Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Thành ngữ : BỎ MẸ ! CHẾT MẸ ! THẤY MẸ !

 
 
Lời phi lộ :
 
Bỏ mẹ ! chết mẹ ! thấy mẹ
Là lời nói thông thường của dân VN , không có ác ý gì ráo trọi
Nhưng chính là Văn Chương đó các ACE
 
- Vào bài :
 
Một người cha miền Bắc cảnh giác con :
- Rắn ấy độc lắm ,tới gần nó cắn là bỏ mẹ .
 
Một người mẹ miền Nam hăm con :
- Mầy làm bể chậu kiểng phải hông ? Tía mầy dìa là chết mẹ mầy .
 
Chồng than thở với vợ :
- Sáng nay vào sở mới biết bị " laid off ", anh làm bộ thản nhiên nhưng trong bụng buồn thấy mẹ !
 
Ta thử giải đáp mấy thành ngữ bỏ mẹ , chết mẹ , thấy mẹ . 
 
1- BỎ MẸ :

Ta diễn giải qua truyện một em bé ngày xưa .
Em mới 3 tháng tuổi , bụ bẫm và kháu khỉnh . Người quen hoặc lạ tới gần làm bộ hỏi chuyện , em đều vui mừng quơ tay chân và nhoẻn miệng cười .
Một bữa kia em được mẹ cho bú no và nằm ngủ ngon trong võng .
Thấy con ngủ đã lâu , linh tính cho mẹ biết có chuyện chẳng lành .
Khi rờ tới con , mẹ phát hiện ra con chết từ bao giờ . Thế là mẹ lăn ra gào khóc : " Ơí con ơi , con bỏ mẹ đi đâu ?.."
Vậy đứa trẻ chết là nó bỏ mẹ nó , từ đó có thành ngữ " chết bỏ mẹ ".
 
Để thành ngữ được ngắn gọn người ta bỏ bớt chữ " chết " chỉ còn " bỏ mẹ " .
Nhưng thành ngữ " bỏ mẹ " không có nghĩa là chết mà chỉ gợi ý về sự chết .
Rắn ấy độc lắm , tới gần nó cắn là bỏ mẹ = là chết .
 
Bố mẹ thường đi đôi nên cũng có thành ngữ " bỏ bố "

Thí dụ :
- Xe lên tới lưng chừng đèo thì hết xăng , thế có bỏ bố không ! ( thế có chết không ! )

Bỏ bố và bỏ mẹ chỉ được dùng trong vài trường hợp như sau :
- Cảnh giác : Thí dụ mẹ mắng con gái " Mày đi làm vẫn tật đủng đỉnh , bây giờ người khôn của khó , người ta sa thải mày để tuyển người khác là bỏ bố mày " .
- Răn đe : Thí dụ bố hăm dọa con : " Lần sau còn thấy mày hút cần sa là tao đánh bỏ mẹ mày " .
- Dùng như trạng từ ( adverb ) :

Thí dụ " Cuối tuần trời mưa suốt , nằm nhà buồn bỏ mẹ ."
(Buồn bỏ mẹ = buồn chết được). Chết được và bỏ mẹ trong trường hợp này được dùng như trạng từ làm nổi bật tính từ buồn .
- Dùng như thán từ (interjection) : Thí dụ :" Bỏ bố rồi ! Tao bỏ quên kính mát ở tiệm phở ."
( Bỏ bố rồi = chết rồi ! ) .
 
Cách dùng như thán từ rất đa dạng .

Thí dụ :

" Tao mời đào đi ăn , khi trả tiền tao rờ tới ví mới biết là bị mất cắp .
Thế có bỏ mẹ không ! ".( thế có chết không !) .
 
Một thí dụ khác : em nhỏ chơi dao bị đứt tay , thấy máu em sợ khóc ré lên , mẹ lên tiếng mắng con :" Bỏ mẹ mày chưa ! Đưa tay đây coi ." ( Bỏ mẹ mày chưa =chết chưa ! ) .
 
2- CHẾT MẸ :
 
Tiếng Việt vào tới miền Nam biến đổi đôi chút .
Thành ngữ " chết bỏ mẹ " cũng được rút ngắn nhưng người Nam loại bớt chữ " bỏ " giữ lại chữ " chết " thành " chết mẹ " . Nếu phân tích theo ngữ pháp , " bỏ mẹ " có nghĩa khác với " chết mẹ ".
" Tía mầy dìa là chết mẹ mầy " = mẹ nó muốn nói cha nó sẽ đánh nó chết. Nhưng hiểu đúng ngữ pháp thì mẹ nó chết chứ không phải nó . Tuy nhiên chỉ có người nước ngoài học tiếng Việt mới thắc mắc chứ người Việt dù Nam hay Bắc đều hiểu " chết mẹ " là " chết bỏ mẹ " .
 
Tiếng Anh cũng có một cách đặt câu nghịch lý : câu có dạng khẳng định nhưng ý nghĩa lại là phủ định , thí dụ :
It's too hot to eat = cay lắm không ăn được .
 
Đi đôi với " chết mẹ" là " chết cha " . Cũng như " bỏ mẹ / bỏ bố ", ta dùng " chết mẹ / chết cha " để cánh giác , răn đe , hoặc như trạng từ và thán từ .
- Rắn đó độc lắm , tới gần nó cắn là chết mẹ mầy .
- Lần sau thấy mầy hút cần sa là tao uýnh chết cha mầy .
- Cuối tuần trời mưa suốt , nằm nhà buồn chết mẹ .
- Chết cha ! Tao bỏ quên kiếng mát ở tiệm phở .
 
3- THẤY MẸ :
 
Người xưa tin rằng chết là về cõi âm , tương phản với cõi dương là cõi ta đang sống . Về cõi âm ta sẽ gặp tiền nhân chết trước ta . Do đó người Bắc dùng thành ngữ " thấy ông bà ông vải " để ám chỉ về cõi âm gặp ông bà . ( ông vải là tổ tiên ) .
 
Ta thử tưởng tượng một con sông làm ranh giới giữa cõi dương và cõi âm . Khi em bé chết , nó "bỏ mẹ/bỏ bố " ở bờ sông cõi dương để xuống đò sang cõi âm . Tới bờ sông cõi âm nó " thấy ông bà ông vải " đứng chờ nó .
 
Vậy " thấy ông bà ông vải " cũng ngụ ý là chết .
Thí dụ :
"Lên cao thấy toàn cảnh có đẹp hơn nhưng leo dốc mệt thấy ông bà ông vải ." ( mệt chết được )
Tương tự như người Bắc , người Nam dùng thành ngữ " thấy ông nội / thấy bà nội " .
Thí dụ :
" Đêm qua tao đi qua nghĩa địa , sợ thấy bà nội ." ( sợ chết được )
 
Người Nam còn có thành ngữ " thấy mẹ " dù mẹ còn sống . Có lẽ ông bà nội chết đã lâu nên thành ngữ "thấy ông nội / thấy bà nội " không " mạnh " bằng " thấy mẹ " , bất kể mẹ còn sống hoặc đã chết . Nếu thay đổi thí dụ trên ta sẽ thấy " hiệu quả " khác nhau :
"Đêm qua tao đi qua nghã địa sợ thấy mẹ ." (nghe rùng rợn hơn ) .
 
Người Trung không cần dùng cõi âm để ám chỉ sự chết . Chỉ cần " thấy mồ tổ " cũng đủ ngụ ý chết .
Thí dụ :
" Đêm khuya nghe tiếng hò trên sông Hương buồn thấy mồ tổ ." ( buồn chết được )
Có khi thành ngữ này rút ngắn chỉ còn "thấy mồ "!
Thí dụ :
" Tuổi này đi du lịch ngại thấy mồ "
Tất cả thành ngữ có chữ " thấy " kể trên đều được dùng như trạng từ .
 
***** CHẾT BỎ BU *****
 
Vào thời của Tú Xương người ta dùng thành ngữ " chết bỏ bu " .
Tú Xương có bài thơ như sau :

Sơ khảo khoa này có Cử Nhu
Thật là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu .

Tất nhiên phải đậu cử nhân ông Nhu mới được gọi là Cử Nhu . Ông không làm quan , chỉ ở nhà làm thày lang .Hẳn ông có uy tín trong giới khoa bảng mới được cử làm giám khảo .
Khi chấm bài thấy đoạn văn hay , giám khảo dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ bên đoạn văn ấy .
Thày lang khi kê đơn thuốc cũng dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ bên vị thuốc quan trọng .
Tú Xương lận đận việc thi cử nên cay cú với quan trường . Ông cảnh cáo Cử Nhu đừng lầm văn chương với đơn thuốc ; dùng bút son khuyên bậy bạ là ...chết bỏ bu !
 
(Sưu tầm)
 
Thân mến
TQĐ

_____________



Đỗ Hứng gởi