Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Thảm Cảnh Tháng Tư 1975 Tái Diễn
 
 
Mỹ rút khỏi Nam Việt năm 1973, hai năm sau Mỹ cúp viện trợ, quân đội VNCH kiệt quệ, Nam Việt xụp đổ, 3 triệu người Việt Nam tháo chạy.
 
Thảm cảnh đó đang tái diễn tại A Phú Hãn; tờ New York Time viết, “at least 30,000 Afghans are leaving each week,” (mỗi tuần tối thiểu có 30,000 người A Phú Hãn bỏ chạy).
 
Ông Haji Sakhi nói với phóng viên New York Time là lần đầu tiên ông quyết định bỏ trốn khỏi A Phú Hãn diễn ra sau một đêm ông nhìn thấy hai thành viên Taliban kéo một phụ nữ trẻ từ nhà cô ta ra vỉa hè và đánh đập cô. Chứng kiến cảnh khiếp đảm đó, Sakhi kinh hoàng, sợ cho ba cô con gái của mình; sáng hôm sau, ông nhét cả gia đình lên xe, và lao thẳng xuống những con đường đất ngoằn ngoèo vào Pakistan.
 
Thảm cảnh đó xẩy ra hơn 20 năm trước; Sakhi quay trở lại thủ đô Kabul, gần một thập kỷ sau cuộc xâm lược do Hoa Kỳ thực hiện lật đổ chế độ Taliban. Nhưng giờ đây, lực lượng Mỹ rút lui tạo ra việc Taliban càn quét, khủng bố khắp các khu vực mà trước kia Mỹ giúp thân binh A Phú Hãn trấn đóng.
 
Ông Sakhi, 68 tuổi, lo sợ cảnh bạo lực ông chứng kiến nhiều năm trước sắp tái diễn. Ông bảo anh phóng viên Mỹ là ông đã nộp đơn xin tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cho bản thân ông, cùng với gia đình gồm vợ, ba cô con gái và một cậu con trai.
 
Sakhi nói: “Tôi không sợ cảnh trắng tay, tôi không sợ bắt đầu làm lại cuộc đời vào tuổi đã hồi hưu. Điều tôi sợ là Taliban."
 
Giống y chang với hoàn cảnh của người Việt 46 năm trước, người Việt cũng khiếp sợ chính sách tàn bạo, độc ác của Việt cộng.
 

Ông Haji Sakhi đang sống tại thủ đô Kabul
 
Trên khắp lãnh thổ A Phú Hãn, một cuộc di cư ồ ạt đang diễn ra song song với chiến dịch tiếp thu tàn bạo của Taliban; mọi người khiếp sợ trước viễn ảnh tái diễn cuộc sống khắc nghiệt của chế độ cực đoan hoặc một cuộc nội chiến đẫm máu giữa các lực lượng dân quân liên kết sắc tộc.
 
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 330.000 người A Phú Hãn đã phải di dời, hơn một nửa trong số đó phải bỏ nhà cửa tháo chạy, kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân vào tháng 5 vừa rồi.
 
Nhiều người đã tràn vào các lều trại tạm trú tạm bợ hoặc chen chúc, đùm đậu trong nhà của người thân ở các thành phố - những hòn cô đảo cuối cùng mà chính phủ còn kiểm soát ở nhiều tỉnh. Hàng nghìn người khác đang cố gắng xin hộ chiếu và thị thực để rời khỏi đất nước vĩnh viễn. Nhan nhản khắp nước là cảnh chen chúc trong những chiếc xe tải của phường buôn lậu trong nỗ lực tuyệt vọng tìm đường giúp đưa họ bất hợp pháp qua biên giới.
 
Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết trong những tuần vừa rồi, số người A Phú Hãn vượt biên bất hợp pháp đã tăng khoảng 30 đến 40% so với thời kỳ trước khi quân đội quốc tế bắt đầu rút vào tháng 5. Ít nhất 30.000 người hiện đang bỏ trốn mỗi tuần.
 
 A Phú Hãn đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác,” Babar Baloch, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, cho biết vào đầu tháng này. "Việc không đạt được một thỏa thuận hòa bình ở A Phú Hãn và ngăn chặn bạo lực hiện tại sẽ dẫn đến tình trạng di dân lớn hơn."
 
Cuộc di cư đột ngột quay trở lại thời kỳ bất ổn gia tăng trước đó: Hàng triệu người đã đổ ra khỏi A Phú Hãn trong những năm sau khi Liên Xô xâm lược vào năm 1979. Một thập kỷ sau, nhiều người lại bỏ chạy khi Liên Xô rút lui và đất nước rơi vào cuộc nội chiến. Cuộc di cư tiếp tục khi Taliban lên nắm quyền vào năm 1996.
 
Người A Phú Hãn hiện chiếm một tỉ lệ trong những dân số tị nạn lớn nhất thế giới (khoảng 3 triệu người) và nhu cầu tìm một mảnh đất dung thân của họ hiện cũng khó nhất trong lịch sử nhân loại.
 
Thái độ của những nước giầu, có khả năng đón tiếp người tị nạn đang trở thành cứng rắn hơn trên khắp thế giới.
 
 Sau khi thiết lập một thỏa thuận hồi hương vào năm 2016 để ngăn chặn tình trạng di cư từ các nước bị ảnh hưởng chiến tranh, châu Âu đã trục xuất hàng chục nghìn người di cư A Phú Hãn. Hàng trăm nghìn người A Phú Hãn khác đang bị Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải ra khỏi đất Thổ; những lân quốc của A Phú Hãn như Pakistan và Iran, đang gặp nhiều khó khăn, vì họ đang có khoảng 90% tổng số người A Phú Hãn bỏ xứ ra đi.
 
Nạn đại dịch Coronavirus cũng khiến việc di cư hợp pháp và bất hợp pháp trở nên khó khăn hơn, khi các quốc gia đóng cửa biên giới và thu hẹp các chương trình tị nạn, đẩy hàng nghìn người di cư đến châu Âu theo những con đường nguy hiểm hơn.
 
Tại Hoa Kỳ, sự tồn đọng ngày càng tăng đối với chương trình Thị thực Nhập cư Đặc biệt - dành cho những người Afghanistan phải đối mặt với các mối đe dọa vì việc của họ cộng tác với chính phủ Hoa Kỳ trong chiến tranh.
 
Thái độ quan liêu của viên chức A Phú Hãn đang khiến khoảng 20.000 người A Phú Hãn và gia đình họ  -dù đủ điều kiện để được định cư tại Mỹ- đang mắc kẹt trong tình trạng dầu sôi, lửa bỏng.
 
Chính quyền Biden đã chịu đựng nhiều áp lực nặng nề trong việc bảo vệ những người A Phú Hãn cộng tác với Mỹ trong chiến tranh.
 
Taliban tuyên truyền khuyến dụ người A Phú Hãn đừng bỏ xứ đi tị nạn; cán bô tuyên truyền của họ loan truyền luận điệu ‘di cư không phải là giải pháp; đừng mạo hiểm, và đừng gây nguy hiểm cho gia đình bạn.’
 
 
Người dân A Phú Hãn xếp hàng rồng rắn bên ngoài văn phòng cấp hộ chiếu ở Kabul
 
Một buổi sáng gần đây ở Kabul, mọi người tụ tập bên ngoài văn phòng hộ chiếu. Trong vòng vài giờ, một đường kẻ chạy quanh ba dãy phố và chạy ngang qua một bức tranh tường về người di cư với lời cảnh báo đáng ngại: “Đừng gây nguy hiểm cho bạn và gia đình bạn. Di cư không phải là giải pháp”.
 
Tuy nhiên những chuyến bay đột ngột ngoài chương trình dự liệu vẫn gia tăng khiến người A Phú Hãn hiểu đó là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tị nạn đang bắt đầu, đồng thời đưa ra cảnh báo với các quốc gia láng giềng của A Phú Hãn và các nước châu Âu là họ sắp lãnh hậu quả việc Mỹ rút quân.
 
Chẳng riêng gì những người cộng tác với Mỹ mới hốt hoảng tìm đường di cư, mà ngay cả những người lao động, nghèo khổ cũng đang tìm đường bỏ chạy. Điển hỉnh là anh Abdullah, 41 tuổi, anh này bảo nhóm phóng viên Mỹ, “Tôi cần phải có hộ chiếu và cần thoát khỏi đất nước này,” Abdullah giải thích ‘tội’ của anh đối với cách mạng Taliban: ‘tôi lái taxi giữa Kabul và Ghazni, một trung tâm thương mại ở phía đông nam của thủ đô Kabul; mới đây ông chủ hang tắc xi cho tôi biết là Taliban đang truy lùng tôi về tội cho một nhóm quân nhân A Phú Hãn quá giang một đoạn đường. Hai ngày sau, ông chủ gọi điện báo cho tôi biết là lính Taliban đã hỏi ông ta về việc một tài xế taxi chuyên chở lực lượng an ninh – và họ đã đọc lại số xe của tôi. Cộng tác với chính phủ hay với quân đội A Phú Hãn thân Mỹ là tội tử hình.”
 
Khiếp sợ, Abdullah đang tìm mọi cách để trốn ra ngoại quốc. Anh than thở, “Xuất cảnh hợp pháp là vô cùng tốn kém, đi bất hợp pháp thì rất nguy hiểm, mà không đi lại còn nguy hiểm hơn."
 
Các quốc gia láng giềng của A Phú Hãn đã minh bạch tỏ thái độ không sẵn sàng tiếp đón dòng người tị nạn A Phú Hãn; các nhà lãnh đạo ở Trung Âu đang ra lệnh tăng cường an ninh biên giới của họ, lo ngại cuộc di cư hiện tại có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2015 khi gần một triệu người, chủ yếu là người Syria di cư vào châu Âu.
 
Không ai quan tâm đến tiếng nói nhỏ nhoi của quý bà quả phụ, chồng bị Taliban giết trong lúc giao tranh. Họ cũng có nhu cầu tị nạn, nhưng chắc họ không có cách nào ra khỏi thảm cảnh tháng Tư Đen của người Việt chúng ta.
 

Những thiếu phụ mất chồng cũng xin tị nạn
 
Không ai không thương người đồng cảnh ngộ, nhưng có thương cũng đành để bụng mà thôi, vì niềm bất hạnh của người A Phú Hãn quá lớn so với khả năng vô cùng hạn hẹp của người Việt hải ngoại chúng ta.
 
Tuy nhiên người viết bài báo này xin quý vị độc giả lưu ý đến một khác biệt vô cùng to lớn giữa hoàn cảnh của chúng ta gần nửa thế kỷ trước, và hoàn cảnh của người A Phú Hãn hôm nay.
 
 
 
Ngày đó gần như toàn thế giới mở cửa đón nhận chúng ta, hôm nay -lại cũng toàn thế giới- đóng cửa xua đuổi người tị nạn A Phú Hãn!
 
Đáng buồn? hay đáng mừng?
 


Nguyễn đạt Thịnh

02.8.2021
 

____________________


usaelection gởi