Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
THA THỨ DẬP TẮT LỬA SÂN
 

 
Khi bị ai đó làm tổn thương, chúng ta không bắt buộc phải trả thù hay trừng trị họ. Nếu là người Công Giáo, hay Hồi Giáo thì chúng ta có thể nghĩ thượng đế sẽ trừng phạt họ. Nếu là người Phật Tử, hay Ấn Độ Giáo thì chúng ta hãy để luật nhân quả trừng trị họ. Giả sử bạn không theo những đạo trên mà theo đạo khoa học hiện đại như tâm lý trị liệu, thì bạn nên biết là người não hại bạn sẽ mang mặc cảm tội lỗi và phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc để giải tỏa nó.

Vậy thì tại sao chúng ta lại cần phải “dạy cho họ một bài học”?
Nếu suy nghĩ chín chắn thì chúng ta không cần phải ra tay trừng trị họ. Mọi việc sẽ trôi chảy êm đẹp nếu chúng ta biết tha thứ và buông xả cơn giận.
 
Trong tu viện của tôi có hai nhà sư người Mỹ đang xích mích với nhau. Một người từng là thủy quân lục chiến trước đây ở Việt Nam. Còn người kia từng là một nhà kinh doanh giàu có ở Mỹ nhưng từ bỏ danh vọng để đi tu. Cả hai đều còn trẻ, khỏe, có tài và cương quyết.

Đúng ra các nhà sư không nên cãi nhau, nhưng chuyện này vẫn xảy ra như thường. Và các nhà sư cũng không được đánh nhau, nhưng chuyện này cũng có thể xảy ra.
Hai nhà sư kia lời qua tiếng lại một hồi lâu, rồi bắt đầu lớn tiếng, xấn lại trừng mắt nhìn nhau như sẵn sàng để cho đối thủ vài cú.
 
Đang giữa cơn thịnh nộ chửi bới nhau như vậy, bất thình lình nhà sư cựu chiến binh sụp xuống đất quỳ lạy cung kính, làm nhà sư cựu thương gia hết sức kinh ngạc. Nhà sư cựu chiến binh ngẩng mặt lên nói:
- Tôi thành thật xin lỗi. Xin bạn hãy tha thứ cho tôi.
 
Quả thật đây là một hành động bất ngờ và hi hữu, xuất phát tự nhiên từ đáy lòng chứ không tính toán trước. Nó được làm một cách thành thật khiến người đối diện cảm nhận được ngay. Và nhà sư thương gia kia đã cảm động bật khóc.

Vài phút sau mọi người thấy họ thân mật trở lại với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là điều mà các nhà sư nên làm.

Theo tôi nghĩ, vị sư cựu chiến binh kia không thể tự nhiên trong cơn thịnh nộ, thiếu điều sắp đấm đối thủ, mà có thể xụp xuống lạy như vậy nếu như trước đó nhà sư ấy chưa từng có bề dày thực tập quán chiếu về từ bi, tha thứ và sám hối.

Chưa chứng quả Thánh, thì ai mà chẳng có lúc sân lên, nhưng người có tu, biết tu thì mới biết sám hối. Còn người không tu thì sẽ để cho cơn sân nắm đầu lôi đi và sẽ không có chuyện sụp xuống quỳ lạy xin lỗi.
 
________________________
 
Vấn đề của cái giận là chúng ta thích giận. Nốii vậy có lẽ nhiều người không đồng ý, vì có ai lại thích giận bao giờ? Khi giận lên, nó cho chúng ta cảm giác mạnh bạo, oai hùng, không còn biết sợ và uy hiếp mọi người làm họ nể phục. 

Vì thế mà vô tình chúng ta “ghiền giận” và thích giận. Khi giận lên, la hét, đập phá thì chúng ta cảm thấy hả dạ, cảm thấy “đã nư”. Nhưng trong cái giận có nhiều sự nguy hiểm, đưa tới kết quả tai hại không thể lường được. Chúng ta cần phải ý thức được sự nguy hiểm của cái giận thì may ra mới từ bỏ nó được.

(Trích AI MUA XE RÁC - thiền sư Thái Lan Ajahn Brahm)


________________


Hoang Nguyen gởi