Thế gian này thứ gì khó được nhất?
Trong cuộc đàm luận của ba nhà sư về chủ đề: thế gian thứ khó được nhất là gì? Có người thì cho là tuổi thọ, người cho là tri kỷ, người lại nói rằng hạnh phúc gia đình mới là khó được nhất. Thế nhưng lời giải đáp sau cùng của Đức Phật mới thật sự thấm thía.
Cuộc đàm luận của 3 nhà sư diễn ra như sau:
Nhà sư thứ nhất nói: “Điều khó được nhất trên đời là trẻ mãi không già, khỏe mạnh và trường thọ. Dù là người có tiền bạc, nhưng khi về già lâm bệnh, thì lại không hưởng thụ được gì”.
Nhà sư thứ hai tiếp lời: “Khó được nhất là người bạn tri kỷ thân thiết có thể đồng cam cộng khổ. Một người dù có nắm được quyền thế của cả thiên hạ, nhưng không có lấy một người chí cốt bên cạnh, cô đơn lẻ bóng, thì chẳng khác nào đóa hoa mà mất đi hương thơm, không có ong bướm bay lượn”.
Nhà sư thứ ba thì nói: “Ta nghĩ rằng điều khó được nhất là người nhà hạnh phúc. Một người có thân thể khỏe mạnh, có người bạn tri kỷ, nhưng người nhà oán hận và tranh đấu với nhau thì có ích lợi gì? Mỗi ngày đều giống như sống trong địa ngục trần gian”.
Trong lúc 3 nhà sư đang đàm luận sôi nổi thì Đức Phật từ lâu đứng bên ngoài nghe được, nên quyết định cho gọi họ đến.
Lúc bấy giờ, tiết trời đang là mùa thu, bầu không khí vô cùng sảng khoái và dễ chịu, những cánh đồng xanh tươi đang nhè nhẹ nghiêng mình trong gió thổi. Đức Phật ngồi đó khoan thai nói với các nhà sư rằng:
“Điều gì là khó được nhất trên đời? Đó không phải là cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, cũng không phải là bạn đồng hành thân thiết, hay một gia đình hạnh phúc. Ta sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện.
‘Ở một vùng biển nọ, có một con rùa mù, tuổi thọ vô biên, đã sống thăng trầm qua hàng ức năm. Nó thường ẩn mình dưới đáy đại dương sâu nghìn mét, trăm năm chỉ ngoi lên mặt nước đúng 1 lần.
Lại nói có một thân cây lênh đênh trên mặt biển, trên cây có một cái lỗ hổng. Rùa mù cả trăm năm mới ngoi lên mặt nước một lần, nên cơ hội để gặp được thân cây là rất mỏng manh, huống gì là gặp phải thân cây có lỗ (để đưa đầu vào đó) mà vào đất liền thì càng khó hơn.
Rùa mù và thân cây chỉ có một phần mười triệu cơ hội gặp nhau, nhưng so với khi con người phải trải qua lục đạo luân hồi, thì cơ hội được đắc lại thân người còn khó hơn gấp vạn lần!’”.
Đức Phật vừa nói vừa nhúm một ít bụi trên mặt đất lên sau đó mở lòng bàn tay ra, ngài nói: “Chúng sinh đắc được thân người cũng như bụi đất trên tay ta, còn không được thân người thì cũng giống như đất trên mặt đất kia vậy. Điều gì là khó đắc nhất? Thân người chính là khó đắc nhất. Các con cần lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ”.
Một khi mất đi thân người thì vạn kiếp khó được lại, đây không phải là châm ngôn trong kinh Phật, mà là một nhận thức không thể thiếu trong cuộc sống, khiến chúng ta trân trọng cuộc sống và trân trọng nhân duyên hiện tại.
Xưa nay trong giới tu luyện thường có câu: “Nhân thân nan đắc, chân Pháp nan văn, Trung thổ nan sinh”, nghĩa là: “Thân người khó được, chân Pháp khó được nghe, Trung thổ khó sinh”, đây chính là 3 điều khó nhất.
Cơ duyên tu luyện của con người là rất trân quý. Bởi con người là anh linh của vạn vật, chỉ có con người mới có thể tu luyện thành Phật, thành Đạo. Vì vậy, hãy trân quý cơ duyên này.
Danh lợi không thể mang đi, khi đến là tay trắng, chết đi cũng trắng tay. Hơn nữa, con người một khi bị mê hoặc trong nhân gian, bị danh lợi dẫn dắt, sẽ càng tạo thêm nhiều tội nghiệp, trong khi “thiện ác tất báo” là thiên lý, do đó làm việc ác sẽ khiến kiếp sau càng thêm thống khổ.
Con người cần phải biết trân quý hiện tại, đi theo con đường Chính Pháp, tu sửa chính mình, quay trở về với bản tính thuần thiện ban đầu mới là mục đích làm người.
______________
Đỗ Hứng gởi