, 王亦大.  域中有四大, 而王居其一焉.  人法地, 地法天, 天法道,     道法自然.
Phiên âm:
1. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu.
2. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết phản.
3. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.
Dịch xuôi:
1. Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ.
2. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại.
3. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.
Đạo ở khắp vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật thiên nhiên mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Đạo là vô hình nhưng công dụng vô biên đối với vạn vật đều tương đối và ngang nhau, có thể hình dung đó là đạo của Trời (tự nhiên).
Lão Tử cũng diễn tả Đạo với nhiều con đường khác nhau với hình dung rõ nét hơn nhờ vào cái Lý đi theo sau nó, như Đạo Người, Đạo Trời, Đạo Trị Nước ... Theo Đạo Đức kinh, Đạo có công sinh ra vạn vật, còn Đức thì bồi dưỡng, nuôi lớn vạn vật và có công che chở vạn vật, nhưng công sức đó lại tùy thuộc vào Đạo ... Nói cách khác, khi vạn vật được tự nhiên sinh ra, muốn được phát triển và trưởng thành tốt thì phải cần quá trình bồi dưỡng nuôi nấng tốt, muốn được thế cần phải tuân theo chính quy luật của nó, tức quy luật của tự nhiên, là quy luật của Đạo. Khi con người làm được những điều thích ứng thuận với đạo Trời thì coi như đắc Đạo. Vì thế, Lão Tử chủ trương sống tự nhiên với bản chất con người để gần gũi với Đạo hơn.
4) Đạo theo quan niệm Phật giáo.
Đạo(;  P: Magga;  S: Mārga;  E: Way, Path, Journey;  F: Voie, Chemin)
Trong Phật giáo, Đạo hàm ý là Chân lý (chân lý Duyên khởi), như “chứng Đạo”, “thành Đạo”. Có mô tả về quá trình chứng Đạo sau:
1. Đạo tâm 道心→  Đạo hạnh 道行  →  Đạo lực 道力→  Đạo quả道果  =  thấy biết Chân lý  →  tu tập Chân lý  →  tấn lực Chân lý  →  thành tựu Chân lý.
2. Kiến đạo見道  →  Tu đạo修道  →  Chứng đạo證道  =  thấy biết Chân lý  →  tu tập Chân lý  →  thành tựu Chân lý
- Phật Đạo 佛道có thể  được hiểu: “Phật là Giácngộ, Đạo là Con đường”.  Theo đó, Phật Đạo được hiểu là Con đường đi tới sự Giác ngộ hay Chân lý Giác ngộ.
-Trung Đạo (中道;  P: Majjhi-māpaṭipadā;  S: Madhya-māpratipad;  E: Central Path, Middle Path, Middle Way;  F: Voie du Milieu, Voie Médiane, Voie Moyenne):  Được dùng để chỉ chung cho các phương pháp giảng dạy của đạo Phật, nhằm tránh những cực đoantrong đời sống vật chấtvà đời sống tinh thần, tiêu biểu là lối sống buông thả theo dục lạc hay lối sống trói buộc trong khổ hạnh.
- Bát Chánh Đạo (八正道;  P: Ariya-aṭṭhaṅgikamagga;  S: Āryāṣṭāṅgamārga;  E:  Noble Eightfold Path;  F: Noble Chemin, Sentier Octuple):  Là con đường tám nhánh, đặc trưng cho 8 việc mà hành giả cần thực hành rèn luyện để giải thoát khỏi Khổ não.
- Trong Vô Môn Quan, Công án 19, Thiền sư Vô Môn Huệ Khai đã ghi lại lời khai thị của Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện cho Thiền sư Triệu Châu:
          Triệu Châu hỏi:  Thế nào là Đạo?
Nam Tuyền đáp:  Tâm bình thường là Đạo.
Triệu Châu lại hỏi:  Nhắm hướng đến đó được không?
Nam Tuyền đáp:  Hướng đến càng xa.
Triệu Châu hỏi:  Nếu không nghĩ đến thì sao biết được đó là Đạo?
          Nam Tuyền đáp: Ðạo không thuộc về biết hay không biết. Biết là biết sai, không biết là vô kí. Nếu thật sự đạt Đạo thì bấy giờ cũng như thái hư, trống rỗng thênh thang, còn gượng chấp phải trái sao?
          Ngay câu này, Triệu Châu đốn ngộ.
"Bình Thường Tâm Thị Đạo * 平常心是道* Tâm bình thường là Đạo":  Tâm bình thường là cái tâm phẳng lặng không loạn động, tâm đó là Đạo, chớ chẳng đâu xa, cũng như nói mặt nước phẳng là khi không dậy sóng. Nếu dậy sóng thì mặt nước không còn phẳng nữa, là bất bình thường. Ngài Triệu Châu “hướng đến Đạo, nghĩ đến Đạo” là đã làm cho tâm động, bất bình thường rồi vậy.
5) Đạo theo quan niệm Cao Đài giáo.
Cao Đài giáo cho rằng người muốn thấy Đạo thì phải tu luyện và phải đủ công đức thì mới đắc Đạo. “Đạo không phải nơi lời nói, mà ở kết quả của việc mình làm. Chẳng phải nơi câu kệ câu kinh mà buộc hành vi người giữ đạo. Cái khó khăn của Đạo chẳng phải nơi giảng dạy mà cốt ở sự thực hành. Cái hay của Đạo chẳng phải tại nơi yếu lý, mà ở kết quả của sự giáo truyền”.
o0o
Đạo đức Phật giáo.
          Đạo đứclà từ gốc Hán được phân tích như sau:
Đạo :  Là con đường.              Đức:  Là tính tốt.
          Đạo đức (道德;  E: Morality)hay còn gọi là Luân lý 倫理, là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội, thường được gọi là “thuật xử thế”.  Đạo đức của một hành động được đánh giá là Thiện (tốt) hay Ác (xấu) khi đối chiếu với điều luật của xã hội hay tín điều của tôn giáo.
Đạo Phật là một tôn giáo vô thần(không có Đấng tạo dựng), lấy con người làm gốc,cho nên đạo đức Phật giáo được xem là dạng đạo đức nhân bản (人本;  E: human// humanity).
Theo Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147, đạo đức Phật giáo đặt nền tảng trên chân lý Duyên khởi-Vô ngã.  Theo đó, đạo đức Phật giáo là nguyên tắc thể hiện tính tương đối vượt lên mọi không gian và thời gian, chứ không mang tính tín điều áp đặt cứng nhắc. Nguyên tắc này được phát biểu như sau:
Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”
Chánh niệm nguyên tắc đạo đức này chính là phương pháp tu dưỡng đạo đức, tu dưỡng và lý giải hệ thống các giới luật của Phật giáo.
Tuy nhiên, do căn tính con người có khác biệt, nên có sự phân chia theo những mực độ khác nhau theo các hành động của thân-khẩu-ý. Đạo đức học Phật giáo đưa ra việc thực hành Ngũ giới- tức 5 điều đạo đức, hay Thập thiện– tức 10 điều đạo đức  (Xin xem các mục từ này). Hơn nữa, Phật giáo còn cụ thể hóa đạo đức ở một số trường hợp sau, cũng theo nguyên tắc “lợi mình-lợi người”:
- Trong kinh Trường Bộ, nguyên tắc đạo đức này đối với đời sống xã hội được ghi nhận như sau:                                                   
1) Tình bạn.                                                                                                                                                                                                                                                      1/ Tôn trọng, nhã nhặn với bạn.                                                                                 2/ Thiện ý, khoan dung với bạn.                                                            
3/ Quan tâm đến gia đình của bạn.                                                                  4/ Là nơi nương tựa cho bạn lúc khó khăn, nguy hiểm.                           
5/ Giữ gìn của cải cho bạn.
2) Tình chủ-tớ.             
- Đối với chủ :                                                                            
1/ Phân công theo sức khỏe và khả năng.                                               2/ Chăm sóc tốt đời sống vật chất.                                                         3/ Chăm sóc họ khi bệnh tật.                                                                 4/ Thỉnh thoảng khen thưởng.                                                     
5/ Cho phép họ nghỉ ngơi đúng lúc.
                    - Đối với tớ :                                                                     
1/ Bằng lòng với việc được giao.                                                 
2/ Chăm chỉ làm việc.                                                                            3/ Cố gắng làm tròn công việc.                                                    
4/ Giữ gìn tài sản cho chủ.                                                                    
5/ Làm tốt thanh danh cho chủ.
3) Tình chồng vợ.         
- Đối với chồng :
                    1/ Tôn trọng và khoan dung nhau.                                                                              2/ Tỏ lòng mến người thân hai bên gia đình.                                                               3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.                                                     4/ Tôn trọng chức năng làm vợ.                                                                                 5/ Quan tâm tới các vật trang sức cần thiết cho vợ.        
- Đối với vợ :
                    1/ Tôn trọng, khoan dung nhau.                                                                                 2/ Tỏ lòng  mến người thân hai bên gia đình.                                                              3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.                                                     4/ Gìn giữ tài sản gia đình.                                                                                                  5/ Quan tâm, khéo léo, khích lệ công việc của chồng.
4) Tình thầy trò. 
                    - Đối với thầy:
                    1/ Dạy đầy đủ những yêu cầu cần thiết.                                                                               2/ Làm cho học trò nắm chắc những điều đã học.                                                        3/ Hết lòng dạy những khéo léo của mình.                                                                 4/ Nói tốt những người bạn và đồng nghiệp cho học trò.                                          5/ Bảo vệ sự an toàn mọi mặt cho học trò.
                    - Đối với trò :
                    1/ Lễ phép với ( # tôn trọng ) thầy.                                                                            2/ Giúp thầy những lúc cần thiết.                                                                                3/ Siêng năng học tập.                                                                                              4/ Chăm sóc thầy ( vật chất, sức khỏe ).                                                                              5/ Chú tâm mỗi khi nghe lời dạy của thầy.
5) Tình cha mẹ-con cái:  (Xin xem mục từ Hiếu trong đạo Phật).
6) Tình thù:    Trích kinh Pháp Cú (bản dịch HT Thích Minh Châu)  
Phẩm thứ nhất –Phẩm Song Yếu(PC 3, PC 4)
Akkocchi maṃ, avadhimaṃ,       Nó mắng tôi, đánh tôi,
ajinimaṃ ahāsime                      Nó thắng tôi, cướp tôi.
ye taṃ upanayhanti,                  Ai ôm niềm hận ấy,
veraṃ tesaṃ na sammati                     Hận thù không thể nguôi.
***
Akkocchi maṃ, avadhimaṃ,       Nó mắng tôi, đánh tôi,
ajinimaṃ ahāsime                      Nó thắng tôi, cướp tôi.
ye taṃ na upanayhanti,              Không ôm niềm hận ấy
veraṃ tesūpasammati                Hận thù được tự nguôi.
* Còn được dịch là:"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan".
 
Phẩm thứ 17 -Phẩm Phẫn Nộ(PC 223)
Akkodhena jine kodhaṃ             Lấy không giận thắng giận
asādhuṃ sādhunā jin                 Lấy thiện thắng không thiện
jine kadariyaṃ dānena               Lấy thí thắng xan tham
saccena alikavādinaṃ.               Lấy chân thắng hư ngụy. 
          7)Phẩm chất của một vị vua anh minh.
          - Trong kinh Bổn sinh (Jākata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là Thập vương pháp:
1/- Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân.
2/- Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức.
3/- Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước.
4/- Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực.
5/- Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người.
6/- Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm.
7/- Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai.
8/- Có lòng kiên trì, nhẫn nại.
9/- Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu.
10/- Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới.
Đây không chỉ là những phẩm chất một vị vua cần có, mà còn là những phẩm chất của người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo các bộ, các ngành thuộc bộ máy nhà nước cần phải có.
- Trong Tiểu bộ kinh có nêu ra mười phẩm chất của một vị vua anh minh, hiền đức hay nhà lãnh đạo tốt. Tuy văn từ có khác nhưng chung quy nội dung không ngoài mười phẩm chất lãnh đạo:
1/- Bố thí, có tấm lòng từ thiện, xả kỷ vị tha (trong quản trị đất nước thì điều này thể hiện ở các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội).
2/- Trì giới, giữ gìn đạo đức (giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu).
3/- Bao dung, rộng lượng, giàu lòng hy sinh.
4/- Liêm khiết, nghiêm minh, chính trực, công bằng.
5/- Nhu hòa.
6/. Sống khắc kỷ, giản dị (không đắm mình trong hưởng thụ, trụy lạc, không xa xỉ, biết chế ngự những ham muốn, dục vọng).
7/- Không sân hận (không gieo thù kết oán với ai, không ganh ghét, đố kỵ, thù hằn).
8/- Yêu hòa bình (không gây chiến, từ bi, bất bạo động).
9/- Kham nhẫn, chịu đựng.
10/- Thuận lòng dân.
o0o
Đế [Xin xem mục từ Chân lý]
o0o
Địa Tạng
Nội dung
I. Địa Tạng: Biểu tượng triết lý về Tâm.
II. Tín ngưỡng về Bồ-tát Địa Tạng.
III.  Huyền thoại về Bồ-tát Địa Tạng.
IV.  Hình tượng Bồ-tát Địa Tạng.
V. Kinh điển về Bồ-tát Địa Tạng.
I. Địa Tạng: Biểu tượng triết lý về Tâm.
 
Ksitigarbha - Wikipedia
Địa Tạng – Wikipedia tiếng Việt
Địa Tạng (地藏;  S: Kṣitigarbha) là từ gốc Hán, trong đó:
- Địa地:  Có nghĩa là đất, nơi mà muôn vật được sinh trưởng trên đó.
- Tạng藏:  Có nghĩa là chứa, giữ. 
Theo nghĩa hẹp, Địa Tạng là sự dung chứa của đất, bởi tất cả vạn vật hữu tình hay vô tình đều tựa vào đất hoặc nương vào đất mà lớn lên, và không thể rời khỏi mảnh đất mà tồn tại được. 
Theo nghĩa rộng, Ðịa Tạng hàm ý mảnh đất tâm của con người. Mỗi một lần thở ra thở vào, một cử một động, một lời nói một hành động, từng giờ từng khắc, đều từ tâm mà lưu xuất, mà chẳng qua chính chúng ta không hay biết, như trong kinh Pháp Cú đã nói:
Tâmdẫn đầu các pháp                        Tâmdẫn đầu các pháp
                    Tâmlàm chủ tạo tác                            Tâmlàm chủ tạo tác
                    Nếu với tâmnhiễm ô                           Nếu với tâmthanh tịnh
                    Nói năng hay hành động                       Nói năng hay hành động
                    Khổ não bước theo sau                         An lạc bước theo sau
                    Như xe theo vật kéo.                            Như bóng không rời hình.
                              KPháp Cú 1.                                                KệPháp Cú 2.
Mảnh đất tâm hàm tàng bao lẽ thật kỳ diệu mà chúng sinh cần thấy biết chân xác.  Mảnh đất tâm trong đạo Phật được biểu tượng bằng hình ảnh và ý nghĩa của một vị Bồ-tát, đó là Bồ-tát Địa Tạng(菩薩地藏;   S: Kṣitigarbha Bodhisattva).
Tham – Sân – Si khi hiện diện trên mảnh đất tâm, sẽ làm cho mảnh đất này ô nhiễm, tích chứa các tập khí (tức nghiệp lực xấu).  Vì thế, khi nghiên cứu về Bồ-tát Địa Tạng, thật sự là nghiên cứu nghệ thuật sống nhập thế và xuất thế qua việc tâm Tham, tâm Sân, tâm Si được chuyển hóa thanh lọc, nhằm đạt đến một nội tâm thanh tịnh và sáng suốt viên mãn.
II. Tín ngưỡng về Bồ-tát Địa Tạng.
1)  Bồ-tát Địa Tạng ở Ấn Độ.
Theo kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, trong vô lượng kiếp về quá khứ, Bồ-tát Địa Tạng đã phát đại thệ nguyện vào chốn địa ngục để cứu độ chúng sanh, nguyện rằng đến khi nào không còn chúng sanh trong địa ngục thì Ngài mới thành tựu Vô thượng Bồ-đề.
"Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề."
 
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cho là đã tán thán hạnh nguyện cao đẹp này và dạy rằng, nếu ai phát nguyện hành trì theo kinh, sẽ được công đức rất lớn; nhờ công đức này, thân bằng quyến thuộc, kẻ còn người mất, đều được an vui.
Từ đó, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã hiện diện tại Ấn Độ, Trung Á, Tây Tạng, ảnh hưởng rộng khắp Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, và trở thành tín ngưỡng chung của người dân Nhật Bản.
Các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ hồi gần đây đã xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Địa Tạngđã được khai sanh tại Ấn Độ rất lâu đời, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo Đại Chúng bộ, mà bằng chứng cụ thể là Bồ-tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ nổi tiếng của Phật giáo là Nalanda, xứ Ma Kiệt Đà.  
Cạnh đó khoảng đầu thế kỷ thứ VI (C.E.), xuất hiện nhiều hình ảnh Bồ-tát Địa Tạng được khắc họa vào tranh tượng Mạn-đà-la theo truyền thống Phật giáo Mật tông tại Uttar Pradesh. Trong tranh tượng Man-đà-la của tám vị Đại Bồ-tát tìm thấy tại Kalinga (nay gọi là Orissa), phía đông Ấn Độ, Bồ-tát Địa Tạng được khắc họa ở vị trí hướng Đông cùng với Bồ-tát Di Lặc, thân cận một bên đức Bất Động Như Lai.  Bồ-tát Địa Tạng cũng được kính ngưỡng trong cộng đồng Tăng già và cư sĩ tại phía Nam Ấn Độ từ thế kỷ thứ VIII, được thể hiện qua tranh tượng tại các quần thể hang động Phật giáo Ajanta và Ellora.
2)  Bồ-tát Địa Tạng ở Trung Á.
Khi Phật giáo bắt đầu được du nhập vào vùng Trung Á, vào khoảng năm 140 C.E., và trạm dừng chân đầu tiên của bánh xe Pháp là Turkestan, tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng cũng theo bước chân của những tăng đoàn truyền giáo du nhập vào vùng này thông qua “Con Đường Tơ Lụa” nổi tiếng trong lịch sử. “Con Đường Tơ Lụa” dài trên hai ngàn dặm từ Ấn Độ vào Trung Hoa đi xuyên qua những địa thế rất gian nan hiểm trở, với những vùng khí hậu khắc nghiệt của cả núi cao lẫn sa mạc, thêm vào đó những vùng biên địa giữa những tiểu quốc lại đầy rẫy những thú dữ và những băng đảng cướp của giết người cũng như những bộ lạc còn rất dã man.
Hàng ngàn hình tượng Bồ-tát Địa Tạng được tôn thờ trong những hang động tại vùng Lung-Men và Tun-huang, Turkestan trong khu vực được gọi là Vạn Phật đã nói lên niềm tin tưởng của dân chúng địa phương về sự hộ trì của Bồ-tát Địa Tạng đối với khách lữ hành, và là một bằng chứng sống động cho thấy rằng Bồ-tát Địa Tạng không phải là sản phẩm hư cấu của người Trung Hoa.
3) Bồ-tát Địa Tạng ở Trung Hoa.
Từ cửa ngỏ Turkestan, Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc, và chỉ trong vòng vài thế kỷ sau, khoảng năm 400 C.E, Phật giáo coi như đã hoàn toàn hội nhập vào vùng đất mới. Tại đây cây Bồ Đề đã bắt đầu bám rễ một cách vững chắc góp phần vào việc phát triển một nền văn hoá Trung Hoa đa dạng, phong phú và rực rỡ. Đồng thời tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng cũng đã bộc phát mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ giữa cho đến cuối niên kỷ 500 C.E.
 Tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng đạt lên đến đỉnh cao khi người Trung Hoa chọn ngọn núi Cửu Hoa Sơn làm nơi trụ tích của Bồ-tát mà theo truyện tích còn để lại thì Bồ-tát đã hóa thân thành một nhà sư Triều Tiên đến Trung Hoa hoằng pháp và liễu đạo tại đây.

Chùa trên Cửu Hoa Sơn

Tượng Bồ-tát Địa Tạng thời nhà Thanh
Từ Trung Hoa, Phật giáo cùng với tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng bắt đầu du nhập vào Nhật Bản thông qua cửa ngỏ Triều Tiên vào khoảng thế kỷ thứ Năm hoặc thứ Sáu.  Nhật Bản lúc bấy giờ so với Trung Hoa và ngay cả Triều Tiên, là một quốc gia còn ở trong tình trạng bán khai, lạc hậu.
4) Bồ-tát Địa Tạng ở Nhật Bản.
Trước khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản, người dân nơi đây phần lớn tin theo Thần đạo. Họ tôn thờ nhiều vị thần linh. Khi Phật giáo du nhập và phát triển,hình ảnh của Bồ-tát Địa Tạng đã lần hồi chiếm chỗ của những vị thần đã ngự trị trước đây trong lòng dân Nhật. Dân chúng Nhật Bản đã lưu truyền nhiều câu chuyện về Bồ-tát Địa Tạng như là hiện thân của vị Bồ-tát chăm lo và cứu giúp những người bất hạnh và khổ đau.

Bồ-tát Địa Tạng trong Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa, Nhật Bản
Người nông dân gặp khó khăn trong công việc đồng áng ư ? Họ kêu cầu đến Bồ-tát Địa Tạng. Gặp lúc trời hạn hán không mưa? Lại phải nhờ đến oai lực của Bồ-tát Địa Tạng. Thậm chí gặp lúc đau mắt, nhức răng không biết chạy đi đâu người ta cũng phải chạy đến cầu sự giúp đỡ của Ngài. Ngài trở thành vị Bồ-tát bảo vệ thôn làng trước họa binh đao, nước lửa, là người bảo vệ cho sản phụ mẹ tròn con vuông, là người bảo hộ cho những chiến sĩ được bình an trong trận mạc.
Chưa hết, đến phút lâm chung, cũng chính Bồ-tát Địa Tạng là người đến tiếp dẫn họ đến cõi Tây phương Tịnh Độ của Phật A Di Đà, và chẳng may nếu một người nào đó gây nên những ác nghiệp xấu xa phải rơi vào chốn địa ngục, nếu biết ăn năn sám hối kêu cầu đến Ngài, Ngài cũng sẽ sẵn sàng vào chốn địa ngục để đưa họ ra khỏi chỗ tối tăm...
Để tán thán công năng cứu độ chúng sanh không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa Tạng, người dân Nhật đã tạo ra không biết bao nhiêu những truyện tích, huyền thoại để nói về Ngài. Với khuôn mặt dịu hiền khả ái và trên môi như luôn luôn điểm một nụ cười, hình ảnh của Ngài đã hoà nhập vào tất cả mọi nền nếp suy nghĩ, vào những lo âu trong cuộc sống đời thường của dân chúng Nhật Bản.

Tượng Bồ tát Địa Tạngở vùng núi Aoyama, tỉnh Aomori, Nhật Bản
Hình ảnh của Ngài làm người ta liên tưởng đến hình ảnh của một vị y sĩ vùng quê sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào cho bất cứ ai cần đến trong cơn đau đớn, sợ hãi, âu lo, hoạn nạn dù lớn hay nhỏ.
Cho đến bây giờ, không phải chỉ ở vùng quê mà ngay tại những thành phố, kể cả những thành phố lớn đông đúc rộn rịp như Tokyo hay cố đô Kyoto. Nếu ai đó cần đến sự giúp đỡ của Bồ-tát Địa Tạng, có lẽ người đó cũng không cần phải đi đâu xa, bởi vì chỉ cách một vài góc phố, vài ngả tư đường người Nhật lại dựng lên một bàn thờ nhỏ thờ Bồ-tát Địa Tạng, mà trên đó là những bó hoa tươi thắm, những phẩm vật cúng dường đơn sơ nhưng chan chứa những tình cảm trân trọng: vài viên kẹo, vài trái quýt, và đôi khi cả những chén rượu sake ... Những bàn thờ này luôn luôn được chăm sóc sạch sẽ bởi cư dân địa phương, điều này đã nói lên những tình cảm tin tưởng trân quý của người Phật tử Nhật Bản luôn luôn hướng về Ngài.
 
Trẻ em Nhật tắm cho ngài Địa Tạng và cầu nguyện
Theo niềm tin tưởng rất lâu đời của Phật tử Nhật Bản kể từ thời Trung cổ thì Bồ-tát Địa Tạng rất thương yêu trẻ con và vì thế Ngài là vị Bồ-tát có một sứ mệnh rất đặc biệt là bảo vệ trẻ con. Chính vì vậy mà đa phần những hình tượng Bồ-tát Địa Tạng tại Nhật Bản đều mang một khuôn mặt trẻ thơ rất đáng yêu. Trong các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, v.v.. chỉ có Nhật Bản là có truyền thống độc đáo này.
Ngài luôn hiện thân để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi, bạo hành trong gia đình và xã hội. Với những trẻ thơ bất hạnh yểu mạng, Ngài thường đến bên bờ sông Nại Hà, dòng sông mà tín ngưỡng dân gian Á Đông tin là hương linh phải đi qua trước khi vào điện Diêm La nghe Diêm vương phán xét tội hình, để an ủi và che chở các em. 
Nhiều người tin rằng, những trẻ em yểu mạng, vì thương nhớ cha mẹ và người thân, linh hồn các em thường ở lại bên bờ này và nhặt những viên đá cuội để xây lâu đài, thành quách tưởng đến người thân; Bồ-tát Địa Tạng thường đến bên các em vỗ về, an ủi, giúp các em tích tạo công đức và đưa các em qua sông. 
Nhiều người khác lại tin rằng, các em có tội bất hiếu vì khiến cha mẹ và người thân đau buồn, nên các em bị hình phạt bên bờ sông, bị quỷ dữ hiếp đáp, và Bồ-tát Địa Tạng thường hiện thân cứu giúp các em, đưa các em qua dòng sông. 
Vì tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng là vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em, nên phần lớn tranh tượng của Ngài thường biểu hiện giống và liên quan đến trẻ thơ. Có tranh tượng, khuôn mặt Ngài trông giống trẻ em, rất ngây thơ, hồn nhiên. Có tranh tượng, trên tay Ngài bồng một em bé, dưới chân lại có vài ba em bé khác đang níu kéo tăng bào và thiền trượng của Ngài. Và tượng Ngài thường được tôn thờ bên những dòng sông, con suối. Hằng năm, người dân Nhật Bản thường tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn của Ngài dành cho trẻ thơ vào ngày 24 tháng 7 ÂL.

Tượng Bồ-tát Địa Tạng tại chùa Mibudera ở Nhật Bản, được mô tả với trẻ em và yếm.
Ngày nay, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã trở thành tín ngưỡng chung của Phật giáo và dân gian. Và sau lễ Vu Lan rằm tháng 7 ÂL thì các Chùa thường khai kinh Địa Tạng tụng cho đến ngày cúng vía Ngài vào cuối tháng 7 tức ngày 30. 
Ở những nơi thờ phượng lớn hơn, người ta còn thấy Phật tử dâng cúng lên Ngài những bộ áo quần trẻ con, những đôi giày, dép Nhật Bản, vì người ta tin tưởng rằng Bồ-tát Địa Tạng đã phải đi mòn không biết bao nhiêu là gót giày, tất bật tới lui không ngừng trên khắp nước Nhật để an ủi, săn sóc bất cứ những ai cần đến Ngài giúp đỡ. Đặc biệt khi người ta dâng cúng đến Ngài những bộ áo quần trẻ con là vì do niềm tin theo truyền thuyết, Ngài là người rất yêu thích trẻ con, là vị thần hộ mệnh của những trẻ thơ bất hạnh. Đây có thể nói là một trong những nét độc đáo, đầy ý nghĩa tính nhân bản của Phật giáo Nhật Bản.
5) Bồ-tát Địa Tạng ở Triều Tiên.
Tại Triều Tiên thì Địa Tạng Sám Pháplà loại kinh rất thông dụng cho các chùa.

Tranh Bồ-tát Địa tạng, triều đại Goryeo (918 - 1392), Triều Tiên, nửa đầu thế kỷ 14
Nhìn chung, phần lớn tại Trung Quốc và Triều Tiên, Bồ-tát Địa Tạng được xem là vị cứu độ nơi cõi Địa Ngục, còn tại Nhật Bản thì Ngài là người thủ hộ cả trẻ con và người lớn lúc còn sống hay đã khuất, và nhận được sự tôn kính ngưỡng mộ rất phổ biến.
6) Bồ-tát Địa Tạng ở Tây tạng.
Theo truyền thống Mật thừa, thì tại Ấn Độ, đã có tín ngưỡng tôn xưng và lễ bái Bồ-tát Địa Tạng như là một trong tám vị đại Bồ-tát là:  Địa Tạng, Di-lặc, Kim Cang Thủ, Hư Không Tạng, Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Trừ Cái Chướng và Phổ Hiền, thân cận với năm vị đại trí Như Lai là:  Bất Động Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, A-di-đà Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai và Đại Nhật Như Lai (=Tỳ-lô-giá-na Phật) tọa vị trung ương, biểu hiện qua dạng Mạn-đà-la.
TrongThai tạng giớiMạn-đà-la(= Hiện tượng giới),Bồ-tát Địa Tạng với mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cang hay Đại Nguyện Kim Cang đứng đầu trong Địa Tạng viện.
Trong Kim cương giớiMạn-đà-la(= Tâm thức giới),Bồ-tát Địa Tạng được coi là đồng thể của ngài Bồ-tát Kim Cang Tràng, một trong bốn vị Bồ-tát thân cận đức Bất Động Như Lai (A-súc-bệ Phật).

Tranh Thangka Bồ Tát Địa Tạng, Tây Tạng.
Do chỉ được đề cập đến trong kinh giáo chứ không còn dấu tích được phụng thờ tại Ấn Độ. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng Ngài là Bồ-tát được hình tượng hoá trong Phật giáo Bắc truyền.
          Phật giáo Tây Tạng theo truyền thống Mật thừa, đã biểu hiện tín ngưỡng thờ    phụng và tu tập theo Thủ Ấn và Chân Ngôn (= Thần chú) như sau:
1/.Thủ Ấn Bồ-tát Địa Tạng:  Thủ Ấn của Bồ Tát Địa Tạng tại Địa Tạng Viện trong Thai Tạng Giới, có tên gọi là Kỳ Ấn.  Hai tay tác Nội Phộc, dựng đứng hai ngón giữa cùng đối nhau.

Thủ Ấn của Bồ-tát Địa Tạng

 

Hai ngón giữa tượng trưng cho hai trang nghiêm của Phước Trí. Tức có nghĩa là: hai tay sinh Phước Trí trao cho tất cả chúng sinh khác. Lại hai ngón giữa dựng đứng như dạng cây cờ cho nên gọi là Kỳ Ấn. Ấn này là Ấn căn bản của Bồ-tát Địa Tạng.
2/.Chân ngôn Bồ-tát Địa Tạng:
- Tiếng Việt:  Án Bát Ra Mạt Lân Đà Nãnh Ta Bà Ha[OM. HA-HA-HA-VIS-MA-YE. SVA-HA   hay  NAMAH  SAMANTA  BUDDHÀNÀM_ HA  HA  HA  VISMAYE  SVÀHÀ] 
- Tiếng Hán: Om, Bo La Mo, Ling To Ning, Soha  唵缽囉 末鄰陀寧娑婆訶 
3/.Lục Địa Tạng.
Lục Địa Tạng là sáu hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng.
Một số người cho rằng Bồ-tát Địa Tạng chỉ ở tại Địa Ngục để cứu độ chúng sinh trong Địa Ngục. Thật ra là ở trong cả sáu nẻo, Ngài đều có năng lực giáo hóa tế độ. Điều đó được gọi là Lục Địa Tạng, tức là Địa Tạng độ hóa chúng sinh trong sáu nẻo.  Tên của Lục Địa Tạng đều y theo nhân duyên của mỗi nẻo để thị hiện ứng hóa.  Danh xưng của Địa Tạng trong sáu nẻo thì các kinh ghi chép không giống nhau, nhưng nói chung thì đều bắt nguồn ở Đại Nhật Kinh Sớ, quyển thứ năm là sáu vị thượng thủ trong chín Tôn của Địa Tạng Viện trong Thai-tạng-giới đó là: Địa Tạng, Bảo Xứ, Bảo Chưởng, Trì Địa, Bảo Ấn Thủ, Kiên Cố Ý.
Theo kinh Liên Hoa Tam Muội, Lục Địa Tạng bao gồm:
1. Đàn Đà Địa Tạng:  Là hóa thân của đức Địa tạng ở địa ngục, tay cầm tràng phan hình đầu người (Đàn Đà dịch là Nhân Đầu Tràng)
2. Bảo Châu Địa Tạng:  Là hóa thân của Ngài trong đạo Ngạ quỉ, tay cầm bảo châu.
3. Bảo Ấn Địa Tạng:  Là hóa thân của Ngài trong đạo Súc sanh, duỗi tay kết bảo ấn như ý.
4. Trí Địa Tạng:  Là hóa thân của Ngài trong đạo A Tu La, thường hai tay bưng quả đất, biểu hiện cho sự nâng đỡ, ủng hộ A Tu La.
5. Trừ Cái Chướng Địa Tạng:  Là hóa thân trong nhân loại, trừ tám món khổ che lấy nhân loại.
6. Nhật Quang Địa Tạng:  Là bậc hóa thân trong thiên đạo, ánh sáng soi tỏ suy nghĩ của người và trời và diệt trừ mọi phiền não.

Lục Địa Tạng Bồ-tát Pháp Đàn.
Theo kinh Thập Vương nói rõ Thủ Ấn của sáu vị Địa Tạng như sau:
1.  Dự Thiên Hạ Địa Tạng  với  Thuyết Pháp Ấn 
2.  Phóng Quang Vương Địa Tạng  với  Thí Vô Úy Ấn 
3.  Kim Cương Tràng Địa Tạng  với  Thí Vô Úy Ấn 
4Kim Cương Bi Địa Tạng  với  Tiếp Dẫn Ấn 
5.  Kim Cương Mật Địa Tạng  với  Cam Lộ Ấn 
6.  Kim Cương Nguyện Địa Tạng  với  Thành Biện Ấn.
III. Huyền thoại về Bồ-tát Địa Tạng.
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật nói về bốn tiền thân với bốn đại nguyện của Ngài Địa Tạng như sau.
1)Trưởng giả: Trong một kiếp quá khứ, tiền thân của ngài Địa Tạng là một vị trưởng giả, nhờ phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị Trưởng giả này đã phát đại nguyện: Từ nay đến tận đời vị lai, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng sinh đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả.   
2) Bà-la-môn:  Trong một kiếp quá khứ,  ngài Địa Tạng là một người nữ dòng dõi Bà-la-môn có nhiều phước đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa đã cho cô biết là mẹ của cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và vãng sanh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng sinh đó được giải thoát.
3)Thánh vương:  Trong một kiếp quá khứ khác, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, tiền thân của ngài Địa Tạng là một vị vua rất Từ bi, thương dân như con … nhưng chúng sanh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền đức này đã phát nguyện: Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.   
4)Thiếu nữ:  Trong một kiếp quá khứ khác, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, tiền thân của ngài Địa Tạng là một thiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung, bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sanh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu… vì lòng thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên Hoa phát nguyện:
Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ, v.v... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.

 
5.Tu sĩ(Xin xem Bài đọc thêm “Chùa cổ Hóa Thành và Kim Địa Tạng”).
Vào triều đại nhà Đường, năm Vỉnh Huy thứ tư. Về phương Đông (Trung Quốc) có nước Tân La (Silla) (nay là Hàn Quốc hoặc Triều Tiên) Hoàng tử Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), sau khi tỏ ngộ Phật pháp nhiệm mầu, Ngài liền từ bỏ lầu son gác tía vinh hoa phú quý, xuất gia đầu Phật, sau đó Ngài đáp thuyền sang Trung Quốc, lên núi Cửu Hoa, tỉnh An Huy. Ngài tham thiền nhập đại định trong núi bảy mươi lăm năm, Thành đạo vào ngày 30 tháng 7, triều Đường Huyền Tôn khai nguyên năm thứ 16.
Về sau Ngài lại nhập đại định hai mươi năm nữa. Trong thời gian nhập đại định, tương truyền ngài hiện thân vào những cảnh khổ của Địa ngục để cứu chúng sinh thoát khỏi u đồ.  Đến đời vua Đường Chánh Đức năm thứ hai, ngày 30 tháng 7 Âm lịch, Ngài hiển thánh (nhập diệt).
Do Bồ-tát Địa Tạng thành đạo và hiển thánh đều chung một ngày, nên ngày 30 tháng 7 âm lịch hàng năm được chọn làm ngày vía Địa Tạng.
IV. Hình tượng Bồ-tát Địa Tạng.
Sau đây là giới thiệu một số ý nghĩa về hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng được thờ phụng.
1) Thân Tỳ Kheo.

Theo tư tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Bắc truyền, có vô lượng Bồ-tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian để độ sinh. Các vị Bồ Tát này phần nhiều hiện thân là cư sĩ, riêng Bồ-tát Địa Tạng lại hiện thân là người xuất gia, đầu tròn, mặc áo ca sa, tay mặt cầm tích trượng, tay trái nắm hạt minh châu.  Bởi thân đắp cà sa có ý chỉ kham nhẫn, sống đời phạm hạnh thanh tịnh và còn là sức mạnh của giới pháp, ngăn ngừa những tội lỗi của ác pháp. Chiếc áo cà sa che chở cho người tu trong cuộc sống xã hội đầy thamvọng, sânhận và simê. Điều này khá tương ưng với Địa Tạng là an nhẫn, là dung chứa như đại địa từ một nội tâm thanh tịnh và trong sáng như được giải thích nơi kinh Địa Tạng Thập Luậnở mục V bêndưới.
 
2) Tích trượng.
 
Đầu Tích trượng
Tích trượng(錫丈;  S: Khakkara)là chiếc gậy của tỳ kheo đi đường, cũng có nghiã và tên gọi là Trí trượng, Đức trượng.
Tích trượng là một trong 18 món đồ vật của nhà sư, đó là một cây gậy, ở đầu gậy có những vòng kim loại, khi rung phát ra tiếng. Tích trượng được cho là một trong những pháp khí do Phật chế ra. Thời xưa, Phật và các Thánh chúng đi khất thực thường vai mang bát và tay cầm tích trượng. Công dụng của tích trượng là để dẹp trừ những chướng ngại vật hay trùng thú v.v…
Theo Tì Nại Da Tạp Sự quyển 34 có ghi : “Nhà sư đi khất thực, khi đến nhà ai, bèn lên tiếng gọi báo và nắm tay gõ vào cửa, người nhà lấy làm lạ hỏi: “Tại sao lại gõ cửa nhà tôi?” Nhà sư im lặng chẳng nói. Ðức Phật bảo: “Ðừng gõ cửa, mà nên làm cây gậy Tích trượng”; nhà sư không hiểu, đức Phật nói: “Ở đầu cây gậy có gắn những vòng nhỏ bằng cái chén, khi rung gậy thì phát ra âm thanh để báo cho biết”. Khi đến nhà nào, rung mãi cây Tích trượng đến phát mệt, mà nhà ấy không ai ra hỏi, thì đức Phật bảo: “Không nên rung lâu cây Tích trượng, chỉ nên rung 2 hay 3 lần mà thôi, nếu không có người ra hỏi, thì nên đi nơi khác”.
Cách làm gậy thì được mô tả theo Tích trượng kinh.
Trong kinh Tích trượng có chép, Phật dạy : “Này các tỳ kheo, các Thầy nên thọ trì Tích trượng, vì đó là món pháp khí mà ba đời chư Phật đều có thọ trì”.
Cũng trong kinh Tích trượng, có đoạn Ngài Ca Diếp bạch Phật : “Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là Tích trượng ? Tích trượng là chiếc gậy đức hạnh có các nghĩa sau :
- Khinh : Phiền não được khinh bạt ra khỏi ba cõi của sinh tử.
- Minh :Trí tuệ được minh mẫn.
- Tỉnh :Tỉnh ngộ được Vô thường-Khổ-Vô ngã.
- :Không còn say đắm dục lạc.
Tích trượng có đường kính to vừa tầm tay người cầm, chiều cao không quá đầu. Trên đầu Tích trượng có gọng bốn vòng cung tượng trưng cho Tứ Đếmười hai khoen nhỏ tượng trưng cho 12 Nhân Duyên, tất cả bằng kim loại, được cho là do Phật Thích Ca chế tác. 
Tích trượng có loại do đức Ca Diếp - vị cổ Phật - truyền thừa thì trên đầu có gọng hai vòng cung tượng trưng cho Chân ĐếTục Đế, cộng với sáu khoen tượng trưng cho Lục Độ hay sự cứu độ chúng sinh của Bồ Tát trong Lục đạo.
Như vậy, Bồ-tát Địa Tạng tay cầm Tích trượng là biểu trưng cho sức mạnh của Chánh Pháp. Chánh Pháp chính là hiệu quả của “Tích trượng phá cửa địa ngục”, là chiếc gậy báu đập tan mọi xiềng xích trói buộc của địa ngục phiền não, tích tập từ một nội tâm Tham-Sân-Si.
Ngày nay, Tích trượng chỉ thường được sử dụng trong các lễ nghi:  Giải Oan Bạt Ðộ, Tang Lễ, Sám Hối, Quy Y.
Sau đây là bài kệ đọc trong khi cầm Tích trượng: “Chấp trì Tích trượng, đương nguyện chúng sanh, thiết đại thí hội, thị như thật đạo”. (dịch: Khi cầm tích trượng, nên nguyện chúng sanh, tu tập hạnh bố thí, chứng đạo quả như thật), và tiếp đọc bài mật chú: “Án na lật thê, na lật thê, na lật tra, bát nể na lật đế, na dạ bát nảnh hồng phấn tra”.
          3)  Viên Minh Châu  hay còn gọi là viênBảo Châu, viên Ngọc Như Ý,  viên Ngọc Ma Ni (亙仗;  S:Mani, Cintāmaṇi Cintamani). Đây là một vật quí tượng trưng cho cát tường,có khả năng đem đến những điều lành.
Về nguồn gốc của Ngọc Như Ý, có rất nhiều truyền thuyết. Tuy nhiên, nếu ví viên ngọc có khả năng loại bỏ được sự nghèo nàn của đời sống vật chất, đồng thời viên ngọc cũng có khả năng giải trừ được sự khổ đau của một nội tâm, thì theo Phật giáo, Ngọc Như Ý chính là tuệ giácnơi từng mỗi con người ngộ đạo. Tuệ giác của Bậc giác ngộ là nền tảng cho một đời sống tốt đẹp cho bản thân và thế giới xung quanh.
Phật giáo Bắc truyền đã biểu thị cho giá trị vô thượng của Ngọc Như Ý chính là Tam Bảo(Phật-Pháp-Tăng), là Chân lý Duyên khởiđem lại tuệ giác cho hành giả.  Bồ-tát Địa Tạng tay nâng viên Minh Châu là viên ngọc quí có ánh sáng – đặc trưng cho tuệ giác, cho sự tỉnh thức – soi sáng mảnh đất tâm nơi con người, giúp con người vượt lên vô minh  mê lầm, thành tựu một nội tâm thanh tịnh và một đời sống đầy an lạc.
          4)  Mũ Tỳ Lô.
Nguồn gốc xuất hiện và sử dụng mũ này đến bây giờ vẫn chưa có một sự khảo chứng bằng tài liệu cụ thể, rõ ràng. Duy chỉ biết rằng mũ Tỳ Lô được lấy từ ý nghĩa của kinh Phạm Võngnói về Phật Tỳ Lô Giá Na - thủy tổ của Đại Thừa giáo, thường luôn sử dụng làm phương tiện hóa độ chúng sanh nên trong kinh điển Phật giáo thường có câu: “Biến nhập tỳ lô hoa tạng giới”. Hình dáng và màu sắc của Mũ Tỳ Lô có nhiều kiểu cách theo quan niệm của các hệ phái Phật giáo bản địa theo truyền thống Mật tông, có thể được thấy như sau (xem hình bên dưới).
- Mũ Tỳ Lô được ghép lại với nhau bằng 7 mảnh, mỗi mảnh có hình một vị Phật tượng trưng cho Thất Phật đã thị hiện nơi thế giới này. Theo bài kinh thứ nhất của kinh Trường A Hàm, nhân duyên giáng sanh, thành đạo, giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta-bà):
+ Ba đức Phật là Phật Tỳ Bà Thi,  Phật Thi Khí,  Phật Tỳ Xá Bà của kiếp quá khứ (Trang nghiêm kiếp).
+ Bốn đức Phật là Phật Câu Lưu Tôn,  Phật Câu Na Hàm,  Phật Ca Diếp,  Phật Thích Ca  của kiếp hiện tại (Hiền kiếp). Bài kinh không nói đến kiếp vị lai (Tinh tú kiếp).
- Mũ Tỳ Lô được ghép lại với nhau bằng 5 mảnh, mỗi mảnh có hình một vị Phật  tượng trưng cho Ngũ Phật, đó là:
+ Phật Tỳ Lô Giá Na(Vairochana)
+ Phật Bảo Sanh(Ratnasaṃbhava)
+ Phật A Di Đà(Amitābha)
+ Phật Bất Không Thành Tựu(Amoghasiddhi)
+ Phật A Súc Bệ(Akshobya).       
-Mũ Tỳ Lô được ghép lại với nhau bằng 3 mảnhvới 6 hình giống cánh sen. Mỗi mặt như vậy đều có những đường viền chạy xung quanh xếp theo sự uốn lượn của mũ. Mặt trước của mũ có ba chữ “Án Dạ Hồng” ở chính giữa, mặt sau may chữ Vạn.
+ Câu chú Án Dạ Hồngcó ý nghĩa mang con người đó đi vào đại Định.
          + Chữ Vạn, viết ngắn của “Vạn đức cu viên”, có ý nghĩa là tất cả vô số đức lành đều quy tập về ở mũ này – là nơi biểu trưng cho Lục độ. Mỗi cánh sen trên mũ tượng trưng cho một trong Lục độ, bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.
Khi đội mũ này phải quán chiếu bài kệ (được ghi lại trong “Thiền môn Phật tử hành trì yếu pháp diễn từ tôn phái”):
Biến mãn thập phương giới
Chúng sanh ly khổ thú
Bát bộ lai hộ trì
Nhân thiên cộng hủy diệt
Án tinh tấn tuệ tóa ha”
Dịch:
Mũ tỳ lô tôn kính trên đỉnh đầu
Có cùng khắp ở mười phương pháp giới
Làm cho chúng sanh thoát khỏi luân hồi
Tám bộ loại đều đến hộ trì
Trời, ngưòi cùng thấy đều vui mừng
Án tinh tấn tuệ tóa ha
 
 
Mũ Tỳ Lô Miền Nam
 

 

Mũ Tỳ Lô Thất Phật (miền Bắc)
 
          5) Kỳ lân hayBạch khuyển: Đây là con vật được Bồ-tát Địa Tạng ngự trên lưng. Trên thực tế, không có sự phân biệt rõ về hình dáng. Về ý nghĩa thì có các cách giải thích sau:
Kỳ lân :  Là đặc trưng cho loài ác thúsư tử được Bồ-tát thuần hóa, nó biểu tượng cho tâm ác được kiềm chế và hóa giải bởi tuệ giác.
Kỳ lân hay Bạch khuyển (con chó trắng theo ngài Bồ-tát Địa Tạng tục danh Kim Kiều Giác) được gọi là Đề Thính, tương truyền rằng Đề Thính là con linh thú của U Minh Giới, biết rõ được tâm chúng sinh và tất cả sự vật trong trời đất.
Kỳ lân do đó biểu trưng cho tâm của Bồ-tát đã thanh tịnh, an trụ trong Chánh pháp, thành tựu cảnh giới thiền định.  Bồ-tát nhiếp phục được tâm mình không còn bị vọng tâm hay thú tánh vật dục làm cho phiền não, tâm của Ngài thông suốt vạn pháp.
Do tất cả vạn pháp đều từ tâm sanh “Tâm tịnh thì pháp tịnh, tâm nhiễm thì pháp nhiễm”, là thể hiện cho ý niệm “Nhơn Tâm sanh nhất niệm, Thiên Địa tất giai tri” (khi lòng người khởi một niệm thì Trời Đất Quỷ Thần đều hay biết).
Nói chung, hình tượng Bồ-tát Địa Tạng luôn toát ra vẻ hoan hỷ và nghiêm trang. Bồ-tát Địa Tạng biểu trưng cho một Nội tâm thanh tịnhbởi giác ngộ-giải thoát; từ đó đã lưu xuất ra một tay phải nắm vững tích trượng Từ bivà một tay trái nắm chắc viên ngọc Trí tuệ.  Chúng sinh với những thành tựu chừng ấy, hẳn là một Bồ-tát có đầy đủ năng lực thong dong tự tại, độ sinh trong 6 nẻo luân hồi.
          6) Biểu tượng Ta-bà Tam Thánh.
1/.Biểu tượng 1 :

Ta-bà Tam Thánh
(biểu tượng 1)
  • Phật Thích Ca ở giữa biểu tượng cho chân lý Giác ngộ-Giải thoát “Duyên khởi”.
  • Bồ-tát Quán Thế Âm biểu tượng cho chân lý “Duyên khởi”, có đầy đủ khả năng tự độ và độ tha nơi thế giới hữu hình đang sống. 
  • Bồ-tát Địa Tạng biểu tượng cho chân lý “Duyên khởi”, có đầy đủ khả năng tự độ và độ tha nơi thế giới vô hình, đặc biệt là sau khi chết.
Khi hành giả quán triệt Duyên khởi, thì nội tâm tự an địnhsiêu thoát(nội tâm tự do).
Tuy nhiên, theo tín ngưỡng thông thường củanhiềuPhật tử, aiđến cầu an thì lễ bên Bồ-tát Quan Âm, aiđến cầu siêu thì lễ bên Bồ-tát Địa Tạng. Ý nghĩa này lại càng thấy rõ với hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên thường được thờ cúng riêng biệt ở khắp nơi, bên trong cũng như bên ngoài khuôn viên chùa; và Bồ-tát Địa Tạng tương tự, thường được thờ cúng đặc biệt nơi các nhà thờ tro cốt ở tại chùa haylộ thiên tại các nghĩa trang.  
2/.Biểu tượng 2 :
  
Ta-bà Tam Thánh
(biểu tượng 2)
  • Phật Thích Ca biểu tượng cho Thanh Tịnh-Giải Thoát.
  • Bồ-tát Quán Thế Âm trên lưng rồng(thiện thú)  biểu tượng cho sự phát huy điều thiện. 
  • Bồ-tát Địa Tạng trên lưng lân(ác thú) biểu tượng cho sự khắc chế điều ác.
Biểu tượng Ta-bà Tam Thánh bấy giờ mang ý nghĩa giáo dục nơi đạo Phật, như thường nói đến trong kinh Pháp Cú, kệ 183 như sau :
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
***
Việc ác chẳng làm,
Điều lành siêng tu,
Tâm-ý sạch lặng,
Lời chư Phật dạy.
V. Kinh điển về Bồ-tát Địa Tạng.
1) Kinh Địa Tạng Thập Luận: 
Bản kinh này nói về nguồn gốc của danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, được chép như sau:
          “An nhẫn chẳng động như đại địa, lặng lẽ suy nghĩ ngầm biết kho tàng bí mật (Bí Tạng) cho nên gọi là Địa Tạng
-  “An nhẫn chẳng động như đại địa”   là nói Nhẫn Ba La Mật đệ nhất của Bồ-tát Địa Tạng có thể dung thứ mọi loại nghiệp tội của tất cả chúng sinh, giống như đại địa (đất  đai) có thể dung chứa các loại rác bẩn.
-“Lặng lẽ suy nghĩ ngầm biết kho tàng bí mật”là nói rõ sự chẳng thể luận bàn của Tuệ Ba La Mật  như kho báu ngầm dấu kín trong lòng đất.
Do đó dùng hình dạng cụ thể của đất (địa) để biểu trưng cho Bồ-tát có đầy đủ các phước đức.
2) Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện:

Tam Tạng Pháp sư Thật-Xoa Nan-Đà (Siksananda, 652-710),người nước Vu Điền (Khotan) – một nước nhỏ ở Tây Vực, là Tân Cương ngày nay. Ông được cho là người đã phiên dịch Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (經地藏菩薩本願) từ Phạn (bản tiếng Phạn này ngày nay chưa tìm thấy) sang Hán vào đời nhà Đường của Trung Hoa. Ông cũng là dịch giả của bộ kinh Hoa Nghiêm dưới dạng  80 quyển.
Kinh Địa Tạng ra đời, trước tiên được cho là do lòng hiếu thảo của đức Phật đối với bậc sanh thành. Theo truyền thuyết, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập Pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.
Danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng đã thể hiện rõ ở hạnh nguyện cao cả: "Nếu trong địa ngục còn một chúng sanh bị đau khổ, tôi thề sẽ không thành Phật", để từ đó những ai phát tâm Bồ-tát, sẽ cố gắng nỗ lực tu tập, hành trì theo hạnh nguyện này, sẵn sàng vào chốn địa ngục để cứu độ những chúng sinh bất hạnh, hầu đền trả ân Tam Bảo, ân cha mẹ-tổ tiên.
Như vậy, ngoài nội dung chính yếu của Kinh Địa Tạng là xoay quanh chữ Hiếu, kinh còn nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã quá vãng với những nội dung liên quan về địa ngục, về tội phước nghiệp báo ở các kiếp sống, để người Phật tử nương theo kinh này mà tu tập, hầu có được những lợi ích độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sanh đã quá vãng khỏi rơi vào con đường ác.
1/.Vấn đề địa ngục:
Một vấn nạn mà các triết gia Đông Tây thường nêu ra để tìm lời giải đáp là sau khi chết, tâm thứchay còn gọi là thần thức(có thể được hiểu là linh hồncó tính chất biến cải được) của con người sẽ đi về đâu?  Phải chăng có cõi địa ngục hiện diện ở thế giới bên kia, và nếu có, qua đó những kẻ gây ác nghiệp sẽ bị trừng phạt như thế nào?
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Phật đã cho ta biết rằng những người sinh ra trong đời này hoặc mang kiếp nghèo hèn, hoặc gia đình quyến thuộc kình chống nhau, hoặc thân hình xấu xí tàn tật, đui, điếc, câm ngọng, không lưỡi, miệng lở, điên cuồng mất trí, chết yểu,... hoặc sinh làm chim chóc, súc sanh... đều là những chúng sinh đã tạo ác nghiệp từ thân-khẩu-ý từ những kiếp trước, sau khi chịu quả báo ở đời này, nếu không tu tập, họ sẽ còn tiếp tục bị "đọa vào địa ngục trải qua nhiều kiếp không lúc nào thoát khỏi.”

Bồ Tát Địa Tạng vào địa ngục
Địa ngục là gì? Phải chăng địa ngục chỉ là sự hù dọa của tôn giáo đối với những kẻ yếu bóng vía? Bồ-tát Địa Tạng nêu rõ: "Đó là do chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề (=tại thế gian này) làm những điều ác thì tùy nghiệp chiêu cảm mà ra những địa ngục như thế"  và ngay cả các khí cụ tra tấn cũng được giải thích, "Khí cụ là do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà cảm vời ra." (Quyển Thượng Phẩm Thứ Năm: Danh hiệu của Địa ngục). Thiết tưởng câu trả lời trên đây đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa về địa ngục. Địa ngục hiện hữu là do nghiệp của mỗi chúng sanh mà cảmra.
Tùy nghiệp chiêu cảm thật quá rộng, tuy nhiên để có thể hình dung một cách cụ thể thì nếu ta gây nghiệp ác, tâm thức ta sẽ không ngớt bị dày vò, chịu trừng phạt đau đớn sau khi chết giống như ta đang sống mà trải qua một cơn ác mộng.
Trong ác mộng, tuy xác thân ta không bị hành hạ nhưng ta cũng cảm thấy đau đớn, lo lắng, kinh hải, ta cũng rên la than khóc, đổ mồ hôi hột trước những sự khủng khiếp mà ta đang chịu đựng trong giấc mơ; nhưng may mắn cho ta, tâm thức ta có chỗ dựa là xác thân, khi sự kinh khủng lên đến cao độ, ta tỉnh mộng và tìm được lối thoát.
Nhưng sau khi chết, tâm thức ta sẽ không còn chỗ dựa, ta không còn lối thoát nào nữa, cơn ác mộng do đó sẽ kéo dài bất tận do những nghiệp ác gây nên, cho đến khi nào nghiệp ác tiêu tán hoặc từ những nội lực thiện nguyện có thể giúp ta  siêu thoát qua cảnh giới khác.
Hiểu địa ngục như thế để thấy cảm thương cho cha mẹ, thân quyến của ta, của tất cả chúng sanh vì nghiệp ác phải trả trong địa ngục tâm chiêu cảm, để hướng tâm Từ Bi của ta nguyện cho họ mau chóng siêu thoát đến những cảnh giới an lạc.
2/.Vấn đề tội phước nghiệp báo.
Trong Kinh Địa Tạng, đức Phật đã cho ta biết rằng mọi việc xảy ra ở trên đời này không có gì là ngẫu nhiên. Ta như thế nào trong kiếp sống hiện tại là kết quả của nghiệp nhân gây ra từ những kiếp sống quá khứ. Chính nghiệp tốt hay xấu của một người gây ra do thân-khẩu-ý trong đời này lại sẽ là lực quyết định tương lai cho những kiếp sống tới của cá nhân đó chứ không là gì khác.
Nghiệp là một  vị phán quan vô tư không sai chạy. Hay ta có thể hình dung ra nghiệp như là một nhà kế toán với phương tiện điện toán hiện đại nhất mà tất cả những hành động tốt xấu của ta xảy ra sẽ được nó lưu trữ vào bộ nhớ (memory) không sót một chi tiết nào. Đến giờ lâm tử, nó mới bắt đầu giở sổ sách ra để tính toán với ta. Từ đó cánh cửa mở ra để ta bước vào cõi Phật, cõi Trời, hoặc tái sinh trở lại làm người, làm súc sanh, hay đi về địa ngục...
Vấn đề luân hồi, tái sinh ngày nay không còn là một vấn đề siêu hình, trừu tượng nữa mà đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thực nghiệm[Xin xem bài Luân Hồi].
Kinh nàynói về hạnh nguyện của Bồ-tát Địa Tạng thông cả  lục đạo luân hồi:  Với tuệ giác của Phật đạo, con người có thể hành động đem lại lợi ích cho mình và người lúc còn sống hay đã khuất bằng sự sáng tỏ về tâm, đó là tâm chúng sinh chấp thủ tạo nghiệp và bị nghiệp chi phối và tâm giác ngộ được gọi là tuệ hay trí qua việc thông chứng lẽ thật để vượt thoát mà tự tại, tự tại trong cả sáu nẻo luân hồi (xem thêm tư tưởng về kinh Địa Tạng bên dưới).
3/.Vấn đề lợi ích từ kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.
Nội dung của Kinh Địa Tạng Bổn Nguyệnđã chỉ ra những lợi ích cho mọi con người khi tất cả hiểu rõ về cơ chế hình thành thành và chuyển hóa Tâm, cụ thể là:
1. Lợi ích cho kiếp sống hiện tại:
- Khích lệ mọi người tăng trưởng lòng vị tha với những phát nguyện lớn lao.
- Tâm được sáng suốt, an lành trước mọi nghịch cảnh.
- Nhiều tiềm lực vượt qua các bế tắc, trở ngại.
          2. Lợi ích cho kiếp sống tương lai:  Thân tâm an lạc hoặc có nhiều thuận lợi trong giới hữu tình.
3. Lợi ích cho người sắp qua đời :  Đây là giây phút hệ trọng nhất của một người thân yêu của mình sắp mạng chung, là lúc mà tất cả những ham muốn, dục vọng của cả một đời người tích tụ lại thành một năng lực quyết định cho hướng đến của kiếp tương lai. Giống như sĩ tử trong kỳ thi cuối cùng, đây chính là thời điểm thử thách, cân lường thiện nghiệp, ác nghiệp của một đời người trước khi chuyển kiếp. Bởi vậy, đối với người đang hấp hối, sự hiện diện bên cạnh của thiện trí thức mà đương thời người hấp hối kính trọng, tin tưởng – nhắc nhở, đọc tụng, trì niệm … cho họ những việc làm tốt lành, những bổn kinh, những hồng danh Phật, Bồ-tát mà lúc sinh thời người đó đã làm, đã chọn thờ kính, sẽ giúp ích lớn lao cho người chết được mau chóng siêu thoát.
4. Lợi ích cho người đã quá vãng:  Đó là siêu độ vong linh của người thân của ta hiện đời hay trong nhiều kiếp trong quá khứ.

Hình ảnh của Bồ-tát Địa Tạng tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của người Phật tử, đặc biệt là trong mùa Vu Lan báo hiếu.
Chiếc tích trượng của Bồ-tát Địa Tạng đã, đang và sẽ gõ mãi vào cánh cửa địa ngục.  Năng lực của tâm đại bi sẽ làm mở tung tất cả những cánh cửa hắc ám, làm tan rã những xiềng xích trói buộc, giải cứu tất cả những ai còn bị đọa đày trong cõi vô minh, tù ngục để từ đó những hạt giống Bồ-đề, những hạt giống thương yêu sẽ nẩy mầm mạnh mẽ trong những tâm hồn đau khổ của chúng ta, của tất cả những thân bằng quyến thuộc, đang sống hay đã qua đời... Đó chính là thông điệp của kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.
3) Kinh Duyên Mạng Địa Tạng Bổn Nguyện(Xin xemPhật Thuyết Duyên Mạng Địa Tạng Bồ Tát):
Đây là một bảnkinh ngắn, Phật trả lời về tâm nguyện độ sinh của vua Đế Thích.
+Phật bảo vua Đế-Thích rằng: “Có một Bồ Tát gọi là Duyên-Mạng Địa-Tạng, mỗi ngày cứ buổi sáng sớm, vào các phép Thiền quán, rồi đi giáo hóa sáu ngả, cứu khổ ban vui, …chuyên lòng nhớ niệm, tâm nhãn khai tỏ, quyết được thành tựu”.  Đoạn kinh cho chúng ta thấy rằng với phép thiền quán về tâm từ bi, thì nhất định sẽ thành tựu được hạnh từ bi mạnh mẽ và trong sáng đúng nghĩa.  Từ đây, chúng ta có thể nghiệm ra rằng việc thiền quán về Chánh tri kiến là một sự việc hết sức tối cần cho tiến trình tu tập hướng tới mục tiêu giác ngộ-giải thoát.
+Nói về phương tiện độ sinh, Phật bảo vua Đế-Thích rằng: “Thiện nam tử, các pháp với bản tính Không, tịch lặng không trụ ở tướng sinh diệt,  tùy duyên sanh ra, nên các sắc thân không giống nhau, do đó Duyên Mạng Địa Tạng đều độ khắp cả. Duyên Mạng Bồ Tát, hoặc hiện ra thân Phật, hoặc hiện thân Bồ Tát, …hoặc hiện thân Diệm Ma Vương, …hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương, …hoặc hiện thân trưởng giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân phụ nữ, hoặc hiện thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, hoặc hiện thân trời, rồng, dạ xoa, nhân, và phi nhân, hoặc hiện thân Y vương, hoặc hiện thân Dược thảo, hoặc hiện thân người đi buôn, hoặc hiện thân người nông dân, hoặc hiện thân Tượng vương, hoặc hiện thân Sư tử vương, hoặc hiện thân Ngưu vương, hoặc hiện thân Mã hình, hoặc hiện thân đại địa, hoặc hiện hình sơn vương, hoặc hiện hình đại hải, trong ba cõi có bốn loài sinh và năm hình, không loài nào là không phải thân của Duyên Mạng Bồ Tát biến hiện. Như thế là tự thể của Pháp thân biến ra. Hiện chủng chủng thân du hành giáo hóa sáu ngả, độ thoát chúng sinh. Dùng một tâm thiện, phá ba cõi hữu lậu”.  Đoạn kinh cho chúng ta thấy rằng bậc giác ngộ hoàn toàn tự do, chủ động trong sinh tử luân hồi theo duyên cảm ứng mà độ sinh trong sáu nẻo; điều này hoàn toàn trái với một chúng sinh bị trói buộc trong chấp thủ, bị lôi cuốn trong mê nghiệp.
+Giải thích về tâm của một Bồ Tát, đức Phật nói :“Thiện nam tử! Bậc Chân Thiện Bồ Tát thì tâm sáng tỏ và viên mãn, cho nên gọi là Như Ý Luân; tâm không quái ngại, nên gọi là Quán Tự Tại; tâm không sinh diệt, nên gọi là Duyên Mạng; tâm không tồi phá, nên gọi là Địa Tạng; tâm không biên tế, nên gọi là Đại Bồ Tát; tâm không sắc tướng, nên gọi là Ma Ha Tát. Các ông nên tín thụ, tâm chớ phân biệt, và cũng chớ quên mất”.  Đoạn kinh cho chúng ta thấy rằng, một nội tâm thanh tịnh hoàn toàn hàm tàng những tính năng vượt thoát, tối cần cho các công hạnh cao thượng nơi một Bồ Tát.
+  Một biểu tượng triết lý khác về mảnh đất tâm được trình bày ở cuối bài kinh nói lên khả năng diệu dụng nơi tâm một Bồ Tát :  “Lúc đó, có hai vị đồng tử đứng hầu hai bên tả hữu của Duyên Mạng Bồ Tát. Một vị tên là Chưởng Thiện đứng ở bên tả, mặc áo sắc trắng, cầm Hoa sen trắng điều ngự Pháp tính. Một vị tên là Chưởng Ác đứng ở bên hữu, mặc áo sắc đỏ cầm chày Kim cương hàng phục Vô minh. 
          Phật bảo đại chúng: ‘Các ông nên biết : hai vị đồng tử điều ngự Pháp Tính và hàng phục Vô Minh, cũng như hai tay hai chân của Duyên Mạng Bồ Tát, trong tâm không động cũng như bản thể chữ A. Nếu có chúng sinh nào biết được tâm đó thì quyết định thành tựu, liền diệt tam độc
(Tham-Sân-Si)và được lực tự tại, muốn nguyện sanh cõi Phật nào thì tùy nguyện sanh”.
o0o
Giác ngộ – Giải thoát.
          Đến với bất kỳ tôn giáo hay triết học nào, chúng ta không thể không khảo sát cơ bản quan điểm về chân lýđạo đức của tôn giáo hay triết học đó.
          - Chân lý nói đến bản chất thật của vũ trụ vạn sự vạn vật, trong đó bao gồm con người.
          - Đạo đức là nói đến mối quan hệ giữa con người và môi trường bên ngoài, bao gồm tất cả các sự vật.
          Đến với đạo Phật cũng thế, dưới đây chúng ta sẽ khảo sát vấn đề Giác ngộ – Giải thoát dưới hai quan điểm này. Đó là giác ngộ về chân lý và đạo đức như thế nào, và hệ quả giải thoát, tức tự do nội tâm đem đến từ hai quan điểm chân lý và đạo đức này cho con người ra sao vậy.
Trong đạo Phật cụm từ Hán Việt thuộc phạm trù tâm (= tinh thần) “Giác ngộ-Giải thoát覺悟– 解脫” hay “Tuệ giác Giải thoát慧覺解脫”hay “Tuệ Giải thoát慧解脫”, có thể được phân tích sau: 
1) Về giác ngộ.
 
Enlightenment in Buddhism- Wikipedia

Giác ngộ – Wikipedia tiếng Việt
Giác ngộ(覺悟;  P;S: bodhi – bồ-đề;  E: enlightenment, perfect wisdom, awakened intellect), trong đó:
- Giác 覺:  Có nghĩa là thức tỉnh, nhận thức.
- Ngộ悟:  Có nghĩa là hiểu ra, biết rõ, vỡ lẽ.
Giác ngộ  được xem là đồng nghĩa với:  Tuệ = Trí = Minh, trong đó:
- Tuệ(慧;  P: paññā;  S: prajñā – bát-nhã;  E: perfect wisdom).
- Trí(智;  P: ñāṇa, ñāṇaṃ;  S: jñāna;  E: perfectwisdom).
- Minh (明;  P: vijjā;  S: vidyā;  E: correct knowledge, factual knowledge  – Sáng suốt, sáng tỏ, ngay thẳng, không mờ ám) =/= Vô minh無明hay Bất giác不覺(P: avijjā;  S: avidyā;  E: ignorance or misconceptions about the nature of metaphysical reality).
Theo đó, giác ngộ được xem là khả năng thấy biết rõ chân lý (= lẽ thật) khách quan của vũ trụ, là thấy biết rõ được bản chất thực của mọi sự vật trong vũ trụ.  Giác ngộ nơi giáo lý Bát Chánh Đạo đượcgọi là Chánh tri kiến (正知見;  P: Sammā-diṭṭhi;  S: Samyag-dṛṣṭi;  E: Right view, Right understanding).   
Thấy biết rõ chân lý khách quan chính là nhận thức thấu đáo Chân lý Duyên khởi.  Đây là khám phá vĩ đại nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni.  Điều này vốn rất khác đối với các chân lý chủ quan được chế tác từ các tôn giáo hữu thần.
          Trong Trung bộ kinh, kinh Brahmāyu, đức Phật đã nói với đạo sĩ Brahmāyu:
"Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật"
Về sau, trong Phật giáo còn dùng các cách gọi Chân tâm 眞心  hay  Chân trí 眞智  hay Tuệ giác 慧覺… để chỉ Giác ngộ, đó là sự thấy biết đúng đắn mọi sự vật như thật; trái với Vọng tâm 妄心  hay  Vọng thức 妄識là sự thấy biết nhầmlẫn.
Nguyên lý Duyên khởi là phương tiện hữu hiệu giúp con người chuyển  迷khai ngộ悟, chuyển thức 識thành trí智,chuyển vọng妄thành chân眞, chuyển vô minh無明thành minh明.
2) Về giải thoát .

Moksha - Wikipedia
Giải thoát – Wikipedia tiếng Việt
Giải thoát(解脫;  P: vimokkha;  S: vimokṣa;  E: liberation, deliverance, emancipation), trong đó:
          - GiảiCó nghĩa là cởi ra,bửa ra,mổ ra,mở ra.
          - Thoát脫:  Có nghĩa là rời, lìa,khỏi,rời khỏi,lìa khỏi.
Theo đó, giải thoát trong đạo Phật hàm ý là cởi mở và thoát khỏi các trói buộc; các trói buộc nơi đây là các trói buộc tinh thần, tức các trói buộc nơi tâm, các trói buộc nơi thấy biết chủ quan tương đối. Bấy giờ, tâm giải thoát là một nội tâm tự do, vượt thoát mọi quy ước đối đãi ràng buộc. Ý tưởng vượt thoát này không mang ý nghĩa phủ bác các quy ướcmặc định, mà là tinh thần linh hoạt chủ động nơi chúng qua nhận thức trung thực của ta về tương đối tính nơi các quy ước này.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ đã minh xác về đặc điểm của tinh thần vượt thoát này như sau:
 
佛法在世间        Phật pháp tại thế gian            
不离世间觉        Bất ly thế gian giác             
离世觅菩提        Ly thế gian mịch bồ đề   
恰如求兔角        Kháp như cầu thố giác   
Phật pháp trên thế gian                     
Không thể rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ
Thật vậy, nếu gặp phải trói buộc nơi thân, ta có thể dễ dàng tự mình hay nhờ người giúp cởi trói, nhưng với trói buộc nơi tâm là do chính ta tự trói (bởi các thói quen hay bị nhồi sọ từ các tín điều, … mà hình thành), thì chỉ chính ta mới tự cởi trói cho ta mà thôi, bằng sự thấy biết chân chính (= giác ngộ) của chính mình về bản chất thực của mọi sự vật sự kiện.
Để hiện thực giải thoát, hành giả không thể không tự trang bị nhận thức chân lý Duyên khởi làm phương tiện. Thực hành quán chiếu (= soi sáng) và Chánh niệm Duyên khởi tính(= Vô thường tính + Vô ngã tính) theo truyền thống PG Nam truyền, hay quán chiếu và Chánh niệm Phật tính, Không tính, Chân tính, Tự tính,… theo truyền thống PG Bắc truyền.  Đây là cách giúp hành giả khai mở tuệ giác để đi tới giải thoát.
Tóm lại,  tiến trình của “Giác ngộ – Giải thoát” lý giải như sau:
- Giác ngộ, là giác ngộ chân lý Duyên khởiđạo đức Duyên khởi. (*)
- Giải thoát, là giải thoát khỏi các phiền não, đạt tới một nội tâm tự do.
-------------------
(*) Chú thích:  Để đi đến giác ngộ, hành giả cần tu tập Chánh niệm Giới Định Tuệ.
            1) Chánh niệm về Giới (thuộc ngoại cảnh):  Hành giả quán chiếu “Nguyên tắc đạo đức Phật giáo” đối với các giới điều như Ngũ giới, Thập giới, ... hay “Nhân duyên-Quả báo” [Xin xem mục từ Đạo đức Phật giáo].
            2) Chánh niệm về Định, Chánh niệm về Tuệ (thuộc nội tâm):  Hành giả quán chiếu “Trùng trùng Duyên khởi”, “Duyên sinh-Vô ngã”, “Duyên diệt-Vô thường”  [Xin xem các mục từ Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Phiền não ...].
o0o
Giáo dục.
Nội dung
I. Khái niệm về giáo dục.
II. Quan điểm xã hội phương Tây về giáo dục.
III. Quan điểm xã hội phương Đông về giáo dục.
IV. Quan điểm giáo dục của tôn giáo hữu thần – Kitô giáo.
V. Quan điểm giáo dục của tôn giáo vô thần – Phật giáo.
I. Khái niệm về Giáo dục.
1) Giáo dục(教育;  E: Education), trong đó:
- Giáo:  Là dạy dỗ.
- Dục :  Là nuôi nấng.
Theo đó:
Giáo dục làquá trình dạy dỗ và nuôi dưỡng đủ cả nhiều mặt, gồm – Thể dục – Đức dục – Trí dục;  đó là dạy dỗ và nuôi dưỡng về các mặt vật chấttinh thần, là thân(Thể dục) và tâm(Đức dục + Trí dục).  Đây là 3 mặt nổi bật trong đời sống của một con người:  thể xác (Thể), tình cảm (Đức) và lý trí (Trí).
Loài người luôn đang trên một hành trình bất tận để thấy và thấu hiểu được bản chất của sự sống. Trên hành trình gian khổ ấy, vấn đề giáo dục nổi lên như một phạm trù cốt lõi của sự khám phá và tiếp cận.

          Theo Émile Durkheim (1858-1917), nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp cho rằng: Giáo dục có mục đích kích thích và phát triển ở trẻ em có được một số trạng thái thể chất, đạo đức và trí tuệ mà cuộc sống xã hội và chuyên nghiệp đòi hỏi.

TheoImmanuel Kant (1724-1804), triết gia người Đức thì: Giáo dục phải phát triển cho mỗi cá nhân tới độ hoàn mỹ cao nhất có thể đạt được.
Ngày nay, theo ý nghĩa tổng quát, Giáo dục được xem như là một hình thức kế thừa và phát huy, trong đó kiến thức , kỹ năng và thói quen của một nhóm người được chuyển giao cho thế hệ kế tiếp thông qua giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu. Giáo dục thông thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể tự học . Bất kỳ kinh nghiệm nào có tác dụng hình thành trên cách suy nghĩ, cảm nhận hay hành động, có thể được coi là giáo dục.
actsmay be considered educational ].

Hình thức kế thừa và phát huy này sẽ bao gồm việc dạy và học, mang ý nghĩa như là quá trình truyền thụ từ thế hệ này đến thế hệ khác. Các tri thứcvăn hóa , các suy luận đúng đắn, nhằm hướng cuộc sống xã hội tới những tiến bộ, tốt đẹp hơn.
2) Giáo dục học(教育學;  E: pedagogy):  Là khoa học nghiên cứu về giáo dục con người, nghiên cứu bản chất, mục đích và nhiệm vụ của giáo dục như:
- Tính quy luật của giáo dục.
- Vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế xã hội và cá nhân.
- Quá trình giáo dục là dạy và học.  Quá trình giáo dục bao gồm: lí luận giáo dục, lí luận dạy học, quản lí trường học. Giáo dục học liên hệ tương hỗ với triết học, tâm lí học, sinh học, xã hội học và các khoa học khác.
Đặc điểm của quá trình giáo dục qua từng thời kỳ lịch sử nhân loại được ghi nhận như sau:
+ Thời kỳ sơ khai: Giáo dục mang tính tự phát truyền đạt bằng kinh nghiệm.
+ Thời kỳ phong kiến nông nghiệp:  Giáo dục mang tính giáo điều.
+ Thời kỳ tư bản công nghiệp: Giáo dục mang tính giải thích, minh họa.
+ Thời kỳ tương lai: giáo dục mang tính nêu vấn đề, chương trình hóa, cá biệt hóa, công nghệ hóa...
Hiện nay, phương pháp giáo dục đang là phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học nhằm rèn luyện tinh thần, và làm chủ được các mặt như -  ngôn ngữ, tâm lý, tình cảm, tâm thần, cách ứng xử trong xã hội - cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách cho mỗi con người.
Giáo dục học còn gọi là phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học, phương pháp giảng dạy, sư phạm.  Các ngành của giáo dục học gồm Giáo dục học đại cương, Lịch sử giáo dục học, Lý luận giáo dục, Lý luận dạy học, Giáo dục học so sánh, Giáo dục học lứa tuổi, Giáo dục học chuyên ngành.
3) Hiện tượng giáo dục
Cùng với sự xuất hiện xã hội loài người là sự xuất hiện hiện tượng: Người lớn dạy cho trẻ em những gì họ đã tích lũy, ngược lại, trẻ em học ở người lớn những điều đó. Lúc đầu công việc này được thực hiện tự phát, sau đó được tổ chức một cách tự giác, hiện tượng này được gọi là hiện tượng giáo dục
- Đối với cá nhân: Nhờ sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội-lịch sử mà mỗi cá nhân có thể tạo ra năng lực cho bản thân; theo đó có sự phát triển tâm lý, ý thức và phát triển nhân cách.
- Đối với xã hội: Nhờ sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội-lịch sử mà thế hệ đi sau có thể bảo tồn và phát triển nền văn hóa. Như vậy, một xã hội muốn tồn tại và phát triển thì xã hội ấy phải thực hiện chức năng Giáo dục. Đây chính là một tính quy luật của sự phát triển, tiến bộ xã hội.
Giáo dục được coi là một hiện tượng xã hội mang tính tất yếu, vì nó nảy sinh, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Ở đâu có xã hội là ở đó có Giáo dục, Giáo dục luôn tồn tại với xã hội loài người. Đây là hiện tượng được xem là chỉ có ở xã hội loài người, không tồn tại ở các loài động vật khác.
4) Triết lý giáo dục.
Các nhà khoa học đã xác định rằng cứ sau 5 - 10 năm kiến thức của loài người lại tăng lên gấp đôi. Trong khi quỹ thời gian của tuổi học đường chỉ có 10 - 12 năm, vậy thì làm sao mà học sinh có thể kế thừa và phát huy hết được các kiến thức của loài người ngày một tăng lên vô hạn?
- Từ xưa đến nay, trong giáo dục, mục tiêu giáo dục là quan trọng nhất, là quan điểm của đích đặt ra, mô tả điều mà người học sẽ hiểu được và làm được sau khi học. Hay nói một cách đơn giản, mục tiêu giáo dục là xác định những mẫu người trong tương lai, họ có những kỹ năng và phẩm chất như thế nào.
- Một đường hướng giáo dục tốt có lẽ luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu, mà thiếu một trong hai mục tiêu ấy sẽ là một nền giáo dục không hoàn chỉnh, đó là đào tạo con ngườihướng ngoại và con người hướng nội.
+ Con người hướng ngoại:  Là con người đáp ứng các nhu cầu xã hội như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, chính trị…
+ Con người hướng nội:  Là con người đáp ứng cho tự thân ở các mặt như vật lý, sinh lý, tình cảm, trí tuệ, tâm lý (ý chí).
          - Môi trường dạy và học của con người kể từ khi sinh ra cho đến khi chết, có mặt ở ba sinh hoạt là gia đình, học đường và xã hội.
Ngày nay, mục tiêu giáo dục được phân tích trên nhiều khía cạnh học thuật về con người, được gọi như là Triết lý Giáo dục
II. Quan điểm xã hội phương Tây về giáo dục.
           Có thể nói rằng quan điểm về giáo dục của xã hội phương Tây rất năng động so với tính bảo thủ của xã hội phương Đông.  Có 2 cột mốc chính, đó là mẫu người "Khôn ngoan và đạo đức" thời Socrates-Plato-Aristotle, và mẫu người Vị cá nhân, vị xã hộithời  J.J Rouseau-E.Kant.  Sau những thời kỳ này, mẫu người mới chỉ là những chi tiết hóa cập nhật theo sự phát triển của xã hội.
1) Giáo dục thời Hy Lạp và La Mã cổ đại.
1/. Hy Lạp cổ đại(1100 – 323,  thế kỷ 12 – 4) tCN:  Nền giáo dục Hy Lạp cổ đại đã tổ chức đào tạo hướng đến đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. 
- Ở Athens, trường học được thực hiện theo một chương trình giáo dục không chú trọng nhiều đến quân sự mà lại chú trọng hơn đến việc đào tạo mẫu người "Khôn ngoan và đạo đức"để phục vụ cho công việc thương mại ở trên biển. Để phục vụ mục tiêu đó, đã xuất hiện các phương pháp giáo dục mới:  Giáo dục "đối thoại" của Socrates; giáo dục "lý tưởng" của Platon ; giáo dục "thực tế và đa dạng" của Aristotle...
- Ở Thành bang Sparta học sinh học tập quân sự, và công dân giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất với mục đích đào tạo mẫu người  “Chiến sĩ dũng cảm ” , sẵn sàng đóng góp, hy sinh cho tổ quốc:  Học sinh tùy theo tuổi được sắp xếp học tập trong các đơn vị do các chiến sĩ trẻ tuổi đảm trách. Đây là những trung tâm giáo dục tập thể, thoát ly gia đình, sống cuộc đời hoàn toàn quân ngũ với những đồng phục giản dị, ngủ trên đất, ăn uống thiếu thốn và nhiều khi phải tự mưu sinh. Kỷ luật trường học nghiệt ngã, học sinh tham gia huấn luyện vào cả ban ngày và ban đêm với những môn quân sự, chiến tranh, đặc biệt là phải tuân lệnh thượng cấp một cách mù quáng. Phụ nữ cũng được giáo dục, nhưng chủ yếu nhằm chuẩn bị cho họ trở thành những bà mẹ khỏe mạnh cho những chiến binh Sparta tương lai.
2/.La Mã cổ đại(753 tCN – 476CN,  thế kỷ 8 tCN – 5 CN):
Tuy có kế thừa giáo dục Hy Lạp, nhưng La Mã chú trọng hơn đến giáo dục gia đình, chiến tranh, xâm lược, chính trị và công quyền. Trường học chỉ dành cho những người có tiền và thời gian.  Con gái những nhà khá giả thì chỉ được học viết và đọc tại nhà. Trường học chỉ dành cho con trai và mục đích là để đào tạo ra những mẫu người “Lãnh đạo và quản lý”cho chính quyền.
2) Giáo dục châu Âu thời kỳ trung cổ(thế kỷ 5-15).
          1/.Tiền kỳ Trung cổ (thế kỷ 5-11)
Giáo dục thời phong kiến trung đại Tây Âu có 2 loại trường chính là các trường của giáo hội và trường của lãnh chúa phong kiến.
- Trường học của giáo hội:  Với thế lực ngày càng mạnh, bên cạnh việc phát triển của hệ thống nhà thờ, hệ thống trường học giáo hội cũng ra đời và phát triển nhanh chóng. Mục đích của giáo dục nhà thờ không gì khác hơn là đào tạo ra tầng lớp mẫu người "Tăng lữ"nắm vững ngữ pháp tiếng La tinh để học kinh thánh, học phép biện chứng để học sinh có khả năng bảo vệ được những tín điều tôn giáo, thuyết phục tín đồ.
- Trường học phong kiến:  Giai cấp quý tộc phong kiến đã dùng giáo dục để đào tạo ra tầng lớp mẫu người "Kỵ sĩ"- những người giỏi về cung kiếm và có nghĩa vụ bảo vệ cho chính quyền phong kiến. Họ là những người sống bằng nghề cung kiếm với những phẩm chất cần có là luôn theo ý Chúa, trung thành và dốc hết sức mình để bảo vệ các lãnh chúa.
Do mục đích giáo dục chỉ nhằm đào tạo ra những con người phục vụ nhà thờ và lãnh chúa phong kiến một cách mù quáng nên những nội dung học tập chủ yếu là kinh thánh, quân sự mà thiếu vắng bóng dáng của các môn khoa học, nhất là khoa học tự nhiên.
2/. Trung kỳ Trung Cổ (thế kỷ 11-14).
Với sự xuất hiện các thành thị thời trung đại và sức mạnh kinh tế, đã hình thành sự giải phóng ra khỏi sự ràng buộc vào các lãnh chúa. Hoạt động văn hóa ở thành thị ngày càng phong phú, các trường học thế tục dần dần xuất hiện.
Từ thế kỷ thứ 12, các trường đại học ở Tây Âu lần lượt ra đời, trong đó có các trường rất nổi tiếng như trường Đại học Paris (1150); Đại học Oxford (1167); Đại học Cambridge (1233); Đại học Bologna (1088); Đại học Heidenburg (1385) … . Các trường đại học thời này dạy các môn thần học, luật và y dược.
Cũng nên lưu ý rằng nhà thần học là người học và nghiên cứu về thần linh, chứ chưa hẳn đây chỉ là những người chấp nhận thần linh theo khuôn mẫu của người dạy.  Nhiều nhà thần học cũng đã bày tỏ ý kiến riêng hay phản kháng về thần linh.
3/.Hậu kỳ Trung Cổ (thế kỷ 14-15).
Đây là thời đại của những sự phát triển trong các ngành khoa học và nghệ thuật. Sự quay trở lại với nền văn hóa Hy Lạp-La Mã cổ đại đã đưa đến cuộc Phục Hưng Italy, được xem là mở đầu cho thời kỳ Phục Hưng trên toàn châu Âu.
3) Giáo dục châu Âu thời kỳ Phục hưng(thế kỷ 15-16).
Thời kỳ Phục Hưng, bắt đầu từ thế kỷ 14 và đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ 15 ở Châu Âu, mặc dù chế độ phong kiến bấy giờ vẫn còn chiếm vị trí thống trị, nhưng chủ nghĩa tư bản đã ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Các học giả thời này ngày càng hướng tới các đặc trưng nhân văn hơn là những vấn đề tôn giáo. Sản phẩm của nền giáo dục cũ đào tạo ra những con người sùng đạo và trung thành không còn phù hợp nữa mà thay vào đó là sản phẩm của giáo dục phải là những con người có hiểu biết về tự nhiên và xã hội, có năng lực làm giàu và biết hành động vì chủ nghĩa nhân văn, đó là mẫu người Cân đối, đa dạng và riêng biệt.
 
4) Giáo dục châu Âu thời kỳ cải cách tôn giáo (thế kỷ 17) & thời kỳ khai sáng (thế kỷ 18).
Thế kỷ 16 là mốc cho sự suy tàn của quyền lực Giáo hội La Mã, đạo Tin lành ra đời.  Các nhà giáo dục thế kỷ 17 sau đó tiến đến một hướng tư duy mới trong giáo dục. Triết lý giáo dục mới gọi là Toàn trí, khuyên thầy giáo nên sử dụng khả năng tri giác của học sinh hơn là ghi nhớ theo những chỉ dẫn.
Những tư tưởng về giáo dục thời kỳ Khai sáng của J.J Rouseau và I.Kant nhằm tạo ra mẫu người “Vị cá nhân, vị xã hội”.  Ý tưởng này đã trở thành cơ sở cho việc cải cách trong các trường học thế kỷ 20 sau này.
5) Giáo dục châu Âu thời cận đại (thế kỷ 19).
Bước sang thời cận đại, trên cơ sở những tư tưởng nhân văn thời Phục hưng và thời Khai sáng, giáo dục cận đại châu Âu chủ trương khai phóng con người và tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xác lập chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng giáo dục tiến bộ tiếp tục được đề cao: Coi giáo dục là vạn năng, dùng giáo dục để thay đổi xã hội; giáo dục con người phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và kỹ năng lao động; coi trọng các khoa học tự nhiên và chú trọng đến các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng thực hành...
Có thể nói vào các thế kỷ 18 và 19, giáo dục thế tục đã thắng thế với 3 đặc điểm được ghi nhận là dùng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ địa phương hay ngôn ngữ dân tộc làm quốc ngữ thay thế cho tiếng latinh; việc giảng dạy các môn khoa học được xây dựng thành chương trình, nhất là khoa học tự nhiên, kỹ thuật; phương pháp sư phạm khoa học hơn bằng việc dạy học phải dựa vào những đặc điểm tâm sinh lý học sinh, phương pháp dạy học tích cực được chú trọng.
6) Giáo dục thời hiện đại (thế kỷ 20).
Giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến đỉnh cao, thì các nền giáo dục phương Tây lại một lần nữa đề ra những yêu cầu mới cho giáo dục. Người ta đã giành cho giáo dục những gì tốt nhất với những nội dung hết sức thực tế là chuẩn bị cho người lao động vốn tri thức và kỹ năng tối thiểu nhằm đem lại năng suất lao động và lợi nhuận cao nhất cho nhà tư bản.
Trong cùng thời gian này (giai đoạn cuối thế kỷ 19 và 20) cũng là giai đoạn thế giới bị chi phối bởi những chủ nghĩa (ism) với đường hướng giáo dục tiêu cực. Nhiều chủ nghĩa ra đời ở các thế kỷ này đã đóng trò chủ đạo trong sinh họạt chính trị và xã hội của thế giới. Trong đó chủ nghĩa Phát xít (facism), chủ nghĩa Cộng sản (communism) và chủ nghĩa Catô giáo (catholicism) là có nhiều lôi kéo con người nhất.  Con người được đào tạo là mẫu người Chủ nghĩa, có niềm tin yêu vô điều kiện chân lý “Chủ nghĩa”.
7) Giáo dục thời hiện đại (thế kỷ 21).
Văn bản của Uỷ ban Quốc tế về Giáo dục cho Thế kỷ 21 (International Commission on Education for the Twenty-first Century) thuộc UNESCO, được vị chủ tịch Jacque Delors, nhà kinh tế-chính trị học nước Pháp, đọc vào tháng 4 năm 1996, công bố năm 1998, nhanh chóng được thế giới đón nhận vì thế kỷ 21 sắp ập tới. Ai cũng thấy nền giáo dục truyền thống phải thay đổi do sự xuất hiện nền kinh tế tri thức.
 
- Cờ Liên Hợp Quốc (UN: United Nations)
- Cờ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc
(UNESCO: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization)
 
 Điều vừa học được có nguy cơ nhanh chóng lạc hậu, phải bổ sung. Do vậy, Jacque Delors đưa ra khái niệm học suốt đời (Lifelong Learning). Ai cũng phải học, người học thuộc mọi lứa tuổi, do vậy khái niệm xã hội học tập ra đời (thay thế xã hội công nghiệp của thế kỷ trước). Phương pháp dạy truyền thống (ông thầy là trung tâm của lớp, còn trò thụ động đợi thầy truyền đạt để tiếp thu) phải được thay thế. Mục tiêu cao nhất của phương pháp dạy mới - tích cực (trò là trung tâm của lớp) là biến người học thành người tự học. Internet là giải pháp thích hợp nhất. Do vậy, năng lực học tập là kho báu nội tại của mỗi con người trong xã hội mới, từ đó mà suy ra sứ mạng của giáo dục ở thế kỷ 21 phải là gì.
Tính triết lý toát ra trong mọi phần của văn bản, nhưng tập trung nhất ở chương IV, nhan đề Bốn trụ móng của giáo dục (The Four Pillars of Education).
Với thế kỷ 21, các trụ móng của giáo dục phải thể hiện đầy đủ mục đích học tập của từng người và của mọi người:  1) Dù người đó tuổi nào, trình độ nào, sống ở đâu, làm nghề gì;  2) Dù anh ta theo tôn giáo nào và ý thức hệ là gì.
Và 4 trụ móng được đề xuất là:
       
Học để biết
    (Learning to know)
 
Học để làm
(Learning to do)
 
Học để chung sống
(Learning to live together)
 
Học để tồn tại
(Learning to be)
 
 
Trong văn bản, mỗi trụ móng đều được giải thích, với văn phong sáng rõ và nội dung súc tích. UNESCO giữ bản quyền để không ai có thể tuỳ tiện thay đổi, nhưng ai cũng được sử dụng, vận dụng, trừ khi nhằm mục đích thương mại.

 

III. Quan điểm xã hội phương Đông về giáo dục.
1) Quan điểm của phái Nho gia về giáo dục.
Khổng Tử (551-479) tCN là nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa, có nhiều ảnh hưởng tới các nền văn hóa, giáo dục ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Những tư tưởng giáo dục của Khổng Tử hiện nay hãy còn được nhiều người xem là có những giá trị tích cực có thể áp dụng vào sự nghiệp giáo dục.
Hệ thống triết học của Khổng Tử hướng về thế giới, về con người gồm tư tưởng chính trị xã hội và tư tưởng luân lý đạo đức. Những tư tưởng đó đều tập trung phản ánh đời sống con người, thể hiện những cố gắng và ước mong ổn định trật tự xã hội, nhằm xây dựng một xã hội lý tưởng với mẫu người có nhân nghĩalàm gốc. Ông cho rằng đã là con người thì dù thiện hay ác đều có thể bằng con đường giáo dục mà cảm hóa được.
Quan điểm giáo dục của Không Tử về sau được Mạnh Tử, Tuân Tử  kế thừa và phát triển.
1/.  Về mục tiêu giáo dục. 
Mẫu người mà khổng tử hướng tới là mẫu người Quân tửvừa tri đạo vừa phải biết hành đạo. Mục đích cao nhất của học theo Khổng Tử là để nhận chức triều đình, tham gia gánh vác công việc quốc gia và để biết kỷ cương của xã hội mà tuân theo. Trong lúc xã hội rối ren không ra làm quan không phải là người Trí, không ra giúp đời không phải là người Nhân. Vì vậy, ông thường nói “Đời xưa vì mình mà học còn đời nay vì người mà học” (Luận ngữ, Hiến vân, 25).
Khái niệm quân tử thật ra không xa lạ với người Trung Hoa cổ đại, nó có từ thời Chu (khoảng 1100 tCN) nhằm chỉ những người nắm quyền hành trong xã hội. Đối lập với quân tử là tiểu nhân - khái niệm chỉ nhân dân lao động.  Khổng Tử đã dùng khái niệm quen thuộc này để xây dựng mẫu người lý tưởng của mình.
2/. Về nội dung giáo dục. 
Nội dung giáo dục của Khổng Tử tập trung vào Ngũ Thường 五常(ngũ :  Là năm;  thường :  Là điều phải lẽ luôn nhớ hành xử hàng ngày, không thể thiếu được) – là 5 phẩm chất của người quân tử: Nhân (仁), Nghĩa (義), Lễ (禮), Trí (智), Tín (信).  Trong đó Nhân là đầu mối.
          - Nhân :  Là có tình thương đối với mọi người, tập trung ở nội dung sau:
                              Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người;
                              Cái gì mình muốn lập thì lập cho người;
                              Cái gì mình muốn đạt thì đạt cho người.
          - Nghĩa :  Là cư xử công bằng đối với mọi người. Muốn thật hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: "Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình, chớ làm điều ấy cho người " (“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”: Luận ngữ, XV, 23), mới là trọn nghĩa.  Vì thế, “Hành vi theo Nghĩa là Nhân.
          - Lễ :  Là tôn trọng đối với mọi người, là tích tụ của cái đẹp của tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới. Lễ là hành vi, là hình thức bộc lộ của Nhân: “Sửa mình theo lễ là Nhân” (Luận ngữ, Nhan Uyên 1). Lễ được Nho giáo dùng để ngừa sự loạn khi nó chưa xảy ra, còn pháp luật chỉ để trị việc đã xảy ra.
- Trí :  Là hiểu lẽ đúng-sai, thiện ác đối với nguyên tắc. Làm việc gì cũng phải suy nghĩ chính chắn. “Bậc trí thức tánh lưu thông như nước” [Trí giã nhạo thủy (Luận Ngữ: Ung Giã, VI): mọi sự đều rõ biết, cư xử việc gì với mọi người cũng được phân-minh, chẳng khi nào phạm vào luật pháp].
- Tín :  Là trung thực, thành thật đối với mọi người.  Chữ tín chủ yếu có hai nội dung,  đó là sự tin tưởng của người khác đối với mình và sự trung thực của mình đối với người khác. Người ở đời mà thất tín thì chẳng làm gì nên danh phận. Nên có câu: “Con người không giữ chữ tín thì không thể sống trên đời” (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã: Luận Ngữ, Vi Chính, II, 22). Vì thế  Lời nói theo Tín là Nhân.
Giáo trình giáo dục cơ bản Khổng Tử dùng để khai sáng là các kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân thu, tập trung vào 4 khoa: Đức hạnh, Chính trị, Ngôn ngữ, Văn hoc.
Học trò của ông cũng ghi lại về vai trò của những sách này. Không học thì khác nào người đứng quay mặt vào tường chỉ thấy bế tắc của đường đi chứ không thấy cái sống động mênh mang của cuộc sống.
3/. Về phương pháp giáo dục:
Khổng Tử đã nêu một tấm gương về sự ham học và ham dạy của mình và đề ra một số phương pháp, nguyên tắc học tập như sau:
- Về phía thầy :
+ Tâm huyết:  Theo quan niệm của Khổng Tử, người dạy học phải thật tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nên mới: "Dạy người không chán " (Hối nhân bất quyện: (Luận ngữ, VII, 33).
+ Gương mẫu:  Ông rất coi trọng nguyên tắc gương mẫu và cho rằng cha phải làm gương cho con, thầy phải làm gương cho trò, chồng phải làm gương cho vợ, anh phải làm gương cho em.
+ Năng động:  Ông cũng tìm cách cho người học chủ động tiếp thu tri thức “Thầy dạy chỉ thúc đẩy, chỉ mở lối soi đường nhưng sự không bức bách, không dẫn dắt đến cùng, ấy lại làm cho học trò thư thái và biết nghĩ suy” (Lễ ký).
- Về phía trò:
+Tự tin:  ông khuyên học trò nên tự tin ở mình “Không oán trời, không trách người, về đạo lý thì khởi học từ mức thấp đến mức cao” (Luận Ngữ, Hiến vân, 37), và phải biết nghe nhiều học nhiều qua đó tìm những điều hay để học, thấy những điều dở để tránh.
+ Kỹ năng:  ông đòi hỏi người học phải: Nghe - Nghĩ - Làm. Ông nói: " Học mà không nghĩ thì mất hết, nghĩ mà không học thì mỏi mệt " (Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi: Luận ngữ, Vi chính) - [Điều này có nét hình thức gần với phương pháp học của Phật giáo là phải: "Văn-Tư-Tu"].
+ Thực dụng:  ông cũng rất đề cao việc ứng dụng vào cuộc sống những điều đã học. Ông nói: "Ôn cũ biết mới, đáng làm thầy vậy " (Ôn cố nhi tri tân, khả vi sư hỹ). Đạo lý của việc học là: học đi liền với tập, không phải chỉ đọc sách chết mà phải chú trọng trong hiện thực xử thế con người.
+ Hứng thú:  Cách học của ông là: " Lặng lẽ mà ghi nhớ lấy, học mà không chán " (Mặc nhi thức tri, học nhi bất yếm). Người học phải tạo được hứng thú trong việc học thì sự học mới không chán.
+ Học suốt đời ở mọi lúc mọi nơi:  theo Khổng Tử, ngoài học Thầy, học trong sách vở còn học cả trong cuộc sống “Ba người cùng đi, tất có người làm thầy; lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình” (Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi: Luận ngữ, Thuật nhi).
2)Quan điểm của phái Mặc gia về giáo dục.    
Mặc Tử tức Mặc Địch là người nước Lỗ, con một nhà làm thợ thủ công.  Ông nắm được nhiều tri thức về khoa học tự nhiên và có tham gia những cuộc hoạt động chính trị vào đầu chiến quốc.  Mặc Tử là người sáng lập ra học thuyết “Kiêm ái 兼愛* thương yêu mọi người", để đem lợi ích cho nhân dân lao động "Người đói được ăn, người rét được mặc, người làm việc được nghỉ ngơi.” của phái Mặc gia, và được xem là đối kháng với phái Nho gia.  Mặc Tử một nhà tư tưởng lớn. Ông mở trường tư lớn, có khoảng 300 học trò, phần lớn con nhà nghèo. 
1/.Về mục tiêu giáo dục:
 Ông cho rằng giáo dục là một vũ khí để thực hiện một xã hội lý tưởng.  Ông chủ trương giáo dục bình đẳng cho mọi người, bất kể là ai, thuộc tầng lớp xã hội nào… Đi từ luận điểm xã hội “Kiêm ái”, Mặc Tử cho rằng xã hội cần có sự bình quân về tài sản, vì vậy ông kêu gọi người khoẻ giúp  người yếu,…  Đây chính là mô hình về đạo đức và nhân cách đào tạo mẫu ngườiKiêm ái
2/.Về nội dung giáo dục:
Bộ sách "Mặc Tử" được lưu truyền đến ngày nay gồm 53 thiên, có những thiên tự tay ông viết, có những thiên do học trò chép lại những lời ông giảng dạy. Ông đưa ra nguyên tắc:
          + Học gì phải phù hợp với lợi ích của muôn dân trăm họ.
          + Học gì phải mang tính thực tiễn của mọi người.
+ Học phải đi đôi với hành và việc nói phải đi đôi với tay làm.  
Ông chủ trương “Quân huệ, thần trung, phụ từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ đễ” (nghĩa là làm vua thì phải ra ơn, làm tôi thì phải trung, làm cha thì phải thương yêu con cái, làm con thì phải có hiếu, làm anh thì phải quý em, làm em thì phải trọng anh).
3/. Về phương pháp giáo dục: 
Để hình thành ra mẫu người “Kiêm ái”, người dạy và học cần tạo chuyển biến về nhận thức sau:
- Cơ sở nhận thức:  Ông đánh giá rất cao vai trò thực tiễn, nêu ra nguyên tắc giáo dục là:
+ Thực tiễn            + Tự nhiên
- Quá trình nhận thức:  Ông cho rằng có 3 nguồn nhận thức đó là:
         + Thân tri (tự mình nhận biết)
          + Văn tri (điều mình nghe được)
         + Trí tri (do suy luận mà ra)
Con người phải đi từ 1 đến 2 để có 3, và sau khi có 3 rồi thì mới nhận thức được thế giới.
Có thể nói rằng đương thời Mặc Tử đã có nhiều quan điểm tiến bộ về tư tưởng chính trị-xã hội, trong đó có giáo dục.  Song tư tưởng này đã không thể thực hiện được do những hạn chế về mặt lịch sử, và chỉ dừng lại như là “chủ nghĩa không tưởng”.  Tư tưởng của Mặc gia giảm sút từ cuối thời Tần, nhưng những quan điểm của nó vẫn còn để lại dấu ấn trong tư tưởng Pháp gia… sau này. 
IV. Quan điểm giáo dục của tôn giáo hữu thần – Kitô giáo.
Theo niềm tin Kitô giáo, Jesus được sinh ra trên Trái Đất là con Đức Chúa Trời, được xưng tụng là Đấng Cứu Thế, Đấng Tiên tri, Đấng Cứu Rỗi, Cứu Chúa chịu đóng đinh, để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.  
1/.Về mục tiêu giáo dục.
Theo giáo lý Kitô giáo, con người được sáng tạo ra từ một Thiên Chúa có sự sống vĩnh hằng, và con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì con người vốn phạm tội do nguyên tổ gây ra, cần được cứu độ để trở lại sự sống vĩnh hằng này.
Sự cứu độ này được cho là sự thực hiện với một chuỗi thời gian, được gọi là chương trình cứu độ, và con người được mời gọi tham gia vào việc này bằng cách là trở thành một tín đồ của đạo Kitô.  Và điểm đến cao nhất sau cùng của người tín đồ là “Hiệp thông hưởng nhan Thánh Chúa” (cạnh kề ngắm nhìn được mặt của Thiên Chúa).
         Theo đó, giáo dục của Kitô giáo được cho là hướng vào trọng tâm cho chương trình cứu độ này, và mô hình cho mục tiêu giáo dục con người chính là  hình ảnh của mẫu người“Chúa Con Jesus”,đó là:
         - Hướng con người tiến về Nước Trời là thực tại siêu việt, làm cho người theo đạo biết vâng phục lề luật, biết vâng lời như chính Chúa Con Jesus đã vâng phục Chúa Cha trong đức tin, nhằmhoàn tất công trình giáo dục của Thiên Chúa.
         - Hướng con ngườimở rộng với tha nhân như những hình ảnh quen thuộc của phép lạ làm men cho bánh, làm muối cho đời, nhân ra nhiều bánh … hàm chứa ý nghĩa về một mở ra cho người khác.
2/.Về nội dung giáo dục.
Có thể nói mọi nội dung giáo dục Kitô giáo đều dựa trên 3 chuẩn mực, là các thái độ và hành động đều mang tính siêu nhiên, đó là: Đức tin, Đức cậy, Đức mến (E: Faith, Hope, Charity) được gọi là 3 nhân đức đối Thần.
1.Đức tin (chấp nhận):
Đức tin của người tín đồ Thiên Chúa giáo được cho rằng đó không phải là kết quả từ lý trí loài người, mà chính do ơn của Chúasiêu nhiên ban cho con người vững lòng phó thác đời mình vào trong tay Chúa. Đức tin là chấp nhận vô điều kiện những điều Chúa dạy bằng mạc khải  (E: revelation: sự tỏ bày riêng một cách bí mật) cho Hội Thánh và được Hội Thánh truyền lại.  Đức tin được xem là giấy phép vào nước Trời.
Tin là chấp nhận những điều Chúa phán dạy, vì trong những điều Chúa dạy, có nhiều điều trí khôn loài người không thể hiểu được, nhưng ta chấp nhận tất cả vì Chúa là Đấng không sai lầm và không lừa dối(GLCG 1814).
2.Đức cậy  (trông nhờ): 
Đức cậy là niềm cậy trông của người theo đạo được Kitô giáo được cho rằng đó không phải là kết quả từ lý trí loài người, mà là do ơn ban của Chúa. Vì thế lòng trông cậy là một hoạt động nhân đức siêu nhiên, là hy vọng với niềm tin xác quyết sẽ gặp Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời nhờ các phương tiện Chúa ban. Lý do khiến chắc chắn như thế, vì Chúa là Đấng yêu thương (muốn điều tốt) và quyền năng (có thể làm được mọi sự) đã hứa với người theo đạo.
3.Đức mến  (yêu thương): 
Đức mến của người theo đạo cũng được Kitô giáo cho rằng đó không phải là kết quả từ lý trí loài người có được, mà là do ơn ban của Chúa. Vì thế Đức mến là một hoạt động nhân đức siêu nhiên, là lòng “Yêu Chúa trên hết mọi sự”. Khi cần, người tín đồ dám hy sinh mọi tạo vật kể cả mạng sống của mình để chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa.“Đức mến là cao trọng nhất trong 3 nhân đức đối Thần” ((1 Cr 13,13)
3/.Về phương pháp giáo dục.
Phương pháp giáo dục qua người dạy và người học là thực hành sự thờ phượng (E: worship), tôn trọng Thiên luật và Nhân luật.
1.Sự thờ phượng :
Thờ phượng là dâng lên Thiên Chúa sự tôn thờ mà Thiên Chúa có quyền đòi hỏi, vì Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo có toàn quyền trên sự sống đời này và đời sau trên mọi tạo vật nói chung và con người nói riêng. Sự thờ phượng Chúa được xem là Đức công bình của người theo đạo.
Sự thờ phượng được biểu hiện bằng cầu nguyện. Đó là thực hiện việc cầu nguyện trong phụng vụ và cầu nguyện ngoài phụng vụ (E: liturgy: phụng vụ = nghi lễ, thánh lễ). 
2. Tôn trọng Thiên luật và Nhân luật :
- Tôn trọng Thiên luật:  Thiên luật còn gọi là luật vĩnh cửu, luật đời đời,  luật tự nhiên,  luật Cựu Ước hay  luật cấm  được Thiên Chúa chế định sẵn, luật này căn cứ trên nguyên tắc “thờ Trời” và “làm lành lánh dữ” nơi 10 điều răn.
- Tôn trọng Nhân luật:   Nhân luật là luật do Giáo hội về sau đề ra vì lợi ích tồn vong của người theo đạo.  Nhân luật được cho là không mâu thuẫn với Thiên luật, là thỏa tính công bình, là có tính cưỡng chế hữu ích. Nhân luật còn gọi là luật buộc  với 5 điều quy định.
Giáo dục Kitô giáo không dựa vào thực tại khách quan, mà chỉ dựa vào mạc khải (chỉ dẫn huyền bí) qua việc hình thành những giao ước là Cựu Ước và Tân Ước với nhiều mâu thuẫn.
Trong từng thời kỳ, những gì ghi trong các giao ước này được lý trí biện giải một cách cập nhật sao cho thích ứng với thời đại. Điều này có thể thấy được qua hai thời kỳ, đó là thời kỳ Thần học Kinh viện  (E: Scholastic theology) rất nhiều bảo thủ vào thời kỳ Trung cổ (xem lại mục 2.2.ở trên), có quan điểm “Triết học phải là đầy tớ của Thần học”; và thời kỳ Đa nguyên Thần học(E: Theological pluralism) ngày nay, có phần cởi mở và thực tế hơn.  Nhưng nói chung,truyền thống giáo dục vẫn đòi hỏi sự quy phục của trí tuệ, và người theo đạo lại phải cảm nhận đó là “Sự tự do của trí tuệ”.
V. Quan điểm giáo dục của tôn giáo vô thần – Phật giáo.

Tất Đạt Đa Cồ Đàm (P: Siddhattha Gotama;  S: Siddhārtha Gautama),  một con người lịch sử, một thái tử dòng họ Thích Ca tại thành Ca-tỳ-la-vệ.  Xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alara – Kalama và Uddaka – Ramaputta. Trải qua 6 năm tu khổ hạnh với các thiên kiến không đem lại kết quả mong muốn, thái tử quyết định chọn cho mình lối tu không cực đoan là tham đắm dục lạc hay khổ hạnh ép xác, tức hướng đi Trung Đạo.
Sau cùng, bằng phương pháp thiền quán, thái tử đã chứng đắc chân lý, đưa tới giác ngộ-giải thoát; đó là quá trình khám phá và quán triệt sâu sắc chân lý Duyên khởi (縁起;  P: Paticcasamuppada;  S: Pratiyasamutpada;  E: Conditional Causation, Dependent Arising) của vũ trụ nơi mọi sự vật hiện tượng, là trí tuệ thấy biết rõ sự vận hành chuyển hóa của mọi sự vật; nhờ đó thành tựu những năng lực chủ động trong việc khai thông các bế tắc ngay chính trong cuộc sống – nguồn gốc của mọi khổ đau nơi chính mình.
Tiếp sau sự chứng ngộ viên mãn chân lý, với hạnh nguyện cao cả trong việc mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài, mà quan trọng nhất là con người, đức Phật đã đi đến quyết định trao truyền chân lý này.  Sự kiện giáo dục này đã không ngừng phát triển suốt trên 45 năm, đến mọi tầng lớp con người, đến mọi giai cấp trong một xã hội phân chia giai cấp vô cùng khắc nghiệt tại Ấn Độ thời bấy giờ.
1) Về mục tiêu giáo dục.
          Mục tiêu giáo dục của đức Phật cũng nhằm hình thành mẫu người Giác ngộ-Giải thoátnhư chính mình.  Đó là mẫu người có được nền tảng trí tuệ để hoàn toàn tự chủ và tự do (giải thoát) ngay chính trong cuộc sống hiện tại, đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người trong tinh thần bình đẳng và hòa bình. Tất cả những hạnh phúc tốt đẹp này sở dĩ có được, là do người học tự rèn luyện cho mình đạt tuệ giác, đó là sự thấy biết sâu sắc và thực hành nhuần nhuyễn chân lý Duyên khởi trong chính cuộc sống.
          Trong Tăng Chi Bộ kinh (Chương ba pháp, phẩm 11-16, mục 134) hay trong kinh Tạp A hàm (kinh số 296, 299), đức Phật đã luôn dạy rằng: “Pháp Duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do một ai khác tạo ra.  Đó là lẽ thật khách quan tự nhiên chỉ rõ thực tính Duyên hình thành sinh-diệt nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, vi mô hay vĩ mô,  trong vũ trụ.  Lẽ thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này…”.
Trong kinhBát Đại Nhân Giác, đãchỉ rakim chỉ nam cho những ai tu học đạo Phật, đó là:
"Duy Tuệ thị nghiệp*唯慧是業*Tuệ giác là sự nghiệp của người tu”
Trong kinhDi Giáo, trước khi nhập diệt, đức Phật đã căn dặn các đệ tử rằng: “Tuệ giác là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám, là liều thuốc tốt chữa hết thảy bệnh tật, là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các ngươi phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập(Văn Tư Tu)mà tăng ích cho tuệ giác của mình”.
          2) Về nội dung giáo dục.
          Để có được mẫu người giác ngộ-giải thoát, hành giả phải được tu học chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi theo lộ trình Văn-Tư-Tu; trong đó, Văn tuệ và Tư tuệ là tuệ suy lý-biện giải còn Tu tuệ là tuệ trực giác (Xin xem thêm mục từ Tuệ giác).
Chân lý Duyên khởi làkhám phá trọng đại và xuyên suốt làm nền tảng cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục của đức Phật kéo dài trên 45 năm. Duyên khởi thông cả Chân đế lẫn Tục đế.
          - Duyên khởi  =>  [Vô thường + Vô ngã] :  Hướng trực ngộ.
          - Duyên khởi  => [Nhân Quả  =>  Tứ Diệu Đế + Thập Nhị Nhân Duyên]:  Hướng tiệm ngộ.
          [Xin xem thêm các mục từ Chân lý, Duyên khởi, Đạo đức Phật giáo]
 
3) Về phương pháp giáo dục.
1/.Phương pháp giáo dục thiết thực.
Đây là tinh thần mà người dạy và người học phải nhận ra trong quá trình giáo dục là dạy và học.
Trong kinh A Nam Nhất Dạ Hiền thuộc Trung bộ III hay Hán tạng: Trung A Hàm số 167, đã cho thấy rằng sống có nghĩa là sống với cái hiện tại sống động, mới mẻ và thiết thực. Không để quá khứ hay tương lai quá chi phối, để phải rơi vào chỗ phi thực và mắc phải những rối loạn tâm lý, khổ đau:
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Trong kinh Cūḷa-māluṅkya-sutta thuộc Trung bộ II  và trong kinh Tiểu dụ thuộc Hán tạng: Ðại 1.917,  câu chuyện chàng Mālunkyaputta đặt 10 câu hỏi siêu hình với đức Phật: Thế giới này là thường? … Là vô thường?... Như lai sẽ tồn tại hay không tồn tại sau khi chết... Đức Phật đã im lặng không trả lời và sau đó đã nói cho Mālunkyaputta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc. Vấn đề cấp thiết là giải phẩu để giải độc ngay, chứ không phải là vấn đề tìm hiểu không thiết thực ngọn nghành mũi tên độc, người bắn mũi tên... rồi mới chấp nhận việc chữa trị. 
Nơi đây cũng cần hiểu rõ rằng sự kiện hiểu biết mũi tên độc để phòng trị cho mọi người không hề bị đức Phật phủ bác, mà trái lại còn khích lệ lớn – bởi đó chính là hình thức giáo dục hết sức cần thiết.
Trong kinh Phật thuyết cho người dân Kalamathuộc Tăng Chi bộ kinh (III. 539-43), đức Phật đã dạy:
“… Này các thiện nam tín nữ, các vị hãy đừng vội tin tưởng những gì mà người ta thường lập đi lập lại luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một tập tục cổ truyền đã trải qua nhiều thời đại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là điều người ta hay đồn và hay nói đến luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do bút tích thánh nhân xưa để lại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một luật lệ đặt ra từ lâu và được xem như là chánh đáng. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do quyền năng của một bậc thầy hoặc do quyền lực của một nhà truyền giáo.
Tất cả những gì khi nghe, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.
          Trong kinh Tương Ưng V, và nhiều kinh điển khác, đức Phật đã từng dạy: "Những gì Như Lai biết ví như rừng lá simsàpa, còn những gì mà Như Lai thuyết giảng thì ít như nắm lá trong tay, nhưng đấy là những phương thuốc trừ khổ thực tiễn ".

Trong Lĩnh Nam Chích Quái, cao tăngGià-la Đồ-lênói: Hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tánh biết những gì họ đang mong muốn biết, chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết(Xinxem Nhà Phật với giáo dục - Lịch sử và vấn đề ).

2/.Phương pháp khế cơ-khế lý-khế xứ-khế thời – nơi người dạy.
Để có thể giáo dục cụ thể và phù hợp (khế: ) với con người, đức Phật đã căn cứ vào căn tính(根性: căn ,tính cách) của con người và mục tiêu thể hiện chân (真理).  Và để việc giáo hóa diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì yếu tố không gian (xứ: nơi nào) và thời gian (thời: lúc nào) không thể thiếu sót. Đây là bước khởi đầu trong phương pháp giáo dục của Phật giáo dành cho người dạy, thường được gọi là  khế cơ – khế lý – khế xứ – khế thời
Ví như  chân lý Duyên khởi với cách nhìn “Trùng trùng Duyên khởi” trên mọi sự vật, từ đơn giản đến phức tạp thiết thực trên một con người là 2 duyên, 5 duyên, 12 duyên. 
          -2 duyên:  Còn gọi là Sắc và Danh, là 2 duyên để chỉ loại hình cấu tạo nên con người qua tri giác, tức cảm nhận của ngũ quan với phán đoán: hay không.
- 5 duyên: Còn gọi là Ngũ Uẩn (五蘊;  P: panca-khandha;  S: panca-skandha;  E: The Five Aggregates), cụ thể hơn 2 duyên, đó là 5 duyên gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.  Trong đó Danh được phân thành 4 loại hình là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.  Đây là 5 loại hình cấu tạo nên con người, nhằm giáo dục việc vượt thoát các kiến chấp về Ngã(= Nhân ngã, cái Ta).
-12 duyên:  Còn gọi là Thập Nhị Nhân Duyên gồm Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử.  Đây là 12 loại hình  duyên tạo nên sự vận hành tương tác chuyển hóa qua ba thời lá Quá khứ-Hiện Tại-vị lai, nhằm giáo dục việc vượt thoát các kiến chấp về Thần ngãnơi các tôn giáo hữu thần.
Cách phân định này nhằm cho thấy rõ hơn cấu trúc và bản chất của con người, là phương tiện giáo dục về sự sống và vượt thoát các kiến chấp về một Đại ngã (Đấng tạo hóa) qua sự nhận chân việc vận hành tự nhiên và khách quan mang tính qui luật của các duyên, chứ không do bất kỳ yếu tố chủ quan nào.
          3/.Phương pháp tự chủ, kế thừa-phát huy – nơi người học.
          - Tính tự chủ, tự tíncủa người học. 
Trong kinh Tương Ưng Bộ(Samyutta Nikàya V, 152), khoảng một tháng trước khi nhập diệt, đức Phật đã căn dặn các đệ tử như sau:
NhưLaiđã từng nhắc nhở các con nhiều lần rằng tất cả những gì ta trân quý hôm nay,ngày mai thế nào ta cũng phải buông bỏ và xa lìa. Chính Ta chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Vì vậy cáccon hãythực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình;hãy thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi Chánh pháp chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác”.
          Trong kinh Tăng Chi và kinh Trung Bộ chỉ rõ "Người là tác nhân, là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp".
Trong kinh Pháp cú, kệ 160.
Hãy nương tựa chính mình,
Chứ nương tựa ai khác?
Người khéo điều phục mình,
Ðạt chỗ tựa khó đạt.
Tính tự chủ, tự tín của người học được thể hiện qua việc tự đánh giá căn tính và khả năng hành trì chân lý và đạo đức.  Có 3 hình thức chính như sau:
- Nhân thừa :  Hành giả thực hành tốt Ngũ giới (= 5 điều đạo đức).
          - Thiên thừa :   Hành giả thực hành tốt Thập thiện (= 10 điều đạo đức).
          - Phật thừa:  Hành giả thực hành tốt Văn Tư Tu về chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
-Tính kế thừa-phát huycủa người học. 
         
Đức Phật vốn không ngần ngại sử dụng những ý tưởng hay, những điều hay có trước mình để giáo hóa sau khi đã hiệu chỉnh đúng theo chân lý.  Nổi bật nhất là trường hợp học thuyết Nghiệp(;  P: Kamma;  S: Karma), học thuyếtLuân hồi(輪回;  P,S : Saṃsāra;  E: Round of rebirth, Wheel of existence - continuous flow) và học thuyết Ngũ minh(五明;  P : Panca-vijja;  S : Pañca-vidyā;  E : Five classes of knowledge) từ Bà-la-môn giáo. [Xin xem các mục từ này].
4) Những hạn chếvề giáo dục của Phật giáo:
         
Có thể nói rằng quan điểm giáo dục của đức Phật lịch sử được ghi lại trong kinh điển là trong sáng, linh hoạt và thích nghi với mọi thời đại, bởi quan điểm này được xây dựng trên chân lý khách quan Duyên khởi. 
Tuy nhiên, có lẽ do hoàn cảnh lịch sử và tính chủ quan lơ là của người kế thừa, đã khiến cho quan điểm giáo dục của đức Phật bị hạn chế phổ cập trong xã hội, vì thế Phật giáo đã gặp phải những thăng trầm tất yếu bởi các luồng tư tưởng thế tục khác lôi kéo.  Một vài điểm yếu có thể được ghi nhận như sau:
- Lệch lạc trong nhận thức :Người kế thừa đã không quan tâm tới phương tiện và cứu cánh của đạo Phật “Thích-ca”, vì thế đã phát sinh ra như là một đạo Phật dậm chân ở niềm tin tôn giáo hay những lập luận kỳ bí (tình cảm và lý trí thế tục), thiếu tính thiết thực của một trí tuệ rộng lớn.
- Bất cập trong nhập thế : Người kế thừa đã không phát huy tính sinh động về mặt giáo dục xã hội mà đức Phật đã chỉ dạy qua thực tế. Theo thống kê thì trên 2/3 số lượng kinh điển ghi chép lại cuộc đời giáo hóa của đức Phật là dành cho người tại gia, với triết lý Tự lợi-lợi tha, Tự giác-giác thadẫn khởi từ nguyên tắc đạo đức Duyên khởi, điều mà phương Tây mãi đến thời kỳ Khai sáng (sau đức Phật trên 23 thế kỷ) mới bắt đầu khởi xướng cho quan điểm giáo dục Vị cá nhân-vị xã hội
-Thái quá trong nhập thế :  Người kế thừa tiếp cận với các loại hình văn hóa, xã hội thế tục mà thiếu tính chọn lọc, thiếu sử dụng tốt các phương tiện kiểm tra có đúng với chánh pháp hay không, như “Tam Pháp Ấn”, “Từ bi-Trí tuệ” … chẳng hạn, khiến có sự nhầm lẫn và hạ thấp giá trị giáo dục của đạo Phật; trong đó,kinh điển xen tạp và lệch lạc gây ra không ít tệ nạn trong các tổ chức Phật giáo.

o0o

Giới luật.

Nội dung
I. Tổng quan về Giới luật.
II. Các vấn đề của Giới luật.
I. Tổng quan về Giới luật.

Giới luật 戒律làtừ ghépcủa Giới 戒và Luật 律có ý nghĩa sau:
1) Giới(戒;  P: Sīla;  S: Śīla;  E: Morality) phiên âm là Thi-La:  
         
Giới được hiểulànguyêntắc đạođức, nhằm hướng dẫn hànhgiảtránh làm những điều ác, làm những điều lành, tu tập thân-khẩu-ý thanh tịnh, đoạn trừ tham sân si đưa đến sự an lạc giải thoát cho chính mình,đồngthời mang lại lợi ích, an vui và hạnh phúc thật sự cho mọingười xung quanh.
Theo Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147, nguyêntắc Đạo đức Phật giáo trên nền tảng chân lý Duyên khởi-Vô ngã,được phát biểu như sau:
Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”  
          Theo đó, Giới thể hiện định tínhđối với Đạo đức học Phật giáo, được ghi trong Kinh tạng.
          Theo ngài Phật Âm (Buddhaghosa) cho rằng "Giới" có nghĩa là "Giới hạnh", làcáchsống đạo đức với một tâm sở thánh thiện.
2) Luật  (律;  P;S: Vinaya;  E: the code of monastic discipline) phiên âm là Tỳ-nại-da, ngắn gọn là Tỳ-ni.
Luật được hiểu là tập hợp những điềuthực tiễn chi tiết, ứng xử cho đời sống trong tập thể Tăng đoàn.
Theo đó, Luậtthể hiện định lượngđối với Đạo đức học Phật giáo,được ghi lại trong Luật tạng.
Tuy Giới và Luật tên gọi khác nhau nhưng tính chất gần như đồng nghĩa nên người ta thường ghép chung hai chữ này lại với nhau, gọi là "Giới Luật".  Có so sánh ví Giới như vàng, và Luật là những trang sức được làm từ vàng này.
Trong Trường Bộ Kinh, đức Phật đã dặn dò Ngài Ananda như sau: "Này Ananda , Pháp và Luật Ta đã giảng dạy và trình bày. Sau khi Ta diệt độ, Chánh Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các con". 
Như vậy hiểubiết Chánh Pháp và Giới Luật không thể tách rời trongđời sống tu học của hành giả.
          3)Các loại giới luật trong đạo Phật.
          Giới luật Phật giáo đượcphân ranhiều loại áp dụng cho hàng xuất giavàhàng tại gia.           
1/.  Phật tử tại gia có Ngũ Giới (5 giới), Bát Quan Trai Giới (8 giới), Thập Giới (10 giới). [Xin xem thêm các mục từ Ngũ giới, Thập giới]
2/.  Xuất gia Sa-dithì có (10 giới).
- Sa-diGiới (沙彌戒)
- Sa-di-ni Giới(沙彌尼戒) 
Thức-xoa-ma-na (式叉摩那尼;  P: Sikkhamānā;  S. Śikṣamāṇā) là cách xưng hô đối với Sa-di ni thọ thêm 6 giới trước khi thọ giới Tỳ-kheo ni.
3/. Xuất gia Tỳ Kheo.
- Tỳ-kheo Giới (比丘戒).
- Tỳ-kheo-ni Giới (比丘尼戒).
Theo truyền thống Phậtgiáo Nam truyền (Theravāda) thì Tỳ Kheo có 227 giới, Tỳ Kheo Ni có 311 giới.
Theo truyền thống Phậtgiáo Bắc truyền(Mahāyāna)thì Tỳ kheo có 250 giới, Tỳ Kheo Ni có 348 giới.
Tỳ-kheo Giới còn được gọi là Biệt giải thoát giới  别解脱戒  hay Giới bổn (戒本;  P: Pāṭimokkha;  S. Pratimokṣa), là chữ gọi chung giới của Tỳ-kheo hay giới của Tỳ-kheo ni. Ngoài việc chấp trì các học giới, mỗi nửa tháng các tăng ni phải họp mặt một lần để trùng thuật và lắng nghe Giới bổn như một cách ôn tập và cũng để duy trì đạo tình(和敬;  P: sāmaggi;  S: sāṃmanasya;  E: amicableness; concord; unity).
II. Các vấn đề của Giới luật.
Trong đạo Phật, Giới Luật được xem là một phương tiện tốt, là một trong những Duyên cần thiết để luyện tâm, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều.Hànhgiả cần hiểubiết rõ Chánh Pháp và Giới Luậtđể tự đi đến giải thoát, mà không phải rơi vào vô minh chấp thủ.
Tuy nhiên, 
1)Giới cấm thủ (戒禁取;  P: Sīlabbata-parāmāsa;  S: Śīlavrata-parāmarśa;  E: Rites-and-rituals clinging, Clinging to a mistaken understanding of the precepts and their purpose, grasping of rules and customs):
Giới cấm thủ,nóichung, là sự cố chấp vào nhữnggiới điềumột cách không chính đáng,cố chấp vào nhữngpháp hành sai lạc như các hình thức, tập tục, lễ nghi, … để tự trói buộc mình mộtcách si mê vàđưa đến đau khổ,chứ không thể mang lại ánh sáng giảithoát.
Trong Tam tạng có cụm từ giới cấm thủ có nghĩa là sự chấp thủ vào những sự thực hành sai trái về giới (đạo đức), do hành giả không hiểu thực chất của giới, kể cả với những người đã biết được giáo lý về giới. Bởi bất cứ những gì sinh khởi đều do Duyên, chừng nào hãy còn ý niệm về Ngã, chừng ấy sẽ còn những khoảnh khắc có ý muốn cố gắng, ví như ngay lúc hành giả đang có ý muốn Chánh niệm. Cũng cần biết rằng mục tiêu của Giới nhằm ngăn ngừa động lực Tham Sân Si phát tác, chứ không nhằm tạo phước đức.
Hành giả bằng tuệ giác cần một thời gian dài để có thể có được hiểu biết đầy đủ về tà kiến sinh khởi. Có thể thấy ra hai trường hợp của giới cấm thủ như sau: 
- Trường hợp 1:  Vẫn giữ đúng giới luật, nhưng lại câu nệ hình thức của giới luật, làm trái với tinh thần của giới luật là lòng Từ Bi (= Yêu thương Ba-la-mật). Ví dụ:
          + Giới của người xuất gia là không đụng chạm đến thân thể của người khác giới (nam không chạm vào thân nữ và ngược lại). Nhưng nếu gặp trường hợp người khác giới tính sắp chết đuối, mà vẫn còn câu nệ hình thức của giới để cho người chết đuối hay sao?
          + Giới cấm uống rượu đối với người tu tại gia ở các xứ hàn đới và ôn đới có tháng rất rét như ở Nhật, được đổi thành giới cấm buôn bán rượu, và uống rượu vẫn được phép miễn là không say.
 - Trường hợp 2:  Cố chấp những điều cấm, những điều răn vô lý của ngoại đạo. Ví như sống theo nếp sống của con chó, con trâu (gọi là hạnh trâu chó), như sống khổ hạnh ngủ dưới đất, ăn phân, không tắm rửa v.v…, mà tưởng đó là phương tiện tu đạo.
Trong Câu Xá Luận, quyển 19 có ghi rằng: “Những tà kiến đối với những cái chẳng phải là Nhân của đạo mà cho là Nhân của đạo, được gọi chung là Giới cấm thủ …”
2)Tính thích nghi của Giới luật.
Giới luật thuộc phạm trù đạo đức, hơn nữa, Giới luật Phật giáo lại được xây dựng trên chân lý Duyên khởi, cho nên tính thích nghi của Giới luật theo không gian và thời gian là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của đạo Phật, đã có những bất đồng ý kiến nẩy ra rất sớm về Giới Luật, dẫn tới Hội nghị Kết tập lần thứ hai tại Tỳ-xá-li (Vaishali), khoảng 100 năm sau khi đức Phật viên tịch.
Theo đó, hiện nay có nhiều ý kiến về vấn đề thích nghi của Giới luật như sau:
1/.Bát kính Giới八敬戒= Bát kính Pháp八敬法(P: Aṭṭha-garudhammā;  S: Ashta-garudharma;  E: The Eight Strict Rules for Buddhist Nuns)  (*):
  Tại Đài Loan, từ nhiều năm nay đã xuất hiện một phong trào vận động hủy bỏ Bát kính Pháp,khởi xướng bởi Ni giới. Phong trào này mỗi ngày một lan rộng và có nhiều lý do:
1- Tinh thần bình đẳng nam nữ đã trở thành phổ biến trong xã hội Đài Loan và không thể tránh ảnh hưởng đến Tăng Ni đoàn.
2- Phật giáo Đài Loan đang phần nào bị “thế tục hóa” bằng những tư tưởng thế học của Tăng Ni.
3- Phật giáo Đài Loan không tổ chức theo Giáo hội, mà tổ chức theo tông phái, mỗi tông phái phát triển độc lập và có qui luật riêng.
4- Thế lực của Ni giới Đài Loan đang lớn mạnh dần và nắm thế chủ đạo trong mọi lãnh vực: tổ chức, ngoại giao, văn hóa, xã hội, v.v.
Đối lại với các lập luận bảo thủ bênh vực Bát kính Pháp, cho rằng những qui luật khắt khe này không nằm ngoài mục đích bảo vệ nữ giới.Tuynhiên,những người chủ trương bác bỏ Bát kính Pháp cho rằng tám điều đó đều lỗi thời và không còn lý do tồn tại trong xã hội ngày hôm nay.
Về phía Việt Nam, thay vì kêu gọi hủy bỏ Bát kính Pháp thì Thiền sư Nhất Hạnh chế ra Bát kính Pháp cho Tăng sĩ, đólà những bổn phận của một Tỳ-kheo đối với Tỳ-kheo ni, nhưng ai cũng hiểu đó là để lập lại sự bình đẳng nam nữ giữa Tăng và Ni.
2/. Đơn giản hóa Giới luật:
Từ hơn 50 năm nay Thiền sư Nhất Hạnh đãnhắm đến sự tu chỉnh lại giáo chế, nhằm hiện đại hóa đạo Phật và đưa đạo Phật đi vào cuộc đời. Trong cuốn sách “Đạo Phật hiện đại hóa”, xuất bản năm 1965 tại Việt  Nam, TS đề nghị phân biệt hai dòng tu theo đạo Phật, là dòng Thể Nhập và dòng Tiếp Hiện.
1- Với dòng Thể Nhậpcó tính chất xuất thế, chuyên sâu về giáo lý và kinh nghiệm tâm linh, thì “Giới luật sẽ được đơn giản hóa, và tu chỉnh lại, để thích hợp hơn với nếp sống tu viện. Hai trăm năm mươi giới sẽ còn lại độ chừng ba mươi giới căn bản và cần thiết. Sụ tu chỉnh giới luật phải được xem như là cần thiết và thích hợp với tinh thần khế cơ của đạo Phật. Không lý sống trong một xã hội cách xã hội đức Phật đã mấy ngàn năm mà nếp sống giới luật vẫn là nếp sống cũ. Rất nhiều điều khoản trong giới luật Tỳ-kheo đã không còn hợp thời; những vị tăng sĩ nào đã thọ Tỳ-kheo đều công nhận như thế.”
2. Với dòng Tiếp Hiệncó tính chất nhập thế, đem đạo Phật đi vào cuộc đời, phụng sự cho xã hội, thì “Họ sẽ được làm lễ thọ giới – giới luật của họ không phải là giới luật xuất thế, mà là giới luật nhập thế. Giới luật ấy là tâm giới – mang tính cách của Bồ tát giới, biểu lộ tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, biểu lộ triết học hành động của đạo Phật.
Dòng tu Tiếp Hiện đã được thành lập bởi Thiền sư Nhất Hạnh năm 1966 tại VN, và từ Đạo Tràng Mai Thôn, tại Pháp, đã phát triển trên nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Tây Phương. Dòng tu gồm có bốn chúng: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam và tại gia nữ, và được hướng dẫn bởi 14 giới Tiếp Hiện(**). Dĩ nhiên, sự có mặt của những người tại gia, có gia đình trong một dòng tu Phật giáo không được chấp nhận bởi dư luận truyền thống một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với một số dòng tu tại Tây Tạng và Nhật Bản, cho phép tăng sĩ lập gia đình, thì đó là một chuyện bình thường, và hiện nay bên phía Công giáo tại Tây phương cũng đang có một phong trào kêu gọi hủy bỏ sự bắt buộc các linh mục sống độc thân.
Tại Đạo Tràng Mai Thôn, năm giới căn bản cũng được thay thế bằng “Năm giới tân tu,nhằm tôn trọng và bảo vệ sự sống, môi trường, hạnh phúc gia đình, sự thật, sự hòa hài xã hội và sự tỉnh thức của chính mình, đồngthời10 giới Sa-di và Sa-di ni cũng được hiện đại hóa như vậy, tuy vẫn giữ nguyên tinh thần cốt tủy ban đầu.
Về các giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni (hay Khất sĩ nam và Khất sĩ nữ), thì TS Nhất Hạnh cùng với Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn đã thành lập một Giới bổn Khất sĩ Tân tu (E: The Revised Pratimoksha)sau khi tham vấn với nhiều vị tăng Luật sư cũng như trưởng thượng ở Việt Nam và ngoại quốc. Giới bổn mới này đã được công bố ngày 31/3/2003 tại Viện Đại Học Tăng Già Trung Ương Seoul, Hàn quốc. Số giới vẫn giữ nguyên (250 cho Tỳ-kheo và 348 cho Tỳ-kheo ni), nhưng cũng có những thay đổi đáng kể, và một số giới cũ được thay thế bằng giới liên quan đến các phương tiện trong thời đại mới, như xe hơi, điện thoại, máy phát thanh, truyền hình, vi tính, Internet, v.v.
-------------
Chú thích:
(*) 8 điều lệ Bát kính Pháp có nội dung sau:
1. Một Tỳ-kheo ni, dù có trăm tuổi hạ cũng phải kính trọng Tỳ-kheo. Khi gặp một Tỳ-kheo phải đứng dậy, cúi mình đảnh lễ và xử sự đúng phép tắc.
2. Tỳ-kheo ni không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ-kheo.
3. Mỗi nửa tháng, Tỳ-kheo ni phải đợi chúng Tỳ-kheo quyết định ngày lễ Bố Tát và giờ Tỳ-kheo đến giáo giới.
4. Sau khi an cư, Tỳ-kheo ni phải xin Tự tứ trước hai Tăng ni chúng về: thấy, nghe và nghi.
5. Tỳ-kheo ni phạm tội Tăng tàn phải làm pháp sám hối Ma-na-đỏa (manatta) trước hai Tăng ni chúng trong nửa tháng.
6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ-kheo ni phải xin thọ cụ túc giới trước hai Tăng ni chúng.
7. Trong bất cứ trường hợp nào, một Tỳ-kheo ni không được mắng chửi hay nặng lời đối với Tỳ-kheo.
8. Tỳ-kheo ni không có quyền khiển trách, cử tội Tỳ-kheo. Ngược lại, Tỳ-kheo được quyền cử tội Tỳ-kheo ni.
(**) 14 giới Tiếp Hiện là:
1. Không được thờ làm thần tượng một chủ nghĩa một lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn mà không là những chân lý tuyệt đối.
2. Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch để trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải luôn luôn học hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Phải suốt đời là một người tìm học.
3 . Không được ép buộc người ta theo mình, bất cứ bằng cách nào. Phải tôn trọng tự do của kẻ khác .
4. Không được trốn tránh khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của sự sống. Phải tìm tới những kẻ khổ đau.
5 . Không được đặt một trong bốn thứ danh, lợi, tài, sắc làm mục tiêu chính của đời sống mình. Phải học hạnh tri túc để nghĩ đến kẻ khác.
6. Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Phải quán từ bi để tha thứ cho tất cả những người gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của mình, ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh.
7. Không được nói những lời có thể tạo nên sự bất hòa và tan vỡ trong đoàn thể. Phải áp dụng ái ngữ để hòa giải tất cả những vụ bất hòa, dù lớn hay nhỏ.
8. Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù; không được loan truyền những tin mình chưa biết là có thực; không được phê bình và lên án những điều mà mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thực và có giá trị xây dựng.
9. Không được sống một đời sống cách biệt quá với những kẻ khổ đau. Phải sống đời tri túc, giản dị nhưng không lập dị.
10. Không được lợi dụng đạo Phật. Phải giữ cho đạo Phật tính cách thanh cao tuyệt đối của lý tuởng đời mình.
11. Không được sống theo tà mệnh. Phải chọn những nghề nghiệp lương thiện, nhất là những nghề có thể giúp mình thực hiện được lý tưởng Từ Bi cứu khổ của đạo Phật.
12. Không được sát hại nhân mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ nhân mạng.
13. Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải bất hợp pháp. Phải bảo vệ quyền tư hữu của kẻ khác nhưng phải biết ngăn ngừa những kẻ làm giàu một cách bất lương và trên sự đau khổ của quần chúng.
14. Không được tà dâm, không có ý lợi dụng không trong sạch những người khác phái. Phải trong sạch và phải biết bảo vệ cho sự trong sạch.

o0o

Xin xem tiếp “Căn Bản Học Phật 2/5;  3/5;  4/5;  5/5”
 

_______________


Huy Thai gởi