Tháp ‘Gạch đỏ’ sừng sững mãi ngàn năm
"Tới Bình Định mà không đến chiêm ngưỡng tháp Chăm thì chuyến đi bớt nửa phần ý nghĩa”, một anh đồng nghiệp nói vậy khi biết tôi tìm hiểu về các công trình kiến trúc...
Không quá khó để liệt kê hết những ngôi Tháp Chăm ở Bình Định nhưng để tìm hiểu những ngôi tháp có những nét độc đáo nhất có lẽ sẽ là khó đối với những người không phải là người bản địa và càng không phải là một chuyên gia như tôi.
Theo tư liệu từ Bảo tàng tổng hợp Bình Định, di tích kiến trúc Tháp Chăm cổ kính Bình Định ngót nghét cũng đã trải qua hàng ngàn năm, nhiều công trình kiến trúc cổ xưa khác nếu trải qua ngần ấy thời gian chắc cũng đã không còn tồn tại đến bây giờ.
Ở Bình Định, các di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với Vương quốc Chămpa cổ xưa vì trước đây Bình Định từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa (1000 – 1471), thời kỳ được xem là phát triển hưng thịnh của nền văn hóa Chămpa nên việc các Tháp Chăm được xây dựng trải dài trên mảnh đất Bình Định là minh chứng cho một thời kỳ vàng son ở nơi đây.
4 Tháp Chăm ở Bình Định như: Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên, Tháp Dương Long, Tháp Đôi vẫn còn giữ được nguyên bản và là nơi thu hút khách du lịch từ cả trong nước lẫn nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về nét độc đáo trong kiến trúc của các Tháp Chăm ngàn tuổi.
2 ngọn tháp thể hiện “Tình yêu”
Câu ca dao trữ tình “Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng” được người dân thể hiện trọn vẹn nét đẹp trong tình yêu đôi lứa khi nói về ngôi Tháp Chăm cổ kính này.
Mỗi lần, tôi đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định, hình ảnh của ngọn Tháp Đôi nằm giữa một khuôn viên xanh rợm bóng mát, trong lành làm tôi không thể không bước vào, để vừa tận hưởng không gian đó mà cũng vừa chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi tháp.
Tháp Đôi.
Từ tài liệu của ban quản lý Tháp Đôi, tôi mới biết tháp còn có cái tên gọi khác là Tháp Hưng Thạnh, có niên đại cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Nhưng đến bây giờ, người ta vẫn chưa xác định chính xác năm xây dựng lên ngôi tháp.
Trước kia, tháp được xây dựng trên một khu gò đất cao nhưng trải qua những lần bồi đắp, xây dựng cơ sở hạ tầng nên dần dần nơi gò đất của tháp đã bằng phẳng, không còn là một gò đất cao trong khu vực nữa.
Công trình kiến trúc của Tháp Đôi làm tôi thêm khâm phục các nhà điêu khắc thời xưa, các nghệ nhân ấy đã thổi hồn vào những tảng đá vô tri thành các tượng đá, các bức phù điêu một cách chân thật.
Cụm tháp gồm 2 tháp nằm cạnh nhau theo trục Bắc Nam, mỗi tháp đều có 1 cửa chính hướng về phía Đông và 3 cửa giả, tháp lớn cao 20m tháp, tháp nhỏ cao 18m. Theo người dân Quy Nhơn, họ ví hình ảnh tháp lớn như người con trai che chở bảo vệ cho người con gái (tháp nhỏ) là biểu tượng tình yêu đôi lứa giữa lòng thành phố Quy Nhơn.
Dựa vào hình dáng, cấu trúc và điêu khắc thì Tháp Đôi thuộc phong cách kiến trúc Chăm Bình Định. Tháp Đôi cũng tiếp thu nhiều về văn hóa Khmer đậm nét trong việc sử dụng chất liệu đá sa thạch rất nhiều vào trong trang trí, chân tường tháp được bó bằng những tảng đá sa thạch lớn như môt đài sen khổng lồ nâng đỡ toàn bộ tháp.
Tháp Đôi thuộc phong cách kiến trúc Chăm Bình Định.
Bộ diềm mái cũng được làm bằng đá và được trang trí hình khỉ Haruman đang múa, hình các con vật thần thoại mình sư tử, đầu voi (Gajashimaha), 4 góc diềm mái là 4 thần điểu Garuda bằng đá 2 tay đưa lên như đang chống đở cả tầng đỉnh tháp.
Bước vào bên trong tháp có thờ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni, Linga được đặt trên bệ Yoni tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, là nguồn góc mọi sự sinh sôi nảy nở, thể hiện tín ngưỡng phồn thực phổ biến của người nông dân Chăm.
Nhìn lên đỉnh tháp, đây cũng là điểm đặc biệt nhất mà Tháp Đôi có, với kiểu thiết kế đỉnh tháp được mở thông thoáng, khác hẳn với các ngồi tháp Chăm khác. Điều này như muốn nói việc để đỉnh tháp như vậy là để hấp thụ linh khí thiêng liêng của trời đất.
Cánh Tiên vỗ cánh trời xanh
Cách thành phố Quy Nhơn không xa đi về hướng thị xã An Nhơn tôi lại được nghe mọi người kể lại có một ngôi Tháp Chăm cổ kính có tên là Tháp Cánh Tiên với kiến trúc, trang trí vô cùng lạ mắt và độc đáo, chỉ có ở ngôi tháp đó mới có.
Quả nhiên không phải là lời đồn đại, đi từ xa đã thấy được khung cảnh độc đáo trước vẻ đẹp của Tháp Cánh Tiên hiện ra với cách trang trí như những đôi cánh đang vỗ để bay lên.
Xưa kia, Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Đồ Bàn, đến nay, tháp thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII, tháp được xây dựng trên bề thế cao hình vuông, cao khoảng 20m và có 4 cửa (1 cửa chính, 3 cửa giả).
Dừng chân ở cổng đi, nhìn vào những hàng gạch bậc thang cũng đã làm tôi thấy ấn tượng, chứ nói gì trực tiếp ngắm nhìn ngọn tháp. Đến gần hơn, đứng dưới chân tháp nhìn lên mới thấy được cái gọi là Cánh Tiên nó mới đặc sắc ra sao. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng 4 góc được trang trí bằng 4 tháp giả, trên mỗi tháp giả lại gắn thêm họa tiết hình đuôi phụng được điêu khắc bằng đá đây là điểm tạo nên sự thanh thoát, độc lạ mà không tháp nào có được.
Bên trong lòng của Tháp Cánh Tiên có thờ Nữ thần Y A Na, qua mấy trăm năm các bức tường bên trong tháp cũng đã có sư bào mòn, chỗ lồi chỗ lõm, cho thấy được sự nguyên vẹn chưa qua trùng tu, mọi thứ vẫn còn rất cổ xưa.
Tháp Cánh Tiên mang phong cách kiến trúc Bình Định, nằm ở nhóm thứ 2 gồm Cánh Tiên, Phú Lộc và Thủ Thiện. Trong đó, cách trang trí tạo hình Cánh tiên được thiết kế tỉ mỉ đây cũng là điểm nhấn đắt giá nhất thu hút ánh nhìn nhất của mọi người khi tới tham quan. Nhìn kỹ về tháp vẻ bề thế uy nghiêm sừng sững nhưng vẫn mang chút gì đó bay bổng, thanh thoát như dáng vẻ của những cánh chim đang tung cánh bay.
Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Đồ Bàn.
Với lối kiến trúc khác hẳn với các Tháp Chăm ở Bình Định, 4 góc ở thân tháp đều có các cột ốp tường bằng đá sa thạch chạm khắc vô cùng tinh xảo với những hoa văn dây xoắn như những sợi dây quấn lấy thân cây tuy mềm dẻo mà lại rất chắc chắn.
Để mà cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo trong kiến trúc của Tháp Cánh Tiên qua vài lời nói thì chắc có lẻ là điều hơi khó, nhưng chắc hẳn là một trải nghiệm quý báu khi đã đặt chân đến đây và chiêm ngưỡng ngôi tháp kỳ vĩ này. Một thi sĩ khi đến thăm đã để lại một bài thơ: “Rồng thiên tiên cởi đi đâu/ Cánh Tiên để đó giải dầu nắng mưa/ Cùng non tháp giữ tình xưa/ Trải bao dâu bể vẫn chưa nao lòng/ Đồ Bàn còn núi còn sông/ Còn Tiên kết cánh còn rồng truôn mây”. Tỏ lòng thán phục trước vẻ đẹp của Tháp Cánh Tiên.
Ngồi nói chuyện với chị Nga ban quản lý Tháp Cánh Tiên để hỏi về những ngôi tháp đặc biệt gắn liền với Bình Định thì Chị lại òa lên: “Tháp Bánh Ít đúng rồi! cụm tháp có nhiều ngôi tháp nhất Bình Định ở đó đẹp vô cùng!”.
Cụm tháp mang tên đặc sản "Xứ Nẫu"
Chạy dọc quốc lộ 19 nhìn từ xa đã thấy cụm tháp hiện ra với dáng vẻ uy nghiêm nằm trên một ngọn đồi cao. Đường đi vào tháp phải đi qua một con sông thuộc nhánh của con sông Kôn, hai bên đường đi đến chân tháp rợm bóng mát của hàng cây xanh nơi làng quê trong lành.
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi khác là Tháp Bạc trong tiếng J'rai là YANG MTIAN nhưng chắc có lẽ cái tên “Bánh Ít” đã gắn liền với món ăn truyền thống của vùng đất Bình Định này, vì thoạt nhìn những ngọn tháp trong giống những chiếc “Bánh ít” loại bánh đặc sản, làm nên thương hiệu của người Bình Định bao đời nay.
Tháp Bánh Ít nằm trên ngọn đồi thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định là một trong những biểu tượng tiêu biểu trong nền kiến trúc của Người Chămpa và nằm trong cuốn sách nổi tiếng: 1001 công trình kiến trúc phải đến trong đời.
Qua tìm hiểu, Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có rất nhiều tháp nằm cạnh nhau trên một quần thể gồm có 4 tháp, trong số các tháp này đều đặt ở những vị trí khác nhau trên ngọn đồi. Mỗi tháp đều có những tên gọi, kiểu cấu trúc đặc trưng riêng biệt.
Tôi bắt đầu di chuyển về hướng tháp cổng (Gopura) cách tháp chính chừng 100 m, với tạo hình như một mũi lao hướng lên trên. Tháp này có cổng thông nhau hướng về tháp chính, nên khi đặt chân đến tháp cổng ngước nhìn lên khu vực tháp chính khung cảnh tĩnh lặng với ánh nắng chiều tà làm tăng thêm phần huyền ảo giữa những ngọn tháp.
Tháp cổng (Gopura),Tháp Bia (Posah) , Tháp Hỏa (Kosagrha).
Đi lên qua hết tầng thang rẽ bên tay trái, Tháp Bia (Posah) lấp ló đằng xa hiện ra một vẻ huyền bí, là một ngôi tháp nhỏ nằm thấp hơn khu vực tháp chính 10 m về hướng Đông, tháp này đặc biệt có 4 cửa đều thông với nhau với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc như mong muốn nhận được tinh hoa của đất trời thuận tiện cho việc di chuyển nhìn ngắm bốn phương trời.
Nằm gần kề với tháp chính Tháp Hỏa (Kosagrha) có hình dáng vô cung độc đáo phần mái có hình vòm cong úp xuống như một chiếc yên ngựa nên mọi người thường gọi tháp này bằng cái tên Tháp Yên Ngựa. Không chỉ phần mái mà từ phần đế tháp được xây rộng và thu hẹp dần khi đến thân, tạo nên điểm thanh thoát, uốn dẻo như “chiếc eo” của người thiếu nữ Chăm.
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi khác là Tháp Bạc trong tiếng J'rai là YANG MTIAN.
Đi qua một vòng các tháp phụ tôi mới ngỡ ngàng trước vẻ uy nghiêm, mang phong thái của như một vị vua của ngôi tháp chính (Kalan), nằm chính giữa đỉnh đồi đây là tháp có kích thước lớn nhất trong 4 tháp và là điểm thu hút mọi ánh nhìn từ mọi phía.
Bên trong tháp có bức tượng nữ Thần Shiva tọa trên đài sen, tuy bức tượng này chỉ là bản phục chế lại từ bản gốc nhưng vẫn bộc lộ được hình ảnh chân thật như y bản gốc. Đây cũng là nơi thể hiện được giá trị của văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người Chămpa xưa.
Ngôi tháp Khổng lồ nhất Bình Định
Tiếp tục rong ruổi tìm hiểu về những ngọn tháp Chăm cổ kính, tôi đi ngược về vùng đất Tây Sơn anh hùng. Dọc hai bên bờ là cảnh đồng ruộng xanh thẳm, ngào ngạt gió thổi của nơi làng quê thanh bình. Từ khung cảnh đồng ruộng 3 ngọn Tháp Dương Long hiện ra trước mắt với vẻ cao lớn đồ xộ khó cưỡng khỏi sự tò mò khi nhìn thấy.
Đứng trước cổng, tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp của 3 ngôi tháp mà tôi quên luôn cả việc chào ông Năm ban quản lý ngôi tháp, đến lúc quay lại ông đã chuẩn bị một tờ giấy giới thiệu về Tháp Dương Long cầm trên tay để đưa cho tôi rồi.
Ngồi nói chuyện với ông mới biết thêm đây là cụm tháp phải gọi là cao lớn nhất khu vực tỉnh Bình Định này không có Tháp nào bì kịp.
Tháp Dương Long được xây dựng trên một đồi núi không quá cao, thuộc 2 thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định. Tháp còn có nhiều cái tên gọi khác là “Tháp Ngà” (được người Pháp đặt), Tháp An Chánh và Tháp Bình An, có niên đại từ thế kỷ XII–XIII.
Ngước nhìn về khung cảnh kỳ vĩ, đồ sộ nhất trong những ngôi tháp chăm, tháp Dương Long được đánh giá là cao lớn nhất miền Trung, với chiều cao lần lượt 32m , 33m và 39m.
Không chỉ nói về độ cao lớn mà ngay cả phong cách kiến trúc cũng khiến người ta trầm trồ với vẻ đẹp trong từng những phiến đá sa thạch được các nghệ nhân Chăm điêu khắc một cách tinh xảo, tỉ mỉ, đầy sức sáng tạo trong khâu trang trí.
Với sự ảnh hưởng về kiến trúc Khmer đậm nét nhất những họa tiết trang trí bằng đá to lớn ở toàn bộ chân tháp, thân tháp và cả đỉnh tháp, càng làm nổi bật thêm vẻ cứng cáp của Tháp Dương Long.
Hầu hết các tháp nói trên đều có đặc điểm chung là cửa chính của tháp đều quay về hướng Đông và đều có sự ảnh hưởng trong kiến trúc văn hóa Khmer.
Quan sát kỹ trên đỉnh tháp đều trang trí một đài sen điêu khắc bằng đá đặt ở mỗi đỉnh tháp và cách bài trí 3 tháp thằng hàng theo trục Bắc Nam, cửa chính đều hướng về hướng Đông làm tôn lên nét văn hóa tâm linh huyền bí của người Chămpa xưa.
Bề dày kiến trúc của Tháp Dương Long làm nổi bật lên giữa cánh đồng xanh trải dài nơi đây cũng khiến cho cố Nhạc sỹ Văn Cao lần đầu tiên đến đây cũng cảm thán mà để lại một bài thơ diễn ta khung cảnh huyền thoại của tháp: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu huyền thoại”.
Hầu hết các tháp nói trên đều có đặc điểm chung là cửa chính của tháp đều quay về hướng Đông và đều có sự ảnh hưởng trong kiến trúc văn hóa Khmer.
4 tháp: Tháp Cánh Tiên, Tháp Đôi, Tháp Dương Long, Tháp Bánh Ít đều được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
Hiện nay, con người vẫn chưa khám phá hết những điều bí ẩn nằm sâu bên trong các ngôi tháp Chăm cổ xưa kia ở Bình Định, vẫn còn là điều bí ẩn khó có lời giải.
Đức Hồ
25/10/2024
____________
Đỗ Hứng gởi