Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Thế giới hôm nay: 19/08/2022




 


Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Allen Weisselberg, giám đốc tài chính lâu năm của tập đoàn bất động sản của Donald Trump, đã nhận 15 tội danh trốn thuế do tổng chưởng lý New York đệ trình. Ông đồng ý làm chứng nếu được yêu cầu tại một phiên tòa khác kiện Tập đoàn Trump. Để đổi lấy lời nhận tội, ông được giảm án xuống còn 5 tháng tù thay vì 15 năm. Các công tố viên cáo buộc ông Weisselberg trốn đóng thuế đối với các đặc quyền, chẳng hạn như một căn hộ thuê miễn phí và học phí cho các cháu của mình.

Nga cảnh báo thảm họa tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, mà nước này chiếm được hồi tháng 3, và đe dọa đóng cửa nếu pháo kích tiếp diễn. Công ty hạt nhân Energoatom của Ukraine nói điều này có nguy cơ gây ra “thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.” Hôm thứ Năm, bộ ngoại giao Nga đã từ chối phi quân sự hóa khu vực xung quanh nhà máy, mặc cho đích thân tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi.

Một thẩm phán liên bang ở Florida cho biết ông sẽ công bố một phần của biên bản nêu chi tiết các lý do mà FBI dùng để biện minh cho việc lục soát nhà riêng của ông Trump. Ông cho FBI một tuần để quyết định giữ lại phần nào. FBI nói việc công bố biên bản sẽ làm suy yếu cuộc điều tra vì làm lộ thông tin nhân chứng.

Mỹ và Đài Loan tuyên bố sẽ khởi động đàm phán thương mại, theo một sáng kiến chung được đưa ra hồi tháng Sáu. Phó đại diện thương mại Mỹ Sarah Bianchi cho biết vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu mùa thu. Trung Quốc phản đối đàm phán và cảnh báo Mỹ “ngừng phạm sai lầm.” Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang về vấn đề Đài Loan – mà Trung Quốc coi là lãnh thổ ly khai.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất một điểm phần trăm dù lạm phát đang ở mức cao 80%. Động thái này gây bất ngờ cho giới đầu tư, những người đã đặt cược lãi suất sẽ duy trì ở mức 14%. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng lãi suất cao gây ra lạm phát và đã sa thải bất kỳ giám đốc ngân hàng trung ương nào bất đồng với ông.

Đức tuyên bố tạm thời giảm thuế bán khí đốt nhằm chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt trong mùa đông năm nay. Cụ thể, thuế này sẽ giảm từ 19% xuống còn 7%, chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 và hết hạn vào tháng 3 năm 2024. Thủ tướng Olaf Scholz nói lợi ích của việc giảm thuế lớn hơn gánh nặng mà người tiêu dùng phải chịu.

21 người thiệt mạng sau vụ nổ lớn bên trong nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, thủ đô Afghanistan, ngay giữa các buổi cầu nguyện tối hôm thứ Tư. Cảnh sát cho biết còn có 33 nạn nhân khác bị thương. Chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm. Tuần trước, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố họ đã thực hiện một vụ đánh bom ở Kabul, giết chết một giáo sĩ thân Taliban nổi tiếng.

Con số trong ngày: 51%, là biên lợi nhuận ròng năm 2021 của Visa, đưa công ty gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận cao nhất trên thế giới.

TIÊU ĐIỂM

Tân tổng thống Hàn Quốc muốn hòa giải với Nhật Bản

Yoon Suk-yeol có tham vọng đổi mới quan hệ giữa nước ông với Nhật Bản. Hôm 17 tháng 8, tổng thống Hàn Quốc đã nói sự thù địch giữa hai nước, vốn xuất phát từ thời kỳ cai trị của thực dân Nhật ở Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945, có thể bị bỏ lại phía sau “một cách thiện chí và phù hợp.” Sự nhiệt tình của ông là điều dễ hiểu – quan hệ nồng ấm có lợi cho kinh tế và an ninh của hai nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

Nhưng người ta không rõ vì sao ông lại lạc quan như vậy. Con đường đưa đến hòa giải là rất dài và gian nan, thậm chí có thể kết thúc từ trước khi nó bắt đầu. Hồi năm 2018, các tòa án Hàn Quốc đã cho phép tịch thu tài sản của một số công ty Nhật Bản, trên cơ sở người Hàn Quốc bị buộc nô dịch cho các công ty này trong Thế chiến II. Số tài sản tịch thu sẽ được trao lại cho các nạn nhân. Nhưng các công ty từ chối thanh toán, với quyết định cuối cùng của tòa án sẽ được công bố sớm nhất vào thứ Sáu tuần này. Buộc họ bồi thường sẽ khiến Nhật Bản phẫn nộ, và qua đó dập tắt luôn hy vọng hòa giải của ông Yoon.

Nga muốn đóng cửa tổ chức đại diện của người Do Thái

Thứ Sáu này, các luật sư của Cơ quan Do Thái vì Israel (JA), một tổ chức quốc tế thay mặt cho chính phủ Israel, sẽ ra hầu tòa ở Nga. Điện Kremlin muốn giải tán sự hiện diện của họ ở nước này. Nga cáo buộc JA, vốn có nhiệm vụ giúp người Do Thái chuyển đến sống ở Israel, thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của công dân Nga.

Lời đe dọa dường như là lời cảnh báo Israel không nên thay đổi lập trường về cuộc chiến ở Ukraine. Israel cho đến nay vẫn giữ thái độ trung lập, một phần vì có dân số nói tiếng Nga lớn. Nhưng thủ tướng Yair Lapid đã lên án cuộc xâm lược của Nga từ trước khi ông nhậm chức. Quy mô di cư kể từ đầu chiến tranh cho thấy nhiều người Do Thái có vẻ đồng ý với ông Lapid. JA ước tính khoảng 20.500 người Do Thái tại Nga đã chuyển đến Israel kể từ tháng 3, chiếm hơn 12% dân số Do Thái ở Nga. Điện Kremlin có thể sẽ buộc được JA đóng cửa. Nhưng điều đó không thuyết phục được người Do Thái ở lại Nga.

Mike Pence dường như sẽ tranh cử tổng thống Mỹ

Hội chợ bang Iowa là một nghi thức phải làm cho bất kỳ ai muốn trở thành tổng thống Mỹ tương lai. Trong những năm vận động, các ứng viên thường đổ xô đến đây để mua hàng và tạo ấn tượng với các cử tri trước vòng sơ bộ ở Iowa, vốn luôn là phát súng mở màn năm bầu cử tổng thống. Dù cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo phải đến năm 2024, nhưng vào thứ Sáu này cựu phó tổng thống Mike Pence sẽ đến tham dự hội chợ ở Des Moines. Ông đến thủ phủ của Iowa thẳng từ New Hampshire, một tiểu bang khác cũng bỏ phiếu sơ bộ sớm.

Tại đây, ông đã tuyên bố đảng Cộng hòa nên ngừng chỉ trích FBI xoay quanh cuộc đột kích vào nhà riêng của Donald Trump, và rằng ông sẽ cân nhắc hợp tác với ủy ban Hạ viện đang điều tra vai trò của ông Trump trong vụ bạo động 6 tháng 1. Ông Pence dường như đã hoàn toàn bất đồng với ông Trump; như các chuyến đi của ông cho thấy, ông cũng muốn tranh cử tổng thống. Lẽ nào mùa tranh cử tổng thống đã bắt đầu từ trước cả khi bầu cử giữa kỳ khép lại?

Một năm mất mát của các hoạt động cứu trợ nhân đạo

Các nhân viên cứu trợ ở những vùng bất ổn hoặc bạo lực luôn sống trong hiểm nguy, nhưng năm 2021 vừa qua đã trở thành năm mất mát nhất trong gần mười năm qua đối với họ. Theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn Humanitarian Outcomes ở London, có tới 141 nhân viên cứu trợ thiệt mạng trong năm 2021.

Vào thứ Sáu, Liên Hợp Quốc sẽ kỷ niệm Ngày Nhân đạo Thế giới bằng một chiến dịch nâng cao nhận thức về tình trạng nguy hiểm của các nhân viên cứu trợ. Mặc dù 2021 có ít vụ bạo lực hơn so với hai năm trước đó, 268 vụ tấn công vẫn được ghi nhận, chủ yếu là xả súng và không kích, do đó gây thiệt hại nhân mạng nặng nề hơn, chưa kể 117 người khác bị bắt cóc.

Nam Sudan vẫn là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhân viên cứu trợ. Afghanistan đứng thứ hai, mặc dù bạo lực tại đây đã giảm xuống kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền. Với cuộc chiến Ukraine, năm nay có thể sẽ còn tồi tệ hơn đối với những người đang làm việc vì các nỗ lực nhân đạo.
________________________________

 
Điều bí ẩn phía sau chuyến đi đến Ukraine của ông Erdogan

 
attachment
 
Chuyên gia giải mã điều ẩn chứa phía sau chuyến đi đến Ukraine của ông Erdogan. Báo The Independent đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan qua chuyến thăm Ukraine muốn củng cố vị thế của Ankara tại quốc gia này.
 
Như bài báo lưu ý, phương Tây lo ngại về những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cải thiện quan hệ với Nga, nhưng Ukraine có thể đánh giá cao vai trò của Erdogan như một nhà đàm phán.
 
"Ông ấy tự coi mình là một chính khách trong khu vực có thể nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông ấy ở một vị trí độc đáo - cả về mặt địa lý, ngoại giao và chiến lược. Ông Erdogan đóng một vai trò mà tôi nghĩ ngay cả Tổng thư ký LHQ cũng không thể có được", chuyên gia Mikhail Botsyurkiv nhận xét.
 
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp Tổng thống Vladimir Zelensky và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Năm tại Lvov. Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine đưa tin lãnh đạo hai nước đã ký một bản ghi nhớ về sự hỗ trợ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong việc khôi phục cơ sở hạ tầng ở Ukraine.
 
Hai ông Erdogan và Zelensky cũng sẽ thảo luận về "hành lang ngũ cốc" và các vấn đề liên quan đến "kết thúc chiến tranh thông qua ngoại giao".
 
Theo ông Vladimir Dzhabarov, Phó Ban quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Ankara hơi vội vàng khi ký kết thỏa thuận tái thiết Ukraine, vì "chiến dịch đặc biệt của Nga vẫn tiếp tục và không rõ Thổ Nhĩ Kỳ định thực hiện thỏa thuận với ban lãnh đạo nào của Ukraine".
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong chuyến thăm này, ông Erdogan sẽ đề nghị ông Zelensky tổ chức cuộc gặp với ông Putin.
 
Ngoài ra, nhà khoa học chính trị Karine Gevorgyan tin rằng, ông Recep Tayyip Erdogan lo ngại rằng Ukraine sẽ không giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc hạt nhân và ông sẽ nói về điều này với ông Volodymyr Zelensky ở Lvov.
 
Trong khi đó, CNN Turk dẫn các nguồn tin cho biết, hai ông Putin và Zelensky có thể gặp nhau để xác định "lộ trình" cho Ukraine.
 
Ông Erdogan đến Ukraine cùng với một phái đoàn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Fatih Donmez, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hulusi Akar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Vahit Kirishchi, Bộ trưởng Thương mại Mehmet Mus, người đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia Hakan Fidan, Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của nhà máy sản xuất máy bay không người lái Baykar.
 
Theo dịch vụ báo chí của ông Erdogan, tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine sẽ được thảo luận ở cấp độ đối tác chiến lược.
 
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên trong tuần này rằng ngoài chương trình nghị sự do phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố, ba nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về tình hình với cuộc pháo kích vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát (ZNPP), nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu.
 
Nhà Đông phương học Karine Gevorgyan nói với hãng tin Pravda của Nga rằng, NPP Zaporizhzhia sẽ là chủ đề chính trong chuyến thăm Ukraine của ông Erdogan. Điều này là do mối quan hệ chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu một số tài liệu (công nghệ hạt nhân) được lưu trữ tại nhà ga.
 
"Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành cường quốc hạt nhân vào năm 2023. Chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ không có kho chứa các thành phần bom hạt nhân, ông ấy đã giữ chúng ở Ukraine", chuyên gia này nói.
 
"Do đó, chủ đề chính là giải quyết vấn đề của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia", nhà khoa học chính trị nói.


_____________


Đỗ Hứng gởi