Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Sổ Tay Phật Học 3/5
佛教手冊
The Buddhist Handbook

***

Nội dung

A – G
1/5
*A Di Đà   *A-la-hán   *A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề    *A-tu-la   *Ái   *Ăn chay   *Ân   *Ấn [X. Mật]   *Bách pháp (100 pháp)   *Ba-la-mật-đa (Thập Ba-la-mật, Lục Ba-la-mật)   *Bản lai diện mục   * Bát bất   *Bát Chánh Đạo   *Bát phong   *Bất khả đắc   *Bất khả tư nghì   *Bất Nhị [X. Trung đạo]   *Bình đẳng – Công bình   *Bố thí   *Bồ-tát   *Cam lồ   *Cầu nguyện - Phát nguyện - Thệ nguyện   *Căn - Trần - Thức   *Chánh niệm   *Chánh-Tà & Chân-Vọng   *Chánh tín   *Chân đế - Tục đế   *Chân Không Diệu Hữu (X. Hữu-Không)  *Chân lý   *Chân ngôn [= Thần chú - X. Mật]   *Chân như   *Chân – Thiện – Mỹ   *Chấp trước (= Chấp thủ)   *Chữ Vạn   *Chứng & Đắc   *Chướng   *Công án   *Công đức và Phúc đức   *Cúng dường   *Dị thục   *Dục   *Duyên khởi   *Duyên khởi luận - Thực tướng luận   *Đại Thủ Ấn   *Đạo   *Đạo đức Phật giáo   *Đế [X. Chân lý]   *Địa Tạng   *Giác ngộ – Giải thoát   *Giáo dục   *Giới luật.  

H – L
2/5
*Hành   *Hạnh phúc   *Hiếu trong Phật giáo   *Hộ niệm   *Hộ trì   *Hữu-Không = Sắc-Không = Không tính   *Hữu thần - Vô thần   *Hữu thời và Phi thời [X. Thời gian]    *Hữu vi pháp - Vô vi pháp   *Kết sử (= Kiết sử)   *Khổ   *Không tính [X. Hữu-Không]   *Kiêu mạn   *Kinh điển Phật giáo   *Kinh A Di Đà   *Kinh Bát Đại Nhân Giác   *Kinh Hoa Nghiêm   *Kinh Kim Cương   *Kinh Lăng Nghiêm   *Kinh Pháp Hoa   *Kinh Phật thuyết – Kinh Tổ thuyết [X. Kinh điển Phật giáo]    *Kinh Tâm (Tâm kinh)   *Kinh Viên Giác   *Lậu hoặc   *Lễ   *Lo sợ   *Luân hồi   *Lục Diệu Pháp Môn   *Lục đạo   *Lục hoà kính.

L – Q
3/5
*Ma   *Mạn [X. Kết sử]   *Mật   *Mộng   *Ngã   *Nghi   *Nghiệp   *Ngũ căn – Ngũ lực   *Ngũ giới   *Ngũ đình tâm quán   *Ngũ minh   *Ngũ nghịch   *Ngũ nhãn   *Ngũ phần hương   *Ngũ uẩn   *Nhân cách   *Nhân Quả   *Nhẫn   *Nhị chướng   *Như Lai   *Như lý tác ý   *Như thị (X. Thập Như thị)   *Niềm tin   *Niệm   *Niệm Phật   *Niết-bàn   *Pháp   *Pháp giới   *Pháp học – Pháp hành – Pháp thành   *Pháp tướng và Pháp tính   *Phật   *Phật kỳ   *Phật lực [X. Tự lực và Tha lực]   *Phật Thích Ca   *Phật tính   *Phiền não   *Phiền não tức Bồ-đề [X. Trung đạo – Bất nhị]   *Quả báo   *Quán   *Quán Thế Âm   *Sám hối   *Sen.  

S – T
4/5
*Sinh tử   *Sư tử hống   *Tam Bảo   *Tam chướng   *Tam độc   *Tam giải thoát môn   *Tam giới   *Tam học (= Giới – Định – Tuệ)   *Tam minh   *Tam Pháp Ấn   *Tam tạng [X. Kinh điển Phật giáo]   *Tam thân   *Tam thiên đại thiên thế giới   *Tam tôn   *Tam thập thất bồ-đề phần [= 37 Phẩm trợ đạo]   *Tam tuệ (= Văn – Tư – Tu)   *Tam tự tính   *Tăng   *Tâm   *Tâm linh   *Thần thông-Phép lạ   *Thập giới (= Thập thiện)   *Thập lực   *Thập Mục Ngưu Đồ   *Thập Nhị Nhân Duyên   *Thập như thị   *Thập tùy niệm   *Thất Giác Chi   *Thất Thánh tài   *Thất tình [X. Dục]   *Thể Tướng Dụng   *Thiên đàng & Địa ngục   *Thiền   *Thiền định   *Thiền Như Lai (= Thiền Phật giáo Nguyên thủy)   *Thiền Tổ Sư (= Thiền Phật giáo Phát triển)   *Thiền tuệ (= Thiền quán “Tứ Niệm Xứ”)   *Thoại đầu [X. Công án].

T – X
5/5
*Thời gian   *Thượng Đế   *Tín - Giải - Hành - Chứng [X. Tam tuệ]   *Tịnh độ   *Tịnh Độ tông   *Tội   *Tôn giáo   *Tông phái Phật giáo   *Trai tịnh   *Triền cái và Thiền chi   *Trung đạo   *Trường cửu thí   *Tu học   *Tuệ giác (= Tuệ giải thoát, Tuệ vô lậu, Trí tuệ giác ngộ)   *Tùy (Tùy duyên – Tuỳ pháp hành – Tùy tín hành – Tùy hỷ – Tùy niệm – Tùy miên – Tùy phiền não)   *Tứ ân   *Tứ bất khả khinh   *Tứ chánh cần   *Tứ chúng   *Tứ cú   *Tứ Diệu Đế   *Tứ đức Niết-bàn   *Tứ liệu giản   *Tứ nhiếp Pháp   *Tứ niệm xứ   *Tứ oai nghi   *Tứ pháp giới [X. Kinh Hoa Nghiêm]   *Tứ sơn   *Tứ Thần Túc   *Tứ thực [X. Trai tịnh]   *Tứ vô lượng tâm [X. Vô lượng]   *Tứ vô ngại (= Biện tài vô ngại)   *Tứ y pháp   *Từ Bi và Trí Tuệ   *Tử thư Tây Tạng   *Tự do   *Tự lực và Tha lực   *Tự tại   *Tự tứ   *Tương tác - Tương thuộc   *Tương tức - Tương nhập   *Tướng   *Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm [X. Kinh Kim Cương]  *Văn-Tư-Tu (X. Tam tuệ)   *Vãng sinh tịnh độ – Siêu sinh [X. Tịnh Độ tông]   *Viên thông   *Vô   *Vô ký   *Vô lậu   *Vô lượng   *Vô ngã   *Vô sinh   *Vô thường   *Vô tướng   *Vô vi[X. Hữu vi pháp - Vô vi pháp]   *Xá-lợi   *Xá-lợi-phất   *Xả   *Xuất gia.

o0o

Lời dẫn nội dung.
-Trong các kinh Trung Bộ I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48 nói rõ:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp(= Chân lý). Ai thấy Pháp(= Chân lý),người ấy thấy Duyên khởi”.
Hay:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp(= Chân lý). Ai thấy Pháp(= Chân lý),người ấy thấy Như Lai (= Phật)”.
-Trong kinh Tăng Chi Bộcũng như trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã xác định rằng :
Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ.  Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
- Trong kinh Đại duyên (Mahanidana sutta), tr. 50-51, hay trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm đã nêu rõ bản chất của vũ trụ vạn vật là Duyên khởi, là Không làm nền tảng cho việc tu học:
Sâu sắc là giáo lý Duyên khởi! Thậm thâm là giáo lý Duyên khởi! Vì không giác ngộ và thâm nhập giáo lý Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại sống trong cảnh giống như ổ kén lộn xộn, cuộn chỉ rối ren, ... không thể nào vượt qua khỏi khổ cảnh, ác thú, đoạ xứ, luân hồi”.
Như Lai dạy cho các tỳ-kheo giáo pháp thánh thiện, siêu việt, có liên hệ đến  Không tính và phù hợp với giáo lýDuyên khởi”.
Nguyên lý Duyên khởi là sự chứng ngộ thành đạo của đức Phật, là đặc trưng lớn nhất của đạo Phật khác hẳn với các tư tưởng, triết học và tôn giáo khác, là chân lý khách quan  tự nhiên của vũ trụ, khác với các chân lý chủ quan  xem như được chế tác bởi con người nơi các tôn giáo khác.
Nguyên lý Duyên khởi được dùng để giải thích nguồn gốc của thế giới, xã hội, nhân sinh và sự sản sinh của những hiện tượng tinh thần, kiến lập nhân sinh quan và thế giới quan.
Nguyên lý Duyên khởiđược xem là cốt lõi, là chiếc chìa khóa để mở kho tàng Pháp bảo Tam tạng (Nam tạng hay Bắc tạng). Ý nghĩa khái quát của nó trông có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực Duyên khởi không những là phương tiện tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ vô thượng, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo.

Duyên khởi dẫn hường cho việc học Phật và tu Phật
1. Duyên khởi = Trung đạo-Duyên khởi.
2. Duyên khởi tính = Phật tính = Không tính = Tự tính.
3. [Văn tuệ Duyên khởi + Tư tuệ Duyên khởi]  =>  Tu tuệ Duyên khởi.

Đạo Phật là đạo giải thoát, giúp chúng sinh tự rèn luyện mình để đạt tới một nội tâm sáng suốt, và từ đó tự làm chủ chính mình, chứ không mê hoặc chúng sinh phải lệ thuộc vào một thần quyền ảo tưởng nào cả. Phương tiện để dẫn dắt chúng sinh chính là Nguyên lý chân lý Duyên khởi đã được đức Phật Thích Ca khám phá ra và truyền đạt lại cho nhân loại trên suốt 45 năm.   

Có thể nói rằng ngôi nhà Phật pháp được xây dựng trên nền móng vững chắc của chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi. Vì thế, các vấn đề học Phật dưới đây sẽ được cố gắng phân tích lý giải theo sự soi sáng của Duyên khởi để phần nào tránh đi sai sót do những suy nghĩ chủ quan.
“Sổ tay Phật học” này chỉ là bước đầu tìm hiểu về đạo Phật.  Hy vọng rằng những cóp nhặt nơi “Sổ tay Phật học” sẽ được nhiều đóng góp sửa đổi, để ngày càng hoàn thiện.

NBS:  Minh Tâm 3/2022

Ma.
Nội dung
I. Khái niệm về ma.
II. Phân loại ma.
III. Bản chất thực của ma.
I. Khái niệm về ma.
1) Quan niệm ma theo dân gian.

Ghost- Wikipedia
Ma– Wikipedia tiếng Việt
Bóng ma của Banquo 1855, Théodore Chassériau (1819–1856)
Ma (鬼;  E: ghost;  F: fantôme) được xem là hình ảnh hoặc ảo ảnh của người đã chết hoặc động vật đã chết có thể xuất hiện với người sống, và thường được gọi là hồn ma  hay hồn 魂.

Ma luôn là hình ảnh ám ảnh cho dù con người có tin hay không. Ma xuất hiện rất nhiều trong ý tưởng và trong quan niệm sống của con người trên khắp hoàn cầu. Trong văn học ma hay trong các tôn giáo có các mô tả và lối giải thích khác nhau về ma, trong đó có cả Phật giáo.

Sự hiện diện ma được mô tả từ vô hình cho đến những hình dạng mờ ảo hoặc gần như không nhìn thấy, cho đến những hình thức thực tế, giống như thật. Việc cố tình liên lạc với hồn của một người đã qua đời được gọi là thuật chiêu hồn (E: necromancy).
- Quỷ là tên gọi khác của ma, hàm ý là một loại ma dữ.
- Yêu tinhlà tên gọi một loài vật do tu luyện lâu năm mà thành. Yêu tinh được cho là có phép thuật có thể biến hình như mong muốn. Yêu tinh tu luyện càng lâu thì có pháp thuật càng cao và tùy theo nguồn gốc và xu hướng tu luyện mà có phép thuật, sở trường khác nhau. Không giống như ma quỷ thường phải trốn tránh, ẩn nấp ở những nơi u tối, yêu tinh có thể mang hình dạng của một con người và sinh hoạt, làm những việc giống hệt người bình thường.

2) Quan niệm ma theo Phật giáo.
Ma(魔;  P;S: māra;  E: demon, devil)
Trong kho tàng các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo, có không ít bài viết để lý giải ma. Theo đó, chữ ma là phiên âm của "māra", hàm ý nghĩa là tâm loạn động mê lầm, cản trở con đường tu tập của một hành giả như được trình bày bên dưới.
1/.Trong kinh Phổ Diệu (Lalitavistara Sūtra) là bộ kinh kể lại cuộc đời của đức Phật, bộ kinh này cho biết ma đã từng dùng mọi xảo thuật để quấy nhiễu và cản trở không cho đức Thích Ca Mâu Ni đạt được giác ngộ.

Đội quân ma cố gắng cám dỗ Đức Phật, biểu tượng thế kỷ 10 từ Động Mogao.
Trong đêm trước khi ngài thành Phật, ma đưa đội quân đến quấy nhiễu. Phật liền dùng tay phải chạm xuống mặt đất khiến mặt đất liền chấn động và rung chuyển ầm ầm để chứng minh cho sự giác ngộ đích thực của ngài và cũng khiến cho cả đám ma biến mất như bị phù phép.
Quỷ cũng là tên gọi khác của ma, như Ngạ quỷ餓鬼hay Ngạ ma 餓魔(P: peta;  S: preta) là loại ma đói, là một trong 6 cõi luân hồi.
2/. Trong kinh điển Phật giáo, có nhiều trường hợp mô tả đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc siêu hình thiếu thực tế. Bởi các trường hợp này, bậc đã chứng ngộ Tam minh (Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh) mới có thể không ngộ nhận và có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề siêu hình này. Tuy nhiên nhằm hỗ trợ cho việc tu học, vấn đề siêu hình ma hay quỷ có thể tạm lý giải như sau:
- Nếu ma là một hiện thực vô hình mà các giác quan của con người không cảm nhận được, thì theo Phật giáo ma đây cũng chỉ là hợp duyên không thực thể, do mê chấp mà tạm tồn tại. Theo đó, ma có thực tướng là vô tướng, vẫn tuân theo quy luật sinh-diệt.  Vì thế, Phật giáo không bác bỏ loại ma như người còn đang sống này, và thật không đáng sợ bởi trong thực tế không thấy ma phổ biến gây hại nào cho thế giới sống đang diễn biến này.
- Nếu ma là một sản phẩm biến hiện của tâm ô nhiễm, thì ma cũng không thực thể, và cũng tuân theo quy luật sinh-diệt. Khi tâm mê mờ sai lầm thì ma xuất hiện, khi tâm sáng suốt tỉnh giác thì ma biến mất. Đối với Phật giáo, ma trong trường hợp này là một chướng ngại đáng quan tâm, vì đây là một dạng tâm bệnh có thể gây ra ác nghiệp nguy hiểm trong suốt cuộc sống, tuy nhiên tâm bệnh này có thể dễ chữa khỏi bằng sự tỉnh ngộ của tâm khi được giáo dục đúng mực.
II. Phân loại ma.
Đã có nói về ma, sẽ có phân loại về các loại tâm ma như dưới đây.
1) Theo Kinh thừa(S: Sūtrayāna – Gồm: Duyên giác thừa, Đại thừa và Kim cương thừa), có bốn loại ma (tứ ma) bao gồm:
1/. Ma cấu hợp (S: Skandha-māra) đó là thứ ma tượng trưng cho Ngũ uẩn làm cơ sở cho khổ đau và cái chết trong cõi luân hồi, nên thường được gọi là "ma gánh chịu cái chết", tiếng Hán gọi là Ấm ma, Uẩn ma,  Ngũ chúng ma.
2/. Ma dục vọng (S: Kleśa-māra) là thứ ma dục vọng, ham muốn, thèm khát, khiến tạo ra những hành vi tiêu cực, là nghiệp xấu khổ đau trong cõi luân hồi, nên thường được gọi là "ma đưa đến cái chết", tiếng Hán gọi là Phiền não ma.
3/. Ma thần chết (S: Mṛtyu-māra) là thứ ma hủy hoại, là quy luật vô thường, nên thường được gọi là  "ma vô thường",  tiếng Hán gọi là Tử ma.
4/. Ma con trời (S: Devaputra-māra) là thứ ma làm cho ta đãng trí, phân tâm, xúi dục ta bám víu vào ảo giác bên ngoài làm cản trở sự tu học, nên thường được gọi là "ma bấn loạn", tiếng Hán gọi là Tha-hoá Tự-tại Thiên-tử ma, gọi tắt là Thiên ma Ba tuần 天魔波旬hay Thiên ma天魔(S: Deva-putra-māra) ở tầng trời thứ 6 (Tha hóa tự tại thiên) thuộc cõi Dục.
2) Theo Kim Cương thừa(S: Vajrayāna) tứ ma lại được định nghĩa khác hơn bao gồm :
          1/. Ma xiềng xích (tiếng Tây Tạng : thogs-bcas-kyi bdud) là thứ ma hung tợn bởi sân hận, thù ghét. Tiếng Hán gọi là Phiền não ma.
          2/. Ma thả lỏng (tiếng Tây tạng : thogs-med-kyi bdud) là thứ ma dục vọng và tư duy loạn động gây ra khổ đau. Tiếng Hán gọi là Tâm ma.
          3/. Ma khánh hỷ (tiếng Tây tạng : dga’-brod-kyi bdud) là thứ ma hân hoan, hỷ lạc, thỏa mãn với chính mình, xúi dục ta bám víu vào những "kết quả" và "kinh nghiệm" của thiền định đã thực hiện được, và cho đấy là cao siêu, rồi trở nên hãnh diện, không chịu cố gắng tu tập thêm. Tiếng Hán gọi là Thiện-căn ma.
          4/. Ma kiêu căng (tiếng Tây tạng : snyems-byed-kyi bdud) là thứ ma ngạo mạn, tự mãn, tự kiêu, tự đại. Đấy là bản chất căn bản bám víu vào cái "ta", cái "tôi", cái "ngã". Tiếng Hán gọi là Tam-muội ma.
          3) Theo kinh Hoa nghiêm sớ sao phân chia ma ra làm mười thứ gọi là Thập ma, trong số mười loại ma này thì nhiều thứ đã được liệt kê trên đây như [cách nói theo tiếng Tàu]:
1. Uẩn ma   2. Phiền não ma    3. Nghiệp ma (làcác nghiệp tiêu cực ngăn trở việc tu tập)    4. Tâm ma    5. Tử ma    6. Thiên ma    7. Thiện căn ma    8. Tam muội ma    9. Thiện trí thức ma  (là những kẻ thông hiểu được đạo lý, nhưng bỏn xẻn giữ riêng cho mình)    10. Bồ-đề Pháp-trí ma  (là những kẻ tuy đã phát lộ được trí tuệ, nhưng vẫn còn chấp trước không quán thấy được Chính đạo).
           4) Một số thuật ngữ về ma.
          - Ma cảnh 魔境:  Là cảnh do ma tạo ra để gạt và ngăn trở người tu hành.
          - Ma chướng魔障:  Là những chướng ngại cho sự tu tiến trí tuệ.
          - Ma duyên 魔緣(= Ác duyên): Là các nghịch cảnh, bất lợi hay độc hại.
          - Ma đàn 魔檀(S: Māra-dāna): Là tâm bố thí với mục đích cầu danh, cầu lợi. Ma đàn trái nghĩa với Phật đàn佛檀(S: Buddha-dāna)là  Bố thí Ba-la-mật.
          - Ma đạo 魔道(= Ma giới): Làcách lối ứng xử độc hại, bất lợi.    
- Ma lực 魔力:  Là động cơ xấu hay hung ác.
          - Ma ngoại 魔外: Là những kẻ phỉ báng, chê bai Đạo pháp.
          - Ma Phạm 魔梵(S: Māra hay Brahmā):  Là Ma Vương ở cõi Phạm Vương. Ma Phạm  còn gọi là Phạm Vương hay Phạm Thiên Vương (S: Mahabrahmā) là vị Chúa Tể của cõi Ta-bà, quyền lực của Ma Phạm chiếm vị thế cao nhất trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), tức cai quản và điều hành cả thế giới này. Tiếng Hán gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.
          - Ma thiền 魔禪(S: Māra-dhyāna;  E: Evil thoughts, wrong and harmful meditation):  Là phép thiền định tà mị, sai lầm đi ngược với Chánh đạo. 
- Ma thuật 魔術:  Là những hành vi mê tín, dị đoan, phản khoa học.
          - Ma sự  魔事:  Ý nghĩa của chữ này khá bao quát và rắc rối, nói chung thì đấy là những sự việc, những hành vi sai lầm, ngăn cản sự tu học Chánh Pháp như:
→  Chạy theo lục trần, danh lợi.
→  Chạy theo  những cám dỗ kích động người tu phá giới. 
→ Sự u mê, ngủ gục, hoặc trụ vào những cảnh hiện ra khi thiền, hoặc cảm thấy bấn loạn trong tâm thức, thấy cảnh dữ ... khiến người ngồi thiền bỏ thiền. 
→  Sự ham thích luận bàn thế sự, chiến tranh, tình yêu nam nữ, hoặc vướng vào phép bói toán, đoán số mệnh, ếm ma, trừ quỷ, hoặc xu nịnh bọn cư sĩ có nhiều của cải, cúng dường nhiều của những người đã xuất gia tu hành.
III. Bản chất thực của ma.
Nhìn vào cách phân loại và tên gọi của các loại ma nói trên, có thể thấy rằng ma không ở đâu xa, mà ở ngay nơi mỗi người chúng ta. Ma nằm sẵn và ngự trị chính trong sự vận hành của thân xác và tâm trí ta. Nói cách khác ma không nằm bên ngoài ta, không có ta thì cũng không có ma. Nói cách khác, ma chính là Tam độc Tham-Sân-Si. Nghĩa là từnơiSi (= Chấp ngã-Chấp pháp) mà dẫn đến Tham-Sân.
Đức Phật có đưa ra một thí dụ dễ hiểu. Khi bước ngang ngưỡng cửa lúc nhá nhem tối, ta thấy một con rắn. Ta hoảng hốt và giật lùi lại. Thế nhưng khi nhìn kỹ lại thì đấy chỉ là một cuộn dây thừng. Con rắn ở trong tâm ta, thì con ma cũng ở trong tâm ta là như vậy. Vì thế nếu trông thấy có con ma trong góc phòng thì nên bật đèn lên hay tiến đến gần "nó" để xem thực hư ra sao mà không nên thét lên một tiếng rồi cõng nó mà chạy.
 Khi ta ngủ mê, đôi khi ta "thấy ma", ta hét lên hoặc la ú ớ… Giật mình thức giấc, ta không thấy con ma nào cả. Khi ngủ, ta nhắm mắt, nằm trên giường và trong gian phòng tối om, làm gì ta có thế dùng mắt mà thấy được. Cái thấy ấy là do tâm thức của ta thấy, hình ảnh con ma hiện lên từ nơi tiềm thức của ta, sinh khởi từ những xúc cảm bấn loạn tiềm ẩn trong ta, từ những nghiệp sâu kín của ta, từ những ám ảnh bệnh hoạn của ta, từ những đam mê, tham dục của ta, từ những bám víu vào ảo giác, sân hận của ta … Đối với những người tu tập cao, nhất là các vị đại sư tu tập theo các phép thiền của Phật giáo Tây Tạng, thì ít khi họ chiêm bao, hoặc nếu có chiêm bao thì họ cũng chỉ "thấy" những phản ứng thấm đượm lòng từ bi, yêu thương, khoan dung và độ lương của họ trước những cảnh xảy ra trong giấc mơ, thế nhưng tuyệt nhiên họ không còn thấy ma hoăc những gì làm cho họ khiếp sợ nữa.
Trong quyển sách của đại sư Tây tạng  Kalou Rinpoché (1904-1989) có thuật lại câu chuyện về Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa, thế kỷ XI-XII) như sau:
 Mật-lặc-Nhật-ba ẩn cư trong một hang động trên Hy-mã Lạp-sơn. Một hôm, khi ông quay trở về hang thì bất ngờ bắt gặp một đàn ma rất hung tợn đang chờ đợi ông trong hang. Chúng nhe răng và trợn hai mắt to như hai cái đĩa, hò hét thật khiếp đảm, dậm chân làm rung chuyển cả mặt đất để dọa nạt ông. Mật-lặc Nhật-ba bèn chắp tay khấn nguyện vị thầy của mình là Lạt-ma Mã-nhĩ-ba và các vị Thần linh phù trợ hãy dùng thần lực để tiếp tay với ông, thế nhưng vẫn không thấy hiệu quả gì, đàn ma quỷ vẫn cứ tiếp tục hò hét và vung khí giới để dọa nạt. Ông đổi chiến lược, tỏ vẻ giận dữ, trợn mắt, vung tay và hăm dọa trở lại chúng. Thế nhưng chẳng những chúng không sợ mà còn chế nhạo lại ông:
 - Nhìn thấy mi múa may như thế, chúng ta thừa biết mi hoảng sợ lắm rồi. Mi mất hết trầm tĩnh và sự an bình rồi. Ha ! ha !
 Mật-lặc Nhật-ba liền tự nhủ :
 - Thầy ta là Mã-nhĩ-ba có dạy rằng những biểu hiện bên ngoài chỉ là những phóng ảnh của tâm thức, bản chất của tâm thức thật ra là trống không (= không thực) và trong sáng. Xem ma quỷ thuộc bên ngoài tâm thức để mà đánh đuổi chúng thì quả đấy chỉ là chuyện hão huyền, chúng là những ảo giác phát sinh từ bên trong tâm thức.
 Mật-lặc-Nhật-ba liền hiểu rằng ông không được phép để cho tâm thức bị ám ảnh bởi những biểu hiện bên ngoài ấy, mà phải giữ cho tâm thức vững vàng trước các đàn ma quỷ dù cho chúng hung tợn đến đâu cũng thế. Ông cũng quán nhận được rằng ma quỷ chỉ là những bám víu, và những tư duy nhị nguyên phát sinh từ trong tâm thức mình. Tức thời ông hết sợ, chấp nhận sự đối diện với ma quỷ, đồng thời phát lộ lòng từ bi vô biên với chúng. Ông thầm nghĩ: "Nếu chúng nó muốn ăn thịt ta, thì ta cứ hiến dâng cái thân xác cấu hợp này cho chúng ngấu nghiến hầu giúp chúng bớt cơn đói khát. Sự sống là tạm bợ, đây là một dịp tốt giúp ta sử dụng thân xác trống không (= không thực) này để làm một việc thiện". Thật bất ngờ, thái độ từ bi sâu xa và sự quán Không tínhvà Vô thường tính của Mật-lặc Nhật-ba đã làm nguôi cơn thịnh nộ của đám ma quỷ mà vừa mới đây còn đang hung hăng và dữ tợn. Tên cầm đầu liền nói với Mật-lặc Nhật-ba như sau:
 - "Chúng ta cứ ngỡ là mi khiếp sợ chúng ta, thế nhưng những ý nghĩ về ma quỷ chẳng hiển hiện được trong đầu mi, vậy mi chẳng có gì để sợ hãi cả".
 Dứt lời, tất cả đám ma quỷ đều biến mất.
 Như thế, khái niệm “Ma” đã ẩn nấp nơi tấm màn vô minh của tâm thức  trong  ta.  Những con ma mà chúng ta trông thấy trong góc phòng hay trong giấc mơ là những phóng tưởng của tâm thức.  Với ánh sáng của Tuệ giác, của Từ bi và Trí tuệ tỏa rộng thì sẽ không có bóng dáng của một con ma nào có thể hiển hiện ra trong gian phòng hay trong tâm của ta được. 
o0o
Mạn [X. Kết sử]
o0o
Mật.
Nội dung
I. Sơ dẫn về Mật.
II. Các trường phái Mật tông.
III. Nội dung tu Mật.
IV. Thực hành tu Mật.
I. Sơ dẫn về Mật.
Mật (;  S: Tantra;  E: Tantra) 
Mật tông (密宗;  S: Tantrayāna;  E: Esoteric Buddhism, Tantric Buddhism)
 Mật hay Mật tông là từ dùng để gọi pháp môn bắt nguồn từ Phật giáo Bắctruyền, được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 56 tại Ấn Độtừ sự tiếp cận với Bà-la-môn giáo.
Thời còn tại thế có thể thấy được đức Phật không khuyến khích các chú thuật, các phương thuật thần bí và thần quyền, v.v.
Trong Kinh Phạm Động số 21 thuộc Trường A Hàm quyển 14, đức Phật dạy:  “Như các Sa môn Bà-la-môn tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi; có thể chú nước lửa, hoặc các thứ ếm đảo, làm người khiếp sợ; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai; có thể phù chú làm cho con người hóa làm lừa, ngựa, hoặc khiến cho người điếc, đui, câm, ngọng; hoặc bùa chú an nhà cửa hay lửa cháy, chuột gặm; hoặc đọc sách đoán điềm giải mộng hay đoán việc sống chết; hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng … Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó”.
Trong kinh Đa Giới thuộc Trung A Hàm quyển 47 có ghi: “… hoặc có Sa môn trì một câu chú, hai câu chú, ba câu chú, bốn câu chú, nhiều câu chú, trăm nghìn câu chú để mong cho thoát khỏi khổ đau, nhưng chính như thế là đi tìm sự khổ, huân tập sự khổ, dẫn đến sự khổ mà lại cho là hết khổ, trường hợp này không thể xảy ra”.
Tuy nhiên, trong Luật tạng như Tứ Phần Luật quyển 27 và Thập Tụng Luật quyển 46 và một số luật khác của Bộ Phái Phật giáo có nêu việc đức Phật chọn dùng một số bài chú thích hợp khi gặp trường hợp ăn không tiêu, bị rắn độc cắn, đau răng hoặc đau bụng v.v… Còn trong kinh Đại Hội thứ 19 thuộc Trường A Hàm, đức Phật vì hàng phục chư thiên mà dùng một số bài chú, hoặc trong kinh Ưu-Ba-Tiên-Na số 252 thuộc Tạp A Hàm, đức Phật khi nghe Tôn giả Ưu-Ba-Tiên-Na bị rắn độc cắn, ngài liền dạy cho Tôn giả Xá Lợi Phất bài chú phòng hộ thân, không để rắn độc cắn [*]. Về sau, ngày càng có nhiều người ngoại đạo xuất gia đầu Phật, do họ từng quen sử dụng những câu chú, nhưng chỉ được phép sử dụng hạn chế khi bệnh tật mà thôi.
Nguồn gốc xuất phát của Mật chú là từ Bà-la-môn giáo, đến thời đức Phật thì ngài đã không để xuất hiện trong giáo lý Phật giáo, dù rằng trước khi thành đạo ngài cũng đã từng hiểu và sử dụng các Mật chú này.
---------
[*]“Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha”.
Nói chung, Mật tông đã phát triển khá hoàn chỉnh tại Ấn Độ trước khi truyền sang Tây Tạng.
- Thời kỳ Phật giáo Bộ phái (khoảng từ năm 370 tCN đến năm 150 CN), Pháp Tạng bộ tôn sùng ngài Mục Kiền Liên (P: Mahāmoggallāna) – vị đệ tử lớn thời đức Thích Ca, mệnh danh là “Đệ nhất thần thông”.
- Thời kỳ Phật giáo Đại Chúng bộ phát triển thì tư tưởng Mật đã dần có một hệ thống lý luận. Tuy nhiên do chưa có chế độ truyền thừa rõ ràng, nên thời kỳ này gọi là thời kỳ Tạp Mật, thời kỳ này kéo dài đến thế kỷ thứ 7.
- Từ thế kỷ 7, trường đại học Nālandā đã dần trở thành một cơ địa trọng yếu cho việc phát triển của Phật giáo Mật (= Mật giáo), như việc biên soạn Trì Minh Chú Tạng, là bộ điển tịch căn bản của Mật giáo, hình thành nên việc thiết trí đàn thành và lễ nghi. 
Nền tảng giáo lý của Mật tông cũng chính là các phần giáo pháp trong các kinh điển Phật giáo Bắc truyền.  Truyền thuyết ghi nhận có ít nhất 84 vị đạo sư Mật tông tại Ấn Độ được gọi là Chân sư Đại Thủ Ấn (S: Mahāmudrā), tuy mang đậm những nét huyền thuật, nhưng cũng đồng thời tỏa sáng tinh thần vị tha, bất vụ lợi và đức hy sinh cao cả.  Một số trong các vị chính là những người đã có công truyền bá Phật giáo sang Tây Tạng.
II.Các trường phái Mật tông.

1) Mật tông Trung Quốc: 
Mật tông du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7 và thịnh hành vào thế kỷ thứ 8 với sự xuất hiện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp: 
- Thiện Vô Uý (善無畏;  S: Śubhākārasiṃha: 637-735). 
- Kim Cương Trí (金剛智;  S: Vajrabodhi:  663-723).
- Bất Không Kim Cương (不空金剛;  S: Amoghavajra: 705-774).
Mật Tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần thoái trào và về sau này thì tưởng như suy vi hẳn. Thật ra, sau này do nhiều pháp sư lạm dụng sự huyền bí của Chân ngôn nên Mật tông dần co cụm lại và truyền thụ cho những người có duyên với pháp môn này. Vì thế, Mật tông đã được xem là giáo pháp mà người thầy truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết), và đó cũng chính là lí do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi.
2) Mật tông Nhật Bản: 
Mật tông du nhập vào Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9 bởi Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải (空海, ja. kūkai). Sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không. Sau khi về nước và lập ra trường phái Chân Ngôn tông (ja. shingon-shū) rất hưng thịnh và là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.
3) Mật tông Tây Tạng: 
Mật tông du nhập vào Tây Tạng muộn hơn Trung Quốc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 bởi Đại Sư Liên Hoa Sinh (蓮華生;  S: Padmasambhava), và tại đây Mật tông đã hòa nhập với Phật giáo Đại thừa sẵn có của Tây Tạng nên còn gọi là Kim Cương thừa (金剛乘;  S: Vajrayāna) hay Lạt Ma giáo.
Dòng truyền thừa vào Tây Tạng xuất phát từ trung tâm Phật học Vikramasila.
Dưới đây là các giai đoạn phát triển của Mật tông và cũng chính là các giai đoạn tiệm tiến tu hành của một hành giả Mật tông theo Phật giáo Tây tạng. 
1/. Tạp Mật.
+ Sự bộ :  Là dạng lấy ngoại cảnh (lễ nghi, ...) chính yếu để tu hành.
+ Hành bộ  (Thai Tạng thừa – S: Garbhayāna):  Là dạng lấy cả nội tâm và ngoại cảnh tu hành.
2/.Thuần Mật.
+ Du già bộ (Kim Cương thừa – S: Vajrayāna):  Là dạng lấy lấy nội tu Du-già làm chủ đạo. Xem việc quán tưởng nội tâm là quan trọng.
+ Vô thượng Du già bộ  (Thời Luân thừa – S: Kalachakrayāna):  Là dạng mật pháp cao cấp nhất của Mật tông, thể hiện sự thấu triệt sâu sắc các cấp bậc sinh khởi và cấp bậc tròn đầy của sự giác ngộ..
          Sự hình thành các tông phái Mật Tây Tạng diễn ra trong khoảng 400 năm do chính người Tây Tạng thành lập cho thích hợp với tinh thần và xã hội của họ mà yếu tố huyền thuật hay thần thông đã từng gắn bó lâu dài với người dân bản xứ. Có rất nhiều tông phái, nhưng đại để có những tông phái mà những vị tổ sư đã làm sáng danh Phật giáo Tây Tạng cho đến ngày nay, có 4 bộ phái chính đó là:1) Nyingmapa, 2) Kagyupa, 3) Sakyapa, 4) Gelupa.
1. Phái Nyingma (Ninh-mã phái – Wikipedia  -  mũ đỏ): 
Phái Nyingma được ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) khai sáng, là vị đem Phật giáo Mật tông từ Ấn Độ truyền sang Tây Tạng vào đầu thế kỷ thứ 7 sau CN.  Ngài cũng là tác giả của cuốn sách “Tử Thư”, và được coi là Tổ sư của Phật giáo Tây Tạng. Vì thế Phật giáo Tây Tạng không còn ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa nữa.
2. Phái Kagyu (Ca-nhĩ-cư phái – Wikipedia  -  mũ đỏ): 
Phái Kagyu được ngài Marpa Chokyi Lodoe khai sáng vào đầu thế kỷ thứ 10 sau CN và truyền dạy Đại Thủ Ấn.  Ngài Marpa đã truyền lại cho đại đệ tử là Milarepa (1040-1123) là bậc thánh giả và cũng là nhà thơ vĩ đại của Tây Tạng. Ông nổi tiếng với tác phẩm Thập Vạn Ca (100,000 bài ca).

Mahamudra- Wikipedia
Đại Thủ Ấn - Wikipediatiếng Việt
Tu tập về Ðại Thủ Ấn có hai phương pháp:
1) Theo 6 phép Du Già của Naropa.
2) Thiền Chỉ Quán (Shiné-lhaktong).
Phương pháp thứ nhất rất phức tạp và nguy hiểm, hoàn toàn thuộc Mật giáo, phương pháp thứ hai có nhiều điểm tương đồng với các pháp môn thiền quán Tứ Niệm Xứ của Thiên Thai, và Thiền tông Trung Hoa.  Đại Thủ Ấn được xem là bộ kinh cô đọng lại toàn vẹn tư tưởng của bộ kinh Hoa Nghiêm và bộ kinh Đại Bát Nhã, đặc biệt là bài Tâm Kinh Bát Nhã.
          3. Phái Sakya (Tát-ca phái – Wikipedia mũ đỏ):
          Phái Sakya được ngài Khon Konchok Gyelpo khai sáng vào đầu thế kỷ thứ 11 sau CN.  Phái Sakya có những nét gần gũi hơn với đời sống thế tục. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, Tây Tạng không có chính quyền trung ương nên các tăng sĩ của phái này đã nắm lấy chính quyền và truyền ngôi vị lại cho con cháu. Hiện nay họ vẫn còn tồn tại nhưng đã từ lâu không còn nắm quyền cai trị đất nước.
          4. Phái Gelug (Cách-lỗ phái – Wikipedia  -  mũ vàng):
Phái Gelug được ngài Je Tsongkhapa (Tông-khách-ba - 1357-1419) khai sáng vào đầu thế kỷ thứ 15 sau TL.  Đây là tông phái quan trọng nhất của Tây Tạng hiện nay.
Tông-khách-ba là nhà tư tưởng lớn, nhà cải cách của Phật giáo Tây Tạng, hoằng pháp nghiêng về đạo đức, giới luật và giảm nhẹ ảnh hưởng của pháp thuật, bằng cách nhấn mạnh vào giá trị tinh thần trong sáng của Phật giáo. Ngài là vị học giả luôn cố gắng tìm vị trí trung dung giữa những cực đoan, tránh sự thiên lệch và đưa lại sự hòa giải giữa hai phái mũ vàng và mũ đỏ. Trước khi mất, Ông di chúc lại cho hai đệ tử là Dalai Blama và Panchen Blama tức là Đạt-Lai Lạt-Ma(từ bi) và Ban thiền Lạt-Ma(trí tuệ). 
          4) Mật tông Việt Nam.
Mật tông đã được đưa vào Việt Nam từ rất lâu. Theo sử liệu, pháp sư Tinidaruci (Tì Ni Đa Lưu Chi) từ Ấn Độ sang Việt Nam năm 580. Sư trú trì chùa Pháp Vân, Hà Đông truyền dạy cả Thiền lẫn Mật. Đặc biệt, các thiền sư dòng Tì Ni Đa Lưu Chi thường có hình thức tu tập “Tổng Trì Tam Muội” (S: Dharani samadhi), một hình thức tu tập phổ biến của Mật giáo (E: Tantrism), dùng chân ngôn kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ tương ưng thân-khẩu-ý.
Năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình, đã phát hiện một cột kinh Phật bằng đá vào thế kỉ thứ 10. Cột kinh này do Đinh Liễn, con của Đinh Tiên Hoàng, dựng năm 973. Trên cột có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni (S: Uṣṇīṣa Vijaya Dhāraṇī), một thần chú phổ biến của Mật tông.  Năm 1964, phát hiện được cột kinh thứ hai.  Năm 1978, lại phát hiện thêm 14 cột kinh tương tự ở Hoa Lư.
Thiền Uyển Tập Anh cho chúng ta thấy rất nhiều thiền sư nổi tiếng hành trì Mật giáo, như thiền sư  Vạn Hạnh (?- 1025), Từ Đạo Hạnh (?-1117), Nguyễn Minh Không (1066-1141) ... Hiện tại Việt Nam có khá nhiều đạo tràng tu tập Thiền tông khế hợp với Mật tông như thiền sư Thích Nhẫn Tế, Thích Thiền TâmThích Viên Đức ... Những tự viện theo pháp tu Mật tông như chùa Tây Tạng (Bình Dương), Tịnh viện Hải Triều Âm (Đại Ninh)...
 
Các ni sư hành lễ theo pháp tu Mật tông Tây Tạng dòng truyền thừa Drukpa
ở tịnh thất Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phú.

III.Nội dung tu Mật.
          1) Kinh điển nền tảng của Mật tông.
Khoảng nửa cuối của thế kỷ thứ 7, trung tâm Nālandā và trung tâm Vikramasila là nơi đại diện cho các tự viện Phật giáo Ấn độ, và cũng là cơ sở thuận lợi cho việc phát triển của Mật giáo.  Hệ thống lý luận nơi các tác phẩm nổi tiếng của Mật giáo dần dần được hình thành, đó là kinh Đại Nhật (S: Mahāvairocanasūtra), tiếp theo đó là kinh Kim Cang Đảnh (S: Vajraśekharasūtra) xuất hiện.
1/.Kinh Đại Nhật (Đại Nhật kinh 大日經;  S: Mahāvairocana-sūtra - Đại Nhật kinh – Wikipedia):
Đại Nhật(大日) có nghĩa là mặt trời lớn hay ánh sáng vô lượng.  Kinh Đại Nhật theo truyền thuyết được cho là do đức Phật Đại Nhật hay còn gọi là đức Phật Tỳ-lô Gía-na giảng thuyết.
Kinh Đại Nhật chỉ cho tư tưởng khai ngộ lớn với trọng tâm là “Tức sự nhi chơn”, được cho là bắt nguồn từ tư tưởng “Lý Sự vô ngại – Sự Sự vô ngại” của kinh Hoa Nghiêm, đồng thời tham chiếu qua tư tưởng “ Phạm Ngã nhất trí ” của Ấn Độ giáo. Từ đó sản sinh ra giáo lý Tức thân thành Phậtcủa Mật tông.
Có nghiên cứu theo quan điểm Tam thân (Tam thân – Wikipedia tiếng Việt) cho rằng, trong kinh Đại Nhật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ứng thân) trở thành đức Phật Đại Tỳ-lô Gía-na (Pháp thân).
          2/.Kinh Kim Cang Đảnh:       
Kim Cang chỉ cho ánh sáng Phật pháp cứng chắc và bén nhọn và chiếu soi như kim cương, có thể chặt đứt mọi phiền não; và Kim Cang Đảnh là chỉ cho vị trí tối cao của bộ kinh.
Kinh Kim Cang Đảnh xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ 7, được dịch sư Bất Không (705-774) dịch ra Hán văn vào đời Đường, gồm 3 quyển. Từ nguồn gốc sâu xa của lịch sử, bộ kinh Kim Cang Đảnh là thuộc hệ phái Du già Hành (S: Yogācāra), tư tưởng trọng tâm của phái này là thuyết Tâm thức.
          Mật giáo đánh giá rất cao về pháp Du già, do vậy, theo thứ lớp tu hành của Mật giáo thì nội dung kinh Kim Cang Đảnh cao sâu hơn và toàn diện hơn kinh Đại Nhật. 
Hệ thống Mật giáo theo hai kinh trên được gọi chung là “Thuần mật”.
3/.KinhThời Luân Ngoài hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cang Đảnh khởi nguồn được nói ở trên, một loạt kinh điển của Mật giáo nối nhau ra đời, trong đó kinh Thời Luân (= Bánh xe thời gian) là bộ kinh khá quan trọng của Mật giáo, bởi lẽ kinh thừa kế giáo nghĩa của kinh Đại Nhật và kinh Kim Cang Đảnh.
Trên phương diện thời gian mà nói, kinh Thời Luân đến năm 1040 tức thế kỷ 11 mới ra đời, cho nên kinh này chỉ lưu hành ở Ấn độ với thời gian rất ngắn, chú sớ của bản kinh này cũng rất ít.
2) Giáo lý tam mật.
Thực hành tu theo Mật là  thực hành "Tam Mật Tương Ưng".
- Tam Mật:  Là Thân mật, Khẩu mật, Ý mật.
- Tương Ưng:  Là tương thông ứng hợp với nhau giống như chư Phật.
Như vậy là Tam Mật Tương Ưng là thực hành tu Thân-Khẩu-Ý giống như là chư Phật.  Đó là, nếu hành giả đạt đến mức Thân-Khẩu-Ý đều giống như chư Phật, thì ngay trong thân này, trong đời hiện tại này, có thể đạt được sự giải thoát rốt ráo, nghĩa là thành Phật. Giáo lý này còn được tóm gọn trong tám chữ: Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật.
Hành giả tu tập theo Tam Mật không xem trọng một công phu riêng lẻ nào, mà phải đồng thời tu tiến. Thành tựu pháp= Nghi quỹ (S: sādhana, tantra: luật tắc) là những chỉ dẫn trong thực hành tu tập Thân-Khẩu-Ý. 
Hành giả thực hành:
- Thân mậtTay giữ một  Ấn (; S: Mudrā) nhất định, gọi là phép bắt  Ấn.  
- Khẩu mậtMiệng đọc Chân ngôn(真言;  S: Mantra) có tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm, gọi là  phép niệm Chân ngôn.
- Ý mậtTâm quán tưởng Mạn-đà-la(曼陀羅;  S: Maṇḍala) chiêm nghiệm chân lý Duyên khởi nơi đối tượng cùng vạn sự vạn vật, gọi là phép quán Mạn-đà-la.
 Hành giả khi hành trì đạt đến chỗ “tam mật tương ưng”, nghĩa là tay bắt ấn quyết, miệng niệm chân ngôn, tâm quán tưởng chân lý Duyên khởi của các pháp, tự nhiên sẽ phát sinh uy lực diệu dụng, tùy theo sự phát tâm hành trì mà có thể đạt được sự như ý.
Giáo lý Tam mật không phải chỉ nhằm tạo ra những phép mầu linh diệu như nhiều người thường lầm tưởng. Khi một vị hành giả có công phu hành trì miên mật, vị ấy tự nhiên sẽ đạt được những uy lực nhất định, có thể thực hiện một số việc mà người khác không thể làm được, nhưng điều đó hoàn toàn không phải là kết quả nhắm đến của sự tu tập.
Khi hiểu đúng về giáo lý Tam mật của Mật tông là thấy được rằng đó chính là một sự kết hợp hài hòa, thúc đẩy người tu tập phải tinh tấn trong mọi mặt, và do đó có thể giúp hành giả nhanh chóng đạt đến cảnh giới giải thoát.
Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của Mật tông so với các tông phái khác. Bởi khi không có được những người kế thừa nắm vững và thực hành theo đúng những giáo lý này, Mật tông sẽ ngay lập tức bị biến dạng thành những hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với tinh thần chân chánh của đạo Phật, và vì thế mà nó dễ dàng nằm ngoài ngôi nhà Phật giáo.
3) Lễ Quán đảnh(灌頂;  S: Abhiṣeka).
Đó là nghi lễtruyền pháp, trong đó vị Đạo sư (S: Guru) trao cho đệ tử một pháp tu (S: Tantra) gọi là “Truyền lực”. Trong Vô thượng du-già (S: Anuttarayoga-tantra), người ta kể bốn cấp quán đỉnh từ dưới lên trên:
1. Quán đỉnh bình (S: kalābhiṣeka - bình ở đây là tịnh bình).
2. Quán đỉnh bí mật (S: guhyābhiṣeka)
3. Quán đỉnh trí huệ (S: prajñābhiṣeka)
4. Quán đỉnh thứ tư (S: caturthābhiṣeka).
[Tantra còn gọi là Đát-đặc-la 怛特羅, hay Thành tựu pháp, Nghi quỹ ].
Kinh sách Mật giáo thường nói rằng mọi thành tựu đều nhờ nương tựa vị thầy tâm linh, có nghĩa là người đủ tư cách truyền pháp (= quán đảnh), cho phép ta tu tập giáo pháp. Song, để xóa đi nghi vấn đặt nặng hình thức quán đảnh từ vị thầy, lạt ma Yeshe đã dạy:
Chúng ta phải hiểu rằng Guru có hai lớp nghĩa khác nhau. Vị Guru khách quan, tương đối là vị thầy truyền thông với chúng ta bằng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở lớp chủ quan hơn và sâu xa hơn, vị Guru chính là trí huệ nội tại của mình, sự trong sáng căn bản từ Chân tâm của chính mình. Trong thực tế vị thầy bên ngoài, tương đối chỉ có thể giúp chúng ta tới mức độ nào đó, chứ không thể bảo đảm chúng ta sẽ đạt trí huệ và thành tựu. Nhưng vị thầy nội tâm, tức trí huệ bổn nguyên, có khả năng thành tựu bất cứ mục tiêu nào.”
          4) Các pháp khí.
Pháp khíhay còn gọi là Phật khí, là dụng cụ trợ ích trong tu chứng Phật pháp,  giúp người tu hành thực hiện các nghi thức Phật giáo và sinh hoạt Phật pháp.
Phật giáo Tây Tạng sở hữu một lượng pháp khí phong phú, được làm từ nhiều vật liệu khác nhau, chủ yếu đúc bằng vàng, bạc, đồng, tạo hình sâu sắc, mỗi loại pháp khí mang một hàm nghĩa khác nhau. Về cơ bản pháp khí có thể chia làm sáu loại, là kính lễ, tán tụng, cúng dường, trì nghiêm, hộ thân, khuyến giáo.
- Kính lễ  –  Khata (kha-gtags):  Dâng lụa khata dể thể hiện lòng tôn kính với chư Phật.
- Cúng dường  –  Đèn nến: dùng của cải và vật chất và tấm lòng thanh tịnh dể cúng dường chư Phật.
- Tán tụng  –  Sáo xương:  Dùng âm thanh dể mời gọi chư tôn, thức tỉnh chúng sinh.
- Hộ thân –  Hạt ô:   Mang theo Phật, Bồ Tát bên mình để hộ thân.
- Khuyến giáo– Đá mani:  Dùng chân ngôn của chư Phật để khuyến giáo chúng sinh cầu phúc cho chúng sinh.
- Trì Nghiệm –  Bình Quán Đỉnh: dụng cụ dùng trong tu trì, tạo phúc, trấn tà ma.
IV.Thực hành tu Mật.
          1) Tu tập thân mật.
Đó là là luôn giữ gìn thân nghiệp thanh tịnh. Việc đi, đứng, nằm, ngồi đều nghiêm trang đúng pháp, và quan trọng nhất khi hành trì phải bắt ấn quyết  đúng pháp. Có các dạng Ấn sau:
1/.Khế ấn:  Là những tư thế khác nhau như cầm ngọc, tọa thiền... Đặc biệt trong các tông phái như Thiên Thai tôngKim Cương thừa, các ấn này thường đi đôi với Chân ngôn.
  
          2/.Thủ ấn:   Là các ấn nơi tay, đều tương ứng với các ý nghĩa đặc biệt. Các thủ ấn thường thấy nhất:

1. Chuyển pháp luân ấn (S: Dharmacakrapravartana-mudrā;  E: Dharma-Wheel Mudra):  Hoằng pháp độ sinh.
2. Thiền địnhấn  (S: Dhyāni-mudrā;  E: Dhyana Meditation Mudra):  Giác ngộ chân lý vũ tru.
          3. Trí quyền ấn (S: Vitarka-mudrā;  E: Vitarka Mudra)còn gọi là Giáo hóa ấn, Biện minh ấn:  Tư duy luận biện trong giải quyết các sự việc.
          4. Thí vô úy ấn (S: Abhaya-mudrā;  E: Abhaya Mudra):  Dũng cảm trước các nghịch cảnh.
          5. Xúc địa ấn (S: Bhūmisparśa-mudrā;  E: Bhumisparsha Mudra):  Hành các hạnh Ba-la-mật đối với thế gian.
          6. Thí nguyện ấn (S: Varada-mudrā;  E: Varada Mudra):  Ước nguyện giải thoát nhân loại.

3 tượng Phật Thích Ca với 3 thủ ấn
Xúc địa – Thiền định – Chuyển pháp luân
          5) Tu tập khẩu mật.
Đó là luôn giữ gìn khẩu nghiệpthanh tịnh. Chỉ nói những lời đúng pháp, và khi hành trì thì phải trì tụng Chân ngôn.
Chân ngôn  hoặc  Chân âm (;  S:  Mantra với man nghĩa là tâm và tra nghĩa là công cụ), phiên âm sang tiếng Hán là Mạn-đát-la (曼怛羅), các cách dịch ý khác là  Chú (),  Minh (),  Thần-chú (神咒),  Mật-ngôn (密言),  Mật-ngữ(密語),Mật hiệu (密號),  có nghĩa là lời của lẽ thật, là biểu hiện của lẽ thật, của chân lý, là công cụ của tâm.
Chân ngôn có thể là một âm tiết, một chữ hoặc câu kệ chứa đựng năng lực đưa đến kết quả siêu nhiên hay thế tục. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, Chân ngôn được giải thích là những năng lực bí mật của vũ trụ tiết lộ cho các hành giả Thấu thị (S: ṛṣi) trong lúc thiền định.
Mật tông cho rằng Chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó làm phương tiện trợ giúp tâm thức hành giảtu tập. Hành giả có thể tập trung tâm ý một cách có ý thức nơi một âm tiết để phát triển nội quán và xem đó là đối tượng của thiền quán đưa đến tỉnh giác.
Chân ngôn có tác dụng kỳ diệu không phải vì tính chất thần bí của tự thân, mà vì sức cảm nghiệm của tâm thức. Chân ngôn chỉ là công cụ để gom kết những nguồn năng lực sẵn có. Giống như một thấu kính hội tụ, mặc dù bản thân thấu kính không chứa đựng một chút ánh sáng nào cả, thế mà nó có thể gom kết những tia sáng và chuyển hóa những tia sáng dàn trải lan man đó trở thành một điểm sáng cháy bỏng (Govinda 1970, 28).
Phân biệt giữa MantraDhāraṇī(Đà-la-ni 總持, dịch là “Tổng trì”: như Chú Đại Bi) là khó rạch ròi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một nhận xét như sau :
- Có thể nói rằng tất cả mọi Mantra đều là Dhāraṇī, nhưng không phải tất cả Dhāraṇī đều là Mantra.
- Mantra thường có khuynh hướng ngắn hơn Dhāraṇī.
- Cả hai Dhāraṇī và Mantra đều chứa một số phần có âm không thể hiểu như Om, hay Hūm, mà có lẽ đó là lý do khiến một số người xem chúng về cơ bản là vô nghĩa.
- Mantra dùng riêng cho các nghi thức Phật giáo có tính chất bí mật trong khi Dhāranī được thấy dùng trong cả hai nghi thức mật và hiển (công khai).
- Dhāranī cũng được xem như để bảo vệ những ai tụng đọc, tránh khỏi các ảnh hưởng ác độc và các tai họa.
Một số Chân ngôn trong hành lễ:
- Tịnh tam nghiệp chân ngôn:
Án, sa phạ, bà phạ truật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạt truật độ hám”.
- Cúng dường chân ngôn:
Án, nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật la hộc”.
- Diệt nghiệp chướng chân ngôn:
Án, a lổ lặc kế, ta bà ha”.
                    - Diệt định nghiệp chân ngôn:
Án, bát ra mạt lân đà nảnh, ta bà ha”.
- Khai yết hầu chân ngôn:
Án, bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát đa nga đa da”.
- Biến thực chân ngôn:
Nam mô tát phạ đát tha, nga đa phạt lồ chỉ đế.
 Án tam bạt ra, tam bạt ra hồng”.
                    - Cam lồ thủy chân ngôn:
          “ Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha.
           Án, tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha”.
Trong lúc niệm Chân ngôn, hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Chân ngôn này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó.
- Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh.
- Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó.
Chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā có ghi:  Lúc đọc Chân ngôn, Đừng quá gấp rút, Đừng quá chậm rãi, Đọc đừng quá to tiếng, Đừng quá thì thầm, Không phải lúc nói năng, Không để bị loạn động.
Ngày nay, Chân ngôn có thể phần nào được cảm nghiệm qua các âm thanh liệu pháp và âm nhạc liệu pháp (E: sound therapy,  music therapy) của y học dưới dạng năng lượng thính giác (E: hearing energy).
          3) Tu tập ý mật.
Đó là luôn giữ gìn ý nghiệpthanh tịnh. Tâm ý khi hành trì thì quán tưởng Vô sinh(無生;  S: Anutpatti or Anutpanna;  E: Unborn) của các pháp. [Xin xem mục từ Vô sinh].
Để tu tập ý mật, hành giả phải thường xuyên rèn luyện tâm ý, lắng yên mọi vọng niệm, thường an trụ trong sự nhất tâm quán tưởng Vô sinh.  Khi hành trì thì để hết tâm ý quán tưởng lý Duyên khởi-Vô sinh, thấu triệt rằng tất cả các pháp từ xưa đến nay vốn chưa từng tự sinh ra, cũng chưa từng bị diệt mất, vốn chưa từng ai sinh ra, cũng chưa từng ai diệt mất. Hết thảy đều chỉ là những biến hiện tươngtụcmà thôi.  Tu tập ý mật thường được dựa vào phương tiệnMạn-đà-la (曼陀羅;  S:Maṇḍala).
    
Mạn-đà-la cổ đại của Bà-la-môn giáo (trái)
Mạn-đà-la hiện đại của Computer (phải)
Theo các nghiên cứu, các đồ hình Mạn-đà-la có thể đã phát  nguồn từ đạo Bà-la-môn được dùng trong các buổi lễ.  Đặc trưng vũ trụ của Mạn-đà-la được cho rằng có nguồn gốc từ trong các bài thánh kệ, qua đó, các âm thanh thiêng liêng được chuyển tải theo các dạng thức di truyền của các chúng sinh và sự vật.  Từ Mạn-đà-la tự nó đã mang gốc "manda" có nghĩa là tinh túy với tiếp vĩ ngữ "la" có nghĩa là chứa đựng. Do vậy, Mạn-đà-la, có ý nghĩa chung là một "vật chứa sự cốt lõi".  Nói chung, từ vựng này dùng để chỉ các đồ hình có mang đặc tính tượng trưng vũ trụ hay của tiểu bản thể con người.
Theo giải thích của tự viện Namgyal (tự viện riêng  của đức Đạt-lai Lạt-ma tại Dharamsala Ấn Độ) có đến hàng ngàn các truyền thống Mandala, rất nhiều truyền thống đã bị mất mát hoàn toàn.  Các loại Mạn-đà-la khác nhau được thiết lập tùy theo mục đích và thực hành.  Một Mandala thường được tạo nên nhằm để hỗ trợ cho việc tuthiền. Mỗi khiá cạnh của Mandala đều có ý nghĩa, không có chi tiết nào thừa hay tùy ý đặt ra.
Mật tông ngày nayđã thiết lập hai loại Mạn-đà-la có nguồn gốc xuất phát từ tư tưởng của bộ kinhlà Đại Nhật và Kim Cương Đảnh.  Thai Tạng giới là hiện tượng, là phương tiện – Kim Cương giới là bản chất, là tuệ giác. Trong Bí tạng ký có viết: " Thai TạngKim Cươngtrí ".
- Theo ý nghĩa tôn giáo  thì Mạn-đà-la là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện ...
- Theo ý nghĩa triết lý  thì Mạn-đà-la là một mô hình thu nhỏ, biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ,
1/.Thai Tạng giới Mạn-đà-la  (S:Garbhadhatu Maṇḍala: Hiện tượng)  dùngchỉ tới các yếu tố thụ động, mô tả vũ trụ về mặt tĩnh, mặt lý tính, như thai mẹ chứa đựng con và từ lý tính thai tạng mà sinh công đức, biểu hiện đại bi tâmcủa một vị Phật,là phương tiện của sự tu chứngvà cũng làphương tiện độ sinh. Trong Thai tạng giới Mạn-đà-la, đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-đà-la, biểu thị tử cung (= Thai tạng) của thế giới.  Ngũ phương Phật của Thai tạng giới Mạn-đà-lađược trình bày như sau:

Thai tạng giới Mạn-đà-la
 
2/.Kim Cương giới Mạn-đà-la (S: Vajradhatu Maṇḍala: Bản chất) dùngchỉ tới các yếu tố chủ động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, tuệ giác sở chứngcủa một vị Phật. Ngũ phương Phật còn gọi là Ngũ Trí Như Lai, là trọng tâm của Mạn-đà-la này. 
  
Kim Cương giới Mạn-đà-la
 
Theo Mật tông, tuệ giác (= trí) được phân thành 5 loại.  Đó là quá trình tu học chuyển hóa 5 uẩn thành 5 trí.  Mỗi loại trí được biểu trưng bằng một vị Phật.
Ngũ phương Phật tượng trưng cho Ngũ Trí chuyển hóa từ Ngũ Uẩn không còn bị chấp thủ trong một bản ngã, và gọi là Ngũ Trí Như Lai .  Trong Mật tông, Ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ pháp với nhiều ý nghĩa thâm diệu. Đó là sự phối hợp giữa:
-Ngũ Phương:  Đó là Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm.
-Ngũ Bộ:  Đó là Bảo bộ, Liên Hoa bộ, Kim Cang bộ, Nghiệp bộ, Phật bộ.
-Ngũ Sắc (Hành):  Đó là xanh (lam), đỏ, vàng, trắng, đen (lục).  Mật tông khi truyền sang Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng Ngũ Hành trong Dịch học.
Ở Trung tâm, là Tì Lô Giá Na Phật tượng trưng Sắc uẩn và cũng là Pháp giới thể tính trí.
Ở phương Nam là Bảo Sinh Phật, tượng trưng Thọ uẩn đã chuyển thành Bình đẳng tính trí.
 Ở phương Tây là A Di Đà Phật, tượng trưng Tưởng uẩn đã chuyển thành Diệu quan sát trí.
Ở phương Bắc là Bất Không Thành Tựu Phật, tượng trưng Hành uẩn đã chuyển thành Thành sở tác trí.
Ở phương Đông là Bất Động Phật hay A Súc Bệ Phật, tượng trưng Thức uẩn đã chuyển thành Đại viên cảnh trí.

4 - 2 - 1 - 3 - 5
              Uẩn                   Tuệ giác (trí)          Phương         Phật chủ
          1.  Thức uẩn              - Đại viên cảnh trí       - Đông              - A Súc Phật (4)
            2.  Hành uẩn              - Thành sở tác trí        - Bắc                 - Thành Tựu Phật (5)
            3.  Tưởng uẩn                        - Diệu quan sát trí       - Tây                 - A Di Đà Phật (3)
            4.  Thọ uẩn                - Bình đẳng tánh trí    - Nam               - Bảo Sanh Phật (2)
            5.  Sắc uẩn                 - Pháp giới trí              - Trung tâm      - Tỳ Lô Giá Na Phật (1)
 
Phần lớn các Mạn-đà-la Phật giáo được vẽ, in hoặc thêu những mẫu hoa văn kỷ hà. Những loại Mạn-đà-la lớn thường gặp là Mạn-đà-la làm bằng cátmàu. Ngoài ra, ở Tây Tạng còn có các Mạn-đà-la ba chiều giống như cung điện. Mạn-đà-la lớn nhất trên thế giới hiện nay là những khoảng sân đồng tâm của các đền tháp (S: stūpa) ở Boroburdur, Java, Indonesia, có niên đại thế kỷ 8.

Mạn-đà-la cát
Mạn-đà-la không phải chỉ mang tính hình tượng hóa của một phương tiện tu học thiện xảo, mà còn là một nghệ thuật có một không hai. Nghệ thuật này đòi hỏi công phu kết hợp làm việc cùng nhau của một nhóm người thật sự tập trung tinh thần trong một thời gian nhiều ngày, sử dụng các công cụ thô sơ đặc trưng.
 

Mạn-đà-la ba chiều
 
 
 Bình đồ Borobudur

 Boroburdur, Java, Indonesia, thế kỷ 8, có dạng Mạn-đà-la
Trong trường hợp Mạn-đà-la cát, thì cát thường được tạo ra từ việc nghiền các viên đá quý và được xem như là vật liệu có hiệu lực nhất bởi vì có các chất liệu quý đòi hỏi kĩ năng rất khéo léo để tạo nên các Mạn-đà-la có các chi tiết tuyệt hảo.  Do mỗi hạt cát được nạp bởi các phúc lành của tiến trình lễ nên toàn thể Mạn-đà-la cát biểu hiện một kho chứa khổng lồ của năng lực tinh thần.  Những Mạn-đà-la này được tạo ra trong nhiều tuần lễ và sau đó lại được quét bỏ đi để nói lên tính Vô thường của hiện hữu.
o0o
Mộng.
Nội dung
I. Cơ sở khoa học về thức và ngủ.
II. Mộng thức và Mộng ngủ.
III. Quan điểm mộng ngủ theo các tôn giáo hữu thần.
IV. Quan điểm mộng theo tôn giáo vô thần Phật giáo.
I. Cơ sở khoa học về thức và ngủ.
1) Khái niệm về thức và ngủ.
          -  Thức:  Thức thường được xem là thể hiện sự họat động của cơ thể với ý thức, là những thấy biết mang tính trực tiếp từ môi trường bên ngoài.
- Ngủ:  Ngủ thường được xem là thể hiện sự nghỉ ngơi của cơ thể, lúc đó cơ thể rất ít họat động, mắt nhắm. Họat động của não, đặc biệt là đại não (= võ não;  E: cerebral-cortex, neocortex) chậm lại, lượng máu lên não ít đi.  Ý thức bấy giờ là những thấy biết biểu tượng mang tính gián tiếp xuất phát từ tình trạng sinh lý hay tâm lý đang tồn tại của từng con người.

Cấu trúc của não
1) Reptillian brain (Cerebellum + Brain Stem)    =  Tiểu Não + Thân Não.
2) Mammal brain  (Limbic System)                       =  Hệ Thống Bán Tín
3) Human brain (Neocortex, Cerebrum)             =  Đại não, Vỏ não

Các dạng sóng não
Đặc trưng về các loại sóng não cho các trạng thái thức (nhanh) và trạng thái ngủ (chậm) như sau :
          1.Trạng thái thức:
- Gamma:      > 30Hz         :   Nhận thức cao siêu với vô thức.
- Beta :   (14 -:- 30) Hz      :   Có ý thức (= tỉnh táo bình thường).
2.Trạng thái giữa ngủ và thức:
- Alpha:  (7 -:- 14) Hz        :   Thư giãn thân tâm.  Thiền định nông.
3.Trạng thái ngủ:
                    - Theta:   (4 -:- 7) Hz         :  Ngủ chập chờn với tiềm thức (= có ý thức rất ngắn và rời rạc), giấc ngủ REM có mộng.  Thiền định sâu.
                    - Delta :  (0,5 -:- 4) Hz       :  Ngủ sâu với vô thức (= mất nhận thức về cơ thể), giấc ngủ Non-REM không có mộng.
          Sự kiện thức và ngủ còn được giải thích là trong não có nhóm tế bào thần kinh SCN (E: suprachiasmatic nucleus) điều khiển nhịp độ của thức và ngủ qua việc tiết ra hợp chất melatonin của tuyến tùng (E: pineal gland).
2) Thức và ngủ bình thường :   Thông thường, thời gian sống của từng con người có khoảng 2/3 dành cho thức và 1/3 dành cho ngủ.
          1/.Giấc ngủ:  Hay còn gọi là chu kỳ ngủ, là khoảng thời gian thể hiện 5 giai đọan ngủ như sau :

Deepest Sleep  =>  Mental Relaxation + Physical Repair
REM 1 # 5min  –   REM 2 # 10min  –  REM 3 # 15min  –  REM 4 # 30-:-60min
(The Natural Sleep Process)
Quá trình của giấc ngủ tự nhiên
Ở mỗi giai đoạn ngủ, trạng thái của não và cơ thể sẽ khác nhau. Điều này cũng lý giải vì sao ngủ sớm không phải là điều kiện giúp ta có một tinh thần tỉnh táo, điều quan trọng hơn là bạn phải thức dậy đúng lúc. Hiểu rõ và điều chỉnh được chu kỳ của giấc ngủ là bí quyết giúp ta có một giấc ngủ ngon lành và thức dậy sảng khoái dù đi ngủ ở bất cứ thời điểm nào.
Giai đoạn 1 - Ru ngủ.
Giai đoạn này chiếm khoản 5% tổng thời gian ngủ, tính từ thời điểm nhắm mắt bắt đầu ngủ. Ở giai đoạn này, cơ thể dần chuyển sang trạng thái ngủ nông và có thể dễ dàng bị đánh thức. Khi bị đánh thức ở giai đoạn này, ta thường nhớ những hình ảnh không rõ ràng, một số người có thể bị co giật đột ngột, cảm giác giống đang rơi trước đó. Hiện tượng co giật này được gọi là Hypnic myoclonia, nó tương tự như khi ta đang tập trung suy nghĩ thì người khác vỗ vào vai khiến bạn giật mình. Trong giai đoạn này sóng não Alpha xuất hiện.
Giai đoạn 2 - Ngủ nông.
Giai đoạn này chiếm khoản 45% tổng thời gian ngủ. Lúc này, mắt ngừng chuyển động và hoạt động của não trở nên chậm hơn. Thi thoảng trong não xảy ra những đợt sóng nhanh được gọi là Sleep spindle hệ miễn dịch hoạt động mạnh để điều chỉnh những thiếu mất từ hoạt động lúc thức, tuyến nội tiết tiết ra hormone tăng trưởng, máu đưa tới cơ bắp nhiều hơn giúp phục hồi. Các đợt sóng này thưa dần khi chuyển tiếp sang giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn này sóng não Theta xuất hiện.
Giai đoạn 3 - Ngủ sâu.
Bạn chỉ ngủ sâu khoảng dưới 10% tổng thời gian ngủ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ rất sâu. Ở giai đoạn này sóng não hoạt động rất chậm, thi thoảng xen kẽ với các đợt sóng nhanh. Nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều giảm, hệ thống xương khớp, cơ cũng giãn ra và chùng xuống. Trong giai đoạn này sóng não Delta bắt đầu xuất hiện.
Giai đoạn 4 - Ngủ rất sâu.
Giai đoạn này chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Đây là giai đoạn quan trọng bởi cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều giảm xuống mức thấp nhất. Các cơ tay, chân bất động, cơ mắt hoàn toàn không chuyển động.  Lúc này, các sóng não hầu hết là sóng não Delta
Nếu bị đánh thức ở giai đoạn này, ta thường cảm thấy choạng vạng, bơ vơ, mất phương hướng. Phải mất một vài phút sau đó não bộ mới có thể hoạt động trở lại bình thường.
Giai đoạn 5 - Ngủ mơ.
Giai đoạn ngủ mơ còn được gọi là REM (E: rapid eye movement), chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Lúc này cơ thể gần như hòan tòan bất động, kích thích tố adrenaline tăng, nhiệt độ cơ thể tăng, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh không đều. Đây là giai đọan phục hồi mạnh nhất của giấc ngủ cho lý trí và cảm xúc, và cũng là nguy cơ tử vong cho người bị bệnh tim mạch. Nhãn cầu chuyển động nhanh qua lại, trong khi cơ tay chân tạm thời không hoạt động. Những giấc mơ thường xuất hiện trong giai đoạn này. Lúc này, họat động não tăng, sóng não # Alpha.
Nếu thức dậy ở giai đoạn REM, ta có thể nhớ lại những giấc mơ, những câu chuyện dường như vô lý xảy ra trong não bộ... Cuối giai đoạn REM, cơ thể thường thức giấc tạm thời vài phút sau đó lại nhanh chóng lặp lại chu kỳ giấc ngủ cho tới sáng.
Thông thường, một chu kỳ giấc ngủ kéo dài 90 đến 110 phút. Trong những chu kỳ đầu tiên, thời gian của giai đoạn ngủ mơ tương đối ngắn, trong khi giai đoạn ngủ sâu và ngủ rất sâu dài hơn. Càng gần về sáng, thời gian cho giai đoạn ngủ sâu và rất sâu giảm dần và được thế chỗ bởi giai đoạn ngủ mơ.
Gần sáng, chu kỳ giấc ngủ chủ yếu bao gồm giai đoạn ru ngủ, ngủ nông và ngủ mơ. Nếu thời gian ngủ mỗi đêm của bạn là 8 giờ thì giai đoạn ru ngủ và ngủ nông chiếm khoảng 4 giờ, giai đoạn ngủ sâu và ngủ rất sâu chiếm khoảng 2 giờ và giai đoạn ngủ mơ chiếm khoảng 2 giờ. Sự phân chia này có sự thay đổi theo độ tuổi, đặc điểm sinh lý của mỗi người. Thông thường, chu kỳ giấc ngủ của người lớn ngắn và lặp lại nhiều lần hơn trẻ em. Đó là lí do người lớn thường hay bị thức giấc lúc nửa đêm.
·       Giai đọan 1,2,3,4 được gọi là giấc ngủ chính thống, có mắt chuyển động chậm  Non-REM  và giai đọan 5 được gọi là giấc ngủ nghịch lý (E: paradoxic sleep) có mắt chuyển động nhanh  REM.
·       Mỗi đêm chúng ta có đến 4-:-5 chu kỳ ngủ. Chu kỳ đầu có giấc ngủ chính thống dài # 85% và giấc ngủ nghịch lý ngắn # 15%,  chu kỳ sau cùng thì giấc ngủ chính thống giảm # 80% và giấc ngủ nghịch lý tăng # 20%. Giấc ngủ REM của trẻ sơ sinh dài hơn người lớn.
Thời gian của 5 chu kỳ của REM:
REM 1 # 5min  –   REM 2 # 10min  –  REM 3 # 15min  –  REM 4 # 30-:-60min
·       Mỗi ngày chúng ta ngủ một lần gọi là giấc ngủ đơn kỳ thường thấy ở người lớn,và ngủ nhiều lần gọi là giấc ngủ đa kỳ thường thấy ở trẻ nhỏ và người lớn tùy tuổi, tùy lao động sinh họat. Thời lượng ngủ của trẻ nhỏ # 12-:-14 giờ/ngày, của người lớn # 6-:-8 giờ/ngày và người nữ có xu hướng ngủ nhiều hơn người nam khoảng 1 giờ/ngày.
·       Chiêm bao còn gọi là giấc mơ, giấc mộng, là những thấy biết trong giấc ngủ, có nơi phân biệt:  Nếu xảy ra trong 4 giai đoạn 1,2,3,4  của giấc ngủ và gọi là  ,  và  giai đoạn 5 gọi là  mộng(= mộng ngủ).
·       Giấc ngủ được cho là có chất lượng tốtkhi có đầy đủ  Non-REM(giai đoạn 1,2,3,4  và REM(giai đoạn 5),ít thức dậy ban đêm, ít buồn ngủ ban ngày (hay ngược lại : cho người làm việc ca tối), và sau khi ngủ cảm thấy sảng khoái.  Ngược lại, giấc ngủ được cho là có chất lượng xấu.
Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong tác phẩm Nam Hoa Kinh, chương Đại Tông Sư, đã đưa ra lời khuyên giúp thân tâm an lạc:  “Bậc chân nhân ngày xưa,ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu * 古之真人,其寢不夢,其覺不憂,其食不甘,其息深深。* Cổ chi chân nhân, kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác bất ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức thâm thâm.”
Riêng “Ngủ không mộng mị” cho đến nay vẫn là một tiêu chí cho biết người đó có sống khỏe hay không. Rõ ràng là muốn sống khỏe con người cần ngủ không mộng mị, tức có giấc ngủ đủ, sâu – tức có đủ Non-REM và REM, vì đó là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Nếu ngủ đủ và sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết. Ngủ không sâu sẽ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng.
Có thể nói lý do chủ yếu đưa đến rối loạn giấc ngủ chính là sức khỏe tinh thần của con người bị xâm hại, con người thường xuyên bị rối loạn tâm lý. Người cứ luôn tức giận, buồn rầu, ganh tị, lo lắng quá mức về đời sống, thế nào cũng có lúc bị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là bị mất ngủ. Vì vậy, không chỉ có thuốc (thường gây tác dụng phụ có hại) mà chính những hoạt động thư giãn thể chất và buông xả tinh thần, những biện pháp “dưỡng sinh” trong mọi động tác sống của con người mới giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả các rối loạn giấc ngủ.
2/.Mất ngủ : 
- Biểu hiện :  Mất ngủ không biểu hiện bằng thời lượng ngủ mà bằng các biểu hiện sau.
·       Khó ngủ :  Trên 30 phút đặt mình trên giường mà chưa ngủ được.
·       Thức giấc nhiều lần giữa đêm hoặc không ngủ được cả đêm.
·       Thức dậy quá sớm mà không ngủ lại được.
Mất ngủ có thể do rối loạn giấc ngủ Non-REM và thường không đạt được giấc ngủ REM.
-Phân loại :  Mất ngủ được phân làm 3 loại sau.
·       Mất ngủ ngắn hạn : kéo dài trong khỏang 3 ngày do lạ chỗ, khác múi giờ, mất việc, mất người thân…
·       Mất ngủ tạm thời : kéo dài trong khoảng 3 tuần do stress, phiền muộn.
·       Mất ngủ kinh niên : kéo dài trên 3 tuần do các rối loạn về thể chất hay tâm thần sau:
1. Do bệnh tật :
+ Hệ vận động :  Các chứng đau nhức xương khớp, hội chứng chân không yên khi ngủ.
     + Hệ tim mạch :  Huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, suy tim…
+ Hệ hô hấp :  Giãn phế quản, ho, hen suyễn, ngừng thở khi ngủ…
+ Hệ tiêu hóa :  Viêm đại tràng, đau dạ dày, suy tụy, rối loạn tiêu hóa trào ngược dạ dày- thực quản …
+ Hệ tiết niệu :  Sỏi tiết niệu (thận, bàng quang), u xơ.
+ Hệ nội tiết :  Suy giảm hormone, đái tháo đường, cường giáp …
      2. Do ảnh hưởng môi trường :  Thời tiết (nóng, lạnh), tiếng ồn.
                3. Do ăn uống không điều độ :  Ăn quá no, uống nhiều nước trước khi ngủ, dùng nhiều café hay thuốc lá.
                4. Do rối loạn tâm lý :  Tức giận, buồn rầu, ganh tị, lo lắng quá mức về đời sống hay bệnh tật, stress kéo dài, tâm thần phân liệt.
          Mất ngủ kinh niên dễ đưa tới các rối loạn nguy hiểm về tâm thần lẫn thể xác như làm tăng cân, nguy cơ tiểu đường, tim mạch, mệt mỏi, chán nản, dễ gây ra tai nạn vì thiếu tập trung …

Ngưỡng thời gian cần thiết của giấc ngủ ở các lứa tuổi để tốt cho sức khỏe
- Điều trị : Điều trị theo các nguyên nhân kể trên, ngoài ra cần có những vận động thư giãn thể xác và xả ly tinh thần, cần có những dưỡng sinh trong mọi động tác sống của con người.
Hiện nay, người ta thường dùng hóa dược như diazepam (biệtdược là Seduxen, Valium) thuộc nhóm benzodiazepineđể trị mất ngủ. Thuốc an thần nhóm benzodiazepine trị mất ngủ có thể gây ra các tác dụng phụ có hại như: lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi… Nhưng nguy hại nhất là gây nghiện cũng giống như ma túy.  Cần đặc biệt lưu ý, thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua dùng vì dùng sai sẽ bị nghiện rất nguy hiểm.
Riêng ở Mỹ và Cục quản lý Thực Dược phẩm (FDA) Hoa kỳ chỉ chấp thuận năm loại thuốc cũng thuộc nhóm benzodiazepine dùng trong điều trị mất ngủ : flurazepam (Dalmane), estazolam (Prosom, Nucfalon), temazepam (Normison, Restoril), triazolam (Halcion), quazepam (Doral).
Ngoài ra, còn có thuốc mới như zolpidem (Stilnox), zaleplon (Sonata), zopiclone (Imovane), buspirone (Buspa) …  Người mới bị mất ngủ có thể dùng thuốc thảo dược theo kinh nghiệm dân gian có tác dụng an thần như: nhãn lồng, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem… hoặc dùng thuốc từ dược thảo đã bào chế sẵn như Rotunda (củ Bình vôi), Mimosa (phối hợp nhiều dược thảo).
          Đối với người mới bị mất ngủ có lời khuyên, trước khi tính chuyện dùng thuốc, có thể thực hiện các “Biện pháp không dùng thuốc” giúp ngủ tốt như sau:
          - Nên ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định.
          - Hạn chế việc ngủ trưa (nếu cần, ngủ thật ít hoặc chỉ nằm chứ không ngủ khi khó ngủ vào ban đêm).
          - Chuẩn bị giường ngủ thích hợp (thoáng, tối, yên tĩnh). Cần xem giường ngủ là nơi chỉ để ngủ.  Phòng ngủ yên tĩnh, ít ánh sáng và mát mẻ (18 – 22 độ C).
          - Tránh uống cà phê, trà đậm vào tối trước khi ngủ.
          - Tránh đi ngủ với bụng no quá hoặc đói quá.
          - Thường xuyên tập thể dục  (không nên tập ít nhất 4 giờ trước khi ngủ).
          - Luyện tập phương pháp thư giãn, chống stress  (yoya, thở dưỡng sinh, thiền định).
            Khi nào thực hiện các biện pháp trên không cải thiện, thì nên đi khám bác sĩ để biết mất ngủ do nguyên nhân từ đâu, để có thể sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Bởi rối loạn lo âu đưa đến mất ngủ do trầm cảm mà lại dùng thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepine kể ở trên sẽ dẫn đến trầm cảm nặng hoặc có thể dẫn đến nguy cơ tự tử rất nguy hiểm.
3) Thức và ngủ bất thường :
          1/.Thức bất thường :  Có các trường hợp đặc trưng sau.
- Trường hợp người Pháp là L’herbet, một luật sưnổi tiếng, sau chấn thương sọ não lúc 2 tuổi đã không ngủ giấc nào cho đến khi qua đời ở tuổi 73.
          - Trường hợp người Tây Ban Nha là anh Crot có 14 năm liền không hề ngủ mà không có biểu hiện mệt mỏi nào, tinh thần và thần kinh được y học xác định là không khác người bình thường.
            2/.Ngủ bất thường :  Có các trường hợp đặc trưng sau.
            - Trường hợp người Na Uy là chị Angusta Langasd ngủ một giấc dài 22 năm (1919-:-1941) mà khuôn mặt không đổi, sau đó già đi nhanh chóng và chỉ sống thêm được 5 năm.
            - Trường hợp người Thụy Điển là chị Karolin Karlsson đã ngủ một giấc dài 32 năm, thức dậyvà sống thêm 42 năm nữa.
            - Trường hợp người Mỹ là anh Greece ở California rất dễ ngủ, có thể đứng cũng ngủ được, nếu ngồi ngủ hay nằm ngủ thì anh ngủ mê mệt và cần đánh thức mới tỉnh được.
            Nhiều nhà khoa học như I.P. Pavlov (1849-1936), A. Veinic có giải thích hiện tượng thức và ngủ bất thường, nhưng đây cũng chỉ là các giả thiết, nguyên nhân gây ra thức và ngủ bất thường hãy còn là những điều bí ẩn.
II. Mộng thức và Mộng ngủ.
         Mộngđược xem là một chuỗi các hình ảnh, cảm giác, ý nghĩ… trôi qua trong tâm não con người mà không bị các ràng buộc của sự vật, của tư duy hay của mọi khuôn khổ không gian và thời gian.
       1) Mộng thức(E: waking-dream, day-dream) :    

[Sự khác nhau giữa những người dùng bán cầu não trái và phải]

            Đây là mộng xảy ra vào lúc thức. Khi ấy chỉ nửa bán cầu não phải hoạt động, đặc trưng cho nữ tính và sáng tạo của cá thể.  Có thể nói đặc ngữ sự trầm tư mặc tưởng  (E: reverie;  F: rêverie ) là cách nói nôm na của mộng thức.
       Nói chung, mộng thức là sự trầm tư về những sự kiện đã xảy ra ở quá khứ hoặc những dự tính cho tương lai.
            1/.Mộng thức tích cực :  Đó là mộng thức hướng tới các hình ảnh, cảm giác, ý nghĩ lạc quan tốt đẹp… có tác dụng giải tỏa được các rối rắm, dồn nén, đem lại sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.  Nó làm dịu đi sự căng thẳng thần kinh, cải thiện quan điểm, kích thích nuôi dưỡng sự sáng tạo trong công việc như  tu học, lãnh đạo, kinh doanh, sáng tác nghệ thụât, thiết kế kỹ thụât và ngay cả bệnh tật…
            2/.Mộng thức tiêu cực:  Đó là mộng thức với các nội dung bi quan như lo âu, sợ hãi, mặc cảm… về thất bại, đổ vỡ, tật bệnh… mà chúng ta cần ngăn ngừa, loại bỏ.
          Mộng thức cũng ảnh hưởng rất quan trọng đến giấc ngủ và cả mộng ngủ là tốt hay xấu, tương thích với mộng thức là tích cực hay tiêu cực.
 
               2) Mộng ngủ(E: sleeping-dream, night-dream) :
Đây là mộng xảy ra vào lúc ngủ. Khi ấy cả 2 nửa bán cầu não trái và phải tương đối ngừng hoạt động. Trong mộng, người ngủ cảm nhận đóng vai trò chủ động hay vai trò thụ động quan sát.
1/. Đặc tính của mộng ngủ:
+Mộng ngủ không xảy ra lúc đang ngáy.
     +Mộng ngủ có số lượng  4-:-7  lần/đêm.
          +Mộng ngủ chỉ lưu lại trí nhớ  50%  sau khi kết thúc mộng 5 phút,  10% sau 10 phút.
+Mộng ngủ có thể xuất hiện các cảm xúc của ngũ quan, ngoại trừ các cảm xúc từ các dị tật bẩm sinh, như người mù hay điếc bẩm sinh sẽ thiếu cảm xúc thị giác hay thính giác trong mộng.
+Mộng ngủ bắt đầu rõ rệt hơn ở trẻ  3-:-4 tuổi.
+ Mộng ngủ ở người cai thuốc lá lâu và mãnh liệt hơn bình thường.
+Mộng ngủ mớ :  Là hiện tượng nói mê trong khi ngủ, được giải thích là phản ứng kích thích đối với mộng, là dấu hiệu của một sự đau khổ nào đó dồn nén trong nội tâm.
2/. Mộng ngủ dữ (= ác mộng – E: nightmare):  Là hiện tượng cảnh mộng gây xúc cảm dữ dội, được giải thích là gây ra bởi sự căng thẳng thần kinh, chấn thương tâm lý, sợ hãi do thiếu an toàn hay do sức khỏe kém.
3/. Mộng ngủ du (= mộng du,miên hành – E: somnambulism, noctambulism):  Là hiện tượng họat động của cơ thể vào những việc rất khác nhau, rất phức tạp trong khi mộng ngủ.  Mộng du được ghi nhận có thể xảy ra ở giấc ngủ Non-REM hay ở giấc ngủ REM khi có liên quan đến giấc mơ và được gọi là rối lọan hành vi  REM (E: REM behavior disorder).
Người mộng du như thực sự sống với mình (sau 1-:-1,5 giờ ngủ), mắt họ vẫn mở và không dao động, không giật mình, không cần ý thức, nghĩa là sức mạnh của năng lượng vô thức hoàn toàn chủ động cho mọi hành động. Người mộng du có thể giải toán, đánh đàn…, leo trèo trên những mái nhà cao tầng mà không hề lo sợ nguy hiểm. Sau đó họ trở về giấc ngủ sinh lý bình thường và hồi ức không còn lưu lại khi thức dậy. Người ta tạm phân loại mộng du thường gặp là mộng du đi lại (E: sleep walking), mộng du nói chuyện (E: sleep talking), mộng du ăn (E: sleep eating), mộng du làm việc (E: sleep texting).
          Thế giới có hàng triệu người có chứng mộng du, riêng tại Pháp có khoảng 700.000 người.

Sleepwalking- Wikipedia
Mộng du– Wikipedia tiếng Việt
Một tư thế của người mộng du
            Người mộng du dù đang đi cạnh hồ nước hay vực sâu vẫn an toàn hơn là bị đánh thức bất ngờ. Bởi vì trong tiềm thức họ có khả năng khống chế tình huống tốt hơn nhiều khi tỉnh giấc. Cách tốt nhất là đến gần, nói nhè nhẹ để họ không thức giấc và tìm cách dìu họ về giường.Có trường hợp mộng du rơi từ độ cao 17m không chết.
Đa số các trường hợp mộng du chỉ là rối loạn nhẹ chứ không quá trầm trọng. Đối với trẻ em, mộng du thường giảm dần và có thể khỏi khi trẻ lớn. Đối với người lớn, hậu quả của mộng du là bị chấn thương do va chạm, té ngã. Người bị mộng du cần tránh uống rượu, không để cuộc sống gây stress, phiền muộn. Nếu mộng du quá thường xuyên hoặc có nguy cơ gây hại (như mộng du lái xe) nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh – tâm thần. Một số thuốc an thần tác dụng ngắn có thể giảm bớt số lần mộng du.
            3) Quan điểm mộng ngủ theo theo khoa học ngày nay.
            Qua các kinh nghiệm và nghiên cứu, chúng ta thấy mộng ngủ được xem như mật mã truyền thông về tình trạng tâm sinh lý của con người, tạm được phân loại như sau.
            1/.Mộng ngủ và cân bằng sinh lý:
            - Vấn đề1 :  Thực hiện việc phá vỡ mơ ở giấc ngủ (giai đọan Non-REM4) trên chuột bởi nhà tâm lý học Brock và trên người bởi nhà tâm lý học Chester, cho thấy cả chuột và người vào ngày hôm sau bị mất phương hướng, suy nhược, cáu gắt, dễ nổi giận. Đối với các học sinh thức nhiều, tức ít giai đoạn Non-REM4, thì trí nhớ lại kém đi.
            - Vấn đề2 :  Kỹ sư người Anh là J. Dunne đã thực nghiệm trong 3 đêm với thanh sắt lạnh dí vào gáy một người đang say ngủ và ghi nhận kết quả về mộng như sau.
            - Đêm 1 : mộng thấy bị chém đầu bằng lưỡi dao lạnh ngắt.
            - Đêm 2 : mộng thấy đi dưới mưa và có dòng nước lạnh chảy vào cổ áo.
            - Đêm 3 : mộng thấy bị trút thức ăn lạnh vào cổ áo tại một nhà hàng ăn.
            - Vấn đề3 :  Nhà khoa học người Nga là Nodov đã thực hiện 2thí nghiệm sau.
            - Thí nghiệm 1 :  Người đang mộng được nhỏ vài giọt nước vào miệng. Người này lập tức lật sấp bụng, chân tay chới với. Sau khi đánh thức, người đó cho biết là mộng đang đi chơi thì bị té xuống nước và phải cố ngoi lên để thóat khỏi chết đuối.
            -  Thí nghiệm 2 :  Người đang mộng được chiếu ánh sáng đỏ vào thái dương. Sau khi đánh thức, người này đầm đìa mồ hôi và cho biết là đã mộng cảnh đang kinh sợ chạy trốn cơn giông dưới bầu trời đầy các tia chớp liên hồi.
            2/.Mộng ngủ và cân bằng tâm lý:  Nhiều thực nghiệm cho thấy là trên diện rộng, mộng có tác dụng điều tiết tâm lý và duy trì nhịp độ căng-chùn của hệ thần kinh. Nếu tâm lý căng thẳng không được mộng giải tỏa thì con người sẽ dễ bị suy sụp tinh thần.
            3/.Mộng ngủ do hịêu ứng sinh lý học.
            1. Bản năng tồn tại sự sống:  Được giải đoán theo trường phái của  Pavlov.
            - Ngủ trong trạng thái đói bụng, mộng thấy ăn.
            -  Ngủ trong trạng thái khát, mộng thấy nước.
            -  Ngủ trong trạng thái mắc tiểu, mộng thấy đi tiểu.
            -  Tín hiệu bệnh tim, mộng thấy thân thể bị bẻ gập hay bị thắt cổ.
            -  Tín hịêu bệnh thận, mộng thấy bị chấn thương hay bị đâm vào thắt lưng.
            -  Tín hiệu bệnh dạ dày, mộng thấy bị nôn mửa.
            -  Tín hịêu bệnh phổi, mộng thấy cảnh ngạt thở.
            -  Tín hiệu khối u ở tủy sống, mộng thấy bóng đè hay ác mộng.
            2. Bản năng sinh sản:  Được giải đoán theo trường phái của  Freud  theo các cấp độ tinh thần.       
            -  Cấp độ hướng xả ly :  mộng thấy một kích động thuộc xúc giác thoáng qua.
            -  Cấp độ bình thường :  mộng thấy một kích động với hình ảnh về giới.
            -  Cấp độ trên bình thường :  mộng thấy hình ảnh kích động mạnh về giới, có thể do ảnh hưởng từ thể chất bất bình thường của cơ thể hay do huân tập từ các ý tưởng cường điệu về hình ảnh của bản năng sinh sản.
            4/.Mộng ngủ do hiệu ứng tâm lý học: 
            Đây là những mộng ngủ bộc lộ khả năng nhớ lại những sự vịêc đã xảy ra trong đời sống đặc trưng trên 2 dạng sau.
            1. Đời sống cá nhân: Hành động, lời nói và ý nghĩ của từng cá nhân trong đời sống hàng ngày đều được lưu giữ một cách âm thầm mà bình thường chúng ta không nhận biết được dưới dạng năng lượng, có thể gọi đó là  năng lượng nhớ  hay  năng lượng tiềm thức . Khi ngủ, sự hoạt động của ý thức ngưng lại và bấy giờ các năng lượng tiềm thức có xu hướng trổi dậy bằng những hình ảnh mộng mô tả rõ nét do ít bị xáo trộn hoặc mơ hồ, lạ lùng hay vô lý bởi có nhiều xáo trộn.
            2. Đời sống cộng đồng:  Môi trường tự nhiên và văn hóa bên ngoài cũng có những tác động lên cá nhân và tạo thành một năng lượng tiềm thức thứ hai. Năng lượng này cócấu trúc khác nhau theo tự nhiên và xã hội nơi mà người đó sinh sống. Điều này cho thấy là các biểu tượng mộng có những biến thiên theo không gian và thời gian, và do đó sự giải đóan mộng có nhiều khác biệt thay đổi.  Ví dụ :
            -  Mộng thấy chim bồ câu vào thời cổ đại tại Hy Lạp thì được giải đoán là có sự hội ngộ với thần Vệ Nữ (Venus). Ngày nay thì Freud giải đoán đó là biểu hiện của ham muốn hay ức chế tính dục. Đối với người theo đạo Chúa thì mộng được giải đoán là ân sủng của Chúa Thánh Thần.
            -  Mộng thấy chữ thập vào thời cổ đại được giải đoán là có những vấn đề liên quan đến bộ phận sinh dục ngoài nam giới. Tại La Mã thì đó là biểu tượng của sự bất an. Trước đây và ngày nay, phần lớn người theo đạo Chúa được giải đoán là thông điệp của sức mạnh hy sinh quên mình (người có tôn giáo Nhân Chứng Giê-Hô-Va thờ Chúa mà không cần có các hình tượng).
            -  Mộng thấy cá vào thời cổ đại được xem là điềm báo trước cho sự may mắn, phồn vinh hay quyền lực. Ngày nay, theo ý tưởng của Giám Mục  Kip  ở California lý giải chữ    theo tiếng Hy Lạp là chữ  jesus  nên mộng này được cho là điềm lành, là ân sủng của Chúa Con Jesus.
            5/.Mộng ngủ do hiệu ứng tâm lý học chiều sâu : 
            Đâylà những mộng ngủ có vẻ như  bộc lộ một khả năng thấy biết có sẵn và tiềm ẩn sâu kín bên trong con người. Trong thời gian ngủ, tiềm thức hoạt động tích cực hơn và có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn..., như được ghi nhận ở một số đặc điểm sau:
            1. Tính thông địêp
            Đây là những mộng ngủ luôn được tái diễn trong các giấc ngủ nhằm mô tả một sự kiện thực nào đó như sức khỏe, đời sống, công việc… có mối liên hệ với bản thân hay cộng đồng mà ta cần lưu tâm và có thái độ tích cực đối diện với các sự kiện này. Loại mộng này cũng khá bình thường, số báo Giác Ngộ 592 ngày 4-6-2011 đã trả lời câu hỏi của người con nói về người cha luôn mộng thấy người chết trong giấc ngủ. Mộng có tính thông điệp còn có thể thấy trong các trường hợp thần giao cách cảm.
            2. Tính dự báo
            Đây là những mộng ngủ cho ta thấy biết rõ sự kiện sẽ xảy ra cho mình hay cộng đồng, đó là những biến cố, những khám phá, những phát minh… Các trường hợp điển hình :
            - Nhà báo người Mỹ là Samson đã mộng thấy dự báo trước tại Mỹ về vụ nổ của núi lửa và phá hủy hòn đảo nằm giữa Java-Sumatra của Indonesia, gây sóng thần và làm chết khoảng 36.000 người vào ngày 27/8/1883.
            - Nhà kỹ thuật người Mỹ là Hower đã thành công vịêc chế tạo chiếc máy may từ mộng thấy gợi ý về lỗ xỏ chỉ ở đầu cây kim chứ không như ở giữa mà ông thường nghĩ tưởng.

            - Nhà hóa học người Nga là Mendeleev đã mộng thấy sự xếp đặt các nguyên tố hóa học mà trước đó ông đã có nhiều cố gắng nghiên cứu nhưng không tìm ra. Đó là sự hoàn chỉnh của bảng phân loại tuần hoàn các nguyên tố  nổi tiếng. Điều tương tự cũng đã xảy ra với nhà hóa học August Kekulé khi ông mơ ước một công thức cho benzen.
            - Nhà soạn nhạc người Ý là Taghini đã ghi lại khúc nhạc nổi tiếng  Bài ca ma quỷ trong lúc mộng thấy mình đưa đàn violon của mình cho một con quỷ dạo một khúc nhạc hay.
            Cần lưu ý rằng mộng ngủ do hiệu ứng sinh lý học về bản năng tồn tại sự sống và bản năng sinh sản thật ra có ít nhiều quan hệ dẫn khởi từ hiệu ứng tâm lý học chiều sâu.
III.  Quan điểm mộng ngủ theo các tôn giáo hữu thần
               Mộng ngủ được giải đoán theo các tôn giáo này là đức tin và cầu nguyện dành cho giáo  dân, là mặc khải do thần thánh dạy bảo dành cho tu sĩ.
            1) Ấn Độ giáo:  Tôn giáo này có sự giải thích riêng về các mộng xuất phát từ trạng thái cảm xúc riêng của người mộng hay từ các trải nghiệm trong cuộc sống được diễn lại. Ngoài ra cũng có những mộng xuất phát từ thần thánh, chúng chỉ xuất hiện cho những người tu thực hành khổ hạnh sadhu (nam) hay  sadhana (nữ) và được gọi là mộng  satsang (những lời chân lý).
            2) Do Thái giáo: Tôn giáo này có sự giải đoán mộng theo sách Talmud, mộng được chia làm 3 loại là: 
            1. Mộng vô nghĩa.
            2. Mộng từtư duy và kinh nghiệm của con người trong ngày,
            3.  Mộngtiên tri (dự báo). Mỗi loại mộng có cách giải đoán riêng, với mộng xấu thì phải chuộc lỗi bằng cách cầu nguyện và ăn chay.

Jacob's dream of a ladder of angels, c. 1690,by Michael Willmann
            3) Thiên Chúa giáo :  Tôn giáo này đã ghi chép lại trong Cựu Ước và Tân Ước các mộng và gọi là mộngmặc khải của Thiên Chúa - một tên gọi khác của mộng tiên tri, mộng dự báo – và chúng đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong lịch sử của tôn giáo này, điển hình như ở Kh.ng.17,6,19; T.Ph7,13; Mt1,20; 2,13,9; CV23,11;27,23 (Xin xem “Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo” của Lm. Hồng Phúc). Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau của những người theo đạo cho là có nhiều dị đoan pha trộn đối với các mộng mặc khải này.
            1/. Sách Cựu Ước :  
            - Trong sách dân số 12:6 có ghi:  Người phán : Hãy nghe ta nói đây “ Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì ta - Đức Chúa Trời - sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong mộng.
            - Trong những năm sống lưu vong ở Ai Cập,  Giuse (Joseph) đã giải đoán các mộng của Pharaoh và được trọng dụng. Một mộng được cho là nổi tiếng và mặc khải là mộng  7 con bò còm ăn 7 con bò béo và 7 bó lúa lép tiêu dịêt 7 bó lúa mẩy  đã giúp nhà vua tích cốc phòng cơ mất mùa 7 năm, vượt qua đại nạn đói.
            2/.Sách Tân Ước :   Một mộng được cho là mặc khải và có tính thông địêp thiêng liêng, đó là thiên sứ Gabriel đã mộng báo cho Maria sứ mệnh mang thai và cho Giuse chấp nhận bào thai này là con của Thiên Chúa, đồng thời đặt tên cho con trẻ là Jesus.  Giuse còn được mộng báo về vịêc lánh nạn sang Ai Cập tránh vịêc giết con trẻ và trở về an tòan sau khi vua Herod đã chết.
            3/.Thánh Augustine(354-:-430) :  Ông đã dựa vào quan điểm của Nyssa trong giáo hội cho rằng trí năng kìm hãm giữ mình thanh khiết có thể nằm ngoài vòng kiểm sóat nơi giấc ngủ, bấy giờ bản chất thú tính của conngười sẽ bộc lộ ra trong mộng, và nếu sự vịêc này xảy ra thì Chúa có thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về mộng của mình.
            4) Hồi giáo:  tôn giáo này hình thành trên nền tảng của mộng. Theo truyền thuyết, Mohamed(570-:-632) sCN  trong một đêm, một mình cầu nguyện, đã mộng thấy thiên sứ Gabriel truyền cho kinh Koran (koran: có nghĩa là kể lại, diễn thuyết). Mohamed tuy không biết đọc, biết viết, nhưng kinh Koran được ông kể lại từng chữ một. Trong những mộng khác, ông thấy mình cùng Gabriel du hành đến thiên đàng 7 tầng, đến nơi ở của các thánh, đến các nhà tiên tri quá khứ, đến địa ngục…, tất cả được mọi người xem đó là  ‘chuyến hành đêm đầy cảm hứng văn nghệ của ông’.
IV. Quan điểm mộng theo tôn giáo vô thần Phật giáo.

            Trong đạo Phật có nói đến 2 loại mộng, đó là mộng ngủmộng thức.  Mộng thức theo đạo Phật đóng vai trò quan trọng hơnmộng ngủ, nhất là trong việc tu học. Dưới đây là nội dung quan điểm của 2 loại mộng này.
            1) Mộng ngủ.
            Theo tâm lý học Phật giáo, mộng ngủ là quan niệm về tiến trình xảy ra như là những hoạt động của trí não.
            Trong Phổ Diệu Kinh (Lalitavistara sūtra), Đại Sự (Mahāvastu), Phật Bản Hạnh Tập Kinh (Abiniskramanasūtra), Phật Sở Hành Tán (Buddhacarita), và đặc biệt là trong bộ Nhân Duyên Truyện (Nidānakathā) được coi như là bộ tiểu sử chính thức về cuộc đời đức Phật theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, đức Phật Thích Ca khi còn trong bào thai thì người mẹ là hoàng hậu Ma Da đã mộng thấy thai đó là một con voi trắng sáng bạc và có 6 ngà. Bấy giờ, sự giải đoán mộng theo Ấn giáo cho đó là điềm báo về sự xuất hiện của một vị thánh, vì theo Ấn giáo thì thần Ganesha được mô tả là có mình người và đầu voi. Sau đó, người cha là vua Tịnh Phạn lại mộng thấy con mình từ bỏ địa vị để trở thành tu sĩ đi tìm chân lý. Tất cả các mộng này đều đã biến thành sự thực.
 
Thần Ganesha và giấc mơ voi trắng của hoàng hậu Maya, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 2 hoặc 3 sau công nguyên
            - Trongkinh Tăng Chi ( II B, trang 222, kinh Mộng - Supina sutta), có chép lại lời kể của đức Phật về 5 điềm mộng trước khi ngài thành đạo :
            1.Mộng thấy đất lớn là giường lớn, núi tuyết cao nhất là gối, tay trái đặt nằm trên biển phía đông, tay trái đặt nằm trên biển phía tây, hai chân nằm trên biển phía nam (điềmmộngbáotrướcngàisẽchứngVôthượngChánhđẳnggiác).
            2.Mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ Tiriya mọc ra và mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại (điềm mộng báo trước thánh đạo được khéo đem đến lợi ích cho cõi trời và cõi người).
            3.Mộng thấy các con sâu trắng đầu đen bò ra từ bàn chân cho đến đầu gối (điềm mộng báo trước nhiều gia chủ sẽ đến quy y với Như Lai).
            4.Mộng thấy các loài chim màu sắc khác nhau từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân ngài và trở thành trắng toát (điềm mộng báo trước các giai cấp sau khi xuất gia, sống trong pháplụât (= chân lý và đạo đức) do Như Lai thuyết giáo, các vị ấy sẽ chứng ngộ Vô thượng giải thóat).
             5.Mộng thấy thân kinh hành qua lại trên một núi đầy phân mà không bị nhớp (điềm mộng cho biết Như Lai có trí tụê xuất ly, sống tốt cùng thế gian nhưng không mê đắm, không bị trói buộc).
            - Trongluận  A Tỳ Đàm của  Pali tạng và kinh Na Tiên đã nói rằng có 6 nguyên nhân sinh ra các mộng ngủ như sau :
             1. Mộng do kích thích bởi các tác nhân bên ngoài liên hệ đến các giác quan của cơ thể.
             2. Mộng do kích thích bởi các tác nhân bên trong cơ thể : sinh lý các hệ hoạt động.
             3. Mộng do kích thích bởi các tác nhân bệnh tật của cơ thể.
             4. Mộng do năng lực hồi nhớ lại kinh nghiệm quá khứ trong đời sống hàng ngày.
             5. Mộng do năng lực siêu nhiên, có từ các mối liên hệ có tính thân thuộc với con người.
             6. Mộng do năng lực của nghiệp quả dị thục (chín muồi) với biểu hiện tốt hay xấu.     
            Trong 6 loại mộng trên thì loại 1,2,3 thuộc dạng sinh lý, loại 4,5,6 thuộc dạng tâm lý.  Loại 4 thuộc tâm lý học bình thường và 5,6 thuộc tâm lý học chiều sâu.
            Mộng loại 5 bao gồm mộng thông điệp và mộng dự báo. Mộng thông điệp có thể là mộng thần giao cách cảm (2 thực thể) hay mộng mặc khải (1 thực thể + 1 không thực thể : thiên, thần, thánh).  Mộng dự báo thường là mộng mặc khải.
            Mộng loại 6 phần lớn là mộng dự báo về cuộc sống như các biến cố, về nghề nghiệp như phát minh, sáng chế…, chữa bệnh (điển hình ở trường hợp của người Mỹ là Edgar Cayce – Xin xem thêm mục từ Sinh Tử). Mộng dự báo loại 6 này thường thấy rộng rãi hơn, đó là dấu hiệu của nghiệp diễn ra vào những giai đoạn cuối, khi con người sắp sửa từ giả thế giới này.
            Thực ra, trong A-Tỳ-Đàm có nói rõ về Bhavangacitta (tâm hộ kiếp) là nền tảng của loại mộng 6, là kết quả nơi một đời sống mới từ sự tiếp nối của hệ thống tâm lý qua nhiềukiếp sống chứ không từ khởi điểm của bộ máy sinh học là con người mới sinh ra. Vì thế, Bhavangacitta được xem như một Vô thức rộng và sâu, hàm chứa các Vô thức trong mộtkiếp sống của Freud là Vô thức cá nhân [# biệt nghiệp],hay của Jung là “Vô thức cá nhân + Vô thức tập thể” [# “biệt nghiệp + cộng nghiệp với tổ tiên”]. Bhavangacitta có thể cho ta hiểu rõ hơn về cơ chế thiên tài, khả năng ngoại cảm…
--------------
Ghi chú

Sigmund Freud (1856 – 1939), người sáng lập Phân tâm học (Psychoanalysis =  Phân tích tâm lý học) có phân biệt về thức (cái biết) như sau:
- Ý thức - Conscious level # 10%        
- Tiềm thức - Subconscious level # 50 - 60%  
- Vô thức - Unconscious level # 30 - 40%
1)Tiềm thức được xem là cầu nối giữa ý thứcvô thức.
                        - Tiềm thức  (E: subconsciousness, subconscious mind)
              = Tiền ý thức  (E: preconsciousness, preconscious mind).
                        - Vô thức  (E: unconsciousness, unconscious mind).
            2) Ý nghĩa phân biệt của vô thức ở giấc ngủmộng.
- Vô thức ở giấc ngủ :  Nhằm chỉ tình trạng không có  ý thức, tức tương thích với sóng não Delta(mục I)(= mất nhận thức về cơ thể).
            - Vô thức ở mộng :  Nhằm chỉ mộng hình thành từ năng lực tiềm ẩn chứa trong tiềm thức (tâm lý học chiều cạn) và vô thức (tâm lý học chiều sâu).
            2) Mộng thức.
            Theo mục II bên trên, mộng thức là sự trầm tư về những sự kiện đã xảy ra ở quá khứ hoặc những sự kiện dự tính cho tương lai.
            Trong đạo Phật, hình ảnh và nghĩ tưởng của mộng xuất hiện trong khi ngủ mà ta tưởng chừng như thật, hoàn toàn không tồn tại.  Còn hình ảnh và nghĩ tưởng về đời sống bao hàm tất cả những gì xảy ra trong toàn bộ sự sống đời người trong khi thức với trầm tư, lo lắng, sợ hãi … được xem là mộng thức cũng không tồn tại.  Tuy nhiên, trong khi hình ảnh và nghĩ tưởng của mộng ngủ nhanh chóng biến mất, thì hình ảnh và nghĩ tưởng của mộng thức cứ mãi tồn tại và thường tạo ra các biến chứng phiền não tai hại cho cuộc sống.
            Vì thế, các bậc đạo sư chân chánh thường ít quan tâm tới mộng ngủ, vì cho đó là những giả cảnh ít nguy hiểm hơn mộng thức và chú trọng đến khía cạnh mộng thức trên con đường đi đến giác ngộ. Ý nghĩ càng phức tạp càng tạo ra đủ loại mộng, đó là những bất thiện pháp lo lắng bận rộn, ham muốn tranh đoạt, hờn giận thù oán hay mặc cảm dồn nén lâu ngày tạo thành một nội tâm ô nhiễm, bất an.
            Con người dù khôn ngoan, nhưng lại bó tay trước các bất thiện pháp này nên không còn làm chủ được chính mình nữa. Đức Phật dùng thiện pháp thay cho bất thiện pháp để bước đầu tạo ra ý nghĩ trong sáng và tự tin. Chuỵên vua A-xà-thế phạm tội giết cha đã làm cho nhà vua luôn cảm thấy bất an. Mỗi khi nằm xuống vừa chợp mắt, ông thấy mình bị đâm bởi hàng trăm lưỡi thương, khiến ông phải bật dậy. Sự việc này làm tâm thần ông khủng hoảng và mệt mỏi. Sau khi nghe đức Phật thuyết kinh Sa môn quả và được sám hối, ông đã tìm được lẽ sống bằng thiện pháp, vượt qua mặc cảm. (Xin xemA-xà-thế– Wikipedia tiếng Việt và  Kinh Tam Di Đề).
            Trong kinh Kim Cương có giải thích mộng thức như sau:
                              一切有爲法         Nhất thiết hữu vi pháp,        
                              如夢幻泡影         Như mộng huyễn bào ảnh,   
                              如露亦如電         Như lộ diệc như điện,             
                              應作如是觀         Ưng tác như thị quán.          
            Dịch nghĩa:
                                       Tất cả pháp hữu vi, (*)
                                       Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
                                       Như sương, như chớp loé,
                                       Hãy quán chiếu như thế.
            Để rồi trong tu học:
                                       Quá khứ không truy tìm
                                       Tương lai không ước vọng,
                                       Quá khứ đã đoạn tận,
                                       Tương lai lại chưa đến,
                                       Chỉ có pháp hiện tại,
                                       Tuệ quán chính là đây.
                                                  (Kinh Ðại Ca-chiên-diên Nhất dạ hiền giả  
                                                           – Mahàkaccànabhaddekaratta sutta)
            Đối với Thất giác chi:
            “Quá khứ không truy tìm; Quá khứ đã đoạn tận”   => Hành giả đạt Hỷ giác chi.       “Tương lai không ước vọng; Tương lai lại chưa đến” => Hành giả đạt Khinh an giác chi.
------------------
(*) Chú thích:  (Xem thêm:  Hữu vi Vô vi, Chấp có Chấp không, Hữu ngã Vô ngã)
            -Pháp hữu vi (法有爲;  P: saṇkhata-dhamma;  S: saṃskṛta-dharma;  E: conditioned existence):  Các pháp được tạo tác hình thành do nhân duyên, những gì sinh khởi, biến dịch và hoại diệt. Theo đó, mọi sự vật hiện tượng biểu thị khác nhau được tạo ra như một tổng hợp của nhân và duyên có hình tướng, số lượng, có thể suy lường …, đều gọi là pháp hữu vi.
               - Pháp vô vi (法無爲;  P: asaṅkhata-dhamma;  S: asaṁkṛta-dharma;  E: Unconditioned reality):  Các pháp vượt không gian và thời gian, không hình thành do nhân duyên – đó  là chân lý khách quan Duyên khởi : Vô thường, Vô ngã, Nhân Quả, Niết-bàn, …, là các pháp vô vi.
            Khi đời sống có Chánh niệm-Tỉnh giác, người ta sẽ ít gặp mộng ngủ, nếu có mộng thì đó là những mộng êm dịu, thanh thoát.  Bất cứ ai còn vô minh thì đều có mộng thức, đó là từ phàm phu cho đến các bậc thánh hữu học.  Những bậc A-la-hán không còn mộng thức và nghiệp lực bởi các chủng tử ô nhiễm tích lũy từ bao đời đã sạch trong vô thức, nên vì thế mà không mộng nào hình thành trong giấc ngủ.
            Biểu hiện của nội tâm ô nhiễm chính là các phiền não (Xin xem thêm mục từ lậu hoặc), và ngày nào nhân loại chưa giải tỏa được các tâm bệnh phiền não này thì số người bị bệnh thần kinh vẫn không thuyên giảm. Phân tâm học không đủ sức trừ các phiền não này, chỉ có giác ngộ lẽ thật mới soi thấu cội nguồn của chúng. Chưa trừ hết phiền não thì nguyên liệu cho mộng vẫn còn đó. Từ các cõi Trời cao nhất cho đến Địa ngục thấp nhất vẫn còn mộng thức.
            Phật - bậc giác ngộ, có nghĩa rộng là người đã ra khỏi giấc ngủ vô minh. Có ba bậc giác ngộ không còn mộng thức lẫn mộng ngủ, đó là : Toàn giác Phật, Độc giác Phật và A-la-hán Phật (Thanh văn giác Phật).
o0o
Ngã
Nội dung
I. Tổng quan về Ngã.
II. Quan điểm Ngã theo triết học, tâm lý học.
III. Quan điểm Ngã theo tôn giáo hữu thần.
IV. Quan điểm Ngã theo tôn giáo vô thần.
 

Cái tôi– Wikipedia tiếng Việt
I. Tổng quan về Ngã.
          1) Khái niệm về Ngã .
Ngã [我;  E: Self]  là ý niệm về một thực thể có tính chất tự có và hằng có, đồng nhất, bất biến, riêng biệt có tính độc lập. Ngã còn hàm ý là có kiến chấp về Ngã, là cách nói gọn của Chấp ngã,là một ý niệm hàm nghĩa thực thể.  Ví dụ như “Thượng Đế” ở các tôn giáo độc thần là điển hình cho ý niệm về Ngã.
          Đối với con người, Ngã được chỉ cho cái thân(hữu hình) hay cái tâm(vô hình), hoặc cả thân + tâmcó tính thường hằng bất biến. Ngã còn được gọi là Tôi, cái Tôi  hay Ta, cái Ta.
Ngã là đối tượng của triết học, tôn giáo và xã hội với những lập trường, quan điểm khác nhau.
2) Tự ngã.
Khi Ngã hàm ý là một thực thể vô hình  thì thường được gọi là Tự ngã. Ví dụ như khái niệm về linh hồn của Thiên Chúa giáo là cái thường hằng bất biến, vô hình; tuy linh hồn không thấy, không chứng minh được, nhưng tín đồ phải tin linh hồn là có thật. Nói chung, các tôn giáo Hữu thần thường đề cao và khai thác khái niệm Tự ngã để củng cố “Đức tin” nơi người tín đồ.
Theo đó, Tự Ngã có thể đồng nghĩa với bản tâm hay bản tính theo ý nghĩa của thường kiến, bao gồm các dạng sau:                                     
 -  Ngã si(E: Self-ignorance):  Kiến thủ về Ngã, không thấy ra bản chất thật.         
 -  Ngã kiến(E: Self-belief):  Kiến thủ về nhận thức mang tính cực đoan. 
Ví dụ: nhận thức thường-đoạn (E: eternalism-nihilism), tự ti-tự tôn (E: inferiority complex-superiority complex).                                               
 -  Ngã mạn(E: Self-pride: tự ái):  Kiến thủ về danh lợi mang tính đề cao. 
Ví dụ: tự cao, tự kiêu, tự đắc, tự phụ (E: Self-conceited, Self-important, Self-righteous).                      
 -  Ngã ái(E: Self-love):  Kiến thủ về thân-tâm mang tính bảo vệ.
Ví dụ:  tự vệ (E: Self-defense), tự trọng (E: Self-respect).
Trong cuộc sống, người Chấp ngã là người vị kỷ, chủ quan. Người Chấp ngã càng cao thì càng dễ bị xúc phạm, bực tức khi gặp phải những nghịch cảnh, những gì trái với ta nghĩ và sẵn sàng có những thái độ trả đủa hay thù oán.               
3) Bản ngã. 
Ngã còn gọi là Bản ngã 本我, có nghĩa là cái Ta vốn dĩ đã có. Đây là cách nói dùng nhấn mạnh cho Ngã, do từ bản : có nghĩa là vốn dĩ, luôn có.  Nếu không dùng chữ bản thì cũng chẳng thay đổi ý nghĩa.
           Cách nói tâm hay bản tâm, tính hay bản tính đều chỉ vô hình, và có thể gọi là ngã  haybản ngã nếu như chúng ta xem chúng có những định tính bất biến. Còn như chúng ta nhìn chúng dưới nhãn quan của chuỗi Nhân-Duyên-Quả thì chúng được xem như Nghiệp quả, luôn thay đổi theo thời gian, cho nên tâm hay bản tâm, tính hay bản tính bấy giờ không là ngã hay bản ngã .  Ví dụ như “tâm thiện-tâm ác”,  “Nhân chi sơtính bản thiện”củaMạnh Tử孟子(372– 289)tCN, hay“Nhân chi sơtính bản ác”củaTuân Tử荀子(316 – 237)tCN.
          Như vậy, Ngã hay Bản ngã, Tự ngã, Ngã sở, Ngã sự (Xin xem mục IV bên dưới) là những cách nói của chấp kiến về mọi sự vật, được gọi chung là Chấp ngã. 
II. Quan điểm Ngã theo triết học, tâm lý học.
          1) Quan điểm Ngã theo Triết học.                                                   
Trong triết học, "cái Tôi" được hiểu là cái Tôi ý thức hay đơn giản là Tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt Tôi với những cá nhân khác. Theo đó, có 3 hình thái về cái Tôi như sau:
1/.Cái Tôi phi hữu:  
Đó là cái Tôi "đã là" hay "sẽ là", nghĩa là không hiện hữu trong hiện tại.  Thí dụ :
- Một sĩ quan cấp cao thời trước, chạy tỵ nạn, thất nghiệp. Vợ dạy : « đi làm bồi bàn kiếm ăn ! ». Ông bảo :  tôi đường đường là một sĩ quan cấp cao không lẽ lại làm bồi bàn ?
- Một ông công chức làng nhàng thời nay không biết đấu hót sao đó, nghĩ mình sắp lên bộ trưởng. Vợ sai : « xách giỏ đi chợ ! ». Ông bảo : ta đường đường là một bộ trưởng tương lai, không lẽ ... 
2/. Cái Tôi thường hữu :  
Đó là cái Tôi bị quy định. Nó là cái nó là, không thể là gì khác. Như tảng đá là tảng đá, cây ổi là cây ổi, thầy giáo là thầy giáo, giám đốc là giám đốc... Có nhiều yếu tố quy định cái Tôi ấy, như : di truyền, văn hóa, giáo dục, môi trường sinh sống, tương quan xã hội v.v... đều đã được quy định từ trước. 
3/. Cái Tôi tự hữu : 
          Đó là cái Tôikhông bị quy định. Nó hiện hữu tự nó và không là cái nó là.  Ví như một ông bộ trưởng mặc quần xà lỏn áo thung ngồi nhậu ở quán cóc đầu đường chẳng hạn, hay thầy tu lên sân khấu nhảy rock, hát nhạc pop ... Tính nhân bản nằm ở cái Tôi này, cục đá, con chó, cây ổi, không thể trở thành cái gì khác, nhưng con người thì có thể làm chuyện ấy.
Vì thế, trong giao tiếp thường ngày, khi một bác sĩ nói đùa vài câu với bệnh nhân, hay tán chuyện bóng đá, chính trị, tình duyên mấy cô ca sĩ ... thì ông ta thể hiện cái Tôi này, tức khía cạnh nhân bản của một con người, không chỉ đóng vai một ông bác sĩ, với những hành vi "bác sĩ" đã bị quy định sẵn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy điều ấy, và sẽ trả lại cho ông ta mảnh tình người mà ông ta đã trao cho họ. 
Cái Tôi tự hữu còn được xem như như một sự trình diễn, bởi nếu từ nội tâm nhìn ra ngoài, thì có thể nhận xét là cái Tôi cần được cảm nhận bởi người khác, cần được mang ra trình diễn trên sân khấu của cuộc đời. 
2) Quan điểm Ngã theoChủ nghĩa.
Từ thời Cổ đại cho đến Hiện đại, hai trường phái triết học Duy Tâm và Duy Vật đã không ngừng đối kháng nhau về quan điểm thân-tâm tức Vật chất và Ý thức (# tinh thần ):
          1/.Chủ Nghĩa Duy Tâm: cho rằng.                                                                                    +Ýthức tồn tại có trước và quyết định Vật chất.
                    + Vật chất không tồn tại ngoài Ý thức cá nhân của phái Duy Tâm chủ quan, hoặc vật chất không tồn tại ngoài ý thức vũ trụ (Thượng Đế) của phái Duy Tâm khách quan.                                                    
          Quan điểm này đã biểu hiện xu hướng chấp Ngã nơi cá nhân hoặc nơi vũ trụ, đó là thường Ngã(thường kiến). Con người vô hình mãi tồn tại sau khi chết.                          
2/.Chủ Nghĩa Duy Vật : cho rằng
                    +  Vật chất tồn tại có trước và quyết định Ý thức.
                    + Vật chất tồn tại ngoài Ý thức của con người và không phụ thuộc vào Ý thức.
          Quan điểm này đã biểu hiện xu hướng chấp Ngã, đó là đoạn Ngã(đoạn kiến). Con người hoàn toàn bị hủy diệt sau khi chết.
           3) Quan điểm Ngã theo Tâm lý học hiện đại :                      
Tâm lý học hiện đại có cái nhìn về Ngã theo hướng sinh hoạt và giao lưu nơi từng con người, và Ngã được gọi là nhân cách (E: personality). Ngã này bao gồm 3 tính cách (tính chất của nhân cách):
          -Tính cách thân (# Ngã hay Ngã thân) đó là những gì thuộc về ngoại hình như:
+ Cơ thể: đẹp-xấu, cao-thấp, mập-ốm, trắng-đen...                     
+ Trang phục: kiểu cách-đơn giản...
          - Tính cách nội tâm(# Tự Ngã) đó là những gì thuộc về tinh thần như:                                 +  Tư tưởng, tình cảm, sở thích, nguyện vọng....                                                        +  Những điều thầm kín.
-Tính cách ngoại cảnh  (# Ngã Sở ) đó là những gì thuộc về mối quan hệ xã hội, con người đóng nhiều vai như là những giả danh:                                     
+  Tên, họ, quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè...                                               +  Nghề nghiệp, địa vị, tài sản....
          Quan điểm này phân tích con người tương đối cụ thể, tuy nhiên nếu có cái nhìn theo lẽ thật thì đây là những cảnh giác thiết thực đưa ta tới cuộc sống hài hòa, bằng ngược lại với cái nhìn chấp Ngã cực đoan sẽ đưa ta tới cái sống luôn gặp đối kháng, điển hình như nhận định sau: “Bản Ngã là cái thật tối cao mà mỗi người tự mình có thể khẳng định và đạt tới những nấc thang cao tột của xã hội loài người”.
          4) Quan điểm Ngã theo Phân tâm học.
Trong phân tâm học, "cái Tôi" là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, "cái Tôi" (E: Ego # Ngã, Bản Ngã) cùng với "" (id# Tự Ngã) và "cái siêu Tôi" (E: Superego) là ba miền của tâm thức.

Sigmund Freud - Wikipedia
Sigmund Freud – Wikipedia tiếng Việt
 
Id, Ego and Super-ego - Wikipedia
Cái Tôi có những đặc điểm sau:
1. Cái Tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
2. Cái Tôi học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận.
3. Cái Tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.
4. Cái tôi sẽ lớn lên từng ngày theo quá trình sống.Khi bé, cái Tôi của bạn đã bắt đầu xuất hiện, bạn có thể bị người lớn la rầy nhưng thường trẻ con sẽ không để bụng những điều này. Bạn quên đi rất nhanh và không giận dõi ai vì bất cứ điều gì. Nhưng khi bước vào giai đoạn tích lũy kiến thức, nhận thức và trưởng thành thì bạn càng trở nên khó chịu hơn. Một khi có bạn bè có thành tích cao hơn bạn, thì phần lớn các bạn lại tỏ ra khó chịu và ganh tỵ. Bạn không thật sự thoải mái để vui mừng chia sẻ niềm vui với bạn của chúng ta. Một cái Tôi ích kỷ trong mỗi chúng ta trỗi dậy, chúng ta luôn cảm thấy ấm ức, bực tức rằng tại sao là nó mà không phải là Ta.
Cái Tôi càng lớn lên làm cho chúng ta trở thành người cố chấp, không chịu nhún nhường nhau. Chính vì vậy có rất nhiều mối quan hệ đổ vỡ chỉ vì cái Tôi của mỗi cá nhân quá lớn.
Vì không ai có thể triệt tiêu cái Tôi được, mất nó chính là mất đi nhận dạng cá nhân, như vậy trái với luật tự nhiên. Để khắc phục và thuần hóa cái Tôi, có 2 cách thực hiện. Tuy nhiên, chắc ai cũng thấy được mặt tiêucực, và tích cực nếu cái Tôi của chúng ta được sử dụng hợp lý.
- Cách tiêu cực : Nếu cái tôi của bạn quá lớn, lúc nào cũng xem mình là nhất, không chịu thua kém bất kỳ ai, bất cứ việc gì, luôn xem thường suy nghĩ của người khác,…thì lúc đó chúng ta hãy tự soi lại và sữa chữa, khắc phục cái Tôi.
- Cách tích cực : Đó là biết sử dụng của cái Tôi đúng lúc: lớn dần đúng lúc và nhỏ dần đúng lúc.
Ví như khi tranh luận thì ta hăm hở bảo vệ chính kiến của chúng ta nhưng khi có gì mới đáng để học hỏi thì chúng ta chấp nhận lùi bước để đạt được sự đồng thuận thì điều đó sẽ rất tuyệt vời. Vì kiến thức của thế giới này là vô tận, mỗi người một lĩnh vực, không ai trong thiên hạ có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Nên việc hạ cái tôi nhỏ bé lại để học hỏi là điều đáng trân trọng và sẽ được xã hội đánh giá cao.
Cái Tôi cũng như mọi thứ khác, nếu biết sử dụng hợp lý, điều chỉnh hợp lý và dừng lại đúng mức thì vô cùng có lợi. Chúng ta “Cần cái Tôi to và cái Tôi nhỏ trong cùng một con người vào cùng một thời điểm.”
          5) Quan điểm Ngã theo Ngôn Ngữ học:                                          
Ngôn ngữ cũng có cái nhìn nội dung về Ngã tương tự như ở Tâm Lý học, đó là từ ý tưởng, ý nghĩ về Ngã nơi Tâm Lý học được diễn đạt bằng tiếng nói hay điệu bộ và chữ viết được phân định có hệ thống nơi Ngôn Ngữ học, sự phân định chính tựu trung có 3 loại sau:
          1/.Loại 1-Tướng (danh từ// đại từ;  E: noun// pronoun):  Chỉ sự vật cụ thể hay trừu tượng, gồm:
          - Cái tôi xưng hô: Như tên, tôi trong giao tiếp. Cái Tôi này ít nguy hiểm.
          - Cái tôi địa vị, nghề nghiệp: Như giám đốc, bác sĩ,kỹ sư, ... Cái Tôi này dễ trở nên chấp thủ nguy hiểm.
- Cái tôi ảo tưởng:  Như những ý tưởng lệch lạc, phán đoán chủ quan (đẹp-xấu, thương-ghét, ...). Cái tôi này luôn tiềm ẩn nguy hiểm do bị chi phối bởi Tham-Sân-Si.
          2/. Loại 2 - Tác  (động từ;  E: verb):  Chỉ hành động.                                      
3/.Loại 3 - Tính:  Chỉ tính chất, gồm:                                                   
+ Bổ nghĩa cho Loại 1: (tính từ;  E: adjective)         
+ Bổ nghĩa cho Loại 2: (trạng từ;  E: adverb).
Quan điểm về Ngã này cũng như ở Tâm Lý học, đó là Tướng-Tác-Tínhcủa Ngã hoặc theo hướng tíchcực với Vô ngãtính (= Duyên khởitính:tính chất Duyên khởi), hoặc theo hướngtiêu cực vớiChấp ngãtính(tính chất chấp thủ nơi những giả danhcủa Tướng-Tác-Tính).
III. Quan điểm Ngã theo tôn giáo hữu thần.
1) Quan điểm Ngã theo Ấn Độ giáo (Đa thần):                                
Ấn Độ giáo phát triển trên nền tảng 4 bộ kinh Vệ Đà (Vedanta # 3000 tCN) và Áo Nghĩa Thư ( Upanisad # 1500 tCN ) cho rằng nơi mỗi người có cấu trúc độc lập một Ngã thấp hèn là thân-tâm hiện hữu, đã từng sinh diệt và sẽ sinh diệt (luân hồi) trong nhiều kiếp sống khổ đau gọi là Tiểu Ngã(S: Ātman). Hiện hữu đồng hành cùng đó là một Ngã cao cấp hay Ngã vũ trụ linh thiêng, trường tồn, vô hình, bất khả diễn đạt mà con người không tự biết được, đó là Đại Ngã(S: Brahman).

Ātman (Hinduism) - Wikipedia
 

Brahman - Wikipedia
Đại ngã – Wikipedia tiếng Việt

 
         
Tu đắc đạo đối với Ấn Độ giáo là thực hành rèn luyện theo những qui định được xem là cao thượng để đạt tới sự thấy biết,và kết quả là Tiểu Ngã hòa đồng vào Đại Ngã.                                                 
Quan điểm này cho thấy là Ấn Độ giáo đã biểu hiện xu hướng Chấp ngã nơi Ngã cá nhânNgã vũ trụ.        
          2) Quan điểm Ngã theo Ki-tô giáo (Độc thần):                                           
Ki-tô giáo trên nền tảng của kinh Thánh (Cựu Ước # 650 tCN và Tân Ước # 45-:-140 CN) cho rằng nơi mỗi người có cấu trúc gồm một Ngã là thân-tâm hiện hữu và một Ngã được Chúa tạo ra tức thì chứ không do cha mẹ sinh ra gọi làLinh Hồn(E: Soul).
Linh Hồn này thường hằng và không bị hủy diệt khi rời khỏi thân xác vào lúc chết. Vào ngày Chúa trở lại trần gian với sự phán xét sau cùng (E: final ressurection: tận thế), Linh Hồn này sẽ đoàn tụ lại với thân xác như trước khi chết, dù rằng trước kia thân xác sau khi chết đã bị tan rã.
   
Theo (1. Tê-sa-lô-ni-ca 5:23) được xem là một trong các sách Tân Ước sơ khai viết bởi Hội Thánh thành Tê-sa-lô-ni-ca sáng lập khoảng năm 51 CN, cho rằng con người cấu tạo bởi thân xác, tâm hồn, và linh hồn, và với kiến thức ngày nay nó được giải thích như sau (Dịch "Was ist der Mensch?" của NXB Verlag Der Strom, Stuttgart, từ bản tiếng Đức) :
-Thân thể (E: body)của con người – ngõ cụt.
Thân thể con người là vỏ ngoài cùng của sự tồn tại chúng ta; và qua năm giác quan của nó, chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cuối cùng, khi đối diện với cái chết thì chúng ta phải thừa nhận rằng thân thể như là một lối cụt."Vì ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về với bụi đất" (Sáng thế ký 3:19).
-Tâm hồn(E: mentality, mind) của con người –chiếc khóa bị thiếu chìa!
Tâm hồn của con người (tiếng Hy Lạp dùng từ tâm lý để chỉ tâm hồn) không gì khác hơn là tình cảm (cảm xúc tốt-xấu, yêu-ghét, vui-buồn ...), lý trí (suy tưởng đúng-sai), và tâm lý (ý chí, ý muốn). Tâm hồn là phần ẩn bên trong nhưng rất thực của sự tồn tại con người và không dễ dàng thấy được. Không có giải pháp nào trong tâm hồn chúng ta cả, tâm hồn như là chiếc khóa bị thiếu chìa.
-Linh hồn (E: soul)của con người – chiếc chìa khóa!
Sâu thẳm tận bên trong cùng của con người có một khu vực, mà vẫn còn là một bí mật sau hàng thế kỷ. Nó chính là một mục tiêu không xác định được của mỗi người đi tìm sự thật. Nó là phần sâu nhất sự tồn tại của bạn, sâu hơn cả tâm hồn bạn. Nếu dùng sức lực của bản thân, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được nó. Cả khoa học, tôn giáo, hay sự trầm tư mặc tưởng đều không giúp bạn được gì trong chuyện này. Nó chính là Linh hồn của con người mà Thượng Đế đã tạo ra và đặt vào bên trong con người. Chỉ có Linh hồn của con người mới nhận biết được những gì thực sự nằm bên trong của con người. "Vì ai biết được những gì bên trong người ngoại trừ tâm linh (linh hồn) trong chính người ấy?"(1. Cô-rinh-tô 2:11).
Khác với Ấn Độ giáo, Linh hồn (# Ngã cao cấp) chỉ hiện diện trong một kiếp sống. Sau khi chết, Linh hồn hoặc sẽ bị đày đọa nơi hỏa ngục nếu người nào không chịu tin Chúa hiện hữu, hoặc tin Chúa mà hãy còn lỗi tội thì đi vào luyện ngục để đền chuộc trước khi được đưa tới kho chứa Linh Hồn trên thiên đàng, chờ ngày Chúa tái lâm trở lại trần gian để ráp Linh hồn hằng hữu vào xác thân được tái lập [dù là xác thân trước đó đã bị tan rã sau khi chết], và sẽ sống đời đời bên Thiên Chúa (= hưởng nhan Thánh Chúa).
          Quan điểm này đã đánh trúng tâm lý sợ chết và đoạn diệt  nơi con người (đoạn kiến và thường kiến). Quan điểm này cho thấy Ki-tô giáo đã biểu hiện xu hướng chấp Ngã nơi Ngã cá nhânthân-tâm + Linh hồnNgã vũ trụ là Thiên Chúa.          
IV. Quan điểm Ngã theo tôn giáo vô thần.

Ātman (Buddhism) - Wikipedia
Ngã (Phật giáo) – Wikipedia tiếng Việt
          1) Ngã.
Ngã(我;  P: Attā;  S: Ātman;  E: Atman):  Là cái Ta được ý niệm với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Đạo Phật không công nhận sự hiện diện của một Ngã như thế trong tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, có nghĩa là không có một chủ thể gì được gọi là độc lập, thường còn.
- Chấp ngã(執我;  P: Lagga-Atta;  S: Lagna-Atman; E: Intra-Self hay Intra-existed-Self):  Đây là những quan điểm có tính chất đóng khung, mang tính cực đoan, đối kháng từ nhận thức chủ quan đối với các yếu tố về Ngã.
- Vô Ngã(無我;  P: An-Atta;  S: An-Atman;  E: Non-Self hay Non-existed-Self):  Đây là những quan điểm có tính chất vượt thoát từ nhận thức khách quan đối với các yếu tố về Ngã.
          2) Phân loại Ngã.
Có sự phân biệt về Ngã như sau:
          - Ngã sở  [我所;   P: Attaniya, Atmaniya;  S: Atmiya; E:  Belonging to oneself, anything related to the self, Mine, Self-mine]:  Đó là chấp Ngã về ngoại sự vật mang thuộc tính của Ngã, như cái do tôi sở hữu, cái thuộc về tôi, cái của tôi.
          - Ngã sự[我事;  P: Attā;  S: Ātman;  E: Ego, I, Me, Self, Self-body, Myself].  Đó là chấp Ngã về thân.  Ví dụ như
+ Thân tôi: My body.
+ Chính tôi: Myself.
+ Công việc của tôi: My affairs.
- Tự ngã[似我; P: Attā;  S: Ātman; E: Self-mind]:  Đó là chấp Ngã về tâm.Bởi Tự có nghĩa là hình như, có vẻ như, nên Tự Ngã được hiểu ‘như là Ngã’.
Theo đạo Phật, con người do Chấp ngã (= Chấp thủ ngã), nên mãi bị ràng buộc vào các thấy biết phiến diện nhầm lẫn gây nên khổ não cho chính mình và cho người; đó là các tệ nạn từ Chấp ngã về cá nhân, Chấp ngã về tôn giáohay Chấp ngã về dân tộc, mà trong suốt lịch sử loài người, khổ não nơi con người đã không lúc nào ngưng nghỉ.
          Trong kinh Trung Bộ I, 140, đức Phật nói:  “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.  Sự khổ nơi đây không gì khác hơn là sự Chấp ngã, và sự diệt khổ cũng không gì khác hơn là sự Phá chấp ngã – đó là Vô ngã, như trong cấu trúc Tứ Diệu Đế chỉ ra:
+  Khổ đau       <=>     Nhận thức Cực đoan :     Chấp Ngã.  [Khổ - Tập]                 
+  Hạnh phúc   <=>     Nhận thức Trung Đạo :    Vô Ngã   [Diệt – Đạo]
VIDEO
- Cái tôi(Bản ngã là gì?
- Nhận diện bản ngã (cái Tôi)
- Bản ngã ảo tưởng trung tâm(ái ngã)
 
[Xin xem thêm mục từ Vô ngã]
o0o

Nghi.

          Nghi(疑;  E: Doubt) là trạng thái lý trí suy xét nhưng không nhận rõ được lẽ thật hư, không biết chắc rõ ràng, không thể xác quyết là phải hay quấy. Khi có điều nghi ngờ, người ta thường có khuynh hướng dùng triết lí để phân tích vấn đề, hoặc quán sát trực tiếp vấn đề, để mong thấy rõ cái lý lẽ chân thật.

          Dưới đây là sơ nét tìm hiểu về Nghi triền cái (Nam tông - thiền định) và Nghi kết sử (Nam tông - thiền tuệ) trong Như Lai thiền, và Nghi tình (Bắc tông) trong Tổ Sư thiền .

1) Nghi triền cái疑纏蓋= Hoài nghi 怀疑hayNghi:  Có nghĩa là ngờ vực, do dự, phân vân. Nghi là một trong 5 triền cái, là một trong 5 chướng ngại trong Thiền định.

          Nghi  (疑;  P: Vicikicchā;  S: Vicikitsā;  E: Doubt) chỉ cho trạng thái tâm ngờ vực, phân vân, lo lắng do suy nghĩ lộn xộn nơi khả năng chứng đắc các tầng thiền.  Ở đây, hoài nghi không có nghĩa là mất niềm tin, không phải hoài nghi về đức Phật ... Bởi một người không phải Phật tử cũng có thể khắc phục hoài nghi, và đắc thiền. Theo bản Chú giải, vicikiccha là không đủ khả năng quyết định một việc gì đó phải là thế nào. Nói khác đi, nghi nơi đây là tâm trạng bất định.
Tứ  (伺;  P: Vicāra;  S: Vicara;  E: sustained thinking):  Có nghĩa là nghiền ngẫm, nghiên cứu kỹ,suy xét kỹ. Tứ chỉ cho tâm bám sát vào đối tượng (P;S: nimitta;  E: sign) (*) đang quán chiếu và suy xét kỹ…, để chế ngự nghi triền cái.  Điều này giống như con bướm đã bay đến hoa và đậu chặt vào hoa.
Tác giả HT. Narada có nêu ra 6 điều sau đây có chiều hướng tiêu trừ chướng ngại này:
                              1) Thông suốt giáo pháp và giới luật.
2) Nghiên cứu, học hỏi và thảo luận.
3) Thấu triệt tinh thần của giới luật (Vinaya).
4) Niềm tin hoàn toàn vững chắc.
5) Tạo giới thâncận tốt.
6) Luận đàm hữu ích.

-----------------

(*)Chú thích:

Nimitta:  nimitta đề cập đến một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí sau khi phát triển một mức độ định nào đó.

 

2) Nghi kết sử 疑結使= Nghi(疑;  P: Vicikicchā;  S: Vicikitsā;  E: Doubt)
          Nghi kết sử là lòng ngờ vực và không tin. Nghi kết sử bao gồm ngờ vực và không tin mình, ngờ vực và không tin người và ngờ vực và không tin pháp. Nghi kết sử là một trong 10 kết sử, là một trong 10 chướng ngại trong Thiền tuệ. Nội dung của nghi kết sử là:
          - Nghi mình là không có niềm tin vào bản thân, thối lui trước các khó khăn nên không làm được việc gì cả. Những người như vậy thì phải ở gần thiện hữu tri thức để được động viên, thúc đẩy tập làm những chuyện nhỏ trước. Có thành công những chuyện nhỏ thì nhiều chuyện nhỏ góp lại nên được chuyện lớn.
          - Nghi người là không có niềm tin vào người khác. Những người hay nghi ngờ người khác thường do chấp vào tri kiến hiểu biết của mình, cho nên bình luận đánh giá người khác qua những hiểu biết của mình, dễ làm mất đi thiện hữu tri thức mà ta không biết. Những ai ít nghi ngờ người khác sẽ dễ học được cái hay của người và có nhiều thiện hữu tri thức.
          - Nghi pháp là không có niềm tin vào pháp dạy đơn giản, rõ ràng. Ví dụ trong kinh Pháp cú, bài kệ 183 có chép:
Các ác pháp chớ làm,
Chỉ làm các pháp thiện,
Tự tâm ý thanh tịnh,
Đó là lời Phật dạy.
          Đơn giản hành động “ngăn ác diệt ác pháp, sanh trưởng tăng trưởng thiện” thì sẽ thấy thanh thoát hơn. Người nghi ngờ pháp này sẽ dẫn đến thối chí không thể nào tu tập được.
3) Nghi tình疑情(thuộc Thiền tông, tức Thiền Tổ sư ở Trung Hoa). 
Nghi-tình là trạng thái tâm thắc mắc, bức xúc, muốn biết mà biết không nổi. Trong Thiền tông, khởi đầu của “nghi” là nghi một hiện tượng ngoại giới, rồi dần dần chuyển hướng vào nội giới, hình thành một “khối nghi” gọi là “nghi tình”. Nghi tình làm điều kiện dễ dàng cho trí quán chiếu trực tiếp phát sinh.

Do đó, Thiền tông thường nhấn mạnh rằng, cái nghi lớn (đại nghi) chính là cái tuyệt đối cần thiết cho sự tham thiền ngộ đạo. Ví như có vị sư làm mất chiếc áo cà sa duy nhất, tìm không thấy, cứ nhớ mãi trong lòng, niệm niệm không quên, để rồi lại đi tìm, cho đến khi nào tìm thấy mới thôi. Cho nên, “nghi” là điều tối quan trọng của hành giả tập thiền, có nghi mới có chứng ngộ; và cái nghi đó được gọi là “chân nghi” (cái nghi chính đáng). Không có cái nghi tình (chân nghi) này thì sẽ không hi vọng có ngày chứng ngộ.

Nghi tình trong công án thiền là nghi vấn rồi lặng lẽ kiên trì chờ đợi sự bùng vỡ bất ngờ chứ không được tìm cách lý giải.

Thí dụ:

- Khi đệ tử hỏi Ngài Triệu Châu, “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu đáp: “Không!”.  Nguyên câu hỏi là một công án (公案= câu thoại) và chữ “Không” là thoại đầu (話頭= trước lời nói – chỗ trọng yếu, trung tâm của công án).

- Hành giả tham thiền bất cứ công án nào, hễ có dấu hỏi tức có nghi tình, nếu lấy câu thoại (= thoại đầu, tức công án) làm đối tượng,ta có thiền công án (= tham công án) haythiền thoại đầu(= tham thoại đầu). Hành giả không được tự ý trả lời cho đến khi hoát nhiên liễu ngộ[Xin xem thêm mục từ Công án].

Thiền tông với Tổ sư thiền có giáo ngoại biệt truyền, là phán trực tiếp, tức không cho nổi lên một niệm. Trong khi các pháp môn thiền quán khác là đều dùng cái biết để tu, dùng ghi nhớ biết, tìm hiểu biết để tu; thì ngược lại, Tổ sư thiền không cho tìm hiểu, ghi nhớ và suy nghĩ.

Nghi triền cái và Nghi tình là những tu tập định. Nếu là định vô vi vô ngã thì mới thoát tam giới, ngược lại định nào còn hữu vi hữu ngã (do nỗ lực của bản ngã tạo thành) thì không thoát khỏi tam giới. Như vậy là còn tuỳ vào cách hành giả tham thiền như thế nào mới để đạt được quả Giải thoát .

o0o
Nghiệp. 
Nội dung
I. Nghĩa chung của chữ Nghiệp.
II. Bản tính của Nghiệp.
III. Phân loại Nghiệp theo tính chất.
IV. Phân loại Nghiệp theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa.
V. Chu trình Nghiệp và các mối tương quan.
VI. Định mệnh và Định nghiệp (các chu trình Nghiệp)
VII. Thần thông và Nghiệp lực.
VIII. Về kinh: Tiểu nghiệp phân biệt & Đại nghiệp phân biệt.
IX. Chuyển Nghiệp.
X. Vài nhận thức và kinh nghiệm về Nghiệp.
I. Nghĩa chung của chữ Nghiệp.

Karma in Buddhism- Wikipedia
 Nghiệp (Phật giáo)– Wikipedia tiếng Việt
 Nghiệp(;  P: Kamma;  S: Karma).
Trong Phật giáo, Nghiệp hàm chứa một nội dung sâu rộng với sự lý giải các trạng tướng về sự sống và hoạt động của chúng sinh hữu tình, đặc biệt là con người. 
- Nghiệp với nghĩa thông thường là thành quả, công tích của hành động. Như sự nghiệp 偉業.
Trong điều Giác ngộ thứ ba của kinhBát Đại Nhân Giác,có viết:“Duy tuệ thị nghiệp唯慧是業”,  có nghĩa:  Trí tuệ  là sự nghiệp trên hết   hay  Tuệ giác là thành quả trên hết của việc tu học Phật.
- Nghiệp với nghĩa sâu hơn là hành động, ý tưởng cho hành động. Như Tam nghiệp 三業là ba thứ hành động từ thân, miệng và ý. 
+ Thân nghiệp 身業hành động bởi thân làm ra. 
+ Khẩu nghiệp 口業hành động bởi miệng làm ra.
+ Ý nghiệp 意業ý tưởng mong muốn hành động.
+ Túc nghiệp 宿業hành động từ kiếp trước làm ra.
- Nghiệp còn có thể chỉ tính chất của hành động, như:
          +Nghiệp nhân 業因: Là hành động tạo tác.
                    + Nghiệp quả業果= Nghiệp báo 業報:Là kết quả của hành động tạo tác.
+ Nghiệp lực 業力:  Là sức mạnh của hành động tạo tác. Khi sức mạnh này chỉ cho thói quen tạo Nghiệp (động lực của thói quen) thì gọi là Tập khí (習氣;  P;S: Vāsanā;  E: Habit energie). 
Nói chung, nội dung của Nghiệp có mối tương quan với luật Nhân-Quả 因果(= Nhân-Duyên-Quả 因緣果: Nguyên nhân và Kết quả). Nghĩa là trong Phật giáo, Nghiệp được khảo sát trên nền tảng của chân lý khách quan tự nhiên Duyên khởi.
II. Bản tính của Nghiệp.
1) Nghiệp và Định mệnh.
Trong kinh Tăng Nhất A Hàm hay kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara-nikāya VI) có ghi: “Như Lai xác nhận chính tác ý  là gốc của Nghiệp. Bởi có ý muốn làm mới có hành động bằng thân-khẩu-ý”. 
Như vậy, Nghiệp hình thành từtác ý作意 (= tư tác 私作: P;S: cetanā;  E: volition, intention), đó là ý chí (E: will), là ý muốn (E: desire, volition), là ý định (E: intent, intention), là mong muốn hành động, thuộc Hành uẩn (行蘊;  P: Saṅkhāra-khandha;  S: Saṁkhāra-skandha).
Theo đó, luật Nghiệp báo 業報hayluật Quả báo  làcách nói của luật Nhân-Quả  về đạo đứcđối với hành động thiện hay bất thiện. Trong đó:
- Quả: Là kết quả của hành động có tác ý. 
- Báo:  Là đền trả một cách công bằng, không tiêu mất khi đủ duyên. 
Theo đó, quả báo là kết quả của các hành vi trước đây, tức kết quả của Nghiệp.
• Quả báo từ Nghiệp quá khứ gồm hai thứ: chánh báo y báo.
- Chánh báo (正報;  E: proper retribution):  Là quả báo gốc hay là quả báo chủ yếu của nghiệp nhân đã tạotừ kiếp trước.Chánh báo biểu hiện nơi hình tháithân tâm được sinh ra.
- Y báo (依報;  E: circumstantial retribution):  Là quả báo nương nơi chánh báo mà có như nhà cửa, hoàn cảnhxung quanh nhưmôi trường mà mình được sinh vào, bao gồm tình trạng xã hội, địa lý, xuất phát từ nghiệp mà ta đã tạo từ kiếp trước.
• Quả báo từ Nghiệp hiện tại gồm ba thứ:  hiện báo, sinh báo và hậu báo.
- Hiện báo (現報;  E: Immediate retribution):  Là quả báo trong hiện tại, do những hành động tốt hay xấu mình đã làm ra trong hiện tại.
- Sinh báo (生報;  E: Life’s retribution):  Là quả báo mình phải chịu trong đời sau. Do hành động tốt hay xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo.
- Hậu báo (後報;  E: Future retribution):  Là qua nhiều đời kiếp mới chịu quả báo.
Theo Phật giáo, Nghiệp báo không phải là định mệnh, vì vậy luật Nghiệp báo không cố định mà thường được xem như là những khuynh hướng, như:
-Trong Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (P: Cūḷa Kamma VibhaṅgaSutta) nói rằng: “Một nghiệp nhân thiện có khuynh hướng đem lại một nghiệp quả lành, một nghiệp nhân bất thiện có khuynh hướng đưa đến một nghiệp quả dữ ”.
- Trong Tương Ưng Bộ kinh, đức Phật cho biết: “Không có người nào hay thực thể nào nằm đàng sau tiến trình 5 Uẩn, 12 Nhân Duyên. Cũng không có cá nhân nào đi tái sinh mà chỉ có dòng Nghiệp báo trôi chảy triền miên. Đức Phật là người đã thoát ra khỏi dòng Nghiệp báo qua tỉnh giác:Như Lai không bước tới, Như Lai không dừng lại, Như Lai thoát khỏi bộc lưu
- Trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikāya), đức Phật có dạy rằng: “Con người là chủ nhân của Nghiệp; là kẻ thừa tự Nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; Nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” . 
2) Nghiệp và Tội.
Trong kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có ghi lại trường hợp một vị đạo sĩ, thuộc đạo Jain mà thời đó gọi là Nigantha, đến yết kiến Đức Phật. Dưới đây là một mẫu đối thoại trong Trường Bộ Kinh:
"Sau khi đạo sĩ Dīghā chào hỏi Đức Thế Tôn và an tọa, Đức Phật hỏi đạo sĩ:
- Nầy đạo sĩ, trong đạo Nigantha, vị giáo chủ Nātaputta dạy có bao nhiêu loại Nghiệp?
- Bạch đức Gotama, trong đạo của chúng tôi, vị giáo chủ Nātaputta không hề nói đến cái Nghiệp nhưng chỉ dạy về cái tội mà thôi.
- Vậy có bao nhiêu thứ tội?
- Bạch Ngài, tội có ba loại: tội do thân, do khẩu và do ý.
- Trong ba tội ấy tội nào nặng hơn hết?
- Bạch Ngài, chính tội của thân nặng hơn cả.
Sau khi xác nhận ba lần như thế, đạo sĩ Dīgha hỏi lại Đức Phật:
- Bạch đức Gotama, còn theo giáo pháp của Ngài có mấy thứ tội?
- Nầy đạo sĩ, trong giáo pháp của Như Lai không hề nói đến tội, nhưng chỉ nói về Nghiệp mà thôi.
- Bạch Ngài, vậy có bao nhiêu thứ Nghiệp?
- Nghiệp cũng có ba loại: Nghiệp thân, Nghiệp khẩu và Nghiệp ý.
- Bạch Ngài, trong ba loại Nghiệp ấy, loại nào quan trọng nhất?
- Nầy đạo sĩ, chính  Nghiệp ý là quan trọng nhất".
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy chủ trương về Nghiệp giữa Phật giáo và đạo Jain không hoàn toàn giống nhau. Phật giáo xem hành động có chủ ý mới tạo Nghiệp, còn quan điểm của  Nigantha cho rằng dù vô tình hay cố ý vẫn có giá trị thiện ác như nhau. Hai quan điểm về Nghiệp như thế không thể bị đồng hóa, giống nhau được.
3)Định Nghiệpvà Bất định Nghiệp
1/. Định Nghiệp (定業;  E: fixed kamma):  Là hành động tạo Nghiệp nhất định phải bị báo ứng theo luật Nhân-Quả chứ không thể nào tránh khỏi.
Đây là hành động, là việc làm của chúng sinh được tác ý từ khối tâm chấp ngã, mê lầm nơi chính mình. Ý tưởng về một hành động luôn được dấy khởi và huân tập thành tiềm lực thúc đẩy thực hiện gọi là Nghiệp lực 業力(tiềm lực tạo hành động theo ý chí, ý muốn – E: latent power of  kamma).  Hành động sau khi thực hiện sẽ có một hiệu ứng phản hồi (E: reactive effect) về chính tác nhân ban đầu, tạo thành một chu trình (E: cycle). Hình ảnh cùa chu trình này gần như một boomerang của thổ dân châu Úc, và hiệu ứng của nó tựa như nguyên lý lực và phản lực (E: action, reaction ) của ngành Vật lý Cơ học.
  
 

         
          Theo đó, có thể nói rõ hơn:
+ Nghiệp lực[業力; E: power of kamma]:  Sức mạnh củahành độngtạo tác.
+Nghiệp nhân[業因; E: active power of kamma]:  Chỉ cho nghiệp lựctạo tác.
          + Nghiệp quả業果= Nghiệp báo業報[E: reactive power of kamma]:  Chỉ cho nghiệp lực nhận lại từ tạo tác.
Chữ Nghiệp từ đây được hiểu như là Định Nghiệp, là chu trình diễn biến khép kín khởi từ tác động của con người ra môi trường bên ngoài và chịu sự phản hồi tất yếu từ môi trường bên ngoài vào chính mình, tạo thành một trạng tướng mới nơi con người trong cuộc sống. Chu trình diễn biến khép kín này gọi là Chu trình Nghiệp diễn biến theo tiến trình Nhân-Duyên-Quả  theo sơ đồ sau:
  NGƯỜI    
Tạo (tác ý)
Nhận
        NHÂN
QUẢ
  DUYÊN


 
 

2/.Bất định Nghiệp (不定業;  E: non-fixed kamma):  Là Nghiệp có thể được thấy dưới 2 dạng sau, đó là:
- Nghiệp có thể tránh được, hoặc Nghiệp chuyển từ nặng thành nhẹ (do tu tập), hay Nghiệp chuyển quả báo sớm thành ra quả báo muộn.
- Nghiệp không hình thành do hành động vô tình (không có ý thức cố tâm), hay hành động của bậc giác ngộ.
1.Bất Định Nghiệp từ hành động vô tình.
Một hành động vô tình, vô ý  không phải tạo Nghiệp (kể cả trường hợp người bị bệnh tâm thần).
Đối với một người theo Ấn Độ giáo hay Kỳ Na giáo, một hành động vô ý đạp chết một động vật, người ấy đã tạo nên một Nghiệp xấu, nhưng đối với một người Phật tử, thì hành động ấy không tạo Nghiệp, vì không có ý định giết hại. Đây là sự khác biệt căn bản của Phật giáo đối với các tôn giáo khác về Nghiệp.
Trong Atthasālini  (Chú giải bộ Pháp Tụ) phân định rất rõ ràng 5 điều kiện hội đủ để phạm tội sát sinh tạo Nghiệp:
1.Người hay vật có thức tính (còn sống).       
2.Biết rằng người hay vật ấy còn sống.
3.Có ý muốn sát hại.      
4. Cố gắng sát hại.
5.Người hay vật ấy chết do hành động cố sát.
Ví dụ 1:  Một người thông thường trong xã hội chưa thể bị ghép tội sát nhân khi người này mới có ý định đó. Tuy nhiên theo điều kiện thứ ba, ý định này là điều kiện chủ yếu đủ để hình thành Nghiệp.
Ví dụ2:  Một hành động vô ý có thể gây nên một án mạng, thì đó không phải là tội cố sát, mà chỉ có tội ngộ sát thôi, nên không tạo Nghiệp.
Những biểu hiện qua khẩu (miệng) cũng vậy, phải đòi hỏi những điều kiện tương tự mới cấu thành Nghiệp được. Nói chung, Nghiệp được dùng trong Phật giáo để chỉ những hành động cố ýqua thân, khẩu,ý(có thể đồng thời cả ba), và được thẩm định đạo đức thiện-ác của những hành động cố ý này.
2.Bất Định Nghiệp từ hành động của bậc giác ngộ.
Đây là hành động, là việc làm của các bậc giác ngộ-giải thoát, được tác ý trên nền tảng của tâm Vô ngã, nghĩa là hành động nhập thế được ứng xử với đầy đủ tính chất đạo đức Từ bi-Trí tuệ của đạo Phật, là hành động có tình-có lý,  nhưng đó là thứ tình cảm không trói buộc, là thứ lý trí không vướng mắc từ nhận thức chân lý Duyên khởi – tất cả đều tương đối và tùy duyên.
Do đó sau mỗi hành động, mỗi việc làm đem lại lợi ích cho chúng sinh, nội tâm thanh tịnh của bậc giác ngộ sẽ tự làm rơi rụng những gì đã là. Vì vậy mọi hành động của các bậc giác ngộ-giải thoát không bị chúng ràng buộc và thường được gọi là duy tác(唯作;  P:  kiriyā;  S: kriyā;  E: only-action).                 
Trong kinh Lăng Già có ghi: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp, Như Lai chưa từng nói lời nào”.
Trong kinhBát Đại Nhân Giác,có viết:“Duy tuệ thị nghiệp唯慧是業”,  có nghĩa  “Trí tuệ  là sự nghiệp trên hết  hay  Tuệ giác là thành quả trên hết của việc tu học”,  đã cho chúng ta hiểu rằng có sự chuyển hóa từ  Mê nghiệp  của chúng sinh tới  Tuệ nghiệp của bậc giác ngộ.
Theo đó, tu để chuyển Nghiệpkhông gì khác hơn là rèn luyện nhận thức sâu sắc chân lý Duyên khởi. Nhận thức chân lý này là phương tiện giúp hành giả thực hành duy tác, vượt thoát mọi trói buộc của Nghiệp, cho dù đó là Nghiệp thiện hay Nghiệp bất thiện.   
III. Phân loại Nghiệp theo tính chất.
Có nhiều cách phân loại Nghiệp, điển hình Nghiệp có thể được phân loại theo các tính chất cơ bản sau :                              
+ Tính chất định tính :      Có 3 yếu tố  nhân—duyên—quả.                    
+ Tính chất định lượng :   Có 2 yếu tố  nhẹ—nặng (khinh—trọng).                     + Tính chất không gian :   Có 3 yếu tố  thân—khẩu—ý.                                               + Tính chất thời gian :      Có 2 yếu tố  cũ—mới.                                                         + Tính chất đạo đức :       Có 2 yếu tố  thiện—ác (lành—dữ).                             
1) Nghiệp theo tính chất định tính:  Diễn tả một chu trình Nghiệp, gồm 3 loại:         
1/. Nghiệp nhân (E: kamma-cause):  Đây là lúc khởi đầu của chu trình Nghiệp. Hành động từ nơi thân-khẩu-ý của mình đến sự vật ngoài mình, được gọi là Biệt nghiệp(E: individual kamma). Nếu động lực xuất phát  từ thói quen thì Nghiệp nhân được gọi là Tập quán nghiệp(E: habit kamma).                  
 2/.Nghiệp duyên (E: kamma-condition):  Đây là nguồn động lực bên ngoài có tác động làm tăng hay giảm cường lực của Nghiệp nhân như:                       
- Động lực từ thiên nhiên, xã hội, giáo dục, gia đình (bao gồm tính di truyền) … tác động lên, được gọi là Cộng nghiệp(E= communal kamma).                                                                                                        
- Động lực từ hoàn cảnh lúc chết như thanh thản hay nuối tiếc, xả ly hay chấp thủ khiến người chết “vui hay buồn”, được gọi là Cận tử nghiệp(E= near-death kamma, death-proximate kamma).
          3/.Nghiệp quả (E: kamma-effect):  Đây là lúc kết thúc của chu trình Nghiệp, con người buộc nhận chịu sự việc có tính chất chung của nghiệp nhân và nghiệp duyên, còn gọi là Dị thục quả (異熟果;  P: Vipāka-vatta;   S: Vipāka-phala), với các tính chất tốt (lành, may) hay xấu (dữ, rủi),  nặng (nhiều) hay nhẹ (ít). Tuy nhiên Nghiệp quả cũng có thể hoán chuyển do những phát nguyện hồi hướng, nhưng thường chỉ có thể có nơi Nghiệp quả tốt.
2) Nghiệp theo tính chất định lượng:  Diễn tả cường lực của Nghiệp, gồm 2 loại.                                
 1/.Nghiệp nhẹ (E: petty kamma) cường lực của Nghiệp tác động không ảnh hưởng nhiều và không thường xuyên đối với môi trường bên ngoài.                     
2/Nghiệp nặng (E: weighty kamma) cường lực của Nghiệp tác động ảnh hưởng lớn dù là một lần hoặc nhiều lần, cho dù đó là ảnh hưởng nhỏ đối với môi trường bên ngoài.    
Ví dụ:                                                 
- Nghiệp dữ nặng khi hành xử xấu với đối tượng có ân sâu nghĩa nặng với mình như cha hay mẹ, hoặc với đối tượng có đạo cao đức trọng và thường được gọi là Cực trọng nghiệp(P: Garuka-kamma) với 5 sự việc sau gọi là Ngũ nghịch (五逆;  P;S: Pañcānantarya; Ānantarika-kamma ;  S: Pañcānantarya, Ānantarika-karma): 
1- Giết cha.  2- Giết mẹ.  3- Giết  Alahán.  4- Phá hòa hợp Tăng.  5- Làm thân Phật ra máu(ngày nay được xem là phá chùa, phá tượng thờ).  Ngược lại, nhiều Nghiệp lành khi có sự hành xử  tốt với các đối tượng trên.                      
- Nghiệp dữ nặng với đối tượng hành nghề sát sanh… và nhiều Nghiệp lành với đối tượng hành nghề mang tính phổ biến đạo đức rộng rãi đến số đông người như thầy tu, thầy giáo …                     
- Nghiệp lành được nhiều nếu hành trì các việc tốt có sự định hướng chọn lọc  như  Ngũ đại thí (giữ Ngũ giới), Trường cửu thí  [Xin xem mục từ này).   
3) Nghiệp theo tính chất không gian:  Diễn tả những nơi mà từ đó con người có sự hoạt động tạo nghiệp, gồm 3 loại.                                      
1/.Nghiệp thân (P: kaya-kamma;  E: body-kamma) :  nơi thân con người  hình thành hành vi tác động trên sự vật bên ngoài,  có 3 loại hành vi thuộc  thân được  xem là quan trọng tạo nghiệp xấu nặng hay tạo nghiệp tốt nhiều như  sau :                              
+ Trên mạng sống:   hủy diệt  hay  bảo vệ.                                                                + Trên tài lợi:  chiếm hại  hay  tôn trọng.                                                                   + Trên tình cảm (gia đình):   phá vỡ  hayxây dựng.                     
 2/.Nghiệp khẩu (P: vaci-kamma;  E: speech-kamma) : nơi thân con người hình thành lời nói tác động trên sự vật bên ngoài, có 4 loại nói được xem  là quan trọng đối với việc tạo nghiệp xấu hay tốt như sau :  
+ Trên lẽ thật:  sai  hay  đúng.                                                                                  + Trên thái độ :  hung hãn  hay  ôn hòacộc cằn  hay  dịu dàngrủa xả  hay  nhã nhặn.                     
+ Trên tài lợi :  lường gạt, vu oan  hay  trung thực.                                                    + Trên tinh cảm :  ly gián (2 lưỡi)  hay  hòa hợp.                                   
 3/.Nghiệp ý (P: mano-kamma;  E: mind-kamma) :  nơi thân con người  hình  thành ý thức  trên sự vật bên ngoài, có 3 loại ý đươc  xem là quan trọng đối với việc tạo nghiệp xấu hay tốt như sau :                                     
+ Trên  thuận cảnh :    tham dục  hay  từ bi.                                                               + Trên  nghịch cảnh :  sân hận  hay  từ bi.                                                                 + Trên  nhận thức :     si mê  hay  trí tuệ.                                                        
Tổng cộng có 10 hành vi quan trọng thể hiện đạo đức, quyết  định tình trạng sống xấu hay tốt,  khổ đau hay hạnh phúc nơi con người, và được gọi là Thập ác nghiệp  hay  Thập thiện nghiệp
4) Nghiệp theo tính chất thời gian: Diễn tả thời điểm xuất  hiện chu trình nghiệp, gồm 2 loại.                                                                       
1)/.Nghiệp cũ (E: old kamma) :  Đó là chu trình nghiệp bắt đầu hình thành từ một trong các kiếp sống quá khứ  và quả trổ của nó có thể là trong kiếp sống hiện tại hay trong các kiếp sống tương lai.                                             
 2/. Nghiệp mới (E: new kamma):  Đó là chu trình nghiệp bắt đầu hình thành từ kiếp sống hiện tại và quả trổ của nó có thể có ngay trong kiếp sống hiện tại hay trong các kiếp sống tương lai.                                                              
- Nghiệp quả hiện tại được gọi là  Hiện báo nghiệp(E: present effect karma).                    - Nghiệp quả kiếp sau được gọi là  Sinh báo nghiệp(E: rebirth effect karma).        - Nghiệp quả các kiếp tương lai gọi là  Hậu báo nghiệp(E: future effect karma).
5) Nghiệp theo tính chất đạo đức:  Diễn tả tính thiện-ác, lành-dữ, tốt-xấu của chu trình  Nghiệp  tuân theo  nguyên lý đạo đức  của Phật giáo, gồm 2 loại.
1/.Nghiệp thiện (P: kusala-kamma;  E: good kamma):  Đó là chu trình Nghiệp mà bắt đầu với tác ý hướng thiện, làm lợi ích cho mình và cho sự vật bên ngoài mình. 
2/.Nghiệp ác (P: akusala kamma;  E: bad kamma):  Đó là chu trình Nghiệp mà bắt đầu là tác ý hướng ác, hoặc là làm lợi mình mà hại sự vật bên ngoài, hoặc là làm hại mình mà lợi sự vật bên ngoài, hoặc cả hai  là mình và sự vật bên ngoài đều bị hại.

Trở lại với Thập thiện nghiệpThập ác nghiệp  bằng giải thích cụ thể hơn:
+ Trên mạng sống:  Tôn trọng và bảo vệ mạng sống của mình và người là thiện, hủy diệt mạng sống của mình (tự tử trước nghịch cảnh…) hay của người (bức tử người do quyền lực,do lợi danh hay do sân hận…) hay cả mình lẫn người (bức tử người, sau đó tự tử do si mê về nhận thức hay sân hận về tình cảm…) là ác.              
+ Trên tài sản:  Tôn trọng tài sản hay lợi ích của mình, của người hay của công là thiện, chiếm lấy hay phá hại tài lợi của mình hoặc của người hoặc của mình và người hay của công (hoang phí, lấy cắp, phá hoại…) là ác.                 
+ Trên tình cảm (gia đình):  Tôn trọng và xây dựng, tạo sự hòa hợp tình cảm gia đình của mình, của người  là thiện. Ngược lại làm hại, phá vỡ tình cảm, hạnh phúc gia đình của mình, của người (tạo xung đột, tà hạnh…) là ác.                    
+ Trên  4 loại lời nói :  – Đúng lẽ thật.  – Ôn hòa, dịu dàng, nhã nhặn.  – Trung thực.  – Hòa hợp …  làm lợi mình, lợi người  là thiện.  Ngược lại nói :  - Sai lẽ thật.  – Hung hãn, cộc cằn, rủa xả.  -  Lường gạt, vu oan.  – Ly gián… là ác.     
+ Trên nhận thức:  – Từ bi (bố thí, khoan dung…) – Trí tuệ (nhận thức đầy đủ và đúng đắn…) làm lợi mình, lợi người  là thiện.  Ngược lại  ý thức chấp thủ (tham, sân) hay si mê (nông cạn, sai lầm…) làm hại mình, hại người … là ác.   
Trong Thập thiện nghiệp hay Thập ác nghiệp chỉ đề cặp nơi cá nhân trực tiếp thực  hiện, còn gián tiếp  có đến 3.  Do đó hành vi lại có thể  nhân rộng ra là  Tứ thập thiện nghiệp  và  Tứ  thập ác nghiệp  (tức 40 Nghiệp thiện và 40 Nghiệp ác) như sau:
           1.Mình (cá nhân)                             Thập thiện nghiệp.
           2.Bảo kẻ khác  
           3. Vui đối với  việc
           4. Khen đối với  việc                              Thập ác nghiệp.
 
                                                                    
 
IV. Phân loại Nghiệp theo bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa.
Phân loại Nghiệp và Quả của Nghiệp theo bộ Vi-Diệu-Pháp Yếu-Nghĩa (P: Abhidhammatthasaṅgaha) của Ngài Đại Trưởng lão Anuruddha được trình bày trong phần Kammacatukka theo bốn cách:
1) Về phương diện phận-sự của nghiệp: Có bốn loại nghiệp:
1/. Sinh nghiệp (P: Janaka-kamma):
Còn gọi là Sinh quả nghiệp, là Nghiệp lực có phận sự chi phối sự tái sinh (P: paṭisandhi). Thức tái sinh (P: paṭisandhi vinnāna) bị chi phối bởi Nghiệp này, và hình thành danh uẩn (P: nāma khandha), sắc uẩn (P: rūpa khandha) đầu tiên. Sinh nghiệp cũng trải dài suốt kiếp sống của một chúng sanh từ khi sinh ra cho đến chết.
Ví dụ do sinh nghiệp mà một chúng sinh tái sinh trong một kiếp làm người, chư thiên hay loài thú.
2/.Trì nghiệp (P: Upatthambhaka-kamma):
Còn gọi là Hỗ trợ nghiệp, là nghiệp lực duy trì sự sinh tồn hay thọ mạng của một chúng sanh từ khi mới sinh cho đến lâm chung.
Ví dụ, thiện trì nghiệp giúp cho một người được hưởng hạnh phúc và bất thiện trì nghiệp làm cho đời sống người ấy đau khổ trong kiếp sống của họ. Nếu không có trì nghiệp một chúng sinh có thể chết ngay từ lúc mới sinh.
3/. Chướng nghiệp (P: Upapīḷaka-kamma):
Còn gọi là Hãm hại nghiệp, là Nghiệp có phận làm trở ngại Sinh nghiệp khiến cho đời sống đang bình thường bỗng gặp khó khăn.
Ví dụ một người đang mạnh khoẻ bỗng gặp tai nạn trở nên tàn tật, hoặc một người đang thông thái thế mà sau một cơn bệnh bỗng trở nên khù khờ dại dột.
4/. Đoạn nghiệp (P: Upaghātaka-kamma):
Còn gọi là Sát hại nghiệp, là Nghiệp lực có khả năng cắt đứt Sinh nghiệp.
Ví dụ như một vị tổng thống đang sống rất an lành hạnh phúc bỗng bị ám sát chết một cách ngờ. Người ta thường gọi đó là bất đắc kỳ tử.
Bất đắc kỳ tử không phải do định mệnh hay số phận, cũng không phải oan uổng mà chính vì Đoạn nghiệp của một người quá mạnh khiến cho kiếp sống bị đứt đoạn nửa chừng.
2) Về phương diện năng lực của quả báo:  Có bốn loại nghiệp:
1/. Cực trọng nghiệp (P: Garuka-kamma):
Còn gọi là Trọng yếu nghiệp, là Nghiệp lực rất mạnh, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau:
- Nếu là Nghiệp ác cực mạnh như giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng hoặc gây thương tích cho đức Phật, thì sẽ sa đọa vào địa ngục vô gián (một trong 6 nẻo luân hồi), nên còn gọi đây là Vô gián nghiệp(P: Ānantarika-kamma – Xin xem mục từ Ngũ nghịch).
- Nếu là Nghiệp thiện cực mạnh như đắc được các bậc thiền định thì được sinh lên các cõi trời hữu sắc hoặc vô sắc.
2/. Cận tử nghiệp (P: Āsannaka-kamma):
Là Nghiệp lực phát sinh ra lúc lâm chung (khi người sắp chết không có Cực trọng nghiệp). Nghiệp này có thể là hành động, lời nói, ý nghĩ hay là phản ứng của tâm khi nhớ lại những nghiệp đã làm lúc sinh tiền ngay trong giây phút hấp hối. Có 3 hiện tượng xuất hiện trong giờ phút lâm chung là:
- Nghiệp(P: Kamma):  Người đang hấp hối có thể thấy lại một nghiệp nào đó đã làm trong lúc sinh tiền, như người hung ác có thể thấy lại hành động sát hại của mình, người lương thiện có thể thấy hành động bố thí...
Nghiệp tướng (P: Kammanimitta):  Người lúc lâm chung có thể thấy một vài chi tiết nổi bật nào đó trong các Nghiệp đã làm, như người sát sinh thường thấy vũ khí hoặc máu me, người có tín tâm thường thấy điện thờ hoặc trầm hương nghi ngút...
-Thú tướng(P: Gatinimitta):  Người sắp chết có thể thấy trước cảnh giới mà người ấy sẽ tái sinh vào. Như người thường làm phước thiện sẽ thấy cõi chư thiên, trái lại người thường làm điều ác sẽ thấy cảnh địa ngục. Chữ thú (P: gati) ở đây có nghĩa là hướng đi tái sinh.
+ Thiện thú (P: sugati) là hướng các cõi thiện như cõi trời, người. 
+Ác thú (P: duggati) là hướng các cõi ác như cõi ngạ quỉ, súc sanh.
Cận tử nghiệp rất quan trọng trong việc tái sinh, một người có thể làm nhiều việc thiện nhưng ngay khi chết nhớ lại một điều ác nào đó rồi sanh vào cảnh khổ. Trái lại một người làm nhiều điều ác nhưng lúc lâm chung giữ được tâm niệm lành thì vẫn được sanh vào nhàn cảnh. Tuy nhiên những hành động thiện hay ác đã làm trước kia vẫn phải trả quả sau đó hoặc được tích trữ cho đến khi đủ duyên sẽ trổ quả bất cứ lúc nào.
3/.Tập quán nghiệp(P: Ācinna-kamma):
Còn gọi là Thường hành nghiệp, là Nghiệp lực thường tạo tác trong đời sống hàng ngày của chúng ta và nó đã trở thành tập quán. Nghiệp nầy có thể thiện hoặc bất thiện. 
- Bất thiện như người đồ tể có thói quen sát sanh, người ác khẩu có thói quen chưởi mắng. 
- Thiện như người tu hành có thói quen niệm Phật, nhà từ thiện có thói quen ban phát.
Theo đó, nếu là tập quán bất thiện thì dù nhẹ cũng rất nguy hiểm cho sự tiến hoá. Trái lại nếu là tập quán thiện thì dù nhỏ cũng đem lại nhiều kết quả lợi ích.
4/. Tích lũy nghiệp (P: Kaṭattā-kamma):
Còn gọi là Bình thường nghiệp, là Nghiệp lực bình thường kém 3 loại Nghiệp trên, hoặc Nghiệp trong kiếp quá khứ còn tàng trữ trong vô thức (P: bhavanga) chưa đến lúc trổ quả vì chưa hội đủ cơ duyên hay điều kiện thuận tiện. Chính vì Nghiệp này chưa trả quả mà nhiều người nghĩ rằng kẻ làm ác không bị quả báo. 
Trong Minh Tâm Bửu Giám, mục Kế Thiện 繼善(Noi giữ việc tốt lành), có nói: "Thiện ác đều có báo ứng. Nếu chưa báo ứng chỉ là do thời giờ chưa đến - Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo -善有善報,惡有惡報。若還不報,時辰未到。có thể giải thích được điều này.
3) Về phương diện thời gian báo ứng:  Có bốn loạiNghiệp:
1/. Hiện báo nghiệp (P: Diṭṭhadhammavedanīya-kamma):
Còn gọi là Hiện kiếp quả nghiệp, là Nghiệp có hậu quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất).
Ví dụ như một người biển lận công quỉ bị tịch biên tài sản, hay một kẻ sát nhân bị bắn chết tại hiện trường. Tuy vậy cũng khó nói được chính xác Nghiệp nào có quả hiện tại vì đôi khi đó là quả của Nghiệp quá khứ do duyên tương đồng mà trổ quả chứ không phải là quả của Nghiệp hiện tại. Điều nầy cần chiêm nghiệm kỹ bằng trực giác (như đạt được Tam minh) để cảm nhận hơn là phán đoán bằng lý luận.
2/. Sinh báo nghiệp (P: Upapajjavedanīya-kamma):
Còn gọi là Hậu kiếp quả nghiệp, là Nghiệp cho quả ngay trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì).
Ví dụ như một người kiếp nầy thường bố thí cúng dường kiếp sau sinh ra được giàu sang tôn quí, trái lại một người trộm cắp gian xảo kiếp sau bị khốn khổ nghèo hèn. Tích xưa có một người tỳ nữ vừa mới dâng cúng Đức Phật một cành hoa mướp với tâm vô cùng hoan hỷ thì trên đường về bị bò húc chết, ngay khi đó được sinh làm tiên nữ trên cõi trời với dung sắc tuyệt mỹ không vị tiên nữ nào sánh kịp. Đó là Sinh báo nghiệp.
3/. Hậu báo nghiệp (P: Aparāpariyavedanīya-kamma):
Còn gọi là Kiếp kiếp quả nghiệp, là Nghiệp cho quả bất cứ một kiếp nào về sau khi hội đủ điều kiện (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-la-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn). Đôi khi một Nghiệp đã được trả quả trong hiện tại hoặc kiếp sau nhưng dư âm của nó vẫn còn gây hậu quả trong nhiều kiếp sau đó cũng gọi là Hậu báo nghiệp.
Ví dụ như trường hợp một người lương thiện nhưng khi lâm chung vì một chướng duyên đã khởi tâm bất thiện, do cận tử nghiệp đó phải tái sanh vào cõi khổ trong kiếp sau, vì vậy những nghiệp lành của người nầy trở thành Hậu báo nghiệp. Trái lại một người thường tạo nghiệp bất thiện nhưng khi lâm chung nhờ một thiện duyên đã khởi tâm lành có thể tái sanh vào nhàn cảnh nên những nghiệp ác của người ấy sẽ trổ quả trong những kiếp bất định về sau.
Đó là lý do tại sao một vài đạo sĩ khi thấy một chúng sinh làm ác sau khi thân hoại mạng chung vẫn được sinh vào nhàn cảnh và kết luận rằng không có kết quả của hành động thiện ác. Thật ra, vì họ chỉ thấy được một vài kiếp sống chứ chưa chứng kiến được toàn diện hiện tượng nhân quả nghiệp báo.
4/. Vô hiệu nghiệp (P: Ahosikamma):
Còn gọi là Vô-hiệu-quả-nghiệp, là Nghiệp không còn hiệu lực cho quả của Nghiệp được nữa, nghĩa là những Nghiệp đáng lý có kết quả trong kiếp hiện tại hay kiếp sau, nhưng không hội đủ điều kiện để trổ quả nên trở thành vô hiệu.
Ví dụ một vị thánh A-na-hàm sau khi viên tịch sinh lên cõi trời sắc giới rồi từ đó đắc quả A-la-hán, và sẽ nhập diệt tại đó chứ không trở lại cõi người, nên dĩ nhiên là những Nghiệp chưa kịp trả quả trở thành vô hiệu. Đó là trường hợp đức Phật và các vị A-la-hán, những Nghiệp lực yếu ớt còn dư sót không chi phối được các Ngài.
4) Về phương diện cảnh giới. 
Nghiệp cũng được chia làm 4 loại:
1/. Dục giới bất thiện nghiệp (P: Kāmāvacara-akusala-kamma):
Là những Nghiệp ác tạo tác với tâm bất thiện ở cõi dục nên bịtrả quả trong bốn ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la hoặc làm người trong tình trạng bất hạnh. Đó là những nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói chia rẽ, nói lời ác, nói vô ích, tham lam, sân hận, tà kiến.
2/. Dục giới thiện nghiệp (P: Kāmāvacara-kusala-kamma):
Là những Nghiệp tạo tác với tâm thiện ở cõi dục nên đượctrả quả ở sáu cõi trời dục giới, ở đó được hưởng đời sống an lạc dưới hình thức chư thiên, hoặc trả quả làm người được sống hạnh phúc. Những Nghiệp này là phóng sanh, bố thí, tiết dục, chân thật, nói hòa hợp, nói ái ngữ, nói hữu ích, không tham, không sân và chánh kiến.
3/. Sắc giới thiện nghiệp (P: Rūpāvacara-kusala-kamma):
Là những Nghiệp thiện thuộc các bậc thiền định hữu sắc, như những người đắc từ sơ thiền đến tứ thiền hữu sắc, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được hưởng quả trong mười sáu cõi sắc giới thiên. Ở đó phạm chúng sống rất an tịnh, tạm thời không bị các nhân tham, sân,si chi phối.
4/. Vô sắc giới thiện nghiệp (P: Arūpāvacara-kusala-kamma):
Là những thiện Nghiệp thuộc các bậc thiền định vô sắc, như những người đắc thiền không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau khi lìa cõi dục được sinh lên bốn cõi vô sắc giới thiên, trong đó đời sống rất vi tế, thanh tịnh và tự tại, các vị chư thiên ở đó sống rất lâu nhưng đến khi quả báo không còn hiệu lực, họ cũng phải trở lại dục giới chịu những quả vui khổ họ đã tạo trước kia.
Như vậy Nghiệp là một định luật Nhân Quả công bằng, trong đó có tự do và trách nhiệm, khác hẳn với thuyết định mệnh cho rằng con người phải chịu số phận mà tạo hoá đã định sẵn, họ không có quyền tự do quyết định vận mệnh của mình. Và dĩ nhiên như thế con người không cần phải chịu trách nhiệm về mọi hành động cá nhân, vì trách nhiệm đó đã có Trời Đất gánh vác.
V. Chu trình Nghiệp và các mối tương quan.
Chu trình Nghiệp gồm  Nghiệp Nhân- Nghiệp Duyên- Nghiệp Quả  được  xem  là  những cứ  điểm xuất  phát cho các nhận thức và thực hành việc tu học, và được thể hiện qua sơ đồ sau :
                     Nghiệp Nhân          Nghiệp Duyên         Nghiệp Quả
- Nặng (nhiều)           - Thân      - Mới             - Ác (dữ)  
- Nhẹ   (ít)                   - Khẩu      - Cũ             - Thiện (lành)                         
  - Ý                                                                       
          Tổ hợp lại ta có 60 trường hợp thay vì 72 do Nghiệp quả chỉ xét ở thời điểm hiện tại, theo tính chất thời gian là mới.  Với  60 trường hợp này, chúng ta có thể tạm lý giải một ít sự kiện liên quan tới Nghiệp mang tính đạo đức và tích cực trong cuộc sống . Vì đây chỉ là bước đầu của quá trình gồm học hỏi, lý luận, tư duy, và cuối cùng là thân chứng trực giác để có thể thấy được một cách trọn vẹn lẽ thật về Nghiệp.
Trong Aṅguttara Nikāya IV 8. Phẩm không hý luận 77. “Không Thể Nghĩ Ðược”, đức Phật đã nói rằng : “Quả dị thục của Nghiệp là không thể nghĩ bànđược, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.”                
1) Thập Nhị Nhân Duyên và các chu trình Nghiệp:


Đồ hình pháp Duyên khởi
[Dependent Origination Charts]
Ta có mối tương quan sau.                            
- Vô minh, Hành:   Nghiệp nhân cũ.                                                                           - Thức, Danh sắc, Lục nhâp, Xúc:   Nghiệp quả mới  từ Nghiệp nhân cũ.               - Thọ, Ái, Thủ, Hữu:   Nghiệp nhân mới.                                                            - Lão, Tử:   Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân mới và  Nghiệp quả vị lai (Xin xem thêm mục từ Duyên Khởi).                                                                                   
1) Nghiệp nhân cũ: Là tổng hợp các Nghiệp đã tạo tác cho đến lúc qua đời của kiếp sống cũ. Nghiệp này tạo tiền đề cho sự tái sanh trong lục đạo làđịa ngục, ngạ quỹ , súc sanh, atula, người, trời nên còn gọi là  Dẫn nghiệp  hay  Tổng báo nghiệp(E: integral-direction  kamma).                                                     
2) Nghiệp quả mới từ nghiệp nhân cũ:  Gồm 2 phần:           
- Một phần nghiệp nhân cũ trổ quả vào lúc bắt đầu một kiếp sống mới gọi là Sinh nghiệp hay Mạn nghiệp(E: productive kamma).  Nơi con người, Nghiệpnày biểu hiện các tính chất về  giống: nam-nữ,   sắc: đẹp- xấu,   trí: khôn-ngu,   sức: mạnh-yếu,  lộc: giàu-nghèo,   danh: uy-liệt,   tánh: thiện-ác,   mệnh: thọ-yểu…                   
- Một phần nghiệp nhân cũ trổ quả dần trong suốt kiếp sống hiện tại (và cả trong các kiếp sống vị lai) qua những sự việc đột ngột hay kéo dài làm thay đổi ít nhiều cuộc sống trước đó, dù rằng ta không  cố tác ý hành động.  Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân cũ này lại có 2 loại :                                                               
* Nghiệp quả mới lành:  Được tài sản bất ngờ (trúng vé xổ số…, tài trợ kinh tế) vượt  qua các nghịch cảnh, được sống sót sau tai nạn giao thông (tàu, xe, máy bay…) …, tất cả được gọi chung  là Phước nghiệp(E: happy  kamma ).            
* Nghiệp quả mới dữ:  Bị tù vì một án oan, bị mất tài sản do thiên tai, bị thương tật  trên cơ thể…, tất cả được gọi chung là  Chướng nghiệp(E: suppressive  kamma).  Bị chết đột ngột được gọi là Đoạn nghiệp(E: destructive kamma).
3) Nghiệp nhân mới:  Là những Nghiệp nhân được tạo mới,  có thể hàm chứa các tính chất cơ bản nêu trên như nặng-nhẹ,  thân-khẩu-ý,  thiện-ác  và  có thể trổ quả trong hiện tại hay vị lai.                         
 4) Nghiệp quả mới từ nghiệp nhân mới:  Là kết quả tương xứng có được từ các Nghiệp nhân mới.                                                     
Trường hợp điển hình cần lưu ý là vô tình gây ra một tai nạn giao thông và rồi bị  phạt tiền và phạt tù, thì không thể nói rằng nơi đây do Nghiệp nhân mới vô tình và nhận lấy Nghiệp quả mới vô tình, vì Nghiệp đã là tác ý, là cố tình.  Do đó không thể có một hành động vừa vô tình lại vừa cố tình.  Chỉ có thể nói rằng toàn bộ sự kiện gây tai nạn và bị phạt là một Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân cũ.
Một trường hợp tương tự khác là vô tình bị bỏng lửa và cố tình bị bỏng lửa, thì dù bị nặng hay nhẹ trong mỗi hai trường hợp trên, trường hợp vô tình là Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân cũ và trường hợp cố tình chính là Nhân-Quả đồng thời, là Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân mới.                                                     
Như vậy, trong kiếp sống hiện tại, từng mỗi con người nhận chịu cả vừa một chuỗi Nghiệp quả mới từ các Nghiệp nhân mới hình thành do mình chủ động, vừa bị ràng buộc nhận chịu bởi một chuỗi các Nghiệp quả mới từ Nghiệp nhân cũ.       
VI. Định mệnh và Định nghiệp (các chu trình Nghiệp)
1/.Định mệnh(定命;  E: fate):  Theo nghĩa thường, định mệnh ám chỉ là mệnh lệnh thiêng liêng có sức mạnh vô hình đặt định cho từng con người  mà mình không thể can dự, thay đổi.                                                        
 + Theo kinh điển Ấn Độ giáo, mọi hành động của con người đều bị chi phối bởi thiên nhiên và thiên nhiên lại được Phạm Thiên an bài  định đoạt.  Bởi thế, con người  đành phải bó tay trước số phận mà tạo hóa đã định sẵn, hoặc phải cúng tế cầu xin được gia ân, ban phước.                                        
 + Theo Trung Văn Đại Từ Điển, đã giải thích rằng định mệnh là số phận con người do Thần linh qui định từ trước.  Con người chỉ là bóng mờ nhân ảnh.
2/.Định nghiệp (定業;  E: fixed kamma):  Theo sự trình bày trên, đã cho ta thấy rằng số phận con người chính là Nghiệp quả mà con người phải thọ nhận từ Nghiệp nhân cũ và Nghiệp nhân mới do chính mình đã chủ động tạo tác ra. Do đó, số phận con người là do Định nghiệp và hoàn toàn trái hẳn với  Định mệnh.               
Định luật Nghiệp chính thật là Định luật Nhân-Quả  trên con người với đầy đủ tính đạo đức, tính nhân bản và tính công bình. Vì thế, hạnh phúc hay khổ đau, tự do giải thoát hay nô lệ trói buộc  đều do chính mỗi cá nhân tạo lấy cho mình.
Nhận thức về Nghiệp với nội dung Bất định nghiệpĐịnh nghiệp(Xem mục II. bên trên), quả đã đóng vai trò quan trọng trong đạo Phật, nó không khuyến khích con người  hưởng thụ, mà chính là giúp con người  thoát khỏi dòng Nghiệp lực đã triền miên chi phối, ràng buộc. Do đó ngay từ những điều kiện đầu tiên để đạt quả vị thứ nhất trong hàng Thánh nhân là phải :                                                          
-  Diệt  thân kiến:  Không chấp thủ Ngã (Ngũ uẩn).                                           -  Diệt  hoài nghi:  Nhận thức rõ về Nghiệp, không mê lầm ở định mệnh.           -  Diệt  giới cấm thủ:  Không chấp thủ các lễ nghi định lệ và thụ động.   
Đây là con đường đưa tới đoạn tận dòng lực Mê nghiệp, giải thoát trong Duy tác-Bất định nghiệp, là nhận thức sâu sắc Duyên khởivà tu tập viên mãn:                 
Từ bi-Trí tuệ :               cho  hành xử nhập thế.                                            -  Vô ngã-Thanh tịnh :      cho  hành xử xuất thế.    
VII. Thần thông và Nghiệp lực.
Theo đạo Phật, thần thông không là vạn năng. Công dụng của thần thông tuy rất lớn, nhưng cũng chỉ là một trong những hiện tượng tự nhiên, không thể đi ngược lại hay vượt qua quy luật tự nhiên Nhân Quả-Nghiệp Báo.  Người có phép thần thông, thường dễ làm những việc dị lạ để mê hoặc người, chứ không thể giúp ích gì cho sự hỗn loạn của xã hội, cũng không làm cho nhân tâm bớt phần lo lắng bàng hoàng. Ngược lại, người đam mê phép thân thông sẽ tách rời cuộc sống bình thường.
Các đệ tử A-la-hán, không phải vị nào cũng có thần thông giống như nhau. Dùng thần thông có thể nhất thời cảm hóa (= thu hút) chúng sinh, nhưng không thể nhiếp hóa (= thu phục) chúng sinh lâu dài được.
Trong hàng ngũ tỳ-khưu tăng, thần thông đệ nhất có ngài Mục Kiền Liên (目犍連;  P: Moggallāna). Trong hàng ngũ tỳ-khưu-ni, thần thông đệ nhất là Liên Hoa Sắc (蓮華色;  P: Uppalavaṇṇā). Thế nhưng, ngài Mục Kiền Liên bị ngoại đạo dùng gậy đánh chết. Còn ngài Liên Hoa Sắc thì bị gậy sắt của Đề-bà-đạt-đa đánh chết. Chính vì vậy mà các vị Tổ sư qua các đời ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc đều rất ít dùng thần thông để truyền bá đạo Phật.
Trong kinh Majjhima Jātaka, thuộc Trung bộ kinh có mô tả về cái chết của tôn giả Mục Kiền Liên, và có đoạn viết: “Thần thông của Mục Kiền Liên không phải là điều hư giả, tôn giả có thể lên trời xuống đất, biến hóa khôn lường, thân thể không có chướng ngại, tự do tự tại. Năng lực thần thông của tôn giả là bất khả tư nghị. Thần thông ấy không hề bị tiêu mất, nhưng khi đối mặt với Nghiệp lực trước mắt, tôn giả biết rằng nợ Nghiệp thì tất phải trả. Đây là luật Nhân Quả, không ai có thể vi phạm. Khi Nghiệp lực tới, người ta phải nhận nó phù hợp với đạo lý. Mọi người đều cần phải hiểu rằng khi Nghiệp lực tới, đừng cố gắng chạy trốn và mang tâm oán hận. Một người cần phải biết rõ rằng tạo Nghiệp là đáng sợ như thế nào. Hãy tu tập tinh tấn và cẩn thận với hành vi của chính mình”.
Dù bay lên tận không trung,
Hay là lặn xuống tận cùng bể khơi,
Chui vào hang thẳm núi đồi
Khắp trên trần thế chẳng nơi an toàn
Thoát tay Nghiệp ác trót mang.
                                   Kệ Pháp Cú127
VIII. Ý nghĩa kinh: Tiểu nghiệp phân biệt & Đại nghiệp phân biệt.
1)  Kinh Tiểu nghiệp phân biệt (P: Cūḷa kamma vibhaṅgasutta).  
Lý do đức Phật nói kinh Tiểu nghiệp phân biệt là thanh niên Subha todeyyaputta hỏi Phật: "Do nhân duyên gì cùng là loài người với nhau, nhưng có sự sai khác nhau về cuộc sống. Có người được người khác yêu mến, có người không được người khác mến thương; người được sống lâu, người lại chết yểụ; người khoẻ mạnh, người bị nhiều bệnh hoạn; người đẹp kẻ xấu; người có chức quyền, người không chức quyền; người giàu kẻ nghèo; người thông minh, kẻ ngu muội...?" 
Ðức Phật trả lời: "Các loài hữu tình là chủ nhân của Nghiệp, là thừa tự của Nghiệp; Nghiệp là thai tạng. Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu". 
Ðại ý câu trả lời này, đức Phật giải thích sự khác biệt nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt về Nghiệp. Như vậy, Nghiệp là gì? Nghiệp theo Phật giáo là hành động có ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo. hành động nào mang một ý thức tốt đẹp thiện, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp.
Sự khác biệt nhau về con người không phải là số phận, là định mệnh, mà chính là do hành Nghiệp của chúng ta. Ðây là ý nghĩa chân chính mà đức Phật muốn trả lời cho vị thanh niên Subha Todeyyaputta. Ðó là lý do vì sao đức Phật nói bài kinh này với 4 trường hợp sau: 
1/-  Sự khác biệt giữa người sống lâu và người chết yểu. 
Người có cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bịnh tật là vì người ấy sống với tâm độc ác, không có lòng từ bi, tàn nhẫn sát hại mạng sống của chúng sinh... Ðây là nguyên nhân khiến cho mạng sống của người ấy ngắn ngủi, nhiều tật bệnh. Sau khi mạng chung, người ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú hay địa ngục.
Ngược lại, người sống được trường thọ và ít bệnh tật là vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sanh tâm sát hại, cho nên người ấy hiện đời có cuộc sống lâu dài, ít bệnh. Sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi Người hay cõi Trời. 
2/-  Sự khác biệt giữa người đẹp kẻ xấu. 
Cũng trong bài kinh này đức Phật trình bày lý do tại sao cùng là con người trong xã hội, nhưng có sự khác nhau về người đẹp và kẻ xấu như sau: Nếu chúng sanh sống trong sự phẫn nộ, sân hận, bất mãn... Ðó là nguyên nhân đưa đến có một thân thể không xinh đẹp không dễ thương.
Ngược lại, nếu người nào sống trong sự bình tỉnh, không phẫn nộ, không sân hận, đó là nguyên nhân khiến cho người ấy có thân hình đẹp đẽ dễ thương. 
3/-  Sự khác biệt giữa người có địa vị và không địa vị. 
Người không có quyền thế trong xã hội, vì người ấy sống với lòng tật đố, tị hiềm, nghi kỵ không tôn trọng người khác, đó là lý do khiến cho người ấy sống trong xã hội không có quyền thế.
Ngược lại, người nào sống với lòng khoan dung, cảm thông, tôn trọng kẻ khác, do vậy người ấy sống có quyền thế trong xã hội. 
4/-  Sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo
Người có cuộc sống nghèo khổ trong xã hội là vì người ấy sống với tâm keo kiết bỏn xẻn, không biết bố thí, vì nhân duyên ấy, người đó có đời sống nghèo khổ, bần cùng.
Ngược lại, người nào sống với tâm rộng rãi, biết bố thí cúng dường, là lý do khiến cho người ấy có cuộc sống giàu có ... 
Thế thì ý nghĩa sâu xa chính đáng về nghiệp theo đức Phật quan niệm như thế nào? Ðể trả lời cho câu hỏi này chúng ta co thể căn cứ "Kinh Đại nghiệp phân biệt" để tìm hiểu quan điểm về nghiệp của đức Phật, sẽ được trình bày như dưới đây: 
2) Kinh Đại nghiệp phân biệt (P: Mahā kamma vibhaṅga sutta)
Ðối tượng mà đức Phật nói kinh Đại nghiệp phân biệt là tôn giả Ananda và các vị Tỳ kheo. Trong nội dung bài kinh này, đức Phật phân tích mối quan hệ Nhân Quả sâu sắc để giải thích bốn trường hợp, đặc biệt Ngài rất chú trọng đến vai trò của Chánh kiếnthời điểm hiện tại, đó là điểm căn cứ để đánh giá kết quả của một hành động, nó thuộc về thiện hay ác.
1/.  Lý do người làm ác sanh vào cõi dữ.    
Ðối với trường hợp thứ nhất, đức Phật giải thích: Trong lúc sống người ấy đã làm các việc ác, có tà kiến, trong lúc lâm chung vẫn giữ tâm Tà kiến. Do đó, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. 
2/.  Lý do người làm ác sanh vào cõi lành.           
Ðối với trường hợp thứ hai, đức Phật giải thích: Trong lúc sống, tuy người ấy làm những việc ác, có Tà kiến, nhưng trong khi mạng chung người ấy sinh tâm hối hận về những việc làm ác trong quá khứ, lại có Chánh kiến. Do vậy, người ấy không sinh vào cõi dữ, ngược lại sinh vào cõi lành. 
3/.  Lý do người làm lành sanh vào cõi lành.       
Ðối với trường hợp thứ ba, đức Phật giải thích: Do vì trong cuộc sống của người ấy làm các việc lành, có Chánh kiến. Trong lúc mạng chung, tâm người ấy vẫn có Chánh kiến. Do vậy, người ấy sau khi mạng chung sinh vào cõi lành. 
4/. Lý do người làm lành sanh vào cõi dữ.          
Ðối với trường hợp thứ tư, đức Phật giải thích: Tuy người ấy trong khi sống làm những việc lành, có Chánh kiến, nhưng trong lúc lâm chung, vì lý do nào đó, người ấy có Tà kiến. Do vậy, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 
IX. Chuyển Nghiệp.
Chuyển nghiệp 轉業là xoay đổi, biến đổi nghiệp từ xấu sang tốt, là xoay đổi Thân ngiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp mà gốc chủ yếu là Ý nghiệp (do từ tâm khởi) với 2 mục đích sau:
- Ác nghiệp   =>  Thiện nghiệp :  Thuộc phạm trù đạo đức.
- Mê nghiệp  =>  Tuệ nghiệp   :   Thuộc phạm trù chân lý.
Hai phạm trù chuyển nghiệp này được kinh trình bày như sau:
- Trong kinh Pháp Cú có hai bài kệ 1 và 2:
Ý dẫn đầu các pháp.                   Ý dẫn đầu các pháp.                  
          Ý làm chủ tạo tác.                      Ý làm chủ tạo tác.  
          Nếu với ý nhiễm ô.                      Nếu với ý thanh tịnh.
          Nói năng hay hành động.            Nói năng hay hành động
       Khổ não bước theo sau.              An lạc bước theo sau.
       Như xe theo vật kéo.                  Như bóng không rời hình. 
- Trong kinh Kim Quang Minh có bài kệ đặc trưng:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu;
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều Không
Thế mới thật là chân sám hối.
Hay:           
Tánh tội vốn Không do tâm tạo
Tâm nếu diệt rồi, tội sạch không
Tội không tâm diệt cả hai Không
Thế ấy mới là chân sám hối.
Thật vậy, khi tạo Nghiệp là do suy nghĩ và hành động có tác ý, thì khi chuyển Nghiệp hành giả cũng phải tác ý. Tác ý nơi đây chính là cách mà hành giả luôn thực hành Chánh niệm về đạo đức Duyên khởi và chân lý Duyên khởi vậy.
X. Vài nhận thức và kinh nghiệmvề Nghiệp.
[Nghiệp qua một số kinh luận và trí giả]         
Không trên trời dưới biển.              +   Lành dữ bởi nơi ta.     
    Không hang động núi rừng.                 Không ai lành cho ai.  
    Không trú chốn nơi nào.                      Nhiễm tịnh do ta cả.             
    Trốn được quả ác nghiệp.                   Không ai thanh tịnh ai.
(Kệ Pháp Cú 127 )                                (Kệ Pháp Cú 165)  
Lành hay Dữ  bởi ta, chứ không ai có thể  làm lành cho ta được.        
   Thanh tịnh hay Ô động cũng bởi ta, chứ không ai có thể làm thanh tịnh cho ta được.
(Kinh Pháp Cú  165 )
+ Người  ngu từ việc làm nhỏ đến lớn đều do Tham-Sân-Si.  Người trí thì trái lại đều do Từ Bi-Trí Tuệ, xa lìa mọi khổ đau.                          
(KinhTăng Chi )            
Người làm thiện ác trong đời này,  đó là sở hữu của người đó.  Người ấy mang theo nó trong khi tái sanh.  Nghiệp theo người ấy như bóng với hình.     
(Kinh Tương Ưng )     
Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự nghiệp.  Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa phân chia các loài hữu tình.                
(Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt)        
+ Thông qua nhiều loại nghiệp mà tất cả chúng sinh không giống nhau về  thọ-yểu, khỏe-bệnh, giàu-nghèo, đẹp-xấu, mạnh-yếu, trí-ngu.                   
(Kinh Na Tiên)                
+ Không thể có cái gì cao đẹp hơn, công bình hơn, đạo đức hơn và đáng tin hơn là thuyết  Nghiệp-Tái sinh.  Tự nó đã đủ chứng minh tất cả những bất đồng về thể xác và tri thức, những bất công về xã hội, những thiên lệch đáng sợ về số phận.    
(Nhà văn Bỉ, Nobel văn chương Maurice Maeterlinck)  
+ Chắc chắn là con người sanh  ra trong những điều kiện bất đồng, tương ứng với những  gì mà từng mỗi con người ấy đã hành động trong kiếp sống quá khứ theo đúng định luật Nghiệp Báo . 
(A.G. Wigerry  Standon - Giáo sư Triết học và Thần học                              đại học Cambridge, Anh -  và đại học Duke, Mỹ)
o0o
Ngũ căn – Ngũ lực.
Nội dung của Ngũ căn và Ngũ lực thuộc 37 Phẩm trợ đạo, được trình bày trong bộ Vô Ngại Giải(P: Paṭisambhidā-magga) như sau:
1)Ngũ căn(五根;  P: Pañcindriyani;  S: Pañcendriyani;  E: Five roots) –  Trong đó indriya là căn, gốc, khả năng, làm chủ, cốt yếu....
1/.Tín căn(信根;  P: saddhindriya;  S: śraddhendriya): Với ý nghĩa là đoạn trừ sự mê tín.
2/. Tấn căn(進根;  P: vīriyindriya;  S: viryendriya):  Với ý nghĩa là đoạn trừ sự biếng nhác.
3/.  Niệm căn(念根;  P: saṭindriya;  S: smrtendriya):  Với ý nghĩa là đoạn trừ sự dễ duôi (P: pamāda: Dễ duôi là hành động theo bản năng, theo bất cứ đòi hỏi nào của tham sân si, của các trạng thái tâm bất thiện, một cách vô điều kiện mà không có ý định kháng cự).
4/.Ðịnh căn(定根;  P: samādhindriya;  S: samadhendriya):  Với ý nghĩa là đoạn trừ sự phóng tâm.
5/. Tuệ căn(慧根;  P: paññindriya;  S: prajnendriya):  Với ý nghĩa là thấy biết rõ, đoạn trừ mê lầm.
2)Ngũ lực(五力; P;S: Pañca-bala – Trong đó bala:  Là lực, là sức mạnh;  E: Five powers or faculties).
1/. Tín lực(信力;  P: sadhā-bala;  S: śraddhābala):  Với ý nghĩa là vững vàng đoạn trừ sự mê tín.
2/.  Tấn lực(進力;  P: vīriya-bala;  S: viryabala):  Với ý nghĩa là vững vàng đoạn trừ sự biếng nhác.
3/. Niệm lực(;  P: saṭi-bala;  S: smrtibala):  Với ý nghĩa là vững vàng đoạn trừ sự dễ duôi.
4/.Ðịnh lực(定力;  P: samādhi-bala;  S: samadhibala): Với ý nghĩa là vững vàng đoạn trừ tâm loạn động.
5/.Tuệ lực(慧力;  P: paññā-bala;  S: prajnabala):  Với ý nghĩa là vững vàng đoạn trừ sự thấy biết mê lầm.
          - Trong Tương Ưng Bộ kinh, phẩm Tương Ưng Căn, đức Phật có dạy:  "Này chư tỳ-khưu! Cái gì là tín căn, cái ấy là tín lực, cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn ... Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực, cái gì là tuệ-lực, cái ấy là tuệ căn.". 
          Như thế:
Để có Ngũ căn là 5 nền tảng (= gốc – cần phân biệt với Ngũ căn giác quan) cho Ngũ lực là 5 sức mạnh, thì Ngũ căn phải được chủ đạo bởi Chánh kiến (= Chánh tri kiến) thì mới có đủ lực đưa tới giác ngộ-giải thoát. Nghĩa là:
      - Tín căn phải có nền tảng là Chánh tín thì mới dẫn đến sức mạnh thực sự và đúng đắn của việc tin.
Tín căn   =  Chánh tín căn 正信根       =>  Tín lực.
       - Tấn căn phải có nền tảng là Chánh tinh tấn thì mới dẫn đến sức mạnh thực sự và đúng đắn của việc tinh tấn.
Tấn căn   =  Chánh tấn căn 正精根      =>  Tấn lực .
       - Niệm căn phải có nền tảng là Chánh niệm thì mới dẫn đến sức mạnh thực sự và đúng đắn của việc niệm (= nhớ nghĩ).
Niệm căn  =  Chánh niệm căn 正念根   =>  Niệm lực.
       - Định căn phải có nền tảng là Chánh định thì mới dẫn đến sức mạnh thực sự và đúng đắn của việc định (= Thiền định).
Định căn  =  Chánh định căn 正定根     =>  Định lực.
       - Tuệ căn phải có nền tảng là Chánh tuệ (= Chánh trí hay Chánh tri kiến) thì mới dẫn đến sức mạnh thực sự và đúng đắn của tuệ giác (Thiền tuệ).
Tuệ căn  =  Chánh tuệ căn 正慧根         =>  Tuệ lực.
Sự đoạn trừ và vững vàng trước 5 trở lực chính để đi đến bờ giác ngộ-giải thoát không gì khác hơn là nương nhờ vào động lực của Chánh tri kiến “Duyên khởi”.
o0o
Ngũ đình tâm quán.
Ngũ đình tâm quán(五停心觀;  S: Pancha-smṛti;  E: Five meditations, Five approaches to meditation, Five-fold procedure for quieting the mind) còn gọi Ngũ quán, Ngũ niệm, Ngũ đình tâm, Ngũ độ quán môn, Ngũ độ môn, Ngũ môn thiền, là năm pháp quán tưởng giúp để dừng các vọng tâm, dứt trừ phiền não mê hoặc.
Theo kinh Bồ-tát Địa Trì Q.3; Luận Câu Xá Q.22, 29; Luận Đại Tì Bà Sa Q.40; Luận Du Già Sư Địa Q.26; Luận Thuận Chính Lý Q.59; Luận Đại Thừa A-tì-đạt-ma tạp tập Q.11; Đại Thừa Nghĩa Chương Q.12; Ma-ha Chỉ Quán Q.7, phần 2], năm phép quán tưởng này gồm:
1/. Bất tịnh quán (不淨觀;  S: Aśubhā-smṛti;  E: Meditation on the vileness of the body):  Đólà quán sát tướng trạng của các cảnh giới đều bất tịnh để đình chỉ việc tham dục. Hành giả khi quán tưởng thân mình và vạn vật đều là nhiễm ô, không trong sạch, thì nhờ đó mà chận đứng được tâm tham dục.
2/. . Đólà quán sát về các loài chúng sinh hữu tình đều có sự liên quan với nhau, là một pháp làm dứt tâm sân hận. Hành giả quán tưởng mọi người và mọi loài đang phải sống khổ đau vì vô minh, do đó phát khởi tình thương rộng lớn, và nhờ vậy mà dứt bỏ được tâm sân hận, oán thù.
3/. . Đólà quán tưởng chân lý Duyên khởi  hay 12 Duyên khởi (= Thập Nhị Nhân Duyên) liên tục cả quá-khứ, hiện-tại và tương-lai để thấy rõ tínhVô thường sinh diệt của vạn hữu - chân tướng của thực tại, nhờ đó mà chuyển được tâm ngu si, tà kiến, cố chấp.  
4/. . Đólà quán tưởng 18 khu vực (= thập bát giới) của thân (6 căn), cảnh (6 trần), và nhận thức (6 thức). Sự phân tích này giúp ta thấy được sự giả hợp của thân tâm mà ta thường cho đó là cái “Ta”, nhằm đánh tan tâm chấp ngã (ngã kiến).
5/. Sổ tức quán (數息觀;  S: Ānāpāna-smṛti;  E: Breath-counting meditation), cũng gọi An na ban na quán, Trì tức niệm. Đólà đếm số hơi thở ra, thở vào để đối trị tầm, tứ, tán loạn, giữ cho tâm dừng yên ở một cảnh. Hành giả đếm và điều hòa hơi thở vào-ra nhằm “cột” tâm lại, làm cho tâm loạn động trở nên thanh tịnh.
Ngũ đình tâm quán còn được trình bày quán với nội dung sau: Bất-định, Từ-bi, Nhân-duyên, Niệm Phật và Sổ-tức (đếm hơi thở).
Quán bất tịnh, để đối trị tâm tham dục.
Quán từ bi, để đối trị tâm sân hận.
Quán nhân duyên, để đối trị tâm si mê.
Quán giới phân biệt, để đối trị tâm chấp ngã.
Quán sổ tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí.
o0o
Ngũ giới.

Five precepts - Wikipedia
Ngũ giới – Wikipedia tiếng Việt
Ngũ giới (五戒;  P: Pañcasīla;  S: Pañcaśīla;  E: The five precepts) là năm điều đạo đức, khuyến khích người Phật tử tại gia gìn giữ để hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam quy mà không trì Ngũ giới. Người đã quy y là đã bước một nấc thang đầu tiên, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa. Năm giới này không những để tiến bước trên đường giác ngộ-giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội gồm có:
1) Tránh xa sự sát sinh(P: Pānātipātā veramanī):
Đó là tôn trọng sự sống, bao gồm không giết hại hay làm tổn thương từ con người đến các loài vật. Giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ, tránh được nhân quả báo ứng.
Người giữ giới không sát sinh luôn luôn có tâm an ổn. Nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới không còn chiến tranh giết hại nữa.
Người Phật tử ngoài không giết hại cũng không bảo bày người khácgiết hại, không vui đối với việc giết hại, không khen ngợi đối với  việc giết hại.
2) Tránh xa sự trộm cắp(P: Adinnādāna veramanì):
 Đó là tôn trọng sở hữu của người, là không cho thì không lấy, từ nhà cửa, ruộng vườn, của cải, tiền bạc cho đến các vật tư hữu nhỏ bé. Giữ giới trộm cắp còn thể hiện lòng từ, tránh được nhân quả báo ứng
Cũng gọi là trộm cắp, khi lấy của tư hay của công, của công ty hay của nhà nước, khi cưỡng ép người ta bằng vũ lực hay quyền hành dùng những thủ đoạn lừa gạt, mưu mẹo v.v… để đoạt chiếm sở hữu, tiền bạc như quỵt nợ, giật hụi, đầu cơ tích trữ, cân non đong thiếu, trốn sâu lậu thuế, v.v…. Tóm lại tất cả các việc gian tham, lấy của bất chính đều là trộm cắp.
Sự lợi ích của giới không trộm cắp là giữ được sự công bằng (không phải cào bằng) giữa con người với con người, tránh sự gian lận bất công. Mỗi người đều có quyền sở hữu riêng tư, xã hội không công bằng thì khó tồn tại lâu dài được. Về xã hội, nếu mọi người đều không gian tham trộm cắp, thì nhà không cần đóng cửa then cài nữa.
Người Phật tử ngoài không trộm cắp cũng không bảo bày người kháctrộm cắp, không vui đối với việc trộm cắp, không khen ngợi đối với  việc trộm cắp.
3) Tránh xa sự tà dâm(P: Kāmesu micchācārā veramanī):
Đó là tôn trọng hạnh phúc gia đình của người, không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ hay chồng của người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái.
Không tà dâm để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người, đồng thời tránh được oán thù và quả báo xấu. Mặc dù cấm tà dâm, nhưng giữa vợ chồng cũng phải giữ lẽ, điều độ, biết tiết dục, để cho thân được khỏe, tâm được trong sạch nhẹ nhàng. Còn với người xuất gia thì tránh hẳn dâm.
Người Phật tử ngoài không tà dâm cũng không bảo bày người kháctà dâm, không vui đối với việc tà dâm, không khen ngợi đối với  việc tà dâm.
4) Tránh xa sự nói dối(P: Musā vādā veramanī):
Đó là tôn trọng sự thật trong giao tiếp, nhằm đem lại lợi ích cho mọi người. Tránh xa sự nói dối bao gồm cả bốn chi tiết sau:
 - Tránh nói lời không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có làm cho người nghe hành động sai vô cùng tai hại.
- Tránh nói lời hai lưỡi, đòn càn (xóc) hai đầu, làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau.
- Tránh nói lời thêu dệt, thêm bớt, có ít xít ra nhiều, nói châm chọc, bóng bẩy làm cho người nghe buồn phiền và khởi tà niệm.
- Tránh nói lời độc ác, thô tục, cộc cằn như nguyền rủạ chửi mắng thậm tệ làm cho người nghe sợ hãi đau khổ.
Người Phật tử ngoài không nói dối cũng không bảo bày người khácnói dối, không vui đối với việc nói dối, không khen ngợi đối với việc nói dối.
Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật bảo Tôn Giả A Nan, Thị giả của Phật: "Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy trong vô số kiếp. Lửa chỉ đốt cháy nhà cửa, của cải của thế gian, còn lời nói ác đốt cháy bảy thứ của cải của Thánh nhân. Vì thế, này A Nan, chúng sanh họa từ trong miệng mà sinh ra, miệng lưỡi thực là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình".
5) Tránh xa si mê do dùng chất say như rượu, thuốc nghiện(P: Surāmeraya majjappamādatthāna veramanī):
Đó là giữ cho tâm trí được sáng suốt nhằm tránh phạm phải bốn giới cấm bên trên là sát sinh, trộm cướp, nói dối, tà dâm. Giới cấm dùng chất say còn bao gồm cả việc dùng các thứ ma túy, vì nó cũng làm cho tâm trí người sử dụng mê dại.
          Người Phật tử ngoài không dùng chất say cũng không bảo bày người khácdùng chất say, không vui đối với việc dùng chất say, không khen ngợi đối với việc dùng chất say.
Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân còn lưu ý người Phật tử tại gia giữ năm giới không nên làm các nghề như:
- Tránh làm nghề nuôi, buôn bán súc sinh, nếu có nuôi súc vật, sau khi thụ Ngũ giới được phép bán nhưng không được bán cho nhà đồ tể.
- Tránh làm nghề chế tạo, buôn bán cung tên, đao kiếm, súng đạn, mìn bom, v.v…, nghĩa là tất cả các thứ dùng vào việc giết người, khủng bố, chiến tranh.
- Tránh làm nghề sản xuất, buôn bán các loại rượu và các loại ma túy.
- Tránh làm nghề sản xuất hoặc buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa có nguồn gốc không lương thiện ... do trộm, cướp, bóc lột, khai thác lao động nô lệ ... mà có.
Nơi Ngũ giới, thì các giới 1) 2) 3) thuộc Thân, giới4) thuộc Khẩuvà  giới5) thuộc Ý.  Gìn giữ Ngũ giới tốt thì Thân-Tâm thanh sạch, đạo đức trong sáng.  Hơn nữa, Phật giáo còn chỉ ra rằng, nguyên nhân và là động cơ chính yếu phạm phải Ngũ giới là từ 3 tâm bất thiện “tâm Tham, tâm Sân, tâm Si”.  Cả ba  Tham-Sân-Si  là vô minh chấp thủ, chỉ có thể hóa giải bằng tuệ giác Duyên khởi-Vô ngã.
Vì thế, quán triệt Duyên khởi-Vô ngã là trọng tâm của sự hoàn hảo về đạo đức (đắc giới), và là con đường tối hậu dẫn tới Niết-bàn.
Tu tập giới được thực hành bằng cách Chánh niệm về giới, đó là Chánh niệm nguyên tắc Đạo đức Duyên khởi – một hệ quả của Chân lý Duyên khởi, như sau:
Mọi hành động (Thân Khẩu Ý)đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện,lành.
Mọi hành động (Thân Khẩu Ý)đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”
o0o
Ngũ minh.
Ngũ minh(五明;  P : Panca-vijjā;  S : Pañca-vidyā;  E : Five classes of knowledge), trong đó :
          - Ngũ 五:  Có nghĩa là số năm.
          - Minh 明:  Có nghĩa là hiểu, biết // rõ ràng, sáng tỏ, như thuyết minh 說明:  Là giải thích rõ ràng ; chứng minh 證明:  Là đưa ra chứng cứ sáng tỏ. Minh đồng nghĩa với Trí tuệ.
Ngũ minhvốn là học thuyết về năm nghành học truyền thống của Bà-la-môn giáo tại Ấn Ðộ, nhằm trau dồi phát triển trí tuệ trong nhận thức về các hiện tượng tập tục. Về sau, từ thời đức Phật, Ngũ minh được kế thừa và phát triển theo tinh thần của học thuyết Duyên khởi ở Bắc Ấn, là kiến thức đối với người tu theo đạo Phật. Ngũ minh được xem như cách áp dụng của Duyên khởi cần cho hành giả trong tu thân và tu tâmhay ngoại cảnh và nội tâm. Bởi theo Pháp Bảo Đàn kimh :
佛法在世间            Phật pháp tại thế gian    
不离世间觉            Bất ly thế gian giác        
离世觅菩提            Ly thế gian mịch bồ đề   
恰如求兔角           Kháp như cầu thố giác   
Phật pháp trên thế gian
Không thể rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ
Ngũ minh từ đó là một giáo lý quen thuộc, thường được nhắc đến nhiều trong Hán tạng và được ghi chép trong các kinh luận như: Bồ Tát Trì Địa (cuốn 3) và Tây Vực Ký (cuốn 2) của Đường Huyền Trang.
- Trong kinh Tâm  Địa Quán, Phẩm “Ba La Mật” có đoạn : “Hàng trí giả các Bồ Tát thường thích  nghe những pháp sâu nhiệm, tâm sanh khát ngưỡng không hề biết chán, các Ngài biết phân biệt lý nhị đế, dứt trừ nhị chướng, thông suốt Ngũ minh, thuyết các pháp yếu, giải quyết mọi đều nghi vấn vậy.” 
          Ngũ minh trong Phật giáo là 5 kiến thức, là 5 môn học:
          - Kiến thức nội điển thuộc tu tâm gồm Nội minh.
          - Kiến thức ngoại điển thuộc tu thân gồm Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.  
          Mỗi hành giả cần phải hiểu rõ kiến thức nội điển là chính, và trang bị cho mình ít nhiều kiến thức ngoại điển để bổ trợ cho nội điển. Ngũ minh nay vẫn còn được giảng dạy tại những ngôi chùa lớn tại Tây Tạng (Tông-khách-ba), bao gồm cụ thể:
          1) Nội minh(内明;  P: Ajjhatta-vijjā;  S: Adhyātma-vidyā;  E: Science of spirituality):  Đây là kiến thức về tâm lý học, là giáo lý thuộc nội điển trên nền tảng 3 tạng  Kinh-Luật-Luận của đạo Phật (thay vì các bộ kinh điển của Ấn Độ giáo). Hai học thuyết Nghiệp và Luân hồi thuộc kiến thức tu tâm.
          Hành giả không hiểu giáo lý về chân lý và đạo đức, thì không thể thực hành đúng theo Phật pháp được. Hoà thượng Thích Khánh Anh (1895- 1961) đã từng dạy : “Tu mà không học hiểu là tu mù. Học hiểu mà không tu là đãy sách”. Những tình trạng mê tín, phạm pháp sở dĩ xảy ra trong Phật giáo cũng vì hành giả thiếu sự am tường giáo lý nội điển chân chính của đạo Phật.
2) Thanh minh(聲明;  P: Sadda-vijjā;  S: Śabda-vidyā;  E: Science of language):  Đây là kiến thức về ngôn ngữ học - kể cả ngoại ngữ và văn học, nhằm làm cho sự trình bày giáo lý hay dịch thuật được sáng sủa và lưu loát.
Sự truyền giáo cũng rất cần đến môn học này. Xưa các vị Tổ Sư muốn đem giáo pháp truyền bá ở các nước phải thông hiểu về cách dùng từ ngữ để chuyển được ý của mình muốn truyền đạt đến người nghe. Nhiều bộ sách lưu truyền đến ngày nay mà ai cũng phải công nhận là văn chương đơn giản, trong sáng nhưng lại cũng dể hiểu và dể tu tập chính là nhờ có căn bản về thanh minh vậy.
Người tu học nên có kiến thức về văn học để phiên dịch, trước tác để có thể truyền bá rộng khắp cho mọi người và không bị hiểu lầm hoặc bị ngoại đạo xuyên tạc, phá hoại.
3) Nhân minh(因明;  P: Hetu-vijjā;  S: Hetu-vidyā;  E: Science of logic):  Đây là kiến thức về luận lý học, nhằm làm cho sự trình bày giáo lý được rõ ràng, vững vàng trong sự phán đoán chánh-tà, đúng-sai. Bộ sách vĩ đại làm căn bản cho Nhân minh học là Nhân minh đại sớ.
Nhân minh học là môn luận lý học của Phật giáo, chủ trương chứng minh lập thuyết bằng "Nhân", nghĩa là bằng cách suy cứu đến lý do. Một lập luận đầy đủ theo Nhân minh phải có ba phần: Tôn, Nhân, Dụ, gọi là tam chi tác pháp.
- Tônlà chủ trương của mình.
- Nhânlà lý do thành lập chủ trương ấy.
- Dụlà những sự kiện đem ra để chứng minh (có thuận và nghịch).
Ví dụ 1
- Tôn: Ông Nguyễn Văn A phải chết. 
- Nhân: Vì ông Nguyễn Văn A đã có lúc bị sanh ra. 
          - Dụ: Phàm cái gì đó sinh tất phải có chết, như Không Tử, Trần Trọng Kim v.v...(đồng dụ: là những thí dụ đồng loại). Trái lại, phàm cái gì không có sanh tất không có chết, như hư không (dị dụ) v.v.. 
Ví dụ 2
- Tôn: Trò B sẽ bị phạt 
- Nhân: Vì trò B học bài không thuộc. 
          - Dụ: Phàm, ai không thuộc bài thì đều bị phạt cả, như trò C, trò Đ (đồng dụ). Phàm, ai thuộc bài thì đều không bị phạt như trò M, trò N. 
Môn luận lý Nhân minh trông giống với luận lý học hình thức (E: syllogism => Tam đoạn luận) của phương Tây; tuy nhiên lại đầy đủ tinh vi hơn luận lý học này, vì nó có đủ tính cách diễn dịch và qui nạp.
Ba phần chính của môn luận thức Nhân minh, phải có liên lạc mật thiết với nhau. Nhân bao giờ cũng quan hệ đến Tôn, phải triệt để có tính cách của đồng dụ và tuyệt đối không có tính cách của dị dụ. Còn dụ bao giờ cũng phải dính líu đến Tôn và Nhân. Mỗi phần Tôn, Nhân, Dụ muốn đứng vững được, cần phải tránh nhiều lỗi. (Xem quyển PHPT khóa IX– HT Thích Thiện Hoa). 
Học Nhân minh mục đích là biết phán đoán chân ngụy, thuyết phục ngoại đạo  và học được các bộ luận về Pháp Tướng. Các Tổ ngày xưa theo lối lập luận này trong khi viết các bộ luận.
4) Công xảo minh(工巧明;  P: Sīla-vijjā;  S: Śila-vidyā;  E: science of fine arts and technologies):  Đây là kiến thức về khoa học tự nhiênkhoa học kỹ thuật, nhằm làm cho đời sống và tu học được niều phương tiện thuận lợi.
Khoa học và kỹ thuật cần biết chọn lọc để tránh những thiên tai dịch họa, phụng sự hạnh phúc chân thật cho muôn loài. Nếu như khoa học và kỹ thuật là lợi khí cho sự kinh doanh vụ lợi, ích kỷ, thì chỉ gây nên đau khổ cho tất cả, vì chúng sẽ biến thành lợi khí tranh giành, chiến tranh, cướp đoạt và bóc lột.
5) Y phương minh(醫方明;  P: Agada-vijjā;  S: Auṣadha-vidyā,Cikitsā-vidyā;  E: Science of medicine):  Đây là kiến thức về y họcdược học, nhằm bảo vệ sức khỏe và chống lại bệnh tật cho cơ thể.
Người tu học nếu có được những điều kiện thuận lợi thì nên tìm hiểu và học hỏi về y dược, để có thể tự nâng cao sức khỏe cho chính mình và ít nhiều làm lợi ích từ thiện cho xã hội.
          Trong bài báo có tiêu đề “Đạo Phật Trong Thời Kỳ Đổi Mới”, tác giả Ngọc Chơn đã từng đưa ra một nhận định có tính chiến lược về vai trò và nhiệm vụ của hoằng pháp trong thời đại mới:
Sự có mặt của những hình thức và những danh từ đạo Phật trong cuộc đời chưa được coi là sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời: Mà chính khi nào, người ta thấy bản chất của đạo Phật thấm nhuần trong mọi sinh hoạt của cuộc sống như một thực tại có sinh khí”.
Như thế, để hòa nhập vào trong mọi sinh hoạt của đời sống xã hội trên tinh thần chuyển hóa khổ đau, xây dựng và làm đẹp cuộc đời, hay nói cách khác, để tồn tại như một thực thể “có sinh khi”, mỗi hành giả cần tự ý thức và trang bị cho mình những khả năng cần thiết, nhằm thích ứng với thời đại trên tinh thần “khế lý” và “khế cơ”.
o0o
Ngũ nghịch.
Ngũ nghịch五逆= Ngũ vô gián nghiệp 五無間業(P: Pañcānantariya kamma;  S: Pañcānantaryakarma;  E: the 5 heinous 'actions with immediate destiny'):  Năm tội lớn khiến tác nhân tái sinh vào cảnh giới địa ngục ngay sau khi chết.
1. Giết cha [= Sát phu 殺父;  P: pitu-ghāta;  S: pitṛ-ghāta;  E: killing father // parricide].
2. Giết mẹ [= Sát mẫu 殺母;  P: mātu-ghāta;  S: mātṛ-ghāta;  E: killing mother // matricide].
3. Giết một vị A-la-hán [= Sát A-la-hán 殺阿羅漢;  P: arahant-ghāta, arahant-vadha;  S: arhat-ghāta, arhat-vadha;  E: killing an Arahat (Saint)]
4. Làm tổn thương đổ máu Phật [= Xuất Phật thân huyết 出佛身血;  P: Buddhalohituppada;  S: tathāgatasyāntike duṣṭacittarudhirotpadana, rudhirotpāda, rudhira-utpāda;  E: wounding a Buddha so he bleeds].
5. Chia rẽ Tăng-già [= Phá hoà hợp tăng 破和合僧;  P;S: Saṅghabheda;  E: creating schism in the monks' Order(= in the Bhikkhu-Sangha)].
o0o
Ngũ nhãn.
Ngũ nhãn(五眼;  P: pañca cakkhūni;  S: pañca cakṣūṃṣi;  E: the five kinds of eyes or vision):  Ngũ nhãn là 5 thứ mắt hay 5 loại nhãn lực.
Mắt được ví như tấm gương có thể thấy được mà còn xét được sự vật, những vậtcó hình tướng cần đến mắt thịt để quan sát (xem thấy), những sự lýkhông có hình tướng thì phải dùng mắt trí tuệ để quán sát. Mắt thịt của phàm phu là do cha mẹ sinh ra, nên tầm nhìn, phạm vi nhìn bị hạn chế. Những vật quá nhỏ, quá lớn, quá xa, quá gần đều không nhìn thấy, sáng quá hay tối quá cũng không nhìn thấy. Nếu chứng được Thiên nhãn thì trong thế giới vật chất, có thể nhìn không bị hạn chế bởi khoảng cách và ánh sáng.
Hơn nữa, trên một số ảnh tượng Phật giáo có những mặt người có ba mắt, tức là ở giữa hai mắt có thêm một mắt nữa. Thực ra, con người bình thường không thể có ba mắt. Con mắt thứ ba chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là ngoài hai mắt thật ra, còn có con mắt của tâm ý (tâm nhãn). Ý nghĩa của tâm nhãn có sâu có nông. Ý nghĩa nông cạn của tâm nhãn nhằm nói đến hoạt động tư tưởng của con người thông thường. Còn ý nghĩa thâm sâu của tâm nhãn thì phải nói ngũ nhãn (năm mắt). Theo thuyết ngũ nhãn thì ngoài con mắt thịt ra, còn có bốn loại tâm nhãn nữa, với trình độ cao thấp khác nhau, từ địa vị phàm phu cho tới quả vị Phật như sau:
1/. Nhục nhãn (肉眼;  P: mamsa-cakkhu;  S: māṃsa-cakṣus;  E: the fleshly eye, the physical eye):  Là con mắt vật chất vốn có nơi nhục thân con người,chỉ thấy được trong giới hạn nhất định những vật có hình tướng, khi đêm tối hay bị vật khác che lấp thì không thể thấy được.
2/. Thiên nhãn (天眼;  P: dibba-cakkhu;  S: divya-cakṣus;  E: the divine eye):  Là con mắt của người trên cõi Trời Sắc giới (天色界;  P;S: rūpa-dhātu), chứng đắc được nhờ Thiền định. Mắt này xa-gần, trước-sau, trong-ngoài, ngày-đêm, trên-dưới hay bị vật ngăn cách cũng đều có thể thấy được.
3/. Tuệ nhãn (慧眼;  P: paññā-cakkhu;  S: prajñā-cakṣus;  E: the eye of wisdom):  Là con mắt của bậc chứng A-la-hán hay hàng Nhị Thừa (Thanh Văn Duyên Giác), có thể biết rõ được bản chất thực sự (P: sacca-lakkhana;  S: satya-lakṣaṇa ) của các pháp là Không tướng, Vô tướng,phá tan các giả tướng, chẳng còn mê lầm điên đảo nữa.
[P: Sacca;  S: Satya: Có nhgĩa là Chân lý, Đế, tức sở kiến không còn tranh luận]
4/. Pháp nhãn (法眼;  P: dhamma-cakkhu, samanta-cakkhu;  S: dharma-cakṣus;  E: the eye of all-round knowledge):  Là con mắt Chánh pháp nơi chư Bồ-tát (ngay từ Sơ địa), tri kiến ​​toàn diện bản tính của vạn pháp, có thể quán triệt tất cả các pháp môn ở thế gian và xuất thế gian một cách rõ ràng làm phương tiện thiện xảođể độ chúng sinh.
5/. Phật nhãn (佛眼;  P: Buddha-cakkhu;  S: Buddha-cakṣus;  E: the eye of a Buddha):  Là con mắt của Phật, có đầy đủ tác dụng của 4 loại nhãn lực vừa nêu trên. Mắt này không có gì không thấy biết, không có tư duy nào mà không thấy được. Đây là cái nhìn sâu sắc trực tiếp vào tất cả các pháp (S: pratyakṣāvagama;  E: plainly intelligible, the direct insight into all dharmas).
Phật giáo bắc truyền phân biệt hai loại Vô ngã:  Nhân vô ngãPháp vô ngã.
- A-la-hán chứng được lý Nhân vô ngã, lìa bỏ được Nhân ngã chấp đạt được Tuệ nhãn vượt khỏi ba Cõi (= Tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới).
- Bồ Tát từ Sơ địa trở lên tiến xa thêm một bước nữa là chứng Pháp vô ngã, lìa bỏ Pháp ngã chấp, chứng được Pháp nhãn, tuy ở trong ba cõi nhưng không bị ngăn ngại bởi sinh tử chết nên được gọi là Đại sĩ pháp nhân.
- Phật nhãn có tất cả công năng của bốn loại nhãn kể trên, chính là toàn bộ tuệ giác, là Đại Viên Cảnh Trí (= gương trí tuệ lớn của Duy Thức tông), cũng gọi là Đại Viên Giác hay Vô Thượng Bồ Đề.
o0o
Ngũ phần hương.
Ngũ phần hương(五分香): 
Là 5 loại hương thơm gồm Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiếnhương,được ví cho 5 phần pháp thân của bậc giác ngộ. Theo kinh Niết-bàn (經涅槃), bậc Thánh Vô học đã thành tựu 5 pháp công đức, gọi là 5 phần pháp thân, đó là: Giới thân, Định thân, Tuệ thân, Giải thoát thân, Giải thoát tri kiến thân.
Bài nguyện hương nói về ngũ phần hương như sau:
Giới hương, Định hương, dữ Tuệ hương.
Giải thoát, Giải thoát tri kiến hương.
Quang minh vân đài biến pháp giới
Cúng dường thập phương tam bảo tiền
Khi dâng hương cúng Phật, làn khói hương trầm quyện tỏa tượng trưng cho năm loại hương quý báu của Ngũ phần pháp thân. Hành giả dâng Ngũ phần hương là tâm nguyện tinh tấn để chứng đạt về Giới (戒), Định (定), Tuệ (慧), Giải thoát (解脱) và Giải thoát tri kiến (解脱知見) nhằm bước lên quả vị của bậc Thánh Vô học (= bậc đã hoàn mãn tu học).
Ngũ phần pháp thân (五分法身;  S: Asamasama-pañca-skandha) là 5 loại hình đặc trưng cho Bậc giải thoát.
1) Giới thân (戒身;  S: Śīla-skandha) còn gọi là Giới uẩn, Giới chúng, Giới phẩm, tức đắc Giới(thân, khẩu, ý), thành tựu đạo đức Duyên khởi viên mãn.
2) Định thân (定身;  S: Samādhi-skandha) còn gọi Định uẩn, Định chúng, Định phẩm, tức đắc Định, thành tựu nghị lực, xả ly vọng niệm viên mãn.
3) Tuệ thân (慧身;  S: Prajñā-skandha) còn gọi là Tuệ uẩn, Tuệ phẩm, tứcChánh tri kiến, tức đắc Tuệ, thành tựu Tuệ giác Duyên khởi viên mãn.
4) Giải thoát thân (解脫身;  S: Vimukti-skandha) còn gọi Giải thoát uẩn, Giải thoát chúng, Giải thoát phẩm, tức thành tựu Giải thoát (nội tâm tự do, giải trừ các nội kết trói buộc).
5) Giải thoát tri kiến thân (解脫知見身;  S: Vimukti-jñāna-darśana-skandha) còn gọi là Giải thoát sở kiến thân, Giải thoát tri kiến uẩn, Giải thoát tri kiến chúng, Giải thoát tri kiến phẩm, tức thành tựu Giải thoát tri kiến (thấy biết không dính mắc vào các tri kiến chế định của thế gian).
o0o
Ngũ uẩn.
Nội dung
I. Tổng quan về Ngũ uẩn.
II. Nội dung của Ngũ uẩn.
III. Tâm trong Phật giáo qua cơ cấu Ngũ uẩn.
I. Tổng quan về Ngũ uẩn.
1)Sắc và Danh:  Con người được xem là những tồn tại của Hữu hình + Vô hình, đó là Thể chất + Tinh thần hay Thân + Tâm, mà trong đạo Phật chúng thường được gọi là Sắc + Danh, là 2 Duyên:
- Sắc(色;  P; S: Rūpa;  E: Physical component of the person)  =>Thân
- Danh (名;  P;S: Nāma;  E: Mentalcomponent of the person)  =>Tâm.
Nơi con người, chấp Ngã là cách nhìn con người như là một thực thể để bám víu vào, mà kỳ thực đó là một sự tự trói buộc về tinh thần nơi con người, là nguyên nhân gây ra khổ nãocho chính con người. Để thấy được điều này, đức Phật đã phân tích Sắc + Danh và xem con người như là một tổ hợp của 5 Duyên, là 5 hình thái biểu hiện đặc trưng nơi con người gồm:  Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong đó:
- Địa, Thủy, Hỏa, Phong là 4 Duyên được phân chia ra từ Sắc.
- Thọ, Tưởng, Hành, Thức là 4 Duyên được phân chia ra từ Danh
Những 5 Duyên này nhằm chỉ ra toàn bộ bản chất thực của con người..
2) Ngũ uẩn.
Ngũ uẩn gồm có Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩnlà các hình thức chấp thủ đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Ngũ uẩn五蘊  =  Ngũ ấm 五陰  (P: Pañca-khandha;  S: Pañca-skandha;  E: The five aggregates):
- Với ấm(陰;  P: khandha:  S: skandha) có nghĩa làtích tập, tích chứa, gom góp.  Theo đó, Ngũ ấmlà 5 đặc trưng cho con người bị che trùm, che lấp đi.  Đây là cách dùng từ của ngài Cưu La Ma Thập (344 – 413) CN.
- Với uẩn (蘊;  P: khandha;  S: skandha)có nghĩa là chỗ rợp, bóng râm nơi ánh mặt trời không soi tới. Theo đó, Ngũ uẩnlà 5 đặc trưng cho con người chưa được chân lý soi sáng.  Đây là cách dùng từ của ngài Trần Huyền Trang (602 – 664) CN. 
Theo đó, Ngũ uẩn hay Ngũ ấm nhằm cho thấy rằng con người vì không thấy ra bản chất thực nơi chính mình(= chân lý nơi chính mình), đó là một tổ hợp của 5 Duyên, hình thành nên một thực thể luôn biến đổi(sinh-diệt), lại bám chấp vào biểu hiện tạm của 5 Duyên này, và cho đó và mong cầu đó là một thực thể bất biến, khiến phải bám chấp vào đó mà dẫn đến cho chính mình cuộc sống mê lầm và khổ não. Do vậy, Ngũ uẩn còn được gọi là Ngũ thủ uẩn(五取蘊;  P: Pãnca-upādāna-khandha;  S: Pañca upādāna-skandhāḥ;  E:  the five aggregates of clinging).
Các hành giả tu học Phật thường được nhắc nhở “Tu là nhìn lại chính mình”, đó là vì các hành giả chưa thấy biết ra Ngũ uẩn này vậy. Như:
- Trong kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Gánh nặng có nói:
Ngũ uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người.
Mang gánh nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời .
Đặt gánh nặng xuống xong
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát
Được giải thoát tịnh lạc
Ngũ uẩn nơi đây ám chỉ Ngũ thủ uẩn, được xem là gánh nặng khổ đau vì con người sống theo những chấp thủ cực đoan Ngũ uẩn này. Thấy được bản chất thực của chúnglà Duyên khởi, tức chứng đạt chân lý, là cách đăt gánh nặng ấy xuống.
- Trong Kinh Tương Ưng Bộ III, đức Phật còn xác định rõ: "Không liễu tri Năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau".
II. Nội dung của Ngũ uẩn.
          1) Sắc uẩn(色蘊;  P: Rūpa-khandha;  S: Rūpa-skandha): 
Sắc (色;  P;S:Rūpa;  E: Form, Material object) tức Thân, được cấu thành từ 4 Duyên gọi là Tứ đại(四大;  P;S: Mahābhūta), đó là:
+ Đất(Địa 地;  P: Pruṭhavī;  S: Pṛthvī;  E: Earth or Solidity).
+Nước(Thuỷ 水;  P: Āpa;  S: Āp;  E: Water or Cohesion).
+Gió(Phong 風;   P: Vāyu;  S: Vāyu;  E: Air or Movement).         
+ Lửa(Hoả 火;  P: Teja;  S: Tejah;  E: Fire or Heat).
Tứ đại được xem là tương đương với 4 thể của Vật lý học hiện đại là Thể rắn, Thể lỏng, Thể khí, Thể plasma.
Trong kinh Tạp A-hàm, đức Phật đã nói về Sắc:
 “Tứ đại là nhân, tứ đại là duyên, đó gọi là Sắc. Vì sao lại gọi như vậy? Vì phàm có những sắc gì, thì chúng đều là tứ đại, nhờ tứ đại mà tạo thành”.
“Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là Sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là Sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là Sắc.”
          Sắc có 6 bộ phận gọi là Lục căn(六根;  P: Ajjhattikāyatana;  E: Six sense organs, six internal sense bases), tương đương với 6 cơ quan của thân theo Sinh lý học hiện đại, giúp thân giao tiếp với đối tượng làLục cảnh(六境;  P: Bāhirāyatana;  E: Six sense objects, six external sense bases) ở môi trường bên ngoài.  Lục trần六塵là từ dùng chỉ cho Lục cảnh bị chấp thủ.
1/.Mắt       Nhãn 眼    (Eye)       +  Visible objects     =>   Visual sensation                                                              
2/.Tai        Nhĩ     耳    (Ear)       +  Sound                 =>   Auditory sensation
3/.Mũi      Tị       鼻    (Nose)     +  Odor                  =>   Olfactory sensation
4/.Lưỡi      Thiệt  舌    (Tongue) +  Taste                =>   Gustatory sensation
5/.Thân    Thân  身    (Skin)      +  Touch               =>    Tactile sensation
6/.Não      Ý        意    (Brain)     +  Mental objects    =>   Cognition
Quan điểm của đạo Phật về thân và tâm đều được đặt trên cơ sở của nguyên lý Duyên khởi, nghĩa là trình bày rõ về mối tương hệ bất khả phân giữa yếu tố con người và các yếu tố vũ trụ thiên nhiên, bao gồm môi trường, hoàn cảnh ... Thân vì thế không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động. Thân muốn tồn tại phải nương vào các yếu tố Sắc khác như mặt trời, dòng sông, ruộng lúa, thời tiết, không khí...
Trong kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana-sutta), đức Phật đã dạy:
“Này các Tỷ-kheo, như thế thì tất cả những gì thuộc Sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo Chánh trí tuệ, đúng như thật: "Cái này không phải của Ta, cái này không phải là Ta, cái này không phải là tự ngã của Ta".
Bản chất của Sắc là Vô thường, Vô ngã và chuyển biến bất tận theo Duyên khởi, cho nên bản chất của Sắc là Không (= không thực tồn tại bất biến, kể cả quan niệm về một linh hồn bất biến ở các tôn giáo khác). Sự chấp thủ Sắc (Sắc uẩn) nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ khổnão.
---------------
Ghi chú:
            Theo Tâm lý học hiện đại,Cảm giác (E: sensation) được xem thuộc phạm trù của Thân. Sau khi bộ não định tính, cảm giác  trở thành Tri giác (E: perception), đồng thời có thể hình thành Cảm xúc (E: emotion). Tri giác và Cảm xúc là 2 thành phẩm thuộc phạm trù Tâm, khởi sinh từ Cảm giác.
            Cũng tại não, các tri giác được tổng hợp bằng suy tưởng luận biện mà hình thành Nhận thức (cognation).
2) Thọ uẩn(受蘊;  P: Vedanā-khandha;  S: Vedanā-skandha): 
Thọ (受;  P; S: Vedanā) có nghĩa là sự nhận, chịu, bị, mắc. Thọ là nói gọn của cảm thọ感受là sự nhận chịu cảm xúc (emotion), gồm có 3 dạng:
- Lạc thọ (樂受;  P: Sukha-vedanā;  S: Sukha-vedanā):  Có cảm xúc dương tính, như cảm xúc vui  (Lạc = Cảm xúc vui).
- Khổ thọ (苦受;  P: Dukkha;  S: Duḥkha-vedanā):  Có cảm xúc âm tính, như cảm xúc buồn (Khổ = Cảm xúc buồn).
- Xả thọ(捨受;  P: Upekkhā;  S: Upekṣā-vedanā):  Có cảm xúc trung tính, như cảm xúc không vui thích, không đau khổ.
Trong kinh A-hàm, đức Phật đã nói về Thọ như sau:
Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là Thọ? Ðược Cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là Thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, Cảm thọ khổ, Cảm thọ phi khổ phi lạc. Ðược Cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là Thọ.
Theo đó, Thọ được xem là nhóm tâm thuộc phạm trù Tình cảm(E: sentiment) hàm ý sự chuyển hóa từ cảm giác =>  cảm xúc hay cảm giác => tri giác => cảm xúc, sinh ra từ sự nối kết giữa  các giác quan và đối tượng tương thích, biểu hiện một trong 3 tính chất là Lạc-Khổ-Xả.  Thọ uẩn còn có thể được biểu hiện theo các định tính sau:
- Nhóm xếp theo 5 loại cảm xúc (Ngũ tình):  Gồm Ưu (憂– buồn),  Hỷ (喜– mừng),  Khổ(苦– khổ),  Lạc (樂– vui),  Xả (捨– xả ly).
- Nhóm xếp theo 7 loại cảm xúc (Thất tình):  Gồm Hỷ (喜– mừng),  Nộ (怒– giận),  Ái(愛– thương),  (惡– ghét),  Ai = Ưu (憂– buồn),  Lạc(樂–vui),  Dục (欲– muốn).
Trong kinh Phạm Võng nói về giải trừ 62 kiến chấp, vốn là các tà-kiến đã lôi kéo con người bị động vào vòng sinh-tử:
Này các Tỷ-kheo. Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri. Như vậy, Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng (= các cảm thọ). Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết: và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán, Như Lai mới nói đến.”
3) Tưởng uẩn(想蘊;  P: Saññā-khandha;  S: Sañjā-skandha): 
Tưởng (想;  P: Saññā;  S: Sañjā) có nghĩa là sự suy nghĩ, suy đoán, suy tưởng, tưởng tượng (E: thinking // imagination).
1/.Tưởng được xem là nhận biết đối tượng dưới hai dạng:
- Một là khả năng nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết phân biệt đó là hoa hồng chứ không là một hoa nào khác, ...
- Hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong như những khái niệm, những hồi tưởng, những suy tưởng … 
Như vậy, Tưởng là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện mang tính chủ quan hay kinh nghiệm riêng biệt.
2/.Tưởng được xem là biểu hiện cho hoạt động suy tưởng, luận biện, định tính sự vật, hình thành từ Ý cănnão bộ  giao tiếp với Pháp trần.
Pháp trần(法塵;  P: Dhammarammana;  S: Dharmaalambana;  E: Mental object) – là đối tượng để suy tưởng.  Đối tượng này là các Cảm giác (E: sensation), là các Tri giác (E: perception) được tổng hợp. Có 5 loại tri giác từ 5 giác quan. Theo các nhà học Phật ngày nay thì Tưởng thường được gọi là nhóm Tri giác.
- Nếu suy tưởng luận biện sự vật hợp với chân lý thì Tưởng là hùng biện, là trí.
- Nếu suy tưởng luận biện sự vật trái với chân lý thì Tưởng là ngụy biện, là uẩn.
Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy:
Này các Tỳ kheo, phàm Tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy gọi là Tưởng”. 
Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong, thuộc thời gian, không gian, đơn giản hay phức tạp đều gồm trong Tưởng. Tri giác là tri giác về cái gì, không thể có một tri giác thuần chủ thể. Do đó, Tưởng bao gồm mọi nhận thức về thế giới vật lý, tâm lý. Tuy nhiên, thế giới vật lý, tâm lý ấy đã được khái niệm hóa, quy ước hóa, điều kiện hóa, nên giữa tri giác và thực tại luôn có một khoảng cách.
Vì thế, đức Phật còn ví Tưởng như ảo ảnh, một hiện tượng không thật nhưng hiện ra giống như thật, ví như thấy ảnh ảo nước trên sa mạc.
Theo đó, Tưởng được xem là nhóm tâm thuộc phạm trù Lý trí(E: reason), hàm tính chấtphân tích, tương phản với Thọ hàm tính chấtnối kếtthuộc phạm trù Tình cảm(E: sentiment).
4) Hành uẩn(行蘊;  P: Saṅkhāra-khandha;  S: Saṁkhāra-skandha).
 Hành (行;  P: Saṅkhāra;  S: Saṁkhāra) có nghĩa là sự làm, sự thực thi, sự thực hiện. 
Đối với phạm trù tâm thì Hành nhằm chỉ ra ý muốn, ý định, điều mong muốn, ước muốn, toan tính … làm một sự việc nào đó. Theo đó Hành nhằm chỉ ra sự tác ý tinh tấn(精進–cố gắng làm nên), là động cợ hiện thực sự việc(E: motivation). 
- Nếu sự tinh tấn trong hành động hợp với chân lý, thì đó là Chánh tinh tấn dẫn đến Tuệ nghiệp.
 - Nếusự tinh tấn trong hành động không hợp với chân lý, thì đó là Tà tinh tấn dẫn đến Mê nghiệp.
Trong kinh A-hàm, đức Phật đã nói về Hành như sau:
 “Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là Hành?Được gọi là Hành, là khả năng tác thành một hành động. Tạo tác thành những gì, hoặc thành hành động ác hoặc thành hành động thiện nên gọi là Hành”.
Như vậy, Hành là công năng làm phát khởi ra Nghiệp, đó là toàn bộ những thao tác tư duy quyết định.
Theo đó, Hànhđược xem là nhóm tâm thuộc phạm trù Ý chí(E: volition; will) biểu hiện cho nội lực thúc đẩy tạo tác hành động. 
5) Thức uẩn(識蘊;  P: Viññāṇa-khandha;  S: Vijñāna-skandha): 
Thức(識;  P: Viññāṇa;  S: Vijñāna) có nghĩa là sự biết, sự nhận biết, sự hiểu biết, kiến giải.  Sự biết, cái biết đối với mọi sự vật trong và ngoài con người là  Lục thức(六識;  P: Saḷviññāṇa;  S: Ṣaḍvijñāna;  E: Six sense consciousnesses), kết quả từ  Lục căn(là 6 giác quan) tiếp xúc với  Luc trần  (Xin xem mục 1) Sắc uẩnhay Căn Trần Thức).
Lục căn  +  Luc trần  =>  Lục thức
Lục thức gồm:
  1. Nhãn thức(E: sight cons.):    Là cái biết về thấy.
           2. Nhĩ thức(E: hearing cons.):   Là cái biết về nghe.
           3. Tỷ thức(E: smell cons.):         Là cái biết về ngửi.
           4. Thiệt thức(E: taste cons.):     Là cái biết về nếm.
           5. Thân thức(E: touch cons.):    Là cái biết về chạm.
           6. Ý thức(E: thought cons.)       Là cái biết từ suy tưởng (Tưởng)
          Tuy cái biết (= ý thức 意識;  E: consciousness) và trí nhớ  (= ký ức 記憶;  E: memory) là hai dạng thức trình bày khác nhau, nhưng kỳ thực chúng liên kết chặt chẽ và nương tựa lẫn nhau.  Không thể có cái biết nếu không có trí nhớ, và ngược lại.
Trong kinh A-hàm, đức Phật đã nói về Thức như sau:
          “Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là Thức?Gọi là Thức là vì biết phân biệt cái gì là đúng, cái gì là sai, là sư nhận biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Những cái biết này gọi là Thức
Theo đó, Thức được xem là nhóm tâm thuộc phạm trù Ký ức(記憶;  E: memory; consciousness):  Ký ức hàm ý sự chứa đựng, lưu giữ những cái biết, cái nhớ, những kinh nghiệm gì đã xảy ra, …, gồm:
- Các cái nhớ biết của quá khứ (bao gồm tiền kiếp) còn lưu lại, đó là các cái nhớ biết thuộc bề chìm, mà ngày nay Phân Tâm học gọi là Tiềm thứcVô thức.
- Các cái biết từ 6 thức trong hiện tại từ Thọ, Tưởng là các cái nhớ biết thuộc bề nổi. Theo ngành Tâm lý học ngày nay, gộp cả 6 thức này được gọi chung là Ý thức(đại diện cho cả 6 thức).
Vì thế, Thứctrong Phật giáo Nguyên thủy có thể được xem như Ký ức(Ý thức + Tiềm thức + Vô thức), tương tự như hệ thống 8 thức trong Duy Thức học(Nhãn thức + … + Ý thức + Mạt-na thức + A-lại-da thức), là một kho chứa các hạt giống (chủng tử) về kinh nghiệm và về cái biết.  Các hạt giống này sẵn sàng hiện hành khi hội đủ các duyên.
III. Tâm trong Phật giáo qua cơ cấu Ngũ uẩn.
1) Theo Phật giáo Nguyên thủy, Tâm là hệ thống 4 uẩn“Thọ-Tưởng-Hành-Thức”.  Theo đó, tu Tâm là nhằm thấy ra chân lý Duyên khởi (Vô thường + Vô ngã + Nhân Quả) để chuyển hóa 4 thủ uẩn này, mà cụ thể là chuyển hóa Tình cảm, Lý trí, Ý chí, Ký ức bị trói buộc trong chấp thủ đối đãi.
2)  Theo Phật giáo Phát triển, Tâm là hệ thống tám thức (vijñānakāyāḥ –  Xin xem:  Eight Consciousnesses),  gồm 6 thức thuộc 6 giác quan (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) từ Thọ uẩnTưởng uẩn + Mạt-na thức từ Hành uẩn + A-lại-da thức từ Thức uẩn.  Theo đó, tu Tâmlànhằm thấy ra chân lý Duyên khởi (Vô thường + Vô ngã + Nhân Quả) để chuyển hóa 8 Thứcnày thành 4 loại Trí,tức Tuệ giác, như sau:
Danh (8 thức)       Duy Thức tông         Tịnh Độ tông
5 thức                    =>     Thành sở tác trí           Bất tư nghì trí
Ý thức                    =>     Diệu quan sát trí          Bất khả xưng trí
                    Mạt-na         =>     Bình đẳng tánh trí        Đại thừa quảng trí
A-lại-da        =>     Đại viên cảnh trí          Vô đẳng thắng trí
Tính Vô thường của cơ cấu năm Duyên: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là hiển nhiên.  Tri kiến về tính Vô ngã, tức tính Không (= ‘có nhưng không thực là có’), của năm Duyên là một tri kiến rất quan trọng, vì nó sẽ giúp hành giả đi đến giải thoát (= tự do nội tâm).
Năm Duyên hợp lại chỉ là cái Ngã tạm thời, ngoài ra không có một Ngã cao cấp hay Linh Hồn bất biến nào khác. Ngã tạm thời này thường luôn biến đổi và vận hành theo ý thức phân biệt và ý thức chấp thủ của con người.  Vì thế theo đạo Phật, Vô ngã không có nghĩa là không có Ngã, mà hàm nghĩa là không có cái Ngã thực, tức không có cái Ngã nào tự hữu hay hằng hữu như ở các tôn giáo khác, mà chỉ có cái Ngã tạm thời được hội tụ cấu thành bởi những Duyên sinh-diệt.
3) Theo Mật tông, tuệ giác (= trí) được phân thành 5 loại gọi là Ngũ trí(五智;  S: Pañca jñānāni).  Đó là quá trình tu học chuyển hóa 5 uẩn thành 5 trí.  Việc chuyển hóa này cũng không nằm ngoài chân lý Duyên khởi mà hành giả phải nương tựa. Mỗi loại trí được biểu trưng bằng một vị Phật.
  Mật tông có điểm đặc biệt so với các tông khác trong đạo Phật, đó là Sắc uẩn  có vai trò của trí khi giác ngộ và được xem như là bí thuật đối với việc tái sinh.
              Uẩn                    Tuệ giác (Trí)         Phương             Phật chủ
            1.  Thức uẩn         - Đại viên cảnh trí                       - Đông                          - Bất Động Phật (1)
            2.  Hành uẩn        - Thành sở tác trí            - Bắc                 - Thành Tựu Phật (5)
            3.  Tưởng uẩn                  - Diệu quan sát trí          - Tây                 - A Di Đà Phật (4)
            4.  Thọ uẩn           - Bình đẳng tánh trí        - Nam               - Bảo Sanh Phật (2)
            5.  Sắc uẩn           - Pháp giới thể tính trí    - Trung tâm      - Tỳ Lô Giá Na Phật (3)
 
-Trong kinh Mãn Nguyệt thuộc Trung Bộ kinh (Trung Bo giang giai - Kinh so 101-110 - BuddhaSasana by Binh Anson) đã trình bày ý tưởng cơ cấu 5 duyên như trong kinh Vô Ngã Tướng:
Thế Tôn dạy:  Thấy Sắc ... Thọ ... Tưởng ... Hành ... Thức như thật với Chánh trí rằng:
+ Cái này không phảiNgã sở(我所:  cái của Ta;  E:Mine),
+ Cái này không phải làNgã(我:  cáiTa;  E:I / Ego), 
+Cái này không phải là Tự ngã  (似我:  cái Ta tự có;  E: Myself)".
-Trong kinh Niệm Xứ (P: Satipaṭṭhāna sutta), đức Phật dạy:
Chúng ta hãy quán chiếu sâu sắc sẽ thấy rằng năm uẩn không phải là một thực thể, mà là hiện tượng của loạt các tiến trình vật chất và tâm thức; chúng (năm uẩn) sinh diệt một cách liên tục và nhanh chóng, chúng luôn biến đổi từng phút, từng giây; chúng không bao giờ tĩnh mà luôn động, và không bao giờ là thực thể mà luôn biến hiện”.
- Trong Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh có chép:
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến Ngũ uẩn giai Không, độ nhứt thiết khổ ách.”  [Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật, thì soi thấy năm uẩn là Không (= tính Không), do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.]
- Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng đó:
"Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái Ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái Ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái Ta. Lòng tin có một cái Ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."
(Bởi ta hay không một ai khác có quyền bảo thân Ngũ uẩn này không già, không bệnh, không chết được)
- Nhà văn Joseph Goldstein, người sáng lập Hiệp hội Thiền Minh Sát (IMS – Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusetts cũng viết:
"Cái mà chúng ta gọi là cái Ta chỉ là Ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.".
o0o
Nhân cách.
Nội dung
I. Nhân cách trong khoa học tâm lý.
II. Nhân cách trong Phật giáo.
I. Nhân cách trong khoa học tâm lý.
1)Hiện tượng tâm lý
Hiện tượng tâm lý(HTTL – 現象心理;  E: Psychological phenomenon) là những hiện tượng xuất hiện trong đầu con người, nó gắn liền và điều khiển mọi hoạt động của con người.  Ví dụ:
          - Hòn than đen, tờ giấy trắng là hiện tượng vật lý; hình ảnh của hòn than đen, tờ giấy trắng trong đầu là hiện tượng tâm lý.
          - Miệng cười là hiện tượng sinh lý; vui trong đầu là hiện tượng tâm lý.
          Qua đó ta thấy hiện tượng tâm lý chính là hình ảnh của thế giới khách quan trong đầu con người, nói gọn là hình ảnh tâm lý.
          2) Nhân cách.
Nhân cách(人格- với cách格là phẩm chất;  E: personality):  Về ngữ nghĩa, nhân cách có ý nghĩa là phẩm chất của một người khiến cho người khác cảm phục.
Khi HTTL được lập đi lặp lại thường xuyênở 2 mặt đạo đức và tài năng của  từng mỗi con người, có khi mất cả cuộc đời, sẽ tạo thành nét riêng bền vững, ổn định cho từng người, cho người này khác với người kia, đó là nhân cách.  Nhân cách thường được gọi cách riêng là HTTL nhân cách, và nhân cách được phân biệt dưới 5 dạng chính là xu hướng, năng lực, khí chất, tính cách, tình cảmnhư sau:
          1/.Xu hướng(E: tendency):  Đây là HTTL nhân cách thể hiện sự lựa chọn mục tiêu hoạt động một cách tích cực. Các thuộc tính tạo nên xu hướng là:
          1. Nhu cầu(E: need):  Như ăn uống, thở, tình dục … thuộc vật chất thấp; công cụ, điều kiện lao động … thuộc vật chất cao; văn học, nghệ thuật, đạo học … thuộc tinh thần.
          Nhu cầu là nguồn gốc của tính tích cực, có tính chu kỳ, mang tính xã hội; do đó cần được giáo dục, rèn luyện lành mạnh.
          2. Hứng thú(E: pleasure):  Đó là sự khoái cảm và lôi cuốn cá nhân trong hành động. Hứng thú làm tăng hiệu quả nhận thức và hành động, đặc biệt là tăng tính tự giác của cá nhân.  Do đó điều kiện để có hứng thú là sự hoạt động cần có nội dung phong phú hấp dẫn, mới mẻ.
          3. Thế giới quan(E: world outlook):  Đó là hệ thống các quan điểm về tự nhiên, xã hội và bản thân, nhằm xác định phương châm và hành động của mỗi người.
          4. Niềm tin(E: belief):  Đó là sự say mê trong nhận thức, trong tình cảm của mỗi người.
          5. Lý tưởng(E: ideal):  Đó là mục tiêu cao đẹp, hình ảnh hoàn hảo nhất mà cá nhân coi là mẫu mực và ước mơ khao khát đạt tới.
          Thế giới quan, Niềm tin và Lý tưởng cần có cơ sở khoa học và lợi ích xã hội, thể hiện bằng thái độ tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.
          2/.Năng lực(E: capacity):  Đây là HTTL nhân cách thể hiện sự hoàn thành trong các lĩnh vực hoạt động.  Con người ai cũng có năng lực, chỉ có điều phải thông qua hoạt động và giao lưu thì năng lực mới hoàn thiện và phát triển.  Các mức độ của năng lực từ thấp đến cao như sau:
          1. Năng khiếu(E: aptitude):  Đó là năng lực hoạt động của đứa trẻ biểu hiện sớm.
          2. Khả năng(E: ability):  Đó là năng lực hoạt động chất lượng trung bình.
          3. Tài năng(E: talent):  Đó là năng lực hoạt động chất lượng cao.
          4. Thiên tài(E: genius):  Đó là năng lực hoạt động xuất sắc, hiếm có.
          3/.Khí chất(E: temperament):  Đây là HTTL nhân cách thể hiện đặc điểm về cường độ (mạnh-yếu), tốc độ (nhanh-chậm), nhịp độ (dài-ngắn) hoạt động trên cơ sở thần kinh.  Một số các loại hình khí chất thường gặp như sau:
          1. Hăng hái(E: enthusiastic):  Đó là kiểu hình thần kinh mạnh, cân bằng, thể hiện nhận thức linh hoạt. năng động nhưng thiếu sâu sắc, thể hiện tình cảm cởi mở, biết đùa nhưng dễ thay đổi. Đây là loại người của xách động, của phong trào.
          2. Bình thản(E: quiet):  Đó là kiểu hình thần kinh mạnh, cân bằng, thể hiện nhận thức không linh hoạt nhưng sâu sắc chắc chắn, thể hiện tình cảm kín đáo và làm chủ nó, ít bị xúc động. Đây là loại người của tổ chức, lãnh đạo, chỉ uy.
          3. Nóng nảy(E: irascible):  Đó là kiểu hình thần kinh mạnh, không cân bằng, thể hiện nhận thức nhanh, tình cảm dễ bộc lộ, mạnh mẽ, cuồng nhiệt quá đà. Khi thất bại sẽ dễ đau khổ tuyệt vọng. Đây là loại người của thám hiểm, xung phong, chiến đấu.
          4. Ưu tư(E: bilious):  Đó là kiểu hình thần kinh yếu, không cân bằng, thể hiện nhận thức không linh hoạt, nhút nhát, giàu óc tưởng tượng, chủ quan, tình cảm dịu dàng, dễ bi quan, tự ti. Đây là loại người cần làm việc vừa sức, cần nâng đỡ động viên, tránh bị phê bình đả kích.
          4/.Tính cách(E: character):  Đây là HTTL nhân cách thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân và hiện thực xã hội, mà ta thường gọi là nết  hay thái độ  (E: attitude). Có 4 loại thái độ chính là:
          1. Thái độ đối với xã hội:  Như yêu nước, trách nhiệm công dân.
          2. Thái độ đối với công việc:  Như yêu nghề, tận tụy.
          3. Thái độ đối với mọi người:  Như quan tâm- vô tâm, tôn trọng-khinh miệt.
          4. Thái độ đối với bản thân:  Như khiêm tốn-kiêu ngạo, thiện lành-độc ác.
          Tính cách được xem là mặt đức (thiện) trong mỗi nhân cách. Trong thực tế, đức thường được gọi là cái tâm, là cốt lõi trong nhân cách được hình thành và phát triển bằng hoạt động và giao lưu của mỗi người.

Xin xem:
Ý nghĩa xin chữ đầu nămChữ “Tâm”
           Các nhà tâm lý học cho rằng nhân cách gồm có 3 loại bản ngã, đó là 3 cái tôi với những tính chất làm nên tính cách riêng của mỗi người, đó là:
          1. Cái tôi vật lý = Cái tôi và tôi vật chất (= Ngã) chỉ là một mà thôi,  gồm:
          - Cơ thể:  đẹp-xấu, cao-thấp, trắng-đen …
          - Trang phục, chỉ sự nối dài của cơ thể, là thời trang kiểu cách hay đơn giản. 
          2. Cái tôi xã hội = Cái tôi và cái của tôi (= Ngã sở) là một trong cái nhìn của người khác, gồm:
          - Tên, họ, quan hệ xã hội, bạn bè …
          - Nghề nghiệp, địa vị, tài sản.
          3. Cái tôi tâm lý = Cái tôi và tôi tinh thần (= Tự ngã) chỉ là một mà thôi, gồm:
          - Tư tưởng, tình cảm, sở thích, nguyện vọng.
- Những điều thầm kín, những điều mà mình không thể biết về mình.
5/.Tình cảm(E: feeling):  Đây là HTTL nhân cách thể hiện sự rung động của một chủ thể về một đối tượng, có cường độ cao hơn tâm trạng[E: weak emotion, status, mood – trạng thái cảm xúc yếu], tiềm tàng sâu lắng, ổn định, khó hình thành nhưng khó mất đi (điển hình là trường hợp Đức tin tôn giáo).
1.  Khi tình cảm dành cho đối tượng khác giới ngày càng mãnh liệt, lấn át các loại tình cảm khác và trở thành chuyên nhất, thì được gọi là tình yêu (E: love).
2.  Khi tình cảm mãnh liệt dành cho các giá trị cao đẹp là khoa học hay nghệ thuật, thì được gọi là đam mê (E: passion). Nhưng nếu dành cho các giá trị thấp hèn, rơi vào tình trạng nô lệ chất độc hại làm sụp đổ tâm sinh lý, hủy diệt nhân cách, thì được gọi là nghiện ngập (E: addiction).
-------------------
Chú thích:   tâm trạng(E: weak emotion) =/= xúc động (E: strong emotion).
          3) Giáo dục nhân cách.
          Giáo dục nhân cách có thể hiểu đơn giản là dạy dỗ cho con người, và con người tự dạy dỗ mình, để từng mỗi con người có được nét đẹp riêng bền vững, ổn định và tích cực  theo 5 nội dung nói trên. Giáo dục nhân cách thường được quan tâm đến các trẻ.
1/. Giáo dục nhân cách cho trẻ.
Ví dụ về giáo dục và tự giáo dục nhân cách.
1. Ví dụ về hươu cao cổ dạy con. Con vừa đẻ ra từ trên cao 2-3m rơi uỵch xuống đất. Hươu mẹ đá vào con đang đỏ hỏn, bắt đứng dậy. Hươu con đứng được rồi thì mẹ lại hẩy cho ngã xuống và lại bắt đứng lên. Nếu hươu mới đẻ ra mà không biết tự đứng dậy thì sẽ làm mồi cho dã thú, không thể tồn tại. Hươu mẹ đã dạy con muốn thành hươu cao cổ, hãy biết tự đứng dậy.
          2.  Ví dụ về nhân cách được tự giáo dục. Có đứa bé thấy cha say rượu đi lảo đảo trên đường làng. Nó vừa cười vừa đi theo, bắt chước chân nam đá chân chiêu. Người cha quay lại hỏi “Mày làm trò gì đó”. Đứa bé trả lời “Con đang theo dấu chân cha”. Ông ta dạy con uống rượu chăng? Không đâu, nhân cách của đứa bé sẽ hình thành từ dáng đi siêu vẹo của đệ tử Lưu Linh.
          Dưới đây là một vài nét được ghi nhận về đứa trẻ học ở cuộc sống.
Môi trường sống:
Gia đình, nhà trường và xã hội
Đứa trẻ học được gì
Giữa những người phê phán Cách lên án người khác
Bầu không khí thù địch Thích choảng nhau
Không khí hãi hùng Thói sợ sệt
Cảnh đau xót Sự đồng cảm
Không khí đố kỵ Sự tham vọng
Những người khoan dung Sự nhẫn nại
Giữa nguồn động viên Lòng tin
Niềm tự hào Biết phấn đấu
Sự san sẻ Lòng hào hiệp
Trung thực và công minh Chân lý và lẽ công bằng
Trong hạnh phúc Thế giới là nơi tốt đẹp để sống
Khen tặng đúng lúc Biết đánh giá cao xung quanh
 
 
Nhìn vào bảng trên, ta có thể quyết định dạy nhân cách cho con cháu mình như thế nào:
- Tại gia đình, bạn doạ trẻ “không ăn cơm, Ba-bị đến bắt”, lớn lêntrẻsẽ luôn sợ sệt, mất hết tự tin, phát biểu những điều đơn giản cũng phải dùng “phao”.
- Nếu không vừa lòng, bạn phát vào mông đứa trẻ. Ra đường, chúng sẽ thích đánh nhau. Bố mẹ tàn nhẫn sẽ nuôi dưỡng những đứa trẻ độc ác. Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực.
- Trẻ em vốn tham, không chịu chia sẻ đồ chơi nhất là đám 2-3 tuổi. Nếu được uốn nắn về cách thức chơi chung từ bé, lớn lên các em sẽ thành những thanh niên hào hiệp.
- Nếu không bao giờ mua điểm của cô giáo vì cái phiếu bé ngoan cuối tuần, con bạn lớn lên sẽ hết lòng vì chân lý và sự công bằng xã hội.
- Nếu nhân phẩm con người bị chà đạp, họ sẽ nguy hiểm hơn cầm thú vì loài người có trí tuệ. Xã hội lấy chữ "Nhân" làm trung tâm cho phát triển thì con người sẽ có nhân cáchtốt.
          2/. Giáo dục nhân cách bằng pháp luật cho người lớn.
Để cho người lớn sống có nhân cách, ngoài được giáo dục từ bé và tự giáo dục trong cuộc sống, hệ thống giáo dục phải bảo đảm “pháp luật thượng tôn”. Nếu không, sẽ khó nói về giáo dục và phát triển nhân cách.
Ví dụ về giáo dục và tự giáo dục nhân cách.
          1. Giáo dục pháp luật :  Sống trong môi trường pháp luật khác nhau thì nhân cách hình thành cũng khác nhau và chất “người” cũng khác.
- Có luật pháp nghiêm minh, người ta không thể ăn uống, xả rác trên phương tiện công cộng hay phố phường. Quả thật, sàn tầu điện ngầm Washington DC trải thảm, sạch như khách sạn.
Trong metro ở Washington DC người ta ghi: “Bánh mỳ kẹp thịt giá 3$, nhưng nếu bạn ăn trên toa hay trên sân ga, gía của nó là 50$. Ăn ở đâu đắt hơn, tùy bạn.”
- Trên xe khách Hà nội - Thanh Hoá, loại chất lượng cao hẳn hoi, có câu khẩu hiệu «Xin quí khách giữ gìn vệ sinh xe» hay «Đề nghị không xả rác ra sàn». Nhưng sau mỗi chuyến xe, rác rưởi, túi ni lông, giấy báo vứt đầy dưới sàn. Chỉ “xin” hay “đề nghị” thì không đủ.
- Qui định đội mũ bảo hiểm xe máy ở Việt Nam:  Khi tuyên truyền đội mũ cả năm trời, dân kêu khổ, nóng khó chịu dù tai nạn rất nguy hiểm. Khi có chế tài phạt rất nặng, cả nước lố nhố “nồi cơm điện”.
- Chống tham nhũng được thực hiện cương quyết và “không thỏa hiệp” sẽ mang lại chính quyền trong sạch và nhân cách lớn của người lãnh đạo được u dân noi theo.
2. Giáo dục tự giác theo pháp luật.
- Thói quen tôn trọng pháp luật bắt người lớn phải sống đàng hoàng. Lũ trẻ được hưởng môi trường trong lành của người lớn, khi lớn lên sẽ thành người tốt.
- Khi nói chuyện với Đại học Luật Hà Nội gần đây, ông Bộ trưởng Tư pháp Anh, Jack Straw, đã trích lời Aristotle, một triết gia lớn của phương Tây cách đây gần 2500 năm để nói về tầm quan trọng của luật pháp “Con người, khi hoàn thiện, là loài động vật tiến bộ nhất. Nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý,lại trở thành loài động vật xấu xa nhất”.
3/. Giáo dục và tự giáo duc với tư tưởng Tha hóa – Nhân bản.
Giáo dục và tự giáo duc với tư tưởng Tha hóa hay tư tưởng Nhân bản, sẽ tạo ra những con người có nhân cách tương thích
1. Tha hóa(他化;  E: alienation).
                    - Tha 他:  Có nghĩa là khác, khác biệt, không giống.
                    - Hóa 化:  Có nghĩa là biến đổi.
Tha hóalà một hiện tượng xã hội, là sự diễn biến tư tưởng con người, từ đó dễ trở nên xem thường hay đánh mất các giá trị hay nhân phẩm của chính mình và người khác. Đây là trường hợp các tư tưởng của các tổ chức chính trị và tôn giáo hữu thần chủ trương (chủ quan đề xuất) về những lý tưởng hạnh phúc, hứa hẹn hạnh phúc.
Bị tha hóalà một hiện tượng xã hội, là quá trình tư tưởng con người bị uốn nắn (nhồi sọ), từ đó trở thành không phải chính mình. Đây cũng là trường hợp có thể thấy ở phần đông ở người tôn thờ các chủ nghĩa chính trị và tôn giáo hữu thần.
Khái niệm tha hoá như đã phân tích (sự chuyển hoá một hiện tượng, mối quan hệ, đặc tính... sang cái khác với bản thân nó) được Feuerbach (1804-1872) sử dụng khi phân tích bản chất của tôn giáo: 
Nếu như Hegel(1770 - 1831)nói đến sự tha hoá của ý niệm tuyệt đối thì Feuerbachnói đến sự tha hoá của con người vào Thượng đế. Ông lập luận: Bản chất tự nhiên của con người là muốn hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ; nhưng trong thực tế con người không đạt được những điều đó nên đã gửi gắm tất cả ước muốn của mình vào hình tượng Thượng Đế. Như thế, không phải Thượng Đế sáng tạo ra con người mà chính con người sáng tạo ra Thượng Đế. Con người đã tưởng tượng ra Thượng Đế bằng cách trừu tượng hoá bản chất của mình, gán cho Thượng Đế những bản chất ấy. Với hình tượng Thượng Đế, con người đã tuyệt đối hoá, thần thánh hoá những đặc tính của mình. Phơ-bách đã viết: tư tưởng, dụng ý của con người như thế nào thì Thượng Đế của con người là như như thế ấy.
Bản chất của tôn giáo, theo đó, chính là sự tha hoá các đặc tính của con người. Con người dường như nhân đôi mình, ngắm nhìn mình trong gương mặt của Thượng đế.
2. Nhân bản人本hay Nhân văn人文;  E: humanity // humanism)
- Nhân 人:  Có nghĩa là con người.
- Bản 本:  Có nghĩa là gốc.
Nhân bản  là lập trường tư tưởng lấy con người làm gốc, tôn trọng phẩm chất con người, đề cao tiềm năng và quyền tự quyết của con người và xã hội. Tư tưởng này cho rằng con người làm chủ cuộc đời mình hay cuộc sống là vì hạnh phúc của con người. Tư tưởng nhân bản trái với tư tưởng tha hóa và bị tha hóa.
Theo chủ nghĩa nhân bản, bao dung, bất bạo động và tự do lương tâm là những nguyên tắc quan trọng cho sự cộng sinh của nhân loại.
Thời hiện đại, các phong trào nhân bản chủ nghĩa hầu hết là phi tôn giáo, gắn với chủ nghĩa thế tục và một nhân sinh quan phi thần. Chủ nghĩa nhân bản đề cử việc đảm trách đi tìm chân lý và đạo đức bằng những phương tiện của con người để phục vụ lợi ích của con người. Trong khi chú trọng đến khả năng tự quyết định của loài người, chủ nghĩa nhân bản bác bỏ những biện hộ tiên nghiệm như sự lệ thuộc vào tín ngưỡng, vào cái siêu tự nhiên hoặc những văn bản được xem là thiên khải. Những người chủ trương nhân bản tán đồng việc nhận thức được một đạo đức phổ cập lập cơ sở trên tính công cộng của bản chất loài người.
II. Nhân cách trong Phật giáo.
          1) Nhân bản và Phật giáo.
          Trong kinh Tương Ưng V, chương 3, phẩm Ambapāli, phần Bệnh, đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”.
Trong kinh Pháp Cú, các kệ chép:
9.Ai mặc áo cà-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo cà-sa.
 
10.Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chơn thực,
Thật xứng áo cà sa.
 
24. Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.
 
25.Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.
 
50.Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình.
Có làm hay không làm.
 
62.Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu.
 
80.Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.
 
91.Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn.
 
103.Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.
 
104.Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.
 
143.Thật khó tìm ở đời,
Người biết thẹn, tự chế,
Biết tránh né chỉ trích
Như ngựa hiền tránh roi.
 
165.Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai !
 
236.Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Đến Thánh địa chư Thiên.
 
238.Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.
 
247.Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình.
 
282.Tu thiền, trí huệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
 
347.Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng.
 
379.Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ-kheo tự phòng hộ
Chánh niệm, trú an lạc.
 
380.Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền.
 
423.Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Đạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc Mâu-ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn.
          Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng đạo Phật là một tôn giáo nhân bản chứ không là tôn giáo thần bản (đa thần hay độc thần).
          2) Nhân cách và Phật giáo.
Nhân cách như đã trình bày trên có ý nghĩa là phẩm chất của một người khiến cho người khác cảm phục. Phẩm chất này xuất phát từ nhận thức, suy nghĩ, nói năng và hành động chân thật nơi tự thân một cách trong sáng nơi người ấy.
          Trong Phật giáo, nhân cách của một hành giả tu học được đánh giá trên ba tiêu chí là Giới Định Tuệ của hành giả. Trong đó:
Giới  (;  P: Sīla;  S: Śīla;  E: Virtue, moral conduct)                  =>  Bi:  
   Là chuẩn mực về đạo đức, tức cách xử thế.
Định  (;  P: Samatha;  S: Śamatha;  E: Calm mind)                 =>  Dũng
   Là chuẩn mực nghịlực về một nội tâm vững vàng, không loạn động.               
Tuệ (慧;  P: Paññā;  S: Prajñā;  E: Wisdom)                               =>  Trí
   Là chuẩn mực về một nội tâm sáng suốt.                       
Giới-Định-Tuệ 戒定慧 có cơ cấu Đạo đức (Giới) + Chân lý  (Định + Tuệ).
          Có thể tạm chia làm 3 mức độ về nhân cách của hành giả từ thấp đến cao do được giáo dục và thực hành tốt như sau:
          1/. Mức độ 1– Tu học Ngũ giới (5 giới):
          Ngũ giới(五戒;  P: Pañcasīla;  S: Pañcaśīla;  E: The five precepts) là năm điều đạo đức, khuyến khích người Phật tử sơ cơ tại gia gìn giữ để hưởng được quả báo tốt đẹp.Người thực hành tốt 5 giới này được xem là có nhân cách của cõi người - Nhân .
                    1. Tránh xa sự sát sinh (P: Pānātipātā veramanī).
                    2. Tránh xa sự trộm cắp (P: Adinnādāna veramanì).
                    3. Tránh xa sự tà dâm (P: Kāmesu micchācārā veramanī).
                    4. Tránh xa sự nói dối (P: Musā vādā veramanī).
5. Tránh xa si mê do dùng chất say như rượu, thuốc nghiện (P: Surāmeraya majjappamādatthāna veramanī):
          Hành giả thực hành 5 giới trên sự hiểu biết về luật Nhân Quả và động cơ thúc đẩy sự phạm giới là Tham-Sân-Si từ một nội tâm chấp thủ.
          2/. Mức độ 2– Tu học Thập thiện (= 10 điều thiện, 10 điều đạo đức):
Thập thiện(十善;  P: Dasa sikkhapadani, Dasa sila;  S: Daśakuśala;  E: Ten good deeds, Ten virtues) còn gọi là Thập thiện nghiệp 十善業, Thập thiện giới 十善戒, Thập thiện pháp 十善法. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng. Người thực hành tốt 10 điều thiện này được xem là có nhân cách của cõi TrờiThiên hay Hiền nhân.
Hành giả thực hành rèn luyện tốt 10  điều thiệnsau.
                              Thân:  Có 3 điều.
1. Không sát hại chúng sinh mà nên làm việc phóng sanh.
2. Không trộm cắp, mà nên bố thí giúp đỡ người nghèo khổ.
3. Không tà hạnh, tà dâm mà còn làm thanh tịnh phạm hạnh.
                              Khẩu :  Có 4 điều.
4. Không vọng ngữ nói dối với người, mà nói lời chân thật.
5. Không nói lưỡi đôi chiều (như ở bên này nói xấu bên kia, ở bên kia nói xấu
bên này, sinh mâu thuẫn trong lòng người) mà phải nói lời hòa hợp lợi ích.
6. Không nói lời hung ác, thô bạo, sỉ nhục, vu khống người khác mà nên nói lời nhu nhuyến nhẹ nhàng (ái ngữ).
7. Không ỷ ngữ, tức không vì quyền lợi riêng mình mà nói hoa mỹ hoặc dùng lý lẽ ngụy biện bóp méo sự thực.
                              Ý  :  Có 3 điều.
8. Không tham dục (vị kỷ) mà viễn ly (vị tha) bằng pháp bố thí.
9. Không sân hận, oán giận người mà nên khoan dung, nhẫn nại (kiềm chế).
10. Không si mê, tà kiến, chấp trước mà nên luôn tu tập Chánh kiến.
Hành giả thực hành 5 giới trên sự hiểu biết về luật Nhân Quả và động cơ thúc đẩy sự phạm giới là Tham-Sân-Si từ một nội tâm chấp thủ.
          2/. Mức độ 3– Tu học 3 tuệ: Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ.
          Tuệ nơi đây hàm ý rằng hành giả nhận thức chân xác về chân lý khách quan tự nhiên “Duyên khởi”, mà cụ thể là hiểu biết và thực hành đúng đắn sâu sắc về Vô thường và Vô ngã. Người thực hành viên mãn 3 tuệ này được xem là có nhân cách của cõi Niết-bànPhật hay Thánh nhân 聖人.
1. Văn tuệ(聞慧;  P: Sutamayā paññā;  S: Śruta prajñā;  E: Wisdom by study):  Là sự hình thành tuệ từ việc hành giả thấy, nghe … đọc giáo pháp (ngũ căn giác quan).
          2. Tư tuệ(思慧;  P: Cintāmayā paññā;  S: Cintā prajñā; E: Wisdom by reflection):  Là sự hình thành tuệ từ việc hành giả suy nghĩ, luận bàn, phản biện giáo pháp (ý căn).
          3. Tu tuệ(修慧;  P: Bhāvanāmayā paññā;  S: Bhāvanā prajñā;  E: Wisdom by meditation):  Là sự hình thành tuệ từ việc hành giả thực hành rèn luyện tâm, chuyển hóa từ tâm mê lầm chấp thủ sang tâm giác ngộ giải thoát.
Nói chung, khi hành giả giác ngộ viên mãn về Duyên khởi, thì có nghĩa là nhân cách của hành giả đạt tới đỉnh cao, gọi là Đắc giới – Đắc định – Đắc tuệ. Nhân cách của hành giả bấy giờ thể hiện một cách linh hoạt và sáng suốt nguyên tắc đạo đức sau:
Mọi hành động đem lại  lợi mình-lợi người, được xem là  tốt, là  thiện,là  lành.
Mọi hành động đem lại  lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.
o0o
Nhân Quả.
Nội dung
I. Tổng quan về Nhân Quả.
II. Các đặc tính chính của Nhân Quả.
III. Phân loại Nhân Quả.
IV. Nhận thức về Nhân Quả nơi sự vật.
V. Các phạm trù Nhân Quả.
VI. Nhân Quả với Thập Thiện và 6 phiền não căn bản.
VII. Những lợi ích của giáo lý Nhân Quả.
I. Tổng quan về Nhân Quả.
Nhân Quả(;  P;S: Hetu-Phala;  E: Causality, Cause and Effect;  F: Causalité, Cause et Effet)  là hình thức biểu hiện cụ thể, mang tính ứng dụng của chân lý Duyên khởi  trong thực tế. 
Có hai ứng dụng quan trọng của Nhân Quả cho loài hữu tình, để vượt lên Khổ, đó là:
- Tứ Diệu Đế :  Nhằm phá chấp thủ về Ngã với cấu trúc hai cặp Nhân Quả.
- Thập Nhị Nhân Duyên:  Nhằm phá chấp thủ về Thần ngã (= Đấng tạo dựng) với cấu trúc chuỗi Nhân Quả, gồm hình thái 12 Duyên liên tục chuyển hóa qua ba thời là quá khứ-hiện tại-vị lai
Nhân Quả là cách nói gọn của Nhân-Duyên-Quả, với Duyên [緣: P: Paccaya, Paticca;  S: Pratyaya, Pratitya;  E:  Condition;  F: Condition].  Trong đó: 
                    + Nhân :  Được xem là Duyên chính, còn gọi là nội duyên. Ví dụ:  Con người là duyên chính, tổ hợp bởi 5 duyên (5 uẩn).
                    + Duyên :  Được xem là Duyên phụ, còn gọi là ngoại duyên, nó có thể có lợi (thiện) hay có hại (bất thiện) cho Duyên chính.
                    +Quả :  Là Duyên chính mới hình thành từ sự phối hợp Duyên chính và Duyên phụ, tức phối hợp nội duyên và ngoại duyên.
                                       Nhân  +  Duyên  =  Quả
 
            
Các sơ đồ trình bày cơ cấu Nhân-Duyên-Quả
Theo đó, một Nhân là Duyên chính có thể tương hợp với những Duyên phụ khác nhau thành ra những Quả khác nhau. Cho nên, khi nói Nhân Quả tức phải hiểu là Nhân-Duyên-Quả.  Cũng như trong khoa học, khi nói nghiên cứu một bộ phận nào trong cơ thể, thì phải thấy rằng bộ phận ấy không phải biệt lập, mà trái lại có liên quan mật thiết đến toàn cả cơ thể.
Trong sự hình thành của tất cả các pháp, thì Nhân gọi là“Năng sinh”Quả“Sở sinh”, có nghĩa là pháp nào có khả năng dẫn sinh đến kết quả, thì pháp ấy là Nhân, và pháp do được Nhân sinh ra thì đó chính là Quả.
- Nhân Quả là một định luật, thoạt trông thì rất giản dị, nhưng nếu càng đi sâu vào sự vật để nghiên cứu thì lại không ít phức tạp.
Theo Duyên khởi, mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ không phải đơn thuần tách rời nhau để đứng biệt lập được, mà có liên quan mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Trong sự phức tạp biến thiên của sự vật ấy, không dễ để tìm ra được cái Nhân chính yếu sinh ra Quả, hay từ cái Quả mà thấy ra cái Nhân chính yếu của nó. Do đó, nhiều người không quen suy nghĩ tìm tòi, thì khó mà thấu đáo được.
II. Các đặc tính chính của Nhân Quả.
1)Một Nhân không Duyên không thể sinh ra Quả:
Mọi sự vật trong vũ trụ là tổ hợp của nhiều Duyên. Cho nên không có một Nhân nào có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự tương hợp của nhiều Duyên khác.  Nói rằng hạt lúa sinh ra cây lúa, là nói một cách giản đị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sinh ra gì được cả nếu như chỉ để nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công, … Cho nên, sẽ là sai lầm khi cho rằng một Nhân có thể sinh ra vạn vật, nghĩa là vạn sự vạn vật không thể tự chính nó sinh ra, tức một pháp có hai cá thể là Năng sinh và Sở sinh.
2) Một Nhân tùy Duyên sẽ sinh Quả tương thích:
- Trong kinh Nhân Quả có ghi:
" Muốn biết nhân đời trước, thì nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại; muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, thì nhìn vào những tạo tác của hiện tại  –
Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giải thị, Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị - 欱知前世因, 今生受者是, 欱知來世果, 今生作者是"
Ví dụ: Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ương hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà lại thấy đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. Nói cách khác, Nhân với Quả thường cùng đồng một loại với nhau.
Đây là ý nghĩa hẹp của Nhân Quả, biểu hiện Nghiệp nhân không đưa đến Dị Thục quả.
- Trong kinh Tăng Chi I, tr. 284, nói rõ hơn. Có lần ngoại đạo phát biểu: "Người này tạo Nghiệp như thế nào, thì người ấy cảm thọ Quả như vậy". Ðức Phật đã bác bỏ quan điểm đó, Ngài dạy: "Người này tạo Nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, thì người ấy cảm thọ Quả dị thục như vậy, như vậy"
Theo đó, hễ Nhân đổi (Dị Thục nhân) thì Quả đổi (Dị Thục quả), nếu Nhân đổi ít thì Quả cũng đổi ít, nếu Nhân đổi nhiều thì Quả cũng đổi nhiều.
Ví dụ:
+ Như người ta đem hạt lúa (Nhân) gieo xuống đấttốt có nước, có ánh sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công, … (Duyên), thì trong mùa gặt sau, là những bông lúa vàng (Quả). Nhưng người ta cũng có thể đem hạt lúa (Nhân), chế biến thành gạo và nấu nó để ăn no (Duyên), biến thành máu thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây cỏ (Quả).
+ Như người ta ghép vào gốc cây bưởi (Nhân) cành cây cam (Duyên). Kết quả tốt đẹp là những trái cam to lớn (Quả) hơn hẳn trái cam có từ thuần cây cam.
 Đây là ý nghĩa bao quát của Nhân Quả, biểu hiện Nghiệp nhân là Dị Thục nhân thay đổi sẽ đưa đến Nghiệp quả là Dị Thục quả.
3) Dị Thục nhân- Dị Thục quả異熟果[Dị: Biến đổi khác;   Thục: Chín muồi].
- Trong kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Bốn Pháp chép:
"Có bốn phạm trù khó thể tư duy, đó là: Phật giới, Thế giới tâm, Thiền định của người tu Thiền, Dị Thục quả của Nghiệp nhân (= Dị Thục nhân) ”.
Theo đó, bất cứ một khảo sát nào về Nhân Quả, hãy đều có tính tương đối như tính tương đối của các pháp sinh diệt hữu vi, chịu vô thường, biến hoại. Cho đến khi hành giả đoạn trừ hết phiền não và phát sinh tuệ giác, thì ý nghĩa thật của Nhân Quả sẽ xuất hiện cùng với thật tính của các pháp – đó là Duyên khởi tính.

Vipāka – Wikipedia
Quả báo – Wikipedia tiếng Việt
Sơ đồ 12 Nhân Duyên
Ngoại giới là thế giới hiện tượng, tức thế giới của tương quan, nên đó là sự biểu hiện của các quá trình Nhân Quả. Còn thế giới nội tâm, thì ở đâu mà có mặt Ái, Thủ (của cấu trúc 12 Nhân Duyên) – ở đó có mặt của Nghiệp, tức có mặt của Nhân Quả.  Ở đâu không có Ái, Thủ thì ở đó không có sự tạo tác Nghiệp mới; có chăng chỉ còn ảnh hưởng của Nghiệp cũ để lại, tức Nhân Quả chỉ còn ảnh hưởng ở ngoại giới.
"Có trời mà cũng có ta,
Tu là cội phúc, tình là dây oan".
[Truyện Kiều  (2657-2658)]
Tiến trình hình thành quả vị Thánh nơi một hành giả:
+ Ở quả vị Tu-đà-hoàn (Sơ quả Thánh), Nghiệp mới không được tiếp tục tạo tác, chỉ còn lại Dục, Sân và năm thượng phần kiết sử.
+ Ở quả vị Tư-đà-hàm,  làm nguội thêm Dục và Sân.
+ Ở quả vị A-na-hàm, chỉ còn năm thượng phần kiết sử.
+ Ở quả vị A-la-hán, tất cả phiền não (lậu hoặc) nơi tâm đã được đoạn tận, nghĩa là Nghiệp từ tâm khởi được đoạn tận, có thể chỉ còn vài ảnh hưởng của Nghiệp nhân quá khứ rơi rớt trên cái thân sắc uẩn.  Bấy giờ, hành giả đã chủ động Nhân Quả đối với ngoại giới bằng tâm Duy tác (心唯作;  P: Kiriyā citta;  S: Kriyā citta;  E: Only-action) bởi chính nội tâm thanh tịnh có được là do từ tuệ giác, chứ không còn phải bị động với Nhân Quả bởi một nội tâm chấp thủ và loạn động, đầy Tham-Sân-Si như trước đây.
Tóm lại, Nhân Quả có vị trí rất trọng yếu trong việc phân giải các sự khác biệt của con người, rất trọng yếu trong việc thiết lập nền tảng đạo đức của Phật giáo và chỉ có mặt trong thế giới của ý niệm của các ngã tướng.
          4) Chuỗi Nhân Quả.
Một sự vật mà ta gọi là Nhân là khi nó chưa biến chuyển hình thành ra cái Quả. Một sự vật mà ta gọi là Quả là khi nó hình thành từ biến chuyển của một Nhân trước đó. Một sự vật đối với quá khứ thì nó là Quả, nhưng đối với tương lai thì nó là Nhân. Nhân và Quả đắp đổi nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Ta gọi cả quá trình biến đổi là chuỗi Nhân Quả.
Nhân Quả = Nhân-Duyên-Quả được xem như một chu kỳ. Quả nơi đây còn gọi là Nghiệp quả, Nghiệp báo hay Quả báo, được xem như một Nhân mới, và tiến trình của một chu kỳ Nhân-Duyên-Quả mới hình thành. Cứ thế mà các chu kỳ mới, liên tục hình thành như một chuỗi, gọi là chuỗi Nhân-Duyên-Quả.
III. Phân loại Nhân Quả.
Thông thường, một Quả khi hình thành nó cần có đầy đủ duyên chính và các duyên phụ làm Nhân. Theo đó, Nhân Quả được xét đến qua nhiều góc độ như thời gian, không gian, vật lý, tâm lý v.v...
1) Phân loại Nhân Quả theo thời gian:
Sự biến chuyển từ Nhân đến Quả có khi mau khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng đều.
1/- Nhân Quả đồng thời:  Đây là loại Nhân Quả mà từ Nhân đi đến Quả rất nhanh. Ví dụ như ăn thì no, uống nước thì hết khát, tức giận thì buồn phiền v.v..., hoặc như khi ta vừa đánh xuống mặt trống thì tiếng trống liền phát ra, hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên.

Nhân quả đồng thời
2/- Nhân Quả khác thời:  Đây là loại Nhân Quả mà thời gian đi đến quả có một khoảng thời gian. Và khoảng thời gian đó được chia làm 3 loại như sau:
Hiện báo:  Nghĩa là Nhân trong đời này đưa đến Quả ngay trong đời này, tức Nhân Quả một đời.  Ví dụ:
- Có khi từ Nhân đến Quả cách nhau vài tháng, như từ khi gieo hạt giống lúa cho đến lúc gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng.
- Có khi từ Nhân đến Quả cách nhau từng chục năm, như đứa bé mới cắp sách đi học cho đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là trên chục năm.
Sinh báo: Nghĩa là tạo Nhân trong đời này nhưng đến đời sau mới thọ Quả báo, tức Nhân Quả hai đời. Ví dụ như kinh Địa Tạng bảo rằng ai hay trêu chọc người, đời sau sẽ thác sinh vào loài vượn, khỉ.
Hậu báo: Nghĩa là tạo Nhân trong đời này nhưng đến các đời sau mới thọ Quả báo,  tức Nhân Quả nhiều đời (xem Truyện tiền thân, Bổn Sinh, Bổn Sự).
Ba thời nhân quả này vì có một thời gian tương đối ổn định (có khoảng cách), do đó chúng được xếp vào loại Định nghiệp. Ba thời nhân quả, đồng thời cũng là câu trả lời tại sao (một số trường hợp) có người làm lành trong đời này lại gặp những điều bất hạnh, và ngược lại, người làm việc ác lại gặp may mắn.
2) Phân loại Nhân Quả theo vật lý và tâm lý:  Cách phân loại này nhằm chỉ đến sự biểu hiện của nghiệp quả thông qua thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp, đồng thời nói lên những khoảng cách khác nhau của nghiệp quả giữa nội tâm và ngoại cảnh.
1/-Nhân Quả ngoại cảnh (ngoại giới):  Đây là phân loại Nhân Quả theo vật lý.
2/- Nhân Quả nội tâm (nội giới):  Đây là phân loại Nhân Quả theo tâm lý.
Ví dụ:
- Trường hợp một vị sư bị vu khống phải ở tù, thân vị ấy ở trong tù nhưng tâm vị ấy thì an định, ly thủ, giải thoát. Như thế, Nghiệp quả chỉ biểu hiện ở thân (vật lý) chứ không biểu hiện ở tâm.
- Như một người có thân thể (vật lý) xấu xí, khó nhìn, nhưng tâm (tâm lý) thì thông minh và sáng suốt, hiền từ, độ lượng và tu tập tốt. Đây là trường hợp Nghiệp quả có phước báo ở hai mặt thân và tâm khác nhau.
IV.Nhận thức về Nhân Quả nơi sự vật.
Nhân Quả được xem như chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, không có một sự gì, vật gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, ở ngoài luật Nhân Quả được. Dưới đây là vài nhận thức về Nhân Quả của sự vật (= hành tướng行相của Nhân Quả).
1) Nhân Quả nơi các vật vô tri giác:  Nước là Nhân - bị lửa đốt là Duyên - nóng và bốc hơi là Quả, …  Nước bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Hoặc nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.
2) Nhân Quả nơi các loài thực vật:  Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tống quát: giống cây ngọt là Nhân thì sanh quả ngọt là Quả, …, giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy.
3) Nhân Quả nơi các loài động vật:  Loài chim sanh trứng; nếu ta gọi trứng là Nhân, khi ấp nó thành con là Quả; con chim ấy trở lại làm Nhân, sanh ra trứng là Quả. Loài thú sanh con, con ấy là Quả. Con thú lớn lên trở lại làm Nhân, sanh ra con là Quả.
4) Nhân Quả nơi con người:
Con người tạm chia ra làm hai mặt là Vật chất (Vật lý) và Tinh thần (Tâm lý). Nói chung, ta tự gieo Nhân thì tự nhận Quả về hai mặt này, người khác không thể nhận thay. 
1/. Về phương diện Vật chất:  Thân tứ đại là do hấp thụ khí huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là Nhân, người con trưởng thành là Quả và cứ tiếp nối vậy mãi, Nhân sanh Quả, Quả sanh Nhân liên tục không bao giờ dứt. Đây được xem là Nhân Quả ngoại cảnh.
2/. Về phương diện Tinh thần:  Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện tại; tư tưởng và hành động quá khứ là Nhân, tánh tình, nếp sống tinh thần trong hiện tại là Quả. Tánh tình và nếp sống này làm Nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là Quả. Đây được xem là Nhân Quả nội tâm.
          Trong kinh Pháp Cú Nhân Quả của tinh thần được trình bày như sau:
Ý dẫn đầu các pháp.                   Ý dẫn đầu các pháp.        
Ý làm chủ tạo tác.                      Ý làm chủ tạo tác.  
Nếu với ý nhiễm ô.                     Nếu với ý thanh tịnh.
Nói năng hay hành động.            Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau.              An lạc bước theo sau.
Như xe theo vật kéo.                  Như bóng không rời hình. 
(Kệ Pháp Cú 1)                                 (Kệ Pháp Cú 2)
          Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra:    
Hãy cẩn thận với tư tưởng của bạn vì chúng có thể biến thành lời nói.
Hãy cẩn thận với lời nói của bạn vì chúng có thể biến thành hành động.
Hãy cẩn thận với hành động của bạn vì chúng có thể trở thành thói quen.
Hãy cẩn thận với thói quen của bạn vì chúng có thể uốn nắn nhân cách của bạn.
Hãy cẩn thận với nhân cách của bạn vì nó sẽ định số phận của bạn. Số phận của bạn là cuộc đời của bạn.
           Theo đó, có thể thấy rằng khi tâm hành giả chưa giác ngộ-giải thoát, thì hành giả luôn bị động trong Nhân Quả chi phối nơi tâm và nơi thân. Và khi tâm giác ngộ-giải thoát, thì hành giả với nội tâm thanh tịnh, sẽ luôn chủ động đối với các Nhân Quả ngoại cảnh thông qua tuệ giác. Châm ngôn “Bồ tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả” cũng nhằm nói lên tính cách chủ động Nhân Quả ngoại cảnh của bậc giác ngộ.
          5) Nhân Quả và Định mệnh.
Nhân Quả theo Phật giáo không phải là Định mệnh, cũng không mang tính chất tiền định cố hữu. Bởi lẽ, sự hiện hữu của con người không đơn giản chỉ tùy thuộc vào các Nhân quá khứ đã gieo trong đời sống quá khứ, mà nó còn tùy thuộc ngay nơi các hành động  tạo tác mới trong hiện tại là Nhân hiện tại.
          Vì thế, nếu gọi:
Σ Nhân quá khứ  =>  Quả hiện tại 1.
Σ Nhân hiện tại   =>  Quả hiện tại 2
Ta có:
Quả hiện tại =  Quả hiện tại 1 +  Quả hiện tại 2 
Nhân quá khứ(đưa tới Sinh báoHậu báo) và Nhân hiện tại rất đa dạng về định tính và định lượng, do đó một con người bình thường khó mà có thể cảm nhận hết được Quả hiện tại (là Dị Thục quả), vì chúng quá tầm nhận thức từ các giác quan thông thường của con người.
Các Nhân này chỉ có số ít người đạt Túc mạng thông 夙命通thì mới có thể biết rõ được tiến trình Nhân Quả được. Chẳng hạn như đức Phật Thích Ca, ..., hay ông Edgar Caycelà người Mỹ nổi tiếng trong thời hiện đại.
        Do đó, nếu hiểu được thế, thì ta có thể giải thích các hiện tượng tưởng chừng như nghịch lý nơi luật Nhân Quả.  Ví dụ như kẻ làm ác mà không bị trừng phạt, còn người hiền thiện thì gặp khổ nạn.  Trong lịch sử Phật giáo, cho thấy nhiều bậc đã chứng thánh A-la-hán mà vẫn phải còn khổ nạn, như tôn giả Losaka Tissa bị quả báo đói  kém, và tôn giả Mục Kiền Liên bị quả báo chết thảm. Tuy nhiên khác với người bình thường, các vị này đã chủ động Nhân Quả, chủ động sinh tử, nên đã rất an nhiên trước Quả báo, vì đã thấu rõ diễn biến tự nhiên của luật Nhân Quả là vậy.
V. Các phạm trù Nhân Quả.
Trong kinh Tăng Chi II, VPH. Vạn Hạnh, 1982, tr.101,  Đức Phật dạy rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp”. Theo đó, Nhân Quả sẽ được bàn đến thông qua các phạm trù cơ bản của đời sống con người.
1) Nhân Quả và phạm trù đạo đức
 Ngoài vấn đề thiện ác, tức vấn đề luân lý đạo đức của con người qua hình thức pháp luật của xã hội, nói chung vấn đề trọng yếu của giáo lý Nhân Quả là ở chỗ nó đặt ra trách nhiệm cá nhân của mỗi con người đối với các điều kiện sống của con người ấy. Do đó, không thể quy ước giáo lý Nhân Quả - tức luân lý đạo đức Phật giáo - theo khuôn mẫu ước lệ như luật pháp được ban hành trong xã hội.
Ví như một người phạm tội, luật pháp sẽ trừng phạt người đó khi hành vi phạm tội được xác định - nghĩa là khi người đó đã thực hiện điều tội lỗi. Trong khi với luân lý đạo đức Phật giáo, người này đã có tội ngay khi những ý niệm tội lỗi (xấu ác) phát sinh trong tâm của y, mặc dù đó chỉ là ý niệm chứ chưa phải là hành vi. Do đó nơi đây, trách nhiệm cá nhân theo giáo lý Nhân Quả là trách nhiệm cao nhất đối với thái độ tâm lý đạo đức của mỗi con người, chứ không phải là trách nhiệm theo quy ước luật pháp trong xã hội.
Trong một số trường hợp, một người gian có thể chạy trốn pháp luật, nhưng với luân lý đạo đức Phật giáo, họ không thể chạy trốn lương tâm của chính mình. Vì thế, nếu đứng trên phương diện giáo dục, giáo lý Nhân Quả là một phương pháp giáo dục rất lành mạnh và tích cực. Vì ngay từ đầu, tinh thần Nhân Quả đã đưa con người về với chính nó.
Con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tư duy và hành động của chính mình. Hạnh phúc hay khổ đau là do mình tự tạo cho mình. Ở đây không hề có một sự trừng phạt hay ban thưởng của thần linh nào, cũng không có một giáo điều hay tín lý nào có thể thiết lập trên cơ sở Nhân Quả.
Vì thế châm ngôn "Bồ-tát sợ Nhân, chúng sanh sợ Quả" như là một Chánh niệm khuyến tấn người tu có cách nhìn đúng đắn cho đời sống đạo đức của mình.
2) Nhân Quả và phạm trù chân lý (giải thoát): 
Giáo lý Nhân Quả đặt trọng tâm vào vấn đề thiện-ác, chánh-tà, tốt-xấu ..., liên quan đến đời sống đạo đức của con người. Tuy nhiên, Nhân Quả cũng là điểm khởi đầu của con người để đi vào giác ngộ chân lý Duyên khởi và hiện thực giải thoát. Vì lẽ Đức Phật dạy các pháp là Vô ngã, cho nên mọi sự phân biệt thiện-ác, chánh-tà... đều là sản phẩm của ý niệm vốn sinh khởi từ sự có mặt của Ngã tưởng (sự tưởng tượng về một Ngã – tức thực thể tự hữu và thường hữu bất biến).
Nơi đây, điều tối quan trọng là sự nỗ lực tư duy và nhận ra rằng không hề có mặt bất luận một Ngã tưởng nào thực sự hiện hữu; tất cả là Vô ngã. Khi nhận ra điều này, hành giả đã bắt đầu bước vào thế giới thực tại giải thoát - một thế giới vượt lên trên mọi ý niệm phân biệt, mọi Ngã tưởng điên đảo. Khi Ngã tưởng được buông xả thì tham Ái-chấp Thủ sẽ bị đoạn diệt; bấy giờ hành giả chủ động trong các tương quan Nhân Quả. Đây là ý nghĩa của Niết-bàn tối thượng.
3) Nhân Quả và phạm trù siêu hình.
Thật ra thế giới vô hình cũng là thế giới vật lý (sónghạt: waves and particles) mà giác quan con người có nhiều hạn chế không cảm nhận được.  Do đó, các định luật về vật lý vẫn nghiệm đối với thế giới vô hình, luật Nhân Quả cũng vậy. Tuy nhiên, do luật Nhân Quả có nhiều điều kiện phức tạp đối với việc xác định Nhân và Duyên, cho nên vấn đề luận giải Nhân Quả trong thế giới vô hình rất dễ bị giới tiêu cực tín ngưỡng tôn giáo lợi dụng và mê tín hóa.  Bấy giờ,Nhân Quả được khéo ngụy biện, cho nên Nhân vô hình dễ là tà Nhân và Duyên vô hình dễ là tà Duyên, tất nhiên sẽ dẫn tới tà Quả.
Hơn nữa, trong thế giới hữu hình còn “tam sao thất bổn”, thì thế giới vô hình có lẽ chỉ có “nhất sao thất bổn”. Không ít kẻ lợi dụng thần thông phép lạ và sử dụng “Nhân Quả vô hình” để ngụy biện mê hoặc con người, dẫn tới nhiều hành động phi đạo đức.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi xưa Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã thường hạn chế sử dụng thần thông, và từ chối nói hay bàn về các vấn đề siêu hình, ngoại trừ một số câu chuyện về tiền thân hoặc dùng thần thông có liên quan tới việc giáo dục, dần dẫn dắt giác ngộ chân lý cho con người.
Trong kinh Trung Bộ, số 72 có chép rằng: Một hôm có một du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đến chỗ Đức Phật, bạch rằng:
Thưa Tôn giả Gotama, Thần ngã có không?” Đức Phật im lặng, không trả lời.
Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, Thần ngã không có chăng?”. Đức Phật vẫn giữ im lặng.
Ở thời Đức Phật, những du sĩ ngoại đạo giống như Vacchagotta không phải là ít, lúc họ cùng nhau bàn luận thường đưa ra những vấn đề huyền học để tranh luận. Những vấn đề tranh luận thường xoay quanh mười chủ đề sau:
- Liên quan đến vũ trụ:
1- Vũ trụ vĩnh hằng?        
2- Vũ trụ không vĩnh hằng?        
3- Vũ trụ hữu hạn?
4- Vũ trụ vô hạn?

- Liên quan đến vấn đề vật lý học và tâm lý học:
5 – Thân và tâm là một vật đồng nhất?         
6- Thân là một vật và tâm là một vật?

- Liên quan đến vấn đề cảnh giới chứng ngộ của Đức Phật:
7- Sau khi chết Đức Phật tồn tại?         
8- Sau khi chết Đức Phật không tồn tại?         
9- Sau khi chết Đức Phật vừa tồn tại vừa không tồn tại?     
10- Sau khi chết Đức Phật vừa không tồn tại vừa không không tồn tại?

Đức Phật đã dạy rằng những câu hỏi như thế chỉ hoàn toàn dựa vào những lý do trừu tượng chung chung hay huyền hoặc, nên không có câu trả lời. Ngài bảo chúng bị che đậy bởi tính không có ý nghĩa hoặc rối rắm không đầu không cuối của chúng. Những vấn đề trên đều triền miên không thể nói hết tận nguồn gốc của chúng, và chúng đều không có ích lợi gì cho việc giải thoát khổ đau của nhân loại. Đức Phật đã dạy rằng:
“Này Vacchagotta, nghĩ rằng thế giới là vô thường… thế giới là thường… thế giới vô biên… thế giới là hữu biên… sinh mạng và thân thể là một… sinh mạng và thân thể là khác… Như lai có tồn tại sau khi chết… Như lai không tồn tại sau khi chết… Này Vaccha, nghĩ rằng Như Lai không có tồn tại và không không có tồn tại sau khi chết, như vậy là tà kiến, là hý luận kiến, là tranh chấp kiến, … chỉ đưa đến khổ, đến tàn hại, đến não hại, … chứ không hướng đến xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn. Này Vacchagotta, Ta thấy có sự nguy hại này mà ta không chấp nhận  những tri kiến như vậy
VI. Nhân Quả với Thập Thiện và 6 phiền não căn bản.
1) Theo kinh Thập Thiện:                              
Nhân
[Giữ Thiện]
Nhân
[Tiến thiện]
Quả
  1. THÂN  
Không sát sanh, không phá hoại môi trường Cứu sanh, chăm sóc môi trường, con người, cây cỏ Khỏe mạnh, trường thọ
Không tước đoạt, ngay thẳng Giúp đỡ, chánh thiện thí Giàu sang, an ổn
Không tà dâm, quan hệ bất chính, đa dâm Tu tập Tinh – Khí – Thần Xinh đẹp, hạnh phúc
  2. KHẨU  
Không nói dối gạt, chân thật Nói lời chân thật mang đến lợi ích Uy thế, tiếng tăm
Không nói xảo ngôn thêu dệt Nói đúng sự thật, giúp mọi người hiểu được vấn đề Mọi người kính mến
Không nói hai chiều, ly gián, nịnh hót Nói lời hòa hợp, trung thực thẳng thắng Mọi người kính nể, mang  ơn
Không nói thô tục, ác độc Nói lời lịch sự, cao đẹp Mọi người tôn trọng
  3. Ý  
Không còn gian tham, bỏn xẻn (tham) Thí xã, rộng rãi Vô lượng phước báu
Không còn nóng nảy thù vặt (sân) Từ tốn, nhẫn nhịn,  nhẫn nại Vô lượng duyên lành
Không còn mê muội, thụ động (si) Học hỏi, trau dồi tri thức, năng động Vô lượng trí tuệ
 
NhânQuả Thập Thiện
2) Theo luận Câu Xá.
Theo Luận Câu Xá, có 6 phiền não căn bản là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến.  Dưới đây là cách nhìn Nhân Quả trên 6 phiền não căn bản này trong đời sống con người.
•  Tham lam:  Người thấy tiền của người nổi lòng tham lam, sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người, đó là Nhân; bị nhà chức trách bắt giam và chịu những điều tra tấn đau khố, đó là Quả.
          Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị tiền của trói buộc, tất được thảnh thơi.
Sân hận:  Người quá nóng giận đánh đập, chém giết người không gớm tay, đó là Nhân; khi hết giận, đau đớn nhìn luật pháp trừng trị phải chịu khổ, đó là Quả.
          Người không nóng giận, tất được sống trong cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm.
•  Si mê:  Người say mê sắc dục, say mê cờ bạc, nghiện rượu không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là Nhân; làm cho gia đình lủng củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u ám, đó là Quả.
Người không si mê theo sắc dục, cờ bạc, nghiện rượu, tất được gia đình kính nể, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện
•  Kiêu mạn:  Người tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh, đó là Nhân; bị người ghét bỏ, xa lánh, đó là Quả.
Người không kiêu ngạo thì được mọi người quí chuộng, niềm nỡ tiếp đón, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến.
•  Nghi ngờ:  Người không nhận định rõ sự lý, suốt đời cứ do dự lưng chừng việc này đến việc khác, nghi ngờ tất cả mọi thiện chí trên đời, đó là Nhân; kết cuộc không làm nên được việc gì cả trong đời, đó là Quả.
Người không hay ngờ vực, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời.
•  Tà kiến:  Người có những thấy biết sai lầm, có những thành kiến cố chấp, đó là Nhân; đưa tới xung đột với người, thất bại trong công việc, đó là Quả.
Người có những thấy biết đúng đắn, có chánh kiến, thì hài hòa với mọi người, có được uy tín và dễ thành công trong cuộc sống.
VII. Những lợi ích của giáo lý Nhân Quả.
Nhân Quả có vị trí rất quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt Nghiệp quả ở mỗi con người, và thiết lập nên một nền tảng đạo đức luân lý nhân bản và tích cực. Nhân Quả theo Phật giáo không phải là định mệnh, cũng không mang tính chất tiền định cố hữu. Nhân-Quả thiết thực về mặt khoa học (lý trí) chứ không mặc định, thiết thực về mặt giáo dục đạo đức thiện-ác tốt-xấu trong hành động, mà cụ thể là:
        - Thiện (#Tốt):  Hành động nào đó đem lại lợi ích cho mình và cho người (người là cá nhân hay cộng đồng con người).
        - Ác (#Xấu):  Hành động nào đó hoặc đem lại lợi mình-hại người, hoặc hại mình-lợi người, hoặc hại mình-hại người.
Điều này cũng khai phóng cho con người một lối đi năng động, tích cực để vượt qua mọi trở ngại của Nghiệp quả, thậm chí có thể chấm dứt bị động trong dòng sinh tử khổ đau ngay tại cuộc đời này. Thực ra, theo lời Đức Phật dạy, tất cả Nghiệp quả từ vô lượng kiếp đã tập trung vào thân năm uẩn này rồi, vấn đề còn lại là hành vi tạo tác nên những Nghiệp mới thông qua sự giao tiếp giữa 6 căn, 6 trần.
Từ đó, lối đi của giải thoát chân thực, thực sự không phải là Nghiệp quả của năm uẩn, mà chính là hành vi tạo tác của năm uẩn. Cho đến khi nào chúng ta ngộ được rằng năm uẩn là Vô ngã, chúng không có tự tính và không còn chấp thủ năm uẩn là Ta, là Của ta, là Tự ngã của ta (Ngã, Ngã sở, Tự ngã); ngay lúc đó, phiền não được đoạn tận, và Niết-bàn thị hiện. Vì thế, theo ý nghĩa cùng tột, Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhi-Magga) đã chỉ ra:
“Không có người hành động, chỉ có hành động.
                              Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
                              Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
                              Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.”
Dưới đây là một vài lợi ích thiết thực trong đởi sống từ nhận thức Nhân Quả.
1)Luật Nhân Quả giúp tránh những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền:
Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên những màn đen tối, phĩnh phờ của mê tín, dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn thuyết Thần ngã vô hình tự có và có uy quyền thưởng phạt muôn loài theo cách lối Nhân Quả ngụy biện (*).
Do đó, người hiểu rõ luật Nhân Quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, sẽ không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ, hoang mang.
-----------
(*) Chú thích:  Nhân Quả ngụy biện thường được sử dụng trong các sự kiện vô hình. Vì thế đối với những sự kiện vô hình, ta không nên dùng Nhân Quả lý giải để tránh các sai lầm. Đây cũng chính là điều mà đức Phật luôn cảnh giác cho hành giả tu học Phật.
            Ví dụ các tôn giáo hữu thần cổ xúy “Đức tin bằng cách cố tình “bóp méo” Tứ Diệu Đế như sau:
            - Khổ đau      =>  Nguyên nhân: Không tin Thượng Đế.
            - Hạnh phúc   =>  Nguyên nhân: Hãy tin vào Thượng Đế.
2) Luật Nhân Quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người:
Khi đã biết cuộc đời là do Nghiệp nhân của chính mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo. Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quí báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh, hăng hái làm điều tốt cho những kết quả đẹp đẽ.
3) Luật Nhân Quả làm cho không chán nản, không trách móc:
Người hay chán nản, hay trách móc, là vì đã đặt sai lòng tin của mình, là do đã hướng ngoại có thói quen ỷ lại ở kẻ khác. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi thất bại hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Đã biết mình là đầu mối như thế, thì chỉ còn lo tự sửa mình, thôi gieo Nhân xấu ác để khỏi phải gặt Quả xấu ác.
o0o
Nhẫn.
Nội dung
I. Nhẫn tùy theo nghịch cảnh.
II. Nhẫn tùy theo hành động tạo tác.
III. Nhẫn tùy theo quả vị tu tập.
IV. Nhẫn Ba-la-mật-đa.
Nhẫn(;  P: khanti;  S: kṣānti): Là sự nhẫn nại, nhẫn nhịn (E: patience, forbearance)  //  sự tha thứ (= khoan dung 寬容;   E: forgiveness).
Theo  Phật giáo, Nhẫn là một loại năng lực của đức hạnhtrí tuệđối trị lòng sân hận, là bình tĩnh chịu đựng những hoàn cảnh trái nghịch hoặc do người khác sỉ nhục, vu khống ta, … mà ta không giận hờn, không thù oán. Nhẫn được lý giải như sau:
I. Nhẫn tùy theo nghịch cảnh.
Có hai loại là Sinh Nhẫn và Pháp Nhẫn.
1) Sinh Nhẫn (生忍;  E: patience of the masses):  Đây làNhẫn đối với tất cả chúng sinh, gồm có 2 loại:
- Đối với người, dù thân hay sơ, ta đều khởi tâm tôn trọng. Ở đời gặp thật nhiều cảnh khó nhẫn, nhưng ta thường nhường nhịn mà không chấp trách sân hận, cho dù họ có những cử chỉ ngang ngược đối với ta, có những ngôn ngữ thô tục khiêu khích hay kẻ bất tài mà mình phải phục tùng vì lẽ kẻ ấy có địa vị, thế lực hơn mình.
                              “Trời ơi ngó xuống mà xem,
Người khôn đi học, thằng ngu dạy đời”
- Đối với các loài vật, dù nhỏ như ruồi, muỗi, sâu kiến … làm cho mình khó chịu, nhưng chúng ta không khởi tâm tức giận giết hại chúng. Ta mới quét dọn sạch sẽ mà con chó đến phóng uế trước nhà, … Thật là những trường hợp khó nhẫn, nếu chúng ta không có một tình thương rộng lớn, một sự chịu đựng cao độ, một lòng tha thứ rộng rãi.
2) Pháp Nhẫn(法忍;  E: ability to bear patiently external hardships):  Đây làNhẫn đối với hoàn cảnh, cũng có 2 loại:
- Đối với hoàn cảnh bên ngoài như: gió, mưa, nóng, lạnh, đói, khát, già, bệnh, chết chóc… ép bức thân thể ta đau đớn khó chịu mà ta vẫn thản nhiên không bực tức, không than thở, không than trời trách đất.
- Đối với hoàn cảnh bản thân như đau đớn, bệnh tật cũng không rên la, hạn chế tới mức tối đa việc thể hiện nỗi đau đớn ra ngoài.
- Đối với tự tâm, khi tiếp xúc với những cảnh buồn rầu tủi hổ ta yên lặng chịu đựng đã đành, trái lại gặp những cảnh vui vẻ vinh dự cũng vẫn bình tĩnh thản nhiên, thất bại không chán nản, thành công không kiêu hãnh.
II. Nhẫn tùy theo hành động tạo tác.
Trong kinh Duy Ma Cật, Nhẫn chia làm 3 loại là Thân nhẫn, Khẩu nhẫn và Ý nhẫn.
1) Thân nhẫn(身忍;  E: The patience or forbearance of the body): Ðó là chịu đựng về thể xác đối với nghịch cảnh hoặc bị người hành hạ nơi thân, mà không khởi tâm sân hận.
2) Khẩu nhẫn(口忍;  E: The patience or forbearance of the mouth):  Ðó là chịu đựng trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ của người mà không khởi tâm sân hận.  Bản thân ta cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác đối với người.
3) Ý nhẫn(意忍;  E: The patience or forbearance of the mind):  Ðó là không giữ tâm tưởng hắc ám như căm phẫn, oán hận, trả thù khi gặp mọi nghịch cảnh.
Trong ba thứ nhẫn này, “ý nhẫn” là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một lần nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận đốt cháy tim gan.
Ðến khi “tâm ý” trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, không ngấm ngầm trổi dậy sự tức giận, oán thù lắng xuống tận đáy lòng, thì hạnh nhẫn mới thật là hoàn mãn. Bằng không, bên trong vẫn chưa nhẫn được, thì thế nào giận dữ cũng có ngày xuất hiện ra trong lời nói và hành động.
III. Nhẫn tùy theoquả vị tu tập.
Nhẫn có 5 giai đoạn tu tập Bồ-tát hạnh của Phàm và Thánh, gọi là Ngũ nhẫn 五忍(Xin xem thêm các mục từ Phật – A-la-hán – Bồ-tát):
1) Phục nhẫn(伏忍;  E: Self-control or conquering tolerance):  Hành giả (Phàm) mới phát tâm, Nhẫn cảnh thuận nghịch, phải luôn luôn chú ý khắc phục tâm mình, gọi là Phục nhẫn. Đây là pháp tu của Bồ-tát Nhập mônBồ-tát Tam hiền.
2) Tín nhẫn(信忍;  E: Belief-patience, Belief-endurance):  Hành giả (Phàm) Chánh tín quy luật Nhân Quả. Đây là pháp tu của 3 bậc đầu (từ nhất địa đến tam địa) là Hoan Hỷ địa, Ly Cấu địa, Phát Quang địa của hệ Bồ-tát Thập địa.
3) Thuận nhẫn(順忍;  E: Natural tolerance):  Hành giả (Phàm) khắc phục tâm mình đã lâu, tâm đã thuần thục, gặp duyên gặp cảnh không phải chú ý lưu tâm mà vẫn Nhẫn được một cách tự nhiên, vì đã nhu hòa với cảnh thuận nghịch.  Đây là pháp tu của 3 bậc kế(từ tứ địa đến lục địa), hành giả tùy thuận nhẫn từ Diễm Huệ địa, Nan Thắng địa, Hiện Tiền địa của hệ Bồ-tát Thập địa.
Đây là giai đoạn tu trì khiến cho hành giả có được đức nhẫn nhục của Phật và Bồ Tát.
4) Vô sinh nhẫn(無生忍;  E: No-thought tolerance):  Hành giả (Thánh) chứng ngộ tự tính (= tính chất tự nhiên) của tất cả các pháp vốn là Vô sinh (= không tự sinh, không do Đấng tạo hóa sinh ra) – đó là thấy biết rõ tất cả các loài hữu tình và vô tình đều do Duyên khởi, nên không có thực thể và luôn biến hóa, nghĩa là bản tính của chúng là Không (tức Không tính). Hành giả nhập lý các pháp đều Vô sinh không chấp mình, không chấp người.Tất cả đều tùy duyên.
Nhận thực được Không tính của các pháp, hạnh nhẫn của hành giả tự nhiên biểu hiện ra mà không phải kiềm chế vọng động, nên gọi là Vô sinh nhẫnhay Vô sinh pháp nhẫn無生法忍.  Nói cách khác nhẫn (= hạnh nhẫn) của hành giả không còn dính mắc vào các Duyên, do được ánh sáng chân lý Vô sinh, tức chân lý Duyên khởi, soi chiếu.
Đây là pháp tu của 3 bậc Bồ-tát kế  (từ thất địa đến cửu địa) là Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa của hệ Bồ-tát Thập địa.
5) Tịch diệt nhẫn(寂滅忍;  E: Nirvana tolerance):  Hành giả (Thánh) chứng cảnh giới Niết-bàn (= Tịch diệt: đã đoạn trừ Tham-Sân-Si). Hành gỉả vượt lên cả hai tướng động tịnh đối đãi, dứt tuyệt mọi mê hoặc và đạt tới Niết-bàn, nên hạnh Nhẫn bấy giờ gọi là Niết-bàn nhẫn hay Tịch diệt nhẫn.
Đây là pháp tu của bậc cuối thứ mười Pháp Vân địacủa hệ Bồ-tát Thập địa.
IV. Nhẫn Ba-la-mật-đa.
Nhẫn Ba-la-mật-đa(忍波羅蜜多;  P: Khanti pāramī;  S: Kṣānti-pāramitā;  E: Perfection of patience, tolerance, forbearance, acceptance, endurance):  Sự nhẫn nại hoàn hảo.
Nhẫn Ba-la-mật-đalà hành động hoàn hảo về Nhẫn, tức hạnh Nhẫn vượt thoát. Đó là một trong Thập Ba-la-mật-đa của Phật giáo Nam truyền, là một trong Lục Ba-la-mật-đa của Phật giáo Bắc truyền.
Vượt thoát – tức Ba-la-mật-đa, nói đủ là tuệ vượt thoát – tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa (般若波羅蜜多;  P: Paññā Pāramī ;  S: Prajñā Pāramitā;  E : the Perfection of (Transcendent) Wisdom).Bởi có tuệ giácDuyên khởi soi sáng,thấy biết vạn pháp như thật thì hành giả mới có thể vượt thoát cái Ta (Ngã), cái Của Ta (Ngã sở), cái Ta tự có (Tự ngã) là những hình thức chấp thủ đối đãi.
Vượt thoát chấp thủ đối đãi nơi cuộc sống không có nghĩa là hành giả phủ bác các đối đãi này, mà là tỉnh giác không bị dính mắc trói buộc vào chúng, bởi:  “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác …” (kinh Pháp Bảo Đàn).
Như thế đối với hạnh nhẫn, không là ngoại lệ đối với tuệ giác Duyên khởi-Vô ngã để hành giả tự soi chiếu vượt thoát. Đây được xem là ý nghĩa của Nhẫn Ba-la-mật-đa.Như trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-Magga) đã ghi nhận :
Không có người hành động, chỉ có hành động.
                    Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
                    Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
                    Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.
Do đó, thực hành Nhẫn Ba-la-mật-đa không gì khác hơn là thực hành Vô sinh nhẫnTịch diệt nhẫn như đã trình bày ở mục III bên trên.
o0o
Nhị chướng.
Trong các kinh văn của Du-già hành tông và Pháp Tướng tông, như luận Du-già Sư Địa, luận Nhiếp Đại Thừa, và sau này như luận Đại Thừa Khởi Tín và kinh Viên Giác có trình bày Nhị chướng (二障), đó là Phiền não chướng và Sở tri chướng làm chướng ngại cho sự giải thoát. .
1. Phiền não chướng(煩惱障;  P: kilesa-āvaraṇa;  S: kleśa-āvaraṇa;  E: afflictive obstructions), còn gọi là Sự chướng, Nội chướng: Do chấp ngãmà sinh ra, là các hoặc tham, sân, si...  Phiền não chướng là Thất tình Lục dục (七情六欲), tức bao gồm phiền não do 7 thứ tình cảm và 6 thứ dục vọng của lục căn sanh khởi.
1/. Thất tình (七情)
-  Thất tình theo Nho giáo (kinh Lễ):
Hỷ(mừng), Nộ(giận), Ái(thương), (ghét), Ai(buồn), Cụ(sợ), Dục(muốn).
-  Thất tình theo Phật giáo (Đại Thừa Chơn Giáo):
Hỷ(mừng), Nộ(giận), Ái(thương), (ghét), Ai(buồn), Cụ (sợ), Lạc(vui).
2/.Lục dục (六欲) gồm:
1. Sắc dục:  Ham muốn nhìn thấy sắc đẹp.
2. Thinh dục:  Ham muốn nghe âm thanh êm tai.
3. Hương dục:  Ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu.
4. Vị dục:  Ham muốn món ăn ngon miệng.
5. Xúc dục:  Ham muốn xác thân sung sướng.
6. Pháp dục:  Ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.
          Vượt qua Phiền não chướng bằng tuệ giác Duyên khởi là cách chuyển hóa tận gốc rễ mọi phiền não (= nội kết, nội chướng), thực chứng Niết-bàn.
2. Sở tri chướng (所知障;  P: vijānanaka-āvaraṇa;  S: jñeyāvaraṇa, jñeya-āvaraṇa, jñeya;  E: cognitive obstructions), còn gọi là Lý chướng, Ngoại chướng, Giải thoát chướng: Do chấp phápmà sinh ra, vì các hoặc tham, sân, si... khiến loài hữu tình trở nên mê muội, ngăn trở diệu trí Bồ-đề, làm cho chúng sinh không thấy rõ được sự tướng và thực tính của các pháp.
Vượt qua Sở tri chướng bằng tuệ giác Duyên khởi là cách chuyển hóa nên Sở tri thông(所知聰;  P: vijānanaka-vipra;  S: jñeya-vipra).
[Xin xem thêm mục từ Tam chướng]
--------------
Chú thích:   Năng   Sở.
Năng và Sở là hai từ gốc hán có nghĩa thông thường sau:
- Năng 能:  Là khả năng //chủ thể, “lục căn”.
- Sở 所:  Là nơi, chỗ //đối tượng, đối tượng của “lục căn” .
Một hành động có hai phần: Đó là phần chủ thể là chủ động, và phần đối tượng là bị động. Trong thuật ngữ Phật học, chữ “năng” được dùng để chỉ cho chủ thể, và chữ “sở” được dùng để chỉ cho đối tượng. Hai chữ này được dùng rất thường xuyên, tạo thành những đôi thuật ngữ ngắn gọn, xuất hiện rất nhiều trong kinh luận. Ví dụ:
- “Tâm biết vật”, thì tâm gọi là “năng tri”, vật gọi là “sở tri”.
- “Mắt thấy sắc”, thì mắt gọi là “năng kiến = năng thấy”, và sắc gọi là “sở kiến –sở thấy”.
- “Ý thức phân biệt pháp trần”, thì ý thức gọi là “năng phân biệt”, và pháp trần gọi là “sở phân biệt”.
- Khi chúng ta đọc sách thì nhãn thứcý thứcnăng, sách được đọc là sở.
- Khi ta lễ Phật thì năng là ta, sở là Phật:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì…
Năng và Sở là hai khái niệm đối đãi Khi chúng sinh chưa chứng được Vô ngã, hãy còn Chấp ngã, thì tất cả các nhận biết thế giới của chủ thể dễ dính mắc trong pháp đối đãi, xa rời thật tính Duyên khởi của vạn pháp.
o0o
Như Lai. 
Như Lai (如來;  P;S: Tathāgata) là một trong mười danh hiệu của một vị Phật. Chiết tự của tathāgata là tathā + āgata, và có thể được hiểu là "Người đến như thế" hoặc "Người đến từ Chân tính".
- Như如:  Có nghĩa là “nguyên như thế”, “nguyên Chân tính không nhiễm trần ai” (Thiều Chửu) – (với Chân tính được hiểu là Duyên khởi tính).
- Lai來:  Có nghĩa là đến, tới.
Trong nguyệt san Viên Âm số  01, ngày 01 tháng 12 năm 1933 có đăng bài thơ nổi tiếng của Hòa thượng Thích Phước Hậu (1866 - 1949) ở Huế:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
                    Học hành không thiếu cũng không dư
                    Đến nay tính lại đà quên hết
                    Chỉ nhớ trên đầu một chữNhư.
Chữ “Như” nơi đây hàm ý chân lý Duyên khởi, không nhiễm ô (= “quên hết”) tư tưởng chấp mắc nơi ngôn ngữ văn tự Nhị nguyên của kinh điển, chứ không do mắc bệnh lú lẫn của tuổi già (bệnh Alzheimer’s).
Sinh thời, đức Phật Thích Ca sử dụng từ Như Lai được xem là để tránh sử dụng ngôi thứ nhất "Ta", "Tôi" trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp, để thể hiện sự khiêm tốn. Về sau, Như Lai được biến đổi thành một danh hiệu để chỉ một Thánh nhân đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chính đẳng Chính giác (正等正覺;  P: Sammā-saṃbodhi;  S: Samyak-sambuddhi).
- Như Lai với sự phát triển của Phật giáo theo thời gian, đã biến đổi ý nghĩa. Trong Phật giáo Bắc tông, Như Lai chỉ Ứng thân(應身;  S: Nirmāṇakāya – Xin xem mục từ Tam thân) của Phật. Đó là con người hoàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau, có Thập lực (十力;  P: Dasabala;  S: Daśabala) để độ sinh của một vị Phật.
- Như Lai cũng là sự biểu hiện cụ thể của Chân như(真如;  P; S: Tathatā, Bhūtatathatā;  E: Suchness of existence) là chân lý Duyên khởi, là thể tính của vũ trụ, là sứ giả kết nối giữa hiện tượng và bản thể.
- Như Lai trong nhiều trường hợp, được xem là đồng nghĩa với Tuệ giác(慧覺;  P: Paññā-pāramī;  S: Prajñā-pāramitā;  E: Perfect wisdom) hay Không tính(;  P: Suññatā;  S: Śūnyatā;  E: Emptiness).
Trong kinh Kim Cương, nơi Đoạn 29: Uy Nghi Tịch Tĩnh (Oai nghi tịch tĩnh) có chép:
“ Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của Ta nói. Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai* Tu-bồ-đề ! Nhược hữu nhân ngôn Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa. Thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả vô sở tòng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai * 須菩提。若有人言如來若來若去若坐若臥。是人不解我所說義。何以故。如來者無所從來亦無所去故名如來。”
Nói rõ hơn, Như Lai làcách nói khác của Chânlý Duyên khởi, là Thực tại Duyênkhởi, Chân lý này không đến cũng không đi mà ở cùng khắp. Chânlý vốn không được sinh ra và không sinh ra, lúc nào cũng vẫn như thế, hiện diện và hoạt động trong tất cả mọi sự mọivật.
Ngũ trí Như Lailà 5 vị Phật tối cao của Phật giáo Tây Tạng và Mật tông.
o0o
Như lý tác ý.
Như tác ý(如理作意;  P;S: Yoniso-manasikāra;  E: Proper consideration, Wise reflection), còn được gọi là Như pháp tác ý hay Khéo tác ý.  Trong đó:
- Manasikāra là hướng tâm, khởi tâm hay tác ý.
- Yoniso là đúng như thật, đúng lẽ thật, đúng theo chân đế.
Theo đó, Như lý tác ý là khởi tâm đúng như thực, đúng với lẽ thật, đúng theo chân đế tới một đối tượng, nghĩa là biết dùng trí tuệ suy luận, nhận xét một cách khôn khéo. Cụ thể hơn,  Như lý tác ý là khởi tâm tới một đối tượng hợp lẽ với chân lý Duyên khởi.
Như lý tác ý, là cách nhìn sự vật hay hiện tượng một cách đúng đắn có nghĩa là một phương pháp tu tập liên hệ đến sự phát triển tâm thức:
- Thứ nhất, khiến cho tâm tránh rơi vào vọng tưởng dẫn đến tà kiến, chỉ chuyên chú vào thực tại để quán sát, tu tập, từng bước ra khỏi khổ đau.
- Thứ hai, khiến cho tâm thức sinh khởi và vận hành theo chiều hướng đúng đắn, nghĩa là khởi nghĩ và nhận rõ các pháp là duyên khởi - Vô thường-Vô ngã, dẫn đến rời bỏ tham ái, chấp thủ, thực nghiệm tâm giải thoát.
Thường xuyên thực tập phương pháp Như lý tác ý thì tâm thức sẽ dần dần trở nên chuyên nhất, định tĩnh, hết vọng động, hết tán loạn, trở nên tỉnh giác, sáng suốt, sắc bén nơi mọi hiện hữu, dẫn đến tâm giải thoát theo đúng trình tự “nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” như được mô tả trong các bản kinh thuộc văn tạng Pali.
-------------
Chú thích:   = Pháp = Chân lý 真理.
o0o
Như thị (Xin xem mục từ Thập Như thị).
o0o
Niềm tin trong đạo Phật.
Nội dung
I. Khái niệm về niềm tin.
II. Phân loại niềm tin theo đạo Phật.
III. Tự tín của Phật và Bồ-tát.
I. Khái niệm về niềm tin.
Niềm tin(= Tín , Tín niệm 信念;  P: saddhā;  S: śraddhā;  E: belief;  F: croyance):  Có nghĩa là chấp nhận, không nghi ngờ, cho là có thật, là đúng sự thật về một sự vật hay hiện tượng nào đó. Mà thực ra, sự vật hay hiện tượng đó chưa chắc là có thật hay đúng sự thật.
Niềm tinđược xem là mộtđiểm tựa quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi con người trong đời sống đạo đức xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo hay khoa học.
Niềm tin theo tâm lý học ngày nay là một thuộc tính tâm lý  (E : psychological attribute):
- Niềm tin với nhận thức cảm tínhlà một loại hiện tượng tâm lý (E : psychological phenomena) thể hiện tính nương tựa, thụ động đồng hành cùng hình thức biểu trưng trừu tượng như lễ nghi chẳng hạn, mà đại diện là các nhà truyền giảng tôn giáo.
- Niềm tin với nhận thức lý tínhlà một loại hiện tượng tâm lý thể hiện tính suy lý, chủ động đồng hành cùng các hình thức thực nghiệm cụ thể, mà đại diện là các nhà triết học, khoa học.
Có thể tạm phân làm 2 loại niềm tin với hai tính chất định tính và định lượng kèm theo như sau.
1) Niềm tin tốt(E: good belief;  F: bonne croyance):  Đó là niềm tin, mà khi sống với nó, sẽ đem lại lợi ích thực tế về vật chất và tinh thần cho chính mình và thế giới bên ngoài. Trí tuệ được xem là đầu mối của niềm tin tốt. Không thể nhân danh hay hứa hẹn những ảo tưởng của niềm tin, mà thực tế là gây ra biết bao đau khổ, sợ hãi và tăm tối cho thế giới sống này.
          Một số từ chỉ tính chất cho một niềm tin tốt là:
1/.Đức tin(信仰;  E: faith;  F: foi):  Đó là niềm tin mang tính đạo đức, được xem là có tính thiện hay hướng thiện, nhưng thực tế chưa chắc là thiện.  Do đó, kết quả của hành động xuất phát từ niềm tin này có thể là thiện(E: good faith;  F: bonne foi) hoặc ác(E: bad faith;  F: mauvaise foi). Niềm tin này bắt nguồn từ động lực của tình cảm, xem nhẹ lý trí.  Thường thì Đức tin chỉ cho niềm tin trong tôn giáo hữu thần.
2/.Chánh tín(正;  E: right belief;  F: croyance juste):  Đó là niềm tin mang tính chân thực, nghiệm đúng những suy nghĩ trên thực tế. Niềm tin này bắt nguồn từ động lực của lý trí, thường trước đó sự vật-hiện tượng nào đó chưa thấy hay chưa biết, sẽ được phân tích bằng phán đoán lý trí hợp lý nào đó và thực tế sẽ nghiệm lại tính đúnghay sai.Thường thì Chánh tín là những niềm tin nơi các nhà khoa học …Triết gia Plato (348-347) tDL cho rẳng “Tri thức là niềm tin đúng đắn chính đáng”, đã phần nào nói lên ý nghĩa của Chánh tín.
Trong tôn giáo vô thần như Phật giáo chẳng hạn, Chánh tín là niềm tin đặt trên chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Như vây, để gọi là niềm tin tốt, có lẽ niềm tin này phải thỏa đủ 3 tính chất là chân thực,đạo đứcnói trên, đồng thời cũng đem lạilợi lạcthực sự cho thế giới sống này. [Xin xem thêm mục từ Chánh tín]
3/.Sùng tín(崇信;  E;F: devotion):  Đó là niềm tin tốt thể hiện với tinh thần kính trọng và ngưỡng mộ có tính chuyên chú, mạnh mẽ nơi một giá trị đem đến nhiều điều lợi ích.  Sùng tín thường đề cao yếu tố lý trí chân thực bằng sự giáo dục mang tính khai phóng (E: liberality).
          2) Niềm tin xấu(E: bad belief;  F: mauvaise croyance):
Có thể nói rằng niềm tin xấu là ngược lại với niềm tin tốt.  Đó là niềm tin mà trong đó thiếu vắng một trong 3 yếu tố:  Chân chánh – Đạo đức – Lợi lạc.  Thật vậy, khi thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì 2 yếu tố còn lại dễ trở thành ảo tưởng hay giả dối để lường gạt và làm hại cho thế giới sống. Si mê,tức thiếu hiểu biết, được xem là đầu mối của niềm tin xấu.
Một số dạng niềm tin xấu thường gặp:
1/. Mê tín(迷信;  E;F: superstition):  Đó là niềm tin xấu và thường được chỉ cho niềm tin thiếu vắng yếu tố chân chánh, niềm tin này là sự thừa nhận bằng phán đoán cảm tính và thật sự không hiểu điều mình tin là gì, sau đó là những tai hại đưa đến từ những niềm tin này. Thường đây là những niềm tin có thể thấy nơi các đồng bóng, tôn giáo …
2/. Cuồng tín(狂信;  E: bigotry;  F: bigoterie):  Đó là niềm tin xấu mãnh liệt, điên cuồng, mù quáng nơi một giá trị sai lầm, gây ra nhiều tai hại bằng bạo động, khủng bố và chiến tranh dưới mọi hình thức nhân danh.  Cuồng tín thường khởi nguồn từ mê tín, hạ thấp giá trị lý trí chân chánh bằng sự giáo dục mang tính nhồi sọ. Thường đây là những niềm tin được thấy nơi các tôn giáo hữu thần và các chủ nghĩa chính trị …
3) Ngờ vực(= Nghi 疑= Nghi hoặc 疑惑) trái với niềm tin, là không chấp nhận sự kiện. Có hai trường hợp:
- Người có tính tiêu cực thì không chấp nhận sự kiện và lười suy nghĩ, họ thường bảo:  "Đa nghi đa rối-rắm; Thiểu nghi thiểu rối-rắm".
- Người có tính tích cực thì tuy không chấp nhận sự kiện, nhưng cố gắng suy nghĩ(= nghi luận 疑論) để hiểu rõ sự kiện. Thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản là Bạch Ẩn (1686-1769), đã chỉ dạy “Đại nghi, đại ngộ; Tiểu nghi, tiểu ngộ; Bất nghi, bất ngộ  * 大疑大疑大悟; 小疑小悟; 不疑不悟”.
II. Phân loại niềm tin theo đạo Phật.
1) Phân loại theo nhận thức về chân lý và đạo đức.
Niềm tin được đạo phật chia làm hai loại sau:
1.Chánh tín(正;  P: Sammā-saddhā;  S: Sammā-śraddhā;  E: Right belief;  F: Croyance juste):  Đó là niềm tin đúng đắn, hợp với Chân lý Duyên khởi và Đạo đức Duyên khởi. Niềm tin này giúp hành giả đi tới nột nội tâm trong sáng và hành động nhiều thiện lành. Niềm tin này đối với một sự kiện được hình thành sau khi hành giả đã chứng kiến và hiểu rõ sự kiện.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật cũng đã khai thị: “Chánh tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”   (Xin xem thêm mục từ Chánh tín).
2.Tà tín(邪信;  P: Micchā-saddhā;  S: Mithyā-śraddhā;  E: Wrongbelief, false belief;  F: Croyance erronée, fausse croyance):  Đó là niềm tin không phù hợp với Chân lý Duyên khởi và Đạo đức Duyên khởi.  Niềm tin này được xem như xuất phát từ các động lực bất thiện Tham, Sân, Si, dễ dàng đưa hành giả tới những hành động bất thiện. Niềm tin này đối với một sự kiện trên con người được nhồi sọ hay áp đặt một cách vô điều kiện.
Đại sư Atisha nói: “Nếu rễ cây đã độc thì cành lá cũng độc, nếu rễ cây có dược tính thì cành lá cũng có dược tính. Tương tự nếu gốc rễ đã Tham Sân Si thì bất cứ gì người ta làm cũng đều bất thiện”.
Nơi Ngũ căn-Ngũ lựccủa 37 Phẩm Trợ Đạo có Tín căn và Tín lực, có ý nghĩa sau:
Tín căn(信根;  P: Saddhindriya;  S: Śraddhendriya): Có nghĩa là hành giả cần tạo dựng cho mình có được nền tảng(= căn ) là Chánh tín(= tín ) để đoạn trừ sự mê tín.
Tín lực(信力;  P: Sadhā-bala;  S: Śraddhābala):  Có nghĩa là hành giả cần hành trì Chánh tín để có được sức mạnh vững vàng đoạn trừ sự mê tín.
2) Phân loại theo căn trí của hành giả.
Niềm tin được đạo phật chia làm hai loại sau:
1.Giải tín(解信– Giải 解:  phân tích để nhận rõ được ý;  Tín 信: niềm tin): Đó là niềm tin có được từ khả năng chủ động và nhận thức đúng đắn của hành giả. Giải tín còn gọi là “Tự lực tín”.
2.Thâm tín(深信– Thâm 深: sâu, sâu đậm;  Tín 信: niềm tin):  Đó là niềm tin thiếu sự chủ động nhận thức từ chính mình. Do bị động trong nhận thức, nên hành giả dễ bị lôi kéo từ ý muốn của người khác. Thâm tín còn gọi là “Tha lực tín”.
Giải tín được đạo Phật nhấn mạnh và khuyến khích.

III. Tự tín của Phật và Bồ-tát.

Tự tín 自信là tin tưởng nơi chính mình. Trong đạo Phật có nói đến bốn tự tín, gọi là Tứ tự tín(四自信;  P: catu-vesārajja;  S: catur-vaiśāradya) còn gọi là Tứ vô uý (四無畏) hay Tứ vô sở uý (四無所畏) của Phật và Bồ-tát như sau:
1)Tứ tự tin của một vị Phật :
          - Nhất Thiết Trí tự tín (一切智自信):  Đức Phật tuyên bố rõ rằng ta là bậc Nhất Thiết Trí (trí tuệ thông đạt hết thảy các pháp) nên không hề sợ bất cứ gì cả.
          - Lậu Tận tự tín (漏盡自信):  Đức Phật tuyên bố rõ rằng ta đã đoạn tận hết thảy phiền não nên không hề sợ hãi gì cả.
          - Thuyết Chướng Đạo tự tín (說障道自信):  Đức Phật thuyết về các pháp ngăn trở của các hoặc nghiệp, pháp thoát khỏi trói buộc của Luân hồi v.v., mà không làm chướng ngại con đường Thánh đạo nên không hề sợ hãi gì cả.
          - Thuyết Tận Khổ Đạo tự tín (說盡苦道自信):  Đức Phật lấy tự tín để thuyết về phẩm chất Giới Định Tuệ, v.v., của bậc giác ngộ, giúp diệt tận khổ não nên không hề sợ hãi gì cả.
          2)Tứ tự tín của một vị Bồ-tát :
          Theo luận Đaị Trí Độ và Đại Thừa Nghĩa Chương, tứ tự tín của Bồ-tát là:
                    - Năng Trì tự tín (能持自信):  Bồ-tát không quên ý nghĩa những điều được nghe nên không hề sợ hãi khi thuyết cho người khác nghe.
          - Tri Căn tự tín (知根自信):  Bồ-tát quán sát căn cơ của chúng sanh, thuyết pháp thích hợp với từng căn cơ ấy nên không hề sợ hãi gì cả.
          - Quyết Nghi tự tín (決疑自信): Bồ-tát lấy tự tín để giải quyết những nghi nan nên không hề sợ hãi gì cả.
          - Đáp Báo tự tín (答報自信):  Bồ-tát đối với bất cứ câu hỏi nào đều trả lời một cách rõ ràng, đúng đắn nên không hề sợ hãi gì cả.
o0o
Niệm
Nội dung
I. Sơ dẫn về niệm.
II. Niệm trong đời sống xã hội.
III. Niệm trong Kitô giáo.
IV. Niệm trong Phật giáo.
A. Niệm trong Phật giáo Nam truyền.
                                                           B. Niệm trong Phật giáo Bắc truyền.
           C. Nguyên tắc thực hành tu tập Chánh niệm.
I. Sơ dẫn về niệm.
Niệmlà từ gốc Hán,có 3 nghĩa thông thường:
1. Nhớ điều gì đó(E: to keep something in mind;  F: garder quelque chose à l'esprit).  Ví dụ: niệm tưởng 念想(= nhớ nghĩ ).
2. Đọc tụng nhỏ tiếng thuộc lòng (=;  E: to recite;  F: réciter).  Ví dụ:  niệm kinh 唸經(= tụng kinh),  niệm chú 唸咒(= đọc chú).
3. Suy nghĩ (=: Tư;  E: to have a notion;  F: avoir une notion.  Ví dụ: Tư duy 思惟(= suy xét).  Suy nghĩ thể hiện qua 3 cách:  Quan niệm, Ý niệm, Khái niệm.
- Quan niệm (觀念;  E;F: notion):  Suy nghĩ theo sự thấy biết.Suy nghĩ và hiểu biết theo cách riêng của mình về một sự vật, một vấn đề.  Ví dụ: Nghệ thuật vị nghệ thuật là một quan niêm sai lạc.
- Ý niệm (意念;  E: idea;  F: idée):  Suy nghĩ sơ khởi.Sự suy nghĩ và hiểu biết (nhận thức) bước đầu về một sự vật, một vấn đề.  Ví dụ: Những ý niệm ban đầu về sự vật.
- Khái niệm (概念;  E;F: concept):  Là ý niệm tổng quát.
          Các phần trình bày sau đây chủ yếu là từ niệm theo nghĩa thứ nhất, hàm ý chú tâm nhớ nghĩ một cách nằm lòng về một đối tượng hay một điều gì đó. Chú tâm nhớ nghĩ này có thể biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, lời thơ, lời hát …, vật thể.   Ví dụ:  vật lưu niệm, ảnh lưu niệm, khu lưu niệm …
          Niệm được xem là hành động tiếp theo sau hành động tín, và cũng là phương pháp làm tăng trưởng sức mạnh của niềm tin, bởi đối tượng của niềm tin được nhớ nghĩ lập đi lập lại một cách thường xuyên.
 
II. Niệm trong đời sống xã hội.

Khu lưu niệm bảo tàng Quang Trung, Bình Định
Trong xã hội, con người thường mong muốn có được cuộc sống luôn tốt đẹp. Vì thế, những hình ảnh hay những sự kiện tốt đẹp đã xảy ra cho cá nhân hay cộng đồng thường được gợi nhớ dưới nhiều hình thức, với ước vọng là duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp này bằng nhiều tên gọi:        
1. Kỷ niệm (紀念- kỷ 紀: ngày xưa;  niệm 念: nhớ;   E:  memorability;   F: mémorabilité).   Như:  ảnh kỷ niệm, nhẫn kỷ niệm ngày cưới         , quà tặng kỷ niệm, lễ kỷ niệm.                                                                  
          2. Lưu niệm (留念- lưu 留: giữ lại,  niệm 念: nhớ;   E;F: souvenir).  Như:  khu lưu niệm (bảo tàng), vật lưu niệm.
          3. Tưởng niệm (想念=>tưởng想: nghĩ suy;  niệm念: nhớ;   E: memorial;   F: mémorial).  Như:  đài tưởng niệmanh hùng dân tộc.
III. Niệm trong Kitô giáo.
          Niệm trong Kitô giáo thường được nói tới là:
1. Suy niệm (推;  E: to meditate;  F: mediter;  Latin: meditatio):   Là chú tâm vào một đối tượng của tư duy.
2. Chiêm niệm (瞻念; E: to comtempate; F: contempler; Latin: contemplari):  Là chú tâm vào một đối tượng của lòng ngưỡng mộ và kính trọng.
Suy niệm hay chiêm niệm có đối tượng là các nội dung của “Đức tin” Kitô giáo và cũng được xem là các dạng cầu nguyện.
 
Suy niệm – Chiêm niệm
          1) Suy niệm:
            Suy niệm là chú tâm vào đối tượng củađức tin bằng cách nghĩ suy.  Bấy giờ, lý trí đóng vai trò đặc biệt, và suy niệm vì thế còn gọi là tâm nguyện bằng lý luận.  Suy tư để cảm nghiệm chứ không phải tìm hiểu nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tri thức của lý trí. Chú dẫn hai trong sách Linh Thao viết: "Không phải cái biết nhiều làm no nê và thỏa mãn linh hồn, nhưng là việc ở bên trong, cảm nghiệm và thưởng thức các sự việc" (s. 2,4). Nội dung của đối tượng đức tin trong suy niệm chủ yếu gồm 2 loại.
          - Về các mầu nhiệm bí mật của Chúa (Xin xem The mystery of faith - Wikipedia).
          -Về các thánh ý của Chúa đối với con người, trong đó có ý Chúa muốn con người phải phục vụ Chúa như thế nào.
          Hai nội dung mầu nhiệm và thánh ý thường được hướng dẫn theo lời mạc khải của Chúa đã ghi chép trong Kinh Thánh – lời Chúa.  Người theo đạo luôn được nhắc nhở “Suy niệm lời Chúa” để có được những ân sủng từ Chúa.
2) Chiêm niệm:
Chiêm niệm là chú tâm vào đối tượng đức tin bằng cáchnghĩ tượng, là cảm nghĩ hiện diện trước nhan Chúa trong niềm phó thác. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, mọi đối thoại với Thiên Chúa đều ngưng lại, những hình ảnh quen thuộc, lối suy nghĩ và cách cầu nguyện sẵn có đều được cởi bỏ. Trong các tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa Avila v.v. có nói nhiều từng trải về chiêm niệm như vậy.  Với chiêm niệm, người tín hữu sẽhiểu ra được và thực thi “Ý muốn của Thiên Chúa” (= Ý Chúa).
Ví dụ:
- Chiêm niệm ngắm Chúa Giê-su treo trên Thánh Gía là mẫu mực cho người tín hữu noi theo ý Chúa. Chiêm niệm như Chúa Giê-su trong vườn cây Dầu là dấu tích của sự vâng phục và quyết tâm thực thi ý Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà vâng theo ý Cha” (Mt 26:39).
- Chiêm niệm ngắm cuộc đời của đức Mẹ cũng giúp người tín hữu trong việc hiểu ra và thực thi ý Chúa: ‘Mẹ không biết rõ Thiên Chúa dẫn Mẹ đi đến đâu, nhưng trong mỗi hoàn cảnh và biến cố cuộc đời, Mẹ luôn Chiêm niệm lắng nghe và “suy đi nghĩ lại” trong lòng để thấu hiểu chương trình kế họach của Thiên Chúa dành cho cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã đón nhận và thực thi ý Thiên Chúa qua hai tiếng ”Xin vâng” ’.
Một vài bài chiêm niệm điển hình:
- Chúa dự bữa tiệc biệt ly với các môn đệ;
- Chúa lập bí tích Thánh Thể;
- Chúa rửa chân các môn đệ.
IV. Niệm trong Phật giáo.
          Niệm(; P: sati;  S: smṛti;  E: mindfulness;  F: attention):  Có nghĩa là nhớnghĩ.
Quán niệm (觀;   P: anupassanā;  S: anupaśyanā;   E: thorough mindfulness;  F: attention approfondie):  Là nhớ nghĩ với ý thức thấu đáo về một đối tượng.
- Quán 觀= Quán chiếu 觀照:  Là ý thức về một đối tượng.
- Niệm :  Là nhớ nghĩ.
Niệm tu tập trong đạo Phậtcó thểhiểu là cách nói gọn của quán niệm.

Thiền tọa:  Niệm = Quán niệm.
Chánh niệm = Quán niệm chân chánh = Quán niệm Chánh tri kiến.
A. Niệm trong Phật giáo Nam truyền.
Niệm là nhớ nghĩ.  Theo đó, Niệm bao giờ cũng phải có đối tượng và niệm điều gì?  Định tính, định lượng của niệm như thế nào? 
1) Định tính về niệm* Niệm – Định – Tuệ
Niệm có thể là Chánh niệm, mà cũng có thể là Tà niệm. Từ niệm sẽ dẫn tới định và tuệ, do đó định có thể là Chánh định hay Tà định, và tuệ có thể là Chánh tuệ (= Chánh kiến) hay Tà tuệ (= Tà kiến).   Vì vậy chúng ta cần hiểu: 
- Chánh niệm(正念;  P: Sammā-sati;  S: Samyak-smṛti;  E: Right mindfulness):  Có nghĩa là “quán niệm chân chánh”.
[Tà niệm (邪念;  P: Micchā-sati;  S: Miṭhyā-smrti;  E:Wrong mindfulness,Untruthfull mindfulness).
- Chánh định(正定;  P: Sammā-samadhi;  S: Samyak-samadhi;  E: Right concentration) để nói về cái “định chân chính”.
[Tà định (;  P: Micchā-samadhi;  S: Miṭhyā-samadhi;  E: Wrong concentration]
- Chánh tuệ(正見;  P: Sammā-diṭṭhi;  S: Samyag-dṛṣṭi;  E: Right view, Right understanding)  để nói về cái tuệ chân chính,đó là tuệ giác giải thoát (= tuệ giác trên nền tảng chân lý Duyên khởi).  
[Tà tuệ (= suy tính chế tác ra việc ác);  P: Micchā-diṭṭhi;  S: Mithyā-dṛṣṭi;   E: Wrong view].
- Khi có một nhận thức sai lầm về chân lý hay đạo đức mà chúng ta luôn nhớ nghĩ rằng đã thấy, đã biết, đã hiểu, đã đúng, thì nhớ nghĩ đó chính là tà niệm, và hệ quả kéo theo là tà định và tà kiến.  Ví dụ: niệm cho rằng “Vật dưỡng nhân” là ngụy biện cho việc sát hại bừa bãi các sinh vật hay thỏa mãn cho sự ăn uống vô độ của chính bản thân …
-  Khi ta đang làm một việc gì mà tâm không tập trung vào sự việc ấy thì có thể gây bất lợi cho hành động, thì bấy giờ ta đang thất niệm. Ví dụ:  Thay vì phải tập trung trong lúc lái xe, mà cứ mãi suy nghĩ về một việc khác; nếu có sự tập trung trong khi lái xe, ta đã thực hiện Chánh niệm rồi vậy.
          2) Định lượng về niệm:
Niệm có thể là niệm sâu hay niệm cạn, điều này phụ thuộc vào căn tính và công phu tu tập nơi từng người. Lúc mới thực tập Chánh niệm, trong khi đi-đứng-nằm-ngồi, thì người có căn tính tốt sẽ dễ dàng đạt niệm sâu; và niệm ngày càng sâu hơn khi người này luôn bền bỉ trong thiền tập.
          Khi thiền tập thì phải gắng sao cho thật có Chánh niệm, và tùy theo cường lực của Chánh niệm mà định và tuệ đạt được lớn hay nhỏ.
3) Đối tượng của niệm trong thiền định:  
Trong Thắng Pháp Tập Yếu luận, và  Thanh Tịnh Đạo luận - ngài Buddhaghosa đã hướng dẫn về các khả năng chứng đạt 40 đối tượng (= đề mục) thiền định.  Tuy nhiên, các đối tượng này có thể giúp chứng đạt thiền tuệ khi được chuyển sang quán niệm đối tượng được chiếu soi bởi chân lý Duyên khởi - tức các đối tượng này thông cả Chỉ và Quán.
Dưới đây là trích dẫn những đối tượng thường phổ biến và có khả năng cho những kết quả rộng rãi về định từ sơ thiền đến tứ thiền.
1/.Thập tùy niệm (十隨念;  P: anussati).
Niệm là nhớ, niệm luôn khởi lên trong suốt đời sống.  Khi niệm cảm khởi lên trong những trường hợp cần thiết trong tu tập thì gọi là tùy niệm(隨念;  P: anussati)  và cũng được nói gọn là niệm. Thông thường trong tu tập có 6 loại tùy niệm theo thứ tự từ 1-6, nhưng nếu nói đủ thì có 10 tùy niệm, đó là:
1) Niệm Phật:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Phật - Bậc giác ngộ.
          2) Niệm Pháp:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Pháp.
          3) Niệm Tăng:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Tăng.
          4) Niệm giới:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Giới.
          5) Niệm thí:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Bố thí.
          6) Niệm thiên:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ chư Thiên.
          7) Niệm tử:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ Tử - Cái chết.
          8) Niệm thân:  Là tùy niệm, cảm khởi lên từ thân thể (=thân hành niệm).
          9) Niệm tức:  Là tùy niệm, cảm khởi từ hơi thở ra vào.
          10) Niệm diệt – Niết-bàn:  Là tùy niệm, cảm khởi từ sự bình an.
1.Niệm Phật(念佛;  P: Buddhānussati;  S: Buddhānusmṛti) :  Chuyên chú quán 1 hay cả 10 ân đức Phật (thập hiệu).  Phật tử PGNT thường niệm 2 ân đức cơ bản nhất là Ứng Cúng và Phật.
          -  Như Lai (如來;  P;S: Tathāgata):  Bậc Thánh tự tại tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng sinh.
          - Ứng Cúng(應供;  P: Arahant;  S: Arhat) :  Bậc đạt được diệt tận vô minh, phiền não; hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm; vượt trói buộc sinh tử luân hồi; xứng đáng được lễ bái cúng dường.
          -  Chánh Biến Tri (正遍知;  P: Sammasambuddho; S: Samyaksaṃbuddha) :  Bậc đạt tới giác ngộ, thông suốt thể-tướng-dụng của tục đế và chân đế.
          -  Minh Hạnh Túc (明行足;  P: Vijjacaranasampanno;  S: Vidyācaraṇasaṃpanna):  tam minh, ngũ thông và tất cả đức hạnh viên mãn.
          -  Thiện Thệ (善逝;  P: Sugato;  S: Sugata):   Bậc đạt tới đích tốt đẹp, không còn bị thối chuyển nữa.
          -  Thế Gian Giải (世間解;  P: Lokavidu;  S: Lokavid) :  Bậc thông suốt tánh, tướng và hướng đi của chúng sinh trong tam giới và xuất ly tam giới.
          -  Vô Thượng Sĩ – Điều Ngự - Trượng Phu (無上士* 調御*  丈夫;  P: Anuttaro-purisadamma-sarathi;  S: Anuttarapuruṣa-puruṣadamya-sārathi):  Bậc vô thượng giáo hóa người, trời, quỉ, thần khó giáo hóa.
          -  Thiên Nhân Sư (天人師;  P: Sattha-deva-manussanam;  S: Śāstṛ-deva-manuṣyānāṃ):  Bậc thầy giáo hóa đem lại an lạc, giải thoát cho chư thiên và loài người.
          -  Phật  (佛;  P; S: Buddha)  :  Bậc tự mình giác ngộ và chỉ bày con đường giác ngộ cho chúng sinh một cách viên mãn.
          -  Thế Tôn  (世尊;  P: Bhagava;  S: Bhagavān) :  Bậc an lạc, tự tại trên thế gian không ai sánh bằng.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
“Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì?  Chính là  niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” .
Từ bỏ tham sân si
                                                           Ngài không còn lậu hoặc
                                                           Ác pháp được tận trừ
                                                           Thế Tôn xứng tên gọi.
 
2.Niệm Pháp(P: dhammanussati):  chuyên chú 1 hay cả 6 ân đức Pháp, là giáo pháp của Phật, những qui tắc tu tập gồm Pháp học, Pháp hành, Pháp thành cao thượng, chỉ dẫn chúng sinh con đường đưa tới thánh quả.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
 “Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì?  Chính là  niệm Pháp. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Người thực sự có trí
Thì thường xuyên tu tập
Niệm tưởng về chánh pháp
Tối thắng nhiều tiềm năng.
3.Niệm Tăng(P: sanghanussati) :  chuyên chú 1 hay cả 9 ân đức Tăng (thánh Tăng), là những đệ tử của Phật sống hòa hợp, hành theo chánh pháp cao thượng, là phước điền cao quí của chúng sinh.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
 “Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì?  Chính là  niệm Tăng. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Dù trải một trăm năm
Thờ lửa tại rừng sâu
Chẳng bằng trong giây lát
Cúng dường bậc chân tu.
 
4.Niệm giới(P: silanussati) :  Chuyên chú về công đức trì giới, có công năng ngăn ngừa nghiệp ác, thành tựu đạo hạnh.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là  niệm Giới. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Người thật sự có trí
Sẽ thường xuyên niệm giới.
          Ở một ý nghĩa tổng quát, niệm giới chính là Chánh niệm về đạo đức Duyên khởi bao hàm luật Nhân Quả, Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên.
5.Niệm thí(P: caganussati) :  chuyên chú về công đức bố thí, diệt tâm tham, sinh trưởng quả phúc, lợi ích chúng sinh mà lòng không mong cầu báo đáp.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là  niệm Thí. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
                                      
6.Niệm thiên(P: devatanussati) :  Chuyên chú về 5 pháp chư Thiên nơi mình. Đó là chư thiên thành tựu thiện nghiệp, được thân tướng tốt đẹp, phước đức đầy đủ; theo đó mình cũng quyết tu tập thiện nghiệp để được phước đức như vậy.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
 “Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là  niệm Thiên. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
 
7.Niệm tử(P: marananussati) :  chuyên chú về tính vô thường của đời người như mộng ảo, chỉ một thời gian ngắn là tiêu hoại.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 và 6.19 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là  niệm Tử (= niệm chết). Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
 
8.Niệm thân(P: kayagatanussati) :  Còn gọi là thân hành niệm, chuyên chú về duyên hợp 32 thể trượt. Thân này do nhân duyên giả hợp mà thành, tất cả các bộ phận trong ngoài không thật thường còn vĩnh viễn.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Thân. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
 
9.Niệm tức(P: anapananussati) :  Chuyên chú về hơi thở vào ra vô thường.  Cảm nhận hơi thở có nghĩa là tâm đã trở về với thân. Lúc đầu động tác thở còn thô (thở  vô dài, thở ra dài), sau đó ngày càng nhẹ dần (thở vô ngắn, thở ra ngắn).  Thở càng nhẹ tự nhiên thì càng dễ cảm nhận được toàn bộ trạng thái của động tác thở, đó là cảm giác toàn thânan tịnh toàn thân, vì bấy giờ tâm không còn bị ý niệm của lý trí, của tình cảm chủ quan che lắp.  Từ đây, thiền giả có thể chuyển qua thiền quán, đó là chuyên chú quan sát trung thực  thực tánh của trạng thái thở, chấm dứt ảo tưởng về cái gọi là “thân ta”, đưa tới tuệ giác.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Hơi thởvô, Hơi thở ra. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
          Trong kinh Trung Bộ, 118 có chép:
Này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú và niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ-khưu. Niệm giác chi được Tỳ-khưu tu tập đi đến viên mãn … Này các Tỳ-khưu, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được sung mãn”.
10.Niệm Niết Bàn(P: upasamanussati) :  chuyên chú về tính tịch tĩnh của Niết Bàn vượt lên mọi hệ lụy.  Trong thiền quán thì đây là chuyên chú quan sát trung thực thực tánh vượt thoát các đối đãi cực đoan nơi mọi sự vật và mọi hành động.
          Trong kinh Tăng Chi 1.16 có chép:
Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Tịch tịnh. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Nói chung, nhờ chuyên chú vào đề mục tu tập tốt đẹp của 10 pháp tùy niệm này, tâm hành giả sẽ dần dần loại trừ các cấu uế, các triền cái sẽ lắng xuống và trở nên thanh tịnh an lạc, trí tuệ sẽ phát triển tạo điều kiện để chứng đạt các thiền chứng.
---------------------
Chú thích:   Triền cái ( P,S: panca nivaranani;  E: fivefold obstacle). [Xin xem thêm mục từ này.  Triền cái gồm 5 thứ ngăn che chúng sinh thấy biết đúng lẽ thật – bản chất của vạn sự vạn vật.  Từ đó, chúng sinh có những hành động với tác ý chấp thủ, tạo nên nghiệp chướng. Các biểu lộ của 5 triền cái như sau:
1/.Hôn trầm - Thụy miên  (P : thina – middha: là  biếng nhác, mê ngủ).
2/.Hoài nghi (P : vicikiccha: là tâm ngờ vực nơi khả năng chứng đắc các tầng thiền). 
3/.Sân hận  (P : vyapada: là tâm giận hờn, nóng nảy).
4/.Trạo hối (P : uddhacca–kukkucca: là tâm bất an do xao động, lo âu nơi thân tâm).
5/.Tham dục (P : kamacchanda: là tâm chấp mắc vào nhiều đối tượng đã từng tiếp cận).  
 
2/.Tứ vô lượng niệm(四無量念;  P: catasso appamaññāyo;  S: catvāryapramāṇāni;  E: the four limitless minds) :  có thể thông cả Chỉ và Quán, bởi tính vô lượng chỉ biểu hiện ở một nội tâm vô ngã thực sự.  
1. Niệm tâm Từ vô lượng (P: metta;  S: maître;  E: limitless kindness).
2. Niệm tâm Bi vô lượng (P;S: karuana;  E: limitless compassion).
3. Niệm tâm Hỷ vô lượng (P;S: mudita;  E: limitless joy).
4. Niệm tâm Xả vô lượng (P: upekkha;  S: upeksa;  E: limitless equanimity).
          Trong kinh A Hàm có nói tới 10 công đức của người tu tập 4 phép quán này, đó là :   1/ Ngủ yên.  2/ Không có ác mộng.  3/ Được mọi người yêu mến.  4/ Được phi nhân yêu thích.  5/ Được thần phù hộ.  6/ Không bị hại bởi lửa, đao kiếm, thuốc độc… 7/ Nhanh chóng vào định.  8/ Dung mạo sáng đẹp.  9/ Khi lâm chung không hôn mê. 10/ Nếu chưa đắc thánh quả, cũng được tái sanh về Phạm Thiên.
Có thể nói rằng Thập tùy niệm và Tứ vô lượng tâm niệm là nội dung của Niệm giác chi(念覺支;  P: Sati-sambojjhanga;  S: Smṛti-sambodhyanga;  E: Right Mindfullness;  F: Attention Juste), là phương pháp Chánh niệm đưa người tu tập đến giác ngộ (Xin xem các mục từ 37 Phẩm trợ đạo và Thất Giác chi).
Trong Tương Ưng Bộkinh tập V (1982, tr. 64) đã giải thích về các Niệm giác chi như sau:  “Cái gì là Chánh niệm đối với nội pháp và ngoại pháp, cái ấy gọi là Niệm giác chi”.  Trong tu tập, cũng nơi Tương Ưng Bộ kinh tập V (Sđd., tr. 83*84) có nói:  "Như lý tác ý" là thức ăn của Niệm giác chi, làm cho Niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, Niệm giác chi đã sanh được viên mãn.
------------------
Chú thíchNhư lý tác ý[P: yoniso manasikara;  S: yoniso manaskara;  E: proper attention (tác ý đúng / tác ý hợp lý / tác ý như lý), wise attention (sáng suốt tác ý), right mode of thinking (cách nghĩ đúng đắn), có nơi dùng proper mental advertence (sự hướng tâm đúng / sự chú tâm đúng), hoặc wise reflection (khéo giác sát), systematic consideration (suy xét theo hệ thống).
Tác ýtức là khởi tâm để ý tới một đối tượng nào đó. Trước đó chưa chú ý tới, bây giờ ta chú ý tới, gọi là tác ý. Như khi ta xem một phim truyện hay nghe một bài hát thì hình ảnh hay câu hát khiến cho ta tác ý, và việc tác ý này có thể dựa trên một lý lẽ chân chánh hay bất chân chánh.  Người có tu tập thì dễ dàng tác ý và duy trì trên lý lẽ chân chánh, và người này được gọi là đã "Như lý tác ý".
Trong đạo Phật, một cách tổng quát, lý lẽ chân chánh này chính là lẽ thật Duyên khởi. Các hệ quả của Duyên khởi là Vô thường-Vô ngã, là Trung đạo, là Nhân quả-Tứ đế, là Từ bi-Trí tuệ … dùng soi sáng trong thực hành tu tập Thập tùy niệm và Tứ vô lượng niệm nói trên.
 

Thiền hành
4) Đối tượng của niệm trong thiền tuệ:
Đối tượng của thiền tuệ là quán pháp với thực tính của nó nhằm mục đích hóa giải ảo tưởng, ảo kiến về ngã và pháp, bởi ảo tưởng và ảo kiến chính là tâm điểm của phiền não và sinh tử luân hồi.  Với định hướng đó, đức Phật đã chỉ dạy pháp hành Tứ Niệm Xứ(四念處;  P: Satipatthana;  S: Smrtyupasthana;  E: The four awakening foundations of mindfulness) để thấy biết được thực tính của các pháp, thông qua việc tu tập thiền quán trên 4 pháp, đó là 4 lãnh vực (xứ):  thân, thọ, tâm, pháp.
1/.Niệm thân (念身;  P;S: Kayanupassana;  E: Mindfulness of body) hành giả thực hành quán thân trên thân, đó là soi sáng để thấy rõ thực tính Duyên khởi của thân ngay trên chính cái thân ấy như nó đang là, chứ không phải là cái thân mà chúng ta nghĩ qua những ý niệm hay tưởng tượng.  Vì vậy quán là soi sáng mang tính trực giác, chứ không là nghĩ tưởng.  Sau đây là một số đối tượng quán thân mà đức Phật đã giới thiệu trong kinh Đại Tứ Niệm Xứ:
+ Thở vô ra.                          + Bốn oai nghi : đi, đứng, ngồi, nằm.       
+ Tất cả hành động                         + Bốn đại : địa, thủy, hỏa, phong. 
+ 32 thể trược                      + Chín loại tử thi.    
2/.Niệm thọ (念受;  P: Vedananupassana;  S: Vindananupassana;  E: Mindfulness of feeling):  hành giả thực hành quán thọ trên thọ, không phải để tránh khổ tìm vui, mà đó là soi sáng để thấy rõthực tính Duyên khởi của các cảm thọ như nó đang là, khổ là khổ, lạc là lạc, không tham ưu, không thủ xả.  Trong khổ không bất mãn, trong lạc không đam mê, đó là khổ lạc đúng với thực tính của nó.  Thọ - cảm xúc dễ chịuhaykhó chịu- có sẵn nơi mỗi chúng sinh, chỉ cần bình tỉnh cảm nhận là có thể thấy rõ thực tính của các cảm thọ.
3/.Niệm tâm (念心;  P;S: Cittanupassana;  E: Mindfulness of mind):  tâm là đối tượng có bản chất và hiện tượng rất vi tế khó nhận biết, mà triết học và tôn giáo hằng quan tâm nghiên cứu.  Hành giả thực hành quán tâm trên tâm, đó là soi sáng để thấy rõ thực tính Duyên khởi của tâm  như nó đang là, nghĩa là không cần có một kết luận nào về tâm, mà chính là cần thấy rõ tâm mình đang như thế nào hay không.  Chỉ cần khi tâm biểu hiện bằng ý muốn-ý chí ‘ưa thíchhaychê ghét,hăm hởhaynóng giận, chiếm đoạthayloại trừ’ – tức là có tham, có sân, có si…, thì nhận rõ tâm đang có tham, có sân, có si…; khi tâm không tham, không sân, không si, …, thì nhận rõ tâm đang không tham, không sân, không si,… mà không cần phê phán, giữ lại hay bỏ đi gì cả.  Tâm gì khởi lên không quan trọng, mà quan trọng là có thấy được bản chất đích thực của nó, là thực tính của tâm như nó đang là hay không.
4/. Niệm pháp (念法;  P: Dhammanupassana;  S: Dharmanupassana;  E: Mindfulness of all existences):  hành giả thực hành quán pháp trên pháp, còn gọi là quán các đối tượng của tâm, đó là soi sáng để thấy rõ thực tính Duyên khởi của các pháp như nó đang là, nghĩa là thực tính sinh diệt, là tính không thực của chúng.  Một số đối tượng thực hành quán pháp trên pháp là :
                    + Năm triền cái.        + Năm thủ uẩn.         + Mười hai xứ.         
                        + Thất giác chi.         + Tứ thánh đế.
Vipassana là sự trực nhận của tự tri và thẩm thấu. Đối tượng của Vipassana là Chân đế (= Thực tại;  P: Paramattha) chứ không phải Tục đế (= Khái niệm;  P: Pannatti).  Như Quán vô thường là thấy được thực tính vô thường (Chân đế), chứ không hiểu qua ngôn ngữ hay ý niệm về vô thường (Tục đế).
Vínhư khi ngồi thìbiết rõ đang ngồi (niệm thân), khi khổ thìbiết rõ đang khổ (niệm thọ), khi tham thìbiết rõ đang tham (niệm tâm), khi có sự vận hành sinh diệt của 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 7 giác chi v.v... thìbiết rõ quá trình diễn biến như vậy (niệm pháp).
Chánh niệm là hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong thiền tập của Phật giáo, trong đó:
- Chánh niệm- là Pháp hànhan trú tâm trên đối tượng, là diễn biến của thiền định.
-Chánh niệmlà Pháp hành quán sát Duyên khởi tính nơi đối tượng đang hiện hữu, là diễn biến của thiền tuệ.    
Trong văn học Phật giáo, từ Chánh niệm được dùng nhiều gấp hàng trăm lần từ thiền. Thiền sư Nyanaponika là một học giả người Đức, tác giả cuốn The Heart of Buddhist Meditation, đã luôn nói rằng  “Chánh niệm là trái tim của thiền tập Phật giáo, Chánh niệm không phải là một cái gì mà ta đi tìm kiếm ở bên ngoài.  Chánh niệm có hạt giống ngay trong tâm thức của chúng ta”.
5)Niệm trong 37 Bồ-đề phần(P: bodhipakkhika dhamma;  S: bodhipākṣika dharma).
Có tất cả 37 Bồ-đề phần còn gọi là 37 Phẩm trợ đạo, đó là những phương pháp cơ bản nhất giúp hành giả đoạn diệt vô minh.  Vô minh được biểu hiện bằng tham-sân-si, và là nguyên nhân gây ra phiền não (khổ).
Nội dung 37 Bồ-đề phần gồm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, và Bát Chánh Đạo.
 
37 Bồ-đề phần.
TỨ NIỆM XỨ
(Cattàro satipatthàna)
4 1. Niệm Thân
2. Niệm Thọ
3. Niệm Tâm
4. Niệm Pháp
TỨ CHÁNH CẦN
(Cattàro sammappadhànà)
4  
1. Tinh Tấn lánh xa ác pháp đã phát sanh
2. Tinh Tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sanh
3. Tinh Tấn phát triển thiện pháp chưa sanh
4. Tinh Tấn tăng trưởng thiện pháp đã sanh
 
TỨ NHƯ Ý TÚC
(Cattàro iddhipàdà)
 
4
 
1. Dục Như ý Túc
2. Tấn Như ý Túc
3. Tư Duy Như ý Túc
4. Trạch Quán Như ý Túc
NGŨ CĂN
(Pancindriyàni)
5 1. Tín Căn
2. Tấn Căn
3. Niệm Căn
4. Ðịnh Căn
5. Tuệ Căn
 
NGŨ LỰC
(Pancabalàni)
 
5
1. Tín Lực
2. Tấn Lực
3. Niệm Lực
4. Ðịnh Lực
5. Tuệ Lực
THẤT GIÁC CHI
(Sattabojjhangà)
7 1. Niệm Giác Chi
2. Trạch Pháp Giác Chi
3. Tinh Tấn Giác Chi
4. Phỉ Giác Chi
5. Khinh An Giác Chi
6. Ðịnh Giác Chi
7. Xả Giác Chi
BÁT CHÁNH ĐẠO
(Atthamaggangàni)
8  
1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Nghiệp
5. Chánh Mạng
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh
Tổng cộng: 37  
 
 
 
Trong 37 phẩm trợ đạo Niệm là yếu tố giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa xuyên suốt là Chánh niệmvà luôn luôn là cơ sở cho sự tu tập.  Chánh niệm tạo ra động lực chân chánh được xác định bởi Niệm căn-Niệm lực, và hành giả sẽ dần phát triển tuệ giác đến rốt ráo – tỉnh giác (P: sampajanna, jagarati;  S: jagrati;  E: clarity of consciousness, clear comprehension, awakening).
Theo kinh Sa Môn Quả, tiến trình của giác ngộ-giải thoát được mô tả là Chánh niệm-Tỉnh giác, trong đó  Chánh niệm là nhân và Tỉnh giác là quả.
Niệm giác chi hay Tứ niệm xứ đã được xem là những pháp môn tu tập thích hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ trong mọi thời và trong bất cứ điều kiện tâm lý nào mà không sợ có xảy ra các phản tác dụng của tâm lý tu tập. Có thể gọi đây là những pháp môn tu tập hiền thiện nhất.
Vì thế, có nhận xét cho rằng con đường tu tập của đạo Phật theo tiến trình là Niệm-Định-Tuệ có tính bao quát hơn. Và Giới-Định-Tuệ có ý nghĩa là chuẩn mực đánh giá kết quả tu tập của hành giả.
B. Niệm trong Phật giáo Bắc truyền.
          Niệm trong Phật giáo Bắc truyền có ý nghĩa cơ bản như trên.
          1) Đối tượng của niệm trong Tịnh tông:
          Trong Tịnh tông (= Tịnh Độ tông), đối tượng của niệm là vị Phật biểu tượng, đặc trưng cho sự thanh tịnh, đó là Phật A-di-đà.  Niệm nơi đây được phân làm 2 dạng theo căn tính của hành giả, đó là Niệm Phật địnhNiệm Phật tuệ.
          1/.Niệm Phật định:  với phương pháp này, hành giả thực hành niệm danh hiệu Phật "Nam mô A Di Đà Phật", giữ tâm không bị loạn, theo 3 cách sau:
          - Trì danh niệm Phật(hay Xưng danh niệm Phật):   hành giả niệm danh hiệu Phật A Di Đà ra tiếng, hoặc có thể niệm thầm, hay khẽ động môi ở mọi nơi, mọi lúc, và ở mọi tư thế đi-đứng-nằm-ngồi.
          - Quán tượng niệm Phật :  hành giả vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vừa chiêm ngưỡng hình tượng Phật A Di Đà.
          - Quán tưởng niệm Phật:  hành giả vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vừa tâm tưởng toàn thân 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật A Di Đà đang phóng quang sắc vàng.

Tôn tượng Phật A-di-đà bằng đồng ở Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản
          2/.Niệm Phật tuệ:  Với phương pháp này, hành giả thực hành Thật tướng niệm Phật.   Đó là niệm danh hiệu Phật "Nam mô A Di Đà Phật" với tâm tưởng là niệm Phật để thấy Phật, là niệm Phật tính để thấy Phật tính (= thấy Duyên khởi tính).
Nói cách khác, Thật tướng niệm Phật không khác chi là niệm Vô thường-Vô ngã để thấy biết đúng thực tại chân lý Duyên khởi, là mọi sự vật hiện tượng luôn hiện hữu với  tự tính Vô thường-Vô ngã= tự tính Di Đà.
 
2) Đối tượng của niệm trong Thiền tông:
          Trong Thiền tông, đối tượng của niệm là Vô niệm(無念; E: thoughtlessness, no-mind= Vô vọng niệm 無妄念) hay cũng gọi là Vô tâm(無心;  E: free mind from self-consciousness– Vô vọng tâm 無妄心).
Vô niệm hay Vô tâm không có nghĩa là không có niệm hay không có tâm, mà là chỉ cho niệm hay tâm không ô nhiễm vì chấp mắc nơi các phán đoán cực đoan đối đãi.  Như trongbài kệ “Cư trần lạc đạo” của Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nhằm khuyến dạy giáo lý Duyên khởi cho hàng hậu học, đã sử dụng từ Vô tâm thay vì Vô niệm như sau:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh Vô tâm mạc vấn Thiền.
                              Dịch:
Ở  đời  vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh Vô tâm chớ hỏi Thiền.
          - Trong luận Đại thừa Khởi tín của ngài Mã Minh nói: “Thể của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn Vô niệm. Thế nên chúng sanh nào quán chiếu Vô niệm thì chúng sanh đó đã hướng về Trí Phật”.
          - Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tu-di Đảnh kệ tán, ca ngợi các bậc giác ngộ như sau:
Nơi pháp không chấp nắm
Không niệm cũng không nhiễm
Không trụ không xứ sở 
Trong pháp tánh chẳng hoại.
Trong Không, không có hai
Không hai cũng không có
Ba cõi tất cả Không
Là chỗ thấy chư Phật…
Chẳng thân mà nói thân
Chẳng khởi mà hiện khởi
Không thân cũng không thấy
Là Phật thân vô lượng.

- Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy:
"Nầy Thiện tri thức! Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bổn tâm mình, nếu biết bổn tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Vô niệm. Sao gọi là Vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là Vô niệm.  Dùng thì khắp tất cả chỗ mà cũng chẳng dính mắc tất cả chỗ. Chỉ thanh tịnh lấy bản tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở nơi sáu trần chẳng ô nhiễm tạp loạn. Đến đi tự do, ứng dụng thông suốt không trệ, đó là Bát Nhã–Tam Muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh Vô niệm. Còn nếu như trăm sự chẳng nghĩ đến, thường khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, cũng gọi là biên kiến.
Các thiện tri thức! Ngộ pháp Vô niệm thì muôn pháp đều thông suốt. Ngộ pháp Vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật. Ngộ pháp Vô niệm thì đến đất Phật”.         
Ở một đoạn khác, ngài nói: “Vô niệm là nơi niệm mà Vô niệm… Nơi các cảnh mà tâm chẳng nhiễm, đó gọi là Vô niệm. Ở ngay nơi niệm của mình mà thường lìa các cảnh, chẳng ở nơi cảnh mà sanh tâm. Còn như trăm sự chẳng nghĩ đến, trừ bỏ hết các tư tưởng, tư tưởng dứt hết thì chết, rồi thọ sanh nơi khác, ấy là lầm to. Kẻ học đạo cần phải suy nghĩ điều đó.  Một lần nữa, chúng ta thấy thêm ý chỉ của Lục tổ: không phải cố diệt niệm là tốt.       
Có thể nói rằng:
- Vô niệm (hay Vô tâm) là một hình thức của Chánh niệmđưa tới Tỉnh giác, là Giác ngộ-Giải thoát. 
- Vô niệm được biểu hiện qua việc thực hành niệm ‘Không tính’.
- Vô niệm hàm ý vượt lên sự đối đãi của Vọng niệm(妄念;  P: vitathavitakka ;  S: vitathavitarka;  E: false or misleading thoughts;  F: pensées fausses ou trompeuses).  Trong cuộc sống, Vô niệm không mâu thuẫn với các ý tưởng trong công việc do không cố chấp, mà còn giúp giải quyết mọi công việc được tốt đẹp hơn.
 
C. Nguyên tắc thực hành tu tập Chánh niệm.
          Tu tập Chánh niệm được thể hiện nơi hệ thống Bát Chánh Đạo trong 37 Bồ Đề Phần, đó là thể hiện năng lực an lập từ nhiệm vụ không quên bằng việc nhớ nghĩ mang tính cảnh giác thường xuyên trên 7 chi phần còn lại của Bát Chánh Đạo, hợp với Chánh tri kiến – là tri kiến Phật, là chân lý Duyên khởi.  Việc tu tập có thể:
          - Thực hiện trong cuộc sống trên mọi việc ta tiếp xúc ở mọi lúc như đi, đứng, nằm, ngồi … với các lẽ thật tương đối (= Tục đế) của Chánh tri kiến.
          - Thực hiện trong luyện tâm trên 4 lãnh vực  thân, thọ, tâm, pháp  (Tứ niệm xứ) với các lẽ thật Vô thường – Vô ngã (Chân đế) của Chánh tri kiến.
Theo các phân tích trên, nguyên tắc thực hành Chánh niệm cần hàm chứa nội dung sau:
          1)Chánh niệm định:  Có mặt trong “giây phút hiện tại” – một cách nói về sự tập trung nghĩ suy vào hành động hay công việc đang làm. Người tu có thể chọn theo các đề mục IV, 3)nhằm làm tắt đi Vọng niệm. 
          2)Chánh niệm tuệ:  Tùy niệm Duyên khởi và các hệ quả của Duyên khởi trên các đối tượng là sự vật hay hành động.  Người tu có thể chọn theo các đối tượng ở mục IV, 4)để tăng trưởng tuệ giác.
Một số các đề mục thường được thực tập quen thuộc trong snh hoạt thường ngày là:
                    + Ăn.                     + Uống trà.            + Thở.          + Cắm hoa. 
+ Họa.                   + Thư pháp.           + Thiền hành …
          Sau thực tập thuần thục, hành giả sẽ tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà Chánh niệm trên mọi nhận thức và hành động một cách tự nhiên.
 

Thực tập ăn trong Chánh niệm.
[Xin xem thêm mục từ Chánh niệm]
o0o
Niệm Phật.       
Nội dung
I. Ý nghĩa của niệm Phật.
II. Căn trí và niệm Phật.
I. Ý nghĩa của niệm Phật.
Niệm Phật(念佛;  P: Buddhānussati;  S: Buddhānusmṛti;  E: Nianfo, Buddha-mindfulness), trong đó:
- Niệm(念;  P: sati;  S: smrti;  E: mindfulness, recollection, memory)  –  niệm hay tâm niệm, có nghĩa là trạng thái của tâm trên một đối tượng đang xảy ra nơi ta.
Cũng cần phân biệt với chữ niệm của thuật ngữ tâm lý học, thường được dùng để chỉ ký ức, cường độ ghi nhớ, trí nhớ, tư duy ý thức  là trạng thái của tâm trên một đối tượng đã xảy ra.Như: kỷ niệm 紀念, hoài niệm 懷念.
- Phật(;  P;S: Buddha;  E: Awakened One, Enlightened One, Knowing One) có nghĩa là: 
+ Người giác ngộ(= Giác giả 覺者),“Bậc giác ngộ” hay “Bậc tỉnh giác”.
+ Tâm sáng suốt, tức thấy biết sáng suốt bản chất bàn tính vũ trụ vạn vật.
Theo đó, niệm Phật có 2 nghĩa chính:
1/. Niệm Phật định:  Thực hành trạng thái tâm trên đối tượng là một vị Phật. Đây còn được gọi là Chánh niệm về Phật tướng(E: Mindfulness of the Buddha – tướng mạo của Phật)
2/. Niệm Phật tuệ:  Thực hành trạng thái tâm sáng suốt trên chân lý và đạo đức mà đức Phật đã chỉ dạy, là tuệ giác của Phật. Đây còn được gọi là Chánh niệm về Phật tính (E: Mindfulness of the Buddha-nature). Điều này cho thấy niệm Phật được xem như đồng với niệm Pháp, bởi đức Phật đã từng dạy trong kinh Di Giáo, đó là:
"Này! Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các con hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con!.."
Thực ra, pháp môn niệm Phật vốn có từ thời Phật giáo Nguyên thủy. Niệm Phật là một trong mười đối tượng của chánh niệm trong thiền định, đó là Thập Tùy Niệm (十隨念 ;  P: Anussatis;  S: Anusmriti), và niệm Phật vẫn mang tính tự lựctrong nỗ lực tu tập định.
Qua thời kỳ tiền Đại thừa, luận sư Nagasena (Na Tiên Tỳ kheo) chủ trương thuyết cứu độ qua cuộc vấn đạo của vua Milinda (hoàng đế Hy Lạp). Vua cho rằng không thể chấp nhận được khi một người ác lại được cứu độ nếu y tin tưởng vào một vị Phật vào đêm trước ngày chết. Nagasena đáp: "Một hòn đá dầu nhỏ cách mấy vẫn chìm trong nước, nhưng một tảng đá vẫn nổi trên nước nếu đặt lên thuyền". Về sau, các luận sư Đại thừa triển khai triệt để hơn về thuyết Phật cứu độ và ở bước đầu của Tịnh Độ tông tiêu biểu rõ cho luận thuyết tha lựcấy (*)
Tiếp theo đó, tư tưởng cho rằng con đường giác ngộ-giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm – tức là nỗ lực cá nhân. Hòn đá lớn nhờ thuyền chở mà nổi trên nước, nhưng để vận chuyển hòn đá ấy lên thuyền phải là công phu tự thân, hành giả phải có công phu tích lũy lớn, nghĩa là có một quá trình tu tập. Đây được xem là tư tưởng tịnh độ tại tâm như "Tự tánh Di Đà, Duy tâm tịnh độ"  làm cho pháp môn Tịnh Độ có đầy đủ tính tự lực+ tha lực.
-----------
(*) Chú thích: 
1)Nếu con thuyền được xem là Phật lực, thì có thể xem đây là là lực của tuệ giác từ sự giác ngộ của tự thân, chứ không từ sự xin ban mà có được. Bởi nếu xin ban mà có được thì nơi đây là hình thức sơ đẳng về tu định của niềm tin tôn giáo, chứ không đích thực là chân lý từ tuệ giác.
2) Niệm Nam-mô:
Nam-mô(南謨;  P: namo;  S: namas): Đây là âm dịch từ tiếng Phạn, có những ý nghĩa thông thường sau:
1. Kính lễ (敬禮), Đảnh lễ (頂禮);  E: To pay homage to, To bow to.     
2. Quy y (歸依– nương tựa);  E: To take refuge in (the Triratna).
Thí dụ
•  Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng:  Có nghĩa là “con xin nương tựa Phật, Pháp, Tăng”, “con xin nương tựa Tam Bảo”.
•  Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh:  Có nghĩa là “con xin nương tựa kinh Diệu Pháp Liên Hoa (để tu học) ”.
•  Nam-mô A-di-đà Phật (Tàu) = Nam-mô Phật A-di-đà (Việt): 
-Có nghĩa là “con kính lễ Phật A-di-đà”, “con xin nương tựa Phật A-di-đà”, khi chúng ta xem A-di-đà là một vị Phât.
-Có nghĩa là “con xin nương tựa (tu học) theo Chân lý Duyên khởi để giác ngộ”, khi chúng ta xem Phật là giác ngộ  và  A-di-đà là chân lý Duyên khởi  (Xin xem mục từ A-di-đà). Với ý nghĩa tương tự, có những cách niệm sau:
+ Nam-mô Trùng trùng Duyên khởi (Phật).
+ Nam-mô Duyên sinh Vô ngã (Phật).
+ Nam-mô Duyên diệt Vô thường (Phật).
+ Nam-mô Nhân Duyên Quả Báo (Phật).
II. Căn trí và niệm Phật.
Trong sách Khoá Hư Lục (HT. Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo ấn hành, 1992), Trần Thái Tông đã có hẳn một đề mục là "Niệm Phật luận", bàn về những lợi ích của phương pháp niệm Phật: "Người niệm Phật có ba bậc:
- Bậc thượng tríthì tâm tức Phật chẳng nhờ tu chứng, thân Phật là thân ta không có hai tướng, tánh tướng không hai, tịch mà thường còn, còn mà chẳng biết. Đó là hoạt Phật.
- Bậc trung tríphải nương vào niệm Phật, chú ý chuyên cần, niệm Phật không quên tự nhiên thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu duy còn niệm thiện. Bởi niệm ý niệm, niệm niệm tất diệt. Khi niệm đã diệt, ắt về Chánh đạo. Tới khi mạng chung được vui Niết-bàn.
- Bậc hạ tríthì tâm muốn thấy tướng Phật, miệng chuyên niệm danh Phật, thân nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng không thoái chuyển. Sau khi mạng chung thì nhờ thiện niệm đó được sinh sang nước Phật, nghe Phật nói pháp mà chứng đạo Bồ-đề".
Ngài kết luận ba hạng người trên đây sâu cạn khác nhau nhưng mục đích và kết quả là một; tuy nhiên, bậc thượng trí thì hiếm, bậc trung trí nếu chuyên cần nỗ lực sẽ thành tựu trong đời này nhưng nếu nghiệp nặng chưa dứt thì khó thành tựu, bậc hạ trí lối tu lấy niệm Phật làm nấc thang bước từng bước vững chắc được qua nước Phật rồi thì chí nguyện sẽ thành. Vậy muốn thành tựu siêu thoát phải bắt đầu bằng cái đơn giản.
[Xin xem thêm Niệm Phật ở mục từ Tịnh Độ tông].
o0o
Niết-bàn.
Niết-bàn(涅槃;  P:  Nibbāna;  S: Nirvāṇa;  E: Nirvana, Perfect Freedom).
        Niết-bàn thông cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.
1) Phân tích ngữ nghĩa Niết-bàn.
1/. Niết-bàn được phân tích chung là:
+ Niết (Nib, Nir): Ra khỏi.
+ Bàn: (bāna, vāṇa): Rừng.
Niết bàn do đó được hiểu như là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não. 
2/. Niết-bàn được Pháp sư Huyền Trang phân tích Nirvāṇa bao hàm cả vật lý và tâm lý như sau:
          + Nir: ra khỏi, ly khai;  vāṇa: con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay.  Nirvāṇa  là ly khai con đường lẩn quẩn, chuyển dịch (bứt vòng ràng buộc, bị động trong sinh tử luân hồi).
          +Nir: không;  vāṇa: hôi tanh, dơ bẩn.  Nirvāṇa là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch).
          + Nir: xa lìa, đào thải;  vāṇa: rừng rậm.  Nirvāṇa là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống). 
Qua các phân tích trên, có thể xem Niết-bàn về khía cạnh tinh thần (tâm) được hiểu chung một nghĩa căn bản, đó là “Sự đoạn tận phiền não nơi tâm”, hay “Tình trạng ngọn lửa phiền não của nội tâm đã bị dập tắt”. Phiền não (= lậu hoặc) được xem là đồng nghĩa của khổ, là kết quả gây ra từ nguyên nhân của 3 động lực chính thúc đẩy nơi nội tâm, đó là:  Tham – Sân – Si. 
Trong Wiki có chép:
“… thuật ngữ Nirvāṇa được dịch nghĩa là Diệt(滅), Diệt tận(滅盡), Diệt đ(滅度), Tịch diệt(寂滅), Bất sinh(不生), Viên tịch(圓寂), và vì sự tịch diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật nên Nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát(解脫), Vô vi(無爲), An lạc(安樂) …
Như vậy, Niết-bàn trong Phật giáo không phải là một cõi Cực Lạc hay Thiên Đàng hưởng thụ vật chất và có vị trí không-thời gian như ở các tôn giáo khác, mà là trạng thái nội tâm không dính mắc trói buộc, là trạng thái nội tâm không loạn động phiền não, là nội tâm thanh thản và linh hoạt sáng suốt. Theo đó:
- Niết-bàn được xem như trạng thái của vàng ròng đã được tinh luyện từ quặng, là kết quả chứng ngộbất thối chuyển từ quá trình tu học.
- Phẩm chất của Niết-bàn được xem như bản chất của vàng, cho dù vàng ở bất cứ hình thái nào, nghĩa là Niết-bàn vượt lên mọi không gian và mọi thời gian của vũ trụ. Điều này cho thấy rằng Niết-bàn như là chân lý khách quan của vũ trụ - là chân lý Duyên khởi vậy.
 Như vậy, có thể nói rằng Niết-bàn là trạng thái tâm của bậc thánh nhân đã dập tắt được mọi phiền não từ Tham, Sân, Si. Ba tâm Tham, Sân, Si chính là Ái dục Vô minh bởi Chấp thường-Chấp ngãmà ra, là những tâm dính mắc do chính chúng ta tự trói, là đầu mối khiến con người cứ mãi bị động trong sinh tử luân hồi.
2) Niết-bàn theo Phật giáo Nam truyền: 
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
          1/. Hữu dư y Niết-bàn (有余依涅槃;  P: Saupādisesa-nibbāna;  S: Sopadhiśeṣa-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn nơi một hành giả hãy còn những ảnh hưởng hoạt động của Ngũ uẩn chi phối.
          2/.Vô dư y Niết-bàn (無余依涅槃;  P: Anupādisesa-nibbāna;  S: Anupadhiśeṣa-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn trọn vẹn khi hành giả đã tan rã Ngũ uẩn, không còn bị Ngũ uẩn chi phối.  
Trong kinh Tương Ưng Bộ IV,trang 404 nêu rõ:  “Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”. 
        3) Niết-bàn theo Phật giáo Bắc truyền: 
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
         1/. Vô trụ xứ Niết-bàn(無住處涅槃;  S: Apratiṣṭhita-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính, nhưng chưa an trụ nơi chính mình, do hãy còn hạnh nguyện độ sinh. 
          2/. Trụ xứ Niết-bàn(住處涅槃;  S: Pratiṣṭhita-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính, và hoàn toàn an trụ nơi chính mình. Trụ xứ Niết-bàn còn gọi là Tánh tịnh Niết-bàn (性淨涅槃: thể tánh thanh tịnh nơi Niết-bàn).
Trong kinh Tạp A Hàm có chép:
Niết-bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ Nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
- Trong kinh Lăng Nghiêm có chép: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn; tri kiến vô kiến, tư tức Niết Bàn * 知見立知即無明本; 知見無見斯即涅槃* Thấy biết mà chấp mắc vào cái biết này là gốc của Vô minh;  thấy biết mà không phải chấp mắc vào cái biết này thì đó là Niết-bàn vậy".
4) Niết-bàn theo đặc trưng tông phái của Phật giáo Bắc truyền.
1/.Trung Quán tông.
Theo Trung Quán tông, Niết-bàn nằm trong Không tính (空性;  S: Śūnyatā), đó là sự "chấm dứt cái thiên hình vạn trạng", cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian. Nói cách khác, Niết-bàn là trạng thái không dính mắc vào các khái niệm đối đãi một cách cực đoan.
 TrongPhẩm Quán Niết-bàn (Nirvāṇa-parīkṣā) của Trung Quán Luận, đã chép: 
Vô đắc diệc vô chí                      無得亦無至
Bất đoạn diệc bất thường                     不斷亦不常
Bất sinh diệc bất diệt                 不生亦不滅
Thị thuyết danh Niết-bàn.                     是說名涅槃
Không đắc cũng không tới
Không đoạn cũng không thường
Không sinh cũng không diệt
Đó gọi là Niết-bàn.
2/.Duy thức tông.
Theo Duy Thức tông, Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không thật tồn tại (= hằng hữu). Đối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt.
Giáo lý Duy Thức tông cho rằng Niết-bàn được phân thành 4 loại gọi là Tứ chủng Niết-bàn 四種涅槃:
1/. Tánh tịnh Niết-bàn:  Đó là Chân như tính (= Duyên khởi tính) vốn sẵn có nơi mọi hiện hữu.
2/. Hữu dư Niết-bàn:  Chân như (= Chân lý) biểu hiện qua đoạn sạch phiền não nhiễm ô.
3/. Vô dư Niết-bàn:  Phiền não nhiễm ô trong tâm đã trừ sạch, thân Ngũ ấm cũng đoạn diệt.
4/. Vô trụ xứ Niết-bàn:  Phiền não chướng và Sở tri chướng đều đoạn diệt, chứng đắc trí tuệ thâm sâu, thấy Luân hồi và Niết-bàn không khác, giáo hoá chúng sinh mà không dính mắc thế gian.
Trongkinh Lăng-già (S: Laṅkāvatāra sūtra), có  chép như sau (bản dịch Đức ngữ của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):
Phải nhận biết Luân hồi và Niết-bàn không khác biệt nhau (Laṅkāv 2, p.61).
Bất nhị(不二;  S: advaya) là gì?  Nó có nghĩa là hình ảnh dài ngắn, trắng đen...xuất phát từ nhị nguyên và không tách rời nhau.
Như trường hợp Luân hồi và Niết-bàn, tất cả những sự việc này đều bất nhị. Không có Niết-bàn, (trừ trường hợp) có Luân hồi, và không có Luân hồi, (trừ trường hợp) có Niết-bàn, bởi vì nguyên nhân hiện hữu của chúng nằm ở chỗ: (Nếu quán sát riêng biệt) Chúng không có định nghĩa.(Laṅkāv 2, p.76)
Tất cả mọi hiện hữu đều không có tự tính, chỉ là ngôn từ của những người (vô minh). Chúng chỉ là sự tưởng tượng (S: kalpanā) và không tồn tại thật sự. Niết-bàn (cũng chỉ) là cơn mộng. Không thể nhận thức được bất cứ cái gì trong Luân hồi và không có một cái gì có thể nhập Niết-bàn bao giờ(Laṅkāv 2,146, p.88).
3/.Thiền tông.
Theo Thiền tông, Niết-bàn không hề tách rời với thế giới này, là sự trực ngộ được thể tính của Tâm (= Duyên khởi tính; Chân tâm = Chân lý Duyên khởi), tức thể tính của vạn sự vạn vật.
Theo Thiền tông, thực hiện Niết-bàn tất phải thông qua trí tuệ. Vì thế, Niết-bàn còn được xem là đồng nghĩa với Trí tuệ Ba-la-mật.  Niết-bàn và Trí tuệ chỉ là hai mặt của Chân lý.  Niết-bàn là trạng thái của một hành giả đã khai mở Tuệ giác, đã đạt tri kiến về Chân Tâm (= thấy biết chân lý Duyên khởi); ngược lại Tuệ giác là hiện thực của một hành giả đã chứng đắc Niết-bàn.
5) Thực hành Niết-bàn.
Hành giả thực hành Niết-bàn, là đồng nghĩa với thực hành Chân lý Duyên khởi, lấy Duyên khởi (= Vô thường + Vô ngã) làm phương tiện  chuyển hóa nội tâm, dần đến trạng thái thanh tịnh do hình thành khả năng vượt lên mọi mâu thuẫn của các ý niệm – như là những điều kiện ràng buộc một cách cực đoan nơi cuộc sống, là đầu mối dẫn đến đau khổ và bị động trong sinh tử luân hồi.
Khả năng vượt lên mọi mâu thuẫn của các ý niệm được hiểu như là khả năng  thuần hóa những mâu thuẫn và hài hòa cùng chúng nơi hành giả.
Kỳ thực, những khái niệm mâu thuẫn này đều có mối tương quan Nhân-Quả cho nhau, dẫn xuất từ động lực của một nội tâm Tham-Sân-Si (Xin xem mục từ Tam độc)
Nói cách khác, hành giả thực hành Niết-bàn chính là thực hành sự quán sát trạng thái Tham-Sân-Si nơi nội tâm luôn thường xuyên xảy ra, và chuyển hóa chúng hướng tới các lợi ích thiết thực, chứ không mất đi cảnh giác buông lung chúng, để chúng dẫn dắt tới các cực đoan tai hại.  Sự cảnh giác này không gì khác hơn chính là Chánh niệm-Tỉnh giác một cách thuần thục, là khả năng giải thoát nơi bậc giác ngộ.
Trongkinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna sutta) thuộc Trung Bộ kinh, nói về thực tập phép quán “tâm trên tâm”, đức Phật dạy:
Khi tâm có Tham-Sân-Si, chúng ta tuệ tri tâm có Tham-Sân-Si; khi tâm không có Tham-Sân-Si, chúng ta tuệ tri tâm không có Tham-Sân-Si. Khi tâm định tỉnh ta tuệ tri tâm định tỉnh, khi tâm tán loạn ta tuệ tri tâm tán loạn. Chúng ta thường Chánh niệm-Tỉnh giác để thấy biết rõ sự sinh diệt, hiện hành của tâm.
Cụ thể nội dung của Chánh niệm là Chân lý Duyên khởi, với:
Duyên khởi tính = Không tính = Phật tính
          Trong đó:
Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
Đây là phương tiện giúp hành giả thấu rõ Thật tướng Vô tướng – tức hiện tượng và bản chất của mọi sự vật, nhằm giải trừ Tam độc - Tham-Sân-Si này  (Xin xem mục từ Tứ đức Niết-bàn).

Niết-bàn (涅槃;  S: nirvāṇa; P: nibbāna) nguyên là phân từ thụ động quá khứ với nghĩa "thổi tắt", "dập tắt" (một ngọn lửa)và như thế thì nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt. Qua đó mà thuật ngữ nirvāṇa cũng được dịch nghĩa là Khổ diệt, Diệt 滅, Diệt tận 滅盡, Diệt độ 滅度, Tịch diệt 寂滅, Bất sinh 不生, Viên tịch 圓寂), và vì khổ diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát .
Khi đề cập đến Niết bàn, kinh sách thường nhắc tới Vô dư Niết bàn và Hữu dư Niết bàn.
      + Hữu dư niết-bàn (有餘涅槃;  P: Savupadisesa-nibbāna; S: Sopadhiśeṣa-nirvāṇa): Đó là đạo quả niết-bàn đạt được trong kiếp sống hiện tại, nghĩa là trong lúc hãy còn mang thân ngũ uẩn. Trong Hữu dư niết-bàn hành giả còn khổ vì còn chịu ảnh hưởng của nghiệp cũ. Từ quan điểm Hữu dư Niết-bàn này của PG Nam truyền mà phát sinh ra khái niệm Vô trụ niết-bàn (無住涅槃;  S: apratiṣṭhita-nirvāṇa) của PG Bắc truyền.
      + Vô dư niết-bàn (無餘涅槃; P: Anupadisesa-nibbāna S: Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa,):  Đó là niết-bàn đến với một vị A-la-hán sau khi thân hoại mạng chung không còn sắc thân, Loại Niết-bàn này cũng được gọi là Bát vị niết-bàn (八位涅槃;  S: Parinirvāṇa).
Theo trên, Niết-bàn có thể được hiểu là: Tình trạng ngọn lửa Tham lam (貪;  P;S: Lobha;  E: Greed), Sân hận (瞋;  P:Dosa;  S: Dveṣa;  E: Hatred), Ngu si (癡 ;  P;S: Moha;  E: Ignorance) đã bị dập tắt. Ở đây, dập tắt các ngọn lửa tham, sân, si chỉ là phương tiện để đi đến Niết bàn.
- Trong kinh Tạp A Hàmcó viết:  “Niết Bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ nghiệp gây ra từ  ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
- Trong kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ: “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”.
- Trong kinh Vua Milinda vấn Đạo (Milinda Pãnha), Đức Nãgasena giải đáp câu hỏi ấy như sau: “… như lửa không phải được tích trữ  ở một nơi đặc biệt nào, nhưng khi hợp đủ điều kiện thì lửa phát sanh. Cùng thế ấy ta không thể nói Niết bàn ở đâu, nhưng khi đạo đủ duyên đầy thì quả Niết bàn được thành tựu”.
- Trong kinh Rohitassa, Tạp-A-Hàm, Samyutta Nikãya, phần 1, trang 62. có ghi lại Phật ngôn như sau: “Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian, đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng”. Trong đoạn kinh này ta có thể hiểu rằng, theo đức Phật thế gian là đau khổ. Do đó chấm dứt khổ não, tức là Niết-bàn vậy. Niết-bàn không phải là cái gì đã được tạo ra hay cái gì cần phải được tạo ra. Niết-bàn không phải là một cảnh trời nào đó dành riêng cho một cá thể xuất chúng, mà là một pháp (P: Dhamma), một sự thành tựu mà mọi chúng sinh đều có thể đạt tới, và ta không thể tưởng tượng được một cảnh giới trường cửu như thế ở bất luận nơi nào.
Thật vậy, Niết-bàn chính là tuệ giác về thực tại, đó là chấm dứt sự bám víu vào tri kiến sai lầm (Si), là chấm dứt bám víu vào dòng lưu chuyển gây khổ đau từ hai đối cực (Tham-Sân). Niết Bàn luôn là một hiện thực thanh tịnh trong một thế giới đầy biến động.
Niết-bàn cùng thế gian
Không có tí phân biệt
Thế gian cùng Niết-bàn
Cũng không tí phân biệt.
***
Thật tế của Niết-bàn,
Cùng thật tế thế gian;
Cả hai thật tế đó,
Không mảy may sai biệt.
Vấn đề Niết-bàn có thể là một trong những điểm khó hiểu. Đường lối tốt nhất để hiểu Niết-bàn là gia công thành tựu bằng trí tuệ của chính mình. Mục tiêu còn lu mờ sau đám mây che lấp, nhưng phương pháp để thành tựu thật là rõ ràng minh bạch, và khi thành tựu được rồi thì mục tiêu sẽ hiện ra sáng tỏ như “mặt trăng trong, không bị mây án”.
          Dưới đây là câu chuyện về Niết-bàn và Duyên khởi, phỏng theo  Bài Kinh số 72 - Trung Bộ Kinh “Dạy Vacchagotta về lửa” (P: Aggivacchagottasuttam).
Có lần, một người du sĩ tên là Vacchagotta đến gặp Phật và hỏi: "Thưa Ngài, sau khi chết một người đã giác ngộ và giải thoát rồi sẽ đi về đâu?" Nhưng dù cho anh ta có cố đặt câu hỏi cách nào đi chăng nữa, đức Phật vẫn nói rằng câu hỏi của anh là không đúng, vì nó không thích hợp nên không thể áp dụng ở đây.
          Sau cùng, Phật bảo anh ta "Này, Vaccha hãy lượm những que củi nhỏ quanh đây và nhóm lửa lên." Anh ta vâng lời nhặt các que củi lại và đốt lửa. Ðức Phật lại nói: "Anh hãy bỏ thêm củi vào!" Anh ta làm theo lời Phật dạy.
          Ðức Phật hỏi: "Thế nào rồi?" Vacchagotta đáp: "Dạ, lửa cháy rất tốt." Phật bảo: "Thôi đừng bỏ thêm củi vào nữa." Và sau đó đám lửa lụi tàn dần. Phật lại hỏi: "Thế nào rồi?" "Dạ, đám lửa đã tàn, thưa Ngài."
          Đức Phật hỏi, "Nếu bây giờ có người hỏi anh rằng ngọn lửa tắt rồi đi về ngã nào? Hướng Đông hay hướng Tây, Nam hay Bắc? Ði tới trước hay phía sau? Trái hay phải? Lên hay xuống? Vaccha sẽ giải đáp thế nào? "
          "Câu hỏi đặt như thế không đúng, thưa Ngài, bởi vì lửa cháy do duyênnhiên liệu, cỏ và cây khô. Khi nhiên liệu hết, không còn nhiên liệu nữa, không còn gì nuôi ngọn lửa nữa, ta nói rằng ngọn lửa tắt." Vacchagotta đáp.
          “Cũng đúng như vậy, đó cũng là điều sẽ xảy ra cho kẻ đã giải thoát sau khi mất. Cũng giống như ta bứng gốc một cây kè và không còn gì có thể đâm chồi lên nữa, nó tắt hẳn."
          Và đức Phật kết luận, "Này Vaccha, người ấy đã vứt bỏ được cái gọi là thân này rồi, không thể đo lường được, thật siêu việt, mênh mông như biển lớn. Nói rằng vị ấy tái sanh là không đúng. Nói rằng vị ấy không tái sanh cũng không đúng. Mà nói rằng vị ấy không tái sanh cũng không không tái sanh cũng không đúng."
          Nghe những lời ấy xong, Vacchagotta cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Anh nói những lời Phật dạy về Duyên khởi như một ngọn đuốc soi sáng một căn phòng đang tối, và anh nguyện sẽ nương tựa vào tuệ giác ấy để sống (Duyên khởichỉ ra rằng các Duyênluôn tương tác và không ngừng biến đổi từ dạng này sang dạng khác).
          Đó là ngày xưa, còn bây giờ là ngày nay. Nhưng có điều là xưa nay gì thì vấn đề cũng không có gì là khác biệt nhau lắm. Vì câu trả lời ta nhận từ giáo pháp của đức Phật bao giờ cũng hoàn toàn tương xứng và phù hợp với sự sâu sắc của câu hỏi mà ta đặt ra.
          Vào thập niên 70, thiền sư Ajahn Chah được mời sang giảng dạy ở Anh. Vào cuối chuyến đi, sau một bài nói chuyện trước khi trở về lại Thái Lan, ngài Ajahn Chah hỏi đại chúng có mặt "Quý vị còn có những câu hỏi chót nào không? Có vấn đề gì mà quý vị vẫn còn thắc mắc và chưa thấy hài lòng chăng?"
          "Thưa có," một cô thiền sinh đáp. "Tôi đã được nghe giáo lý này trong nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi nghe một câu trả lời nào thật thoả đáng cho câu hỏi này, đó là  'Niết bàn là gì? Và chúng ta có còn hiện hữu nữa hay không?'"
          Có một ngọn nến đang cháy bên cạnh bục ngồi của Ajahn Chah. Thấm ướt hai ngón tay, Ngài quay sang và bóp tắt ngọn nến.
          "Bây giờ ngọn nến đã tắt rồi, chúng ta có còn gì để bàn luận thêm về nó không - nó đã đi đâu, bây giờ nó có hiện hữu ở một nơi nào khác hay không?" Ajahn Chah hỏi. Và khi người thiền sinh im lặng, không trả lời, Ngài nói thêm, "Không. Không có một lời giải thích hay luận bàn nào là thích hợp."
          "Cô có hài lòng với câu trả lời của tôi không?"  Ajahn Chah hỏi.
          "Không! "  cô ta đáp.
          "Tôi cũng vậy, tôi cũng không hài lòng với câu hỏi của cô."
          Bạn biết không, có những câu hỏi, thắc mắc mang ta đi thật xa, dẫn ta đến những tranh cãi và luận bàn miên man, và có những câu hỏi đem ta trở về tiếp xúc với sự sống đang có mặt ngay trước mắt.
o0o
Pháp trong đạo phật.
Nội dung
I. Pháp là tất cả mọi sự vật mọi hiện tượng.
II. Pháp là những nguyên tắc hay quy luật của vũ trụ.
III. Pháp là đạo lý của đạo Phật.
 

Dharma- Wikipedia
 Pháp (Phật giáo) – Wikipedia tiếng Việt
Biểu tượng của Pháp: Bánh xe Pháp
(Pháp Luân)
Pháp(;  P: Dhamma;  S: Dharma):  Trong đạo Phật, Pháp là một là một từ quan trọng và thiết yếu, có nhiều nghĩa khác nhau như trình bày dưới đây.
I. Pháp là tất cả mọi sự vật mọi hiện tượng.
Pháp có nghĩa là tất cả mọi sự vật mọi hiện tượng, tâm hay vật, cụ thể hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình, hữu tình hay vô tình, cực lớn như vũ trụhay cựcnhỏnhư hạt hạ nguyên tử, tốt hay xấu, thánh hay phàm, hữu vi hay vô vi, chân thật hay hư vọng ... Nói cách khác, Pháp là “Tất cả những gì có đặc tính của riêng nó, khiến trong đầu óc ta có một khái niệm về nó không lầm với cái khác”.
- Theo kinh Pháp Cú ghi:
Tâm dẫn đầu các pháp                         Tâm dẫn đầu các pháp
                    Tâm làm chủ tạo tác                            Tâm làm chủ tạo tác
                    Nếu với tâm nhiễm ô                            Nếu với tâm thanh tịnh
                    Nói năng hay hành động                       Nói năng hay hành động
                    Khổ não bước theo sau                         An lạc bước theo sau
                    Như xe theo vật kéo.                            Như bóng không rời hình.
                              Kệ Pháp Cú 1.                                                 Kệ Pháp Cú 2.
[Tâmnơi đây hàm nghĩa ý thức, suy tưởng, suy tính phân biệt đối đãi]
-Trong các kinh Tăng Nhất A Hàm Q.3; kinh Phật bản hạnh tập Q.25, 34, 48; luận Đại tì bà sa Q.129 có ghi bài kệ của ngài Mã Thắng (馬勝;  P: Assaji;  S: Aśvajit), một trong 5 người cùng tu và là đệ tử của Phật Thích Ca, nói với ngài Xá Lợi Phất:
Chư pháp tùng Duyên sinh         若法從緣生
Pháp diệc tùng Duyên diệt                   法亦從緣滅
Ngã Phật Đại Sa môn                 是生滅因緣
Thường tác như thị thuyết.        佛大沙門說
Nghĩa là:
     Các pháp do Duyên sinh
     Lại cũng do Duyên diệt
     Thầy tôi là Đức Phật
     Thường giảng dạy như vậy.
 
- Theo kinh Kim Cương thì mọi pháp hữu vi, tức các pháp từ Duyên sinh đều như mộng huyễn, như sương, như ánh chớp:
Nhất thiết hữu vi pháp                一切有爲法
Như mộng huyễn bào ảnh           如夢幻泡影
Như lộ diệc như điển                  如露亦如電
Ưng tác như thị quán                  應作如是觀
Dịch nghĩa:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.
- Theo Trung luận (中論;  S: Mādhyamaka-śāstra), phẩm XXIV, đoạn 18, thì mọi pháp do Duyên sinh nên đều không có thực tính (= Không tính tức tính Không).
Các duyên sở sanh pháp             各緣所生法
Ngã thuyết tức thị Không            我說即是空
Diệc danh vi giả danh                 亦是為假名
Diệc danh Trung đạo nghĩa.        亦是中道義
Dịch nghĩa:
Phápdo các Duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh
Cũng gọi nghĩa Trung đạo.
 

Pháp luân
[Biểu hiện của Vườn nai nơi đức Phật lần đầu chuyển pháp]
Một số các từ ghép với “Pháp” thường thấy:
- Pháp ái法愛:  1. Yêu mến, gắn bó với giáo pháp;  2. Tìm cầu chân lí.
- Pháp chấp法執= Pháp phược法縛= Pháp ngã法我:  Chấp vào ý niệm vạn sự vật hay hiện tượng là có thậthoặc có những thực thểnào đó bất biến, tự hữuhằng hữu. Các ý niệm này chỉ là những ảo tưởng mà thôi.
- Pháp chiến法戰:  Sự tranh luận về Phật pháp trong nhiều Công án, bằng những cử chỉ, những hành động bất ngờ hoặc những câu đối đáp lạ lùng của các Thiền sư.
- Pháp chủ法主, danh xưng đầy đủ là Pháp Chủ Hội Đồng Chứng Minh 越南佛教教會證明理事會法主hay Thiền gia Pháp chủ 禪家法主, là danh hiệu cao nhất đứng đầu một Giáo hội Phật giáo.
- Pháp dụ法喩:  Ẩn dụ để so sánh hay để diễn tả đạo lý.
- Pháp duyên法縁:  Duyên khởi hay Duyên sinh, Duyên hợp, Nhân duyên được trình bày trong Giáo lý của đạo Phật.
- Pháp điện(法殿;  E: A teaching hall):  Nơi giảng pháp (giáo lý)
- Pháp giới法界: Cảnh giới của các Pháp (cảnh giới của mọi hiện hữu, mọi hiện tượng).
- Pháp hạnh法行:  Hành vi, công hạnh tương thích (tùy duyên) với thực tại.
- Pháp hỉ法喜: Niềm hân hoan khi được tiếp cận với Chân lý, hay sống an lạc trong Chân lý.
- Pháp hội法會:  Một tập hợp sinh hoạt giáo lý đạo Phật.
- Pháp huý法諱= Pháp danh法名:  Tên được đặt khi xuất gia hay khi tho giới.
- Pháp khí法器:   Những dụng cụ được dùng trong lễ nghi.
- Pháp kiều法橋:  Chiếc cầu đạo lý của nhà Phật độ chúng sinh bước qua bể khổ.
- Pháp lạc法樂:  Niềm vui do giải trừ chấp trước, có được từ việc tu học đạo lý nhà Phật.
- Pháp luân(法輪;  P: Dhamma-cakka;  S: Dharmachakra;  E: Wheel of Dharma): Bánh xe pháp, tượng trưng cho giáo lý của đức Phật, gồm Chân lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Trung đạo, Nhân Quả (Tứ Đế), …. Bánh xe pháp được vẽ như một bánh xe tám nhánh, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo.
- Pháp mạch法脈: Dòng truyền thừa Phật pháp.
- Pháp môn法門: Cửa ngõ dẫn vào chân lí giác ngộ-giải thoát (S: dharma-mukha).
Trong nghĩa hẹp thì Pháp môn chỉ những bài kinh của đức Phật, hoặc những phương pháp Phật dạy đưa đến giác ngộ-giải thoát. Mỗi bài dạy được ví như là một cửa (môn) để mọi người bước qua và giác ngộ. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì nguyện thứ ba là “Pháp môn vô số lượng, thệ nguyện đều tu học”.
- Pháp ngữ法語,  lời giảng về cách thức tu tập của một Thiền sư.
- Pháp nhãn 法眼:  “Con mắt pháp”, nhằm chỉ ra năng lực nhận ra các pháp một cách tường tận trong việc độ sinh.
- Pháp nhũ法乳: “Dòng sữa pháp”. Lời dạy của đạo sư khiến cho đệ tử lớn mạnh tâm đạo, tựa như sữa giúp cho sự tăng trưởng của trẻ con.
- Pháp phái法脈:  Dòng truyền thừa đạo lý nhà Phật.
- Pháp phục法服:  Y phục của tăng ni.
- Pháp sư法師:  Vị sư giảng đạo.
- Pháp tạng法藏= Kinh tạng 經藏:  Kho tàng giáo pháp – tức kinh điển của đạo Phật để phân biệt với Luật tạng.
- Pháp thân法身:  Là tên gọi biểu hiện Chân thể, hay Chân lý khách quan, hay Không tính, hay Phật tính… của thực tại. Pháp thân được xem như đồng nhất với:
 + Nhất tâmcủa luận Đại Thừa Khởi Tín.
+ Phật tâmở công án của thiền sư Bạch Ẩn (白隱;  J: hakuin).
+ Đại viên cảnh trícủa giáo lý Duy thức.
- Pháp tính法性= Không tính空性= Phật tính佛性= Chân như真如= Pháp giới法界= Thực tại實在:  Bản tính chân thực của mọi hiện hữu, mọi hiện tượng.
- Pháp tự(法嗣;  E: A dharma heir. The disciple to whom the master has imparted his most profound realization):  Người được truyền thừa giáo pháp. Đệ tử được thầy truyền cho sở chứng thâm diệu của mình.
- Pháp trần法塵là cảnh của ý căn , tức đối tượng để suy tưởng (cảnh) của não bộ (ý căn).
- Pháp trí(法智;  S: Dharma-jñāna):  Trí tuệ vô lậu, thấy biết rõ 4 sự thật của các hiện tượng nhân duyên trong thế gian, vận hành để giải trừ phiền não.
- Pháp uẩn(法蘊; E: The collection of the teachings): Bộ sưu tập giáo lý.
- Pháp vị(法味;  S: Dharmaniyamata): Gồm các nghĩa sau.
          1) Chân Như (真如;  S: Tathātā):  Chỉ bản tính (= thể tính, bản thể tính) của vũ trụ, là nguồn gốc của hết thảy muôn vật.
          2) Vị cam lồ của pháp:  The “sweet-dew” taste or flavour of the dharma.
          3) Ngôi thứ của một vị tăng: The grade or position of a monk.
- Pháp vương(P: Dhammarājā;  E: A righteous monarch), chỉ cho một vị vua anh minh, còn gọi là Chuyển luân vương. Một vị Chuyển luân vương là một người cai trị chính trực đúng pháp, tức cai trị vương quốc có đạo đức và trí tuệ, thực hiện đúng trách nhiệm và bổn phận của mình.
- Pháp xứ(法處; S: Dharma-āyatana):  Một trong 12 xứ theo giáo lí Duy thức. Là những gì hiện hữu ngay lúc phát sinh ý niệm.
- Pháp y法衣:  Áo Ca-sa của một vị tăng. Trong Thiền tông thì pháp y chính là biểu hiện của việc “tâm truyền tâm” trong hệ thống truyền thừa của các vị Tổ sư.

- Chánh pháp(正法;   P: Saddhamma;  S: Saddharma;  E: True doctrine):  Đạo lý chân thực đúng đắn=/=  Tà pháp (邪法;  P: Adhamma, Uddhamma;  S: Adharma, Uddharma;  E: Faulse doctrine):  Đạo lý lệch lạc bất chính.
Thiền sư Đạo Xuyên sống vào thời kỳ Nam Tống Trung Quốc, tác giả của quyển Xuyên Lão Kim Cang Kinh Chú, đã nói: “Chánh nhân thuyết Tà pháp, tà pháp tất qui chánh - Tà nhân thuyết Chánh pháp, chánh pháp tất qui tà* Người chánh nói pháp tà, tà pháp trở về chánh - Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà.
-Cộng pháp共法:  Pháp chung; chẳng hạn pháp chung với Nhị thừa là thấy có sanh tử để diệt, có Niết Bàn để chứng, còn pháp chung với Nhất thừa là thấy sanh tử, Niết Bàn đều như hoa đốm trên không  //  Bất cộng pháp不共法: Pháp chẳng chung;  chẳng hạn pháp chẳng chung với Tam thừa là ý thức chẳng thể suy lường, ngôn ngữ chẳng thể diễn tả.
- Diệu pháp妙法:  1. Giáo pháp vi diệu; pháp chân thật, giáo pháp tối thượng. 2. Giáo pháp đúng đắn.
- Đắc pháp得法:  Nhận thức hay giác ngộ được đạo lý chân thực đúng đắn.
- Hộ pháp護法:   Là bảo vệ, hộ trì chánh pháp.
- Hy pháp希法= Vị tằng hữupháp未曾有法:  Điều chưa từng xảy ra; việc chưa từng có (S: Adbhuta).
- Phật pháp佛法:  Đạo lý, Chân lý, Giáo lý nhà Phật (Buddha Dhamma).
- Sắc pháp(色法;  S:Rūpa-dharma):  Những gì năm giác quan cảm nhận được (vật thể hiện hữu).
Theo giáo lý Duy thức, mọi hiện hữu được phân thành Sắc pháp và Tâm pháp. Những gì có đặc tính choán chỗ trong không gian được gọi là Sắc pháp. Năm giác quan (ngũ căn) và năm đối tượng nhận biết của chúng (ngũ trần) đều được xem là Sắc pháp. Ngược lại là Tâm pháp(心法;  S: Citta-dharma):  Những gì năm giác quan không cảm nhận được.
- Tam pháp三法:  Ba loại pháp:
          1) Ba giai giai đoạn tu học 1. Giáo(教) với ý nghĩa học // 2. Hành(行) với ý nghĩa thực hành // 3. Chứng(證) với ý nghĩa chứng ngộ, trực chứng,
          2) Ba bộ phần trong tam tạng là Kinh (經),Luật(律) và Luận(論).
          3) Ba loại pháp:  1. Chân pháp(真法) hay Chính pháp(正法) là giáo pháp chân thật // 2. Giả pháp(假法) hay Tượng pháp(像法) là giáo pháp giả tạo //  3. Mạt pháp(末法) là giáo pháp lúc suy tàn.
- Thắng pháp勝法:  Có các nghĩa sau: 1. Giáo pháp siêu việt //  2. Giai vị giác ngộ thù thắng (S: śreyas, dharma-netrī) // 3. Việc chưa từng xảy ra, chuyện trước đây chưa từng có (vị tằng hữu 未曾有;  S: adbhuta).
- Thế pháp世法:  Các pháp thế tục, các sự việc của cõi trần // Các pháp sinh khởi và hoại diệt theo nhân duyên (= Các hành行=> chư hành vô thường諸行無常;  S: Anityā).
- Thuyết pháp說法:  Giảng đạo.
- Thiện pháp(善法;  P: Kusala dhamma) là hành động hay việc thực hành đúng đắn, hạnh kiểm tốt, phẩm hạnh, những yếu tố tạo nên hạnh phúc… // Bất thiện pháp(不善法;  P: Akusala dhamma) là những điều ngược lại của thiện pháp.
- Vạn pháp萬法= Nhất thiết pháp 一切法:  Có nghĩa là tất cả các sự vật, sự lý của vạn hữu, kể cả những điều không có cũng gọi là pháp (E: All dharmas, All things, noumenal and phenomenal existence).
Nhất tâm bất sinh vạn pháp vô cữu一心不生萬法無咎:  Có nghĩa là tâm niệm chẳng nảy sinh thì muôn pháp không có lỗi.  Nói rõ hơn, nếu con người không khởi tâm phân biệt như:  lấy-bỏthích-ghét... thì muôn vật sẽ hiển hiện chân tướng của chúng.  Trong luận Tín Tâm Minh (Đại 48, 376 hạ) của ngài Tăng Xán có nói: “Hai là do một mà có, một là do tâm sinh mà ra. Tâm chẳng sinh thì muôn pháp không có lỗi”.
- Xứng pháp稱法:  Phù hợp, khế hợp với Chánh pháp.
II. Pháp là những nguyên tắc hay quy luật của vũ trụ.
Pháp nơi đây là Nguyên lý chân lý Duyên khởi  với các hệ quả quan trọng như là các quy luật:  Vô thường, Vô ngã,  Nhân Quả. 
Ý nghĩa thông thường và quan trọng nhất của Pháp trong đạo Phật là Chân lý (= Thực tại,Cái đang là)The most common and most important meaning of Dharma in Buddhism is Truth (= Reality, What is being).
-Trong kinh Tương Ưng (P: Saṃyutta Nikāya) 3 có ghi :
Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật “.
-Trong kinh Đại Bát Niết Bàn (P: Mahàparinibbàna sutta, thuộc Trường Bộ kinh) viết: “Ai thấy Pháp người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy Pháp”. 
-Trong kinh Vakkali, thuộc Tương Ưng Bộ kinh, một đoạn tương tự: “Này Vakkali, những ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta”.
Ngữ cảnh “thấy Pháp” có nghĩa là hiểu rõ lời dạy của đức Phật (P;S: Buddhavacana;  E: Word of the Buddha); và ai hiểu rõ và thực hành theo đúng giáo pháp của đức Phật, là người ấy giác ngộ Chân lý của vũ trụ.  Pháp đã được đồng nhất với Phật, mà Pháp ngay từ ban đầu không chỉ được hiểu là giáo pháp của đức Phật, mà còn chỉ cho nguyên lý Duyên khởi, tức thực tínhcủa mọi sự vật trong vũ trụ.
-Trong kinh Thánh Cầu (P: Ariyapariyesana sutta, thuộc Trung Bộ kinh) có đoạn:
Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được Idapaccāyata Paticcasamuppada (Y Tính Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” (HT. Minh Châu dịch).
-Trong kinh Chuyển Pháp Luân (P: Dhammcakkappavattana sutta, thuộc Tương Ưng Bộ kinh, V-420), Pháp được xem là Chân lý (P:  Sacca;   S: Satya;  E: Truth) – đó là Chân lýDuyên khởi,là sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ - hai cặp Nhân-Quả “Tứ Diệu Đế” biểu hiện cho trạng thái ngộ nơi mỗi con người.
III.Pháp là đạo lý của nhà Phật.
Pháp có nghĩa là đạo lý, tức con đường tu học chân lý của đạo Phật, gồm 3 thứ sau:
Pháp học hay Giáo pháp:  Là đạo lý để học.
Pháp hành  hay Hạnh pháp:  Là đạo lý để hành.
Pháp thành  hay  Chứng pháp:  Là đạo lý tu đắc.
Sự liên quan giữa Pháp học, Pháp hành, Pháp thành:
Pháp học là Nhân     =>    Pháp hành là Quả.
Pháp hành là Nhân   =>    Pháp thành là Quả.
Pháp học là nền tảng căn bản của đạo Phật, nếu không có Pháp học, thì chắc chắn sẽ không có Pháp hành và Pháp thành.  Nếu có Pháp học đúng, thì có Pháp hành đúng, nếu có Pháp hành đúng, thì có Pháp thành đúng.
Lộ trình tu học của đạo Phật vì thế là Văn – Tư – Tu; trong đó Văn, Tư  được xem thuộc về Pháp học, còn Tu thuộc Pháp hành[Xin xem các mục từ tương thích].
1/. Nội dung của Pháp họclà Tam Tạng, đó là Tạng Kinh, Tạng LuậtTạng Luận.
2/. Nội dung của Pháp hành.
Pháp hành có nhiều pháp, bao gồm 2 mảng Đạo đức và Chân lý,được xác định là:
- Pháp hành định tính: Gồm nội dung của 37 Phẩm Trợ Đạo.
- Pháp hành định lượng: Gồm nội dung của Giới-Định-Tuệ (là phẩm chất của hành giả đạt được trong quá trình tu học).
+ Đạo đức:  Đó là cách thực hành đối với ngoại cảnh là môi trường sống giao tiếp ở bên ngoài, với chuẩn mực là Giới (luật) được trình bày trong Pháp học.
+ Chân lý:  Đó là cách thực hành đối với nội tâm là môi trường sống bên trong, với chuẩn mực là Định và Tuệ được trình bày trong Pháp học. Nội dung của Pháp hành này là Chánh Niệm + Thiền Định + Thiền Tuệ,  trong đó Chánh Niệm hình thành từ Pháp học Văn + Tư.
Nơi kinh Di Giáo, kinh Đại Bát Niết Bàn đã ghi lại lời vàng ngọc mà đức Phật đã để lại trong giờ phút cuối cùng: 
- "Này! Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!  Các con hãy lấy giáo Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo giáo Pháp của ta mà tu tập để tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con!...".  
- "Này! Các con đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có Chân lý nơi giáo Pháp là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các con thân yêu của ta!".
o0o
Pháp giới.
I. Ý nghĩa của Pháp giới.
Pháp giới  (法界;  P: Dhamma-dhātu;  S: Dharma-dhātu):  Pháp giới là những yếu tố sinh khởi của các Pháp, tức yếu tố sinh khởi cảnh của mọi hiện hữu, mọi hiện tượng.
1) Pháp(法;  P: Dhamma;  S: Dharma):  Là khái niệm bao quát và có nhiều ý nghĩa (Xin xem mục từ này), với những nghĩa chính sau:
1/. Là đạo, chân lý, thực tại ... Đó là nguyên lý, quy luật khách quan tự nhiên diễn đạt sự vận động của mọi sự vật trong vũ trụ, hay lý tính, bản tính của mọi sự vật đó.
2/. Là giáo pháp của đức Phật, người đã giác ngộ chân lý nói trên. Trong ý nghĩa này, nội dung của giáo pháp hàm chứa chân lý khách quan tự nhiên đối với mọi sự vật, cho dù có sự hiện hữu của Phật hay không. Giáo pháp bao gồm những hiểu biết về chân lý và phương pháp thực hành chân lý trong đời sống hàng ngày, nhằm chuyển hóa nội tâm từ trói buộc đến giải thoát.
3/. Là mọi sự vật hiện tượng hữu hình hay vô hình (Sắc, Sắc pháp hay Danh, Tâm pháp), từ những gì giác quan có thể nhận biết phân biệt, cho đến các ý niệm, nhận thức chân thật hay hư vọng.
          Trong bài kệ thỉnh chuông đại hồng của Thiền sư Nhất Hạnh có ghi:
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
Tùy theo tông phái, có các cách phân biệt về pháp như sau:
+ Theo Câu-xá tông, mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp, gồm:
(1) 11 Sắc pháp, (2) 1 Tâm pháp, (3) 46 Tâm sở hữu pháp, (4) 14 Tâm bất tương ưng hành pháp, (5) 3 Vô vi pháp.         
+ Theo Pháp Tướng tông, mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 100 pháp, gọi là Bách pháp百法gồm 5 loại như sau:
(1) 11 Sắc pháp, (2) 8 Tâm pháp, (3) 51 Tâm sở hữu pháp, (4) 24 Tâm bất tương ưng hành pháp, (5) 6 Vô vi pháp.         
2) Giới(界;  P;S: dhātu;  (E: element):  Là yếu tố, thành phần sinh khởi, chỗ sinh khởi. Ví dụ:
1/. Bốn yếu tố cơ bản của vật chất sau đây gọi là 4 giới (= Tứ đại):
Tứ đại(四大;  P: Cattāro mahābhūtāni;  S: Mahā-bhūta;  E: The 'four great elements’, ‘four primary elements’ - The four elements of which all things are made).
1.Đất(Thổ 土;  P: Paṭhavī-dhātu;  S: Pṛthivī-dhātu;  E: Earth)     - Thể rắn.         
2.Nước(Thuỷ 水;  P: Āpo-dhātu;  S: Āpas-dhātu;  E: Water)                - Thể lỏng.  
3.Gió(Phong 風;  P: Vāyo-dhātu;  S: Vāyū-dhātu;  E: Wind)                 - Thể hơi.
4. Lửa(Hoả 火;  P: Tejo-dhātu;  S: Tejas-dhātu;  E: Fire)            - Thể plasma.
          2/. Mười tám yếu tố cấu thành sự hiện hữu của con người, gồm 6 căn, 6 trần, và 6 thức, gọi là Thập bát giới (十八界;  P: aṭṭhādasa-dhātu;  S: aṣṭādaśa-dhātu;  E: eighteen elements).
          - Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gọi là nội giới.
          - Sáu trần (hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm, các pháp) bên ngoài, gọi là ngoại giới.
- Sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) ở giữa giúp sáu căn nhận biết sáu trần, gọi là trung giới.
II. Pháp giớitrong kinh Hoa Nghiêm.
Hoa Nghiêmtông xem mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ - tức Pháp giới,  cùng xuất hiện đồng thời, đều bình đẳng, đều liên hệ qua lại, đều tương tác lẫn nhau, đều phụ thuộc lẫn nhau, chứ không có pháp nào tồn tại độc lập.  Giáo pháp này được gọi là Pháp giới Duyên khởi hay Trùng trùngDuyên khởi, nghĩa là tất cả đều từ Một, đó là từ một nguyên lý chân lý khách quan Duyên khởi mà ra.
Tất cả mỗi pháp đều có tính chất là cùng lúc tồn tại hai mặt tĩnh (Lý) và động (Sự), xuyên suốt vào nhau, không ngăn ngại. Quan điểm này được Tam tổ Hiền Thủ Pháp Tạng trình bày qua ẩn dụ nổi tiếng “sư tử vàng” và “sóng nước” (Xin xem chi tiết ở mục từ  Kinh Hoa Nghiêm) :  Sư tử hay Sóng biểu hiện cho thế giới hiện tượng (Sự), còn Vàng hay Nước biểu hiện cho bản chất hay bản tính (Lý).
Theo đó, Hoa Nghiêm tông xem mọi sự vật trong thế gian được lý giải trong Tứ pháp giới 四法界, tức 4 yếu tố hay 4 dạng sau:
1.Sự pháp giới(事法界):  Là thế giới hiện tượng,biểu hiện của mọi sự vật hiện tượng hiển lộ bên ngoài.
2.Lý pháp giới(理法界):  Là thế giới bản thể, biểu hiệnThể tínhchung của mọi sự vật hiện tượngtiềm ẩn bên trong. Đó là Duyên khởi tính, biểu hiện chân lý của vũ trụ vạn sự vạn vật.
3.Lý Sự vô ngại pháp giới(理事無礙法界):  Là biểu hiện mối liên hệ giữa hiện tượng và bản thể, các pháp sinh thành lẫn nhau, đại diện cho nhau không hề chướng ngại. Hai thế giới hiện tượng và bản thể không khác và biến hóa hòa điệu không ngăn ngại nhau (= tương tức - tương nhập-相即相入: viên dung và dung thông) như sóng và nước.  Đó là “Tất cả là Một, Một là tất cả”.
4.Sự Sự vô ngại pháp giới(事事無礙法界):  Là biểu hiện sự vật hiện tượng tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn tương hợp nhau, dựa lên nhau mà sinh sinh hóa hóa. Thế giới hiện tượng luôn vận động và ảnh hưởng hòa điệu nhau(tương tác tương thuộc- 相作相屬haytương quan tương duyên-相關相缘) trùng trùng vô tận,như nước và sữahay vật chất và tinh thần. Đó là  “Trùng trùng Duyên khởi Pháp giới”.
Duyên khởi, trong thực tại, là một hiện tượng trùng trùng các Duyên. Một sự vật có mặt có nghĩa là tất cả các Duyên trùng trùng ấy có mặt, tất cả Pháp giới có mặt. Nói khác đi, không thể có một Ngã tướng nào có mặt ngoại trừ Pháp giới Duyên khởi.
o0o
Pháp học – Pháp hành – Pháp thành
[Xin xem mục từ Pháp trong đạo Phật].
I. Pháp học.
 Pháp học(P: Pariyattisāsana) là những lời giáo huấn của đức Phật trong suốt 45 năm kể từ khi chứng đắc thành đức Phật Chánh Đẳng Giác cho đến khi đức Phật tịch diệt Niết Bàn, được ghi chép trong Tam Tạng [Xin xem chi tiết ở mục từ Kinh điển Phật giáo].
II.  Pháp hành.
Pháp hành(P: Paṭipattīsāsana) là đạo lý để thực hành tiếp theo sau Pháp học. Pháp hành có 2 tính chất hỗ tương là Pháp hành định tínhPháp hành định lượng như được trình bày dưới đây.
1) Pháp hành định tính:  37 Phẩm trợ đạo:
Pháp hành định tính là nội dung Chánh niệm của 37 Phẩm trợ đạo, tức Tam thập thất bồ-đề phần(三十七菩提分;  P: Sattatiṃsa bodhipakkhiyā dhammā;  S: Saptatriṃśad bodhipākṣikā dharmāḥ;  E: the 37 factors to enlightenment, the thirty-seven aids to enlightenment).
Pháp hành định tính 37 phẩm trợ đạo là 37 yếu tố định tính hỗ trợ cho con đường tu học, giúp hành giả đạt đến giác ngộ-giải thoát.  Tổng 37 yếu tố này chia thành 7 nhóm [Xin xem mục từ tương thích với 7 nhóm này].
1/.Ngũ căn.   2/. Ngũ lực    3/. Tứ chánh cần   4/. Tứ niệm xứ  
5/.Tứ thần túc    6/. Thất giác chi    7/. Bát chánh đạo 
 [Xin xem các mục từ tương thích]
2) Pháp hành định lượng:  Giới-Định-Tuệ.
Pháp hành định lượng là nội dung của “Giới-Định-Tuệ”, gọi là Pháp hành Giới, Pháp hành Định, Pháp hành Tuệ.  Pháp hành “Giới-Định-Tuệ” chính là Chánh niệm “Giới-Định-Tuệ”  [Xin xem mục từ Chánh niệm]
1/.Giới (= Đạo đức;  P: Sīla;  S: Śīla;  E: Virtue, moral conduct).
2/.Định (;  P: Samatha;  S: Śamatha;  E: Calm mind).
3/.Tuệ (慧;  P: Paññā;  S: Prajñā;  E: Wisdom).
          Pháp hành định lượng hàm ý kết quả của lộ trình tu học Văn Tư Tu, đó là Văn tuệ Tư tuệ Tư tuệ, biểu hiện qua 3 phẩm chất của hành giả về đạo đức–an tĩnh–sáng suốt  tức Giới-Định-Tuệ.
1/.Pháp hành Giới: Đó là Trì giới, là giữ gìn những điều không được làm, không được phạm, nhằm có được một đời sống đạo đức tốt đẹp giúp cho nội tâm ổn định, hỗ trợ cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ.
Mỗi hạng người có giới khác nhau, là chuẩn mực để hành giả soi chiếu cá giá trị đạo đức nơi chính bản thân:
+ Đối với hạng tại gia cư sĩ nam (cận sự nam), cư sĩ nữ (cận sự nữ) thì có 5 giới gọi là thường giới. Ngoài ra còn có 8giới, 9 giới, 10giới… thì tùy theo khả năng.
+ Đối với bậc xuất gia là Sadi có 10 Sadi giới, Tỳ-khưu có 227 tứ thanh tịnh giới.
Muốn giữ gìn giới được tốt, điều trước tiên là cần phải học, hiểu rõ tất cả mọi điều giới của mình, rồi mới có thể thực hành. Giới có thể diệt được phiền não loại thô ở thân và khẩu (vitikkamakilesa), giúp cho pháp hành thiền địnhpháp hành thiền tuệ được phát triển.
Chánh niệm về Giới, tức Chánh niệm Nguyên tắc Đạo đức Phật giáo đối với các định lượng về Giới (5, 8, 9, 10, 227, ... – Xin xem mục từ này) chính là Pháp hành Giới.
2/.Pháp hành định:  Đó là pháp hành thiền định.  Hành giả muốn tiến hành thiền định, điều trước tiên, cần phải học hiểu rõ 40 đề mục thiền định; rồi chọn một đề mục thiền hữu sắc nào thích hợp với bản tánh riêng của mình làm đối tượng thực hành thiền.
Hành giả chỉ có định tâm và an trú duy nhất trong đề mục thiền định được chọn lựa nào đó mà thôi, cho đến khi chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc (P: rupa jhānas):  Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
Sau khi đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc xong, nếu hành giả tiếp tục tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền vô sắc, thì hành giả cần phải thay đổi đối tượng thiền vô sắc tương thích. Có 4 đối tượng thiền dẫn dắt chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc (P: arupa jhānas) theo tuần tự từ bậc thiền thấp đến bậc thiền cao: 
- Ngũ thiền =  Không Vô Biên Xứ
- Lục thiền  = Thức Vô Biên Xứ
- Thất thiền = Vô Sở Hữu Xứ
- Bát thiền   = Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
Các bậc thiền có thể đè nén chế ngự được phiền não loại trung  (P: pariyuṭṭhānakilasa) không phát sinh ở trong tâm. Hành giả có thể an hưởng sự an lạc của các bậc thiền, và có thể luyện pháp thần thông.
Các bậc thiền hữu sắc cho quả tái sinh cõi trời sắc giới phạm thiên. Các bậc thiền vô sắc cho quả tái sinh cõi trời vô sắc giới. Các bậc thiền đều có thể làm nền tảng, làm đối tượng cho pháp hành thiền tuệ.
Chánh niệm về Định, tức Chánh niệm các đối tượng của Thiền định, chính là Pháp hành Định.
[Xin xem chi tiết ở mục từ Thiền định]
3/.Pháp hành tuệ: Đó là pháp hành thiền tuệ. Hành giả muốn tiến hành thiền tuệ, điều đầu tiên, cần phải học hiểu rõ tất cả các đối tượng thiền tuệ là thânthọtâmpháp hay sắc pháp,danh pháp .
Có 2 cách phân tích xếp loại tuệ chứng của thiền tuệ (solasanana) về các tuệ giác, đó là:
          - Theo Thanh Tịnh Đạo luận (P: Visuddhimagga):  Được cho là do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) chú giải biên soạn vào khoảng thế kỷ V Tây lịch. Khi thực hành Vipassana (thiền quán) người tu phát triển rất nhiều loại tuệ, tuy nhiên có 16 tuệ hay còn gọi là 16 tuệ vipassana hay 16 tuệ minh sát sẽ lần lượt phát sinh, được coi như căn bản và chuẩn mốc.
          - Theo Phân Tích Đạo luận (P: Patisambhidamagga):  Phẩm I của tập kinh thứ mười hai thuộc Tiểu Bộ, được cho là do ngài Xá Lợi Phất viết ra, trong Phân Tích Đạo, phẩm giảng về Trí (Ñāṇakathā), đã mô tả và liệt kê chi tiết về 73 loại Trí.
Trí tuệ phát sinh khi thiền tuệ là thấy rõ, biết rõ sự sinhsự diệt của danh pháp, sắc pháp; đó là thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4Thánh Quả và Niết Bàntuyệt đoạn diệt mọi phiền não loại vi tế (anusayakilesa),trở thành bậc Thánh A-la-hán.
Chánh niệm về Tuệ, tức Chánh niệm các đối tượng của Thiền tuệ, chính là Pháp hành Tuệ.
          [Xin xem chi tiết ở mục từ Tuệ giác]
III.Pháp thành
Pháp thành (P: Paṭivedhasāsana) là kết quả trực tiếp từ pháp hành thiền tuệ. Pháp thành là 4 Thánh Đạo tâm, 4 Thánh Quả tâm và Niết Bàn gọi là 9 pháp Siêu tam giới, có liên quan nhân quả tương xứng với nhau; Thánh Đạo nào sinh, thì liền cho Thánh Quả ấy từng cặp như sau: 
    4 Thánh Đạo tâm             4 Thánh Quả tâm
- Nhập Lưu Thánh Đạo     →       Nhập Lưu Thánh Quả
- Nhất Lai Thánh Đạo       →       Nhất Lai Thánh Quả
- Bất Lai Thánh Đạo         →       Bất Lai Thánh Quả
- A-la-hán Thánh Đạo       →       A-la-hán Thánh Quả
Niết Bàn chỉ là đối tượng của 4 Thánh Đạo tâm và 4 Thánh Quả tâm mà thôi.
Bảng tóm tắt
Tiến trình giác ngộ-giải thoát của một vị Thánh trong Phật giáo
Tứ quả vị  
Kết sử
(phiền não cần đoạn diệt)
 
Vòng tái sinh 
 
Dự Lưu – Tu-đà-hoàn
 Sotāpanna
(Stream-enterer)
 
Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ.
( 3 kết sử đầu tiên)
 
Thêm bảy lần tái sinh trong cõi người hoặc trời
 
Nhất lai –Tư-đà-hàm
Sakadāgāmi
(Once-returner )
Làm nguội thêmDục tham vàSân.
(2 kết sử kế tiếp)
Thêm một lần tái sinh nữa trong cõi Dục
 
Bất Lai – A-na-hàm
 Anāgāmi
(Non-returner )
 
Đoạn diệt hoàn toàn5 hạ phần kết sử.
(Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục tham, và Sân)
Tùy sinh vào cõi Sắc giới
 
Bất sinh A-la-hán
 Arahanta
(Complete-liberation) 
Đoạn diệt hoàn toàn5 thượng phần kiết sử
(Sắc tham, Vô Sắc tham, Mạn, Trạo cử, Vô minh)
Giải thoát vòng sinh tử luân hồi
 
 
Bốn quả vị Thánh
          Cụthể quả chứng của vị Thánh là Đắc giới-Đắc định-Đắc Tuệ  hay  Giới vô lậu- Định vô lậu- Tuệ vô lậu.
Một vị Thánh trong đạo Phật là hành giả đã có một quá trình tựrèn luyện tâm đầyđủ, để tự đạt tới giác ngộ-giải thoát, chứ không do cầu xin ơn trên thông ban cho hay bầu bán từ các tổ chức giáo hội như ở nhiều tôn giáo.
o0o
Pháp tướng và Pháp tính.
1) Pháp tướng(法相;  S: Dharmalakṣaṇa) có hai nghĩa:
1/.  Pháp tướng dùng chỉ thật tướng của các pháp (= mọi sự vật hiện tượng), đồng nghĩa với Chân như, Thực tướng, Pháp tính– tức Duyên khởi tínhnơi các pháp.
2/. Pháp tướng là tướng trạng (cấu trúc cơ bản) của các pháp; đây là chủ trương đặc biệt của Duy Thức tông hay Du Già tông (唯識宗;   S: Yogācāra) ở Ấn Độ. Sau khi sư Huyền Trang từ Ấn Độ trở về và phiên dịch các bộ luận chính của Duy thức tông ra tiếng Hán, thì Pháp tướng tông (法相宗) hình thành ở Trung Quốc và lan tỏa ra một số nước Đông Á.
Duy Thức tông chia pháp gồm 100 tướng trạng, và gộp vào trong năm nhóm:
+ Sắc pháp (色法;  S: Rūpa-dharma) có 11.
+ Tâm pháp (心法;  S: Citta-dharma) có 8.
+ Tâm sở hữu pháp (心所有法;  S: Caitasika-dharma) có 51.
+ Tâm bất tương ưng hành pháp (心不相應行法;  S: Citta-viprayukta-saṃskāra-dharma) có 24.
+ Vô vi pháp (無爲法;  S: Asaṃskṛta-dharma-asaṃskṛta) có 6.
Duy Thức tông cho rằng tất cả các pháp là không thật, chỉ là một sự phóng chiếu của Thức (識;  P: Viññāṇa;  S: Vijñāna: Cái biết từ tâm phân biệt, chứ không từ bản chất cấu thànhPháp tính). Khi hành giả giác ngộ Duyên khởi tính (= Không tính) nơi Thức, tức đạt đến Niết-bàn, Thức bấy giờ được gọi là Trí (= Tuệ giác), đó là:
+ Thành Sở Tác Trí cho năm thức đầu là Nhãn thức, Nhĩthức, Tỉthức, Thiệtthức và Thân thức(thuộc Thọ uẩn – Nhóm chấp thủ phân biệt nơi cảm xúc).
+ Diệu Quan Sát Trí  cho  Ý thức (thuộc Tưởng uẩn – Nhóm chấp thủ nơi suy tưởng, luận biện).
+ Bình Đẳng Tánh Trí  cho Mạt-na thức  (thuộc Hành uẩn – Nhóm chấp thủ nơi ý chí hành động).
+ Ðại Viên Cảnh Trí  cho  A-lại-da thức (thuộc Thức uẩn – Nhóm chấp thủ nơi ký ức).
2) Pháp tính(法性;  P: Dhammaṭā;  S: Dharmatā):  Là bản tính chân thực của các pháp (= mọi sự vật hiện tượng), tức thực tướng tự nhiên mang tính quy luật của hết thảy các pháp trong vũ trụ. Pháp tính đồng nghĩa với Chân như, Thực tướng, Pháp tướng. Đó chính là Duyên khởi tínhnơi các pháp.
Trong Trường Bộ Kinh [Sumangalavilāsini, Vol.I, Colombo 1919, p. 288] giải thích từ Dhammaṭā ở đây có nghĩa là "Tự tính" (自性;  P: Sabhāva;  S: Svabhāva;  E: Self-nature), là"Quy luật chung" (決定‎;  P;S: Niyāma;  E: Constraint, Certainty) và liệt kê năm lọai quy luật:
+ Quy luật của nghiệp(P: Kamma niyāma), tức là hành động thiện tạo nên quả thiện và hành động bất thiện tạo nên qủa bất thiện.
+ Quy luật của thời tiết(P: Utu niyāma), tức là tại những vùng khác nhau ở các thời điểm khác nhau thì cây cối ra hoa kết trái, gió thổi mưa rơi, nóng lạnh cũng khác nhau, hay như hoa sen nở vào ban ngày và khép cánh vào ban đêm, v.v…
+ Quy luật của chủng loại(P: Bīja niyāma), tức là hạt giống nào thì mọc lên loại cây đó như hạt lúa mọc lên cây lúa, v.v…
+ Quy luật của tâm(P: Citta niyāma), tức là quy luật trong tiến trình hoạt động của tâm như sát-na tâm trước tạo nên và sát-na tâm kế tiếp, theo mối quan hệ Nhân Quả.
+ Quy luật của pháp(P: Dhamma niyāma), chẳng hạn như sự kiện mười ngàn thế giới đều rung động khi Bồ-tát thụ thai vào lòng mẹ và khi Ngài ra đời. Sau khi giải thích những hiện tượng trên, chú giải xác quyết rằng trong ngữ cảnh này từ Dhammatā đề cập đến quy luật của pháp.
o0o
Phật Bụt.
đà佛陀hayGiác giả覺者.
Bụt là từ phiên âm gốc Việt.Tính theo thời gian và điều kiện phát triển thì từ Bụt đã xuất hiện trong ngôn ngữ Việt sớm nhất là vào thế kỷ thứ 2 và muộn nhất là thế kỷ thứ 6, và từ này đã do các thiền sư Ấn đầu tiên dịch ra từ chữ Phạn Buddha và sử dụng đến thế kỷ thứ XIII- XIV. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hai bên đều có xu hướng mời các cao tăng từ Trung Quốc sang để hoằng hóa, nên từ Bụt bị lấn át bởi từ Phật và dần dần đi vào quên lãng.
Từ “Buddha” được rút ra từ ngữ căn tiếng Phạn “Budh”, có nghĩa là giác ngộ (= thấy biết rõ hay tỉnh thức). Theo đó, danh từ Phật không phải là danh từ riêng mà là một danh từ chung chỉ cho “Bậc giác ngộ” hay “Bậc tỉnh giác” (Giác giả).
Thái tử Tất-đạt-đa (悉達多;  P: Siddhattha;  S: Siddhārtha) không phải mới sanh ra đã được gọi là Phật, và không tự nhiên mà có được giác ngộ.  Ngài cũng không nhờ ân điển của bất cứ một đấng siêu nhiên nào. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng tu học liên tục, Ngài đã giác ngộ chân lý.
Nói chung, bất cứ chúng sinh nào cũng có thể thấy biết chân lý, vượt thoát mê lầm để thành Phật. Như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm có chép:
Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Ta không phải là vị Phật đầu tiên, cũng chẳng phải là vị Phật cuối cùng nơi thế gian này. Trước ta đã có vô số vị Phật, và sau ta cũng sẽ có vô số vị Phật xuất hiện trên thế gian này”.
Như vậy, Phật không phải là thần thánh hay siêu nhiên, cũng không phải là một đấng cứu thế cứu người bằng cách tự mình gánh lấy gánh nặng tội lỗi của chúng sinh. Như chúng ta, Phật cũng sinh ra là một con người. Sự khác biệt giữa Phật và phàm nhân là Phật đã hoàn toàn giác ngộ chân lý, còn phàm nhân vẫn mê mờ tăm tối.
Do đó, các Phật tử nhận thức rằng vị Phật Thích Ca lịch sử không phải là vị thần tối cao ban phúc giáng họa. Người Phật tử chỉ tôn kính đức Phật như một con người đã đạt được sự giác ngộ giải thoát thân tâm hoàn toàn qua những nỗ lực tu học của chính mình và không qua ân điển của bất cứ một đấng siêu nhiên nào.
Theo Phật giáo, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm Phật; tuy nhiên, muốn thành Phật, chúng ta phải tu học theo con đường mà đức Phật Thích Ca đã vạch ra để đi đến giác ngộ qua các giai đoạn của quả vị Phật.
Bậc giác ngộ được phân biệt sau:
1) Phật Toàn giác(佛全覺;  P: Sammā-sambuddha;  S: Samyak-saṃbuddha;  E: Perfectly Enlightened One, Supremely Awakened One):   Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, và có thể chỉ con đường dẫn đến Niết-bàn cho người khácquatuyên thuyết giáo pháp.  Nhờ vậy chúng sinh có được phương tiện giải thoát rộng rãi. Tuy nhiên, thời đại xuất hiện một vị Phật Toàn Giác là rất hiếm trong các chu kỳ thế giới.  Phật Thích Ca là vị Phật Toàn giác.
          Vị Phật Toàn giác được biểu hiện với 3 đặc điểm sau:
- Tự giác:  Tự mình giác ngộ cho bản thân mình.
- Giác tha:  Giáo hóa cho người khác cũng đồng giác ngộ.
- Giác hạnh viên mãn:  Hai công hạnh Tự giác và Giác tha đều hoàn thành một cách đầy đủ.
Trong Trung Bộ kinh III, trang 110, nói lên địa vị tối thượng này của vị Phật Toàn giác:
"Không thể có một vị Tỳ-kheo, này Ba-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác đã thành tựu.” 
2)Phật Độc giác(佛獨覺;  P: Pacceka-buddha;  S: Pratyeka-buddha;  E: Lone Buddha, Private Buddha, or Silent Buddha):  Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, nhưng không thể dạy con đường giác ngộ cho người khác vì không đủ khả năng giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Do đó, chúng sinh không có phương tiện giải thoát rộng rãi.
          3) Phật A-la-hán (佛阿羅漢;  P: Sāvaka-buddha;  S: Śrāvaka- buddha;  E: Hearer, Disciple):  Đây là bậc giác ngộđạt Niết bàn bằng cách thực hành theo lời dạy của Phật Toàn giác hoặc những học trò của vị Phật Toàn giác này (Xin xem thêm mục A-la-hán).
4) Tam thế Phật.
Kinh văn đôi lúc cũng nhắc đến Tam thế Phật 三世佛, nghĩa là có vô số các vị Phật xuất hiện trong ba đời, lần lượt ở thời quá khứ, thời hiện tại và thời vị lai, trong đó:
- Phật Nhiên Đăng tượng trưng cho chư Phật thời quá khứ.
- Phật Thích Ca tượng trưng cho vị Phật thời hiện tại.
- Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai.
o0o
Phật kỳ
Phật kỳ(国旗;  E: Buddhist flag) tức lá cờ biểu trưng cho Phật giáo đã được công bố trên báo Sarasavi Sandaresa vào ngày 17/4/1885 và được treo vào Lễ Phật đản 28/4/1885. Đây cũng là lễ Phật đản đầu tiên ở Sri Lanka dưới chế độ cai trị của thực dân Anh. Tuy nhiên, lời giải thích về lá cờ này lại không tìm thấy.  Hiện nay có 2 cách giải thích chính về lá cờ như sau:

Buddhist flag- Wikipedia
 Cờ Phật giáo– Wikipedia tiếng Việt
 
1) Theo quan điểm của phương pháp tu tập“Ngũ Căn – Ngũ Lực”.
1. Màu lam tượng trưng cho Ðịnh căn(tập trung),thể hiện cho sự rộng lớn, sáng suốt.
2. Màu vàng tượng trưng cho Niệm căn(nhớ nghĩ), vì có Chánh Niệm mới sanh Ðịnh và phát Huệ.
3. Màu đỏ tượng trưng cho Tấn căn(chuyên cần), có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh..
4. Màu trắng tượng trưng cho Tín căn(tin tưởng). Niềm tin không lay chuyển là có Nhân Duyên với chư Phật và là nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành..
5. Màu cam tượng trưng cho Tuệ(thấy biết). Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.
          6. Màu tổng hợp ở dải dọc phía bên phải lá cờ gồm đủ các màu tượng trưng cho tinh thần hòa bình và đoàn kết của Phật giáo thế giới.

          2) Theo một số tài liệu bằng Anh ngữ:  Các cách giải thích có khác nhưng thiếu mạch lạc và không thống nhất.  Sau đây là cách giải thích thường thấy :
1. Màu lam tượng trưng cho Từ bi.
2. Màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.
3. Màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.
4. Màu trắng tượng trưng cho Đạo Pháp(vượt không-thời gian).
5. Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.
6. Màu tổng hợp (màu thứ sáu) tượng trưng cho Sự thật tuyệt đối.
         
3)Theo quan điểm tuệ giác hình thành từ thức (6 thức)   
Tuy nhiên, nếu tuệ giác là đỉnh cao của đạo Phật, thì lá cờ là biểu tượng để chuyển tải thông điệp này qua 6 dãy màu của lá cờ. Theo đó, cách nhìn 6 Thứcchuyển hóa thành 6Trí(= Tuệ giác) là tương thích.
Hệ thống 6 thức gồm 5 Thức(= Nhãn thức + Nhĩ thức + Tỉ thức + Thiệt thức + Thân thức) và Ý thức(tổng hợp từ 5 thức), tương thích với 6 Thức (= Tâm) trong Phật giáo Nguyên thủy, chuyển hóa thành Trí (= Tuệ giác) trình bày theo các tông phái Phật giáo Phát triển sau này như sau:
Thức(PGNT*)       Trí (Duy Thức tông)                   Trí (Tịnh Độ tông)
5 thức.                   Thành sở tác trí.               Bất khả tư nghì trí.
Ý thức.                   Diệu quan sát trí.              Bất khả xưng trí.
Trong đó:
+ 5 thức   =>  Thành sở tác trí = Bất khả tư nghì trí:  Đặc trưng bằng 5 dãy màulam, vàng, đỏ, trắng, cam.
+ Ý thức    =>  Diệu quan sát trí = Bất khả xưng trí:  Đặc trưng bằng dãy màu tổng hợp màu là lam, vàng, đỏ, trắng, cam.
Lục Tổ Huệ Năng đã có kệ chỉ ra mối tương quan của Thức (= thấy biết tương đối của thế tục) và Trí (= Tuệ giáclà thấy biết đúng chân lý – chân lý Duyên khởi) là không thể tách rời.
佛法在世间                     Phật pháp tại thế gian    
不离世间觉                     Bất ly thế gian giác          
离世觅菩提      Ly thế gian mịch bồ đề   
恰如求兔角      Kháp như cầu thố giác   
Phật pháp trên thế gian
Không rời thế gian mà giác ngộ
Rời thế gian tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ
---------
Chú thích:  Phật giáo Nguyên thủy chỉ thừa nhận có6 Thức chính,tương hợp với ý nghĩa lànhận biết giả tạm (Thức) nhận biết chân thực (Trí).  Cũng cần lưu ý rằng 6 thức này hình thành từ Thọ uẩn và Tưởng uẩn; về sau, Phật giáo Phát triển chế tác thêm 2 thức mới là Mạt-na thức từ Hành uẩn và A-lai-da thức từ Thức uẩn, nhưng không thể hiện chức năng của thức.
Phương pháp tu từ 6 thức:
Con người có Lục căn (6 căn) nên mới có Lục thức (6 thức), Lục thức bị Lục trần (5 trần) cám dỗ nên sinh ra Lục dục (6 dục).  Dục đây chính là tham-sân, là đầu mối của sự bị động trong chuỗi sinh tử-luân hồi. Do đó, Lục thức là những thấy biết dễ bị vướng mắc với xu hướng chấp thủ, cực đoan.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã dạy người tu phải luôn cảnh giác để sống tốt với cuộc đời, song không phải vướng mắc vào 6 thức là 6 đầu mối của chướng nghiệp mà ta không ngờ được, nhằm thành tựu đạo quả vô thượng:
"Các thầy phải tu sáu pháp vô-thượngNhững gì là sáu ?
- Mắt thấy sắc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Tai nghe tiếng, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Mũi ngửi mùi, không ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Lưỡi nếm vị, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.     
- Thân chạm xúc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.      
- Ý suy tưởng đối với mọi việc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.”
o0o
Phật lực (Xin xem mục từ Tự lực và Tha lực).
o0o
Phật Thích Ca
Nội dung
I. Tổng quan về Phật Thích Ca.
II. Tất-đạt-đa xuất gia tu học và thành đạo.
III. Phật Thích Ca chuyển Pháp luân.
IV. Phật Thích Ca nhập Niết-bàn.
V. Đức Phật trong cái nhìn của các học giả.
I. Tổng quan về Phật Thích Ca.

Gautama Buddha- Wikipedia
Tất-đạt-đa Cồ-đàm– Wikipedia tiếng Việt
 
 
Một bức tranh vẽ về cuộc đời đức Phật Thích Ca
 
Tất-đạt-đa Cồ-đàm[悉達多-瞿曇;  P: Siddhattha Gotama;  S: Siddhārtha Gautama;  E: Gautama Buddha, Shakyamuni Buddha] hay gọi đơn giản là Tất-đạt-đa, là một con người có thật, là triết gia, là học giả, là người sáng lập Phật giáo, sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ VI tCN.
Thích Ca Mâu Ni[释迦牟尼;  P: Shakyamuni;  S: Śākyamuni;  E: Sage of the  Sakyans] có nghĩa là Bậc trí giả của dòng dõi Thích-ca, hay gọi đơn giản là Phật Thích Ca.  Thích Ca Mâu Ni là tên gọi được người đương thời tôn xưng.
Với:  Shakya:  Là dòng dõi, dòng tộc  và  muni:  Là hiền triết, thanh tịnh.
Theo sử liệu, Tất-đạt-đa là một vương tử hoàng tộc Cồ-Đàm (瞿曇P:Gotama;  S:Gautama) ở thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc tiểu quốc Thích Ca, đã từ bỏ đời sống phú quý và gia đình để tìm đạo. Sau sáu năm cầu đạo, Tất-đạt-đa đã đạt được giác ngộ tâm linh và Ngài đã dành 45 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ.
- Đản sanh:  Tất-đạt-đa, họ Cồ-đàm, thuộc thị tộc Thích Ca (释迦;  P: Sākiya hoặc Sakya;  S: Sakya). Gốc dân da trắng Arya. Ngài ra đời tại ven rừng ở Lâm-tỳ-ni (嵐毘尼, P;S: Lumbinī), một địa danh nằm giữa hai tiểu quốc Sakya và Koliya thuở bấy giờ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp-sơn và sông Hằng. Ngài là thái tử nước Sakya xứ Trung Ấn Độ, thủ phủ là Ca-Tỳ-La-Vệ (迦毘羅衛;  P: Kapilavatthu;  S: Kapilavastu), ngày nay thuộc quốc gia Nepal.
          - Thân phụ:  Làvua Tịnh Phạn (淨飯;  P: Suddhōdana;  S: Śuddhodana) của tiểu quốc Sakya.
          - Thân mẫu:  Là hoàng hậu Ma-da (摩耶;  P: Mahãmãyãdevi Gotami), người tiểu quốc Koliya láng giềng, băng hà sau khi hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa được 7 ngày vào năm 624 tCN.
          - Di Mẫu:  Là vương phi Ma-ha-ma-xa-ba-đề (摩呵波闍波提;  P: Mahãpajapati Gotami), là dì ruột đã trực tiếp nuôi nấng dạy dỗ thái tử kể từ khi hoàng hậu Ma-da băng hà cho đến khi thái tử trưởng thành. Vương phi có con trai với vua Tịnh Phạn là  hoàng tử Nanda, nhưng để toàn tâm toàn ý lo cho thái tử, bà đã giao hoàng tử Nanda cho các bảo mẫu trong cung nuôi dưỡng. Về sau, khi Tất-đạt-đa đã đắc đạo, bà Gotami đã xin Phật cho phép xuất gia, trở thành vị nữ đệ tử (Tỳ khưu ni) đầu tiên của Phật giáo và sau này đã đắc quả A-la-hán
          - Thái tửTất-đạt-đa lúc 16 tuổi đãthành hôn với công chúa Da-du-đà-la (耶輸陀羅;   P: Yasodharā;  S: Yaśodharā) của thị tộc Koli cùng tuổi với thái tử vào năm 608 trước Tây lịch.
          - Công chúaDa-du-đà-la năm 29 tuổi đã  hạ sanh một hoàng nam cho thái tử. Đức vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là La-hầu-la (羅睺羅;  P;S: Rāhula).
          - Nhập diệt:  Theo kinh Đại-bát-niết-bàn (大般涅槃;  P: Mahāparinibbāna-sutta), đức Phật qua đời tại thành phố Câu-thi-na (拘尸那;  S: Kuṣinagara) của bộ tộc Malla vào năm 544 tCN (một số nhà khảo cổ thì cho rằng đó là năm 486 hay 483 tCN), địa điểm này được các nhà khảo cổ nhận dạng là Kasia ở quận Deoria của xứ Utta Pradesh ngày nay.

Bản đồ các thánh tích liên quan đến cuộc đời của đức Phật Thích Ca
Phật Thích Ca được các Phật tử xem là một bậc đạo sư đã giác ngộ viên mãn và tự giải thoát (tự do nội tâm) do thấu triệt được sự vận hành của thế giới xung quanh, đồng thời truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác để họ có thể tự chấm dứt khổ đau và tự tìm thấy được hạnh phúc tối thượng cho chính bản thân mình.
Phật Thích Ca từ sự chứng ngộ chân lý khách quan Duyên khởicủa mình, đã đề ra con đường thực hành Trung đạo, đó là phương pháp tránh những cực đoan trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần, tiêu biểu là lối sống buông thả theo dục lạc hay lối sống trói buộc bằng khổ hạnh trong các học thuyết tôn giáo Ấn Độ thời đó.
Phật Thích Ca từ nơi sự truyền bá giáo pháp, đã đặt nền tảng cho sự hình thành Phật giáo. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của đức Phật Thích Ca đã được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách 400 năm sau đó.
II. Tất-đạt-đa xuất gia tu học và thành đạo.
1) Xuất gia tu học.
Sau khi công chúa Da-du-đà-la hạ sinh một bé trai, đặt tên là La-hầu-la (nghĩa là Chướng ngại), Tất-đạt-đa quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa, lìa cung điện bất chấp nỗ lực ngăn cản của cha mình. Trong đêm tối, Tất-đạt-đa gọi người nô bộc trung thành là Sa-nặc (闡陀;  P: Channa;  S: Chandaka) lấy con ngựa Kiền Trắc (ngựa Kantaka) rồi ra đi. Khi tới bờ sông Anomā, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Sa-nặc, và lệnh cho Sa-nặc trở về.
Sử sách Phật giáo xác định rằng sự ra đi này là rạng ngày mồng 8 tháng 2 năm 595 trước công nguyên, và gọi đó là cuộc "Đại xả ly", hoặc "Đại xuất hành (cuộc ra đi vĩ đại)"
Tất-đạt-đa bắt đầu thử cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau, cũng như tìm mọi đạo sư ở các giáo phái khác nhau, với quyết tâm tìm cách diệt khổ. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-la Ca-lam (阿羅邏迦藍;  P: Āḷāra-kālāma;  S: Ārāda-kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (優陀羅羅摩子;  P: Uddaka-rāmaputta;  S: Rudraka-rāmaputra).
- Nơi A-la-la Ca-lam, Tất-đạt-đa nhanh chóng đạt đến cấp thiềnvô sắcVô sở hữu xứ (S: ākiṃcanyāyatana, P: ākiñcaññāyatana).
- Nơi Ưu-đà-la La-ma tử  thì học đạt đến cấp thiềnvô sắcPhi tưởng phi phi tưởng xứ(P: Nevasaññā-nāsaññāyatana; S: Naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana), là trạng thái siêu việt nhất của thiền định.
Tất-đạt-đa đã không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc diệt khổ của mình. Ngay cả cấp độ thiền định cao nhất là "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" vẫn chưa đạt đến việc giải thoát khỏi khổ đau, và cũng không phải là chân lý tối hậu. Tất-đạt-đa và năm sa môn Kiều Trần Như (憍陳如;  P: Koṇḍañña;  S: Kaundinya) đồng hành, quyết tâm tự tìm đường giải thoát.

Tượng Phật tu khổ hạnh
[Trưng bày tại viện bảo tàng Lahore, thành phố Peshawar, Pakistan]
Sau 6 năm tu khổ hạnh, có lúc gần kề cái chết, Tất-đạt-đa nhận ra cách tu khổ hạnh đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, nên đã bắt đầu ăn uống lại bình thường, năm sa môn kia thất vọng bỏ đi. 
Trong Đại kinh Saccaka (Mahāsaccka Sutta), thuộc Trung Bộ, Bài 36. Cách tu cực khổ được Phật nhắc lại sau khi thành đạo cùng tôn giả Aggivessana như sau:
          Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: "Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hạt hay súp đậu nhỏ". Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, xúp đậu đen hay súp đậu hạt hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu.
- Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo;
- Vì Ta ăn quá ít, bàn chân của Ta trở thành như móng chân con lạc đà;
- Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát;
- Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu;
- Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn.
Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít, nên da bụng của Ta đến bám chặt xương sống.
- Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy.
- Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy.
Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít,
- Nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện" thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất.
- Nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta.
Lại nữa, này Aggivessana, có người thấy vậy nói như sau:
- "Sa-môn Gotama có da đen."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama, da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm."
Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít."
Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, Tất-đạt-đa tìm phương pháp khác, và nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận:
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (P: jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ".  Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?"
Này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".
Này Aggivessana,rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thụ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?"
 Và này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thụ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện."
2) Giác ngộ - Thành đạo.
Sau 6 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, Tất-đạt-đa quyết định ăn uống bình thường trở lại, và thường đến bờ sông Ni-liên-thiền (P: Nerañjarā;  S: Nairañjanā), hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Tất-đạt-đa đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Tất-đạt-đa ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh.
Ðến ngày thứ 49, Tất-đạt-đa ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ Ajapala (cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng đông), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Tu-xà-đề (Sujata), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (S: kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Tất-đạt-đa đang tĩnh tọa, hai nàng đặt bát cháo sữa trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Tất-đạt-đa thấy cơ thể khoẻ mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Ni-liên-thiền tắm, tâm trạng ông vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.
Sau đó, Tất-đạt-đa đi trở lên bờ, đến cội Bồ-đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Trước khi ngồi, Tất-đạt-đa thầm nghĩ làm thế nào có một tòa ngồi cho yên tĩnh, trang nghiêm. Bỗng thấy một em bé tên là Sotthiya Svastika (Cát Tường) gánh cỏ đi ngang qua đó, Tất-đạt-đa gọi lại hỏi xin một mớ cỏ để làm tòa ngồi. Em bé cung kính dâng sáu bó cỏ sắc (P: kusa;  S: kuśa) mềm mại và có hương thơm. Tất-đạt-đa xấp cỏ thành tọa cụ và bồ đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cúi xuống nhìn về hướng đông, phía bờ sông Ni-liên-thiền.
          Đêm hôm đó, Tất-đạt-đa bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, Tất-đạt-đa đạt tới Diệt Thọ-Tưởng định [P;S: Nirodha-samapatti– Xin xem Diệt thọ tưởng định (Tương Ưng Bộ-88)  - không nhiễm không nương vào cảm thọ và suy tưởng một cảnh hay một pháp nào], tỏa ra uy năng chiếu khắp Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và bắt đầu chứng đắc các đạo quả:
          - Tận diệt các vi tế phiền não微細煩惱[phiền não = 煩惱; P: kilesa;  S: kleśa]còn ẩn náu trong tâm làm nghiệp nhân cho sanh tử luân hồi. Ðến canh một đêm đó, Tất-đạt-đa chứng Túc Mạng minh(明;  E: Insight into the mortal conditions of self and others in previous life), biết rõ tất cả các tiền kiếp của mình (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết thế nào, rồi tái sinh thế nào...)
          - Tận diệt các vi tế vô minh微細無明. [vô minh = 無明;  P: avijjā;  S: avidyā]. Ðến canh ba, Tất-đạt-đa chứng Thiên Nhãn minh(天眼明;  E: Supernatural insight into future mortal conditions - deaths and rebirths), biết rõ tất cả sự biến chuyển của vạn vật qua các giai-đoạn thành, trụ, hoại, không; và biết rõ tất cả chúng sanh (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết cách nào, rồi tái sinh thế nào...).  Tất-đạt-đa biết rõ tất cả nhân duyên nghiệp báo của chúng sinh, từ đó đúc kết ra luật Nhân-Quả và Luân-Hồi.
          - Tìm ra chân lý diệt khổ [khổ = 苦;  P: dukkha;  S: duḥkha ] giúp chúng sinh chấm dứt phiền-não và vô-minh, đạt đến giác ngộ hoàn toàn, vượt lên vòng sanh-tử luân-hồi. Ðến canh năm, Tất-đạt-đa chứng Lậu Tận minh(漏盡明;  E: Nirvana insight - Insight into present mortal sufferings so as to overcome all passions or temptations), biết rõ tất cả các tiền kiếp của chính bản thân mình và của mỗi chúng sinh, do đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc chân thật vĩnh cửulàm thế nào để đạt được nó.  Như thế, Tất-đạt-đa đã đúc kết ra cấu trúc Tứ Diệu Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo).
[Xin xem thêm mục từ Tam minh]
Theo sử Phật giáo, ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch năm Nhâm Thân (đầu năm 589 tCN), ở tuổi 35, Tất-đạt-đa đã đạt tới giác ngộ, trở thành vị Phật toàn giác, là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (P: Anuttarā Sammā Saṃbodhi– Xin xem mục từ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề), là đức Phật Thích Ca Mâu Ni với Thập hiệu:
1.Như Lai(如來;  P;S: Tathāgata;  E: One who has thus gone), là "Người đã đến như thế" hoặc "Người đã đến từ cõi Chân như".  Trong kinh Kim Cương, đức Phật giảng: Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu; tuệ giác của đức Phật như Mặt Trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.
2.", đáng được tôn kính.
3.Chính Biến Tri(正遍知;  P: Sammāsambuddha;  S: Samyaksaṃ- buddha;  E: Perfectly Enlightened by Himself) dịch theo âm là Tam-miệu-tam-phật-đà, là "Người hiểu biết đúng tất cả các pháp".
4.Minh Hạnh Túc(明行足;  P: Vijjā-caraṇa sampanno;  S: Vidyā-caraṇa saṃpanna;  E: Impeccable in Conduct and Understanding) nghĩa là "Người có đủ trí huệ và đức hạnh", tức là có đầy đủ tam minh(Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) và ngũ hạnh(Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh, Bệnh Hạnh).
5."
6.Thế Gian Giải(世間解;  P: Lokavidu;  S: Lokavid;  E: the Knower of the Worlds),  là  "Người đã thấu hiểu thế giới"
7.Vô Thượng Sĩ(無上士;  P: Anuttaro-purisa;  S: Anuttara-puruṣa;  E:  the Unexcelled Being)  là  "Bậc tu hành tối cao, không ai vượt qua"
8.Điều Ngự Trượng Phu(調御丈夫;  P: Purisa-damma-sarathi;  S: Puruṣa-damya-sārathi);  E: Perfect Trainer of Good Men) nghĩa là "Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại", có khả năng điều phục những người hiền và ngự phục những kẻ ác theo về chính đạo.
9.Thiên Nhân Sư (天人師;  P: Sattha-devamanussanam;  S: Sàstà deva-manusyànàm;  E: Teacher of Gods and Men), là "Bậc thầy của cõi người và cõi trời"
10.".
Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là một bậc Giác ngộ, là Phật. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại trong kinh sách theo chính lời của Tất-đạt-đa như sau:
"... Sau khi hoàn lại sinh lực (do tu khổ hạnh vô ích), Ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được Sơ thiền, sau đó Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những ký ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết (P: vijjā;  S: vidyā) đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu[từ 21 đến 24 giờ đêm]...
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,...chúng sinh tái sinh theo Nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'... Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai[từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng].
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc (漏;  P: āsava;  S: āsrava) và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lý 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba[3 đến 6 giờ sáng]...".
Tất-đạt-đa biết rõ kinh nghiệm giác ngộ của mình: "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi lý luận, rất tế nhị, chỉ có bậc hiền mới thấu hiểu. Thật hoài công với người còn mang nặng tham ái và sân hận, như chìm đắm trong đêm tối, không dễ gì thấu triệt Giáo pháp, bởi  Giáo Pháp đi ngược dòng đời, sâu kín, thâm diệu, rất tế nhị nên khó nhận thức ".
III. Phật Thích Ca chuyển Pháp luân.

Dhammacakkappavattana Sutta- Wikipedia
Kinh Chuyển pháp luân– Wikipedia tiếng Việt
Hình tượng đức Phật chuyển Pháp luân

Dharmachakra - Wikipedia
Pháp luân– Wikipedia tiếng Việt
Bánh xe biểu tượng ‘chuyển Pháp luân’
Chuyển Pháp luân [轉法輪;  P: Dhamma-cakka-pavattana;  S: Dharma-cakra-pravartana;  E: The Setting in Motion of the Wheel of the Dharma (Dhamma)].
Với:
- Dhamma, Dharma,  có nghĩa là Pháp, là chân lýđạo đức ở đạo Phật.
-Cakka, Cakra,  có nghĩa là cái bánh xe, cái dĩa tròn.         
-Pavattana, Pravartana,  có nghĩa là chuyển động xoay tròn.
          Theo đó, chuyển Pháp luân là sự hoằng truyền chân lý khách quan tự nhiên của vũ trụ vạn vật, và hoằng truyền đạo đức đối với môi trường sống xung quanh con người trên nền tảng của chân lý khách quan này.
          1) Hình thành chuyển Pháp luân.
Trong 49 ngày, sau khi thành đạo, đức Phật không ăn uống, tiếp tục yên lặng ngồi, vừa quán chiếu tâm chúng sinh và chân lý đã chứng ngộ vừa thọ hưởng hạnh phúc siêu thế dưới gốc cây Bồ-đề.  Với lòng thương yêu vô hạn đối với chúng sinh, đức Phật đã chấm dứt sự yên lặng và quyết định hoằng truyền chân lý đã chứng ngộ và áp dụng chân lý này vào đời sống đạo đức của con người. Dựa vào căn cơ của chúng sinh, đức phật khế cơ khế lý  (= đạo lý phù hợp với hoàn cảnh của chúng sinh) để thuyết Pháp cứu độ. Từ đó Tất-đạt-đa có danh hiệu Thích-ca Mâu-ni.
Sau khi đức Phật xả định, bấy giờ có hai thương gia người Miến Điện là Tapassa và Bhallika từ Ukkala (hiện nay là Orissa) đến, dâng lên đức Phật bánh và madhu). Phật nhận lãnh rồi khuyên 2 thương gia quy y Phật và quy y Pháp, thọ trì năm giới để được phước báo lâu dài. Hai thương gia đồng ý, xin Phật thu nhận vào hàng thiện tín (P: Upāsaka, nam cư sĩ).  Đây là hai cư sĩ đầu tiên quy y Nhị Bảo (Phật và Pháp, khi đó chưa có Tăng) và 5 giới, đồng thời nhận 8 sợi tóc và móng tay của đức Phật, sau này hãy còn thờ tại Đại Bảo tháp Shwedagoon, ở Rangoon, Myanmar.
Sau khi giác ngộ, đức Phật có ý định gặp 2 vị thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta để truyền đạo, bởi 2 người đều là bậc tu sĩ đã đạt cảnh giới thiền rất cao, không còn bị che mắt bởi dục lạc. Nhưng cả hai vị đều đã qua đời trước đó ít lâu.
Đức Phật quyết định tới gặp năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai (Lộc Uyển) gần Benarès và truyền dạy chân lý cho họ. Tất cả năm vị sau đó đều trở thành A-la-hán sau hai tuần lễ nghe Pháp. Sự kiện này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau khi Tất-đạt-đa thành đạo.
Trong bài thuyết pháp đầu tiên này, đức Phật đề ra con đường Trung đạo(中道;  P: Majjhi-māpaṭipadā;  S: Madhya-māpratipad;  E: Central Path, Middle Path, Middle Way;  F: Voie du Milieu, Voie Médiane, Voie Moyenne), một sự bác bỏ đối với chấp thủ hai cực đoan đối nhau của các học thuyết của Ấn Độ thời đó.  Bài thuyết pháp này được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân.
Trong kinh Chuyển Pháp Luân (經轉法輪;  P: Dhammacakkappavattana Sutta;  S: Dharmacakrapravartana Sūtra;  E: The Setting in Motion of the Wheel of the Dharma Sutta, Promulgation of the Law Sutta) có chép sau:
Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đó là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, hay đó là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích.
Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành Trung đạo đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, lối thực hành Trung đạo ấy đã được Như Lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần, là sự Hiểu biết chân chánh, Suy nghĩ chân chánh, Nói lời chân chánh, Nghề nghiệp chân chánh, Nuôi mạng chân chánh, Tinh tấn chân chánh, Ghi nhớ chân chánh, Định tâm chân chánh...
Đức Phật bắt đầu giảng pháp trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, về  Duyên khởi, Vô ngãVô thường, Nhân Quả (Nghiệp), Tứ diệu đếBát chánh đạoLuân hồi… và nhiều bài pháp khác phù hợp với căn cơ của nhiều người, diễn ra liên tục từ năm này qua năm khác.
Đức Phật thường hay lưu trú tại Vương-xá (王舍城; P: Rājagaha;  S: Rājagṛha), Xá-vệ (舍衛城;  P: Sāvatthī;  S: Śrāvastī) và Phệ-xá-li (吠舍釐;  P:Vesālī;  S: Vaiśālī), sống bằng khất thực, không nhà ở cố định.
Thông qua những lời dạy của mình về chân lý cuộc đời, đức Phật đã dần dần gây dựng được một đội ngũ đệ tử lớn gồm 4 thành phần: tỳ-kheo (nam tu sĩ), tỳ-kheo-ni (nữ tu sĩ), ưu-bà-tắc (nam cư sĩ), ưu-bà-di (nữ cư sĩ). Các đệ tử quan trọng của đức Phật là A-nan-đàXá-lợi-phấtMục-kiền-liênMa-ha-ca-diếpA-na-luật  và  Phú-lâu-na. Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ-kheo-ni (S: Bhikṣuṇī) được thành lập do di mẫu của Tất-đạt-đa là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề làm ni trưởng.
Trong hàng đệ tử tại gia của đức Phật có những nhân vật quyền thế như vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và vương hậu Vi-đề-hi (Vaideli) của xứ Ma-kiệt-đà, vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi) và vương hậu Mạt-lợi (Mallika) nước Kiều-tát-la. Chính Vua Tần-bà-sa-la đã dâng cúng cho Tăng đoàn ngôi tu viện đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, đó là Tịnh xá Trúc Lâm(Veluvana) tại kinh đô Vương-xá. Ngoài ra trưởng giả Cấp Cô Độc, một thương gia giàu có ở kinh thành Xá-vệ, cũng cúng dường cho giáo đoàn của Phật Thích Ca ngôi tịnh xá trong khu vườn của Thái tử Kỳ-đà tại Xá-vệ, được kinh điển gọi là Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana).
Cuộc đời đức Phật cũng gặp nhiều người xấu muốn ám hại. Trong số đó, có Đề-bà-đạt-đa là người em họ, muốn giành quyền thống lĩnh Tăng già, nên rắp tâm tìm cách giết hại đức Phật nhiều lần nhưng không thành. Tuy thế, Đề-bà-đạt-đa đã chia rẽ được một số thành viên khỏi Tăng già ở Phệ-xá-li. Tất-đạt-đa đi con đường Trung đạo và tùy thuận chúng sinh, ngược lại Đề-bà-đạt-đa chủ trương một cuộc sống khổ hạnh cực đoan.
2) Nội dung chuyển Pháp luân.
Với trí tuệ vô ngại của bậc giác ngộ, đức Phật đã chọn lọc và hiệu chỉnh đúng theo chân lý Duyênkhởi những điều hay, những ý tưởng hay đã có trước mình để sử dụng trong việc độ sinh.  Nổi bật nhất là kế thừa và phát huy học thuyết Nghiệp(;  P: Kamma;  S: Karma), học thuyếtLuân hồi(輪回;  P,S : Saṃsāra;  E: Round of rebirth, Wheel of existence - continuous flow) và học thuyết Ngũ minh(五明;  P : Panca-vijja;  S : Pañca-vidyā;  E : Five classes of knowledge) từ Bà-la-môn giáo.
[Xin xem các mục từ này]
          Mặt khác, để việc giáo dục và hoằng pháp được hoàn hảo, người dạy cũng như người học cũng cần chủ động nắm chắc việc học bằng những cách hỏi, có 5 cách hỏi sau :
          1) Hỏi để biết điều chưa biết (P: aditthajotana puccha).
          2) Hỏi để hiểu thêm điều đã biết (P: ditthasamsandana puccha).
          3) Hỏi để dứt bỏ hoài nghi (P: vimaticchedana puccha).
          4) Hỏi để người trả lời, xác nhận ý kiến của mình (P: anumati puccha).
          5) Hỏi với ý nghĩ “Nếu người được hỏi không biết, mình sẽ trả lời”
                                                                               (P: kathetukamyata puccha).
Trong suốt 45 năm thuyết pháp hoẳng truyền chân lý và đạo đức, các bài pháp thoại của đức Phật đã được ghi lại trong 5 bộ Nikãya gồm khoảng 30.000 bản kinh dài, vừa, ngắn. Ngắn khoảng 4 câu kệ, dài có thể vài nghìn trang nói về nhân quả, trí tuệ, khổ đau, hạnh phúc, và 4 bộ Āgama (A-Hàm) gồm 2.086 bản kinh.
3) Hoằng truyền chân lý.
          Tất-đạt-đa vốn là một con người được sinh ra và lớn lên, sống tự nhiên như bao con người khác, nhưng lại đứng trên con người bởi trí thông minh và tư tưởng cao thượng của mình vượt lên các các rào cản hưởng thụ vật chất.
          Với ý chí tìm cầu chân lý của cuộc sống cho nhân loại, Tất-đạt-đa đã tìm học nơi các vị thầy tâm linh nổi tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên bằng sự phán đoán chân thật khách quan, Tất-đạt-đa sau cùng phải tự mình dấn thân với tất cả sức lực và trí tuệ để đạt tới thành tựu viên mãn.
          1/.Nhận thức chân lý.
          Khám phá vĩ đại của Tất-đạt-đa chính là chân lý khách quan tự nhiên Duyên khởi, là đầu mối cho các quy luật và tính chất quan trọng chi phối đời sống vạn vật trong vũ trụ và con người, cả về phương diện vật lý và tâm lý.
Theo Tương Ưng Bộ kinh (Saṃyutta Nikāya), Tăng Chi Bộ kinh(Aṅguttara Nikāya) số 92, Trường Bộ kinh(Dīgha Nikāya) với kinh Đại Duyên (Mahānidāna-sutta),  chân lý Duyên khởi được phát biểu như sau:
Do cái này có, cái kia có. 
Do cái này sinh, cái kia sinh. 
Do cái này không, cái kia không. 
Do cái này diệt, cái kia diệt.

Hay:
Cái này có, cái kia hình thành
Cái này hiển hiện, cái kia sinh ra
Cái này không có, cái kia không hiển hiện
Cái này chấm dứt, cái kia không sinh ra
                   o0o
Imasmiṃ sati idaṃ hoti                            此有故彼有
Imassuppādā idaṃ uppajjati                   此生故彼生                
Imasmiṃ asati idaṃ na hoti                    此無故彼無
Imassa nirodhā idaṃ nirujjhati              此滅故彼滅
o0o
This being, that becomes;
From the arising of this, that arises.
This not being, that does not become;
From the cessation of this, that ceases.
Duyên khởi(縁起;  P: Paṭiccasamuppāda;  S: Pratītyasamutpāda;  E: Conditional Causation, Dependent Arising;  F: Coproduction Conditionnelle, Coproduction Conditionnée) là đầu mối, có biểu hiện đa dạng qua các nhận thức.
Một số chi tiết về Duyên khởi trong các kinh điển Pali của Phật giáo Bắc truyền được ghi nhận:
- Trong Tăng Chi Bộkinh, cũng như trong Tạp A Hàm, Đức Phật đã từng khẳng định rằng:
Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp là Duyên khởi, …”
- Trong kinh Trường Bộ kinh, cũng như trong  Trường A Hàm - đức Phật nói :
          “Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý Duyên khởi, nên chúng sinh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò”.
-Trong Tương Ưng Bộ kinh, số 3  cho thấy Duyên khởi không những là giáo lý tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ Vô thượng Bồ-đề, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp; ai thấy Pháp, người ấy thấy Duyên khởi”.
          Hay:
Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp; ai thấy Pháp, người ấy thấy Phật”
          Chữ Pháp nơi đây hàm nghĩa Chân lý khách quan. được đức Phật Thích Ca giác ngộ dưới cội Bồ-đề.
          Duyên khởi có biểu hiện “Thực tại” hướng tới tuyệt đối với ý niệm không phân biệt “Duyên” gọi là Chân đế:
                    Duyên khởi  =>  Vô ngã Vô thường.
          Duyên khởi có biểu hiện “Khái niệm” hướng tới tương đối với ý niệm phân biệt là“Nhân Duyên Quả” với các hệ luận ứng dụng gọi là Tục đế:
                    Duyên khởi  =>  Nhân Quả  =>  Tứ Diệu ĐếThập Nhị Nhân Duyên.
Trong các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền, chân lý thường được nhấn mạnh đến bản tính của mọi sự vật hiện tượng, là “Phật tính” “Không tính” hay “Tự tính”.  Đây là cách nói khác của “Duyên khởi tính” từ chân lý Duyên khởi trong Phật giáo Nam truyền.
Duyên khởi tính = Phật tính= Không tính = Tự tính
Trong đó có thể hiểu:
§  Nơi Phật giáo Nam truyền.
Phật tính = Duyên khởi tính= Vô thường tính + Vô ngã tính. 
§  Nơi Phật giáo Bắc truyền.
Phật tính = Không tính  ở Thiền tông.
Phật tính = Tự tính Di-đà  ở Tịnh Độ tông.
Các ghi chép trong kinh điển của Phật giáo Bắc truyền được ghi nhận về Phật tính như sau:
- Trong kinh Phạm Võng đã chỉ ra rằng:
"Tất cả chúng sanh đều có Phật tính".
- Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng viết:
Dẫu kẻ ngu, dẫu người trí cũng đều có Phật tính như nhau. Chỉ tại sự mê, ngộ chẳng đồng đó thôi.”
§  Duyên khởi biểu hiện qua 2 tính chất cụ thể là Vô ngã tính và Vô thường tính của các pháp. Hành giả có căn cơ trực ngộ đầy đủ 2 tính chất này của các pháp được xem là giác ngộ-giải thoát, tức thành tựu Niết-bàn.
§  Duyên khởi biểu hiện qua cấu trúc Nhân Quả (= Nhân Duyên Quả) với hai hệ luận Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Từ đó hành giả lại nhận ra 2 tính chất Vô ngã và Vô thường của các pháp, thì cũng là thành tựu Niết-bàn.
2/.Thực hành tu học chân lý:
Dưới đây là sơ lược về thực hành tu học chân lý trong đạo Phật.
Qua các kinh điển trong đạo Phật, chúng ta thấy rằng đức Phật đã vạch ra con đường tu học để đạt tới tuệ giác về chân lý, đó là Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ mà nói gọn là  Văn – Tư – Tu.  Kết quả của quá trình tu học của hành giả được thẩm định bằng chuẩn mực  Giới – Định – Tuệ.
- Nội dung của thực hành Văn tuệ là hiểu biết chân lý bằng cách nghe giảng dạy và đọc chân lý qua kinh điển. 
- Nội dung của thực hành Tư tuệ là nâng cao hiểu biết chân lý bằng suy tư và luận biện.
- Nội dung của thực hành Tu tuệ trong khoảng 20 năm đầu hoằng pháp của đức Phật Thích Ca là Chánh niệm +Thiền chỉ +Thiền quán. Sau đó do căn trí hành giả có nhiều hạn chế, nên Phật chế giới, nên hành giả có nội dung thực hành tu tuệ làGiới +Chánh niệm +Thiền chỉ + Thiền quán.
4) Hoằng truyền đạo đức.
1/.Tính nhân bản trong đạo đức của Phật giáo.
Đạo đức học Phật giáo đặt nền tảng trên chân lý Duyên khởi-Vô ngã, thể hiện tương đối tính trong nhân sinh, vượt lên mọi không gian và thời gian. Theo đó, đạo đức học Phật giáo được xem là dạng đạo đức học nhân bản(人本;  E: humanism – lấy con người làm gốc), với chuẩn mực theo nguyên tắc linh hoạt sau:
Mọi hành động đem lại  lợi mình-lợi người, được xem là tốt, thiện,lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại ngườihay hại mình-lợi ngườihay hại mình-hại người, được xem là xấu, làác, là dữ.”
Vấn đề định tính phúc (phước) hay tội cho một hành động có thể được xác định ngay trên chuẩn mực này. Phúctương thích với “tốt, thiện, lành” và Tộitương thích với “xấu,ác, dữ” nơi hành động.
2 /.Từ Bi-Trí Tuệ trong đạo đức học Phật giáo.
Từ Bi-Trí Tuệ của đạo Phật, thể hiện một tình cảm rộng lớn mà không trói buộc, song hành cùng một trí tuệ không vướng mắc. Đây là hai phẩm chất chủ đạo trong cách thực hành các hạnh vượt thoát (Ba-la-mật).
1.Từ Bi慈悲,  được xem là cách nói gọn củaTừ Bi Hỷ Xả, trong đó:
          + Từ (;  P: Mettā;  S: Maitrī;  E: Loving-kindness):  Phát nguyện độ sinh đạt được hạnh phúc cao thượng (Từ) và cảm thán trước hạnh phúc cao thượng của chúng sinh (Hỷ).
          + Bi  (;  P;S: Karuṇā;  E: Compassion):  Phát nguyện độ sinh vượt qua khổ đau thấp hèn (Bi) và cảm thông trước khổ đau thấp hèn của chúng sinh (Xả).
Cũng cần tránh nhầm lẫn ý nghĩa rộng lớn giữa Từ Bi và Bác Ái; bởi Từ Bi là dạng tình cảm hình thành trên nền tảng của nhận thức Vô ngã giải thoát, trong khi Bác Ái là dạng tình cảm có căn gốc rất tương phản là Hữu ngã dính mắc (Ái là chi thứ 8 trong Thập Nhị Nhân Duyên).
2.Trí Tuệ(= Bát-nhã 般若;  P: Paññā;  S: Prajñā;  E: Wisdom). Theo Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147,  thì  Trí Tuệ là khả năng sáng tạo hay dung nạp có chọn lọc các quan điểm, các ứng xử cho mọi hành động, sao cho hợp với nguyên tắc “Lợi mình và người, không được lợi mình mà hại người, không được lợi người mà hại mình, không được hại cả mình và người.
Một cách diễn đạt khác về Từ Bi- Trí Tuệ như sau:  “… Nếu bảo Từ Bi là một thứ tình yêu, thì tình yêu này không phải là thứ cảm xúc nông nổi, hời hợt và sẵn sàng dẫn đến hành động một cách mù quáng. Mà chính đó phải là thứ cảm xúc sâu thẳm, xuất phát từ cái nhìn rộng lớn, không lầm lẫn, đi liền với toàn bộ cuộc sống như là một tổng thể. Vì thế, không có Từ bi thì đời sống chúng ta sẽ như một thân cây khô cằn, và không có Trí tuệ thì đó chỉ là sự sống trong tăm tối…”.
[Xin xem thêm mục từ Đạo đức]
3/.Chuẩn mực 10  điều đạo đức cho bản thân:
          1.Thân:  Có 3 điều.
                    (1)  Không sát sinh mà phóng sinh.
                    (2)  Không trộm cắp mà bố thí.
                    (3)  Không tà hạnh mà giữ phạm hạnh.
                    2.Khẩu:  Có 4 điều.
                    (4)  Không nói dối mà nói lời thành thật.
                    (5)  Không nói thêu dệt mà nói lời chất trực.
                    (6)  Không nói hai lưỡi mà nói lời hòa hợp. 
                    (7)  Không nói lời hung ác mà nói lời dịu dàng, hòa nhã.
                    3. Ý:   Có 3 điều.
                    (8)  Không tham dục (vị kỷ) mà viễn ly (vị tha) bằng pháp bố thí.
                    (9)  Không sân hận mà khoan dung bằng  pháp nhẫn (kiềm chế).
(10) Không si mê là không thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai (tà kiến) mà sáng  suốt với quy luật Nhân-Quả.
          Niềm tin(E: belief) là tâm ý liên hệ tới điều (10), thuộc phạm trù tình cảm. Theo nội dung và ý nghĩa nơi giáo lý của các tôn giáo hiện nay, niềm tin được biểu hiện qua hai cách là:
          - Đức tin(E: faith) là niềm tin vô điều kiện, không có sự tham gia của lý trí.  Chân lý với Đức tin luôn là điều bí mật, không đòi hỏi hiện thực.
          Ngược với:
          - Chánh tín(E: right belief) là niềm tin có điều kiện, có sự tham gia của lý trí.  Chân lý với Chánh tín luôn đòi hỏi hiện thực, khuyến khích hiểu biết tinh tế.
          4/.Vấn đề tài sản vật chất:
Trong tam tạng kinh, đức Phật đã nhiều lần trình bày cặn kẽ về việc chúng ta nên có thái độ như thế nào về tài sản, và hướng dẫn chúng ta tận dụng một cách đúng đắn những lợi ích của tài sản.
Đức Phật nhấn mạnh rằng tài sản là nguồn hạnh phúc của người cư sĩ. Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc đó, người cư sĩ cần làm ra của cải, tài sản bằng những phương tiện chân chánh và sử dụng nó một cách hữu hiệu nhất. Tài sản làm ra không phải chỉ để tích trữ hay chỉ sử dụng để thỏa mãn dục lạc cho riêng bản thân; chúng cần được sử dụng để mang lại hạnh phúc và thỏa mãn cho bản thân cũng như tha nhân.
Đức Phật chỉ ra khi sử dụng tài sản cho bản thân, hành giả cần ý thức đến mức độ vừa phải trong việc thỏa mãn nhu cầu, và của cải, tài sản là phần thưởng cho những ai biết tuân theo những nguyên tắc đạo đức.
- TrongTương Ưng Bộ kinh I: Kosala Samyutta: kinh Pathama Aputtaka; 182-183 có chép:  Vua Kosala đã bạch với đức Phật rằng ông đã vừa được sở hữu tài sản khổng lồ của một doanh nhân, người vừa qua đời mà không có con cái thừa tự. Chỉ riêng vàng của vị đó là vô cùng giá trị; nhưng bản thân vị đó, lúc nào cũng mặc áo vá, ăn gạo hẩm, sử dụng phương tiện xe cộ đơn sơ, và chẳng bao giờ sử dụng của cải của mình vì ích lợi của người khác. Nghe chuyện, đức Phật nói rằng: “Người mà không sử dụng tài sản của mình để làm lợi ích cho bản thân và tha nhân, đã sống một cuộc đời vô nghĩa”.
 - Trong kinh Tập: Phẩm Uraga, khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, đức Phật nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”.
 - Trong Tăng Chi Bộ kinh V: Phẩm Mundaraja, trái lại, đức Phật tán thán:   “Giống như mưa rào để nuôi dưỡng cuộc sống” đối với những ai có được tài sản cá nhân lớn lao là để sử dụng, và làm lợi ích cho số đông người.
          - Trong Trường Bộ kinh III: 31: Kinh Sigalovada, đức Phật đã khuyên chúng ta không nên dùng hết tài sản của mình vào việc tiêu xài và bố thí. Ngài khuyên tài sản làm ra cần chia làm 4 phần bằng nhau: hai phần để kinh doanh, một phần để tiết kiệm, và phần còn lại là cho phí sinh hoạt. Ngài coi việc tiết kiệm là điều cần thiết vì tiền tiết kiệm có thể được sử dụng trong trường hợp có tai nạn hay những điều bất trắc không ngờ trước xảy ra.
          [Xin xem thêm mục từ Đạo đức]
IV. Phật Thích Ca nhập Niết-bàn.

Nhập Niết-bàn(= Viên tịch圓寂;  P: parinibbāna;  S: parinirvāṇa)
Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 45 năm, đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài đến là ánh Đạo bừng tỏa và ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như bóng tối tan biến trước bình minh đang lên. Giọng thuyết pháp của Ngài có cái oai lực như tiếng sư tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục; như tiếng hải triều lên, lấn át tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, chim chóc.
Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên đất nước Ấn Độ rộng lớn, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ thời bấy giờ tại xứ Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật Vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa-la, xứ Câu-thi-na (P: Kusināgara;  S: Kuśinagara), cách thành Ba-la-nại (Vārānasī) chừng 129 dặm.
Trong Trường Bộ Kinh II, T. 663, có chép:
Một hôm, đức Phật gọi ông A-nan (Ānanda) đến và bảo rằng:
Này A-nan!  Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp truyền bá khắp nơi.
Bây giờ ta có thể rời các con mà ra đi. Thân hình ta, theo luật Vô thường, giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp đến khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? Này A-nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi giáo hóa. Dưới đây là đúc kết những lời dạy sau cùng của đức Phật theo các kinh Di Giáo, kinh Đại Bát Niết Bàn.
“Này các tỳ-kheo:
- Các con hãy tự đốt đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con, chứ không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời dạy của ta sẽ là ngọn đuốc dẫn đường, là nơi nương tựa cho các con.
- Các con hãy nhìn vào thân xác của các con, các con sẽ thấy lạc thú lẫn đớn đau nơi thân xác đó, cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau. Khi hiểu được như thế và biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ không buông lung và có đủ khả năng ngăn ngừa mọi dục vọng xấu ác chi phối.
- Các con hãy nhìn vào tâm thức của các con, các con sẽ thấy cái tâm thức này biến đổi không ngừng. Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú, cho nên các con cần kiểm soát lấy tâm thức của các con để không phải đi lạc ra ngoài Chánh Đạo. Làm chủ được tâm thức, các con sẽ không tự rơi vào những ảo giác của tâm thức, để rồi tự vướng mắc vào những kiêu căng ích kỷ do chính tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những cảm xúc đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.
- Các con hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Các con chớ sợ hãi khi tất cả sẽ tan rã và phân tán.
Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con cần gạt bỏ mọi chấp thủ cực đoan, và hãy giữ cho thân xác đứng thẳng, ngôn từ chân thật và tâm thức tinh khiết.
Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau. Đừng như nước với dầu mà xô đẩy nhau; hãy như nước với sữa mà trọn hòa lẫn vào nhau.
Những lời giáo huấn của ta cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Gìn giữ những lời giáo huấn ấy chính là các con đang ngồi bên cạnh ta, cho dù các con đang ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Nếu như các con xao lãng, thì không khác gì các con chưa hề gặp được ta vậy.
Này các tỳ-kheo, giây phút cuối cùng của ta đã gần kề. Các con chớ nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng, và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Sự thực đó ta đang minh chứng cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con hãy hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là huyễn mộng mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý là nhất định mong muốn những gì tạm bợ phải trở thành trường tồn.
Sau khi ta tịch diệt, giáo Pháp thay ta làm vị thầycho các con. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời dạy của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.

Tin đức Phật sắp vào Niết-bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng Đấng giác ngộ chia ly lần cuối.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết-bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoại đạo ngoài tám mươi tuổi là Tu Bạt Đà La (P: Subhadra) đến xin xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, đức Phật nhập định rồi vào Niết-bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo giáo sử Trung Hoa). Vạn vật như chìm lặng trong giây phút của sự chia ly.
V. Đức Phật trong cái nhìn của các học giả.

Vesak- Wikipedia
Lễ Phật Đản– Wikipedia tiếng Việt
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật Thích Ca, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc, là đặc trưng cho đời sống tinh thần cao đẹp của nhân loại. 
Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.  Sự chọn lựa này được sự đồng thuận của đại diện các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có quốc giáo không phải là đạo Phật; sự kiện lựa chọn này cũng không căn cứ vào khối lượng tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào trên toàn thế giới.
Vesaklà ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hiệp gồm 3 kỷ niệm là Phật đản sinh - Phật thành đạo - Phật Niết-bàn.
Qua thông điệp này, có thể thấy rằng chân lý từ ngày mà đức Phật Thích Ca khám phá ra đến nay hãy vẫn còn giữ nguyên giá trị thiết thực của nó trên mọi không gian và thời gian nơi thế giới này.
H. G. Wells, nhà văn nổi tiếng người Anh đã phát biểu:  “Nơi đức Phật ta thấy rõ ràng là con người giản dị, có lòng nhiệt thành, một mình phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống thực, một con người như mọi người, chứ không phải là một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyện hoang đường.  Ngài cũng đem đến cho nhân loại lời khuyên bảo có tính cách phổ thông, nhiều quan niệm tân tiến, và đạo đức của các thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy”.
          1) Nhân cách vĩ đại của đức Phật.
- Tiến sĩ S. Radhakrishnan:
Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ.”
          - Moni Bagghee  trong  "Đức Phật Của Chúng Ta":
Điều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại.”
- H.G. Wells:
Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng:
- Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác;
- Hai là tham vọng muốn bất tử;
- Ba là tham vọng thành công và trần tục.
Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng thuần sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình. Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Đức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu thực tế của chúng ta. Đức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh.”
- Giám mục Milman:
Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài. Ngài là Đường lối, là Chân lý và là Lẽ sống.”
 
2) Trí tuệ siêu việt của đức Phật.
- Giáo sư Eliot  trong  "Phật giáo và Ấn Độ giáo":
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được.
          - George Grimm  trong  "Giáo Lý của Đức Phật":
Đức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức.
          - Giáo Sư Rhys Dadis:
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ.”
          - Tiến Sĩ Oldenburg:
Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.”
- Anatole France:
Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: "Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi”.
Sự khác biệt giữa đức Phật và một người bình thường giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mất trí.”
          - J. Robert Oppenheimer:
Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời "không". Đức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18.
          - Tổng thống Nehru:
Nếu bất kỳ vấn đề nào cần được xem xét, thì vấn đề ấy cần được xem xét một cách hài hòa, an lạc và dân chủ như phương pháp mà đức Phật đã dạy.  Có lẽ không thời điểm nào trong lịch sử của nhân loại mà thông điệp về hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang khổ đau và điên cuồng như thế giới hiện nay
3) Cống hiến của đức Phật với nhân loại.
- Tổng thống Nehru:
Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp).”
          - Albert Schweizer:
Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ.
          - Tiến Sĩ Radhakrisnan  trong  "Đức Phật Cồ Đàm":
Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm.”
Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại.”
          - Học giả Hồi giáo Abdul Atahiya:
Đức Phật không phải là tài sản riêng cho người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay đẹp từ Ngài."
          - Giáo sư Lakshimi Narasu  trong  "Tinh Hoa Của Phật giáo":
Đức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn.”
 
4) Giáo pháp của đức Phật.
- Aldous Huxley:
Duy nhất trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo tiến hành trên con đường của mình mà không gây sát hại, hành hạ, cấm đoán, kiểm duyệt hoặc tìm tòi soi mói”.
- Arthur Schopenhauer:
Phật giáo là một tôn giáo cao cả nhất, và là một trong những tia sáng vĩ đại nhất không chỉ riêng cho châu Á mà cho khắp toàn cầu”.
- Tiến Sĩ Graham Howe
Đọc một chút về Phật giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật tử đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời.
          - Tiến sĩ G. P. Malasekara:
Phật giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào - hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Đạo như nơi chợ búa.”
          - Giáo Sư Lakshmi Nasaru  trong  "Tinh Hoa của Phật giáo":
Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Đức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này.”
          - Gertrude Garatt:
Không thể cho rằng Phật giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi.”
          - Tiến Sĩ Edward Conze:
Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác.”
          - Tiến sĩ W.F.Jayasuriya  trong  "Tâm lý và Triết lý Phật giáo":
Phật giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy.”
          - Giáo sư Rhys Davids:
Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt nơi Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.”
          - H.G. Wells:
Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Đức Cồ Đàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại.”
          - Francis Story  trong  "Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới":
Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng.”
Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe.”
-Albert Einstein.
"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"
"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".
o0o
Phật tính.
Phật tính hay Phật tánh (佛性;  P: Buddhatā, Buddha-subuddhatā;  S: Buddhatā, Buddha-svabhāva;  E: Buddha-nature). 
Phật tính là từ ít được dùng trong Phật giáo Nam truyền, nhưng lại phổ biến trong Phật giáo Bắc truyền. Từ Phật tính được xem là xuất hiện sớm nhất trong kinh Niết-bàn (Mahāparinirvana - Sūtra).   Kinh Niết-bàn truyền đến Trung Quốc, có hai bản dịch:
1. Kinh Đại-bát Nê-hoàn, 6 quyển, do Pháp Hiển dịch.
2. Kinh Đại-bát Niết-bàn, 40 quyển, còn gọi là bản Bắc, do Đàm Vô Sấm dịch. Về sau, bản Bắc được chỉnh sửa lại, còn 36 quyển, gọi là bản Nam.
Ngày nay bản Bắc, 40 quyển được phổ biến nhất.
          Nói chung, “Phật tính” không dùng để nóivề một thực thể, mà chỉnói lên tính chất hàm tàng hay bản tính vốn hiện hữu nơi mọi chúng sinh, mà nếu như có duyên lành sẽ kích ứng chuyển hóa hình thành tuệ giác. Phật tính được ghi nhận qua các kinh điển sau:
- Trong kinh Phạm Võng có chép:  “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính.”
- Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng viết:  “Dẫu kẻ ngu, dẫu người trí cũng đều có Phật tính như nhau. Chỉ tại sự mê, ngộ chẳng đồng đó thôi.”
Như vậy,khái niệm về Phật tính là để cho chúng sinh sinh khởi tín tâm tu hành Phật đạo, mặt khác Phật tính cũng phá luôn quan điểm chấp trước các pháp có tự tính của ngoại đạo. Phật tính quan cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng Phật tính không thể chấp hữu, cũng không thể chấp vô, mà Phật tính chính là một tiềm năng tri kiến Phật dẫn đến giác ngộ.
I. Phật giáo Nam truyền và Phật tính.
Phật giáo Nam truyền tuy ít dùng tên gọi Phật tính (P: Buddhatta), nhưng nhận chân được Chân tính(tính chất chân thật)  nơi tự thân của mọi sự vật, đó là Vô thường– biểu thị cho hiện tượng biến đổi  theo cấu trúc thời gian, và Vô ngã– biểu thị cho bản chất duyên theo cấu trúc không gian. Như thế Phật tính có thể diễn đạt như sau:
Phật tính = Chân tính = Duyên khởi tính = Không tính
Trong đó:
Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
Phật tính như thế đã thể hiện tính Bình đẳng nơi vạn sự vạn vật, đó là Vô thường tính và Vô ngã tính luôn hiện hữu nơi tự thân của tất cả mọi sự vật.
Trong các kinh luận Phật giáo Bắc truyền nhưDuy Thức Tam Thập Tụng, Thành Duy Thức Luận, kinh Giải Thâm Mật (Sandhi-nirmocara), kinh Lăng Già Tâm Ấn (Lankâvatâra-Sutra)  còn mô tả về tính chất hiện hữu nơi tự thân của vạn sự vạn vật, được gọi là Tự tính(Xin xem Tam Tự tính), trong đó Tự tính Y tha khởi  là một cách mô tả khác về Phật tính, mà Vô thường tính + Vô ngã tính chính là nội dung của mô tả này.
Dưới đây là 2 đặc tính của Duyên khởi, tức nội dung về Vô ngã (không gian tính), và Vô thường (thời gian tính) của Phật tính.
          1) Vô thường(無常;  P: Anicca;  S: Anitya;  E: Impermanence):  Đây là cách trình bày về hiện tượngkhông ngừng biến đổi của mọi sự vật trong vũ trụ. Đó là do mọi sự vật hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh, tạo ra hiện tượng biến đổi, mà qua các giác quan hạn chế nơi con người, đã nhầm gọi là “có Sinh có Diệt”.
 2) Vô ngã(無我;  P: Anattā;  S: Anātman;  E: No-self, Not self, Non-ego):  Đây là cách trình bày về bản chấtgiả tạm không thực thể của mọi sự vật trong vũ trụ, do hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh.
- Với nhận thức Vô ngã, con người sẽ không chấp mắc vào:
+ Cái ta (Ngã 我;  E: I / Ego) :  Thực thể.
+ Cái của ta (Ngã sở 我所;  E: Mine):  Cái của thực thể.
+ Cái ta tự có (Tự ngã 似我;  E: Myself): Thực thể tự có (như linh hồn tự có và hằng có).
          - Với nhận thức Hữu ngã, con người sẽ chấp mắc vào Cái ta, Cái của ta, Cái ta tự có.  Đây là cội nguồn của khổ đau.
II. Phật giáo Bắc truyền và Phật tính.
Trong Phật giáo Bắc truyền, có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính (佛性;  S: Buddhatā, Buddha-svabhāva), nhưng nói chung, phần lớn Phật tính được xem là  Bản tính(= Thể tính hay Bản thể tính)  bất sinh-bất diệt của mọi loài. Theo đó, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị đời sống hiện tại hạn chế.
 Bản tính mọi loài nói chung là không có tính tự thể (ngã); tuy nhiên ở bình diện tương đối, thì vẫn không trở ngại, có thể tạm dùng giả danh quy ước, ví như từ năng lượng của khoa học Vật lý hiện đại dùng để chỉ bản tính “Phật tính”. Như thế, Phật tínhnói lên tính Bình đẳngvới các biểu hiện cảm nhận như sau:
 1/.Biểu hiện tính vượt thoát:  Các tông phái này được diễn đạt sự vượt thoát với các tên gọi sau :
+  Pháp Tướng tông    :   phế thuyên,  đàm chỉ   :   miễn bàn, miễn nói.
+  Tam Luận tông       :   ngôn vong,  lự tuyệt    :   quên lời, bỏ nghĩ.
+  Thiền tông             :   bất lập văn tự            :   không dùng văn từ.
+  Tịnh Độ tông          :   bất khả tư nghì          :   không thể nghĩ bàn.
+  Chân Ngôn tông     :   xuất quá ngôn ngữ      :   vượt trên ngôn từ.
2/.  Biểu hiệntính tịch tĩnh:   Tính chất này có các tên gọi như Hư Không,  Hư Vô, Chân Không,  Chân Không Diệu Hữu,  Không Tịch.
Hư Không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật ”.
KinhPháp Bảo Đàn.
3/.  Biểu hiện tính viên dung(đủ đầy): Tính chất này có các tên gọi như  Nhất Thể, Nhất Như,  Nhất Tâm,  Như Như.
 “ Ta và chúng sinh là Nhất Thể, lấy bệnh của chúng sinh làm bệnh của ta, lấy bệnh của ta làm bệnh làm bệnh của chúng sinh “.                               
 Kinh Duy Ma Cật.
          4/.  Biểu hiện tính chính yếu(cốt lõi):  Tính chất này có các tên gọi như  Pháp Thân,  Pháp Thể.
“ Pháp Thân của Như Lai là Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh “                                                                                                         
Kinh Thắng Man.
          5/. Cảm nhận tính hoàn thiện:   Tính chất này có các tên gọi như   Chân Như,  Chân Tâm,  Thật Tướng,  Chân Thật Tướng,  Viên Thành Thật Tướng.
                                    “ Vạn pháp từ Chân Tâm biến hiện “.                       
KinhLăng Nghiêm. 
---------------
Chú thích:  Bản lai diện mục本來面目là một cách gọi khác của Phật tính trong Thiền tông [Xin xem mục từ này].
o0o
Phiền não.
Nội dung
I. Tổng quan về phiền não.
II. Những phạm trù phiền não.
I. Tổng quan về phiền não.
Phiền não(煩惱;  P: kilesa;  S: kleśa, kleshas;  E: afflictions, mind poisons;  F: Passions): 
Phiền não là tên gọi tổng quát chỉ cho những hiện tượng tâm lí xấu và sai lầm, đó là những trạng thái của tâm chấp thủ vì chưa thấy biết rõ chân lý – đólà chân lý Duyên khởi. Nói cáchkhác, vì chưa quántriệtchân lý Duyên khởinên chúng sinh bị chướng ngại phiềnnão trên bước đường tiến tới đạo quả giác ngộ giải thoát.
Phiền não là động lực thúc đẩy con người gây nên hành động tạo tác bất thiện ở Thân, Khẩu, Ý, khiến cho thân tâm lúc nào cũng vọng động, lầm lạc, khổ não, lo buồn, xao xuyến, bất an.
1) Phiền não theo Phật giáo Nam truyền.
Phiền não trong tâm một con người bình thường, tồn tại dưới rất nhiều hình thức và cung bậc khác nhau. Phiền não thường được rút gọn thành ba hình thức căn bản phiền não nơi tâm là Tham, Sân, Si, và ba hình thức này được xem như là nguồn gốc của tất cả các loại phiền não. Trong đó:
- Si:  Đó là tâm vô minh, tâm không sáng, tâm mê lầm, tâm chấp thủ cực đoan dẫn đến Tham, Sân.
- Tham:  Có khởi điểm là tâm ưa thích, dẫn đến tâm ham muốn và chiếm giữ.
- Sân:  Có khởi điểm là tâm chê ghét, dẫn đến tâm bực tức và loại trừ.
1/. Theo hoàn cảnh mà tâm phiền não hay tâm Tham Sân Si biểu hiện ra, đó là:
- Tâm loạn độngTriền cái(纏蓋;  P,S: nivarana;  E: hindrances):  Có 5 loại triền cái, được chế ngự bằng phương pháp thiền định (= thiền chỉ).
- Tâm mê mờ= Kết sử (結使;  P;S: Saṃyojana;  E: Fetter):  Có 10 loại kết sử, được chế ngự bằng phương pháp thiền tuệ (= thiền quán).
2/.Theo Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Buddhaghosa (Phật Âm) phiền não được kể ra 10 loại: tham, sân, si, mạn(ngã mạn), kiến(tà kiến), nghi(hoài nghi), hôn trầm(buồn ngủ), trạo cử, (vọng đọng, hối tiếc), vô tàm(không biết hổ thẹn tội lỗi), vô quí(không biết lo sợ tội lỗi).
3/. Theo Vi Diệu Pháp, phiền não được phân chia theo 3 trạng thái biểu hiện của chúng:
- Ngoại phiền não (P: vitikamokilesa –  phiền não vi phạm):  Là các loại phiền não đã bộc lộ ra ngoài bằng thân hay khẩu, thành những hành động phạm giới. Phiền não loại này được chế ngự do sự hành trì giới luật.
- Nội phiền não (P: pariyutthanakilesa –  phiền não ám ảnh):  Là các loại phiền não phát sinh trong tâm ngay lúc nhận biết cảnh, không biểu lộ ra ngoài, người nào có người đó biết, người khác không biết được, nhưng nếu với con mắt tinh tế cũng có thể biết được. Phiền não loại nầy được khắc phục do hành thiền, dùng tâm thiền để chế ngự chúng.
- Tùy phiền não (P: anusayakilesa – phiền não ngủ ngầm):  Là loại phiền não ngủ ngầm nơi tâm, không ai biết được do sự ô nhiễm nhiều đời, nhiều kiếp. Phiền não loại nầy được đoạn diệt bằng tuệ giác, nghĩa là trí tuệ phát sanh ở Đạo tâm siêu thế, khi chứng đắc các tầng thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
2) Phiền não theo Phật giáo Bắc truyền.
Phiền não được chia làm 2 dạng:
1/. Căn bản phiền não (根本煩惱;  S: mūla-kleśa;  E: fundamental afflictions):  Có 6 loại.
Đây là những phiền não gốc, từ đó kéo theo nhiều phiền não khác phát sinh. Duy Thức học phân biệt có 6 phiền não căn bản: 1. Tham;  2. Sân (giận);  3. Si (vô minh);  4. Mạn (kiêu căn);  5. Nghi;  6. Kiến (tà kiến).
2/. Tùy phiền não (隨煩惱;  S: upa-kleśa;  E: consequent afflictions): Là những 20 loại phiền não sinh ra từ căn bản phiền não. Vì phạm vi tương ưng của nó có rộng và hẹp không đồng, nên 20 loại này được chia làm ba dạng:
I.Tiểu tùy:  Có 10 loại, mỗi loại tự lực sanh khởi, phạm vi tương ưng nhỏ hẹp, nên gọi là “Tiểu”.
1. Phẫn:  Giận. Tính của tâm sở này, khi gặp cảnh trái nghịch, nóng giận. Nghiệp dụng của nó là hay làm tổn hại người, vật và chướng ngại tính không nóng giận.
2. Hận:  Hờn. Khi gặp cảnh nghịch, trước nóng giận rồi sau mới hờn. Tánh của Tâm sở này là ôm ấp sự oán ghét không bỏ. Nghiệp dụng của nó là nóng nảy, buồn phiền và hay làm chướng ngại tính không hờn.
3. Phú:  Che giấu. Tính của tâm sở này, vì sợ mất danh giá và tài lợi, nên che giấu tội lỗi của mình. Nghiệp dụng của nó là hay ăn năn, buồn và chướng ngại tính không che giấu.
4. Não:  Buồn buồn. Khi gặp cảnh nghịch, trước giận hờn rồi sau mới buồn. Tính của Tâm sở này hay nhớ lại những cảnh trái nghịch đã qua, rồi sanh buồn phiền. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tính không buồn.
5. Tật:  Tật đố, ganh ghét. Tính của tâm sở này hay ganh ghét đố kî những gì mà người ta hơn mình. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tính không tật đố và sầu khổ lo buồn.
6. Xan:  Bỏn xẻn. Tính của tâm sở này, bỏn xẻn, rích rắm, không chịu ban bố tiền tài hay giáo pháp cho người. Nghiệp dụng của nó là làm bộ quê mùa, ăn mặt nghèo cực, để tích trử tài sản và làm chướng ngại không bỏn xẻn.
7. Cuống:  Dối. Tính của tâm sở này, dối gạt người để lợi mình. Nghiệp dụng của nó là làm việc không chơn chánh để nuôi sống và chướng ngại tính không dối gạt.
8. Xiểm:  Bợ đỡ, nịnh hót. Tính của tâm sở này, lựa thời thế nịnh hót, bợ đỡ người. Nghiệp dụng của nó là không nghe lời chỉ giáo chơn chánh của thầy, bạn và làm chướng ngại tính không dua nịnh.
9. Hại:  Tổn hại. Tính của tâm sở này làm tổn hại các loài hữu tình. Nghiệp dụng của nó là làm bức não người, vật và chướng ngại tính không tổn hại.
10. Kiêu:  Kiêu căng. Tính của tâm sở này, vì thấy mình giàu sang, quyền tước hoặc tài năng, rồi sanh ra kiêu cách và ngạo nghễ. Nghiệp dụng của nó là làm nhơn sanh ra nhiễm ô, tội lỗi và chướng ngại tính không kiêu căng.
II.Trung tùy:Có hai loại là Vô tàm và Vô quý, là hai loại Tâm sở duyên các Tâm sở bất thiện, phạm vi tương ưng của nó trung bình, nên gọi là “trung tuỳ”.
11. Vô tàm:  Tự mình không biết, xấu hổ. Tính của tâm sở này, khi làm việc quấy không biết tự hổ, khinh dễ những người hiền thiện. Nghiệp dụng của nó là làm tăng trưởng việc ác và là chướng ngại tính biết xấu hổ.
12. Vô quý:  Không biết thẹn với người. Tính và tâm sở này, khi làm việc quấy, không biết thẹn với người, ưa làm việc tội ác. Nghiệp dụng của nó là làm tăng trưởng việc ác và là chướng ngại tính biết thẹn.
III.Đại tùy:  Có 8 loại là tám loại tâm sở biến khắp các tâm sở bất thiện, phạm vi của nó rộng hơn hai loại Trung tuỳ trước, nên gọi là “Đại tuỳ”.
13. Trạo cử:  Lao chao. Tính của Tâm sở này làm cho thân tâm chao động không yên tịnh. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Định và Hành xả.
14. Hôn trần:  Mờ tối trầm trọng. Tính của Tâm sở này, khiến cho tâm khi đối với quán cảnh mờ mịt không sáng suốt. Nghiệp dụng của nó là làm hướng ngại Tuệ và Khinh an.
15. Bất tín:  Không tin. Tính của Tâm sở này là không tin các pháp lành, làm cho tâm tánh ô nhiễm. Nghiệp dụng của nó hay sanh giải đãi và chướng ngại tâm thanh tịnh.
16. Giãi đãi:  Biếng nhác trễ nãi, Tính của Tâm sở này là biếng nhác, không lo đoạn ác và tu thiện. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tinh tấn và tăng trưởng tánh nhiễm ô.
17. Phóng dật:  Buông lung. Tính của Tâm sở này phóng túng, buông lung, không thúc liễm thân tâm để đoạn ác tu thiện. Nghiệp dụng của nó là làm tăng ác tổn thiện, và chướng ngại tánh không buông lung.
18. Thất niệm:  Mất Chánh niệm. Tính của Tâm sở này không nhớ cảnh đã duyên. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Chánh niệmvà sinh tán loạn.
19. Tán loạn:  Rối loạn. Tính của Tâm sở này làm cho tâm rối loạn. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Chánh địnhvà sanh ra ác tuệ.
20. Bất chánh tri:  Biết không chân chánh. Tính của Tâm sở này, khi đối với cảnh, hiểu biết sai lầm. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Chánh tri kiến(hiểu biết chân chánh) và sanh ra phạm giới.
II. Những phạm trù phiền não .
1/.Lậu hoặc(漏惑;  P: āsava;  S: āsrava;  E: mental defilements,  intoxicants):  Là chướng ngại do Si, tức không hiểu biết hay hiểu biết sai về chân lý, mà theo đó mọi hành động sẽ dễ dàng rơi vào các bám chấp Tham hoặc Sân.Nói là Vô lậu無漏có nghĩa là vô lậu hoặc, là đoạn diệt phiền não Si do quán triệt nhận thức và hành động thuận theo chân lý.  Trong đó:
- Lậu (漏):  Có nghĩa là làm cho chúng sinh bị động vào vòng sinh tử luân hồi.
- Hoặc (惑):  Có nghĩa là sai lầm.
[Xin xem chi tiết mục từ Lậu hoặc]
2/.Triền cái (纏蓋;  P,S: nīvaraṇa;  E: obstacle, hindrance):  Là chướng ngại chính cản trở sự thực hành Thiền định. Có 5 triền cái mà hành giả phải tu tập Ngũ thiền chi để chế ngự.  Trong đó:
- Triền (纏):  Có nghĩa là quấn chặt, trói buộc.
- Cái (蓋):  Có nghĩa là che lấp.
[Xin xem chi tiết mục từ Triền cái]
3/.Kết sử (結使;  P;S: Saṃyojana;  E: Fetter): Là chướng ngại chính cản trở sự thực hành Thiền tuệ. Vì thế, đoạn diệt những kết sử này, là cách để thể nhập Niết-bàn (tự do nội tâm).  Trong đó:
- Kết(結):  Có nghĩa là thắt buộc, kết tụ.
- Sử (使):  Có nghĩa là đeo đuổi, sai khiến, thôi thúc chúng sinh gây nghiệp ác.
Kết sử còn gọi là Nội kết 內結để chỉ những gút mắc trong lòng ta.  Khi một sự việc xảy ra, tùy cách ta tiếp nhận nó mà tạo ra nội kết hay không. Ví như khi ai đó nói với ta một lời không đẹp, nếu ta hiểu vì sao mà họ nói với ta như vậy, ta không giận thì không tạo nội kết. Trái lại khi ta nghe nói như vậy, ta không hiểu, lại tức giận, và như thế là ta đã tạo nội kết.
[Xin xem chi tiết mục từ Kết sử]
4/. Câu sinh phiền não (倶生煩惱;  P: sahaja kilesa;  S: sahaja kleśa;  E: innateafflictions):  Phiền não hiện hữu lúc vừa sanh, phiền não bẩm sinh.  Đây là Nghiệp chướng… được mang theo từ kiếp trước, do vậy đeo bám rất sâu.
Ngoài ra có một số tên gọi liên quan đến phiền não:
- Bộc lưu(暴流;  P; S: ogha;  E: a torrent, the stream of passion, or illusion):  Có nghĩa là cuốn trôi.
- Cấu(垢):  Có nghĩa là dơ bẩn.
- Nhiễm(染):  Có nghĩa là ô uế.
- Thủ(取):  Có nghĩa là giữ chặt.
- Trần cấu(塵垢):  Có nghĩa là bụi bẩn.
o0o
Phiền não tức Bồ-đề.[X. Trung đạo – Bất nhị]
o0o
Quả báo.
Quả báo(;  P;S: vipāka;  E:retribution, maturation of karma.)
- Quả: Là kết quả của hành động có tác ý (= Nghiệp). 
- Báo:  Là đền trả một cách công bằng, không tiêu mất khi đủ nhân duyên. 
Theo đó, quả báo là kết quả của các hành vi có tác ý trước đây, tức kết quả của Nghiệp. Quả báo còn gọi là Nghiệp quảhay Nghiệp báo.
1)Quả báotừ Nghiệp quá khứgồm hai thứ chánh báo y báo.
- Chánh báo (正報;  E: proper retribution, direct reward):  Là quả báo gốc hay là quả báo trực tiếpchủ yếu của Nghiệp nhân đã tạotừ kiếp trước.Chánh báo biểu hiện nơi hình tháithân tâmđược sinh ra.
- Y báo (依報;  E: circumstantial retribution, circumstantial reward):  Là quả báo nương nơi Chánh báo mà có như nhà cửa, hoàn cảnhxung quanh nhưmôi trường mà mình được sinh vào, bao gồm tình trạng xã hội, địa lý, xuất phát từ Nghiệp mà ta đã tạo từ kiếp trước.
2)Quả báo từ Nghiệp hiện tạigồm ba thứ:  hiện báo, sinh báo và hậu báo.
- Hiện báo (現報;  E: Immediate retribution):  Là quả báo trong hiện tại, do những hành động tốt hay xấu mình đã làm ra trong hiện tại.
- Sinh báo (生報;  E: Life’s retribution):  Là quả báo mình phải chịu trong đời sau. Do hành động tốt hay xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo.
- Hậu báo (後報;  E: Future retribution):  Là qua nhiều đời kiếp mới chịu quả báo.
o0o
Quán.
Quán 觀:  Là xem xét, quan sát.
1) Quán chiếu觀照, trong đó:
- Quán 觀:  Là xem xét, quan sát.
- Chiếu 照:  Là soi rọi.
          Theo đó, quán hay quán chiếusoi xét để nhìn thấy rõ.
1/. Quán chiếu Lý - Sự của các pháp trên nền tảng lý trí phân biệt.
- Sựlà những gì thuộc hiện tượng.
- Lý là những gì thuộc bản chất.
Ví dụ:   Trong kinh thí dụ Sự như là sóng biển (hiện tượng), còn Lý như là nước biển (bản chất). Nhìn theo hiện tượng sóng biển mà nói thì có muôn ngàn sự sai biệt không đồng, còn nhìn theo bản chất nước mà nói thì tất cả sóng đều cùng một thể. Trên Lý thì các ngọn sóng đồng cùng thể, nhưng trên Sự thì mỗi ngọn sóng đều có tướng khác nhau.
Tương tự, Sự là âm thanh (hiện tượng), Lý là sóng năng lượng âm thanh truyền đi (bản chất).
Trong kinh Hoa Nghiêm, Lý và Sự, tức bản chất và hiện tượng không phải là hai phạm trù chống trái nhau hay ngăn cách nhau, mà trái lại, dung thông nhau. Lý Sự thấu suốt, viên dung không ngăn trở nên gọi là "Lý Sự vô ngại quán".
2/.Quán chiếu Bát-nhã của các pháp (= Quán chiếu Bát-nhã Ba-la-mật-đa * 觀照般若波羅蜜多):  Đó là nhìn thấy rõ thực tướng, thực tính của các pháp trên nền tảng chân lý Duyên khởi. Tất cả các pháp đều do các Duyên tương tác để hình thành và biến diệt vô cùng vô tận.
Quán chiếu Bát-nhã còn gọi là Chân Không quán 真空觀.
- Chân 真:  Có nghĩa là chân thật khách quan, không hư vọng.
- Không 空:  Có nghĩa là không bị sắc tướng chi phối, ngăn ngại.
Đó là tính chất Không (= Không tính 空性;  P: Suññatā;  S: Śūnyatā)nơi các pháp.
Mục đích của pháp quán này là dứt vọng, thấy rõ chân tính, khiến cho hành giả thấy sắc mà không bị sắc ngăn ngại và nhận được rằng toàn thể là Chân Không, chứ không là đoạn không, là cực đoan “không” trong đối đãi không-có.  Tóm lại, pháp quán này nhìn thấu qua đối đãi, hư dối của không-có, để nhận rõ được cái chân lý của vũ trụ.
Quán Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông là nói về cả hai phép quán về âm thanh, đó là Quán chiếu ‘Lý và Sự’ + Quán chiếu ‘Bát-nhã’ đối với âm thanh.
2) Quán niệm觀念, trong đó:
- Quán 觀:  Là xem xét, quan sát.
- Niệm 念:  Là nghĩ, nhớ, mong // đọc tụng, như:  niệm thư * 念書* đọc sách”, “niệm kinh * 念經* đọc kinh” .
Theo đó, quán hay quán niệmnhớ quán sát, như: quán hơi thở (= quán tức 觀息)hay quán niệm hơi thở.  Quán hơi thở có 2 ý nghĩa:
1. Theodõi hơi thở vào-ra hoặc đếm hơi thở(= quán sổ tức 觀數息) làm cho tâm không loạn động.Đây là hình thức của thiền tuệ.
2. Kiến tính hơi thở (= quán chiếu tức 觀照息) làm cho tâm thấy biết rõ bản tính (Duyên khởi tính) của hơi thở. Đây là hình thức của thiền tuệ.
3) Quán tưởng觀想, trong đó:
- Quán 觀:  Là xem xét, quan sát.
- Tưởng 想:  Là nghĩ tới.
          Theo đó, quán hay quán tưởngnghĩ tới, quan sát tới, hình dung tới, như: Quán tưởng niệm Phật  là nhớ nghĩ đến Phật bằng cách hình dung tới hình ảnh vàhạnh lành của Phật. Tứ niệm xứ quán (四念處觀),Ngũđình tâm quán(五停心觀) là hai dạng quán tưởng thông dụng trong Phật giáo Nam tông và Bắc tông [Xin xem các mục từ này].
          Vọng tâm(= Si tâm)là căn bệnh chính làm cho con người sinh ra phiền não, khổ não. Nó thúc đẩy con người chạy theo dục vọng, nó che mờ lương tri làm cho tâm mê tối, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở. Một trong những phương pháp giải trừ vọng tâm là quán tưởng.
o0o
Quán Thế Âm.
Nội dung
I. Bồ-tát Quán Thế Âm.
II. Ý nghĩa Quán Thế Âm.
III. Tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm.
IV. Huyền thoại về Quán Thế Âm.
V. Kinh điển nói về Quán Thế Âm.
VI. Hình tượng Quán Thế Âm.
I. Bồ-tát Quán Thế Âm.

Avalokiteśvara- Wikipedia
 Quán Thế Âm – Wikipedia tiếng Việt
Tôn tượng Quan Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
Bồ-tát Quán Thế Âm(菩薩觀世音;  S: Avalokiteśvara Bodhisattva) hay còn gọi là Bồ-tát Quán Âm, được cho là  do kỵ tên húy của nhà vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599-:649). 
- Quán Thế Âm không là bậc giác ngộ lịch sử, cho nên có thể xem đây là biểu tượng triết lý cho hạnh nhập thế của tất cả các bậc giác ngộ với danh hiệu được gọi chung là Bồ-tát. Hạnh nhập thế này có thể là hình mẫu cho các hành giả trong quá trình tu học.
- Quán Thế Âm là biểu tượng cho hiện thân của lòng từ bi nơi tất cả chư Phật, được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau dưới nhiều thân tướng như: Nam thân, Nữ thân, Dược Sĩ thân, Tiêu Diện thân, Thủ Nhãn thân, Hóa thân, Pháp thân … (Xin xem mục IV. Hình tượng Quán Thế Âmbên dưới)
- Quán Thế Âm là biểu tượng được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Bắc truyền, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
- Quán Thế Âm được chuyển dịch như là “Người lắng nghe tiếng nói của cuộc đời : He who listens to the voices (outcries) of the world”.
Thông thường các kinh điển kể về danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm như sau:
1. Quan Âm Đại Sĩ.
2. Quan Âm Bồ-tát.
3. Quán Tự Tại Bồ-tát.
4. Quán Thế Âm Bồ-tát.
Giáo sư Yu Chang Fang có nhận định rằng ngài Kumarajìva (Cưu Ma La Thập), người nghiên cứu và dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ tiếng Sanskrit sang ngôn ngữ Trung Hoa vào năm 406. Dù biết rằng danh hiệu của Bồ-tát này còn được gọi là Quán Tự Tại(觀自在- Kuan-Tzu-Tsai), nhưng ngài đã dùng danh hiệu  Quán Âm(觀音- Kuan-yin)  hay  Quán Thế Âm(觀世音- Kuan-shih-yin) trong bản phiên dịch của mình.
II. Ý nghĩa Quán Thế Âm.
Theo truyền thuyết, danh xưng Quán Thế Âm cho rằng những người tu hành đạt tới chánh quả, thì 5 giác quan của họ đều có thể “dùng chung được” (= viên thông cả),  nghĩa là 5 giác quan đều được thông suốt dưới sựchiếu soi của chân lý Duyên khởi.  Theo đó thì danh xưng Bồ-tát Quán Thế Âm hàm ý rằng các vị Bồ-tát luôn "nhìn thấy" tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần.
Có thể chúng ta không tin rằng Bồ-tát Quán Thế Âm là có thật, nhưng ít ra hạnh nguyện Quán Âm là tinh thần Từ Bi cứu độ chúng sinh và giá trị Bình đẳng giới xóa bỏ truyền thống tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nơi xã hội thì không thể phủ nhận.  Do đó, khi nghiên cứu về Bồ-tát Quán Thế Âm, thật sự là nghiên cứu về nghệ thuật sống nhập thế và xuất thế, tức đạo đức và chân lý của đạo Phật ngang qua 4 việc chính sau:
1) Tu học hạnh Quán Âm “Từ Bi – Trí Tuệ”:  
Đólà thực hành nguyên tắc đạo đức Từ Bi-Trí Tuệ (Từ Bi là nói gọn của Từ Bi Hỷ Xả) – biểu trưng cho tinh thần nhập thế của đạo Phật – là độ sinh một cách rộng lớn mà không vướng mắc qua việc quán sát, lắng nghe nơi mọi loài (Xin xem thêm mục từ Từ Bi-Trí Tuệ).
Trên tinh thần Trung đạo của chân lý Duyên khởi, Từ Bi luôn gắn liền và hài hòa cùng Trí Tuệ, giúp tình cảm hay lý trí không rơi vào cực đoan mù quáng trong hành xử.  Đây cũng là điều mà đạo Phật khác biệt đối với việc xem nhẹ lý trí và đề cao tình cảm ở nhiều tôn giáo khác qua việc cổ xúy Đức tin.
2) Tu học hạnh Quán Âm “Nhĩ Căn Viên Thông”:  
 “Nhĩ Căn Viên Thông” được gọi làhạnh Quán Âm, đó là trong việc tu học, phương pháp thực hànhquán sát âm thanh trên nhận thức chân lý Duyên khởi, sẽ dẫn dắt hành giả đến giác ngộ – giải thoát.  Điều này còn hàm ý rằng một khi căn Nhĩ viên thông, thì tương tự, 5 căn còn lại đều viên thông cả. 
Hành giả quán sát âm thanh trên nền tảng chân lý Duyên khởi để nhận chân bản chất không thực thể của âm thanh.  Âm thanh bởi các Duyên sinh-diệt, đến rồi đi như mộng huyễn.  Được thế, hành giả tự xả ly một cách tự nhiên mà không phải cố dằn ép để loại trừ, nghĩa là hành giả không còn chấp mắc vào cảm xúc của âm thanh nữa. (Xin xem thêm mục từ Viên thông).
 3) Tu học hạnh Quán Âm “Phổ môn”:  
Trong kinh Pháp Hoa, Phẩm 25 “Quán Thế Âm Bồ Tát – Phổ Môn”, thì  Phổ Môn (普門; S: Samanta-mukha), còn gọi là Vô Lượng Môn (無量門), ý chỉ cho cánh cửa (6 căn + 6 trần + 6 thức) rộng mở dung chứa hết thảy chấp thủ, tham ái và khổ não đi vào, nhưng cũng chính từ đó chấp thủ, tham ái và khổ não ra đi.
Quán chiếu về Diệu âm (= tiếng nói Vô ngã của các pháp) đối với Phổ Môn là hạnh tu học để hành giả vượt qua chấp thủ, tham ái và khổ não của 18 giới (6 căn + 6 trần + 6 thức) này.
4) Tu học hạnh Quán Âm “Định – Tuệ”:  
1/.Chánh niệm trong tu Định:
Phổ biến nhất của Chánh niệm trong tu Định nơi hạnh Quán Âm là trì tụng các Chân ngôn(真言;  S:  Mantra => còn gọi là Chân âm), hay còn gọi là Thần chú神咒,  Mật ngôn密言.
Chân ngôn có thể là âm tiết của một chữ hoặc một câu kệ, vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ.  Chân ngôn được xem là chứa đựng năng lực bí mật của vũ trụ giúp cho hành giả thành tựu (S: ṛṣi) trong thiền định.
Trong Phật giáo Bắc truyền, Chân ngôn được cho là chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ giúp tâm thức hành giả tu tập. Hành giả có thể tập trung tâm ý một cách có ý thức nơi một âm tiết, để phát triển khả năng định tĩnh tâm trong thiền định, nhằm cung cấp tốt cho động lực trong thiền quán về sau.
Trong quyển ‘Tư tưởng Mật tông Tây Tạng’, tác giả Anagarika Govinda,  1970 - tr28, nói rằng: “Chân ngôn có tác dụng kỳ diệu không phải vì tính chất thần bí của tự thân Chân ngôn, mà vì sức cảm nghiệm của tâm thức. Chân ngôn chỉ là công cụ để gom kết những nguồn năng lực sẵn có. Giống như một thấu kính hội tụ, mặc dù bản thân thấu kính(# chân ngôn)không chứa đựng một chút ánh sáng nào cả, thế mà nó có thể gom kết những tia sáng và chuyển hóa những tia sáng dàn trải lan man đó trở thành một điểm sáng cháy bỏng”.
Trong Phật giáo Mật tông,với ba ải thân-khẩu-ý, thì Chân ngôn thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm. Hành giả luôn luôn vừa đọc Chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một  Ấn (S: Mudrā) nhằm Thành tựu pháp(S: Sādhana) “Tam mật tương ưng”.


Om mani padme hum- Wikipedia
Om Mani Padme Hum– Wikipedia tiếng Việt
Câu Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất được Phật giáo Tây Tạng xem đó là Chân ngôn của Bồ-tát Quán Thế Âm, còn gọi là "Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn  tức  Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ": 
- Theo âm Hán-ViệtÚm ma ni bát ni hồng唵嘛呢叭𡁠吽, cũng đọc Án Ma Ni Bát Mê Hồng.
- Theo âm PhạnOṃMaṇi Padme Hūṃ ॐमणिपद्मेहूं. 
Đây là câu Chân ngôn rất phổ biến và được sử dụng rất nhiều trong các nghi lễ, và được cho là có công năng rất lớn, lớn đến nỗi nó giúp cho hành giả trì niệm đến giác ngộ-giải thoát. Còn về ý nghĩa của nó thì được giải nghĩa như sau:
- Oṃ:  Tiếng khởi đầu của mỗi câu Chân ngôn, chỉ chư Thánh, chư Phật, trên toàn vũ trụ.
- Maṇi:  Viên ngọc quí.
- Padme:  Hoa sen.
- Hūṃ:  Ở trong.
Toàn câu Chân ngôn Oṃ Maṇi Padme Hūṃcó nghĩa là: Viên ngọc quí nằm trong hoa sen.Nói cách khác, hoa sen là biểu tượng ẩn chứa chân lý giải thoát (= không dính mắc), đó là chân lý Duyên khởi.
Trong các trường phái tại Phật giáo Tây Tạng thì chức năng của các Chân ngôn ở mỗi cấp Đát-đặc-la (S: Tantra) là khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Chân ngôn hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Chân ngôn này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó. 
Chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā  có ghi:  “Lúc đọc Chân ngôn:  Đừng quá gấp rút,  Đừng quá chậm rãi,  Đọc đừng quá to tiếng, Đừng quá thì thầm, Không phải lúc nói năng thì không để bị loạn động.”
Ngoài ra, còn có Chân ngôn Chuẩn Đề(Chú Chuẩn Đề), Chân ngôn Đại Bi(Chú Đại Bi) của các hóa thân biểu tượng Quán Thế Âm, đó là Bồ-tát Quán Thế ÂmChuẩn Đề Bồ-tát Quán Thế ÂmThiên Thủ Thiên Nhãn (Xin xem bên dưới).
Ngày nay, Chân ngôn có thể được cảm nghiệm phần nào qua các âm thanh liệu pháp(E: sound therapy)  và âm nhạc liệu pháp(E: music therapy) của y học.
          2/.Chánh niệm trong tu Tuệ:
          Phổ biến nhất của Chánh niệm trong tu Tuệ nơi hạnh Quán Âm là trì tụngBát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh(般若波羅蜜多心經; SPrajñā Pāramitā Hridaya SūtraPrajnaparamitahridaya Sūtra;  E:Heart of Perfect Wisdom Sutra), còn được nói gọn là Bát-nhã Tâm kinhhay Tâm kinh.  Đây là bản kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Bắc truyền. Đó cũng là bản kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
III. Tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm.
Tín ngưỡng Quán Thế Âm được xem là phát xuất từ Ấn Độ, sau đó nhờ công tác phiên dịch kinh điển mà nó được truyền sang Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam v.v…
Bản kinh có đề cập đến Bồ-tát Quán Thế Âm là kinh Pháp Hoa Tam Muội, gồm 6 quyển, do Chi Cương Lương Tiếp dịch vào năm Ngũ Phụng thứ 2 (255CN) triều đại nhà Ngô thời Tam Quốc. Đây là bộ kinh được dịch sớm nhất. Sau đó, Trúc Pháp Hộ dịch Chánh Pháp Hoa Kinh Quán Thế Âm Phổ Môn phẩm vào năm Thái Khang thứ 7 (286 CN). Rồi Cưu-ma-la-thập dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn phẩm vào năm Hoằng Thỉ thứ 8 (406) đời Diêu Tần.
Bắt nguồn từ các kinh được phiên dịch ra chữ Hán kể trên mà sự tín ngưỡng Quán Thế Âm dần dần phát triển mạnh. Tại các nước Châu Á, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền thì hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm tượng trưng cho mẹ hiền cứu khổ thế gian, được nhiều người thành kính tin tưởng và rất mực tôn sùng. 

Tranh thangkha về Bodhisattva Avalokitesvara (Tibet)
          Tại Tây Tạng, sự tín ngưỡng Quán Thế Âm rất thịnh hành. Quán Thế Âm được xem là “Người bảo vệ xứ tuyết” và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Bồ-tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố (620-649), được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm.  Lạt-ma giáo cho rằng đức Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama hay Tenzin Gyatso) và Cát-mã-ba (Karmapa) tái sinh nhiều đời chính là hình ảnh hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. 
Hình tượng Quán Thế Âm ở Tây Tạng thường được trình bày là hình tượng Chuẩn Đề.  Câu Chân ngôn  Oṃ Maṇi Padme Hūṃ được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất.
IV. Huyền thoại về Quán Thế Âm.
Có rất nhiều huyền thoại về Bồ-tát Quán Thế Âm. Dưới đây là những huyền thoại phổ biến:
1) Truyền thuyết về Quán Thế Âm.
Theo kinh Bi Hoa, có nói rằng đức Quán Thế Âm vốn là thái tử, con trai của vua Vô Tránh Niệm.  Lúc đó, vua và thái tử phát tâm bồ-đề, thành kính cúng dường và phát nguyện tu học được với vị Phật bấy giờ là Bảo Tạng Như Lai.  Phật đã thọ ký vua và thái tử, mà sau này khi thành Phật có thể giúp chúng sinh muôn nơi thoát khỏi khổ đau.
Về sau, vua Vô Tránh Niệm chứng ngộ thành Phật lấy hiệu là A Di Đà, còn thái tử chứng ngộ thành bậc Đại Bồ Tát, hiệu là Quán Thế Âm. Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm cùng dẫn dắt chúng sinh trở về cõi Cực Lạc.
Trong kinh sách, văn học thần thoại, thì Bồ-tát Quán Thế Âm là vị có thần lực nhất chỉ sau Phật Thích Ca. Điều này có thể do Ngài là vị cứu độ rộng lớn tất cả chúng sinh, nên được nâng lên một tầm quan trọng như vậy để thể hiện lòng tôn kính của mọi người. Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân trong tất cả các hình tướng để cứu độ chúng sanh, nhất là trong các hoạn nạn về lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm.
Ý nghĩa của Bồ-tát Quan Thế Âm.
- Bồ-tát 菩薩là độ thoát, làgiúp chúng sinh vượt qua khổnãotrong cuộc sống.
- Quán 觀  là sự quan sát, hiểu biết rõ ràng về đối tượng.
- Thế 世  là thế gian, cuộc sống trong thế gian.
- Âm 音  là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ.
Theo đó, Bồ-tát Quan Thế Âm là vị luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu từ chúng sinh trong nhân gian để cứu độ. Bồ-tát Quan Thế Âm mang lòng Từ Bi, không phân biệt trong việc cứu giúp tất cả muôn loài, như một người mẹ luôn bảo vệ những người con của mình.
Theo truyền thuyết, một năm có 3 ngày là ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm, là những ngày kỷ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện nơi thế gian này được ghi nhận, đó là:
- Ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày Quán Thế Âm đản sanh.
- Ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày Quán Thế Âm thành đạo.
- Ngày 19 tháng 9 âm lịch là ngày Quán Thế Âm xuất gia.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, ở một ý nghĩa triết lý đúng đắn, thì Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho phương pháp tu học để vượt qua khổ đau, đạt tới Giác ngộ-Giải thoát.
2) Truyền thuyết về Quan Âm Nam Hải :
Theo một huyền thoại Trung Quốc thì Quán Thế Âm là con gái thứ ba của một nhà vua. Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản, nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà ở biển Đông và trở thành người cứu độ cho ngư dân.
Theo đó, tại Trung Quốc, các ngư dân thường cầu nguyện Quán Thế Âm để được bình an trong các chuyến đi đánh cá. Vì thế, Quán Thế Âm cũng có biệt hiệu "Quan Âm Nam Hải".


Quan Âm Nam Hải Chùa Linh Ứng Bãi Bụt - Đà Nẵng
Tôn tượngBồ-tátQuán Thế Âm được xem là cao nhất VN, cao 67m, đường kính toà sen 35m, tương đương toà nhà 30 tầng, do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công.
Có ba ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng:
- Linh Ứng Non Nướcnằm trên hòn Thủy - 1 trong 5 ngọn Ngũ Hành Sơn.
- Linh Ứng Bà Nànằm trên chót vót đỉnh Bà Nà - “Đà Lạt của miền Trung”.
- Linh Ứng Bãi Bụtnằm ở lưng chừng núi Sơn Trà, án ngữ một góc biển Đà Nẵng.
Bằng mắt thường có thể định vị được vị trí tam giác của 3 ngôi chùa. Hôm trời quang mây tạnh, bằng ống nhòm nhìn theo đường chim bay có thể thấy núi và ngôi chùa bên kia…
Không chỉ là cơ sở tôn giáo, chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn là một trong những điểm nhấn du lịch văn hoá tâm linh quan trọng và hấp dẫn của Đà Nẵng, thu hút rất nhiều du khách, Phật tử trong và ngoài nước tới dâng hương lễ Phật, tham quan, thưởng ngoạn.
3) Truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính.
Một sự tích được phổ biến tại Việt Nam là Quan Âm Thị Kính.  Chuyện kể rằng Ngài đã tái sinh và tu hành 9 kiếp. Trong kiếp thứ 10, ngài được tái sinh làm một con gái trong một gia đình họ Mãng ở nước Cao Ly (ở bán đảo Triều Tiên ngày nay), và được đặt tên là Thị Kính.

Tượng Quan Âm Thị Kính hayQuan Âm Tống Tử
Pho tượng thường gọi là tượng Bà Thị Kính, cao 0,76m, đặt tại chùa Mía, tọa lạc ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, là một tuyệt tác điêu khắc cổ của dân tộc. Tượng diễn tả một phụ nữ thùy mị, hiền hậu ẵm một đứa bé kháu khỉnh với đường nét chạm khắc mềm mại, sinh động đã đi vào ca dao:
Nổi danh chùa Mía làng ta,
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm
 
Thị Kính được gả cho Thiện Sĩ của gia đình họ Sùng. Khi ở nhà chồng, Thị Kính giữ phận làm dâu, tôn kính phụng dưỡng bố mẹ chồng. Một hôm, khi Thiện Sĩ đang ngủ sau khi đọc sách, Thị Kính thấy ở cầm của chồng mình có mọc sợi râu. Thị Kính đang may vá nên cằm một con dao nhíp trong tay và sẵn tiện cắt đứt sợi râu. Thiện Sĩ giật mình thức giấc, thấy vợ đang cầm dao gần cổ, tưởng rằng Thị Kính đang định giết mình nên la lên.
Sau khi Thị Kính kể lể đầu đuôi, cha mẹ chồng vẫn ngờ rằng Thị Kính có âm mưu giết chồng, bắt Thiện Sĩ phải bỏ vợ. Thị Kính phải trở về nhà cha mẹ mình, quyết định xuất gia đi tu. Bà cải trang nam giới, trốn nhà đến chùa xin đi tu, lấy pháp danh là Kỉnh Tâm.
Tuy là gái giả trai, Kính Tâm có tướng mạo đẹp đẽ, cho nên có nhiều tín nữ ngưỡng mộ. Thị Mầu, con của một trưởng giả giàu có, trêu ghẹo Kính Tâm, nhưng không được đáp lại. Thị Mầu lại có thai với người đầy tớ. Khi bị tra hỏi, Thị Mầu khai rằng Kính Tâm là cha của thai nhi. Kính Tâm tuy kêu oan nhưng không dám tiết lộ ra bí mật của mình. Sau đó, Kính Tâm phải tu ở ngoài cổng chùa để chùa không bị tai tiếng.

Thị Mầu sinh ra được một đứa con trai, đem đứa nhỏ đến chùa gửi cho Kính Tâm. Kính Tâm vì tính thương người, nhận đứa trẻ vào nuôi dưỡng. Khi đứa trẻ lên 3 tuổi thì Kính Tâm bị bệnh nặng. Biết mình sắp chết, Kính Tâm dặn dò đứa trẻ đưa thư cho sư cụ của chùa và cho ông bà họ Mãng.
Sau khi đọc rõ sự tình, sư cụ kêu người khám xét thi thể Kính Tâm, mới biết rằng Kính Tâm là gái giả trai. Thị Mầu xấu hổ, đành phải tự tử. Thiện Sĩ ăn năn, bèn đi tu, sau này biến thành một con chim.
Bồ-tát Quan Âm (Thị Kính sau khi chết) cũng cứu độ đứa con nuôi, là con ruột của Thị Mầu, đem về Nam Hải, để làm người hầu.
Do đó, người ta họa hình Bồ-tát Quan Âm đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay đứng hầu.
4) Truyền thuyết về Quan Âm Diệu Thiện.
Truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện được truyền miệng trong dân gian Việt Nam vào thế kỷ XI qua lối truyện thơ. Bài thơ viết theo thể lục bát nói về một vị công chúa đã xuất gia để độ hoá cho vua cha có nhiều tội ác. Sự tích này cũng có một dị bản lưu hành ở Trung Hoa.
Câu chuyện kể rằng có một vị vua ở nước Hùng Lâm thuộc Ấn Độkhông có con trai để nối truyền ngôi vị.  Sau nhiều ngày cầu khẩn tha thiết lễ bái cầu nguyện, thay vì sinh được con trai thì hoàng hậu hạ sinh 3 người con gái tướng đẹp kiều diễm thướt tha. Khác hẳn với hai người chị gái có chồng, nàng công chúa thứ ba có tên là Diệu Thiện khi lớn lên chỉ say mê kinh kệ và có lòng quy y Phật, quyết định không có chồng và đi tu. Không thuyết phục được con mình, vua giả vờ cho phép con tu ở chùa Bạch Tước rồi ngầm ra lệnh cho các sư sãi phải tìm cách thuyết phục cho công chúa hoàn tục. Nếu không sẽ giết hết các sư sãi trong chùa. Nhưng mọi cách đều không lung lạc được ý quyết của công chúa.
Giận con, vua ra lệnh đốt chùa để giết cô công chúa nhưng trời bỗng có mưa dập tắt lửa. Chưa hết giận, vua bèn hạ lệnh xử chém, thì trời bỗng giông tố, tạo ra sét đánh văng búa của đao phủ thủ. Vua tức giận ra lệnh xử tử công chúa nhưng ngay lúc đó xuất hiện một con cọp trắng xông ra cõng công chúa mang đến chùa Hương.
Diệu Thiện tu hành ở đó suốt chín năm và chứng đắc thần thông pháp lực nhiệm mầu, cảm hoá được muông thú.
Trong khi đó, vua trong triều đột nhiên bị chứng bệnh hủi không chữa được, dần dần hai tay bị rơi rụng và mắt trở nên mù. Công chúa với thần thông diệu lực nầy đã hoá mình thành một lương y trở về thăm phụ thân và đã xả bỏ hai mắt cùng hai tay của mình để điều trị cơn bệnh ngặt nghèo của vua cha.  Cuối cùng Diệu Thiện biến hiện thành Bồ-tát Quan Thế Âm có Nghìn Tay Nghìn Mắt và hướng dẫn gia đình hoàng tộc của Diệu Thiện nương theo con đường chân lý giác ngộ-giải thoát.
Trong truyện đã đề cao hai đặc tính của Bồ-tát, đó là nhânhiếu. Với trí tuệ và giới hạnh thì hiếucó thể độ giúp cứu thoát được cha mẹ mình, còn như nhânthì có thể độ giúp nhiều người thoát vòng mê lầm trở về với trí tuệ.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong động Hương Tích
Pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong động Hương Tích, thuộc khu vực chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, bằng đá xanh liền khối, cao 1,12m, được tạc vào thời Tây Sơn.
V. Kinh điển nói về Quán Thế Âm.
1)  Theo kinhĐại A-di-đàthì Bồ-tát Quán Thế Âm là Thị vệ bên trái, còn Bồ-tát Đại Thế Chí là Thị vệ bên phải của đức Phật A-di-đà lo việc cứu độ chúng sinh trong thế giới Ta-bà. Cả 3 vị được gọi chung là Tây phương Tam Thánh (3 vị Thánh ở phương Tây).  Và trú xứ chính thức của các Ngài là cõi Tây phương Tịnh độ.

Tây Phương Tam Thánh
2)  Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thì Bồ-tát Quán Thế Âm  có 33 hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để độ sinh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi nào chúng sinh thành tâm niệm đến danh hiệu của ngài.
Về sức diệu dụng của vị Bồ-tát này theo kinh Pháp Hoa thì thường có 33 Hóa thân (=Ứng thân應身)  như sau:
1/. Thân Phật; 2/. Thân Độc Giác; 3/. Thân Duyên Giác; 4/. Thân Thanh Văn; 5/. Thân Phạm Vương; 6/. Thân Đế-Thích; 7/. Thân Tự Tại Thiên; 8/. Thân Đại Tự Tại Thiên; 9/. Thân Thiên Đại Tướng quân; 10/. Thân Tứ Thiên Vương; 11/. Thân Thái tử của Tứ Thiên Vương; 12/. Thân Nhân Vương; 13/. Thân Trưởng giả; 14/. Thân Cư sĩ; 15/. Thân Tể quan; 16/. Thân Bà-la-môn; 17/. Thân Tỷ-kheo; 18/. Thân Tỷ-kheo-ni; 19/. Thân Ưu-bà-tắc; 20/. Thân Ưu-bà-di; 21/. Thân Nữ chúa; 22/. Thân Đồng nam; 23/. Thân Đồng nữ; 24/. Thân trời; 25/. Thân Rồng; 26/. Thân Dược-xoa; 27/. Thân Càn-thát-bà; 28/. Thân A-tu-la; 29/. Thân Khẩn-na-la; 30/. Thân Ma-hầu-la-già; 31/. Thân Người; 32/. Thân Phi nhân; 33/. Thân Thần Cầm Kim Cương.
Hiện nay có 2 bộ tranh về hóa thân Quán Thế Âm:
1) Bộ tranh về 33 hóa thân Quán Thế Âm Bồ-tát theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinhcủa họa sĩ Thi Kim Huy – Đài Loan (Xin xem Tranh: 33 hóa thân Quán Thế Âm Bồ Tát - Chùa Bửu Minh Gia Lai).
2) Bộ tranh về 33 hóa thân Quán Thế Âm Bồ-táttheo Bát Nhã Tâm Kinhcủa họa sĩ Hề Tùng – Đài Loan (Xin xem 33 Ứng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm- Phatgiao.org.vn).
3)  Theo kinh Thủ Lăng Nghiêmthì pháp môn tu của vị Bồ-tát Quán Thế Âm là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai Bồ-tát có thể được sử dụng như năm căn khác (6 căn:  nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý = mắt, tai, mũi, lưỡi, da, não– Hàm ý rằng khi Nhĩ căn viên thông thì 5 căn còn lại cũng được viên thông). Bồ-tát phát tâm tu hành nơi pháp hội của đức Phật Quán Thế Âm, và đức Phật này đã thọ ký cho Bồ-tát khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà Bồ-tát có hiệu là Quán Thế Âm. Đồng thời vị Bồ-tát này cũng có 32 hóa thân giống như kinh Pháp Hoa đã mô tả.
Chỗ khác nhau là kinh Pháp Hoa kể đến 33 hóa thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì liệt kê 32 hóa thân. Ngoài ra, hai kinh này còn giống nhau một điểm nữa là cùng mô tả về 14 đức (năng lực) vô úy của vị Bồ-tát này. Số lượng và nội dung của các đức vô úy này gần y hệt như sau qua biểu tượng các sự việc sau:
          1. Chúng sinh khổ não trong 10 phương thành kính niệm danh hiệu Ngài, liền được giải thoát;
2. Chúng sinh gặp lửa dữ, lửa không thể thiêu đốt;
3. Chúng sinh bị nước cuốn trôi, nước không thể nhận chìm;
4. Chúng sinh vào xứ ác quỉ, ác quỉ không thể làm hại;
5. Chúng sinh gặp đao trượng, đao trượng liền gãy;
6. Chúng sinh gặp ác quỉ, ác thần, thì chúng khôngg trông thấy;
7. Chúng sinh bị gông cùm, xiềng xích, thì xiềng xích được tháo ra;
8. Chúng sinh khi vào đường nguy hiểm, giặc cướp không thể cướp đoạt;
9. Chúng sinh tham dục, liền dứt khỏi tham dục;
10. Chúng sinh nóng giận, liền dứt hết nóng giận;
11. Chúng sinh mê ám, liền dứt hết mê ám;
12. Chúng sinh muốn cầu con trai, liền được con trai;
13. Chúng sinh muốn cầu con gái, liền được con gái;
          14. Chúng sinh niệm danh hiệu Quan Âm thì được lợi ích bằng niệm tất cả các danh hiệu khác.
Đó là 14 diệu dụng mà đức Bồ-tát nầy dùng để hóa giải ách nạn, cho những chúng sinh nào có lòng thâm tín đối với Ngài.           
4) Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà-la-nithì Bồ-tát đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Phật hiện thân Bồ-tát để dễ dàng hành đại nguyện. Thế nên, ngoài danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm như chúng ta thường nghe, có đôi chỗ còn gọi là Phật Quan Âm là vì vậy.         
5) Theo kinh Hoa Nghiêmthì đạo tràng của Bồ-tát ở núi Bồ Đà Lạc trên biển Nam Hải.
6) Theo Mật giáothì Bồ-tát là hóa thân của đức Phật A-di-đà.
7) Theo kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vươngthì Bồ-tát  cùng với Bồ-tát Địa Tạng là hai Thị vệ của đức Phật Thích Ca.

Ta-bà Tam Thánh
Địa Tạng – Thích Ca – Quán Âm
VI. Hình tượng Quán Thế Âm.
Bồ-tát Quán Thế Âm trong tín ngưỡng dân gian được xem là một hiện thân trong mọi hình tướng để cứu độ chúng sinh, các công hạnh của Bồ-tát được trình bày rõ ràng và tán thán.
1) Hình tượng Nam thân – Nữ thân:

Guanyin - Wikipedia
Quan Âm – Wikipedia tiếng Việt
Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát namcó râu,Nhật Bản, thế kỷ 12.
Cho đến thế kỉ 10tức trước đời nhà Đường, Trung Quốc và các nước Phật giáo khác tại Châu Á đều tạc tượng Bồ-tát Quán Thế Âm theo hình thức Nam thân, thậm chí trong hang động ở Đôn Hoàng, người ta thấy tượng Quan Âm để râu.
Theo sách Trang Nhạc Ủy Đàm thì từ đời Đường, tức khoảng thế kỉ thứ 10, thì Quan Âm được khoác cho áo trắng, có dạng nữ nhân và quần chúng Phật tử Trung Quốc còn xem đây như là vị Bồ-tát giúp phụ nữ hiếm muộn. Sự kiện này được giới nghiên cứu cho là xuất phát từ sự trộn lẫn giữa đạo Phật và đạo Lão trong thời kỳ này.
Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật tông (xem Tantra) trong thời kì này: đó là hai yếu tố Từ Bi (S: Maitrī-karuṇā) và Trí Tuệ (S: Prajñā) được thể hiện thành hai dạng Nữ Nam, mỗi vị Phật hay Bồ-tát trong Mật tông đều có một "quyến thuộc" Nữ.  Vị quyến thuộc của Quán Thế Âm (Nam) được xem là vị Nữ thần áo trắng Đa-la (S: Tārā), và Bạch Y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó.

Tượng Bồ tát Quán Âm thân nam, chạm khắc gỗ đời Bắc Tống, khoảng năm 1025.
Ngày nay tại Trung Quốc vàcác nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa, khi tạc tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đều dùng hình thức Nữ thân, để biểu tượng mối quan hệ giữa Bồ-tát và chúng sinh như một tình mẫu tử chân thành, rộng lượng và bền bĩ, mà khó có gì có thể hình dung so sánh được. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng lòng Từ Binơi Bồ-tátlà một dạng tình mẫu tử không chỉ hạn chế nơi một vài cá thể, mà là vượt thoát đến với muôn loài. Và để đạt đến đích này, lòng Từ Bi chỉ có thể được hình thành từ một nội tâm Thanh tịnh-Vô ngã, là một thứ tình cảm không vướng mắc lưu xuất từ tuệ giác.
          Theo ý nghĩa nói trên, Từ đã hàm chứa Hỷ, và Bi đã hàm chứa Xả. Do đó, Từ Bi là nói gọn của Từ Bi Hỷ Xả, và bốn tâm này được gọi là bốn tâm vô lượng. Vì thế, có thể thấy rằng các tâm ‘đạt tới’ vô lượng cũng chỉ là những biến hiện của một nội tâm thanh tịnh-vô ngã.
Nói rõ hơn, Từ Bi là dạng thức tình cảm rộng lớn và tự nhiên hình thành trên tuệ giác Vô ngã.  Ngược lại, khi chưa quán triệt Vô ngã, nghĩa là tình cảm hãy còn chấp thủ Hữu ngã, thì tình cảm không thể rộng lớn được.  Nhĩ căn viên thông là phương pháp thành tựu Vô ngã qua việc thực tập quán sát âm thanh.
Thực ra, đối với đạo Phật, đức Phật không phân biệt nam hay nữ. Khác với các thần thoại sơ khai quan niệm các vị thần có giới tính và có sự sinh sản. Do đó việc quan niệm Quán Thế Âm là nam hay nữ không phải là vấn đề quan trọng trong Phật giáo.
2) Hình tượng Pháp thân – Hóa thân : 
Theo phẩm Phổ Môncủakinh Diệu Pháp Liên Hoa, khi muốn cứu vớt hoặc giác ngộ cho chúng sinh, Quán Thế Âm có thể hóa thành 32 sắc tướng hóa thân như Phật, Bồ-tát, Càn-thát-bà, Thiện nam, Tín nữ v.v... tùy theo đối tượng để cứu giúp chúng sinh trong mọi tình huống.
Vì thế trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, người ta thấy có 33 dạng thể hiện chỉ ở 1Pháp thân(= Chân lý, Pháp tính 法性) là đặc trưng cho thể tính hay đặc tính mà Phật và chúng sinh đều có chung giống nhau, nhưng có thể gọi bằng các tên khác nhau như Hư Không, Hư Vô, Chân Như,  Chân Không … biểu hiện cái thân diệu dụng với Duyên khởi tính, và 32Hóa thân(= Pháp tướng 法相) khác nhau với các đặc tính riêng biệt (Xin xem mục từ Tam thân).
3) Hình tượng Thủ – Nhãn thân.
Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật … Bồ-tát Quán Thế Âm thường được trình bày dưới 3 dạng sau, và thường gọi là Phật:
1/.Phật Bà, là thân người nữ bình thường, trên tay Bồ-tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ (S: Padmapāṇi => người cầm hoa sen) hay Nhành dương liễu  và  một Bình nước Cam-lộ  (S: Amṛta).

Phật Bà
Tay mặt Bồ-tát cầm hoasen tượng trưng cho trí tuệ Vô ngã hay cành dương liễu là loại cây dẻo và đàn hồi không cứng quá hay mềm quá, tượng trưng cho đức nhẫn tùy thuận giáo hóa độ sinh.
Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi  của Bồ-tát.  Nước cam lồ (cam: ngọt;  lồ đọc trại chữ lộ: sương hay móc) là thứ nước mát và ngọt, dùng dập tắt lửa phiền não thiêu đốt nơi chúng sinh, đem lại cho chúng sinh sự an lạc.  Bởi tính chất quý báu của nước cam lồ như vậy, nên nước cam lồ chỉ có thể hiện hữu trong một cái bình thanh tịnh hình thành từ ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý đã trong sạch.
2/.Phật Mẫu Chuẩn Đề, là thân người bình thường, tùy theo truyền thống có 4 tay (ở Tây Tạng), 6 tay (ở Tích Lan) hoặc 18 tay (ở Trung Hoa và các nước ở Đông Á châu).

Cundi (Buddhism) - Wikipedia
 Phật Mẫu Chuẩn Đề –Wikipedia tiếng Việt
- Phật Mẫu(佛母;  P: Buddha-mātri;  S: Buddha-mātara) bao gồm 4 nghĩa như sau:
1. Chỉ cho Ma-da phu nhân (摩耶夫人;  P;S: Mahāmāyā, Māyādevī) thân mẫu của Phật, hoặc chỉ cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề (摩呵波闍波提;  P: Mahāpajāpatī;  S: Mahā-prajāpatì) di mẫu của đức Thích-ca.
2. Chỉ cho Bát-nhã Ba-la-mật (般若波羅蜜多;  P : Paññā-pāramī;  S : Prajñā-pāramitā). Vì Bát-nhã (trí tuệ) có thể sinh ra tất cả chư Phật, nên Thiền tông xem Bát-nhã là Phật Mẫu (mẹ của chư Phật).
3. Chỉ cho Pháp = Chân lý. Vì chư Phật lấy Pháp làm thầy, do Pháp mà thành Phật, cho nên gọi Pháp là Phật Mẫu.
4.  Chỉ cho Phật nhãn tôn (佛眼尊;  S: Buddha-locanī). Theo Mật giáo, Phật nhãn tôn là một trong những hình thức thần cách hóadiệu trí Bát-nhã Trung đạo.
-Chuẩn Đề(准提;  S: Cundī): Có nghĩa là Năng hành, Thành thật và Thanh tịnh.
           1. Năng hành (能行: Khả năng chủ động trong việc làm), có nghĩa là Bồ-tát có thệ nguyện rộng lớn, trí tuệ sâu xa đem đến sự lợi ích cho chúng sanh.
 2. Thành thật (成實: Chứng đắc lẽ thật, chân lý), có nghĩa là Bồ-tát có công năng vi diệu, từ nơi pháp Không (= Không tính), chứng đắc cảnh giới Niết-bàn, bạt trừ mọi vọng huyễn, sinh tử.
 3. Thanh tịnh (清淨: Trong sạch và yên lặng), có nghĩa là Bồ-tát đã chứng đắc được bản tâm, tức nhận thức tốt ráo về Thật tướng Vô tướng. nên khéo an trụ trong tự tính.
Toàn thân của Bồ-tát có mười tám cánh tay, mỗi bên chín cánh, bố trí như sau :
1. Hai bàn tay ở giữa phía trên thì kiết ấn Chuẩn đề, như tướng đang lúc thuyết pháp.
2. Tay trái thứ hai cầm lá phướn như ý, còn tay mặt cầm cái thí vô úy.
3. Tay trái thứ ba cầm một bông sen đỏ, còn tay mặt cầm cây gươm.
4. Tay trái thứ tư cầm một bình nước, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi Ma-ni bửu châu.
5. Tay trái thứ năm cầm một sợi dây Kim cang, còn tay mặt cầm một quả La-ca.
6. Tay trái thứ sáu cầm một cái bánh xa luân, còn tay mặt cầm một cái búa.
7. Tay trái thứ bảy cầm cái pháp loa, còn tay mặt cầm cái thiết câu.
8. Tay trái thứ tám cầm một cái bình như ý, còn tay mặt cầm một cái chày kim cang.
9. Tay trái thứ chín cầm một cuốn Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi dài.
3/.Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, là thân người có 11 đầu và ngàn cánh tay. Trên đầu có khi có tượng A-di-đà, xem như đặc điểm chính.  Số tay của Bồ-tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống. Có những giải thích sau :

Tôn tượng Quán Thế Âm - Thiên Thủ Thiên nhãn
[Chùa Bái Đính, Ninh Bình]
- Thuyết thứ 1:  Tượng có 11 đầu thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị Bồ-tát, một đầu của vị Phật chủ và cuối cùng là đầu của Phật A-di-đà. Cứ mỗi ba đầu là tượng trưng cho ba đặc tính: 
+ Từ bi với chúng sinh khổ nạn.
+ Quyết tâm đối trị cái xấu
+ Hoan hỉ với cái tốt. 
Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa Bồ-tát và Phật quả.

Mỗi bàn tay đều có một mắt
- Thuyết thứ 2:  Tích của 11 đầu và nghìn tay giải thích rằng lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Bồ-tát đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Bồ-tát mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt.
- Thuyết thứ3: Quán Thế Âm cũng được vẽ là một vị Bồ-tát cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo).
- Trong cõi súc sinh, Quán Thế Âm có đầu ngựa.
- Trong cõi địa ngục và cõi người, Quán Thế Âm có nghìn cánh tay.
- Trong cõi A-tu-la và cõi người, Quán Thế Âm có 11 đầu.
Thông thường, mỗi pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ứng thân đều có 11 đầu và 40 tay, trì 25 thứ pháp khí.  Ngoài 40 tay lớn còn có 1000 tay nhỏ mỗi tay có một con mắt, thể hiện đủ tướng ngàn mắt ngàn tay, hàm ý vô lượng vô biên của đại bi và đại trí theo tư tưởng đạo đức của Phật giáo Bắc truyền.
Tại Việt Nam, tín ngưỡng tôn thờ hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt bằng gỗ, bằng đất nung và bằng đá, có từ đời nhà Mạc - cuối thế kỷ thứ 16 (1527-1592), hiện còn tồn tại.  Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt tại Việt Nam có một chiều dài lịch sử phát triển đặc biệt.  Một cách đại cương, pho tượng đã được phát nguồn từ tín ngưỡng thực tập trì tụng Thần Chú Đại Bi (Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni), trở nên rất phổ thông và nổi tiếng không những chỉ trong giới tu sĩ xuất gia mà còn đối với giới cư sĩ tại gia. Dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong chùa viện Phật giáo. 
[Xin xem thêm Truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện ở mục IV. Và Kinh THủ Lăng Nghiêm ở mục V).
4) Hình tượng Dược Sĩ thân.


Đôi lúc Bồ-tát Quán Thế Âm cũng được trình bày dưới một dạng ít thấy, đó là “Sư Tử Hống Quán Tự Tại” (獅子吼觀自在;  S: Siṃhanāda-lokeśvara).  Dưới dạng này, Bồ-tát là một Dược sư, đặc biệt cứu độ những người bệnh phong (E: lepra). Mắt Bồ-tát đang nhìn bệnh nhân và mắt chính giữa (huệ nhãn) đang tập trung chẩn bệnh. Hai bảo vật bên vai cũng là những dụng cụ của một dược sĩ, bình sắc thuốc bên trái của Bồ-tát và đao trừ tà (bệnh) bên phải.
Sư tử Bồ-tát cưỡi xuất phát từ một sự tích. Tương truyền rằng, có một con sư tử sinh được một con nhưng con chết ngay sau khi sinh. Đau đớn quá nó rống lên thật to và nhờ tiếng rống uy dũng này, nó làm cho con nó sống lại. Vì thế mà có sự liên hệ giữa tên của Sư Tử Hống Quán Tự Tại (“giọng sư tử”) với nghề nghiệp của một dược sĩ “gọi người sống lại”.
5)  Hình tượng Diện Nhiên Đại Sĩ thân.

Ông Tiêu Diện (焦面)là Diện Nhiên Đại Sĩ (面燃大士)
Bồ-tát Quán Âm hóa thân Diện Nhiên Đại Sĩ trong các trai đàn chẩn tế bạt độ cô hồn, ngạ quỷ; đó là hình tượng quỷ mặt lửa (Tiêu Diện) được nhiều người biết đến, dân gian thường gọi là ông Tiêu Diện, và được thờ phổ biến trong các chùa Phật giáo Bắc tông.
Với nhận thức tất cả các pháp đều do tâm, theo đó có quan niệm cho rằng tâm thành khẩn của người cúng qua Bồ-tát Quán Thế Âm hóa thân quỷ Diện Nhiên thống lãnh cô hồn… sẽ mang lại cảm ứng to lớn cho kẻ được cúng.
Vào đời Lương Võ Đế, pháp hội cứu giúp những oan hồn uổng tử được khai sinh. Nhà vua thỉnh hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn tràng thủy lục壇場水陸(thủy 水: nước;  lục陸: bờ) cứu giúp các oan hồn từ hư không đến trên bờ dưới nước.
Đến đời Đường, tại Chùa Pháp Hải, thiền sư An Công đã kiến lập đàn tràng thủy lục để siêu độ cho vua Trần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi… đã bị trầm luân, nên thiền sư lập đàn tràng cầu nguyện khiến cho họ siêu thoát. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên Trì đời Minh… bổ sung vào khiến cho pháp hội thủy lục ngày hoàn bị hơn.
Hòa thượng Hư Vân (1840-1960) đã từng dẫn chứng trong Du già Diệm Khẩu Thí Thực Yếu Tập, do ngài Bảo Hoa viết dưới thời vua Khang Hy, trong đó ngài Đạo An (312-385) thời Đông Tấn cho biết là Phật giáo Trung Hoa vào thời điểm này hãy còn chưa có tập tục tụng kinh cho người chết. Đến khi ngài Bất Không (S: Amoghavajra), một vị tổ sư Mật tông gốc Ấn Độ truyền khoa nghi này vào Trung Hoa thì khoa nghi thí thực này dần lan rộng khắp.
o0o
Sám hối.  
Nội dung
I. Ý nghĩa của sám hối.
II. Thực hành sám hối.
I. Ý nghĩa của sám hối.
Sám hối(懺悔;  P: kṣamā, kṣamayati, khamāpana;  S: kṣama,kṣamaya, ;  E: confession; repentance; regret for error), trong đó Sám 懺 (= sám-ma là dịch âm của S: kṣama), Hối 悔 (= hối quá: từ Hán dịch chữ sám-ma). Theo đó:
Sám hối có nghĩa là thấy biết lỗi lầm đã làm, thật lòng sửa đổi và không tái phạm về sau.  Lỗi lầm đã làm là bất thiện nghiệp, nghĩa là mê nghiệp đang chi phối hành động tạo tác của chúng sinh.
Sám hối trong Phật giáo là phương pháp có mục tiêu làm trong sáng nội tâm cho mọi người, xuất gia cũng như tại gia, nhằm thăng hoa đời sống đạo đức và quan trọng nhất là chứng ngộ chân lý vươn tới giác ngộ-giải thoát.
Trong Trung Bộ kinh, có thể thấy rằng ngay từ lúc còn tại thế, đức Phật đã dạy nhiều nội dung sám hối khi có người phạm phải lỗi lầm. Tiêu biểu nhất là Bài kinh số 61 “Giáo giới Rahula trong rừng Ambala”, thuộc Trung Bộ kinh đã nói trên. Từ nơi đây, chúng ta có thể nhận ra các tư tưởng về tội phạm và sám hối như sau:
+ Không ai có quyền thưởng phạt một cách tuyệt đối, mà chỉ có luật khách quan Nhân–Quả chi phối công bình đúng mực mà thôi.
+Chính ta làm cho ta ô uế, thì cũng chính ta làm cho ta trong sạch.
+Tội lỗi không có tính cố định và xuất phát từ tâm (ý thức), nên phải lấy tâm mà sám để chuyển hóa mọi sai lầm.
Trong kinh Pháp Cú có chép:
                    Không trên trời dưới biển.           Lành dữ bởi nơi ta.                                                   Không hang động núi rừng.         Không ai lành cho ai.                                               Không trú chốn nơi nào.              Nhiễm tịnh do ta cả.                                
                    Trốn được quả ác nghiệp.           Không ai thanh tịnh ai.                                                       (kệPháp Cú 127)                         (kệPháp Cú 165)                                                                                  

Trong kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Có 2 loại người đáng khen, một là không bao giờ gây tội lỗi, hai là lỡ gây ra tội nhưng biết ăn năn chừa bỏ”.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá - 懺者懺其前愆.悔者悔其後過, nghĩa là: Trước ăn năn lỗi, Sau chừa bỏ lỗi. ”
II. Thực hành sám hối.
Thực ra, Nghi thức sám hối chỉ xuất hiện sau thời đức Phật tại thế, và được xem như là một trong những pháp môn tu tập trong đạo Phật nhằm mục tiêu chuyển hóa ba nghiệp bất thiện của thân-khẩu-ý dưới 2 dạng, đó là từ hình thức sơ thô hướng thiện trên hiện tượng gọi là sự tướng sám hối, cho đến hình thức sâu tế giải thoát thuộc bản chất gọi là lý tính sám hối.
1) Sự tướng sám hối:
Đó là thể hiện nhận thức và mong muốn hướng thiện, với các nội dung sau:
- Tự thấy ra được lỗi lầm của mình đã vi phạm giới luật.
- Tự hổ thẹn về lỗi lầm đã làm(*).
- Mong muốn lỗi lầm này không tái phạm trong tương lai.
- Mong muốn dùng hành vi thích đáng bù lại để được hưởng sự tha thứ.
Trong trường hợp này sám hối và ăn năn được xem như đồng nghĩa nhau.
------------------
(*) hổ thẹn(= tàm quý 慚愧;  P: ottappa;  S: apatrāpya;  E: shame)
⦿Theo Phật giáo Nam truyền:  Đặc trưng với 2 nghi thức từ Tứ Phần Luật Yết Ma Sớ.
1/. Nghi thức Chế giáo Sám hối:  Nội dung gồm 2 giai đoạn.
-Giai đoạn 1:  Phản tỉnh nhận ra tội qua việc thiền quán 3 nghiệp Thân-Khẩu-Ý với mong muốn không tái phạm các sai lầm. Nếu đó chỉ là Ý nghiệp thì tự mình sám hối là đủ, nhưng nếu vượt quá Ý nghiệp với hành vi sai lầm đã được người khác biết thì phải tiếp sang giai đoạn 2.
-Giai đoạn 2:  Trình bày với bậc Đạo sư hay vị đồng phạm hạnh có trí về sự phản tỉnh của mình, để mong họ cho những lời khuyên thích đáng. Nếu sự sai lầm có liên quan đến người khác, thì sự phản tỉnh này cũng được tỏ bày công khai với người này, để cả đôi bên đều được an lạc.
2/.Nghi thức Hóa giáo Sám hối:  Đây là nghi thức sám hối theo giáo pháp của  Kinh-Luật. Người sám hối lễ bái trước điện Phật, đọc tụng kinh Tam Bảo và kinh Sám Hối. Sau đó nếu tại chùa thì các cư sĩ thỉnh pháp sư thuyết pháp cho hội chúng, nếu ở nhà thì tọa thiền công phu.
⦿ Theo Phật giáo Bắc truyền:
1/.Nghi thức Tác pháp Sám hối :  Đây là nghi thức sám hối dành cho những lỗi lầm nhỏ nhặt, có 2 loại:
- Đối thú Sám hối:  Khi đã gây lỗi lầm với ai thì phải đối trước người đó cùng nhiều người chứng minh để xin tha thứ, dù người đó biết mình hay không biết mình đã tạo lỗi.  Nếu họ chưa tha thứ thì không được oán hận và hứa xin chừa bỏ.
- Đàn tràng Sám hối:  Lập giới đàn, thỉnh chúng Tăng chứng minh để sám hối.  Khi vào đàn, người sám hối phải thành khẩn, tỏ bày lỗi lầm và nguyện trọn đời không tái phạm nữa.
2/.Nghi thức Thủ tướng Sám hối :  Đây là nghi thức sám hối dành cho những lỗi lầm mới phát khởi từ tâm nhưng chưa thực hiện.  Người sám hối phải đứng trước tượng Phật hay Bồ-tát để sám hối.  Thời gian thực hiện nghi thức từ 3 đến 49 ngày, lúc nào thấy tâm niệm xấu ấy tiêu tan, thân tâm nhẹ nhàng thì sự sám hối mới được thành tựu.
Hai nghi thức sám hối này xuất phát từ kinh Kim Quang Minh.
          3/.Nghi thức Hồng danh Sám hối :  Đây là nghi thức sám hối dành cho những tội lỗi đã tạo nghiệp từ nhiều kiếp quá khứ đến nay.  Người sám hối phát tâm lễ Phật, bái sám trọn đời, ít nhất mỗi nửa tháng vào ngày 14 và 30 âm lịch, phân làm 2 cách:
          - Lạy 53 danh hiệu Phật.
          - Lạy 35 danh hiệu Phật để sám hối 5 tội trọng ‘Ngũ Nghịch’.
          Về sau có thêm vào kệ Phổ Hiền Đại Nguyện tạo thành 108 lạy để ám chỉ diệt trừ 108 phiền não.
          Nghi thức sám hối này do pháp sư Bất Động đời Tống (960-1279) ở Trung Hoa soạn ra.
          4/.Nghi thức Lục căn Sám hốiĐây cũng là nghi thức sám hối dành cho những tội lỗi đã tạo nghiệp từ nhiều kiếp quá khứ đến nay.  Người sám hối phát tâm lễ Phật, bái sám nêu rõ những lỗi lầm gây ra do sự buông lung 6 căn từ nhiều đời nhiều kiếp, nguyện phòng hộ các căn để phòng ngừa tội lỗi.
          Nghi thức sám hối này do pháp sư Trí Khải (538 - 597)đời Tùy ở Trung Hoa soạn ra thực hành theo Pháp Hoa Tam Muội Sám Pháp.
2) Lý tính sám hối – Nghi thức Vô sinh Sám hối.
          Đó là thể hiện nhận thức về một nội tâm giải thoát, với các nội dung sau:
- Tự thấy ra được nghiệp chướng gây ra bởi nội tâm chấp thủ tham-sân-si, biểu hiện ra hành vi của thân, khẩu, ý.
- Tự hổ thẹn (tàm quý) về các nghiệp đã làm.
- Mong muốn các nghiệp chướng này không tái phạm trong tương lai.
- Mong muốn tu tập đúng chánh pháp hướng đến nội tâm giải thoát.
Đây là nghi thức sám hối dành cho người thượng căn thượng trí, được gọi là Vô sinh Sám hối  hay Sám hối Ba-la-mật.  Nội dung thực hành nghi thức gồm 2 phần quán:
1/.Quán tâm vô sinh:  Hành giả quán sát tâm mình và thấy rằng “Tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại không dừng, tâm vị lai chưa đến. Do đó, tội từ tâm không nương vào đâu mà tồn tại được”.
2/.Quán pháp vô sinh:  Hành giả quán sát thật tướng của vạn pháp là Duyên khởi, nên không sanh không diệt, không tăng không giảm, không phân biệt tướng (= bình đẳng tướng).  Mà Tội-Phúc do chế định, là tướng có sanh diệt, có tăng giảm, có phân biệt và thay đổi theo thời gian và không gian hẳn là giả tướng hư dối nên không còn gá nương nơi đâu mà tồn tại được. Trong kinh Quán Phổ Hiền có chép “Muốn sám hối, phải quán thực tướng của các pháp thì tội mới hoàn toàn tiêu trừ”. 
Nghi thức sám hối này xuất phát từ kinh Kim Quang Minh.  Bài kệ đặc trưng cho nghi thức này như sau:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu;
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều Không
Thế mới thật là chân sám hối.
Hay:           
Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm nếu diệt rồi, tội sạch Không
Tội không tâm diệt cả hai Không
Thế ấy mới là chân sám hối.
          Đứng về Lý tánh thì tội báo diệt, nhưng đứng về Sự tướng thì vẫn có tội báo.  Người tu hành chân chánh hẳn phải viên dung cả Lý và Sự, và tùy thuận căn cơ hoàn cảnh của mỗi người mà nghiêm trì giới luật.
          Chư Phật, chư tăng không rửa sạch tội cho người theo đạo, mà mỗi người phải tự rửa sạch tội của chính mình.  Lễ Phật, tụng kinh, bái sám, trì chú, quán chiếu … chỉ chứng minh cho lòng hối cải và giúp cho người sám hối tăng thêm sức mạnh của ý chí dứt bỏ sai lầm.
Trongkinh 42 Chươngcó chép:
“Người có lỗi tựa người bị bệnh
Được đổ mồ hôi, bệnh người giảm
Phát lồ sai lầm, lỗi người nhẹ.”
o0o
Sen.
Nội dung
I. Mô tả loài sen.
II. Sen và Phật giáo.
III. Sen trong các tông phái Phật giáo.
IV. Hoa sen trong kinh điển.
I. Mô tả loài sen.
Sen trong tiếng Việt là loài thực vật thủy sinh thuộc họ Nelumbonaceae. Sen gồm có lá, nụ, hoa, hạt và thân rễ.      


1) Lá sen(E: lotus leaf) có hình dạng tròn và nụ hoa búp chụm lại ở đầu gọi là búp sen (E: lotus bud). Cả hai đều vươn cao và nổi trên mặt nước. Lá sen có đặc điểm không thấm nước. Hiện tượng này được ứng dụng trong khoa học vật liệu, gọi là hiệu ứng lá sen(E: lotus effect), để chế tạo các bề mặt tự làm sạch.



The Lotus Effect. Water forms droplets on the tips of the epidermal
protrusions and collects pollutants, dirt and small insects as it rolls off the leaf.

Lotus effect - Wikipedia
Hiệu ứng lá sen – Wikipedia tiếng Việt
 
2) Hoa sen(E: lotus flower) :
- Màu của hoa sen: Theo tiến sĩ chuyên nghiên cứu về hoa sen người Thái Lan Slearmlarp, cho rằng hoa sen có đến 9 màu: trắng, hồng, vàng, cam, xanh lá cây, đỏ tím, đỏ nhạt, xanh tía và xanh da trời.

- Cánh của hoa sen(E: lotus petal) có số lượng thay đổi theo từng giống loại.


Phân biệt cấu tạo của hoa súng và hoa sen
3) Quả(E: lotus seed pod, fruit of nelumbo nucifera, nelumbo nucifera seed head) được gọi là gương sen hay bát sen nằm ở trung tâm của hoa là những nhụy sen(E: lotus stigmas:cái), chứa các hạt sen (E: lotus seed). Phần nạc trắng tươi hay khô thường dùng để ăn là hạch nhân (E: lotus nut),ở giữa hạch nhân là hai lá mầm dầy. Mầm này gọi là liên tâm hay tâm sen (E: lotus plumule) gồm 4 lá non gập vào phía trong.
Khi gương sen còn bé, xung quanh gương có nhị sen (E: lotus stamen:đực).Đầu nhị mọc dài ra bao phấn trắng hai ô, nứt theo một kẽ dọc, bao phấn trắng này thường gọi là gạo sen (E: lotus anther), thường dùng để ướp trà.
 
     
4) Thân sen(E: lotus root còn gọi là bộ rễ sen mọc dưới các lớp bùn trong ao, hồ hay sông gồm có phần thân sen lớn gọi là củ sen (E: lotus  rhizome)gồm nhiều đoạn phình ra xốp và có nhiều lỗ bên trong, thắt lại như dây xúc xích; và phần thân sen nhỏ còn non gọi là ngó sen (E: lotus shoot hay lotus rootlet, young lotus root, young rhizome). Trên phần thân lớn, nơi chỗ thắt lại này sẽ sản sinh ra mầm lá và mầm hoa. Khi các mầm này trưởng thành nó được gọi là cọng sen (E: lotus stem). Thân sen có nhiều sợi tơ, khi bẻ thân sen, các sợi tơ này vẫn dính hai đầu (vì thế có câu: Ngó sen đứt, tơ vẫn còn vương).
 
 
Diagram of a lotus plant
Mặc dù sinh trưởng trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong.
Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng.  Sắc sen nhẹ nhàng, đằm thắm. Từ khi nở đến khi tàn, hoa sen không bị ong bướm bén mảng tới.  Qua bao ràng buộc bởi đất, nước đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, để hoa khai nở, khoe sắc và tỏa hương vào không gian.
II. Sen và Phật giáo.
Sen(蓮;  P: paduma;  S: padma;  E: lotus).
Trong Phật giáo phương Đông nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng thì hoa sen đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ và sâu kín. Vẻ đẹp của sen được cảm nhận như sau :
Lá xanh thăm thẳm lòng Bi
Dũngcành vươn thẳng, thoát ly bùn sình
Nâng nụ sắc Tríkết tinh
Nở thành hoa thắm lung linh giữa đời

1) Sen và Phật giáo Nam truyền: 
Hoa senbiểu tượng cho toàn cây sen có thể được ghi nhận theo các sự kiện sau.
Thứ nhất:  Kế thừacác ý nghĩatinh khiếtcủa sen trong Ấn giáo, hoa sentrong Phật giáođã cụ thể hóa bằngsự tinh khiết của thể xác, lời nói và tinh thần, vượt ra ngoài Ái(các loại trói buộc).
          Thứ hai :  Với hình ảnh sen nơi bùn nhơ - của ao, của hồ - sen trổi dậy, vươn ra khỏi bùn, ra khỏi nước, rồi trổ hoa, sen được tượng trưng cho cuộc đời của đức Phật qua 4 giai đoạn sau :
1. Giai đoạn một là ở trong bùn, đặc trưng cho giai đoạn đắm mê dục lạc ở thế tục.
2. Giai đoạn hai là ra khỏi bùn và ở trong nước, đặc trưng cho giai đoạn xuất thế tục gia.
3. Giai đoạn ba là ra khỏi nước, đặc trưng cho giai đoạn tinh tấn tu đạt được giới thanh tịnh, điều phục được tâm.
4. Giai đoạn bốn là nở hoa và tỏa hương thanh khiết, đặc trưng cho giai đoạn giác ngộ viên mãn.
Trong kinh Tương Ưng Bộ, Phẩm Hoa, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, ví như bông sen xanh, bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm
Thứ ba : Đức Phật cũng dùng sen để nhắc nhở các đệ tử nên sống theo tinh thần như tập tính của sen, đó là từ chỗ nhiễm nhơ phàm tục phải dùng trí tuệ sáng ngời để đi đến giác ngộ.
Các sự kiện trên đã được ghi nhận trong kinh Pháp Cú sau :
Trước tâm ta buông lung,
Chạy theo ái dục lạc,
Nay ta chánh chế ngự,
Như câu móc điều voi.
(Kinh Pháp Cú 326)
                                                                        
Ai sinh sống trên đời, 
Hàng phục được tham ái, 
Khổ đau sẽ vuột khỏi, 
Như nước trượt lá sen.

(Kinh Pháp Cú 336)

Như giữa đống rác nhớp
Quăng bỏ bên cạnh đầm,
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp lòng người.
Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm mù phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh giác,
Sáng ngời bằng trí tuệ.
(Kinh Pháp Cú 58-59)
Thứ tư :  Sen có 3 tầng sống riêng biệt, là trong bùn tối; vươn lên khoảng trong sạch là nước; rồi cuối cùng vươn lên với bầu khí quyển, xem đó sen biểu trưng cho 3 tầng sống là cõi dục giới, sắc giớivô sắc giới. Cây sen trải qua 3 tầng sống đó, đến khi nở hoa được xem như sự đạt ngộ, giải thoát …
Thứ năm :  Thân sen ngay thẳng tiêu biểu cho người tu cần phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng.  Ruột thân thì trống rỗng hàm ý người tu cần hành tính hỷ xả. Hai đức tính nầy Bồ tát luôn thực hiện.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy tính hỷ xảđể phòng hộ sáu căn: "Có sáu pháp vô-thượng mà các thầy cần tu. Những gì là sáu?
Mắtthấy sắc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Tainghe tiếng, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Mũingửi mùi, không ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡinếm vị, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Thânchạm xúc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ýcđối với mọi việc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.”
Thứ sáu :  Phỏng theo thế hoa sen trong ngồi thiền gọi là Liên hoa toạ (ngồi kiết già), phỏng theo hình búp sen cho hai tay chắp lại làm lễ Phật hay chào hỏi nhau thì gọi là Liên hoa hiệp chưởng.
Búp sen xin tặng người, một vị Phật tương lai.”
Theo Phật giáo Bắc truyền, hai bàn tay chắp lại là biểu hiện của Lý và Trí. Năm ngón tay trái là ngũ trí - Thai tạng giới, năm ngón tay phải là ngũ trí - Kim cương giới. Mười ngón tay chắp lại thành Thập độ, hay còn gọi là Thập pháp giới.
Một Phật tử đã tâm sự : “Sống tại Hoa Kỳ, khi tưởng nhớ đến diệu nghĩa hoa sen, tôi thường ước ao một cơ hội dâng đóa sen cúng Phật, chuyện khó khăn làm sao tại xứ này! Bất ngờ, một hôm khi chắp tay niệm hương, tôi bỗng nhớ ra rằng mình đang Liên hoa hiệp chưởnghướng về đức Phật, thì ra hoa sen thuở giờ vẫn thường trực hiện hữu, lỗi tự mình không mở mắt nên đã không thấy hoa mà cúng Phật”. (Huỳnh Trung Chánh -Hoa Sen Trong Phật Giáo)
 
Thứ bảy :  Hoa sen nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai. Sự nối tiếp liên tục này về mặt triết lý, hoa sen tượng trưng cho nhân quả đồng thời... Nhân Quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.  Niết-bàn hay đau khổ, rốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.
          Với các yếu tố trên, hoa sen được đặc trưng cho sen và gọi là đài sen, là nơi an vị của các bậc giác ngộ đáng được tôn kính. Trong Phật giáo Bắc truyền, đài sen còn mang giá trị triết học dụng nghĩa cho - Liên Hoa Tạng thế giới(Xinxemmục từkinhHoa Nghiêm).
          2) Phật giáo Bắc truyền:   Hoa sen được đặc trưng cho một số ý tưởng sau.
1/.Về màu sắc : Hoasen cónhiều màu sắc, ngoại trừ màu xanh da trời.
- Sen trắng: Tượng trưng choTrí Tuệ tuyệt đối hay Bồ Đề tâm (tâm giác ngộ), thường có 8 cánh ứng với Bát Chánh Đạo.       
- Sen đỏ:Tượng trưng cho tâm Từ Bi, là hiện thân của Phổ Hiền hay Quán Thế Âm.      
          - Sen xanh(lam):  Tượng trưng cho Trí Tuệ (tri thức), là hiện thân của Văn Thù Sư Lợi hay Đại Thế Chí.       
- Senhồng:  Tượng trưng cho sự tôn quý tối thượng, là hiện thân của đức Phật lịch sử.
- Senvàng kim:  Tượng trưng cho sự thanh tịnh tuyệt đối. 
- Sen tím thẫm:  Tượng trưng cho sự huyền diệu, màu sen này chỉ thấy trên các tác phẩm nghệ thuật, các Mạn-đà-la của Mật tông (Phật giáo Tây Tạng).
Theo các học giả phương Tây thì sen Ấn Độ xưa nay chỉ có ba màu trắng, hồng và xanh (rất hiếm), còn màu sen vàng chỉ là màu tượng trưng nhằm tôn kính Phật, nên không thực có. Nhận xét này có phần chính xác vì trong nhiều bài pháp ghi trong  kinh điển Phật giáo Nam truyền, nhân khi nhắc đến hoa sen thời đó, đức Phật chỉ nói đến ba màu: xanh, hồng và trắng mà thôi.
2/.Về số lượng cánh hoa :   Hàm ẩn ý nghĩa tượng trưng cho vạn pháp, hay muôn vàn phương tiện tu tập. Hoa sen 4 cánh tượng trưng cho giáo lý Tứ Diệu Đế, sen 8 cánh chỉ cho Bát Chánh Đạo, (sen trắng 8 cánh cũng là biểu tượng Gia đình Phật tử Việt Nam), sen 10 cánh tượng trưng cho Thập thiện, 12 cánh cho giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên..., hoa sen trăm cánh tượng trưng cho Bách pháp Minh môn, sen ngàn cánh dụ cho Thiên pháp Minh môn, và sen vạn cánh cho Vạn pháp Minh môn.
II. Sen trong các tông phái Phật giáo.
1) Thiền tông và hoa sen :
   
- Niêm hoa vi tiếu (拈花微笑), cónghĩa làcầm hoa mỉm cười (niêm: cầm đưa lên.  hoa: cái bông.  vi: nhỏ.  tiếu: cười). Niêm hoa vi tiếu: nói đầy đủ là "Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu." Nghĩa là: đức Phật Thích Ca cầm cái hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.
Đây là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện đức Phật Thích-ca Mâu-ni khai thị đưa cành hoa sen lên – đặc trưng cho nội tâm thanh tịnh,tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười; đâylà câu chuyện rất quan trọng và được xem là đầu mối của Phật giáo Thiền Tông, đượcxem là hạt giống Thiền mà đức Phật Thích Ca đã gieo vào Phật giáo lúc Phật còn sanh tiền. Nhưng hạt giống ấy không nẩy nở được ở đất nước Ấn Độ, phải chờ đợi đến đời Tổ sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, ngài mới đem hạt giống Thiền ấy gieo vào đất Trung Hoa thì nó mới nẩy nở và phát triển rực rỡ vào thời Lục Tổ Huệ Năng, và được truyền lại cho đến ngày nay.
Theo sáchLiên Đăng Hội Yếu, Thích Ca Mâu Ni Phật Chương, có ghi :
"Trong cuộc hội ở núi Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình ông Ma Ha Ca Diếp rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn nói:
- Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực tướng Vô tướng, Vi diệu Pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trao phó cho Ma Ha Ca Diếp.
Xưa nay Thiền Tông đều coi câu nói ấy của Đức Thế Tôn là quan trọng nhứt của Tông môn. Tông này lấy Tâm truyền Tâm làm chỗ dựa để khai ngộ."
Các Kinh Luận đã thu vào trong Đại Tạng đều không thấy ghi chép việc này. Các bậc Tông sư đời nhà Tùy, Đường, cũng không có nói đến. Đến đời Tống, Vương An Thạch mới nói tới việc này.
- Ngộ Ấn thiền sư  (1020–1088) tên là Đàm Khí  , người làng Kim Bài, đất Tư Lý (nay thuộc tỉnh Hà Tây), vốn học Nho nhưng giỏi chữ Phạn. Năm 19 tuổi chuyển sang tu Phật. Lúc đầu thụ nghiệp vớí sư Quảng Trí ở chùa Quán Ðính. Sau về dựng đạo tràng tại chùa Long Ấn trên núi Ninh Sơn, phủ Ứng Thiên (thuộc kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ). Nghiên cứu tinh tường hai kinh Viên Giác và Diệu Pháp Liên Hoa và chủ trương thuyết Tam Bảo “Lấy thân làm Phật, lấy miệng làm Pháp, lấy tâm làm Thiền”.  Ông mất ngày 14 tháng 6 năm Quảng Hữu thứ tư (1088), thọ 69 tuổi. Ông đứng trong thế hệ thứ 8 dòng thiền Quan Bích, thế hệ thứ 14 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Tác phẩm hiện còn một bài kệ  Thị tịch示寂:
妙性虛無不可攀,
虛無心悟得何難。
玉焚山上色常潤,
蓮發爐中濕未桿。
Âm:
Thị tịch
Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị can.
Dịch nghĩa:
Diệu tính rỗng không, khó lòng vin tới
Nhưng khi tâm rỗng không thì thấy biết chẳng khó gì
Giống như ngọc đốt trên núi cao màu vẫn tươi nhuần mãi
Hay như hoa sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn ướt, chưa hề khô.
 
Dịch thơ của Ngô Tất Tố:
Hư vô tính ấy khó vin noi,
Riêng bụng hư vô hiểu được thôi.
Trên núi ngọc thiêu, mầu vẫn nhuận,
Trong lò sen nở, sắc thường tươi.
Bậc giác ngộ ở mọi nơi mọi lúc, tâm tựa nhưhoa sen-ngọc quý nơi thế gian đầy lửa phiền não này, luôn tươi nhuận chứ không bị héo úa hư hoại bởi lửa phiền não.
 
2) Tịnh Độ tông và hoa sen :
Hoa sen trong đạo Phật đặc trưng cho sự thanh tịnh, cho cõi giới thanh tịnh (tịnh độ). Tư tưởng về tịnh độ thật ra đã có sẵn trong Phật giáo Ấn Độ và đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày.
Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi-đề-hi (P:S: Vedehi), mẹ của vua A-xà-thế(P: Ajātasattu;  S: Ajātaśatru), bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng bà là vua Tần-bà-sa-la (P;S: Bimbisāra) [Nguyên do vì Vua A Xà Thế toan giết cha, còn bà thì muốn cứu ông]. Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc.  Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn Tịnh độ (cõi Thanh tịnh, cõi Cực lạc) của A-di-đà. Phật dạy cho bà phép thiền để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền này gồm 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ gọi làCửu Phẩm Liên Hoa. Nội dungCửu Phẩm Liên Hoa theo đại sư Trung Quốc Huệ Viễn (慧遠334-416) người sáng lập Tịnh độ tông (E: Pure Land school) trình bày như sau :
1. Thượng Phẩm Thượng Sanh :  Bồ Tát từ Tứ địa đến Lục địa.
2. Thượng Phẩm Trung Sanh :  Bồ Tát từ Sơ địa đến Tam địa.
3. Thượng Phẩm Hạ Sanh :  Thánh A la Hán (= Bồ Tát Chủng tính).
4. Trung Phẩm Thượng Sanh : Thánh Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm.
5. Trung Phẩm Trung Sanh :  Bậc Kiến đạo (thấy được chân lý Tứ Đế).
6. Trung Phẩm Hạ Sanh : Bậc Hiền có đức tin vãng sanh nơi Di Dà tịnh độ.
          7. 8. 9. Hạ Phẩm :  Người mới tu học có đức tin vãng sanh nơi Di Đà tịnh độ thì tùy nghiệp nhẹ nặng mà phân làm Thượng Sanh, Trung Sanh, Hạ Sanh.  Nói chung, đây là Phẩm có tên gọi là  đới nghiệp vãng sanh.

Tháp Cửu phẩm liên hoa tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)
Hình tượng hoa sen ở tháp Cửu phẩm liên hoaChùa Bút Tháp là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm. Cả tháp cao 7 đến 8 m. Phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tinh tiến trong đạo Phật. Tháp quay Cửu phẩm liên hoa là một tổ hợp cao hơn giá trị đơn lẻ của một biểu tượng bông sen.
 
3) Mật tông và hoa sen :

Hình đức Liên Hoa Sanh
Tổ sư Mật tông Tây Tạng (tranh lụa Thangka)
Liên Hoa Sanh (Padma-sambhava), theo truyền thuyết đã hóa sanh từ hoa sen, là bậc đạo sư lỗi lạc làu thông giáo nghĩa Nam Bắc tông Phật giáo, nguyên trụ trì chùa Na Lan Đà, Ấn Độ. Vào năm 747, ngài đã nhận lời mời của vua Kri-son-Ide-btsan đến Tây Tạng truyền giáo Mật tông tại chùa Samyas, Nam Lhasa và được tôn xưng là Sơ tổ Hồng giáo Tây Tạng.
Theo Phật giáo Mật tônghayMật tông (密宗;  S: Vajrayāna, Tantrayāna, Mantrayāna;  E:Tantric Buddhism, Esoteric Buddhism // the True Word Sect 眞言宗, the Yoga Sect 瑜伽宗, the Sect of Vairocana 毘盧遮那宗and the Secret Vehicle 祕密乘) thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như trong tranh lụa Tây TạngThangka. Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông.
1/.  Mạn-đà-la (dịch âm theo tiếng Trung 曼陀羅;  S: Maṇḍala : "tinh túy" + "chứa đựng") là một hình vẽ dạng hoa sen biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Theo ý nghĩa tôn giáo thì Mạn-đà-la là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện ... Còn theo ý nghĩa triết lý thì Mạn-đà-la là một mô hình thu nhỏ về vũ trụ hoàn hảo.
Mật giáo đã thiết lập hai Mạn-đà-la: Thai tạng giới Mạn-đà-la và Kim cương giới Mạn-đà-la, có nguồn gốc xuất phát từ tư tưởng của hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh[Xin xem thêm mục từ Mật]. 
- Thai tạng giới Mạn-đà-la(S: Garbhadhatu mandala: Hiện tượng giới) là yếu tố thụ động, mô tả vũ trụ về mặt tĩnh, mặt lý tính, như thai mẹ chứa đựng con và từ lý tính thai tạng mà sinh công đức, biểu hiện đại bitâm của Phật. Đóa sen trong Phật giáo Mật tôngcòn biểu thị cơ quan sinh dục nữ và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Trong Thai tạng giới Mạn-đà-la, đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-đà-la, biểu thị tử cung (Thai tạng) của thế giới.
- Kim cương giới Mạn-đà-la(S: Vajradhatu mandala: Tâm thức giới) là yếu tố tác động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, trí tuệsở chứng của Phật. Ngũ Trí Như Lai là trọng tâm của Mạn-đà-lanày. 
Bí tạng ký viết: "Thai tạng, Kim cươngtrí".

Mạn-đà-la Cát
 
Phần lớn các Mạn-đà-laPhật giáo được vẽ, in hoặc thêu những mẫu hoa văn kỷ hà. Một trong những loại Mạn-đà-lalớn thường bắt gặp là Mạn-đà-labằng cátmàu. Những Mạn-đà-lanày được tạo ra trong nhiều tuần lễ và sau đó lại được quét bỏ đi để nói lên tính vô thường của hiện hữu. Ngoài ra, ở Tây Tạng còn có các Mạn-đà-laba chiều giống như cung điện. Mạn-đà-lalớn nhất trên thế giới hiện nay là những khoảng sân đồng tâm của các stupa ở Boroburdur, Java, Indonesia, có niên đại thế kỷ 8.
2/.Man-tra   (真言, S: mantra) : Chân ngôn  hoặc Chân âm, phiên âm sang tiếng Hán là Mạn-đát-la (曼怛羅), các cách dịch ý khác là Chú (), Minh (), Thần chú (神咒), Mật ngôn (密言), Mật ngữ (密語), Mật hiệu (密號), cũng được đọc thẳng âm tiếng Phạn là Man-tra, có nghĩa là “lời nói chân thật” (= Chân ngôn) , là biểu hiện của chân như.
Chân ngôn có thể là một câu chú, hay một Đà-la-ningắn. Lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến kết quả siêu nhiên hay thế tục. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, Chân ngôn có thể là một âm tiết, một chữ hoặc câu kệ được tiết lộ cho những vị Thấu thị (S: ṛṣi) trong lúc hànhthiền. Trong Phật giáo, người ta cho rằng Chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính.
Trong nhiều trường phái, Chân ngôn hay được lặp lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim Cương thừa ở Tây Tạng. Ở đây Chân ngôn trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba ải thân, khẩu, ý thì Chân ngôn thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Chân ngôn phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một ấn (S: mudrā) nhất định như các bài Thành tựu pháp (S: sādhana) chỉ dẫn.
Câu Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng âm Hán-Việt là : Úm ma ni bát ni hồng (唵嘛呢叭𡁠吽), cũng đọc Án ma ni bát mê hồngS: OṂ MAṆI PADME HŪṂ, tạm dịch ra tiếng Việt là "Ôi! Chân linh trong Hoa sen", một câu chân ngôn được xem có huyền lực vô biên của pháp Phật, được xem là Chân ngôn cầu Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trong các trường phái tại Phật giáo Tây Tạng thì chức năng của các Chân ngôn của mỗi cấp Đát-đặc-la (S: tantra) khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Chân ngôn hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Chân ngôn này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó. Chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā có ghi: Lúc đọc Chân ngôn: - Đừng quá gấp rút, - Đừng quá chậm rãi, - Đừng quá to tiếng, - Đừng quá thì thầm, - Không phải nói năng, - Không để bị loạn động.
III. Hoa sen trong kinh điển.
-  Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa(Phật pháp kỳ diệu như hoa sen)
 
Lotus Sutra - Wikipedia
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa– Wikipedia tiếng Việt
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa còn được gọi ngắn là kinh Pháp Hoa, là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Phật giáo Bắc truyền.
Diệu pháp là chân lý. Chân lý có chân lý tương đốichân lý tuyệt đối. Chân lý không thuần ở thế giới vô hình, mà hẳn phải biểu hiện ở thế giới hữu hình; nói rộng hơn, chân lý biểu hiện tính khách quan chứ không chủ quan. Hoa sen trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh, không ô nhiễm. Vậy Diệu pháp là Thật tướng không tách khỏi cuộc đời bụi bặm. Trong cõi ô trược, chúng sanh vẫn có thể vươn lên giải thoát hoàn toàn, như hoa sen mọc ở trong bùn mà vươn lên trên bùn, không bị ô nhiễm mà còn tỏa sắc hương.
Sự nghiên cứu và lưu truyền kinh Pháp Hoa rất sâu rộng, ở Ấn Độ ngài Long Thọ (龍樹;  S: Nāgārjuna) khi trứ tác Đại Trí Độ Luận đã dẫn chứng kinh Pháp Hoa, và ngài có một tác phẩm giải thích Pháp Hoa là Pháp Hoa Thích Luận. Ngài Thế Thân, một Luận sư nổi tiếng có lược dịch và giải thích Pháp Hoa qua bộ Pháp Hoa Luận. Ở Trung Hoa, những bản chú giải, sớ giải về Pháp Hoa của các nhà nghiên cứu Phật học qua các thời đại rất nhiều, nổi bật là Trí Giả Đại sư (538 - 597) của Thiên Thai tông với các tác phẩm nổi tiếng như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán v.v…
- Trong  kinh  Đại Bát Nhã  nói về một loài sen đặc biệt có nghìn cánh là Thiên diệp Liên hoa hàm nghĩa tuệ giác viên mãn.
- Trong  kinh Như Lai tạng  ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong chiên đàn lầu các, đang ngồi chốn đạo tràng mà hiện pháp thân biến ra hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, trong sen hóa ra vị Phật, mỗi vị Phật phóng ra vô số trăm ngàn hào quang.”
- Trong kinh  Đại thừa Bổn sanh Tâm Địa Quán  diễn tả hình ảnh huyền diệu của chư Phật, giảng pháp cho các hàng Bồ-tát theo ba hạng: Chư Phật ngồi trên hoa sen trăm cánh giảng Bách pháp Minh môn, ngồi trên sen ngàn cánh giảng Thiên pháp Minh môn, ngồi trên sen vạn cánh giảng Vạn pháp Minh môn.
- Trong  kinhHoa Nghiêm, phẩm Hoa Tạng thế giới :  Hoa Tạng là nói tắt từ “Liên Hoa Tạng thế giới,”, Liên Hoa là hoa sen, đây chỉ cho hoa sen chúa Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng, đại liên hoa (Nhụy Hương Tràng) bao trùm và duy trì vi trần thế giới chủng như hoa sen hàm chứa hạt sen, nên gọi là Hoa Tạng, là một diễn tả khác của “Tỳ-lô-giá-na trang nghiêm tạng Đại lầu các” (Vairochana-alankāra-vyūha-garbhā), hoặc “Thai Tạng giới” (kinh Đại Nhật).
- Trong  Hoa Nghiêm kinh thám huyền ký, quyển 1, chỉ rõ 10 ý nghĩa tượng trưng của hoa sen:
1.Vi diệu nghĩa (chỉ d9ức Phật rời khỏi tầm thường nên nói hoa là nghiêm);
2. Khai phu nghĩa (chỉ hạnh mở giác bày thù thắng);
3. Đoan chính nghĩa (chỉ tướng viên mãn);
4. Phân hình nghĩa (chỉ đức thơm tho, tự phát lộ thơm ngát);
5. Thích duyệt nghĩa (chỉ cái đức thắng vượt tạo nên niềm hoan lạc không dứt);
6. Xảo thành nghĩa (chỉ đức tướng đã tu thành rất khéo đẹp);
7. Quang tịnh nghĩa (chỉ việc dứt lìa chướng nghiệp mà được thanh tịnh);
8. Trang sức nghĩa (tuỳ theo bản tánh mà làm tăng vẻ đẹp);
9. Dẫu quả nghĩa (chỉ việc sinh ra nhân để tạo quả của Phật);
10. Bất nhiễm nghĩa (chỉ việc ở trần thế mà không bị tiêm nhiễm như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
- Trong Nhiếp Thừa Luận Thích  thì bốn đặc tính của sen (hương thơm, thanh tịnh, mềm mại, khả ái) được dùng để ví với bốn đức Thường - Lạc - Ngã - Tịnh của Niết bàn.

o0o

Xin xem tiếp “Căn Bản Học Phật 1/5;  2/5;  4/5;  5/5”
 

________________


Huy Thai gởi