Chính vì tham gia liên minh AUKUS với Hoa Kỳ và Anh, năm ngoái Úc đã thông báo hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, trị giá hơn 30 tỷ đô la. Thủ tướng Scott Morrison khi đó viện lẽ Úc chọn trang bị tàu ngầm của Anh và Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân thay vì tàu ngầm chạy bằng điện của Pháp. Paris xem đấy là một sự « phản bội ». Nhưng đúng một năm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles thực sự lo ngại về kịch bản khả năng phòng thủ của Hải Quân bị « đứt gẫy » : Canberra không kịp thay thế đội tàu ngầm đang hoạt động vào ngưỡng 2040.
Thông tín viên RFI Grégory Plesse từ Sydney giải thích :
« Một năm trước đây, Pháp tố cáo Canberra đâm sau lưng Paris. Giờ đây có thể nói Úc đang bị một đòn trời giáng. Chính quyền trong tay Công Đảng Úc vừa xác nhận hai đối tác Anh và Mỹ không đủ khả năng cung cấp cho Canberra tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân.
Do vậy, tránh để bị hụt hẫng, Úc cần phải trang bị tàu ngầm quy ước. Theo báo chí Úc, Pháp là một trong những mục tiêu Canberra đang nhắm tới. Trong cuộc tiếp xúc với thủ tướng Anthony Albanese với hồi tháng 7 vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron dường như đã đề nghị bán cho Úc bốn chiếc tàu ngầm sử dụng dầu diesel. Thư ký Ủy Ban Quốc Phòng của Hạ Viện Pháp, dân biểu Anne Genetet, thuộc đảng Phục Sinh, không phủ nhận tin trên. Bà nói : ‘Pháp nắm bắt cơ hội là chuyện bình thường, vì chúng ta làm chủ công nghệ và có những thiết bị cao cấp… Không phải tình cờ mà hồi 2019 Úc đã ký hợp đồng với Pháp’.
Vào đầu tháng, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu và đồng cấp Úc Richard Marles đã thăm căn cứ Hải Quân tại Brest. Đây là bằng chứng củng cố thêm giả thuyết Canberra cần đến Paris. Tuy nhiên, về phía Úc, Hải Quân nước này dường như vẫn thận trọng, bởi họ e không đủ nguồn nhân lực để điều khiển loại tàu ngầm mới. Phải đợi đến tháng 3/2023 mới biết thêm thông tin, khi bộ Quốc Phòng Úc công bố toàn bộ chiến lược về trang bị tàu ngầm ».
_____________
Đỗ Hứng gởi