Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Tam Bo Nhat Bai 1
Tam Bo Nhat Bai 1
Tam Bo Nhat Bai 1 Tam Bo Nhat Bai 1
Tam Bo Nhat Bai 1
Tam Bộ Nhất Bái (tiếp theo 1)
Tam Bo Nhat Bai 1
Tam Bo Nhat Bai 1
Hằng Cụ và Hằng Do


Ngày 4 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Hôm nay thật là một ngày trọng đại khi chúng tôi lạy ngang qua thành phố Fort Bragg. Nào là tài xế, học sinh, trẻ con, các vị bô lão, mấy cậu hippy choi choi, những cô thiếu nữ, tất cả đều tụ họp đến xem chúng tôi. Vài ông say rượu chạy xe gắn máy (motorcycle), ngừng lại rồi bắt đầu kiếm chuyện sanh sự, nhưng hôm nay tôi cảm thấy khỏe khoắn quá, mà cũng không muốn dừng lại dù là bất cứ chuyện gì, cho nên tôi giao phó hết cho Thầy Hằng Do. Sau một lúc bị phiền phức bởi những câu hỏi với thái độ xấc xược như:

"Tụi bây đang làm cái giống gì vậy hả? Tại sao vậy chớ?"

Thầy Hằng Do liền hỏi ngược lại: "Vậy mấy ông đang làm cái giống gì vậy hả? Tại sao chớ?" Rồi họ mới đành ngậm im.

Vào tới trung tâm thành phố, có Mục Sư đạo Thiên chúa đi về phía tôi và nói với giọng đầy bi ai:

"Ông đi đâu mà có vẻ chậm chạp khổ sở như thế vậy!"

Dù tôi đã cố giải thích về chuyến bái hương, nhưng ông ta chỉ một mực tỏ vẻ thương hại chúng tôi thôi! Khi ông bỏ đi, tôi mới ngẫm nghĩ về những lời nói đó. Thật ra không có gì là đau khổ cả, ông ta đề xướng như vậy chỉ vì thành kiến của ông ta thôi. Ðúng ra thì cách lễ lạy nầy lại còn làm tăng thêm sự cường tráng, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy thân thể mình được rắn chắc khỏe mạnh như lúc nầy. Sự khổ sở là của ông ấy chớ không phải của tôi.

Tôi rất thích những cuộc gặp gỡ như vậy. Khi chuyện mới xảy ra đôi khi tôi không nhận ra ngay, nhưng thường thì sau một lúc lễ lạy và suy ngẫm, tôi dần dần thấy rõ được vấn đề. Tôi ý thức được những gì mình đã nói đúng và những gì cần phải nói, rồi tôi tích tụ những ý tưởng đó để dành cho cuộc gặp gỡ sắp tới. Và đó là cách học hỏi về pháp "Bát Phong."

Bát Phong gồm: Ðược và Mất, Nhạo Báng và Nịnh Bợ, Khen và Chê, Vui và Buồn. Tất cả chúng ta thường bị điêu đứng bởi sự tấn công của những ngọn gió nầy. Mục đích tu tập định lực là để đối diện với chúng. Ví như việc chúng tôi làm đã có rất nhiều người tán dương, khen ngợi rằng chúng tôi như người quân tử, thánh nhân v.v... Nhưng cũng có số người khác lại bảo chúng tôi là đồ bị chạm thần kinh, là kẻ tôn sùng tà giáo. Nếu chúng tôi bị động vì những lời nói của nhóm người trước thì sẽ trở nên tự cao tự đại, còn như bị động vì những người thuộc nhóm sau thì sẽ buồn phiền chán nản. Cho nên chúng ta nên tập quán xét những lời nói đó như những ngôn từ vô nghĩa rỗng tuếch, và không gì tốt hơn là cứ tiếp tục theo "con đường chậm chạp và khổ sở" của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đang dựng lều phía sau chiếc xe ủi đất, xe nầy trông có vẻ "chậm chạp và khổ sở" nằm trên ụ của công ty đá sỏi, thuộc phía bắc thành phố.

 

Ngày 5 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Chúng tôi lạy được năm dặm đường suôn sẻ không chuyện gì xảy ra, bây giờ dựng lều trong một cái hồ nước đã hoang tàn. Tuy đây không phải là khách sạn Hilton ở Hồng Kông, nhưng đối với chúng tôi chỗ nầy cũng là nhất rồi. Mọi việc đều tương đối thôi.

Hôm nay Thầy Hằng Do kể cho tôi nghe câu chuyện về Lão Hòa Thượng Hư Vân, lúc ở Trung Hoa Ngài đang trên đường đi dự khóa thiền. Khi đi ngang qua sông, Ngài bỗng hụt chơn té chìm lĩm xuống, rồi cả ngày trôi bập bềnh theo giòng nước, cho đến khi được người đánh cá lưới dính, vớt lên. Tuy lúc đó Hòa Thượng bị chấn thương rất nặng, máu miệng và mũi đều rỉ chảy, nhưng Ngài vẫn tiếp tục lên đường. Lúc đến tu viện, nơi có tổ chức khóa thiền thất, Ngài đã không giải thích gì về việc té sông và đang bị nội thương. Vị trụ trì mời Ngài thay mặt làm thủ tọa cho khóa thiền sắp tới, nhưng Ngài lễ phép từ chối, và nói rằng chỉ muốn tham gia như những hành giả khác. Ngài đã chuẩn bị dụng công thật khẩn trương. Nhưng vì sự từ chối nầy mà Ngài đã phạm luật nghiêm trọng chốn thiền môn, là đã khinh mạn chúng tăng, nên bị mấy vị Sư trong chùa kéo ra đánh phạt một trận thật nặng nề. Ngài vẫn không nói với ai rằng mình đang bị bệnh nặng, mà chỉ một lòng mong được tham dự khóa thiền. Mặc dầu trong lúc bệnh tình rất trầm trọng, tiểu ra cả máu và chất tinh dịch, nhưng Ngài vẫn cố gắng dụng công hành thiền ngày đêm không ngừng nghỉ, hoàn toàn quên hẳn cả thân tâm.

Kết quả tập trung thiền lực không loạn động nên Ngài nhập được định. Rồi vào một đêm khuya, khi Ngài mở bừng đôi mắt thấy cả khu vực thiền viện như có một bầu ánh sáng chói chang bao phủ như cảnh ban ngày. Và Ngài cũng có thể nhìn xuyên qua cả tường vách, thấy có mấy thầy tu ở ngoài sân và thuyền bè đang qua lại trên sông. Ngài đã kinh nghiệm được những cảnh giới sâu sắc tuyệt diệu, cho đến một hôm vị tăng hộ thất vô tình làm rớt tách trà xuống đất, với âm thanh vỡ tan đó đã khiến Hòa Thượng hoàn toàn khai ngộ.

Hòa Thượng Hư Vân được xem là một trong những vị cao tăng đạo hạnh bậc nhất ở Trung Hoa. Do sự tinh tấn bền chí tu tập đã mang lại cho Ngài một sự thành công vĩ đại. Ngài viên tịch vào năm 1959, hưởng thọ 120 tuổi.

 

Ngày 6 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:

Sau khi qua khỏi cầu Ten Mile River, chúng tôi được mời nghỉ đêm tại Frazier Farm, thuộc một thị xã do nhóm người tuổi tác xấp xỉ chúng tôi điều hành. Cũng giống như những thanh niên trẻ mà chúng tôi vẫn thường tiếp xúc, là họ đang có chuyển hướng theo những hình thức tôn giáo của Ðông Phương với nhiều lý do khác nhau. Sau đó chúng tôi có buổi nói chuyện với đề tài thiền Phật Giáo. Có vị thắc mắc hỏi rằng chuyến bái hương nầy có liên quan gì đến Thiền Phật Giáo? Một anh trong nhóm lập tức trả lời bằng câu hỏi liên quan đến đề tài thiền nổi tiếng:

"Tại sao Bồ Ðề Ðạt Ma từ Phương Tây đến?"

Bây giờ có ai biết không? Có lẽ anh nầy đã là một Thiền Sư, nhưng nhiều người lại có tư tưởng lầm lẫn, nghĩ rằng tất cả những gì về thiền, họ đều hiểu hết. Sự tự phụ dị biệt nầy như được khuyến khích thêm từ những "Trung Tâm Zen," đang đua nhau mọc lên như nấm ở Mỹ trong những năm gần đây, nhất là vùng biển miền Tây. Những trung tâm nầy không như những tu viện chùa chiền ngày xưa ở Á Ðông với những phương pháp thực hành khắt khe. Một số người Mỹ vì cho rằng mọi người ai cũng có gốc Phật tánh, nên ai ai cũng chểnh mảng, không để ý gì đến những quy luật giới đức. Vì có lập trường như vậy, cho là tất cả đã giác ngộ rồi, ai cũng có thể tự ý muốn làm gì thì làm. Thế nên giữa thầy tu và cư sĩ tại gia không còn có sự phân biệt gì cả. Những tư tưởng sai lầm nầy có lẽ đã bị thâm nhập từ những nơi khác hơn là từ Trung Hoa, kèm theo cái dạng thiền được phổ biến rất rộng rãi. Là vậy, chúng tôi thấy được sự kết hợp lạ kỳ của những Zen đường, với những bản nhạc kích động, thiền trong khói thuốc cần sa ma túy (marijuana), và những ông "Sư giác ngộ" có đến mấy bà vợ.

Thật ra mục đích cứu cánh của tông thiền là "Trực Chỉ Nhân Tâm." Tâm nầy không phải là tâm phàm phu mà chúng ta vẫn dùng trong các sinh hoạt trần tục hằng ngày. Tâm mà Thiền Sư muốn chỉ thẳng là cái chân tâm, nó như hư không, như bao trùm khắp vũ trụ, không đến cũng không đi và bao hàm dung chứa được tất cả. Với chí nguyện tu tập theo đường chánh pháp hầu khai tỏ cái cố hữu đang tiềm ẩn để nhận diện được tâm nầy tức là đang đi đến quả vị Phật vậy.

Câu "Trực Chỉ" được dùng qua ngôn từ nên không thật chính xác đầy đủ ý nghĩa để diễn tả trạng thái của tâm. Nhưng nếu định nghĩa theo cách ngắn gọn thì: trạng thái tâm có thể được chỉ thẳng ra. Một Thiền Sư khéo léo có thể giúp những thiền sinh thực nghiệm một cách trực tiếp. Ðôi lúc thật bất ngờ, thô tháo, hoặc dùng những phương pháp kỳ hoặc nhằm giúp hành giả vượt qua trạm thử thách cuối cùng. Ở Mỹ ngày nay, cũng có những câu chuyện đó, nhưng cách hành động lại quá trớn, lại thổi phồng lên nhằm để cân xứng phần nào trong việc huấn luyện của họ. Nhiều người đã không ngờ rằng muốn đạt đến trình độ tinh thông, ngằn mé của giác ngộ thì phải hội đủ trong nhiều năm, hoặc cả một đời công phu tu tập Giới, Ðịnh, Huệ. Và khi thời cơ chín muồi thì chỉ cần một cái đẩy nhẹ đúng chỗ, đúng lúc, thì kết quả sẽ là sự bừng ngộ, và chấm dứt sanh tử luân hồi.

Con người thường có khuynh hướng bỏ quên về việc tu đạo là phải giảm bớt những tình cảm xúc động và đòi hỏi ngày ngày phải chuyên cần dụng công mới có thể đạt đến trạng thái chín muồi. Trong khi đó thiền Phật Giáo theo lối Zen thường bị mất đi những lời dạy đó mà trái lại thay vào bằng những lời nói nhanh như chớp, những trò hề xảo trá mà người Hoa gọi là "Thiền Miệng," nghĩa là người mới tu được chút đỉnh, hoặc chẳng có gì hết mà đã khoe bày những chuyện vô căn cứ, những sự dụng công ngớ ngẩn để chứng tỏ là ta đã giác ngộ.

 

Ngày 7 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Lễ lạy đến vùng Westport, một tỉnh nhỏ ẩn mình dưới ghềnh dốc đá, nằm nghiêng thoai thoải xuống bờ biển. Có cặp vợ chồng trẻ là Gary và Zida Bachelor mời chúng tôi về nhà. Một lần nữa được cứu nạn, vì khi vừa đến nhà thì cơn bão lớn hung hãn từ phía tây thổi ập vào. Cơn mưa giông gió nầy đập ầm ầm vào vách nhà cả đêm. Anh Gary cho chúng tôi xem giải trí những tấm phim hình của anh trong chuyến du lịch ở Do Thái vừa qua. Sau đó anh cao hứng hát lên những bài dân ca, lại vừa đệm thêm tiếng nhạc đàn guitar. Trong khi đó chị Zida đang bận rộn chăm sóc đứa con mới sanh và pha sữa chocolate nóng cho chúng tôi. Chị lại còn vá đấp thêm miếng vải vàng tươi vào chỗ đầu gối quần tôi. Tôi cảm thấy như mình đã từng quen biết họ từ bao đời rồi.

Ðến khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi rút lui ra phía trước hàng ba kín đáo để nghỉ ngơi. Tôi ngủ ngồi trên chiếc ghế dài cũ, sư Hằng Do dựa lưng ở một góc cho qua đêm. Pháp ngủ ngồi rất thông dụng đối với hầu hết những vị tu hành ở Kim Sơn, ngủ như vậy là để không bị ngủ quá mê, ví như đang tọa thiền cả đêm vậy. Người thực sự theo pháp ngủ ngồi thì suốt đêm sẽ ngủ trong tư thế kiết già, lưng không cần dựa vào đâu cả. Họ nguyện không bao giờ để "xương sườn chạm chiếu." Còn tôi thì chắc lâu lắm mới làm được như vậy.

Ngủ được khoảng hai tiếng, tôi giựt mình thức giấc với cảm giác như không có thân xác gì cả. Tâm trạng nầy thật khó mà diễn tả. Mở mắt như thường lệ, nhưng lần nầy ngồi đó mà tâm tư không phân biệt, không sanh loạn tưởng. Tôi đã tỉnh giấc, nhưng tưởng chừng như không nhận ra cái lớp bao phủ hàng ngày mà tôi đã nhiều năm tốn công dung dưỡng. Tôi như bước ra khỏi cái thế giới hạn cuộc của trí phán đoán để đến một thế giới khác. Lần đầu tiên tôi ý thức được tất cả sự vật quanh mình như an trụ trong cảnh giới thanh tịnh. Thân tôi ngồi đó như một cây tươi đang hít thở và sanh trưởng. Thật là tuyệt diệu vượt ngoài cả sức tưởng tượng. Tâm phân biệt chưa bắt đầu tính toán, sắp xếp, tổ chức, chỉnh đốn, hay phân chia gì cả vì tôi quên hẳn gắn "nó" vào trí óc. Tuy nhiên tình trạng nầy kéo dài không được bao lâu, tôi bắt đầu kinh ngạc, thắc mắc không biết việc gì đang xảy ra. Với vọng tưởng đó, tâm tư tôi bắt đầu hoạt động và trở lại với cái tôi phàm phu bình thường.

 

Ngày 8 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Hôm nay tiến bước chỉ được ít thôi. Mấy anh Quả Pháp Olson, Quả Quy Nicholson và Quả Hồi Weber lái xe từ Kim Sơn đến với cơm trưa thật thịnh soạn cho chúng tôi. Chiều tối thì anh Quả Pháp và anh Quả Quy ra về, còn anh Quả Hồi ở lại muốn nếm thử đôi chút mùi lễ lạy. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi căng lều trong một cái chuồng cũ lung lay giữa vùng Westport. Chỗ này rờn rợn làm sao, vì tất cả ba chúng tôi đều có những giấc mơ rất kịch liệt. Thầy Hằng Do mơ thấy mình đang làm lao công ở một nhà thương lớn và thấy Sư Phụ hiện nhiều hóa thân, đang chăm sóc những người trên giường bệnh. Quả Hồi ngủ ở góc chuồng tối thui, cũng mơ thấy Sư Phụ.

Còn tôi lúc đầu trong tư thế ngủ ngồi rất đàng hoàng, nhưng chỉ sau vài giờ là nằm dài thẳng lưng (chắc tại ăn nhiều phó-mát 'cheese' quá). Khoảng 2 giờ sáng, tôi giật mình thức giấc, thấy ánh trăng rọi sáng xuyên qua những kẻ hở từ mấy miếng ván bị sút mất. Thật tình tôi không phải đang chiêm bao, nhưng lại cảm thấy hình như có một sức nặng khoảng hai trăm cân (gần 100 kí lô) đang đè lên cả mình mẩy tay chân. Tuy chẳng thấy hình tướng vật gì, nhưng trước kia tôi có nghe qua những câu chuyện xảy ra tương tự. Trường hợp nầy gọi là ma Kumpanda (Cưu-bàn-trà), nhiều lúc chúng có những hình dạng như những trái bí to lớn, cũng có khi chúng tàng hình không thấy được. Lúc đọc những chuyện nầy, tôi thật không tin là có mấy loại ma như vậy. Nhưng bây giờ thì chẳng còn thắc mắc chi về chuyện đó nữa mà chỉ biết kinh hãi thôi. Năm năm qua tôi được học nhiều loại thần chú cùng nhiều pháp thuật để làm mê mẫn chinh phục hay chống cự lại bọn quỷ ma, nhưng bây giờ thì quên ráo trọi, chỉ biết có một chữ: "Cứ ứ ứ u u u...!" Tôi vận dụng hết sức mình để hét lên. "Cứ ứ ứ u u u...!"

Tiếng kêu la như trùm khắp cái chuồng và vang xuống tận những con đường đầy sương mù vùng Westpost. Tôi sợ hãi nằm ngay chừ cũng khoảng năm phút. Thầy Hằng Do và Quả Hồi đang chìm đắm an toàn trong túi ngủ (sleeping bag) của họ. Còn tôi một mình nằm bất động. Cuối cùng con ma bỏ đi. Mấy tiếng sau tôi lại mơ thấy bà nội tôi, tức bà Testu (đã qua đời), đang cùng Sư Phụ đi ung dung trên không trung.

Chúng tôi thức dậy sớm và bắt đầu lạy về hướng bắc, dọc theo những dốc đá đầy sương mù.

 

Ngày 9 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Sáng nay cũng như lệ thường, chúng tôi gọi điện thoại về chùa để báo cáo tình hình. Tôi thuật lại chuyện bị ma đè.

Sư Phụ liền bảo: "Mấy ngày trước nếu ngươi không la cà gần gũi mấy người đàn bà đó thì đâu đến nỗi bị gặp ma."

Vừa nghe xong tôi thiếu điều muốn buông rớt cái điện thoại. Rồi ý thức liền chạy ngược về cái hôm 6 tây, lúc chúng tôi đi tham quan quanh cảnh trại. Tôi nhớ có ba cô thiếu nữ rất quyến rũ đã hướng dẫn chúng tôi đi dạo quanh vùng. Họ nói chuyện với chúng tôi rất lâu và còn cho rau để nấu canh nữa. Ai mà nói cho Sư Phụ biết việc nầy chớ? Chúng tôi không hề hở môi với một ai về chuyện nầy mà!

Sư Phụ bảo đó chính là ma Cưu-bàn-trà, loại nầy rất thích ngồi trên mình người. Sư Phụ còn cảnh cáo chúng tôi phải cẩn thận hơn khi tiếp xúc với mấy cô trẻ tuổi. Ngài còn bảo là chúng tôi lễ lạy quá nhanh, vì nếu lễ chậm rãi thì sẽ có định lực hơn. Ngài cho chúng tôi một sự quán tưởng trong khi lễ lạy, là suy tưởng đến thế giới sẽ càng bình an hơn khi chúng tôi càng tiến tới. Ngài nói thêm rằng, nếu chúng tôi thực sự thành tâm thì sẽ có chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ.

Ði qua được năm dặm đường về hướng bắc vùng Westport, chúng tôi tìm gặp một căn chòi có mái nhà đã gần như đổ xụp. Ngài mai chúng tôi sẽ rời bờ biển để tiến vào nội địa.

 

Ngài 10 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Sáng nay hàn thử biểu (thermometer) gắn trên xe kéo chỉ 28 độ F (- 2.2 độ C). Lòng phấn khởi! Chúng tôi lạy dọc theo Xa Lộ Một, hẹp cong queo về hướng tây, dẫn lên dãy đồi ở ven biển, rồi chạy xuống ngang qua rãnh núi để tới thành phố Rockport, phong cảnh chung quanh toàn là những ngọn đồi cây lá xanh um. Tìm được chỗ nghỉ ngơi ở trong một tòa nhà tường xi măng, chỗ này trước đây vốn là trường học của tỉnh.

Hôm nay đang lúc lễ lạy, những lời quán tưởng trong Ðại Bi Sám cứ chạy quanh trong tâm tôi:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch.

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Ngã thử đạo tràng như đế châu.

Nhất thiết Như Lai hiển hiện trung.

Song cũng có thể bày tỏ theo phương diện khác là: Người đang lễ và chư Phật thọ lễ cùng như nhau trong trạng thái đồng nhất không sai biệt. Chư Phật (hay Thực Thể, Niết Bàn, Chân Như, Giác Ngộ, hoặc bất cứ danh hiệu nào mà ta muốn dùng) hiện đang ngay trước mặt ta. Nếu thực lòng tập trung vào lễ lạy và ý chí vững vàng để trì chú, tất Phật nơi nơi đều hiển hiện. Thông thường có câu: "Phật tức tâm, tâm tức Phật," nhưng nếu người có những vọng tưởng phóng túng hay lo lắng thì không Phật nào ứng hiện cả. Cũng như câu: "Sự cúng dường cao quý nhất, tốt đẹp nhất, chính là giữ gìn tâm an tịnh, không vướng mắc."

 

Ngày 11 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:

Chúng tôi hiện đang trên Xa Lộ Một, dẫn vào nội địa, có những xe hàng chất đầy gỗ ào ạt qua lại càng nhiều hơn. Lều được dựng trên đoạn đường đang khai khẩn, cách thành phố Leggett khoảng mười dặm, với độ cao có lẽ là một hay hai ngàn bộ (feet). Luồng gió miền rừng núi thật oai dũng, thơm ngát ngọt ngào làm sao! Bầu trời hầu như trắng xóa đầy những vì sao. Ở đây hình như khác hẳn vùng biển cả, hương vị cũng khác xa. Những tiếng sóng biển dập dồn vỗ vào bờ, giờ thay vào là những tiếng gió, tiếng cây lá xào xạc vi vu . Ðức Khổng Tử đã diễn tả với cảm tác rất đặc sắc:

Nhân giả lạc sơn. Trí giả lạc thủy.

Trí giả động. Nhân giả tĩnh.

Trí giả lạc. Nhân giả thọ.

Nghĩa là:

Người nhân (ái) vui cảnh núi. Người trí vui với nước.

Người trí động. Người nhân tịnh.

Người trí vui. Người nhân trường thọ..

Trí và Nhân (ái) là hai trong các phẩm cách vẹn toàn của đức Phật. Những tác động của Ngài đều là phản ảnh của trí huệ, hoan hỷ và khéo léo trong việc cứu độ chúng sanh. Ðức hạnh Ngài biểu hiện sự bất động hiện hữu như một quả núi đồ sộ.

"Thấy Tánh Thành Phật" là sự tượng trưng thứ hai của thiền. Tánh ý chỉ cái trí tuệ sẵn có, đang tiềm ẩn im lìm trong tất cả chúng sanh, tức gọi là Phật tánh. Phật theo tiếng Phạn có nghĩa là "Bậc giác ngộ." Những ai thấy được Phật tánh tức người đó đã giác ngộ. Tuy nhiên, nói thì dễ, còn thực hành mới là khó, bởi Phật tánh đã bị chôn vùi, che lấp qua nhiều lớp từ vô thủy kiếp, khiến tánh thanh tịnh vốn trong sáng nay bị mờ tối đi. Dụng công tu hành không những là để dừng bớt những lớp che lấp, mà nó còn giúp khai mở, khoan đục mạnh mẽ xuyên thủng những màn lớp tối tăm, hầu phơi bày nguồn trí tuệ.

Vì tham, sân, si, mạn và nghi, chất chồng từ vô lượng kiếp qua, nên chúng lưu lại những cặn cáu mà chúng ta phải gạn lọc loại trừ. Tu đạo là tiến trình để giải quyết vấn đề nầy. Nhất thiết không phải là Thầy tu mới làm được, cũng không đòi hỏi về tuổi tác, nam, nữ, màu da chủng tộc, vì Phật tánh đâu có những sai biệt nầy. Có đòi hỏi chăng chỉ là tấm lòng thành, thanh tịnh với ý nguyện cầu chấm dứt sanh tử và cứu giúp chúng sanh. Dù bất cứ ai, một khi nỗ lực tu hành thành công là thấy tánh, là thành Phật.

 

Ngày 12 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Chúng tôi hiện đang ở bìa rừng, cách năm dặm vùng Legget, nơi đường lộ dọc ven biển cắt tréo nhau và chấm dứt tại quốc lộ US 101. Quả Hồi vẫn còn ở lại cùng chúng tôi lễ bái. Tối qua anh ta chọn được một địa điểm thật tuyệt. Nền đất như được quét sạch sẽ, chung quanh toàn là cây lá. Nhưng nơi nầy cũng đã để lại một kỷ niệm vui vui. Nhân là đêm đó sau khi dựng lên hai chiếc lều, chúng tôi cùng ngồi thiền, rồi pha nước chocolate nóng. Bỗng nhiên cơn mưa bão khủng khiếp nhất trong năm ào ào ập đến. Chúng tôi hối hả mau chui lẹ vào lều và kéo chặt cửa lại. Trận mưa xả xuống như súng máy rỉa đạn. Chẳng bao lâu, mọi chỗ trong lều đều bị nước thấm rỉ vào, giống như đang bập bềnh lạc loài trôi trên biển trong cơn bão táp. Chúng tôi ngồi cả đêm để tát nước ra ngoài. Mãi đến lúc mặt trời gần hé dạng và mưa cũng bớt đi phần nào, tôi liều lĩnh bước ra khỏi lều để quan sát tình hình. Trời ơi! Chúng tôi dựng lều để ngủ ngay trong lòng con rạch. Lúc nầy mực nước đã dâng lên khoảng sáu tấc. Chúng tôi lẹ làng lo thâu dọn đồ đạc bị ngấm ướt, rồi đi thẳng xuống phố tìm tiệm giặt để sấy khô. Qua trận nầy đã cho chúng tôi bài học là từ đây Quả Hồi sẽ không bao giờ được phép tìm chọn địa điểm để cắm lều nữa.

 

Ngày 13 Tháng 12 năm 1973. Hằng Do viết:

Vì trận bão dữ dội vẫn tiếp tục nên chúng tôi nghỉ lạy một ngày ở vùng Leggett. Quận nầy vẫn được tồn tại vì là nơi giao điểm giữa xa lộ Một và tuyến đường US 101. Chúng tôi được một ngày để sửa chữa đồ đạc và hành thiền.

"Giáo Thọ Biệt Truyền" là điểm thứ ba của thiền môn. Tức là sự chứng nhận truyền tâm ấn của các Tổ từ xưa đến nay. Ngôn ngữ không thể diễn tả hết bản chất thâm sâu của diệu pháp - là thể hiện cảnh giới hiện hữu của đức Phật - nên phải dùng pháp tâm truyền tâm. Việc nầy cũng giống như làn sóng của máy radio truyền đi, người nghe chỉ bắt nhận được nếu cẩn thận rà đúng tần số của nó. Cũng đồng giống như nếu một người tinh tấn tu đạo và hành trì giới đức, thì người đó tự nhiên sẽ vặn đúng đài và có khả năng tiếp nhận sự ấn truyền từ vị thánh giác ngộ.

"Bất Lập Văn Tự." Chân tâm mà đức Phật diễn tả trong kinh Lăng Nghiêm qua ví dụ một người, muốn chỉ cho bạn thấy được mặt trăng tròn đầy, bèn dùng ngón tay mình để chỉ mặt trăng. Nhưng người bạn hiểu lầm, cứ tưởng ngón tay là vật để chú ý nhìn. Như vậy là ông bạn nầy đã hai lần bị lầm lẫn: đã không thấy được mặt trăng thật nên không hiểu được cái dụng của ngón tay. Ngón tay chỉ hướng, không phải là mặt trăng, cũng như ngôn ngữ, văn từ dùng để diễn tả hay biểu hiện cái tánh giác sẵn có của chúng ta, chớ tự nó không phải là sự giác ngộ. Cho nên ta phải cẩn thận, không nên dựa chấp vào ngôn từ là tột đúng là chân thật, rồi cho đó là sự siêu việt căn bản của Phật tánh thanh tịnh. Vậy Bất lập Văn Tự là quan điểm thứ tư trong tông thiền.

Mưa ngừng bão tạnh. Chúng tôi dựng lều ở ngọn đồi, phía trên con lộ đang được khai khẩn, dưới ánh sáng trăng tròn tỏa chiếu. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ thấy được mặt trăng thật, và đừng lầm lẫn xem ngón tay chỉ hướng là nguồn ánh sáng của mình.

Khó tin quá vì chúng tôi đã đi qua hơn 225 dặm đường rồi.

 

Ngày 14 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:

Xe cộ qua lại thật tấp nập trên xa lộ 101! Chúng tôi tạm nghỉ chân dưới một tàng cây bên vệ đường. Những chiếc xe nhà, xe vận tải chạy vùn vụt lướt qua, với những bánh xe quây tròn trên mặt lộ đen bóng khiến nước dưới đường bắn văng tung tóe. Nước quến thành bùn chèm nhẹp trải trên mặt đường cho chúng tôi lễ lạy qua.

Bùn nhắc tôi nhớ lại bài học đầu tiên được học về tánh tham, cũng liên quan đến sân và si. Lần đầu tiên xa nhà đi cắm trại hè ở Maine lúc tôi khoảng chín tuổi. Một hôm tôi thấy có đám con trai đang tụ tập phía trước trại, bọn chúng đang cười nói la lối, chỉ trỏ vào cái hầm ở phía dưới tòa nhà. Vì lòng hiếu kỳ không biết đang có chuyện gì, nên tôi mon men tới gần xem thử. Một đứa có hàm răng to tướng nói: "Có đồng 25 xu ở dưới đó! Thấy nó nằm ngay chỗ đó không?" Thời bấy giờ, 25 xu có thể mua được năm cây kẹo to mà anh bán kẹo thường đến sau mỗi buổi cơm trưa. "Ừa thấy!" Tôi đáp láo.

Lòng tham trổi dậy, không cần đợi ai xúi giục, tôi tự động bò xuống dưới hầm để lượm tiền. Nghe tiếng bọn chúng cười ầm lên khi tôi chầm chậm bò vào bóng tối, và mò mẫm đến chỗ mà tôi nghĩ là tiền đang ở đó. Tôi làm ngơ bỏ mặc những tiếng cười khúc khích, vì chỉ biết có kẹo đang ở trước mắt thôi. Bỗng nhiên bị trược tay, rồi Ùm! Tôi té úp mặt xuống bùn. Thì ra chỗ nầy vốn được mấy nhánh cây thông phủ che lên. Khi nghe tiếng chúng phát cười ầm lên, tôi mới vỡ lẽ là mình bị gạt. Bò ra khỏi hầm, tôi trơ trẽn đưa mặt ra cho chúng tha hồ cười đùa chế nhạo, nhảy múa, chỉ trỏ, reo hò. Mình mẩy từ đầu tới chân toàn là bùn sình. Tôi bắt đầu quờ quạng quơ tay, quơ chân khi chúng xúm lại gần. Thấy vậy, chúng nó càng thêm khoái chí. Cuối cùng tôi ngồi bệt xuống đất, rồi òa khóc tức tưởi.

Ðó là bài học đầu tiên về Tham, Sân, Si mà tôi sẽ không bao giờ quên!

"Ê Do!" tiếng Thầy Hằng Cụ réo gọi kéo tôi về thực tại. "Sao đệ không đi trước tìm xem có chỗ nào khô ráo để bỏ neo không?"

 

Ngày 15 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Ðoạn đường xa lộ nầy được khoét vạch từ cái rãnh sâu của vách đá thẳng đứng, là chỗ bắt nguồn của con sông Lươn (Eel River) qua nhiều thế kỷ. Nó chạy ngoằn ngoèo xuyên qua vùng đất trải dài với hàng trăm cây hồng mộc (redwood), và vì hình dạng giống như con lươn, nên được đặt tên là sông Lươn vậy. Mặt đường vừa hẹp lại vừa cong queo, thêm xe cộ qua lại nhiều hơn so với Xa Lộ Một.

Hồi, nghĩa là "trở về," hôm qua đã trở về San Francisco. Tôi và Thầy Hằng Do lại gọi điện về chùa báo cáo tiến trình. Lần nầy Sư Phụ khuyên chúng tôi chớ thức khuya phí sức bàn cãi vòng vo với những người mời về nhà. Ngài còn dạy thêm rằng, nếu chúng tôi thành tâm lễ bái thì sẽ không có mưa nào đổ trút xuống đâu. Ðó là những lời mà chúng tôi bây giờ cần phải nên suy ngẫm.

Hôm nay chúng tôi lạy được năm dặm, hiện dựng lều trên khoảng đất trống phía bên đường. Gần bên có con suối chảy róc rách, và một đóng gỗ bách hương chẻ sẵn của vị hảo tâm nào đó đã bỏ lại đây. Thầy Hằng Do đang ngồi thiền trong lều. Mặt trời dần dần khuất bóng, tôi mặt vội chiếc áo ấm và ngồi trong tư thế kiết già cạnh đóng lửa trại. Trong lúc nầy, nếu tôi, như hầu hết những người Mỹ sau một ngày dài làm việc, có thể đang ngồi bên mâm cơm chiều thịnh soạn. Có lẽ sau đó tôi sẽ lo cho các con đi ngủ, rồi tự mình ngồi nhâm nhi giải trí với mấy lon bia (beer) trước màn ảnh truyền hình cho tới giờ lên giường ngủ. Rồi sau một đêm dài ngủ nghỉ, tôi sẽ thức dậy để bắt đầu làm lại tất cả, y hệt như ngày hôm qua. Nhưng không đâu! Vì tôi hiện đang ngồi trên triền đồi của khu rừng xa lạ. Phía dưới đồi vang lên tiếng nước chảy ì ầm từ hố rãnh. Và phía bên trên ánh trăng mùa đông lờ mờ rọi chiếu xuống trần gian đang mê ngủ. Giờ đây ngọn lửa trại đã lụn tàn, chỉ còn sót lại mấy cục than hồng, nhưng tôi cảm thấy sức nóng từ dưới chân chạy lan dần lên xương sống. Bao tử đang trống rỗng, nhưng tôi không thấy đói, chỉ cảm thấy ngọn gió đêm nhè nhẹ phớt qua đôi gò má phừng đỏ của tôi.

 

Ngày 16 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:

Khi đi ngang nhà hàng Hoffman, chúng tôi được ông bà Hoffman tặng nước trà nóng và một khúc phô-mai (cheese). Trời lại đổ mưa. Tuy sáng nay nhiệt độ xuống tới 20 độ F (tức trừ 6.6 độ C), nhưng thân thể chúng tôi cũng đã quen với thời tiết nầy rồi. Con đường có vẻ khác hẳn với xa lộ Một, tuyến trình dọc theo bờ biển. Xa lộ Một thì hầu hết là đường hai chiều, chạy uốn cong theo vách núi, xuyên qua mấy con sông. Ðồng thời nó lại là đường lộ chánh của hàng trăm quận nhỏ, nhưng lại thường có vấn đề nước bị ứ đọng và sình lầy. Ðặc biệt là vào mùa đông, xe cộ qua lại cũng ít thôi. Trong khi quốc lộ US 101, mới đúng là đại lộ, vì mặt đường rộng rãi hơn và có rất nhiều xe cộ. Nó lại là đường giao thông chánh giữa các tiểu bang California, Oregon và Washington. Vô số các loại xe như xe hàng chở gỗ, xe vận tải, xe buýt, xe cắm trại và xe chở hành khách. Ðoạn đường nầy mang tên Xa Lộ Hồng Mộc (RedWood Highway), vì nó chạy dọc theo hàng bao nhiêu mẫu đất với chỉ toàn độc nhất loại cây hồng mộc to lớn phi thường. Lại có tấm bảng lớn đăng quảng cáo những chỗ nghỉ ngơi tiện nghi, các nơi giải trí với nhiều sự thu hút du khách đến xem cây, như bạn có thể lái xe xuyên qua một thân cây và có một căn nhà cất lên chỉ toàn bằng gỗ hồng mộc.

Tôi chợt nhớ đến bài thơ của vị Thiền sư Trung Hoa, cách nay đã mấy trăm năm về trước:

Nhập thâm sơn, trú lan nhã

Sầm ngâm ư thúy trường trùng hạ

Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia

Quých tịch an cư thực tiêu sái

Nghĩa là:

Vào rừng sâu, ở lan nhã

Núi dựng tùng già ôm bóng cả

Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh

Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ.

(Trúc Thiên dịch)

A-Lan-Nhã là nơi an tịnh của những vị tu hành. Một mình trong rừng núi thâm sâu, rời xa trần tục. Ðây không có ý nói về thân xác, mà có thể hiểu là biểu hiện về cảnh giới tâm linh. Sau khi đạt đạo, vị sư nầy sẽ an trụ một nơi tịch tĩnh, lặng yên như chính tâm Sư. Một mực không hề rung động bởi những thăng trầm của vận mạng: Vì Sư đã hoàn toàn tự chủ được vấn đề sanh tử của mình.

Chúng tôi chầm chậm đi dọc theo bờ sông với dòng nước đang chảy xiết. Cách diễn tả về cảnh giới tâm linh của vị Sư giác ngộ đã cho tôi một sự sáng tỏ mới mẻ hơn.

Sau một ngày ướt át, chúng tôi cắm trại ở Smith Redwood Grove. Có bảng cấm không cho cắm trại, nhưng ở đây chẳng có ai đến đuổi xô chúng tôi đâu! Ẩm ướt quá thật khó mà nhúm lửa được.

 

Ngày 17 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Bão tố vẫn tiếp tục cơn thịnh nộ, và mực nước dưới sông Eel từ từ dâng cao. Nếu thời tiết cứ theo đà nầy mà không chịu ngừng thì thế nào cũng có chuyện lớn. Chúng tôi đang trên đoạn đường nguy hiểm nhất trong chuyến du hành. Ðường lộ như thâu hẹp lại hơn bao giờ hết, vì nó bị những cây Redwood to lớn dềnh dàng chòm hẳn ra lề đường. Sợ bị đụng nên Thầy Hằng Do nhiều lần phải lôi chiếc xe kéo tránh né những chiếc xe vận tải chạy ào ạt ngang qua. Những khi đương đầu với khó khăn, tôi thường nghĩ đến mấy câu thơ mà Sư Phụ thỉnh thoảng ngâm nga:

Tánh định ma phục triều triều lạc

Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.(Bất vọng tâm không xứ xứ an)

Nghĩa là:

Tánh định, ma thua, thời thời vui,

Vọng niệm không khởi chốn chốn an.(Chẳng vọng, tâm không chốn chốn an)

Tánh định: nghĩa là định lực, có khả năng giữ vững tập trung, hiểu biết và tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh. Nó có thể phát triển đến mức vô hạn. Ðịnh không có nghĩa là cố định ở một sự vật riêng biệt nào, mà là tâm ở cảnh giới tập trung thật mạnh mẽ. Nó sẽ Tùy duyên bất biến, nghĩa là tùy hoàn cảnh, nhưng vẫn giữ nguyên căn tánh không hề thay đổi.

Như bọn ma quỷ, chúng có thể là nội ma hoặc là ngoại ma, và ai cũng có thể thành ma quỷ. Bọn nầy có thể biến hóa trăm phương ngàn cách để thử thách người tu đạo, vì chúng vốn không ưa nhìn thấy kẻ tu hành. Ngay cả đến bạn thân cũng có thể là bọn ma vương. Thế giới ngày nay có rất nhiều loại ma quái giả danh thầy tu. Có một số còn có vẻ tàm tạm, nhưng có số khác thật là điên đảo vô cùng. Họ trổ tài khéo léo để xoay chuyển lệch lạc giáo lý nhà Phật, nhằm che dấu những lý lẽ tà kiến với những phương pháp tu tập sai trái của họ. Mặc dầu ngay chính họ còn mù mờ về giáo lý căn bản của nghiệp lực, vậy mà cũng vẫn bày vẻ hướng dẫn những kẻ tín đồ đọa lạc xuống đường của ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.

Bất vọng: Hiện nay ở Phương Tây có rất nhiều phương pháp chỉ dạy tu thiền, nhằm giúp mọi người sống thoải mái, đồng thời bắt kịp lối sinh hoạt ở đời, nhưng lại không hướng dẫn gì về sự giải thoát cứu cánh cả. Thật ra mục đích tối hậu của tu thiền là phải chấm dứt sanh tử luân hồi, dẹp bỏ những dòng vọng tưởng và các vướng mắc của tình ái.

Tâm không: Khi nào tâm không còn phiền não, chấp trước, vọng loạn, cùng những tri kiến ích kỷ, thì người đó mới có thể thật sự nói là tâm không. Chữ "Không" được dùng trong Phật giáo là từ tiếng Phạn "Shunyata." Nó không có nghĩa là trống rỗng như cái lon không, mà có nghĩa là tâm không bị ràng buộc hay bị giới hạn, nó hoàn toàn không bị chướng ngại. Lúc bấy giờ tâm thực thể sẽ hiển hiện. Cho nên khi vọng niệm chẳng khởi và tâm không thì chỗ nào cũng an lành.

Tối đến, chúng tôi tìm được căn chòi nằm bên mé sông về hướng bắc vùng Piercy. Lửa trại được nhúm lên để hong khô đồ đạc và pha một ít sữa nóng. Giờ đây chúng tôi ngồi yên, lắng nghe âm vang phẫn nộ của cơn mưa tầm tả.

 

Ngày 18 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:

Nhiệt độ mấy lúc sau nầy thường là 20 độ F (trừ 6.6 độ C), nhưng khi gió thổi mang theo hơi lạnh lại càng buốt giá hơn.

Hành giả trong thời gian dụng công tọa thiền, có thể cảm nhận sự tỏa nhiệt ở đan điền, phía dưới bụng, từ từ dẫn truyền đi khắp tứ chi. Ðây có thể gọi là "Hỏa Tam Muội." Nhiều năm trước, Sư Phụ chúng tôi phát triển công năng về thiền định nên từng kinh nghiệm được Lửa Tam Muội nầy. Ngài có thể đi chân không trên lớp tuyết dầy vùng Ðông Bắc (Manchuria), và có lần Ngài ngồi xe ngựa chạy hàng mấy giờ vào mùa đông lạnh rét dưới 0 độ mà chỉ mặc ba lớp áo mỏng manh. Lần nọ, có vị Sư trẻ khi thấy Ngài đi chân trần trên tuyết, nên cũng muốn thử, nhưng kết quả là bị bệnh sáu tháng trời không đi đứng được.

Trung Hoa thời xưa, có vị Ðạo sĩ đến thăm bạn tên là Lưu Trường Xuân. Khi được mời dùng trà, ông liền nói:

"Trà! Sao mà sang quá vậy! Tôi ở trên núi, nhiều lúc ngay cả nước còn không đủ uống nữa đó!"

Vị chủ nhà họ Lưu nghe vậy bèn lấy một nồi nước lạnh để trên bụng mình và làm cho nước sôi lên. Ông khách thấy vậy thất kinh, vô cùng xấu hổ khi nghĩ lại, thấy mình hãy còn thua kém, tu hành chẳng ra chi. Rồi từ đó quyết tâm nỗ lực tiến tu, không còn dám khinh thường mỉa mai kẻ khác.

Phải nói rằng người tu đạo không phải với mục đích là để khai triển Hỏa Tam Muội, hay muốn có được bất cứ sự diệu dụng gì. Song nếu trong lúc dụng công, năng lực tự phát thì ta chỉ nên dùng chúng vào những việc lợi ích cho cả mình và người khác. Nếu không như vậy, chỉ dụng tâm tu hành cốt để được thần thông thì cũng như nhận lầm nhánh ngọn là gốc rễ.

Mai nầy chúng tôi sẽ qua ranh giới quận Mendocino Humboldt.

 

Ngày 19 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Mưa bão vẫn kéo dài. Lại một lần nữa chúng tôi như đang lặn hụp theo xuống đáy biển. Những lúc như vậy, không cần dùng lời lẽ gì để diễn tả, tốt hơn là cứ chấp nhận tất cả những quang cảnh oai nghiêm tuyệt vời của chúng thôi.

Khi còn ở Tiềm Thủy Ðỉnh "Khối Ðá," hạm đội số 5 của chúng tôi có câu châm ngôn: "Khám phá, Tấn công, Phá hũy." Những từ ngữ nầy có thể đem áp dụng để tự tu thì rất hay. Trong đó cuộc chiến nội tâm xem như không bao giờ chấm dứt được, vì chúng ta phải lo hàng phục mọi kẻ thù. Nếu nói về sự chiến thắng cá nhân thì không có gì là quá đáng. Như trong Phật giáo, chữ "Thắng" thường được dùng đi dùng lại hàng ngàn lần. Nó có nghĩa là sự chiến thắng cao quý bậc nhất. Trong việc truy tầm và phát triển tánh giác, chúng ta phải thật thận trọng mới có thể khám phá, tấn công và phá hủy được những hạt giống ác nghiệp, đồng thời chận đứng những dòng loạn tưởng. Chúng ta cần phải đánh bại những xu hướng vướng mắc ngoại cảnh. Xem như lúc nào cũng tự chủ được tâm mình, để bất kỳ chuyện lớn nhỏ gì cũng chẳng khiến ta động lòng. Ðồng thời ta cũng có thể thấy biết tất cả, nhưng tâm không chấp mắc, bác bỏ, tính toán, phân loại, lý luận, hay xúc cảm. Trong những hoàn cảnh như vậy mà thật giữ được thanh tịnh không ô nhiễm và không bị che mờ bởi những thành kiến sai quấy của mình, thì cuộc đời sẽ trở lại tuyệt vời mầu nhiệm biết bao.

Buổi sáng khi chúng tôi đi ngang qua quán cà phê gần trạm xe hàng, chợt nghe hai chú tài xế đang chuyện trò:

"Ừa phải đó! Ken, nó đang cầu nguyện cho xe hàng cán lên nó cho rồi! Ha, ha, ha!"

Dưới cơn mưa như trút, chúng tôi dùng cơm trưa ở khu cắm trại bên đường. Có mấy anh chạy xe mô tô ngang qua nhìn, tưởng chúng tôi là một lũ khùng. Tuy cả ngày khốn đốn lễ lạy trong mưa, và bị những xe chở gỗ khổng lồ theo bên gót, cuối cùng, chúng tôi cũng cắm trại được ở Richardson Grove Camp Ground.

 

Ngày 20 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Chỉ còn 5 dặm nữa là tới vùng Garberville. Bây giờ muốn tránh cũng không được, vì không có tuyến đường nào khác hơn nên chúng tôi phải tiến ra đại lộ. Thế là cứ ngay trên đại lộ (freeway) mà lễ lạy. Mấy ông cảnh sát công lộ chắc cũng thông cảm, nên chẳng thấy đến hỏi han gì hết. Thật không ngờ, đại lộ quả là chỗ lễ lạy an toàn nhất so với những lộ trình đã qua, vì lề đường ở đây rộng rãi hơn và lại cách xa xe cộ hơn.

Sáng nay có bà trên chiếc Lincoln lớn, chạy rà rà đến và ngừng lại bên tôi. Bà nầy thuộc kiểu người không thích bước ra khỏi xe mà chỉ muốn chạy tới chạy lui, đến khi giao thiệp làm ăn thì chỉ cần nhận nút cửa kiếng xe xuống rồi nói vọng ra. Ðành chiều ý bà nên tôi ngưng lạy. Dưới mắt bà tôi như kẻ trở về từ cõi âm ty. Sau vài câu trao đổi xã giao, bà tặng tôi cuốn Thánh Kinh và hỏi:

"Lễ lạy như vậy có dính líu gì đến thực tế hiện tại không?"

Tôi đáp: "Lễ lạy chính là thực tế hiện tại đó!"

Rồi tôi giải thích về một trong những mục đích của lễ lạy là sự quán tưởng thực tế như chính thực của nó. Tôi nghĩ bà nầy chắc thích nghe về những sinh hoạt thực tế trong đời sống hằng ngày hơn như: Bữa ăn sắp tới là từ đâu đến và ngủ nghỉ ở đâu? Nhưng ý tôi muốn nói về cái thực tế cứu cánh. Tại sao không nói về vấn đề nầy chớ?

Vóc dáng sang trọng của bà trông rất giống nữ tài tử Elizabeth Taylor, hình như bà cũng tin tưởng về sự ích lợi của linh hồn khi lưu tại cung thứ tám (Scorpio) của Hoàng Ðạo. Tôi kể câu chuyện về máy truyền hình. Tất cả những hình ảnh tài tử và cảnh vật được chiếu lên trong máy là hiện tượng đến hay đi, cũng giống như những hình ảnh trong giấc mộng vậy. Nhưng màn ảnh Ti Vi, tự nó chính là thực thể, vẫn giữ y nguyên cái hoàn toàn bất động, mặc cho mỗi ngày, hàng ngàn hình ảnh thay phiên tới lui. Tâm con người cũng giống như vậy. Nếu chúng ta cứ bắt đuổi theo những hình ảnh trong đó thì cũng chỉ là hết vở kịch nầy lại tiếp đến vở kịch khác, hết đời nầy tiếp nối đời sau và cứ thế tiếp tục không khi nào kết thúc. Nhưng nhờ tu hành chúng ta có thể trở về nhận diện nguồn gốc của thực thể, rồi từ đó vượt khỏi những hạn cuộc của thế gian, mặc dù ta vẫn hiện diện trong đó. Chúng ta sẽ liên kết được bốn đặc tính cao quý của Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là căn nhà thật sự của mình. Tâm ví như cái truyền hình có thể hàm chứa thiên hình vạn tướng, nhưng gốc căn bản của nó vẫn là lặng yên bất động.

Bà cung kính chăm chú lắng nghe, đợi tôi dứt lời mới ra hiệu cho tài xế chạy đi.

Vợ chồng Quả Quý, Quả Chung Bạch, cùng con gái là Quả Phong từ San Francisco đến. Họ nấu món ăn Mễ Tây Cơ (Mexico) ngay bên lề đường cho chúng tôi dùng trưa. Buổi chiều, sau khi lạy được năm dặm, ông bà họ Bạch trở lại rước chúng tôi về căn nhà họ mới mướn được. Trước khi đi ngủ, chúng tôi có giảng một bài pháp ngắn cho họ nghe.

 

Ngày 21 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:

Sáng nay chúng tôi trở ra đường thật sớm. Buổi trưa ông bà Bạch lại đến, sau khi chuẩn bị cơm trưa cho chúng tôi, họ mới trở về San Francisco. Khi lạy đến vùng Garberville, nhiệt độ lại xuống đến 20 độ F (- 6.6 độ C).

Mấy hôm trước, khi gọi về thưa chuyện, Sư Phụ có bảo chúng tôi trở về tu viện để dự hai tuần lễ thiền thất mùa đông. Thật ra chúng tôi chỉ muốn tiếp tục chuyến bái hương, nhưng cũng khó mà chối từ lời kêu gọi đó. Thế nên chúng tôi phải đi xe buýt về, dự định rằng khi khóa thiền viên mãn sẽ trở lại Garberville tiếp tục. Hiếm lắm mới được đặc ân dự thiền thất và nhất là được vị Cao Tăng tài đức riêng biệt kêu mời. Ðây cũng là dịp để tu bổ chiếc xe kéo và dụng cụ cắm trại. Ðêm nay chúng tôi ngủ trong căn nhà hoang ngay giữa quận và mai nầy sẽ đón xe buýt về San Francisco. Khí trời mùa đông lạnh rét, càng làm chúng tôi nôn nả với chuyến trở về.

 

Chương II

Từ  GARBERVILLE đến COOS BAY

Tam Bo Nhat Bai 1

 

Ngày 7 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hai tuần thiền đã viên mãn, chúng tôi lo khăn gói lên xe buýt, trở lại vùng Garberville.

Tu sĩ thời xưa ở Ấn Ðộ thường là đi khất thực. Họ có thể đi khắp mọi nơi, từ nơi nầy đến nơi khác, hành trang không gì ngoài hơn là một bình bát và con dao cạo. Ðể tỏ lòng kính ngưỡng, các Ngài thường tìm đến những thánh tích, chùa tháp để lễ bái và học hỏi giáo lý từ những vị Sư giới đức siêu phàm. Nhưng vào mùa mưa, đường xá lầy lội rất khó đi, lại là mùa của đám côn trùng sanh sản, nếu hành giả không để tâm chú ý thì không tránh khỏi đạp dẫm lên chúng nó. Do đó, đức Phật dạy người tu nên tụ họp an cư ở một nơi để cùng nhau học tập giáo lý và hành thiền. Thời gian trôi qua, dần dần những nơi hội tập đó đã trở thành tu viện, danh từ mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi. Theo truyền thống, những tu sĩ cùng hội lại trong một thời gian để gia công tu tập, căn bản là khóa tu thiền. Ngày nay, mỗi năm tại các tu viện cũng thường tổ chức những khóa thiền thất, với thời gian mỗi kỳ là bảy ngày hoặc lâu hơn. Khi khóa thiền bắt đầu, tất cả sinh hoạt thường nhật ở tu viện đều tạm ngừng cho đến khi thiền thất hoàn mãn. Trong thiền đường ở Trung Hoa, nếu thiền sinh lén mang theo dù chỉ một cuốn kinh và bị bắt gặp sẽ bị khiển trách nặng nề. Vì hành động đó, chứng tỏ vị nầy đã không thật nghiêm mật tập trung vào việc tham thiền. Theo thời khóa mỗi ngày đều có Giảng Sư dạy phương pháp hành thiền. Ðó là môi trường hoàn hảo cho những ai thật muốn phá tan bức màn vô minh.

Chúng tôi rất hoan hỷ khi tạm dừng chuyến du hành để tham dự khóa thiền thất vừa qua.

 

Ngày 8 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Tại Garberville: Năm mới lại đến cũng như chuyến du hành được bắt đầu trở lại mới mẽ. Sau hai tuần thiền và những bài pháp đã lưu lại niềm phấn khởi trong lòng chúng tôi. Trở lại ngoài nầy với cảm giác vô cùng phấn khởi, như được hội diện và gắn liền với nguồn thần lực oai hùng đang gia tăng. Chúng tôn chỉ là một phần của nó. Sự diệu dụng nầy đến từ vị Tôn sư, từ trong chúng ta và từ những người mình gặp. Hơn thế nữa, tôi bắt đầu biết ơn về những lời dạy thật hữu lý của Ân Sư:

"Con phải học cách để chuyển đổi thế gian, đừng để thế gian chuyển đổi con."

Nào ai biết được những gì thử thách gay go đang nằm chờ phía trước? Tôi cảm thấy sẵn sàng đối diện với chúng trong tinh thần bình đẳng và chừng mực .

Chẳng những tinh thần chúng tôi được hăng hái thêm lên mà cả dụng cụ hành trang cũng được tốt hơn. Buổi tối trước khi rời chùa, Quả Quy Nicholson đã thức suốt đêm ở xưởng gỗ của anh tại Blue Peter Company, để tu bổ toàn bộ chiếc xe kéo cho chúng tôi. Anh dùng thép, hàn dính những vòng sắt vào mấy chỗ yếu cho chắc chắn. Mấy cây căm bánh xe cũng được niền quấn chặt thêm, phòng khi quẹo gấp. Anh còn gắn thêm tay lái để dể điều chỉnh nương theo chiều sức nặng của xe mà xoay trở.

Hiện đã đi được hơn 200 trăm dặm, còn 135 dặm, thẳng một lèo theo đường chim bay thì sẽ tới ranh giới vùng Oregon. Ðể tránh đại lộ (freeway), chúng tôi sẽ đi ngang qua đường Giant Avenue, chạy dài uốn quanh theo sông Eel về hướng đông.

 

Ngày 9 tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi qua khỏi vùng Garberville, khoảng 250 dặm về hướng bắc San Francisco, rồi trở ra con lộ cũ dẫn đến Redway. Một em khoảng mười tuổi vừa bước xuống xe trường (school bus), giương to đôi mắt hỏi:

"Như vậy là mấy ông đã làm như thế suốt mãi từ Garberville lận à?" (tức khoảng một dặm rưỡi).

Lúc xế chiều, có chiếc xe trường màu xanh của hội đoàn Môi Sinh Học vùng California, từ từ chạy tới và ngừng lại bên lề. Hai người đàn ông bước ra trong bộ đồ công nhân đã sờn cũ.

"Chào ông! Chúng tôi có nghe nói về chuyến hành trình của mấy ông, có thật là mấy ông đã đi tận từ vùng Los Angeles đến đây không?"

"Không phải, từ vùng San Francisco!"

Ông có mái tóc dài, đưa ra một tràng câu hỏi như: Mấy ông ăn ở đâu, ăn những gì và sẽ đi về đâu? Ông kia lớn tuổi hơn, có vẻ trầm tư, chửng chạc hỏi: "Tại sao mấy ông làm như vậy?"

Tôi đáp: "Hành hương là lối sống của những người tu sĩ Phật giáo ở xứ khác và chúng tôi thực hành theo truyền thống đó, nhưng có phần tân thời thôi. Vì ở đây chưa có tu viện cho tu sĩ du phương, nên chúng tôi phải ở trong lều."

Ông lại tiếp: "Nhưng tôi thấy ông và người bạn lạy lên lạy xuống hì hụp. Mấy ông phải hành hương theo cách như vậy sao?"

Tôi nói về điểm trọng yếu của động tác lễ lạy, cả hai về điệu bộ và lòng tôn kính đều là phương cách thuộc về thiền. Ông ấy chống cằm lắng nghe. Hình như vừa muốn lên giọng phản đối điều gì thì tài xế xe buýt nhấn kèn ra hiệu bảo họ lên xe. Trước khi xe chạy, họ còn chúc lời may mắn và hy vọng chúng tôi sẽ thành công.

Trời gần tối, tôi chuẩn bị dựng lều gần phía ngã tư đường cũ và đại lộ. Ngày mai chúng tôi chỉ lễ lạy một đoạn ngắn trên đại lộ và sau đó sẽ theo con đường Giants.

 

Ngày 10 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do Viết:

Sáng nay khi thức dậy, thấy hơi nước trong lều đóng đặc thành băng giống như chúng tôi đang ở trong động nước đá màu xanh đậm. Sư huynh Hằng Cụ mang theo bao tay đi thẳng về hướng cũ để lạy. Còn tôi lo hạ lều và sắp đặt đồ đạc, đồng thời ráng ghi nhớ trong đầu là sẽ đem phơi lều vào buổi cơm trưa nếu có nắng. Mỗi ngày giữa khoảng thời gian dọn dẹp thu xếp và khi đi ra để bắt kịp Sư huynh, tôi đều trì chú Lăng Nghiêm. Thời gian mỗi lần trì chú chỉ khoảng mười lăm phút. Lúc đầu tôi thử vừa niệm chú vừa hạ lều, nhưng không được vì những dòng tư tưởng phân biệt về việc thu xếp đồ đạc v.v... cứ lảng vảng xen lẩn vào bài chú. Nhưng sáng nay, trong khi đi dọc theo xa lộ vắng, bài chú như tự động phát ra thật trôi chảy.

Pháp trì chú thuộc về Mật Tông của Phật giáo, là sự trì đọc những từ ngữ đã được tiếp truyền qua nhiều thế hệ từ những bậc cao tăng giới đức. Tác dụng của sự trì chú nầy ảnh hưởng theo mỗi trình độ khác nhau. Cũng giống như việc tham thiền, liên tục dụng công thì tâm được an định. Chuyên hành trì như vậy sẽ phát sanh một năng lực rõ ràng để tiếp liền với những công việc trần tục của đời sống hằng ngày trong lãnh vực tinh thần. Khi một người bắt đầu nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa những cảnh ngộ, họ sẽ tự phát sanh nghi vấn về nguồn định lực bao la vốn tiềm ẩn, chỉ chờ đợi một cái vỗ nhẹ thôi thì họ sẽ hốt nhiên sáng tỏ. Ngoài ra còn rất nhiều bài chú khác để trì tụng, nhưng bài chú dài nhất, thần lực nhất chính là chú Lăng Nghiêm.

Trong kinh Lăng Nghiêm diễn tả nguyên do đức Phật dùng bài chú nầy nhằm để cứu giúp ngài A Nan, vốn là đệ tử mà cũng là em chú bác của Phật. Tôn giả A Nan vì bị chú thuật ma đạo làm mê hoặc, sắp phá giới thể. Ðức Phật biết rõ nên sai ngài Bồ Tát Văn Thù đến nơi đó tụng trì thần chú khiến A Nan thức tỉnh và hối lỗi, rồi đưa cô gái cùng A Nan về gặp đức Phật. Sau đó đức Thế Tôn mới giảng kinh Lăng Nghiêm để chỉ rõ những phương pháp cho ngài A Nan tận tường về năng lực và phương pháp của thiền định (định tâm).

Sư Phụ cũng đã giảng giải kinh Lăng Nghiêm trong khóa đầu tiên, vào mùa hè năm 1968 tại Phật Giáo Giảng Ðường, sau đó bộ kinh nầy được dịch ra tiếng Anh cùng với lời trích giảng bình luận của Sư Phụ. Và ban phiên dịch Tổng hội Phật giáo chuẩn bị phát hành phẩm thứ nhất vào mùa thu năm 1977.

Gần đến giờ nghỉ, chúng tôi được ông bà Connie và Mark Piehl mời về nhà ở Phillipsville nghỉ qua đêm.

 

Ngày 11 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay chúng tôi lạy được khoảng đường dài năm dặm rưỡi, ngang qua vùng Phillipsville. Hình như trời lại sắp đổ mưa. Chúng tôi ngủ ở trong kho chứa đồ phế thải.

Chủ tiệm tạp hóa nhỏ của quận thắc mắc không biết chúng tôi làm sao để có đủ thức ăn cho chuyến đi dài đăng đẳng nầy. Tôi đáp là có rất nhiều Phật tử và những người không phải Phật tử cũng thường giúp đỡ thức ăn như bánh mì, trái cây, rau cải và bơ đậu phộng để chúng tôi tiến bước.

Dù những vị thí chủ nầy có hiểu hay không hiểu đi chăng nữa, ý nghĩa của sự thọ nhận cúng dường rất trọng yếu trong đời sống tu sĩ Phật giáo, đã được tiếp truyền từ thời đức Phật, hơn hai ngàn sáu trăm năm về trước.

Ðức Phật cũng dạy về năm pháp quán trong khi thọ thực, nhằm nhắc nhở những vị tu hành đừng bao giờ quên công lao phát xuất thức ăn và mục đích của mình khi thọ lãnh. Thế nên trong mỗi bữa ăn, mọi người đều phải yên lặng cùng nhau để tâm quán tưởng:

1. Xét công nhiều ít vật nầy đến đây.

2. Xét đức hạnh mình tròn khuyết có xứng đáng nhận sự cúng dường nầy không.

3. Phòng tâm lìa lỗi tham sân si là gốc.

4. Thức ăn nầy là thuốc hay để chữa bệnh hình khô sắc héo.

5. Vì muốn thành đạo nghiệp nên thọ chén cơm nầy.

Thật ra chúng ta ít khi nào nghĩ nhớ đến công lao của những người trồng tỉa, để ta có được thức ăn hằng ngày, nhất là từ lúc chúng có mặt tại các siêu thị. Chúng ta đâu biết rằng sau khi canh tác, trồng trọt, gặt hái, rồi lại chuyển vận đến chợ bán, lúc mua về còn phải rửa sạch, xào nấu và bày dọn lên mâm bàn. Tóm lại, pháp quán thứ nhất, quán xét bao nhiêu là công lao vất vả của mọi người cho chúng ta có được bữa ăn nầy.

Thứ hai, kiểm điểm lại đức hạnh cùng những công đức của chính mình để hôm nay thọ nhận thức ăn. Nên thành thật tự hỏi chính mình đã tu hành thế nào có xứng đáng nhận hưởng những kết quả do công lao khó nhọc của kẻ khác tạo ra không? Tu đạo là nhằm mục đích cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh, nếu chúng tôi chỉ bề ngoài tu lấy lệ, tức sau nầy sẽ gánh chịu quả báo xấu xa, vì hiện tại giống như kẻ ăn trộm đồ của người vậy. Bởi vậy mới có câu:

Thí chủ nhất lạp mễ

Trọng nhược Tu Di sơn

Thực liễu bất tu đạo

Bì mao đãi giác hoàn.

Nghĩa là:

Hạt gạo thí chủ cho

Nặng bằng núi Tu Di

Ăn rồi chẳng tu đạo

Mang lông đội sừng trả.

 

Là thế đó, ta sẽ bị tái sanh vào loài cầm thú, ai mà biết được đó chỉ vì lòng tham.

Thứ ba, quán tưởng, ta phải phòng ngừa để tránh lìa tâm tham đắm và những sai trái khác. Mà tham là một trong những ô nhiễm căn bản. Nếu ta không loại bỏ lòng tham thì không bao giờ đạt thành Phật đạo, bởi lòng ham muốn và tham lam che lấp trí tuệ vốn sáng suốt tiềm ẩn trong ta. Trong khi ăn, ta phải ý thức rằng chỉ ăn cho vừa đủ. Cố ăn quá nhiều tức là tham, ví như ngọn lửa bừng lên khi được thêm dầu, và lửa giảm dần khi dầu không còn đủ. Cho nên khi ăn đừng để tâm lơ đểnh mà chẳng quán xét những điều nầy.

Thứ tư, quán xét thức ăn nầy như loại thuốc hay cho thân thể. Vì cần phải tiến tu nên ta lấy sự ăn uống như vị thuốc chánh đáng để nuôi thân. Ðiều quan trọng hơn là hiện nay thức ăn bán sẵn chứa toàn những hóa chất, và chúng đã được biến chế qua nhiều kỹ thuật khó tin khác mà người ta cho là "tiến bộ." Bởi thế, nếu người có trí thì chớ ăn tạp nhạp. Tuy nhiên, đối với những vị đã đạt đạo, dù có ăn uống gì hay không sẽ không còn là vấn đề nữa. Như tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, khi ở Trung Hoa, bị bỏ thuốc độc đến sáu lần nhưng Ngài vẫn không hề hấn gì.

Lý do chúng tôi thọ nhận thức ăn từ các thí chủ là để có sức mà tiến tu đạo nghiệp. Ðây là pháp quán thứ năm. Thay vì để tâm chạy loạn, sao ta không biết dùng những năng lực và sức mạnh do thức ăn cho ra, mà quyết chí dụng công để không bị sai đường lạc lối.

 

Ngày 12 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Dù bị cơn mưa dập vùi trút xuống xối xả, nhưng chúng tôi vẫn lạy được năm dặm rưỡi. Vẫn trên con đường Giants, dọc theo sông Eel đang cuồn cuộn chảy. Chúng tôi dựng lều bên lề đường, cạnh một tàng cây Hồng Mộc (Redwood). Căn lều được dựng lên cũng khá tốt, chỉ trừ có mấy chỗ phía dưới bị nước rịn thấm vào. Kỳ sau tôi sẽ ra sức đào rãnh dẫn nước kỹ hơn.

Lúc nầy nước sông tràn ngập quá sức. Tôi chợt nhớ lời Sư Phụ thường nói: "Tất cả sự vật trên thế gian nầy không ngừng diễn giảng Phật pháp, chỉ cần bạn biết nhận diện ra nó thôi." Ðối với những kẻ đáng thương đang sống ở vùng Weott, Myers Flat và Pepperwood, thì đây nói lên luật nhân quả. Vì từ trong cảnh khổ sở, những người tội nghiệp nầy mới kinh nghiệm được về nghiệp lực, quả báo, đau khổ và vô thường. Họ hoàn toàn tuyệt vọng khi nhìn thấy sản nghiệp mình bị dòng nước cuốn trôi ra biển cả. Ðây cũng chính là dịp cho họ nhìn thấy đức Phật chuyển pháp luân qua hình ảnh của con sông đục ngầu. Cách nay mấy ngàn năm về trước đức Phật đã nói rõ rằng: "Mọi vật ở thế gian như là ánh điện chớp, là huyễn hóa, là một giấc mơ, như là một màn ảo thuật."

Ðối với tôi, sông nầy nhắc nhở đến dòng tư tưởng đang lưu chảy mãi mãi trong tâm. Tiếng Tàu gọi dòng lưu chảy nầy là "vọng tưởng," là thứ vọng vô ích không ngừng phát sanh những phân biệt, chia chẻ, sắp xếp, chúng đập tan gốc thực thể ra thành vạn mảnh vụn. Dĩ nhiên những mảnh vụn vằn nầy cũng trông giống như là thật, và vì những thành kiến sai lầm khiến chúng ta cũng trở thành hoang mang lẫn lộn, rồi tham lam tìm cầu cái mà mình cho là "tốt" và bỏ đi cái mình cho là "xấu." Ðể rồi dựng lên những ranh giới nông cạn giả tạo "của tôi" và "của người." Từ đó phát sanh rầy rà, gây gổ, cùng biết bao là phiền não, rồi đến cả chiến tranh thế giới nữa. Thật ra, tất cả cũng chỉ vì chúng ta bị dòng tư tưởng không dừng dứt nầy làm mê muội.

 

Ngày 13 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Khi đi ngang qua vùng Myers Flat, tôi gặp chút lộn xộn với ông trên chiếc xe cứu lửa màu đỏ như sau: Ông ấy đậu xe ngoài phố như đang chờ đợi người nào, nhưng lúc đó chung quanh chỉ có tôi và ông ta thôi. Thầy Hằng Do đã đến tiệm giặt để sấy đồ. Khi tôi lạy tới gần, thì ông bắt đầu la lối om sòm. Ðã say rượu, mà còn ra vẻ thật giận dữ:

"Mầy đang muốn chứng minh cái giống gì vậy hả? Mầy nghĩ là mầy đang làm cái trò gì chớ?"

Ông ta hét lớn vào máy loa gắn phía trên đầu xe như thế. Tôi chưa biết phải đối phó thế nào, nên cứ tiếp tục lạy. Rồi ông ta lái xe rề rề theo bên tôi, đấu khẩu không lời, nhưng lại chửi thề tục tỉu vang om. Hắn thực đúng là người chữa lửa nhưng lại chứa đầy ắp lửa.

Cảnh tượng kỳ quái nầy cứ tiếp tục kéo dài đến mấy phút. Trong khi đó tôi vẫn không nói lời nào. Rốt cuộc, sau một hồi trong lòng như đã trút hết cơn phẫn nộ, ông bắt đầu xuống giọng nói như mếu máo:

"Tại sao ông không thèm nói chuyện với tôi chớ?" Ngừng một lúc rồi lại tiếp: "Cái loại tôn giáo gì mà không cho phép ông nói chuyện với tôi hả?"

Cuối cùng tôi phải dừng lại và nói: "Thật ra tôi đâu có làm hại gì đâu! Tại sao ông lại bực tức chớ?"

"Tại sao ông không ở nhà một mình mà cầu nguyện?"

"Nhiều năm qua tôi đã ở nhà một mình cầu nguyện rồi, bây giờ tôi cần một ít không khí tươi mát."

"Coi nè! Sao ông không làm chuyện tốt lành như tôi hả? Tôi là người chữa lửa, tôi cứu được mạng sống con người, đó mới thật là ích lợi. Nầy ông! Xin lỗi nhe, vì tôi đã nổi giận, nhưng ở hướng bắc vùng nầy có rất nhiều người buôn gỗ rất khó chịu, họ sẽ không thích ông lễ lạy trên con đường làm ăn của họ đâu!"

"Vậy à! Tôi cũng xin lỗi, nhưng đối với tôi việc làm nầy thật là có ý nghĩa, xin lỗi vì đã làm ông phiền lòng nhe!"

"Ối! Tôi vì đang say rượu nên rất dễ hay nổi xung. Thôi hãy bỏ qua hết đi nhé! OK?"

"OK!"

 

Ngày 14 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Vì bây giờ là mùa đông, nên ít người đến tham quan mấy cây cổ thụ to lớn, bởi thế xe cộ có phần cũng thưa thớt. Hầu như giờ đây cả khu vực Redwood Empire là của riêng chúng tôi vậy.

Lần đầu tiên nhìn thấy sông Lươn (Eel River) thật là phẳng lặng, với làn nước xanh biếc mênh mông đang êm đềm suôi chảy qua những tảng đá, rặng cây. Nhưng lúc nầy, vì cơn mưa dai dẳng làm tuyết tan chảy xuống, khiến nước sông trở nên đục ngầu, cùng với những cơn nổi sóng làm mực nước càng ngày càng dâng cao. Nếu mưa không chịu ngừng thì thế nào cũng có chuyện phiền phức xảy ra. Nghe tin đồn là lượng nước mưa hiện tại đã hơn gấp ba lần so với mùa đông năm ngoái.

Khi đi ngang qua vùng Philliprville và Miranda, tôi chợt nghe mấy lời bàn tán, phê bình:

"Họ đến mãi tận từ San Francisco và cứ làm như thế đấy!"

"Thì là vậy đó! Con người bây giờ có đủ thứ loại mà, phải không Maggie? Cô có biết là tôi đã thưa chuyện nầy nới Mục Sư và nhờ Ngài nên đi ra khuyên bảo họ."

Con đường như bị thâu hẹp lại, vậy mà còn bị nhiều cây nghiêng ngã chòm phết xuống mặt lộ, và dù trời có mưa hay không mưa, cây lá cũng không ngừng trút xuống những giọt nước to tướng. Mãi đến trưa mà mưa vẫn không ngừng, tấm lều đã bị thấm ướt từ đêm qua, nên tôi lo kiếm chỗ để trú ngụ khi tối xuống. Có một cây hồng mộc to lớn nhưng dưới gốc thì rỗng bọng, vừa đủ chỗ cho tôi và một người có tướng cao lớn như sư huynh Cụ, thật tiện lợi, thế là chúng tôi đã được một đêm khô ráo ở trong bọng cây nầy.

Mưa tiếp tục rơi, hòa vang với tiếng gầm thét vọng về từ con sông cách chẳng bao xa.

 

Ngày 15 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay chúng tôi quyết định là sẽ không ráng lễ lạy thêm vì trời vẫn mưa tầm tã. Trước hết tôi có phản ứng là hơi bất mãn vì sự đình trệ nầy, bởi tôi chưa bỏ được quan niệm phân biệt giữa "tiến bước" và "ngưng trệ." Tuy nhiên sau một lúc, tôi trực nhận được rằng: Nếu muốn thành công thì phải biết tùy thuận nhân duyên hoàn cảnh, đừng quá gượng ép, không khéo sẽ giống như anh chàng ở thời Tống, Trung Hoa thuở xưa.

Tục truyền rằng dân đất Tống rất khờ khạo. Nguyên là lần nọ có anh chàng nông dân tỏ vẻ thất vọng vì thấy vườn bắp mình trồng sao mà chậm lớn quá! Nên anh ta nhất định tìm cách làm sao để giúp chúng. Và rồi sau một ngày dài vất vả từ cánh đồng trở về nhà, liền ngồi bẹp xuống ghế, than thở:

"Tôi thật là mệt quá sức đi!" Bà vợ và cậu con trai gạn hỏi nguyên do, thì anh nói, vì suốt cả ngày cực khổ ngoài đồng lo giúp cho mấy cây bắp mau lớn. Cậu con trai bèn chạy ra quan sát sự tình, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả đám bắp nằm rạp chết queo. Tại sao thế? Thì ra anh chàng nông dân đất Tống nóng nảy nầy đã giúp những cây bắp nhỏ mau lớn bằng cách kéo đầu từng cây một cho cao lên thêm mấy phân. Bởi thế từ đó mới có câu châm ngôn bình dân ở Trung Hoa: "Giúp chúng lớn." Nhiều khi cũng có những trường hợp tốt hơn là đừng làm gì hết.

 

Ngày 16 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Cuối cùng rồi chuyện cũng xảy ra, nước sông tràn ngập quá mức, hiện cao đến 43 feet (tức 13 mét), gây tổn hại đến những làng quận ven bờ sông. Nghe nói vùng Pepperwood đã bị nước cuốn sạch hoàn toàn. Những sông khác quanh vùng cũng ngập nước tràn trề, đến nỗi ngay cả Thống đốc Reagan và Tổng thống Nixon còn phải quan tâm lên tiếng rằng vùng nầy đang bị một đại nạn. Khi chúng tôi gần đến quận Weott, thấy con đường cái đã bị nước ngập cao đến sáu feet (khoảng 1 mét 8) và còn đang tiếp tục dâng cao nữa. Sau trận lục năm ngoái, nhiều người khôn ngoan cất nhà loại di động, nên bây giờ có thể chuyển cả căn nhà lên vùng đất cao hơn. Những kẻ kém may mắn khác đang được đoàn bảo hộ của chánh phủ dùng ghe thuyền di tản đi nơi khác. Gần vùng Myers, người ta phát giác có mấy xác người trong một căn nhà bị khối bùn khổng lồ đè bẹp.

Hôm nay chúng tôi điện thoại về chùa, Sư Phụ lập đi lập lại thật mạnh mẽ rằng nếu chúng tôi chí tâm dụng công thì trời sẽ không mưa. Nhưng bây giờ từ trong trạm điện thoại nhìn ra, tôi thấy đâu đâu cũng toàn là nước, những cây to tướng bị dạt trôi theo dòng nước trên sông và mưa vẫn cứ rơi. Ðiều nầy chứng tỏ rằng tôi đã không đủ lòng thành. Chúng tôi núp trốn trong căn chòi cũ kỹ trên vùng đất cao, chờ nước rút khỏi mặt lộ.

 

Ngày 17 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Có mấy cây hồng mộc cao chót vót, đồ sộ với đường kính hơn 12 bộ (tức hơn ba mét sáu) và chu vi 40 feet (12 mét). Mặc dù tuổi thọ của những cây cổ thụ nầy cỡ từ hai ngàn đến ba ngàn năm và cao đến ba trăm feet (khoảng hơn 90 mét), nhưng gốc rễ của chúng rất cạn cợt, bò lan thành hệ thống chằng chịt bám xuống lòng đất chỉ khoảng năm hay sáu feet (hơn một thước rưỡi) chiều sâu. Cho nên khi nước sông cuốn trôi lớp đất cát, chúng như mất đi sự chống đỡ và sau đó thường bị ngã sập xuống, phát ra những âm thanh ầm ầm vang dội, nhiều lúc còn ngã đụng theo một dọc những cây kế bên. Số gỗ có giá trị hàng triệu bạc nầy lại bị dòng nước bạo tàn cuốn trôi xuống sông, đã vậy chúng còn mang theo mối đe dọa cho những cây cột chống đỡ dưới chân cầu.

Ðó cũng giống như sự tu hành về Giới, Ðịnh, Huệ vậy. Nếu căn bản giới đức tu hành của một người mà lơ là cạn cợt, đến lúc gặp phải chuyện khó khăn, theo lối thường tình thì cũng sẽ dễ dàng bị cuốn trôi luôn.

Hôm nay nước ồ ạt rút đi nhanh chóng, cũng như lúc nó ào ào tràn lên và để lại lớp bùn bằng phẳng phủ bít những chỗ đất lồi lõm ghồ ghề. Chúng tôi đứng chơ vơ giữa vùng đất bằng phẳng mênh mông, trông giống như lớp mặt của hũ bơ đậu phộng hiệu Skippy! Lớp bùn sình trên mặt đường trôi theo dòng nước, chỉ còn lại lớp mỏng trơn trợt mà chúng tôi sẽ lễ lạy qua. Thật là một chuyến du hành kỳ dị trên mảnh đất dị kỳ nầy.

 

Ngày 18 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Ðêm qua dù ngủ trên chiếc xe bò bỏ hoang không mái nóc, nhưng chúng tôi đã kịp thời căng phủ tấm ni-lon lên phía trên trước khi cơn bão lớn kéo đến. Chúng tôi giống như đang ở trong chiếc xuồng nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt biển đầy sóng gió. Ðược dịp ngồi nhìn gió mưa đổ trút mà vẫn ráo khô và thoải mái thì thật quá hay! Thế nên tôi như không muốn rời khỏi nơi có hương vị lý thú nầy. Nhưng trời vừa hừng sáng, chúng tôi cũng phải trổi dậy ra đi.

Khi vầng thái dương vừa ló dạng phía chân trời, tôi đã lạy được nửa dặm đường. Trong khi Thầy Hằng Do vẫn còn ở lại để thu dọn đồ đạc, thì có ông khoảng gần bốn mươi với hàm râu vừa cạo sạch, đến nói rằng ông đã biết về chúng tôi lâu rồi và đã kín đáo quan sát trong hai tuần lễ qua. Ông nói với Thầy Hằng Do rằng ông có linh cảm là chúng tôi có thể đọc được tư tưởng con người. Sau vài câu lịch sự xã giao với Thầy Hằng Do, ông nầy bắt đầu đi thẳng vào đề. Ông kể rằng trong mười sáu năm qua gia đình ông rất đằm thắm vui vẻ, sống hạnh phúc với hai đứa con trai tuổi đang lớn. Bỗng nhiên, mấy lúc gần đây ông khám phá ra người vợ đã lường gạt ông bằng cách ngoại tình với một người đàn bà khác. Và khi ông hỏi về chuyện đó, bà vợ cũng đã thú nhận, nhưng bảo là không thể cải đổi được vì bà yêu chồng và cũng yêu người bạn gái nữa. Trong tình cảnh nầy ông như bị cùng đường vì quá xấu hổ, lại không dám than thở với bạn bè, nên chỉ muốn nhảy xuống sông chấm dứt cuộc đời mình cho rồi. Nhưng ông lại linh cảm là có thể đặt niềm hy vọng vào sự tu trì của Thầy Hằng Do. Cho nên suốt hai tiếng đồng hồ ông đã cùng Thầy Hằng Do trò chuyện, trong lúc tôi lễ lạy ngoài nầy, bâng khuâng không biết Sư đệ mình đang ở đâu rồi! Mãi gần đến giờ cơm trưa, Thầy Hằng Do mới xuất hiện và kể rõ chuyện nầy cho tôi nghe.

Chúng tôi tiếp tục tiến về hướng bắc vùng Redcrest. Khoảng xế chiều, người đàn ông được Thầy Hằng Do khuyên giải lúc sáng nay, đã trở lại và dắt theo bà vợ. Hình như những lời khuyên của Thầy Hằng Do đã có kết quả rất hữu ích cho họ, nên hai vợ chồng tìm đến xin cúng một số tiền, nhưng Thầy Hằng Do nhã nhặn từ chối ngay.

Chúng tôi lễ lạy đến khi trời tối mịt, rồi nương náo ở phía sau xưởng gỗ lớn vùng Redcrest.

 

Ngày 19 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Sư Phụ có nhấn mạnh rằng nếu chúng tôi thành tâm lễ lạy thì trời sẽ không mưa trong vòng một phần tư dặm, chung quanh phạm vi chúng tôi đang lễ bái. Chúng tôi cũng ráng cố gắng vâng lời và chậm rãi lạy về hướng bắc, dọc theo bờ sông, hình như mưa cũng giảm bớt dần. Hiện tại chúng tôi căng lều cách bờ lộ, chung quanh chẳng gì ngoài hơn là những hàng cây chạy dài qua nhiều dặm. Bầu trời tối đen, im phăng phắc.

Mấy phút trước đây, trong lúc chúng tôi đang ngồi thiền, bỗng nghe có hơi thở và tiếng chân nặng nề phía ngoài lều. Chúng tôi kinh hãi nhìn nhau chòng chọc, ngồi im thin thít cũng cả mười phút sau mới dám nhút nhích. Bóng tối im lặng như tờ, càng kích thích tưởng tượng ra toàn những hình ảnh ghê rợn: "Có phải là gấu chăng? Hay là chằng tinh?" Vì hơi thở của nó nghe nặng nề gấp năm lần người thường. Một lúc sau, nghe nó phì hơi một cái rồi bỏ đi mất. Hú hồn, hú vía.

Tâm thức giống như máy chiếu phim, nó có thể cho ra hàng ngàn hình ảnh, vậy mà từ thuở nào đó, chúng ta đã khờ khạo lầm tưởng cho đó là thật. Những động tác dựa trên gốc lầm tưởng nầy không xác thật, nó cũng như những hình ảnh đang nhảy múa trên màn ảnh, chúng chỉ hiện thực trong giây phút rồi vụt mất đi trong nháy mắt thôi.

Ðối với Phật Giáo, tâm gồm có tám thức khác nhau. Năm thức đầu của nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân là sự phát sanh từ ngũ căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, duyên theo ngũ trần bên ngoài sắc, thanh, hương, vị và xúc. Thực tại thì vượt qua sáu thức, do phát sanh từ sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh. Tâm suy nghĩ, được xem như là một trong các căn. Cũng như khi mắt thấy sắc, tâm liền nghĩ ra những tư tưởng. Dù những tư tưởng hay cảnh vật trong tâm không phải là những cảnh được thâu thập tầm thường giống như cảm giác của cây đá, mà nó không gì khác hơn là ý căn duyên theo cảnh trần để phát ra ý thức, tức là thức thứ sáu. Thức nầy có nhiều tác dụng khác nhau, như sự phối hợp giữa sự thâu thập những dữ kiện từ năm thức đầu và phát ra những giấc mơ. Song tất cả những giác quan hay tâm thức nhận biết đều là những ảo tưởng, vô thường, trống rỗng, không một căn bản chắc chắn, giống như hơi thở của con quái vật phía ngoài lều của chúng tôi.

 

Ngày 20 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay chúng tôi lạy được đoạn đường dài sáu dặm rưỡi, thẳng về phía cầu ở Rio Dell. Những cây cổ thụ trôi giạt theo dòng sông là mối nguy hiểm trầm trọng cho chân cầu. Vì cột trụ phía dưới chân cầu sẽ không thể nào chịu nổi khi bị mấy cây to cứ không ngừng nhồi đập vào. Hôm qua có một khúc cây chận ứ dưới sông, gây nguy hiểm cho cây cầu nầy, nên có nhóm thợ mộc dũng cảm đã dùng cốt mìn làm nổ tung nó ra.

Chúng tôi cắm lều trên ngọn đồi của quận Rio Dell, về hướng bắc, nơi có đại lộ mới và cây cầu đang được xây cất. Khi Thầy Hằng Cụ vừa đến nơi, có anh cảnh sát đang đi tuần trong vùng ngừng xe lại, rồi đi thẳng về phía chúng tôi. Nhìn tướng mạo trẻ trung và điệu bộ, cũng biết ngay anh nầy thuộc loại lính mới hành nghề. Lúc vừa đến gần thì đôi giầy láng bóng của anh ta đã bị lún ngập toàn sình. Chúng tôi chỉ có biết ráng làm mặt nghiêm để khỏi bật cười. Mặc dầu anh có ý đến là để cảnh cáo, nhưng lại khoan dung, không phàn nàn gì về việc chúng tôi đang quỳ lạy giữa đường giữa xá nữa. Cử chỉ anh ta trở nên dịu hẳn vì mắc bận tâm tới cái quần mới và đôi giầy ống (boot) bóng láng đã bị sình dính lấm lem, hơn là chú ý đến chúng tôi.

 

Ngày 21 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Dựng lều trên bãi đất chứa đồ phế thải ở Alton. Trong buổi sáng đầy sương mù, sau khi lạy qua vùng Rio Dell, nơi chúng tôi thường bị chọc phá. Như có tốp người đua nhau chạy xe vùn vụt, và bóp kèn inh ỏi, chỉ trỏ, la lối um sùm. Có vài người ngừng lại hỏi chuyện, trong số đó có một viên cảnh sát đã gọi máy để điều tra, vì tưởng chúng tôi là những kẻ điên khùng. Ông cắc cớ hỏi Thầy Hằng Cụ rằng nếu phải lạy trên những đóng phân chó ở các rãnh mương bên đường thì sao. Thầy đáp tỉnh bơ: "Thì có sao đâu!". Ông ấy lại hỏi chúng tôi có bao giờ gia nhập những hội đoàn nào không (tức là những hội về bệnh tinh thần). Nhưng sau khi nghe Thầy Hằng Cụ giải thích về mục đích chuyến bái hương, ông cóp nầy mới không còn nghĩ chúng tôi là bọn điên cuồng nữa, nhưng vẫn hoài nghi về những công phu, thành quả của chúng tôi.

Chiều đến Thầy Hằng Cụ kể chuyện rằng có một tín đồ đạo Thiên Chúa đến cố khuyên Thầy chuyển đạo, nhưng được một lúc thì ông ta phát nổi quạu lên, và Thầy cứ tiếp tục lạy. Ông đi theo sau vừa la vừa hét to:

"Không phải chỉ là ở việc làm, rồi ông muốn cho mọi người thấy rằng ông mới là người có tinh thần cao thượng, nhưng nó chẳng có gì là chánh đáng cả! Rồi ông sẽ bị đọa xuống địa ngục cho mà xem!"

 

Ngày 22 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Sáng hôm nay trời lạnh buốt với 28 độ F (- 2.2 độ C), nhưng nhờ ánh mặt trời đã sớm lộ diện, khiến một ngày trở nên tuyệt đẹp. Chúng tôi hầu như dồn hết thời gian vào khoảng đường dài để tiến thẳng đến quận Fortuna. Khi trời bừng sáng, sức sống ở khắp mọi nơi như cũng trỗi dậy theo. Cả quận nầy là lạ làm sao. Có nhiều xe tăng tốc lực chạy ào ạt qua như muốn oanh tạc chúng tôi vậy. Ðám con nít thì la hét vang um. Có mấy cụ già thắc mắc, hỏi han. Và trên đường phố đầy nghẹt cả người. Thông thường sau một ngày như vậy, tôi bị căng thẳng lắm, nhưng hôm nay có một chuyện xảy ra, mặc dù không biết xử lý thế nào, tôi cảm thấy nó thật quan trọng.

Như trước đây tôi có đề cập qua, khi lạy đến những vùng dân cư đông đúc, tôi thường tập trung tâm ý vào những đề mục quán tưởng. Nhờ vậy tôi mới phát giác rằng mình có đầy dẫy những khuynh hướng về ngã thức, đồng thời nó cũng giúp tôi phá tan được những ảo tưởng của cái ngã. Tuy nhiều người cũng đã quen biết về khái niệm Phật Pháp nầy, nhưng tôi thấy chính nơi có sức sống tràn trề của những đường phố nhộn nhịp đó, mới càng làm tăng thêm nguồn năng lực thật sự để chúng ta dụng công truy tầm.

"Ai là người đang lễ bái, họ đang la mắng ai?" Suy ngẫm thâm trầm về những câu hỏi như thế, khi những diễn biến chung quanh tác động mạnh thêm vào tôi.

Một trong các pháp quán tưởng mà tôi rất thích, đã được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm như:

"Không có người làm và không có người được làm, mà chỉ là những nghiệp thức hạn cuộc nổi lên. Ngoài ra không có gì cả."

Khi nghĩ đến đây, bao nhiêu nhọc nhằn của tôi đều như tan biến mất. Tôi chẳng tìm thấy ai là người thuộc về ai cả. Vì đó nói lên rằng:

"Không thấy có ngã, là người luôn được an lạc."

Không có gì để lo lắng, sợ sệt hay phiền não. Ngay cả nếu có người muốn thuốc độc bạn hoặc giết chết bạn, tất đều O.K. thôi. Vì sao? Bởi từ thuở ban đầu vốn đã không có cái "biết" rằng bạn đang hiện hữu. Như Thiền tông có câu:

"Ta chưa từng mặc một manh áo, ta chưa từng ăn một hạt cơm."

Ðối với tôi thì còn phải đi xa lắm mới đến trình độ nầy. Tuy nhiên khi tâm tiếp tục quán tưởng những lời nầy, tôi cảm như mình đang có một sự thay đổi. Như hôm nay lúc lạy đến vùng Fortuna, lòng càng có niềm tin thâm sâu về những giáo lý dẫn đạo, tôi ý thức rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra, mọi việc đều sẽ không sao đâu và thật là thế.

Vào đến trung tâm quận, tôi thấy Thầy Hằng Do ở phía trước với đám người vây quanh, bộn rộn trả lời những câu hỏi đó đây, còn tôi lạy thẳng không ngừng nghỉ. Nhưng khi vượt khỏi Thầy Hằng Do và tiến về phía ngã tư chánh, có chiếc xe trường học thật lớn chạy rà tới và ngừng hẳn bên tôi. Ngước mắt nhìn lên thấy cửa xe mở ra, bổng phút chốc mấy cậu học sinh trung học mặc áo khoác da, ùa ra vây quanh tôi. Một thoáng giựt mình hốt hoảng, nhưng tôi lấy lại bình tĩnh ngay, rồi an nhiên đứng giữa con đường chánh ngã tư quận California để giải thích lý do chúng tôi lễ bái. Họ kính cẩn chăm chú lắng nghe từng lời tôi nói. Khi dứt lời, tôi từ từ quỳ xuống và bắt đầu bái lạy ra khỏi quận. Ngoài ra không có vấn đề gì xảy ra hết.

Tối đến, chúng tôi dựng lều gần đường rầy xe lửa bên cạnh một hãng xi măng nằm cuối quận về hướng bắc.

 

Ngày 23 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Sáng nay vừa lạy được một lúc, chúng tôi được dịp gặp lại cô Marge Rauum đang trên đường đến sở làm. Cô nầy vốn là đệ tử của Hòa Thượng Mậu Nhụy ở Hồng Kông, hiện cô làm cố vấn trường trung học vùng nầy. Sau khi an bày chỗ nghỉ tối nay cho chúng tôi, cô còn chất đầy lương thực lên chiếc xe kéo, rồi thông báo cho bạn bè ở hướng bắc biết là chúng tôi đang trên đường tới đó.

Chúng tôi vừa ra khỏi vùng chuyên có nền kỹ nghệ lớn về gỗ. Nghề nghiệp nầy có vẻ ảnh hưởng ít nhiều về lối sống, quan niệm và ngay cả tôn giáo tín ngưỡng của dân quanh vùng. Như hình ảnh những anh thợ mộc rất thích hợp để diễn tả về câu chuyện thần kỳ của ông Paul Bunyan: Vốn là người to lớn dềnh dàng và mạnh bạo, với chiếc áo sơ mi bằng ni-lon và hàm râu đen xồm, lại đeo lủng lẳng một sợi giây xích dài buộc theo cái cưa gỗ. Ðứa con quý của ông là chiếc xe hàng nặng ngàn tấn màu xanh, được trang bị gồm máy truyền tin và một cây súng săn đặt ngay cửa kiếng phía sau xe. Vốn là tín đồ Thiên Chúa Giáo rất ngoan đạo, nhưng tối thứ bảy nào ông cũng lai rai vài lon bia.

Vùng Fortuna tọa lạc trong một thung lũng, nơi sông Van Duzen đổ ra biển. Ðất ở đây rất bằng phẳng, phì nhiêu, là nơi lý tưởng cho việc chăn nuôi để lấy trứng, sữa. Ðời sống ở đây khác xa một trời một vực với vùng làm gỗ. Dân vùng Fortuna có vẻ lịch sự, học vấn hơn. Có rất nhiều bác sĩ, luật sư và giáo sư đã túa ra xem chúng tôi lạy ngang qua. Ngay cả ở miền quê nầy, tâm tánh con người cũng ảnh hưởng tùy theo địa thế nơi họ sinh sống.

 

Ngày 24 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Khi chúng tôi đi ngang qua trường cao đẳng của Redwoods thì có chuyện. Lúc đó người ta đang chăm chú quan sát sư huynh tôi ba bước một lạy, quỳ xuống đứng lên, tiếp tục đều đặn. Có ông râu ria xồm xoàm đi tới trao cho Thầy Hằng Cụ lá thơ, không nói lời nào rồi vội vàng bỏ đi. Nội dung lá thơ như sau:

 

Thưa ông:

Trước hết tôi xin ông đọc hết những gì tôi đã viết, rồi hãy suy gẫm kỹ lưỡng. Bởi vì những chuyện nầy của ông tôi đã thưa hỏi qua rồi, và tôi tin rằng ông sẽ làm theo.

Ðến hôm nay, tôi đã nhìn thấy ông đi ba lần rồi, lần cuối chỉ khoảng vài phút vừa qua, lúc tôi lái xe từ ngoài phố trở về nhà. Tôi đã quan sát khi ông quỳ lạy xuống và đứng lên. Tôi để ý thấy ông không bao giờ có vẻ ngập ngừng, lúng túng trong việc ông đang làm. Ðồng thời tôi cũng nhìn thấy được ý chí quả quyết biểu lộ qua ánh mắt và thái độ của ông. Rồi tôi suy nghĩ lý do về chuyến đi của ông. Ðang khi lái xe, tâm tôi nghe đức Chúa nói rằng:

"Ta đã thấy người đàn ông nầy và cũng rất thương yêu hắn. Hãy truyền báo sự cứu rỗi của ta đến với hắn."

Sau đó tôi tiếp tục lái xe thì Chúa ngự trong tâm tôi đã báo hiệu cho biết về tình thương lo lắng của Chúa đối với ông. Tôi cảm nhận điều nầy phát xuất tận đáy lòng sâu kín của tôi, để rồi giọt lệ tuôn trào nơi đôi mắt, khiến tôi khó lòng dằn nén được, nên tôi yếu đuối thưa với Chúa rằng:

"Chúa ơi! Con sợ ông ấy sẽ không chịu nghe lời con, vì con không thể cản ngăn và không nói được gì với ông ta cả."

Chúa tôi một lần nữa biểu hiện lòng thương yêu rằng: "Hãy nói cho hắn biết là ta cũng đã chết vì hắn."

Rồi tôi nói: "Ôi Chúa ơi! Con không thể, con phải làm gì đây?"

Chúa bảo: "Viết một lá thơ và đưa cho người hầu cận của hắn."

Một linh hồn với những nỗi xót xa và khiêm tốn. Tôi đưa thơ nầy là sự thỏa hiệp của tôi với Chúa Giê Su, hy vọng ông sẽ được cứu rỗi.

Với tình thương của một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và chúc ông nhiều may mắn.

Monte Mckee

Trích từ Thánh Kinh Romans, 3:23:24:

Cho những tội nhân chưa biết sự biểu dương mầu nhiệm của Thượng Ðế.

Tất cả sẽ được tự do nhờ ân chuộc tội của Chúa Giê Su (Christ Jesus).

Trích từ Thánh Kinh John, 3:16

Chúa vì quá yêu thương nhân loại, Ngài đã cho đi đứa con duy nhất của mình xuống trần gian, cho nên bất cứ ai tin tưởng nơi Ngài thì sẽ không bị hủy diệt và sẽ sống mãi mãi.

 

Không cách nào hơn, nên chúng tôi phải lạy trên đại lộ từ giữa vùng Fortuna và Eureka. California có luật cấm người đi bộ trên những đại lộ, nhưng trung sĩ Williams, cảnh sát công lộ vùng nầy đã bảo:

"Cứ tiến lên đại lộ đi, mấy ông đã trải qua đoạn đường dài rồi, nếu có gì phiền phức, tôi chịu hết cho!"

Gia đình ông Tetrault được cô Marge Rauum báo tin nên đã chuẩn bị sẵn chỗ cho chúng tôi nghỉ đêm tại nhà họ, và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận về Phật Pháp rất sống động. Ông Jerry Tetrault đã thừa nhận rằng Thánh Kinh chỉ diễn tả một phần nhỏ về khoảng thời gian trong vũ trụ mà thôi, ông nghĩ là phải còn có cái gì hơn thế nữa. Chúng tôi giải thích rằng giáo lý trong đạo Phật bao gồm tất cả những cảnh giới về quá khứ, hiện tại, và vị lai. Ai cũng có thể thành Phật, thành một vị giác ngộ với đầy đủ những diệu dụng, có tầm nhìn thấu suốt, cũng như trí tuệ và lòng từ bi thật không thể nghĩ bàn. Ðấy là cuộc bàn luận lý thú nhất từ trước đến nay.

 

Ngày 25 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Khi đến vùng ngoại ô Eureka, một thành phố có dân số khoảng 25.000 người, các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí tới tấp phỏng vấn chúng tôi. Những lúc như vậy, chúng tôi học được rằng, phải cẩn thận khi tiếp chuyện với các chuyên viên ký giả, vì đâu biết chắc là họ có thành thật thuật lại chuyến bái hương của chúng tôi một cách đơn thuần, hay là họ sẽ cắt xén, thêm bớt theo ý họ để câu chuyện thêm vẻ khích động hơn. Có mấy vị phóng viên tỏ vẻ thích thú khi biết được câu chuyện thật về chúng tôi. Nhưng cũng có người thích biến đổi câu chuyện khác với sự thật.

Eureka là một thành phố phối hợp đủ các ngành nghề như: có một hãng giấy, một bến tàu, một nhà máy về khí lực nguyên tử, nhiều công xưởng thuộc kỹ nghệ gỗ, một trung tâm nhỏ về tài chánh quốc tế, siêu thị, cây xăng, tiệm quán, và những căn nhà gỗ nho nhỏ. Lúc đi ngang qua tiệm bán vỏ xe Jerry Tetrault, ông Jerry cùng mấy anh thợ lôi chiếc xe kéo của chúng tôi vào để sửa lại mấy bánh xe đang đau khổ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ngồi uống chút sô cô la nóng. Ðến xế chiều, khi cơn mưa phùn vừa dứt, Mike và John, sinh viên trường Humboldt State, chuẩn bị một phòng cho chúng tôi ngủ nghỉ. Tối hôm đó tại nhà bếp, chúng tôi bàn về Phật pháp và sự bất bạo động.

 

Ngài 26 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Hôm nay lạy qua vùng Eureka, có vài tín đồ Tin Lành (Baptist) tìm đến để khuyên chúng tôi chuyển theo đạo họ, nhưng cũng không có gì rắc rối xảy ra. Ông bà John và Eilleen Barstow đem cơm trưa đến cho chúng tôi cùng lời chúc lành may mắn. Tối đến, bà Young, bạn cũ của Marge Rauum, chở chúng tôi về nhà. Bà có hai đứa con trai khỏe mạnh, mười một tuổi và mười hai tuổi, lại thêm cặp chó to lớn loại Saint Bernard, thường chiếm ngụ ở căn nhà bếp. Buổi tối hôm đó đối với chúng tôi thật là bất thường, vì cứ phải nhìn thấy hai chú bé gây lộn. Tôi chưa thấy con nít nào có nhiều khí lực, khỏe mạnh như chúng.

Má tụi nó còn phải chịu thua vì không thể nào can ngăn chúng được. Nhưng ít ra bà cũng có dán lên một tờ quy luật cho chúng.

Ðiều lệ về đánh lộn:

1. Ra ngoài hàng hiên mà gây sự.

2. Không được dùng gậy hoặc côn.

3. Tự giải quyết mọi vấn đề cãi vã (không được chạy vào méc mẹ).

Chúng cứ gây nhau suốt cả buổi tối, cho đến khi thằng anh lớn đàn áp khiến đứa em phát khóc, nước mắt ràn rụa. Nhưng khi phát giác ra tôi biết chút ít võ (công phu), chúng bèn liền năn nỉ muốn xem tôi biểu diễn. Tôi bằng lòng nhưng ra điều kiện nếu chúng hứa chịu dọn dẹp sạch sẽ mấy căn phòng quá sức bừa bãi của tụi nó. Sau khi biểu diễn sơ sơ võ Thái Cực Quyền, tôi giải thích cho chúng biết căn bản về đạo Lão như: "Công phu hay nhất là công phu không bao giờ được dùng đến." Ðối với những lời nầy tôi không nghĩ rằng chúng nó chịu lắng nghe đâu. Ngủ ngon nhé, hai chú bé!

 

Ngày 27 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Khi lạy từ vùng Eureka đến Arcata, chúng tôi cảm thấy thật là thú vị, vì được trả lời những câu hỏi từ những người thật tình quan tâm về chuyến bái hương nầy. Họ khiến chúng tôi không ngớt đánh giá kiểm điểm lại những hành động của mình. Ðó là điều khích lệ nhất! Như nhà văn T.S. Eliot có lần viết:

Tiến dần tới ý nghĩa toàn diện của kinh nghiệm, nhưng chỉ dưới một hình thức khác.

Có lẽ cũng đúng đấy! Nhờ chúng tôi càng cố gắng giải thích về việc mình đang làm, nên thấy nó càng có ý nghĩa hơn.

Hiện nay hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc, đều có gốc đạo Thiên Chúa. Nhận thấy phạm vi hiểu biết tôn giáo của họ có khi mỏng manh như giấy quyến, nhưng cũng có lúc rất thâm sâu dầy dặn. Trước đây có nhóm thanh niên vì hết lòng sùng kính Chúa Jesus, nên khi họ đến gần là chỉ muốn chúng tôi phải quyết định ngay: "Hoặc là theo Chúa, hoặc là vĩnh viễn ở trong địa ngục." Mặc khác, cũng có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo tỏ vẻ rất cảm kích đối với chúng tôi. Như vợ chồng anh Dennis Dingus đã tìm đến bàn luận với chúng tôi bằng xe gắn máy và tất cả chúng tôi đều được kết quả hữu ích. Mặc dù anh Dennis là tín đồ Thiên Chúa Giáo rất kiên cố, nhưng anh có tâm hồn cởi mở và có cái nhìn thẳng thắn, biết quán xét về những triết lý khác. Anh rất ngạc nhiên khi nghe tôi đã từng có mười một năm ở trường dòng, và trong ba năm cuối được sự hướng dẫn của các Thầy dòng Thiên Chúa Giáo Ái Nhĩ Lan tại trường trung học O'Dea vùng Seattle. Tôi giải thích rằng tuy không quên những nguồn gốc tốt đẹp đó, nhưng cảm thấy những gì mình đang làm là giúp cho những căn gốc đó được trưởng thành thêm. Khi xưa, khi còn là tín đồ trẻ đạo Thiên Chúa, tôi được dạy về "Sự nhận biết, về tình thương và phụng sự Chúa," nhưng tôi chưa bao giờ được học gì về Chúa. Nhưng lạ kỳ thay! Bây giờ tôi được học về điều đó ở trong đạo Phật.

Mọi người nên khuyến khích lẫn nhau để tìm hiểu thêm về tất cả các tôn giáo, để sưu tầm những điều căn bản cứu cánh, đồng thời phải bỏ đi những thành kiến quá giản dị tầm thường như: "Chúng tôi đúng, bọn họ sai." Ðối với tôi, danh từ Phật Tử hay Tín Ðồ Thiên Chúa, đều chỉ là những nhãn hiệu không thực thể. Tất cả những tôn giáo nên được dùng để đi đến mục đích giác ngộ, giải thoát và lìa khổ. Ngay cả đến những giáo lý cao siêu nhất trong đạo Phật cũng dạy rằng: Phải xem giáo pháp như chiếc bè, chỉ dùng nó với mục đích đưa con người qua khỏi biển khổ trầm luân để đến bờ giác ngộ. Chúng tôi và vợ chồng anh Dingus đều đồng ý rằng tôn giáo là phải hữu dụng chớ không không phải chỉ để đi theo sau. Nhiều người tín ngưỡng theo đạo là chỉ biết áp dụng tuân theo một phần rất nhỏ, còn lại bao nhiêu thì giao phó hết cho những vị giáo chủ.

Có mấy tin hấp dẫn quá! Hôm qua gọi về chùa, được biết có ông Phật tử tại gia họ Bàng đã phát tâm cúng dường một vùng đất rộng bốn mươi mẫu cho Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới để xây cất tu viện. Ðất nầy tọa lạc cách thành phố Seattle khoảng 130 dặm về hướng bắc, nằm cạnh con sông Skagit ở Marblemount, tiểu bang Washington. Thầy Hằng Do và tôi định sẽ kéo dài chuyến hành trình, để lạy thẳng về hướng tu viện sắp được xây cất.

 

Ngày 28 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Hôm nay lạy qua khỏi vùng Arcata và trường đại học California State tại Humboldt. Có một sinh viên luật trẻ tìm đến, và tự giới thiệu là Larry Marks, đã thỉnh vấn sư Hằng Do về những giáo lý căn bản của đạo Phật. Thầy Hằng Do không chút do dự liền đáp: "Là đừng dính mắc vào hình tướng" (vì tên anh ta là Marks, nghĩa là hình tướng). Câu trả lời cũng có vẻ khôi hài đó, nhưng nếu là tôi thì có lẽ tôi sẽ giải thích rằng: "hình tướng," thông thường được phiên dịch từ chữ Tướng của Trung Hoa mà thành. Cũng có thể dịch là: đặc tính, tướng trạng, trần cảnh, hiện tượng, trạng thái riêng biệt, hay danh hiệu v.v... Nó còn là chữ quan trọng khác được thấy qua hàng ngàn lần trong các kinh điển Phật Pháp. Như trong kinh Hoa Nghiêm có câu:

Pháp tánh bổn thanh tịnh, như không vô hữu tướng

Nhất thiết vô năng thuyết, trí giả như thị quán.

Nghĩa là:

Pháp tánh vốn thanh tịnh, vô tướng như hư không

Tất cả không năng thuyết, người trí quán như vậy.

 

Lại có câu:

Ư pháp bất điên đảo, như thật nhi hiện chứng

Ly chư hòa hợp tướng, thị danh vô thượng giác.

Nghĩa là:

Với pháp chẳng điên đảo, mà hiện chứng như thật

Lìa các tướng hòa hợp, gọi là vô thượng giác.

 

Tâm chúng sanh mông mênh không bờ bến, nhưng thể tánh của nó vốn thanh tịnh và bất diệt. Chúng ta từ vô thủy kiếp luôn bị vướng mắc bởi tính toán, phân biệt, suy tưởng, nên đánh mất thật tánh vốn vô hạn định nầy. Ðể rồi tự mình quay cuồng mê muội bởi những cảnh tượng (hình tướng) vô thường của thế gian. Chính xã hội nầy đã luyện tập chúng ta chấp có tự ngã, có thân, có tâm suy tính. Song thật không đúng như vậy, vì đó chỉ là những nhận thức sai lầm trầm trọng. Thật tánh hay thật tướng của chúng ta bao trùm vượt hơn tất cả những gì có hình tướng, đồng thời nó cũng không ngoài những hình tướng nầy. Vốn không trụ, không xứ sở và cũng không có nơi nào mà chẳng có sự hiện hữu của nó. Ðây chỉ là một nghi vấn để chúng ta thức tỉnh.

Vì lẽ trên nên Thầy Hằng Do mới bảo cậu Larry là đừng dính mắc vào hình tướng.

 

Ngày 29 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:

Phía bắc vùng Arcata, con đường lại dẫn đến đại lộ, ngoài ra không còn đường nào khác nữa. Nhưng di chuyển trên đại lộ rộng rãi, bằng phẳng có lẽ còn an toàn hơn. Nơi đây các gò cao lồi lõm đã được khỏa lấp bằng phẳng, và lúc nào cũng có mức ngăn phân biệt của lề đường, giúp chúng tôi tránh xa được xe cộ. Tài xế có thể thấy rõ chúng tôi, và chúng tôi cũng có thể trông thấy xe họ rõ ràng. Nhưng có điều khôi hài là đường đại lộ chỉ dành cho xe cộ mà thôi.

Tôi bắt đầu nhận ra những căn bản của sự hành thiền, là không những chỉ dụng công vào những lúc ngồi yên thân tâm bất động, mà nó còn có ý nghĩa rộng rãi bao la hơn. Thật ra không nên bị hạn cuộc vào thời gian bắt đầu hay kết thúc mỗi lúc tọa thiền. Bởi lý do đó mà tôi muốn đặt chuyến du hành nầy là chuyến hành thiền - dù là đang lễ lạy, nghỉ ngơi, đi đứng, hay với bất cứ hành động gì, đều có thể áp dụng những điều căn bản cốt yếu của thiền.

Chúng tôi cắm lều bên bờ sông Ðiên (Mad River) có tiếng, vì nơi nầy vẫn còn nhiều dấu vết của cơn lụt lội vừa qua. Căn lều lưu động của chúng tôi ví như một thiền đường lý tưởng. Mặc đầu nó hơi thấp cho cái tướng cao ráo đồ sộ của sư huynh, mỗi khi ngồi thẳng thì đầu muốn đụng nóc lều. Tiếng gió thổi xuyên qua khe lá, tiếng nước sông chảy róc rách, hòa cùng âm vang xe cộ ồn ào trên đường lộ, trong đêm tối đầy lạnh lẽo. Sáng mai đã tới rồi.

 

Ngày 30 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do Viết:

Cũng như thường lệ, hôm nay khoảng 11 giờ, lúc chúng tôi đang dùng cơm bên lề đường, có ông khoảng bốn mươi lăm tuổi, tướng người nho nhỏ, đi bộ đến với vẻ sửng sốt ngạc nhiên. Ông tự giới thiệu là Robert Alexander. Trong bộ quần áo cũ kỹ và cái nón bẻ vành lại thêm dáng điệu nhanh nhẹn lanh trí. Ông tỏ vẻ thất kinh khi nhìn thấy chúng tôi ăn - không phải vì ăn nhiều, mà bởi vì thấy chúng tôi bỏ thức ăn vào chung lộn xộn. Ông bảo rằng ăn như vậy tức là không đúng cách. Vì đối với ông chỉ dùng một loại thực phẩm cho mỗi bữa ăn thôi và ăn sống tức không cần phải nấu nướng chi. Ngay cả đến các loại đậu, trái cây hay các loại ngũ cốc, chỉ cần ngâm nước cách đêm.

Ông vừa nói vừa nhún nhảy, chứng tỏ một thân thể sung sức, với một tâm hồn hình như lúc nào cũng muốn rượt bắt lấy chính nó. Ông nói là dự định xây cất một trung tâm tôn giáo thuộc chủ nghĩa Chiết Trung (Eclectic), hay một tu viện trên mảnh đất mười hai mẫu của ông, gần Trinidad, một thành phố nhỏ ở phía bắc. Ông bảo khi nào chúng tôi đi ngang qua vùng đó thì xin mời ghé lại nhà ông. Ðược một lúc, ông từ giã, rồi đưa ngón tay cái ra dấu xin quá giang với mấy cậu sinh viên từ vùng Arcata. Sự yên lặng trở lại sau khi ông đi khỏi, khiến cả buổi gặp gỡ nầy, dường như là hư ảo. Sau bữa cơm trưa, Thầy Hằng Cụ tiếp tục lễ bái, còn tôi ở lại rửa chén và thâu dọn đồ đạc chất lên xe kéo.

Vì có rất nhiều người thường hay đến hỏi thăm chúng tôi với những thắc mắc giống nhau, nên lúc ở Arcata, chúng tôi có in sẵn một số danh thiếp, viết như sau:

Chúng tôi là hai Tu sĩ Phật Giáo ở chùa Kim Sơn, 1731 đường 15, tỉnh San Francisco. Trong vòng vài tháng sau, chúng tôi sẽ đi suốt một ngàn dặm từ San Francisco đến Marblemount, tiểu bang Washington, cách thành phố nhỏ Seattle khoảng 130 dặm về hướng bắc. Và nơi nầy, trong tương lai sẽ thành lập một tu viện Phật Giáo. Thầy Hằng Cụ phát nguyện lễ lạy theo lối tam bộ nhất bái, và Thầy Hằng Do phát nguyện đi theo hộ trì cùng lễ bái. Chúng tôi hy vọng qua việc làm nầy, các vị Thánh, Thần chiếu cố thế gian sẽ động lòng mà bảo hộ an lành. Nguyện cầu tất cả chúng sanh trên thế giới, mỗi người sẽ tự tu tập để dẹp bỏ tham, sân, si trong lòng mình. Chúng tôi tin rằng duy chỉ có cách nầy mới đem đến hòa bình thật sự và vĩnh cửu.

Thành Kính,

Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do

 

Lúc đầu chúng tôi phát ra hàng trăm tờ như trên, nhưng sau đó thì quyết định không dùng đến giấy nữa mà tự mình đích thân trả lời các câu hỏi.

 

Ngày 31 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Thầy Hằng Do rồi cũng trở lại cùng tôi lễ bái được sáu dặm, và bây giờ dựng trại trên mỏm đá cao hơn bờ biển cả trăm dặm. Chiếc lều nặng năm pounds (hơn hai ký) của chúng tôi lại một lần nữa chứng tỏ sự trung thành của nó, sẵn sàng dầm mình trong cơn bão đang thổi đến từ hướng tây nam.

 

Ngày 1 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi hiện đang ở chỗ của ông Robert Alexander. Nơi nầy cũng phản ảnh được phần nào nhân phẩm của ông. Rải rác đó đây, xen lẫn với cây cối có khoảng mười chiếc xe buýt loại chở học sinh, nay đã được sửa thành chỗ tạm trú cho sinh viên. Lại có cả hơn chục rưỡi xe phế thải, cùng mấy gian nhà điêu tàn không mái nóc của phòng ngủ motel cũ kỹ. Có một dòng suối mát trong trẻo, và cái điện thoại được ông Robert gắn vào thân cây gần bên rất tiện lợi.

Trên đường lễ lạy ngang vùng Crannell, thấy có khu phố do một trong những công ty gỗ có tiếng đã dựng lên cho các nhân viên và gia đình họ cư ngụ. Nhưng bởi một vài lý do nào đó mà khu phố không còn hiện hành nữa, mà nay đã trở thành một làng ma tân thời trong rừng vắng.

Sau đó có chiếc xe chở đầy những tín đồ đạo Thiên Chúa, dòng Phúc Âm ngừng lại, và bảo rằng Thầy Hằng Cụ là một kẻ tội lỗi vì "đối trước Chúa, Thầy đã không có một điều thiện nào cả."

Thầy Hằng Cụ nói với họ rằng, Thầy không phải là thiện mà cũng không phải là bất thiện. Tôi không nghĩ là họ được tự quyền chấp nhận lý lẽ như vậy. Thật ra, đó cũng giống như đặc tính của nhiều người, là cố ra công muốn chuyển hóa chúng tôi ngay tức khắc: Nếu anh không được cứu rỗi thì anh là kẻ có tội. Nếu anh không được mãi mãi ở thiên đường tức là anh sẽ bị đọa địa ngục đời đời. Và nếu anh không là một trong nhóm người của họ, tức nhiên là anh thuộc về bộ hạ của đám ma vương. Thành kiến của họ là như vậy, không có sự lựa chọn nào khác hơn.

Nhưng thực tế, nếu ta chịu suy nghĩ kỹ điều nầy, thì chẳng có gì tốt mà không có xấu trong đó. Không nơi nào hoàn toàn tối mà không có ánh sáng. Mọi sự vật đều có mối liên hệ hỗ tương rõ ràng, và Thuyết Nhị Nguyên (Thuyết Ðối Ðãi) sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có cái đối ngược với chúng. Mục đích của đạo Phật là đạt đến cảnh giới vượt ngoài tất cả những đối đãi. Ngay cả đến cái gốc đối đãi của sanh và tử cũng phải vượt ra khỏi, tất mới thành công. Riêng cá nhân tôi cũng vẫn chưa vượt khỏi cái đối đãi của mỏi mệt và không mỏi mệt, cho nên sự bàn luận nầy sẽ được tiếp tục vào ngày mai, để tôi có thể nghỉ ngơi một chút.

 

Ngày 2 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Trời hôm nay thật lạnh và gió nhiều, chúng tôi đang tiến gần đến vùng Trinidad. Khoảng 9 giờ sáng, thấy có chiếc xe chở đầy những người bạn cũ đến trong bất ngờ. Chúng tôi có một bữa tiệc thịnh soạn, chan chứa thật nhiều tình nghĩa. Giáo sư Ron Epstein (Quả Dung), dạy triết học ở trường San Francisco State cũng đến. Ði cùng với ông, gồm vợ chồng Quả Chu, Quả Tải Round và Steve Berman. Anh Steve ngỏ lời mời chúng tôi về nhà nếu mai nầy đi ngang qua vùng Trinidad. Quả Chu Round cũng đã tốt nghiệp trường Harvard như Quả Dung, anh là một trong những người hiếm có, vì anh không những chỉ tin tưởng mà còn áp dụng thực hành theo những đạo lý căn bản Phật giáo nữa. Dù nhà anh cách xa San Francisco, về hướng bắc khoảng bảy mươi lăm dặm, nhưng mỗi tuần đều dành ra một ngày để đến tu viện làm công quả và hành thiền. Sự tu tập của anh cũng bắt đầu có kết quả qua việc sắp phát hành tập truyện dài đầu tay với tựa đề là "Chuyến du hành của Celebrisi" (Celebrisi's Journey). Cuốn sách nầy được xem như là sự thay đổi nhanh chóng của một người đàn ông ở New Jersey, bắt đầu có kinh nghiệm về sự khai tâm. Câu chuyện kể về những cảm xúc của ông trong những chuyến đi mạo hiểm vùng đất Mỹ Châu trong trạng thái hãy còn mê ngủ, dại khờ để tìm kiếm sự dẫn đạo chánh đáng cho tâm linh. Quả Tải, vợ Quả Chu, cũng là một nhà giáo ở trường Berkeley, đã chuẩn bị bữa cơm trưa nóng hổi cho chúng tôi gồm những rau cải do chính tay chị trồng lấy.

Hiện trời đã về đêm, chúng tôi vẫn còn nghỉ lại trên mảnh đất kỳ quặc của ông Robert Alexander.

 

Ngày 3 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Qua khỏi vùng Trinidad, đại gia đình nhà họ Whittenbergs tìm đến. Sau khi lần lượt tự mình giới thiệu, rồi trao tặng thức ăn và trà cho chúng tôi, họ còn bảo rằng sẽ đi thăm viếng tu viện Kim Sơn ở San Francisco. Chiều tối, anh Steven Berman cùng vợ là Felicia chở chúng tôi về nhà. Anh Steve vừa thổi sáo vừa hát bài ca Phật giáo cổ truyền bằng tiếng Tàu. Bài hát nhắc đến một đệ tử của đức Phật là ngài Mục Kiền Liên, vừa khai thông thiên nhãn, nên có thể nhìn thấu suốt khắp mọi nơi trong vũ trụ. Khi thấy mẹ mình đang bị thiêu đốt dưới địa ngục, Ngài bèn thưa hỏi đức Phật để tìm phương cứu vớt: "Bạch Thế Tôn có bao nhiêu con đường dẫn đến Linh Thứu sơn."

Ðức Phật đáp: "Có cả muôn vạn và nhiều hơn nữa. Hàng muôn vạn. A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật !"

Có đoạn diễn tả thật sâu sắc mà hôm trước tôi định đề cập đến:

Khí hữu trước không, bệnh diệc nhiên

Do như tị nịch nhi đầu hỏa

Xả vọng tâm, thủ chân lý

Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy.

Nghĩa là:

Bỏ có níu không, thế cũng bệnh,

Khác nào trốn nước sa vào lửa.

Buông vọng tâm, giữ chân lý,

Tâm giữ buông cũng là xảo ngụy.

Ðiểm sai lầm là sự bỏ cái có để dính mắc cái không, cũng giống như tránh né bị chết chìm, nhưng lại nhảy vào lửa. Như có người chối bỏ vọng tâm để cố giữ chân lý, nhưng chính những ý nghĩ về chối bỏ hay cố giữ cũng chỉ là một giả kế khéo léo mà thôi.

Ðó là đoạn văn xuôi được dịch từ những câu thơ trong "Chứng Ðạo Ca" do Thiền sư Vĩnh Gia, một vị cao tăng đức độ người Hoa sáng tác.

"Bỏ cái có để dính mắc cái không" là cũng như ưa thích một vật mà vật nầy lại liên quan đến vật khác. Như bảo rằng màu xanh dương tốt hơn màu xanh lá cây vậy. Sai lầm nầy cũng như "tránh né bị chết chìm, nhưng lại nhảy vào lửa." Nếu bạn khăng khăng cố chấp bám níu chỉ một bên mà không chịu thừa nhận cái giá trị của bên kia, tức bạn đang tạo một lỗi lầm khủng khiếp về mặt tinh thần. Con đường để tránh lỗi lầm đó là nhận thật được cả hai mặt của đồng xu mới tạo nên sự hiện hữu thật sự của nó.

"Như có người chối bỏ vọng tâm để cố giữ chân lý," câu nầy nhắc tôi nhớ đến những người đã nói rằng: "Chúng tôi đúng, chúng tôi là đại diện cho sự thật, vì thế ông là kẻ sai lầm." Tương tự như những lúc chúng tôi tiếp chuyện với những người truyền đạo, họ thường có thái độ như thế, bởi chính những giáo điều của họ bao hàm ý nghĩa của sự đối đãi.

"Nhưng chính những ý nghĩ về chối bỏ hay cố giữ cũng chỉ là một giả kế khéo léo mà thôi."

Câu nầy có nghĩa là tất cả những sự tương phản, trái ngược nhau đều phát xuất từ một nguồn duy nhất, và khi chúng ta đạt được điều nầy tức sẽ nhận ra ngay tất cả những công sức chấp trước về "thật" và sự từ bỏ cái "giả" đều là ảo tưởng, không thật.

Ðó không có ý là ta có thể mặc sức buông lung trên đường du hành rồi còn biện hộ rằng ta không nên chấp mắc vào đúng sai. Mà có nghĩa là nếu cảnh giới tâm linh mình hạn cuộc vào những quan niệm nhị nguyên, của phải hay quấy, của thật hay giả thì mình sẽ không bao giờ tương ưng, mà thể nhập vào được cái nhất nguyên của lý hiện hữu, là cánh cửa đưa mình đến cảnh giới cao hơn.

 

Ngày 4 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Phía bắc Trinidad, xa lộ cũ 101 chạy dọc theo bãi dốc đá, còn đại lộ lại nằm gần hướng đất liền. Chúng tôi chọn tuyến đường xa lộ cũ vì an toàn hơn - ít xe cộ  và phong cảnh lại tuyệt diệu. Trong khi lạy, chúng tôi nhìn thấy những đợt sóng biển không ngớt đập vào, tạo nên những bọt nước xanh hòa trắng, ào ạt tràn lên những phiến đá phún thạch nhô lên trông như những hòn đảo nho nhỏ. Tiếng sóng biển vỗ ầm ầm trong bầu không khí đầy hơi nước, khiến chúng tôi phấn tấn, tỉnh thức lên thêm.

Sau bữa cơm trưa, có hai ông Ái Nhĩ Lan tuổi khoảng trung niên lái chiếc Volvo nhỏ ngừng lại hỏi chuyện. Cả hai tỏ vẻ ưa thích về khuynh hướng triết lý, chỉ có điều là đang say rượu chút đỉnh, nhưng chúng tôi cũng đã cùng nhau trao đổi ý kiến rất lý thú. Họ thắc mắc rằng chúng tôi đã từng có những kinh nghiệm "bất thường" gì với Sư Phụ không. A ha! Ðiều nầy tôi có thể nói đến tràng giang đại hải cũng còn được. Nhưng tôi chỉ kể cho họ nghe về câu chuyện mà tôi chợt nhớ ra trước nhất.

Nguyên là mấy năm về trước, khi mới đến tu viện, tôi được giao cho phận sự rửa chén. Hôm đó nhằm ngày chủ nhật, lại có lễ lớn, nên có thêm thật nhiều chén bát và tôi phải bị kẹt lại để rửa. Sau bữa cơm trưa, mọi người tụ họp từng nhóm nhỏ để trò chuyện và uống trà. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản, nên thầm nghĩ: "Chẳng có ai muốn giúp mình cả, có ai thèm để ý đến mình đâu!" Nhìn đống chén dĩa dơ, tôi phát nghĩ đến chuyện muốn bỏ lên lầu để cuốn gói đồ đạc. Ðang đứng tần ngần trước bồn chén trong nỗi tủi thân uất ức, tình cờ nhìn lên, thấy Sư Phụ đang đứng phía bên tay mặt, cách tôi khoảng năm bước với nụ cười tươi. Rồi bỗng nhiên Ngài bắt đầu nói trỏng, la lớn vô cớ thấy rõ. "Ngươi làm bể nhiều chén dĩa quá đi!" Vì Ngài nói bằng tiếng Anh không rành rẽ: "Nhiều chén dĩa bị rung rinh quá (bể)!"

Tôi giựt mình choáng váng, không nói được lời nào, những ý tưởng chán nản lẹ làng chuyển sang biện hộ cho mình: "Cái gì mà kỳ vậy! Cả tháng nay mình đâu có làm bể cái chén nào đâu! Chẳng biết Sư Phụ đang nói chuyện gì mà kỳ vậy cà?" Nhưng tôi chẳng nói ra được lời nào, mà chỉ biết "Ơ, ơ, ơ, ơ..." ấp a ấp úng, câu trả lời hay nhất mà tôi nghĩ ra được thế thôi. Rồi trong phút chốc, Ngài đột nhiên biến mất, cũng như lúc xuất hiện vậy. Tôi cố suy nghĩ để biết chuyện gì mà kỳ cục quá, nhưng không tìm ra lý lẽ. Vài phút sau, tôi như quên đi câu chuyện vừa qua vì bận lo rửa chén. Lúc nhìn về phía bên phải, tôi thấy một chuyện xảy ra, thật không thể ngờ. Ai đó đã chất chồng đống chén dĩa vào trong một cái chão lớn đáy tròn. Vì chất cao quá nên cái dĩa trên cùng bắt đầu làm cả chồng dĩa rung rinh theo. Vừa lúc nhìn về phía đó thì cũng là lúc chúng thi nhau đổ ào xuống nền xi măng, bể văng tung tóe những mảnh vụn khắp nơi. Giá trị số chén dĩa bị bể nầy cũng cỡ khoảng hơn ba mươi đô. Chỉ có mình tôi đang ở bên cạnh đống chén dĩa, coi như chính tôi là thủ phạm đã gây ra. Lúc đó mọi người chạy ùa ra xem xét sự tình, và tôi mới chợt hiểu được những gì Sư Phụ vừa nói.

Trước đây thì còn nghi ngờ nầy nọ, nhưng bây giờ chẳng có gì để thắc mắc nữa, biết rằng mình mới chứng kiến được sự biểu hiện một năng lực vượt xa hẳn phạm vi tri kiến của phàm phu. Từ đó về sau tôi bắt đầu để ý và hiểu rằng, thì ra lúc nào Sư Phụ cũng luôn để tâm trông chừng bọn đệ tử. Ngoài ra còn nhiều sự việc khác cũng tương tợ như vậy, thật không thể nào đếm hết được, chứng tỏ rằng Sư Phụ luôn "bên cạnh chúng tôi." Tôi biết chuyện nầy nghe qua có vẻ như phi lý quá, nhưng thật là thế, đối với những ai đã từng có những lúc gần gũi tiếp xúc ở Tu viện thì đều biết rõ cả. Sư Phụ gọi cách giáo hóa nầy là "Sự giáo hóa từ trong ra ngoài."

Hai anh triết học thích chí tức cười về câu chuyện, ra về trong tinh thần cao hứng.

Hiện chúng tôi đang cắm lều ở công viên Patricks Point của tiểu bang, rộng mênh mông với một rừng cây lá xanh tươi trên những bờ dốc biển nhấp nhô. Nơi đây, ngoài những nhân viên canh giữ, cả vùng như thuộc về chúng tôi.

 

Ngày 5 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Vì hôm nay thời tiết quá xấu nên chúng tôi vẫn ở nán lại trong công viên. Cả ngày cứ hết đọc sách, ngồi thiền, rồi lại tản bộ dọc theo các ghềnh đá và nghỉ ngơi. Tối đến, chúng tôi cùng nhau trao đổi giáo lý và học ôn chữ Trung Hoa. Tôi có riêng cuốn tự điển tiếng Trung Hoa loại bỏ túi, và vẫn thường dùng nó để tập luyện với sư Hằng Do trong những lúc rảnh rỗi. Tiếng Trung Hoa của Thầy Hằng Do rất giỏi. Thật ra Thầy Hằng Do là người rất phi thường với nhiều đức tánh đáng chú ý như khỏe mạnh, cần mẫn, sốt sắng, kỹ lưỡng, có trách nhiệm, thông minh, và nhạy cảm. Dù là đang gắn ráp ống nước, rửa phim, phiên dịch kinh điển, nướng bánh mì, kiết già tọa thiền, hoặc căng tấm lều nặng năm pounds (hai ký rưỡi) trên những ghềnh dốc đá, Thầy đều rất tỉ mỉ và rõ ràng, như làm việc được trả tiền lương vậy. Thầy chăm chú cân nhắc đâu đó rồi mới bắt tay vào việc cho đến khi hoàn tất.

Dĩ nhiên là nếu tôi cứ đưa ra những ưu điểm thì sự đánh giá phê bình nầy sẽ không thành thật cho lắm. Nên tôi phải thêm vào, cũng không có lỗi gì gọi là quá tệ, nhưng nhiều lúc Thầy Hằng Do xử sự có vẻ hơi theo ý riêng mình. Có những lúc Thầy như rơi vào trạng thái đăm chiêu thâm trầm, thấy như khó mà giải tỏa được, khiến tôi cũng bị lôi cuốn theo. Mỗi khi nhìn thấy "điều đó" hiện lên nét mặt Thầy là tôi biết ngay mình có chỗ nào đó, lúc nào đó... đã làm sai sót điều gì rồi.

Những lúc như vậy, tôi tự kiểm điểm lại những gì mình đã lầm lỗi, và tìm cách hòa giải những mối bất đồng. Thường thì tôi vẫn nói: "Này Thầy Hằng Do! Mình tạm ngưng một chút để uống sô cô la (chocolate) nóng nhé!" Trong suốt cuộc hành trình, nhiều lần pháp sô cô la nóng nầy thường giải quyết các vấn đề của hai chúng tôi hơn là những cách khác mà tôi có thể nghĩ ra. Thật ra tôi cũng tự thấy mình có lúc hành động thiếu suy nghĩ, nhưng sau khi gốc rễ của những chuyện vớ vẩn đó bị nhổ đi, Thầy Hằng Do vui vẻ trở lại và tinh tấn thêm, còn tôi thì trở lại cái bản tánh đôi lúc hơi khả ố dễ ghét. Và rồi chúng tôi cùng nhau trở ra mặt lộ để tiếp tục lên đường.

 

Ngày 6 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Chúng tôi lạy được năm dặm, hiện cắm trại trên bãi cát biển, và nhúm lên ngọn lửa vui mừng nổ vang tí tách. Hôm nay khi đi ngang qua vùng Big Lagoon, tôi cảm thấy khoảng đường nầy có vẻ gì hơi là lạ. Trong lúc lạy dọc theo đầm nước, tôi bắt đầu mất đi cảm giác về không gian và thời gian. Cơn gió nặng nề mang theo hơi nước từ biển thổi vào. Tôi có cảm tưởng mình như đang đứng tại chỗ mà lễ lạy, dĩ nhiên trong khi tất cả những cảnh vật ở thế gian vẫn lướt qua tôi. Có lẽ vì tình trạng ý thức bị kích thích không mạnh mẽ như của mắt vậy. Phong cảnh bao la và con đường nhỏ hẹp của xa lộ chạy mất hút như sợi chỉ dài vô tận tới chân trời, giúp tạo nên thành quả. Nhưng dù sao tôi cũng phải tự ghi vào sổ cho mình là đã lạy liên tục không ngừng nghỉ được hơn một dặm một phần tư. Sức lực càng lúc càng gia tăng, tôi cảm thấy khỏe khoắn vô cùng.

 

Ngày 7 Tháng 2 Năm 1971. Hằng Cụ viết:

Vừa lạy được hai dặm, nhưng thấy cơn bão to sắp sửa kéo đến nên chúng tôi buộc phải tìm chỗ ẩn náu. Hiện chúng tôi đang dựng lều trên bãi đất của một xưởng gỗ lớn. Ðôi khi nghĩ lại mà cảm thấy rùng mình trong cảnh trôi giạt lang thang như vầy. Chúng tôi như những chiếc lá bị gió mùa thu thổi bay qua một hành tinh xa lạ và tiếp tục bay trong sự im lìm, không dính mắc vào đâu, chỉ lặng lẽ trôi lăn trong tỉnh giác.

 

Ngày 8 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Trời vẫn đổ mưa, chúng tôi vẫn ở chỗ cũ đầy ẩm ướt. Những lúc như hôm nay thật ê chề chán nản, vì chẳng làm được gì hơn là phải chờ đợi. Cũng còn may là chúng tôi có thể hành thiền.

Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: "Tánh không tức là Phật."

Nhiều người chỉ biết chấp mắc vào cảnh vật nên quên mất chẳng quay về với chân tánh, vốn đầy đủ tứ đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Giác linh sẵn có nầy đã bị che lấp bởi những nghiệp thức hạn cuộc, và hầu hết chúng ta đều không biết đến. Trong những ngày mưa gió, cũng là dịp tốt cho chúng tôi ở lại trong lều để tham thiền, suy ngẫm những điều nầy.

 

Ngày 9 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Mặc cho mưa gió, hôm nay chúng tôi vẫn trở ra đường. Chẳng thà bị ướt mà có tiến bộ, hơn là khô ráo mà chểnh mảng.

Hiện chẳng phải hòa hợp, khứ lai cũng như vậy

Tất cả pháp vô tướng, đây là chân thể Phật.

Những lời nầy xuất phát từ kinh Hoa nghiêm, thật khiến tôi suy tư về tất cả những kinh nghiệm nầy. Chúng tôi đã không ngừng di chuyển, điều nầy cũng dễ hiểu thôi, vì thật ra cũng chẳng có gì để bám víu. Tôi nghĩ nếu dẹp được thời gian cuộc đời qua được một bên thì rất hay, như vậy ta mới có thể tạm thời buông bỏ hết tất cả để chỉ đơn thuần làm người không dính mắc. Ðó chính là bài học thực tế rất giá trị. Có nhiều chuyện tự mình tưởng là quan trọng, nhưng thật ra chúng chẳng là gì cả. Ví như có thể nói là: Ở vào trình độ cao thâm, sẽ thấy không có gì thật là vấn đề cả. Sự vật chỉ là những hình tướng đơn thuần của chính nó thôi. Ðây là đạo lý cao siêu mà mọi người nên cố gắng để thâm nhập. Một khi ta hiểu được căn bản tất cả chỉ là không, thì mới có thể trở về với lối sống hiện tại, thật sự vững vàng. Khi đó ta sẽ nhận rõ ra được cái ta thật thể sẽ là gì, và có thể lăn mình phấn đấu để có một cuộc sống xứng đáng. Sự vật trên thế gian nầy thật, giả đều lẫn lộn nhau, và chỉ tùy theo cái nhìn của mỗi người. Cho nên có câu: Tất cả các pháp là giả, là không, song cũng chính các pháp nầy lại thể hiện lên cái hiện thực. Dù ở trường hợp nào đi chăng nữa, tốt hơn là xây dựng một nền tảng vững chắc, một trung tâm bất động, thì chúng ta mới có thể quán xét và xử lý được với những biến chuyển đa dạng của sinh tử.

 

Ngày 10 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi cắm trại trên bờ biển, cách thành phố Crescent khoảng bốn mươi dặm về hướng nam. Tôi có thể nghe bao âm thanh hòa nhịp của sóng biển ầm ầm dồn dập, tiếng gió rít vi vu, tiếng lửa nổ vang tí tách và tiếng hòa đồng, hợp xướng của tám vạn bốn ngàn con ếch nhái trong cái vũng đầm ở phía sau chúng tôi. Ngọn lửa hồng trong đêm đen lạnh rét như có một cái gì thật là êm đềm tuyệt diệu, nên tôi có thể ngồi hàng giờ để nhìn ánh lửa và lắng nghe âm thanh của nó. Lửa trại nầy thật thuận tiện cho việc hong khô áo quần, nấu nước pha trà và cả việc hầm đậu cho bữa trưa mai, nó như còn có một cái gì thu hút, luôn được chào đón mỗi khi màng đêm buông xuống, tôi cũng chẳng biết vì sao.

Theo sự tính toán thì hiện chúng tôi đã lạy được 379 dặm đường, dọc theo lộ trình bờ biển. Nếu dùng theo tuyến đường trong đất liền thì lộ trình sẽ ngắn hơn, chỉ cách San Francisco 308 dặm thôi. Sư huynh Cụ đã phải bao lần đắp vá lại miếng vải bao nơi đầu gối, mấy bánh xe kéo cũng đã bốn lần đổi thay và chúng tôi cũng đã tiêu thụ mất hằng mấy cân bột sữa rồi. Sau trận lụt lớn cho đến nay, chỉ có khoảng bốn hay năm ngày mưa, ngoài ra thì thời tiết cũng khá tốt. Từ lúc rời khỏi vùng Humboldt Bay, chúng tôi tiến vào một địa thế tuyệt đẹp với những cây Hồng mộc (redwood) và những cây tùng (Douglas) về phía Redwood National Park, một công viên mới nhất của quốc gia.

 

Ngày 11 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Lại một lần nữa chúng tôi cắm trại trên bờ biển về hướng nam của thành phố Orick, nơi nầy với danh gọi là "Cổng vào công viên quốc gia." Dựng lều xong, tôi gom góp mấy khúc gỗ từ biển tấp trên bờ, chất thành đống lớn. Vừa mới nhúm lên ngọn lửa thì có ông cảnh sát khu vực tìm đến. Tin chắc là thế nào mình cũng bị đuổi vì tội cắm trại ở bờ biển và ngọn lửa cũng sẽ bị dập tắt dưới gót giầy. Ngạc nhiên thay, ông lại nói: "Chào! Chỗ nầy cắm trại lý tưởng quá há!" Ðó là ông James Kennedy, chỉ đến để trò chuyện và xem nếu chúng tôi có cần gì không.

Lúc trong ngày đang lễ lạy, có ba nhân viên sửa đường chăm chú quan sát Huynh Cụ đang miệt mài cọ quét ngang qua chiếc xe vận tải lớn chở đồ phế thải của họ. Sau đó một lúc, anh tài xế lên tiếng hỏi thăm vài chuyện về chuyến đi của chúng tôi. Thấy rõ mấy anh nầy lộ vẻ hơi căng thẳng khi nói chuyện với tôi. Cũng dễ hiểu thôi, có lẽ họ đã từng nghe nhiều chuyện kỳ dị về chúng tôi rồi, nên mới tỏ vẻ ngần ngại khi tiếp xúc với tôi vậy.

Một anh hỏi chúng tôi mỗi ngày có tiến bộ không.

Tôi đáp: Có.

Và đây là dịp để tôi kể lại câu chuyện bị nạn về lá sồi độc ở vùng Bodega Bay. Dù chuyện xảy ra đã lâu, nhưng đến nay khi nhắc lại, câu chuyện cũng vẫn còn rất khôi hài lý thú. Khi nghe có người dùng lá sồi độc để thay cho giấy vệ sinh, ai nấy cũng ôm bụng cười lăn. Tôi diễn tả câu chuyện một cách thật hài hước khiến mấy anh công nhân nầy áp nhau cười rần. Trước khi lái xe đi, họ cũng đã chúc lành và khen ngợi mục đích việc làm của chúng tôi.

Tôi tin rằng ảnh hưởng tai nạn của lá sồi độc sẽ nhắc nhở cho mọi người biết chúng tôi cũng là người như mọi người, cũng có lỗi lầm như bao người khác. Câu chuyện nầy sẽ như chiếc cầu nối liền khoảng trống, mà lắm khi trong lúc giao thiệp có thể xảy ra.

 

Ngày 12 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Trong cơn mưa lất phất, chúng tôi lạy đến vùng Orick. Vừa vào khu phố thì có vài chiếc xe bóp còi inh ỏi chạy lướt qua chúng tôi, chắc là từ đám học sinh trung học ở vùng nầy. Nhưng chỉ vậy thôi, không có gì xảy ra. Có bà nội trợ, tuổi khoảng trung niên đã cố thuyết phục tôi vào đạo của bà. Ðến trung tâm thành phố, lúc đi ngang qua tiệm bán bánh mì " I'm a hamburger" (Tôi là bánh hem bơ gơ, loại bánh mì kẹp miếng thịt bò xay nhuyễn), có mấy chiếc xe hàng tấp vào phía trước, rồi tài xế đến hỏi han vài câu. Tuy họ không hiểu nhiều gì về đạo Phật, nhưng chắc chắn rất hiểu về những dặm đường mà chúng tôi đã lạy qua. Họ tỏ vẻ rất cảm kích khi biết chúng tôi đã lạy được hơn 300 dặm đường.

Chiều xuống, chúng tôi gặp anh Tom Carter cùng vợ là Sunny và được mời về nhà nghỉ tạm nơi phòng khách. Chúng tôi mua bột mì ở tiệm, nơi anh Tom đang làm việc. Rồi sau đó đã sản xuất ra được ba ổ bánh mì cho ảnh chỉ và ba ổ cho chúng tôi. Buổi tối chúng tôi vừa uống trà vừa bàn luận Phật pháp.

 

Ngày 13 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Khi đi ngang qua dãy nhà trọ cho thuê Mosely Motel ở đường Dawson, bà Mosely đích thân ra mời chúng tôi vào uống cà phê. Vì đang trong tình trạng xăng dầu khan hiếm, nên những phòng ngủ cho mướn của bà còn rất nhiều chỗ trống. Mặc dù được bà dành riêng một phòng để nghỉ qua đêm, nhưng chúng tôi từ chối và quyết định tiếp tục lên đường, đến cuối ngày cũng tìm được một chỗ khá tốt, cách xa lộ để dựng lều. Trời về đêm rất yên lặng, chỉ nghe tiếng dế, cóc kêu thôi. Thầy Hằng Do đang cặm cụi nhóm lửa để nấu đậu cho bữa trưa mai.

Diệc như hỏa tánh nhất, năng thiêu nhất thiết vật

Hỏa diệm vô phân biệt, chư Phật Pháp như thị.

Nghĩa là:

Cũng như lửa một tánh, thiêu đốt tất cả vật

Lửa cháy không phân biệt, pháp chư Phật như vậy.

Bài kệ nầy được trích từ kinh Hoa Nghiêm, nói về tánh vô ngã. "Lửa cháy không phân biệt," tuy lửa không có tâm thức nhưng diệu dụng của nó thật hoàn hảo. Ðó là kết quả đơn thuần của các nhân duyên đã hội đủ. Tâm cũng không có tự ngã và nếu không có sự cảm thọ về cái ngã thì nó cũng có cái diệu dụng hoàn hảo, luôn luôn dung hòa với hoàn cảnh, không có vấn đề gì. Tất cả các pháp cũng như vậy, chỉ có thế thôi. Nếu mọi sự vật đều theo đúng nguyên tắc căn bản nầy thì dù cho cái "ngã" có nổi lên hay không thì cũng không thành vấn đề.

 

Ngày 14 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Phía bắc Orick, chúng tôi tiến dần vào đất liền và đang ở giữa vùng công viên Redwood National. Cả vùng mênh mông nầy chỉ có chúng tôi và những cây cổ thụ: có mấy cây già đến ba ngàn tuổi, nghĩa là chúng đã có mặt trên trái đất nầy ngay cả trước thời của đức Phật! Phong cảnh nơi đây có vẻ an lạc quá!

Hôm nay có chiếc xe thơ ngừng lại trên xa lộ, và anh phát thơ xuống xe đi về phía Thầy Hằng Do đang lạy bên lề. Thì ra chúng tôi có món quà đặc biệt do ông Bob Olson, giám đốc công ty điện Olson ở San Francisco gởi biếu một hộp đậu (nut) to tướng, có cả lá thơ từ Chùa Kim Sơn nữa. Trong thơ nói rằng mọi người rất thích thú về chuyến du hành qua những bài tường trình do chúng tôi gởi về. Giờ đây chúng tôi cắm trại ở công viên Prairie Creek State về phía bắc. Có một đàn nai đông đảo đang ùa nhau chạy lướt qua cánh đồng trống.

 

Ngày 15 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Lạy được ba dặm trước khi Quả Quy Nicholson cùng người em họ là Margaret đem cơm trưa đến và tặng cho chúng tôi hai cái áo khoác nylon bằng vải dù. Thấy trận bão to sắp sửa kéo tới, nên trước khi ra về, mấy ảnh chở chúng tôi đến một căn nhà bỏ hoang nằm phía trên bờ sông Klamath. Màn đêm buông phủ, tiếng gió hú quái đảng len lỏi qua các khe cửa kiếng bể, khiến mấy tấm ván lỏng sút đinh phát kêu kèn kẹt, hòa cùng những âm thanh vang rền của bọn côn trùng ếch nhái.

Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

Diệc như phong tánh nhất, năng xuy nhất thiết vật

Phong vô nhất dị niệm, chư Phật Pháp như thị.

Nghĩa là:

Cũng như gió một tánh, thổi động tất cả vật

Gió không nghĩ đồng khác, pháp chư Phật như vậy.

Những tác dụng chịu đựng của gió và tất cả vạn vật của thiên nhiên đều thật không thể nghĩ bàn. Ðã không một ai hay một nhân vật nào có thể sai khiến được chúng cả. Những sự việc xảy ra của thiên nhiên là vô ngã. Và lạ kỳ thay! Con người cũng giống vậy thôi. Câu trên đã phân tích rằng: Gió vốn vô tâm phân biệt, hoặc nó đâu có thể tự gọi là gió. Trong đạo Phật gọi đó là chân đế hay sự thật tuyệt đối của vô ngã.

Bao thế kỷ trôi qua, Thiền tông đã dùng phương pháp tham thiền hướng dẫn thiền sinh tìm đến chân thật nầy bằng câu hỏi "Ai?" Bởi hằng suy tư trong tỉnh giác với câu hỏi nầy, đồng thời mục kích những hành vi của thân tâm, ta mới có thể nhận ra được tự tánh vốn bao la vô tận. Cũng giống như gió: không ngằn mé, không có sự bắt đầu và cũng không có ngã tướng. Tất cả mọi vật trên vũ trụ đều vô ngã. Hay nói một cách lạc quan hơn: con người đã hoàn toàn, đã là Phật rồi. Và sự bất diệt nầy nay vẫn đang tiếp tục, không còn gì hơn để có thể làm cho sự bất diệt nầy trở nên bất diệt vĩnh cửu hơn nữa cả. Hiện tại, sự tuyệt đối của đúng hay sai đều thể hiện đồng lúc ngay trước chúng ta theo luật nghiệp báo một cách đích xác hoàn toàn.

 

Ngày 16 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay trước khi dựng lều trong những lùm cây Hồng mộc, chúng tôi đã lạy được bốn dặm rưỡi dọc trên đoạn đường nhỏ hẹp. Hầu như mưa rơi suốt cả ngày, nhưng lần nầy chúng tôi dùng tấm bố vải dầu không thấm nước, phủ lên trên lều, để nước mưa trơn tuột xuống hết. Kết quả thật tốt, nước mưa đã không thấm rỉ vào, nên phía trong lều cũng giảm bớt phần nào độ ẩm ướt. Tại sao trước đây chúng tôi không nghĩ ra cách nầy hở?

Hơn một giờ trôi qua, chúng tôi vừa tọa thiền xong. Bây giờ ngoài trời đã tối đen, im phăng phắc. Một ngày dài đã qua, phút chốc sau buổi tọa thiền, chúng tôi cảm thấy tinh thần như thư giãn trong an lạc. Cũng có thể đấy là ảo giác do được thư thả tự do sau một ngày hành trình và kiếm tìm chỗ thuận tiện để cắm lều. Mặc khác, cũng có thể bảo đấy là pháp hỷ lạc của thiền duyệt, kết quả từ sự dụng công hành thiền liên tục. Cái cảm giác mà tôi đã từng cảm nghiệm được thật không mãnh liệt cũng không là mối xúc cảm, mà nó như một sự thỏa mãn, một cảm giác hài lòng: Cuối cùng tôi cũng đã ở đúng nơi, làm đúng những chuyện với những lý do chánh đáng. Dù tập khí trần tục, và vị trí tâm linh của tôi có lẽ hãy còn xa tít, nhưng biết đâu trong khoảnh khắc tôi cũng có thể đến đích. Nhưng cái vui nhẹ nhàng đó khiến tôi biết rằng mình đang đi đúng đường và cũng bắt đầu tìm được niềm hoan hỷ của thiền duyệt.

Âm thanh của bọn dế như đan kết nhau thành màng lưới phủ giăng, phá tan sự tịch tĩnh của đêm đen. Có phải là tôi đã thật sự nếm được mùi vị của thiền duyệt, hay có phải tự mình cho đó là thành công chăng? Khác biệt cái gì đây?

 

Ngày 17 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Chúng tôi lạy xuống dãy đồi và qua luôn một cây cầu dài, thấy có hai con gấu xi măng màu vàng đứng sừng sửng ở cuối đầu cầu. Khi băng qua khỏi ranh giới Humboldt-Del Norte, có hai viên cảnh sát chận tôi lại xét hỏi. Họ đến bằng hai chiếc xe, một ông ngồi trong xe với khoảng cách an toàn, trong khi ông kia dè dặt tiến lại gần, tra hỏi mấy câu như: Ông là ai, và đang làm gì? Mỗi lần thấy tôi di động là mỗi lần ông ta giựt mình nhảy nhổm. Tôi chưa bao giờ thấy có vị cảnh sát nào đang thi hành công tác mà lại sợ sệt, nhút nhát đến thế. Nhưng rồi cũng không có vấn đề gì, mấy ổng chỉ hiếu kỳ muốn biết vậy thôi!

Lạy về hướng nam cuối vùng Klamath, chúng tôi căng lều ngay trên khoảng đất mà trước đây vốn là khu phố cũ kỹ đã bị cơn lũ lụt lớn cuốn sạch vào năm 1964. Sau đó một thành phố mới được thành lập trên vùng đất cao hơn. Ðấy là điểm lý thú, chứng tỏ con người đã học được kinh nghiệm từ những sai lầm của mình.

 

Ngày 18 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Không nên dựng lều ở chỗ thấp trũng lại quá gần sát mé sông, chuyện nầy lẽ ra chúng tôi nên biết hơn hết. Mười năm trước, cả thành phố nầy đã bị con sông Klamath cuốn sạch. Trong khi phố phường nhà cửa lại không thể xây cất lên, thế thì lều trại làm sao mà có thể đứng vững được chớ!

Trời đổ mưa liên tục suốt mười bốn tiếng đồng hồ, thế nên hôm nay chúng tôi chẳng lễ lạy được. Ðến trưa, mực nước chung quanh đã lên đến ba phân, cho nên chúng tôi lo thâu dọn đồ đạc, và mò mẫm tìm chỗ ẩn náu khá hơn. Cũng may tìm được căn nhà hoang nằm hướng về phía sông. Nước sao mà nhiều quá! Tôi chưa bao giờ thấy qua cảnh nầy!

 

Ngày 19 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:

Lạy được gần một dặm, Thầy Hằng Cụ đề nghị rằng tôi khỏi phải phí sức đem đồ đạc ra ngoài nầy làm gì. Thế là tôi ở lại trong căn chòi vốn chỉ còn là bộ sườn cũ kỹ. Trong lúc Thầy Hằng Cụ dầm mưa để "tăng gia thêm vài dặm," còn tôi thì hết đọc sách, rồi tọa thiền, sửa chữa đồ đạc, sau đó trời tạnh mưa, tôi ra ngoài tản bộ.

Lúc ở Hải Quân, Thầy Hằng Cụ đã từng có thời gian năm năm sống giam hãm trong quy luật của chiếc tàu ngầm, nên Thầy rất ít có chuyện lộn xộn, làm mích lòng ai, dù sống trong khoảng thời gian dài, chỗ ở lại nhỏ hẹp. Theo danh từ tu đạo mà Thầy thường chỉ vạch cho tôi biết rằng, người người đều có tâm linh hay khoảng cách riêng biệt về tinh thần cũng như thể xác. Có người tự vẽ đặt ranh giới tu hành nhằm được một nơi cố định riêng biệt, nên đôi khi họ cảm thấy bất bình khi những ranh giới đó không được người khác tôn trọng. Nếu chấp lấy những ý kiến riêng để làm thế nào cho xong việc, thì đây có thể là cái trở ngại cho sự thành công mà ta hằng mong mỏi. Sẵn dịp hôm nay được rảnh rang nên tôi kiểm điểm lại cái ranh giới tâm linh và thông thả tự do trong vòng phạm vi tâm tư của mình. Nhờ vậy tôi cảm thấy thoải mái vì đã giảm bớt phần nào mối căng thẳng mà thỉnh thoảng nó phát khởi giữa tôi và sư huynh.

Thầy Hằng Cụ trở về và tường thuật tình hình lễ lạy trong ngày rằng có một ông la hét: "Ê mậy! Còn chút thuốc nha phiến nào không hả?" Sau đó có bà hơi trọng tuổi tên Gracie Knight mời chúng tôi nếu ngày mai có đi ngang qua, thì ghé lại nhà bà nghỉ ngơi.

Suốt cả đêm, hình như cơn gió đã dùng những khí cụ dị kỳ để thổi lên những âm điệu quái gở lồng vào căn nhà cũ nát.

 

Ngày 20 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Phía bắc vùng Klamath, ông Jack, chủ nhân cho mướn phòng ngủ Pines Motel, đem cà phê ra mời mọc và khoe khoang giới thiệu con chó của ông. Sau đó ông còn kể sơ lý lịch vùng nầy cho chúng tôi nghe. Ông nói sở dĩ hai con gấu xi măng ở đầu cầu Klamath màu vàng là vì có một đêm, sau khi nhậu say, chính ông cùng vài người bạn kéo nhau đến đó để sơn phết cho chúng. Chuyện nầy xảy ra cũng đã nhiều năm, nhưng từ đó đến nay như đã trở thành một thông lệ cổ truyền.

Sau năm dặm tiến hành lễ lạy, chúng tôi làm dấu địa điểm và được bà Gracie Knight đến chở về nhà nghỉ ngơi. Căn nhà tọa lạc trên một sườn đồi nhỏ ở hướng bắc Klamath. Bà Gracie và chồng với biệt danh là "Bố Ray" (Daddy Ray), là cặp vợ chồng có nhiều đặc điểm. Mặc dầu đã gần bảy mươi, nhưng bà Gracie đều đều mỗi ngày chạy bộ năm dặm đường. Bà còn tổ chức một hội thiền vào mỗi tối thứ năm để cùng mấy người bạn đạo tham khảo đạo lý căn bản. Bố Ray vốn là thợ mộc đã về hưu, gốc từ tiểu bang Arkansas nên biết cách tiếp khách rất lịch thiệp theo tập tục người miền Nam. Ông đặc biệt dọn cho chúng tôi một căn phòng đãi khách thật tiện nghi có cả lò sưởi nữa.

Bà Gracie bảo rằng trong suốt bốn mươi năm qua, vợ chồng bà không hề có những trận gây gổ gì trầm trọng cả. Bà tiếp: "Khi có chuyện lộn xộn sắp sửa bùng nổ thì tôi và Bố Ray liền ngồi ngay xuống sàn nhà, mặt đối mặt để giải bày cho ra lẽ. Có lúc phân bua cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng rốt cuộc thì lúc nào cũng êm xuôi, đâu vào đó." Bà còn giải thích về kinh nghiệm xuất hồn mỗi khi tọa thiền, lại đang tham khảo phương pháp ngủ ngồi, và sẽ bớt ăn thịt gà. Hai vợ chồng nầy thật là quá tốt!

 

Ngày 21 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Bà Gracie cố nài nỉ mời chúng tôi ở lại thêm một đêm, nên chúng tôi để đồ đạc lại và sau đó được bà chở ra địa điểm cũ. Sư đệ tôi dù đầu gối không bao bọc gì, nhưng cũng vẫn lễ lạy ở phía sau, cách khoảng trăm bước. Nếu so với lúc trước thì sáng nay chúng tôi đã phá kỷ luật, là lễ lạy không ngừng nghỉ, dọc theo những ghềnh dốc đá cao. Ði ngang qua trại dân da đỏ cạnh bờ biển, thấy nơi nầy chẳng còn chi ngoại trừ hàng ngàn khúc cây bị sóng thủy triều đẩy vào. Sau đó chúng tôi bắt đầu trèo lên dãy đồi bằng con đường bám sát vách đá, trông giống như con sâu lông đeo chặt vào thân cây.

Chúng tôi vừa lạy được ba dặm rưỡi thì được bà Gracie rước về nhà ăn cơm. Bữa cơm chay thịnh soạn được bà chuẩn bị tươm tất để cúng dường. Tôi và Sư Hằng Do dùng khánh đánh nhịp, cầu nguyện trước và sau bữa cơm.

Sau bữa ăn trưa, bà mời vài người bạn láng giềng đến dùng trà và cùng chúng tôi đàm luận chút ít về đạo Phật ngay tại phòng khách. Ngoài kia mưa gió đang ào ạt tuôn xuống mái nhà.

 

Ngày 22 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Gia đình họ Knight, tức là Gracie và Daddy Ray, chở chúng tôi trở ra chỗ cũ. Lần cuối cùng nầy bà Gracie móc ra tờ năm đồng, cố dí cho Thầy Hằng Do. Thấy Thầy từ chối, Bà nói: "Cầm lấy đi mà! Ðừng có chống lại mấy người già cả nầy!"

Chúng tôi đi dọc theo dãy đồi rộng bát ngát, nằm giữa công viên Jedidiah Redwood, có lẽ ngày mai hay ngày mốt thì sẽ bắt đầu xuống đến thành phố Crescent, một quận lớn cuối cùng của tiểu bang California. Thời tiết hôm nay thật lạ, chỉ trong vòng một giờ mà chúng tôi phải đương đầu với tuyết, mưa, mưa đá và rồi ánh nắng mặt trời ló dạng chiếu sáng chói chan.

Gần chiều tối, có chiếc xe ngừng lại, rồi anh tài xế tóc dài bước ra, vừa chạy về phía tôi vừa la lớn: "Anh Tim! Anh Tim!"

Thì ra đó là anh Dane, bạn cũ từng chung sống với tôi ở thị xã Mineral, tiểu bang Washington. Thấy tôi lễ lạy, anh tỏ vẻ ngạc nhiên trong phút chốc, nhưng lấy lại bình thường ngay, và còn mời chúng tôi khi nào đi ngang nhớ ghé lại nhà anh ăn bánh chiên (pancake).

 

Ngày 23 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Có nhiều chuyện xảy ra khi tiến vào thành phố Crescent. Chúng tôi được ba người là bà Extine, bà Crites và bà Ross đến tặng quà. Nên sau đó chúng tôi quyết định mở trương mục ở ngân hàng và dùng số tiền được cúng để sung vào quỹ xây dựng tu viện mới.

Khi còn ở vùng Arcata, chúng tôi mua được một máy radio với giá hai mươi lăm xu ở tiệm đồ cũ, và chỉ cần một cục pin mới là xài được ngay. Từ đó, sau mỗi buổi tọa thiền tối, chúng tôi thường lắng nghe tin tức và thời tiết. Sáng nay khi gần đến thành phố Crescent, Thầy Hằng Do vặn máy nghe ông Bill Stamps, phát ngôn viên đài KPOD, đang báo cáo rất tỉ mỉ từng bước một về tiến trình của chúng tôi. Ông Bill tánh tình vốn lanh lẹ hoạt bát, thường tự đắc trong việc cung cấp cho hàng thính giả những "tin nóng bỏng." Với giọng điệu diễn tả như sau:

"A! Lần chót tôi đã gặp hai ông Sư lễ bái dọc theo phía trước bờ biển, và sắp sửa lên đường quẹo vào thành phố. Nếu có quý vị nào thấy được họ đang ở đâu thì xin gọi cho tôi biết với. Dạ đúng vậy! Thưa quý vị thính giả, đây là một câu chuyện thật lý thú, các bạn nên nhìn cho được ông Hằng Cụ, tướng người to lớn, đang di chuyển. Ông ta cao khoảng sáu feet rưỡi (một thước chín), và mỗi lần ông bước một bước thì chiếm cả đoạn đường khoảng bảy feet (hai thước mốt). Ðây mới thật là việc làm quá sức đảm đang. Và bạn ông ta là Hằng Cho hay Hằng Ho gì đó? Nhưng không sao, tên gì cũng được, ông nầy thì thấp hơn, lúc nào cũng ở bên cạnh ông Hằng Cụ, cùng với chiếc xe kéo. Thật là một người quá ư là tốt. Xin thưa cho quý bạn biết là tôi chưa bao giờ mục kích được những chuyện như vầy cả. Chúng ta hãy cùng nhau chứng tỏ cho hai chú bé nầy biết rằng dân thành phố Crescent thật cảm kích về việc làm của họ!"

Trên đường ra khỏi thành phố, tôi đi gần bên Thầy Hằng Do, và cả hai chúng tôi đều lắng nghe tin tức từ máy radio được gắn dính trên xe kéo. Ông Bill săn tin thật là chính xác. Ngoài ra ông còn thích bàn luận về Phật giáo, nên biết rõ cả chuyến bái hương xuyên lục địa Trung Hoa của Hòa Thượng Hư Vân nữa! Khoảng xế trưa, ông Bill đích thân đem máy ghi âm đến phỏng vấn chúng tôi. Nhìn điệu bộ của ông, với đôi giầy mũi nhọn, mặc quần vải sọc, lại choàng áo khoác màu đỏ chói, thêm hàm râu quắn xồm xoàm và đôi mắt tinh ranh, trông giống như ông chằng tinh to lớn.

Ði đến cuối phố, gặp được ông Long, người thợ rèn duy nhất phố nầy và ông đã giúp chúng tôi sửa chữa xe kéo miễn phí. Sau đó chúng tôi được ông Howard Cronk, chủ nhân khách sạn Totem, ưu đãi dành riêng cho một phòng để nghỉ ngơi.

 

Ngày 29 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Tôi luôn có ước vọng thực hiện một chuyến hành hương trên ngọn núi Thánh. Xem như khu rừng xa xôi hẻo lánh nầy thì có ngọn Shasta là linh thiêng nhất trong vùng. Núi nầy nằm về phía đông thành phố Crescent. Vì thế, bắt đầu từ ngày 24 là chúng tôi đã tạm ngừng lễ lạy vài ngày để leo núi Shasta. Chúng tôi gởi lại tất cả đồ đạc ở phòng ngủ của ông Cronk, chỉ mang theo túi ngủ (sleeping bag) và một ít lương thực, rồi quá giang xe đến núi Shasta dưới cơn mưa phùn lất phất.

Ngay từ đầu đã là một "lỗi lầm" khi quyết định chuyến đi nầy. Như văn hào T.S. Eliot đã viết: "Lầm lẫn từ sai lầm bởi sai lầm" (Distracted from distraction by distraction). Vì thời tiết quá xấu nên ngọn núi bị đám mây che phủ, chẳng thấy được gì. Mới lên được nửa chừng mà nhiệt độ đã xuống 18 độ dưới 0 độ F, bởi vậy lạnh muốn thấu xương. Tôi cảm thấy thật hối hận vì đã bỏ lễ lạy ở xa lộ. Chắc khi có tin loan báo, thế nào cũng có nhiều người đang nghe ngóng về chúng tôi. Dù là một quyết định sai lầm, nhưng đó lại là việc tôi hằng mong muốn thực hiện từ lâu. Có lẽ trong tương lai, nếu đủ duyên tôi sẽ trở lại trèo núi Shasta nầy.

Còn bây giờ, tốt hơn là trở về với xa lộ 101.

 

Ngày 1 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Ðến xế trưa, chúng tôi đã về tới thành phố Crescent. Ðang lúc lo thâu dọn hành lý, ông Howard Cronk cố mời chúng tôi nghỉ lại đêm nay. Nghĩ rằng bây giờ chỉ còn vài giờ và nếu ra lễ lạy dưới cơn mưa chắc không khá đâu, nên chúng tôi nhận lời. Ðược nghỉ ngơi một đêm để sáng mai khởi hành sẽ phấn chấn thêm lên.

Tất cả chúng ta đều là những kẻ lữ hành trên cùng một tuyến đường, nhưng: Có người chậm chạp, hờ hững, trong khi có kẻ nhanh nhẹn, liều lĩnh. Có người thối chí muốn thục lùi, nhưng cũng có kẻ mỗi ngày đều đặn tiến bước. Có người bị chìm đắm trong bùn lầy, có vị tuy nhận biết mình đang trầm trệ hoặc đi lầm đường, nhưng vì thiếu nghị lực nên không cải đổi. Cũng có người dành ra thời gian để tìm phương dẫn dắt kẻ khác. Thật là tuyệt, một lần nữa, chúng tôi được trở về với con đường chánh đáng.

 

Ngày 2 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Ông Howard chở chúng tôi trở ra địa điểm cũ. Mấy ngày qua tuy số dặm đường không được là bao, nhưng ít ra chúng tôi cũng không có tâm thối chuyển.

Khi tâm trí khai triển đến ngôi vị Bồ Tát đạo, thì được gọi là A Bệ Bạt Trí (Avaivartika), tiếng Phạn có nghĩa là Bất Thối Chuyển. Ở giai đoạn nầy, những ý tưởng, ngôi vị, sự dụng công đều không còn bị thối lui trở về với mê lầm. Mấy năm trước ở Tu viện, lúc tôi đang làm đầu bếp, vì mới tập tễnh ăn một bữa mà phải làm việc khi chung quanh toàn là thức ăn do chính mình nấu nướng, nên thật là khó cho tôi. Thật ra tôi thi hành đúng theo quy tắc chỉ được vài ngày thôi. Nhưng rồi vào một buổi sáng vì không thể nào nhịn được nữa, nên tôi có ý định là sẽ ăn sáng chút đỉnh. Nhớ rõ là tôi đã đi thẳng đến tủ lạnh, định thò tay mở cửa, đồng thời mắt tôi đảo nhìn về phía hành lang, bỗng thấy Sư Phụ đi ngang qua, miệng chúm chím cười. Nhưng thình lình Sư Phụ dừng hẳn, rồi bắt đầu đi ngược thụt lùi trở lại phía hành lang cho đến khi khuất dạng ở góc nhà, mà không hề nói năng một lời nào. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra được lời nhắn gởi.

Hôm nay kiến trúc sư Gene Hicks, từ vùng Seattle đi cùng với ông Joe Collins, ở thành phố Crescent, đến thảo luận với chúng tôi về vấn đề tôn giáo Á Ðông.

 

Ngày 3 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Sáng hôm nay sương mù phủ đầy mặt đất. Cô Ruth Brewer, thông tín viên tờ báo Porland Oregonian, đã đăng một bài về chúng tôi. Cô nàng có vẻ quan tâm về chuyện lá sồi độc, cho nên đem đến tặng nguyên một lố giấy vệ sinh. Ông Dale Parson, phó cảnh sát quận Del Norte lái xe đi tuần rồi ngừng lại bên tôi. Bụng thầm nghĩ chắc lại bị xét hỏi phiền phức gì nữa đây, nhưng đã không vậy, mà ông còn tỏ vẻ rất hứng thú về chuyến bái hương. Ông bảo rằng vì vốn là dân được sinh trưởng và lớn lên ở Marblemount, Washington, tức địa điểm tu viện mới trong tương lai, cho nên ông có ý muốn "thử buông súng xuống để tháp tùng theo chúng tôi."

Sau khi lạy được bảy dặm, ông Howard Cronk lại đến để chở chúng tôi về phòng ngủ Totem nghỉ ngơi.

 

Ngày 4 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Chiều nay ông bà LaRue, dù đã khoảng tám mươi tuổi nhưng hiện là ký giả báo địa phương tờ Brookings, đến phỏng vấn sư Do. Ông Harold Howard là bạn cũ của cô Marge Raums, đến chở chúng tôi trở về nhà ở thành phố Crescent. Vợ chồng ông là đại biểu vùng Del Norte cho hội Eckankar, một tổ chức tin tưởng về sự xuất hồn. "Đạo Sư Sống" của họ đang cư ngụ tại thành phố Las Vegas, với chủ trương rằng: Con đường tốt nhất là giải thoát linh hồn khỏi thân xác để nương theo Đạo Sư Sống mà trở về với Chúa Trời. Ông bà họ Howards tiếp đãi chúng tôi rất nhiệt tình. Chúng tôi cũng thật là ngạc nhiên khi thấy họ cào bỏ hết lớp cỏ xanh ở sân trước và sân sau nhà để tạo thành mảnh vườn chuyên trồng rau cải.

Sau buổi sáng thực tập pháp xuất hồn, hai ông bà lại chở chúng tôi trở ra chỗ lạy cũ.

 

Ngày 5 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay trời lại tiếp tục đổ mưa. Ðến cuối ngày, sau khi đã hoàn tất được năm dặm đường, chúng tôi được bà Nuggett Marcus, là chuyên viên mua bán địa ốc rất tử tế và lịch thiệp, chở chúng tôi về nhà nghỉ qua đêm. Giờ đây chúng tôi đang hong khô quần áo trước lò sưởi.

Hôm nay lúc gần đến ranh giới tiểu bang, có tấm bảng to, với hàng chữ: "Chào mừng đã đến Oregon," như đang mỉm cười nghinh đón chúng tôi dưới cơn mưa. Ông bà Cronks chạy xe ngang qua ra dấu chào từ biệt. Chương đầu của chuyến du hành đã chấm dứt để bắt đầu cho chương mới. Oregon đây rồi! Trời cũng mưa ẩm ướt và con đường cũng dài hun hút thế thôi: Có cái gì gọi là khác biệt sau khi bước qua lằn ranh giới đó hở?

Báo chí cho đăng rất nhiều chuyện về chuyến bái hương của chúng tôi, vì thế lại thêm nhiều người đến thăm hỏi và chúc lành. Số người đến chụp hình chúng tôi nhiều đến nỗi không ngờ được. Những lúc như vậy thì Thầy Hằng Cụ hầu như chỉ biết lo lễ lạy thôi, còn tôi thì phần lớn bao phần đối đáp với mọi người.

Có bà cụ trao tặng ổ bánh bí rợ (pumpkin pie), đã được bao gói cẩn thận và nói: "Sáng nay tôi đã tán tụng các ông với Ðức Mẹ rồi đó!"

 

Ngày 6 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Qua đến vùng Brooking Oregon, nhờ có kinh nghiệm nên giờ chúng tôi nỗ lực lễ lạy với khoảng đường thật dài vào khu phố mà không ngưng nghỉ. Nhưng khi đến trung tâm thành phố, bị đám người bao quanh hỏi han, nên chúng tôi phải trả lời những thắc mắc cũng mất cả hai mươi phút.

Sau đó họ ngỏ ý mời chúng tôi về nhà một vị Trưởng Lão của thành phố để nghỉ ngơi. Ông Leo Lucas đang cư ngụ trong tòa nhà mà trước đây khoảng sáu mươi năm, ông vốn là học trò ở trường tiểu học nầy.

Ông nói đùa: "Tôi như không bao giờ học hết cấp tiểu học!"

Trong số những người bạn được ông mời đến gặp chúng tôi, có vị Mục Sư trong vùng và ông Gerry Ross, chuyên viên buôn bán bảo hiểm, đi cùng với gia đình. Ông Leo tỏ vẻ rất kính trọng chúng tôi và đã giải thích sơ lược về chúng tôi cho các bạn ông. Ông đặc biệt rất thích thú về việc ngủ ngồi của chúng tôi. Tuổi tác đã không ảnh hưởng gì đến sức tráng kiện, và tâm hồn cởi mở phóng khoáng của ông.

 

Ngày 7 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Hôm nay khi chúng tôi đang lạy dọc bên bờ vách núi, bỗng có chiếc xe trường học chạy rà tới, thắng ken két ngừng lại. Thì ra là bà Worlton và bà Patterson đang hướng dẫn gồm cả một đoàn bốn mươi học sinh lớp ba ra tận ngoài đây. Sau một lúc cùng nhau trò chuyện, thấy khí trời trở lạnh nên tất cả chúng tôi đều kéo lên xe. Ðáp lời yêu cầu của hai cô giáo, nên Thầy Hằng Do dạy các em học hành chăm chỉ. Còn tôi thì khuyên chúng nên hiếu thuận chăm sóc mẹ cha. Sau đó là phần các em tự do phát biểu thắc mắc và một loạt câu hỏi đã đề ra như: Tại sao các ông phải mang theo đồ đạc? Mấy ông ăn cái gì? Ðêm đầu tiên ngủ ngoài trời các ông có sợ không?

Buổi chiều ông Leo Lucas lái xe đến kể rằng, tối hôm qua bạn ông lúc đầu cứ tưởng chúng tôi thuộc loại điên, nhưng sau một lúc trò chuyện mới cảm thấy bắt đầu thích thú về đạo Phật. Ông Leo ra về, nhưng không đầy một tiếng sau lại có chiếc Cadillac lớn, màu đen ngừng phía sau chúng tôi.

Sư Hằng Do thấy vậy nên nói thầm: "Ố ồ! mật thám FBI!"

Nhưng không phải, mà đó là Ông Gerry Rose cùng với ba người bạn làm ăn chung hãng.

Ông nói: "Xin các ông làm ơn lập lại những lời đã nói hôm qua về quan niệm của người Phật tử đối với thiền định và giải thoát, cho các bạn tôi nghe với!"

Và rồi sau một lúc giảng giải trên bờ dốc đá đầy gió táp, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Tối đến chúng tôi nghỉ đêm tại gia đình nhà anh Jim Stalcup ở Brookings. Anh Jim vốn theo dòng tu Rosicrucia, hiện đang sống trong căn nhà do chính tay anh xây cất trên sườn núi. Buổi tối chúng tôi lo chế ráp bánh xe đạp vào chiếc xe kéo. Vừa trở về phòng thấy có mấy chú sóc mõm nhọn thân thiện đang chạy quanh quẩn. Chúng hiền từ, nhè nhẹ ăn mấy miếng thức ăn của chó ngay trên tay chúng tôi.

 

Ngày 8 tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Sau ngày lễ lạy, chúng tôi nghỉ tại nhà cặp vợ chồng trẻ Daryll và Jan Whirry ở Brookings. Hai anh chị nầy có mời vài người bạn đến để đàm luận Phật Pháp với chúng tôi. Sau đó họ còn kể lại những tin tức đang đồn vang đây đó. Có chuyện đồn rằng chúng tôi là những người tiên phong, khởi xướng phong trào tu sĩ, khoảng bốn trăm vị đang lễ lạy ở vùng ven biển. Lại có tin khác bảo rằng chúng tôi đang bị nhiều người ném liệng rác rưới, lon hũ vào mình, và đặt gọi chúng tôi qua nhiều danh hiệu như là Thiên Thần, là anh em quyến thuộc của yêu ma, là người đến từ Hỏa Tinh, hoặc là các đức Lạt Ma từ Tây Tạng đến. Một ông tên Norman, chế nhạo kể rằng- ông chủ của ông đã vẻ kiểu một cái cân máy cho sư Hằng Cụ, ý như khi Sư lạy xuống, và đứng lên thì không cần phải cố ráng sức chi cho mệt.

Có Bà nói: "Nhờ các ông đi ngang qua đây nên dân chúng vùng Brookings đã học được một bài học kinh nghiệm thật tế."

Thật vậy, với kinh nghiệm nầy đều tốt cho cả đôi bên.

 

Ngày 9 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Bà góa phụ Witherspoon, chủ nhiệm tờ báo East Coast đã về hưu, mời chúng tôi tạm nghỉ qua đêm ở nhà bà. Bà ép mời chúng tôi uống sữa nóng, và cả buổi tối hôm đó chúng tôi cùng bàn luận về Phật Pháp. Nhưng đến khoảng 11 giờ đêm, khi chuẩn bị đi ngủ, bà bảo rằng sẽ mời chúng tôi sáng mai cùng Bà đi lễ nhà thờ. Ngủ được một giấc năm tiếng, chúng tôi nhè nhẹ rời khỏi nhà để tiến thẳng ra mặt lộ trước khi mặt trời ló dạng. Ðối với đạo Phật thì tất cả thế giới đâu đâu cũng là nhà thờ của chúng ta, và mỗi ý niệm là một lời cầu nguyện.

 

Ngày 10 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay có chiếc xe chạy qua ném cho chúng tôi tờ báo Coos Bay World, đã được cuốn tròn lại. Thấy có bài đăng ngay trên trang đầu, do bà Marge Barret viết về chúng tôi. Tuy nhiên nội dung bài nầy chỉ có một lỗi thôi!

Nguyên trước đây Thầy Hằng Cụ có kể cho bà nghe về chuyện bị chọi lon bia bay phớt qua lúc ở California, và nói rằng chuyện xảy ra vào buổi lạy (bow) kết thúc trong ngày. Nhưng báo lại đăng: "Có người ném một lon bia đầy vào họ - đó cũng là trận nổ (blow) kết thúc trong ngày." Cũng gần đúng đấy!

Chúng tôi dựng lều trong một lùm cây nhỏ. Mưa đổ xuống ào ạt. Có mấy em trai nhỏ tò mò đến nhìn chúng tôi đang tập võ Thái Cực Quyền. Tối hôm đó, có em tên Chip trở lại. Cậu bé tỏ ý muốn thành thầy tu (monk), nên sư huynh nói đùa "Muốn thành chipmonk hả?" (phim hoạt họa Chipmunk). Trời lại đổ mưa, em Chip đứng bên ngoài cố nép mình sát vào lều, thành tâm thăm hỏi về pháp tu theo đạo Phật. Thế rồi chúng tôi mời em vào lều và cậu bé bắt đầu kể những kinh nghiệm lúc em một mình vào rừng để săn nai: "Lúc đó em ngừng một chút để nghỉ, và...và... mà thôi! Em cũng không nên nói láo. Em ngừng là để hút thuốc, nhưng khi nhìn lên thấy có con nai đực to lớn đứng nhìn em trân trối, cách khoảng hai mươi bước. Em liền ôm cây súng nhắm thẳng vào nó nhưng lại không nở bóp cò." Một lúc sau, cậu bé nầy lại nhắc đến chuyện muốn trở thành thầy tu. Tôi bảo, đây là quyết định mà mỗi người phải tự mình định lấy, nên chúng tôi không thể bảo em nên làm gì. Cậu bé có vẻ già dặn hơn nhiều so với lứa tuổi mười bốn của nó.

 

Ngày 11 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Suốt cả tuần nay, ông bà Simon, cặp vợ chồng về hưu ở vùng Wisconsin, mỗi ngày đều đến cung cấp nước và thức ăn cho chúng tôi. Họ sống trong chiếc xe với đầy đủ tiện nghi của căn trailer (nhà di chuyển được), và hiện trụ lại vài tháng ở vùng ven biển. Hầu như ngày nào họ cũng chạy rong rong quanh vùng để ngắm cảnh. Mỗi sáng khoảng mười giờ là thấy họ chạy ngang qua. Ông Simon cho biết rằng chúng tôi chỉ còn khoảng bốn mươi dặm nữa là ở ngay khoảng giữa vùng San Francisco và Seattle.

Thầy Hằng Do báo cáo tình hình bánh xe đạp mới lắp ráp vào xe kéo, tốt hẳn hơn mấy bánh xe nhỏ tám phân trước đây. Chúng tôi cũng có mấy dụng cụ vặn ốc nho nhỏ, dùng để siết lại mấy cây căm. Tôi phải siết chặt chúng cho đến khi nghe tiếng quay đều đặn. Theo cách nầy mới biết chúng đang chia sẻ công việc đồng đều với nhau.

 

Ngày 12 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Ði vừa gần đến sông Pistol (Súng lục), có cậu thanh niên từ trong xe bước ra, rồi quỳ xuống cầm tay tôi trịnh trọng cầu nguyện. Anh nầy đang trên đường đưa đám táng thân phụ, nên có ý nguyện muốn cha mình sẽ được lên thiên đàng, không bị đọa địa ngục. Tôi bảo chuyện nầy thì tùy vào nghiệp lực của ông cha khi còn sống. Nghe vậy anh mới có vẻ khuây khỏa rồi lên xe chạy đi.

Cô Nina Stansell và Trudy Reid có ghé lại, giúp chúng tôi đi gởi thơ, và còn tặng cho trà nóng nữa. Nina vốn là thông tín viên cho ty cảnh sát quận Curry, bảo rằng cả tuần nay cô vẫn thường nghe máy radio và điện thoại truyền rao lốp đốp về chúng tôi. Cô còn nói rằng chuyến bái hương nầy đã có ảnh hưởng khiến người ta biết dừng chân suy ngẫm lại cuộc đời mình và những mục đích theo đuổi các tôn giáo. Nina nhường nhà cho chúng tôi nghỉ đêm, còn cô thì đến nhà Trudy ngủ.

 

Ngày 13 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Một lần nữa chúng tôi được cô Nina Stansell và Trudy Reid rước đi rồi đưa trở lại vùng sông Pistol. Hai cô ấy tụ họp được một số bạn bè gồm mười mấy người tới nhà để cùng chúng tôi thảo luận về triết lý đạo Phật, kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Một cô tên Mercedes nói rằng khi cô lái xe ngang qua xa lộ, lần đầu tiên thấy chúng tôi mà cô cứ ngỡ đó là những vị siêu nhân (super man).

 

Ngày 14 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Phải có định lực lắm mới kiểm soát được tâm tưởng vẩn vơ. Và cũng rất dễ buông mình vào những thói quen trong khi tâm tư đang lơ đễnh ở phương nào. Hiện tại, việc chế phục bản thân quỳ lạy có vẻ rất khả quan. Thân thể chúng tôi cường tráng khỏe mạnh thêm, lại kinh nghiệm được cách ứng phó với nhiều người qua nhiều trình độ, căn cơ khác nhau. Nhưng bây giờ chúng tôi phải dụng công, thật sự tập trung vào những lời niệm Phật, những câu trì chú cho được chí tâm hơn.

Thầy Hằng Do chuyên trì chú Lăng Nghiêm. Chữ "Chú," Mantra là tiếng Phạn. "Mantra" phát xuất từ chữ "Manas," nghĩa là Tâm. Chú còn có nghĩa là "Ðà La Ni," Dharani, cũng là tiếng Phạn, dịch là "Tổng Trì." Cho nên có thể nói một bài Chú hay Ðà La Ni sẽ trì giữ cái tâm lại. Chú Lăng Nghiêm dài nhất và lại có thần lực nhất so với tất cả các bài chú. Mỗi lần tụng chú nầy khoảng hai mươi phút, có tác dụng phá tan những tai ương hoạn nạn, xua đuổi bọn tà ma, và an định tâm loạn động. Quan trọng nhất là chú Lăng Nghiêm lại ẩn ngầm một diệu dụng khai sáng tâm trí cho những ai thật lòng khao khát trí huệ của chư Phật.

Riêng tôi chuyên trì danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm bằng tiếng Trung Hoa: "Nam Mô Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát." Ðối với tôi cách trì niệm nầy rất có hiệu lực. Nhưng cho dù trì chú, hay niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, cốt yếu là phải loại bỏ những vọng tưởng để đi đến nhất tâm.

 

Ngày 15 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Mỗi ngày chúng tôi đều đặn tiến bước, nên số dặm đường cũng được gia tăng. Hôm nay khi đến Bờ Biển Vàng (Gold Beach), tiểu bang Oregon, thì được nhiều nhóm học sinh trung học niềm nở đón mừng. Xe cộ nối đuôi nhau như đang xếp hàng chạy vào rạp chiếu phim ngoài trời để xem cảnh tuồng chầm chậm, lạ đời nầy. Lúc vào trong phố, chúng tôi lại gặp cô Nina Stansell và được cô hướng dẫn đi tham quan nhà giam của quận. Tối đến, em Charles Wykoff, học sinh trung học mười bảy tuổi, mời chúng tôi về nhà nghỉ qua đêm. Trước khi ngưng nghỉ, chúng tôi lạy thẳng hết nửa khoảng đường ra khỏi khu phố.

 

Ngày 16 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Bà chủ tịch hội Phụ Nữ Tương Trợ Gold Beach cùng đoàn tùy tùng đến chụp hình với chúng tôi, và chúng tôi cũng đã đóng góp cho hội nầy mười đồng. Khi đi ngang qua khu phố, thấy tiệm bán dụng cụ thể thao, phía trên treo bảng hiệu lớn, gắn điện với hàng chữ: "Chào mừng Hằng Cụ và Hằng Do, chúc bạn chuyến đi tốt đẹp." Quả Pháp và Quả Hồi mang cơm đến từ San Francisco cho chúng tôi. Tối xuống chúng tôi nhận lời mời về nhà ông bà Starr ở Gold Beach ngủ nghỉ.

Theo sự tính toán mới đây, thì chúng tôi đã đi được 475 dặm đường rồi.

 

Ngày 17 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Cha Welch, thuộc thánh đường Episcopal, đến chúc lành chuyến đi cho chúng tôi. Trong mấy ngày qua vì có rất nhiều người đến thăm hỏi, nên danh tánh tên tuổi của họ, chúng tôi thật không tài nào nhớ hết được. Ðôi lúc gần đây tôi có cảm giác như mình đang trụ yên một chỗ, trong khi cảnh vật thế gian đang diễn biến quanh tôi.

Ông John Andall cư ngụ vùng Gold Beach, giúp chúng tôi một nơi để an nghỉ qua đêm. Ông kể chuyện lúc xưa thường đi săn và câu cá, nhưng từ khi chứng kiến cảnh đau khổ chết bất ngờ trên bàn mổ của người vợ trước, từ đó ông nhất định sẽ không bao giờ làm những chuyện có tính cách sát hại nữa. Nghe vậy chúng tôi rất tán thành vì ông làm như thế là phù hợp với giới đầu tiên "Không Sát Sanh" của người Phật tử.

Lúc chiều tối, chúng tôi đem đồ đạc trong xe kéo ra để cạo sạch những chỗ rỉ sét trước khi sơn mới lại.

 

Ngày 18 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Nếu tính cả những lúc ngừng nghỉ, trung bình mỗi ngày chúng tôi lễ lạy được bốn miles (gần sáu km rưỡi) và theo như dự định hiện tại, chúng tôi có thể sẽ đến vùng Marblemount vào khoảng tháng Chín. Hôm nay có một tín đồ dòng Pentecostal Thiên Chúa Giáo tìm đến khuyên chúng tôi vào đạo. Bà nói luôn miệng không dứt cả nửa giờ để thuyết phục, trong khi chúng tôi cũng cố ráng mà dùng cơm trưa. Bà vẫn hăng say thao thao bất tuyệt, với chủ tâm muốn chuyển hóa chúng tôi ngay tại chỗ. Nghe bà ngỏ ý muốn tặng một cuốn Thánh Kinh, chúng tôi liền bảo là đã có ba cuốn rồi, nhưng bà nhất quyết buộc chúng tôi nhận lấy rồi mới ra về.

Ông Dale Erickson, chuyên viên sửa máy truyền hình, là Phật tử duy nhất ở vùng nầy đã đến trò chuyện với chúng tôi. Ông tuy có nghiên cứu giáo lý Nam Tông, nhưng không chấp nhận lý thuyết luân hồi. Tối đến chúng tôi ngủ lại nhà của gia đình anh Dick Turnow. Tuy anh bị mất một cánh tay trong tai nạn khai khẩn cây rừng, nhưng không vì vậy mà làm chướng ngại công việc của anh, cũng như lái xe và trách nhiệm làm một người cha tốt. Anh cho chúng tôi xem cuốn phim về ngành kỹ nghệ gỗ trong vùng do chính tay anh quay lấy. Gia đình họ Turnow nầy là những tín đồ Thiên Chúa giáo rất tín tâm và biết áp dụng theo những giáo điều căn bản.

 

Ngày 19 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi đang lạy dọc theo bờ biển tuyệt đẹp vùng Oregon, thì hai cô Nina và Trudy từ vùng sông Pistol đến tặng mấy đôi vớ mới. Cô Nina nói là muốn giữ lại đôi giầy ống (boot) cũ của chúng tôi để làm vật kỷ niệm. Sư huynh nói đùa rằng mấy chiếc giầy đó có thể làm bình cắm hoa cũng tốt lắm.

Trời về chiều, ông bà Braun vốn đã về hưu, trước đây sinh sống ở miền Ðông, nay dọn về vùng Port Orford, đến hỏi thăm chúng tôi. Ðược biết ông Braun có thói quen tiêu khiển bằng cách nói chuyện với bạn bè trên thế giới qua những cuồn băng cassettle. Ông yêu cầu chúng tôi giảng giải giáo lý căn bản của đạo Phật vào cuồn băng, để ông gởi cho người bạn mù hiện ở nước Anh. Cuộc gặp gỡ nầy cũng khá thú vị.

Chúng tôi dựng lều trên bờ biển, với ánh lửa trại phía trước và buổi tọa thiền cũng vừa chấm dứt. Tất cả những khúc cây trôi tấp vào bờ biển nầy, đều dính lốm đốm những vết dầu cặn, như lời Sư Phụ thường nói: "Bởi tâm chúng sanh ô uế nên cả thế giới cũng trở thành ô nhiễm theo."

 

Ngày 20 Tháng 3 năm 1974. Hằng Do viết:

Lạy qua vùng núi Humbug, rồi dọc theo lên dãy đồi, bên cạnh là những triền dốc đá biển. Tuy trời chẳng mưa, nhưng bị luồng gió biển thổi mạnh vào làm chúng tôi cũng muốn ngất ngư. Ðến vùng Oregon nầy cũng đã được vài tuần lễ, thay vì là những cây cổ thụ hồng mộc, thì giờ đây, một rừng toàn cây sim (myrtlewood), là loại cây quan trọng nhất của vùng. Buổi trưa trời trở nên thật nóng bức, ánh nắng gay gắt như muốn nướng cháy da thịt chúng tôi. Cần cổ Thầy Hằng Cụ bị ửng đỏ trông giống như con tôm luộc vậy! Nhưng cũng may, có người tốt bụng khi đến trò chuyện, thấy vậy liền tặng chai thuốc thoa chống nắng. Chúng tôi đang cắm lều trên bãi đất trống nhỏ gần bên con lộ.

 

Ngày 21 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Hôm nay sau khi lạy được năm dặm, lúc vào đến Port Orford thì trời sụp tối, nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn còn sung sức nên hăng hái lạy tiếp. Ðến ranh giới thành phố, có đám đông khoảng ba mươi người bao quanh chúng tôi để phỏng vấn cũng gần cả hai mươi phút.

Ðến giữa khu phố, có quán rượu nằm bên xa lộ, phía bờ biển. Khi tiến tới gần, tôi thấy có vài người đang tới lui trước quán và nghe họ chuyện trò với nhau. Một ông nói: "Lẹ lên! Lại đây mà xem, họ đang đi đến kìa!"

Tôi định băng qua bên kia đường, nhưng thấy cũng trể rồi, đành phải lạy thẳng ngang qua quán rượu. Càng đến gần hơn, tôi thấy họ ùa nhau chạy lòng vòng như phát cuồng trước cửa tiệm. Lúc đó tôi cảm thấy mọi cơ quan trong cơ thể như căng thẳng để chuẩn bị đối phó. Ðồng thời trong đầu tôi vang lên mạnh mẽ những âm thanh thời xưa cũ: "Thủy binh dàn trận ngư lôi! Thủy binh dàn trận ngư lôi!"

Nhưng sau đó tôi bắt đầu định tâm niệm danh hiệu Bồ Tát, và tiến thẳng về phía mấy ông trước quán rượu. Có khoảng bảy, tám dân nhậu trong quán kéo ra. Một ông say thô lỗ nhất trong đám, tỏ vẻ bực tức và bắt đầu chạy theo tôi. Khi đến gần chỉ cách khoảng vài phân thì hắn la lớn: "Nầy! Chúa Jesus đầu trọc! Mầy nghĩ là mầy đang làm cái giống gì vậy hả?" Hắn hăm he như muốn đá tôi và luôn mồm la hét những lời chưởi rủa, mà đây tôi không muốn lập lại làm gì. Trong khi đám người còn lại chỉ đứng nhìn theo.

Tôi cũng ngạc nhiên về phản ứng của mình trong suốt tình cảnh vừa qua. Ðời tôi đã có sáu năm từng ra vào các quán nhậu, nên tôi cũng hiểu được phần nào về hành động của ông say nầy, thật ra cũng chẳng có ý gì. Vì đặt niềm tin vào quyền lực gia hộ mạnh mẽ, nên trong suốt cuộc đụng độ nầy tôi chẳng có chút gì sợ hãi cả. Tôi tiếp tục lạy thẳng qua đám đông một cách đều đặn, không nhanh cũng không chậm, xem như chỗ không người. Cuối cùng bọn họ cũng phải giạt tránh ra và anh chàng hung hăng đó vẫn tiếp tục quạu quọ, nói như mê sảng với những lời rỗng tuếch. Nhưng rồi cũng không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra.

Ông bà Tubb là tín đồ đạo Thiên Chúa rất ngoan đạo, từ vùng Port Orford đến chở chúng tôi về nhà nghỉ qua đêm.

 

Ngày 22 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Hôm nay có cậu thanh niên trẻ thay mặt mẹ là bà Kilpat Rick, cầu xin chúng tôi ban phước lành đến nhà họ. Thế là chúng tôi tạm ngừng lễ lạy để đến nơi xem xét tình hình. Lúc đó mẹ em đang ở sở làm, nên chúng tôi dâng hương và trì vài biến chú Ðại Bi. Tôi có giải thích rằng một ngôi nhà thanh tịnh chính là ở nơi tâm thanh tịnh, nếu mọi người cố lòng giữ tâm đừng để vướng bận bởi những tham lam, sân giận, cũng như không hút sách, rượu chè thì dần dần, dù họ ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ trở thành thanh tịnh.

Sau đó chúng tôi trở ra và tiếp tục lễ lạy. Có một bà đến thăm hỏi, nhưng lại bắt đầu khóc thút thít. Hỏi ra mới biết là vì bà quá lo lắng đến tình trạng sức khỏe và sự an toàn của chúng tôi.

Nhiều tài xế xe hàng chở gỗ rất thân thiện đã ngừng lại. Có anh lái chiếc xe to tướng chở gỗ đã ba ngày đường, đến tặng chúng tôi gói bánh mì lát (sandwiches) mà cô vợ đã chuẩn bị sẵn cho anh.

Ông bà Braun mà chúng tôi đã gặp qua trước đây, hôm nay lúc xế chiều, ông bà lại đến chở chúng tôi về nhà ở Port Orford. Chúng tôi vì không thể nào từ chối lời mời mọc của nhà bếp, nên rồi cũng đã sản xuất được một mâm bánh mì bagel và chia phân nửa cho hai ông bà. Tối đến ông Braun yêu cầu chúng tôi dạy phương pháp tu thiền để ông thâu vào băng. Nhờ có kinh nghiệm với những lúc tiếp xúc với nhiều người gặp bên đường, nên nay tôi mới có thể giảng giải vài căn bản về môn thiền rõ ràng hơn so với mấy tháng trước, khi mới bắt đầu cuộc du hành.

 

Ngày 23 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Có chiếc xe kéo theo căn nhà loại di động, mobile home, chạy ngang qua với tốc độ khoảng sáu mươi dặm một giờ, phát ra giọng nói thật to vang trùm cả một vùng: "Chúc quí vị được một ngày vui vẻ!" Có lẽ xe nầy có gắn máy phóng thanh, cho nên mới nghe lớn dữ vậy.

Khi chúng tôi lạy ngang qua bảo tàng viện của người da đỏ, thì được mấy vị hướng dẫn mời vào tham quan. Trong số đồ vật được trưng bày, thấy có một cây côn nghi lễ dân da đỏ, được dùng để đánh những ai hát sai nhịp điệu. Theo tục truyền, khi trừng phạt, họ có thể đánh người đến chết.

Ðánh người cho đến chết là chuyện quá đáng. Thật ra bây giờ và cả về sau, Phật giáo không phản đối việc trừng trị bằng biện pháp mạnh nói theo tâm lý học nếu là để giúp kẻ lầm mê quày về nẻo chánh. Tôi nhớ có câu chuyện đã làm rúng động cả thiền đường Phật giáo cũ kỹ ở phố Tàu. Chuyện xảy ra vào năm 1970, trước khi tôi xuất gia. Lúc đó hầu hết chúng tôi đều nghĩ rằng sống ở chùa, tuân theo giới luật là đã khó rồi, nhưng khi ra khỏi phạm vi nhà chùa thì việc giữ giới lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với những người có tập khí nặng nề như chúng tôi. Có nhiều vị đến chùa tu tập được một thời gian, lần hồi vun bồi được một ít chí khí, nhưng khi trở về với thế gian trần tục, thường thì những chí khí đó đều bị thổi bay mất hết. Thế nên có chú thanh niên trẻ tuổi, sống ở chùa cũng được vài tháng, cũng đã thọ qua Ngũ Giới, mà trong giới thứ năm là cấm uống rượu, kể cả hút thuốc lá. Nhưng vào một đêm, anh chàng nầy vì không thể nào nhịn được nữa, bèn lén ra phố bằng cách leo xuống cầu thang treo, rồi biến mất dạng đến ba, bốn tiếng đồng hồ. Khi trở về, thấy mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ nên anh ta tin chắc rằng không ai hay biết gì. Nhưng sáng hôm sau, trong khi tất cả chúng tôi đang tọa thiền, Sư Phụ bèn lại gần bên chú ấy, rồi cuộc đối thoại diễn ra như sau:

"Hồi tối nầy ngươi đi đâu vậy?"

"Ơ! ơ! dạ! Thưa chuyện gì ạ?"

"Hồi tối nầy ngươi đi đâu?"

""Dạ, dạ, con, con, con chỉ ra ngoài đi dạo một chút thôi!"

"Hả? Vậy chớ ai đã cho ngươi thuốc hút?"

"Ơ! a! Con mua ở cây xăng. Con chỉ muốn đi dạo vòng vòng và hút thuốc thôi!"

"Chỉ có đi bộ và hút thuốc thôi hả? Vậy chớ sao ngươi phải lên xe buýt?"

Sợ quá nên phát run lập cập:

"Con, con, con muốn đi tới công viên Golden Gate, nhưng đi bộ không nổi vì xa quá."

Với giọng như chọc thủng lổ tai:

"Còn người đàn bà trên xe buýt thì sao? Tại sao ngươi phải mời nó hút thuốc hả?"

Ðến lúc nầy thì khóc sướt mướt và rên rỉ như chó tru:

"Con đã không có làm gì hết, sau đó con xuống xe. Mà ai đã nói cho Sư Phụ biết vậy?"

"Không ai hết!"

"Vậy sao Sư Phụ biết được?"

"'Vậy ngươi có biết không?"

"Dạ biết!"

"Vậy thì chính ngươi nói cho ta biết đó!"

Ðến đây, Sư Phụ mỉm cười và cú giỡn trên đầu chú ba cái, xong mới trở về phòng. Ai nấy chứng kiến cảnh nầy cũng đều toát mồ hôi.

 

Ngày 24 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Ðang lễ lạy dọc bên con lộ chật hẹp, bỗng có anh tài xế cố ý lái trợt vào lề với tốc độ thật nhanh, gần sát chúng tôi. Bị cảnh như thế cũng mấy lần, chắc họ thấy chúng tôi di chuyển sao mà chậm lục quá, nhưng cũng chưa có tai nạn gì xảy ra. Hy vọng đến ngày viên mãn chúng tôi sẽ không bị trục trặc gì.

Chiều đến ông bà Dahl cùng con trai là Tom, tới chở chúng tôi về nhà ngủ qua đêm. Ông Dahl hiện đã về hưu, căn nhà của họ tọa lạc giữa những cánh đồng bao la toàn cây Cranberry (nham lê). Tôi tưởng chỉ có vùng Cape Code ở tiểu bang Massachusetts, nơi tôi nhiều lần đến nghỉ hè, mới là chỗ duy nhất sản xuất lượng lớn cranberry. Nhưng không ngờ hôm nay mình lại đến đúng vùng sản xuất trái cranberry lớn nhất thế giới. Gia đình họ Dahl tặng chúng tôi thực phẩm và vật dụng. Thầy Hằng Cụđánh dấu lần đầu tiên được nghỉ lại nhà họ Dahl.

 

Ngày 25 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Ông bà Mục Sư Augsburger mời chúng tôi dùng cơm trưa ở viện dưỡng lão của họ, gần vùng Bandon. Sau đó Mục Sư cởi xe gắn máy BMW đến thăm mọi người, trong khi bà Augsburger dắt chúng tôi đi tham quan khu nhà dưỡng lão. Bà tiết lộ bí mật là đang có một "âm mưu" của những tín đồ Cơ Ðốc Giáo dòng Pentecostal ở quanh vùng, muốn chuyển hóa hai chúng tôi vào đạo và các nhân vật đại diện từ mỗi giáo phận trong tỉnh đã được gọi điện mời đến để thuyết phục chúng tôi. Chúng tôi cũng quên mất là mình đã có bao nhiêu cuốn Thánh Kinh rồi, vì đã tặng lại cho các thư viện ở dọc đường. Mặc dầu bà Augburger là tín đồ của Episcopal (Tân Giáo) rất ngoan đạo, nhưng bà cũng đã bảo rằng việc chúng tôi đang làm rất có giá trị, nên nghĩ rằng chúng tôi chẳng cần phải chuyển đạo làm gì.

 

Ngày 26 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Hôm nay gồm đủ mọi thành phần như học sinh, nội trợ, thợ mộc, nông phu chuyên trồng cranberry, đã lần lượt đến thăm hỏi khi chúng tôi đi ngang qua khu Bandon, một trong những trung tâm chuyên trồng cranberry. Chiều tối chúng tôi nhận lời mời của gia đình Erdman về nhà ngủ nghỉ. Ông Mike và bà Marylyn Erdman là tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhưng tình cờ lại trưng bày tượng Bồ Tát Di Lặc ngay tại phòng khách của họ. Nghe bà Marylyn hỏi rằng tôi có biết gì về tượng nầy, thế nên tôi kể chuyện về ngài Di Lặc, tức ông Sư mang túi vải.

Ngày xưa có ông Sư già, dáng dấp to béo, thường đi lang thang cùng khắp nước Trung Hoa với túi vải làm hành trang luôn vác trên lưng. Ông lúc nào cũng cười tươi vui vẻ, bất luận dù gặp ai, thì ông sẽ hỏi xin nầy nọ, hoặc sẽ tặng cho một món đồ. Trong đạo Phật, làm như vậy là để tạo duyên với mọi người (người Tàu thường có câu là "Kết Duyên".) Mọi người ai cũng tin rằng ông Sư to mập đó chính là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc.

Rồi một hôm, có viên quan chức nghe tin đồn về Lão Sư nầy, và tình cờ trên đường đi lại gặp được Sư nên rất đổi vui mừng. Không bỏ qua cơ hội tham vấn vài câu giáo lý Phật Pháp, ông liền nói: "Xin Ngài giảng rõ thế nào là đại ý Phật Pháp?"

Lão Sư mập không nói một lời mà chỉ mỉm cười vui vẻ, rồi để cái túi vải xuống đất. Vị quan ngơ ngẩn đứng nhìn một lúc lại nói: "Ủa! Vậy thôi sao! Phải còn cái gì hơn thế nữa chứ? Tôi muốn biết về giáo lý tối thượng thừa!"

Ðến đây, vị Sư từ từ cúi lượm cái bị lên, hoàn toàn chẳng nói một lời nào mà lại bỏ đi một nước. Ðó là giáo lý tối thượng thừa của Phật Giáo.

 

Ngày 27 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Khi đến vùng Bandon về hướng bắc, có hai ông bà nông dân vốn chuyên trồng cranberry, nay đã về hưu, đến chở chúng tôi tới tiệm để mua sắm giầy vớ và nha sĩ Soper đài thọ chi phí. Chúng tôi đi ngang qua sông Coquille dưới cơn mưa bão nặng nề. Bây giờ lộ trình lại dẫn vào phía trong nội địa. Còn khoảng hai mươi dặm nữa là chúng tôi sẽ đến khu bến tàu và thành phố Coos Bay.

Ông Don Hultin cũng là nông dân chuyên trồng cranberry, chạy xe cam nhông đến để chở hai ông Tỳ Kheo đã bị ướt sũng về nhà. Sau khi được hong khô ráo và tọa thiền, vài người hàng xóm của ông Don đến trò chuyện với chúng tôi về chuyến bái hương. Có vài lý do gì đó nên Thầy Hằng Cụ hát một bài về Vu Lan bằng tiếng Trung Hoa. Tuy không hiểu tí gì, nhưng sau đó họ rất chăm chú lắng nghe những gì sư huynh tôi nói. Thì ra qua bài hát, Thầy đã gây được sự chú ý của mọi người.

Lúc tôi giới thiệu với họ vài cuốn sách do Chùa Kim Sơn xuất bản, thì có một thiếu phụ đăm đăm nhìn hình đức Phật ngồi trong tư thế kiết già. Trong phút chốc, khi chợt bắt gặp thái độ của bà đối với bức ảnh, lòng tôi dạt dào một cảm giác tuyệt vời. Tôi như thấy được rằng thiếu phụ nầy đang gieo chủng tử lành vào tâm thức cho quả giác ngộ tương lai. Tôi không biết là một người phải trải qua bao nhiêu ức kiếp trước khi những chủng tử mới bắt đầu nẩy nở. Nhưng đối với tôi, xem đó như trong chốc lát, vì quá khứ, hiện tại, và vị lai sẽ trở thành hợp nhất, và nghiệp duyên của thiếu phụ nầy cho tôi thấy là một ngày nào đó bà cũng sẽ thành Phật.

 

Ngày 28 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Mấy ngày nay thời gian thắm thoát trôi qua thật nhanh, cũng như những bước tiến vững vàng. Chúng tôi có tiến triển thành công rồi.

Buổi chiều, sau một ngày lễ bái, ông Jimmy Olson, vốn là bạn của ông Don Hiltin, đến rước chúng tôi. Thật không ngờ ông nầy có tới năm mươi mẫu đất, mà hầu như chỉ trồng toàn Cranberry. Sau giờ tọa thiền, chúng tôi có cuộc đàm luận về giáo lý rất sống động. Vì thế chúng tôi mới thấy rõ hơn là ông Jimmy đã từng nghiên cứu nhiều về triết lý Tây Phương và thích tranh cãi với những Mục Sư trong vùng.

 

Ngày 29 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Cụ viết:

Sáng nay là một trong những lúc tôi cảm thấy bầu không khí ngột ngạt với bao nhiêu là phiền não và đắng cay. Hầu như không có cách gì để xua đuổi chúng cho khuây khoả. Bởi vì tôi đang giận Sư đệ với những lý do dại khờ hay sao đó. Tuy biết rằng không nên như vậy, nhưng tôi vẫn không thể nào gạt bỏ được những phiền não trong lòng. Tôi bắt đầu chí tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, hy vọng với lòng từ bi và quyền năng diệu dụng của Ngài sẽ giúp tôi. Vừa nghĩ đến đó, tôi chợt nhìn lên thấy có chiếc xe truck cũ kỹ ngừng lại bên đường, có hai người đàn ông bước ra dìu theo một thiếu nữ mù. Cả ba cùng tiến về phía tôi và Thầy Hằng Do cũng đến gần. Thiếu nữ độ ba mươi tuổi, đến hỏi tôi có phải là ông Thầy lễ lạy hành hương mà cô đã nhiều lần nghe đồn không?

Tôi đáp: "Thưa phải."

Rồi cô nắm giữ lấy tay tôi một lúc và tất cả đứng trong im lặng. Khi đó tôi cảm thấy bao nhiêu phiền não trong lòng chợt tan mất, bù vào là một sự ấm áp nhẹ nhàng của ánh nắng mặt trời.

Một lúc sau, cô lên tiếng: "Ông quả thật là người an lạc, tôi có thể nhận được điều đó."

Cô còn bảo là rất hoan hỷ về việc làm của chúng tôi, cũng như có rất nhiều người luôn theo dõi từng bước tiến của chúng tôi. Họ ra về và đồng thời những phiền não của tôi cũng hoàn toàn không còn nữa.

Tối đến, ông Jimmy Olson đưa chúng tôi về trang trại của ông.

 

Ngày 30 tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi lễ lạy trong cơn mưa suốt buổi sáng nầy. Bà Dahl đem đến một ổ bánh mứt chanh (lemon pie) vừa mới nướng cho chúng tôi ăn trưa. Ðây là một trong những vùng thân thiện nhất mà chúng tôi đã đi qua. Nhớ lại lúc chúng tôi vừa khởi sự chuyến đi được hai tuần, có một đoàn ký giả săn tin cho đài truyền hình ở San Francisco đến phỏng vấn. Lúc đó tôi thật không tự nhiên, mập mờ trả lời những câu hỏi như: "Các ông đang làm gì và tại sao?" Nhưng bây giờ sau những ngày tiếp chuyện với hàng bao nhiêu người, tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi giải thích về lý do cũng như việc mình làm. Nhờ vậy khiến sự đối đãi của mọi người với chúng tôi cũng khác đi. Và nếu họ không thể nào "hiểu nổi" những gì về chúng tôi, thì đối với họ chúng tôi vẫn như là một cặp điên khùng trong số những người khùng điên. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có kinh nghiệm trong việc đối đáp, giải bày lý do rành rẽ về chuyến đi, dù họ có hiểu được chút ít đi nữa, thì sự chào đón sẽ thân mật và có ý nghĩa hơn.

Một lần nữa ông Hultin lái xe truck đến rước chúng tôi. Biết ông đang nghiên cứu về Phật giáo, nên chúng tôi cũng cố đem hết những hiểu biết của mình để giải thích hàng lô câu hỏi thắc mắc của ông. Ðồng thời ông cũng đã bày vẽ cho chúng tôi về nghệ thuật trồng cây cranberry (nham lê).

 

Ngày 31 Tháng 3 Năm 1974. Hằng Do viết:

Chúng tôi lạy vào khu hải cảng của Coos Bay trong một ngày ướt át, ngang qua một công ty khai thác gỗ hỗn tạp Weyerhauser, tọa lạc dọc bên vịnh. Hải cảng gỗ này có thể nói là lớn nhất trên thế giới, tàu bè từ khắp nơi đổ về để chuyên chở. Vì hôm nay là chủ nhật nên ở đây có vẻ yên tĩnh hơn. Có vài người dừng lại hỏi chuyện, trong khi rất nhiều người chỉ đứng nhìn thôi. Như khi Thầy Hằng Cụ lạy ngang qua một tiệm ăn, đã có hàng trăm con mắt mở to hướng nhìn từng nhịp bước của Sư. Hôm nay chúng tôi lạy tổng cộng được bảy dặm để ra khỏi vùng Coos Bay và North Bend.

Người đàn ông mà cách nay vài tuần đã dừng lại xin cầu nguyện cho ông bố mình, có để lại số điện thoại và nói khi chúng tôi tới vùng Coos Bay thì xin gọi cho anh biết. Nhưng khi tôi gọi điện thoại thì anh ta lại hỏi: "Ai vậy?"

Tôi đáp: "Tôi là Hằng Do."

Anh nầy có vẻ hơi say rượu, quên mất tôi là ai, nên trả lời rằng: "A , phải rồi ! Còn ta là Ngốc văn Nghếch đây!"

Hôm nay vừa đến mức nửa đoạn đường, nên nhân dịp nầy chúng tôi đón xe buýt trở về tu viện Kim Sơn để tham dự khóa thiền mùa xuân. Chúng tôi sẽ tạm rời con lộ trọn một tháng.

Hình: Hằng Cụ đứng bên tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhản Ðại Từ Ðại Bi Quán Thế Âm, cao hơn 5 mét (18 feet) bằng gỗ long não. Tượng nầy nay được ngự tại chánh điện chùa Vạn Phật Thánh Thành ở Talmage, California.

(Xin xem tiếp theo 2)

Tải về xem
Tam Bo Nhat Bai 1