Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

THÁNH TĂNG ANANDA




 


Đức Phật từng dạy " Cung Kính Bậc đáng Kính là phúc lành cao thượng " hãy đọc những công hạnh sau đây để thành tựu Phước Báu nhé mọi người

Ngược dòng thời gian, kể từ ngày Ðại đức Ananđa nhận làm thị giả về trước là 55 năm.

Tại hoàng cung nguy nga tráng lệ của hoàng gia họ Thích, đèn đuốc sáng choang, hoa thơm ngào ngạt, cờ xí rợp thành. Hoàng thân Súc-cô-đa-na, bào đệ của Ðức vua Tịnh Phạn Sút-thô-đa-na, nét mặt vui tươi, chuyện trò cởi mở với mọi người từ trong dòng hoàng tộc đến ngoài công thần tướng sĩ, tất cả đều rộn lên một niềm vui trước tin mừng Công nương Súc-cô-đa-na hạ sinh một hoàng nam.

Căn cứ điềm vui mừng sung sướng của mọi người, công tử được đặt tên là Ananđa. Công tử Ananđa chào đời cùng một ngày với Thái tử Sĩ Ðạt Ta (Siddhatta) (1) và được song thân cưng như trứng mỏng. Mọi phương tiện dưỡng nhi và dục nhi được áp dụng đúng mức. Ananđa truởng thành trong nhung lụa, ngọc ngà nhất là trong sự vui mừng sung sướng tuyệt vời của song thân và hoàng gia Thích tộc.

Công tử tỏ ra rất mực ngoan hiền tài hoa và trí thức. Gương mặt thật sáng. Da dẻ hồng hào. Nói năng lễ độ. Thật đáng mặt con nhà.

Thân phụ cho tuyển chọn những bậc danh sư kỳ tài dạy dỗ công tử. Chẳng bao lâu, sự thông minh đĩnh ngộ và tài năng lỗi lạc của công tử nức tiếng xa gần, khiến cho thân phụ đã sung sướng càng thêm mãn nguyện.

Thế rồi, một hôm, tin Thái tử Sĩ Ðạt Ta rời bỏ ngai vàng, cha già, vợ đẹp và con thơ ra đi xuất gia tầm đạo, làm kiếp người hùng của nhân loại, khiến tâm trạng Ananđa vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Càng thán phục lại càng hoan hỉ (2). Sự hoan hỉ thúc đẩy một biểu đồng tình. Ananđa suy nghiệm chắc hẳn phải có một lý tưởng phi thường, một đại sự nhân duyên thế nào đó, nên Sĩ Ðạt Ta, con cưng của Ca-bì-la-vệ mới rủ áo đế hoàng, sống kiếp phong sương, vui thú tiêu dao thoát tục.

Rồi 6 năm sau. Tin Thái tử Sĩ Ðạt Ta thành Phật được loan truyền vô cùng nhanh chóng. Từ Vương Xá thành đến các đô thị lớn và, cuối cùng đến kinh đô Ca bì la vệ. Mọi người tràn ngập niềm vui rộng lớn. Người vui nhất có lẽ là Công tử Ananđa. Công tử vốn có chủ định: khi nào Ðức Phật về thuyết pháp thì sẽ theo Ngài đi tu.Nói đến tình thương yêu quí kính của Ðại đức Ananđa đối với Ðức Phật thì quả thật không có văn tự nào phản ảnh trung thực và diễn tả tròn đầy. Vì tấm tình của Ðại đức là một thứ tình cao vời như đỉnh Tuyết sơn, trong suốt như ngọc pha lê và đẹp dịu như ánh trăng ngà trên bãi bể.

Ðại đức sẵn sàng hy sinh tánh mạng cho Ðức Phật. Một sự hy sinh bằng tình nguyện, bằng hoan hỉ, bằng tất cả rung cảm của con tim và sáng suốt của khối óc. Một bằng chứng hùng hồn và cảm động nhất, đó là lần Ðề Bà Ðạt Ða cấu kết với vua A-xà-thế phục rượu voi Na-la-gi-ri (Nàlàgirì) sai nó giết Phật.Ðại đức Ananđa đối với Ðức Phật chẳng những là một thị giả, mà còn là một đại bằng hữu một tấm tình tuyệt vời, một tâm hồn chí thiện , .Ðêm đêm Ðại đức Ananđa luôn luôn tỉnh thức và phục dịch rất mực chu đáo, đúng với tôn ý Ðức Phật. Tương truyền rằng Ðại đức tay cầm đèn lớn đi tuần quanh hương thất mỗi đêm bốn lần. Ðại đức nổi tiếng là chu đáo, thông minh và có óc thẩm mỹ. Bất cứ việc gì một khi được giao phó là Ðại đức hoàn thành tốt đẹp.

Nói đến Ðại đức Ananđa, chúng ta không thể bỏ qua đức tính thông minh và óc thẩm mỹ. Chính nhờ những nét độc đáo này mà Ðại đức đã trở thành một cộng sự viên đắc lực của Ðức Phật. Ðiển hình là việc sáng chế giáo phục. Câu chuyện như vầy:

Một lần nọ, Ðại đức theo Ðức Phật qua tỉnh Ðắc-khi-na-ghi-ri. Ðức Phật nhìn thấy thửa ruộng của nông dân xứ Magatha vuông dài, bốn cạnh bằng nhau, lại thêm có những đường nhỏ thông ngang dọc trông thật đẹp mắt, bèn hỏi Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, ngươi có thể chế biến giáo phục cho chư Tăng theo hình thức thửa ruộng này được không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử sẽ cố gắng.

Sau đó, Ðại đức Ananđa đã cắt may được một mẫu y có hình thức như thửa ruộng đệ trình Ðức Phật. Ðức Từ Phụ vô cùng hoan hỉ và chính thức ban hành giáo phục cho tăng già.

Nhơn tiện, Ðức Phật khen ngợi Ðại đức Ananđa giữa tăng chúng:

- Này các tỳ kheo, Ananđa là người thông minh, có óc thẩm mỹ, trí lực bén nhạy, có khả năng hiểu biết toàn diện những điều Như Lai chỉ nói vắn tắt.Còn nói đến đức tri túc thì Ðại đức Ananđa quả thật là mẫu người xứng đáng, khả kính và mực thước. Câu chuyện xảy ra sau khi Ðức Phật tịch diệt như vầy:

Một hôm, theo di ngôn của Ðức Phật, Ðại đức Ananđa sang xứ Kosambi bằng đường thủy nhằm tuyên phạt phạm án Ðại đức Channa, một vị tỳ kheo ương ngạnh, khó dạy. Rời thuyền, Ðại đức đi bộ và tạm nghỉ tại vườn thượng uyển của đức vua Udena.

Lúc bấy giờ, đức vua và hoàng hậu đang ngự nơi ấy. Hoàng hậu được biết Ðại đức Ananđa quang lâm đến rất lấy làm hoan hỉ. Ðại đức nói đạo cho Lệnh bà nghe. Lệnh bà phát tâm trong sạch cúng dường Ðại đức Ananđa 500 bộ y. Hay tin, nhà vua chỉ trích Ðại đức Ananđa nặng lời.

Ðến khi có cơ hội, gặp Ðại đức, nhà vua phán hỏi:

- Bạch Ðại đức, nghe nói chánh cung có cúng dường 500 bộ y cho Ðại đức phải không?
- Muôn tâu, có. Và bần đạo đã nhận tất cả.
- Ðại đức nhận làm chi mà nhiều quá vậy?
- Ðể chia cho những vị nào mà y phục đã cũ, rách.
- Y cũ, rách để làm gì?
- Ðể làm trần.
- Trần cũ để làm gì?
- Làm vải trải đơn (giường ngủ).
- Vải trải đơn cũ để làm gì?
- Làm vải lau bát.
- Vải lau bát cũ để làm gì?
- Làm vải lau sàn.
- Vải lau sàn cũ để làm gì?
- Làm vải lau chân.
- Vải lau chân cũ làm gì?
- Làm vải lau bụi.
- Vải lau bụi cũ để làm gì?
- Ðem nhồi chung với đất sét tô vách tường.

Ðức vua Udena vô cùng hoan hỉ và cúng dường thêm 500 bộ y nữa vì cho rằng các bậc Thích tử rất tri túc, không bừa bãi, phung phí.

Ngoài đức tính tri túc, Ðại đức Ananđa còn nổi tiếng là người nhớ ơn. Ðại đức chẳng những nhớ ơn người lớn mà còn biết ơn kẻ nhỏ.

Có một lần, Ðức vua Pasenadi cúng dường Ðại đức hàng trăm bộ y. Nhớ ơn một môn đệ đã từng phục dịch Ðại đức trong mọi công tác vô cùng tích cực, nên Ðại đức ban thưởng tất cả y cho vị này. Vị này quả thật xứng đáng, khả kính, khả ái, không phụ lòng thầy, nên sau khi nhận y, liền đem tất cả cúng dường lại cho chư tăng.

Nhơn câu chuyện này, một vị tỳ kheo bạch hỏi:

- Bạch Ðức Thế Tôn, vị Tu đà hườn còn tư vị hay không?
- Này các tỳ kheo, trường hợp như thế nào?

Sau khi các vị tỳ kheo bạch rõ sự kiện, Ðức Phật dạy:

- Này các tỳ kheo, sự tư vị không có nơi Ananđa. Sở dĩ Ananđa hành động như vậy là vì nhớ ơn người đã có công với mình. Các tỳ kheo này, bậc trí giả lúc nào cũng nhớ ơn và luôn luôn tìm dịp báo ơn.
Ngoài bản chất từ bi hay thương người và sẵn sàng cảm thông giúp đỡ, Ðại đức Ananđa rất khiêm nhã, phong cách uy nghi, lại thêm sắc diện sáng tươi khả ái ..Biểu tượng Pháp bảo

Có một lần, một vị Bà-la-môn bái kiến Ðức Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đối với Phật bảo và Tăng bảo thì đệ tử đã từng cúng dường nhưng đối với Pháp bảo thì đệ tử phải làm cách nào mới gọi là cúng dường chân chính.

Ðức Phật dạy nên cúng dường đến vị bác thông giáo lý. Và khi được bạch hỏi vị nào thì Ðức Phật dạy nên hỏi các vị tỳ kheo. Tất cả đều tôn xưng Ðại đức Ananđa, thị giả Ðức Tôn sư là bậc bác thông giáo lý. Ông bà-la-môn bèn đem y cà-sa cúng dường cho Ðại đức. Sự kiện này chứng tỏ Ðại đức Anađa là biểu tượng Pháp bảo.

Nói cách khác, người không dễ duôi xem thường chánh pháp, và luôn y cứ phụng hành, gọi là cúng dường chánh pháp cách cao thượng. Vì chính Ðức Tôn sư cũng sùng bái chánh pháp.
Bởi thế Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có kệ khen tặng ngài A Nan rằng:

Tướng như thu mãn nguyện

Nhãn tợ thanh liên hoa

Phật pháp như đại hải

Lưu nhập A Nan tâm.

Dịch là: Tướng giống trăng thu đầy

Mắt giống hoa sen xanh

Phật Pháp như biển rộng

Rót vào tâm A Nan.   

Nguồn Sưu tầm từ các bậc Tôn đức ! 

Kính Thỉnh mười phương Phật Pháp Tăng chứng minh cho phần phước này có được xin nguyện hãy là nhân duyên cho con và tất cả chúng sanh đời đời có đủ lòng tôn kính Phật và có lòng thương yêu chúng sanh vô hạn.


Hoang Nguyen gởi