Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Soái hạm Moskva, niềm kiêu hãnh của Nga ngậm hờn dưới đáy Hắc Hải
 

 

Ảnh tư liệu : Soái hạm Moskva đang neo đậu tại cảng Sébastopol ở Hắc Hải, lúc thành phố này còn thuộc về Ukraina, tháng 10/2013. REUTERS - STRINGER

Soái hạm đồ sộ siêu vũ trang « Moskva » bị đánh chìm xuống Hắc Hải, được cho là bị hỏa tiễn Neptune của Ukraina tấn công,
 
khiến giờ đây tầm hoạt động của hải quân Nga bị thu hẹp. Ngay hôm sau, tên lửa Nga phá hủy một phần nhà máy Vizar ở ngoại
 
ô Kiev, nơi sản xuất …hỏa tiễn Neptune. Khó thể nói đây là sự tình cờ.
 
Bầu cử tổng thống Pháp mà vòng quyết định sẽ diễn ra tuần tới, chiếm trang nhất các tuần báo kỳ này. « Một cuốn phim tệ hại
 
được dựng lại », tít lớn của Courrier International. L'Express đăng chân dung hai ứng cử viên đang nhìn về hai hướng ngược
 
 chiều nhau, chạy tựa « Nước Pháp chống lại nước Pháp ». Trong khi Le Point dành trang bìa và bài phỏng vấn công phu
 
chiếm nhiều trang giấy cho ông Emmanuel Macron, thì ảnh bà Marine Le Pen được L'Obs đăng cùng với tựa lớn « Cảnh báo
 
toàn quốc », phía dưới là dòng tựa nhỏ « Vì sao Macron có thể thất cử ».
 
Soái hạm Moskva, quả bom nổi trên biển
 
Ở các trang trong, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga vẫn là hồ sơ được các tuần báo tiếp tục đề cập đến, mà sự kiện được chú
 
ý cập nhật là soái hạm « Moskva » bị đánh chìm ở Hắc Hải. Trả lời phỏng vấn của Le Point, chuyên gia về chiến hạm Vincent
 
 Groizeleau phân tích tầm vóc thiệt hại của Nga, khi bị mất tuần dương hạm vốn là niềm hãnh diện của hải quân.
 
Trước đây có tên là « Slava » (tức « Vinh Quang » trong tiếng Nga), soái hạm đồ sộ « Moskva » có trọng tải 12.500 tấn, dài
 
186 mét, giờ đây chìm xuống đáy Hắc Hải. Phía Nga nói rằng do bị hỏa hoạn, nhưng Ukraina khẳng định hai hỏa tiễn chống
 
hạm Neptune đã giúp làm nên chiến thắng. Chuyên gia Groizeleau cho biết soái hạm này trang bị 120 hỏa tiễn chống hạm và
 
 phòng không, cùng với đại bác, ngư lôi, các giàn phóng rốc-kết. Chiếc « Moskva » cũng trang bị vô số cảm biến, thiết bị chiến
 
 tranh điện tử trong đó có các radar tầm xa để giám sát trên biển và trên không.
 
Tuy được đưa vào hoạt động từ 1982, nhưng soái hạm này đã được hiện đại hóa cách đây vài năm. Các tuần dương hạm lớn
 
đóng vai trò quan trọng trong hải quân Nga và hiện Matxcơva không có khả năng đóng mới, do các công xưởng hải quân gặp
 
 khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ. Từ những năm 2000, Nga tập trung cho tàu ngầm, còn trên mặt biển chỉ là những chiến hạm
 
 cỡ trung hoặc nhỏ.
 
Hai soái hạm còn lại cùng loại Slava đang ở Đại Tây Dương, không thể điều sang được vì Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo biển Bosphore.
 
 Tại Hắc Hải, Nga vẫn còn khoảng 40 chiến hạm, trong đó hơn một chục chiếc dành cho đổ bộ. Tuy nhiên việc soái hạm « Moskva »
 
 bị đánh chìm là thiệt hại lớn, khiến tầm hoạt động của hải quân Nga bị thu hẹp vì phải tránh xa vùng duyên hải. Nhưng đáng
 
 quan tâm nhất là các tuần dương hạm từ thời Liên Xô trên thực tế là những quả bom nổi, vì chứa đầy đạn dược và chất nổ.
 
 Một sĩ quan hải quân Pháp cho biết, đó là một chiến hạm siêu vũ trang, « sát thủ » hàng không mẫu hạm.
 
Niềm kiêu hãnh quốc gia chìm xuống Hắc Hải, Matxcơva điên tiết
 
Libération cuối tuần nhận định « Niềm kiêu hãnh quốc gia của Nga chìm xuống Hắc Hải ». Chiếc « Moskva » được đóng tại Mykolaiv,
 
thành phố cảng Ukraina mà quân Nga vẫn chưa chiếm nổi từ 24/02. Soái hạm này từng hộ tống nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô,
 
 Mikhail Gorbatchev đến Malta họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ George Bush (cha), kết thúc chiến tranh lạnh. Moskva tham dự
 
hầu hết các chiến dịch của Vladimir Putin gần đây : Gruzia (2008), Syria (2015), cảng thường trú là Sébastopol sau khi Nga chiếm
 
 được Crimée. Le Monde dẫn lời nhà nghiên cứu Hugo Decis của IISS cho biết thêm, trên soái hạm Moskva có nhà nguyện được cho
 
 là nơi lưu giữ một thánh tích hết sức quý báu : một mẩu của cây thập tự giá mà Chúa Giêsu từng bị đóng đinh.
 
Việc triển khai soái hạm Moskva trong cuộc xâm lăng Ukraina có bốn mục tiêu : chận không cho hải quân Ukraina và đồng minh đi vào
 
Hắc Hải nhờ vũ khí chống hạm, đóng góp vào ưu thế trên không của Nga với hệ thống phòng không S-300F, bảo vệ các chiến hạm khác
 
nhất là những chiếc dùng để đổ bộ, phối hợp và chỉ huy hạm đội. Những hình ảnh cuối cùng của chiến hạm khổng lồ được Maxar ghi
 
nhận ngày 10/04 ngoài khơi Sébastopol. Số phận khoảng 500 thủy thủ vẫn chưa rõ.
 
Nhiều câu hỏi được chuyên gia Vincent Groizeleau đặt ra. « Moskva » bị tấn công lúc đang bị hỏng hóc, hay thời tiết xấu khiến hệ thống
 
 giám sát bị hạn chế ? Hệ thống phòng vệ không hiệu quả, hoặc là bị gây nhiễu ? Ukraina nói rằng các drone TB2 đã được dùng nghi
 
binh để hỏa tiễn có thể đánh vào soái hạm. Neptune có tầm hoạt động 300 km nên có thể bắn đi từ bờ biển, ngoài phạm vi phát hiện
 
của tuần dương hạm. Với mục tiêu di động, còn phải có phương tiện trên không để hướng dẫn hỏa tiễn, và như vậy drone đang khẳng
 
 định tầm quan trọng trong cuộc chiến Ukraina.
 
Libération thắc mắc, có lẽ Nga thiếu thông tin tình báo ? Hệ thống Neptune cần đến bốn xe tải, nên không quá khó để phát hiện từ trên
 
cao (vệ tinh, máy bay, drone). Tờ báo cũng ghi nhận « Moskva chìm, Matxcơva điên tiết ». Ngay hôm sau, hỏa tiễn Nga rơi xuống ngoại
 
 ô Kiev, phá hủy một phần nhà máy Vizar, nơi sản xuất …hỏa tiễn Neptune. Khó thể nói đây là sự tình cờ. Giám đốc CIA William Burns
 
còn lo ngại Matxcơva có thể dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật để rửa mối nhục này.
 
Từ Odessa đến Bucha, những phóng sự tại chỗ
 
Cũng liên quan đến Nga, Le Point sau khi làm một chuyến du hành từ Gruzia đến Bulgari, tố cáo việc Nga khống chế Hắc Hải. Theo cơ
 
quan hàng hải Panama, hải quân Nga từ giữa tháng Ba đã ngăn cản 200 đến 300 chiếc tàu đi vào Odessa. Đặc phái viên L’Express đến
 
 thành phố cảng này của Ukraina, cho biết thành phố huyền thoại bên Hắc Hải tuy bị không kích ba đêm liên tiếp nhưng người dân
 
Odessa vẫn bình tĩnh chờ đợi trận đánh lớn sắp tới, và tin tưởng Ukraina sẽ chiến thắng.
 
Tại Nga, phóng sự của L’Obs ghi nhận trong lúc truyền hình gọi người Ukraina là « thú hoang », đại đa số người Nga quay lưng với
 
cuộc chiến. Họ im lặng vì sợ hãi, bên cạnh đó một thiểu số dân tộc chủ nghĩa đả kích phương Tây. Riêng Courrier International dành
 
hồ sơ cho « Những quốc gia không liên kết mới ». Trong lúc nghi vấn tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraina ngày càng chồng chất,
 
một loạt các nước châu Phi, Ả Rập, châu Á, Nam Mỹ vì lý do chiến lược hoặc kinh tế, đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp
 
 Quốc lên án cuộc xâm lăng của Nga.
 
Cũng về những vụ thảm sát, các đặc phái viên L’Obs đến tận các thành phố phía tây Kiev để tìm hiểu. Ở Borodianka cách thủ đô 40
 
kilomet, cư dân cho biết đội quân từ Checnya của Kadyrov, thủ lãnh nước cộng hòa chư hầu của Putin, đã gây nhiều tội ác, thậm chí
 
sát hại cả những lính Nga muốn bỏ trốn. Tại Bucha, nơi đã tìm thấy hơn 400 xác, quân xâm lăng chiếm ngụ những căn nhà tiện nghi
 
nhất sau khi sát hại chủ nhân. Một phụ nữ kể lại, một người lính sắc tộc Mông Cổ đến hỏi bà « giấu lính Mỹ và Nhật ở đâu », họ nghĩ
 
 rằng cuộc chiến này do Mỹ khởi động !
 
Matxcơva đánh thức các nền dân chủ phương Tây
 
Le Point cho rằng « Các nền dân chủ tỉnh thức nhờ...Nga ». Cuộc xâm lăng Ukraina đã mở ra đối đầu quy mô giữa các chế độ độc tài
 
và dân chủ, kết thúc thời kỳ hậu chiến tranh lạnh và là hồi kết của toàn cầu hóa.
 
Một loạt cuộc chiến từ Afghanistan đến Sahel, khủng hoảng tài chính 2008 rồi khủng hoảng đồng euro, làn sóng di dân và đại dịch từ
 
Vũ Hán đã làm rạn vỡ xã hội. Trào lưu dân túy từ Brexit đến Donald Trump tạo ra những nền dân chủ phi tự do, và từ 2012 số quốc gia
 
dân chủ từ 42 chỉ còn 34, chiếm 13 % dân số thế giới. Nguyên tắc tự do mậu dịch và sự lãnh đạo của Mỹ đã tạo ra hòa bình, thịnh
 
vượng nay bị lung lay, mở ra khoảng trống cho các chế độ độc tài.
 
Để xuất khẩu mô hình, Nga dùng vũ lực, nhất là qua lực lượng lính đánh thuê Wagner, còn Trung Quốc thông qua « Con đường tơ
 
lụa mới ». Matxcơva và Bắc Kinh chính thức ký thỏa thuận đối tác ngày 04/02 với tham vọng thống trị thế giới. Việc Nga xâm lược
 
Ukraina đã mở ra một thế trận mới, nhưng ngược với những gì Vladimir Putin và Tập Cận Bình chờ đợi.
 
Một bức màn sắt ập xuống châu Âu, cô lập nước Nga. Tuy các nước phương nam thận trọng, nhưng sự tàn bạo của quân đội Nga
 
 tại Ukraina đã gây phẫn nộ cho dư luận thế giới. Nga mất 20 % lực lượng đã tung vào cuộc chiến, GDP sụt 15 %; giới tinh hoa ra đi,
 
bị cấm vận nặng nề và trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, cái giá phải trả cho « tình bạn không giới hạn » ngày càng
 
cao trong khi sắp đến đại hội đảng thứ 20.
 
Le Pen, con ngựa thành Troie của Putin có thể giúp xoay chiều cuộc chiến
 
Trong khi đó, Ukraina với sự trợ giúp của phương Tây đã chứng tỏ có thể kháng cự thành công trước bạo lực độc tài. Liên Hiệp Châu
 
 Âu trở nên đoàn kết chưa từng thấy trong việc trừng phạt Nga và tổ chức tái vũ trang. Hoa Kỳ có thể là người thắng lớn nhất trong cuộc
 
 chiến này, về kinh tế là nhu cầu về năng lượng, vũ khí, nông sản, về chiến lược là sự nối kết lại với các đồng minh.
 
Nhìn chung, chiến tranh Ukraina mang lại lý do để hy vọng về sức mạnh dân chủ, nhưng với điều kiện phối hợp đáp trả và kháng cự lâu
 
dài. Cuộc đấu tranh còn khó khăn, bằng chứng là chiến thắng của Viktor Orban ở Hungary, và tiền tuyến nay là nước Pháp. Nếu Marine
 
 Le Pen đắc cử ngày 24/04, không chỉ nước Pháp tàn lụi mà châu Âu bị chia rẽ và các nền dân chủ dễ tổn thương hơn.
 
Cũng theo Le Point, chiến thắng của Le Pen sẽ là thắng lợi bất ngờ cho Vladimir Putin, EU sẽ xáo trộn dữ dội hơn cả Brexit. Tương tự,
 
 Financial Times được Courrier International trích dịch cũng cho rằng Le Pen là « con ngựa thành Troie » của Putin, bên cạnh Victor
 
Orban và Aleksandar Vucic của Serbia - nước ứng viên EU. Trong khi Nga đang thất thế ở Ukraina, chỉ có một sự đảo ngược chính trị
 
 quan trọng mới thay đổi được chiều hướng cuộc chiến.
 
Khác với Orban và Vucic, Le Pen lên làm tổng thống sẽ là cú sốc địa chính trị. Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất(sai Anh cũng có) có vũ khí nguyên tử,
 
ảnh hưởng sẽ rất lớn. Không chỉ chống lại NATO, thủ lãnh cực hữu còn hủy bỏ trừng phạt Nga và thúc giục Ukraina phải thuận theo
 
những yêu sách của Matxcơva. L’Obs lo sợ Paris sẽ rơi vào vòng tay của Putin, gây bất ổn cho châu Âu hiện đang hỗ trợ cho Ukraina
 
trong cuộc chiến tổng lực với Nga.
 
Pháp bị cô lập nếu rút khỏi bộ chỉ huy NATO
 
L'Express lưu ý đến việc ứng cử viên cực hữu muốn Pháp ra khỏi bộ chỉ huy NATO. Chủ trương này vừa thiếu nhất quán lại vừa nguy
 
hiểm. Nếu bà Le Pen trở thành tổng thống, một vị tướng và hơn 100 quân nhân Pháp sẽ phải rời khỏi căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia,
 
 xách va li về nước.
 
Lãnh thổ này của Mỹ là nơi đặt trụ sở một trong hai bộ chỉ huy tối cao NATO, do một tướng Pháp lãnh đạo từ 2019. Theo Le Pen, việc
 
rút lui một phần này (Pháp vẫn là thành viên NATO) sẽ giúp Paris mạnh hơn, « độc lập về quân sự và ngoại giao ». Nhưng tờ báo khẳng
 
 định sẽ làm nước Pháp bị yếu đi lâu dài. Paris sẽ mất uy tín, hơn nữa không một đồng minh nào hiểu được động thái này.
 
Việc quay lại với bộ chỉ huy NATO dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy không hề ngăn trở Pháp tiến hành chiến dịch quân sự như ở Mali,
 
hay rút quân khỏi Afghanistan từ 2012, đối thoại với Nga...Marine Le Pen nêu ra quyết định của tướng De Gaulle năm 1966 để biện minh.
 
 Nhưng động cơ của tổng thống thời đó khác hẳn : vì tổng thống Mỹ Johnson từ chối công nhận việc Pháp chủ động răn đe hạt nhân.
 
Nhưng De Gaulle cũng rất rõ ràng, chưa bao giờ nghĩ đến việc liên minh với Liên Xô, ngược hẳn chủ trương của Le Pen đối với nước
 
Nga của Putin hiện nay.
 
Đừng đùa với lửa !
 
Để bù đắp lại, lãnh đạo đảng cực hữu cho rằng sẽ lập đối tác chiến lược song phương với các nước, đặc biệt với Anh. Nhưng một hiệp
 
ước mới sẽ khó thực hiện với Anh, vì Luân Đôn sau Brexit đã gắn bó với NATO hơn bao giờ hết. Marine Le Pen cũng sẽ chẳng được Hoa
 
Kỳ tôn trọng hơn, cho dù tổng thống sắp tới là một người cộng hòa không thích NATO đi nữa, vì thái độ chống Mỹ, thân Nga của bà. Thế
 
nên cũng khó thể hy vọng Washington chấp nhận « đối tác chiến lược song phương ». Tóm lại, một tổng thống cực hữu quay lưng với
 
NATO chỉ dẫn đến sự cô lập ngoại giao của Pháp.
 
L’Obs cảnh báo, cuộc song đấu giữa tổng thống mãn nhiệm và chủ tịch đảng Tập hợp Dân tộc (RN) không phải là một « remake » của
 
năm 2017. Macron không còn đại diện cho cái mới, còn Le Pen đã bình thường hóa được hình ảnh của cực hữu, và chiến thắng của bà
 
không phải là bất khả. Ứng cử viên RN khôn khéo đưa vào một số biện pháp cánh tả để lôi kéo giới bình dân, nhưng nước Pháp của Le Pen
 
vẫn mang tính phân biệt đối xử, hướng theo mô hình dân chủ phi tự do. Theo tờ báo, Macron có thể thất bại và cử tri không nên đùa với lửa.
 
Trò chơi roulette Nga không thể tái diễn nhiều lần
 
Nhìn từ Luân Đôn, The Economist tương đối lạc quan hơn, trấn an « Đừng sợ hãi ». Người Pháp vốn không ưa các tổng thống của họ, thường
 
dùng lá phiếu để cảnh cáo nguyên thủ đương nhiệm. Từ 1965 đến nay, chỉ có hai tổng thống tái đắc cử. Nên nhớ rằng trong vòng một ngày
 
10/04, Emmanuel Macron đạt tỉ lệ 27,9 %, cao nhất kể từ 1988 và cao hơn gần 4 điểm so với 2012. Có nghĩa là ông lãnh đạo hiệu quả, tạo
 
 được nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất và cải thiện việc đào tạo, mặc cho những rối loạn do Covid. Macron sẽ nhận được đa số những lá
 
phiếu của cử tri các ứng cử viên đã bị loại, còn Le Pen thâu tóm phiếu của ứng cử viên cực hữu Eric Zemmour nhưng khó thể chinh phục
 
 đại đa số cử tri của ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, người về thứ ba.
 
Theo thăm dò của The Economist, kết quả sẽ là 53 và 47 % với phần thắng về phía Emmanuel Macron. Nhưng đừng quên trường hợp ngựa
 
về ngược như Brexit và Donald Trump. Không nghi ngờ gì nữa: Le Pen làm tổng thống sẽ là thảm họa cho nước Pháp và cho châu Âu, những
 
 cuộc biểu tình lớn và có thể là bạo lực, sẽ làm rung chuyển các đường phố Pháp. Đây là lần thứ ba trong vòng 20 năm qua cực hữu lọt vào
 
vòng hai, và là lần thứ nhì Macron mặt đối mặt với Le Pen.
 
Dù kết quả vòng hai như thế nào đi nữa, hôm 10/04 có đến 58 % cử tri đã bỏ phiếu cho phe cực hữu và cực tả, dấu hiệu cho thấy nước Pháp
 
 đang chia rẽ và không hạnh phúc. Hai đảng truyền thống thay nhau cầm quyền từ 1958 gần như bốc hơi. Nếu tiếp tục được nhiệm kỳ thứ hai,
 
 Emmanuel Macron phải tấn công vào những nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng chia rẽ trên đây, vì roulette Nga không phải là một trò chơi
 
có thể diễn lại nhiều lần.



Thụy My 

16/04/2022

______________

 
usaelection gởi