Sự ‘giàu có’ của người nghèo
Hồi còn là sinh viên vào các kỳ nghỉ, tôi thường xin dạy thêm ở các trường mẫu giáo. Lần đó tôi xin được một chỗ làm ở thị trấn St.Louis. Ngày mùng 2 của tháng, tôi mới được biết ở đây người ta chỉ được trả lương vào cuối tháng. Lúc đó tôi lặng người, bởi trong túi tôi chỉ còn 4$, tôi không thể trả tiền trọ chứ đừng nói đến đổ xăng hay ăn tối.
Tôi có một cây kèn trumpet và biết chơi piano một chút, nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là dùng chúng để kiếm tiền. Nhưng ở đâu? Tôi còn chưa quen với thị trấn này. Thế là tôi quyết định: đem cái kèn của mình đi … cầm đồ, được 15$, đủ trả tiền trọ cho ngày hôm đó và hôm sau nữa. Nhưng rồi sẽ ra sao?
Có một quán cà phê nghèo nằm ngay cạnh tiệm cầm đồ. Tôi vào và gọi cốc bia 35 xu. Rồi ngồi bên cốc bia và thừ mặt ra.
“Trông cậu cứ như vừa đánh mất đồng xu cuối cùng ấy, con trai!”, người hầu bàn già lại gần tôi và nói như vậy.
Ông ấy tên là Charlie, 60 tuổi. Tôi kể cho ông ta nghe mọi chuyện, kể cả chuyện cầm chiếc kèn. Charlie nghe rồi hỏi: “Cũng biết chơi piano à?”.
“Cháu biết một chút thôi …”. Charlie lại suy nghĩ vài phút, rồi hỏi tiếp: “Có biết chơi bài “Stardust” không?”.
Thật may, đó là một trong số vài bài tôi biết chơi. Tôi thử chơi cho Charlie nghe, cố gắng hết sức. Không hay lắm, nhưng Charlie có vẻ thích. Ông cười vang và vỗ tay theo: “Cậu chơi không hay lắm, nhưng không tệ đến nỗi có thể đuổi hết khách đi đâu! Mỗi tối cậu hãy đến đây chơi bản nhạc này, tôi sẽ cố giúp cậu kiếm được đủ tiền cho đến khi nào cậu được trả lương. Có bộ vest nào không?”.
Tôi không có, nên Charlie phải dẫn tôi đi mua ở một cửa hàng đồ cũ. Bộ vest màu nâu, có lẽ được dùng cho những người 40 tuổi, nhưng dù sao nó cũng hợp với tôi.
Ngày hôm sau, khách đến quán cà phê vào khoảng 6 giờ tối. Trông ai cũng vất vả và lấm lem.
Họ già hơn tôi nhiều, có những người trông khắc khổ và lôi thôi. Họ nghe “Stardust” và những bài hát cũ mà tôi chơi một cách chăm chú, có người còn khóc. Mỗi tối vài lần, Charlie đặt một chiếc hộp lên quầy hàng và kêu lên: “Anh em, chúng ta cần giúp đỡ cậu bé này!”. Và đôi khi ông kể lại cả tình trạng của tôi: sống một mình và không có tiền.
Ðến buổi tối thứ ba, có một bà cụ đến gần tôi: “Con trai, ta không có tiền để giúp con đâu, nhưng ta có một căn phòng ở ngay bên cạnh và không dùng tới. Con có thể ngủ đêm ở đó để khỏi phải trả tiền nhà trọ.”.
Và thế là cứ ban ngày thì tôi dạy trẻ con ở trường mẫu giáo, tối chơi nhạc cho những người già ở quán của Charlie. Sau một tháng, tôi được lãnh lương. Tiền lương khá cao, đủ để tôi có thể sống đàng hoàng. Tôi quay lại quán của Charlie chơi thêm một buổi nữa. Lần này tôi nói Charlie đừng đặt cái hộp lên bàn, vì tôi đã có tiền rồi.
Nhưng ở chỗ mà mọi hôm Charlie đặt cái hộp, hôm nay mọi người vẫn để tiền vào, dù không có hộp. Có nhiều đồng xu, và cả 1 tờ 20$.
Tôi không biết điều gì đã làm cho những người nghèo khổ ấy lại muốn giúp một “thằng bé” mà họ không quen biết, khi chính họ sống cũng vô cùng chật vật.
Sau này tôi chơi piano tốt hơn và cũng làm thêm tại một khách sạn lớn. Tôi chơi piano cho những người khách giàu có và sang trọng. Nhưng chưa một lần nào, và chưa một ai sẵn sàng chia sẻ với tôi chính những gì họ có như những người nghèo ở quán của Charlie…
Chicken Soup For The Soul
_____________________
Alice Dupond gởi