Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Tam Bo Nhat Bai 2
Tam Bo Nhat Bai 2
Tam Bo Nhat Bai 2 Tam Bo Nhat Bai 2
Tam Bo Nhat Bai 2
Tam Bộ Nhất Bái
Tam Bo Nhat Bai 2
Tam Bo Nhat Bai 2
Hằng Thật và Hằng Triều

 

Thư Chân Hành Giả

(Những lá thư hai Thầy Hằng Thật và Hằng Triều viết cho Hòa Thượng Tuyên Hóa trong thời gian đi "Ba Bước Một Lạy" hơn 700 dặm trong 2 năm 9 tháng từ chùa Kim Luân ở Los Angeles đến Chùa Vạn Phật tại Talmage, California)

 

 

 

Tam Bo Nhat Bai 2

 

(Nguyên Tác: News From True Cultivators published by the Buddhist Text Translation Society, Dharma Realm Buddhist University, City of Ten Thousand Buddhas, Talmage, California - 2003) 

 

 

Mục lục:

Lời Nói Đầu

Hằng Triều, Vị Hộ Pháp

Những kẻ xấu ở khu phố Lincoln Heights

Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ?  

Những kẻ theo phái Moonies ở Beverly Hills  

Quán niệm của Hành giả

Quá nhiều sân hận trên thế giới 
- Phạm quy-củ, làm bể kiếng

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà!"

Nói thì dễ mà làm thì khó 

- Vọng Tưởng Gây Ðau Ðớn

Sự chuyển đổi từ trong ra ngoài

Ðiều kỳ lạ nhất ở bậc Thánh-nhân là sức mạnh của nước

Có vẻ "ngu đần" trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường 

- Một bài thực tập khác về hạnh "quên mình vì người"

Hai "tu sĩ" hành hung một thiếu niên

Suýt chết trên Xa Lộ số 1

Sai một ly, đi sai ngàn dặm 

Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng

A Di Ðà Phật! 

Ðạo Phật Ở Nước Mỹ

Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao?

Bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất

Làm thế nào ông có thể đi sai được?

Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần

Nhưng không có gì để bám vào

Những sinh vật ngoài không gian đang đến   

Tu Sĩ và những người khiêu khích

Nhân Duyên với Phật Tỳ Lô Xá Na

Đau đến cực điểm 

Chỉ nhìn xem nó phát triển như thế nào! 

(còn tiếp) 

Lời nói đầu

Ba bước, một lay - ba bước dọc theo cạnh xa lộ, rồi lạy một lạy xuống đất; đầu gối, cùi chỏ, bàn tay, trán đều chạm đất, rồi đứng lên, chắp tay, bước thêm ba bước, rồi lại lạy thêm một lay. Hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, trong hai năm rưỡi, họ hành hương lễ lạy theo cách đó. Tại Trung Hoa, những Phật tử thành tâm có những lúc thực hành công việc khó khăn có tính cách cầu nguyện là ba bước một lạy trong vài trăm thước cuối cùng trước khi đến một nơi thánh địa. Nhưng đây là California , và hai tăng sĩ hành hương này là người Mỹ trẻ tuổi. Mặc áo tràng và giới y, không mang tiền bac, không trang bị gì ngoài kỷ luật và lòng thành kính, họ đã đi bộ và lạy 800 dặm (1) dọc theo vệ đường nhỏ hẹp của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương. Mỗi ngày tiến triển một dặm, họ lạy từ trung tâm thành phố Los Angeles về phía bắc dọc theo bờ biển, xuyên qua Thành phố Santa Barbara và dọc theo vùng Big Sur, xuyên qua thành phố San Francisco và qua cầu Cựu Kim Sơn, rồi lạy xa thêm 100 dặm (2) về phía Bắc để đến Vạn Phật Thánh Thành, một trung tâm giáo dục và tôn giáo vừa được thành lập taị quận hạt Mendocino. Khi lễ lay, họ cầu nguyện thế giới không còn thiên tai, tai họa và chiến tranh. 

Vị tăng sĩ tịnh khẩu dẫn đầu là Thầy Hằng Thật. Thầy từ thành phố Toledo , tiểu bang Ohio , vào năm 1974 Thầy đã tự tìm đường đến Tu Viện Kim Sơn Thiền tự tại San Francisco. Tai đó trên một đường phố cạnh khu Mission, có một cao tăng Trung hoa là Hòa Thượng Tuyên Hóa, đang sống thầm lặng trong khi thực hiện công việc tiên phong của ngài là gieo trồng lại truyền thống tăng đoàn Phật Giáo tại Phương tây . Nhờ đức hạnh và trí tuệ của Hòa Thượng làm cảm động, Thầy Hằng Thật đã gia nhập với những người trẻ tuổi Hoa Kỳ khác thọ nhận pháp danh và toàn giới của một tăng sĩ Phật Giáo. 

Trong thời gian học hỏi tiếp theo, Thầy Hằng Thật được đọc về cuộc hành hương lễ lạy do Hòa Thượng Hư Vân thực hiện vào thập niên 1880,  ngài là một tăng sĩ Trung hoa đặc biệt nhất trong thế hệ của ngài. Hòa Thượng Hư Vân đã lạy mỗi ba bước qua suốt bề rộng của nước Trung Hoa; và mất đến năm năm. Thầy Hằng Thật biết rằng Hòa Thượng Hư Vân là Tổ Sư của dòng thiền Quy Ngưỡng của Thiền tông, và Thầy biết Hòa Thượng trụ tr ì và cũng là Thầy của Thầy, tức là Hòa Thượng Tuyên Hóa, là vị tổ sư hiện tại, đã nhận được sự truyền pháp từ Hòa Thượng Hư Vân vào năm 1949. Do sự liên hệ gần gũi này gây hứng khởi, Thầy Hằng Thật đã xin Hòa Thượng Tuyên Hóa để được thực hiện chuyến đi hành hương ba bước một l ạy. Hòa Thượng chấp thuận nhưng lại nói "Hãy chờ đợi!". Thầy Hằng Thật phải chờ đợi một năm. Hòa Thượng Tuyên Hóa cho biết điều mà Thầy Hằng Thật cần là một người đồng hành và là người hộ pháp thích hợp. Đó là Thấy Hằng Triều. Vốn quê quán từ thành phố Appleton, tiểu bang Wisconsin, Thầy Hằng Triều đã đến thành phố Berkeley để học võ thuật, và đã trở nên một người tài giỏi về nhiều môn phái võ thuật. Khi người thầy dạy Thái Cực Quyền cuối cùng có nói với Thầy là "Thiền định cao hơn bất cứ võ thuật nào.", Thầy Hằng Triều đã qua bên kia Vịnh để theo học tại Tu Viện Kim Sơn. Khi vừa nghe lời nguyện của Thầy Hằng Thật, Thầy liền hỏi là Thầy có thể đi theo để cùng lễ lạy được chăng. Và chỉ trong vòng một tuần, Thầy Hằng Triều thọ giới Sa Di và phát nguyện chính thức cùng đi lễ lạy bên cạnh Thầy Hằng Thật, đồng thời phụ trách các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, lập trại, và  tiếp chuyện với những người xa lạ. 

Như vậy cuộc đi hành hương bắt đầu. Hòa Thượng Tuyên Hóa tiễn đưa họ khi họ rời Tu Viện Kim Luân ở Thành Phố Los Angeles vào ngày 7 Tháng năm 1977. Đối với Thầy Hằng Triệu, là một nhà võ thuật, Hòa Thượng nói "Con không được dùng võ thuật trong chuyến hành hương. Lời nguyện của Thầy Hằng Thật là mong muốn chấm dứt những thiên tai, tai họa và chiến tranh; như thế làm sao con có thể tự mình dùng bạo lực đuợc? Nếu một trong hai con đấu tranh, hay thậm chí đắm chìm trong cơn giận, các con sẽ không còn là những môn đệ của ta." Về việc bảo vệ tránh những nguy hiểm trên đường hành hương, Hòa thượng Tuyên Hóa chỉ dẫn họ hãy thực hành bốn vô lượng tâm của Bồ tát là Từ, Bi, Hỉ và Xả. Đó hẳn nhiên không phải là lần cuối cùng mà hai vị tăng sĩ lễ lạy cần đến lời khuyên của Thầy của họ. 

Trên đường, hai người hành hương nghiêm ngặt tuân theo kỷ luật tu viện của họ - mỗi ngày chỉ ăn một bữa chay; không vào trong nhà, ngủ ngồi trong chiếc xe  băng rộng Plymouth đời 1956 cũ kỹ được dùng làm nơi trú ngụ của họ. Vào những buổi tối sau một ngày lễ lạy, họ học Kinh Hoa Nghiêm qua ánh sáng của ngọn đèn dầu. Họ dịch những đoạn kinh sang tiếng Anh và cố gắng áp dụng đạo lý trong Kinh với những kinh ngiệm ngoài đường hàng ngày của họ, như thầy của họ đã khuyến khích họ làm. Những tăng sĩ này bảo vệ sự tập trung tâm trí của họ bằng cách tránh đọc báo, bằng cách tắt máy radio, và bằng cách giữ thời biểu thiền tập nghiêm ngặt. Thầy Hằng Thật giữ nguyện tịnh khẩu trong suốt chuyến hành trình,vì vậy trả lời những câu hỏi của nhiều người gặp trên đường trở thành công việc của Thầy Hằng Triều. Thỉnh thoảng có những người đến thăm với thái độ thù nghịch, một số người đe dọa dùng bạo lực, nhưng đa số thì hiếu kỳ, và thường những kẻ hiếu kỳ lại trở thành những người hộ pháp cho các tăng sĩ này, mang đến thức ăn và những đồ dùng cho đến khi những tăng sĩ này lễ lạy ra khỏi khu vực. 

Tất cả những điều quan trọng xảy ra trên xa lộ - những lỗi lầm và trưởng thành, những thử thách và những cuộc gặp gỡ đáng chú ý. những nguy hiểm và những thâm giải , việc nỗ  lực dụng công bằng thân thể và tâm trí - những người hành hương đều báo cáo lại trong những bức thư gởi đến Hòa Thượng Tuyên Hóa. Ngài đích thân trả lời bằng cách thỉnh thoảng đến thăm viếng họ, cho họ những hướng dẫn tâm linh vô giá, những khiển trách, những câu chuyện vui, và những khai thị vừa cao siêu vừa bình phàm vào đúng lúc. Những bức thư đó là nội dung của quyển sách này.  

Những bức thư này viết ra không có ý niệm là để xuất bản, mà chỉ là phương tiện hai vị tăng dùng để cố gắng chân thành cởi mở nói ra những kinh nghiệm trên đường của họ.   Như vậy, những bức thư này lưu giữ  lại một ký sự không tô vẻ về một cuộc hành trình tâm linh xác thực

_____________

Chú thích:

(1) khoảng 1300 Km

(2) khoảng 160km

 

Hằng Triều, Vị Hộ Pháp

Ngày 11 tháng 5 năm 1977

Kính bạch Sư-Phụ,

Con chí tâm quy y Sư-Phụ,

Xin Sư-Phụ từ bi thương xót hết thảy chúng sanh!

Việc lễ bái này cũng tương tự như một khóa tham-thiền. Mọi thời khắc luôn chuyên nhất quả thật là khó khăn, chúng con từ từ tiến bộ vững vàng. Ba bước, một lạy.

Thầy Hằng Triều là một vị hộ-pháp đắc lực. Thầy đã cứu chúng con thoát khỏi một tình cảnh nguy hiểm mà chính thầy sẽ tường thuật lại dưới đây. Các cư-sĩ tại gia (1) đã bảo hộ và lo lắng cho chúng con rất kỹ lưỡng. Con không nói chuyện nhiều (2). Ðây là cơ hội tốt mà thệ nguyện của đệ tử có thể được thực hành viên mãn, nghĩa là chỉ nói ra những lời nhằm phụng sự Tam-Bảo. Ðệ tử cảm kích bất tận về dịp may tu Ðạo này.

Hằng-Thật

*****

Sư-Phụ từ giám,

Muốn duy trì sự an toàn kỳ diệu của chúng con thì cần phải có tánh thận trọng. Cho tới nay, chúng con chỉ mới gặp phải một vài chướng ngại tương đối nhỏ nhoi, nhưng lại nhiều thử thách.

Ngày thứ nhất, chúng con bắt đầu lễ bái dọc theo các quán rượu trong một khu vực hung bạo. Rất nhiều gã say rượu hắc búa. Vì là lần đầu tiên đơn độc lễ bái ngoài đường phố nên chúng con không khỏi bị đôi chút áp đảo. Lại thêm ướt át và lem luốc bởi đường sá vẫn còn ẩm ướt bùn lầy (mưa vừa tạnh, bầu trời hơi quang đãng khi chúng con bắt đầu lễ lạy), nên trông chúng con không được oai nghi lắm. Sang cái lạy thứ nhì thì có chuyện liền.

Một gã say rượu cao lớn từ đằng sau vỗ vai con mà bảo rằng: "Ê, bạn làm cái gì ở đây vậy?" Con cố gắng giải thích một cách yếu ớt trước sự sửng sốt của hắn. Hắn đứng cách con chừng ba tấc (7 inches). Hắn từ từ rút trong ví ra một tấm ảnh Chúa Giê-su (Jesus) với mái tóc dài hippy và nét mặt nhạy cảm. Hắn cứ đưa qua đưa lại bức ảnh trước mặt con, có vẻ chờ đợi. Con khéo léo tiến đến sát bên thầy Hằng-Thật. Một chiếc xe hơi thuộc loại souped-up chạy vụt qua: "Nè mấy tên quái đản, hạn cho tụi bây từ đây đến hoàng hôn phải ra khỏi chỗ này!" Ồ, chúng con chỉ mới ra lạy có ba phút thôi mà đã lắm thử thách rồi.

Chúng con tiếp tục lê bước. Nhiều nhóm người tụ tập đằng trước bởi những lời truyền miệng lan nhanh. Có tiếng cười nhạo báng: "Các ông vĩnh viễn không đến đâu được bằng cách đó cả, ha, ha..."

Một người khác chế giễu: "Kìa, Joe! Họ đang chúc phước cho trạm xăng của mày kìa! Ha, ha.."

Có vài người đi ngang qua chúng con, xem chúng con như là những thớt gỗ. Họ cũng không khác biệt gì, như đang nhập thiền-định Ti-vi vậy. Nhưng khi chúng con lạy đến thì các nhóm người lại tự động rã ra. Dường như đối với họ chúng con cũng ra vẻ thế nào lắm!

Họ thách thức chúng con bằng lời nói--không hiệu quả. "Ê, tưởng tượng xem tao sẽ đá đít bọn chúng khi chúng quỳ xuống!" Không phản ứng. Một nhóm đàn ông đông hơn tụ họp ở góc phố. Người cầm đầu tướng cao ráo khoảng gần 1 thước 9 (6' 5"). Một tên đàn em của hắn chen vào giữa chúng con, vỗ vào đầu chúng con, rồi cũng lạy theo, cố tình khiêu khích chúng con. Không phản ứng. Thầy Hằng-Thật không ngừng tiến tới phía trước. Con cố thu ngắn khoảng cách. Ðột nhiên, họ tự giải tán, và bảo tên đàn em cứ lẽo đẽo theo chúng con: "Cho họ lạy qua đi, họ sẽ không làm gì đâu!" Chúng con lạy qua nơi đó. Con có cảm giác là hai tên cầm đầu vẫn bám sát chúng con ở đằng sau. Rất khó xả bỏ tất cả công phu võ thuật mà con đã tập luyện hằng bao nhiêu năm trời (3), nhưng con biết rằng không có sự hộ vệ bằng sức mạnh nào có thể cứu được người hành-giả thành tâm. Chúng con vẫn đi, vẫn lạy... Cuối cùng, gã to lớn đứng hẳn sang một bên và lễ phép hỏi: "Xin lỗi ông, ông có thể cho tôi biết là các ông đang làm gì không?" Con gật đầu, lạy xong một lạy, rồi đứng dậy giải thích.

"Ồ, kỳ lạ quá, ông ta không nói chuyện à? Công việc của các ông không dễ đâu. Cầu cho thế giới hòa bình, tôi cũng tán thành. Lạy đến tận Ukiah! Ông Phật này là gì? v.v.." Họ đã xúc động. Một cái gì đó vừa dịu dàng vừa chân thành đang lộ ra. Ranh giới biến mất. Băng đá tan thành nước. Gã nói: "Chúc các Ngài bình an," và làm dấu thánh giá chúc phước lành cho chúng con trước khi bỏ đi: "Hãy cẩn trọng!"

Chúng con toàn thắng! Ðã đến lúc phải tìm nơi cắm trại. Mây lại vần vũ. Trời sắp mưa. Quên mang giấy vệ sinh.

Hai giờ rưỡi sáng. Chúng con đậu xe đối diện với xưởng bánh tortilla ở Nam Pasadena. Con thức dậy tụng chú. Con nghe có tiếng bước chân lê lết trên đường và tiếng người thì thầm. Một cái bóng băng vụt qua bên phải chiếc xe. Bang! Một cánh tay thò qua cửa sổ xe không đóng, cố mở chốt cửa. Bên ngoài, chó sủa inh ỏi. Con la lên: "Ê!" Con nhìn thấy bốn bóng đen bỏ chạy. Họ tụ tập lại dưới đường phố. Một lát sau, con nghe có tiếng đá văng chạm vào lề đường chung quanh xe chúng con. Con chùi lớp sương mỏng trên cửa xe và trông thấy bọn họ, bây giờ với gậy gộc trong tay, đang tiến dần về phía chúng con. Họ ném đá và dàn ra giữa đường để tấn công chúng con. Con nhảy vào ghế, mò mẫm tìm công-tắc và cho nổ máy xe. Máy không nổ. Hoảng hốt. Con niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát và cố thử lần nữa. Rù... rù! Tiếng máy gầm lên. Con lái xe vụt ra đường. Một người trong bọn họ nhảy đến định ngăn cản, nhưng chúng con chạy thoát kịp!

Chúng con đến Chùa Kim-Luân, đậu xe ngay lối ra vào và ngủ ở đó cho đến bốn giờ sáng. Tinh thần mệt nhọc. Hôm nay là một ngày thử thách lớn lao.

Chúng con vô tình giết chết nhiều kiến và côn trùng nhỏ nằm dưới tay chân chúng con trong khi lễ bái. Mỗi ngày, chúng con cảm thấy sức lực kiên cường hơn, và chuyên nhất thêm. Mơ màng trong mơ màng, mơ thấy mình lễ bái qua suốt vùng L.A. Ba Bước, Một Lạy, thật là huyền diệu không thể nghĩ bàn.

Bình an trong Ðạo,

Hằng-Triều

******

Chú thích:

(1) Cư sĩ họ Trương, Bà Phương-Quả-Ngộ, Hoàng Alice, và hai vợ chồng họ Hồ. (bản Hán-văn, quyển thượng, trang 1)

(2) Thầy Hằng-Thật phát nguyện hoàn toàn không nói chuyện trong suốt cuộc hành trình "Ba Bước, Một Lạy," trầm mặc hồi hướng công đức. (bản Hán-văn, trang 1)

(3) Thầy Hằng-Triều vốn là cao thủ đai đen của Không thủ đạo. Thầy cũng dạy Thái cực quyền và Thiếu lâm-quyền trong nhiều năm. (bản Hán-văn, trang 3)

******

Những kẻ xấu ở khu phố Lincoln Heights 

Thứ bảy, ngày 14 tháng 5 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Chúng con tiếp tục lạy khoảng một dặm rưỡi mỗi ngày, tính ra, trung bình là năm tiếng đồng hồ đi lạy và một tiếng rưỡi nghỉ ngơi (cứ sau một tiếng thì nghỉ hai mươi phút). Chúng con thức dậy lúc bốn giờ sáng để tụng kinh sáng, rồi chấm dứt vào khoảng sáu giờ chiều để tắm rửa và tụng kinh tối như thường lệ. Mỗi ngày còn có giờ học Thái-cực-quyền với Thầy Hằng-Triều vào buổi sáng; tối đến thì chúng con đọc và dịch một đoạn ngắn trong Kinh Hoa-Nghiêm trước khi tụng bốn mươi chín lần những câu đầu của chú Lăng-Nghiêm, rồi sau đó mới nghỉ ngơi. Chúng con sống trong chiếc xe Falcon van cũ kỹ của một người Ưu-bà-tắc, ngủ ngoài đường phố L.A. và giặt rửa trong công viên. Thức ăn thọ trai của chúng con là do nhiều Ưu-bà-di hộ pháp mang đến. Các Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di luôn chăm sóc, lo lắng cho chúng con. Nhờ họ mà cuộc hành trình của chúng con được trôi chảy thuận lợi--họ giúp nhận các thư-từ từ cảnh sát, cho chúng con tiền cắc để bỏ vào cột đậu xe (parking meter) v.v... Một buổi sáng nọ, vì trời mưa nên chúng con lạy trong nhà đậu xe của cư-sĩ họ Woo và thọ trai ở đó (1). Chúng con lạy qua một khu phố hỗn tạp mang tên Lincoln Heights. Chúng con lạy đến trước trường Trung-học Lincoln ngay lúc vừa tan học. Lập tức, chúng con bị bao vây bởi một nhóm khoảng bốn mươi hay năm mươi học sinh vừa la hét vừa chửi thề tục tĩu. Khi thấy rằng những lời nói của chúng không lay động nổi chúng con, bọn chúng bắt đầu cười rộ, và chẳng bao lâu sau, chúng bắt chước lạy đằng sau chúng con, cho đến lúc có tới mười bốn nam-sinh sắp hàng lạy Kinh Hoa Nghiêm. Tất cả bọn chúng đều tỏ ra cung kính hơn sau khi lạy được chừng sáu lạy--những đứa thô lỗ nhất không thể theo nổi--và chúng bỏ đi, lặng lẽ và điềm tĩnh. Ngày đó không có chuyện gì rắc rối nữa cả.

Ngày kế, lúc mười giờ sáng, đột nhiên con có linh tính là ma quân đang chuẩn bị một cuộc khảo nghiệm khác ở đâu đó, một sự thách thức có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sáng thứ sáu, khi lạy đến gần cuối khu vực Lincoln Heights vào lúc 10 giờ 15, con linh cảm là có chuyện gì đằng trước, nhưng vì con đã tháo mắt kính ra và đôi mắt luôn dán chặt vào chót mũi trong suốt cuộc hành trình nên không thấy được nhiều chi tiết nhỏ nhặt trên đường đi. Sau này thầy Hằng Triều kể cho con nghe về những gì mà thầy mục kích. Một băng gồm năm lão già tụ họp tại một quầy bánh taco ở góc đường. Một gã trong bọn đúng là một con quỷ--đã xấu xí mà hình thù lại kỳ dị như một quả lê. Gã nhảy nhót vòng vòng và chỉ trỏ về phía chúng con, tay cầm một cây roi sắt xoắn nhọn hoắt, dài chừng một thước rưởi (5'). Gã kéo một thùng rác tới trước để chận lối đi của chúng con, rồi dùng roi đập vào thùng rác gây ra những âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc và làm móp méo hết các góc cạnh của nó; gã cứ chỉ tay về phía chúng con và cố khiêu khích đồng bọn nhập cuộc. Thầy Hằng-Triều nói rằng gã ấy đích thực là một tên bất lương chính hiệu. Vì mãi lạy nên con không thấy rõ việc này, nhưng đột nhiên con có trực giác mạnh mẽ về một sự trợ giúp vô hình, một sự hiện diện với thiện lực kỳ diệu. Con cảm thấy thật bình tĩnh, thanh thản và nhẹ nhõm (2).

Thầy Hằng-Triều nói rằng ngay khi con lạy thẳng vào giữa đám người tại quầy bánh taco này, thì tên đầu đảng bỗng lao vụt ra như tia chớp. Từ thái độ hung hãn, hống hách, hắn chợt trở nên nhu hòa, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Còn những gã khác thì ngồi bất động tại bàn ăn của họ khi con lạy quanh thùng rác dưới chân họ và băng qua đường để lạy ở phía bên kia. Một thanh niên tươm tất tiến ra cửa và lịch sự hỏi: "Thưa ông, ông có thể cho tôi biết về tôn giáo của các ông chăng? Tôi rất cảm kích về hành động của các ông..." Thầy Hằng-Triều giải thích ngắn gọn về mục đích của cuộc hành trình. Thầy cắt nghiã thật khéo léo.

Ðệ tử không dám cả quyết ai là người đã dẫn dắt chúng con vượt qua những đường phố ở Los Angeles, nhưng chắc chắn là có một vài sự cảm ứng thù thắng xảy ra vào buổi sáng hôm đó.

"Nếu có chúng sanh nào có tâm niệm thù hằn đối với Bồ-tát, thì Bồ-tát vẫn luôn nhìn chúng sanh ấy với ánh mắt từ ái và cho đến điểm cuối cũng vẫn không có một mảy may giận hờn."

Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Hồi Hướng.

Ðệ tử Hằng-Thật kính cẩn đảnh lễ.

*******

Chú thích:

(1) Quy-củ của Ba Bước Một Lạy là không được vào nhà của cư-sĩ. (bản Hán-văn, trang 5)

(2) Khoảng độ mười trượng ở phía trước, bỗng có một con voi trắng lớn trang nghiêm phi thường xuất hiện. Con không thấy rõ ai đang ngồi trên mình con bạch-tượng, nhưng xem ra có đủ oai nghiêm và thần lực thù thắng, bên trái và phải đều có đội ngũ thiện-thần hộ-pháp như Bồ-tát Già-Lam oai nghiêm dõng mãnh v.v... Chính mắt con trông thấy Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni cùng Bồ-tát Quán-Thế-Âm rất rõ ràng. Con có cảm giác là chư thần hộ pháp luôn lai vảng đâu đây. Kìa! Voi trắng sáu ngà vàng chói, đôi mắt từ ái, cùng các thiện-thần cầm kích hộ pháp. Ngay lúc ấy, tâm con cảm thấy sung mãn liễu tường và vô cùng quang minh sáng suốt. Con tin rằng con được hộ trì bởi Bồ-tát Phổ-Hiền vì con đang lạy Kinh Hoa-Nghiêm. (bản Hán-văn, trang 6)

(3) Thầy Hằng-Thật phát nguyện lạy Kinh Hoa-Nghiêm cùng Hoa-Nghiêm Hải-Hội Phật Bồ-Tát sau mỗi ba bước và quanh năm luôn mang túi xách có đựng bộ Kinh Hoa-Nghiêm trên vai. (bản Hán-văn, trang 7)

******

Một số vọng tưởng cùng ký ức: Một nhóm Phật-tử (1) mang thức ăn trưa và tiền cắc để bỏ vào cột sắt đậu xe đến cúng dường. Con không thể biết rõ phong tục của người Trung-Hoa. Tại phố Tàu, có một cặp vợ chồng người Hoa lớn tuổi thốt lên bằng tiếng Quan-thoại: "Ủa! Họ là người ngoại quốc!" Con liền nghĩ: "Không, chúng tôi chỉ mang lại điều đáng giá (đạo Phật) mà quý vị đã bỏ quên. Thật ra, chúng ta đều là người 'ngoại quốc', cho đến khi tất cả chúng ta giác ngộ."

Ống quần bị rách của Thầy Hằng-Thật đã được vá lại bằng một mảnh vải có in hình những bông hoa Hạ-uy-di. Nhờ chiếc áo tràng dài giúp che khuất chỗ vá nên còn giữ được vẻ uy nghi đoan chánh: Bọn trẻ ở Lincoln Heights ắt sẽ ăn tươi nuốt sống chúng con bởi một sự mâu thuẫn như thế. Người ta thường đa nghi, họ dò xét kỹ lưỡng từng hành vi của chúng con--từ sợi dây cột giày cho đến những nơi chúng con để mắt tới. Không được có chỗ sai lầm hay sơ suất, phóng dật.

Bảo trì Trung-đạo trong việc tiếp thọ đồ cúng dường thật khó. Như khi nhận được những thứ "tạp nhạp," thì chúng con phải chỉnh lại bằng cách xả cho hết dầu, làm loãng bớt chất đường và dùng vải vụn để vá lấp các lổ thủng. Khi nhận được "vàng," thì chúng con phải làm cho mờ xỉn và che giấu đi. Chúng con nghĩ rằng sẽ nhuộm chiếc quần sặc sỡ như hề gánh xiếc này thành màu nâu và xám.

Cư sĩ: Chỉ trong vòng một tháng, quý thầy sẽ lạy ra khỏi Los Angeles.

Tăng: Vậy sao?

Cư sĩ: Vâng. Theo con nghĩ thì quý thầy đã vượt qua khu khó khăn nhất rồi (vùng Lincoln Heights). Khu phố Tàu thì đỡ hơn chút đỉnh, còn khu Beverly Hills thì không thành vấn đề!

Tăng: Phần khó khăn nhất là phần ở bên trong. Không bao giờ dễ dàng cả.

Cư sĩ: Ồ! (cười, cảm nhận.)

Lễ lạy: Thỉnh thoảng, sau vô số lần lạy lên lạy xuống và đi đi tới tới trên nền xi-măng, con cảm thấy chẳng có gì hiện hữu cả. Các loại âm thanh, các mẫu đối thoại, các lời chất vấn, các mùi thức ăn từ nhà hàng, các mẩu thuốc lá--tất cả đều không thành vấn đề. Nhiều khi, ngay cả cái "tôi" cũng thất lạc, không đáng kể, dung hòa nhất như, song lại không thể sờ mó và tách rời ra. Tánh kiên nhẫn và khiêm tốn đến dễ dàng hơn sau khi đầu mũi chạm vào bầy kiến ở giữa đống xác kẹo cao-su (chewing gum) và chai lọ bể. Cũng tốt thôi. Nơi chốn là hiện tại. Quét dọn nhà cửa, từ trong ra ngoài.

Phố Tàu:

1. Có ít Phật-tử nhất. Loài vật bị giết sống công khai ("tươi").

2. Tại góc phố chính: Chúng con đang lạy. Một đám tang với băng nhạc diễn hành đang trổi bản "Chúng Ta Không Còn Thấy Nhau Nữa" lướt qua, xe mô tô cảnh sát, đám đông quần chúng, một gánh xiếc nhỏ bên phải, một ổ bánh dâu tây lớn trên một chiếc ghế hiện ra trước mặt chúng con, một phóng viên của đài truyền hình người Hoa đang chụp hình. Chúng con lạy ngang bên dưới. Chỉ vài người chú ý.

3. Lạy cách hồ cá trong chợ chừng hai feet. Chờ chết! Cả hai chúng ta! Thổi, chúng thổi bọt bằng miệng, chúng con âm thầm niệm Phật. Ðôi bên nhìn nhau qua chiếc "bồn" của mình.

4. Một bà loạn trí lẽo đẽo theo chúng con núp đằng sau, lén đá trúng ngay huyệt đạo của con. Con vẫn tiếp tục lạy, trong lòng thắc mắc không biết trước kia bà ta và con đã gặp nhau ở đâu và mai sau sẽ lại gặp gỡ ở nơi nào. Con cảm thấy như bị nhuốm bịnh.

5. Chúng con lái xe vòng quanh góc phố và băng qua một ngã tư để đậu xe. Một vài giây sau, bỗng rầm! Bang, bang! Một tai nạn khủng khiếp. Chúng con hụt khỏi trong tích tắc. Một băng đảng người Hoa vênh váo lướt qua. Thật là một phương pháp tu hành tuyệt diệu! Hai người "ngoại quốc" này chúc tất cả đều được nhiều pháp lạc.

Ðệ tử Hằng-Triều kính cẩn đảnh lễ

******

Chú thích:

(1) Các đệ-tử tại gia đã quy-y với Sư-Phụ.

*******

Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ?

Tám giờ sáng, ngày 18 tháng 5 năm 1977.

Sư Phụ từ giám,

Chúng con rất tri ơn thời tiết tuyệt diệu mà các vị rồng mang lại cho thành phố Los Angeles. Thời tiết không quá nóng mà cũng không quá lạnh.

Tuy thân rất mệt nhưng tâm chúng con lại an lạc. Mỗi khớp xương, bắp thịt và tứ chi đều nói lên cái "pháp đau nhức (pain-dharma)" của riêng nó, nhưng sự đau đớn này sẽ từ từ biến mất khi việc lễ bái tiến triển và thân thể quen dần với công việc. Mỗi tối, chúng con cảm thấy buồn ngủ ngay sau khi tụng chú Lăng-Nghiêm, hoàn toàn mệt đừ; nhưng sáng hôm sau, thức dậy lúc 4 giờ sáng, chúng con lại cảm thấy năng-lực hồi phục và sẵn sàng tiếp tục lễ bái. Mỗi ngày, chúng con tăng thời gian lễ bái lên dần dần: hôm qua chúng con lễ bái suốt sáu tiếng bốn mươi lăm phút. Vấn đề nan giải khi ở trong thành phố là việc tìm một chỗ đậu cho cái đạo-tràng Bồ-đề mạn-đà-la của chúng con, tức là chiếc xe van này, rồi đi bộ trở lại chỗ lễ bái. Công việc này thật đã làm mất hết khoảng thì giờ nghỉ ngơi.

Dầu thân mệt mỏi, nhưng nhờ vậy mà tâm lại được chuyên nhất. Ðó chỉ là chuyện nhỏ nhặt và chúng con cảm thấy thích thú khi được lễ lạy.

Hôm qua, chúng con thọ nhận thức ăn cúng dường của các Phật-tử vùng Los Angeles, và mỗi lần thọ nhận là một kinh nghiệm khiêm nhường. Riêng bản thân chúng con thì không có công đức gì cả. Chúng con nhờ vay mượn phước đức của Sư Phụ mà nhận được sự đối đãi tử tế này. Thực sự, nếu không có lòng tín ngưỡng Sư-Phụ của những người cư sĩ ấy, thì cuộc hành trình này sẽ không thể nào thực hiện được. Rất có thể chúng con đã bị đói khát, hoặc bị cướp bóc và đánh đập mỗi tối những khi ngừng lại để nghỉ ngơi.

Hồi quang phản chiếu như thế này mới thấy rõ trách nhiệm của người xuất gia trong mọi thời khắc--học làm cách nào để cư xử với người cư-sĩ, với những người xuất gia khác, với người Mỹ và với tất cả mọi người cho đúng đắn. Ðây là thời điểm dành cho chúng con tự học làm thế nào để đại diện cho Phật-giáo, nhận lãnh trách nhiệm đối với giáo-pháp mà chúng con đã thọ học và thực hành cho đúng.

Chánh hạnh là việc rất khó, cũng khó như lễ bái; và chúng con sung sướng được có dịp học hỏi.

******

Sáu giờ sáng.

Sư-Phụ từ giám,

Vì có một nam cư sĩ sắp trở về Kim-Sơn Tự nên đây là thư viết vội.

Tiến trình của chúng con rất chậm chạp--khoảng mười dãy phố mỗi ngày. Hiện giờ chúng con đang ở tại trung tâm thành phố Los Angeles; và mặc dầu nơi này có những tòa nhà to lớn với các lề đường rộng rãi, nhưng chúng con nhận thấy nó còn đáng gờm hơn cả khu Lincoln Heights hay phố Tàu nữa. Những cư dân giàu có ở đây (1) không muốn chúng con trên các vỉa hè của họ, và trên mặt đều phảng phất vẻ ghét bỏ không tình người khi trông thấy hai người xuất gia sám hối dưới chân họ. Một bà khoảng bốn mươi ngoài, ăn mặc lịch sự, đứng cách đầu chúng con mấy inches, dậm chân chỉ chỏ và nghiến răng nói: "Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ? Hành động ấy thật đáng ghê tởm tại xứ Hợp Chủng Quốc này!" Thầy Hằng-Triều thường không nói chuyện với những người không thành tâm hỏi han, nhưng câu trả lời mà Thầy dành cho bà này hẳn sẽ là: "Vâng, bà nói đúng. Và đó chính là vấn đề. Ðất nước này vẫn còn rắc rối cho đến khi nào việc lễ lạy này không đáng ghê tởm nữa!"

Ngủ đêm ở thành phố này thật rất hồi hộp. Chúng con cố tìm một chỗ gần nơi lễ bái để đậu xe van, nhưng tối qua một tên trộm khác thò tay qua cánh cửa bỏ ngõ. Hắn lẳng lặng bỏ đi khi chúng con đóng cửa xe lại. Chúng con thức giấc đúng giờ và chuẩn bị buổi công-phu khuya, nhưng vẫn còn cảm giác bất an. Thầy Hằng-Triều kể là tối qua con có thức dậy và bắt đầu nói sảng trong cơn mê về việc "đợi vị hộ-pháp ngay bên góc phố cạnh nhà băng." Thầy ấy nói rằng con nói bằng tiếng Hoa khoảng ba phút trước khi ngủ thiếp đi. Con nói huyên thuyên trong khi vẫn say ngủ.

Khẩu vị của chúng con giảm dần. Chúng con ăn ít lại và lạy nhiều hơn. Nhịp độ của chúng con vẫn còn chậm chạp--như tốc độ thỉnh Pháp tại Kim-Sơn Tự. Phương pháp tu hành này thật rất tuyệt diệu.

Ðệ tử Hằng Thật và Hằng Triều

kính cẩn đảnh lễ.

*******

Chú thích:

(1) Ða số là người Mỹ da trắng.

******

Những kẻ theo phái Moonies ở Beverly Hills

Thứ ba, ngày 24 tháng 5 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Chúng con sắp sửa đi qua Beverly Hills--tiến triển tuy chậm nhưng đều đặn. Khi sự giao thông mau chóng và khách bộ hành đông đúc thì dễ gia tăng tốc độ lễ lạy mà lại không hay biết. Thế nên chúng con phải ý thức dụng công giảm tốc độ lễ lạy theo một nhịp điệu dễ nhớ và kết quả là chúng con trở thành vô hình đối với nhiều người. Los Angeles di chuyển quá nhanh đến nỗi chúng con giống như cây cối, đá sỏi hay các cột sắt đồng hồ đậu xe đối với phần lớn những người ngồi trên xe hơi phóng vụt qua; những người khi trông thấy chúng con liền quay kính xuống mà mắng nhiếc, chửi thề, bóp kèn inh ỏi, la hét, cười cợt, thậm chí có nhiều người còn chạy xe chậm lại để khuyên lơn ("đứng dậy," "đi về đi," "cút khỏi đường lộ").

Thỉnh thoảng cũng có người khen ngợi chúng con. Miột số nghĩ rằng chúng con là người theo Hồi-giáo, theo phái Hare Krishnas, hay Moonies, nhưng thường thì người ta nhận ra chúng con là tu sĩ Phật-giáo. Trẻ con tỏ ra cởi mở, hăng say, trong trắng, thánh thiện.

Mặc dầu chúng con không thể ở cạnh Sư-Phụ vào ngày lễ Phật-Ðản, Thầy Hằng-Triều và con ước muốn lạy Sư-Phụ chín lạy trong dịp này. Chúng con bao giờ cũng nghĩ tới sự may mắn gặp được Chánh Pháp ở phương Tây này của mình.

Nhờ lòng đại từ bi cùng nguyện lực của Sư-Phụ mà việc mang lại lương dược cho chúng sanh đã xảy ra; cuộc đời chúng con có được một mục đích hữu ích và một chiều hướng tích cực để noi theo. Tu Ðạo là một kho tàng vô giá!

Khi chúng con thành tâm thì kết quả lập tức hiển hiện--vẻ giận dữ trên mặt biến mất--sự căng thẳng từ các nhóm người đứng ở góc đường tụ tập lại để nhìn chòng chọc vào chúng con cũng tan biến, và ngay cả khí nóng trong không gian dường như cũng dịu đi chút ít. Nếu chúng con vọng tưởng hoặc trong lòng có nóng giận hay sợ hãi, thì không có sự cảm ứng nào xảy ra khi chúng con lạy vào một khu vực đông đúc cả; hoặc tệ hơn nữa, là sự căng thẳng phát sanh và người ta trở nên nóng nảy hay bực dọc khi chúng con lạy ngang qua mà kết quả là chúng con nhận lãnh thêm nhiều lời nguyền rủa, giận dữ và lo sợ từ đám đông. Sự gay go là một cơ hội hiếm có cho việc tu hành.

Cuộc hành trình được suông sẻ là nhờ các vị Hộ pháp và sự cam go trên đường phố làm cho cuộc hành trình trở thành một công việc gian nan, thực tế và tốt đẹp. Nhiều sự mầu nhiệm trong chuyến đi này và sự hiện diện của Sư-Phụ luôn luôn kề cận.

*****

Quán niệm của Hành giả

Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 1977.

Kinh nghiệm này thật phong phú cho việc học hỏi, thử thách, và thấy rõ được đủ hạng người và hoàn cảnh. Thầy Hằng Triều và con có nói về những cảnh giới chúng con gặp và việc áp dụng những đạo lý đã được học để giải quyết các vấn đề của chúng con. Lần nào chúng con cũng đều tìm ra vấn đề là do khiếm khuyết trong nhận thức về thực tế của chúng con, do sự vướng mắc, do phiền não, hoặc do một sự bám chấp; chúng con biết rằng chúng con đã tìm thấy căn nguyên của vấn đề và sau đó cảnh giới gần như ngay lập tức được tự giải quyết.

Không phải là điều dễ dàng để hành giả luôn luôn duy trì quán niệm - đặc biệt là ba điều: kiên nhẫn với mọi cảnh giới, từ bi đối với tất cả chúng sanh - thậm chí ngay cả khi các ma quỷ đến khiêu khích chúng con, và lòng xấu hổ - mọi lúc mọi nơi đều luôn nhớ tới những lỗi lầm và khuyết điểm của mình. Khi ba pháp này luôn ở trong tâm con, một loại quyết tâm cứng chắc như kim cang luôn hiện hữu, người khác nhìn xuyên qua con và thay vì thấy con họ lại thấy Kinh Hoa Nghiêm. Đây là điều mà con đang dụng công, con phải làm cho hành vi của mình luôn thanh tịnh. Công việc bây giờ là học hỏi làm thế nào để hành xử đúng đắn như một Tỳ Kheo. Công việc này sẽ không uổng phí!

         

******

Quá nhiều sân hận trên thế giới

Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Xin Sư Phụ đừng lo lắng cho chúng con--Thầy Hằng Triều và con đều mạnh khỏe cả--chúng con đạt được một nhịp độ đều đặn--và mỗi ngày lạy khoảng năm tiếng rưỡi tới sáu tiếng đồng hồ. Chúng con bắt đầu lạy lúc bảy giờ sáng, đến mười giờ rưỡi thì nghỉ một tiếng để viết thư và sửa chữa đồ đạc mang theo hay ngồi thiền--rồi lại khởi hành lúc một giờ trưa và lạy cho đến sáu giờ chiều, cứ sau mỗi tiếng đồng hồ thì có hai mươi phút nghỉ ngơi tịch tĩnh. Ðến sáu giờ chiều chúng con tìm chỗ đậu xe qua đêm, tắm rửa, ngồi thiền và chuẩn bị tụng kinh tối. Chúng con nghe Kinh Hoa Nghiêm mỗi đêm--con đọc và dịch từ Chương Một--vì chưa có máy thâu băng nên chúng con chưa thể nghe băng của Sư-Phụ giảng được--và sau đó chúng con tụng Chú Lăng Nghiêm bốn mươi chín biến (phần ngắn), rồi nghỉ ngơi, mệt nhừ như những đứa bé nô đùa ngoài sân cả ngày. Con quên nói thêm là chúng con dậy lúc bốn giờ sáng, làm lễ công-phu khuya, tập thể dục, và chuẩn bị khởi hành vào khoảng bảy giờ sáng. Khi để thành phố lại đằng sau, chúng con có thể tăng thêm giờ lễ lạy mỗi ngày.

Thể xác chúng con đã từ từ thích nghi với công việc. Mỗi tối đều mệt nhừ và mỗi sáng đều sẵn sàng để đi nữa. Chúng con đã tháo găng tay từ tuần trước vì cảm thấy mang như thế là không thành tâm lắm. Các vỉa hè này khá nhẵn nên chúng con sẽ không cần găng tay cho tới khi nào gặp phải những mảnh thủy tinh và đá sỏi trên lề xa lộ. Chúng con cũng gỡ kính râm ra vì người ta cứ ngỡ chúng con là bọn cướp phi-cơ. Do lạy quá nhiều nên đầu gối bên trái của con bị bầm sâu, nhức nhối, thế nên con bắt đầu dùng miếng độn bảo vệ đầu gối cho đỡ đau mấy bữa nay. Nhờ có miếng độn con mới có thể lạy được nguyên ngày--hôm qua chúng con lạy được sáu tiếng hai mươi phút. Khi vết bầm lành thì con sẽ lấy miếng vải độn ra. Thầy Hằng-Triều vẫn đội mũ để che những vết đốt xuất gia trên đầu, chúng sẽ lành nội trong một tuần. Chúng con dứt tuyệt mọi lời nói vô ích--phải bít kín lỗ thủng ấy.

Chúng con đã lạy qua khu Beverly Hills và nay đang ở gần trường Ðại-học U.C.L.A. tại Westwood. Cuối tuần tới có lẽ chúng con sẽ ra khỏi Santa Monica và đến Xa-lộ số 1, sẵn sàng để đổi xe van lấy xe đẩy và bắt đầu lộ trình dài về hướng bắc đến Vạn-Phật-Thành. Mỗi lần nghĩ tới Vạn-Phật-Thành, con lại mường tượng đến một ngọn đuốc sáng rực trong đêm tối. Viễn ảnh của Sư-Phụ về một thành phố Phật-giáo đặt trên nền tảng của đạo-lý chân và thiện, là thứ lương-dược tốt nhất cho tất cả chúng sanh. Ðôi khi, trong lúc lạy ngang qua Los Angeles, con thấy xúc cảm đến rơi lệ--những giọt lệ sung sướng về triển vọng và thiện hảo dành cho phương Tây. Chúng ta có thể thay đổi đời mình và quay đầu hướng thiện; và giờ đây, chúng ta có được một con đường để đi lên, và con đường ấy sẽ mang chúng ta cùng cha mẹ, bạn bè già trẻ của chúng ta trở về một nơi thanh tịnh, quang minh, quân bình, hòa hợp. Con không quan tâm cho dù đoạn đường từ Los Angeles đến Vạn Phật Thành là 70.000 dặm thay vì 700 dặm. Con vẫn cảm thấy đi và lạy từng bước trên đường Ðạo là niềm tin thiêng liêng của mình.

Ðệ tử Hằng Thật kính cẩn đảnh lễ.

******

Sư-Phụ từ giám,

Phạm quy-củ, làm bể kiếng

Thầy Hằng-Thật và con nhận thức được chân lý: nếu chúng con giữ giới luật và quy-củ thì mọi việc đều êm xuôi, tốt đẹp. Ngày nọ, vì nghỉ ngơi quá lâu sau khi thọ trai nên chúng con đến chỗ bái lạy trễ cả nửa tiếng. Trong khi chúng con đang kề cà nơi tiệm xăng thì bỗng có một chiếc xe van màu đen chạy lướt tới và đụng bể kiếng chiếu hậu của xe chúng con. Quả báo này phản ảnh lỗi lầm: phạm quy củ, làm bể kiếng chiếu hậu. Bây giờ, mỗi lần con phải ngóng cổ ra để xem chừng xe cộ những khi muốn quẹo vì không có kiếng chiếu hậu, con lại nhớ tới lỗi lầm ấy và ý thức rằng lần sau có thể sẽ đến phiên cái đầu của con!

Lạy, lạy, lạy--hãy lạy mãi. Con có quá nhiều kiêu ngạo mà lại không tự thấy được; con chỉ nhận ra nó từ khi bắt đầu lễ lạy. Giống như hơi thở--quá vô ý thức, quá tự động và máy móc. Chỉ đến khi ngưng thở rồi thì người ta mới nhận ra hơi thở quan trọng đến thế nào. Cũng vậy, chỉ khi bắt đầu lễ lạy con mới thấy tánh kiêu ngạo của con lớn cỡ nào. Bái lạy nâng bổng sức nặng ấy khỏi thân thể của con. Cảm giác an lạc nhẹ nhàng luôn theo sau lễ lạy  -- lạy trong vòng ảo thuật (magic circle).

Vài mẫu đối thoại:

Hai bà lão vây lấy chúng con. Họ có vẻ thân thiện với nhau, nhưng dường như laị không phải thế.

Bà lão thứ nhất: Trông thật tức cười!

Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!

Bà lão thứ nhất: Tức cười!

Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!

*******

Ba cô gái ồn ào như say thuốc (hyped-up) đi ngang qua, nhanh nhẩu hỏi: "Các ông làm gì vậy? Các ông định đi đâu thế?"

Tăng: Như chỗ mà các cô sẽ đi đến--không nơi nào cả.

Các cô: Tại sao các ông phải lạy sụp xuống đất như thế?

Tăng: Ðể chúng tôi khỏi bị lạc đường--vì nếu cao quá thì sẽ dễ bị lạc.

Các cô: Các ông ngủ ở đâu? Nhà trọ ư?

Tăng: Trong túi ngủ (sleeping bags).

Các cô: Tại sao các ông không lái xe thẳng đến Phật-Thành này, như thế có phải nhanh hơn không?

Tăng: Thế thì quá dễ. Mọi người đều có thể làm được.

Các cô: Các ông có thuộc phái Hare Krishnas không?

Tăng: Không!

Các cô: Họ cũng cạo đầu vậy?

Tăng: Chỉ giống đến đó thôi.

Các cô: Chúng tôi không hiểu. Tôi muốn hỏi là tại sao các ông phải lạy như vậy?

Tăng: Ðể tẩy rửa hành vi tạo tác của chúng tôi, và hy vọng dẹp trừ được tất cả sự thù hằn, làn sóng xấu xa trên hành tinh này.

Các cô: Chúc các ông may mắn!

Thêm nhiều mẫu đối thoại:

Một cô gái nhỏ đẩy chiếc xe đồ chơi hotwheels lướt tới, từ từ dừng lại cách thầy Hằng Thật vài tấc, và mở to cặp mắt, hỏi: "Ông đang làm gì vậy?" Con giải thích cho cô bé ấy nghe. Lát sau, khi chúng con ngừng lại để nghỉ mệt thì cô ta lại mon men tìm đến: "Tại sao các ông lại dừng?"

Tăng: Chúng tôi không dừng.

Cô bé: Nhưng các ông không lạy nữa.

Tăng: Chúng tôi vẫn lạy bên trong.

Cô bé (im lặng và ra chiều suy nghĩ): Ồ!

Một cô gái lớn tuổi hơn có vẻ bực dọc hỏi: "Thế thì đây là cái gì ?"... Nói chuyện với cô ta không đi đến đâu cả. Cuối cùng cô ta nói: "Vậy ông cứ tin những gì ông đang tin tưởng; tôi cũng vẫn giữ niềm tin của mình. Ông không thuyết phục tôi và sẽ không thay đổi ông!"

Tăng: Cô tin tưởng ở ai?

Cô gái: Tôi tin tưởng ở Chúa.

Tăng: Tôi cũng vậy. Tôi tin tưởng tất cả.

Cô gái (nhấn mạnh, chán chường): Nhưng tôi chỉ tin ở một mình Ðức Chúa mà thôi!

Tăng: Thế Ðức Chúa duy nhất ấy của cô có chỉ tin ở cô mà thôi không?

Cô gái: À, à, ...tự bảo trọng (lẩm bẩm đi khỏi.)

Tăng: Cô cũng thế!

Một chiếc xe hơi bóng loáng chạy rít đến: "Ô hô, ô hô, này - này, các người đang làm gì vậy? Các người có phải là Krishnas không?"

Tăng: Không! Chúng tôi là tu-sĩ Phật-giáo.

Cô gái: Cái gì?

Tăng: Phật tử. Tu-sĩ Phật-giáo.

Cô gái: Ồ, tu-sĩ Phật-giáo! Hay lắm! Tôi thích lắm. Tôi thích lắm

Một người đàn ông lớn tuổi: "Họ ở trong giáo-đoàn đấy. Ðây chỉ là một phần thử thách mà họ phải trải qua để được gia nhập vào giáo-đoàn."

Một bà lão nhìn với ánh mắt nghi ngờ và suy xét trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà nói: "Ðược, cầu Trời ban phước lành cho các ông!" rồi liền rời khỏi.

Thầy Hằng Thật thêm vào: Tôi nghĩ là chúng ta thoát (passed) rồi!

Một thanh niên nhiếp-ảnh thành tâm đến xin chụp hình làm tài liệu: "Quý vị có biết không, có cái gì đó thật đẹp, thật tuyệt vời quanh quý vị. Tôi có thể thấy và cảm nhận rõ ràng."

Hai bà lão cùng đi bộ, đi dựa vào nhau, họ ngừng lại kiên nhẫn quan sát, đợi dịp nói chuyện. Một bà lão rụt rè xin phép được quấy rầy chúng con trong chốc lát.

Bà lão: Tôi không cần biết tôn giáo của các ông là gì. Tôi nghĩ rằng cầu nguyện như thế này thật là kỳ diệu, phi thường. Chúng tôi thật rất khâm phục các ông.

Tăng: Thế giới này đầy dẫy thù hận, nếu chúng ta có thể chuyển thù hận thành hoà bình...

Bà lão: Vâng. Tôi tin chắc rằng những ai quấy rầy các ông sẽ tìm được đôi chút an lạc cho chính họ!

Hôm nay là ngày "gió lớn"!

Ðệ tử Quả Ðình kính lạy

****** *

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà!"

Ngày 8 tháng 6 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Chúng con lái xe đến trước để xem xét đường sá: bên này là những dốc đá thẳng đứng, còn bên kia là những ngôi nhà tư nhân nằm dọc theo bờ biển--được bảo vệ bởi những hàng rào kẽm gai và các bảng hiệu ngăn cấm đe dọa để bảo vệ. Từ đây cho tới Malibu, hay có thể xa hơn nữa, cũng đều như thế cả. Chúng con bất đắc dĩ phải quyết định giữ chiếc xe van thêm ít lâu. "Ðừng bó buộc...hãy thuận theo nhân duyên."

Có quá nhiều điều phải học để làm tăng-sĩ: oai nghi, giới luật, cách hành lễ, lúc nào thì nên nói và lúc nào thì nên im lặng, nên nói với ai và nên tránh những ai. Mọi việc sẽ đến từ từ và khó làm. Thường thì con học được một cách lẹ làng, nhưng ở đây không phải là vấn đề bắt chước hay mô phỏng theo một cách đơn thuần, mà là sự chuyển đổi từ trong ra ngoài. Nói một cách khác, sự nhận thức phải phát xuất từ bên trong. Không thể gian dối, giả tạo. Cả tâm lẫn trí đều phải chuyển đổi; và công việc ấy đòi hỏi phải có thời gian, một vị thầy giỏi, đức tánh siêng năng, cần mẫn, và lòng kiên nhẫn. Trong khi đó, con cứ phạm lỗi từ những sai sót, cẩu thả nhỏ nhặt cho đến những lỗi lầm nghiêm trọng, to tát. Một tăng-sĩ giả dối chắc sẽ bị mọi người nhìn thấy rõ ràng, đặc biệt là chính bản thân vị tăng-sĩ ấy.

Thầy Hằng-Thật khổ não vì phải chiến đấu với bệnh tiêu chảy suốt cả buổi chiều. Không than van--chỉ chịu đựng. Nay thầy ấy đang ngủ li bì như chết, người dựa vào chiếc bánh xe xơ-cua (spare tire). Sau bữa cơm trưa thì những tiếng còi xe và tiếng la hét bắt đầu trở lại. Một chiếc xe chạy đến: "Ê! Tụi bay có muốn một điếu ma-túy không?" kèm theo đó là những lời chửi rủa tục tĩu về Chúa Giê-su. Cảnh sát (đó là cảnh sát của quận Los Angeles) ngừng lại để xem xét nhưng không tra hỏi gì chúng con cả. Khi thấy chúng con lạy ngang qua, mấy con chó nhỏ chạy đến bên hàng rào sủa lên vài tiếng, thi hành phận sự canh gác của chúng trong những sợi dây màu hồng. Và mọi người chạy bộ chầm chậm ở đây. Từ lúc chúng con thức giấc cho đến khi đi ngủ, tiếng giày quần vợt (tennis shoes) dậm rầm rầm và tiếng người thở hồng hộc không ngừng bao quanh chúng con. Người ta cũng khá ôn hoà và dễ chấp nhận. Chúng con lạy ngang qua như một giọt nước chảy xuôi theo rãnh nước sau cơn mưa lất phất: không bị chú ý, không gặp trở ngại.

Con hy vọng tất cả mọi người tại Chùa Kim-Sơn đều được mạnh khỏe. Chúng con rất nhớ những buổi giảng kinh. Mỗi buổi tối chúng con đều có xem Kinh Hoa-Nghiêm vào cùng một giờ giấc như mọi người.

Hôm nay chúng con rất mệt nhọc và lại bị rám nắng. Chúng con lạy sát bên đường lộ (vì không có vỉa hè dành cho khách bộ hành mà chỉ có lề xa lộ nhỏ hẹp) theo kiểu luân phiên nhau để được dễ nhận thấy hơn. Tấm áo tràng dài phủ chùng xuống của chúng con quả là những bửu bối bảo đảm an toàn giao thông thực sự: rất dễ nhận diện cùng với những cái đầu cạo nhẵn thín! Từ bãi biển, có vài người la ó: "Về nhà đi, mấy gã trọc đầu!" Con tự nghĩ: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà--thực sự trở về nhà!"

Vào năm phút cuối trong ngày, trên con đường tấp nập, dơ bẩn này, bỗng có một người đàn ông và một người đàn bà tiến đến. Người đàn ông lạy một lạy đảnh lễ, xong dúi vào tay con một vật gì đó, và nói "chúc bình an" hay là "xin vui lòng" gì gì đó (tiếng xe vận tải chạy bằng dầu cặn quá ồn ào đến át cả tiếng nói, nên nghe không rõ), rồi vội vàng bỏ đi. Ðó là một tờ giấy bạc 50 dollars--nửa bức tượng Phật cho Vạn-Phật-Thành.

Ðệ tử Hằng Triều kính lạy

*******

Nói thì dễ mà làm thì khó

Ngày 10 tháng 6, năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Chúng con đậu xe taị bờ biển Will Rogers; với bên trái là sóng biển Thái-bình-dương, và bên phải là Xa lộ 1 như một con sông bằng kim-loại đang lưu chuyển. Khi lễ lạy, chúng con đã tự tạo ra những làn sóng nhịp nhàng riêng biệt, và núi non dường như đang cúi mình xuống bờ biển trong một dáng điệu thật uyển chuyển, sống động, tưởng chừng như chúng cũng đang lễ lạy trong Pháp-thân của Ðức Phật Tỳ-Lô-Xá-Na.

Cơ hội tu hành theo con đường Trung-đạo của Ðức Phật dưới hình thức một cuộc hành trình như kiểu "Ba Bước, Một Lạy" thì thật là kỳ diệu. Có người mong mỏi một cơ hội như thế, nhưng lại không thể nào tìm được. Con ghi chép về việc tận dụng cơ hội này vào sổ tay và con sẽ gởi nó (một bài luận văn dài) về Vạn-Phật-Thành khi cuốn tập đã đầy chi chít. Nói tóm tắt, thì bài luận văn ấy nói rằng tu Ðạo muốn thành tựu thì không thể cẩu thả, giải đãi, hay chỉ tu bán thời gian, hoặc bất cứ hình thức tu tập nào mà không luôn hoàn toàn thành tâm trong mọi thời khắc. Không thể gian dối, ham nghỉ ngơi. Chúng ta phải thực tâm muốn hành đạo Bồ-tát, và muốn làm cho toàn bộ công việc khống-chế thân, khẩu, ý trở thành một nề nếp tự nhiên và chân thật của đời sống phát xuất từ cốt tủy/tự tánh. Không có gì khác hơn. Nếu cố gắng hành động có đạo đức được một lần rồi lần sau lại quên bẵng đi, thì đó không phải là Ðạo (con đường) của Ðức Phật! Ðể thực sự xứng đáng với sự giáo-huấn của Sư-Phụ, để trở thành con thuyền có giá trị đối với Ðạo Pháp, thì sự tu hành của chúng con cần phải luôn luôn đúng đắn và chân chánh trong mọi thời khắc. Ðối với con, điều này có nghĩa là lúc lễ lạy con nên lễ lạy mà không có bất cứ một vọng tưởng, một dục niệm, một sự trông chờ, hay một điều mong cầu, ao ước nào cả. Và rồi, khi công việc lễ lạy hoàn tất, thì phải hành động một cách vô tư, không ích kỷ, không mong cầu, không có những ý nghĩ ích kỷ, và chỉ hành động thuận theo lẽ phải; cho nên, mỗi tình huống đều phản ảnh quá trình tu tập và sự nhận thức của một tu-sĩ ở Chùa Kim-Sơn. Thái độ của chúng con khi ở ngoài đường phố chính là thái độ khi ở tại Chùa Kim-Sơn, chẳng có gì khác biệt.

Ðó là lý tưởng và nói thì dễ mà làm thì khó; và muốn cho lý tưởng ấy trở thành sự thật thì cần phải chuyển hóa toàn bộ tự tánh của con. Ngoài ra, không có gì khác có thể đáp ứng được lý tưởng này. Và nếu cứ chậm chạp như chúng con hiện nay, thì có lẽ chỉ vưà đủ thì giờ để đập bể cái "thùng sơn đen." Không lâu quá một phút, và sự kiện này khiến con thật lấy làm xấu hổ. Việc lễ lạy hằng ngày cho thấy là con có đủ lượng tham, sân, si bằng bất kỳ ba người nào. Và như thế có nghiã là con phải siêng năng, tích cực gấp ba lần để sửa đổi; và nếu con được trở nên hữu dụng cho Tam-Bảo, thì đó chính là mục tiêu mà công việc sửa đổi này đang nhắm tới.

Ðệ tử Hằng Thật kính lạy.

********

Vọng Tưởng Gây Ðau Ðớn

Sáng nay (ngày 7 tháng 6), khi lạy dọc theo Pacific Coast Highway, con bắt đầu vọng tưởng về một lá thư mà con cần phải viết. Ðột nhiên con thấy nhức đầu dữ dội--tưởng chừng như có một cái đinh điện đang xoáy vào đầu vậy. Lập tức, con niệm Phật và cơn đau biến mất trong vòng 30 giây.

Tại Kim-Sơn tự, trước kia cũng xảy ra tương tự như vậy ngay trước bàn thờ Quán-Âm. Cơn đau như một lằn sét đánh và hầu như đã hạ gục con. Sự buốt nhói dần dần lắng dịu xuống khi con bắt đầu niệm Phật.

Dường như lúc bên ngoài tĩnh lặng nhất, thì bên trong lại ồn ào đến điếc tai. Lạy dọc theo công viên ven biển lặng yên, sương mù mờ mịt này tưởng chừng như dễ tập trung tư tưởng lắm. Nhưng bởi một vài nguyên do nào ngờ đó, cái tâm điên cuồng của con lại chạy quay tán loạn, tốc độ thật mau: cố nhớ tên những người bạn cũ, những thức ăn thú vị, những chuyến du lịch thuở xưa, gia đình con. Một số vọng tưởng là "thiện," một số vọng tưởng là "ác". Có vẻ chẳng thành vấn đề gì cả. Ðiểm chính là chúng đến và đến mãi như những làn sóng nhấp nhô vỗ về bãi biển dưới kia. Chuyển động liên tục: biển cả và tâm trí con. Con không thể tưởng tượng nổi là con có thể thực sự ngăn chặn được "cái tâm điên cuồng". "Kiên nhẫn, kiên nhẫn, phải kiên nhẫn!"

Ngay tại điểm này, con cảm thấy được là nó muốn vụt trào ra. Khí lực và sự căng thẳng chồng chất, và nếu con không chú ý kỹ thì sự giận dữ sẽ bùng nổ, hoặc mắt con sẽ bắt đầu đắm vào ngoại cảnh, tai con sẽ để ý và bám theo âm thanh, con cảm thấy bực bội và mất kiên nhẫn--"lửa nổi lên", và nếu con cẩu thả, vụng về thì nhiều nghiệp xấu sẽ chuyển vận thêm. Lắm khi lạy ngang qua những băng đảng phá phách hay những nhóm thợ xây cất hằn học mà còn dễ chịu hơn là lạy qua một công viên yên tĩnh! Nguy biến bên ngoài bắt buộc bên trong phải hoàn toàn chú tâm: bên ngoài êm dịu dễ chịu thì bên trong lại tự do giải đãi, tán loạn.

Ðệ tử Quả-Ðình kính lạy.

* * * * * *

Có vẻ "ngu đần" trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường

Thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Lạy ngang qua lề đường đầy dẫy những dầu, mỡ, mảnh chai lọ bể và ghét bẩn của nhựa đường làm lem luốc cả áo tràng lẫn y cà-sa...tăng y đầy dầu.

Tại bãi biển. Từ đàng sau vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ: "Này, bộ các ông không tự thấy mắc cở sao?" Chúng con vẫn cứ lạy. Lại nữa: "Này, các ông đang làm gì thế?" Con trả lời: "Chúng tôi là những tu-sĩ Phật-giáo. Chúng tôi đang cầu nguyện. Ông đang làm gì?" Ông ta đáp lại không chút do dự: "Ngóng đợi các ông thành những kẻ ngu đần."

Nhìn sang bên tay trái, con thấy có hàng loạt người mặc đồ tắm đang chơi bóng chuyền, tắm nắng, bơi lội, lướt sóng, chèo thuyền, ăn uống--hưởng thú vui chiều thứ bảy trên bãi biển. Ðôi khi con có vẻ rất "ngu đần" đối với chính mình. Nướng mình dưới cái nắng cháy người này trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường, phủi miểng chai cùng cát sạn dính ở tay và trán..., ngay lúc này, con thấy mặt nước kia trông thật quyến rủ. Dầu sao, con cũng đã hưởng qua những thú vui tắm biển và phơi nắng đó rồi, cho nên con sẽ tiếp tục công việc tu hành này nhiều hơn. Song le, mặt biển vẫn có vẻ như mời mọc và chúng con trông vẫn "ngu đần". Ngay đó, con sực nhớ lại lời nguyện của mình và tâm trí con đã sáng suốt, an lạc như thế nào khi phát nguyện; và đột nhiên việc lễ lạy và sạn sỏi và miểng chai đều cảm thấy như đang ở tại nhà. Chưa bao giờ vui sướng hơn, không bao giờ có vẻ "ngu đần" nữa. Kinh Hoa-Nghiêm dạy: "Tất cả niềm vui trên thế gian này đều là đau khổ." Chúng con tìm được phản đề cũng xác thực như vậy: "Tất cả nỗi đau khổ trong khi tu hành đều là nguồn vui."

Ðệ tử Hằng Triều

kính cẩn đảnh lễ

*******

Một bài thực tập khác về hạnh "quên mình vì người"

Ngày Lễ Lao-động cuối tuần.

Kính bạch Sư Phụ,

"Bồ tát, thiên, long đến không vui,

Tà ma, ngoại đạo tới chẳng buồn."

Lắm khi thật khó mà kiềm chế được cảm giác vui mừng tột độ. Hôm nay tâm con tràn đầy niềm vui--con khó thể dằn lòng được. Cảm giác ấy tựa như tất cả các dịp lễ Phật-đản, Sinh-nhật Sư-Phụ và Vu-lan đều được gộp chung lại thành một món quà bất ngờ--một chuyến viếng thăm từ hư không của Sư-Phụ cùng với mười bốn hành giả và đạo hữu từ Chùa Kim-Sơn.

Nhân dịp gì? Chỉ là một bài thực tập khác về hạnh "quên mình vì người" của hàng Bồ-tát. Có nơi nào khác trên thế giới này có những người như những người này, thức dậy lúc bốn giờ sáng, rồi từ San Francisco lái xe suốt 350 dặm về hướng nam để tới Santa Barbara, chỉ để mang thức ăn trưa và động viên, khuyến khích hai thành viên của gia đình đang trên một cuộc hành trình làm việc dài dằng dặc? Không thể diễn tả được! Làm thế nào mà họ tìm ra chúng con-- phân nữa bị che trong bóng mát tách khỏi xa lộ độc nhất bên ngoài thành phố Santa Barbara? Vì sao mà cả Thầy Hằng-Triều và con đều linh cảm là hôm ấy sẽ có chuyện đặc biệt xảy ra? Sáng nay Thầy Hằng-Triều nói: "Hôm nay chúng ta hãy lạy ở phía ngoài và để cho dễ thấy." Tại sao vài tiếng đồng hồ trước khi mọi người tới, con lại đi quét dọn chỗ ngồi dưới một tàng cây khuynh diệp--chính là gốc cây mà chúng ta đang ngồi này? Tại sao cả ba chiếc xe theo nhau chạy hết tốc độ, không bị giấy phạt, đều phải hỏi khách qua đường mới biết đường đi, mà lại có thể đến đây cùng một lúc--ngay trước giờ thọ trai--được chứ? Chỉ duy nhất là do thiện-lực mới có thể khiến cho điều kỳ diệu nhỏ nhoi mà chúng con nhìn thấy hôm nay xảy ra được mà thôi. Tất cả chúng con đều được chứng kiến tận mắt một kỳ công của kỹ thuật thần-thông, điều thường hay xảy ra tại Chùa Kim-Sơn.

Như thường lệ, hôm ấy, chúng con đang ngồi trong xe van vào giờ thọ trai, vừa tụng xong bài kệ cúng ngọ và mới bới cơm ra chén. Trước khi kịp đút muỗng cơm đầu tiên vào miệng, con thấy đôi mắt Thầy Hằng Triều mở lớn rồi reo lên: "Sư-Phụ!" Con tự nghĩ: "Vô lý! Làm gì có chuyện đó. Nhưng, khoan đã! Mình từng biết cảm kích những chuyện không thể có!" Thầy Hằng-Triều lại reo: "Sư-Phụ!" Con quay nhìn và trông thấy Sư-Phụ, thân đắp tấm y vàng rực rỡ, đang băng qua những vệt nắng và tiến đến chỗ xe chúng con.

Kìa, tất cả đang bước đến--ba chiếc xe đầy những khuôn mặt rạng rỡ với ánh sáng từ nội tâm--Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni và các cư-sĩ--đối với con thì những bậc anh hùng, anh thư của Ðạo vốn chăm chỉ và có phẩm cách tốt này còn thân thiết hơn cả bà con ruột thịt: Thật là một chúng hội kỳ diệu và hiếm có!

Tất cả đồng ngồi xuống thọ trai và lắng nghe những mẫu chuyện cùng những lời thuyết giáo. Mọi người cười vui vẻ và chia xẻ thức ăn cùng các thức cúng dường với chư Pháp-hữu; sau đó, đại chúng lại đứng lên và ra đi tiếp tục cuộc hành trình diệu vợi trở về thành phố. Họ xuống đây chỉ để mang ánh sáng lại cho chúng con. Kỳ diệu trong kỳ diệu. Con tưởng như mình là người gỗ--sững sờ, bất động. Con muốn cảm ơn và đáp lại lòng tử tế cũng như việc làm của mọi người--nhưng chỉ biết dùng đôi mắt và một tấm lòng nói thay cho mình.

Ngồi cạnh Sư Phụ giống như ngồi cạnh dòng suối ánh sáng trong mát. Mọi ý niệm trong đầu (đầu của ai?) đều dứt bặt. Chú Ðại Bi dường như tự niệm--đều đặn và bình thường như nhịp đập của trái tim. Những cảm nhận đều trong sáng, sắc nét và thanh thản. Không còn âu lo, không còn áp lực. Ngay cả nếu con được giáo-huấn hay bị la mắng đều cảm thấy như nước cam-lồ. Con chắc chắn rằng ngồi trong Pháp-hội của Ðức Thế-Tôn cũng rất giống như thế này.

Sau đó, thật là bất khả tư nghị, Sư-Phụ đưa tay xoa đảnh đầu con và Thầy Hằng-Triều. Con cảm thấy khí lực như một luồng điện chạy xuyên qua tim xuống tới đầu ngón chân, và ngược trở lại. Khi búng đầu ngón tay vào trán chúng con, Sư-Phụ cười hỏi: "Chín chưa? Có chín không? Qủa dưa này chín tới chưa?"

Buổi chiều hôm đó, chúng con lễ lạy mà cứ như ở trên không. Chúng con ngước nhìn thấy một đám mây trắng lớn bằng cỡ vùng Sierra Madres bên dưới. Ðám mây độc nhất trên nền trời xanh thẳm này đang bay về hướng tây bắc và có hình dáng tương tự như một con rồng đang uốn lượn với đầy đủ các chi tiết như đuôi, tai, móng... Và khi trời chiều chuyển dần sang đêm tối, con rồng ấy bay xa dần về phương bắc. Chúng con có cảm giác là con rồng này đang bay lượn ở phía trên đoàn xe của các hành giả đang trên đường trở về Chùa Kim-Sơn.

Do đó có những ngày đặc biệt, khó lòng mà đè nén được nỗi vui mừng khôn xiết; và Ngày Lao-động 1977, cây khuynh-diệp cao thon, tàng cây "Bạch-hoa thọ" che mát bữa thọ trai doc bên xa-lộ Hoa Nghiêm, tất cả sẽ sống mãi trong ký ức chúng con. Có chia sẽ nhân duyên với những hành giả nguyện dành trọn cuộc đời để làm cho người khác được vui sướng mà không hề có mảy may ý nghĩ về bản thân của chính họ, quả thật sự là một cuộc sống đáng sống.

Ðệ-tử Quả Chân (Hằng Thật) kính cẩn đảnh lễ.

 

 

 

Sư Phụ và các đệ tử thọ nhận cúng dường vào buổi trai ngọ và cjia sẽ Phật pháp cùng các thí chủ cúng dường. (Mùa thu, 1977)

********

Sư Phụ từ giám,

Sáng chủ-nhật, khi đang lạy, con chợt thấy một cảnh tượng là mọi người ở Chùa Kim-Sơn đều đang có cơ hội tự thực hành hạnh lạy một lạy sau mỗi ba bước. Tại gia cũng như xuất gia, tất cả đều theo cái Pháp đặc biệt "tận hư không" của riêng chúng con. Vẻ mặt cùng sự hiện diện của mỗi người đều rạng rỡ và điềm tĩnh. Những gương mặt hân hoan dường ấy! Không một khuôn mặt nào lộ vẻ băn khoăn, nghi ngờ; mỗi mỗi đều dịu dàng, chân thành, rực sáng niềm vui! Thật là đặc biệt! Tuy mỗi người đều khác biệt nhau, song tất cả đều phản ảnh sự thanh tịnh và chân thật như nhau. Có một sự gắn bó mật thiết; một đại gia đình Pháp-hữu soi chiếu lẫn nhau.

Và rồi, thứ hai, ngày mốt, ai sẽ đến nữa? Sư-Phụ cùng tứ chúng! Con muốn ôm chầm lấy mọi người và tặng họ một vài thứ gì đó. Vài giọt lệ rơi vào tô mì sợi khi con mãi nhìn các gương mặt vây quanh; rồi lòng tốt được san sẻ và chói ngời khi mọi người cùng ngồi dưới những tàng cây khuynh diệp, nơi mà vài phút trước đây đối với chúng con chỉ là một trạm dừng chân tạm nghỉ mà thôi.

Tỳ-kheo-ni Hằng-Âm nhón chân đẽo khắc và ghi dấu kỷ niệm buổi họp mặt hôm nay bằng con dao Thụy Sỹ trên một thân cây khuynh diệp to lớn, trong khi một du khách tên Malcolm với dĩa thức ăn chưa được đụng đến đặt trên đùi đang ngạc nhiên trố mắt nhìn. Malcolm đã mang một trái dưa đến chia xẻ với hai tăng-sĩ trong một buổi thọ trai tịch lặng, và sau đó mọi người quen nhau. Với lòng từ bi quảng đại và khó cưỡng lại, Sư-Phụ ra hiệu mời anh ta cùng đến tham dự. Con thấy mình giống Malcolm một chút: không thốt nên lời và bị choáng ngợp bởi oai đức trang nghiêm của đại chúng.

Mọi người ra về cũng lẹ làng như khi đến. Sư-Phụ nói: "Không có vấn đề gì cả!" Một đám mây trắng lớn có hình dạng như con rồng dài chừng một dặm lơ lửng hàng giờ trên bầu trời đáng lẽ không có mây. Nỗi hân hoan và thư thái mà Sư Phụ mang lại cho nội tâm cùng công việc của chúng con, sẽ sống với chúng con qua nhiều dặm đường lễ bái.

Nhưng lại có việc còn kỳ diệu hơn nữa. Sư Phụ biết đích xác đoạn kinh văn trong bộ Kinh Lục-Tổ mà chúng con vừa xem đúng vào buổi sáng hôm ấy. Những lời bình phẩm, ám chỉ của Sư-Phụ về đoạn kinh văn ấy chỉ thẳng ngay trước mũi! Không những thế, Sư-Phụ còn biết được những ý tuởng thầm kín và những vấn đề rắc rối trong tâm con trong mấy ngày qua. Con chưa bao giờ nói với ai, ngay cả với thầy Hằng-Thật. Sư-Phụ cười và hỏi: "Vậy thì làm thế nào mà Sư-Phụ biết được?" Và thầy Hằng-Thật cũng gặp trường hợp tương tự. Sau khi mọi người rời khỏi, chúng con trở lại như những đứa bé mười tuổi, tươi cười và chuẩn bị đối mặt với những thử thách mới trên xa lộ Ngày Lễ Lao Động. "Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến Toàn Giác. Tôi hy vọng thế. Tôi ước ao như thế."(1).  Chúc tất cả được nhiều an lành trên đường Ðạo.

 

Ðệ tử Qủa Ðình (Hằng Triều)

kính cẩn đảnh lễ.

Chú thích:

(1) Lời trong bản nhạc "Study Buddhism": Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Âm phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).

 

**********

Tam Bo Nhat Bai 2

Những cư sĩ thường đến chỗ lễ bái, mang theo thực phẩm và sự khích lệ. (Mùa thu, 1977)

 

*************

Hai "tu sĩ" hành hung một thiếu niên

Ngày 16 tháng 6 năm 1977.

Sư-Phụ từ giám,

Chúng con hiện ở cách Malibu ba dặm và đang lạy dọc theo những rãnh nước và những lối xe chạy của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương (Pacific Coast Highway). Qủa-Shih và Woo Quả-Hương sẽ đến đây vào Chủ-nhật này với chiếc xe đẩy nhỏ mà chúng con đã đậu ở Chùa Kim-Luân, và họ sẽ lái chiếc xe van màu xanh lá cây về lại South Pasadena. Vùng ngoại thành Malibu trông giống như chốn thôn quê mở rộng và chúng con có thể sẽ tìm được những địa điểm để dựng lều cắm trại lúc về đêm. Bấy giờ, hương vị của cuộc hành trình sẽ thay đổi--không còn "nhảy cừu (leap-frogging)" băng qua traffic tới một khoảng trống đậu xe, và rồi đi bộ trở về nơi khởi điểm để lại bắt đầu lễ lạy. Nhưng để vượt qua những chặng đông dân cư trong cuộc hành trình, vượt qua Los Angeles, thì xe van là phương tiện duy nhất để di chuyển. Hiện tại, chúng con đang lạy trên con đường thênh thang với xe cộ vù vù lướt qua, chân lý của câu cách-ngôn: "Hễ đến được núi, tất có đường lên," thật là rõ ràng. Cái gì dưới con mắt của các tăng-sĩ và khách bộ hành như là một chặng đường hoàn toàn không vượt qua được, thì dường như nhìn từ đầu gối lại rất khác biệt . Chỗ trống để lạy luôn luôn hiện ra trước mắt chúng con một cách tự nhiên và không tốn công sức. Thật rất đáng ngạc nhiên. Có nhiều người tiến đến và hỏi: "Các ông đã lạy xuyên qua đó thật ư? Ở đâu?" Con hy vọng là khi chúng con gặp các xa lộ cao tốc thì chúng cũng giống như vậy.

Phật-tử Chùa Kim-Sơn từng được tiếng tốt với giới chức luật pháp--vì là những công dân biết sống hòa thuận, tôn trọng luật pháp, tuân theo luật lệ. Tuần vừa qua, tại Topanga, không cách xa đây lắm, đã xảy ra một vụ phạm pháp tệ hại: Có hai người đàn ông trẻ tuổi mặc áo tràng, đầu cạo nhẵn, được mô tả là rất giống chúng con, đã hành hung một nam thiếu niên 16 tuổi và dí dao vào người đứa bé ấy cả một tiếng đồng hồ. Hai nhân viên cảnh-sát Los Angeles đã chận chúng con lại, khám xét chúng con, và làm một loạt kiểm tra đối chiếu với các lệnh truy nã, thẻ căn cước (I.D.), vân vân.... Khi họ khẳng định rằng chúng con không phải là những kẻ mà họ đang truy lùng, họ mới dịu đi bớt (họ nói là họ nghĩ rằng hung thủ là người thuộc phái Hare Krishnas) và hỏi thêm đôi chút về cuộc hành trình của chúng con. Các viên chức cảnh sát đều có khả năng và họ ra đi sau khi chúc chúng con may mắn. Ba ngày sau (chiều qua), một đoàn gồm bốn chiếc xe tuần tiễu của cảnh-sát và một chiếc quân-nhu bao vây chúng con một cách bất ngờ. Không biết họ từ đâu hiện ra, mà tụ lại đông đảo như bươm đêm nhung nhúc chung quanh bóng đèn. Nhóm này không biết là đã có nhóm khác đến khám xét trước rồi, nên hầm hừ, thận trọng tiến đến hỏi: "Các ông có mang theo dao gì trong người hay không?" Thầy Hằng-Triều trả lời: "Chúng tôi không được phép mang theo vũ khí, vì như thế là trái với luật lệ." "Ồ! Các ông là Phật-tử hay là người theo phái Krishnas?" "Chúng tôi là Phật-tử!" "Ồ! Vâng, thì ra là các ông. Okay. Không có gì cả. Này, các ông lạy như thế suốt ngày phải không?" Thầy Hằng-Triều đáp: "Phải. Chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, rồi cầu nguyện, ngồi thiền, và đi lạy cho đến 10 giờ tối. Chúng tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm chay mà thôi." Có tiếng huýt gió thán phục, những nụ cười toe toét và những cái lắc đầu nhè nhẹ từ phía các cảnh sát viên: "Ồ! Mỗi ngày chỉ một bữa ăn duy nhất? Thôi được, hẹn gặp lại các ông sau. Hãy coi chừng xe cộ. Chúc các ông được may mắn!"

Bạch Sư-Phụ, chuyến viếng thăm Chùa Kim-Luân của Sư-Phụ đã đem lại cho chúng con một nguồn khích lệ vô hạn và đã điều chỉnh công việc của chúng con theo những đường hướng kỳ diệu. Ðược tận mắt nhìn thấy Sư-Phụ với tấm lòng bao dung, không ích kỷ, đầy đạo đức, và từ bi đã mang lại cho chúng con một niềm hoan hỷ lớn lao. Tại Chùa Kim-Sơn, thật dễ dàng để nương tựa vào sự hiện diện thường xuyên và đức hạnh mẫu mực hằng ngày của Sư-Phụ. Xa Chùa Kim-Sơn, trên đường phố này, va chạm với mọi tầng lớp từ khắp mọi nơi, chúng con càng nhớ và càng cảm kích phong cách cao thượng, biện tài vô ngại, khả năng biết rõ bản tánh chúng sanh và thông hiểu được nhân duyên cũng như căn cơ kẻ khác của Sư-Phụ. Ðiều kỳ lạ nhất ở bậc Thánh-nhân là sức mạnh của nước: nó không bao giờ tranh chấp dù ở bất cứ thời điểm nào. Nó nhường nhịn, giữ lấy chỗ dưới chót, chỗ thấp kém nhất, tùy thuận theo mọi nhân duyên mà không hề tranh chấp. Nói thì rất dễ, làm thì lại quá khó, và được chứng kiến là đáng kinh ngạc nhất. Con nhận ra mình đang hỏi chính mình: "Sư-Phụ sẽ đối phó ra sao nếu gặp phải hoàn cảnh như thế này?" Câu trả lời là: "Ðừng sanh vọng tưởng. Không hề chi! Con định làm gì? Con không thể dựa vào Sư-Phụ cả đời được. Hãy tự đứng dậy! Hãy sử dụng trí huệ của riêng con! Hãy tùy duyên mà bất biến! Hãy hồi quang phản chiếu, hãy nhẫn nhục và 'đừng nóng giận, Ta-bà-ha.' Hãy nhu nhuyễn như nước. Tánh mềm dịu thắng được tánh cứng rắn.

Con có viết một bài văn cảm ứng và trong đó có đoạn như sau:

"Con có đạt cảm ứng gì chưa? Không, không có gì huyền diệu. Con là một kẻ sơ cơ quá mới mẻ với quá nhiều nghiệp chướng nợ nần cần phải trả; nhưng mặt khác, con đã từng đạt được sự cảm ứng ngay trong pháp thế gian. Con thấy rõ nền tảng tu hành cùng mục đích đời mình. Ðây là một sự cảm ứng. Con không biết cách bay ngay cả cách chạy. Con chưa biết cách đi như thế nào, nhưng con đang thực hành lễ bái; và chắc chắn, dần dà, dưới sự dẫn dắt nhẫn nại và từ bi của vị Thiện-tri-thức, sẽ có ngày con biết được cách làm thế nào để tự đứng dậy, cũng như làm thế nào để ủng hộ Phật-giáo (1)."

Viết vội trong lúc đợi một case tiêu chảy nữa vào một buổi trưa rất nóng nực:

Ba Bước Một Lạy/Tu Hành Tại Kim-Sơn Tự Là:

Không nói chuyện, không uống rựợu, chỉ tụng kinh.

Không nhìn đó đây, không hút thuốc, chỉ tự xấu hổ.

Không đùa giỡn, không đặt lưng nằm xuống, chỉ tự phản tỉnh.

Không nhìn ngắm, không giải đãi, chỉ nghĩ đến kẻ khác.

Không nghe ngóng, không trốn tránh.

Không có tự ngã (no self).


Ðệ tử Hằng Thật kính lạy

 

Chú thích:

(1) Thừa truyền mạch Pháp, vị giáo tăng quang.

*******

(Xin xem tiếp theo 1)

Tải về xem

Tam Bo Nhat Bai 2