Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

 



I. TỪ VẺ ĐẸP DÂN DÃ...

Trong thời buổi công nghiệp hiện đại hôm nay, với các cuộc thi hoa hậu được tổ chức đều đặn hàng năm, các chỉ số mẫu về cơ thể được tôn vinh là hoa hậu, rốt cuộc đã thu gọn lại bằng ba con số của ba vòng: ngực – eo – mông. Và dường như số đo chuẩn nhất có lẽ là: 90-60-90. Để “phô diễn” ba vòng đo vàng này, các hoa hậu của các quốc gia, các miền vùng, kể cả hoa hậu hoàn vũ, cũng không tránh khỏi cuộc trình diễn thân thể trên sân khấu với màn áo tắm. May sao, các cuộc thi hoa hậu thế giới gần đây đã xóa sổ màn trình diễn không lấy gì làm trang nhã sang trọng này và hướng sự chú ý nhiều hơn đến vẻ đẹp tâm hồn của các hoa hậu, bằng cách tăng cường thi ứng xử văn hóa, để được nghe những câu trả lời hay nhất của các ứng viên hoa hậu. Hoa hậu phải là người có học, ứng xử thông minh, lịch thiệp, hồn nhiên. Tỷ lệ các vòng phải đúng là tỷ lệ vàng, và nhất định phải hoàn hảo cả về làn da, mái tóc, nụ cười và hàm răng ngà ngọc. Và hình như, đó là 2 hình ảnh chuẩn của hoa hậu thế kỷ XXI.

...Từ ngày xưa, người Việt Nam đã có quan niệm chuẩn riêng về cái đẹp dáng vóc của các người đẹp thôn quê. Quan niệm này mặc dù rất xa xưa, nhưng lại rất phong nhã và tinh tế. Ngẫm cho kỹ thì lại thấy rất hiện đại. Dân gian Việt Nam cho rằng trên thân thể của người con gái Việt được coi là đẹp, thì cái đẹp nhất chưa phải là mắt môi, khuôn mặt, làn da, mái tóc , mà cái đẹp nhất chính là cái lưng. Lưng ong là cái lưng chuẩn nhất, biểu hiện cao quý nhất về cái đẹp dáng người của người đẹp Việt Nam. Và cũng theo cái nhìn tinh tế của dân gian, phàm người đẹp thôn quê nào đã có cái lưng ong đẹp, thì ắt hẳn sẽ có những cái khác cũng đẹp và ắt hẳn phải là người giỏi giang tài tình: những người thắt đáy lưng ong – đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Cũng không phải ngẫu nhiên cái lưng ong đã được chú ý tôn vinh nhất trên thân thể người đẹp. Có lẽ cũng vì cái lưng ong quá đẹp, nên ngày xưa ông bà ta đã chế tác ra cái yếm rất đẹp để mặc, để ôm khít lấy cái lưng ong và bộ ngực ở đằng trước – chắc chắn cũng phải là rất đẹp.

Yếm, do đó đã trở thành cái áo lót mình đẹp nhất của người đẹp Việt Nam truyền thống. Trong các loại tơ tằm mà phụ nữ Việt Nam thường kén chọn để may yếm – tự mình khâu bằng tay – thì đũi, nái, lụa sồi... thường được lựa chọn trước tiên, bởi sự mềm mại của chất vải và sự đặc của mình vải, mềm mà không mỏng, để tránh nhìn được thấu suốt. Về màu sắc, người đẹp chân quê Việt Nam thường ưng màu rực, nhất là màu yếm thắm đỏ, yếm đào. Yếm thực sự là áo lót mình rất kín đáo ở chỗ cần che kín: yếm che hết phần ngực, ôm khít cổ, nhưng lại hở toàn bộ hai vai và lườn, vừa ôm giữ lại vừa buông thả, gợi tình, bởi phần lưng để hở hoàn toàn, chỉ bắt ngang vai dải yếm buộc hững hờ lơi lỏng... Chẳng thế mà bộ trang phục “váy –yếm” cổ truyền của người đẹp châu thổ Bắc Bộ từ xa xưa đã đi vào ca dao, tục ngữ, dân ca: Đàn ông đóng khố đuôi lươn. Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh. Yếm thắm, bản thân nó chắc cũng chỉ là một vuông lụa tơ tằm, nhưng khi nó đã được mặc vào người cô thôn nữ trẻ trung xinh đẹp, thì đã thành ma lực. Ba cô đội gạo lên chùa – một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư... khiến ông sư ở chùa phải lòng, phát ốm tương tư!

Cả đến khi trai gái yêu nhau rồi, yếm vẫn là một thông điệp cho quan họ bày tỏ tình cảm huê tình: yêu nhau cởi yếm cho nhau – về nhà dối mẹ qua cầu yếm bay...

Cái yếm đào và cái lưng ong, rốt cuộc, không phải là câu chuyện “yếm, áo” thường nhật nữa, mà đã thành nét hoa trong văn hóa mặc của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Không phải là nét hoa sao, khi yếm thắm đã nổi bật đến thế trên làn da hoa huệ của những người thiếu nữ Việt Nam đang tuổi sen ngó đào tơ? Cứ xem Thị Mầu lên chùa thì biết yếm thắm đẹp đến nhường nào mà cũng lẳng ngầm đến nhường nào, nhất là khi Thị Mầu lại nhất định phải lòng chú tiểu Kính, nên Thị Mầu đã hát gọi tình và múa gợi tình như một cơn lốc màu đỏ giữa cửa Thiền? Chẳng thế mà “lưng ong và yếm thắm” đã đi vào nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật hiện đại như một “môtip văn hóa mặc” thật là độc đáo, qua bàn tay khai thác của người nghệ sĩ, ví như trong vở diễn Hồn Trương Ba – da hàng thịt của Nhà hát Kịch Việt Nam, với bàn tay dàn dựng của NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi...


... ĐẾN VẺ ĐẸP HIỆN ĐẠI TRONG KỊCH LƯU QUANG VŨ

Trong kịch bản Hồn Trương Ba da hàng thịt của cố tác giả Lưu Quang Vũ có một tình tiết thật éo le: một người đàn bà bỗng dưng phải lòng cái hồn của người đàn ông khác đang sống mượn trong cái xác của chồng mình. Cái hồn ấy là hồn ông Trương Ba, cái xác ấy là anh hàng thịt, chồng của người đàn bà. Chả là trên thiên đình, hai vị quan Nam Tào Bắc Đẩu nóng đi ăn tiệc, vác bút, giở sổ Đoạn Trường xóa nhầm tên ông Trương Ba, một người làm vườn lương thiện, lành hiền, tử tế. Ông Trương Ba vô cớ chết. Bà vợ ông leo lên tận Giời để kiện cáo và “bắt đền”, khiến cho Nam Tào Bắc Đẩu sửa sai bằng cách xóa sổ chết Anh Hàng Thịt, để Hồn Anh Hàng Thịt được phiêu diêu lên Giời, mà Hồn Trương Ba lại được trở về dương thế, sống lại trong cái xác Anh Hàng Thịt. Thế là cuộc sống rắc rồi đa đoan “Hồn nọ xác kia” của Trương Ba bắt đầu. Cố nhiên, hai người đàn bà thân cận nhất là hai bà vợ của Trương Ba và Hàng Thịt sẽ phải lãnh đủ tình thế “cười ra nước mắt” này.

Vì không thể xé đôi Anh Hàng Thịt với Hồn Trương Ba và “chia đều” cho hai người vợ, viên lý trưởng quan liêu liền chia đôi giờ sinh hoạt: ban ngày “HTBDHT” ở nhà vợ Trương Ba, còn tối thì phải sang nhà chị vợ góa của Anh Hàng Thịt. Điều oái oăm đã xảy ra. Trong một đêm xuân nồng, vợ anh hàng thịt bỗng phải lòng ông Trương Ba “mới lạ” trong cái xác quá quen thuộc chất “phàm phu tục tử” của chồng. Vợ anh hàng thịt tha thiết tỏ tình với ông Trương Ba. Ông Trương Ba đã phải khó khăn lắm mới có thể giữ được cái hồn của mình đừng xiêu lạc, và lấy hết can đảm từ chối tấm tình nồng nhiệt của cô vợ anh hàng thịt, có thể cũng thật dễ thương trong mắt ông, và dường như ông cũng có phần nặng lòng quyến luyến.

Về mặt sân khấu trình diễn, đây là đoạn kịch chốt một cao trào đáng kể của vở diễn, mà mỗi nhân vật phải “tách đôi” ra để đối thoại, va chạm trong một tình thế yêu đương, mà bảo là ngọt ngào cũng được, mà bảo là oái oăm cay đắng cũng xong. Đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi đã “cao tay ấn” trong xử lý ngôn ngữ dàn cảnh trong “trường đoạn” này. Trên sân khấu ông dựng một cảnh gặp gỡ “đàn bà đàn ông” trên một cái sập gỗ. Trong cảnh này, khi bắt đầu dàn dựng từ cách đây 7, 8 năm, ông đã thật thâm thúy trong ý tưởng, khi chọn Thu Hằng vào vai vợ anh hàng thịt, Trọng Khôi trong vai “Hồn Trương Ba”. Cái lý của ông khi chọn Thu Hằng hoàn toàn là vì phải có một cái lưng ong theo đúng chuẩn truyền thống là “thắt đáy”. Có nghĩa là rất thon thả. Ông chịu các cụ ngày xưa là giỏi, khi phát biểu một lý lẽ dân gian về cái lưng nõn nường này: Những người thắt đáy lung ong – đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con… Cái lưng ong trắng nõn của Thu Hằng đã “được việc” cho biểu diễn nhân vật vợ anh hàng thịt trong cảnh này, khi nhân vật nữ xinh đẹp, đốm sáng của vở diễn, đã để trần cái lưng của mình, với giải yếm đào buộc hờ, để quyễn rũ Hồn Trương Ba, không vì lý do nào khác, ngoài lý do yêu. Trong kịch bản, vợ anh hàng thịt đã thổ lộ rất tha thiết:… từ khi hồn ông vào thân xác chồng em, em mới biết trước kia em thiết những gì, em mới biết bao lâu nay em chưa hề được sống lại thời con gái, nỗi sướng vui. Em cảm tạ trời phật đã cho hồn ông nhập vào hình vóc quen thuộc này! (cầm hai bàn tay Trương Ba) – Em không ao ước gì hơn nữa! người chồng toàn vẹn của em đây! Người em đã từng mong đợi xưa kia đây! Anh đừng ngần ngại em nữa. Em là của anh… (ôm lấy Hồn Trương Ba thắm thiết say sưa).

Trong khi Thu Hằng nói lời thổn thức ấy của nhân vật kịch, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi “quy định”: Thu Hằng quay lưng lại người xem, và chỉ diễn cái lưng để trần với làn da trắng muốt, và cái eo thon thả vứt hờ hai dải yếm đào. Trọng Khôi diễn xuất Hồn Trương Ba trong cảnh phân thân này cũng thật xuất sắc; Hồn ông Trương Ba thì cưỡng lại anh hàng thịt. Nhưng cuộc “cưỡng chống” này thật vất vả, gian nan nhất là khi vợ anh hàng thịt của Thu Hằng có cái lưng ong quá đẹp, và Thu Hằng, trong khi thốt lên những lời van xin âu yếm khát khao của nhân vật, đã bột phát một xử lý diễn xuất rất xuất thần: tháo tuột chiếc thắt lưng xanh mà tròng vào cổ Hồn Trương Ba, kéo Hồn Trương Ba lại gần mình, vừa “như đắm đuối, vừa như năn nỉ”, khiến Hồn Trương Ba đã suýt “ngã lòng” theo tiếng gọi hoang dã quen thuộc của thân xác anh hàng thịt mà mình đang sống gửi. Song cuối cùng, hồn Trương Ba cũng đã hết sức cố gắng chiến thắng bản thân, bằng một cách thức chẳng lấy gì làm anh hùng: Hồn Trương Ba bỏ chạy.

Về kịch tính, cảnh yêu đương “lưng ong yếm đào” này đã gần như là giọt nước cuối cùng làm đầy tràn cái mâu thuẫn đã sẵn có khi Hồn Trương Ba phải lụy vào Xác anh hàng thịt để sống, và để được sống ở trên đời. Nhưng cũng chính là Hồn Trương Ba vỡ lẽ rằng: nếu chỉ để được sống mà phải sống trong một cái xác không phải là của mình, không hề giống mình một tí tẹo nào thì thật là điều khủng khiếp! Cuộc đấu tranh giữa Xác và Hồn lệch nhau do đó đã kết thúc thực sự, ngay sau lúc Hồn Trương Ba thoát ra khỏi cánh tay để trần ôm xiết và chiếc dây lưng xanh trói buộc của vợ anh hàng thịt.

Câu trả lời cuối cùng của Hồn Trương Ba là không và Hồn Trương Ba đồng ý chết thật để trả lại hồn anh hàng thịt về cái xác của nó. Nghĩa là cái Xác cao thượng đã thắng cái Hồn trần tục, phàm phu.

Thấu hiểu cảnh chốt này, với ý nghĩa đó là giọt nước cuối cùng tràn đầy bát nước, Nguyễn Đình Nghi đã thật già dặn, cao tay trong việc mượn xống áo đào chèo làm trang phục cho nhân vật vợ anh hàng thịt, cùng nguyên tắc ước lệ để tả cảnh yêu đương oái oăm mà cũng đầy tình người kể trên. Vì vậy, cảnh diễn này hoàn toàn rất đẹp về sân khấu, sâu sắc về ý nghĩa của chủ đề vở diễn: Hồn nào cũng phải sống trong xác ấy một cách nhất quán. Và chính vì thế, cách diễn này đã đóng góp cơ bản vào tính hoàn chỉnh về thẩm mỹ sân khấu của cả vở diễn Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt – kịch bản văn học viết theo lối giả định hay nhất trong sự nghiệp viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Có lẽ vì thế mà cái lưng ong và mảnh yếm đào, suối tóc đen dài của nghệ sĩ kịch Thu Hằng đã làm xiêu lòng, thậm chí điếng hồn cả những người Việt xa xứ lẫn những người Nga bản địa vào năm 1990, khi Nhà hát Kịch Việt Nam đem vở diễn này tham dự Liên hoan kịch quốc tế Matxcova. Công chúng Nga và các bạn đồng nghiệp sân khấu từ hàng chục cường quốc kịch nghệ trên thế giới, đều công nhận rằng Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt đúng là một vở kịch “drame” (chính kịch) qua vở diễn này đã trở nên sống động trẻ trung, bởi đã được phả vào đó cái hồn vía Việt Nam phảng phất phong vị dân gian của chèo cổ sân đình.

II. LƯNG ONG KHÔNG CHỈ MỘT

Dàn dựng và biểu diễn từ cách đây hàng thập kỷ, và đã thành công ngay từ khi công diễn tại Hà Nội, sau đó xuất ngoại vở “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” thành công ở hai thành phố lớn nhất Nga xô viết Matxcova và Lêningrad (St.Peterbourg hôm nay) năm 1990. Năm 1996 lại thành công tại TP. HỒ Chí Minh, khi được dàn dựng và biểu diễn trên cùng sân khấu cả nghệ sĩ hai miền Nam Bắc. Và cả năm nay, từ mùa thu tháng 9 cho đến tháng 10, Quỹ Ford (Mỹ) và Bộ Văn hóa TT Việt Nam tài trợ, nhận lời mời của trường Đại học Pacific, thành phố Porland (bang Organ – Mỹ), nhà hát kịch đã biểu diễn vở Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt hàng chục buổi trên sân khấu hàng chục trường đại học của Mỹ: Pacific, Fulleton, Los Angeles, Oregan, Nam Oregan (Trung tâm kịch nghệ Sêchxpia), Portland, Washinton… Theo nhà hát kịch thông báo, chuyến biểu diễn này có khoảng 2000 người xem vở Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, trong đó đông nhất là sinh viên và các giới chức Mỹ, cùng đông đảo bà con Việt Kiều ở Mỹ.

Cố nhiên, trước đó đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã phải đi tìm đến… mấy cái lưng ong kia cho các trường hợp vở diễn, và lần nào ông cũng… nhọc nhằn gian truân. Cái lưng ong của Thu Hằng vì quá đẹp và chị diễn xuất thật thông minh tinh tế, nên khi chuyển vai sang Tuyết Mai, một nghệ sĩ khác, ông Nghi dường như chưa được thập phần thập ý. Năm 1996, mất bao nhiêu buổi đi tìm… lưng, ngắm nghía, nghĩ ngợi gì, Nguyễn Đình Nghi mới chọn được “chiếc lưng ong Sài thành” là nghệ sĩ Kim Xuân. Vóc người vừa phải, lung thắt đáy, và cũng là một diễn viên tay nghề diễn xuất thật ăn ý với cả Thương Tín lẫn Trọng Khôi trong vai Hồn Trương Ba. Màu yếm đỏ như thể màu lửa đỏ, qua mấy nghệ sĩ sắm vai, vẫn cứ cháy lên trên sân khấu, càng thắm đỏ hơn trong thắt buộc của thắt lưng xanh hoa thiên lý và trên cái nền đen đặc sâu thẳm của màu váy đen buông chùng… Không còn nghi ngờ gì nữa, cảnh kịch lưng ong yếm đào đã hóa giải và thật sự nuốt trọn cả ý nghĩa tư tưởng “Hồn Xác phải được nhất nguyên hòa hợp” xem ra chẳng dễ “sân khấu hóa” chút nào bằng ngôn ngữ dàn cảnh và biểu diễn của cả đạo diễn lẫn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần như một ám ảnh duy tâm, trước chuyến đi Mỹ vừa rồi đã khiến Nguyễn Đình Nghi thấy cần phải trau chuốt nữa cái cảnh “lưng ong yếm đào” cho thật hoàn hảo về văn hóa trình diễn. Ông quyết định một cái lưng ong trẻ hơn là Lan Hương, nữ diễn viên kịch hình như thuộc thế hệ thứ 4 của Nhà hát Kịch Việt Nam, và cũng là cái lưng ong tươi trẻ nhất trong số những cái lưng ong từng hiện diện: bắt đầu từ đàn chị Thu Hằng, đến đàn em Tuyết Mai, Kim Xuân và bây giờ là Lan Hương – lưng ong đời chót. Vai vợ anh hàng thịt và vai chính đi suốt vở diễn, xem ra có vẻ ăn chịu với Lan Hương, với cái vẻ đào lẳng vốn dĩ trong sở trường của cô trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam đã hàng chục năm nay. Bà vợ ông Trương Ba – do Mỹ Dung, nghệ sĩ ưu tú, sắm vai – chắc chắn phải chào thua vợ anh hàng thịt của Lan Hương, với tất cả vẻ lẳng lơ, đa tình đáo để, thấp thoáng cái tình lả lơi của nhân vật Thị Mầu của chèo sân đình. Ở ngoài đời, khi đã trút bỏ hết áo xống nhân vật vợ Trương Ba, để trở lại hiền thê của NSND Nguyễn Đình Nghi, ngay sau hôm diễn trích đoạn “đám ma anh hàng thịt” cho các đại biểu của Hội thảo quốc tế về sân khấu Châu Á cuối tháng 10/1998 tại Hà Nội, Mỹ Dung vẫn cười cười bảo tôi rằng, chị đã diễn với nhiều lưng ong của Thu Hằng, Tuyết Mai, Kim Xuân, đã đành, nhưng chỉ thấy cái lưng ong của Lan Hương là đẹp nhất, xuân tình nhất, và nét diễn của Hương có gì đó thật đắm đuối ngây thơ mà không bị “quá lửa” như các đàn chị… Chẳng thế mà sinh viên hàng chục trường đại học ở Mỹ đều hiểu ngay những đoạn diễn ước lệ, thậm chí nhiều đoạn “vô ngôn”, hàm súc như thơ, trong sự bâng khuâng, giằng xé nhị nguyên cứ giăng mắc suốt vở diễn: giữa Hồn và Xác, giữa cho và nhận, giữ gìn và buông thả, chối từ và dâng hiến, phân thân và nhất thể, trần thế và thăng hoa vốn là tất cả các diễn biến li ti bất tận của cuộc đời này.


III. HỒN VÀ XÁC VỞ DIỄN

Rõ ràng câu chuyện dân gian “Hồn Trương Ba Da Hàng thịt” đã trở thành một vở kịch rất đẹp và được khai thác rất sâu về ý tưởng văn chương, dưới bàn tay biên kịch lành nghề của Lưu Quang Vũ. Song chính là đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi mới là người phát hiện ra cái lối kịch viết theo cách giả định ấy, cần phải có một ngôn ngữ sân khấu tương xứng. Và ông đã tìm được cái ngôn ngữ chính xác ấy. Cả vở diễn gồm 7 cảnh kịch được dựng theo đúng đường dây của cốt truyện kịch. Những giằng xé phức tạp nhất trong cuộc sống hai mang của tình thế “Hồn nọ xác kia” trong vở diễn đã được tổ chức thật chặt chẽ mạch lạc trong logic biện chứng của sự phát triển nhân quả. Kết thúc thật thấm thía. Dù hồn ông Trương Ba bay về Giời, trả lại xác anh hàng thịt cho tâm hồn anh ta nhập vào xác anh ta như cũ, thì mọi việc đã không thể như cũ được nữa! Trong đau đớn, những người mà ông Trương Ba cũng phải đành đoạn cũng nhận ra rằng: cái việc hồn ông muốn được chết cùng với xác ông cho trọn vẹn con người ông, còn hơn là sự ông bằng lòng sống gửi vào xác của người khác miễn là được sống!

Người duy nhất đau đớn vẫn là … cái lưng ong (vợ anh hàng thịt) vì… đã không thể sống lại được như cũ với chồng mình được nữa . Nhân vật này đã quen thuộc và đã quá yêu tâm hồn trung hậu, cao nhã của Trương Ba trong xác chồng mình. Tiếng không thảng thốt mà vợ anh hàng thịt kêu lên, khi hồn anh hàng thịt trở dậy cùng với chính cái xác của anh ta, đã thu gọn hết vào đó thái độ phủ định quyết liệt cái sự khập khiễng “hồn nọ xác kia” của vở diễn.

Ngay sau khi đạt đến hiệu quả của phủ định ấy thì vở diễn hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cùng lúc đã đạt đến chiều sâu tư tưởng triết học trong tính toàn vẹn của vở diễn sân khấu, vốn là tổng hòa vẻ đẹp của các công đoạn sáng tạo: viết kịch, dàn dựng, biểu diễn và làm hài lòng công chúng trong nước và cả người nước ngoài. Điều này chẳng phải là giấc mơ nghề nghiệp cao nhất của những người – sân – khấu và người đạo diễn của sân khấu kịch Việt Nam hiện đại đó sao?

_________________


Đỗ Hứng gởi