THẦY ƠI…THẦY ĐÂU RỒI ?
Tôi trở về Việt Nam thăm thân nhân vào một mùa hè.
Tôi thuê xe đến ngôi trường cũ, một mình tìm lại kỷ niệm xưa, không chỉ là mái trường trung học thân yêu mà còn có bóng dáng một tình yêu.Thầy Chuẩn, giáo sư môn toán của tôi suốt 3 năm liền từ lớp 10 đến lớp 12.
Kể từ ngày tôi đi vượt biên được đến Mỹ định cư. Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam và ngôi trường cũ là một kỷ niệm tôi luôn mong muốn được gặp lại.
Đứng trước ngôi trường xưa lòng tôi bồi hồi thổn thức….
Ngôi trường đã hoàn toàn thay đổi, trường được xây mới và rộng thêm, cây phượng vỹ già nơi sát hàng rào trường không còn nữa. Bao mùa hoa Phượng của tôi chín đỏ sân trường nay về đâu, hoa Phượng ơi, thầy cô ơi, bạn bè ơi..…
Tên trường không thay đổi, vị trí trường vẫn là đây, nơi tôi từng đi về suốt mấy năm trung học.
Trường lớp đóng cổng đóng cửa im vắng trong một buổi trưa hè. Mùa khai trường sắp đến rồi, mai mốt sân trường im vắng này lại rộn rã thầy trò đông vui.
Nhìn dãy hành lang trường hun hút tôi nhớ bóng dáng thầy Chuẩn thường đi qua. Nhìn phòng lớp im tiếng tôi nhớ những lúc thầy đứng giảng bài và tôi thì mơ mộng nhìn ra ngoài khung cửa, bài toán thầy giảng giải xong mà tôi giấc mộng chưa tròn.
Nước mắt rưng rưng tôi bâng khuâng tự hỏi:
- Thầy ơi…thầy đâu rồi?
Không biết thầy Chuẩn còn dạy ở trường này không? Mai này đến ngày khai trường tôi sẽ đến đây, không là cô học trò nhỏ năm xưa, chỉ là người khách lạ, tôi sẽ đứng ngoài cổng như thế này để tìm trong đám đông thầy trò một bóng dáng thầy. Nhất định tôi sẽ nhận ra thầy, con người ấy, nét mặt ấy tôi vẫn chưa quên dù 20 năm đã xa, 20 năm chưa gặp lại thậm chí chưa nghe tin tức gì về thầy.
Suốt bao năm tôi mải lo cuộc sống hiện tại nơi quê người và mối tình học trò mong manh nơi quê nhà luôn là kỷ niệm đẹp.
Năm tôi lên lớp10 thầy Chuẩn mới đổi về trường dạy môn toán, ngày đầu tiên thầy vào lớp lũ học trò con gái chúng tôi xôn xao vì thầy giáo trẻ tuổi đẹp trai lại vui tính ăn nói ngọt ngào.
Chúng tôi đã nhanh chóng điều tra ra “lý lịch” của thầy, độc thân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo.
Tôi còn nhớ bạn Kim Sa nói:
- Thầy chỉ đáng tuổi anh chúng mình thôi, tao chẳng muốn gọi bằng “thầy”.
Tôi cũng nghĩ thế và tôi chỉ muốn gọi thầy bằng “Anh”.
Tôi thầm yêu thầy ngay năm học đầu tiên, chờ mong từng giờ học với thầy, mừng vui khi thấy bóng dáng cao cao của thầy xuất hiện, hồi hộp khi thấy đôi mắt hiền sau cặp kính cận của thầy nhìn tôi dù chỉ là cái nhìn bình thường hay thoáng qua.
Có lần trong hành lang trường, từ xa thấy thầy đang đi đến gần tôi đâm ra luống cuống vụng về làm rơi cả mấy quyển vở đang cầm trên tay. Thầy đã cúi xuống nhặt lên đưa cho tôi. Giây phút đối diện và chạm tay ấy tôi không bao giờ quên.
Thời kỳ bao cấp cuộc sống ai cũng ít nhiều khó khăn, tôi đã chứng kiến cảnh các giáo viên chia nhau nhu yếu phẩm gạo thịt tiêu chuẩn tại văn phòng. Tôi thương thầy giáo độc thân của tôi cũng không thoát khỏi cảnh đời thực tế này, nhưng dường như tôi ít khi thấy thầy Chuẩn mang những thứ nhu yếu phẩm ấy về nhà.
Một học trò lớp tôi nghỉ bệnh mấy ngày ở nhà, gia cảnh nó khó khăn, thầy Chuẩn là thầy giáo chủ nhiệm sẽ tổ chức một buổi đến thăm để “động viên” học trò. Tôi là trưởng lớp được đi cùng thầy.
Tôi bất ngờ khi thấy thầy mang theo miếng thịt heo nửa ký và bịch gạo 12 ký là tiêu chuẩn của thầy vừa lãnh. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy nói:
- Nghe nói gia cảnh trò Hoa nghèo, lại ốm đau nghỉ học thầy chẳng biết mang quà gì, sẵn hôm nay có tiêu chuẩn gạo thịt này…
Tôi ngại ngùng và thương cảm... cho thầy, chứ không phải cho bạn:
- Thế… tháng này thầy không có gạo thịt ăn hả? thầy báo tin thăm Hoa đột xuất quá em chẳng kịp góp phần mua quà…
Thầy Chuẩn mỉm cười:
- Lo cho người bệnh chứ việc gì lo cho thầy. Tháng này thầy sẽ...ăn chực bố mẹ.
Sau này tôi biết thêm thầy Chuẩn vẫn thỉnh thoảng nhường phần gạo thịt tiêu chuẩn của thầy cho một vài bạn đồng nghiệp đông con hay gia cảnh khó khăn dù thầy cũng chẳng khá giả. Một nhà giáo chăm chỉ yêu nghề hết lòng chỉ dạy học trò, một nhà giáo luôn giúp đỡ bạn bè cả vật chất lẫn tinh thần, khi thì nhường tiêu chuẩn nhu yếu phẩm, khi thì thay bạn đứng lớp lúc họ bận việc hay ốm đau.
Lũ học trò chúng tôi đã “phát giác” ra những điều ấy không khó gì.
Thầy là một chàng trai trẻ phóng khoáng và bao dung trong bộn bề cuộc sống.
Càng ngưỡng mộ thầy tôi càng yêu mến thầy.
Mùa hè năm lớp 12, mùa hè cuối cùng rồi mỗi người vào đời 1 hướng rẽ. Tôi sẽ đi xa hơn, cuộc chia tay này không thể nói cùng ai, gia đình tôi chuẩn bị cho 2 chị em tôi đi vượt biên.
Ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè tôi cố tình đợi để đối diện thầy nơi hành lang lớp, lần này tôi không vụng về làm rơi cuốn vở mà vụng về nói chia tay với thầy:
- Em... chúc thầy... ở lại... một mùa hè vui vẻ.
Thầy ân cần:
- Thầy chúc em thi đậu đại học và tương lai mở ra phía trước. Còn thầy dĩ nhiên vẫn ở lại làm “ông lái đò chở người qua sông”.
“Anh lái đò” ơi, ước gì anh không chở em qua sông mà chở em trên suốt con sông dài cuôc đời nhỉ…
Tôi lãng mạn nghĩ thế. Thấy tôi không nói gì thêm thầy định bước đi, tôi chợt tỉnh cơn mơ vội nói với theo:
- Thầy ơi…thầy nhớ lo cho chính bản thân mình, giữ gìn sức khỏe…
Thầy hiểu ý tôi và mỉm cười:
- Em muốn nhắc lại chuyện thầy đi thăm em Hoa với phần tiêu chuẩn lương thực của thầy chứ gì. Xem này, thầy có gầy ốm đi tí nào đâu.
Khi bóng thầy rẽ khuất vào 1 lớp học, tôi đứng ngẩn ngơ gọi thầm hai tiếng thân thương: “Thầy ơi…”
Xa lớp xa trường đã buồn, xa thầy tôi càng buồn hơn. Tôi ra đi mang theo một mối tình câm tuyệt vọng.
Để rồi hơn 20 năm sau trở về kỷ niệm năm nào bỗng thức dậy. Trong tôi vẫn còn hình bóng thầy Chuẩn cao cao đẹp trai và rất đàn ông tính rộng rãi bao dung.
Bây giờ chắc thầy đã có gia đình vợ con và vẫn là thầy như thuở độc thân vui tính.
Tôi muốn biết thầy còn dạy ở trường cũ không, để ngày khai trường sắp đến đây tôi nhất định sẽ đến trường, chỉ để nhìn thầy bây giờ ra sao.
Tôi tự trách mình bấy lâu đã không tìm liên lạc với bạn bè đồng môn cũ để biết tin về thầy.
Tôi cố moi óc nhớ lại những bạn bè cùng lớp cũ và nhớ ra nhà Kim Sa ở gần nhà tôi nhất nên đến thăm hỏi, Kim Sa đã dọn đi kể từ khi lập gia đình. Tôi xin được số điện thoại của Kim Sa..
Khi tôi gọi phone cho Kim Sa, nó mừng rỡ, chúng tôi cùng nhắc lại ngôi trường cũ bạn bè xưa. Tôi hỏi:
- Kim Sa ơi, thầy giáo Chuẩn đẹp trai, thần tượng ngày xưa của chúng mình đâu rồi? thầy còn dạy ở trường mình không?
- Kim Sa định kể đây, thầy Chuẩn đặc biệt nhất nên để dành kể sau cùng.
Tôi mừng rỡ, không kịp kìm nén lòng mình reo lên:
- Thầy Chuẩn đặc biệt là phải rồi. Một người tốt tính như thầy chắc luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
- Chỉ đúng một nửa, thầy gặp... may mắn trong cuộc sống nhưng không còn đi dạy học nữa.
Kim Sa kể thầy Chuẩn bây giờ giàu sang vào hàng đại gia. Thầy lập gia đình với con gái một cán bộ cao cấp, gia đình vợ đã lo cho thầy một chức vụ trong ngành giáo dục. Bao nhiêu năm qua thầy làm giàu nhờ chạy điểm cho học sinh, muốn con em vào trường tốt, muốn con em vào đại học đều qua tay thầy.
Nghe đến đâu tôi bàng hoàng đến đấy. Chàng tuổi trẻ thuở vào đời với tấm lòng hồn nhiên cởi mở, với nhiệt huyết yêu nghề yêu chữ đâu rồi?
- Lẽ nào thầy Chuẩn lại thế??
Tôi cố tình chưa tin dù biết bạn đang nói thật, nói đúng. Kim Sa thản nhiên:
- Bạn sống ở Mỹ nên không quen với những trò tiêu cực trong xã hội như thế này, chúng tôi ở Việt Nam thì là chuyện bình thường. Thời buổi này xã hội này ai có quyền lực trong tay mà không giàu mới là lạ.
Kim Sa nửa đùa nửa thật:
- Thế bạn có muốn đến thăm thầy xưa không?
Và Kim Sa tự nhanh nhẩu trả lời:
- Đừng nhé, không ai tiếp bạn đâu. Vào cửa nhà thầy phải có người giới thiệu, thầy chẳng có thì giờ tiếp chuyện vớ vẩn những đứa học trò xưa. Với lại mùa hè này vợ chồng con cái thầy đang đi du lịch Châu Âu chưa về.
Tôi chán nản nhưng vẫn mong là nãy giờ bạn…nói đùa:
- Kim Sa đùa thế đủ chưa? Làm sao mà Kim Sa biết rõ về thầy như thế?
- Ai dám nói đùa nói xấu một con người, lại là thầy giáo cũ mà mình từng ngưỡng mộ. Từ một người bà con bên vợ của thầy kể ra cho bạn bè anh ta và truyền đến bọn mình. Không tin thì cứ nhìn căn biệt thự lộng lẫy của gia đình thầy cũng là một câu giải đáp. Thời buổi này nhà giáo chân chính có dạy trường điểm, dạy thêm ngoài giờ đến hao mòn sức khỏe, ho lao khạc ra máu cũng chỉ đủ sống chứ ai làm giàu cho nổi…
Tôi buông phone, những lời nói của Kim Sa đang bủa vây xung quanh tôi. Thầy giáo trẻ tuổi đẹp trai con nhà nghèo nhưng tâm hồn không vướng bận vật chất lợi danh của ngày xưa đã thay thế bằng một ông cán bộ ngành giáo dục tham hư danh quyền lợi, bán rẻ lương tâm nhà giáo chỉ vì tiền.
Tôi đã mất thầy rồi, tôi trách hoàn cảnh xã hội, trách người phụ nữ làm vợ thầy đã lấy đi trong tôi hình ảnh đẹp của thầy, lấy đi mối tình đầu đời tuổi học trò mới lớn của tôi, những thứ mà tôi từng trân trọng cất giấu trong đời...
Tôi thốt kêu lên trong thất vọng:
- Thầy ơi... thầy đâu rồi ??
Nguyễn Thị Thanh Dương
____________________
Đỗ Hứng gởi