TÀM VÀ QUÝ
Theo thuật ngữ Phật giáo Tàm – Quý có nghĩa là biết hỗ thẹn, biết liêm sĩ.
Từ điển Phật Quang Luận Câu xá giải thích về Tàm và Quý như sau: “Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quý là lòng sợ tội lỗi” và “Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ.” Như vậy, Tàm và Quý đều là tâm hổ thẹn; nhưng có sự khác nhau trong đối tượng mình và người nên phân làm hai. Tâm hổ thẹn này có tác dụng nuôi dưỡng nhân cách con người rất lớn. Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 19 thì cho rằng: “Tàm là tự mình không tạo tội, Quý là không bảo người khác tạo tội; Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, Quý là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác; Tàm là lòng hổ thẹn đối với người, Quý là lòng hổ thẹn đối với trời.”
Như vậy, Tàm có nghĩa là cảm giác hổ thẹn trước những hành vi phi đạo đức, gọi cách khác chính là lương tâm. Quý là e ngại hay dè chừng, lo sợ hậu quả của hành vi sai trái. Với một người, nếu không có tâm biết xấu hổ thì họ sẽ làm những việc sai trái, ngông cuồng, lừa người dối bạn, xem thường người khác… mà không hề mảy may suy nghĩ nên hay không nên làm. Ngược lại, người có tâm tàm quý, họ sẽ suy nghĩ những việc của mình, luôn cân nhắc, chắc lọc ý tứ từ trong suy nghĩ cho đến hành động; mỗi một việc họ làm đều phản quang soi chiếu lương tâm của mình.
***
Nhân cách làm người quân tử luôn biết hỗ thẹn những việc làm, lời nói và ý nghĩ sai trái với lương tâm. Thế thì nhân cách của một tú sĩ không thể khác hơn, luôn cảnh giác tâm ý và việc làm để thân được đoan chính, tâm được trong sáng ngay thẳng.Để bảo hộ đức TÀM-QUÝ, một bậc xuất gia thọ giới Đại thừa, thọ Bồ Tát giới luôn trang bị TAM TỤ TỊNH GIỚI: “Nhiếp luật nghi giới – nhiếp thiện pháp giới – nhiêu ích hữu tình giới”.
Các bậc chân tu thường ẩn cư để giữ tròn giới hạnh; trong xã hội ngày nay, chư Tăng phải nhập thế để hoằng truyền giáo pháp, hoặc hành sự cá thể hoặc gia nhập giáo đòan, giáo hội vì một nhiệm vụ cao cả chứ không vì lợi vì danh. Trước 1975 Giáo hội PGVNTN, được Tăng sai đảm nhiệm chức vụ mà quý thầy đôi lúc không muốn. Chính lòng khiêm cung đó mà một Giáo hội đối nội đoàn kết, đối ngoại vững mạnh, trong vòng 11 năm dầu sôi lửa bỏng vẫn đủ uy tín trên trường quốc tế. Trên 20 vị lãnh đạo các ban ngành lúc bấy giờ đã hoàn thành xuất sắc một cách một cách đồng bộ, do đức hy sinh, lòng trong sáng vô vị lợi và biết khiêm cung.
***
Từ năm 1981, GHPGVN được thành lập, đến nay trên 40 năm, tuy hệ thống hành chánh đã hình thành chỉnh chu, nhưng tổ chức nhân sự chưa được hoàn chỉnh.Đúng người đúng việc chưa đủ, đòi hỏi giới hạnh, có trách nhiệm và lòng tự trọng, biết hy sinh. Mỗi lần đại hội là một lần lủng củng. Để chuẩn bị Đại hội Giáo hội toàn quốc, BTS PG TP HCM vừa hoàn tất 2 ngày đại hội, chỉnh đốn nhân sự. Theo Hiến chương, trên 70 tuổi buộc phải nghỉ hưu, để quý thầy trẻ đảm nhiệm phật sự với tinh thần sáng tạo; đó là điều đúng. Có điều trái nghịch, vị được đề cử thì luôn tìm cách từ chối, người quá tuổi quy định cứ nằng nặc xin tiếp tục được phục vụ GH. Dĩ nhiên người từ chối vì tự xét khả năng, uy tín của mình nên không dám đảm nhận. kẻ vô tài bất tướng chưa đóng góp được gì suốt những năm qua, trái lại còn nhiều miệng tiếng, thế mà cố xin được lưu nhiệm.Cái khó của những bậc lãnh đạo do lòng từ nặng hơn nghị lực, còn bị áp chế từ bề trên nên buộc lòng lưu nhiệm con sâu độc, vì thế, chả lạ gì cái gọi là GHPGVN ở một vài địa phương hiện nay là một tổ chức của sự lủng củng do nhiều thành phần bất tài tham quyền cố vị thao túng.
Ai cũng muốn PGVN trong sạch, vững mạnh mà không ai đủ năng lực trong sạch hóa nhân sự hiện tại. Thời gian dịch bệnh, GH chi ba ngàn tỷ cho việc đối trị Covid 19 Phật giáo trong nước lẫn PG nước ngoài,hỗ trợ y tế xã hội… dĩ nhiên người nắm giữ tài chánh phải là người có lòng, có uy tín và có khả năng. Không có con người như vậy, liệu GH có duy trì sinh hoạt quanh năm? Thế nhưng, vì đức Tàm-Quý, không hề vận động xin xỏ một vị thế xứng đáng với tầm vóc của mình, thì ngược lại cũng có con người thiếu đức Tàm Quý một cách khó hiểu giữa đại hội vừa qua của TH PG TP. Con người vô liêm sĩ thì ở vị trí nào cũng đều là mối nguy hại cho tổ chức; bảo sao PGVN hiện nay vẫn chưa đủ uy tín đối với quần chúng trong và ngoài nước.
Ban tổ chức nhân sự không những nắm vững nhân cách, trình độ, uy tín của từng tu sĩ để cơ cấu vào tổ chức, mà còn cần có bản lãnh, vô tư để loại trừ thành phần bất hảo trong nội bộ, có như thế mới lành mạnh hóa được Phật giáo hiện tại.
Qua năm lần bảy lượt vận động HT T Lệ Trang chấp nhận ngôi vị Trưởng BTS PG TP,nay Đại hội đã thành công, như thế vẫn chưa đủ nếu nhân sự bên dưới phụ trợ chưa đủ năng lực và uy tín. Đến nay, vẫn còn những ý tưởng phân biệt vùng miền để cản trở những tu sĩ có năng lực đảm nhiệm chức vụ còn lại trong Thành hội.Đây là tâm đố kỵ, cố chấp đáng ra không nên có của một tu sĩ trong đạo Vô ngã như Phật giáo.Cứ thế, PGVN khó mà đoàn kết tạo uy tín.
Dù vị thế nào, TÀM và QUÝ vẫn là tiêu chuẩn đo lường công hạnh của một hành giả độc cư hay một cán sự Phật giáo. Tín đồ cư sĩ cần trang bị cho mình sự liêm sĩ, lẽ nào tu sĩ thiếu đức khiêm cung???
MINH MẪN
20/6/2022
___________________
MinhMan Nguyen gởi