Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã được cho phép tại ngoại nhờ nộp 250 triệu đô la bảo lãnh sau phiên điều trần ở New York. Điều kiện tại ngoại quy định ông phải nộp hộ chiếu và bị giữ tại nhà cha mẹ ở California. Trước đó, vào thứ Tư, Bankman-Fried đã bị dẫn độ từ Bahamas về Mỹ. Ông sẽ ra hầu tòa về tám cáo buộc liên bang, bao gồm gian lận thanh toán, âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền, và gian lận giao dịch hàng hóa và chứng khoán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda để thảo luận về “các kế hoạch chiến lược cho tương lai.” Cuộc gặp diễn ra trên đường ông Zelensky trở về từ Mỹ, vốn là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine rời khỏi đất nước kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2. Khi ở Washington, DC, ông Zelensky đã gặp tổng thống Joe Biden, người vừa tuyên bố viện trợ thêm 1,85 tỷ đô la cho Ukraine.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý ba, theo dữ liệu do Bộ Thương mại công bố hôm thứ Năm. GDP sau điều chỉnh theo lạm phát tăng với tốc độ hàng năm là 3,2% so với 2,9% như dự đoán, chủ yếu vì chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng — nhờ thị trường lao động mạnh mẽ—bất chấp lãi suất và lạm phát cao.
Trong khi đó, quý ba của kinh tế Anh đội sổ trong nhóm G7, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Cụ thể, kinh tế Anh suy thoái 0,3% trong quý này, thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch). Đầu tư kinh doanh cũng giảm 2,5%. Hầu hết các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đều cho rằng Anh sẽ tiếp tục suy thoái.
Các chính trị gia Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ các đề xuất đơn giản hóa quy trình cho phép thay đổi giới tính đăng ký trong giấy tờ pháp lý. Những cải cách này dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 và sẽ hạ độ tuổi tối thiểu để đăng ký Chứng nhận Công nhận Giới tính từ 18 xuống 16, đồng thời loại bỏ yêu cầu chẩn đoán y tế về chứng trầm cảm do xác định lệch giới tính.
Một bệnh viện ở Thượng Hải nói với nhân viên rằng họ dự kiến một nửa trong số 25 triệu dân của thành phố sẽ bị nhiễm covid-19 vào cuối tháng 12. Hiện đại dịch đang càn quét khắp Trung Quốc sau khi chính phủ từ bỏ chính sách “zero covid” vì biểu tình lan rộng. Cho tới nay chính quyền địa phương chỉ ghi nhận khoảng 390.000 ca nhiễm, một con số bị nhiều người cho là quá thấp.
Hãng sản xuất chip nhớ Micron Technology của Mỹ thông báo cắt giảm 10% nhân viên trong năm mới, sau khi báo cáo thu nhập mới khiến giới phân tích thất vọng. Ngành kinh doanh vi mạch đang như ngọn tre trước gió. Đầu tư tăng mạnh trong năm 2020 khi cầu tăng trong đại dịch, nhưng rồi sụp đổ vào năm 2022 dưới áp lực lạm phát, lãi suất, và phong tỏa ở Trung Quốc.
Con số trong ngày: 6 triệu, là mục tiêu do chính phủ Ả Rập Saudi đặt ra đối với số lượt người hành hương haj mỗi năm tính đến 2030.
TIÊU ĐIỂM
Nhìn lại 2022: Tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
2022 không phải là năm có nhiều tiến bộ về chống biến đổi khí hậu. Liên Hợp Quốc cho biết chỉ mới có 0,5 tỷ tấn khí thải carbon dioxide được loại bỏ trong số 17-20 tỷ tấn chênh lệch phát thải carbon dioxide vào năm ngoái giữa các hứa hẹn chính trị và tỉ lệ cần mỗi năm cho tới 2030 để giữ tình trạng nóng lên ở mức 1,5°C so với mức nhiệt độ tiền công nghiệp. Các cam kết về nhiên liệu hóa thạch tại COP27 năm nay ở Ai Cập cũng không hề quyết liệt hơn lần trước, tại Glasgow năm 2021.
Nhưng hội nghị thượng đỉnh có thể đã làm nghiêng cán cân tranh luận về “tổn thất và thiệt hại” – rằng các nước giàu nên trả tiền cho các nước nghèo để giúp họ giải quyết thiệt hại trước mắt của biến đổi khí hậu. Hồi tháng 12, một thỏa thuận đã được ký kết tại COP15, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, nhằm bảo tồn 30% diện tích đất và biển cho động vật hoang dã vào năm 2030. Giờ đây đến lượt các nước thực thi lời hứa của mình.
Nhìn lại 2022: Bóng ma đại dịch Covid-19
Đối với nhiều người phương Tây, 2022 là năm đánh dấu covid-19 bắt đầu biến mất — và chúng ta ngày càng rõ tác động của nó lên sức khỏe cộng đồng. Những nỗ lực sản xuất vắc-xin và xét nghiệm hiệu quả có thể được áp dụng để điều trị các bệnh khác, chẳng hạn như lao. Ngoài ra, thành công của các nhà khoa học trong việc truy dấu covid-19 qua hệ thống cống rãnh của các thành phố đã khơi dậy quan tâm về cách nước thải có thể giúp theo dõi các bệnh khác.
Thiệt hại về người của đại dịch cũng đang trở nên rõ ràng hơn. Dù số người chết chính thức trên toàn cầu là khoảng 6,6 triệu, mô hình của The Economist đưa ra con số thực về số người chết cao hơn tới ba lần, 20,6 triệu cho tới đầu tháng 12. Và chi phí kinh tế và chính trị của virus tiếp tục kéo dài, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi gần đây đã xảy ra biểu tình chống chính sách zero covid. Giới chức hầu như đã từ bỏ chính sách này, từ đó tạo ra một làn sóng lây nhiễm lên dân số vốn vẫn chưa được miễn dịch với virus. Bóng tối đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Nhìn lại 2022: Nền kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ các nhà máy pin
Các nhà máy “gigafactories” sản xuất pin xe điện đang dẫn đầu một cuộc cách mạng kinh tế mới. Các hãng pin đang đẩy mạnh theo đuổi “sản xuất tuần hoàn,” tức tái chế sản phẩm cũ, qua đó giảm bớt tác động đến môi trường. Chẳng hạn, Northvolt của Thụy Điển đặt mục tiêu thu một nửa nguyên liệu thô, bao gồm lithium và coban, từ pin tái chế cho tới 2030.
Nhưng thách thức cũng rất phức tạp. Rất nhiều coban đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các công ty khai thác mỏ đang lợi dụng lao động trẻ em. Northvolt và các nhà sản xuất pin khác có nỗ lực truy dấu nguồn gốc vật liệu và kiểm tra các tiêu chuẩn sản xuất để đảm bảo không mua từ các công ty bất chính. Và họ cũng kỳ vọng tìm được nguồn lithium ở gần hơn thay vì Úc hay Chile, qua đó giúp giảm khoảng cách vận chuyển vật liệu. Các nhà máy gigafactories vẫn chưa phải là ví dụ điển hình của nền kinh tế tuần hoàn, nhưng chúng đang đặt ra lộ trình cho các ngành công nghiệp khác đi theo.
Nhìn lại 2022: Kính Viễn vọng James Webb trình làng
Tháng 7 vừa qua nhân loại được chứng kiến những hình ảnh đầu tiên từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), kính viễn vọng không gian lớn nhất trong lịch sử. Một trong những chủ đề khi ấy là “Vách đá Vũ trụ”— tức những kết cấu đỉnh bụi và khí thuộc tinh vân Carina. Tiền thân của JWST, Kính viễn vọng Không gian Hubble, từng chụp khu vực tương tự vào năm 2005. Nhưng phiên bản mới có rất nhiều khác biệt. JWST đã phát hiện ra những ngôi sao bé, lần đầu tiên trong lịch sử thiên văn.
JWST được ra mắt vào dịp Giáng sinh 2021, sau 11 năm trì hoãn và tiêu tốn 9,7 tỷ USD. Nó mang lại cho các nhà thiên văn công cụ tốt nhất để xem xét vũ trụ ở tần số hồng ngoại của ánh sáng. Từ đó họ sẽ mở ra những nghiên cứu mới — đặc biệt là quá trình hình thành các vì sao và hành tinh, từ thuở sơ khai của vũ trụ cho đến ngày nay. Sẽ có một hàng dài các nhà thiên văn háo hức khám phá tiềm năng đáng kinh ngạc của nó.
Chiến tranh Nga – Ukraine
TT Ukraine Zelenskyy nói sẽ ‘không thỏa hiệp’ với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đưa ra một thông điệp thời chiến đầy thách thức ở Washington DC, trong đó ông cảm ơn các nhà lãnh đạo Mỹ và những người Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của Ukraine và nhắc nhở họ rằng hỗ trợ quân sự cho Ukraine không phải là “từ thiện” mà là một “sự đầu tư”. Nhắc lại những ký ức về chiến thắng của Mỹ trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II, Zelenskyy nói rằng có thể “không có sự thỏa hiệp” trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giữa Nga với Ukraine. Mỹ cho đến nay đã gửi khoảng 50 tỷ đô la viện trợ cho Kiev, với việc Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo thêm 1,85 tỷ đô la viện trợ quân sự vào thứ Tư bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot. Hệ thống tên lửa Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, cung cấp khả năng bảo vệ chống lại máy bay tấn công cũng như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã từ chối lời kêu gọi từ Zelenskyy và một số nhà lập pháp về việc cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa và máy bay không người lái tiên tiến Grey Eagle trong bối cảnh lo sợ căng thẳng Nga-NATO leo thang và lo ngại công nghệ nhạy cảm của Mỹ có thể lọt vào tay Moscow. Hỗ trợ trong tương lai trong gói Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine sẽ bao gồm đạn dược bổ sung cũng như các thiết bị đầu cuối và dịch vụ SATCOM, cho phép máy bay liên lạc với kiểm soát không lưu.
Ukraine gồng mình khôi phục điện, nước sau cuộc tấn công của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine đã khôi phục điện cho gần 6 triệu người trong 24 giờ qua sau khi một loạt tên lửa của Nga hôm thứ Sáu làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trên cả nước. Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã bắn hơn 70 tên lửa vào thứ Sáu tuần trước trong một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất kể từ cuộc xâm lược hồi 24 tháng 2, khiến mất điện khẩn cấp trên toàn quốc. Nga đã dội mưa tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước gần như hàng tuần kể từ đầu tháng 10, nhưng cuộc tấn công hôm thứ Sáu dường như gây ra nhiều thiệt hại hơn nhiều cuộc tấn công khác.
TT Nga Putin chỉ thị lực lượng an ninh truy tìm “nội gián và gián điệp”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đã chỉ thị cho các quan chức an ninh của mình bảo vệ biên giới, tăng cường kiểm soát xã hội và tối đa hóa việc sử dụng tiềm năng hoạt động, kỹ thuật và nhân sự để ngăn chặn rủi ro đến từ nội gián trong nước và nước ngoài. Ông Putin cũng nói rằng nhiệm vụ của các cơ quan an ninh đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân sống ở các khu vực ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 9. Chỉ thị của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Ukraine ngày càng gia tăng và cuộc chiến của Nga với Ukraine và vẫn chưa có hồi kết.
Putin nói chính phủ sẽ cung cấp cho quân đội Nga ‘mọi thứ họ yêu cầu’
Tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga phải rút kinh nghiệm và khắc phục những vấn đề mà mình mắc phải ở Ukraine, đồng thời hứa sẽ cung cấp cho quân đội bất cứ điều gì họ cần để tiếp tục cuộc chiến kéo dài 10 tháng. Đây không phải lần đầu tiên ông Putin thừa nhận rằng việc triệu tập 300.000 quân nhân dự bị mà ông ra lệnh hồi tháng 9 đã không diễn ra suôn sẻ, đồng thời ông cũng đề cập đến những vấn đề chưa xác định khác trong quân đội và nói rằng những lời chỉ trích mang tính xây dựng nên được chú ý. Lệnh động viên một phần đã bị chỉ trích mạnh mẽ ngay cả từ các đồng minh của Điện Kremlin, vì có thông tin cho rằng quân đội đang tuyển mộ những cá nhân không đủ sức khỏe hoặc quá già. Những tân binh cũng được cho là thiếu thiết bị cơ bản, chẳng hạn như túi ngủ và quần áo mùa đông. Cùng ngày, Moscow đưa ra kế hoạch tăng quy mô của các lực lượng vũ trang lên hơn 30% để khắc phục những vấn đề mà mình đang mắc phải ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đề xuất tăng cường các lực lượng vũ trang từ 1,15 triệu binh sĩ lên đến 1,5 triệu binh sĩ.
Máy bay không người lái tấn công thủ đô Ukraine một lần nữa khi Putin tới Belarus
Các quan chức Ukraine cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Belarus vào thứ Hai khiến Kyiev lo ngại rằng ông có ý định gây áp lực buộc đồng minh của mình tham gia một cuộc tấn công mới khi máy bay không người lái của Nga gần đây nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Các quan chức ở Kiev đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng Belarus có thể gia nhập lực lượng Nga và đóng vai trò là bệ phóng cho một cuộc tấn công trên bộ mới vào thủ đô Ukraine. Tổng thống Belarus Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông không có ý định đưa quân đội vào Ukraine.
Xem thêm tại: SCMP, Drones attack Ukraine capital again as Russia’s Putin heads to Belarus. Truy cập ngày 19/12/2022
Nga ráo riết sử dụng súng cối 2S4 Tyulpan mạnh nhất thế giới
Lực lượng vũ trang Nga sở hữu một trong những lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới và lực lượng này đang được tận dụng tối đa trong cuộc chiến chống lại quân đội Ukraine. Tyulpan M-1975, tên mã NATO là 2S4, là một loại xe bọc thép bánh xích cối 240mm tự hành được coi là hệ thống súng cối cơ động mạnh nhất thế giới. 2S4 được sử dụng cùng với máy bay không người lái để điều chỉnh hỏa lực và tăng độ chính xác. Các khẩu đội di chuyển đến các vị trí mới sau mỗi đợt tấn công vào tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine để liên tục gây sát thương bằng hỏa lực mà không bị hệ thống pháo binh của đối phương chú ý. Súng cối tự hành 240mm Tyulpan được thiết kế để tiêu diệt các công trình kiên cố kiểu dã chiến, sở chỉ huy, khẩu đội pháo và tên lửa cũng như các mục tiêu quân sự khác mà hỏa lực trực tiếp không thể tiếp cận. Tầm bắn của loại pháo này lên đến 10 km với đạn thông thường và lên tới 20 km với đạn hỗ trợ tên lửa.
Mỹ cáo buộc Liên Hợp Quốc nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga về cuộc điều tra máy bay không người lái của Iran
Mỹ cáo buộc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga và không cử các quan chức đến Ukraine để kiểm tra các máy bay không người lái do Nga sử dụng mà Washington cáo buộc do Iran cung cấp. Nga đã phủ nhận lực lượng của mình sử dụng máy bay không người lái của Iran ở Ukraine và lập luận rằng các quan chức Liên Hợp Quốc không có nghĩa vụ phải tới Kiev để điều tra nguồn gốc của máy bay không người lái. Iran đã thừa nhận họ cung cấp máy bay không người lái cho Moscow, nhưng chúng đã được gửi trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Xem thêm tại: Reuters, U.S. accuses U.N. of yielding to Russian threats over Iran drone inquiry. Truy cập ngày 20/12/2022
Lầu Năm Góc lên kế hoạch huấn luyện vũ khí kết hợp cho binh sĩ Ukraine
Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) thông báo đã cung cấp cả thiết bị và đào tạo để giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền của mình trước cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga. Mỹ sẽ cung cấp cho các binh sĩ Ukraine vũ khí kết hợp và huấn luyện cơ động chung. Ryder, trang web chuyên theo dõi tình hình chiến sự, cho biết thêm rằng các binh sĩ từ Bộ Tư lệnh Huấn luyện Lục quân số 7 của Bộ Tư lệnh Châu Âu và Châu Phi của Quân đội Mỹ sẽ cung cấp vũ khí kết hợp và huấn luyện cơ động chung. Dự kiến khóa đào tạo sẽ diễn ra tại các cơ sở của Mỹ ở Đức và sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. Ryder cũng cho biết Ukraine sẽ quyết định lực lượng nào thuộc lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tham gia khóa huấn luyện, dự kiến sẽ có khoảng 500 binh sĩ Ukraine tham gia mỗi tháng.
Thủ tướng Anh Sunak công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD cho Ukraine
Thủ tướng Anh Rishi Sunak chuẩn bị công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD cho Ukraine để giúp nước này chống lại Nga. Gói này bao gồm hàng trăm nghìn viên đạn pháo nhằm mục đích đảm bảo một luồng tiếp tế đạn pháo liên tục đến Ukraine trong suốt năm 2023. Thủ tướng Sunak được triệu tập để thảo luận về những nỗ lực đang diễn ra nhằm chống lại sự xâm lược của Nga ở khu vực Bắc Âu và Baltic. Hội nghị thượng đỉnh JEF quy tụ các nhà lãnh đạo từ Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Anh. Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Anh đã cam kết viện trợ khoảng 7,43 tỷ USD cho Ukraine.
Hy Lạp sẵn sàng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine chỉ vì Patriot của Mỹ
Hy Lạp sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine không chỉ hệ thống phòng không S-300 mà cả hệ thống phòng không Tor-M1 và Osa-AKM. Hy Lạp chỉ sẵn sàng trao đổi hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 để đổi lấy hệ thống phòng không PATRIOT do Mỹ sản xuất. Hệ thống tên lửa phòng không đa kênh di động S-300 PMU1 có thể đánh bại máy bay hiện đại và tương lai, tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu khác có bề mặt phản xạ lên tới 0,02 m2. Tên lửa có thể bay với tốc độ lên tới 2.800 m/s trong môi trường không kích lớn của kẻ thù và môi trường ECM khắc nghiệt và hỗn loạn.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Mỹ nói Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện các chiến lược để làm suy yếu NATO
Mỹ cho biết Nga và Trung Quốc đang “chia sẻ công cụ chiến lược” nhằm làm suy yếu các thành viên NATO, đồng thời kêu gọi các thủ đô phương Tây tăng cường nỗ lực tự vệ trước cả Moscow và Bắc Kinh. Washington đang thúc đẩy các thành viên của NATO thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, viện dẫn sự phát triển quân sự của Bắc Kinh, các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của phương Tây như mạng lưới giao thông và năng lượng, quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow và ủng hộ cuộc chiến chống lại Ukraine. Bắc Kinh không cung cấp vũ khí để Nga sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine nhưng đã hỗ trợ chính trị cho Tổng thống Vladimir Putin đồng thời lặp lại cáo buộc của Điện Kremlin đổ lỗi cho Kiev và những người ủng hộ phương Tây về cuộc chiến.
Tàu do thám Yuan Wang 5, lập bản đồ Ấn Độ Dương cho các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc
Trung Quốc đang dốc hết sức để mở rộng dấu ấn của mình ở Ấn Độ Dương. Tàu theo dõi tên lửa đạn đạo, vệ tinh và bản đồ đáy biển Yuan Wang 5 của PLA đã tiến vào Khu vực Ấn Độ Dương ngày 5 tháng 12 và rời đi qua Sahul Banks, phía tây bắc Australia, vào ngày 12 tháng 12 dường như trong một nhiệm vụ theo dõi hoạt động không gian của Trung Quốc. Hoạt động thường xuyên của các tàu theo dõi chiến lược lớp Yuan Wang cho thấy Hải quân PLA đang lập bản đồ eo biển Sunda và Lombok cho các hoạt động của tàu ngầm trong tương lai ở Ấn Độ Dương.
Triển vọng máy bay chiến đấu Trung Quốc tại Nam Mỹ tan tành khi Argentina rút kế hoạch mua
Tham vọng bành trướng vũ khí quân sự hạng nặng tại châu Mỹ – Latinh đã thụt lùi khi Tổng thống Alberto Fernandez thông báo rằng Argentina sẽ không vội thực hiện bất kỳ giao dịch mua máy bay quân sự nào. Thông báo này đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của Trung Quốc về bước đột phá lớn đầu tiên ở Nam Mỹ với máy bay chiến đấu JF-17. Máy bay chiến đấu Thành Đô FC-1/JF-17 “Thunder” của Trung Quốc, sản xuất chung với Pakistan, được cho là đi đầu trong các cuộc kiểm tra và đánh giá nhằm lấp đầy khoảng trống của Không quân Argentina về máy bay chiến đấu siêu thanh.
Xem thêm tại: SCMP, Chinese fighter jets’ South American hopes grounded as Argentina pulls purchase plan. Truy cập ngày 18/12/2022
Nga, Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân chung
Các tàu chiến của Nga đã khởi hành hôm thứ Hai để tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với Trung Quốc, một cuộc tập trận thể hiện mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước khi họ đối mặt với căng thẳng với Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu khu trục Marshal Shaposhnikov và hai tàu hộ tống của Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ tham gia cuộc diễn tập ở Biển Hoa Đông bắt đầu từ thứ Tư. Máy bay của Nga và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tập trận. Moscow và Bắc Kinh đã thể hiện sự hợp tác quân sự ngày càng tăng trong những tháng gần đây. Trung Quốc và Nga nằm trong số những mối đe dọa mà Nhật Bản cho rằng đang de dọa đến môi trường an ninh khu vực và các cuộc tập trận sắp tới là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản, bao gồm các cuộc tập trận không quân chung gần không phận Nhật Bản và thậm chí là hoạt động đi vòng quanh các đảo chính của Nhật Bản bởi một đội tàu chung Trung Quốc-Nga ở Biển Đông hồi 2021.
Trung Quốc bị cáo buộc xây dựng trên các rạn san hô không có người ở Biển Đông
Trung Quốc đang xây dựng trên một số thực thể không người ở tại Biển Đông, đây là một phần trong nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp và có khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này trong một khu vực quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Trong khi Trung Quốc trước đây đã xây dựng trên các rạn san hô, xây đảo– và quân sự hóa chúng với các cảng, đường băng và cơ sở hạ tầng khác-trên các khu vực mà mình đã kiểm soát từ lâu, thì các hình ảnh gần đây cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên các thực thể mà nước này không thực sự chiếm đóng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động dưới danh nghĩa các tàu cá đã tiến hành các họa động xây dựng trên 4 thực thể mà không quốc gia nào chiếm đóng trước đây, trong suốt 10 năm. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy một tàu hải quân Trung Quốc đang dỡ hàng khỏi một máy đào thủy lực được sử dụng trong các dự án cải tạo đất tại đá Én Đất (Eldad Reef) ở phía bắc Quần đảo Trường Sa vào năm 2014. Các hoạt động tương tự được phát hiện tại đá An Nhơn (Lankiam Cay). Các thực thể nửa chìm nửa nổi như đá Ba Đầu (Whitsun Reef) hay Hoài Ân (Sandy Cay) cũng chứng kiến những thay đổi quan trọng về cấu tạo, khiến chúng dần biến thành các thực thể nổi hoàn toàn trên mặt biển khi triều lên.
Các quan chức cảnh báo rằng hoạt động xây dựng mới nhất của Bắc Kinh cho thấy nỗ lực mới nhằm thay đổi nguyên trạng, mặc dù còn quá sớm để kết luận liệu Trung Quốc có tìm cách quân sự hóa chúng hay không. Theo sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án Trung Quốc vì các hoạt động cải tạo được cho là liên tục của Bắc Kinh ở các thực thể không có người ở trên Biển Đông khi các hoạt động này vi phạm thỏa thuận hiện có về vùng biển tranh chấp. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila bác bỏ báo cáo và gọi đó là “tin giả”. Đại sứ quán cũng trích dẫn một cuộc điều tra được cho là về một tài khoản Twitter thuộc về một cơ quan nhất định, SCS Probing Initiative, đã bác bỏ tính xác thực của báo cáo.
Quân đội Trung Quốc mô phỏng tấn công quần đảo Nansei
Một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công vào quần đảo Nansei của Nhật Bản kể từ ngày 16 tháng 12. Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã chỉ thị cho quân đội bắt đầu cuộc tập trận vào ngày chính phủ Nhật Bản công bố ba văn kiện quan trọng liên quan đến quốc phòng. Một đơn vị hoạt động ở tây Thái Bình Dương phía nam tỉnh Okinawa do tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Hải quân Trung Quốc dẫn đầu đã tham gia cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 26/12. Trung Quốc được cho là sẽ tiến hành các cuộc tập trận tấn công tầm xa từ vùng biển phía tây Thái Bình Dương, mô phỏng các vụ phóng tên lửa nhắm vào các đảo trong chuỗi Nansei, nơi Nhật Bản đang xem xét triển khai tên lửa. Máy bay trên tàu Liêu Ninh đã bắt đầu diễn tập hạ cánh và cất cánh vào ban đêm.
______________
Đỗ Hứng gởi