THÁNG TƯ VÀ NHỮNG CHIẾC LÁ RƠI VỀ CỘI
Những ngày bị cách ly này đã cho tôi thêm chút thời gian đọc và viết lách. Có những chuyện tưởng chừng đã làm tự bấy lâu nhưng đến giờ mới ngỡ vẫn chưa xong. Trên kệ sách, nhiều cuốn vẫn còn nằm đó, chỉ đọc đôi trang rồi lại thôi...
Theo dõi tin tức nhiều. Những con số về người bị nhiễm dịch và bị Covid-19 cướp đi mạng sống ngày càng cao tại Thụy Sĩ. Trong số những người ra đi, có cả những khuôn mặt trưởng thượng, quen thuộc của cộng đồng. Con virus không biên giới, và những cái chết, suy cho cùng, không mang quốc tịch. Số người đến đó là hết.
Biết vậy nhưng không khỏi chạnh lòng khi nhận ra rằng những khuôn mặt của các bậc trưởng lão trong cộng đồng ngày càng thưa dần. Cứ như lá rơi về cội. Mới ngày nào, mỗi khi họp mặt nhân dịp Tết Hội Cựu Quân nhân VNCH hay ngày Quân lực, các chú, các bác còn đông đủ, dẫu sức khỏe đã bắt đầu yếu dần, thế mà ngày nay, chắc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay...
Có lần trò chuyện với anh Chủ tịch Hội NVQG tại Lausanne, tôi có nói:” Chẳng biết tương lai cộng đồng này rồi sẽ ra sao khi mà những năm tháng tới, các chú, các bác lần lượt ra đi!”. Thay cho câu trả lời là sự thở dài trong tĩnh lặng.
Cộng đồng vốn nhỏ nhưng luôn đi đầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá từ gần 40 năm qua. Đó là cộng đồng tị nạn cộng sản, không thể lẫn lộn vào đâu được dẫu thời gian trôi qua với bao thay đổi thời cuộc và nhận thức. Cộng đồng vẫn còn đó nhưng người về ngày càng thưa dần, cứ như thể sức sống chỉ còn đun nấu trong một thiểu số nhỏ, rất nhỏ, những người ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng.
Đó là cộng đồng của những người cương trực, đã phải bỏ tất cả những gì dấu yêu và cả quê hương thân thương để sống đời tha hương, lữ khách đến giây phút cuối cùng.
Tôi có may mắn được trò chuyện đôi lần với một bác cựu quân nhân. Bác bảo: “Nhiên à, bác dứt khoát không về một khi cộng sản vẫn còn tại Việt Nam!”. Bác nói điều ấy cách đây cũng cả 15 năm rồi.
Thế rồi một ngày cuối tháng giêng, nhận tin bác mất. Tôi và vợ ghé viếng bác lần chót. Trên cánh cửa phòng nơi bác yên nghỉ, đơn giản một tấm hình Vịnh Hạ Long. Một khoảng lặng đau buồn khi nhớ lại lời bác tâm sự. Đến cuối đời, Việt Nam vẫn trong tim nhưng sao xa vời vợi và có lẽ đó là nỗi đau khôn xiết của bao người đã phải bỏ nước ra đi.
Có những bác đã ra đi ngay trong mùa đại dịch khi mà xã hội bị cách ly và phong tỏa khiến cho tang lễ chỉ diễn ra trong vòng tối thân mật. Nỗi buồn như thể vô biên...
Những người còn lại cũng đã trên dưới 80. Thời gian cũng chẳng còn bao. Một bác, chủ tịch Hội cựu Quân nhân, có nói với tôi một lần:” Bác mong cộng sản không còn, bác mua vé về Việt Nam liền. Bác ra Bắc, thăm quê vợ. Vợ người ngoài ấy nhưng bác chưa một lần ra!”.
Mà bác năm nay cũng đã 86 tuổi rồi!
Và có lẽ ngày về sẽ còn rất xa, rất xa...
Trong nỗi nhớ quê hương là hình ảnh của những năm tháng tù đày đau thương mà những người như bác đã từng phải trãi qua sau biến cố 30/4/1975. Đó là những ngày tháng “học tập cải tạo” trong những trại tù khét tiếng của cộng sản Việt Nam tại miền Bắc và miền Trung.
Tôi hiểu vì sao những người như bác đến cuối đời vẫn không muốn về quê hương. Những gì họ đã phải sống trong những năm tháng đó đã khiến họ căm phẫn chế độ độc tài đến tận xương tủy. Có lần bác kể những người sĩ quan như bác trong các trại tù bị bắt làm việc cực kỳ nặng và bị đối xử còn tệ hơn súc vật. Làm ruộng, đào đất, trồng trọt, với hai bàn tay trắng. Bộ đội cộng sản bắt các bác phải lấy tay bóc phân người để trồng cây. Các bác không được rửa tay với nước và cứ thế đến chiều tối cán bộ mang cơm ra cho ăn. Và phải ăn với chính đôi bàn tay đầy phân người dơ bẩn và hôi thúi ấy!
Một sự trả thù tàn bạo và vô nhân tính. Đó cũng là những gì diễn ra hàng ngày trong những trại tù khổng lồ mà chính quyền cộng sản dành cho những sĩ quan, trí thức của VNCH, của “xã hội cũ”, của những kẻ bị xem là “ngụy quân, ngụy quyền”.
Nếu như Quần đảo Gulag của Alexandre Soljenitsyne đã lột trần sự tàn bạo của hệ thống cải tạo lao động khổ sai dày đặt do Liên Xô dựng lên thì các trại tù học tập cải tạo của cộng sản Việt Nam cũng tàn ác và khét tiếng không kém. Có những người đau đớn nhận ra rằng những điều Soljenitsyne miêu tả trong sách lại là những cực hình mình đang phải sống và phải chịu đựng hằng ngày.
Lắng nghe những lời tâm sự của các bác, tôi chợt hiểu và cảm thông nỗi căm hờn “bên thắng cuộc” đến như thế.
Nhưng những người của thế hệ các bác có còn bao nhiêu theo thời gian dần trôi?
Khi mà trong nước, chế độ vẫn còn tự hào và ngợi ca “chiến thắng thần thánh”, “giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, bất chấp nỗi đau của những người đã mất tất cả, từ tự do đến quê hương, thì làm sao vết thương chiến tranh được hàn gắn và xoa dịu?
Có người trong nước nói với tôi rằng: “Thôi cứ để bọn cực đoan ở cả hai bên chết hết rồi tính chuyện hoà hợp- hoà giải sau”. Nghe thật tàn nhẫn!
Ai cực đoan? Những kẻ thất bại? Những kẻ tha hương?
Hay những kẻ cầm quyền? Cầm quyền là cả một chế độ, cả một hệ thống, có cực đoan nằm xuống thì những kẻ khác chưa hẳn đã hết phần cực đoan thay thế. Tựu trung họ vẫn muốn duy trì chế độ và quyền lực tối cao một cách độc đoán.
Cái gọi là “hoà hợp-hoà giải” của nhà cầm quyền trong nước là nước cờ lâu dài. Họ kiên nhẫn chờ đợi và chờ đợi cho đến khi những chiếc lá già cỗi sau cùng rơi về cội. “Cực đoan” của “những người bại cuộc” không còn nữa, thay vào đó là một thế hệ khác trẻ hơn, chán ghét hận thù, muốn quên quá khứ đau thương của cha ông, muốn vui chơi, muốn sống theo lời ru ngủ, vỗ về của nhà cầm quyền. Chính thế hệ đó là mục tiêu của chế độ để hợp thức hoá tính chính danh của họ, của đảng cộng sản với hy vọng dập tắt luôn những làn sóng đối lập bên ngoài.
Trong một dịp Tết Trung Thu do Hội Người Việt Quốc gia tại Lausanne tổ chức, một anh thuộc hàng tinh hoa của đảng bảo với tôi rằng:” Nói thật, em phục những gì anh làm nhưng em nghĩ, vô ích thôi. Trước sau gì cộng đồng này cũng rơi vào tay họ”.
“Họ” là cộng đồng người Việt do sứ quán cộng sản đứng đằng sau thành lập. “Họ” là nhiều người được nhà nước gởi sang để học tập và ...để ở lại. “ Họ” cũng có cộng đồng người Việt, đánh đồng với cả cộng đồng tị nạn. Cộng đồng trí thức, cộng đồng du học sinh, cộng đồng mua bán, cộng đồng tương trợ,...với những đường lối sinh hoạt và qui trình hoạt động cụ thể nhằm từng bước cảm tình hoá bà con tị nạn để sau đó thay thế luôn cả những cộng đồng tự do tại Thuỵ Sĩ.
Họ biết giờ ai cũng muốn về và ai cũng ngại chuyện chính trị, ngoại trừ những thành phần “cực đoan” lớn tuổi, chiếm thiểu số. Trong những ngày Tết, dẫu có cờ vàng tung bay nhưng người của Sứ quán vẫn âm thầm đi dự và quan sát. Giới trí thức của đảng vẫn không ngại đưa con cái đến chơi. Họ từ từ chuẩn bị tất cả vì họ biết, trong những ngày hội ấy, số người còn nặng lòng với những khái niệm chính trị, tự do hay dân chủ chẳng còn bao nhiêu trong số hàng trăm người đi dự.
Cách đây hai năm, trong một Hội chợ Tết, tôi có một gian hàng bán sách Chính Trị Bình Dân của Phạm Đoan Trang. Cả ngày, từ 11 giờ sáng đến 22 giờ tối, tôi chỉ bán được 6 hay 7 cuốn. Ai cũng tránh xa gian hàng ấy kể cả những người từng một thời vượt biên trốn chạy cộng sản. Có một anh Tây, tò mò đến gian hàng xem sách, tôi định giới thiệu thì tức khắc, có lẽ cô vợ, còn rất trẻ, chạy đến kéo anh ta ra xa và giải thích gì đó. Chắc có lẽ cô ta không muốn dính líu gì đến những chủ đề “phản động” chăng?
Trong số hàng trăm người đến dự hôm ấy, có nhiều bạn trẻ mới từ Việt Nam sang học. Họ đến gian hàng, xem tờ giới thiệu sách, cầm sách, bỏ xuống, nói nhỏ với nhau, rồi mang hủ tiếu, phở ra ăn ngay trên bàn trưng bày sách một cách vô tư. Họ cố tình xả rác ngay trên bàn, bên cạnh những cuốn sách rồi bỏ đi. Tôi phải lên tiếng bảo dọn thì họ mới miễn cưỡng làm.
Tất cả đều có chủ đích và đứng đằng sau là sứ quán.
Khi tìm thông tin về vụ ông Lê Đình Kình và Đồng Tâm thì tôi mới biết rằng một nhà báo có tiếng của tờ Thanh Niên chỉ ở cách nhà tôi hơn 20 cây số. Cô ta là đặc phái viên của một trong những cơ quan tuyên truyền quan trọng của chế độ. Những bài viết do cô ta gởi về hoàn toàn đi ngược lại với tiêu chí của người làm báo đó là Sự Thật. Không hề có sự đàn áp bằng vũ lực và việc chống đối lực lượng thi hành công vụ là sai, cần lên án. Đó là những gì mà cô ta viết về người dân Đồng Tâm và về cái chết của ông Kình.
Trớ trêu là có nhiều người Việt tại Thụy Sĩ đọc và tin vào luận điệu tuyên truyền không trung thực ấy.
Trong một bài báo khác, về vấn đề Việt Nam và Trung Quốc, cô ta đã dẫn lời một chính trị gia tại thành phố Genève khi ông này khuyên Việt Nam hãy giữ thể chế độc đảng để đối đầu với những tham vọng của Bắc Kinh!
Ông này thuộc đảng cực hữu UDC, đảng lớn nhất Thuỵ Sĩ.
Những bài báo định hướng dư luận ngay trong lòng một cộng đồng tị nạn cộng sản chắc chắn sẽ mang lại những kết quả có lợi cho nhà cầm quyền trong tham vọng xoá bỏ những tiếng nói phản kháng cuối cùng tại đây.
Cho nên, ngay khi toàn xã hội Thụy Sĩ bị cách ly vì đại dịch Vũ Hán, thì người của sứ quán vẫn có dịp lên tiếng. Chuyện một anh chàng tiến sĩ bị nhiễm coronavirus và tự chữa bệnh ở nhà dưới sự giúp đỡ của vợ con, tưởng chừng đơn thuần chỉ là một chiến tích của riêng anh ta, lại được báo chí trong nước đưa tin rầm rộ. Rồi cả một kênh tivi tại Quận Cam bên Mỹ cũng phỏng vấn, thâu clip,... Cứ như thể có cả một bộ máy tuyên truyền hậu thuẫn. Sau những lời kể chi tiết về quá trình chống dịch thành công là lời “nhắn nhủ “ nếu có bị nhiễm dịch hãy liên lạc với sứ quán, với các hội đoàn trí thức người Việt (dĩ nhiên cũng của sứ quán) tại Thuỵ Sĩ để được trợ giúp!
Anh này mới sang được vài năm nhưng đã mua nhà, ở xứ mà giá tiền một căn nhà nổi tiếng là không hề rẻ!
Đấy, cái chuyện của cộng đồng tị nạn cộng sản ở đây là thế. Theo thời gian, người ta đã cố tình quên đi những năm tháng cay đắng và khắc nghiệt dưới chế độ độc tài toàn trị và nhất là họ muốn quên đi cái nguyên nhân của sự tha hương. Họ muốn xoá khỏi ký ức những cuộc vượt biên “tìm tự do trong cái chết” đẫm nước mắt, thay vào đó là sống cuộc sống an lành, “hoà hợp-hoà giải” như chiêu bài của người cộng sản kêu gọi.
Cái chuyện ở Thụy Sĩ hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Đức, Pháp, Úc, Canada thậm chí cả Mỹ, các hội đoàn do người cộng sản nắm giữ sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để thay thế cộng đồng quốc gia.
Nhất là khi thế hệ lão thành không còn nữa và thế hệ trẻ thờ ơ với những bất công đang xảy ra tại quê nhà.
Những chiếc lá sau cùng đang dần dần rơi về cội, trở về với cát bụi và đem theo những nỗi niềm tha hương buồn thăm thẳm của đời người. Có lẽ chẳng có dân tộc nào chịu nhiều đau thương và hận thù như dân tộc Việt.
Mãi đến giờ những vết thương vẫn chưa lành và vẫn còn âm ỉ đớn đau trong cái thân thể èo uột và bệnh hoạn kia. Cái thân thể của dân tộc Việt đáng thương.
Từ chuyện cộng đồng đến những đớn đau của đất nước mỗi khi tháng Tư lại về.
Nhớ đến thế hệ “cực đoan” dám chống cộng đến cuối đời và để lại nắm tro tàn nơi đất khách quê người.
Và không quên hàng triệu người đã nằm xuống vì cuộc chiến Nam-Bắc (tạm gọi như thế) đẫm máu, sau cùng chỉ mang lại hận thù và chia cắt.
30/4 năm nay lại trong cách ly và phong tỏa do một con virus tại Vũ Hán gây ra.
Chợt hỏi: “45 năm rồi sao vẫn còn nhiều đắng cay và nước mắt?”.
LBDN, Lausanne, un soir de confinement.
usaelection gởi