Thế giới hôm nay: 13/06/2025
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các quan chức Israel cho biết đã tiến hành một cuộc “tấn công phủ đầu” quy mô lớn vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhiều vụ nổ đã được ghi nhận tại Tehran, thủ đô Iran. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết vũ khí hạt nhân “trong tay Iran là mối đe dọa sống còn đối với Israel.” Mỹ vẫn đang cố gắng đàm phán nhằm hạn chế khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran. Israel đã đóng cửa không phận và ban bố tình trạng khẩn cấp vì lo ngại Iran đáp trả.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Israel đã tấn công vào cơ sở hạt nhân chính của Iran ở thành phố Natanz. Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ cho biết đang liên lạc với chính quyền Iran để theo dõi mức độ phóng xạ và sẽ giám sát chặt chẽ tình hình. Hôm thứ Năm, IAEA tuyên bố Iran không còn tuân thủ nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân — lần đầu tiên trong gần 20 năm.
Truyền thông nhà nước Iran đưa tin Hossein Salami, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel. Một quan chức cấp cao khác, cùng hai nhà khoa học hạt nhân và ít nhất 12 dân thường, cũng được cho là đã tử vong. IRGC, lực lượng dưới quyền lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, là thế lực đứng sau chương trình hạt nhân của Iran trong gần 40 năm qua.
Mỹ khẳng định không tham gia vào các cuộc không kích nhằm vào Iran. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Israel tin rằng cuộc tấn công là “cần thiết cho phòng vệ chính đáng.” Ông kêu gọi Iran “không nhắm vào” lợi ích hoặc nhân sự Mỹ, và nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Washington là bảo vệ binh lính của mình trong khu vực. Song Iran đã thề sẽ trả đũa mạnh mẽ cả Israel và Mỹ.
Giá dầu thô tăng vọt sau cuộc tấn công, đạt mức cao nhất trong nhiều tháng. Hợp đồng tương lai West Texas Intermediate (WTI), chuẩn giá dầu của Mỹ, tăng 10%. Vị trí của Iran ở phía bắc eo biển Hormuz có thể cho phép nước này phong tỏa phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ Iraq, Kuwait, và Ả Rập Saudi nếu muốn.
Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch đầu ngày khi nhà đầu tư cân nhắc các tác động kinh tế. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,4%; Kospi của Hàn Quốc giảm 1%. Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ cũng giảm hơn 1%. Ngược lại, một số tài sản trú ẩn an toàn lại tăng giá. Giá vàng tăng khoảng 1%; trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng.
Hãng hàng không Air India xác nhận 241 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Boeing 787-8 Dreamliner ở Ahmedabad, một thành phố phía tây bắc Ấn Độ. Một hành khách sống sót. Nhiều người dưới mặt đất cũng là nạn nhân. Chuyến bay đi sân bay London Gatwick đã rơi ngay sau khi cất cánh. Sự việc xảy ra đúng lúc tình hình của Boeing đang cải thiện sau nhiều vụ tai nạn và sự cố an toàn gần đây.
TIÊU ĐIỂM
Người tiêu dùng Mỹ tỏ ra bi quan
Chỉ số niềm tin tiêu dùng, được Đại học Michigan công bố vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy người dân Mỹ đang không lạc quan về nền kinh tế. Tâm lý lạc quan sụt giảm kể từ tháng 1, khi Donald Trump nhậm chức. Nhiều khả năng chỉ số này sẽ tiến gần đến mức thấp kỷ lục từng ghi nhận giữa năm 2022 — thời điểm lạm phát tăng vọt.
Một số nhà kinh tế lo ngại khảo sát của Michigan sẽ bị tác động bởi chia rẽ đảng phái, vì các cử tri Dân chủ không ưa ông Trump có thể trả lời theo hướng tiêu cực quá mức. Song nhìn chung thì tâm lý u ám dường như là thật. Người Mỹ đang lo lắng về việc giá cả sẽ tăng cao do cuộc chiến thuế quan mà ông Trump khởi xướng. Họ cũng sợ mất việc nếu chi phí của doanh nghiệp tăng.
May mắn thay, dữ liệu tiêu cực từ khảo sát này chưa lan sang nền kinh tế thực. Doanh số bán lẻ vẫn khá ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp, cho thấy các doanh nghiệp chưa sa thải nhiều lao động. Có lẽ nước Mỹ đang bước vào một “vibecession” — tình trạng suy thoái tồn tại trong tâm lý nhưng không có thật.
Kế hoạch của Pháp cho Gaza
Diễn đàn Hòa bình Paris, một sáng kiến do tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng từ năm 2018, sẽ họp vào thứ Sáu với mục tiêu cụ thể: kêu gọi “Giải pháp Hai Nhà nước” cho xung đột giữa Israel và Palestine. Đây không phải là hội nghị ngoại giao, dù ông Macron sẽ có bài phát biểu. Các đại biểu đến từ “xã hội dân sự,” bao gồm các tổ chức nhân đạo, luật sư, nhóm nữ quyền, và tổ chức phi chính phủ. Họ sẽ thảo luận cách xây dựng một nhà nước Palestine khả thi trong khi vẫn đảm bảo an ninh cho Israel.
Mục tiêu là tạo áp lực lên các lãnh đạo trong khu vực trước một sự kiện của Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 17 tháng 6, đồng tổ chức bởi Pháp và Ả Rập Saudi. Hội nghị đó sẽ tập trung vào cách triển khai giải pháp hai nhà nước. Tháng 5 vừa rồi, Pháp, Anh và Canada đã tuyên bố cam kết công nhận nhà nước Palestine. Song kể từ đó, dấu hiệu do dự — cùng với sự phản đối từ Mỹ — đã làm suy yếu khả năng đạt được tuyên bố chung.
Hỗn loạn quanh các cuộc truy quét nhập cư ở Mỹ
Chưa rõ các nỗ lực trục xuất của Donald Trump có đem lại nhiều kết quả hay không, nhưng chúng đã tạo ra hàng loạt vụ việc gây tranh cãi. Thứ Sáu sẽ là thời điểm quan trọng cho hai trường hợp nổi bật. Kilmar Abrego Garcia, người bị trục xuất nhầm về một nhà tù ở El Salvador trước khi Tòa án Tối cao ra lệnh đưa anh ta trở lại Mỹ, sẽ ra hầu tòa tại Tennessee vì cáo buộc buôn lậu người nhập cư trái phép. Trong một vụ khác, thẩm phán đã yêu cầu chính quyền trả tự do cho Mahmoud Khalil, người bị bắt giam chờ trục xuất vì tham gia biểu tình ủng hộ Palestine, nhưng hoãn lệnh cho đến thứ Sáu để chờ chính quyền kháng cáo.
Hiện nay một tranh cãi mới đang chiếm trọn sóng truyền hình. Các cuộc truy quét nhập cư tại Los Angeles vào tuần trước đã dẫn đến biểu tình, khiến ông Trump điều động vệ binh quốc gia và lính thủy đánh bộ. Các binh sĩ này được điều động không nhằm trấn áp biểu tình, mà để làm gương cho California. Thống đốc Gavin Newsom đã khởi kiện, và hôm nay thẩm phán đã quyết định lệnh điều quân của ông Trump là vi hiến.
Tranh luận về trợ tử trở lại Quốc hội Anh
Hôm nay các nghị sĩ Anh sẽ tiếp tục xem xét một dự luật quan trọng có thể hợp pháp hóa trợ tử cho một số người mắc bệnh nan y tại Anh và xứ Wales. Dự luật này được hậu thuẫn bởi một nhóm nghị sĩ đa đảng và chiến dịch vận động mạnh mẽ từ công chúng. Dù đã vượt qua giai đoạn xem xét tại ủy ban, dự luật vẫn đang gây chia rẽ. Người ủng hộ cho rằng đây là lựa chọn nhân đạo; trong khi người phản đối cảnh báo về nguy cơ làm suy yếu các biện pháp bảo vệ người dễ tổn thương.
Cuộc tranh luận tại Quốc hội diễn ra trong bối cảnh một số nghị sĩ thay đổi lập trường — khoảng một tá người đã chuyển từ ủng hộ hoặc trung lập sang phản đối. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để ngăn cản dự luật, vốn đã vượt qua lần đọc thứ hai vào tháng 11 với đa số ủng hộ là 55 phiếu. Cuộc bỏ phiếu quyết định nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 6. Nếu được thông qua, Anh và xứ Wales sẽ gia nhập hàng ngũ các nền dân chủ tự do đã hợp pháp hóa trợ tử. Pháp đang xem xét, và Scotland cũng đang cân nhắc. Nếu thất bại, cuộc cải cách xã hội gây tranh cãi nhất trong nửa thế kỷ qua sẽ quay lại vạch xuất phát.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang hình thành của chính quyền Trump 2.0
Tác giả: Ngô Di Lân & Hoàng Hiền Thương
Vào ngày 31/5/2025, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, đánh dấu tuyên bố chính sách đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Bài phát biểu của ông Hegseth dường như hé lộ một cách tiếp cận mạnh mẽ và quyết liệt hơn của Mỹ đối với khu vực, nhưng đồng thời đặt ra những lo ngại về tác động của cách tiếp cận này đối với cấu trúc an ninh khu vực.
“Hòa bình thông qua sức mạnh”
Được truyền cảm hứng bởi Ronald Reagan, chính quyền Trump 2.0 đang mô tả cách tiếp cận của họ đối với khu vực AĐD-TBD là “hòa bình thông qua sức mạnh”, trong đó nhấn mạnh vai trò của năng lực quân sự và khả năng phô diễn sức mạnh nhằm duy trì ổn định và ngăn ngừa xung đột. Trên cơ sở đó, cùng với việc xác định rõ “mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật và đang đến gần”, cũng như cảnh báo rằng “mọi nỗ lực thôn tính Đài Loan sẽ phải chịu hậu quả tàn khốc”, có thể thấy các động thái gần đây của Mỹ đang hương tới việc tăng cường răn đe nhằm ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng trong khu vực, đặc biệt thông qua sử dụng vũ lực. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc cải thiện khả năng hiện diện và can dự quân sự, đồng thời, củng cố một hệ thống đồng minh và đối tác dựa trên nhận thức chung về an ninh.
Không chỉ dừng lại ở lời lẽ cứng rắn, từ đầu năm đến nay, chính quyền Trump 2.0 đã có những chính sách cụ thể để tăng cường đầu tư vào năng lực quốc phòng của Mỹ tại khu vực. Nổi bật trong số đó là việc triển khai hệ thống tên lửa chống hạm di động NMESIS của Thủy quân Lục chiến tới quần đảo Batanes của Philippines trong khuôn khổ tập trận Balikatan 2025 – chỉ cách Đài Loan khoảng 200 km. Đồng thời, Mỹ cũng đã có các hoạt động nâng cao khả năng chiến đấu tại “tiền tuyến”, như tập trận chung, nâng cấp lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, thiết lập các cơ chế chia sẻ dữ liệu, và đặc biệt là cải thiện hệ thống hậu cần quân sự tại khu vực thông qua các dự án nằm trong khuôn khổ PIPIR – một cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác sâu sắc giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và 14 quốc gia đối tác.
Song song với đó, chính quyền Trump 2.0 vẫn thúc đẩy củng cố hệ thống đồng minh và đối tác dựa trên nhận thức chung về mối đe dọa an ninh là Trung Quốc. Mỹ khẳng định sẵn sàng hợp tác với các bên có chung tầm nhìn và lợi ích chung đối với hòa bình khu vực, bất chấp các khác biệt về hệ giá trị, nhưng cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh trong khu vực tự cải thiện năng lực quốc phòng của mình, đặc biệt là tăng ngân sách quốc quốc phòng. Đồng thời, Mỹ cho thấy sự ưu tiên đối với các cơ chế tiểu đa phương do chính mình thiết lập trong khu vực, bao gồm QUAD, liên minh bốn bên Mỹ – Australia – Nhật Bản – Philippines, và sáng kiến mới liên doanh sản xuất quốc phòng (PIPIR). Những cơ chế này đều phục vụ mục tiêu hình thành một mạng lưới quân sự linh hoạt, đồng nhất cả về mục tiêu và ý chí, sẵn sàng tác chiến phối hợp mà ít phụ thuộc vào các thể chế đa phương lớn hơn trong khu vực.
Những thay đổi đáng chú ý so với nhiệm kỳ đầu tiên
Chiến lược AĐD-TBD của chính quyền Trump 2.0 tiếp tục kế thừa những nền tảng chiến lược cốt lõi từ nhiệm kỳ đầu, bao gồm nhận thức về Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chính và đánh giá cao tầm quan trọng địa chiến lược của khu vực. Tuy nhiên, điểm khác biệt nổi bật nằm ở cách thức triển khai và tư duy vận hành với cách tiếp cận thực dụng và quyết đoán hơn.
Thứ nhất, thay vì kiềm chế Trung Quốc thông qua khuôn khổ luật pháp và chuẩn mực quốc tế, chính quyền Trump hiện nay ưu tiên các biện pháp răn đe quân sự nhằm thu hẹp không gian hành động của Bắc Kinh trong khu vực. Mục tiêu là “khiến cái giá của chiến tranh trở nên quá cao để hòa bình trở thành lựa chọn duy nhất”. Tư duy này phản ánh một bước chuyển từ răn đe mang tính biểu tượng sang răn đe thực chất, trong đó năng lực sẵn sàng tác chiến đóng vai trò trung tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một điều chỉnh then chốt là điều chỉnh cấu trúc hệ thống liên minh theo hướng tăng cường liên kết về công nghiệp quốc phòng nhằm đẩy mạnh hậu cần phục vụ năng lực chiến đấu và củng cố cam kết chiến lược với các đối tác chủ chốt.
Thứ hai, so với Chiến lược AĐD-TBD trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump – vốn có trụ cột “thịnh vượng” nhằm thúc đẩy đầu tư và kết nối kinh tế với khu vực – các nội dung về hợp tác kinh tế và phát triển hiện nay vẫn còn tương đối mờ nhạt. Thay vào đó, các biện pháp kinh tế như thuế quan và kiểm soát xuất khẩu công nghệ chủ yếu được sử dụng như công cụ gây sức ép nhằm buộc các quốc gia trong khu vực giảm phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, từ đó, tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho Mỹ, và gia tăng sức ép chọn phe. Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La của ông Pete Hegseth, Mỹ lần đầu tiên cảnh báo công khai về những rủi ro mà các quốc gia có thể đối mặt nếu quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc
Cuối cùng, chiến lược AĐD-TBD đang hình thành có khuynh hướng giảm bớt vai trò của các thể chế đa phương truyền thống tại khu vực. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tuy chưa thực sự đầu tư nhiều song chính quyền của ông Trump vẫn khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và một số thể chế khu vực như ARF hay EAS trong định hình cấu trúc khu vực. Thế nhưng, đến nay, Mỹ cho thấy sự ưu tiên rõ ràng các liên minh hoặc cấu trúc mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo và có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Rủi ro cho “nền hòa bình biệt lệ” của khu vực?
Như vậy, có thể thấy Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương dưới thời Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng nhấn mạnh răn đe quân sự, cùng cố các cơ chế tiểu đa phương, trong khi đó, kiểm soát công nghệ chiến lược và điều chỉnh quan hệ kinh tế với các đối tác khác. Dù thông điệp chính thức vẫn khẳng định “không tìm kiếm đối đầu”, song cách tiếp cận mang tính ép buộc ngày càng trở nên rõ rệt. Trong khi đó, các công cụ kinh tế và công nghệ – tuy chưa được đề cập cụ thể tại Shangri-La – nhiều khả năng sẽ được tích hợp toàn diện vào Chiến lược AĐD-TBD đang hình thành để củng cố lợi thế vượt trội của Mỹ tại khu vực.
Với cách tiếp cận mới này, dù các đồng minh trong khu vực đã được trấn an về cam kết an ninh của Mỹ, nhưng những rủi ro tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định khu vực rất có thể sẽ trở nên rõ rệt hơn. Cần lưu ý rằng, một trong những nền tảng cốt lõi đảm bảo an ninh khu vực AĐD-TBD kể từ cuối Chiến tranh Lạnh cho đến nay là các thể chế đa với vai trò trung tâm của ASEAN.
Nếu Mỹ tiếp tục giảm mức độ can dự vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đẩy mạnh thiết lập các khuôn khổ an ninh tiểu đa phương riêng biệt, nền tảng đó có nguy cơ bị suy yếu, từ đó làm gia tăng tính phân mảnh trong cấu trúc an ninh khu vực.
Song song với đó, việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự và răn đe tuyến đầu rất có thể sẽ kéo theo phản ứng đối trọng từ Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược giữa hai bên vì thế sẽ có xu hướng tiếp tục leo thang, và không thể loại trừ khả năng dẫn đến viễn cảnh “răn đe quá mức”. Khi cả Mỹ và Trung Quốc đều không ngừng gia tăng hiện diện quân sự, năng lực tác chiến và thế phòng thủ ở các điểm nóng, nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn hoặc tính toán sai lầm cũng sẽ lớn dần — từ đó cản trở hợp tác an ninh khu vực và làm gia tăng nguy cơ xung đột.
Các tác giả Ngô Di Lân và Hoàng Hiền Thương hiện công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao – Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Cuộc tấn công bằng drone của Ukraine không quan trọng đến thế
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thật không may, chiến dịch ngoạn mục này không thay đổi được thực tế cơ bản.
Chiến dịch Spider’s Web (Mạng Nhện) – cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đầy kịch tính và gây sốc của Ukraine vào các căn cứ không quân nằm sâu bên trong nước Nga – đã minh họa một số chủ đề đặc trưng cho cuộc chiến kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược bất hợp pháp vào năm 2022. Đây là một ví dụ về sự bền bỉ, sáng tạo, và táo bạo của Ukraine, những phẩm chất đã khiến Moscow ngạc nhiên nhiều hơn một lần. Nó cho thấy sự bất tài và tự mãn của giới an ninh quốc gia và tình báo Nga, những cơ quan đã không thể lường trước hoặc phát hiện ra nỗ lực của Ukraine khi họ đưa hơn 100 máy bay không người lái gây chết người và các thiết bị điều khiển từ xa vào sâu trong lãnh thổ Nga, đến gần các căn cứ không quân nơi máy bay ném bom chiến lược được triển khai. Hiệu suất trên chiến trường của Nga đã được cải thiện so với những ngày đầu của cuộc chiến, nhưng bộ máy an ninh quốc gia của nước này vẫn dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, sự hài lòng dễ hiểu mà nhiều nhà quan sát cảm thấy khi hay tin về Spider’s Web cũng phản ánh một số sai lầm đã làm suy yếu những nỗ lực nhằm phát triển một phản ứng hiệu quả hơn đối với cuộc xâm lược của Nga. Những đổi mới chiến thuật tuyệt vời không thể bù đắp cho sự bất cân xứng về lực lượng hoặc quyết tâm, cũng như sự thiếu vắng một chiến lược tổng thể hiệu quả. Đã ba năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, nhưng Kyiv và những người ủng hộ họ vẫn thiếu một kế hoạch thuyết phục để ngăn chặn mục tiêu chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và thuyết phục ông chấm dứt giao tranh. Quyết tâm của Putin dường như không bị lay chuyển bởi sự cố mới nhất này, và ông đã giữ lời khi nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng đất nước của ông sẽ trả đũa.
Quan trọng hơn, sự sáng tạo về mặt chiến thuật của cuộc tấn công của Ukraine không nên làm chúng ta quên mất sự không liên quan về mặt chiến lược của nó. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tuy rất mới và đã thay đổi cách thức chiến tranh đang và sẽ diễn ra, nhưng suy cho cùng, chúng cũng chỉ là một hình thức khác của sức mạnh không quân. Ngay cả các cuộc không kích đạt hiệu quả cao cũng hiếm khi tự mình giành chiến thắng trong các cuộc chiến, dù sức mạnh không quân (bao gồm cả máy bay không người lái) có thể là một phần có giá trị trong các hoạt động của lực lượng mặt đất.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, nghiên cứu tốt nhất về những vấn đề này vẫn là cuốn Bombing to Win: Air Power and Coercion in War (tạm dịch: Ném bom để Giành Chiến thắng: Sức mạnh Không quân và Cưỡng ép trong Chiến tranh) xuất bản năm 1991 của Robert Pape. Tác giả lập luận rằng sức mạnh không quân có thể được sử dụng để trừng phạt dân thường, đặt tài sản chiến lược của kẻ thù vào tình thế nguy hiểm, thủ tiêu các lãnh đạo của kẻ thù, hoặc phủ nhận khả năng quân sự của kẻ thù nhằm đạt được mục tiêu chiến tranh của họ. Nghiên cứu của ông cho thấy ba chiến lược đầu tiên hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ, có thể thuyết phục được kẻ thù từ bỏ (chẳng hạn, ném bom dân thường có xu hướng khiến người dân ủng hộ nỗ lực chiến tranh mạnh mẽ hơn) và sức mạnh không quân đạt hiệu quả cao nhất khi được sử dụng kết hợp với các tài sản quân sự khác để đánh bại kẻ thù và chứng minh cho họ thấy rằng họ không thể đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Theo quan điểm này, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây của Ukraine về cơ bản chỉ là một thành tích nhỏ – dù vẫn rất ấn tượng nếu xét về mặt chiến thuật thuần túy. Nó không khác gì cuộc xâm nhập bất ngờ và thành công ban đầu của Ukraine gần Kursk, vốn cũng không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến và kể từ đó đã bị đảo ngược hoàn toàn. Việc phá hủy một tá máy bay ném bom chiến lược hoặc nhiều hơn không thực sự ảnh hưởng đến khả năng Nga tiếp tục tiến quân ở Ukraine, hoặc khả năng họ thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào các thành phố của Ukraine.
Chắc chắn, chiến dịch này là một sự động viên tích cực để củng cố tinh thần của người Ukraine, củng cố sự nổi tiếng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và có lẽ đang buộc Nga phải dành thêm nguồn lực để ngăn chặn các chiến dịch tương tự trong tương lai. Người ta thậm chí có thể hy vọng rằng nó đã làm gia tăng sự ngờ vực trong giới tinh hoa an ninh quốc gia Nga về sự khôn ngoan của cuộc chiến và cách Putin quản lý nó, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy quyền lực của Tổng thống Nga đang bị xói mòn, hoặc rằng giới tinh hoa hay sự phản đối của công chúng đối với cuộc chiến đang làm thay đổi suy nghĩ của ông. Sẽ thật tuyệt nếu điều này xảy ra, nhưng đó là một nền tảng quá mong manh để xây dựng kế hoạch.
Tình hình này buộc Ukraine và những người ủng hộ nước này phải đối mặt với cùng một câu hỏi mà họ đã phải đối mặt kể từ khi chiến tranh bắt đầu: làm thế nào để vượt qua một đối thủ có quân số áp đảo, kẻ xem sự liên kết địa chính trị của Ukraine là một vấn đề sống còn và đã đặt mục tiêu chiến tranh tối thiểu là đảm bảo rằng Ukraine không trở thành một thành trì của phương Tây. Dù người dân Ukraine đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ đất nước mình, nhưng không có đối tác chiến lược nào của họ – kể cả cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden – sẵn sàng đặt quân đội hoặc lãnh thổ của chính họ vào tình thế nguy hiểm. Xét đến sự bất cân xứng này, Kyiv và phương Tây đã hy vọng rằng sự kết hợp giữa lòng can đảm của Ukraine, viện trợ tài chính và vật chất của phương Tây, và các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga, cuối cùng sẽ thuyết phục được Moscow đảo ngược hướng đi.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Và đến thời điểm này, nó ngày càng không có khả năng xảy ra. Các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào mùa thu năm 2022 đã không đảo ngược được tình thế, và cuộc phản công tiếp theo vào mùa hè năm 2023 – với sự tham gia của các lữ đoàn mới được trang bị và huấn luyện bởi những người ủng hộ phương Tây của Ukraine – là một thảm họa tốn kém. Như đã nói trên đây, cuộc tấn công thành công ban đầu vào Kursk đã không làm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến hoặc mang về cho Kyiv những con bài mặc cả hữu ích, và quân đội Nga vẫn cứ chầm chậm tiến lên, dù phải trả giá rất đắt. Ngay cả Trump dường như cũng nhận ra rằng Putin hầu như không có động lực nào để chấm dứt chiến tranh bởi các sự kiện trên chiến trường chủ yếu diễn ra theo hướng có lợi cho ông.
Bất kỳ hy vọng nào về việc chấm dứt chiến tranh cũng phải đương đầu với các thế lực chính trị khiến việc tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên trở nên đặc biệt khó khăn. Kyiv và Moscow đã không tin tưởng nhau trước cuộc chiến, và giờ họ lại càng không tin tưởng nhau. Putin xem sự hiện diện của NATO gần biên giới Nga là một mối nguy chết người từ trước khi chiến tranh bắt đầu, và việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, cũng như sự hỗ trợ mà NATO dành cho Ukraine, chắc chắn đã làm tăng thêm nỗi sợ của ông. Đồng thời, các hành động của Nga đã khiến các nước láng giềng quan ngại hơn nhiều về ý định của nước này trong tương lai và khó lòng chấp nhận chiều theo nước này. Thế lưỡng nan về an ninh giữa Nga và phương Tây hiện nay còn căng thẳng hơn trước khi cuộc chiến bắt đầu, và điều đó sẽ khiến việc xây dựng một giải pháp ổn định và có thể chấp nhận được cho cả hai bên trở nên khó hơn nhiều. Và cũng đừng quên ngụy biện về chi phí chìm quen thuộc: Như một người lính Nga gần đây đã nói với tờ New York Times, “Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi, chúng tôi muốn về nhà. Nhưng chúng tôi cũng muốn chiếm hết mọi khu vực, để chúng tôi không phải đấu tranh vì chúng trong tương lai nữa. Nếu không thì chẳng phải mọi người đã chết vô ích hay sao?” Những tình cảm như vậy chắc chắn cũng đang hiện diện ở Ukraine.
Vào thời điểm này của cuộc chiến, không ai nên quá tự tin rằng mình có câu trả lời đúng, bởi việc đạt được một kết quả hoàn hảo là quá xa vời. Nhưng việc đặt hy vọng vào các vũ khí hoặc chiến thuật mới, hoặc vào các chiến dịch táo bạo nhưng có giới hạn như Spider’s Web, cũng là suy nghĩ viển vông. Thay vào đó, cần tiếp tục cung cấp cho Ukraine khả năng gây ra tổn thất lớn cho Nga, kết hợp với nỗ lực nghiêm túc để định hình và đàm phán các thỏa thuận an ninh trong tương lai cho Trung Âu, các thỏa thuận vừa có thể ngăn chặn vừa trấn an Moscow. Đây là cách tiếp cận duy nhất có thể chấm dứt chiến tranh và bảo vệ những gì còn lại của Ukraine. Đây không phải là xoa dịu, nhưng là sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận an ninh vừa làm giảm sự quan tâm của Nga đối với phá hoại nguyên trạng, vừa thuyết phục nước này rằng cố gắng làm như vậy sẽ thất bại.
Thật không may, không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo phương Tây đủ đoàn kết, đủ quyết tâm, và đủ sáng tạo để theo đuổi con đường này, đặc biệt là khi xét đến cách xử lý thất thường của chính quyền Trump đối với cuộc chiến và thái độ thù địch tiềm ẩn của họ đối với nhiều chính phủ châu Âu. Cuối cùng, chính những yếu tố chính trị này mới là thứ quyết định số phận của Ukraine, chứ không phải những nỗ lực ấn tượng về mặt chiến thuật nhưng không liên quan về mặt chiến lược của những người lính anh hùng của nước này.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
____________________
Đỗ Hứng gởi
|
|