Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Sự Tích Ngài Huyền Trang Ði Thiên Trúc Thỉnh Kinh 


Pháp sư Huyền Trang ra đời vào năm thứ hai niên đại Nhân Thọ, đời Tùy Văn-Ðế tức năm 601 công nguyên. Sư quê ở Trần-Lưu, Hà-nam, người họ Trần, lúc thiếu thời đã tỏ ra thông tuệ khác thường, chỉ mới 7 tuổi đã học Ngũ Kinh. Năm lên 13 tuổi, Sư theo anh thứ hai là Pháp sư Trường Tiệp đi Lạc Dương, xuất gia tại chùa Tịnh Ðộ và từ đó học tập Kinh điển.

Theo chế độ đời nhà Tùy, ai muốn xuất gia đi tu đều phải qua một cuộc khảo thí. Nếu hợp cách thì được một tờ chứng thư, gọi là độ điệp, và lúc đó mới đủ tư cách làm Sa-di. Sư đặt chân tới Lạc Dương nhằm đúng vào lúc có kỳ khảo sát, nhưng vì quá nhỏ tuổi Sư không được phép ứng thí. Trước cổng trường thi, Sư đứng bồi hồi, than tiếc khôn nguôi!

Lúc ấy, quan Chủ khảo là Trịnh Thiện Quả nhác thấy, nhận ngay ra Sư thuộc hàng long tượng trong Phật giáo, nên đặc cách cho Sư vào dự thi. Năm 20 tuổi, sau khi thọ giới Cụ túc, Sư lên đường hành cước đi tham vấn Thiện tri thức khắp nơi. Sư có dịp nhận thấy các điều thuyết giảng của các vị Tăng so với Kinh điển có nhiều phần không phù hợp, khiến cho người tu không biết y cứ vào đâu, nhất là theo nội dung của Thập Thất Ðịa Luận thì kiến giải lại có nhiều điểm bất đồng. Sư bèn phát nguyện đi Thiên Trúc (tức Ấn-độ ngày nay) để nghiên cứu Phật Pháp đặng giải các mối nghi này.

Bởi đường đi Thiên Trúc quá gian nan, phải vượt qua bao nhiêu chướng ngại, núi thì cao chót vót, đèo thì vô cùng hiểm trở, do đó để chuẩn bị cho cuộc hành trình mạo hiểm này, Pháp sư Huyền Trang phải tự luyện tập kỹ thuật leo núi. Sư dùng các vật liệu như bàn, ghế, lấy cái nọ chồng lên cái kia, chất đống lại như hình một hòn núi giả, rồi hàng ngày tập leo lên leo xuống, đến khi thuần thục, lại đi vào rừng núi thực tập.

Thời gian tập luyện như vậy kéo dài khoảng một năm. Sư dâng biểu tâu vua, xin phép đi Thiên Trúc thỉnh Kinh. Hồi đó nhà Ðường đương có pháp lệnh cấm chỉ việc xuất cảnh, nên biểu tấu của Sư không được vua Ðường Thái Tông phê chuẩn. Tuy nhiên, vì đã có chủ ý từ trước, bất luận có được phép hay không, cuối cùng Sư vẫn nhất quyết ra đi. Từ Tràng An xuất phát, Sư một mình cứ nhắm phía Tây mà hướng tới.

Có một hôm, Sư đi ngang qua một hang núi, thấy trước cửa hang có nhiều phân của loài dơi. Sư nghĩ rằng trong hang này ắt hẳn không có bóng người trú ngụ, vì nếu có, thì đâu có nhiều phân dơi như vậy! Ðộng lòng hiếu kỳ, Sư đi vô hang, và chẳng đi bao xa thì thấy một hình thù quái dị, như một quái vật, trên đầu thì tóc kết lại, ở đó chim làm thành một cái tổ, trong tổ chim nhỏ kêu chíp chíp!

Mặt của quái vật thì phủ một lớp bụi đất dầy, hình thù như một tượng đá, Pháp sư lại gần quan sát kỹ: hóa ra đây là một vị tu hành già, đã nhập định từ lâu. Sư lấy khánh gõ nhẹ, dụ cho vị này xuất định, và, chờ một lúc sau lão tăng bắt đầu cựa quậy. Sư hỏi ông vì lý do gì mà ngồi ở đây. Quai hàm lão tăng nhúc nhích được một lát thì có âm thanh phát ra như sau: -"Tôi chờ đức Phật Hồng Dương (tức Phật Thích-Ca) xuất thế để tôi có thể giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp".

Ðến khi nghe Pháp sư nói cho hay Phật Thích Ca đã nhập Niết-bàn từ lâu rồi, thì lão tăng tỏ vẻ kinh ngạc hỏi: - Ðức Thích-ca Mâu-ni ra đời hồi nào? - Ngài đã ra đời trên một ngàn năm nay và Ngài cũng đã nhập diệt từ lâu. Lão tăng nói: - Ðức Thích-ca đã nhập Niết-bàn ư? Vậy thì tôi lại nhập định chờ đức Phật Bạch Dương (tức Phật Di-lặc) ra đời để giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp.

Pháp sư nói: - Ông bất tất phải nhập định chờ đức Phật Di-lặc ra đời. Như vậy ông sẽ có thể bỏ lỡ cơ hội mật lần nữa. Chi bằng nay ông hãy theo tôi đi qua Chấn Ðán (tức Trung quốc). Ngày nào tôi trở về nước ông sẽ giúp tôi hoằng dương Phật Pháp. Lão tăng suy nghĩ xong cho là có lý, bèn tỏ ý ưng thuận với lời đề nghị của Pháp sư Huyền Trang. Pháp sư dặn dò như sau: "Cơ thể này của ông đã quá cũ kỹ, ông nên đổi qua một thân mới.

Khi tới Tràng An, ông xem căn nhà nào lợp bằng ngói sắc vàng lưu ly thì tìm vào đó đầu thai. Ngày sau, khi tôi ở Thiên trúc thỉnh Kinh về, tôi sẽ đến đón ông". Dặn xong, hai người chia tay lên đường, người đi về hướng Ðông, kẻ về hướng Tây. Pháp sư Huyền trang leo đèo lội suối, trải qua biết bao lần tai nạn hiểm nghèo nhưng không bao giờ biết thối chí. Sư đã có lời thề: Thà một bước chết ở trời Tây Còn hơn sống lui bước về Ðông Ðộ Một tinh thần vì Pháp quên mình như vậy, quả là vĩ đại! Có như thế Pháp sư mới hoàn thành được một sự nghiệp cũng rất là vĩ đại, một cống hiến lớn lao cho Phật giáo Trung Hoa, đồng thời Sư cũng là người khai sáng ra tông phái Duy Thức. Có câu nói "kiến hiền tư tề".

Chúng ta muốn thành tựu Ðạo nghiệp, ắt phải noi theo gương sáng của Pháp sư Huyền Trang, lấy Pháp sư làm mẫu mực để làm theo, khiến cho trí huệ bổn hữu của chúng ta xuất hiện, đặng cống hiến chút phần công sức cho Phật giáo. Từ đó, ngày lại ngày, gối đất nằm sương, Ngài cứ theo hướng Tây mà tiếp tục hành trình, kiên nhẫn giữ vững ý chí, quyết một lòng, chưa tới đích thì chưa ngưng nghỉ.

Người xưa nói: "Có chí thì nên". Ngài trải qua vạn ngàn gian khổ, đi trong ba năm thì tới được Thiên Trúc, và, tại Ðại học Phật giáo Na-lan-đà, Ngài bái Ðại sư Giới Hiền (Shilabhadra) làm thầy, đương thời là một vị cao tăng nổi tiếng về môn Duy thức học. Ở đây Ngài chuyên học về Thập Thất Ðịa Luận và Du-già Luận. Kết thúc thời gian tu học, Ngài trở về nước. Khi đi ngang qua thành phố Khúc Nữ (Kanyakudja), Ngài được quốc vương nơi đây là Giới Nhật (Shiladitya) cung thỉnh. Vào lúc thành Khúc Nữ tổ chức một cuộc hội thảo lớn, có sự tham gia của mười tám vị quốc vương cùng với các tông phái Ðại thừa, Tiểu thừa, Bà-la-môn và cả các phái ngoại đạo, tổng cộng khoảng chừng sáu ngàn người, tóm lại một pháp hội lớn xưa nay chưa từng có, Pháp sư được mời đến giữ vai làm hội chủ. Ngài cũng thảo một luận chương xiển dương Ðại Thừa và luận chương này được yết ngay trước cửa hội trường, kèm theo một lời ghi chú: "Nếu sửa được một chữ, nguyện xin bái làm thầy". Hội thảo kéo dài mười tám ngày, nhưng không một ai sửa được chữ nào, cuối cùng Ngài trở thành vô địch, không ai thắng nổi, tên tuổi vang lừng khắp năm nước ở Thiên Trúc và không ai là không biết tới đại danh của Pháp sư Huyền Trang.

Năm Trinh Quán thứ 19 (công nguyên năm 645), ngày 24 tháng giêng, Ngài về tới Tràng An, với sự nghênh đón của cả mấy chục ngàn người, cả Tăng lẫn tục gia. Vua Ðường Thái Tông phái tướng quốc là Lương Quốc Công, và Phòng Huyền Linh đón tiếp Ngài. Sau này Ngài trụ trì ở chùa Hoằng Phúc làm công tác phiên dịch Kinh điển Phật giáo. Ngài lưu học tại Ấn-độ mười hai năm, cộng với thời gian đi về năm năm, thành thử Ngài coi như là vị Tổ sư trong các Tăng sĩ du học.

Kinh điển mang về Trung Hoa chứa trong năm trăm hai mươi cái rương, tính ra hơn sáu trăm bộ. Ngài cung hiến tất cả cho quốc gia. Vua Ðường vời đến triều kiến rồi ban thưởng cho Ngài. Thoạt gặp vua Ðường, Ngài có lời mừng: "Cung hỷ bệ hạ!" Vua không hiểu ý tứ ra sao mới hỏi lại: -"Mừng về chuyện gì?" - Mừng bệ hạ vừa có thái tử. Vua Ðường hết sức ngạc nhiên, đáp lại rằng: - Không có chuyện đó. Pháp sư tự nghĩ: "Rõ ràng ta đã căn dặn lão tăng đến đây đầu thai, mà sao nay lại không thấy?" Ngài liền nhập định quan sát.

Thôi rồi! Ông ta không chịu tìm cho kỹ càng nên đã đầu thai lầm vào tôn phủ của Uất Trì Cung rồi! Ngài bèn tâu lên vua đầu đuôi sự việc. Ðường Thái Tông nói: - Hóa ra sự thể như vậy. Pháp sư độ cho y đi. Ngài tới thăm Uất Trì Cung, kể rõ sự tình. Khi thoạt trông thấy người cháu của vị công thần này, Ngài vô cùng hoan hỷ, bởi trang thiếu niên trông rất khôi ngô, tỏ dạng một anh tài, sau này ắt sẽ trở thành một pháp khí lớn.

Do đó Ngài mở đầu nói ngay: "Ngươi hãy theo ta xuất gia!". Thiếu niên nghe nói tỏ vẻ không vui, đáp: - Ðại sư nói gì? Bảo tôi xuất gia ư? Ðâu có chuyện đó được? Nói rồi, thiếu niên quay gót bỏ đi. Pháp sư Huyền Trang chỉ còn cách tâu lại vua Ðường, nhờ vua chu toàn cho đoạn nhân duyên đó. Ðường Thái Tông bèn hạ chỉ, ra lịnh cho cháu của Uất trì Cung xuất gia. Vị đại thần tiếp chỉ gọi cháu ra thì gặp ngay sự cự tuyệt của cháu. Y nói: - Có lý nào như vậy! Vì cớ gì Hoàng Ðế bắt cháu phải xuất gia? Ðể cháu gặp Hoàng Ðế nói cho rõ chuyện này!

Ngày hôm sau, Uất trì Cung mang cháu ra mắt vua. Thiếu niên tâu lên: - Bệ hạ bảo thần xuất gia, được lắm! Nhưng thần xin ba điều kiện. Ðường Thái Tông nói: - Ngươi muốn bao nhiêu điều kiện cũng được. - Thần vốn thích uống rượu và không thể không có rượu. Vậy bất luận ở chỗ nào, phải có một xe chất đầy rượu cho thần. Nhà vua thầm nghĩ: "Giới của kẻ xuất gia là không được uống rượu.

Có điều Pháp sư Huyền Trang đã có lời dặn dầu điều kiện nào cũng ưng thuận cho y." Vua đáp: - Ðược! Ta ưng thuận. Ðiều kiện thứ hai là gì? - Thần biết rằng người xuất gia không được ăn thịt, nhưng thần lại thích món này. Vậy bất luận thần ở chỗ nào cũng phải có một xe thịt tươi đi theo thần. - Ta ưng thuận. Còn điều kiện thứ ba? Người cháu của Uất trì Cung không thể ngờ rằng nhà vua lại chịu cho hai điều kiện y vừa yêu cầu, y nói tiếp: - Kẻ xuất gia thì không thể có vợ, nhưng thần thì không thể thiếu đàn bà. Vậy bất luận thần ở chỗ nào cũng phải có một xe chở con gái đi theo thần.

Vua Ðường nghĩ bụng: "Ái chà! Ðiều kiện này làm sao mà cho được? Nhưng Pháp sư đã dặn, dầu điều kiện nào cũng chấp thuận cho y". Nghĩ vậy, vua đáp: - Ðược! Ta hoàn toàn chuẩn y cả. Bây giờ ngươi xuất gia được rồi! Thiếu niên thấy không còn biện pháp nào khác để từ chối, đành miễn cưỡng nhận lời xuất gia. Cho nên, tới ngày đã định, khi y đi đến chùa Ðại Hưng Thiên để làm lễ, thì theo sau y, là một xe chở rượu, một xe chở thịt tươi, một xe chở mỹ nữ.

Trong khi đó, tại chùa, cũng đã có sự chuẩn bị sẵn, nên khi nghe tin đoàn người sắp tới, tiếng chống và tiếng chuông trong chùa đều nhất tề gióng lên. Thoạt nghe tiếng chuông trống, thiếu niên bừng tỉnh ngộ: "Ồ! Ta vốn là vị lão tăng năm đó, đến chỗ này để giúp Pháp sư Huyền Trang hoằng dương Phật Pháp". Ngay đó, y đuổi hết cả đoàn ba xe về, và không cần một thứ gì nữa. Thiếu niên đó, sau này là Ðại sư Khuy Cơ, và được người đương thời đặt danh hiệu là Tam Xa Tổ Sư. Trong số các luận về Duy Thức Tam Thập Tụng mà Pháp sư Huyền Trang mang về Trung Hoa có tất cả tác phẩm của mười Luận gia.

Pháp sư dịch hết ra tiếng Hán, theo sát ý tứ trong nguyên văn, một chữ chẳng thêm, một chữ chẳng bớt. Hồi đó Ðại sư Khuy Cơ đảm nhiệm công tác nhuận sắc. Khi hoàn tất việc dịch cả mười bộ Luận, Ðại sư Khuy Cơ đưa ra đề nghị như sau: "Trong mười tác phẩm của các Luận gia, mỗi bộ đều có sở trường riêng và đều có chỗ dị biệt. Nếu không đồng nhất thì e rằng học giả đời này và đời sau sẽ hoang mang, không biết đâu mà y cứ. Chi bằng nay bỏ bớt đi cái vỏ rườm rà, chỉ giữ lại cái cốt tủy mà đem đúc thành một bộ, khiến cho người đời này và đời sau khi nghiên cứu Duy Thức học có thể đi tới cùng một kết luận, không lãng phí nhiều thời gian mà có thể lãnh hội được pháp yếu".

Pháp sư Huyền Trang thấy lời đề nghị có lý, cho nên tất cả hợp lại thành một bổn luận, tức nay là bộ "Tam Thập Tụng Duy Thức Luận". Pháp sư lại thân truyền cho Ðại sư Khuy Cơ môn Nhân Minh Luận (logic) khiến về sau Ðại sư Khuy Cơ trở thành một chuyên gia về Duy Thức Học. Ðem hết tâm trí để truyền bá tư tưởng Duy Thức. Ðại sư được coi như Tổ thứ hai Tông Duy Thức. Hai năm sau ngày về nước, Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu soạn bộ "Ðại Ðường Tây Vực ký", gồm 12 quyển.

Tới năm Hiển Khánh thứ nhất đời Ðường, tức năm 660 công nguyên, lúc đã 59 tuổi, Ngài bắt đầu dịch bộ Kinh Ðại Bát-nhã. Trong bản nguyên văn bằng tiếng Phạn, Kinh Ðại Bát-Nhã gồm hai trăm ngàn (200.000) câu tụng. Ngài dịch toàn bộ, không hề lược bớt một đoạn nào, theo rất sát với nguyên văn, và sau bốn năm trường dịch xong thành sáu trăm quyển. Qua năm sau, Ngài tính dịch Kinh Ðại Bảo Tích, nhưng vì ngả bệnh nên việc dịch phải đình lại. Pháp sư viên tịch vào tháng 2 năm Lân Ðức thứ nhất, tức năm 664 công nguyên, hưởng thọ 64 tuổi, an táng tại Bắc Nguyên thuộc Phàn Xuyên.

Công tác dịch Kinh điển của Pháp sư gồm tất cả 75 bộ, 1335 quyển. Như vậy Ngài là một trong bốn nhà dịch kinh lớn của Trung quốc. Ðệ tử của Ngài rất đông, trong số này, Ðại sư Khuy Cơ, Viên Trắc là các vị truyền thừa về Duy Thức, còn Phổ Quang và Thần Thái là truyền thừa của Câu Xá (Kosa) Tông. Hai triều Tùy và Ðường chính là các thời đại hoàng kim của Phật giáo, thời đại của "trăm nhà đua tiếng", các Tổ sư lần lượt xuất hiện và sáng lập Tông phái.

Ðương thời kể ra có mười Tông, Tiểu thừa hai Tông còn Ðại Thừa gồm tám Tông. Trong số mười Tông này, Tam Luận Tông và Duy Thức Tông hoàn toàn bảo tồn tư tưởng gốc tại Thiên Trúc, giáo lý được truyền qua đất mới nhưng tinh nghĩa được giữ nguyên vẹn. Còn như đối với Tông Thiên Thai - lấy Kinh Pháp Hoa làm tông - và Tông Hiền Thủ - lấy Kinh Hoa Nghiêm làm tông - nội dung đã có sự hội nhập với các tư tưởng của Trung quốc. Bốn Tông vừa kể được xếp vào loại Giáo môn.

Cho tới nay, thời gian biến diễn, các phân loại hiện tại chia thành năm phái lớn. Ðó là Giáo, Thiền, Tịnh, Luật, Mật. Kỳ thực tất cả đều cùng chung một mục đích tối hậu là đạt Niết-bàn, chỉ có phương pháp tu trì là khác biệt mà thôi.

Thiền-thất khai thị tháng 12 năm 1980.
Khai thị - HT Tuyên Hoá (Quyển 5) 

_______________


Hoang Nguyen gởi