TẠI SAO VŨ HOÀNG CHƯƠNG
BỊ BẮT VÀO TÙ
Theo một bài đăng trên “net” của tác giả Sông-Lô viết về Vũ-hoàng-Chương nhận xét thơ Tố-Hữu, được biết phái đoàn từ bắc vô nam cùng với Huy-Cận như đã nói ở đoạn trên còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như Tố-Hữu, Hoài-Thanh, Xuân-Diệu, Vũ-đình-Liên… Phái đoàn được ký giả nằm vùng Thanh-Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm ”họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối. Buổi họp này Vũ-hoàng-Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố-Hữu đã làm để khóc Stalin khi ông trùm đỏ Nga-sô này chết vào năm 1953. Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với tên trùm văn nghệ cộng sản này là câu:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười“
Thanh-Nghị với tư cách nằm vùng theo cộng sản từ lâu, coi như đại diện miền nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố-Hữu hết mình. Rồi lần lượt đến Xuân-Diệu, Huy-Cận, Vũ-đình-Liên từ ngoài bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói. Cũng cần có một tiếng nói miền nam cho xôm tụ, cho nên Hoài-Thanh khẩn khoản mời Vũ-hoàng-Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý. Xin trích nguyên văn sau đây một đoạn của Sông-Lô:
“Ai đã biết Vũ-hoàng-Chương ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần tạ từ không được, đành nhảy vào ưỡn ngực “hò kéo pháo”, nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái ‘sáng giá’ của đêm họp ‘văn nghệ đặc biệt’ này, bởi vì ‘tất tần tật’ đã thẩm định rồi.”
Sau đây là lời của Vũ-hoàng-Chương:
“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.
Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự.
Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghiã là thơ phải thực.
Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việt Nam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việt Nam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?
Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin“
Chắc chắn là không có một bà mẹ Việtnam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ. Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp,thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việt Nam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.
Vẫn theo lời kể của Sông-Lô thì lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:
“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.
“Tôi xin nhắc: sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”
Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba : bắt đầu từ bài thơ thời sự, kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.
Niềm hãnh diện cuối đời: Thủ-tướng bưng bô.
Vũ-hoàng-Chương bị bắt vào khám Chí hòa, giam chung cùng một số nhà trí thức khác. Với thân hình gầy yếu sẵn có, phải ăn cơm tù đạm bạc lại thêm thiếu thuốc phiện thì làm sao mà Ông chịu nổi. Có thể nói bao nhiêu ngày trong tù, Ông đau yếu cả bấy nhiêu ngày. Sức lực Ông kiệt quệ dần dần, đã có lúc phải nằm liệt giường. Chính quyền “giải phóng” biết Ông không còn sống nổi bao lâu, nên sau thời gian giam giữ đã quyết định thả Ông về để tránh tiếng Ông bị bức tử trong tù.
Về nhà gặp lại vợ con, dĩ nhiên là Ông mừng rỡ, nhưng trong đáy lòng hình như Ông có điều gì thỏa mãn vì tuy nằm bẹp trên giường Ông không có vẻ sầu héo bi lụy của một người gần đất xa trời.
Một hôm Ông thố lộ là ở trong tù Ông có phần thích thú vì đã được Thủ-tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà Ông mới biết bị giam chung cùng với Ông là Bác sĩ Phan-huy-Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm Thủ-tướng chính phủ dân sự do Cụ Phan-khắc-Sửu là Quốc trưởng.
Vì mến thương Vũ-hoàng-Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong thời gian bị giam chung, Bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày.
Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi Ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Phạm-công Bạch, CVA 57
***
TRONG KHÁM CHÍ HÒA - Thơ Vũ Hoàng Chương
TRONG KHÁM CHÍ HÒA
Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non.
Một manh chiếu nát, thân tơi tả,
Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,
Đêm về giấc ngủ lại thương con.
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,
Hồ dễ gì phai được tấc son !
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
(1976)
Thơ Cẩn Họa:
THƠ HỒN THẤM ĐẠO
Đọc Xuôi:
Thơ hồn thấm đạo nghĩa vuông tròn,
Tiết khí cao đầy thương nước non.
Nhơ bẩn chi đành tâm chí vững,
Tả tơi đâu kể xác thân mòn.
Cơ thời khổ hận chồng thương vợ,
Thế cuộc lầm than bố nhớ con.
Thờ thẩn nỗi đau lòng vận bỉ,
Mơ đời đổi cũ nét vàng son.
Đọc Ngược:
Son vàng nét cũ đổi đời mơ,
Bỉ vận lòng đau nỗi thẩn thờ.
Con nhớ bố than lầm cuộc thế,
Vợ thương chồng hận khổ thời cơ.
Mòn thân xác kể đâu tơi tả,
Vững chí tâm đành chi bẩn nhơ.
Non nước thương đầy cao khí tiết,
Tròn vuông nghĩa đạo thấm hồn thơ !
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
NGỤC GIAM
Trần gian địa ngục đã lăn tròn
Tánh mạng xem thường cảnh nước non
Áo rách cơm tù tâm ý mãn
Mền thưa chiếu ngục xác thân mòn
Ngăn từng tối khóc lòng thương vợ
Nén mỗi đêm sầu dạ nhớ con
Thế thái nhân tình xoay số phận
Nay thời đã hết cảnh vàng son
Minh Thuý
Tháng 6/3/2020
HOÀNG CHƯƠNG
Hoàng chương công nghiệp há chưa tròn
Thời thế đồng cam phận nước non
Phật đạo thành tâm, tâm vẫn vững
Văn thơ múa bút, bút không mòn
Lao lung tàn xác thân quân tử
Lao thất thâm tình nghĩa vợ con
Quốc biến sơn hà đa hữu trách
Thi hào tự tại tấm lòng son.
Phan Thượng Hải
6/7/20
SỰ ĐỜI
Sự đời xoay chuyển mấy khi tròn
Thế sự thăng trầm vận nước non
Biến đổi bình an thành đói rách
Ra tay phù thủy khiến hao mòn
Chạnh lòng nhớ vợ dằn cơn đói
Đau xót thương nhà nghĩ đến con
Thử thách cam go luôn vững chí
Quyết tâm bền vững giữ lòng son
Hương Lệ Oanh VA
TÌNH GIÀ
Trong mắt của anh, em hãy son
Vợ chồng luống tuổi vẫn vuông tròn
Tâm tư thuở trước đầy linh hoạt
Vóc dáng ngày nay chút héo mòn
Lúc trẻ thân thương tình tựa núi
Giờ già khắn khít nghĩa như non
Đường đời chung thủy ta cùng bước
Tri túc thời nhàn, thỏa mộng con...
DUY ANH
06-07-2020
CUỘC TANG THƯƠNG
Bóng khuyết cuồng quay mãi chẳng tròn
Đau quằn nước chảy lạc đường non
Đò xưa khắc khoải nhìn sông cạn
Bến cũ trơ vơ ngậm đá mòn
Biển cả bao thời ươm mộng lớn
Ao tù một đận nhốt mơ con
Mai sau chuyển cuộc tang thương ấy
Khí tiết ai người giữ sắt son ?
Lý Đức Quỳnh
NGƯỜI SĂN VÀ LŨ THÚ RỪNG
Mơ hồ trái đất tưởng không tròn
Một lũ thú rừng vượt núi non
Chúng tới hang hùm thương hổ mệt
Chân luồn cũi báo sợ cây mòn
Nai, cừu cũng ngán thân hao sức
Thỏ, gấu càng lo chuyện lạc con
Chỉ có người săn là phẫn cảm
Buồn tình ngắm bắn mặt trời son ...
Hawthorne 7 - 6 – 2020
CAO MỴ NHÂN
KHỐI TÌNH SON
Gần năm thập kỷ đã vo tròn,
Gương sáng vẫn ngời với núi non.
Gió táp mưa sa trong vận nước,
Ý cương bút thép cứng không sờn.
Thân già bệnh hoạn đau hoàn cảnh,
Lòng chỉ ngậm ngùi xót vợ con.
Một đấng tài hoa nhiều lận đận,
Lừng danh Thi Sĩ khối tình son !
Uyên Quang
June 7,2020.
XÓT THÂN TÙ TỘI
Tù giam một tháng đã vừa tròn,
Đau xót cơ đồ quẩn nước non.
Bến phận đẩy đưa thương số kiếp,
Hồn riêng đày đọa mõn tim mòn.
Đêm nằm thao thức luôn về vợ,
Ngày lụy quây quần mãi nhớ con.
Ngục thất sớm hôm thân quản thúc,
Chẳng nguôi ái quốc tấm lòng son.
HỒ NGUYỄN
(08-6-2020)
NGỒI NHÀ NHỚ EM
Mới xa em có mấy thu tròn
Đã thấy cách xa vạn núi non
Tâm khảm rã rời hồn mục nát
Cõi lòng tan tác dạ hao mòn
Sum vầy mai mốt là mơ lớn
Giã biệt ngày sau chỉ giấc con
Nhớ chuyện tình ta lòng rạo rực
Giâc mơ nguyệt bạch ướp vàng son./.
Toronto 8/6/2020
Nguyên Trần
LỜI MẸ TRÁCH
Tề gia trị quốc bởi đàn con
Mẹ trách chúng bây chẳng vẹn tròn
Công lý Nhân quyền chờ đợi mỏi
Tự do Độc lập ngóng trông mòn
Sao đành chịu nhục làm tôi tớ
Lại nỡ cầu vinh bán nước non
Biển đảo đặc khu giờ mất trắng
Cha buồn tím ruột nát lòng son!
DUY ANH
06-08-2020
CHIM LỒNG
Làm sao nghĩa khí được vuông tròn
Trách nhiệm bên mình nặng tựa non
Hoa lá sơn cùng rơi lả tả
Cỏ cây thủy tận thấy suy mòn
Quanh co tù hãm quên ngày lớn
Thất vọng u hoài bỏ mộng con
Thôi nhé trần ai sương tuyết nhẹ
Chỉ cần giữ lại tấm lòng son
Paris, 09 Juin 2020
TRỊNH CƠ
KHÍ KHÁI THI BÁ VŨ HOÀNH CHƯƠNG
Tác Phong Thi Bá giữ cho tròn !
Khí phách tuổi già há chịu non!
Chẳng thuốc tâm hồn luôn vững chãi,
Không cơm lòng dạ khó hao mòn
Đêm khuya thao thức thêm thương vợ ,
Ngày vắng bồn chồn lại xót con .
Trẻ Tạo đành hanh toan dọa dẫm
Dẽ gì suy chuyển nổi lòng son
Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
NHỚ BẠN TÙ BIỆT GIAM NĂM XƯA
Mười tù chính trị kết vuông tròn
Bảy mét vuông nằm tủi nước non
Đánh đập thân trai không mệt mỏi
Tù đày chí lớn chẳng hao mòn
Ra tay chống phỉ đường dài lắm
Bỏ mạng tiêu đời chuyện cỏn con
Mấy chục năm trôi đành tản lạc
Hỏi còn mấy kẻ giữ lòng son
Nông gia hai lúa NJ
DU LỊCH KHÁM CHÍ HÒA
Du lịch gần tháng, ảnh nguyệt tròn
Đã vào chỗ đấy khuất đồi non
Nhìn manh chiếu mốc... buồn thê thảm
Ngắm bát cơm thiu...nuốt đỡ mòn...
Thầm nghĩ mơ xưa đầy phúc ấm
Gậm suy mộng cũ nhớ thềm con
Tối tăm bát giác* đầy sương khói.
Ông Vũ thi hào khắc điểm son.
Đặng Xuân Linh
TRONG TRẠI TÙ TÂN LẬP
Liên miên chuyển trại chín năm tròn
Vẫn trả chưa rồi nợ nước non
Nửa chén khoai sùng thân mệt lã
Lưng tô sắn hẩm xác hao mòn
Xuân về tết đến thương thầy mẹ
Khắc lụn canh tàn nhớ vợ con
Nắng lửa mưa dầu manh áo rách
Không sờn chẳng vợi tấc lòng son !
Thanh Diệp
October 19, 2020
LƯU VONG
Lưu vong... nợ nước chửa lo tròn,
Trăng khuyết, sao mờ, dế nỉ non.
Chiến hữu chết già nơi đất khách,
Thương binh lê lết nẻo đường mòn.
Vun bồi nhân ái thương nòi giống,
Nuôi dưỡng hận thù hại cháu con.
Chế độ nhất thời, dân vạn đại,
Hướng về chính nghĩa... tấm lòng son.
HỒ CÔNG TÂM
PHẬN PHẤN SON
Hận quốc cừu gia nợ chửa tròn
Quê nhà đã cách núi xa non
Cang cường dũng khí thề không đổi
Tráng chí hùng tâm quyết chẳng mòn
Tưởng đến trời Nam thương dáng mẹ
Mơ về đất Việt tủi thân con
Đồng bào ruột thịt còn rên siết
Há chịu yên bình với phấn son
(2021)
ĐÀO THỊ BÍCH TRÂN
TÌNH NHÀ NỢ NƯỚC
Gian nan vượt biển đã vuông tròn,
Vẫn nặng tình quê nợ nước non.
Há để tinh thần không phấn chấn,
Dẫu cho sức khoẻ có hao mòn.
Quên sao nghĩa nặng tình phu phụ,
Vẫn nghĩ tương lai đám cháu con.
Nợ nước tình nhà không thoái thác,
Tín trung chung thuỷ giữ lòng son.
ĐỖ QUANG VINH
DÙNG MÁY TRỢ TIM, TIM VẪN ĐỎ
Cộng chung hoa giáp đủ vuông tròn
Vẫn chẳng sao quên nợ nước non
Lần trước lãng du chân quá mỏi,
Phen ni nhập tịch xác thêm mòn
Hiền thê khuất bóng càng thương vợ
Rể quý còn đang phải cõng con!
Tuổi quá bát tuần nhiều bệnh tật
Song lòng yêu nước vẫn mầu son
ĐỖ QUÝ BÁI
ĐẾN LÚC
Chương đời đã khép một vòng tròn
Nhẹ phất lên trời vượt núi non
Từ giã trần gian đầy thống khổ
Xin chào cõi Phật chẳng hao mòn
Đau buồn tiễn biệt tình hàng xóm
Tủi hận chia lìa nghĩa cháu con
Dẫu huỷ thân này thành cát bụi
Ngàn năm để lại tấc lòng son
PHƯƠNG THUÝ
_________________________
usaelection gởi