Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

THẤY NGƯỜI, RỒI NGHĨ ĐẾN MÌNH !


 

Người lính thám báo Nguyễn Tường Tuấn thân mến,


Đọc câu trả lời của Tổng thống Ukraine Zelenskiy, anh chợt nhớ đến hoàn cảnh của đất nước mình. Nếu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu sau khi lên đài TV tuyên bố sẽ trở về Quân đội cầm súng chiến đấu cùng anh em, mà ông giữ lời thì tên tuổi của ông sống mãi ngàn năm. Anh tiếc cho cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Tiếc cho một người có cơ hội làm lịch sử mà không chịu làm, đành chết già như một phó thường dân.


Anh nhớ ông Sirik Matak được ông Đại sứ Mỹ ở Nam Vang – Thủ đô xứ Chùa Tháp – gửi người tới để đem ông ra khỏi nước. Ông Sirik Matak đã khẳng khái từ chối, nhất định sống chết với đồng bào của ông. Tên tuổi của ông Sirik Matak sống mãi ngàn năm.


Xin kể cho Tuấn nghe cuộc nói chuyện giữa anh với Trung tướng Ngô Quang Trưởng:


Một hôm, sau giờ tan sở, anh lái xe trên đường K của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn về nhà. Dừng xe lúc gặp đèn đỏ, anh thấy một người Á châu đứng co ro trên vỉa hè cạnh bến đợi xe buýt. Nhìn kỹ, anh nhận ra người đứng chờ xe buýt đó là Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Mở cửa xe, anh vội chạy xuống, tiến tới mời ông Trung tướng lên xe để đưa ông về nhà. Ông Tướng hỏi: “Anh là ai mà anh biết tôi?”. Anh đáp: “Tôi là phi công từng lái C-47 từng chở Trung tướng nhiều lần. Đa số quân nhân đều biết mặt Trung tướng, vì Trung tướng quá nổi tiếng”.


Thật ra, tôi biết Trung tướng Trưởng từ khi ông còn là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Anh đưa ông Tướng về đến cửa nhà. Ông mời anh vào nhà uống chút rượu cho ấm bụng, nhưng anh xin phép từ chối vì phải vội đến trường đi học đêm.


Sau buổi gặp gỡ đó, anh thường lui tới nhà ông Tướng chơi. Nhà ông Tướng ở là một Appartment thuộc khu bình dân, gần nhà Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn văn Phán. Qua nhiều lần lui tới với ông Tướng, dần dần trở nên thân thiết. Đôi lúc đối ẩm, đôi lúc họp mặt có nhiều anh em cựu quân nhân. Anh thường đọc thơ cho ông nghe, như bài Hồ Trường, ông thích lắm. Tưởng ông Tướng là người lạnh lùng, khô khan, nhưng qua nhiều lần uống rượu với ông, anh nhận thấy rằng ông Tướng là người có tâm hồn nghệ sĩ. Ông Tướng thích nghe anh đọc “Hịch Tướng sĩ của Đức Trần Hưng Đạo hay “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi hoặc thơ của Bắc Sơn khi anh ngà ngà say. Ông Tướng cũng không ngờ anh là một người lính có máu văn nghệ, nhưng vẫn còn nuôi hoài bão với quê hương, dân tộc như ông.


Một hôm, hai thầy trò đối ẩm, bàn chuyện nước non, anh hỏi ông: “Thưa Trung tướng, từ lâu tôi có một điều muốn hỏi Trung tướng, nhưng ngại ngùng, vì sợ Trung tướng giận, nên không dám hỏi”. Ông Tướng nói: “Âu cứ hỏi đi, tôi không giận đâu?”. Trong cách xưng hô giữa hai người, anh lúc nào cũng gọi ông Tướng bằng Ông và xưng mình là tôi. Còn ông Tướng thì lúc nào cũng gọi anh bằng tên Âu và cũng xưng tôi.


Sau khi được ông Tướng cam kết sẽ không giận, anh từ tốn thưa: “Thưa Trung tướng, năm 1975 Trung tướng có dưới tay 3 Sư đoàn Bộ Binh, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư đoàn Không Quân và Lực lượng Thủy Bộ với 10 Tiểu đoàn Biệt Động Quân. Nếu tôi được ở vào địa vị của Trung tướng, tôi sẽ bất tuân mệnh lệnh của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ba hồi tử thủ, ba hồi di tản chiến thuật. Tôi sẽ bỏ ngỏ thành phố Đà Nẵng và kéo toàn thể lực lượng dưới quyền mình đánh ra Bắc. Tôi sẽ noi gương Hoàng Đế Quang Trung làm một buổi tế Trời Đất tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn để xin hồn thiêng sông núi phù hộ đoàn quân Bắc Tiến nhằm tác động tinh thần quân sĩ. Tôi bảo đảm rằng với sự quyết chiến, quyết tử của Trung Tướng, mọi người lính dưới quyền đều hăm hở tuân theo, không một người lính nào rời bỏ hàng ngũ.


Tôi nhớ hồi đó, thấy Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đích thân bay phi vụ Bắc Phạt, nhiều anh em bay Khu trục các cấp đều tình nguyện, đến nỗi vì số phi vụ hạn chế, anh em bắt thăm không có tên mình trong chuyến Bắc Phạt thì buồn bã muốn khóc. Cái tinh thần cánh chim đầu đàn (hay nói cách khác là lãnh tụ) mà dũng cảm, thì cấp dưới cũng dũng cảm theo. Trước cơn nguy biến, cái dũng của cấp chỉ huy hết sức cần thiết. Sự sụp đổ nhanh chóng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là vì bị lâm vào cảnh rắn mất đầu, thì trở nên hoảng loạn (panic).  


Nếu Trung tướng liều mình, biết đâu người Đồng Minh Mỹ thay đổi ý định? Hoặc nếu Mỹ vẫn bỏ chúng ta, cuộc Bắc Tiến thất bại, thì tên tuổi của Trung tướng và những anh em binh sĩ dưới quyền sẽ được ghi vào quân sử của Thế giới. Còn hơn ngày ngày Trung tướng phải đi xe buýt đến sở làm và anh em bị mấy thằng Việt Cộng nhóc con đày đọa, nhục mạ một cách hỗn láo trong trại Tập Trung!”. Sau năm 1975, nhiều người bà con của tôi gặp gỡ họ hàng đều than: “Chúng tôi tưởng Quân đội VNCH ra Bắc giải phóng chúng tôi. Không ngờ các anh chạy nhanh đến nỗi bọn Việt Cộng đuổi theo không kịp!” Nghe câu than thở đó, người lính nào mà chẳng đau lòng?


Nghe anh nói một hơi dài, Trung tướng Ngô Quang Trưởng im lặng ra chiều nghĩ ngợi lung lắm. Tay phải của ông cầm điếu thuốc lá gõ gõ trên cái mặt kính đồng hồ bên tay trái không ngừng. Có lẽ anh đã gieo vào lòng ông Tướng một niềm tiếc nuối. Sự im lặng kéo dài ước chừng 10 hoặc 15 phút, không khí trong gian phòng khá nặng nề. Bà Trung tướng Trưởng đứng trong bếp gần phòng khách, nói vọng ra: “Anh Âu nói thế là đúng, đó Ba!” Lúc bấy giờ, Tướng Trưởng mới nhìn lên trần nhà và nói như nói một mình: “Ừ nhỉ! Tại sao tôi không làm thế nhỉ? Giá như lúc ấy có Âu bên cạnh thì hay biết mấy!”


Tường Tuấn thân mến,


Khi ông Tướng còn sống, anh đã một lần kể cuộc trao đổi giữa anh và Tướng Trưởng về việc liều chết kéo quân ra Bắc. Có một số anh em cựu quân nhân phản hồi: “Tiến quân thì phải có chuyển vận, hậu cần. Chứ đâu phải dễ?” Anh cho rằng những anh em cựu quân nhân phản đối quyết định Bắc Tiến là vì họ quen với hoàn cảnh quy ước. Cái hay của nhà lãnh đạo hay cấp chỉ huy là “ngộ biến tòng quyền” giống như đi vào cửa tử để thoát ra cửa sinh, vì bề nào cũng chết! Người làm lịch sử là người dám nghĩ, dám làm trong giờ phút lâm chung. Còn hơn, Tướng Trưởng chạy thoát về Saigon để bị Trung tướng Nguyễn văn Thiệu giam lỏng tại Tổng Tham Mưu! Thiếu tá Đặng Kim Quy hiện sống ở San Jose hay Oregan, là người lái trực thăng cho Tướng Kỳ hướng dẫn Khu trục của ta đánh vào các địa điểm xuất phát hỏa tiễn tấn công phi trường vào ngày 29 tháng Tư năm.  Sau đó, Tướng Kỳ ra lệnh đáp xuống Bộ Tư lênh Tổng Tham Mưu, dùng điện thoại Hot Line gọi cho Tướng Nguyễn Khoa Nam để bay xuống Vùng IV nhằm bàn kế cố thủ, thì không có ai nhắc máy. Chợt thấy Tướng Ngô Quang Trưởng đang lang thang ở đó. Tướng Kỳ mới hỏi: “Tại sao giờ này anh còn ở đây? Tướng Trưởng đáp: “Bị Tổng thống Thiệu nhốt ở đây thì phải ở đây, chứ biết làm sao”. Tướng Kỳ bèn nói: “Thôi! Anh lên phi cơ với tôi. Họ bỏ đi hết cả rồi!”.


Tướng Kỳ khi làm Thủ tướng, là người đưa Trung tá Ngô Quang Trưởng từ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn V Nhảy Dù lên cấp bậc Tướng. Thêm một lần nữa, Tướng Kỳ lại đưa Tướng Trưởng ra Hàng Không Mẫu Hạm Midway. Nếu không có cái duyên may vào lúc ấy, Tướng Trưởng  đã bị Việt Cộng bắt nhốt vào Trại Tập Trung giống như Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tướng Phạm Ngọc Sang …. Mỗi lần ông bà Tướng Trưởng gặp Thiếu Tướng Kỳ đều lặp lại câu nói: “Nếu không nhờ ông Tướng (Tướng Kỳ) cứu nhà tôi thì giờ này tôi đã trở thành góa phụ!”


Nhớ hồi đó, tinh thần anh em Quân đội Việt Nam Cộng Hòa rất hứng khởi khi nghe Tướng Kỳ yêu cầu Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh Quân đội Hoa Kỳ trấn giữ an ninh Miền Nam, để ông an tâm lãnh đạo cuộc hành quân Bắc Tiến. Điều đáng tiếc là Tổng thống Lyndon Johnson không chấp thuận, nên chúng ta phải bị sống những ngày còn lại một cách nhục nhã!


Quân Đội Khmer bị quân cộng sản tấn công liên tiếp mà còn giữ được Nam Vang 3 tháng. Trong khi Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thiện chiến là thế, hào hùng là thế mà phải chạy như vịt, thì không phải họ bị lâm vào tình trạng rắn mất đầu hay sao? Quân lực của Nga mạnh gấp 10 lần Quân lực Ukraine, nhưng họ vẫn cầm cự cho tới nay là nhờ vào sự dũng cảm của Tổng thống Volodymr Zelensky, khiến cho quần chúng vừa chống trả, vừa reo hò thì đủ biết đâu khó gì để làm lịch sử? Bằng cớ là các nước trên thế giới đang ào ào mang khí giới tới yểm trợ sau câu nói bất hủ của người hùng Zelensky: “I NEED AMMUNITION, NOT A RIDE”


Tiếc cho nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa quên sứ mạng “Da ngựa bọc thây” để làm lịch sử, khiến cho anh em quân nhân chúng mình sống vất vưởng nơi đồng đất nước người bị bọn kháng chiến lừa đảo làm mất thanh danh, mà không có cách gì để xử tội bọn chúng. Nhớ tới một người bạn nói câu: “sống qua ngày chờ qua đời” mà cảm thấy đau đớn tận tâm can!



Bằng Phong Đặng văn Âu,


Telephone: 714 – 276 – 5600

__________________________


Đỗ Hứng gởi