Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Thế giới hôm nay: 12/07/2024
 
 
Khi ngày càng nhiều nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Mỹ — bao gồm cả thành viên thứ 11 của Hạ viện — kêu gọi Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử, Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, cho biết ông sẽ triệu tập đội ngũ lãnh đạo của mình để “tìm ra bước tiếp theo.” Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ họp vào thứ Năm với nhóm vận động tranh cử của ông Biden. Hôm thứ Tư, cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà đã nói với các đồng nghiệp của mình “hãy tạm dừng” bình luận công khai cho đến khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, DC, tuần này kết thúc.
 
Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 6 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 3,3% của tháng 5. Dữ liệu này thấp hơn cả dự đoán của các nhà phân tích; sau khi tăng tốc vào đầu năm nay, lạm phát hàng tháng đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Đây là tin rất đáng khích lệ đối với Cục Dự trữ Liên bang, trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.
 
Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ gặp Donald Trump ở Florida sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. Ông là một trong những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất ở EU. Gần đây ông đã đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU, hứa hẹn sẽ “làm cho châu Âu vĩ đại trở lại.” Ông Orban cũng đã đến thăm tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng, khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phẫn nộ.
 
Tổng thống Kenya William Ruto sa thải gần như toàn bộ nội các của ông sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ kể từ tháng 6, vốn khiến ông phải rút lại dự luật thuế gây tranh cãi. Ông Ruto cho biết đã đưa ra quyết định sau khi “lắng nghe người dân Kenya.” Người biểu tình tràn vào Quốc hội hôm 25 tháng 6 và làm cháy một phần toà nhà. Lực lượng an ninh đã đáp trả một cách thẳng  tay, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.
 
Tình báo Mỹ phát hiện ra kế hoạch ám sát Armin Papperger, giám đốc của Rheinmetall, theo CNN. Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức đã cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, và gần đây đã mở một nhà máy sản xuất xe bọc thép ở Ukraine. Âm mưu giết ông Papperger được cho là một trong số nhiều âm mưu bị tình báo Mỹ phát hiện.
 
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Mặc dù giá dầu có tăng trong tháng 6, nhưng nhu cầu lại thấp hơn. Doanh thu từ dầu mỏ là nguồn thu nhập lớn cho chính phủ. Xuất khẩu sụt giảm khiến Điện Kremlin mất đi nguồn vốn cần thiết để duy trì nền kinh tế thời chiến.
 
BHP, gã khổng lồ khai thác mỏ, sẽ tạm dừng hoạt động khai thác niken ở Tây Úc từ tháng 10. Công ty cho biết cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất giá rẻ đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận, đặc biệt là ở Indonesia. Dưới thời tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, đất nước này đã nổi lên như là nhà cung cấp niken hàng đầu thế giới, vốn rất cần thiết để chế tạo pin xe điện.
 
Con số trong ngày: 22%, là tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi—khoảng 150 triệu trẻ em—bị suy dinh dưỡng trên toàn cầu.
 
TIÊU ĐIỂM
 
Sức khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ
 
Ba trong số những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ — Citigroup, JPMorgan Chase, và Wells Fargo — sẽ báo cáo thu nhập quý hai vào thứ Sáu. Kết quả từ mảng ngân hàng tiêu dùng của họ sẽ rất đáng xem. Khi tiền tiết kiệm ngày càng mỏng đi, nhiều người sẽ phải dựa vào nợ thẻ tín dụng hơn. Nhưng với lãi suất bị mắc kẹt ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến của các ngân hàng, khách hàng hiện đang gặp khó khăn trong việc trả nợ. Do đó ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng đề phòng tổn thất cho vay. Song cho vay tiêu dùng không phải là điểm yếu duy nhất: giá trị bất động sản thương mại đã sụt giảm kể từ đại dịch, làm tăng nợ xấu đối với các tòa nhà văn phòng.
 
Tuy vậy, đà hồi sinh của mảng M&A có thể sẽ thúc đẩy kết quả của ngân hàng đầu tư. Trong hai năm qua, số vụ sáp nhập và mua lại đã giảm mạnh do tình trạng bất ổn kinh tế làm giảm giá trị của các công ty. Nhưng niềm tin tăng trở lại trong quý 2 đã vực dậy hoạt động M&A. JPMorgan công bố vào tháng trước rằng họ dự kiến doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư sẽ tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai. Đó là tin đáng mừng.
 
EU cần cơ chế hợp tác công nghiệp quốc phòng để tránh phân mảnh
 
Chi tiêu quốc phòng của châu Âu đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Năm nay châu Âu sẽ chi hơn 400 tỷ USD cho quốc phòng. Nhưng số tiền này sẽ không được sử dụng hiệu quả nhất có thể và cũng sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng đang bị phân mảnh của châu Âu.
 
Đây chính là lúc EU cần Cơ quan Phòng vệ châu Âu (EDA), được thành lập đúng 20 năm trước vào thứ Sáu. Mục đích của EDA là cố gắng điều phối chi tiêu quốc phòng của các thành viên EU để đạt hiệu quả cao nhất trên mỗi đồng euro, đồng thời tránh đầu tư trùng lặp về năng lực quốc phòng. Nhưng như Nick Witney, sếp đầu tiên của EDA, gần đây đã thừa nhận, sự hợp tác mua sắm “vẫn còn yếu.” EDA đã đóng góp đáng kể trong việc điều phối đạn dược cho Ukraine, song cơ quan này vẫn thiếu thẩm quyền và sức mạnh tài chính để tận dụng hết thế mạnh của một thị trường chung EU cho ngành công nghiệp quốc phòng. Các quốc gia thành viên biết phải làm gì, nhưng ngay cả bây giờ vẫn không sẵn sàng bắt tay thực hiện.
 
Lạm phát ở Argentina quay đầu tăng
 
Lạm phát giảm là lý do lớn cho độ nổi tiếng của Javier Milei, tổng thống Argentina. Lãi suất hàng tháng đã chậm lại kể từ tháng 1 nhờ ông Milei cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ và một cuộc suy thoái kinh tế. Trong tháng 5, lạm phát đã giảm xuống mức hàng tháng là 4,2%. (Lạm phát theo năm trong cùng tháng vẫn đạt tới 276%.) Nhưng các nhà phân tích dự đoán lạm phát trong tháng 6, được công bố vào hôm nay, sẽ quay đầu lên mức 5,2%, phần lớn là do chính phủ cắt giảm trợ cấp năng lượng, đẩy giá lên cao.
 
Lạm phát tăng có thể gây nghi ngờ về sự thành công của chương trình kinh tế của ông Milei. Lạm phát cao cũng khiến đồng peso ngày càng được định giá quá cao, làm tăng nguy cơ điều chỉnh mạnh. Và nó khiến việc dỡ bỏ kiểm soát vốn trở nên khó khăn hơn, làm nản lòng nhà đầu tư. Ngay cả khi chính phủ vẫn lạc quan, thị trường đang tỏ ra lo lắng về lạm phát và những gì ông Milei dự định áp dụng cho đồng peso. Rủi ro vỡ nợ của quốc gia này đã tăng trở lại về mức của tháng 3.
 
Philippines tập trận không quân với Australia
 
Từ thứ Sáu, máy bay chiến đấu của 20 quốc gia sẽ bay trên bầu trời phía bắc Australia để tham gia cuộc tập trận hai năm một lần do không quân Australia tổ chức. Trong số đó có máy bay chiến đấu của Không quân Philippines, lần đầu tiên được triển khai ở nước ngoài. Trong ba tuần, các phi công Philippines sẽ mài giũa kỹ năng chiến đấu của mình. Tại thời điểm năm 2005, sau khi các tổng thống liên tiếp của Philippines không cấp đủ kinh phí cho quốc phòng trước các mối đe dọa từ bên ngoài, không quan nước này thậm chí không có được một chiếc chiến đấu cơ nào hoạt động. Sự yếu kém này, cộng với việc trục xuất các căn cứ quân sự của Mỹ khỏi đất Philippines vào những năm 1990, có thể đã khuyến khích Trung Quốc xâm lấn các phần Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Không quân Philippines hiện chỉ có 12 máy bay chiến đấu, 4 trong số đó hiện đang ở Australia. Nhưng với sự huấn luyện và thiết bị của Úc, Mỹ, và Nhật Bản, cũng như với những máy bay mạnh hơn trong chương trình mua sắm, các phi công của họ có thể bắt đầu tạo ra một thách thức mạnh mẽ hơn trước các động tác xâm nhập của Trung Quốc.

TIN VẮN

Ngày 11 – 7 – 2024
 
* Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến công du Lào và Campuchia từ ngày 11 đến 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng xuống Lào và Campuchia, cũng như có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.
 
* Trong cuộc bố ráp một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ phi pháp tại Philippines, cảnh sát đã bắt giữ 3 người Việt.
Các bệnh viện bí mật tại Philippines đã cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cho những kẻ chạy trốn và nhân viên của các trung tâm lừa đảo để giúp họ lẩn trốn pháp luật, theo nhà chức trách Philippines.

Hai bệnh viện phi pháp như vậy có thể bị đóng cửa “trong những tuần tới” sau khi cảnh sát Philippines bố ráp một bệnh viện tại vùng ngoại ô phía nam thủ đô Manila hồi tháng Năm, người phát ngôn của cảnh sát nói với BBC.
 
* Hôm 11/7, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga “khẩn trương rút quân đội và các nhân viên trái phép khác” khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine và trả lại cho chính quyền Ukraine toàn quyền kiểm soát, Reuters đưa tin.
Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã thông qua một nghị quyết với 99 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 60 phiếu trắng.

Nhà máy Zaporizhzhia, lớn nhất ở châu Âu, đã bị Nga chiếm giữ ngay sau khi nước này phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Nhà máy này đã ngừng hoạt động nhưng cần nguồn điện bên ngoài để giữ cho vật liệu hạt nhân luôn mát và ngăn việc các thanh nhiên liệu bị tan chảy.
 
* Tình báo Mỹ phát hiện ra rằng Nga đã lên kế hoạch ám sát giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức, công ty đang sản xuất đạn pháo và xe quân sự cho Ukraine, đài CNN và báo New York Times đưa tin hôm 11/7.

Âm mưu giết Armin Papperger, Giám đốc điều hành (CEO) của Rheinmetall, là một trong hàng loạt kế hoạch của chính phủ Nga nhằm ám sát các giám đốc điều hành ngành quốc phòng trên khắp châu Âu, những người đang ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine, đài CNN dẫn lời 5 quan chức Mỹ và phương Tây không nêu tên cho biết âm mưu này đã bị phát hiện vào đầu năm nay.
 
* Khi vụ đánh bom bệnh viện nhi ở Kyiv đang bị lên án trên toàn thế giới, các quan chức Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và thậm chí còn cố gắng đổ lỗi cho Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Cuộc tấn công hôm 8/7 vào bệnh viện Okhmatdyt diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công trên khắp Ukraine khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em, và gần 200 người bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cực lực lên án vụ đánh bom và nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm.
 
* Nhà hoạt động vừa ra tù Huỳnh Thục Vy hôm 11/7 cho biết bà bị từ chối cấp hộ chiếu và bị cơ quan an ninh Việt Nam cảnh báo không được tiếp xúc với các giới chức ngoại giao nước ngoài hay đưa thông tin “bất lợi” cho chính quyền Việt Nam.
Bà Huỳnh Thục Vy, một blogger và là nhà hoạt động ở Việt Nam, vừa được trả tự do vào ngày 1/6 sau khi bị cầm tù 2 năm rưỡi tù cho tội danh “xúc phạm Quốc kỳ”. Ngay sau khi ra tù, bà Vy đã nộp giấy tờ để làm hộ chiếu và được phía chính quyền hẹn gặp vào ngày 9/7.
 
* Hôm thứ Tư 10/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với những sự hoài nghi mới nhất của bà Nancy Pelosi và ông George Clooney về cơ hội ông tái đắc cử. Đây là hai nhân vật rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến các nhà lập pháp và nhà tài trợ tài chính khác của đảng Dân chủ.

Ông Biden phải sớm quyết định xem có nên tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 hay không, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, một đồng minh lâu năm của ông Biden, nói trên MSNBC, đồng thời, bà từ chối nói dứt khoát rằng bà muốn ông tranh cử.<br><br>
 
* Nga tuyên bố việc Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và đe dọa sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự.
Mỹ dự kiến triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, SM-6 và tên lửa siêu vượt âm theo từng đợt tới Đức từ năm 2026, Washington và Berlin cho biết trong tuyên bố chung ngày 10/7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Động thái ban đầu mang tính tạm thời, nhưng hướng đến bố trí các vũ khí này lâu dài, nằm trong cam kết của Mỹ với an ninh của NATO và châu Âu.
 
* Hội nghị thượng đỉnh NATO được coi là dịp để khối tìm biện pháp thực hiện hóa mục tiêu bắt kịp và vượt Nga trong cuộc đua vũ khí để hỗ trợ Ukraine tốt hơn.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Washington, Mỹ, lãnh đạo và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên sẽ thảo luận hai vấn đề quan trọng, gồm xung đột Ukraine và cách quản lý chuỗi cung ứng – mua sắm quốc phòng của NATO. Đây là hai chủ đề có liên quan mật thiết với nhau, thể hiện tham vọng của NATO trong đánh bại Nga về cuộc đua vũ khí, theo giới quan sát.
Người Việt ở Nhật
Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay. Hình minh họa.
 
Trong chuyến đi du lịch Nhật Bản vừa qua, tôi đã gặp rất nhiều người Việt đang làm việc ở các khách sạn, tiệm ăn.
Theo thống kê của chính phủ Nhật, tháng Ba năm thứ 6 niên hiệu Lệnh Hòa tức là năm 2024, có 565.026 người Việt Nam sống tại nước Nhật, ít hơn 821.838 người Trung Quốc, và cao hơn con số 410.156 người Hàn Quốc.

Nhưng trong số người cư ngụ bất hợp pháp thì năm 2023 người Việt đứng đầu sổ, 15.806 người, tăng thêm 2.098 người so với năm trước. Đứng hàng thứ nhì là Thái Lan, với con số 11.494, tăng 1.945 người; hạng ba là 10.869 người Hàn Quốc và 6.881 người Trung Quốc đứng hạng tư.

Hãng thông tấn Nikkei cho con số tương tự: Trong số hơn 2 triệu công nhân ngoại quốc đang làm việc ở Nhật, người Việt Nam đông nhất với 518.364 người, chiếm hơn một phần tư; sau đó tới 397.918 người lao động Trung Quốc và 226.846 người Philippines.

Một lý do khiến người Việt qua Nhật tìm việc là lương bổng cao hơn. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), dân các nước nghèo sẽ ngưng không đi tìm việc ở nước ngoài nếu lợi tức bình quân lên tới $7.000 đô la một năm. Lợi tức theo đầu người ở Việt Nam chính thức là $4.163 đô la một năm, so với $33.823 ở Nhật. Nhưng theo Nikkei, lương trung bình ở Việt Nam năm 2022 là $320 đô la một tháng.

Người nước ngoài ở Nhật không chỉ làm những việc lao động. Nhiều người ngoại quốc được cấp chiếu khán vì “khả năng chuyên môn” (specified skilled workers). Năm ngoái, trong số người có “khả năng chuyên môn”, số dân Việt chiếm một nửa, 69.462 người; dân Indonesia đứng thứ nhì, 25.589 người. Lợi tức theo đầu người ở Indonesia là $4.788 một năm, so với Việt Nam, $4.163 đô la, vào năm 2022.

Những công nhân được xếp váo loại này phải vượt qua các trắc nghiệm về khả năng chuyên môn và nói tiếng Nhật; phần lớn làm trong cơ xưởng sản xuất và trông coi người già. Họ được ưu tiên cho quyền cư ngụ, tùy theo lương bổng và thời gian đã làm việc ở Nhật. Tháng 6 năm 2022, đã có 176.000 người Việt được qua làm việc theo quy chế “thực tập.” Những ngoại kiều được xếp loại “chuyên môn cao” (highly skilled professionals) làm công việc kỹ sư, quản trị hoặc nghiên cứu, được ưu đãi hơn, có thể đưa vợ con qua Nhật. Tháng 6 năm 2023 có 245.000 ngoại kiều được xếp vào loại này.

Nói chung, người Việt ở Nhật được nhiều tiếng tốt hơn tiếng xấu. Nói về tiếng xấu, Sở Cảnh sát Quốc gia Nhật cho biết trong thời gian từ 2013 tới 2022, số người Việt bị truy tố tăng gấp ba, từ 1.118 người đã lên tới 3.432, cao hơn cả số 2.006 người Trung Quốc, theo báo Yomiuri Shimbun, ngày 25 tháng Ba, 2023. Trong cùng thời gian đó, số người ngoại quốc phạm pháp chỉ tăng gấp rưỡi, lên 14.662 người.

Một nguyên nhân khiến số người Việt phạm pháp tăng nhanh hơn các sắc dân ngoại quốc khác là vì tổng số dân Việt qua sống ở Nhật đã tăng từ 72.256 người vào năm 2013, lên tới 432.934 vào năm 2021. Số người tăng gấp sáu lần mà số bị bắt chỉ tăng gấp ba! Nhật Bản đã ngưng không nhận người Việt qua chơi, nếu không đi trong các tổ chức du lịch chính thức.

Phần lớn các vụ người Việt bị bắt vì tội “ăn cắp” trong các cửa hàng (shoplifting). Nhiều nhóm tổ chức ăn cắp một cách quy mô. Báo Japan Times ngày 7 tháng Hai, 2024 loan tin cảnh sát đã bắt 4 người Việt Nam vì ăn cắp hơn 5.237 món trong các cửa hàng quần áo, từ các áo len đến các áo ấm nhồi lông vịt rất đắt tiền, đặc biệt là các tiệm Uniqlo. Trị giá những món đồ lên tới ¥20 triệu Yen, tương đương với $135.000 mỹ kim. Những người này đã qua Nhật nhiều lần, từ năm 2018 đến 2023. Họ thường lấy cắp tại các cửa hàng không dùng nhân viên thâu tiền, cho khách tự trả lấy bằng máy. Cảnh sát cho biết một người đàn ông 38 tuổi và hai phụ nữ trong khoảng 30 đến 40, đã “hành động” 67 lần ở Tokyo và Osaka cùng các thành phố trong quận Fukuoka. Họ cũng bị truy tố tội vào nhà tư ăn trộm.

Cảnh sát Fukuoka đã bắt bốn người tình nghi trong vụ này và truy tố một phụ nữ ở Việt Nam, khoảng 40 tuổi, là người chỉ huy từ xa, ra lệnh cho các thủ phạm. Những món hàng ăn cắp sau đó được bán trên mạng, online, ở Việt Nam. Nhật báo Yomiuri cũng biết phần lớn người Việt phải hối lộ những món tiền lớn để được qua Nhật; đó là một lý do họ phải trộm cắp để có đủ tiền trả nợ cho các tay trung gian.

Nhật báo Asahi Shimbun thuật chuyện một công nhân Việt Nam 41 tuổi làm việc tại một công trường xây cất từ năm 2019 và bị các đồng nghiệp người Nhật gây sự, đe dọa và đánh đập. Năm 2021, anh đã nhờ công đoàn ở Fukuyama, quận Hiroshima, bảo vệ mặc dù công ty chủ nhân tìm cách che giấu. Trong một cuộc họp báo do công đoàn tổ chức, anh ta vừa khóc vừa nói mình chịu nhịn nhục vì nghĩ đến vợ con ở Việt Nam, và phải lo kiếm đủ món tiền anh ta chưa trả được các tay trung gian tổ chức cho anh qua Nhật làm, tổng cộng một triệu đồng Yen, bằng $8.710 đô la Mỹ.

Nhưng người Việt ở Nhật vẫn được nhiều tiếng tốt trong dư luận. Trên mạng r/Tokyo của Reddit, có người ký tên “urumesmellman” viết rằng người Việt làm việc rất siêng năng, chịu khó. Anh ta biết một người làm chủ tiệm ăn ở Namamugi, Yokohama; ngoài giờ mở tiệm còn đi làm thêm ở bến tàu. Không hiểu sao mà ông ta có thể làm việc nhiều như thế – chưa kể là ông tự chế lấy món tương ớt và món phở bò ông làm thì rất ngon!

Một người khác, ký tên Pristine-Space, kể anh ta làm việc chung với người Việt trong xưởng máy, thấy họ rất hòa hợp với các nhân viên người Nhật, chỉ có cái tật là ngoài giờ làm việc thì họ chỉ đàn đúm với nhau thôi. Một lý do là họ không thông hiểu tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Họ sang Nhật qua các hợp đồng, nếu bỏ việc sẽ thành cư ngụ bất hợp pháp; cho nên phải chấp nhận những việc cực nhọc người Nhật không muốn làm, lãnh đồng lương tối thiểu hay thấp hơn.

Pristine-Space nêu ra mấy ưu điểm của công nhân Việt: Họ không hay cãi lại cấp chỉ huy, như người gốc Trung Quốc; họ chấp nhận làm việc bất cứ giờ giấc nào, giống như người Nhật. Chỉ có một vấn đề là họ hay cãi cọ, gây gổ với các công nhân Trung Hoa; cho nên phải cho hai nhóm làm việc cách xa nhau!

Chính mắt tôi đã chứng kiến các thanh niên người Việt làm việc ở một khách sạn trong vùng núi Phú Sĩ, phụ trách hầu như tất cả mọi việc trong phòng ăn. Họ nấu bếp, dọn thức ăn ra bàn, phục vụ ba, bốn trăm du khách thay đổi mỗi ngày. Hàng chục các bạn trẻ, chỉ có vài ba cô gái, làm việc cật lực mà không than vãn, bày biện các thức ăn đúng cách, lau, quét sạch sẽ từ trên bàn đến mặt đất, theo đúng tiêu chuẩn của dân Nhật. Không thấy khách sạn tuyển một người nào khác ngoài người Việt, cũng không thấy các giám thị gốc Nhật, chứng tỏ các thanh niên Việt được tín nhiệm hoàn toàn.

Báo Asahi Shimbun ngày 30 tháng Tám, 2023 viết về ngôi chùa Đại Âm Tự (Daionji) do sư cô Thích Tâm Trí xây dựng, lễ khởi công vào tháng Bảy năm 2022, trong khu Higashi-Ayase ở Tokyo. Năm nay 45 tuổi, sư cô đã sống ở Nhật hơn 20 năm, bắt đầu với một học bổng nghiên cứu về đạo Phật Nhật Bản. Ngôi chùa Đại Âm ba tầng là nơi các sinh viên và công nhân Việt Nam không có việc làm đến trú ngụ thời nạn dịch Covid.

Có lúc ngôi chùa không đủ chỗ cho tất cả mọi người, một người Nhật hàng xóm tên là Michio Tomita, 72 tuổi, đã hiến tặng ngôi nhà của ông ở Nasushiobara phía Bắc Tokyo để thêm chỗ ở. Ông Tomita đã nhận xét, thấy các sinh viên Việt tập sự rất siêng năng, cần mẫn làm việc trong một xưởng chế đồ điện vẫn mua hàng của ông: “Tôi rất cảm động thấy các bạn trẻ đến làm việc cật lực ở một quốc gia xa lạ! Khi họ thiếu thốn, tôi nghĩ mình nên cho họ được sử dụng căn nhà của mình.” Quả thật, dân Việt đã chiếm được nhiều cảm tình của người Nhật Bản.
 
NGÔ NHÂN DỤNG

Virgin Atlantic có chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên dùng ‘nhiên liệu xanh’
Virgin Atlantic lần đầu tiên có chuyến bay xuyên Đại Tây Dương chỉ dùng nhiên liệu xanh.
Tuy là phi cơ dân dụng, chiếc máy bay của công ty Anh không chở hành khách, và cất cánh từ phi trường Heathrow, London để bay tới sân bay JKF của New York trong ngày 28/11.
Nhiên liệu hàng không bền vững (sustainable aviation fuels – SAF) là chất đốt pha trộn từ nhiều nguồn, gồm cả nguồn thực vật, chất thải, dầu ăn.
Trong chuyến bay hôm nay, chiếc Boeing 787 của công ty tư nhân Anh đã mang đầy 50 tấn SAF.
Đây là kết quả của một dự án với nhiều công ty cùng tham gia, gồm cả nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce và tập đoàn năng lượng BP.
Mục tiêu đặt ra là chứng minh khả năng bay xuyên Đại Tây Dương bằng phi cơ hành khách, sử dụng nguồn nhiên liệu không có gốc hóa thạch (dầu lửa).
Tuy vẫn thải ra CO2, động cơ máy bay dùng SAF mà có tên gọi khác là ‘nhiên liệu xanh’ (green fuel), số lượng khí thải có thể thấp hơn xăng máy bay tới 70%.
Ở châu Á, hồi tháng 6/2022 hãng hàng không Malaysia lần đầu tiên đã khai thác chuyến bay chở khách dùng nhiên liệu xanh và đến tháng 10/2023, Indonesia có chuyến bay tương tự.
Các chuyến bay này dùng phần nhiên liệu xanh pha trộn với phần trăm lớn dầu cọ, loại chất đốt có sẵn trong vùng. Tuy thế đây là các chuyến bay ngắn, trong vùng Đông Nam Á.
Còn tuần này, chuyến bay của Virgin Atlantic sẽ vượt qua trên 5.500 km, từ Anh sang Mỹ, dùng chất đốt trộn 88% chất mỡ phế thải và phần còn lại là thứ phẩm từ ngô của Mỹ.
Theo số liệu của IATA năm 2019, ngành hàng không tiêu thụ gần 8% sản phẩm xăng, dầu toàn cầu, trong đó phi cơ chở khách chiếm hơn 90%.
Các chuyến bay thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn CO2/ năm và việc tìm nguồn nhiên liệu xanh, sạch thay thế cho xăng dầu đã là một thách thức lớn để ngành hàng không đạt Net Zero.

Nguồn: The Economist 
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

_____________


Đỗ Hứng gởi