Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Tam giác Nga - Thổ - Iran : Một bộ ba "bất khả" ?
 
 
Ngày 19/07/2022, Teheran tổ chức thượng đỉnh ba bên Iran - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, trên nguyên tắc là để bàn về tình hình Syria trong khuôn khổ tiến trình Astana. Nếu như cuộc họp này là dịp để ba nước khẳng định quyết tâm hình thành một trật tự mới đối lập với mô hình của phương Tây, thì theo giới quan sát, « Tam giác Ba Tư » này lại là một trò chơi liên minh phức tạp.
 
Từ trái sang phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Iran Ebrahim Raisi và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp thượng đỉnh ba bên ở Teheran, Iran, ngày 19/07/2022. AP - Sergei Savostyanov
 
« Tam giác Ba Tư » : Ottoman, Ba Tư và Sa hoàng
 
Khi gọi đó là « tam giác Ba Tư », nhật báo Nga Kommersant muốn nhấn mạnh đến tính chất phức tạp của mối quan hệ giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, hiện đang là tâm điểm của mọi biến đổi địa chiến lược của Trung Đông và vùng Trung Á. Luật gia người Pháp gốc Iran, ông Ardavan Amir-Aslani, và cũng là cây bút bình luận về quan hệ quốc tế - địa chính trị Trung Đông, trên trang mạng Atlantico, nhắc lại mối quan hệ ba bên này trên thực tế đã tồn tại gần hai thế kỷ.
 
Đế chế Ottoman và Ba Tư từng kết hợp với nhau để ngăn chặn đà bành trướng của Sa hoàng Nga, nhưng đã bất thành. Trong suốt thế kỷ XIX, Matxcơva đã khiến hai đế chế này bị thất thoát nghiêm trọng nhiều vùng lãnh thổ. Ba Tư lần lượt bị trừng phạt bởi các hiệp ước Gulistan (1813) và Turkmantchaï (1828). Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đương đại, đều có chung một ký ức đối nghịch về Nga, và một nỗi ngờ vực nào đó trước các tham vọng chiến lược của Nga.
 
Chỉ đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, thế cân bằng mới được tái định hình giữa ba nước, vốn dĩ tìm thấy một mục đích chung trong sự trỗi dậy một thế giới đa cực cạnh tranh với thế siêu cường của Mỹ. Tham vọng này đã được củng cố trong việc giải quyết cuộc nội chiến tại Syria khi nảy sinh tiến trình Astana năm 2017.
 
Thế nên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Clément Therme, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Iran (Rasanah), thượng đỉnh lần này một lần nữa khẳng định ý chí của ba đối tác « muốn phát triển một khuôn khổ ngoại giao gạt hẳn phương Tây » ra nhiều hồ sơ quốc tế, bất kể đó là vấn đề Nam Kavkaz với cuộc chiến Thượng Karabagh giữa Azerbaijan và Armenia (tháng 11/2020), hay cuộc xung đột tại Syria.
 
Trong bối cảnh này, Marc Pierini, cựu đại sứ Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trên kênh truyền hình quốc tế France 24, nhắc lại những điểm chung tập hợp ba nước chuyên chế :
 
« Quả thật ba nước này họp lại với nhau dù sao đi chăng nữa đều trong một thế bị cô lập ngoại giao nào đó vì những lý do hoàn toàn khác biệt. Đối với Nga, hiển nhiên đó là vì cuộc chiến Ukraina và các lệnh trừng phạt. Với Iran, chính là cuộc tranh cãi triền miên với Ả Rập Xê Út và nhiều nước Hồi giáo khác và dĩ nhiên còn có hồ sơ hạt nhân. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là do thế nước đôi theo như quan điểm của Bruxelles, giữa một bên là thành viên của NATO và bên kia là mối liên hệ chặt chẽ, kể cả trong lĩnh vực quân sự, với Nga. »
 
Lệnh trừng phạt của phương Tây : Sợi chỉ liên kết giữa ba nước
 
Trong thế bị cô lập chưa từng có vì cuộc chiến Ukraina do Nga phát động, tổng thống Vladimir Putin « tìm kiếm sự công nhận và chấp nhận ở bất kỳ nơi nào ông ấy có thể có được và ông ấy có thể nhận được điều này từ Iran », theo như nhận định của Charles A. Kupchan, một cựu quan chức Mỹ, hiện là giáo sư đại học Georgetown, được tờ New York Times trích dẫn.
 
Và sợi chỉ duy nhất kéo Nga ngày càng xích lại gần với Iran chính là việc cả hai nước này đang dưới áp lực của các đòn trừng phạt kinh tế, và đôi bên có cùng một cảm giác chống Mỹ, chống các đồng minh của Mỹ cũng như sự thống trị của phương Tây trong trật tự thế giới đa phương. Nhà nghiên cứu về Iran, Clément Therme giải thích thêm trên đài RFI:
 
« Ở đây có một ý định lách các biện pháp trừng phạt, phát triển một hệ thống quốc tế ít phụ thuộc vào đồng đô la của Mỹ. Còn có một ý muốn trao đổi các công nghệ nhậy cảm lưỡng dụng vừa có thể áp dụng cho dân sự vừa cho quân sự. Cuối cùng, còn có vấn đề uy tín trên trường quốc tế. Đó là những chế độ chống đối ý đồ của phương Tây, được cảm nhận như là một dự án dân chủ phương Tây và do vậy họ có một cuộc cạnh tranh về ý thức hệ ».
 
Một điểm đáng chú ý khác: cuộc họp ba bên này diễn ra một ngày sau khi Hoa Kỳ loan tin nguyên thủ Nga đến Teheran còn nhằm một mục tiêu khác : Tìm cách sở hữu các loại drone của Iran để giám sát chiến sự tại Ukraina, nơi mà Nga đang có nguy cơ bị sa lầy. Clément Therme đánh giá rằng thông tin trên là khả tín:
 
« Đây là một hợp tác an ninh. Nga và Iran cùng tham chiến tại Syria để hậu thuẫn Bachar Al Assad, do vậy, đôi bên đã có một kinh nghiệm chiến đấu chung tại Syria. Ở đây còn có một thiện chí thách thức phương Tây và ý đồ này xuất phát từ phía Vệ Binh Cách Mạng muốn biến mối quan hệ với Nga thành cột trụ cho chiến lược quốc tế của Iran ».
 
Một bộ ba « bất khả » ?
 
Một mặt trận ngoại giao mới dường như đã được củng cố ở Teheran, và cuộc họp ba bên này còn mang một ý nghĩa biểu tượng khi diễn ra chỉ vài ngày sau khi chuyến công du Trung Cận Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Israel, Vùng lãnh thổ Palestine và Ả Rập Xê Út kết thúc. Nhưng sự hợp nhất bộ ba này lại mang nhiều dáng dấp của một liên minh tình thế, không che giấu được những rạn nứt. Giới chuyên gia nói đến một bộ ba « bất khả ».
 
Lý do là Nga không có cùng một thái độ thù hằn đối với Israel như Iran và cũng không muốn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân. Matxcơva hoàn toàn hữu ích trong các cuộc đàm phán nhằm hồi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 giữa sáu cường quốc và Iran. Thỏa thuận này đã bị tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi năm 2018 và tổng thống Biden đang nỗ lực phục hồi.
 
Mặt khác, chuyên gia Clément Therme lưu ý rằng Nga và Iran, hai nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt, lại cạnh tranh nhau trong việc bán dầu khí bị cấm vận cho Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh gay gắt đến mức việc Matxcơva bán dầu khí với giá rẻ mạt buộc Teheran phải hạ giá dầu thô, sao cho Trung Quốc, một trong những khách hàng còn lại, tiếp tục mua nhiên liệu của mình.
 
Cũng theo nhà nghiên cứu người Pháp, Iran và Nga có cùng cấp độ phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và do vậy cả hai nước cũng cần chuyển giao công nghệ phương Tây:
 
« Có những câu hỏi hiện đang được đặt ra cho cả hai nước : Liệu Trung Quốc sẽ có thể nào thay thế phương Tây để có được những nền công nghệ tân tiến ? Ở đây thật sự có một vấn đề cần phải quan sát : Trung Quốc có một vai trò gì ? Liệu Bắc Kinh có sẽ quyết định tham gia cùng Iran và Nga để xây dựng một không gian, chí ít là trong thương mại, ít phụ thuộc vào các chuẩn mực pháp lý của Mỹ? »
 
Thổ Nhĩ Kỳ : Một đồng minh « lạ đời » ?
 
Nhưng trong « tam giác Ba Tư » này, Thổ Nhĩ Kỳ lại là một đồng minh đặc biệt. Tuy là đồng minh của Nga, nhưng trong cuộc xung đột tại Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng về phía Kiev, cung cấp drone chiến đấu cho Ukraina và nhất là chấp nhận không bác đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, điều mà Matxcơva cực lực phản đối khi xem đó như là một sự mở rộng liên minh quân sự đến sát biên giới của Nga.
 
Là đồng minh của phương Tây với tư cách là thành viên của khối NATO, Ankara cũng tham gia với phe hai nước bị cấm vận khi có cùng tham vọng hình thành một khối địa chính trị đối thủ, mà ví dụ điển hình là việc mua tên lửa phòng không của Nga, khiến Washington bực bội. Đồng minh với Iran, hiện đang đối đầu với một mặt trận mới Israel - Ả Rập Xê Út dưới sự chủ trì của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách xích lại gần với Israel.
 
Và nhất là tại Syria, Iran – Nga – Thổ Nhĩ Kỳ lại không có chung một mục đích. Teheran và Matxcơva là những đồng minh thân thiết của chế độ Damas, trong khi Ankara lại hậu thuẫn cho các phe nổi dậy chống Bachar Al Assad. Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đội đến trấn ở phía bắc Syria hòng ngăn chặn quân đội Syria, Iran và Nga xâm chiếm tỉnh Idlib, phần lớn vẫn do phiến quân chống Assad kiểm soát.
 
Theo luật gia Ardavan Amir-Aslani, từ khi chấm dứt chính sách « không hiềm khích với láng giềng », Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đặt sự mâu thuẫn vào tâm điểm chính sách đối ngoại của mình. Khi kiên trì xây dựng các mối quan hệ đối tác với nhiều nước có sắc thái địa chính trị khác nhau, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách « trường tồn hóa » vai trò hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, và nhất là có thể thao túng sự đối kháng giữa phe này với phe khác theo hướng có lợi cho mình.
 
Tư cách thành viên NATO thật sự mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một tầm quan trọng chính trị và điểm tiếp nối tự nhiên với Nga và Iran. Tương tự, việc không dựa hẳn hoàn toàn vào phương Tây bảo đảm cho Ankara một thế độc lập chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ là điểm kết nối giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á, việc nước này có thể đứng ở cả hai bên dường như là lẽ tự nhiên.
 
Nhưng nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đến Teheran lần này với một mục tiêu hẹp hơn : Hy vọng Nga và Iran bật đèn xanh cho việc mở cuộc tấn công quân sự mới vào miền bắc Syria chống lại người Kurdistan Syria – một đồng minh của PKK, đảng Những Người Lao Động Kurdistan – mà Recep Tayyip Erdogan xem là tổ chức khủng bố. Một kế hoạch chỉ vì lợi ích chính trị nội bộ của tổng thống Thổ dường như bị cả Nga và Iran phản đối, vì hai nước này lo ngại chiến dịch này một lần nữa gây ra những bất ổn ở Syria.
 
Dẫu sao thì giới quan sát cũng đều có chung một nhận xét : Do nước nào cũng phải bảo vệ các lợi ích chiến lược của riêng mình, sự hình thành một không gian địa chính trị mới và một tầm ảnh hưởng ngoại giao mới có khả năng cạnh tranh với phương Tây sẽ là một tiến trình tế nhị và đầy phức tạp.
 
Minh Anh  -  RFI
 
28/07/2022

________________

 
Đỗ Hứng gởi