Tha phương cầu thực xứ người: 'Thiên đường' không có thật
Không như nhiều người bị bỏ lại phía sau, anh Nguyễn Văn K. đã đối mặt với những trận chiến sinh tử, cuối cùng anh cũng đến được đảo quốc sương mù. Nhưng anh đã phải uất hận trở về, để rồi bệnh tật, nợ nần bủa vây sau 3 năm lưu lạc xứ người.
Ðu dưới gầm xe để vào Anh
Có lẽ nhờ những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, sự nhạy bén của một người lính đặc công, mà anh đã không trèo lên thùng container như nhiều người khác, để bị ngạt thở vì thiếu không khí. Anh và một người bạn quê Nghệ An quyết định đu dưới gầm xe tải để vào Anh. Theo anh K. đó là cách an toàn nhất để qua mặt hàng rào an ninh dày đặc tại khu vực biên giới của nước Anh.
Sau gần 3 tháng chờ đợi ở bãi ém quân, vào một tối cuối tháng 4, anh K và người bạn quê Nghệ An được bọn buôn người dẫn xuống bãi xe tải. Bằng con mắt nhà nghề, bọn chúng chọn cho anh chiếc xe tải chuẩn bị vào Anh đang dừng nghỉ ở đây. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy cam go, mỗi người mang theo 2 thanh gỗ và dây thừng, chui xuống gầm xe, lựa nơi thuận tiện và kín đáo, gác hai thanh gỗ vào gầm xe, dùng dây thừng néo chặt, rồi luồn người nằm lên đó.
Khoảng 1 giờ sáng, chiếc xe bắt đầu lăn bánh, chui qua đường hầm xuyên biển để vào Anh, trong lúc người tài xế không hề hay biết có hai người đang đu dưới gầm xe của mình. Đúng như nhận định, xe đi qua nhiều trạm kiểm soát, với đầy đủ máy móc soi chiếu tối tân nhưng không hề phát hiện ra hai người dưới gầm xe.
Chiếc xe cứ thế tiến sâu vào nội địa nước Anh mà không dừng nghỉ. Xe chạy liên tục 12 giờ đồng hồ, anh K. và bạn đồng hành bụi bám đầy người, mình mẩy đau nhức, đói, khát và buồn ngủ. Chỉ một giây sơ sẩy, họ có thể bị rơi xuống đường bất cứ lúc nào. “Đu dưới gầm xe, nghĩ về vợ con, khoản nợ trước khi ra đi đã giúp tôi vượt qua giới hạn của sự chịu đựng. Xe dừng lại, hai anh em chúng tôi thả tay và rơi tự do từ gầm xe xuống đất, chỉ kịp trườn ra bãi cỏ cạnh đó trước sự ngỡ ngàng của người tài xế và ngủ thiếp đi cho đến khi viên cảnh sát đánh thức để đưa về đồn” - anh K. kể.
Ðịa ngục giữa thiên đường
Nửa câu tiếng Anh không biết, tại đồn cảnh sát, anh K. và người bạn như lạc vào hành tinh khác. Hai anh chỉ biết viết vào tờ giấy hai chữ Việt Nam. Sau khi lăn dấu vân tay, một viên cảnh sát đưa tới chiếc máy điện thoại, ra hiệu rằng, hãy điện cho người thân. Người bạn Nghệ An liền liên lạc với người thân đang ở Anh, sau mấy giờ đồng hồ, một người Anh đến làm thủ tục bảo lãnh các anh rời đồn cảnh sát.
Các anh được đưa về London, nơi anh bạn Nghệ An có người thân. Cùng nhau vượt qua bao sóng gió, từ xa lạ thành thân thiết, người bạn Nghệ An hẹn rủ anh K. ở lại cùng làm ăn. Tại đây, ban đầu hai anh được ông chủ người Việt gốc Nghệ An nuôi cơm và cho đi thu hoạch cỏ (cần sa) mỗi khi đến kỳ để làm quen. Được một thời gian, khi bắt đầu biết việc, quen người, hai anh được ông chủ tách ra, mở cho mỗi người một “trang trại” trồng cỏ. Nói là trang trại, nhưng thực chất họ trồng trong các ngôi nhà phố được ngụy trang kín mít.
Anh K. được đưa đến một ngôi nhà 3 tầng, nằm trên một con phố khá sầm uất. Ở đây, dưới sự hướng dẫn của một kỹ thuật viên, anh K. tự tay trộn đất, phân bón, gieo giống… cho vào 100 chiếc chậu được chia ra đặt ở 5 phòng trong ngôi nhà. Những phòng có chậu cỏ được mắc rất nhiều bóng đèn sợi đốt để giữ nhiệt và tạo ánh sáng thay thế ánh mặt trời. Thức ăn, nước uống được cung cấp một lần cho 3 tháng, thời điểm tới kỳ thu hoạch đầu tiên.
Ngôi nhà được đóng kín mít không một ánh sáng bên ngoài lọt vào. Một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang sáng chói vì ánh điện, anh K. hầu như không biết đâu là ngày đâu là đêm nếu không có đồng hồ. Ngày ngày, anh K. pha hóa chất vào nước tưới cho các chậu cỏ, theo dõi tốc độ sinh trưởng chờ đến ngày thu hoạch. “Ban đầu chưa quen tôi buồn nẫu ruột, thèm nhìn thấy ánh sáng mặt trời, thèm nghe thấy tiếng người một cách lạ lùng. Nhiều khi muốn mở cửa ra ngoài nhưng lại sợ bị phát hiện nên đành cắn răng chịu đựng, nghĩ về vợ con nheo nhóc ở quê nhà mà cố gắng vượt qua” - anh K. tâm sự.
Đúng 3 tháng, khi các bông hoa của cây cần sa đạt độ chín, anh điện thoại cho ông chủ thông báo để thu hoạch. Ông chủ cho biết, 3 ngày nữa sẽ cho người đến thu hoạch. Tuy nhiên, vào khoảng nửa đêm ngày thứ 2, khi đang ngủ anh giật mình tỉnh lại vì nghe tiếng cậy cửa. Anh lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp định thần thì xuất hiện 3 người đàn ông Việt Nam bịt mặt, người cầm thanh sắt cạy cửa, người cầm liềm, người cầm súng tiến vào, yêu cầu anh ngồi im không sẽ bị bắn. Lúc này anh mới hiểu ra, mình đang bị cướp. Nhìn bọn chúng thoăn thoắt dùng liềm hái những bông cần sa, anh định vùng dậy chiến đấu để bảo vệ thành quả đầu tiên của mình. Nhưng anh nhớ lại ông chủ dặn: “Nếu có bị cướp thì đừng chống cự mà mất mạng”.
Tiếp theo, cứ gần vụ thu hoạch thứ 2, thứ 3, khi anh thông báo cho ông chủ là y như rằng lại có bọn cướp đến “hớt tay trên”. Anh bắt đầu mường tượng ra, đây là chiêu trò của ông chủ để khỏi phải ăn chia 50/50 với người trồng cỏ. Anh điện thoại cho người quen ở thành phố Manchester đến đón về và tiếp tục nghề trồng cỏ.
Trở về từ ngục tù
Người quen của anh ở Manchester trước đây cũng trồng cỏ nhưng đã giải nghệ và mở chuỗi nhà hàng ăn uống tại đây. Anh ta đề nghị trả lương để anh K., phục vụ trong nhà hàng của mình, nhưng anh K. không đồng ý, mà quyết tâm vay tiền để tự mình trồng cỏ.
Nhờ sự giúp đỡ của người quen này, anh K. nhanh chóng thuê được nhà để gầy dựng trang trại trồng cỏ cho riêng mình. Vụ đầu tiên, với 100 chậu cỏ, toàn bộ số tiền bán được vừa đủ trả nợ cho người quen và một phần làm vốn cho vụ sau. Theo anh K. thường vụ đầu tiên mất 3 tháng, còn các vụ tiếp theo nhờ có gối đầu nên chỉ mất 20 ngày là đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, khi thành quả chưa kịp thu hoạch thì anh bị cảnh sát Anh bắt giữ ngay tại trang trại và bị kết án 2 năm tù.
Sau này, khi vào tù anh mới biết nguyên nhân mình bị lộ, lí do là tiền điện của ngôi nhà anh thuê tăng đột biến nên người của ngành điện báo cho cảnh sát. Dân trồng cỏ chuyên nghiệp, thường câu trộm điện để tránh bị phát hiện, ngay cả rác sinh hoạt cũng cần phải tiêu hủy nếu không sẽ là manh mối cho cảnh sát lần tìm ra địa chỉ.
Ở nhà tù Anh 1 năm thì anh được phóng thích. Cảnh sát Anh mua vé máy bay, tặng thêm thẻ tín dụng (trị giá 50 triệu VND)làm lộ phí và áp giải anh ra máy bay về nước. Do những ngày cô độc một mình trong trang trại trồng cỏ, nhớ vợ con, nhớ quê nhà anh đã tập hút cỏ; cộng với môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời, anh trở về nước được một thời gian, sức khỏe giảm sút và bắt đầu phát bệnh. Bác sỹ bảo anh bị bệnh khớp, nhũn não, sỏi mật…
Không tiền trả nợ, gia đình lại phải vay thêm để chạy chữa bệnh tật cho anh. Anh K. chua xót: “Để sang được Anh không phải dễ, không chỉ tủi nhục mà nhiều khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Nhưng khi đến Anh rồi không phải ai cũng may mắn kiếm được tiền. Về nước đã lâu, nhưng những gì đã trải qua trên hành trình đến nước Anh vẫn cứ ám ảnh trong tâm trí tôi không thể xóa nhòa. Giờ hối hận thì đã muộn”.
Hoang Nguyen gởi
|
|