Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Thảo Luận về bài ‘Ý Phật Tổ từ đâu sang?’

*
Lê Huy Trứ
 
 
 
Kính gởi anh Lê Sỹ Minh Tùng,
 
Anh viết, “Đây là sản phẩm duy nhất của người Trung Hoa chớ ngày xưa Đức Phật còn tại thế không bao giờ Ngài dạy đệ tử của Ngài như thế.”  Đúng như vậy, lúc Phật còn sống chỉ ở quanh quẩn trong lãnh thổ Ấn Độ chứ chưa có ý Tây qua nên không biết lý do nào, tâm ý nào, cốt lõi nào, thuốc trụ sinh nào nên dạy, nên chữa bệnh cùi cho Tổ Tàu thượng mạn trong tương lai.  Vì lúc đó, Phật đã chưa dùng Phật Nhãn để biết cái đám dân Tàu ở Phương Đông này thông minh và văn hóa nhất trên thế giới thời đó cũng như dân Ấn Độ nhưng cả hai cũng là lũ gian ác, dối trá như nhau, cả hai đều cần học Phật Pháp, nhưng rất tiếc, Phật đã chọn sinh ra trong địa ngục kỳ thị giai cấp Bà La Môn trong xã hội Ấn Độ thay vì đầu thai làm Phật Tàu.  Không biết Phật là dân Ấn hay dân Tàu là họa hay phước cho Phật Tử chúng ta bây giờ?
 
 
 
Anh viết, “Bản chất của người Tàu lúc nào cũng bí mật, giấu diếm, chỉ truyền lại cho đệ tử ruột mà thôi.”  Tôi xin thêm bớt: Đa số bản chất của người Á Đông điển hình nhất là người Tàu, trừ người Nhật ra, lúc nào cũng bí mật, giấu diếm, chỉ gia truyền.  Nếu phải truyền lại ‘độc chiêu bí mật’ cho đệ tử ruột thì một là cái độc chiêu đó ‘độc hại’ hay vô dụng vì từ sư phụ/thân phụ của họ cho đến họ, đời này qua đời khác, chả có cái gì gọi ‘độc chiêu’ thật sự để truyền lại trừ ‘độc chiêu’ dối trá, lừa bịp.  Có thể vì lý do đó cho nên người Á Đông thường, “Sống giữ thác mang theo,”  không để lại kinh nghiệm cho thế hệ con cháu, làm thất truyền, ích kỷ không có hạnh ‘bố thí’ như những người Tây Phương?
 
Thế giới bây giờ (đúng hơn, từ trước đến nay) đều kinh nghiệm và sáng mắt ra là đa số những sản phẩm ‘Made in China’ là bất khả tín, kém tiêu chuẩn, đôi khi còn độc hại nhưng vẫn mua và dùng đồ của Trung Cộng sản xuất vì rẽ tiền.  Nhưng lành thay, nếu ý Phật Tổ trước đó không từ ‘Tây’ qua thì bây giờ Phật Giáo đã không còn phổ biến rộng rãi trong Á Châu và trên thế giới vì đã bị Hindu và Hồi Giáo lấn áp đi đến gần như tiêu diệt như ở Ấn, ở Afhanistan, Trung Đông/Ba Tư (?) ... Mà hồi đó tại sao Ý tổ sư Đạt Ma (người Iran?) lại không sang Đông thay vì sang Tây, sang Tàu?  Có thể vì dân phía Đông đó còn ăn lông ở lỗ kém văn minh tuy dã man nhưng chưa biết gian ác trí trá là gì như dân Tàu, dân Ấn.  Đó cũng là lý do, Đạt Ma Lão Hồ học được Phật Pháp từ Đông qua Iran rồi lại phải qua lại Đông, thay vì Tây du, xây chùa Thiếu Lâm Tự đem theo Hương Bản, Bồ Đoàn trong 9 năm diện bích tham thiền thay vì từ Iran đi qua phương Tây để truyền cái Hương Bản, Bồ Đoàn ‘vô giá... trị’ để ‘trì’ cái đám ‘man rợ da trắng’ (chỉ biết đau nhưng chưa biết khổ là gì) ở Âu Châu và Trung Đông?
 
Nếu Ý Phật Tổ hồi đó sang Tây thay vì Đông du hay Đức Phật đầu thai ở Tàu thay vì ở Ấn Độ thì có thể tổ tiên chúng ta chỉ biết Phật Tàu và 3 tên gàn Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử vì đã bị đô hộ và ảnh hưởng nặng của Tàu trước khi biết Ki Tô Giáo và Tây Phương/Pháp?  Chúng ta ở sát nước Chiêm Thành, dân Hời này trước theo Bà La Môn giáo sau này bị ảnh hưởng đạo Hồi xâm lăng mà chúng ta chưa bị thành Hồi vì đã/nhờ ‘bị’ ảnh hưởng nặng Phật Giáo Trung Hoa ở Bắc, sau đó mới ảnh hưởng Phật Giáo Nguyên Thủy từ Tây sang, từ Thái và Chân Lạp, từ miền Nam mới chiếm được của Chân Lạp?  Hơn nữa, trong lúc ‘di cư xuống phía Nam,’ có thể chúng ta đã tạo những cái nghiệp quả của riêng mình khi lấn đất Chân Lạp, tiêu diệt Chiêm Thành, đô hộ Lào và Cao Mên?
 
Tuy nhiên, ‘Ý anh từ Tây sang (từ West site?)’ về nguồn gốc của chuyện thiền Ba Tàu ‘Thế nào là ý Tổ sư từ Tây Sang?’ này rất đúng và tôi cũng công nhận và không phản biện chỉ đàm đạo để cùng học hỏi.
 
Anh giải thích: Câu "Ý Phật Tổ từ đâu sang?" nếu nói theo nghĩa thông thường nghĩa là "Cốt lõi đạo Phật là gì?" hay nói theo người Trung Hoa nghĩa là "Đạo là gì? Nhưng đặc biệt dựa theo tư tưởng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là "Thiền là gì?" Vì Bồ Đề Đạt Ma chủ trương rằng "Bất Lập Văn Tự" cho nên ngôn ngữ văn tự là tướng vọng tưởng, chẳng phải thật nghĩa.  Mà đã là vọng tưởng thì trả lời thế nào cũng được, hiểu sao cũng được. 
 
Đây chính là điều mà chúng ta luôn luôn muốn nói và thường được lập đi lập lại trong những bài thuyết pháp vì vậy tôi cố ý hỏi,‘Ý Phật Tổ từ đâu sang?’ hay ‘Ý Phật Tổ từ Tây sang thế nào?’  Hay, Tại sao Phật Tổ từ Tây sang?  để làm gì?  Câu hỏi đầy ngớ ngẫn, và ngu muội? 
 
Theo tôi hiểu những công án thiền của Tổ đưa thiền sinh, đặc biệt chỉ riêng cá nhân đó, vào một ngõ cụt: Tắc tất biến, biến tất thông!  Để giúp họ tiệm ngộ/đốn ngộ nhưng có thể không phải là mục đích ‘diệt’ tham sân si đi đến giải thoát, thành Phật.  Thiền sinh phải từ đó tu hành thêm nữa để đạt được những cứu cánh trên.  Tương đối, tu luyện được thần thông chưa hẳn là giác ngộ nhưng thông thường thì đạt được cái này thì có thể dễ đạt được cái tương quan kia.   Đây là mục đích của siêu thiền hiện đại trên thế giới hay không thì đã có nhiều người nói đến rồi, không phải là chủ ý của bài này.
 
Theo thiển ý, phương thức giảng thuyết của Đức Thế Tôn trong 45 năm, với 84000 pháp môn (con số tượng trưng) có thể tóm gọn trong 3 chữ sau đây: Lập rồi Phá! Từ Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo,...cho đến Bát Nhã Tâm Kinh với chữ Không (Emptiness.)  Đức Thế Tôn:  Im lặng!
 
Thiền Tông đi từ Phá tới Lập.  Không nói một chữ!  Riêng tôi trình bày triết lý Phật Giáo từ ‘Lập lại tới Phá rồi Lập lại!’  Thông tất biến...mất, biến tất tắc...nghẽn.  ‘Không một’ để chữ đọc!  Không một âm để quán!  Không một quang để kiến! Không một câu hỏi để trả lời! (không một = bất nhị.) Vì tôi méo mó nghề nghiệp chuyên môn ‘reverse engineering,’ trở về nguyên thủy, đi từ kết quả tới nhân duyên, ‘quay lại bờ Tây, đáo bỉ ngạn.’
 
‘Ý Phật Tổ từ đâu sang?’ là phóng tác chưa cầu chứng bởi USPTO của tôi, trừ khi đã có người đã dùng ý này rồi mà tôi không biết, chứ tôi không có ý hỏi, một nửa kia, Thế nào là ‘Ý Phật Tổ từ Tây sang?’  Hay, Thế nào là ‘Ý Tổ sư [Đạt Ma] từ Tây sang?’  Như câu chuyện thiền phổ thông của Tàu từ Thường Chiếu đã được nhiều người giải thích và đề cập đến.  Cho nên, như anh viết: Ngôn ngữ văn tự là tướng vọng tưởng, chẳng phải thật nghĩa.  Mà đã là vọng tưởng thì trả lời thế nào cũng được, hiểu sao cũng được. 
 
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền tin tức, là con thuyền chở đạo.  Nhỡ ngộ, hiểu lầm hay không hiểu cũng được.  Như Long Nha rất vui vẻ đáp:  Vì Hương Bản và Bồ Đoàn mà có tin tức.  Đó chính là ý của câu bất khả tư nghì.  Hay như vì anh emailed mà truyền tin vậy.
 
Tôi chỉ phóng tác vài ba chuyện thiền ‘cho từ cho bi,’ mà phóng tác là fiction cho nên nó không thực.  Hơn nữa khi đổi (phóng tác) chữ Tổ (Đạt Ma) ra Phật Tổ có thể làm nhiều người không đồng ý là đúng với nguyên bổn mà Tàu làm gì có chính bản, toàn là ngụy bản? 
 
Câu nói, ‘Gặp Ma giết Ma, gặp Phật giết Phật!’  “Hay Thiền vào thời kỳ này, tại sao gọi là Siêu Phật Tổ Sư Thiền?  Bởi vì như ngài Đan Hà đã nói, “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe.” Ngài Triệu Châu cũng nói, “Niệm Phật một tiếng, phải súc miệng ba ngày.” Lại như ngài Nam Tuyền thường nói, “Tổ nói tức tâm tức Phật, còn tôi thì chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.  Đây đều là dùng siêu Phật (không chịu đặt mình vào khuôn mẫu của Phật) để nói.
 
Những lão thầy chùa Tàu này chưa bao giờ Tây du cho nên vẫn chấp ngã là lẽ thường nhưng có thể họ là những tổ khai sáng ra thiền tông rất hấp dẫn cho nhân sinh hiện đại, trên thế giới tu học?  Tổ Tàu học thiền từ Bồ Đề Đạt Ma, lão Hồ râu đỏ, ngoại quốc từ Tây qua thay vì Phật Ấn Độ.   Mà Bồ Đề Đạt Ma học đạo Phật từ đâu?
 
Thời đó, người đề ra câu hỏi, đều là hỏi: Đại ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang (Tổ sư tây lai ý), có thể thấy đã đem Phật đặt qua một bên và chỉ dùng ý của Tổ sư làm trung tâm, lại có thể thấy từ Lục Tổ trở xuống,  Tông phong rất là hưng thạnh. Thiền của Tổ sư truyền đã được sự tôn sùng của một số người tham học thời đó. Ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang lại càng là mục tiêu trước nhất người học cần phải minh bạch nên mới trở thành thiền pháp Siêu Phật (không chịu đặt mình vào trong khuôn mẫu của Phật) lấy Tổ sư làm trung tâm.” 
 
Những nhận định anh đưa ra trên đây có thể đúng với tâm tánh kỳ thị ngoại và chia rẽ nội của người Trung Hoa và đó cũng là lý do mà Phật Giáo Nguyên Thủy gọi những kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa là Ngụy Kinh.  Tổ Tàu cho mình cao siêu hơn Phật Ấn? 
 
Theo tôi thì Tổ Tàu, Tổ Nhật, Tổ VN, Tổ Mỹ, Tổ Trát, Phật nói, hay bất cứ ai nói nếu nói hay thì tôi học, nói không hay thì tôi không học.  Nói đúng thì tôi công nhận đúng; nói sai thì tôi sẽ bảo là nói sai.  Tôi không phân biệt những tổ này, phật này từ đâu tới.  Cho nên, Thiền vào thời kỳ này, tại sao gọi là Siêu Phật Tổ Sư Thiền không chịu đặt mình vào khuôn mẫu của Phật Tây sang lai Ấn Độ, lai Hồ, cà ri nị hay xì dầu ngộ, đói tôi ăn cả hai cũng ngon miệng, ăn no đi ngủ mê, tỉnh dậy ăn tiếp, chán thì ăn phở không thành vấn đề phân biệt hay dở đối với tôi.
 
Tôi được đào tạo làm khoa học gia chứ không là triết gia, không là cư sĩ, không là tu sĩ, không thường đi chùa, ít đọc kinh kệ, không muốn ràng buộc trong vòng cương tỏa, không muốn sở trụ nhưng vẫn enjoy tham sân si, không cầu giác ngộ, không mong thành Phật, ưa múa kiếm giữa trận đời.  Tôi cũng không bao giờ dám nhận hay treo bảng những điều tôi viết là chân lý Phật Giáo vì thật ra tôi cũng không biết tại sao - tôi không muốn viết mà lại vẫn phải viết những điều kỳ cục này mà thú thật tôi cũng không hiểu nổi những gì tôi viết? 
 
Tôi không tìm kinh Phật để trì kinh nhưng kinh Phật tìm tôi để kinh trì.  Trì là không trì hay không trì là trì thì cũng chẳng ăn nhằm gì tôi vì tôi không có tới đó, ở đó, đi từ đó.  Tôi không ở trong vô môn quan cũng không ở ngoài cửa không.  Tôi không muốn phải lập lại những gì đã được các bật thiện tri thức và cao tăng ni giảng dạy từ kinh điển mà tôi chỉ thích nhìn những triết lý, chân lý Phật Đà qua một lăng kính khác ở một khía cạnh khác với lối diễn tả thích hợp cho những thế hệ sinh viên trẽ bây giờ như họ đã cho tôi biết là họ nhiều lúc cười mĩm chi và ôm bụng cười lớn làm roommates của họ tưởng họ điên khi đọc những bài tôi viết, nhất là có lúc tôi ‘tiếu ngạo giang hồ’ về Phật Giáo.  Hay như những tỳ kheo khác khuyến khích tôi nên tiếp tục viết vì theo họ, tôi đã giới thiệu Phật Giáo đến với những người muốn nghiên cứu và học Phật.  Phần còn lại là những người trong cửa Không như anh, những thiện tri thức, những bật tăng ni sẽ chân truyền cho những giới trẽ về Phật Giáo vì tôi không certified và qualified để giảng đạo; tôi có thể sẽ không làm chuyện đó.  Tôi chỉ là ngón tay trỏ chứ không phải là mặt trăng.  Tuy nhiên, có khi một ngón tay trỏ của tôi ồn ào trỏ nhầm mặt trời thay vì im lặng chỉ đúng mặt trăng.
 
Cho nên tôi chấp nhận những điều tôi viết là ‘bút sa gà chết’ và tham đọc những phản biện lẫn chỉ dạy của những bật học giả, tăng ni và những thiện tri thức khác như anh để hâm nóng cái sân si trong mùa đông bão tuyết ở đây.
 
Những điều anh nêu ra đã là một rừng tranh luận không phân biệt được đúng sai, đồng ý hay được thỏa thuận, hay bị chia năm nhóm xẻ bảy nhánh giữa các thánh nhân, học giả, cao tăng ni, triết gia, khoa học gia, ...về chủ đề Phật Pháp từ mấy trăm năm nay làm cho Phật Giáo thăng hoa, càng thêm phong phú và được cập nhật hoá để hòa hợp với văn minh, văn hóa, và phong tục xã hội sở tại thay vì khư khư lổi thời, phản khoa học như những thánh kinh ‘tuyệt đối’ không sai một chữ, không dám thảo luận, của những tôn giáo khác.  Dĩ nhiên, quần chúng đa số đều muốn ‘quốc hồn quốc túy’ Phật của mình hay God của mình; cứ quan sát những hình tượng Phật Ấn thì giống Ấn Độ, Tàu thì mặt Tàu, Việt thì mặt Việt, Thái thì mặt Thái, Cao Miên thì giống Cao Miên, Nhật giống Nhật, Đại Hàn giống Đại Hàn và trong tương lai Phật Tây Mỹ hay Phi Châu nên giống như dân sở tại cho nó có vẽ nội hóa hơn?
 
Phật đã nói:  Những người không phỉ báng Như Lai là những người nghe kinh giảng thấy đúng nói đúng, thấy sai nói sai.  Phật cũng đại khái có ý nói: Đừng tin những gì ta nói mà hãy nhìn những gì ta làm.  Có thể Phật copied từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi phỉ báng VC?  Chỉ có khác là Phật nói sao làm vậy, không tăng không giảm, không thêm không bớt.  Có lúc không nói mà làm.   Có lúc, im lặng cũng là một cách trã lời.  Tôi nghĩ Phật bây giờ có nghe tôi nói như trên thì Ngài cũng cười mĩm chi, tha thứ thay vì quở phạt tôi tội phạm thượng gán oan cho tam thế Phật, vì tôi không y kinh lẫn lìa kinh thuyết? 
 
Cho nên, theo tôi, chúng ta, từ các Tổ sư, có nói gì thì nói, có không, cải cọ lẫn nhau về chính pháp hay ngụy kinh, phân biệt nhị nguyên, thì cũng như Tề Thiên Đại Thánh không cân đẫu vân nhảy qua được Phật Pháp bất nhị trong vòng ‘một bàn tay’ Phật Tổ.  Bàn tay Phật nhỏ như hạt cải nhưng chứa cả vũ trụ bao la.  Nếu Phật phải dùng đến bàn tay kia thì đạo Phật có thể đã rẽ qua một ngã khác?
 
Gần 3000 năm rồi mà chúng sinh chưa nhảy qua được 5 ngón tay của Phật Tổ nhưng đâu biết được trong tương lai chúng ta sẽ làm được cái việc vĩ đại đó?  Lúc đó, chúng ta có thể tự hào:  Lão Tôn thần thông quảng đại hơn lão Phật.  Theo tôi, Đức Thế Tôn sẽ rất mãn nguyện vì Phật Tử đã hiểu biết ý ngài căn dặn hãy tự mình ‘tục diệm truyền đăng,’ mà đệ tử giỏi hơn sư phụ là tông có phúc có gì mà phải tư nghì, có gì là bất kính, phạm tội, cho là phỉ báng thần linh như những tôn giáo thờ thần khác?
 
Theo tôi, mục đích của Phật Giáo là thế nào cũng không thành vấn đề với nhân sinh và nhất là ‘siêu’ giới trẽ hiện tại.  Chúng ta lúc trẽ đã trải qua những giai đoạn u mê này rồi vì không có ai biết giảng Phật pháp cho thế hệ chúng ta với lối giảng bác học thay vì quá bình dân kém luận lý khoa học lẫn triết lý logic.  Giới trẽ bây giờ ngay chính cả con cái chúng ta nhất là ở hải ngoại cũng nhìn cha mẹ mình theo đạo Phật, đi chùa với cái suy nghĩ như chúng ta ngày xưa.  Cho nên trong vòng 10 năm nữa không biết mấy ai còn đi chùa VN trên thế giới, ngay cả ở VN?
 
Thú thật tôi không chủ ý viết những tư tưởng, triết lý Phật Pháp này cho những thế hệ của chúng ta hay già hơn chúng ta.  Họ lẫn chúng ta đã xong rồi chờ ngày tiêu diêu cực lạc, ngộ hay không cũng chả cứu giúp được mình, được ai nhưng tôi muốn giữ lửa (tục diệm truyền đăng) cho giới trẽ từ 35 tuổi trở xuống về triết lý Phật Giáo mà tôi tự học và ‘tưởng’ là hiểu.  Con cái chúng ta ở hải ngoại bây giờ không đọc được tiếng Việt và chính bản thân tôi cũng chỉ mới biết viết lại tiếng Việt.  Tôi tự ôn học lại tiếng Việt với văn phạm Mỹ trong vòng 2,3 năm nay, cho nên có khi hỏi ngã lộn xộn, vì tôi không nhớ là tôi đã học văn phạm Việt trước khi biết nói và biết viết tiếng Việt trong trường Việt bao giờ?
 
Điều tiên quyết là nên ‘phải’ để tự giới trẽ chọn lựa bài học ‘vài nắm lá trong tay Phật,’ chỉ học bài học căn bản ‘diệt’ tham sân si để thoát đau khổ vì ích lợi cá nhân hay học ‘rừng lá trên non’ của vũ trụ.  Ngày xưa chính Đức Phật thuyết pháp ròng suốt 45 năm với 30000 bài kinh rất rõ ràng để dạy chúng sinh phương pháp thoát khổ và đến được bờ an lạc với vài bài học căn bản như đám lá trong bàn tay của Đức Phật. 
 
Sau đó, theo phương pháp thiền đạo của Bồ Đề Đạt Ma "Bất Lập Văn Tự" là bài học cao hơn về vũ trụ như đám lá trên rừng.  Vì học cao hơn thì không phải như học ở mẫu giáo, thầy nói gì vâng lời như là khuôn vàng thước ngọc mà phải tranh luận, đại nghi mới đại ngộ, như Phật từng dạy đừng vội tin ta, mà khi đã tranh luận thì sẽ đưa đến bàn cải, đúng sai, lại lọt lại vào vòng nhị nguyên, tự mình ‘ngã’ vào cái vòng kim cô hồi nào không hay biết, rồi thì cái tham sân si cái ngã trổi dậy, chấp danh vọng, địa vị, tiền bạc, tư nghì, tư nghi, tư nghị bởi vậy mà Lục Tổ thấy vậy nên quyết định không truyền y bát làm tổ cho đời sau nửa.  Vì tên nào cũng tự xưng là Tổ hết rồi trong khi đó y bát chỉ có một.
 
Nên nhớ những Tổ ngày xưa, đa số điều ở thâm sơn cùng cốc, vua vời cũng tìm cách từ chối, chứ không như các ‘sư tổ’  bây giờ tham xây chùa ở chợ, ‘từ tiền, bi của.’  Cho nên, gán cho những lão Tổ này còn tham sân si đòi đảo chính Phật Ấn Độ thì cũng tam thế tổ oan.   Tôi đã nói nhiều lần trong những bài viết trước, bây giờ, nhiều người Đông cũng như Tây trên internet thường cứ gán tiếng ‘oan tốt’ cho Đức Phật nói này nói kia, dù là toàn là lời hay ý đẹp nhưng chưa thấy Phật Tử hay Tổ Tàu hồi đó thật tâm phỉ báng đặt điều nói xấu, oan kiên cho tam thế Phật.   Hơn nữa, không lẽ giác ngộ thành Phật cũng còn có vai vế cao thấp?   Ngã Phật Từ Bi!
 
Tôi không theo đạo Phật vì ích lợi cá nhân lẫn lợi ích cho chúng sinh.   Tôi không cần họ hay tôi có lợi hay hại theo Phật Giáo.  Đó không phải chuyện tôi bận tâm để bảo vệ (defend) ý Phật.  Tôi không mong tự độ hay cần độ ai cả. 
 
Giải thoát khổ đau, diệt tham sân si, giác ngộ, thành Phật là những mục đích và nhu cầu tương quan mật thiết và rất phổ thông của con người.  Nhưng tất cả cũng chỉ là phương tiện, chỉ hữu hiệu dành riêng cho nhân sinh ký sinh trùng.  Con người có làm thượng đế (God) hay giác ngộ thành Phật, có hiện hữu hay không tồn tại trên trái đất này cũng không gì đáng kể hay ích lợi cho trái đất hay thiệt hại cho vũ trụ ta bà.   ‘Không mợ thì chợ cũng đông’ trước khi có con người, đang khi có con người hay sau khi con người diệt chủng như những con khủng long thời tiền sử thì vũ trụ này vẫn không vơi không đầy.   
 
Nhận định đầy cao kiến của anh là cốt lõi của bài này.  Mong thường được đàm đạo để cùng học Đạo.
 
Virginia ngay bây giờ bão tuyết rơi rất nhiều, có thể lên tới 20 inches, đang ở nhà hốt tuyết ngày đêm mệt nghĩ đây.
 
Lê Huy Trứ
1/24/2016
***
 
Hi Anh Trứ,
 
Đây là sản phẩm duy nhất của người Trung Hoa chớ ngày xưa Đức Phật còn tại thế không bao giờ Ngài dạy đệ tử của Ngài như thế.
 
Bản chất của người Tàu lúc nào cũng bí mật, giấu diếm, chỉ truyền lại cho đệ tử ruột mà thôi.
 
Câu "Ý Phật Tổ từ đâu sang?" nếu nói theo nghĩa thông thường nghĩa là "Cốt lõi đạo Phật là gì?" hay nói theo người Trung Hoa nghĩa là "Đạo là gì?, nhưng đặc biệt dựa theo tư tưởng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là "Thiền là gì?". Vì Bồ Đề Đạt Ma chủ trương rằng "Bất Lập Văn Tự" cho nên ngôn ngữ văn tự là tướng vọng tưởng, chẳng phải thật nghĩa. Mà đã là vọng tưởng thì trả lời thế nào cũng được, hiểu sao cũng được. 
 
Câu này đã được người đời sau dùng để chỉ Thiền tông.
Thiền vào thời kỳ này, tại sao gọi là Siêu Phật Tổ Sư Thiền? Bởi vì như ngài Đan Hà từng nói: “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe.” Ngài Triệu Châu cũng nói: “Niệm Phật một tiếng, phải súc miệng ba ngày.” Lại như ngài Nam Tuyền thường nói: “Tổ nói tức tâm tức Phật, còn tôi thì chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật. Đây đều là dùng siêu Phật (không chịu đặt mình vào khuôn mẫu của Phật) để nói. Thời đó, người đề ra câu hỏi, đều là hỏi: Đại ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang (Tổ sư tây lai ý), có thể thấy đã đem Phật đặt qua một bên và chỉ dùng ý của Tổ sư làm trung tâm, lại có thể thấy từ Lục Tổ trở xuống, Tông phong rất là hưng thạnh. Thiền của Tổ sư truyền đã được sự tôn sùng của một số người tham học thời đó. Ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang lại càng là mục tiêu trước nhất người học cần phải minh bạch nên mới trở thành thiền pháp Siêu Phật (không chịu đặt mình vào trong khuôn mẫu của Phật) lấy Tổ sư làm trung tâm.
Có bài kệ:
 
 
Ngôn vô triển sự 
 
Ngữ bất đầu cơ 
 
Thừa ngôn giả táng 
 
Thừa cú giả mê.

Nghĩa là:

Lời  chẳng  triển  sự: ngôn ngữ văn tự không miêu tả được sự truyền tâm ấn của Tổ Đạt Ma.  
Tiếng  chẳng  hợp  cơ: cũng không khế hợp tâm cơ của mọi người. 
Chấp  lời  chết  thảm : chấp vào ngôn ngữ sẽ đánh mất tuệ mạng
Kẹt  cú  mê  mờ: chấp vào văn cú sẽ bị mê hoặc. 
Đây chính là quan niệm trong Vô Môn Quan (Cửa Không Cửa) của Thiền tông thế thôi.
Người Trung Hoa muốn biến Phật giáo thành ra Phật giáo riêng biệt của Trung Hoa cho nên họ chuyển hướng tất cả các phương thức tu tập mà chính Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra thành ra Thiền tông với nào là công án nhức đầu, thoại đầu rắc rối...mà họ quên đi cốt lõi của đạo Phật là diệt khổ mà cội nguồn chính là Tham Sân Si. Cho dù hành giả có đốn ngộ hay là đốn gì đi chăng nữa mà tâm vẫn còn tham sân si thì chẳng ích gì cho mình và cho người.
 
Ngày xưa chính Đức Phật thuyết pháp ròng suốt 45 năm với 30 chục ngàn bài kinh rất rõ ràng để giúp chúng sinh thoát khổ và đến được bờ an lạc. Thế thì phương pháp của Bồ Đề Đạt Ma "Bất Lập Văn Tự" nếu hay thì tại sao sau thời Lục Tổ chia thành trăm nhánh không đâu ra đâu cả? Ai cũng muốn thành Tô riêng của mình, phải chẳng đây là lòng "Tham" của con người vẫn còn?
Hy vọng đóng góp vài ý kiến giúp vui cuối tuần.
Lê Sỹ Minh Tùng
 
 
Ý Phật Tổ từ đâu sang?
*
Lê Huy Trứ
Phóng tác
 
Thiền sư Long Nha Cư Tuần lúc ở chỗ thiền sư Lâm Tế tham học, một hôm xin thiền sư Lâm Tế chỉ dạy :
- Thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang ?
Lâm Tế bảo :
- Đem Hương Bản đến đây cho ta !
Khi Long Nha đem Hương Bản đến cho Lâm Tế, Lâm Tế cầm Hương Bản đánh Long Nha. Long Nha nói :
- Thầy đánh con không dính dáng gì cả, nhưng thầy phải nói cho con biết thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang?
Lâm Tế nói :
- Vừa rồi, chẳng lẽ Hương Bản không có nói với ông sao ?
Sau này, khi Long Nha đến chỗ thiền sư Thúy Vi tham học, lại xin chỉ dạy :
- Thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang?
Thúy Vi nói :
- Đem bồ đoàn đến đây cho ta!
Long Nha đem bồ đoàn trao cho Thúy Vi, Thúy Vi thuận tay dùng bồ đoàn đánh lên mình Long Nha. Long Nha nói :
- Chớ có vội đánh con! Thầy chưa nói với con thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang mà!
Thúy Vi nói :
- Vừa rồi chẳng lẽ bồ đoàn không có nói với ông sao?
Long Nha trải qua mấy năm tham cứu, cuối cùng mới hiểu rõ ý Phật Tổ từ Tây sang nơi Hương Bản và bồ đoàn.
Một hôm, tại thiền đường có vị học tăng hỏi Long Nha:
- Hòa thượng lúc hành cước, từng tham học với hai vị Đại đức Lâm Tế và Thúy Vi, đối với các ngài có ấn tượng thế nào?
Long Nha nói:
- Ấn tượng rất tốt, dù không nói với ta thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang.
- Vì sao hai lão ấy không nói cho thầy ?
Long Nha rất vui vẻ đáp :
-         Vì Hương Bản và bồ đoàn mà có tin tức.
*
Tôi cũng bắt chước Long Nha hỏi một Thiền sư ở Huế:  Tại răng ý Phật Tổ từ Tây sang?
 
Ôn ta nói: Ra mà hỏi cái chủi (chổi) ngoài cươi (sân.)
 
Tôi hỏi một Thiền Ni ở Tây:  Tại sao ý Phật Tổ từ Tây sang?
 
Ni nói: Je ne sais pas.
 
Nhưng khi tôi ở Mỹ, lại hỏi Thiền Sư Mỹ: Tại sao ý Phật Tổ lại từ Tây sang?
 
Thiền Sư Mỹ, nhìn vào bản đồ, nhắm địa bàn, bấm GPS từ Mỹ tới Ấn Độ, rồi nói:  Ý Phật Tổ không ở bên Tây.  Không sang Tây, không đến đây, và không đi từ đây.
 
Tôi hỏi một Thiền Ni ở Canada như vậy.  Ni hỏi lại tôi: Ý Phật Tổ từ Đông sang đây chưa?
 
Tôi hỏi một chú tiểu Mỹ ở California: Thế nào là ý Phật Tổ từ Tây qua?
 
Chú ta nhìn ra biển Thái Bình Dương rồi nói: Hell knows!
 
Tôi hỏi Ban Biên Tập (BBT) chùa A Di Đà ở Úc: Thế nào là ý Phật Tổ từ Tây sang đây?
 
BBT không trả lời, chỉ im lặng đăng nó lên website của chùa vì ‘không nói là không phải không nói’ mà đã gõ tiếng gõ 10 ngón tay với tiếng bấm chuột của một ngón trỏ.  Tiếng động của ngón tay là thế nào?
 
Vậy thì quý vị trụ ở nơi sở tại và nhất là những vị ở Bắc Cực và Nam Cực hay ở trên mặt trăng, ngoài bầu khí quyễn trong không gian có biết ý Phật Tổ từ đâu sang ‘nà’ thế nào?
 
Lê Huy Trứ phóng tác

Tle8464953 gởi