Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

SỨC MẠNH KHÔNG THỂ BẺ CONG
 


Tạm thời hãy quên đi hai cơn ác mộng coronavirus và “mở cửa kinh tế” để xem cuối tháng này tình hình sẽ như thế nào.

Cứ xem cảnh “phố phường chật hẹp người đông đúc”, từ ngày nước Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại đến nay, nhìn ra đường phố, xa lộ, các khu mua sắm, các siêu thị chợ búa... đâu đâu cũng thấy xe, thấy người, thì chúng ta cũng có thể đoán biết tình hình dịch bệnh không đến nỗi nào. Cho đến ngày giữa tháng sáu, hẳn phải có khoảng 2.1 triệu người nhiễm bệnh, trên 117.000 người thiệt mạng, nhưng tính ra những con số này có thể đang đi xuống khả quan – nếu tin được sự “độc lập” của những con số này. Nhưng nên nhớ đến một nửa số tiểu bang hiện đang bị con số đại dịch hàng ngày tăng nhanh hơn trước! Số người phải nhập viện cũng gia tăng. Bây giờ người ta vẫn đang ở trong tình trạng đoán mò. Để xem tình hình trong hai tuần cuối tháng sáu như thế nào rồi hãy cảnh báo về một đợt hai chừng nào bùng nổ và khủng khiếp chừng nào.

Chuyện mở cửa trở lại, ông Trump ngày thứ sáu 5-6 “hồ hởi” tự khen mình đã mạnh dạn quyết định chấm đứt bế tỏa, nhờ đó kinh tế đã có bước phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp đã đi xuống 13.3% và kinh tế sẽ nhanh chóng “bộc phát tốt đẹp còn hơn trước”. Dĩ nhiên ông quen nằm mơ. Báo cáo thống kê của Bộ Lao Động đã có ghi chú “classification error” (lỗi xếp loại”), nhiều người thất nghiệp thực sự lại được xếp vào thành phần tạm thời nghỉ việc, cho nên con số không có việc làm thực sự là 16.3%. So với con số tháng tư là 19.7%, sụt giảm thất nghiệp chỉ có 3.4%, không đến 6.4% như ông Trump hoan hỉ cứ đòi họp báo cho bằng được. Nhưng giảm 3.4% vẫn là giảm. Nhất là người ta đã lo con số này có thể lên đến 20% trong tháng năm. Và người ta chờ đợi những con số tháng sáu sẽ như thế nào. Cũng chớ quên rằng kể từ tháng hai, nạn suy thoái đã bắt đầu trở lại, sau 128 tháng kinh tế tăng trưởng từ tháng sáu năm 2009! Ông Trump vẫn nói sự kỳ diệu kinh tế hiện nay tất cả là của ông, do ông, vì ông, nhưng cứ quên ông chỉ có 36 tháng cuối trong đó. Vấn đề là nhiều người cũng tin như thế!

Nhưng sự mong đợi COVID-19 sẽ giảm, việc làm sẽ tăng chưa thể lạc quan khi ngưòi ta nhìn hàng hàng lớp lớp ngày nào cũng xuống đường để giành một chiến thắng lịch sử trong cuộc đấu tranh cho dân quyền mà quên đi khẩu hiệu “Fragile - Handle with care”. Đúng là một ác mộng mới. Và sau lưng tất cả ác mộng này vẫn là một con người ác mộng.

Trong hoàn cảnh đó, mời độc giả đọc một bài bình luận có tựa đề “Xót thương nước Mỹ” của tác giả Huy Phương, người duy nhất còn sống sót ở tờ báo của ông. Trong thời buổi đầy tai tiếng, bài này đã “gây tranh cãi”. Nói tóm lại, tác giả “xót xa, thương cảm cho một nước Mỹ trong cơn lốc chính trị chia rẽ, phân hóa, thù nghịch khôn cùng. Không khác gì dưới chế độ cộng sản, người ta yêu đảng hơn yêu lẽ phải và tổ quốc”. Đảng đây là đảng Dân Chủ, một đảng “tich cực phá hoại” ông Trump cho bằng được, qua lời kể tội của tác giả.

“Người ta thường nhận định, ở Hoa kỳ, Dân Chủ hay Cộng Hòa, tối hậu vẫn là quyền lợi của nước Mỹ trên hết, nhưng dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, nhận định này hoàn toàn sai. Đảng Dân Chủ đã không một ngày ngơi nghỉ, trăm phương, nghìn kế tìm cách triệt hạ vị tổng thống đương nhiệm, gây khó khăn cho việc điều hành đất nước, và mục đích xa hơn là giành lại chiếc ghế tổng thống về cho  đảng Dân Chủ vào Tháng Mười Một, 2020”.

Ông chẳng giải thích được tại sao dưới nhiệm kỳ của Donald Trump tình hình lại tồi tệ đến thế. Ông chưa mở được cái đầu cho mình thì làm sao mở mắt được cho người đọc? Như thế thì ông viết cái gì? Ông lên án người Dân Chủ chỉ biết có “đảng ta” thì chính ông cũng chỉ biết có đảng này tội lỗi!

Cáo trạng của tác giả nhằm vào những cuộc xuống đường của người da đen nhưng cũng có không ít người da trắng tham dự đòi hỏi công lý cho người da đen và lên án động thái kỳ thị quen thuộc của giới công lực da trắng. Câu chuyện bắt đầu từ cái chết của một người da đen tên George Floyd ngày 25-5 tại Minneapolis bị một cảnh sát da trắng bắt đè xuống mặt đường và chèn vào cổ họng đến hơn 8 phút. Floyd đã kêu lên “I can’t breathe” nhưng tên cảnh sát vẫn làm tới, dẫn đến kết quả bi thảm và hậu quả không ngờ hiện nay.

Như nhiều người da trắng không hiểu đủ ý nghĩa lịch sử của đòi hỏi, hay nhắc  nhở, “Black Lives Matter”, tác giả da vàng này bắt chước lên án: “Dân da đen xuống đường biểu tình, gây bạo loạn, cướp bóc đốt phá, hôi của… tại các thành phố của 20 tiểu bang. Việc bạo loạn này đều nằm trong âm mưu khích động, khủng bố của một số tổ chức và mưu đồ chính trị của cả phe Da Đen lẫn Da Trắng. Ngoài các tổ chức thân Trung Cộng, ủng hộ Dân Chủ đánh phá, kích động, còn có tổ chức Antifa…. Tất cả  tìm cách lợi dụng câu chuyện của nạn nhân da đen Floyd chết bởi người cảnh sát da trắng Derek Chauvin, để kích động làn sóng bạo động trên nước Mỹ”. Đúng là nói như Trump. Không một dân biểu, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa nào dám mạnh dạn nói như thế.

Tác giả còn ca cẩm thêm: “Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ đang rơi vào hoàn cảnh “tứ bề thọ địch,” gỡ cho nước Mỹ ra được tình trạng rối như tơ vò hiện quả là chuyện khó khăn, nan giải. Trong tình trạng này, không có tài sức, người viết chỉ có tấm lòng cảm xúc, xót thương nước Mỹ hơn bao giờ hết. Xin ơn Trên phù hộ cho nước Mỹ qua cơn sóng gió, khó khăn. God Bless America!”

Xót thương cho Huy Phương thì đúng hơn, đã nhắm mắt viết mà không cần biết chuyện gì đã xảy ra trong cả một tuần trước khi ông đưa bài này lên. Ông Trump cho lệnh xịt vòi rồng, bắn lựu đạn cay vào những nhóm biểu tình ôn hòa trước Nhà Trắng để ông cùng một nhóm cận thần vô sĩ đi bộ ra nhà thờ gần đó diễn kịch anh hùng, cầm thánh kinh ngang ngực để chụp hình (photo-op). Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc xem đó là cử chỉ anh hùng giống như Winston Churchill đi  thăm một nhà thờ ở London bị Đức Quốc Xã pháo kích trong Đệ nhị Thế chiến. Chuyện Trump thúc giục các thống đốc phải mạnh tay, dọa sẽ đưa quân đội ra đàn áp những cuộc xuống đường này. Ông không hề nói một lời hiểu biết đối với phong trào dân quyền hiện nay. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng mới (Mark Esper) và cũ (James Mattis) đã lên tiếng cảnh cáo ông về việc tính lạm dụng quân đội. Và nhiều tướng lãnh cao cấp đã lên tiếng về sự lãnh đạo đất nước của ông – trong đó có cựu tướng Colin Powell, từng là bộ trưởng ngoại giao của Tổng thống George W. Bush. Dĩ nhiên Trump biết sợ, nên đã im lặng. Im lặng nhưng vẫn ngứa tay tweet, sáng sớm thứ ba 9-6 đưa lên một “thuyết âm mưu” mới: ông già 75 tuổi bị cảnh sát ở Buffalo, NY, đẩy ngã dập đầu bất tỉnh máu chảy từ ót ra ướt lối đi là “giả bộ”.

Tác giả “Xót thương nước Mỹ” “đã hoàn toàn im lặng trước sự im lặng hoàn toàn nhớt nhát của các dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa trước thời cuộc - trừ Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah và Lisa Murkowski của Alaska. Vấn đề được đặt ra rất rõ ràng: cảnh sát da trắng nói riêng và cảnh sát nói chung phải thay đổi khảo hướng (cách tiếp cận), động thái với người da đen bởi vì “enough is enough”.

Độc giả đã phàn ứng thế nào trước bài viết này của ông Huy Phương? Đọc góp ý của bạn đọc, chúng ta có một niềm phấn chấn về sự trưởng thành của người Việt hải ngoại - không giống như những người bị bịt tai, bịt mắt, bịt miệng... ở trong nước. Người Việt độc giả đã phát huy được sự tự do mà Đệ nhất Tu chánh án bảo đảm để nói lên ý nghĩ của mình. Những ý kiến nói lên sự tìm hiểu, suy nghĩ va nhận định thời thế chính trị của đất nước một cách sâu sắc.

Có đến 29 bình luận, xin chỉ ghi lại một ý kiến độc đáo của một người ký tên là Adonis Steel:

“Theo nhận định (có thể là thiển cận) của tôi thì:

- Ông Trump có thể gỡ rối cái rụp, thừa năng lực gỡ rối, không có gì quá khó khăn và nan giải hết. Chỉ cần ông:

+ NGỪNG NGAY những cái tweets tai hại lại. Nói ít đi. Có thái độ ôn hòa hơn, đồng thời sử dụng chính phát ngôn viên của ông/chính ông đứng trước ống kính truyền hình nói cho thật rõ, và đầy đủ ý của mình, mỗi khi ông cảm thấy cần nói. Thay vì sử dụng twitter, vốn chỉ phù hợp cho những câu nói rất ngắn. Nhiều khi khó làm rõ ý, và dễ dàng bị bẻ cong.

+ Chấm dứt việc tốn thời gian vào việc (vô bổ!) cãi lộn "tay đôi" với các ký giả hoặc "ăn miếng trả miếng" bất kỳ người nào chỉ trích ông. Nếu ông có thói quen này, vậy dễ dàng rơi vào bẫy "xa luân chiến" của đối phương. Đối phương cứ lần lượt cho hết người này tới người kia chỉ trích ông, rồi coi như ông sẽ bị "quay cuồng" từ sáng tới tối ngồi ôm twitter "Gây" lại ???

+ Cần nhận rõ sự khác biệt giữa việc làm "ông trùm" một tập đoàn tư nhân gia đình trị (trong đó ông có quyền tự do thể hiện thái độ mà không ai phản đối, ví dụ sùng lên thì có thể nạt nộ, không ưa tự do sa thải lập tức/nói móc nói ngoéo, thậm chí là chửi nặng luôn thuộc cấp cũng không sao), và chuyện giữ vai trò một tổng thống của một quốc gia có đặc tính là "liên hiệp các bang châu Mỹ", có tam quyền phân lập....”

Những lời bình luận sâu sắc nhưng dễ dàng, tự nhiên thay! Ông HP không hiểu, không học gì về lịch sử, chính trị nước Mỹ. Ông chẳng biết gì về những vụ tai tiếng dồn dập, "can đảm" của ông Trump. Chẳng hiểu điều tối thiểu là Mỹ đã hành động chậm và không đúng mức trong đại họa coronavirus chỉ vì Trump xem chuyện tái tranh cử của mình là trên hết, hơn an toàn và sinh mạng của người dân - nhất là bình an của người già đáng thương - như HP và chính Trump. Nước Mỹ đang rơi vào khủng hoảng tâm thần cho nên bùng lên nạn da trắng siêu đẳng (white supremacists).Đã đến lúc phải nhắc nhở người da trắng, nhất là giới cảnh sát: BLM. Bởi vì người ta đang lo rằng chẳng bao lâu sẽ đến phiên người Đông Á, nhất là người Đông Nam Á hay Đông Dương bị nhìn nhầm là người Hoa mà bị vạ lây...

Và người viết thời nay phải coi chừng độc giả, một thế lực không thể lạm dụng bằng  ngòi bút bẻ cong được.


Hoàng Ngọc Nguyên


usaelection gởi