Thấy gì qua câu chuyện hộ niệm đám tang?
Chỉ có ta, chính bản thân ta hãy sống và làm ngay những việc lành mà ta có thể làm được ngay trong hiện tại cho chính ta, cho người thân, cho cộng đồng và xã hội...
Một ngày đầu tháng 3 tôi được nghe lại câu chuyện hộ niệm cho một đám tang ở Hải Phòng, do chính người cháu ruột của bà kể lại. Thực ra câu chuyện này tôi đã được một đứa cháu gọi tôi bằng dì đã kể qua điện thoại cho nghe khi bà mất hồi tháng 11/2012. Khi nghe lần thứ nhất qua điện thoại tôi cũng chỉ thở dài để đó. Lúc đó, cháu cứ hỏi tôi một loạt câu hỏi được đặt ra, câu thì tin, câu thì thán phục, câu thì nghi ngờ, câu thì bức xúc, ấm ức. Tôi cũng chỉ trả lời cháu cho qua chuyện. Câu chuyện cũng tưởng như lãng quên nhưng khi được nghe lại do chính người trong cuộc kể thì tôi không thể không có đôi điều để nói.
Người mất là một bà cụ chỉ bệnh qua loa rồi mất rất nhẹ nhàng, hưởng thọ 85 tuổi. Bà là người hàng ngày tụng kinh niệm Phật và thường xuyên đi đến các đám tang tụng kinh từ hơn 20 chục năm rồi. Con cháu xa gần về đông đủ không thiếu ai. Không hiểu có phải là theo lời ước nguyện của bà hay là tự ý con cháu yêu cầu mà mời ban hộ niệm về. Khi bà nằm xuống, ban hộ niệm không cho bất cứ ai đụng vào người bà, không được thay quần áo, lau rửa gì cho bà. Ban hộ niệm gồm 5 người về niệm danh hiệu Phật Di Đà suốt 8 tiếng không ngơi nghỉ, 8 tiếng họ tuyên bố thân thể bà chưa mềm thế là thêm 8 tiếng nữa. Sau 16 tiếng thì có một người trong ban hộ niệm lớn tiếng la mắng: “Bà là người đã đi chùa mấy chục năm nay rồi sao bà vẫn còn luyến tiếc gì nữa, bà không biết thương con cháu hay sao mà bà còn làm khổ con cháu chưa chịu đi…”. Sau khi mắng xong ban hộ niệm vẫn tiếp tục niệm thêm 8 tiếng nữa. 24 tiếng thì được người trong ban hộ niệm tuyên bố là người bà đã mềm. “Thế khi họ tuyên bố như thế con cháu trong nhà có ai đến kiểm tra không? Không ai dám đến cả, mà họ cũng không cho đến gần bà”.
Thay Gi Qua Cau Chuyen Ho Niem Dam Tang
Vì để suốt 24 giờ, người bà đã bốc mùi hôi thối, mặc dù đã để bao nhiêu chè khô và cà phê để khử mùi, đó là nhà bà rất rộng lại có cả sân vườn, hơn nữa thời tiết đang bắt đầu vào mùa đông. Con cháu ai cũng quá mệt mỏi, không gian thì ô nhiễm nặng.
“Chẳng biết nhà cô em theo cái Đạo gì mà vô lý quá”. Tôi nghe câu nói này xong mà lặng người. Cố gắng lắm, tôi bình tĩnh trở lại mang hết vốn liếng i tờ của mình ra để giải thích nào là: ban hộ niệm đó tin theo một băng thuyết giảng của một vị Hòa thượng người Trung Quốc, như thế là không đúng với đạo Phật lịch sử, nào là Đức Phật không bao giờ dạy như thế… Nghe tôi nói xong, người này lại có vẻ càng bực tức thêm, “chị có biết không, nhà em phải trả cho họ 10 triệu đấy”. Cho đến khi ngồi kể với tôi đám tang đã qua đi mấy tháng rồi mà cậu ta vẫn còn có cảm giác như mới vài bữa nay. “10 triệu đối với gia đình cô em thì không là gì cả, nhưng em thấy sợ quá, làm khổ con cháu, Đạo gì mà…”. Cậu ta ngưng không nói tiếp vì sợ tôi buồn, nếu tôi không phải là Phật tử thì chắc cậu ta đã không ngưng giữa chừng như thế.
Sau khi đám tang xong rồi, người trong gia đình lục đục vì ấm ức. “Cô em, mẹ em, bà em chết rồi còn bị người ta mắng oan, trong khi bà sống là một người Bà, một người Mẹ, một người Cô hết mực thương yêu con cháu, được con cháu, họ hàng, phường xóm kính trọng, ai cũng thương mến, tiếc thương, đâu có ai dám hỗn với Cô em như thế, thế mới tức chứ”.
Khi bà mất con cháu không được ai đụng vào người bà, không ai được thay quần áo tắm rửa cho bà, đến khi được phép đến gần thì ai cũng sợ không ai còn dám đụng vào bà nữa vì mùi hôi thối. Cho nên, ai cũng thấy áy náy, ray rứt.
Câu chuyện thì chỉ có vậy nhưng điều đáng nói ở đây là:
24 giờ chưa tẩm liệm cộng với khoảng 8 giờ sau khi liệm là khoảng 32 giờ. Xác chết mà để 32 giờ không có hóa chất, không được bịt kín (phong tục ngoài Bắc là ngay cả khi tẩm niệm xong cũng chưa được phép đóng chặt nắp quan tài) sẽ làm cho môi trường trong gia đình bị ô nhiễm nặng, làm cho ngay cả con cháu cũng phải khiếp sợ.
Những người chưa biết gì về đạo Phật, những người mới cảm tình với đạo Phật và lớp trẻ… sẽ nói gì về đạo Phật? Những người theo tôn giáo khác họ nghĩ gì về đạo Phật? …
Chắc chắn những ai hiểu biết về đạo Phật, biết về Đức Phật lịch sử sẽ không đồng tình về việc hộ niệm kiểu này. Không có Đức Phật nào dạy làm như thế cả. Chúng ta phải khẳng định là như thế.
Vậy thực chất của ban hộ niệm khi ta đã chết rồi họ đến để trợ niệm cho người đã chết để được tái sanh về cảnh giới an lạc hoặc được siêu thoát hay tái sanh theo ý muốn. Đương nhiên là không thể có việc chỉ trông chờ vào ban hộ niệm nào đó trợ niệm cho ta mà ta có thể có một cảnh giới tái sanh theo ý muốn đó là trái lời Phật nói.
Trong bài giảng “Tái sinh theo ý” muốn của Thượng tọa Thích Nhật Từ :
Trong Kinh Trung Bộ 120- mang tựa đề Kinh hành sanh mô tả phân tích về nghệ thuật tái sanh theo ý muốn. Bài kinh được phân tích bao quát về những điều kiện cần và đủ để chọn lựa cảnh tái sanh của mình về nơi mà ta muốn tái sanh phụ thuộc hoàn toàn theo nghiệp dẫn dắt ta về nơi ta có nhu cầu. Dĩ nhiên, phải thỏa mãn có tu tập về nhân quả đạo đức thích hợp và tương đương thì lời nguyện ước mới được thành tựu.
Về yêu cầu cụ thể Đức Phật đưa ra 5 yếu tố (5 đức):
1- Phải có niềm tin xác huyết khi muốn tái sanh về vai trò vị trí lĩnh vực nào thì phải tin là mình có thể làm được điều đó với các nỗ lực tương đương .
2- Đạo đức của đối tượng ta mong mỏi phải ăn khớp với sự gieo trồng đạo đức khi ta mong mỏi.
3- Đa văn: Kiến thức chuyên môn sở trường là những yếu tố như là thước đo để định lượng muốn trở thành một vai trò, trong một lĩnh vực nào đó thì ta không thể nào không trải qua những yêu cầu căn bản và cần thiết.
4- Có tâm rộng lượng chia sẻ, bố thí, giúp đỡ, cho những mảnh đời bất hạnh như là nền tảng phước báu quan trọng nhất, được sử dụng giống như lực đẩy để đưa ta về cảnh giới mà ta mong muốn.
5- Phải có trí tuệ: vốn được thực tập làm cho tâm ta sáng suốt trước tất cả phản ứng của nhân quả, sống đúng, sống theo phù hợp với nhân quả. Giải quyết mọi vấn nạn cá nhân, gia đình và xã hội dựa trên duyên khởi nhân quả.
…
Nếu như người còn sống hay người đã mất đã từng được nghe những bài giảng, hay được đọc những bản kinh này thì chắc chắn đã không có cảnh tượng như trong câu chuyện trên, gia đình vừa không phải tốn tiền, để tiền đó làm từ thiện vừa được lợi lạc cho cả người sống lẫn người chết, vừa không phải sợ hãi, vừa không phải day dứt vì không được đích thân thay quần áo, lau rửa, túc trực bên cạnh người đã mất …
Giá như tại các đám tang, các vị Tăng Ni, các vị cư sĩ, các Phật tử sau khi tụng một bài kinh ngắn cho người chết, còn người sống được nghe một bài giảng ngắn về những điều Đức Phật dạy cho những người còn sống để chuyển hóa khổ đau, mang những điều Đức Phật dạy áp dụng vào đời sống hiện tại của mỗi người, sống theo đạo đức nhân quả thì sẽ được an lạc ngay trong hiện tại và khi chết thì tự nghiệp sẽ được đẩy về những việc ta đã gieo trồng nhân lành trong lúc sống.
Chỉ có ta, chính bản thân ta hãy sống và làm ngay những việc lành mà ta có thể làm được ngay trong hiện tại cho chính ta, cho người thân, cho cộng đồng và xã hội. Chỉ như thế thì ngay khi chết đi, ta đã được tái sinh về cõi an lành.
Câu chuyện tưởng như rất nhỏ, nhưng giờ thì không phải nhỏ chút nào. Bởi vì, một việc tốt thì ít người biết tới, nhưng việc xấu thì nó lan rộng như Internet. Vậy các ban Hoằng pháp các cấp suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Nhất là các tỉnh thành phía Bắc thì các ban hộ niệm hiện mọc như nấm mang tính chuyên nghiệp, hầu hết họ không phải là Phật tử mà họ coi đó như một nghề, nhưng lại mang danh nghĩa Phật giáo.
Nguyễn Văn Minh gởi