HOUSTON, Texas (NV) – “Hiện tượng” cư dân từ các tiểu bang khác, trong đó có người Việt, chuyển đến Texas sinh sống bắt đầu từ hơn chục năm trước, nhưng “sự dịch chuyển” này ngày càng “rộ” lên và nhộn nhịp hơn như câu tục ngữ “đất lành chim đậu.”
Một khu thương mại của người Việt ở Houston. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
“Cali đi dễ khó về” nhưng vẫn phải đi vì giá nhà!
Mang vợ con từ California sang Texas sinh sống từ năm 2017, anh Dũng Nguyễn đưa ra lý do: “Hồi ở bên San Jose tôi bán bảo hiểm, lương cũng hơn $50,000/năm, nhưng mua nhà không nổi, lại ở chung với ba mẹ. Qua đây vì muốn ‘an cư lạc nghiệp’ tôi dành dụm và mua được một căn ở Katy giá $230,000. Sau đó tôi bán, mua căn khác ở Houston năm 2019, giá $250,000.”
Anh Dũng, ông bố của bốn đứa con, bây giờ rất vui với cuộc sống mới vừa “lạc nghiệp” vừa “an cư.”
Xem thêm video: Người Việt đang dọn về Texas, nơi ‘đất lành chim đậu’
Chị Lam Nguyễn, “cựu cư dân” thành phố Santa Ana, vừa là cư dân mới ở Houston, cho biết: “Gia đình tôi sống ở California hơn chục năm, vì nhà bên đó cao quá nên nhiều lần rục rịch dọn đi. Mỗi lần vậy lại nghe ‘Cali đi dễ khó về’ thì sợ lắm. Cứ nghĩ, đi rồi, liệu có trở lại được nơi có một cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, và một khí hậu thuận hòa như thế không?”
Saigon Houston Plaza, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Nhưng theo lời chị Lam, cuối cùng gia đình chị cũng… mạnh mẽ chia tay California để sang Texas “làm lại cuộc đời.” Đó là năm 2019.
“Thu nhập thấp, tiền ăn uống và chi tiêu không đủ, lấy đâu dư ra mà trả tiền nhà, đó là lý do chúng tôi phải đi,” anh Quân, chồng chị Lam nói tiếp. “Thời gian đầu qua đây chúng tôi cũng thuê nhà, nhưng giá thuê rẻ, nên thu nhập hai vợ chồng làm ở nhà hàng, dư sức cho chúng tôi trả tiền nhà.”
Chỉ sau ba năm, anh chị “tậu” được căn nhà có giá $200,000 ở thành phố Arlington, gần Dallas.
“Bây giờ mỗi tháng tôi chỉ cần trả tiền nhà hơn ngàn bạc. Với số tiền này tôi không thể nào mướn được ngôi nhà ba phòng ngủ, có bếp, và mọi thứ riêng biệt như ở đây đâu,” anh Quân nói.
Asia Times Square – nơi hàng nằm đều diễn ra các hoạt động vui chơi của cộng đồng Việt. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Cô Tuyết Nguyễn sống ở Arlington được bốn năm, cho biết với người “có tuổi” như cô thì nên ở những nơi có nhiều người Việt như ở thành phố Arlington.
“Mình có hai đứa con, đứa ở Leesburg, đứa ở Arlington, nhưng mình thích ở với đứa bên này, chứ bên Leesburg có rất ít người Việt,” cô Tuyết nói.
Chuyển từ New York sang Arlington sinh sống, ông Nui Nguyễn cho biết gần đây, ông có nhiều hàng xóm là người Việt. Ông gặp đồng hương nhiều nhất là tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo, nơi có mấy ngàn giáo dân.
“Tôi chuyển về nơi có nhiều người Việt, vì đây là môi trường thuận tiện cho lớp con cháu noi gương cha mẹ trong việc thờ cúng và giữ gìn văn hóa cội nguồn.”
Bán một, mua được ba
Anh Thuận Nguyễn, người chuyên sửa nhà, và “kiêm” nghề mua bán nhà đất ở Houston, khẳng định, bán một ngôi nhà ở California, qua Texas mua được ba căn.
Anh kể, chỉ trong một ngày Chủ Nhật, 24 Tháng Tư, anh tiếp năm người ngoài tiểu bang bay sang Houston để “nghiên cứu” tình hình địa ốc trước khi quyết định mua nhà.
“Trong năm người có bốn người là cư dân California,” anh Thuận kể. “Họ đều có nhu cầu khác nhau, người muốn nhà ba phòng, giá phải chăng, người thích ở gần nhà thờ, người muốn vừa mua được nhà vừa mở được tiệm ăn. Lại có ông kia tìm mua nhà $600,000-$650,000. Wow, với giá đó thì nhà bên này đẹp tuyệt vời!”
Theo anh Thuận, giá nhà ở đâu cũng vậy, tùy thuộc vào vị trí, nhà lớn hay nhỏ, mới hay cũ.
Cũng có người từ tiểu bang khác, có điều kiện đầu tư, nên mua nhà bên Texas rồi cho thuê. “Mới tháng trước có người qua đây mua nhà, rồi thuê tôi sửa chữa lại,” anh Thuận kể. “Căn nhà giá khoảng $200,000, sửa hết $25,000. Làm xong, họ cho thuê được hơn $2,000/tháng đó!”
“Tôi từng ở New York, California, nhưng từ năm 1987 qua Texas sống tới giờ, tôi rất yêu mảnh đất này và sẽ ở đây mãi mãi,” ông David Đặng, tổng giám đốc Bến Thành Plaza, ở Arlington, Texas nói.
Làm nghề kinh doanh bất động sản, ông David biết rõ thị trường địa ốc các nơi. “Năm 1991, lúc tôi ở California, giá nhà không mắc như bây giờ,” ông David nói. “Bên ấy, giờ toàn ‘million house’ (nhà triệu đô). Nhiều người bán nhà qua đây vừa mua được nhà đẹp, vừa mở được cơ sở kinh doanh, sống khỏe!”
“Ngôi sao” đang sáng chói và… không “cô độc”
Texas là tiểu bang có diện tích lớn thứ nhất trong lục địa Hoa Kỳ (để chỉ 48 tiểu bang liền kề nhau), có biệt danh là “Lone Star State” (Tiểu Bang Ngôi Sao Cô Độc) nhằm biểu thị Texas nguyên là một nước cộng hòa độc lập và nhắc đến cuộc đấu tranh giành độc lập của Texas từ Mexico.
Texas có khí hậu nhiệt đới ẩm, với cái nóng tương tự như ở Sài Gòn. Vào mùa Đông, khí hậu nơi đây dễ chịu hơn mùa Hè nhưng đôi khi cũng có tuyết rơi. Nhưng vì Texas là tiểu bang rộng lớn, nên có nơi cũng chịu ảnh hưởng của vùng có khí hậu khắc nghiệt.
Bà Nguyễn Hữu Đoan Trang, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tarrant County, Texas, thừa nhận những năm gần đây, nhiều người, trong đó có bạn bè của bà, di chuyển từ nơi khác, nhiều nhất ở California, sang Texas sinh sống, lập nghiệp.
“Về khí hậu, có lẽ Texas không bằng California,” bà Đoan Trang nói. “Texas mà lạnh thì lạnh buốt da, nhưng chỉ vài tuần là hết, còn nóng cũng nóng lắm. Tuy vậy, người Việt mình lại thích nóng. Nếu ai muốn thưởng thức những cánh hoa phượng của Việt Nam nở đỏ rực, nên về Dallas để ở. Đó là lý do ở Dallas có đông người Việt lắm.”
Người Việt ở Arlington, Dallas-Fort Worth (DFW) không sống chung theo cụm như Orange County của California.
“Ở Texas, làn sóng cư dân chuyển vô từng đợt, nên chia nhiều vùng, như Carrollton, Grand Prairie, Irving, Garland… nhà ai nấy ở, nhưng họ không hề đơn độc đâu,” bà Đoan Trang nói tiếp.
Texas, nơi có khoảng 250,000 người Việt đang sinh sống, có nhiều cơ sở tôn giáo, các dịch vụ phục vụ cộng đồng Việt. Tại Houston, Arlington, DFW,… có nhiều nhà thờ, chùa chiền 100% là người Việt.
Nhưng dù nhà có rẻ, muốn “sống khỏe” cũng phải có công ăn việc làm.
Ông Sử Nguyễn, ở Forest Hill, giáp Arlington, cho biết giá nhà khu vực ông ở tăng nhanh những năm gần đây. “Mấy năm trước, nhà rẻ lắm, có bảy, tám chục, giờ phải trên 200 ngàn,” ông Sử nói. “Chỗ tôi có nhiều việc làm, như hãng điện tử, hãng máy bay,… Con tôi bảy đứa, có trường dạy nail, làm tóc, giờ chúng còn mở trại gà. Đứa làm hãng tiện lương cũng $30/giờ. Nhưng tôi thấy ai có nghề tóc về đây sống khá lắm!”
Trong khi thị trường Houston, DFW chưa bị cạnh tranh khốc liệt như ở Little Saigon đông đúc, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển hoạt động kinh doanh của họ từ các nơi sang và khai thác cộng đồng người Việt đang gia tăng tại đây. Tại các trung tâm thương mại lớn, nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt cũng đã “có mặt” như 7 Leaves, Bam Bu, giò chả Đức Hương,…
Ở Houston, người Việt làm nhiều ở các tiệm nail, hãng xưởng, buôn bán.
Theo ông David, vùng Arlington, DFW có những hãng xưởng nổi tiếng như GM, AT&T Stadium, Texas Ranger, Texas Live!, xung quanh có khách sạn 6 sao.
“Arlington, DWF rất thuận lợi về giao thông. Sau này những cao tốc nối với nhau, tình trạng giao thông còn tốt hơn nữa,” ông David nói.
“Ở Texas mấy chục năm, giờ tôi không dám về New York hay California, vì sợ không có chỗ đậu xe, hoặc bị kẹt xe. Còn ở đây, WalMart, Homedepot, hay các khu thương mại lớn có rất nhiều chỗ đậu xe. Ngay tại Bến Thành Plaza đây có cả ngàn chỗ đậu xe, ra vô thoải mái.”
Với nền kinh tế đang lớn mạnh lên, Texas trở thành tiểu bang dẫn đầu Hoa Kỳ trong nhiều ngành kinh tế, như nông nghiệp, hóa dầu, năng lượng, máy tính và điện tử, hàng không vũ trụ, và khoa học y sinh.
Một “ngôi sao” đang tỏa sáng, và sự hấp dẫn của thị trường địa ốc và thị trường lao động như hiện nay, chắc chắn, Texas không phải là nơi “cô độc” nữa. Và đó là điều dễ hiểu, tại sao “dòng chuyển dịch” từ các nơi đổ về đây vẫn chưa hết và ngày càng mạnh hơn. [kn]
Đoan Trang & Trà Nhiên
May 6, 2022
_______________
Đỗ Hứng gởi