Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Tại sao Luật sư Hoàng Duy Hùng chuyển hướng đấu tranh?
 
HS-Nguyễn Phi Thọ
 

Thời gian gần đây đồng hương tại hải ngoại xôn xao về chuyện luật sư Hoàng Duy Hùng chuyển hướng đấu tranh. Người thì cho là ông bưng bô cộng sản Việt Nam , kẻ thì nói ông là kẻ phản bội lại những người ông đã từng dựa vai kề lưng chống cộng với họ. Có người nhẹ nhàng rằng là  ông đang trở cờ đón gió, người khác văn chương hoa mỹ hơn gọi ông là chuyển hướng đấu tranh. Riêng cá nhân tôi, tôi cho ông là người "vô thường", và nghĩa "vô thường" tôi đang dành ông Hùng đúng cả hai nghĩa, nghĩa đạo, nghĩa đời. Nhìn qua lăng kiếng nào, ông Hùng "vô thường" đều đúng.
 
Tôi biết ông Hùng từ lâu, từ khi ông rời khỏi nhà tù CSVN để trở về Mỹ. Lần đầu tiên tôi gặp ông và nói chuyện với ông, có lẽ là cuộc họp báo "bỏ túi" tại một quán Phở gần đường Milam và Travis ở downtown Houston, cách đây khoảng ba thập niên. Lúc đó trông ông gầy còm và nhút nhát như một thư sinh mới vào đời.
 
Bây giờ, ông Hùng đang bị cộng đồng người Việt tỵ nạn tấn công khá dồn dập. Họ tấn công ông mọi phía qua nhiều cách nặng lẫn nhẹ, trí thức lẫn hỗ lốn, hung bạo tới thô lỗ, phân tích lớp lang cũng có, đánh te tua như phường bát nháo cũng không thiếu... Nói chung ông đang bị tấn công. Tại sao ông bị tấn công? Đó là câu hỏi tôi muốn viết lên, theo quan điểm cá nhân tôi trong bài viết ngắn gọn dưới đây. Tôi biết sau khi đọc, không ít bạn đọc sẽ dành cho tôi những từ ngữ như họ đã dành cho ông Hùng hay có thể họ có cùng quan điểm với tôi. Nhưng với tôi, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là mong đọc giả đọc hết bài tôi viết. Khi đã nói là quan điểm cá nhân, chắc chắn phải có điều sai điều đúng, nhưng tôi chỉ mong bài viết nầy có thể giúp được phần nào cho ông Hoàng Duy Hùng, thế thì tốt. Nhưng nếu ông không thèm đọc cũng không phải là điều xấu, đối với tôi.
 
Trong số những người trẻ đang hoạt động trên lãnh vực chính trị tại Houston , TX nói riêng và trên khắp nước Mỹ nói chung, tôi nghĩ ông Hoàng Duy Hùng là một trong những người có tiêu chuẩn để làm chuyện đó. Ông có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều về các lãnh vực như chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa. Ông am tường lãnh vực chính trị. Ông biết cách đào sâu và thuyết phục người nghe trong lãnh vực nầy. Nói chung, ông là người đã chọn đúng hoài bảo ông mơ ước để đi. Nếu nói ở Houston có vị dân cử như dân biễu, nghị viên, chánh án... người Mỹ gốc Việt, tôi tin không có ai có được cái nhìn xa hiểu rộng về nhiều lãnh vực như ông Hùng. Hãy bỏ những cái hay cái dỡ, cái tốt cái xấu qua một bên, chúng ta chỉ đưa ra một nhân vật người Mỹ gốc Việt, tuổi trung niên, có khả năng như ông Hùng để yểm trợ họ đi vào dòng chính, chúng ta thử đan cử người đó là ai, ở Houston ? Tôi chưa thấy.
 
Trong con người ông Hùng cũng có những kỳ cục lý thú, ông Hùng lại có nhiều khuyết điểm về bản tính khó lòng thay đổi. Ông trực tính và cộng thêm nóng nảy, khó kềm chế khi bị thách thức hoặc lúc bị va chạm tự ái. Ông cũng là người thích làm những chuyện khác thiên hạ. Những bản tính nầy không thể có nơi con người muốn làm chính trị. Đây là những "tật xấu" và cũng là những rào cản to lớn trên đường sự nghiệp công danh , nếu người đó muốn thành công để tiến thân trên đường chính trị. Những bản tính nầy phát xuất từ cái "tôi" trong con người có mộng làm chuyện "lấp biển vá trời". Thường thường những người như thế ai cũng có thể mắc phạm lỗi lầm. Ông Tổng thống Donard Trump của chúng ta là một trong những người nầy, nhưng ông Trump rất khôn ngoan. Ông Trump là người rất muốn được ca ngợi, thường hay công kích hoặc chê bai ngưòi khác, kể cả phái nữ. Ông sẳn sàng tấn công khá nặng lời với những ai không nói đúng theo ý ông. Nhưng ông Trump có một sự dè dặt rất khôn ngoan: ông không bao giờ thách thức ai làm một điều gì đó, với ông. Thách thức là một hành động rất dễ làm tổn thương và chạm tự ái đến người khác. Ông Trump luôn tránh né về chuyện nầy. Ngược lại, ông Hoàng Duy Hùng lại là người thích thách thức người khác. Và cách thách thức "phách lối" với đối phương làm cho họ từ người có cảm tình với ông trở thành thù địch.
 
Ông Hùng không phải là người xấu, nhưng chính ông tự tạo cho ông thành xấu cũng chỉ vì ông không chịu tự mình xét lại những sai của mình hay người khác đóng góp cho ông.. Ông Hùng không hiểu rằng khi đã dấn thân vào đường chính trị có nghĩa là cái "tôi" của mình đã giao cho quần chúng, nó không còn là của mình nữa. Và mình không còn là mình, mình là người phải phục vụ cho quần chúng nhưng quần chúng không phục vụ cho mình. Nếu một người khôn ngoan khi có những điều quần chúng không muốn như mình muốn, nhưng chúng ta cũng phải phục vụ, phục vụ bằng cách loại bỏ cái "tôi" của mình để giử được quần chúng đang tin tưởng nơi mình. Chống lại quần chúng và bắt họ theo mình, đó là sự sai lầm để đi tới chỗ mất luôn quần chúng.  Ông Hùng chắc hiểu rõ điều nầy. Nhưng ông không giữ được nên ông đã mất quần chúng.
 
Có lẽ độc giả cũng đồng quan điểm với tôi, ông Hùng thích thách thức, thích tranh luận, thích tỏ bày sự hiểu biết của mình cho quần chúng biết, và ông luôn tự cho rằng mình hơn quần chúng. Điều nầy đâu có lợi gì cho ông, nhưng chỉ nới rộng thêm khoảng cách với quần chúng. Bây giờ tôi sẽ hỏi: Tại sao luật sư Hoàng Duy Hùng xoay chiều đấu tranh chống lại chế độ CSVN?
 
Ông Hùng qúa nôn nóng để đạt tới mục tiêu. Các nhà làm chính trị, miệng ông nào cũng bô bô vì nước vì dân. Có đúng thế không? Với tôi, là KHÔNG. Nói thế không có nghĩa ai làm chính trị cũng vậy. Nhưng với ông Hùng, tôi nghĩ là đúng. Ông có nhiệt huyết, ông có tấm lòng, nhưng không biết hai việc nầy có lấn át nỗi cái tham vọng "được làm vua thua làm giặc" của ông không. Chính vì sự thúc dục qúa cao, qúa nhanh kiến ông thấy con đường đấu tranh của ông sau hơn bốn thập niên, cứ xa vời vợi. Và ông quan niệm có lẽ tới lúc phải thay đổi đường hướng đấu tranh. Đây là con đường ông Hùng biết trước sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khó khăn với cộng đồng người Việt tỵ nạn. Đưa tay lật ngữa một con bài thì dễ, nhưng dũng khí và sự can đảm có làm được hay không là không dễ. Ông Hùng tin ở mình, tin rất nhiều, và ông đã can đảm, đầy dũng lực, cầm lá bài lật ngữa nó ra. Tại sao ông dám làm điều đó?
 
Sau khi đắc cử chức nghị viên thành phố Houston, TX, tôi và rất nhiều bạn hữu tin tưởng ông Hùng sẽ thay đổi rất nhiều chuyện, rất nhiều việc, qua nhiều lãnh vực khác nhau, trong đó ưu tiên một tôi hy vọng là tính tình của ông. Nhưng tôi đã thất vọng. Tôi biết nếu tính nóng nảy và bốc đồng của ông không thay đổi, ông sẽ thất bại từ chuyện nầy qua chuyện, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Câu chuyện ông muốn lấy thành tích mở đường bay từ Houston về Việt Nam, đây là cơ hội tốt đầu tiên cho ông trên lãnh vực ngoại giao, nhưng đó không phải là chuyện lớn, vì ông "quan trọng hóa" nó thành chuyện lớn. Để làm gì? Để "build up" cái tôi của mình trên đường sự nghiệp chính trị. Nhưng vì qúa vội vàng, ông đánh mất cơ hội tốt đó. Những người đã không mấy cảm tình với ông, thừa cơ hội nầy họ biến câu chuyện nhỏ như con thỏ thành to như con bò. Ông đã mắc mưu họ. Thế là không chế ngự được sự bực tức, nó biến thành lý do để họ "dập" ông tới nơi tới chốn.
 
Khi là nghị viên thành phố, ông được đề cử về Việt Nam cho một công tác của thành phố. Đây cũng là cơ hội tốt thứ hai cho ông. Nhưng không như những người của chính quyền Mỹ được về Việt Nam trước đây, ông là người Mỹ gốc Việt và có thể có lợi cho chính quyền. Nếu là một nghị viên khôn ngoan, ông sẽ biến chuyến công tác nầy có lợi cho phía Mỹ (thành phố) và cả cho người Việt đang định cư ở đây. Ngược lại ông Hùng đã biến chuyến đi rất "tầm thường" thành một chuyến đi cứu quốc. Ông ồn ào và "tô son vẽ phấn" cho chuyến như là một chuyến công du của bộ trưởng ngoại giao Mỹ đến Việt Nam để bàn chuyện đại cuộc, ảnh hưởng tới thế giới.  Trở về Mỹ với những lời tuyên bố đầy "ngược chiều"vụ Cồn Dầu tại Đà Nẵng. Những hình ảnh được cựu phó chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết, thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tiếp đón tại tư gia. Ông lại mang cả gia đình tới trước bàn thờ gia tiên của ông Nguyễn Thanh Sơn bái lạy rất thân thiện như người trong gia đình..v.v. Chính những hình ảnh nầy đã làm cho người chống ông càng tăng tốc chống đối và quyết không để cho một người mà họ gọi là kẻ "lộng hành phản bội" lại lý tưởng người quốc gia. Sự chống đối càng gia tăng, phản ứng của ông Hùng càng mạnh mẽ. Cứ thế cuộc chiến giữa ông Hùng và một số đồng hương khó lòng hàn gắn.
 
Từ sau khi tổng thống Donard Trump lên làm tổng thống, không ai phủ nhận mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ càng gia tăng. Đối với ông Trump, như ông đã từng tuyên bố trước cuộc bầu cử, ông sẽ làm cho nước Mỹ "Great again". Lời hứa của ông vẫn mạnh mẽ tiếp tục tới bây giờ, không thay đổi. Mối quan hệ thân thiết Mỹ với Việt Nam làm cho cộng đồng người Việt tỵ nạn chia làm hai phe thấy rõ. Phe ủng hộ cho rằng ông Trump đang lợi dụng CSVN để làm lợi cho nước Mỹ. Phe chống đối lại cho rằng ông Trump đang tính chuyện "bán đứng" Việt Nam cho Tàu như các vị tổng thống tiền nhiệm. Sự thực thì người Việt tỵ nạn thường tiên đoán theo cảm tính, cảm tình nhiều hơn sự kiện đang xảy ra. Nhưng dù sao cũng làm một số người tỵ nạn từ cái nhìn cảm tính, cảm tình đó để thay đổi chiều hướng đấu tranh. Trong số người nầy có luật sư Hoàng Duy Hùng. Theo tôi nghĩ, ông Hùng lý luận: Ông là người theo đảng Cộng Hòa. Đảng cũng đã từng yểm trợ để ông ra tranh cử chức Dân biểu tiểu bang, nhưng không thành công. Ông đã từng về Việt Nam với tư cách là một nghị viên thành phố để định mở đầu cho một chương trình gì đó của thành phố. Là người có trình độ cao, hiểu biết rộng trong sinh hoạt chính trị, quen biết nhiều chính trị gia trong cũng như ngoài nước (hải ngoại),Anh ngữ vững vàng khi đối diện với chính khách Mỹ, ngoại hình ông đúng tiêu chuẩn cho một công dân Mỹ khi xuất hiện trước các quốc gia bạn, cùng với số tuổi đời trung niên, có tài hùng biện, ông còn là một người lãnh đạo một tổ chức chống cộng, tác giả của nhiều tác phẩm có gía trị . .v.v. ông tin người Mỹ sẽ xem ông như là một nhân tố đúng tiêu chuẩn của họ. Ông còn nhận ra rằng dưới thời ông Trump, người Mỹ có thể lơ là với những đồng minh Á Châu, nhưng điều khá thú vị là Mỹ trông như gần gũi và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn. Mỹ và Việt Nam mất gì được gì? Không ai biết nhưng tôi chắc chắn dưới mắt ông Hùng thời cơ đến với ông, và Mỹ sẽ cần tới những người như ông.
 
Phóng một cái nhìn về quê hương, ông quen thân được với cựu chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết, nhà ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn.. và còn nhiều chức sắc lớn nhỏ trong thể chế CS hiện tại. Hai người có tầm cỡ như ông Triết và ông Sơn, chúng ta không biết họ sẽ giới thiệu ông Hùng với ai thêm nữa, chúng ta không biết. Ông tin tưởng người Việt trong nước biết ông nhiều, và họ tin tưởng ông có thể là người Việt hải ngoại được chế độ dùng tới, móc nối hoặc có thể lợi dụng ông cho việc kiến thiết xây dựng đất nước khi Mỹ trở thành một "đối tác" lớn với Việt Nam. Những dữ kiện nầy không sai nếu nhìn một cách tích cực.
 
Ngoài những lý do tôi nói ở trên, còn một lý do cuối cùng, rất qua trọng và có thể là chìa khóa chính mở cánh cửa " đổi chiều quay hướng" để ông Hùng nhắm mắt bước vào: Một số người Việt cực đoan, thù hận cá nhân hoặc phe đảng, tôi không ngoại trừ những thành phần ganh ghét và đố kỵ với ông Hùng, đã chống đối ông bừa bãi để dồn ông vào con đường cùng. Khi ông đã trở thành người của quần chúng, chuyện bị chống đối là rất bình thường, phải chấp nhận. Nói rằng tất cả triệu người tỵ nạn cộng sản chống ông, đó là điều không đúng. Bất cứ một chính trị gia nào trên thế giới cũng có nhiều người theo và không thiếu người chống. Ông Hùng cũng thế thôi. Chúng ta không thể phủ nhận những điều tốt ông Hùng đã làm, những sai trái ông đã phạm. Chỉ có điều những sai phạm thì qúa lớn, những thành qủa lại qúa nhỏ. Tôi không rõ ông Hùng nghĩ thế nào về những việc ông đã làm: Phát tán rộng rãi  việc ông đến tư gia cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Thanh Sơn và được tiếp đón rất thân thiết như người trong nhà? Ông tuyên bố chuyện Cồn Dầu ở Đà Nẵng không vì lý do công lý nhưng vì vấn đề tiền bạc, chia chác tiền bạc không công bằng (?), liên lạc và móc nối những tên Việt gian "trở cờ" ở hải ngoại, chê bai những chiến sĩ Hải Quân VNCH trong trận chiến Hoàng Sa là hèn nhát, thách thức hết hội đoàn nầy tới tổ chức kia lên đài đấu trí với ông, ca ngợi chế độ CSVN một cách qúa tích cực nếu không muốn nói là lộ liễu, vạch áo cho người xem lưng công cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị, quốc gia đang tìm cách chống lại chế độ CSVN... Biết rằng trong những sự thật "thắt họng" đó, nếu có, ông Hùng có cần thiết phải phơi bày cho đối phương và giới trẻ trong ngoài nước biết không? Với tôi, đó là điều không cần thiết. Lý do là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Con đường ông Hùng muốn đi chẳng ăn nhập gì với những chuyện ông Hùng đã và đang làm ở trên, trừ khi ông muốn biểu lộ "cho bỏ ghét, cho hã giận" với những người đang chống đối ông.
 
Từ những cái lợi theo cách nhìn  chủ quan đó, ông Hùng muốn lắp thêm một đôi cánh phụ cho một con én để cố dựng một mùa xuân mới. Người xưa có câu "dục tốc bất đạt" nhưng vì nôn nóng cho ước vọng chóng thành, ông Hùng biến thành "giục tốc tri đạt". Công việc đại sự, nhất là muốn thay đổi một chế độ, đó không phải là chuyện "mì ăn liền" mà cần sự kiên trì, nhẩn nại. Biết rằng cộng đồng người tỵ nạn đã hơn 44 năm rồi, công việc dựt sập chế độ đương thời chẳng đi tới đâu, nhưng họ nuôi dưỡng được ý chí và quyết tâm đó suốt hơn 44 năm là một thành công, một gương sáng cho tuổi trẻ nhìn vào để bái phục sự kiên nhẫn của lớp cha anh họ. Biết bao quốc gia trên thế giới mất nước, mất luôn tổ quốc, nhưng họ vẫn kiên trì và thành công trong công việc lấy lại đất tổ, đó là Do Thái. Nếu con đường ông Hùng đi là đúng, ông có nằm xuống thì thế hệ con, cháu, chắt của ông sẽ tiếp nối, cần chi phải là ông Hùng để lãnh đạo đất nước mai sau.
 
Gần đây nhất, ông Hùng gởi bài cho báo Nhân Dân của đảng CSVN, bài ông đã được đăng. Một bài viết của một luật sư người Mỹ gốc Việt, đang ở nước ngoài, có một qúa trình tranh đấu chống cộng và định lật đổ chế độ, điều nầy có gì không bình thường? Chắc chắn là không bình thường. Bài viết nói về những sinh hoạt chống cộng tại hải ngoại, đây là một nhận xét của ông Hùng rất có lợi cho đảng CSVN. Dĩ nhiên khi đăng bài nầy, không phải ông Hùng viết sao họ đăng vây. Không. Họ phải kiểm duyệt, những gì ông Hùng được nói và những gì ông Hùng không được nói, nghĩa là tự do phát biểu của ông Hùng đã bị kiểm soát. Thế thì ông Hùng đã và đang tranh đấu cho tự do của hơn 90 người dân trong nước, dù ông có đổi chiều theo CSVN, để tranh đấu làm sao được khi tự do cá nhân ông còn chưa có, lấy đâu tranh đấu cho tự do hơn 90 triệu người dân trong nước. Ông Hùng có hiểu một việc đơn giản như thế thôi, chưa trả lời được thì ông có nên đi tiếp không? Có biết bao nhiêu người khoa bảng đã đi theo CSVN và cũng một tấm lòng, một ước vọng, một đường lối hoạt động như ông, nhưng cuối cùng ông Hùng đã rõ, kết cuộc như thế nào.
 
Những việc làm ông Hùng tôi dẫn giải ở trên, có thể đó là những lý do dẫn đến sự chống đối ông Hùng trong thời gian qua. Và một số người tỵ nạn đã chống ông Hùng đúng hay sai? Xin thưa rằng: ĐÚNG cho mục đích, SAI về cách chống.
 
Tiêu diệt kẻ thù như giết một con rắn, phải chặt đứt đầu nó, nhưng cải hóa một người bạn đã từng cùng chí hướng, không thể như giết một con rắn. Ông Hùng có phải là kẻ thù cần tiêu diệt không? Tôi nghĩ là không. Ông Hùng có những lỗi lầm, và tôi tin chắc ông Hùng cũng biết rõ điều đó hơn ai hết. Nhưng vì ngay tự trong con người đầy tự mãn, tự tin và tự kiêu, ông Hùng đã biến nó thành những vũ khí, kích thích thêm lòng thù hận những người không thích ông. Cũng như thế, những người nầy không đông nhưng họ có cơ hội, lý do và phương tiện để trù dập ông dễ dàng. Còn ông có gì? Không có gì cả ngoài trái tim đầy nhiệt huyết nhưng dòng máu chảy vào tim lung tung như con suối mất hết những hòn đá cản dòng nước đang êm  đềm róc rách chảy. Thử hỏi, những người chống ông có còn nhân tính hay không khi xữ dụng những ngôn từ tận cùng của hạ cấp bĩ ổi như: chó đẻ, bâng bô, việt gian, vô học, côn đồ, lưu manh, phản phúc, phản quốc, con chó... dành cho ông. Chưa hết, người ta còn tàn nhẫn lôi cả cha mẹ, ông bà, vợ con, anh em của ông để nghiền nát và họ xem như một trò chơi mới, hơn cả chặt đầu một con rắn.
 
Trước năm 1975 Việt Nam có bọn người mà hiện nay đổi thành Xã Hội Đen. Chúng dùng dao, súng, acid... để đi thanh toán hoặc giải quyết những vụ mà thân chủ không dám làm vì sợ ở tù, trả thù hay mất mạng. Họ sẽ thuê đám nầy giải quyết cho họ. Họ không phải  là bọn đầu trộm đuôi cướp, nhưng là những thành phần giàu có, tiếng tăm, có thế lực, quan chức trong chính quyền, các đại gia... họ chỉ bỏ ít tiền nhờ tụi nầy giải quyết . Bọn nầy nói chung được gọi là đám "đâm thuê chém mướn". Bây giở ở hải ngoại, bọn nầy cũng tái xuất giang hồ nhưng dưới một hình thức khác, một phương cách khác chuyên nghiệp và hợp pháp hơn. Bọn chúng không còn dùng dao, súng hay những vũ khí sát hại, vì đây là nước Mỹ. Nhưng chúng có những loại "vũ khí" tinh vi hơn như thư nặc danh, phịa chuyện vô tưởng, internet, diễn đàn và mới nhất là livestream. Người ta có thể bỏ ra một vài chục dollas để nhờ chúng viết lên diễn đàn những lời nhục mạ vô giáo dục, những chuyện bịa đặt để hại tới thanh danh của người đã được lựa chọn. Nếu mạnh hơn, họ có thể thuê bọn làm Livestream, một video clip dài 15 phút hay nữa tiếng, 1 tiếng, đưa lên youtube, chửi bưới thậm tệ nạn nhân và gia đình một cách tàn nhẫn. Muốn chửi tới mức nào bọn chúng cũng làm được. Những người thuê chúng làm cũng không phải người dân bình thường, nhưng đa số là những kẻ có tiếng tăm trong cộng đồng như bác sĩ, kỷ sư, tiến sĩ, dân biểu, nghị viên, chủ tịch nầy giám đốc nọ... Họ có ân oán giang hồ với một ai đó, đôi khi kể cả chuyện cạnh tranh công việc kinh doanh, nhưng không dám dám ra mặt mà cần nhờ tới bọn âm binh nầy. Ở đây bọn chúng được gọi là đám "viết thuê chửi mướn". Ông Hùng bị thân bại danh liệt cũng vì bọn nầy, chứ không phải là những người Việt trong cộng đồng. Và cũng chính những người đã có sẳn ác cảm với ông Hùng, nương theo hành vi của bọn thảo khấu tiếp sức nghiền nát ông Hùng ra thành cám. Những người có chút tiếng tăm hay làm được ít việc tốt đẹp cho cộng đồng, hoặc những người có lỡ làm những lỗi lầm đến cá nhân hay hội đoàn, tổ chức, tất cả đều bị đánh phá bởi bọn "viết thuê chửi mướn" nầy. Khi nạn nhân đã ôm đầu máu, cũng bọn chúng trở thành cái loa đổ hết lên đầu người Việt tỵ nạn.
 
Ai trong chúng ta có thể ngồi đó nhẫn nại chịu đựng như ông Hùng suốt hơn mấy thập niên qua. Chúng ta tự hỏi những chuổi tấn công vào ông Hùng như thế có còn chút tình người, tình bạn, tình chiến hữu mà họ từng rêu rao suốt ngày rằng là: Người quốc gia chúng ta đầy tình người hơn bọn Cộng sản. Ông Hùng sai một ly, đi một dặm. Những người chống đối ông Hùng sai một ly, không những đi một dặm, mà cả ngàn dặm. Tại sao tôi dám nói như vậy? Vì hậu qủa của những chống đối bất nhân và cực đoan đó sẽ làm cho giới trẻ sợ hãi. Khi chúng đã sợ hải thì chúng không còn dám tham gia vào bất cứ chuyện gì nếu chúng biết có những đầu óc kích động, cực đoan và bất nhân nằm trong đó. Chúng cũng hiểu rằng nếu có mắc phạm lỗi lầm như ông Hùng thì cũng sẽ trở thành nạn nhân giống ông Hùng thôi. Khi tuổi trẻ đã tránh xa, khi tuổi già cực đoan và thù hận vẫn tiếp tục chế ngự công lý thì cơ may cứu dân cứu nước sẽ không còn, cộng sản vẫn tiếp tục nằm đó và mãi mãi nằm đó.
 
Có người cho rằng ông Hùng bất cần, coi thường cộng đồng người Việt nên họ không mấy ưu ái với ông. Những tin bậy hoàn toàn không đúng mà do những kẻ thù nghịch với ông mượn cái lổ miệng kiếm tiền để chia cách ông với cộng đồng.. Trước khi ông bị cộng đồng thờ ơ, ông vẫn là người rất trân qúy và tha thiết với cộng đồng, kể cả những người có thể ngấm ngầm chống đối ông nhưng không ra mặt. Cách đây gần 10 năm về trước, khi tôi chuẩn bị ra mắt cuốn "Tụ Do Trên Biển Máu" tôi có nhờ ông viết cho tôi một nhận định về cuốn sách. Lúc nầy ông đang là nghị viên của thành phố Houston . Ông viết:" Thành qủa của những người Việt hải ngoại được xây dựng phần lớn trên sự hy sinh vỹ đại này của những người vượt biên. Người Việt nay đã thành công, có nhiều là chính trị gia như dân biểu liên bang Cao Quang Ánh, Dân biểu Trần Thái Văn, Dân biểu Hubert Võ..v.v.. Họ thành công về khoa học như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Về kỷ thuật, thương mại, y khoa thì có vô số bác sĩ, kỷ sư, và đại doanh gia. Lễ hy tế của dân Việt đã đâm chồi nẩy lộc, và mong rằng sự đâm chồi nẩy lộc đó một ngày không xa sẽ trổ bông trái ngay chính tại Việt Nam ".
 
Một số người khác cho rằng ông Hùng chỉ là người tham tiền, tham danh? Tham danh tôi cho là đúng nhưng tham tiền, tôi nghĩ là không. Nếu ông Hùng tham tiền, cần gì ông phải chui đầu vào con đường chính trị, trừ khi làm chính trị ở Việt Nam . Vậy ông Hùng trở cờ về phò CSVN, thế thì ông ham tiền chăng? Không ai biết. Nhưng ở Mỹ, với bằng cấp là một luật sư, tương đối chuẩn về mọi mặt, ông thừa khả năng đi vào lãnh vực kinh doanh ở Mỹ và ở Việt Nam để làm ra tiền, không khó. Nhưng ông Hùng đã chọn con đường chính trị, con đường không dễ đi.
 
Phần kết:
 
Có nhiều người chống, cũng không thiếu người khen ông Hùng, đó là quyền tự do của mỗi người. Nếu chống hay khen vì tư lợi, buôn bán làm ăn, hận thù cá nhân, tranh chấp phe nhóm... thì cứ tạm coi như OK. Nhưng chống về quan điểm chính trị, lý tưởng hay tôn giáo thì chúng ta không nên, theo tôi. Lý tưởng về tổ quốc, niềm tin về tôn giáo, đó là những  sự trừu tượng nằm trong trái tim và trí óc của con người mà không ai thể có thể nhảy vào để chống đối. Chúng ta có trình bày để thuyết phục và quyết định là phần của họ, không phải của chúng ta. Ông Hùng rời bỏ những người cùng chung chí hướng để đi theo con đường khác, đó là quyền của ông, ông có tự do làm chuyện đó và chúng ta phải tôn trọng sự tự do của ông. Với cá nhân tôi, tôi không chống ông. Tôi biết ông đang thay đổi con đường ông đi. Trong một message ngắn gởi cho ông qua I-phone khi biết ông thay đổi đường lối ông theo đuổi suốt mấy chục năm qua, tôi viết: "Anh biết Hùng thay đổi quan điểm chính trị. OK, tùy Hùng, nhưng anh vẫn theo dõi những bước chân đi của Hùng". Có thế thôi. Tôi không chống ông Hùng, vì như thế hóa ra tôi áp đặt quyền tự do của tôi trên tự do người khác. CSVN đang làm chuyện đó, hóa ra tôi là Cộng sản sao? Ông Hùng sẽ thành công hay thất bại? Chưa ai biết. Nhưng dù thất bại hay thành công, tôi vẫn mong Hùng, với trí óc sáng suốt của mình, nhìn đúng con đường mình đang đi là Thiện hay Ác. Cộng đồng để mất đi một người bạn trẻ như ông là điều đáng buồn. Tôi tin ông Hùng không phải là Cộng sản và chính ông đã xác nhận nhiều lần điều đó. Tôi mong cánh cửa cộng đồng vẫn mở để đón nhận ông như một chú rễ đón người vợ mới cưới của mình vừa đi gặp người yêu cũ lần cuối để giã từ, trở về.
 
Ông là một tín hữu Công giáo, tôi cũng như ông. Nhưng ông hơn tôi ở chỗ ông đã vào tu viện để mong trở thành một linh mục. còn tôi thì không, vẫn là đứa con Chúa và còn mang nhiều lỗi lầm mà Chúa không muốn. Nhưng dù không đi tu, tôi vẫn nghe lời Chúa văng vẵng đâu đây trước khi Ngài tắt thở trên thập gía: "Lạy Cha, xin Cha tha tội cho những việc chúng làm mà chúng không biết".
 
Thưa bạn đọc! Tôi đã gác bút hơn 6 năm, tôi không còn màng gì tới viết lách nữa. Nhưng vì câu chuyện của ông Hoàng Duy Hùng, tôi xem như một người em tôi rất qúy mến, nên cũng đành cấm bút giấy trở lại để chia xẽ với Hùng và với bạn đọc. Xin bạn đọc và Hùng tha thứ cho tôi nếu có phạm những lỗi lầm nào trong bài viết nầy. Rất cảm ơn và trân trọng.
 
HS-Nguyễn Phi Thọ
(Trong nhóm Đất Mẹ)
Houston , TX  28 tháng 11,  Thanksgiving  2019.

tapchidatme gởi