Tên đất quê mình
Danh là tên. Ðịa là ông Ðịa. Ông Ðịa là đất. Như vậy địa danh là tên đất.
Nhìn xa qua bên Nga, thành phố nguyên ủy là Saint Petersburg, Volgograd’. CS vô làm cha đặt tên Leningrad. (Cán bộ đọc VI Lenin là Sáu Lenin) và Stalingrad
Stalin ngỏm củ tỏi, quẹo củ từ năm 1953. Năm 1991, Liên Xô ‘rã bành tô’. Tên hai thành phố nầy lại châu về hiệp phố. Dân Nga ‘đá’ tên hai thằng chả theo luôn xuống hỏa ngục. Thiệt đúng là: ‘Còn thời cỡi ngựa bắn cung. Hết thời đi lượm dây thun bắn ruồi’
o O o
Sau nầy lưu lạc viễn phương như chiếc lá giữa dòng, đụng đâu tấp đấy, tui lạc tới Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, Úc Châu. Melbourne đọc phải uốn lưỡi lên, lưỡi xuống thiệt là mệt quá!
Tò mò, tui hỏi ên mình: Melbourne là tên ai vậy ta? Té ra Melbourne là tên đất ở Derbyshire, nơi Thủ tướng Anh, William Lamb khóc ‘oe oe’ chào đời ô trọc.
Ông sở bà sơ của người Úc toàn là ‘convicts’, tội phạm cò con. Chỉ vì nghèo đói quá, ăn cắp chừng chục ổ bánh mì, rồi phải bị đày ra tới đảo xa hơn nửa vòng trái đất.
Vậy mà Úc không để bụng oán thù. Úc Kangaroo thản nhiên như người Hà Nội, lấy Melbourne, quê của thằng cha căng chú kiết nào đó, xưa giờ chưa hề được nó mời nhậu một lần, để đặt tên cho thành phố mà mình đào vàng chết cha, chết mẹ để dựng nó lên!
Hồi mới qua, tui được cô giáo dạy tiếng Anh dắt vô Tòa Quốc hội tiểu bang ngoài ‘city’ coi chơi. Quốc hội đang họp. Chánh phủ và phe đối lập sùi bọt mép, chửi nhau chí chóe như khỉ. Tui hổng có nói dóc đâu nhe! Tui thấy mấy cây cột nhà bự ế kinh đúc toàn bằng vàng khối!
Còn như Tía tui đến Úc, hổng cần biết tên thằng Anh nào sất. ‘Melbourne’ Tía gọi là ‘Mai Bình’, theo kiểu của dịch giả Hà Mai Anh, cho nó ‘phẻ’ cái miệng?!
Cũng cần nói thêm là Melbourne không phải chỉ riêng ở Úc. Mà còn là ‘Mount Melbourne’, ở Nam Cực; ở Quebec, Canada, ở Arkansas, Florida, Iowa, Kentucky tuốt bên Mỹ.
o O o
Còn trở lại quê xưa, quê mình, tên đất đây có thể là một xóm. Bến sông xưa có ông Năm bán nồi rồi thành xóm Năm Nồi ở Mỹ Tho. Hay Hốc Bà Tó. Cha cái Hốc này tối dữ à ta?!
Từ tên xóm tới tên làng như: Chắc Cà Ðao, Mặc Cần Dưng… tiếng Khmer. Chưa ai biết nghĩa đích xác của nó là gì? Vì các nhà biên khảo vẫn còn đang cãi nhau ỏm tỏi.
Rồi tới tỉnh như Mỹ Tho, tiếng Khmer, nghĩa là “Nàng Tiên, người con gái đẹp”. Mà gái Mỹ Tho đẹp thiệt! Chu choa mẹt ơi! Ngay cả ‘Tông tông Thiệu’ còn phải lòng con gái Mỹ Tho; huống hồ chi là tui! Bằng cớ là Cô Bảy, tức bà Nguyễn Thị Mai Anh là Ðệ nhứt Phu nhân của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa là dân chánh gốc Mỹ Tho.
Tên đất bỗng nghe ai nhắc lại làm người tha hương chạnh nhớ người xưa quê mình tha thiết!
o O o
Còn Cần Thơ là sinh quán người yêu cũ của tui. Nhưng người yêu tha thiết cũ không còn nữa! Giờ đây em đã tót lên đầu làm vợ, làm ‘bà chằn lửa’ để cai trị đời tui.
Tại sao vùng đất nầy nơi đã sản sinh ra ‘em yêu’, một con người kiệt xuất, kinh thiên động địa như thế lại tên là Cần Thơ, mộng mơ đến thế .
Có ba cách cắt nghĩa. Một của Việt Cộng. Một của một số người dân địa phương. Và một của nhà biên khảo Sơn Nam.
Việt Cộng cắt nghĩa là: “Chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, bằng đường sông để trốn sự truy lùng ráo riết của nhà Tây Sơn. Một đêm, thuyền của Ngài lênh đênh trên dòng sông Hậu. Ðêm khuya thanh vắng, Ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là ‘Cầm Thi Giang’. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ.
Cắt nghĩa như vậy khó lòng thuyết phục tui. Nguyễn Ánh đang bị quân Tây Sơn ráo riết truy nã. Bắt được là giết ngay để trừ hậu hoạn thì Ngài có huỡn đâu mà thưởng thức đờn địch, ca ngâm, văn nghệ, văn gừng giữa đêm khuya thanh vắng?
Một số người dân địa phương lại cắt nghĩa là: vùng đất nầy có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không?”. Rau cần thơm đọc trại thành Cần Thơ!
“Rau cần rau thơm xanh mướt. Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn. Rau cần lại với rau thơm. Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều?”
Theo tui là: Phải đặt tên đất trước; rồi trồng rau sau. Ai mà đặt tên kiểu ngược ngạo như vậy bao giờ?
Nhà biên khảo Sơn Nam lại nói: “Vùng đất sông nước có nhiều cá sặc rằn (kìn tho, tiếng Miên). Kìn tho đọc trại là Cần Thơ!”
Mà quả vậy, Cần Thơ có cơ man là cá sặc rằn. Cá nhiều đến nỗi ăn không hết phải làm khô. Lâu lâu có bạn tới nhà, mình bằm xoài thanh ca trộn khô cá sặc rằn nướng lửa than. Chan nước mắm đường, làm dĩa gỏi nhậu chơi rất bắt.
Không phải thấy Sơn Nam sang mà tui bắt quàng làm họ, tui khoái cách cắt nghĩa của ổng hơn. Vì nó có lý. Phần ba tỉnh Miền Tây trong Lục tỉnh Nam Kỳ vốn là đất của Miên nên họ đặt tên trước là hợp lý quá rồi. Ðâu phải riêng cái tên Cần Thơ, mà Sa Ðéc là Chợ Sắt. Trà Vinh là Ao Phật. Sóc Trăng xứ có kho chứa bạc. Bạc Liêu là xứ quê mùa. Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu. Là xóm nghèo, làm nghề chài lưới. Rồi Cà Mau là nước đen; do lá mục của các cây tràm, ráng, dừa nước… làm nước có màu vàng sậm.
Nhớ những ngày còn kẹt lại ở Cần Thơ, con vợ tui thường đi chợ Tham Tướng. Với số tiền ít ỏi, còm cõi lận lưng, ‘em yêu’ mua cá sặc rằn, về kho khô thiệt mặn cho chồng ăn cơm với cá để còn có sức mà chạy xe đạp ôm.
Du kích Cần Thơ nổ là dân xứ Cầm Thi. Tức biết đàn (cầm) biết làm thi (thơ). Vì VC trong lòng bao giờ cũng bị ám ảnh sợ bị dân chê đồ ở trong rừng dốt nát.
Mấy tay vừa dốt, vừa xạo, vừa nổ, hung hăng đòi đưa nhà biên khảo Sơn Nam ra ba tòa quan lớn vì tội nói xấu Cần Thơ. Ông Sơn Nam dám nói Cần Thơ không phải là đất của thơ gì ráo mà là đất có nhiều cá sặc rằn.
Chuyện văn nghệ mà mấy cha. Hổng thích thì thôi, còn hăm he nhà biên khảo uy tín, xưa giờ chưa hề viết dóc, nói ẩu ra tòa áo đỏ thì chúng đúng là bọn dốt nát thiệt.
Ỷ cầm được cây AK-47 của Tàu cộng trong tay rồi muốn nói bậy bạ gì thì nói hay sao?
Ông bà mình đã từng dạy: “nhập gia tùy tục; nhập giang tùy khúc”. Nghĩa là: vào nhà nào tùy theo tục nhà nấy; vào sông tùy theo khúc sông. Ðó là nghĩa đen. Còn nghĩa bóng là: đến nơi nào phải theo phong tục của nơi đấy.
Nhưng tháng Tư, năm 1975, CS Bắc Việt chiếm được Miền Nam. Tượng thổ thần, thổ địa ngồi gốc cây da, chúng đem vụt tuốt xuống sông hết ráo vì cho đó là mê tín dị đoan. Tên đất xưa là vậy chúng cũng chẳng thèm tôn trọng. Chúng gom Bình Dương, Bình Long và Phước Long thành tỉnh Sông Bé. Sau vài năm, Sông Bé chắc nó bé quá, nên nó tự động biến mất tiêu. Rồi Bạc Liêu và Cà Mau thành Minh Hải. Biển sáng rồi tối hù hồi nào cũng hổng ai hay.
Chân ướt, chân ráo vào mà còn bố láo. Chớ biết khôn một chút là phải bỏ cái thói kiêu ngạo CS. Phải bỏ cái thói ‘chúng ông’, bắt dân Miền Nam phải tuân theo những cái lịnh linh tinh ngu ngốc của mình.
Thay đổi địa danh ở một nơi là phải tùy theo lòng dân. Tự xưng là dân chủ thì phải khác độc tài chớ. Phải họp dân mà hỏi. Ðâu phải muốn đặt tên gì, tên nào cũng được đâu mấy cha? Ðất nước nầy là của chung của ông bà để lại! Chớ đâu phải của riêng của chú mầy; do ông sở bà sơ của chú mầy để lại đâu?Xem xét địa danh, tên đất là phải có cái đầu. Phải khiêm cung mà học hỏi. Phải đọc, phải suy xét cân nhắc đúng sai. Chớ đọc “Mác Lê” mà không có cái đầu thì tốt hơn là đừng đọc! Tận tín thư bất như vô thư!
Đoàn Xuân Thu
_________________
Đỗ Hứng gởi