Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
THẰNG ĐẺ BỌC ĐIỀU 
 

« Hắn nói qua đôi chút về « đẻ bọc điều »
Đẻ bọc điều là bé sơ sinh dù đã chào đời nhưng em bé vẫn nằm gọn trong túi nước ối chưa vỡ của người mẹ. Tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 1/80.000 ca.

Sinh ra trong túi ối là một trường hợp vô cùng hiếm hoi trong các ca sinh đẻ. Khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, túi nước ối vẫn chưa bị thủng.
Điều đó có nghĩa là bé vẫn chưa nhận thức được rằng mình đã chào đời và vẫn sinh hoạt theo cơ chế như trong cơ thể mẹ. Một khi vẫn ở trong túi ối, bé không cần thở cho tới khi ra khỏi túi, nhau và dây rốn được cắt bỏ. »
   
Vừa rồi vô tình xem lại những hình ảnh ngày xưa và cũng tình cờ có được những hình nhiếp ảnh nghệ thuật na ná như cuộc đời mình đã trải,có ý định kể lại lại vài giai thoại mà khi kể chuyện để tránh nhàm chán nên cũng nêm nếm thêm chút « mì chính » làm hư cấu , chỉ là tí xíu thôi.
Hình ảnh kèm theo là những hình ảnh còn là  » công tử phố hàng Bông » trước ngày vào Nam vào đầu năm 1953
   
Nhìn tấm ảnh nghệ thuật người mẹ gánh và đội con trong cái thúng , đấy cũng là hình ảnh hắn lúc còn bé còn ngu…..viết loanh quanh nãy giờ vẫn chưa chọn được một đề tựa thích hợp , thây kệ từ từ sẽ lòi ra
Cũng là nhân kỷ niệm sinh nhật 100 năm của bà cụ , cụ đúng 100 tuổi lúc đang viết những dòng chữ này , sinh tháng 4 năm 1915
  
Là con gái Bắc Ninh , hình như ở làng Đình Bảng , bà còn thì hỏi lại cho chính xác , cái này chỉ nghe lại thôi vì khi vào nam làm lại giấy khai sinh , chỉ ghi là Bắc Ninh. Nhiều người chắc có nghe bài  » Lá diêu bông » của Hoàng Cầm chứ :
 « Đồng chiều , cuống rạ
  Váy Đình Bảng buông chùng cửa Võng

……..
 
Đứa nào tìm được lá diêu bông thì chị lấy làm chồng »
Mấy anh trai làng chổng mông đi tìm mà chẳng anh cu nào kiếm đươc , vậy mà có người đàn ông từ Khoái Châu- Hưng Yên tìm được lá diêu bông , nên cô Ninh theo về làm dâu HƯng Yên ,và trở thành bà « Phán giây thép » vì bố hắn lúc đó làm việc ở Bưu Điện Hà Nội. Hình mẹ tôi đấy , xem có giống như nhà thơ Nguyễn Bính viết không nào
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi.
thumbnail_IMG_324842479246
( khổ như vậy nên hắn có đến 9 anh chị em)
   
Bố là công chức nên công việc thay đổi chỗ làm việc luôn khi thì Hà Nội , lúc ở Hải Phòng , rồi leo lên mạn ngược Tuyên Quang vì nhu cầu công vụ lại tạt qua Sầm Nứa Savanakhet tận bên Lào và cuối cùng vào nam , chỗ nào cụ ông cũng không quên bỏ lại dấu vết bên đường , người chị cả , ông anh thứ 2 sinh ra ở Hà Nội , (đã mất năm 1952 vì bị bịnh thương hàn) , sau đó ông lại đổi lên làm trưởng ty bưu điện Tuyên Quang ,nơi đây người chị thứ tư và người anh kế ra đời .

Khi bố rời khỏi Tuyên Quang để sang Lào nhận việc mới , mẹ một nách dẫn 5 đứa con về quê chồng vừa chăm sóc gia đình chồng và nuôi con , cũng là lúc tôi thằng thứ sáu, bon chen chui vào bụng của bà .
 
Tình hình đất Bắc lúc bấy giờ thật là bất ổn , Năm 45 Nhật thất trận , Pháp lại mon men trở lại , sau khi đặt chế độ thuộc địa ở miền Nam , Pháp xây dựng trở lại lại chính sách bảo hộ ở miền Bắc .
 
Sau nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 45, Việt Minh phát động phong trào kháng chiến toàn quốc , cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm cho đến năm 1954 , vùng Hưng Yên quê tôi ở cũng nằm trong tình trạng ban ngày quân đội Pháp chiếm đóng , trong 9 năm kháng chiến khá nhiều địa phương làng mạc ở miền Bắc sống trong vùng nhá nhem giữa hai nền cai trị. Có thể nói rõ hơn là ban ngày thì lính Pháp vào làng nên đặt ra một “ủy ban hành chánh” để dễ dàng điều khiển. Bắt dân đóng góp vật liệu xây dựng như tre , nứa,đi sửa đường , phải đóng cả thuế. “Hội đồng nhân dân” này được gọi là “hội tề”. Nhưng buổi tối Việt Minh lại mò về làng, lúc đó quyền cai trị lại thuộc về họ. Cái trò chơi cút bắt này cứ tiếp diễn và người dân dưới quyền “hội tề” cứ nghe theo cả hai bên. Để giữ mạng sống cho cả làng, hội đồng này chủ trương “triệt để trung lập”. Tây hay Việt Minh hỏi đều trả lời ú ớ: “không biết” cái gì cũng không biết , không rõ. Bất cứ chuyện gì, bên nào hỏi cũng ú ớ không có, không biết… Mỗi bên ra một luật lệ riêng, “hội tề” làm thehắno tuốt luốt, nhưng cái gì cũng làm nửa vời, cho nên hồi đó người ta nói “ấm ớ như hội tề » là vậy.
  
Gia đình hắn sống trong vùng tề , ngay cả những tiền ba hắn gửi mandat về cũng khó khăn để lãnh ,cho đến thời điểm mẹ mang thai hắn khi gần đến ngày sinh , vì phải lo thêm cho gia đình chồng, hoàn cảnh lúc đó thật khó khăn mẹ phải buôn bán thêm là thuốc men , bông băng , thuốc đỏ… đặt trong quang gánh. Vậy đó mà với gánh thuốc này mẹ cũng xoay chuyển được thế cờ.
 
Thế rồi trong cuộc chạy loạn xảy ra vào đêm 21 tháng 6 âm lịch, chạy sang vùng  bên cạnh thuộc phố Hiến xã Xích Đằng , mẹ chuyển bụng , tình trạng thật nguy kịch , hắn được sinh ra trên cánh đồng này, sau khi mẹ cố gắng đi đến một chuồng trâu gần đấy , té ra hắn cũng giống được chúa Hài dồng , hắn chỉ nói lại theo lời kể của những người chạy loạn chung, đến giờ mới thấy đó là một người đàn bà bình tĩnh ,với sự giúp đỡ của những người cùng chạy loạn hắn đã ra đời ,là « cậu Sáu Xích Đằng », bà đẻ còn trong bọc đỏ lòm vì dính máu nói theo kiến thức y học bây giờ là tại không bị vỡ bọc nước ối , còn nói theo kiểu dân gian thì gọi là đẻ bọc điều may mà không sao ,mẹ cũng nhanh trí lúc đó đập vỡ cái chai đem theo , sát trùng xong dùng mảnh chai này mà cắt rốn ,vậy đó mà mẹ tròn con vuông , là sự sắp đặt của đất trời để đến lúc này thành gã Ara tha hồ xạo đía .
« Chạo hơn nem nhờ đem nướng mía
Thằng sáu Xích Đằng xạo đía có duyên »
  
Nói đến đây đã tìm ra chủ đề câu chuyện rồi , gọi là  » THẰNG ĐẺ BỌC ĐIỀU » ,bởi thế sau này mẹ hắn mỗi lần thấy có chuyện gì may mắn cho hắn mẹ phán ngay   » Thằng đúng là đẻ bọc điều  » . Đẻ xong nào có hết đâu còn vấn để nuôi nữa , sữa bà không đủ , người cậu và vài người bạn của bố cứ đêm về lại trốn qua những đồn bót để mua sữa , mà làm gì có sữa bán vào lúc đó , mẹ phải nhờ mua mật và pha chung với nước cháo cho bú thêm thế nên sau này mỗi khi gặp lại những người đó họ lại hỏi mẹ là « Có phải là thằng đẻ ở bến Chay chợ Trạm không  » Những địa danh nghe sao lạ hoắc nhưng với hắn nghe thật dễ mến .
   
Cái gánh hàng xén lúc đó không những để hàng hóa mà còn có thêm 1 thằng cu được nằm một đầu quang gánh và cũng được lang thang khắp các cánh đồng chiêm vùng trung du Việt Bắc cho đến lúc cuộc chiến nơi đây nhẹ dần thì về lại làng, làng xóm tan hoang sau những trận càn quét của Tây và tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Về đến đây mới làm giấy khai sinh, cho đến giờ hắn vẫn còn giữ tờ giấy khai sinh này kỷ niệm , khai sinh của Việt Nam dân chủ cộng Hoà – Độc lập tự do hạnh phúc cấp; được viết bằng ngòi viết lá tre chấm mực viết trên tờ giấy học sinh, cũng làm giống như bao tờ khai sanh khác nhưng khi đọc lại cũng vui vui.

Họ và tên đứa con giai : Nguyễn Hữu Phát ,nơi sinh lại là làng Xuân Đình , tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu , tỉnh Hưng Yên, nơi đây ngày trước là vùng kháng chiến của cụ Tán Thuật tức là cụ Nguyễn thiện Thuật lập căn cứ nơi Bãi Sậy và đã lưu danh vị anh hùng này, có hỏi mẹ là ngày tháng sinh có đúng không thì cụ nói nghe chắc nịch « Tao đẻ mày hôm 21 tháng 6 âm lịch  » , hỏi lại cụ sao cụ biết hôm đó là ngày 21, cụ nói ngon ơ « mày đúng là dốt chẳng biết gì cả, có cả một bài, thì là 20 giấc tốt ; 21 nửa đêm », cụ nói theo tục ngữ ca dao, hôm đó nửa đêm mới có trăng hạ tuần, chẳng là ngày 21 thì là ngày gì. « Ngọng » với cụ nhưng phải nhìn nhận cụ tháo vát có nhận xét bén nhậy, vậy thì cứ căn cứ như vậy mà chuyển sang dương lịch, đâu cần chấm số tử vi làm gì nữa, nhìn vào là thấy có sao thiên mã tại cung di, lại nhìn thấy nguyên một con nghé chạy long nhong ngoài đồng từ nhỏ rồi còn gì, vì thế cho đến bây giờ máu giang hồ vặt vẫn còn đeo đuổi .
 
Một thời gian sau gia đình cũng thoát khỏi vùng tề về được Hà Nội, các anh chị đi học trở lại, còn một số giấy tờ của ba mẹ để lại ghi địa chỉ ở Hà Nội lúc mới về là số 69 phố Hàng Bông-Thợ Ruộm( thợ Nhuộm ) sau đó dọn về số 72 phố Lò Đúc cạnh chùa Tổ Ông Hà Nội nơi đây mẹ vẫn tiếp tục gánh thuốc trên vai đi bán và « cậu ấm » vẫn ngồi một bên quang gánh cho đến ngày vào Nam. Cái hình gởi vào đây là lúc ở Hà Nội bà cụ ngồi giữa hai tả hữu nhi đồng ,anh Phú lớn hơn 3 tuổi, hiện tại cũng đang sống ở Nam Cali.

Bố lúc này làm trưởng ty bưu điện ở Thủ dầu Một rồi sau đó về sở Bưu điện Sàigon , và gia đình tìm cách vào Nam.
  
Ngoài bắc mẹ bán nhà cửa ruộng vườn, gom góp để vào lập nghiệp nơi đất mới , sau cái tết năm Quý Tỵ, đầu năm 1953 gia đình « bà phán giây thép » ra phi trường Gia Lâm( bây giờ gọi là phi trường Nội Bài) vào Nam theo đường hàng không, bố ra phi trường Tân sơn Nhứt đón các mẹ con rồi lên Taxi về nơi  nhà thuê, lần đầu tiên trong đời được ngồi xe hơi lúc đó có cảm tưởng như bay như biến, bố mẹ vui mừng kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện xảy ra, đến lúc xuống xe đem hành lý vào nhà , hành lý chỉ là những tay nải (túi vải)đựng gọn nhẹ quần áo, bỏ quên một tay nải trong đó có tài sản mẹ đem vào nam lập nghiệp trên xe taxi làm bà tiêc ngẩn tiếc ngơ chỉ còn ít tiền quấn trong ruột tượng đeo trong người, tiếc như vậy đó nhưng cũng được đền bù vì tháng 12 năm đó nhà có thêm đứa em gái , là cô Bảy, có phải như dân gian nói không nhỉ ,
Thứ nhất là rượu ngà ngà
Thứ nhì là ở đường xa mới về.
 
Còn thêm 2 đứa em nữa cũng góp vui trong gia đình rộn ràng tiéng nói của gia đình , hai đứa này không biết vào trường hợp nào

NHỮNG NGÀY Ở SAIGON
  
Lại làm lại từ đầu, cũng may bố có đồng lương công chức cố định, bảo đảm cuộc sống, mẹ cũng mở tiệm tạp hóa, lại sáng hôm tần tảo buôn bán, sau một thời gian thì cũng mua được căn nhà này , căn nhà tại đường Võ Tánh Quận nhì gần nhà thờ Huyện Sĩ , lúc đó còn mang tên Tây, là đường Frère Louis , bây giờ gọi là đường Nguyễn Trãi Q.1.
   
Sau khi mua được căn nhà mẹ không buôn bán nữa và chỉ làm công việc nội trợ.
Tuy mất tiền của nhưng khi vào Nam « công tử Xích Đằng » được mẹ mua cho chiếc xe đạp nhỏ để nhí nhảnh với mấy « cái bướm » trong xóm,  mấy thằng hàng xóm ganh ghét, gặp là hát trêu chọc « Bắc kỳ con, bỏ vô lon kêu chút chít, bỏ vô đít hết kêu… »

Mẹ cũng thật bận rộn vào thời gian đó , vậy mà buổi trưa cũng còn thì giờ xoa lưng vỗ về cho cậu sáu ngủ ,lại dân ca quan họ rót vào tai  , có lẽ cũng vì vậy cậu Sáu mê thi ca từ nhỏ, cũng có chút di truyền của cụ . Riết cũng ghiền mùi của cụ, có cảm tưởng như có thoang thoảng mùi trầu hương cau quện với mùi mồ hôi ,mùi đó là mùi của mẹ.
  
Mẹ không được học hành nhiều chi biết đọc biết viết và các phép tính cộng trừ ,thế mà tính nhẩm khó ai qua được cụ, thật không hiểu nổi, bố hắn chỉ qua vài lần là mẹ tính nhanh như chớp với phương pháp 9 bỏ làm 10 cụ đi buôn không sai chạy vào đâu . Với cái thông minh đó nếu cụ được ăn học chắc là khá lắm ,sống trong cái nôi quan họ, cụ cũng là nguồn dân ca, ca dao tuc ngữ nói tới đâu là cụ đối đáp rạch ròi, có lẽ sáu Xích Đằng cũng có được chút di truyền của cụ về khoản này .
  
Nhớ lại những lúc nghịch ngợm phá phách, nếu là bố, ông lập tức cầm roi đánh cho chừa, nhưng với mẹ, bà ung dung nhàn nhã bắt nằm xấp xuống, chưa đánh vội đâu từ từ cụ têm miếng trầu nhai xong rồi mới tính chuyện đánh đòn nhưng trước khi đánh cụ dùng chiêu « nặng về giáo dục mà nhẹ về trừng phạt », nhấp nhấp ngọn roi lên mông rồi bắt đâu giảng, nào là tao có để mày thiếu thốn gì đâu mà mày lại đi trèo cây, hái trộm khế , » tao đẻ con lành đâu muốn thành con què » mày không nghe là cành khế dễ gãy lắm sao , tao dạy cho mày biết là  » Hóc xương gà , sa cành khế , là bế di chôn  » đấy con . Mày không nghe là  » Thuở con mới biết chơi biết chạy , không cho chơi cầm gậy trèo cao  » hay sao . Lạ nhỉ cả « gia huấn ca » của Nguyễn Trãi cụ cũng thuộc, té ra cụ nghe anh Phú học bài mà ứng dụng, rồi đi đến kết luận là tao thương mày tao mới cho roi vọt vì « bé không vin, cả gãy cành « , chỉ mong cụ đét vài cái rồi thả tù nhân ,nhưng đã bảo là nặng về giáo dục cơ mà , nằm nghe cụ giáo dục răn đe  ngủ lúc nào không biết ,đến lúc cụ định xử phạt chắc thấy ngủ hay vờ ngủ ,cụ chép miệng rồi nói một mìmh » nó đang ngủ mà đánh thì không tốt, hồn khôn không về, vía dại lại nhập  » thế là hắn thoát nạn.
  
Khi lớn lên một chút khoảng 10 tuổi, buổi trưa không được chạy ra đường chơi với đám bạn trong xóm , buồn buồn đọc truyện cho mẹ nghe , lúc đó mới thấy trí nhớ của bà, hắn đọc đủ thứ; từ truyện Tam quốc đến chuyện Trương Lương , Hàn Tín ,đọc qua tới truyện dịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ , cụ nghe mà nhớ vanh vách ,nhớ cả những bài thơ trong truyện . Cụ cũng thuộc nhiều câu trong Chinh phụ ngâm bằng chữ Nôm , vậy mà khi hắn đọc giỡn chơi với cụ nguyên bản chữ Hán , thấy cụ chú tâm , đọc khoảng 20 câu chữ Hán xong cụ bảo  nhắc lại lần nữa , đến lần thứ ba cụ nhớ vanh vách mặc dù những câu này cụ không hiểu là gì nhiều khi nói chuyện, cụ nhắc lại giật mình , thấy vậy hắn hay đọc cho mẹ nghe nhiều truyện cho bà có thêm kiến thức , chứ để bà đọc ,bà không có can đảm đọc vì đọc chậm .
  
Ngày mới vào Nam tất cả mọi chuyện thật lạ, đầu tiên là việc cầm tờ giấy 1 đồng hình Bảo Đại, hai anh em đi mua xôi bánh phồng (cái loại xôi mà người ta nấu nếp có bỏ mầu , vàng là xôi đậu xanh , xanh là xôi lá dứa, tím là xôi lá cẩm , người bán đơm xôi vào chiếc banh phồng được dặt trên tấm lá chuối , sau đó họ trét lên chút đậu xanh nghiền nát , chút dừa bào sợi, rắc thêm chút đường vàng , sao mà ngon thế, mùi các thứ trộn lộn quện với mùi lá chuối vừa tao nhã lại vừa dân dã , đã thế lại còn rẻ nhất trong loại quà sáng , lớn lên một chút bày trò thời thượng phải thay đổi món ăn sáng cho ra vẻ sành điệu nhưng cuối cùng chỉ thích món quà quê này , lần nào về VN sáng đầu tiên là chạy đi mua vài gói xôi để tìm lại hương vị, các thức ăn khác bị biến tấu nhiều thấy mất gu, nhưng với món xôi bánh phồng này vẫn nguyên mùi nếu vẫn còn dặt lên trên tấm lá chuối).
  
Gói xôi giá chỉ 5 hào( 5 cắc ) người bán hàng tỉnh bơ xé làm hai tờ giấy 1 đồng , một nửa giao lại cho mình bảo là  » thối lợi « , xé một cách rất tự nhiên dù là tiền mới hay tiền cũ .
  
Cái hình ảnh đồng tiền bị xé làm hai mà vẫn xử dụng được, chắc chỉ có ở miền nam Viêt Nam thời bấy giờ , có ai sống ở Saigon lúc đó mới biết ; mảnh xé có giá trị lúc mua , mảnh còn lại trong túi vẫn còn mua được cho lần kế tiếp . Hình ảnh này thật ngộ, xuề xòa , dễ dãi như bản chất cá tính của người miền nam . Xé tiền như xé tờ giấy báo, điều này khác hẳn với nhũng người đất kinh kỳ , ngay cả đồng tiền rách họ tim cách dán lại cẩn thận , xếp gọn gàng vào túi . Cảnh xé đôi đồng tiền không xảy ra nữa khi tổng thống Ngô đình Diệm phát hành tiền tệ mới của nền đệ nhất Cộng Hòa ,có đồng kim loại 5 cắc hay còn gọi là 50 xu.Cũng nhờ có tiền xu này chúng tôi mới có những trò chơi mới như đánh đáo ,đập tường…
     
Còn một điều lạ nữa là vào năm 1953, trong Nam các tiệm hút thuốc phiện có môn bài do người Pháp cấp hoạt động đầy rẫy , người Pháp độc quyền về cái khoản này , những tiệm hút dán trước cửa chữ R.O , ngày đó người ta gọi những dân hút là dân RO , chữ R.O viết tắt của chữ Régie d’Opium , trước đầu ngõ nhà tôi có tới 2 tiệm hút , hai anh em hắn chạy ra xem họ hút ,bàn đèn đặt ngay mái hiên cho mát , đứng xem những người phục vụ cho các dân nghiện, họ dùng cái que xiên vào viên thuốc đen thui , có người gọi là « cơm đen » , sau đó đem hơ trên ngọn lửa của chiếc đèn dầu lạc(dầu phộng) cho đến khi viên thuốc phù lên , rồi họ trét vào cái lỗ trên đầu dọc tẩu , tay họ xoa đều xem điệu nghệ lắm và người hút đầu gối trên chiếc gối làm bằng gỗ cao ngang tầm ngọn đèn dầu lạc(phọng) kê đầu dọc tẩu này trên ngọn lửa và hút những khói được đốt cháy thuốc phiện , họ nuốt hết những khói vào phổi và còn chiêu thêm ngụm nước trà để ếm khói rồi mới từ từ nhả khói ra…phê là như vậy, mùi thuốc phiện thơm chịu không nổi , đến nỗi những con chó cũng nghiện theo, quen hơi nằm bẹp dưới chân người nghiện . Anh Phú bị một trận đòn vì tội dắt thằng em đi xem mấy ông nghiện bắn khỉ chữ « bắn khỉ » biết được là do nghe những người lớn nói. Kể lại cho mẹ nghe , mẹ lắc đầu, vậy mà họ còn ngâm nga ca ngợi
Có ông chồng nghiện như ông tiên nho nhỏ
Nằm trong bàn đèn khi tỏ khi mờ
Tay cầm tiêm như Triệu Tử múa đao
Nằm vắt chèo queo như Khổng Minh hiến kế
  
Cụ lại chép miệng tội nghiệp cho những người đàn bà có chồng nghiện hút nhất là những người đàn bà nhà quê quần quật làm việc để nuôi những ông chồng nghiện
Trời mưa xắn ống cao quần
Em đi mua thuốc cho chồng em xơi
Chồng hư mang tiếng mang tai
Tiếng tai em chịu hơn ai không chồng

Đúng là các bà này đã bị chồng cho uống bùa mê thuốc lú rồi. May mà tổng thống Ngô đình Diệm sau khi chấp chánh đã mạnh tay dẹp được nhóm Năm Lửa , Bảy Viễn, Bình Xuyên do Pháp để lại ,dẹp tan các sòng bạc ở Kim Chung, Đại thế Giới ,nghiêm trị những kẻ nghiện ngập, xã hội mới an lành được.
    
Giòng đời biến chuyển, lúc đang học đệ tứ là lúc đảo chánh đệ nhất cộng hoà(1963) , cũng chạy theo đám cùng lúa tuổi đi xem lính nhảy dù bắn nhau với lính phòng vệ tổng thống phủ, rồi SG sôi động sinh viên học sinh xuống đường, cộng sản trà trộn trong tôn giáo xúi giục, gây náo loạn thủ đô, chứng kiến nào là cảnh giáo dân Thiên chúa giáo từ Hố Nai , ngã tư Bảy Hiền đổ về SG bảo vệ tòa báo Xây Dựng của LM Nguyễn quang Lãm, tòa soạn này nằm ở đường Bùi Chu bên cạnh trường Nguyễn bá Tòng bị nhóm Phật giáo khu Cầu ông Lãnh tràn xuống đốt xe của tòa soạn .
   
Phe mang băng đỏ ,nhóm đeo băng xanh cầm mã tấu đuổi chém nhau trước cửa nhà , mẹ đóng chặt cửa sắt lại đứng trấn ngay sau cánh cửa sắt , lúc đó nhìn hình ảnh của cụ như là Trương Phi trấn thủ cầu Trường Bản ngăn chặn quân Tào .Cụ rất can đảm bình tĩnh để giải quyết mọi việc . Ngày hắn mãn khóa Thủ Đức , vào lúc mùa hè đỏ lửa năm 72, không được biệt phái về bộ giáo dục nên chọn qua biệt động quân , có chữ « biệt » là vui rồi, bố hắn thì lo lắng chỉ trích, thằng ! tự dưng lại tình nguyện đi lính vì lúc đó tôi vẫn được hoãn dịch vì lý do công vụ , nhưng cái cảnh đi dạy học kiểu chán mớ đời những nơi đèo heo hút gió thì thà đi vào quân đội rồi khi được biệt phái thì dễ dàng xin vê nơi phố thị, còn mẹ thì khác bà bảo cũng cần cho « cậu Sáu » va chạm với những khó khăn cuộc sống , bà ủng hộ, biết là cụ cũng lo nhưng nói cứng cho thằng con mạnh dạn lên đường ra mặt trận .
     
Cái tính bình tĩnh và can đảm của cụ đã có lần cụ đuổi một tên cướp ; chuyện xảy ra năm 85 ,lúc đó cụ cũng đã 70, chống gậy vì bị té , ở nhà coi sóc nhà cửa cho người em bận đi làm . Bỗng có 1 thanh niên dừng xe trước của , bấm chuông , bà ra xem ai nhưng chưa mở cửa, tên này nói với bà là có con ở nước ngoài có gởi về một chiếc xe Honda, hắn nói là để hắn vào nhà làm thủ tục cho bà nhận lãnh . Một thoáng suy nghĩ trong đầu bà biết không bao giờ hắn gởi về như vậy ; nhưng bà vẫn tươi cười nói  » Thế hả, anh chờ tôi một chút  » . Bà mở cửa nhưng bước liền ra ngoài đường không để cho tên này vào nhà mà chỉ có một mình trong nhà , tên này nói « cụ lấy giấy tờ cháu làm giúp cho cụ nhận lãnh nhanh » ,bà đã đứng ngoài đường có người qua lại rồi, yên tâm và gọi lớn sang nhà bên cạnh  » Anh Chung này , làm dùm mẹ thủ tục lãnh xe ở ngoài gửi về  » , không cần biết anh Chung có nhà hay không , hàng xóm nghe cụ nhận được xe , tò mò ra xem ,tên này thấy không ổn vội nhảy lên xe chạy, hàng xóm thấy, họ hiểu chuyện rượt đuỏi , hắn vọt mất .
   
Những ngày ở Thủ Đức thỉnh thoảng bà có lên thăm , vì khóa hay bị cấm quân ít được về phép cuối tuần , mỗi lần bà lên , thằng Nhâm , thằng Bửu hay ra ngồi đùa vui với bà.
Chết cười lúc bà đi thăm khi đi tù ở Trảng Lớn , bà nói chuyện mà mấy thằng ngồi chung bàn thăm nuôi bò ra cười khi hỏi về tình hình xã hội bên ngoài , cười cười nói :
 » Mày đừng có « no » , cả nhà vẫn ấm « lo » , không có « rì » quý hơn độc « nập » tự « ro ».

Nói xong bà quay sang quản giáo bà nói « Tôi « lói » có « rống » như « nời » anh dặn tôi dộng viên con tôi không « lào » , hỏi cụ du nhập ngôn ngữ nhanh nhỉ , cụ cười  » Ừ thì gặp dân Hà Lam Linh thì nói vậy «
Cụ lại diễu cợt , mày không biết chứ
 » Ở nhà « nà Lụ nà La »
Xuông ga Hàng Cỏ em « nà Ninh Nan »   (Ở nhà là Nụ là Na ,
Xuống ga Hàng Cỏ em là Linh Lan)
Cụ về rồi mà cái đám cải tạo cứ đem lời cụ đùa ra mà giỡn
Mẹ là như vậy , cứ mỗi lần « cậu Sáu » qua được một vấn đề gì là cụ lại mắng yêu  » Cha mày ; đúng là cái số đẻ bọc điều « .
   
Viết lại giai thoại  » ĐẺ BỌC ĐIỀU  » phần chia xẻ với bạn đọc , phần cũng là quà 100 năm cho mẹ , cụ bà Nguyễn thị Ninh.
Con của cụ Nguyễn Hữu Phát
Liège , ngày  15/4/2015
Hiệu chính lại vào ngày hiền mẫu 08/05/2022

Ara Phát

____________


Đỗ Hứng gởi