Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Thế giới hôm nay: 11/11/2024




không kích của Israel vào Gaza và Lebanon đã giết chết hơn 50 người, theo lời giới chức địa phương. Lực lượng Israel nói đòn tấn công của họ vào Jabalia ở miền bắc Gaza, được cho là làm hơn 30 người thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em, nhắm vào một khu vực có “khủng bố hoạt động.” Trước đó Qatar thông báo họ không còn là bên trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas.

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các cuộc Nga nói đã bắn hạ 34 máy bay không người lái của Ukraine xung quanh Moscow. Thị trưởng thủ đô Nga cho biết không có thiệt hại đáng kể nào, mặc dù cuộc tấn công đã làm một người bị thương và khiến ba sân bay phải tạm thời đóng cửa. Đây được cho là nỗ lực tấn công lớn nhất của Ukraine vào Moscow cho đến nay. Trong khi đó, Nga không kích Odessa ở miền nam Ukraine, làm hai người bị thương.

Trung Quốc bày tỏ tức giận với Philippines vì đã thông qua hai luật mới tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để “kiên quyết bảo vệ” lợi ích của mình. Các nước Philippines, Việt Nam, và Malaysia gần đây đã bắt đầu phản đối mạnh mẽ hơn các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

Donald Trump cho biết Nikki Hailey, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông, và Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng, sẽ không trở lại chính quyền Trump. Bà Hailey đã chạy đua với ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, còn ông Pompeo được cho là ứng cử viên cho chức bộ trưởng quốc phòng. Trung Quốc chắc chắn sẽ rất vui khi không phải đối phó với ông nữa.

Ông Trump được cho là sẽ giành chiến thắng ở Arizona, khi quá trình kiểm phiếu tại bang này gần kết thúc. Nếu vậy, tổng thống đắc cử sẽ giành chiến thắng ở cả bảy bang chiến trường. Đảng Cộng hòa cũng tiến gần hơn đến việc giành quyền kiểm soát Hạ viện, dù kiểm phiếu ở một số khu vực thậm chí còn chậm hơn Arizona.

Cuba đàn áp biểu tình sau một số vụ mất điện diện rộng. Tâm lý tức giận vì chính phủ không khôi phục được nguồn điện sau bão Rafael đã thúc đẩy người dân xuống đường ở thủ đô Havana và những nơi khác. Các quan chức cho biết rằng, như một biện pháp “phòng ngừa,” họ đã bắt giữ một số người để khôi phục trật tự.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Valencia, khi cơn giận dữ về phản ứng của chính quyền sau trận lũ tuần trước vẫn chưa lắng xuống. Người biểu tình kêu gọi Carlos Mazón, người đứng đầu chính quyền khu vực, từ chức. Hơn 200 người đã thiệt mạng khi nước lũ nhấn chìm thành phố này; bên cạnh 80 người vẫn mất tích. Người dân Valencia nói cảnh báo lũ lụt được đưa ra quá muộn.

Con số trong ngày: 5%, là tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang sử dụng AI tạo sinh để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.
 

TIÊU ĐIỂM

COP29 khai mạc

Các đại diện từ khắp nơi trên thế giới sẽ dành hai tuần tới tại Baku, thủ đô của Azerbaijan, để tham dự COP29 – hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên của Liên Hợp Quốc. Một số người cho rằng COP năm nay chỉ là một cuộc họp thủ tục, một phần do lo ngại về tính phù hợp của nước chủ nhà, với một nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Nhưng các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sẽ rất quan trọng – một phần vì các bên phải thống nhất về mục tiêu mới cho khoản tiền mặt hàng năm mà các nước giàu nên cung cấp cho các nước nghèo để giúp họ giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra còn có những vấn đề quan trọng khác. Vào năm 2022, các đại biểu COP đã nhất trí rằng những nước gây ô nhiễm nhiều nhất sẽ trả tiền cho các quốc gia đang phát triển để trang trải chi phí biến đổi khí hậu, thành lập một quỹ được gọi là “thiệt hại và mất mát.” Song cách thức hoạt động của quỹ này vẫn cần phải được thống nhất. Trong khi đó, tất cả các bên cũng được cho là sẽ tăng cường tham vọng cắt giảm khí thải của mình.

Đảng Cộng hoà Mỹ nhiều khả năng kiểm soát lưỡng viện quốc hội

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Donald Trump đôi khi không thể áp đặt ý chí của ông. Paul Ryan và Mitch McConnell, khi đó là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại lưỡng viện của Quốc hội, không thuộc phe của ông Trump trong đảng. Và trong nửa sau nhiệm kỳ tổng thống trước, Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có ít ràng buộc hơn. Một số cuộc đua vào Quốc hội vẫn chưa có kết quả, nhưng đảng Cộng hòa có vẻ sẽ kiểm soát cả hai viện. Đảng này sẽ có 53 ghế tại Thượng viện nếu họ lật được một ghế ở Pennsylvania, điều có vẻ là chắc chắn. Bấy nhiêu là đủ để phê chuẩn các thẩm phán liên bang và các lựa chọn nội các của ông Trump. Đảng Cộng hòa có thể cũng sẽ giành được đa số mong manh tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson được ông Trump ủng hộ. Tất nhiên không điều gì trong số này đảm bảo các dự luật sẽ không bị chủ nghĩa bè phái trong đảng gây trở ngại. Nhưng nó ít nhất mang đến cho tổng thống một cơ sở quyền lực vững chắc.

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh chung Ả Rập-Hồi giáo

Ả Rập Saudi đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh chung Ả Rập-Hồi giáo tại Riyadh vào thứ Hai, nơi các nhà lãnh đạo từ hàng chục quốc gia sẽ thảo luận về chiến sự đang ngày càng tồi tệ ở Trung Đông. Sự kiện này theo sau lần thượng đỉnh trước đó vào năm 2023, vốn kết thúc bằng một thông cáo chung vô hại. Lần này có lẽ cũng không khá hơn: các nhà cầm quyền Ả Rập không có mấy tiếng nói với các bên đang tham chiến.

Trong khi đó chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vào cuối tuần, Israel được cho là đã giết chết hàng chục người trong các cuộc không kích ở cả Jabalia, miền bắc Gaza, và tại một ngôi làng ở miền bắc Beirut, Lebanon. Ngày càng có nhiều lo ngại Iran sẽ tấn công Israel trong những ngày tới, có thể thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq. Qatar không còn trung gian cho Israel và Hamas nữa, vì cho rằng không bên nào thật sự nghiêm túc. Các nhà ngoại giao cũng không tin Joe Biden sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình. Khả năng có thay đổi là rất nhỏ, ít nhất là cho đến tháng 1.

Thủ tướng Nhật cố gắng bám trụ

Trong cuộc bầu cử sớm gần đây của Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền và liên minh của đảng này đã mất đa số ghế trong quốc hội, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Kết quả đó khiến số phận chính trị của Ishiba Shigeru, người trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng 10 sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua làm lãnh đạo của LDP, trở nên bất định. Hôm nay, quốc hội Nhật Bản sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt, trong đó ông Ishiba có thể phải tham gia vòng bầu cử thứ hai để được tái đắc cử. Đây là lần đầu tiên quốc hội phải làm vậy sau ba mươi năm.

Ông Ishiba có thể sẽ giữ nguyên vị trí của mình. Đảng Dân chủ Lập hiến, phe đối lập chính, không thể phối hợp với các đảng nhỏ hơn để hình thành một mặt trận thống nhất. Nhưng ngay cả khi ông sống sót, vị thế chính trị của ông Ishiba vẫn suy yếu. Theo hãng thông tấn Kyodo, tỷ lệ chấp thuận nội các của ông đã giảm mạnh từ 51% xuống còn 32% trong tháng qua. Tình hình này khiến ông khó thực hiện các chính sách cấp bách nhưng không được lòng dân, chẳng hạn như tăng thuế để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng.

Lệnh cấm trường dạy thêm của Tập đã phản tác dụng như thế nào?


Nguồn: Katsuji Nakazawa, “How Xi Jinping’s tutoring school ban backfired”, Nikkei Asia, 7/11/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhu cầu việc làm đang lấn át nỗ lực của chủ tịch nước nhằm xoa dịu khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.

Dường như “tẩu tư phái” đang giành được nhiều ảnh hưởng hơn tại Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, nơi mà chính sách gây tranh cãi của ba năm trước đang bị âm thầm gạt sang một bên với mục đích vực dậy nền kinh tế.

Vào thời Mao, “tẩu tư phái” là cụm từ được sử dụng một cách miệt thị để gọi những người được cho là đang dẫn dắt xã hội đi theo con đường tư bản. Gần đây hơn, nó lại xuất hiện để ủng hộ quyết định của ban lãnh đạo do Tập đứng đầu, cấm các trường học dạy thêm sau giờ học vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, lệnh cấm hiện đang mất dần sự ủng hộ theo cách gợi nhớ đến một câu nói cũ khác, Thượng hữu chính sách, hạ hữu đối sách: Trong khi có chính sách từ trên, thì cũng có biện pháp đối phó từ dưới. Những lời khôn ngoan này đã mô tả cách các quan chức địa phương và người dân thường dùng để giảm nhẹ tác động từ các chính sách của chính quyền trung ương.

Trong trường hợp này, các quan chức địa phương đã nhận được một cơ hội lớn để làm điều đó vào tháng 5. Nhưng cơ hội của họ đến từ cấp trên, khi Tập thể hiện cảm giác khủng hoảng về tình hình việc làm khắc nghiệt của Trung Quốc và kêu gọi biến “việc làm chất lượng cao và đầy đủ” thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế và xã hội. Ông cho biết việc làm cho người trẻ, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, phải là ưu tiên hàng đầu.

Chỉ thị này được đưa vào bài phát biểu của Tập tại “buổi họp nghiên cứu tập thể” của Bộ Chính trị vào ngày 27/05. Tuy nhiên, bản tóm tắt bài phát biểu không được công khai mãi cho đến ngày 01/11, khi nó được Tạp chí Cầu Thị đăng tải.
 


Sinh viên tụ tập tại hội chợ việc làm trong khuôn viên trường Đại học Trịnh Châu ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Các việc làm gia sư sau giờ học dường như đã tuyển dụng trở lại. © Getty Images


Khi lệnh cấm dạy thêm được công bố vào tháng 7/2021, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia sư sau giờ học phải chuyển đổi thành tổ chức phi lợi nhuận, nhiều tiếng nói trên các phương tiện truyền thông chính thức đã bảo vệ động thái này, gọi các trường dạy thêm vì lợi nhuận là “kẻ thù” và nhấn mạnh rằng “bọn tư bản và tẩu tư phái tham lam trong chế độ không được phép thông đồng với nhau.”

Dù mức trần học phí vẫn được áp dụng và vẫn còn những hạn chế đối với nội dung giảng dạy tại các trường dạy thêm, nhưng hiện đang một có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khi các trường công khai quảng cáo tuyển sinh mới, nhắm vào trẻ em đang theo học tiểu học và trung học cơ sở.

Các nguồn tin hiểu rõ tình hình giáo dục của Trung Quốc giải thích những gì đang diễn ra trong ngành gia sư.

Trong một số trường hợp, “một danh sách trắng” các công ty và tổ chức có thể cung cấp dịch vụ gia sư đã được chính quyền địa phương bí mật công bố vào tháng 10, một nguồn tin tiết lộ. “Một số được phép dạy tiếng phổ thông, khoa học và công nghệ, tiếng Anh, cùng nhiều môn học khác,” nguồn tin nói thêm.

Một nguồn tin khác nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài trong giới trẻ Trung Quốc, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, là nguyên nhân dẫn đến việc nới lỏng quản lý các trường dạy thêm.

Nguồn tin cho biết: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chính quyền Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, bao gồm cả trong ngành giáo dục, để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp cao ở thanh niên dẫn đến bất ổn xã hội.”
 


 
Học sinh học tiếng Anh tại một trường luyện thi ở Bắc Kinh. Tiếng Anh là một trong những môn học mà một số trường thuộc “danh sách trắng” được phép giảng dạy. (Ảnh lưu trữ của Kyodo)


Các quy định về trường dạy thêm được đưa ra rõ ràng là nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, khi nhiều người đã rất chật vật để đóng học phí cho con.

Trung Quốc có truyền thống lâu đời theo Nho giáo và xã hội nước này rất coi trọng hồ sơ học vấn.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường lo ngại con em mình trong độ tuổi đi học có thể tụt hậu trong một xã hội cạnh tranh gay gắt nếu chúng không dành đủ thời gian cho việc học.

Chính vì động lực xã hội này, chính sách quản lý chặt chẽ ngành gia sư đã phản tác dụng, và trớ trêu thay, nó đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giáo dục giữa trẻ em giàu và nghèo.

Chính sách này đã khiến các gia đình giàu có phải thuê gia sư riêng cho con cái với chi phí cao hơn nhiều so với chi phí họ từng trả để cho con học thêm ngoài giờ. Trong khi đó, các gia đình có thu nhập trung bình và thấp không đủ khả năng chi trả khoản này, đặc biệt là khi thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Nhiều gia đình giàu có trong số này đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ bong bóng bất động sản của đất nước, vốn đã liên tục phình to trong khoảng 10 năm trước khi vỡ tung gần đây.
 


 
Học sinh tại một trường tiểu học ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đất nước Trung Quốc theo Nho giáo rất coi trọng thành tích học tập. © Reuters


Khoảng cách giáo dục giàu nghèo ngày càng gia tăng bất chấp nỗ lực của Tập nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch thu nhập.

Từ tháng 5 khi Tập ban hành chỉ thị về việc làm đến tuần trước khi tạp chí lý luận của đảng công bố phát biểu của ông, Trung Quốc đã giữ kín thông tin về việc Tập đã thể hiện cảm giác khủng hoảng, lo lắng. Nguyên nhân một phần là để giúp Tập, “hạt nhân” của đảng, giữ thể diện.

Một minh chứng cho việc giữ thể diện đã diễn ra vào tháng 7, tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại, khi ban lãnh đạo Trung Quốc vẽ ra một bức tranh lạc quan về nền kinh tế trong nước, lưu ý rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi suôn sẻ và không có vấn đề lớn nào.

Các báo cáo truyền thông chính thức về nền kinh tế sau đó đều phù hợp với đánh giá kinh tế cơ bản tại hội nghị trung ương ba.

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng 9, khi nhóm lãnh đạo gồm 24 thành viên do Tập đứng đầu thừa nhận nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.

Tất nhiên, Bộ Chính trị không sử dụng từ ngữ đó. Thay vào đó, họ nói rằng cần thiết phải “đối mặt với khó khăn.” Sự thừa nhận này đã mở đường cho một loạt các cuộc họp báo do các quan chức kinh tế cấp bộ, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương, tổ chức. Nó cũng dẫn đến nhiều biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang ốm yếu.
 


Những tuyển tập các bài phát biểu của Tập là một phần trong nỗ lực mô tả Tập theo hướng tích cực. Tuy nhiên, gần đây, thực tế kinh tế đã buộc chủ tịch Trung Quốc phải lặng lẽ từ bỏ hai nguyên tắc của mình.


Giờ đây, báo cáo của Tạp chí Cầu Thị cho thấy tâm điểm chính trị thực chất đã tập trung vào tình hình kinh tế Trung Quốc kể từ đầu mùa hè.

Nếu tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc có cải thiện đôi chút trong nửa năm qua thì hẳn báo cáo của Tạp chí Cầu Thị đã không cần thiết.

Một sự thay đổi tương tự cũng đang diễn ra trong chính sách bất động sản khi lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Và thay đổi này cũng đang được thực hiện một cách lặng lẽ, không có thông báo chính thức, dù Bộ Chính trị đã ban hành một mệnh lệnh vào ngày 26/09 để “đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản.”

Bản thân Tập đã từng nhiều lần nói rằng: “Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ.” Khi ông gửi đi thông điệp này, ông đã đúng khi nhận ra rằng giá nhà tăng vọt đang khiến dân thường không đủ khả năng mua nhà.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng cung cầu trên thị trường nhà ở đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất động sản toàn diện, khiến chính quyền địa phương bị thiếu hụt nguồn thu.

Ban lãnh đạo của Tập sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại chính sách vì lý do chính trị. Nhưng tình hình kinh tế hiện tại quá khắc nghiệt, nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc các chi tiêu tài khóa lớn, điều mà họ đã không làm tại hội nghị trung ương ba hồi tháng 7.

Đánh giá kinh tế cơ bản mà các lãnh đạo trình bày tại hội nghị trung ương ba không còn có thể làm cơ sở cho các chính sách kinh tế trong tương lai. Việc nới lỏng lệnh cấm trường dạy thêm đã làm rõ điều này.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

10/11/1995: Nhà viết kịch và nhà hoạt động Ken Saro-Wiwa bị treo cổ tại Nigeri


 

Nguồn: Playwright and activist hanged in NigeriaHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1995, Ken Saro-Wiwa, một nhà viết kịch và nhà hoạt động môi trường người Nigeria, đã bị treo cổ cùng với tám nhà hoạt động khác của Phong trào Vì Sự sống còn của Người Ogoni (Mosop).

Saro-Wiwa, một nhà phê bình thẳng thắn đối với chế độ quân sự Nigeria, đã bị chính phủ buộc tội giết bốn nhà lãnh đạo truyền thống ủng hộ quân đội vào năm 1994. Ông liên tục khẳng định mình vô tội, tuyên bố rằng ông đã bị bắt giữ bất hợp pháp vì chỉ trích việc chính phủ cầm quyền Nigeria và Công ty Phát triển Dầu mỏ Shell hợp tác khai thác lưu vực Ogoni giàu dầu mỏ. Hầu hết cộng đồng quốc tế đều đồng ý với ông, nhưng nhà lãnh đạo Nigeria, Tướng Sani Abacha, đã từ chối quyền kháng cáo của các bị cáo và không trì hoãn việc hành quyết.

Trước khi qua đời, Saro-Wiwa đã giành được Giải thưởng Right Livelihood danh giá của Thụy Điển và cũng đã được đề cử giải Nobel Hòa bình. Để phản ứng lại các vụ hành quyết, Tổng thống Bill Clinton đã triệu hồi Đại sứ Mỹ từ Lagos và ban hành lệnh cấm vũ khí, dù hoạt động thương mại với Nigeria, một quốc gia giàu dầu mỏ, vẫn tiếp tục.


_____________


Đỗ Hứng gởi